Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

Chươnng 7: Bảo tồn văn hoá truyền thống

                           "Làm thầy thuốc lầm thì giết một người. Làm thầy địa lý nhầm thì giết một họ. Làm thầy chính trị lầm thì giết một nước. Làm văn hoá lầm thì giết cả một đời."- trích Allen Ginsberg. Văn hoá truyền thống chính là diện mạo sáng giá của một quốc gia. Thế nhưng khi mưu cầu cuộc sống của con người càng được nâng cao, truyền thống ấy dường như bị tác động bởi hai chiều; về mặt tiêu cực, những cái tinh hoa quý giá của dân tộc có lẽ đang từ từ bị mai một và biến chất... Ngay cả trong văn học xưa, văn chương chính là tiếng nói thể hiện mong muốn về việc bảo tồn văn hoá truyền thống, điển hình được thể hiện qua tác phẩm " Thả Thơ" của nhà văn Nguyễn Tuân.

         Văn hoá truyền thống là kết tinh từ những nét đẹp trong phong tục tập quán, trong nhiều lĩnh vực đời sống xã hội và đã được lưu truyền từ thời xa xưa. Không chỉ thế, văn hoá truyền thống còn là giá trị cốt lõi tạo nên sự khác biệt của mỗi quốc gia, sự phong phú trong lối sống và tâm hồn của con người. Ông cha ta coi văn hoá truyền thống chính là một phần không thể thiếu trong đời sống tinh thần, đó như thể là báu vật quý giá cần phải được bảo tồn và lưu truyền đến thế hệ sau. Vậy thế nào là bảo tồn truyền thống văn hoá? Nói đơn giản đó chính là hành động nỗ lực gìn giữ, trân trọng và tôn tạo các giá trị văn hoá để chúng mãi mãi trường tồn theo dạng thức vốn có của nó, không bị mai một hay mờ nhạt. Ta có thể thấy thái độ ấy được hiện lên rất rõ qua nhân vật cụ Nghè Mõ trong tác phẩm "Thả thơ" của nhà văn Nguyễn Tuân. Cụ đã rất trân trọng, nâng niu những tập thơ cổ bằng cách giữ gìn trong cái níp sách; sao cả bản thơ ấy vào giấy bản mới mẻ; cụ nghiền lại cả tập thơ, khi đọc thì vắt tay lên trán suy ngẫm... Đó là cách mà người xưa thể hiện tình cảm cao quý của mình đối với những nét đẹp truyền thống. Chính vì vậy, thế hệ trẻ cần phải kế thừa và phát huy tư tưởng cao đẹp ấy. Chúng ta có thể đi mọi nơi, khám phá đủ màu sắc trong cuộc sống, thưởng thức mọi cái đẹp văn hoá của nhiều quốc gia và lấy đó làm nền tảng cho sự sáng tạo và phát triển nền văn hoá nước nhà. Tuy nhiên ta phải chắc chắn rằng, chúng ta luôn giữ gìn trọn vẹn nét đẹp lịch sử và truyền thống của quê hương mình, bởi đó là xương máu, là hơi thở mà ông cha ta đã bỏ ra để gây dựng và lưu truyền đến giờ.

              Văn hoá truyền thống chính là cột mốc đánh dấu sự trường tồn lâu dài của một nhà nước, là nhân tố quan trọng và lớn lao đối với cuộc sống mỗi con người nói riêng và cả dân tộc của một quốc gia nói chung. Vì lẽ đó, bảo vệ văn hoá truyền thống không đơn thuần là bảo vệ cái hay, cái đẹp của lịch dân tộc mà đó còn là cách ta khẳng định sự khác biệt, sự độc quyền của quốc gia mình cũng như khẳng định mối liên kết vững chắc của toàn dân tộc. Không chỉ thế, bảo tồn văn hoá truyền thống còn thể hiện lòng yêu nước nồng nàn của công dân dành cho tổ quốc, thể hiện ước mơ về một đất nước luôn trường tồn với các giá trị văn hoá cao đẹp.  Đối với Việt Nam ta , giá trị ấy điển hình là nền văn minh lúa nước, trống đồng Đông Sơn, hay nhũng đức tính giàu giá trị nhân văn: tinh thần yêu nước, lòng tự tôn dân tộc, tinh thần hiếu học... Mặc dù trong bối cảnh hoà nhập vào nền kinh tế thị trường và sự hội nhập quốc tế của nước ta hiện nay, không ít bạn trẻ đã và đang phát huy truyền thống văn hoá bằng những việc làm tích cực. Họ vẫn tìm về những giá trị truyền thống mang đậm bản sắc dân tộc như những trò chơi dân gian, những loại hình âm nhạc cổ xưa:  ca trù, nhã nhạc cung đình,... đặc biệt, họ cũng không hề ngần ngại mà sẵn sàng quảng bá hình ảnh nước nhà ra thế giới. Trong phần thi về trang phục dân tộc trên sàn đấu nhan sắc quốc tế, á hậu Kim Duyên đã toả sáng trong bộ trang phục lấy cảm hứng từ món bánh Tét quen thuộc của người dân miền Tây trong mỗi dịp Tết đến xuân về với một niềm vinh dự và tự hào dành cho nền ẩm thực truyền thống của người Việt.  Ấy vậy mà, chỉ để đáp ứng những mục tiêu, lợi nhuận trước mắt, một số cá nhân, tổ chức trong nước đã dần huỷ hoại nét đẹp đặc trưng ấy, chà đạp lên mồ hôi của ông cha ta. Điển hình đó là những hành vi sao chép quá đáng các công trình kiến trúc ở nước ngoài về quê hương mình chỉ để kiếm lợi nhuận. Ngay tại đây có thế nhắc đến câu chuyện về tượng "Nữ thần tự do" được xây dựng ở Sapa bị khách du lịch chê cười vì quá thiếu tính thẩm mĩ. Thử hỏi xem những hành vi méo mó ấy đã hạ thấp cái tôi dân tộc của mình trong mắt của nước bạn như thế nào? Sự việc ấy xảy đến như một "giọt nước tràn ly" ở đất Lào Cai bởi còn rất nhiều công trình kiến trúc tương tự khác đang dần mọc lên như nấm. Phải chăng, "sự hội nhập quốc tế" quá mức đã biến một số người trở nên vô cùng sính ngoại. Họ quên và ruồng bỏ chính truyền thống văn hoá, những thuần phong mỹ tục của quê hương mình mà cho rằng đất nước ta không bằng nơi xứ người. Điều này xảy ra tuy không quá nhiều, nhưng cũng đủ để phần nào huỷ hoại đi nét đẹp dân tộc, chính vì thế, những người này cần phải được lên án gay gắt trong xã hội. Bên cạnh đó, một số hủ tục vẫn được lưu truyền cho đến nay lại bị người ta làm tưởng đó là truyền thống văn hoá mà ra sức duy trì, bảo tồn. Chính vì thế, ta cần phân biệt rạch ròi giữa truyền thống văn hoá - những giá trị tốt đẹp với hủ tục - những phong tục tập quá đã lỗi thời, lạc hậu.

        Truyền thống văn hoá dân tộc vốn được định nghĩa là những giá trị bền vững, trường tồn gắn bó với trang lịch sử lâu đời của quốc gia ấy vậy mà ngày càng bị ăn mòn đi. Do đó mỗi công dân chúng ta đều có quyền và nghĩa vụ sáng tạo, duy trì và phát huy những văn hoá truyền thống của dân tộc. Đầu tiên ta phải nhận thức được sự cần thiết của việc bảo tồn văn hoá truyền thống. Sau đó là bắt tay vào hiện những kế hoạch, những dự án thiết thực bằng cách giữ gìn, bảo tồn và phát huy những nét đẹp truyền thống này. Tuy nhiên chúng ta không được phép làm mất đi, làm xấu đi hay bóp méo bản sắc văn hoá ấy bởi đó là hành vi gây tổn hại nặng nề đến đất nước.Vì vậy thế hệ trẻ cần đề cao tinh thần rèn luyện lối sống, hành động phù hợp với những đạo lý tốt đẹp của dân tộc, tuyên truyền những giá trị văn hoá của đất nước với quốc tế. Đồng thời phê phán gay gắt và bài trừ những hành vi đi ngược lại với tinh thần yêu nước, lòng tự tôn dân tộc.

      Văn hoá truyền thống chính là cái nôi nuôi dưỡng ý thức về quyền độc lập và vai trò của việc giữa gìn non sông, là "nền tảng tinh thần của toàn xã hội". Thế hệ trẻ hôm nay hãy ra sức hành động, cùng nhau chung tay bảo tồn văn hoá truyền thống.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro

Tags: #học