3.
Pepsi hiếu động hơn bọn tôi nghĩ, chỉ cần hai ngày về nhà mới nó đã trổ mã ngay. Vườn rau răm nội tôi trồng nó đã xới tung lên làm một đống ngổn ngang ra đất sau một lần ai đó bên gia đình Khiêm quên nhốt nó vào trong cũi khi đi.
Khiêm hôm đó phải xin lỗi bà tôi cúi đầu và tất nhiên có tôi ở đó nói đỡ cho nó. Thấy tình hình không mấy khả quan thằng Minh đem mấy cái trứng vịt nhà nó qua biếu bà tôi để giải tỏa áp lực, nó nói với bà tôi "trứng vịt phải có rau răm..." Nhưng khổ nỗi trứng của nó là trứng mới đẻ, thường thì người ta hay làm ốp la. Bà tôi tiếc hùi hụi đống rau răm mới um nhưng lại chẳng thể giận được với phen dỡ khóc dỡ cười của ba ông nhóc.
Những ngày sau đó làng Tam Thanh hứng chịu nhiều cơn mưa dữ dội. Không riêng cha tôi, mọi người ai cũng nghỉ làm để chờ cơn bão qua đi, trong thời gian đó ông chỉ ở nhà dàn lại mái ngói bằng cách chặn những viên gạch bê tông đè lên dàn mái.
Trong một lần mưa như trút nước cảnh vật ngoài hiên trắng xóa màn mưa, bà hỏi tôi "Sao cháu cười hoài thế". Tôi giải thích cho bà rằng tôi thích mưa, tôi thích những con cá từ ruộng rau muống trước nhà bơi vào sân nhà mình, tôi thích ngụp lặn trong nhà.
Bà mỉm cười hiền từ rồi từ từ nói tôi nghe về hậu quả của mưa bão, tôi nghe xong liền thả những con cá đầy màu sắc trôi theo cơn mưa lần đó. Kể từ đó, tôi không còn thích mưa mà chỉ thích trời không có nắng.
Thế rồi mưa ngớt dần đến tháng tám để chào đón một mùa tựu trường. Không phải tôi không thích học, chỉ là tôi mê chơi hơn nên cảm thấy có gì đó tiếc nuối khi ba tháng hè trôi qua quá nhanh như một giấc ngủ trưa. Nhưng tôi thầm nghĩ rồi an ủi mình, nếu có đi chơi tôi cũng chỉ đi chơi với Khiêm và Minh, trong khi đi học trên trường bọn tôi ngồi chung bàn ba đứa.
Lớp học từ thiện (sau này tôi mới biết) lợp bằng tranh của thầy Phương sau mùa giông gió trông thổ tả hơn bao giờ hết.
Thầy Phương giới thiệu sơ qua về năm học mới và báo tin vui lớp sẽ được giảm tải một tiết, những gương mặt rạng rỡ chưa đủ lâu thì thầy thêm chữ "nhưng" khiến đứa nào cũng xụi lơ vì mừng hụt. Thời gian bù vào đó chúng tôi sẽ ở lại lớp để sửa chữa lớp học rồi mới được về, con trai đứa thì được phân công trộn hồ, đứa thì thầy cho lợp mái, còn con gái thì đi lau chùi hay bưng bê nhẹ nhàng.
Được tầm nửa năm dưới sự lãnh đạo của thầy Phương chúng tôi hoàn thành ở mức tạm chấp nhận được. Vì "đại cuộc" đó nên đứa con trai nào cũng lấm lem với quần áo xi măng, ba má đứa nào cũng la nhưng rồi họ lại thông cảm bằng câu trách vui "cái ông thầy này ngồ ngộ".
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro