Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

Phần 11

Hữu Hưng, đăng ngày 24/12/2014 tại baihocthanhcong.com

1. Muốn thành công phải có đủ 2 yếu tố: có thực lực và có sự tự tin

Tôi đồng ý với một câu nói: "Muốn chiến thắng, muốn thành công phải có đủ 2 yếu tố: có thực lực và có sự tự tin." Thiếu một trong 2 yếu tố này, không thể chiến thắng, không thể thành công được.

Không có thực lực mà tự tin thì chỉ tổ làm trò hề. Nhiều người rơi vào trường hợp này. Nhưng điều ngạc nhiên là cũng khá nhiều người có thực lực nhưng thiếu sự tự tin nên không thể giành chiến thắng được. Tôi nghĩ nhiều người trong cuộc đời cũng đã từng trải qua cảm giác mình có thực lực nhưng hơi thiếu sự tự tin nên đã thất bại.

Nhiều người nghĩ: Ồ, gì chứ, sự tự tin thì tôi có thừa. Không dễ như vậy, luôn giữ cho mình có được một sự tự tin trong bất kỳ hoàn cảnh nào không phải là điều dễ. Cuộc sống có vô vàn điều bất ngờ, và khi phải đối mặt với những điều bất ngờ, chỉ cần mình hơi xao động một chút, chỉ cần mình hơi nghi ngờ mình một chút thì sẽ có ảnh hưởng rất lớn lên tâm lý của mình và sẽ phải trả giá đắt bằng thất bại.

2. Tâm lý để chiến thắng

Như tôi đã đề cập, anh không thể giành chiến thắng nếu như anh thất bại ngay từ trong suy nghĩ của mình. Vậy nên việc làm công tác tư tưởng trước khi bước vào một trận chiến đấu nào đều rất quan trọng. Bên trong có làm công tác tư tưởng tốt thì bên ngoài anh mới có hy vọng giành chiến thắng. Trong lòng anh, trong suy nghĩ của anh đang còn là một bãi chiến trường hoang tàn thì làm sao anh có thể giành chiến thắng được ở bên ngoài được?

Trước bất kỳ một cuộc chơi, trước bất kỳ một cuộc đấu trí, anh phải bước vào chận chiến đấu với một trong hai (hoặc cả hai) tâm lý sau đây để có thể giành chiến thắng:

Thứ nhất là: Anh phải thực sự tự tin là anh sẽ giành chiến thắng. Anh phải vào trận với tâm lý mình là kẻ trên cơ (ở cửa trên) đối thủ. Muốn nghĩ được như vậy anh phải có một thực lực thực sự tốt. Không có thực lực và nền tảng tốt thì nếu nghĩ như vậy sẽ là trò hề.

Thứ hai là: Anh phải vào cuộc với tâm lý nếu có thua, có thất bại cũng không vấn đề gì, không hề hấn gì, đơn giản cuộc đời chỉ là một trò chơi. Nghĩ được như vậy anh sẽ cảm thấy nhẹ nhõm đi rất nhiều. Chứ nếu anh vào cuộc với tâm lý: Tất cả niềm hy vọng của mình là trông chờ vào cửa này, mình chỉ có một cửa là phải thắng.

Khi anh nghĩ anh chỉ có một cửa là phải thắng thì anh đã tự đặt mình vào thế khó. Cuộc đời này luôn có rất nhiều cửa để anh đi. Cánh cửa này đóng lại thì sẽ có những cánh cửa khác mở ra để anh đi. Khi anh đã lên được phương án dự phòng cho trường hợp xấu nhất thì sự tự tin của anh sẽ được tăng lên rất nhiều lần.

Trong bất kỳ chuyện gì, anh luôn luôn phải có được một phương án dự phòng (một backup), khi có được một phương án dự phòng rồi, anh sẽ bước vào cuộc chơi, cuộc đấu trí với tâm lý thoải mái và tự tin.

3. Biết điểm mạnh của mình, biết vị thế của mình cũng quan trọng không kém so với việc biết điểm yếu của mình

Trong bất kỳ một cuộc đấu trí nào, trong bất kỳ một thương vụ làm việc với đối tác nào anh phải vào cuộc với tâm lý:

Anh là phương án tốt nhất cho hoàn cảnh của đối tác, trong khi đối tác chưa chắc đã phải là phương án tốt nhất cho anh, anh còn có sự lựa chọn khác.

Tất nhiên cũng có những hoàn cảnh mà trong lòng anh nghĩ là đối tác là phương án tốt nhất cho hoàn cảnh của mình, không thể thay thế đối với mình. Nhưng khi nghĩ như vậy là anh đã tự mình đặt mình vào thế yếu, cần người ta rồi và thông thường đối tác sẽ đánh hơi, sẽ cảm nhận được điều này.

Khi anh cần đối tác quá thì đôi khi anh sẽ quên mất vị thế của mình (là phương án tốt nhất cho hoàn cảnh của đối tác).

Muốn không nghĩ như vậy (đối tác là phương án không thể thay thế đối với anh), để không tự đặt mình vào thế yếu, thì chỉ có một cách duy nhất là anh phải bất cần: có đối tác hay không có đối tác mình vẫn OK.

Đúng là trong mọi chuyện của cuộc sống, đôi khi anh phải vào cuộc với tâm lý bất cần: thắng hay thua cũng OK, có đối tác hay không có đối tác mình vẫn OK. Nghĩ được như vậy anh sẽ vào cuộc với tâm lý tự tin, không lo âu, không hoảng sợ vì lúc này thành hay bại, được hay mất đâu còn nghĩa lý gì với anh nữa.

Trong bàn cờ của cuộc đời, anh phải thắng đối thủ về tâm lý trước khi anh có thể thắng được đối thủ trên bàn cờ.

Qua đây ta thấy câu: Biết mình biết người thật quan trọng. Biết điểm mạnh (và điểm yếu) của mình và đối thủ và thắng hay thua cũng OK có lẽ là 2 điều quan trọng nhất để anh có thể giành được chiến thắng trong bất kỳ cuộc chơi nào.

4. Sự bất cần đôi khi rất quan trọng

Cái sự bất cần (thắng thua chả vấn đề gì) thoạt nghe thì sẽ thấy hơi bô nhếch, nhưng nó là một trong những yếu tố quan trọng giúp anh có được sự tự tin và để có được sự tự tin một cách tuyệt đối anh cần phải tận dụng tất cả mọi yếu tố về tâm lý kể cả sự bất cần.

Ta không thấy những đối thủ vào cuộc với tâm lý không còn gì để mất là những đối thủ rất nguy hiểm đó sao? Vậy thì tại sao ta không học cách vào cuộc với tâm lý của đối thủ nguy hiểm này.

Lưu ý là sự bất cần ở đây là sự bất cần trong suy nghĩ của anh (thắng thua chả vấn đề gì), còn ở bên ngoài anh đừng nên tỏ ra là mình bất cần, mà đôi khi phải tỏ ra là mình rất cần :). Có ai còn muốn làm việc, muốn cộng tác với anh nữa khi anh tỏ ra là mình bất cần?

5. Muốn chiến thắng trước tiên anh phải có một nền tảng, một hậu phương vững chắc.

Trước khi có thể chiến thắng, anh phải xây dựng cho một một đường lùi, một phương án dự phòng tốt.

Thế nào là một đường lùi, một phương án dự phòng tốt: Một đường lùi, một phương án dự phòng tốt là cái phương án mà anh thấy vui vẻ thực hiện nếu anh thất bại. Anh phải tự làm cho mình một cái máng lợn (máng lợn càng to càng tốt :) và nếu thua cuộc anh vui vẻ trở về cái máng lợn và chấp nhận sẽ đi lên từ cái máng lợn đó.

Có được cái máng lợn tốt, có được một đường lùi chấp nhận được, anh sẽ tự tin giành chiến thắng trong bất cứ cuộc chơi nào.

6. Tôi đồng ý với câu nói: "Tiểu phú do cần, đại phú do thiên"

Tiết kiệm sẽ giúp anh giàu, nhưng đó là giàu nhỏ (do tiết kiệm, ăn dè, hà tiện mà ra). Muốn giàu lớn anh phải có trời giúp, không có trời giúp anh không thể giàu lớn được. Loay hoay mãi thì mọi chuyện cuối cùng cũng đều là do Trời, do thời và vận mà ra, mà thời và vận là do Trời quyết định (Thiên thời).

7. "Không nói gì cả thì không ai bảo mình ngu, không làm gì cả thì không ai bảo mình dại" - Danh ngôn đường phố, nghĩ cũng thấy đúng.

8. Muốn làm được việc lớn, cần phải biết gạt những danh hão sang một bên

Ham gì thì khổ vì đó. Háo sắc thì khổ vì sắc, ham tiền thì khổ vì tiền, khát tình thì khổ vì tình, háo danh thì khổ vì danh.

Trên con đường đi đến sự tự do người ta phải biết từ bỏ dần tính háo danh, tính sĩ hão. Được người ta kính trọng, nể phục, tung hô, ca tụng... ai mà chẳng khoái. Nhưng coi chừng, như một tác giả đã từng nói: "Sợi dây xích bằng vàng thì vẫn là một sợi dây xích". Không chừng, nhiều khi chính cái hư danh, chính cái danh hão nhiều lúc nó làm cho mình phải gồng mình lên, không được sống thật với con người mình, với khát vọng của mình.

Vậy nên, tôi cho rằng những người nổi tiếng lại chính là những người khổ, khổ vì chính cái danh mà họ có, chứ chẳng phải là sung sướng gì. Nhiều kẻ rất thành công khi đang còn là một kẻ vô danh tiểu tốt, nhưng khi thành danh rồi thì lại bắt đầu lao xuống dốc. Chính là bởi vì những cái hư danh nhiều khi nó làm anh ta phân tâm, xao động và đánh mất chính con người mình, anh ta sẽ trở thành kẻ nô lệ cho chính cái hư danh của mình.

Ta thấy nhiều kẻ làm được việc, nhiều thế lực ngầm thích điều khiển mọi chuyện từ đằng sau hậu trường, họ đâu có cần ra mặt, họ đâu có cần những danh hão. Đối với những kẻ đó miễn sao là đạt được mục đích của mình. Với những kẻ đó, được việc và đạt được mục đích là điều tối thượng.

Vậy thì, ta có thể học hỏi được từ những kẻ đó, rằng muốn làm được việc lớn, cần phải biết gạt những danh hão, những hư danh sang một bên. Kẻ mà lúc nào cũng chăm chăm nghe xem người khác nghĩ gì về mình, nghe xem người khác nói gì về mình thường là những kẻ khó lòng mà làm việc lớn được. Anh mà cứ chăm chăm nghe ngóng người khác thì anh còn tâm trí đâu mà tập trung vào kế hoạch, vào dự định của anh được nữa?

9. Niềm tin là thứ luôn luôn bị thử thách

Không phải cứ có niềm tin là sẽ luôn giữ được niềm tin. Niềm tin là thứ quý giá nên nó luôn bị thử thách.

Trong trường đua của cuộc đời, có rất nhiều tình huống mà niềm tin bị thử thách, và chiến thắng chỉ giành cho kẻ nào giữ vững được niềm tin của mình. Giá cả trên thị trường chứng khoán cũng vậy, sau vài lần "rung, lắc" về giá (tức là giá đi xuống), thì thị trường chỉ còn lại những kẻ nào bám chắc nhất, những kẽ không từ bỏ cuộc chơi mới được hưởng mức giá cao nhất khi giá ngóc đầu đi lên.

Phải chăng trong cuộc sống, thà có một niềm tin ngờ ngệch còn hơn là sống không có niềm tin? Vì nếu cái phúc của anh tốt, thì biết đâu, nhờ cái niềm tin ngờ nghệch đó, mà anh mới ăn được những mẻ khá khá.

10. Có phúc hay vô phúc nhiều khi chỉ khác nhau ở cách suy nghĩ và sự lựa chọn

Đúng là "có trời mà cũng tại ta", phúc hay hoạ nhiều khi chỉ khác nhau ở suy nghĩ và sự lựa chọn của bản thân mà ra. Tốt xấu là tuỳ theo sở thích và quan điểm của từng người, hoạ và phúc cũng từ đó mà ra.

Thế nào là có phúc? Có phúc là khi:

- Cái tốt tự nhiên đưa đẩy đến với mình vào phút chót, hoặc

- Khi cái tốt đến với mình, mình biết nắm bắt nó, nâng niu nó, hoặc

- Khi cái xấu đến với mình, mình tự nhiên linh cảm thấy có gì đó không ổn và từ chối nó

Thế nào là vô phúc? Vô phúc là khi:

- Cái xấu tự nhiên đưa đẩy đến với mình vào phút chót (mình không có sự lựa chọn khác), hoặc

- Khi cái tốt đến với mình, mình coi thường và từ chối nó, hoặc

- Khi cái xấu đến với mình, mình ôm chầm lấy nó, nâng niu nó.

11. Sự khác nhau giữa cung Mệnh và cung Phúc

Trong Tử vi cả cung Mệnh và cung Phúc đều nói lên cái Phúc của đương số. Vậy thì cái phúc của 2 cung này khác nhau thế nào nhỉ? Phải chăng cái Phúc ở cung Phúc là cái mà mình nắm phần chủ động (bắt nguồn từ suy nghĩ và lựa chọn đúng đắn của mình)? Đúng như câu quả báo nhãn tiền, tức là anh suy nghĩ tốt và làm điều tốt thì anh sẽ được hưởng phúc ngay ở kiếp này (không cần phải chờ đến kiếp sau).

Còn cung Mệnh thì nói lên yếu tố bị động, tức là nó là kết quả của việc tạo phúc (hay mất phúc) từ kiếp trước.

Cung Phúc là nơi phản ánh suy nghĩ của đương số, cảm thấy hạnh phúc hay bất hạnh ở trong lòng cũng do cung này mà ra. Trong khi cung Mệnh phản anh nhiều hơn đến tính nết của đương số, là cái mà khi sinh ra đương số đã có sẵn những tính nết như vậy (ví dụ nóng tinh, dịu tính...)

Như vậy muốn nhìn vào sự cứu giải ở kiếp này ta phải nhìn vào cung Phúc. Tức là muốn biết cái sự ăn ở hiền lành của đương số, có cứu được đương số thoát khỏi những cơn nguy biến hay không, ta phải nhìn vào cung Phúc.

Còn muốn nhìn thấy sự cứu giải ở kiếp trước (yếu tố mang tính tiền định) ta phải nhìn vào cung mênh.

12. Giữa cái tâm của mình và suy nghĩ, hành động của mình có mối liên hệ mật thiết với nhau

Khi nào cái tâm của mình trong sáng, hay khi cái tâm của mình được tĩnh tại, bình yên thì suy nghĩ và hành động của mình sẽ được sáng suốt.

Khi nào cái tâm của mình mờ tối, hay khi mình lo âu, hoảng sợ, bồn chồn thì lời nói, suy nghĩ và hành động của mình sẽ dễ phạm phải sai lầm.

Như vậy cái tĩnh (cái tâm) làm chủ cái động (suy nghĩ, hành động). Có thể nói cái tâm của mình nó giống như một ngọn đèn soi đường chỉ lối cho lời nói, suy nghĩ và hành động của mình. Ngọn đèn đó sáng thì tự khắc mọi thứ sẽ được soi tỏ, ngọn đèn đó mờ tối thì suy nghĩ và hành động dễ trở nên u mê và lầm lẫn.

Có cách nào soi rọi được cái tâm của lòng mình, cái tâm của người khác không nhỉ? Quá khó! Có lẽ chỉ có một cách có lẽ là khả thi nhất để hiểu được cái tâm của người khác là phải biết được mục đích (sứ mạng) của người đó trong cuộc đời là gì. Mà điều này thì chỉ có trời biết!

Nhưng trong tử vi có một cung nói lên mục đích (sứ mạng) của một người trong cuộc đời này, đó là cung Thân. Ồ vậy ra cung Thân mới là cung làm chủ một lá số? Cũng Phúc cũng là cung quan trọng trong lá số. Cung Mệnh cũng là cung quan trọng, rồi có trường phái nói cung Tật mới là cung quan trọng. Cung nào cũng quan trọng cả, thật rối như canh hẹ, rối như tơ vò, thật nội tâm của con người là hết sức phức tạp.

13. Tiền nhiều không hẳn sẽ lựa chọn và mua được cái tốt nhất

Tiền nhiều chưa chắc là là điều đảm bảo rằng anh sẽ mua được cái tốt nhất. Thậm chí điều hài hước là bỏ ra tiền càng nhiều thì xác suất anh mua phải đồ lởm là càng cao.

Với những thứ mua được bằng tiền, muốn lựa chọn và mua được đồ tốt nhất anh phải có đủ cả 4 yếu tố sau đây:

1. Cái phúc của anh phải tốt. Phúc xấu thì cho dù anh có nhiều tiền, anh sẽ hết gặp phải hàng lởm này đến hàng lởm khác. Cái phúc của anh tốt thì cho dù anh có ít tiền, cái tốt sẽ tự đưa đẩy tìm đến với anh.

2. Kỹ năng đánh giá của anh phải tốt. Không có kỹ năng đánh giá thì cho dù cái tốt ngay trước mặt anh cũng không biết, không thể nhận ra. Nhưng người tính không bằng trời tính, kỹ năng đánh giá của anh cho dù tốt bao nhiều thì luôn có những điều bất ngờ không thể lường trước được. Thế nên, cái duyên may, cái phúc vẫn quan trọng hơn kỹ năng đánh giá của anh.

3. Anh phải khiêm tốn và tôn trọng đối với dịch vụ và anh mua. Trừ khi anh mua cái tivi hay tủ lạnh thì không nói làm gì, anh không cần phải nâng niu tôn trọng nó mà nó vẫn sử dụng tốt. Còn một khi anh đã mua dịch vụ mà anh coi thường, khinh bỉ, hay đối xử với dịch vụ mà anh mua với tâm lý "mua mâm thì phải đâm cho thủng", hay "tao bỏ tiền ra thuê mày" thì cái mâm nào làm việc với anh một thời gian cũng phải chạy mất dép :)

4. Cuối cùng mới là yếu tố tiền. Thông thường những cái tốt nhất thường có giá hợp lý (không cao quá, không thấp quá). Cái đòi nhiều tiền thường là cái lố bịch, không biết mình là ai, nuôi hoang tưởng về giá trị của mình, hay giá trị của đồ vật mà mình định bán.

Như vậy ta thấy cái phúc (duyên may) tốt thật là quan trọng. Nếu cái phúc của anh tốt thì cho dù ít tiền anh có thể chấp luôn cả những kẻ nhiều tiền trong việc tìm mua được những thứ tốt nhất.

14. Cái tốt có thể được nhiều người biết, nhưng cái tốt nhất thì chỉ ít người biết. Đây là nguyên lý những cái giống nhau tìm đến với nhau (like attracts like).

Cái thuộc về số nhiều là cái bình dân (để đáp ứng nhu cầu của đại chúng). Cái tinh hoa (hoặc cái khác người) luôn thuộc về số ít, và chỉ ít người tìm được hay nhận ra giá trị của nó, ông Trời đã sắp đặt như vậy. Điều này cũng đúng trong các lĩnh vực âm nhạc, văn học, nghệ thuật... Bản nhạc hay nhất không bao giờ là bản nhạc mà ai ai cũng nghe, tác phẩm văn học hay nhất không bao giờ là tác phẩm văn học ai cũng đọc, ai cũng biết.

Vậy nên có thể chắc chắn rằng cái mà nhiều người yêu thích, cái mà xuất hiện tràn lan, dễ tìm, dễ kiếm, không phải là cái tốt nhất.

Nhưng cũng coi chừng, luôn có rủi ro trong mọi thứ, cái ít nhất đôi khi lại là cái tệ nhất.

Tổng kết lại, cái bình dân (tàm tạm hoặc tầm thường) luôn có nhiều và thuộc về số đông, cái tốt nhất (hay cái tệ nhất) luôn có ít và chỉ thuộc về thiểu số.

15. Ông Trời có cả sự thiên vị và có cả sự công bằng

Nhìn từ góc độ so sánh giữa con người với con người thì quả là có sự thiên vị, có người sướng, có người khổ, có người giàu người nghèo... Nhưng ông Trời cũng gieo ngay mầm hạnh phúc vào mỗi cá nhân, ông Trời không lấy đi không hoặc cho không ai một cái gì cả, hễ được cái này thì phải mất một cái khác, mà hễ mất một cái này thì sẽ được một cái khác, ông Trời đã quy định như vậy.

Cái mầm hạnh phúc mà ông Trời gieo sẵn vào mỗi người đó chính là suy nghĩ của chính người đó. Nghèo bao nhiêu, khó khăn bao nhiêu nhưng nếu suy nghĩ tốt thì vẫn cảm thấy hạnh phúc. Giàu bao nhiêu, thuận lợi bao nhiêu nhưng nếu suy nghĩ tiêu cực thì vẫn thấy vật vã, khổ sở.

Nhìn về góc độ tổng thể toàn thể loài người, toàn thể vũ trụ, thì chính sự khác nhau mới là sự công bằng. Cây phải có cây to, cây nhỏ, ngón tay thì phải có ngón dài, ngón ngắn. Công bằng không có nghĩa các cây phải bằng nhau, các ngón tay trên một bàn tay phải dài bằng nhau.

Vậy nên có thể nói: Trong sự thiên vị (của ông Trời) đã có sẵn sự công bằng, trong sự công bằng đã có sẵn sự thiên vị. Cũng giống như câu: Trong dương có âm, trong âm có dương, không bao giờ chỉ có âm cô độc hay dương cô độc.

16. Muốn thành công phải có đủ cả 2 yếu tố: khiêm tốn và tự tin

Khiêm tốn là để biết mình, biết người, biết sức của mình đến đâu. Khiêm tốn là biết dự phòng trường hợp xấu nhất có thể xảy ra, trường hợp mình có thể sai. Khiêm tốn là nền tảng, là hậu phương vững chắc để anh có thể giành chiến thắng.

Nhưng trên chiến trường, người ta không thể giành được chiến thắng bằng sự khiêm tốn mà phải giành chiến thắng bằng sự tư tin. Có sự tự tin, có niềm tin mới có thể giúp anh vượt qua thử thách và vượt qua những khó khăn trở ngại mà anh gặp trên đường.

Có người sẽ nghĩ: khiêm tốn và tự tin là 2 đức tính hoàn toàn khác nhau, không thể đi chung với nhau. Khiêm tốn và tự tin hoàn toàn có thể đi chung với nhau, cái này trợ giúp cho cái kia, nếu thiếu một trong 2 thứ thì cái kia không thể duy trì lâu dài được.

Tuỳ lúc, có lúc bên trong anh tự tin nhưng bên ngoài anh tỏ ra khiêm tốn, có lúc bên trong anh khiêm tốn nhưng bên ngoài anh tỏ ra tự tin.

17. Tất cả chúng ta đều đáng thương. Xin ông Trời hãy ban cho con thêm tình thương trong trái tim con để con có thể hiểu, cảm thông và tha thứ cho người khác.

18. Trần gian là chốn để trả nghiệp, không phải là nơi để hưởng hạnh phúc. Nếu sinh ra làm kiếp người để hưởng hạnh phúc thì con người ta sinh ra làm kiếp người để làm gì, anh cứ việc bay lượn trên trời, trên thiên đường mà phiêu du, mà hưởng hạnh phúc, việc gì phải xuống trần gian làm kiếp người làm gì? Sinh ra làm người là để trả nợ cho một điều gì đó ở thế gian này, hạnh phúc là những giây phút ngắn ngủi trong hành trình dài của trả nợ ở dưới thế gian này. Kẻ mà nghĩ trần gian là nơi để hưởng hạnh phúc thì sớm hay muộn sẽ được nếm những quả đắng ở dưới trần gian :).

19. Con người ta không thể thành công nếu không nhận lỗi về mình mà tiếp tục đổ lỗi cho hoàn cảnh hay đổ lỗi cho người khác. Nhiều người hết đổ lỗi cho hoàn cảnh này đến hoàn cảnh khác, đổ lỗi cho người này hay người khác mà không bao giờ thừa nhận lỗi tại mình. Bước đầu tiên để có thể thành công là dám thừa nhận sự sai lầm, thất bại của mình.

20. Như tôi đã từng đề cập, muốn chiến thắng trong bất kỳ một cuộc chiến đấu nào anh phải vào cuộc với tâm lý tự tin và lạnh lùng, bất cần (thắng thua chẳng hề hấn gì), và quan trọng nhất là anh phải có một phương án dự phòng. Nhưng muốn có được sự tự tin anh phải có thực lực tốt.

Nếu không có thực lực, không có sự tự tin thì phải làm sao? Khi đó anh phải vào cuộc với tâm lý mình là kẻ thua cuộc, anh phải tự nhủ "Tôi biết là lực của tôi còn yếu, nhưng tôi sẽ chiến đấu ngoan cường và ít nhất là tôi sẽ thua đẹp trong cuộc chiến này".

Tức là khi đó anh xác định rõ ràng anh là kẻ dưới cơ và sẽ chơi theo phương án phòng thủ ngoan cường. Nghĩ được như vậy, cơ hội để anh giành chiến thắng sẽ cao hơn hẳn vì khi đó anh sẽ chiến đấu với tâm lý tự tin hơn.

Chứ nếu không có thực lực mà vẫn cố tỏ ra tự tin thì chỉ cần nhìn thấy đối thủ thì anh đã bị "cóng cơ" rồi, đó là chưa kể bị tạm thua 1, 2 lần thì coi như là vỡ trận. Đây là cách thức đá bóng của đội tuyển Việt nam trong nhiều trận đấu trước đây. Phải dám thừa nhận đội bóng Việt nam không có thực lực nên phải chấp nhận chơi với tâm lý là kẻ ở cửa dưới và ngoan cường phòng ngự, phản công. Chỉ có như vậy đội bóng Việt nam mới có cơ hội dành chiến thắng trong những trận đấu quan trọng.

21. Mọi sai lầm đều phải trả giá

Tôi không biết câu "Mọi sai lầm đều được thứ tha" mà ta thỉnh thoảng thấy trên phim ảnh, hay trong tiểu thuyết, đúng với ai chứ với bản thân tôi, tôi thấy mọi sai lầm của mình sớm hay muộn đều phải trả giá. Thậm chí đôi khi chỉ cần mình hơi bất cẩn, hơi chủ quan một chút là đã phải trả giá ngay tức thì rồi, chứ đừng nói đến những lỗi lầm to tát.

Theo tôi việc phải trả giá sớm cho những lỗi lầm của mình là điều hay, vì khi đó người ta sớm tỉnh ngộ để tự răn mình và sửa đổi để có thể gặt hái được thành công cho sau này. Càng chậm phải trả giá thì cái giá mà người ta sẽ phải trả sẽ càng lớn.

Càng sớm tỉnh ngộ, càng sớm biết nhận lỗi về mình thì càng mau có cơ hội gặt hái được thành công và hạnh phúc. Người xưa có câu "Tiền trách kỷ, hậu trách nhân", nhưng phản ứng bản năng của con người là "Tiền trách nhân, hậu trách kỷ"

Con người ta thông thườnng không bao giờ muốn nhận lỗi về mình, nhận trách nhiệm về mình, mà tìm cách đổ lỗi lung tung cho hoàn cảnh hay cho người khác. Nhưng càng làm như vậy là ta càng tự đẩy mình lún sâu hơn vào trạng thái tự ru ngủ, tự bào chữa cho bản thân và càng khó thoát ra được khỏi sai lầm và thất bại.

22. Cuộc sống của con người, thế giới loài người được vận hành bởi 3 chữ: Duyên, Nghiệp và Nợ

Người ta có thể tìm kiếm được mọi thứ mình muốn, trừ những thứ sau đây người ta không thể tìm kiếm được mà phải do Trời Đất sắp đặt (tức là được ấn định bởi 3 chữ Duyên, Nghiệp và Nợ trước khi người đó được sinh ra). Những thứ đó là:

1. Bố mẹ: không ai chọn được bố mẹ cả

2. Con cái: không ai chọn được con cái cả

3. Vợ chồng: người ta tưởng là chọn được, nhưng thực ra là do duyên nợ sắp đặt

4. Nghề nghiệp: là cái nghiệp của mỗi người

5. Giàu nghèo, thọ yểu: người ta cũng không lựa chọn được

Nếu quả đúng là toàn bộ cuộc đời của một con người được vận hành bởi 3 chữ Duyên Nghiệp và Nợ thì Tử vi quả là kỳ diệu. Nó là một trong những công cụ hữu hiệu nhất để soi rọi 3 chữ Duyên, Nghiệp và Nợ trong toàn bộ các lĩnh vực của cuộc sống một con người.

Thử xem 12 cung trong 1 lá số tử vi liên quan như thế nào tới 3 chữ Duyên Nghiệp và Nợ:

1. Mệnh: giàu nghèo, thọ yểu, tính nết, rõ ràng những yếu tố này người ta không chọn được

2. Phụ mẫu: Do duyên nợ

3. Phúc Đức: Phúc của dòng họ, hạnh phúc trong lòng: cũng là được sắp đặt sẵn

4. Điền Trạch: có câu "Đất tìm người chứ người không tìm đất"

5. Quan Lộc: Công việc của một người là do cái nghiệp của người đó quyết định

6. Nô Bộc: Cái này có thể lựa chọn được phần nào

7. Thiên Di: Phùng thời hay bất phùng thời, hoàn cảnh và mọi người có trợ giúp đương số hay không, cái này cũng được quy định sẵn, người ta chỉ có thể thay đổi được một phần.

8. Tật Ách: Rõ ràng là không thể thay đổi được

9. Tài Bạch: Giàu nghèo là do số

10. Tử Tức: Con cái người ta không thể chọn được, do duyên nợ sắp đặt

11. Phu Thê: Vợ chồng là do duyên nợ

12. Huynh Đệ: Anh em người ta không thể lựa chọn được

13. Cung An Thân: con người có thể tác động

Có Trời mà cũng tại ta. Có những thứ con người có thể tác động vào, có những thứ không thể tác động được.

Nhưng lĩnh vực không thể tác động được là:

1. Mệnh

2. Phụ mẫu

3. Huynh đệ

4. Tử tức

5. Tật ách

Những lĩnh vực tác động được chút ít, phần nhiều là do Duyên, Nợ và Nghiệp sắp đặt:

1. Phu Thê

2. Quan Lộc

3. Tài Bạch

4. Điền Trạch

5. Nô Bộc

Có 3 cung mà con người có thể tác động được phần nhiều, đây là 3 chìa khoá để cải số, nếu như đi tìm sự cứu giải, đi tìm yếu tố "Nhân định thắng thiên" thì người ta phải nhìn vào 3 cung này:

1. Cung An Thân

2. Cung Thiên Di

3. Cung Phúc Đức

Tôi sẽ phân tích về 3 cung này khi có thời gian.

23. Khôn theo kiểu dại thì hoá ra dại còn hơn, dại lại hoá ra khôn

Quay trở lại câu "Khôn cho người ta hãi, dại cho người ta thương, dở dở ương ương cho người ta ghét", ngẫm ra tôi vẫn thấy khoái câu này. Nhẽ ra câu này phải được viết thật to treo trong phòng khách của mỗi gia đình :) Có thể coi đây là câu châm ngôn vàng ngọc trong cư xử giữa con người với con người. Câu châm ngôn vàng ngọc gì mà kỳ vậy? Nhưng sự thực đúng như vậy :)

Câu này chứa đựng triết lý sống sâu sắc vì nó thấu hiểu được bản tính con người là không ai thích người khôn và không ai thích người chỉ biết mưu lợi ích cho bản thân mình cả. Đến Trời Đất còn ghen ghét với người khôn, người tài (Chữ tài đi với chữ tai một vần) và Trời Đất cũng không thích người chỉ biết mưu lợi ích cho bản thân mình, huống gì con người.

Ta có thể phân chia thành 3 cách cư xử: "Khôn theo kiểu khôn", "Dại theo kiểu khôn" và "Khôn theo kiểu dại". Hay nhất là "Khôn theo kiểu khôn" và "Dại theo kiểu khôn" và tệ nhất là "Khôn theo kiểu dại"

Thế nào là "Khôn theo kiểu khôn"? Khôn theo kiểu khôn là cái khôn không bộc lộc ra ngoài để tránh sự ghen ghét của Trời Đất và của con người. Nếu khôn thực sự thì anh cứ việc giữ ở trong lòng, "một mình mình biết, một mình mình hay" :)

Thế nào là "Dại theo kiểu khôn"? Dại theo kiểu khôn là cái cách cư xử mà không làm cho ai ghen ghét cả và không làm điều gì ảnh hưởng đến ai cả. Tức là bề ngoài biết nhún nhường và biết khiêm tốn. Nhưng mà nhún nhường quá thì người khác làm tới liền, thật cư xử giữa con người với con người là rất khó, tỏ ra khôn thì người ta ghét mà tỏ ra dại quá thì người ta khinh và làm tới. Phải cư xử với con người thế nào bi giờ? :)

Thế nào là "Khôn theo kiểu dại"? Chẳng ai tự nghĩ mình "khôn theo kiểu dại" cả, ai cũng nghĩ mình "khôn theo kiểu khôn". Nhưng hiệu quả chính là thước đo cuối cùng để phân biệt. Nếu mọi người không ghét mình và sẵn lòng giúp đỡ mình thì đó là mình đang cư xử "khôn theo kiểu khôn" còn nếu mọi người nhìn thấy mình mà chạy mất dép thì đó là mình đang cư xử "khôn theo kiểu dại".

24. Sự tự mãn và khoe khoang thường phải trả giá đắt

Hãy thành thưc tự hỏi câu này: Những lúc ta sai lầm trong cư xử có phải là lúc ta tỏ ta nhún nhường và khiêm tốn thái quá hay không, hay là thông thường là những lúc ta tỏ ra tự mãn và khoe khoang thái quá? Thực lòng mà nói thì sự nhún nhường và khiêm tốn thái quá đôi khi cũng có hại (vì đối với người không biết điều thì thấy vậy họ sẽ làm tới và làm thịt mình) nhưng sự tự mãn và khoe khoang ít khi mang lại lợi ích, nó thường mang đến sự phiền toái và ghen ghét của mọi người nhiều hơn.

25. Vui chơi, đùa giỡn và niềm vui (joy) là nhu cầu bản năng của con người

Quan sát các con vật nuôi ta thấy chúng cũng khoái đùa giỡn với nhau. Con người cũng y hệt như vậy, muốn có niềm vui (joy) từ sự vui chơi, đùa giỡn là nhu cầu thiết yếu mang tính bản năng của con người, từ đây sinh ra các hội hè, tiệc tùng, đàn hát, pha trò...

Những bậc cao thủ về tán gái cũng là những kẻ biết mang lại sự gần gũi và niềm vui cho chị em. Chính vì vậy những người đàn ông nào có khả năng hài hước và biết tạo sự gần gũi với chị em đều là những kẻ mà có nhiều cô chết mê mệt. Còn những kẻ nào chỉ biết lý luận, triết lý về cuộc sống thì thông thường chị em sẽ cảm thấy tẻ nhạt.

Không có mớ lý luận nào khiến chị em phải suy nghĩ mà chị em cảm thấy thoải mà và thấy vui cả, nó chỉ khiến cho các cô đau đầu, mệt óc và mất hứng. Những truyện vu vơ, những câu nói xa xôi bóng gió, những câu đùa giỡn trọc ghẹo nhau, những câu bình phẩm về người khác hay bình phẩm về chuyện người khác (nói tốt hay dìm hàng người khác cũng OK, miễn là nó tạo sự gần gũi), vân vân và vân vân... chính là những thứ mang lại sự gần gũi và niềm vui cho chị em. Đây là nghệ thuật tán gái mà các Don Juan áp dụng trong khi đi thả câu, đi quăng lưới :)

26. Các sao về tình ái trong Tử vi

Trong Tử vi có 3 cặp sao diễn tả 3 tính chất của tình yêu nam nữ, đó là:

1. Hồng Loan, Thiên Hỷ: đây chính là cặp sao nói lên sự gần gũi, tình cảm, sự hài hước, pha trò, tròng ghẹo, sự ràng buộc nhau. Tình cảm nam nữ không thể thiếu những yếu tố này.

2. Đào Hoa, Thiên Không, Kiếp Sát: Niềm vui, cái đẹp, sự che giấu, giấu giếm, gian tà (nhiều tình yêu mang mầu sắc của gian tà), tình dục, sự ăn chơi, toan tính, ghen tuông, phũ phàng, phản bội.... Thông thường tình cảm nam nữ có đầy đủ những yếu tố này, có điều nó thể hiện ở các mức độ (cường độ) khác nhau mà thôi.

3. Thiên Y, Thiên Riêu: Sự say đắm, mê mệt, cuồng si về nhau (không thể dứt ra được, không thể quên được...). Đây chính là tính chất u mê của tình yêu. Thiên Y, Thiên Riêu bao giờ cũng có Thiên Hình, nên ta không ngạc nhiên khi thấy những tình yêu có tính chất u mê (si mê) thông thường đều có tính chất phũ phàng hay sát phạt sau khi tỉnh ngộ.

Vận hạn nào có đủ 3 cặp sao này thì trong lòng đương số nổi sóng về chuyện tình cảm, về sự gần gũi giữa nam và nữ. Vận hạn nào không có 3 cặp sao này thì thấy lòng lạnh lẽo, không có nhu cầu về sự gần gũi nam nữ.

Ta phải thừa nhận nhu cầu về sự gần gũi giữa nam và nữ là nhu cầu thuộc về bản năng của con người, chỉ có điều đối với một số người thì đó là nhu cầu trong suốt cuộc đời họ, còn đối với người khác thì nó chỉ diễn ra trong một giai đoạn nào đó của cuộc đời. Tử Vi thấu hiểu điều này.

Về chính tinh thì có Kình Đà, Liêm Tham, Thiên Cơ, Thiên Đồng, Hữu Bật. Sẽ suy nghĩ thêm về vấn đề này. Riêng về sao Hữu Bật là sao đặc biệt. Nó là sao nói lên sự khéo léo trong cư xử với mọi người và sự có duyên với người khác phái, tự bản thân nó không mang mầu sắc của tình yêu.

27. Chào ngày mới

Thử viết những dòng này ra một tờ giấy và mỗi sáng thức dậy đọc những dòng này xem tác dụng thế nào:

"Con cảm ơn Ông Trời đã cho con và những người thân của con được mạnh khoẻ, không ốm đau, bệnh tật.

Con sẽ bắt đầu ngày hôm nay với tâm trạng phới phới và lạc quan, với suy nghĩ sáng suốt, quên đi sai lầm và thất bại ngày hôm qua, để tập trung nỗ lực và cố gắng cho ngày hôm nay và cho tương lai."

.... Nghĩ tiếp và viết tiếp sau, những ý nghĩ quan trọng để bắt đầu một ngày mới tràn đầy nhựa sống, lạc quan và tin tưởng.

28. Làm thế nào để thực sự quên đi sai lầm ngày hôm qua và tự tin nhìn về tương lai?

Tôi nghĩ ra cách này, sẽ thử nghiệm cách thức này xem thế nào:

Viết ra một tờ giấy những câu sau:

"Thưa Ông Trời, con là ABC.

Ngày ...., con đã mắc phải sai lầm tày trời là ....

Tác hại của sai lầm này đối với con là .... Tác hại của sai lầm này đối với người khác là ....

Sau đó, không những con đã không cải thiện tình hình của sai lầm đã qua, mà còn lại tiếp tục mắc phải sai lầm ngớ ngẩn là ....

Con tự thấy hổ thẹn và xấu hổ với lương tâm mình và với Ông Trời về những sai lầm ngớ ngẩn của mình.

Con đã tự rút ra được bài học là....

Con sẽ ghi nhớ bài học này và sẽ quên phắt đi sai lầm của mình ngày hôm qua, để con có thể tư tin và tập trung sự cố gắng cho tương lai.

Xin Trời chứng giám cho lòng thành của con."

Viết xong, lạy Trời Đất 3 lạy, và đốt tờ giấy này, cho sai lầm, thất bại của ngày hôm qua bay lên trời :)

29. Hoàn thiện lại bản dịch bài thơ When Nature wants a man - Khi Chúa muốn rèn luyện một người

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro