Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

11. Đĩa nhạc

[Bộ não giống như một chiếc đĩa CD, nó lưu trữ những giai điệu đẹp nhất của đời người.

Thật kỳ diệu khi con người có khả năng ghi lại những kỷ niệm quý giá ấy, để mỗi lần nhớ lại, ta như được sống thêm một lần nữa trong khoảnh khắc đã qua. Nhưng dù ta có trân trọng bao nhiêu, chiếc đĩa ấy rồi cũng sẽ có những vết xước theo thời gian, như chính ký ức trong tâm trí cũng không tránh khỏi những tổn thương.]

Chủ đề ngoại khóa được bàn tán rộng rãi khắp trường. Không bạn nào là không nói về nó. Ban nãy trước khi vào giờ học, tôi còn nghe đứa nào đó nói rằng học sinh lớp 9 được đi ra biển. Tôi tò mò, đi ra biển thì sẽ có cảm giác ra sao? Từ nhỏ giờ tôi cũng chưa biết hương vị của biển có mùi như thế nào.

Mãi tưởng tượng về cảnh những con sóng vỗ mạnh vào bờ thì tiếng cô Văn đã kéo tôi quay về đất liền.

"Bây giờ cô phát tờ thông tin, ở đây ghi chi tiết chuyến đi, mặt sau có phần thông tin để điền, phụ huynh ký tên, đánh dấu rồi cắt phách ra nộp lại cho cô. Lớp trưởng lên phát ra đi”

Nhận tờ giấy từ Ngọc, tôi nghe tiếng Huyền hỏi bạn ấy: "Lần này cậu được đi không?” Ngọc không đáp, chỉ khẽ lắc đầu, nhỏ Huyền cũng im bặt. Tôi thầm nghĩ phụ huynh bạn ấy chắc cũng như tôi, cũng đầy những quy tắc.

* * *

Thấm thoát ngày đi chơi với lớp cũng sắp tới, trong lòng tôi không giấu nổi sự hào hứng. Đây là một dịp đặc biệt, và dù cố tỏ ra bình thản, nhưng tâm trạng tôi lúc nào cũng bồn chồn mong đợi. Nhỏ Huyền, đứa bạn thân của tôi, thì háo hức thấy rõ. Sáng nào nó cũng đến lớp thật sớm, hôm nay cũng không ngoại lệ. Vừa thấy tôi bước vào lớp, nó liền chạy lại, giọng nói không kìm được sự phấn khích:

“Mày mua đồ chưa? Tính đem gì ăn theo không? Trên xe buýt chỉ có bánh mì với chả thôi, ngán lắm. Tao nghĩ nên mang theo bánh bông lan Kinh Đô, ngon bá cháy luôn. À, tao có đem theo cái thảm để trải cỏ nữa, mẹ tao còn chuẩn bị thêm mấy bịch snack khoai tây với mấy chai coca, bảo đảm ăn no nê luôn.”

Tôi bật cười, không ngờ nó lại mê đi chơi đến mức chuẩn bị kỹ lưỡng như thế. Còn tôi, đây là lần đầu tiên được tham gia một chuyến dã ngoại với lớp. Ở Đà Lạt, trường nhỏ, sĩ số học sinh ít, còn điều kiện kinh tế của tôi cũng chẳng khá giả, nên những chuyến đi chơi như vậy thường là ngoài tầm với. Trước giờ, những lần đi chơi của tôi chỉ là loanh quanh chợ đêm, ghé thăm mấy cái thác nước hay ngồi ngắm hồ Xuân Hương cùng anh Tùng. Vì vậy, lần này tôi cũng không giấu nổi sự trông chờ.

Vốn dĩ tôi cũng không nghĩ mình có cơ hội được tham gia. Thành tích học tập của tôi năm ngoái chỉ thuộc dạng trung bình. Khi ấy, tôi mãi chơi hơn là chú tâm vào bài vở, nhưng rồi năm nay, tôi đã cố gắng nhiều hơn, dù không mong đợi quá nhiều về kết quả. Khi nhận sổ liên lạc, tôi bất ngờ thấy điểm số của mình cao hơn tưởng tượng. Mẹ tôi, dù không quá hài lòng, nhưng cũng thừa nhận rằng tôi đã có tiến bộ. Tối đó, tôi đã nghe mẹ gọi điện thoại bàn cho ông ngoại tới tận khuya.

Hai hôm sau, khi cảm thấy tự tin hơn, tôi đã lấy hết can đảm nói với mẹ: “Mẹ ơi... Tuần sau trường tổ chức đi khu du lịch Lạc Hồng, mẹ đóng tiền cho con đi với nhé.”

Mẹ đang đứng rửa chén, không quay lại, chỉ nói bằng giọng đều đều: “Thấy con cũng tiến bộ hơn, cho con đi, coi như phần thưởng.”

Ngay lập tức, từ đằng sau, thằng Trọng hét lên: “Không được, con cũng muốn đi!”

Mẹ quay lại, nhìn nó và nghiêm khắc: “Thôi, bữa đó chị con đi thì mẹ dẫn con và ba đi chơi riêng.”

Nghe vậy, nó liền nở nụ cười mãn nguyện, chẳng còn dỗi hờn, quay sang nhìn tôi với ánh mắt tự mãn, như muốn nói rằng nó cũng sẽ được đi chơi. Tôi chẳng bận tâm lắm, chỉ cần mục đích của tôi đạt được, là an lòng lắm rồi.

Cả lớp tôi, hầu như đứa nào cũng được đi, nên danh sách tham gia gần như đầy đủ, chỉ có một số ít là không tham gia. Nghe Huyền nói lớp A5 và A7 cũng sẽ tham gia, mà Thắng với Nhi cũng được đi. Tim tôi bỗng rộn ràng như vừa trúng tờ vé số độc đắc. Vậy là hôm ấy, tôi sẽ có cơ hội đi chơi cùng Thắng rồi!
****
Sở thích tốt, người sẽ tốt. Ở trong quá trình trưởng thành, tôi lại phát triển thói quen xấu, đó là tính so sánh, hay còn có cái tên gọi mỹ miều hơn là “kén cá chọn canh.”
Huyền rủ tôi đi siêu thị SMart gần nhà để mua vài thứ chuẩn bị cho chuyến đi chơi ngày mai. Ban đầu, tôi không định mua thêm gì. Mẹ tôi vốn luôn thích tự chuẩn bị mọi thứ ở nhà, thường bỏ đồ ăn vào hộp cơm giữ nhiệt hình tròn theo tầng. Tôi thầm bắt đầu so sánh đồ ăn mẹ làm với bánh kẹo trong siêu thị. Mẹ lúc nào cũng nghĩ rằng tự nấu sẽ tiết kiệm hơn nhiều so với mua ngoài. Nhưng tôi thì lại chẳng mấy hứng thú với đồ ăn ở nhà, không phải vì mẹ tôi nấu dở, mà đơn giản là cứ nghĩ đến khay đồ ăn toàn cá với cá, tôi lại cảm thấy chán ngán. Thà ăn mì gói hay bánh snack còn hơn. Vì thế, cuối cùng tôi cũng chấp nhận ý tưởng đi siêu thị của Huyền.
Đây là một trong những lần hiếm hoi tôi được ghé siêu thị. Không gian rộng lớn mở ra trước mắt, ba tầng lầu đầy ắp hàng hóa. Tầng một là khu thực phẩm, mùi trái cây, rau củ tươi mới hòa quyện cùng mùi thịt cá từ những quầy hàng đông đúc người mua. Tất cả được sắp xếp gọn gàng, tiện lợi cho những ai muốn chọn mua đồ ăn hằng ngày cho gia đình. Thang cuốn bên cạnh lối đi như dẫn lên một thế giới khác. Tầng hai và ba bày bán các loại đồ gia dụng, quần áo, thiết bị điện tử và đồ chơi, màu sắc rực rỡ khắp nơi khiến không gian trông vừa hiện đại vừa sôi động.

Chúng tôi rảo bước qua khu bim bim. Tôi đẩy xe hàng, còn Huyền chính là "chuyên gia gắp đồ" thật thụ, thấy món nào ngon là quơ ngay bỏ vào xe, chẳng buồn quan tâm đến giá cả. Chỉ sau một vòng, xe hàng đã đầy ắp bánh kẹo, nước uống. Lúc tính tiền xong, cả hai đứa chia nhau xách mấy túi đồ to tướng mới đủ mang về nhà.

Trên đường ra, Huyền kéo tôi ghé qua tầng hai để xem quần áo. Hai đứa chúng tôi dạo quanh một vòng, thử vài bộ đồ, rồi cùng bước vào phòng thay đồ, đứng trước gương ngắm nghía. Tôi chọn một chiếc váy chấm bi trắng đỏ, còn Huyền thì dừng lại trước chiếc váy vàng hoa ly rực rỡ, tay nâng nhẹ lớp vải mềm mại.

Huyền cầm chiếc váy vàng theo, rồi không chần chừ bước vào phòng thay đồ. Một lát sau, Huyền bước ra, ánh mắt không giấu được vẻ tự tin. Nhỏ xoay người một vòng, lớp vải mỏng mềm mại uốn theo từng chuyển động, chiếc nón vành nhỏ đội trên đầu càng làm tăng thêm vẻ dễ thương.

Nhỏ đứng trước gương, chỉnh lại một chút rồi quay sang tôi, cười tươi rói. "Ê, mày thấy tao mặc cái váy vàng này hợp không?"

Tôi nhìn nhỏ từ đầu đến chân, gật gù. Chiếc váy ôm vừa vặn lấy dáng người, kết hợp với chiếc nón trông thật duyên dáng. "Váy này hợp với mày lắm!" – tôi không ngần ngại khen ngợi. Huyền mỉm cười hài lòng, mà ngờ đâu con nhỏ treo lại lên xào đồ, miệng lẩm bẩm: "Thử chơi chơi thôi, chứ giá này sao tao mua nổi.”

Đến lượt tôi học theo, cứ chọn rồi lại đổi, chóc chóc lại thay bốn năm bộ váy. Cuối cùng, tới lượt cái váy cùng kiểu dáng với cái mà Nhi mặc lúc đi ăn kem. Tôi vừa bước ra, nhỏ Huyền lập tức khen nức nở: "Ui, hợp với mày lắm á!"

Tôi quay mặt đi chỗ khác, lại làm ra vẻ chán ghét, tôi bĩu môi bảo: "Thôi để lại, sau này lớn tao có tiền sẽ mua sau.” Bộ váy đẹp nhưng Nhi đã mặc rồi, nó trở nên thật xấu xí. Sau đó hai đứa ra khỏi siêu thị, trở về nhà với những túi đồ mới mua.

Tối đó, tôi ngồi ăn cơm với gia đình. Mẹ tôi dặn dò đủ điều:

“Con nhớ tiền bạc cất cẩn thận, mẹ có để sẵn trong cái ví mà mẹ mua cho con rồi đấy.”

“Đi theo đoàn nhé, nếu lạc đường hay có chuyện gì bất trắc, nhớ tìm bảo vệ mượn điện thoại rồi gọi ngay cho mẹ.” Tôi nghe và gật đầu liên tục, không ngờ mẹ lại lo lắng đến vậy. Với tôi, chuyến đi này chỉ như một buổi đi chơi bình thường, có gì đâu mà phải lo lắng nhiều đến thế. Ba tôi cũng xen vào, nói thêm vài lời dặn dò tôi trong lúc đi.

Sau khi ăn xong, tôi trở về phòng, bắt đầu soạn đồ chuẩn bị cho ngày mai. Những thứ cơ bản như dầu gội, sữa tắm, khăn tắm đã được xếp gọn gàng vào túi. Tôi xếp gọn gàng hai bộ đồ để thay sau khi tắm vào trong cái ba lô. Một cái trắng, cái còn lại màu hồng. Nhớ lại nhỏ Nhi hôm trước mặc váy trắng trông rất đẹp, nên tôi nghĩ có bộ váy này chắc cũng sẽ hợp với tôi.

Ngoài quần áo, tôi còn mang theo ít bánh trái, bánh kẹo mua ở siêu thị để phòng khi đồ ăn ở chỗ dã ngoại quá đắt. Những đồ vật nhỏ nhặt cứ lần lượt được cho vào túi, đầy ắp như sự háo hức trong tôi lúc này.

Nằm trên giường, tôi nhắm mắt lại, nhưng hình ảnh của Thắng cứ hiện về, như một thước phim quay chậm trong tâm trí. Mỗi lần nghĩ đến Thắng, điều đầu tiên khiến tôi nhớ nhất luôn là mùi hương thoang thoảng của cậu. Một mùi hương nhẹ nhàng như hoa lan, dịu ngọt mà thanh mát, mỗi khi đứng gần cậu, mùi hương ấy như len lỏi vào từng hơi thở của tôi, khiến tim tôi đập nhanh hơn.

Rồi nụ cười của Thắng lại hiện lên, nụ cười tỏa sáng như ánh ban mai, vừa ấm áp vừa trong trẻo, giống như những tia nắng đầu tiên ló rạng qua màn mây bồng bềnh trên bầu trời buổi sớm. Tôi cứ chìm đắm trong những suy nghĩ về Thắng, tưởng tượng ra bao viễn cảnh đẹp đẽ. Khi thì chúng tôi nắm tay nhau đi dạo trên những con đường nhỏ tại khu du lịch, cảm giác dịu êm và bình yên lan tỏa. Lúc khác, cả hai đứa tôi lại ngồi trên tàu lượn siêu tốc, gió vù vù lướt qua, cùng nhau la hét trong niềm vui sướng đầy phấn khích.

Tôi lăn qua lăn lại trên giường, hình ảnh Thắng cứ chiếm lấy tâm trí tôi mãi không rời. Nhìn sang đồng hồ trên bàn, kim giờ đã chỉ đến số 1. Tôi thở dài, nhận ra mình đã chính thức mất ngủ.
* * *
“Dậy đi Trang ơi! Dậy mau không trễ chuyến xe bây giờ!”

Tôi nghe âm thanh đâu đó vang vọng giống tiếng kêu của mẹ tôi. Tôi quay người sang bên cạnh, bịt tai lại như không muốn nghe tiếp.

“Con không dậy người ta bỏ ráng chịu nha!”

Tôi nghe từ “bỏ" liền mở hai con mắt sáng trưng, hướng mắt về phía đồng hồ để bàn. Ôi chết! Gần 6 giờ rồi! Tôi hoảng hồn đá tung cái mền đang đắp ra, chạy một mạch vào nhà vệ sinh. Đánh răng rửa mặt xong xuôi, chạy ngay vào phòng lấy bộ đồ treo ở tủ, chuẩn bị sẵn từ hôm qua mặc vào, ngắm nghía gương một cái rồi chạy đi. Vội đi ra khỏi phòng thì tôi đã thấy ba đã ngồi sẵn ở ghế, chỉ việc chờ tôi dậy xong là chở đi liền. Chào tạm biệt mẹ và Trọng, ba đưa tôi thật nhanh tới trường.

Bên ngoài vài chiếc xe khách đang đậu dọc theo vỉa hè trước cổng trường. Cũng may là chưa ai đi, chắc họ cũng không ngờ là vẫn còn nhiều đứa học sinh chưa dậy - trong đó có tôi. Tôi còn nhớ cô dặn lớp mình là lớp A1 nên sẽ đi xe số 1. Đôi mắt đang nhìn lần lượt đằng trước của vài xe khách, rồi tới chiếc xe khách màu đỏ, có dán số 1 — đích thị là xe của lớp tôi. Xuống xe, chào tạm biệt ba rồi hớt hải chạy tới. Cô Văn đang đứng ở cửa xe, chờ điểm danh đầy đủ học sinh. Thấy bộ dạng hớt ha hớt hải, liền hối thúc, “Lẹ lên Trang, cả lớp chờ mỗi mình em thôi đó!”

Tôi cúi mặt ra vẻ xin lỗi, rồi bước từng bật lên cái cửa xe. Nhìn quanh hai bên, tụi trong lớp đã ngồi kín hết chỗ. Lớp tôi lần này đăng ký đi cũng không nhiều, nhưng tôi không ngờ là nhiều chỗ đẹp đã bị chiếm hết. Chỗ nhỏ Huyền nằm ở gần dãy cuối cùng, nhỏ thấy tôi liền vẫy vẫy tay, chỉ chỉ xuống cái ghế bên cạnh, ý là “chỗ này còn trống, vô ngồi chung với tao.” Tôi không thích đám con trai ngồi ở dãy cuối lắm, vì tụi nó là đám hay trêu ghẹo gái trong lớp, cũng không nghĩ là nhỏ Huyền dám cả gan chọn chỗ ngồi gần cuối dãy.

“Ê, sao mày tới trễ vậy. Bị Tào Tháo dí phải không?”

Tôi đánh yêu nó một cái, rồi lắc đầu ra hiệu không phải. Đám con trai đằng sau liền hú lên một tiếng. Thằng kia lên tiếng trêu ghẹo:

“Lại thêm một người ngồi ở dãy cuối. Hội những người thích ngồi cuối đã tụ họp đầy đủ.”

Tôi hứ một cái rồi không thèm đến xỉa, lấy trong túi ra một cái bịt mắt hình con mèo dúi vào tay con Huyền.

“Nè, mày đeo cái này vào ngủ một tí đi.”

Huyền cầm lấy, khen cái bịt mắt dễ thương rồi đeo vào ngủ. Chiếc xe bắt đầu lăn bánh, cô đứng ở ngay chỗ ghế tài xế phổ biến một số nội dung trước khi tới khu du lịch. Tôi cũng chẳng quan tâm lắm, đeo tai nghe, bật sẵn bài nhạc không lời trong cái CD player đã đem theo lúc nãy. Lúc còn ở Đà Lạt, ông ngoại tôi rất thích nhạc Hoa nên hay mở mấy bài nhạc này trên đài phát thanh.

Thời đó có một chương trình trên đài được gọi là “Giai Điệu Thân Quen" trên băng tần 99,5GHZ. Cứ mỗi 8 giờ tối, là ông lại vặn vặn cái nút dò tần số đúng con số đó để bắt được sóng của đài này. Họ sẽ chiếu các bài hát nhạc Hoa trong khung giờ đó theo yêu cầu của khán giả. Ông ngồi ngả lưng ra chiếc ghế tràng kỷ, trong tay điếu thuốc lá được quấn bằng tay, nhắm mắt thưởng thức bài nhạc.

* * *

Ở khu chợ cũ, có một cửa hàng đĩa. Anh Tùng rất thích đĩa nhạc, lần nào cũng rủ tôi đi mua. Cửa hàng này sắp xếp các đĩa CD theo màu. Tôi chọn một cái rồi hỏi anh:

“Anh ơi, bình thường người ta muốn nghe đi nghe lại một bài hát, người ta sẽ làm như thế nào?”
Tùng nhìn tôi rồi nở một nụ cười ẩn ý. “Khi người ta muốn nghe lại bất cứ âm thanh nào, họ sẽ thu âm lại, và lưu trữ trong một thiết bị để đọc ghi. Có thể là cuốn băng cát xét hay đĩa CD nào đó,” anh giải thích, giọng điệu nhẹ nhàng nhưng không giấu được sự tò mò. “Mà em hỏi để làm gì?”
Tôi chưa hiểu lắm ý của anh, ngại ngùng cúi mặt, giọng lí nhí: ”Vì em muốn giúp ông ngoại có thể nghe nhạc mọi lúc mọi nơi.”

Anh Tùng hiểu ý liền cười nhẹ vỗ vai tôi: “Được! Anh biết cửa tiệm kia, họ chuyên thu âm các bài nhạc, để anh giúp em làm việc đó. À mà ông của em thích nhạc gì?”

“Nhạc Hoa ạ.”

Anh gật đầu ra vẻ hiểu ý. Tôi vui quá không nói nên lời, ôm anh vào lòng, giọng thỏ thẻ: “Cảm ơn anh.” Anh im lặng không nói gì, chỉ cười cười gật đầu.

Nói rồi anh dẫn tôi tới một tiệm bán đĩa lớn hơn ở ngay góc khuất của chợ. Ở đó trưng bày rất nhiều đĩa nhạc minh hoạ. Tôi nhìn xung quanh để ý tới cái đĩa đề chữ “Hồng Nhung - Để Gió Đưa Vào Lãng Quên”, khuôn mặt của cô gái rất xinh đẹp, mái tóc cột cao đơn giản.

Tôi chỉ vào bìa đĩa đó, kéo tay anh Tùng: “Oa, anh nhìn kìa, cái cô ca sĩ đó đẹp quá!”

Anh Tùng hướng mắt nhìn theo phía tay tôi chỉ, cười cười: ”À, đây là ca sĩ Hồng Nhung, khá nổi tiếng. Em muốn nghe thử không?”

Tôi gật gật đầu. Anh ghé vào tai chủ quán nói nhỏ, anh chủ vào lấy trong tủ kính cái đĩa cd màu trắng, bỏ vào trong đầu đĩa màu bạc lấp lánh. Màn hình tivi hiển thị tựa đề bài hát “Xưa nghe tiếng vĩ cầm”, tiếng nhịp nhịp đều của trống hoà cùng âm thanh của piano, giọng của cô gái trong tivi vang lên:

“Dù thời gian đã

Trôi qua rồi người ơi

Mà trong tôi vẫn

Mênh mông tiếng đàn xưa

Ôi tiếng vĩ cầm xa vắng

Chất chứa bao nhiêu mộng dài

Thuở ngày thơ tôi dại khờ ngồi lắng nghe

…”

(Ngày Xưa Tiếng Vĩ Cầm - Hồng Nhung)
Giọng ca của cô ca sĩ vang lên, bay bổng mà dịu dàng, lúc trầm lắng, lúc lại vút cao, cuốn tôi vào giai điệu như thể tâm hồn đang trôi bồng bềnh giữa biển âm thanh. Tôi lắc lư theo nhịp, hoàn toàn quên mất không gian xung quanh. Tùng đứng bên cạnh, nhìn thấy bộ dạng đang say mê của tôi, khẽ mỉm cười rồi nói với anh chủ quán: “Lấy em cái đĩa này.”
Anh chủ quán nhanh nhẹn bỏ chiếc đĩa CD vào trong hộp nhựa cứng màu trắng trong suốt, có hình cô ca sĩ in trên bìa cùng danh sách các bài hát. Khi anh đưa cho tôi, tôi gần như không tin nổi vào mắt mình.
“Đây, tặng em!” Anh nói, giọng đầy thân thiện.
Tôi cầm lấy cái đĩa, cảm giác vui sướng ngập dâng trong lòng. Món quà nhỏ này có ý nghĩa lớn hơn tất cả những gì tôi có thể tưởng tượng. Một đĩa nhạc mà tôi sẽ giữ thật kỹ, như một kỷ niệm quý giá. "Em cảm ơn nhiều lắm! Em sẽ giữ nó thật cẩn thận!" Tôi đáp.
Anh không quên lấy ra cuốn băng ghi hình màu đen từ đầu thu, trên nhãn được viết sẵn dòng chữ màu xanh dương bằng bút lông: “Tuyển tập nhạc Hoa hay.”
“Còn cái này là băng ghi hình nhạc Hoa của ông. Anh đã chọn lọc sẵn những bài hát nổi tiếng rồi.”
Tôi mỉm cười, tưởng tượng ra ông ngoại khi nhận được cuốn băng này, chắc chắn ông sẽ rất vui. “Ông ngoại em mà nhận được chắc sẽ thích lắm!”
Và đúng như tôi nghĩ, mỗi tối, ông ngoại đều mở cuốn băng đó, ngồi trên chiếc ghế tràng kỷ quen thuộc, nghe đi nghe lại những bản nhạc Hoa cổ điển. Cứ thế, ông ngồi lặng yên, đôi mắt hướng về bầu trời đêm lấp lánh ánh sao, dường như chìm trong hồi ức, để những giai điệu xưa cũ mang ông trở về những năm tháng thanh xuân đã qua.
(Tại sao cái bìa đĩa Trang nhìn được ở quán bán đĩa nhạc lại khác so với tên bài hát gốc của ca sĩ? Lý do cho vấn đề này là vì ngày xưa đất nước mới giải phóng vào năm 1975, điều kiện kinh tế của nước ta còn kém phát triển. Do đó, để người dân có thể mua được một đĩa CD chính gốc của ca sĩ hát, họ phải trả với số tiền khá đắt đỏ - có thể bằng cả vài tháng lương của người lao động. Chính vì điều đó, nên các nhà buôn bán đã nghĩ ra một cách lách luật để tránh bản quyền. Đó là cho in lại các băng đĩa lậu để bán rẻ hơn, cho nên tên bài hát cũng như album thường sẽ không đúng. Và điều đó có nghĩa là thời điểm đó, Trang và Tùng cũng không biết được điều này. Đến tận lúc Trang học năm lớp 10, bản thân mới biết được những đĩa CD trên đều là bản lậu.)

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro