Chiến 2
Nguyễn Thi sinh ra và lớn lên ở huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định, một vùng quê đất Bắc nhưng ông đặc biệt gắn bó máu thịt với nhân dân miền Nam bằng một tình cảm ân tình thủy chung sâu sắc. Tình cảm sâu nặng đó được ông gửi vào trong từng trang viết về miền Nam. ông được trân trọng mệnh danh là nhà văn của những người nông dân Nam Bộ trong cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước. Hiện thực nóng bỏng, ác liệt ở mặt trận miền Đông Nam Bộ luôn là đề tài nóng hổi cho những sáng tác của Nguyễn Thi. Một trong những truyện ngắn xuất sắc của ông ra đời trong những ngày đấu tranh chống Mĩ cứu nước đầy khó khăn, gian khổ là Những đứa con trong gia đình. Tác phẩm viết về trong dòng hồi tưởng đứt nối, mê tỉnh của nhân vật Việt khi bị thương nằm lại giữa chiến trường. Cũng từ những dòng tâm tư mê man ấy hiện lên thật sinh động hình tượng nhân vật Chiến - chị gái của Việt. Đây là một cô gái vừa mang trong mình những vẻ đẹp đời thường vừa mang những phẩm chất anh hùng.
Đúng như chú Năm đã nói, con sông truyền thống gia đình ví như mỗi người một khúc, nhưng vẫn liền một dòng con sông của gia đình ta cũng chảy về biển. Người mẹ ngã xuống nhưng dòng sông truyền thống vẫn tuôn chảy dào dạt. Và hình ảnh của người má lại hiện hình trong sức sống của Chiến, con gái má.
Chiến là một cô gái 19 tuổi được thể hiện với nhiều nét đẹp của người phụ nữ Việt Nam một thời đánh Mĩ. Trước hết, đó là vẻ đẹp trong đời thường. Tuy vẫn có lúc Chiến rất trẻ con như tranh công bắt ếch, tranh công bắn tàu giặc, tranh đi tòng quân với em,... nhưng lúc nào cũng nhớ mình là chị, nhường em tất cả, thương em, lo cho em. Chiến đã sinh trưởng trong một gia đình có truyền thống Cách mạng, có mối thù sâu nặng với bọn cướp nước: ông nội với người cha là Tư Năng đều chết bởi tay kẻ thù, còn người mẹ gan góc đảm đương gánh vác chuyện nuôi dạy đàn con cũng đã chết vì đạn Mĩ. Chính vì thế, cô đã thể hiện tinh thần hăng hái lên đường giết giặc. Chiến xung phong tòng quân để trả thù cho người má chết vì đạn pháo. Ở Chiến, thù nhà gắn quyện với nợ nước. Thường ngày Chiến với Việt vẫn hay tranh giành nhưng lần này, Chiến đã không nhường em như mọi lần mà quyết chí ra đi. Chuyện này đâu có nhường được vì Chiến rất thương em, không muốn em phải xông pha đánh giặc nơi bom đạn nguy hiểm nhưng sâu xa hơn là trong Chiến luôn có một niềm khao khát được đánh giặc để trả thù cho gia đình và quê hương. Với Chiến, đó không chỉ là biểu hiện quyết tâm, thái độ mà nó còn chuyến hóa thành việc làm cụ thể. Chiến đã đi vận động chú Năm để được tham gia quân ngũ, được trở thành người chiến sĩ. Nguyễn Thi trong Người mẹ cầm súng đã thể hiện người anh hùng út Tịch trên hai tư cách: người chiến sĩ và người mẹ với nỗi lo việc nước, việc nhà. Còn ở nhân vật Chiến, ta cũng thấy nét đẹp của người chiến sĩ hăng hái lên đường, đồng thời ta còn thấy nét đẹp của người phụ nữ Việt Nam sắp đặt việc nhà. Chiến là chị cả trong một gia đình đã chẳng còn ba má. Cô gái ấy mới 19 tuổi mà gánh vác đầy đủ những trọng trách của một người mẹ. Đêm trước ngày lên đường, Chiến đã không ngủ được, sắp tới đây bao nhiêu chuyện phải lo. Không phải Chiến lo sợ, lo lắng mà là lo liệu, lo toan, bởi lẽ việc nhà nó thu được gọn thì việc nước nó mở được rộng, gọn bề gia thế, đặng bề nước non... Làm sao có thể ra trận chiến đấu lập công trong khi việc nhà còn bề bộn. Từ đây ta mới hiểu được vì sao Nguyễn Thi đã kể ra biết bao việc mà Chiến phải lo liệu, càng nhiều việc phải lo càng thấy Chiến đảm đang: nào là viết thư cho chị Hai, lo chỗ ăn chỗ học cho thằng út,... Đặc biệt, cô cũng là một người con rất thương cha mẹ. Trước ngày lên đường nhập ngũ, cô đã cùng Việt khiêng bàn thờ má gửi sang nhà chú Năm. Có thể nói, đoạn văn miêu tả hình ảnh hai chị em khiêng bàn thờ má đi gửi là đoạn văn hay nhất của tác phẩm trong không khí thiêng liêng, xúc động. Hình ảnh này có ý nghĩa tượng trưng, thể hiện sự trưởng thành của hai chị em có thể gánh vác việc gia đình và viết tiếp khúc sông của mình trong dòng sông truyền thống gia đình. Hơn thế nữa, hình ảnh này cũng nói lên một điều: thế hệ sau sẽ cứng cáp, trưởng thành và có thể đi xa hơn thế hệ trước. Có thể nói rằng nhân vật Chiến đã được thể hiện với những nét đẹp truyền thống muôn đời của người phụ nữ Việt Nam. Chiến không chỉ lo cho ngày giỗ, lo chuyển bàn thờ cho má mà trong mọi chuyện chị ấy đều đã hỏi ý kiến của Việt bởi Việt là con trai lớn trong gia đình. Người chị ấy. lại có nét bộc trực, chất phác đồng thời cũng rất đằm thắm trong việc biểu hiện tình cảm khi nói với Việt: Em có ừ không ? Rồi Em cũng ừ nghen,... Trước lúc lên đường tòng quân, Chiến như bỗng trở nên nghiêm trang hơn, già dặn hơn nhưng cũng lại đằm thắm hơn.
Bên cạnh những vẻ đẹp đời thường thì Chiến còn mang những phẩm chất của người anh hùng. Người phụ nữ Việt Nam trong suốt chiều dài lịch sử đã góp sức vào cuộc chiến đấu của dân tộc với tinh thần: Giặc đến nhà đàn bà cũng đánh. Đã có một người phụ nữ trong lịch sử có câu nói nổi tiếng thể hiện quyết tâm không chịu làm tì thiếp: Tôi muốn cưỡi con gió mạnh, đạp con sóng dữ. Còn Chiến thì lại thể hiện cái quyết tâm đánh giặc qua những lời lẽ thật giản dị: đã làm thân con gái ra đi thì tao chỉ có một câu: Nếu giặc còn thì tao mất, vậy à. Câu nói đã thể hiện thái độ quyết liệt, không đội trời chung với quân cướp nước. Nó quyết liệt đến mức Chiến sẵn sàng đem tính mạng ra để khẳng định. Kể ra, không nhất thiết cứ phải lên đường tòng quân mới góp sức vào cuộc chiến đấu chung nhưng với Chiến dường như chỉ thực sự đứng trong đội ngũ, được xả đạn vào quân thù, phải đứng ở tuyến đầu của cuộc chiến đấu thì mới thực sự toại nguyện. Những phẩm chất đẹp đẽ của Chiến luôn được Nguyễn Thi miêu tả trong sự soi rọi với hình tượng người mẹ. Theo lời chú -Năm, cô không khác mẹ một chút nào và ngay cả Việt cũng cảm thấy như vậy. Lời nhận xét của Việt: Chà, chị Chiến bữa nay nói in như má vậy cũng phần nào nói lên sự tiếp nối, kế thừa đức tính tốt đẹp của người mẹ cho những đứa con. So với người mẹ, Chiến không chỉ khác ở cái vẻ trẻ trung, thích làm duyên làm dáng mà vận hội mới của Cách mạng đã tạo điều kiện cho Chiến được trực tiếp cầm súng đi trả thù cho gia đình, quê hương để thực hiện lời thề như dao chém đá của mình.
Chiến mang trong mình vẻ đẹp của người con gái Việt Nam thời chống Mĩ: trẻ trung, duyên dáng, đáng yêu nhưng cũng rất mực anh hùng dũng cảm. Cô đã tiếp nối và làm rạng rỡ truyền thống đánh giặc cứu nước của gia đình và đó cũng là truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam. Nguyễn Thi đã rất thành công trong việc xây dựng hình tượng nhân vật nữ anh hùng trong thời đại đánh Mĩ.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro