Không tựa
Có những khi con tỉnh dậy
Thấy những tháng ngày đã qua như một giấc mơ dài...
Mẹ ơi,
Khi con bé, mẹ đã từng hỏi con:
- Lớn lên Nhem muốn làm gì?
"Con muốn làm giáo viên"
"Con muốn làm hoạ sĩ"
"Con muốn làm nghệ sĩ
Chơi những bản nhạc thật hay"
Nhưng mẹ ơi,
Thật ra có những khi con chỉ muốn thời gian đừng trôi nữa
Và ngày hôm qua lại giống như ngày hôm nay
Con vẫn là con bé bỏng trong vòng tay mẹ
Ngốc nghếch và ngây thơ
Suốt ngày bị mẹ la mắng
Mơ mộng về những thứ viển vông
Cố gắng cho những điều nhỏ bé
Lo lắng vì điểm 10 môn toán dù chẳng biết để làm gì
Mẹ ơi,
Nhem của mẹ bây giờ đã lớn rồi
Đủ để mong giấc mơ kia chẳng bao giờ kết thúc
Đủ để khi thức dậy cảm thấy hư vô
Đủ để bất chợt nhận ra:
"Ồ, mình đã từng hạnh phúc đến thế."
Đủ để bảo: "Con vẫn ổn" mỗi khi gọi điện về
Đủ để ước gì kiếp sau được làm con của mẹ một lần nữa...
----------
Toulouse, 15/11/2021, 0:19
Khoảng 1 tuần sau khi mình viết bài này thì bà ngoại của mình mất, vào thứ sáu ngày 19/11/2021. Không biết mình đang làm gì trong lúc ấy. Chắc là đang chuẩn bị cái tampon CH3COONa/CH3COOH pH4,5 cho bài thực hành về enzyme cố định. Sau đó thứ 7 bố mẹ báo tin cho mình. Mình cũng không rõ là mình cảm thấy thế nào. Hoặc phải cảm thấy thế nào. Chắc là buồn, đúng không?
Thực ra từ nhỏ mình sống với ông nội và rất ít khi sang nhà ông bà ngoại, chỉ sang vào những dịp lễ tết. Mà những dịp ấy thì rất lại đông họ hàng, con cháu, trong khi mình là đứa nhát người. Mãi đến lúc ôn thi năm lớp 9 thì mình mới lại có cơ hội được gặp ông bà nhiều hơn, bởi vì chỗ học thêm của mình ở ngay phố Lê Thanh Nghị gần đấy. Nhưng khi đó thì bà ngoại đã yếu rồi, mình hầu như chỉ nói chuyện được với ông ngoại.
Mình luôn biết ông bà ngoại mình cực khổ. Ngay cái nhà mà họ ở suốt bao nhiêu năm, bé tí, ẩm thấp trong một khu tập thể cũ kĩ của Hà Nội, từ ngày bé đến nhà ông bà mình đã quen với mùi chua chua của cứt mèo và mùi hôi hôi của mấy cái lồng chim nhà hàng xóm. Nhưng những ngày tết vui nhất của mình hồi bé và chương trình Táo quân thì luôn gắn liền với cái căn hộ bé tí chật chội ấy. Đến nỗi mà mình luôn cảm thấy nhạt nhẽo và có gì đó sai sai khi xem Táo quân ở chỗ khác. Không phải vì con cháu của ông bà thiếu điều kiện để mua cho ông bà cái nhà thoải mái hơn, mà có lẽ vì ông bà không muốn, hoặc cũng có thể vì căn hộ này chứa quá nhiều kỉ niệm đối với họ, hoặc là vì ông ngoại rất quý cái vườn trên sân thượng của ông, nơi mà ông trồng đủ thứ chanh mướp và lại còn nuôi cả gà, thực sự mình cũng không biết vì lí do gì. Và bà ngoại của mình thì lúc nào cũng lo toan và lọ mọ. Chắc là bởi vì thời gian mà mình được ở cùng bà quá ít ỏi, cho nên mình luôn luôn chỉ nhớ lại lúc bà ngoại lén dúi mấy bịch sữa hoặc gói xôi, gói bim bim vào tay mình lúc bố mẹ chở mình về. Và bất kể lúc nào bà cũng muốn bọn mình mang nhiều đồ ăn về nhất có thể: bà sợ con cháu của mình đói.
Nghe thì có vẻ buồn cười. Nhưng khi lớn dần rồi thì mình không chỉ thấy nó buồn cười nữa. Mẹ mình luôn luôn kể là ngày xưa nhà mẹ nghèo khổ đến nỗi mà ông bà đầu tắp mặt tối chỉ đi làm để có đủ ăn đủ mặc, chứ không có thời gian để mà nói chuyện hay định hướng những thứ như kiểu nghề nghiệp, rồi tương lai vv... như bố mẹ mình với bọn mình bây giờ. Và ngày xưa bà ngoại cũng khá ngoa. Mỗi lần mẹ làm sai cái gì đó thì bà lại chê:
"Đẻ con khôn mát l*n rười rượi
Đẻ con dại thảm hại cái l*n."
Mình nghe mẹ kể mà há hốc mồm, không bao giờ tưởng tượng được bà ngoại nói thế. Bởi vì từ bé đến giờ mình chỉ nhớ mỗi cảnh con cháu nạt yêu lại bà lúc bà cố nhồi nhét thức ăn cho họ mang về, không muốn cũng phải mang về, còn bà ngoại thì cứ lọ mọ và lầm lũi...
Lần gần đây nhất mình gặp bà ngoại là 2 năm trước, hè năm 2019, khi mình trở về Hà Nội sau 2 năm du học. Thế rồi dịch Covid xảy ra. Từ đó đến giờ đã 3 năm rồi mình không được gặp gia đình, và do thực tập thì dự là cũng khó mà có thể gặp được họ trong 2 năm nữa. Mình không nghĩ đó là lần cuối cùng mình gặp bà đâu. Nhưng mà giờ nghĩ lại, cảm giác có sự sắp đặt nào đó mà hôm ấy mình nghe bà kể chuyện rất nhiều, dù có những chuyện mà mình không còn nhớ rõ. Bà nói đi nói lại với mình về chuyện ngày xưa đi rừng để làm việc, việc thì rất mệt mà mỗi lần về nhà là chân lại sưng phồng lên, nứt nẻ.
Mình thừa nhận mình là một đứa dở hơi. Dở hơi đến mức có nhiều lúc mình tự cảm thấy vô dụng và không biết làm thế nào với mớ cảm xúc hỗn độn của mình ngoại trừ việc viết nó ra. Thì chính xác hôm đấy là một buổi như thế. Mình ngồi nghe bà ngoại kể chuyện bởi vì tất cả mọi người đều đang làm việc gì đó trong bếp hết rồi, và mình cảm thấy vô dụng, không đủ nhanh nhẹn sắc sảo hay đảm đang như những đứa con gái khác cùng tuổi. Vậy nên nếu lúc đó mà khóc thì mình cảm thấy bản thân thật ngu ngốc. Thế là mình không khóc.
Cũng thật kỳ lạ là khi nghe tin bà mất mình lại nghĩ đến mẹ mình đầu tiên, mà không phải là bà ngoại. Nếu chỉ riêng cái suy nghĩ về việc không gặp lại được mẹ mình nữa đã làm mình sợ hãi rồi, thì mẹ mình sẽ cảm thấy thế nào khi bà ngoại mất nhỉ? Khi lấy bố mẹ cũng phải xa nhà đến bao nhiêu năm cơ mà...
Kỳ thực ra mẹ với mình đều giống nhau. Chúng mình đều là con gái của một người mẹ. Tình thân ấy, đôi khi có những thứ mà phải thật sự trải qua khoảng cách và thời gian thì chúng mình mới học được cách trân quý. Ngày xưa mẹ với mình cãi nhau nhiều lắm. Nhiều đến độ có nhiều lúc mình biết là mẹ ghét mình vì mình cũng vậy. Thế rồi mình phải đi xa. Thế rồi cả hai mẹ con mình đều có thời gian mà ngẫm nghĩ và nhìn lại bản thân, nhìn lại lẫn nhau. Thế rồi mình thay đổi, và mẹ cũng thay đổi. Mình biết là mình làm sai nhiều thứ và mẹ cũng làm sai nhiều thứ. Mình bỗng nhận ra được rằng làm bố mẹ cũng là một quá trình học tập dài, và đôi khi mình quá hà khắc đối với sai lầm của bố mẹ, trong khi không ai có kinh nghiệm là mẹ của Nhem trước khi đẻ ra Nhem cả, mà cũng chẳng ai có kinh nghiệm làm con gái của mẹ Nhem trước khi được bố mẹ đẻ ra hết.
Chỉ lảm nhảm vậy thôi. Quả nhiên là mình vẫn không quen với việc bày tỏ những thứ kiểu này lắm. Viết xong rồi thì mình vẫn chỉ là mình của ngày thường, trẻ trâu và hay làm mấy việc ngớ ngẩn mà bình thường mình vẫn làm.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro