9. Bà La Sát
[Ngọc thô phải trải qua nhiều ngày mới về đúng giá trị. Sắt thép mài giũa mới nên kim. Con người cũng vậy, nỗ lực học tập lại biết đối nhân xử thế thì mới có thể xây dựng tương lai sáng lạn.]
Thiết Phiến Công Chúa, một nhân vật nổi tiếng trong Tây Du Ký, vợ của Ngưu Ma Vương và mẹ của Hồng Hài Nhi. Nhưng bà còn có tên gọi khác là Bà La Sát? Khi lần đầu tiên coi đến tập phim "Ba lần mượn quạt Ba Tiêu" của Tây Du Ký, ông ngoại từng chậm rãi kể tôi nghe rằng: "Bà La Sát" là tên một loại ác thần trong Ấn Độ giáo, được biết đến với tính cách dữ dằn, tàn nhẫn. Cái tên này được gán cho Thiết Phiến Công Chúa bởi bà có vẻ ngoài đáng sợ và thường hành động quyết liệt, không ngần ngại dùng sức mạnh để đạt được mục đích của mình.
Tôi ưu ái, âm thầm đặt cái tên này cho cô Xuân. Không phải vì cô là người khó tính nhất, mà bởi cô dường như lúc nào cũng hà khắc với cả lớp.
Một lần vào đầu tiết học, cô bất ngờ yêu cầu kiểm tra tập vở đột xuất. Đứa nào không làm bài, cô lại phạt một roi. Một lần khác trong tiết Toán, cô giao bài tập và yêu cầu cả lớp làm ngay tại chỗ. Lũ bạn trong lớp, ai nấy đều cắm cúi làm, cố gắng hoàn thành cho xong để cuối giờ nộp lấy điểm kiểm tra miệng.
Thói quen xấu duy nhất theo tôi suốt thời đi học chính là tiết học môn này, tôi lại làm bài tập môn khác. Hành động "Râu ông này cắm cằm bà kia" đó khiến giáo viên nào cũng khó chịu, đương nhiên cô Xuân không phải là ngoại lệ.
Kẻ liều lĩnh phải trả giá.
Mỗi đầu giờ trước vào bài mới, cô Xuân luôn cho bài tập để kiểm tra kiến thức cũ, cô đi dọc các bàn để kiểm tra một lượt toàn bộ cả lớp. Đến chỗ tôi cô giật ngay cuốn vở Sinh học đang chép dở trên bàn rồi mắng to: "Em giỏi quá ha, chắc em làm xong hết rồi nên không cần tôi dạy nữa. Đi ra ngoài cho tôi!" Tôi ngỡ ngàng. Mấy phút trước tôi liều lĩnh chép cho xong đáp án của môn Sinh, còn mặc kệ nhỏ Huyền cố nhắc nhở.
Tôi thấy mình sai nhưng tôi cố chấp không muốn xin lỗi. Thế là tôi cứ ung dung bước ra ngoài lớp, đứng một mình dựa vào tường để trả giá cho việc đó.
Mối quan hệ của tôi với cô Xuân không mấy êm đẹp.
Có lần, tôi ngồi tán dóc với Huyền trong giờ làm bài tập nhóm. Do cô đi ra ngoài nên cả lớp đứa nào đứa nấy hoạt động cơ miệng hết cỡ. Nghe nhỏ Huyền kể một câu chuyện hài, tôi với Ngọc đều cười phá lên. Khác biệt là Ngọc cười mỉm rất dịu dàng, còn tôi lại cười phá lên. Đúng ngay lúc đó, từ cửa vang lên tiếng mắng: "Trang, em cười cái gì, đứng dậy từ giờ đến hết tiết."
Cả lớp im phăng phắc, ánh mắt mấy đứa nhìn tôi như muốn nói "Lần này mày xui rồi." Phạt tôi xong cô Xuân đứng trên bục, đập tay vào tấm bảng đen phía sau, răng đe lớp.
"Tôi đi chưa được 5 phút, các em đã quậy phá vậy rồi. Còn ai nữa dám nói chuyện không?"
Huyền thì thầm: "Cô ghim mày rồi, xui quá đi!" Tôi chẳng thèm để ý, đáp lại: "Kệ tao!" Nhưng khi thấy tôi và Huyền vẫn cười khúc khích, cô Xuân càng tức giận hơn, phạt cả hai chúng tôi cùng đứng tại chỗ.
Một trong những tính cách mà tôi chẳng ngờ nó lại xuất hiện ngay đầu thời điểm dậy thì, đó là liều lĩnh. Ác cảm với cô Xuân, tôi chẳng còn thích học Toán nữa. Khi đến giờ toán, tôi bắt đầu làm việc riêng: không nói chuyện thì cũng nhìn ngắm trời đất, không thì lại ngủ. Cô Xuân có thể đánh hay mắng tôi nhưng cũng cô không trị nổi cái tính cố chấp, ngoan cố đó. Mâu thuẫn "thầy trò" của tôi và cô dường như không giảm xuống chút nào. Cho đến hôm nay tôi mới nhận ra sự cố chấp của mình.
Đầu giờ tiết ôn tập, cô Xuân bắt đầu cho làm bài tập, một số bài tập nâng cao để cả lớp hiểu thêm sâu vào bài học. Mấy bài toán này đối với tôi chẳng khó lắm, nhờ những lần tôi ngồi ngắm anh Tùng làm bài tập, anh lại cẩn thận chỉ mẹo làm bài cho tôi khi còn ở Đà Lạt. Tôi nhớ mãi lời anh từng nói: "Để tiếp cận một bài toán, trước tiên phải nhận dạng nó thuộc loại bài gì. Sau đó áp dụng công thức đã học và làm nhanh gọn. Công thức cũng như võ công trong truyện võ hiệp, phải luyện nhuần nhuyễn thì mới xưng bá được."
Tôi gật gù nghe anh giảng giải, nhưng thật ra có chỗ hiểu, chỗ không. Sau này, tôi thường mượn thêm sách tham khảo từ tiệm sách cũ để về nhà làm thêm bài tập, mỗi lần làm lại ngộ ra nhiều điều, dần dần, tôi sử dụng các mẹo làm bài đó nhiều hơn. Nhờ vậy, đề toán của cô Xuân hôm nay không làm khó được tôi. Tôi lướt qua đề, xác định câu nào dễ làm trước, câu khó sẽ làm sau. Mỗi khi tính ra kết quả, tôi lại kiểm tra lại hai lần cho chắc chắn. Sau khoảng 60 phút, tôi đã hoàn thành bài thi, nhỏ Huyền thấy thế thì huých nhẹ:
"Ê, mày làm lẹ dữ vậy, chỉ tao câu này với!"
Tôi mỉm cười đắc ý, lấy tờ giấy nháp viết sơ qua cách tính rồi đẩy nhẹ sang cho Huyền. Nhỏ đọc mà mắt sáng rỡ như vừa ngộ ra điều gì đó, liền loay hoay làm cho xong bài. Tôi thì xong việc, nằm gối đầu lên bàn, thả lỏng đôi chút. Bỗng cô Xuân đi lại cạnh bàn tôi, nhẹ giọng nhắc: "Em làm xong rồi à, Trang?" Tôi bật dậy, mắt còn mơ màng, gật đầu. Cô Xuân bảo tôi đưa bài làm, cô lướt qua một lượt rồi đặt lại trên bàn, trầm ngâm mà không nói gì, rồi đi lên lại bàn giáo viên. Thấy thái độ của cô như vậy, tôi không khỏi ngạc nhiên.
Cô tiện tay bẻ một thỏi phấn trên bàn, rồi viết những dòng nguệch ngoạc trên bảng. Nét chữ tuy không đẹp nhưng rõ ràng, đủ để hiểu được con chữ. Những dòng lời giải như được lập trình sẵn, đầy đủ, ngắn gọn, không dư thừa bất kỳ một chữ nào. Cô lấy thêm những viên phấn màu khác trên bàn, ghi chú những ý chính của từng dòng. Gạch chân bằng phấn màu đỏ những chỗ cần lưu ý để không bị mắc sai sót trong lúc làm. Các chú thích bằng phấn vàng, xanh chi chít trên bảng, cô vừa ghi vừa giảng. Cả lớp bắt đầu chép lấy chép để, tôi không mảy may quan tâm vì tôi đã ra kết quả đúng theo trên bảng rồi.
Cuối giờ, cô Xuân ngồi ghi ghi chép chép trên một tờ giấy rồi thông báo với giọng nghiêm khắc: "Sau khi quan sát cả lớp làm những bài này, cô nhận thấy có một vài bạn còn khá kém. Cô sẽ đọc tên lần lượt, em nào có tên thì sẽ học phụ đạo thêm với cô để chuẩn bị kỳ thi cho thật tốt."
Nhỏ Huyền bên cạnh thở phào nhẹ nhõm khi không có tên trong danh sách, vẻ mặt tươi tỉnh hẳn lên. Tôi cũng bắt đầu cảm thấy nhẹ nhõm khi đọc qua tên mình rồi, nhưng rồi bất ngờ cô Xuân gọi tên tôi: "Trang, người cuối cùng, em ở lại gặp cô một chút." Tôi sững người, còn chưa kịp phản ứng thì Nhỏ Huyền mặt mày hớn hở: "Tao xuống dưới lấy xe đợi mày dưới cổng trường trước nhé!" Tôi nhìn nhỏ cười trừ rồi gật đầu đồng ý. Nhìn theo bóng lớp ra về hết, chỉ còn tôi với cô Xuân. Cô nhìn tôi, nhẹ giọng nói:
"Bài này em làm đúng, nhưng cách giải không chính thống, có thể dẫn đến sai sót nếu áp dụng vào trường hợp khác. Em nên đổi sang cách này."
Cô Xuân lấy phấn viết ra những chỗ tôi không trùng khớp với cách làm của cô, tôi chăm chú nhìn và ngộ ra thêm nhiều điều mới. Khác với cách làm "đánh nhanh thắng nhanh" của anh Tùng, cô Xuân lại chậm rãi ghi chi tiết từng phần. Cô tiếp tục bảo: "Em trình bày khá vắn tắt, bỏ qua nhiều bước quan trọng. Nếu là giáo viên khác, em sẽ bị trừ điểm oan đấy. Hãy lưu ý những chỗ cô đánh dấu trên bảng để sửa lại cho đúng."
Nhìn lướt qua bài làm của tôi, cô chống cằm nhận xét: "Trang, em làm Toán số rất tốt, nhưng cô nhận thấy Toán hình thì lại mắc nhiều lỗi trong cách chứng minh." Cô Xuân khoanh tròn vào phần bài làm của tôi xong nói tiếp: "Đây chỗ này, phần lập luận của em chưa đủ chặt chẽ, dẫn đến kết quả đúng nhưng bị thiếu quá trình. Thôi về đi, hôm học phụ đạo nhớ có mặt."
Đến lúc này tôi mới ngẩn người ra, hóa ra cách làm bài cũng ảnh hưởng tới điểm số. Mà điều làm tôi ngạc nhiên hơn là chưa bao giờ cô lại nhẹ nhàng với tôi đến thế. Những lời nhận xét chân thành không chỉ làm tôi ngỡ ngàng mà còn khiến tôi cảm thấy có chút ấm áp. Chẳng lẽ hôm nay cô Xuân trúng số hay sao? Tôi tự hỏi nhưng cảm thấy buồn cười, bỏ đi cái ý nghĩ tào lao đó khỏi đầu. Bước ra ngoài, lòng tôi đầy tâm sự mang bao suy nghĩ về cô giáo mà tôi nghĩ là khó khăn nhất trong cuộc đời của mình.
***
Nhỏ Huyền đang đợi tôi ở dưới cổng trường, tôi giả bộ đi lặng lẽ, vồ lên một cái. Nó giật mình la lên: "Trời ơi, hết hồn con quỷ này!" Tôi cười khoái chí.
"Mày đợi tao có lâu không?" Tôi xoa xoa lưng trấn an nhỏ.
"Không, tao mới đứng có một tí thôi. À mày có bị la gì không?"
Tôi ngồi trên xe nó, Huyền vẫn đạp xe phóng rất nhanh trên đường, thuật lại mọi chuyện cho nó nghe. Nhỏ trầm trồ thốt lên:
"Ơ, sao nay mày hên thế? Tao còn lo là mày bị mời phụ huynh vì môn này không đấy. Mà nay tao thấy bả nhìn mày với thái độ khác hẳn, đặc biệt là sao khi xem bài làm của mày."
Tôi cười trừ: "Tao cũng không hiểu chuyện gì xảy ra với bả nữa."
Chúng tôi ghé vào tiệm hủ tiếu gõ lề đường quen thuộc, nơi mẹ của Huyền đang bán. Quán lúc này đông nghịt người, hầu như không còn chỗ trống.
Khi vừa thấy Huyền, mẹ nhỏ liền hỏi, "Con mới đi học về hả? Mà bạn đi cùng là ai thế?"
Tôi mỉm cười, lễ phép đáp, "Dạ, con là bạn cùng lớp của Huyền, con tên là Trang ạ."
Bà gật đầu mỉm cười, rồi quay lại với công việc bán hủ tiếu. Hai đứa tôi liền xắn tay áo, nhiệt tình phụ mẹ Huyền bán cho khách. Quán đông nghẹt, mà chỉ một lúc là hết sạch. Chúng tôi phụ mẹ Huyền dọn quán, cô vui vẻ quay sang bảo tôi:
"Cô cảm ơn con đến phụ nha, con vào nhà ngồi chơi cho mát nhé!"
Tôi xua tay: "Dạ không sao đâu cô, con ngồi nghỉ trước nhà được rồi ạ."
Tôi ngồi nghỉ một lát, nhỏ Huyền từ trong nhà bưng ra cái bình trà đá to:
"Nè, tao mới pha trà đường, uống đi cho mát!"
"Cảm ơn nha bạn tôi!"
Tôi uống một hơi hết ly trà, cảm giác mát lạnh lan tỏa khắp người. Sau đó, tôi rủ Huyền cùng nhau tập văn nghệ. Không có nhạc cụ, chúng tôi đành tự nhẩm theo giai điệu trong đầu, rồi từng bước, từng động tác, tôi chậm rãi hướng dẫn Huyền theo từng nhịp điệu. Cả không gian xung quanh như chợt lắng lại, chỉ còn vang vọng tiếng cười nói của hai đứa, những bước chân nhẹ nhàng trên nền đất, và niềm vui giản dị của một buổi chiều mát lành.
Hai đứa tập xong, sau khi Huyền nhìn đồng hồ thì bảo đã 7 giờ tối, rồi nó hối thúc thúc tôi phải về nhà, khuya quá dễ gặp kẻ xấu. Huyền chạy ra lấy cái xe đạp, còn tôi thì xách cặp theo sau, tôi chào mẹ nhỏ Huyền một tiếng rồi Huyền chạy xe đạp phóng đi.
Lúc này, trời đã tối hẳn, xe cộ ngoài đường cũng trở nên đông đúc hơn nhiều. Ở Sài Gòn, nhịp sống về đêm như thế này dường như đã trở thành thói quen của mọi người. Huyền hôm nay lại chọn một con đường khác để đi, vừa đạp xe vừa lẩm bẩm mắng mấy cái lô-cốt[1] chắn hết lối, buộc chúng tôi phải đi vòng đường khác. Hai đứa đạp xe tới đầu đường Bùi Viện. Con đường này xe cộ vẫn qua lại như thường, nhưng điều khiến tôi chú ý là những ánh đèn vàng lập lòe từ các bảng hiệu sáng rực, và phần lớn người đi bộ trên vỉa hè đều là Tây ba lô. Tôi nhớ ba từng kể về họ — những người nước ngoài với chiếc túi to đùng, đi chu du khắp nơi. Dĩ nhiên, cũng có vài người Việt lẫn trong đó, nhưng đa phần họ đều đi cùng nhóm bạn Tây.
Không khí nhộn nhịp không chỉ dừng lại ở các căn nhà mặt tiền mà còn len lỏi vào tận các hẻm nhỏ, nơi những dịch vụ du lịch từ lưu trú, lữ hành, đến các khu ăn uống, bán hàng lưu niệm, cho thuê xe máy, và cả giặt ủi đều tấp nập. Tôi quay lại nói với Huyền, giọng có chút tò mò và phấn khích:
"Chỗ này toàn khách du lịch hả mày?"
"Đúng rồi! Ở đây nổi tiếng là khu phố dành cho người Tây đó, tại mấy người Tây hay ở đây, tao nghe ba tao nói vậy á." Nhỏ Huyền nói ở đằng trước.
Tôi đưa mắt nhìn quanh, chợt để ý đến bảng hiệu của quán kia có chữ "beer," mà theo như anh Tùng từng kể, đó là từ "bia" trong tiếng nước ngoài. Anh từng nói với tôi rằng, quán nào có chữ này thì thường được gọi là quán "nhậu," nơi người ta bán những loại thức uống có cồn như "bia" hay "rượu." Anh bảo rằng nếu ai uống nhiều thì thần trí sẽ bị rối loạn, không còn giữ được sự tỉnh táo nữa. Lúc đó, tôi nghe mà vẫn còn mơ hồ, chưa hình dung được làm sao một thứ thức uống lại có thể khiến con người mất tỉnh táo. Nhưng giờ nhìn xung quanh quán nhậu đó, tôi mới phần nào hiểu được lời anh nói.
Hầu hết những người trong quán đều ở trong trạng thái mà tôi đoán là không còn tỉnh táo nữa. Mặt họ đỏ bừng như những người đang sốt nặng, giọng nói thì oang oang, cứ như không biết tiết chế âm lượng. Tôi có thể nghe rõ mồn một từng câu chuyện mà họ đang tán gẫu, những lời nói lẫn lộn, thiếu kiểm soát, rõ ràng là biểu hiện của những người đã uống quá nhiều rượu bia, hay như anh Tùng gọi là "say."
Tôi nhớ lại cả anh Tùng lẫn ba mẹ đều dặn dò tôi phải tránh xa những nơi thế này, và đó cũng là điều tôi đang thực hành ngay lúc này — lặng lẽ rời đi, tránh càng xa càng tốt.
Huyền đạp xe phía trước, thấy tôi ôm chặt lấy nó, liền quay lại bảo:
"Sao mày ôm tao chặt dữ vậy, có gì đâu mà sợ!"
"Tao nghe người ta nói là họ sẽ bắt mình và làm chuyện xấu đó!" Tôi lo lắng nói.
Vừa nói dứt câu, chẳng biết vận xui ở đâu ập ngay đến chúng tôi. Ba người đàn ông cao lớn đi xe máy, chạy song song với chúng tôi, ánh mắt đầy ý đồ khi nhìn thấy chúng tôi mặc đồng phục học sinh. Một trong số họ — một người da trắng cao to, tóc xoăn màu vàng, bất chợt cất tiếng trêu ghẹo:
"Hey girls, you are beautiful! Come play with us!"
Cả tôi và Huyền đều không hiểu câu nói ấy có nghĩa gì, nhưng cảm giác bất an len lỏi trong lòng. Tôi kéo áo Huyền, giọng run rẩy hỏi, "Ê mày, mày có hiểu ông Tây kia nói gì không?" Huyền lắc đầu, ra vẻ chẳng hiểu gì cả. Nhưng bất kể ý nghĩa của câu đó là gì, tôi biết chắc rằng chẳng có điều gì tốt lành từ thái độ của bọn họ.
Nếu tôi có cỗ máy thời gian của Đô Rê Mon, tôi sẽ ngay lập tức quay lại thời điểm trước khi đi ngang qua con đường Bùi Viện chết tiệt này. Những ý tưởng điên rồ này chắc chắn chỉ có nhỏ Huyền mới nghĩ ra được. Tôi chỉ có thể thốt lên một câu ngay lúc này: tất cả là tại con Huyền.
Tôi giục Huyền đạp xe thật nhanh, hai đứa cứ như đang chạy đua với tử thần. Nhưng làm sao mà thoát được, khi ba gã đàn ông kia đi xe máy, chỉ cần vặn ga là lập tức bắt kịp chúng tôi. Tôi càng hối thúc Huyền hơn, giọng đầy lo lắng và sợ hãi:
"Tăng tốc lên, đạp lẹ đi, ba thằng cha đó dí tới nơi rồi á!" Tôi thốt lên, giọng hoảng loạn.
"Mày tưởng tao không cố hả? Tao đạp muốn lòi phèo rồi đây này, mày giỏi thì lên mà đạp!" Huyền vừa la lớn vừa đạp xe hết sức.
Tôi đang lo lắng không biết nên làm gì tiếp theo thì bỗng nhiên nghe tiếng động cơ xe máy gầm rú phía sau. Ba chiếc mô tô đen tuyền phóng tới, vượt lên trước, rồi bất ngờ một chiếc trong số đó ép sát xe của ba gã đàn ông đang đuổi theo chúng tôi. Một cú đạp mạnh từ người ngồi trên mô tô khiến chiếc xe máy của bọn họ đổ nhào xuống đường.
"What the f**k!" Tên Tây ba lô chửi thề, lật lại chiếc xe, rồi tức tối phóng đi đuổi theo những chiếc mô tô vừa cản đường họ. Chiếc mô tô cuối cùng phóng tới chỗ xe đạp của tôi và Huyền, và trong khoảnh khắc ngắn ngủi ấy, tôi bắt gặp một ánh mắt quá đỗi quen thuộc. Cậu thanh niên trên xe mặc áo sơ mi trắng tay ngắn, khuôn mặt phần nào bị che khuất bởi chiếc khẩu trang lớn và ánh sáng yếu ớt từ đèn đường. Mái tóc ngắn cắt theo kiểu đầu đinh gọn gàng. Ánh nhìn đó, sự quen thuộc ấy, khiến trái tim tôi đập nhanh hơn, như thể nó đang nhớ lại một điều gì đó đã từ lâu không cảm nhận được.
"Hai đứa em có sao không?" Anh ta cất tiếng hỏi, giọng nói ấm áp, đầy sự an tâm.
"Dạ, tụi em không sao ạ, cảm ơn anh đã cứu bọn em," Huyền đáp lời, giọng vẫn còn pha chút run rẩy nhưng đầy cảm kích.
"Ở khu này nguy hiểm lắm, đặc biệt là vào buổi tối. Đây là khu dành cho khách Tây, nên thường có nhiều thành phần bất hảo. Để anh hộ tống tụi em về nhà nhé!" Anh ta nói rồi quay sang nhìn tôi, ánh mắt dường như có chút ngạc nhiên, nhưng anh không nói gì thêm. Chẳng mấy chốc, chúng tôi đã đến trước cổng khu chung cư. Như một làn gió, anh ta đã biến mất ngay sau đó.
Tôi quay sang nhìn Huyền, lòng vẫn còn chưa hết bàng hoàng:
"Mày về một mình an toàn không? Lỡ mấy người kia quay lại thì sao?" Tôi nắm chặt tay cầm xe của Huyền, lòng lo lắng không yên.
Huyền nhìn quanh một lúc rồi trấn an tôi: "Không sao đâu, tao quen chỗ này lắm rồi. Với lại mới 7 giờ 15 mà, tao sẽ đi đường khác về." Nói rồi, nó không đợi tôi đáp lại, liền đạp xe đi mất.
"Mày về cẩn thận đó nha, Huyền!" Tôi gọi với theo, Huyền chỉ vẫy tay rồi tiếp tục đạp xe về phía trước.
Ngập ngừng đứng trước cổng chung cư, tôi cảm thấy mình như đang đứng giữa hai thế giới. Một bên là hiện thực, nơi tôi đang đứng đây, còn bên kia là quá khứ, nơi những ký ức về một người anh luôn sống động trong tâm trí tôi. Trí óc tôi cứ vô thức tìm kiếm một dấu hiệu, một điều gì đó để khẳng định những gì vừa xảy ra là thật. Nhưng tất cả những gì còn lại chỉ là sự im lặng bao trùm. Anh ấy rời đi nhanh quá.
Mãi chìm đắm trong những suy nghĩ mơ hồ, tôi chợt nghe thấy tiếng gọi tên mình.
"Trang ơi!" Thắng chạy tới, thở hồng hộc, rồi dựng chiếc xe đạp xuống, đứng lại nhìn tôi với đôi mắt đầy lo lắng.
"Lúc nãy thấy cậu với Huyền đi chung với nhân viên quán nhậu, tớ lo lắng nên đi theo xem sao." Cậu ấy vừa nói, vừa thở, ánh mắt vẫn không ngừng quan sát xung quanh.
Tôi nhìn Thắng, khuôn mặt cậu ấy lấm tấm mồ hôi, đôi mắt vẫn còn đọng lại chút lo lắng.
"Tớ không sao, cảm ơn cậu nhiều nha. Trời cũng tối rồi, cậu về đi kẻo ba mẹ lo." Tôi cố gắng nở một nụ cười.
"Cậu không sao là tốt rồi, tớ đi về nhé." Giọng Thắng dịu lại, có phần nhẹ nhõm hơn. Cậu ấy vẫy tay chào tôi rồi quay người leo lên chiếc xe đạp. Tôi định đưa tay lên, muốn gọi tên Thắng, muốn nhắc cậu ấy cẩn thận, nhưng rồi lại thôi. Tôi đứng lặng nhìn theo bóng Thắng khuất dần trong màn đêm, cảm giác như có điều gì đó không thể chạm tới, không thể nói ra, cứ lặng lẽ lớn lên trong lòng.
Vô tới nhà, tôi ngồi ăn cơm cùng gia đình, nhưng tâm trí thì cứ mãi bay bổng. Mẹ nhìn tôi rồi hỏi:
"Nãy giờ con đi đâu mà về trễ vậy?"
"Dạ, con đi tập văn nghệ ạ."
"Gần thi giữa học kỳ I rồi, con phải tập trung học hành. Ba cái văn nghệ đó tập cho vui thôi, đừng quá chú tâm làm gì." Mẹ tôi nhắc nhở, giọng nghiêm khắc.
Tôi chỉ "dạ" một tiếng rồi tiếp tục ăn, đầu óc vẫn còn lơ đãng. Ba tôi ngồi cạnh, nhẹ nhàng nói với tôi: "Không sao đâu con, mẹ con lo lắng cho chuyện học của con nên mới vậy. Con đừng để bụng nhé!" Tôi gật đầu nhẹ, rồi sau đó dọn dẹp chén đĩa, rửa tay mà lòng vẫn còn bồi hồi.
******
Lớp phụ đạo của cô Xuân đông nghịt, đông hơn cả những gì tôi hình dung. Ban đầu, tôi cứ nghĩ chỉ có vài đứa bạn cùng lớp, nào ngờ cô ấy lại gom cả hai lớp khác vào đây. Hai dãy bàn dài bất tận, chia tách chúng tôi thành hai phe rõ rệt: lớp tôi bên trái, lớp kia bên phải.
Khác hẳn với vẻ nghiêm khắc thường ngày trên bục giảng, cô Xuân giờ đây lại dịu dàng đến lạ. Không chỉ bổ sung thêm bài tập, cô còn truyền đạt những mẹo tính nhẩm thần tốc bằng máy tính.
Không khí trong lớp học như bị nén lại, nặng trĩu. Tiếng lách cách đều đặn của máy tính cầm tay xen lẫn tiếng thì thầm trò chuyện của các bạn học tạo nên cảnh tượng ồn ào hết cỡ. Mặc kệ mọi chuyển động của cả lớp nhanh dần theo thời gian, tôi lại để bản thân trôi nhẹ theo áng mây ngoài cửa sổ.
Bên ngoài, những tán cây phượng già xòe rộng bóng mát, vài chiếc lá vàng úa lác đác rơi xuống. Một vài bạn học đang tập luyện văn nghệ dưới sân, tiếng nhạc trộn lẫn với nhau vang vọng khắp sân trường. Mắt tôi lơ đãng nhìn theo những đám mây trôi bồng bềnh, đầu tựa vào lòng bàn tay, cảm giác như muốn tan chảy vào không gian bình yên đó.
Cơn buồn ngủ ập đến, tôi chỉ muốn được gục đầu xuống bàn, nhắm mắt lại và quên hết mọi thứ. Đúng lúc ấy, một bóng dáng quen thuộc lọt vào tầm mắt tôi. Tim tôi rung lên, đôi mắt sáng bừng lên khi nhận ra Thắng đứng giữa sân trường. Cậu ta đang loay hoay để theo kịp các động tác của cả nhóm. Bất giác giữa động tác xoay người, ánh mắt chúng tôi lại giao nhau trong cùng một lúc, dù chỉ ngắn ngủi nhưng nó đủ để tim tôi sắp chạy khỏi lòng ngực. Vội vàng, tôi quay đầu vào bài tập, cố gắng tập trung vào từng con chữ, nhưng tâm trí tôi vẫn cứ lơ đãng nghĩ về khoảnh khắc vừa rồi.
[1] Lô-cốt: Một cấu trúc bảo vệ, thường bằng bê tông cốt thép, với một khoảng hở nhỏ được sử dụng để bảo vệ người và các thiết bị điều khiển, chỉnh hướng hỏa lực, quan sát và hoạt động.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro