Chương 5: Tác dụng của học thức
" Học, học nữa, học mãi" là tư tưởng vô cùng đúng đắn về giáo dục của nhà bác học Mác Lê-nin. Tư tưởng ấy như đã thấm nhuần vào khối óc của nhân loại, là thước đo chuẩn mực để đánh giá trình độ văn minh và phát triển của toàn xã hội. Phải chăng, vì lẽ đó mà học thức chính là chìa khoá quan trọng trong công cuộc xây dựng một cộng đồng giàu mạnh và văn minh? Ngay cả trong văn học xưa, ông cha ta đã có cái nhìn vô cùng đúng đắn về tầm quan trọng của tri thức, điều đó được thể hiện điển hình qua tác phẩm " Giăng sáng" của nhà văn Nam Cao.
Trước hết, ta phải hiểu thế nào là "học". Có thể định nghĩa đơn giản, học tập thực chất là quá trình con người ta tiếp thu và lĩnh hội tri thức của nhân loại. Tri thức ấy, những thứ mà được lưu trong sách vở, được người ta giảng dạy cho nhau, cũng chẳng biết đã có từ mấy trăm, hay thậm chí là mấy triệu năm trước, chỉ biết rằng đó là những cơ sở, những nền tảng quan trọng và mật thiết để kiến thành một xã hội văn minh và bền vững như ngày hôm nay. Hơn nữa, học tập còn là cả một hành trình rèn luyện và trau dồi những kinh nghiệm, kĩ năng mà ta vốn có để từ đó, học tập hình thành nên "học thức". Xuất hiện trong tác phẩm "Giăng sáng" của nhà văn Nam Cao, nhân vật Điền đã từng khẳng định rằng: "Cái học thức của Điền tuy chẳng giúp Điền kiếm nổi miếng ăn, nhưng cũng có ích cho Điền nhiều lắm. Chỉ nói một cái nhờ nó mà Điền đọc nổi văn thơ, và nhờ văn thơ mà hiểu được cái đẹp của gió, của giăng". Đối với Điền, anh quyết không chạy theo sự phong lưu của đồng tiền để rồi biến tâm hồn mình trở nên cằn cỗi, khô khan và méo mó, mục đích sống của anh là học tập, học tập để thấy được cái đẹp của đời, của gió, của giăng. Việc học làm cho đời sống tâm hồn của Điền thêm phong phú, là điểm tựa giúp anh vượt qua khó khăn trong đời...Đó là một cái nhìn đúng đắn và tích cực của một con người thuộc xã hội xưa dành cho tri thức. Nếu trước đây học tập là vô cùng mới mẻ và đơn sơ, không bắt buộc thì so với ngày nay, để hội nhập vào một xã hội phát triển đòi hỏi con người ta cần phải có học thức, nếu không sẽ ngày càng bị đào thải. Điều này đồng nghĩa với một câu nói của Bác Hồ từ rất lâu về trước: " Công việc cứ tiến mãi. Không học thì không theo kịp, công việc nó sẽ gạt mình lại phía sau". Phải chăng, ngay từ trong quá khứ ông cha đã hướng chúng ta đi theo con đường của tri thức - tinh hoa của trí tuệ. Vì vậy, nghĩa vụ của ta là kế thừa và phát huy tư tưởng cao đẹp ấy.
Sẽ ra sao nếu trên thế giới này không còn ai học tập? Liệu xã hội có trở nên suy thoái, con người có rơi vào thảm kịch khi bệnh tật tràn lan do không biết phương pháp điều trị, nguồn thức ăn có cạn kiệt nếu không biết nuôi trồng...? Đó là một viễn tưởng vô cùng kinh khủng mà ta không thể ngờ tới khi xã hội này không có học thức. Vì chỉ có học tập thì ta mới có cơ sở để tạo nên những sản phẩm có ích về mặt vật chất lẫn tinh thần. Ví dụ, nhờ có học tập mà các kĩ sư xây dựng có phương pháp để thiết kế một toà nhà to đẹp, kiên cố; các bác sĩ biết cách khám và chữa bệnh; người nông dân biết lai tạo cây trồng, tăng sản lượng thu hoạch... Tuy nhiên, "học" luôn phải đi đôi với "hành" để tạo ra thành quả có giá trị nhất. Nếu học mà không làm thì kiến thức có được không có ích, không bền vững, không được sàng lọc. Bên cạnh đó, học tập là cách giúp con người có thể hội nhập với xã hội, tiếp thu, mở mang thêm kiến thức về đời sống, tự nhiên. Học tập cũng là cách con người làm giàu đẹp kho tri thức của riêng mình, xây dựng vốn sống để từ đó có khả năng hiểu biết về bản chất con người và tự nhận thức được bản thân, "biết mình", "biết ta", biết cách đối nhân xử thế. Đối với xã hội, tri thức là đuốc đèn soi sáng các góc tối của cuộc đời, đốt cháy những rào cản khó khăn, là tiền đề phát triển một môi trường sống văn minh. Còn đối với mỗi cá nhân, tri thức chính là chìa khoá quan trọng nhất dẫn đến cánh cửa thành công. Học thức mở cho ta những cơ hội việc làm mới, nâng cao chất lượng cuộc sống, giúp con người có khả năng đáp ứng với những nhu cầu của thị trường lao động.
Ngay từ khi cất tiếng khóc chào đời cho đến khi bập bẹ biết nói, ta đã được dạy những bài học về lễ nghĩa, đôi khi chỉ đơn giản là câu: " Vâng ạ", " Con cảm ơn ạ",... Lớn hơn, khi đi học, ta được dạy về những con số, những chữ cái, cách giải toán, cách viết văn,... Đến khi ra ngoài xã hội bươn trải, ta được dạy cách đối mặt với thử thách. Suy cho cùng, để hình thành nên một nhân cách toàn diện cần phải học theo hai tiêu chí : "Tiên học lễ, hậu học văn". Nghĩa là trước hết phải học cách đối nhân xử thế, sau cùng mới là học chữ, học lấy tri thức, lấy bằng cấp. Một người đa tài nhưng vô đức cũng chỉ là một tên vô dụng. Trẻ con như tờ giấy trắng, những gì được tô vẽ lên đó là những điều khiến chúng trưởng thành. Nếu được tô vẽ cẩn thận, uốn nắn từng nét sẽ trở thành người có nhân cách tốt. Trái lại, nếu được tô vẽ nghuệch ngoạch thì sẽ phát triển theo hướng sai. Đấy là lý do trước hết ta phải học cách làm người để có một cốt cách tốt đẹp. Khi ấy ta sẽ không cảm thấy lạc lõng giữa xã hội, tạo được những dấu ấn tốt đẹp trong lòng người khác và được yêu thương hơn. Từ đó tạo nên những mối quan hệ lành mạnh, gắn bó và có ích hơn... Học tập cũng là cách ta khẳng định giá trị và vị thế của mình trong xã hội.
Tuy nhiên cho đến nay, một số người vẫn còn giữ những quan điểm vô cùng lạc hậu để biện minh cho sự lười nhác của mình bằng cách lấp liếm rằng: "người giỏi sau vẫn ra làm công nhân cho người dốt" hay những định kiến cho rằng: "con gái không cần học rộng vì sau này cũng lấy chồng". Những câu nói ấy chẳng khác nào con ếch ngồi đáy giếng cả, thời thế ngày nay đã rất khác xưa, việc gì cũng đòi hỏi trình độ và bằng cấp, ngay cả khi lập gia đình, sự thiếu kiến thức cũng góp phần tạo nên một cuộc sống có chất lượng thấp đáng kể. Đồng thời cần lên án gay gắt những bạn trẻ luôn có ý định bỏ học để theo đuổi cái phong lưu trước mắt, để rồi sa đoạ vào thói hư tật xấu của xã hội. Một cuộc sống như thế không đáng là cuộc sống của một con người chân chính. Đến lúc nào đó tỉnh ngộ, dẫu có ăn năn, hối hận thì đã quá muộn màng. Họ từ bỏ học tập như cái cách mà cây cối dẫu có được bón phân, nhưng không chịu hấp thụ, và rồi cây không đơm trái, cây chẳng có ích gì ngoài việc đứng sừng sững ở đó. Học tập là một quá trình rèn luyện dài lâu và đòi hỏi sự kiên trì, đáp ứng đủ những nhu cầu ấy ta mới thu được trái ngọt, nên đừng vì thấy khó mà dễ dàng nản chí, từ bỏ hết thảy những cơ hội và mục tiêu trong tương lai. Những kiến thức mà ta thu được từ nhà trường, sách vở và cuộc đời nếu đem áp dụng vào thực tiễn sẽ mang lại nhiều thành quả tinh thần vật chất cho cuộc sống của gia đình, xã hội.
Chính vì vậy, trước hết mỗi chúng ta cần nhận thức sâu sắc được vai trò và tầm quan trọng của việc học, sau đó là mục đích đúng đắn khi học tập của mình. Tiếp theo cần xây dựng tinh thần tự giác rèn luyện và học tập. Tri thức của chúng ta chỉ là một hạt cát trong đại dương vô tận, thế nên đừng tự mãn mà hãy tiếp tục cố gắng tìm tòi và phát triển.
"Bộ lông làm đẹp con công, học vấn làm đẹp con người" , như vậy ta thấy được, học thức đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với con người.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro