Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

Những cơn mưa cuối cùng

Những cơn mưa cuối cùng

Sàigòn cuối thu, nắng gay gắt, khí ngột ngạt, xe cộ như nêm. Tiếng xe ba gác phành phạch cao vút cùng với các loại xe hơi, xe tải, và xe hai bánh khác tạo nên một thứ âm thanh hỗn độn, nhức nhối. Tuyết Lan, một cô gái đã ngoài ba mươi, mặt bơ phờ, tóc rối bù, áo quần lếch thếch, đang mất hút trong giòng xe cộ dài như vô tận trên đường từ An Sương về thành phố. Lan phóng như người mất hồn. Đầu óc vẫn đang quay cuồng với trăm nghìn trăn trở về Tứ Lai, một bệnh nhân sida đang thoi thóp dưới gầm cầu vượt ngã tư An Sương. Gần 10 năm nay, lang thang hết công viên này tới gầm cầu khác, chăm sóc cho không biết bao nhiêu người mắc chứng bệnh thế kỷ, chưa một người nào để lại trong Lan một nỗi buồn da diết như chuyện của Tứ Lai. Lan nhắm chặt mắt như cố cảm thông với nỗi căm thù xã hội của Tứ Lai. "Rầm", Lan mất thăng bằng , đầu chúi về phía trước, môi đập vào ghi đông, đau điếng, may mà không té.

-Này, cô có muốn chết không đấy! Đèn đỏ mà cô không thấy à! Một người đàn ông, tuổi đã xế bóng, nhìn Lan thông cảm, nói đùa.

Lan thấy môi sưng vù, máu tràn vào miệng vừa tanh vừa mặn. Người đàn ông vội vàng dựng xe, chạy tới, đỡ lấy hai vai Lan: "Cô có thấy sao không? Máu ra khá nhiều đấy! Tắp vào lề nghỉ đã!"

Người qua đường, kẻ nhìn Lan hờ hững, kẻ thì bảo: "nhà giàu đứt tay ấy mà!", kẻ khác bảo: "phóng chi cho cố, đáng kiếp!", người khác lại chế diễu: "môi anh đây không hôn, hôn ghi đông xe chi cho khổ!". Lan lén nhìn người đàn ông, cố mỉm cười, tỏ lòng biết ơn nói: "Chắc không sao đâu. Cầm máu rồi thì phải!". Người đàn ông rút khăn mouchoir chậm nhẹ lên những giọt máu vương vãi trên cằm Lan. Hơi đàn ông thoang thoảng làm Lan ngượng ngùng.

-Thôi chết. Lan khẽ gạt tay ông ra, nói: " Đèn xe chú bị bể rồi kìa!"

Người ấy giơ hai tay, bưng lấy mặt Lan âu yếm nói: "bể lâu rồi, không phải lỗi của em đâu. Em đi đâu mà vội vã thế?" Ông buông tay ra, nhìn thẳng vào mắt Lan, nói : "hình như em đang có chuyện buồn thì phải".

Lan khẽ gật đầu. Ong rút tấm danh thiếp, nhét vào tay Lan, nói: "giữ lấy, lúc nào cần anh, thì cứ đến". Nói xong ông lên xe, đạp máy, ngoảnh nhìn Lan, mỉm cười rồi phóng mất.

- Ê Lan! Sao cậu lại sớ rớ ở đây? Ông ấy là ai đấy? Môi cậu bị sao vậy?

Lan bừng tỉnh. Phượng Linh vẫn ngồi trên chiếc Citi màu huyết dụ, nhìn Lan ái ngại. Lan nuốt ngụm máu còn trong miệng, nói : "không sao. Hôn đít người ta mà không sao, chỉ bị téc môi một chút thôi. Tớ đi tìm người giải tội cho Tứ Lai. Nó sắp chết rồi."

-Cậu tính tìm ai?

-Tìm mấy ông cha quen Dòng Chúa Cứu Thế.

"Tin, tin... này có đi không thì bảo. Không đi thì lên lề mà nói chuyện cho người ta đi chứ!"

-Thôi cậu đi đi! Tớ cũng phải đi kẻo trễ. Lan nhét vội tấm danh thiếp vào túi, leo lên xe, và chìm dần vào trong giòng xe xuôi ngược.

Lan lại phóng như bay, sợ hết giờ gặp khách. Tới nơi, đã quá 11 giờ, may mà phòng khách còn mở cửa. Bấm chuông tới tấp mà vẫn chẳng thấy cha Thịnh đâu. Lan đi ra ngoài, nhìn quanh, thất vọng. Mấy cây dầu cao vút trước cửa, trông thật ngạo nghễ, vẫn cúi đầu, ủ rũ, cam chịu mặt trời tước mất vẻ tươi tắn cố hữu.

-Ai bấm chuông cha Thịnh đấy?

Nghe có người hỏi, Lan mừng húm, chạy vội vào: "dạ, tôi ạ!".

-Chị tìm cha Thịnh có chuyện gì không?

-Có chuyện quan trọng lắm, mà ngài có nhà không?

-Đáng lẽ giờ này ngài phải có ở nhà rồi. Mà sao vẫn chưa thấy ngài đâu. Chị có cần gặp ngài gấp không?

-Gấp lắm. Tôi xin ngài đi giải tội cho một người ở An Sương.

- Ơ An Sương thì tìm cha An Sương chứ, sao lại tìm cha Thịnh?

Lan im lặng bước ra phòng ngoài, mệt mỏi, ngồi phịch xuống ghế, đợi chờ.

-Ai vậy Minh? Bình hỏi.

-Một bà xin cha Thịnh đi giải tội ở tận An Sương lận.

Bình nhìn qua khe cửa thấy Lan vẫn lơ đễnh nhìn lung vào cỏ, cây đang gục đầu trong nắng.

-Chị này trông quen lắm, Minh ạ! Để tớ nhớ lại xem đã gặp chị ở đâu. Bình lại nhìn qua khe cửa, rồi kéo tay Minh, nói nhỏ: " chị Tuyết Lan, cựu tu sĩ Dòng Đaminh, quê ở Bình Giã, gần nhà mình.

-Cậu quen chị ta à?

-Chỉ biết thôi chứ không quen. Hồi còn là tu sĩ, chị làm việc tại hội chữ thập đỏ xã Ngãi Giao. Một buổi sáng nọ, đi làm sớm, thấy ai bỏ một bó khăn lông trước cửa, kiến bu đầy, mở ra thấy một bé trai mới sinh, bị kiến đốt sưng vù, chị cứu sống, nhận làm con nuôi, đặt tên là cu Lượm. Khi còn nhỏ, cộng đoàn ai cũng quí mến cu Lượm. Nhưng lớn lên cu cậu phá chưa từng thấy.

Ngưng lại một lát, Bình tiếp: " cộng đoàn nuôi dê lấy sữa, vừa để bồi dưỡng, vừa để kiếm sống, thỉnh thoảng cũng trồng bông bán. Một dịp tết nọ, cả một vườn vạn thọ mơn mởn, ngút ngàn, toàn nụ là nụ, sắp tới ngày thu hoạch. Hàng rào kiên cố. Thấy không ai coi, cu Lượm lén mở cửa, lùa dê vào, rồi đứng ngoài cổng la hét, khoái chí. Khi các soeur chạy tới, thì vườn bông đã bị phá tanh banh, chỉ còn lơ thơ vài cây siêu vẹo, rụt rè trong nắng. Cu Lượm bị một trận nên thân, xưng vù cả chân tay. Đi làm về, thấy mắt cu Lượm sưng húp, xót con, chị Lan lôi cu Lượm đến chị bề trên, cự xối xả.

-Lúc đó nó bao nhiêu tuổi mà phá dữ thế?

-Không biết, mình chỉ nghe kể vậy thôi. Trời bắt đầu kéo mấy đen, xám xịt. Gió lạnh quất phành phạch vào chiếc phên trước hành lang, thổi bay hết mọi thứ giấy tờ trên bàn.

-Trời lại chuyển mưa nữa. Năm nay sao mưa dai thế không biết! Bình nói.

-Đây chắc là cơn mưa cuối mùa, Bình ạ! Im lặng một lúc, Minh hỏi: "cu Lượm bây giờ ở đâu?"

-Nó còn ở lại cộng đoàn một thời gian nữa. Người ta kể, có lần nhân bổn mạng dì nhất. Cỗ bàn đã chuẩn bị tươm tất. Các soeur đang đọc kinh trưa trong nhà nguyện, thì lại nghe cu Lượm la hét. Các chị ùa ra, chạy vội vào phòng cơm, thì ôi thôi, dê đầy cả phòng. Có con còn leo cả lên bàn. Thịt, cá, rau, quả, đất, cát, cùng với phân dê vung vãi khắp cả phòng. Chị phó bề trên bực bội, mím chặt môi, mặt đỏ bừng, nắm tay cu Lượm lôi xềnh xệch vào phòng khách, rút cây chổi lông gà, quất túi bụi lên đầu, lên cổ Lượm. Tuyết Lan từ xa lao tới, giựt lấy cây chổi, chống nạnh, nhìn chị phó, nói: "bà lấy quyền gì mà hành hung con người ta như thế. Tôi cấm bà từ nay không được đụng vào nó!" Cu Lượm nép sát vào mình Lan, hai tay ôm lấy đùi Lan, bật khóc nức nở. Chị bề trên đứng như trời trồng trước cửa. Từ ngày ấy, chị em trong cộng đoàn bắt đầu xào xáo, chia rẽ. Tuyết Lan không dám để cu Lượm ở nhà nữa, đi đâu cũng dắt theo. Bổn đạo bắt đầu đàm tiếu. Có lần khi đi ngang qua đám thanh niên, Lan nghe rõ có người nói: "soeur ơi soeur, soeur đẹp quá, soeur cho em làm cu Lượm của soeur đi!" Người khác thì bảo: "soeur có muốn cu Lượm thứ hai không, em xin biếu không!" Trong cộng đoàn cũng không thiếu những lời cay độc. Có người bảo: cu Lượm là ác quỉ hiện hình, đêm đêm hay đi lại, đánh đu trên mái nhà. Người khác lại bảo, đêm nào cũng thấy nó lang thang ngoài nghĩa trang. Người khác nữa còn độc mồm độc miệng hơn, bảo đêm nào cũng thấy nó vào phòng Lan. Ơ ngoài nó là đứa con nít, vào tới phòng, nò là một thanh niên vạm vỡ. Hai người làm gì trong ấy, chỉ có trời biết! Bề trên chịu hết nổi những lời ấy, kêu Tuyết Lan tới, nói: "chị nghe quá nhiều chuyện về cu Lượm, chị không còn chịu nổi nữa rồi. Em có nghe người ta nói gì không?

-Có, nhưng cây ngay sợ gì chết đứng, thưa chị! Vả lại, thời buổi này mà không ngồi xổm trên dư luận, sống sao nổi!"

-Dư luận chị không sợ, chị chỉ sợ cu Lượm làm em lo ra, lơ là trong đời tu thôi. Bây giờ em phải quyết định hoặc gửi cu Lượm vào trại cô nhi hoặc cho một người khác nuôi, còn nếu em muốn sống với cu Lượm, em phải ra khỏi cộng đoàn.

-Nhưng gửi nó đi đâu bây giờ? Mình đã rửa tội cho nó, mình phải có trách nhiệm giáo dục đức tin cho nó chứ!

-Tu viện là nơi để người ta tu, chứ không phải là cô nhi viện. Hơn nữa, một bà soeur lúc nào cũng kè kè một đứa con nít, ai mà coi cho được. Em suy nghĩ kỹ đi, rồi báo cho chị biết.

Suốt đêm ấy Tuyết Lan trằn trọc mãi, không sao ngủ được. Vì sao người ta lại độc ác đến thế. Sinh con ra, đem vứt ngoài đường, người khác lượm về lại cấm không cho nuôi. Đi tu là để yêu thương như Đức Kitô, yêu cho đến sẵn sàng chết cho cả những kẻ đóng đinh Ngài, để họ được sống và sống dồi dào. Thế mà sao có những con người, bên trong chiếc áo nhà tu, vẫn còn là lòng lang, dạ thú... ta sẽ kiên quyết giữ vững lập trường. Nhưng bây giờ không tu nữa, mình sẽ ở đâu? Đưa nó về với mẹ, liệu mẹ có chịu nổi không?

Sáng hôm sau, Lan nói với chị bề trên: "thưa chị, em muốn chu toàn trách nhiệm của người đã cứu sống cu Lượm. Em xin ra khỏi cộng đoàn".

-Sao chị ấy dại thế? Minh hỏi. Đời tu phải hơn thằng con nít chứ. Vả lại, mình có bỏ nó đâu, mình gửi nó cho người khác nuôi mà!".

-Đời không đơn giản như mình nghĩ, Minh ạ! Bình tiếp : "nghe tin chị xuất tu, các chị trong cộng đoàn bắt đầu xôn xao, có chị nói: tôi nói có sai đâu, chỉ có ác quỉ mới hớp hồn được con Lan thôi, chứ mười cu Lượm đối với nó có ăn thua gì!" Nghe vậy, chị bề trên cắt ngang: "chị đừng xét đoán vô căn cứ như thế chứ! Hãy cứ để mặc Lan với lương tâm chị trước mặt Chúa, việc của ta không phải là xét đoán mà là cầu nguyện cho chị ấy được bình an".

Dẫn Lượm về tới nhà, cách nhà dòng không bao xa, Lan dặn dò: "về đây ở, con không được phá. Con mà phá, bà ngoại đuổi đi, không còn chỗ nào mà ở đâu, nghe chưa?". Lượm gật đầu, nhưng vẫn chứng nào tật nấy. Bà cụ nuôi mãi mới được bầy gà. Nhân lúc bà đi chợ, Lượm lấy bút lông của chị Lan sơn hết con này đến con khác, con thì màu đỏ, con màu vàng, màu xanh, trắng... có bao nhiêu gà sơn hết bấy nhiêu. Gà mẹ không nhận ra con mình nữa, cứ thấy con là mổ. Gà con chết sạch. Bà cụ tiếc ngẩn ngơ. Lan giận tím cả người, nhưng vẫn cứ thương con.

Khi đến tuổi đi học, tên khai sinh của nó là Trần Thiên An, nhưng chẳng ai gọi nó là An cả. Bạn bè vẫn cứ gọi nó là cu Lượm, khi tức giận lại còn tru tréo "đồ con rơi, đồ không cha, không mẹ". Thế là đánh nhau. Ngày nào đi học về, áo quần cũng đỏ lòm, nhầu nát, có hôm lại còn téc đầu, sứt trán. Bà cụ cứ bị người ta mắng vốn, buồn, bắt đầu bàn với người con trai duy nhất của bà: "thằng này làm khổ mẹ quá, con đưa nó vào trại mồ côi đi. Nhớ, đừng để con Lan biết.

Một buổi chiều nọ, đi làm về, không thấy Lượm đâu, Lan hỏi: "hôm nay Lượm có đi học không mẹ?"

-Có, nó đi từ sáng. Mọi ngày khi nào nó cũng về trước kinh truyền tin, sao hôm nay chẳng thấy nó về gì cả, mẹ cứ ngỡ nó ra chỗ con làm.

- Không, có đâu. Vậy nó đi đâu? Chả lẽ nó lại vào nhà dòng?

Nói xong, Lan bỏ đi, đi đâu không biết mãi tới thật khuya mới về. Lan ở nhà được ít bữa, rồi cũng đi luôn, từ đó không thấy về nữa. Dân làng ai cũng tưởng cô đã chết.

Gió lại thổi ào ào, vặn vẹo, uốn éo hàng cây trước mặt. Bình, Minh cùng im lặng. Mưa bắt đầu lốp đốp trên mái, nhưng chỉ được vài hạt lại thôi. Thấy cha Thịnh vừa đi, vừa đọc sách, Minh chạy vội lại, nói: "thưa cha, có chị Lan nào đó chờ cha ngoài phòng khách".

-Vậy hả? Có chuyện gì không?

-Chị ấy xin cha đi giải tội hay xức dầu cho ai ở An Sương ấy mà!

-Thôi, lại mấy đứa sida rồi, cám ơn cậu!

Lan vẫn suy nghĩ miên man, rất nhiều cha mẹ đang đẩy con cái vào chỗ chết mà không biết. Cha Thịnh bước ra phòng khách: "chào Lan, có chuyện gì thế?". Lan đứng choàng dậy : "trời ơi! Cha đi đâu mà lâu thế! con chờ cha cả tiếng rồi đấy. Thằng Tứ Lai muốn xưng tội lần đầu.

-Vậy hả? Bây giờ nó ở đâu?

-Ở gầm cầu vượt An Sương. Ơ đó đỡ hơn công viên Văn Lang nhiều.

-Môi chị bị sao đấy?

-Đèn đỏ con thắng không kịp, đâm vào xe người ta, môi đập vào ghi đông.

Nói tới đây, Lan cố hình dung ra khuôn mặt người đã đưa cho mình tấm danh thiếp, nhưng vẫn không sao nhớ được. Lan móc tấm danh thiếp ra, đưa cho cha Thịnh hỏi: "cha có biết ông này không?"

-Ông nào? Vừa nói, cha vừa cầm tấm danh thiếp đọc: "Hoàng Ngọc Bảo, giáo sư Anh Văn... không biết có phải ông Bảo đã có ba đời vợ, hiện vẫn cô đơn không? Đưa tôi xem lại xem ông ấy ở đâu nào!

-115 Nguyễn Phi Khanh.

- Chắc đúng rồi đó. Ông này quảng đại lắm, cần quan tài cứ tới. Nhưng hình như ông vẫn có một nỗi u uẩn nào đó thì phải.

-Vậy khi nào cha đi được?

-Trời mưa, nắng thất thường thế này, đi xa quá, không biết có sao không. Mà thôi, Lan cứ về đi, tôi đi ngay.

Trời bắt đầu đen nghịt. Sấm chớp liên hồi. Gió lạnh quất phần phật, làm run bắn cả người. Mưa bắt đầu lác đác.

-Cậu có áo mưa không?

-Có, cha có cần mặc áo mưa không?

-Cần chứ! dừng lại mặc áo đã, kẻo ướt.

Qua cầu Tham Lương một chút là trời bắt đầu mưa như trút. Mưa quất vào mặt, vào trán đau như bị đánh. Gió thổi mạnh, có lúc làm Bình không còn vững lái. Gầm cầu An sương chật cứng người trú mưa.

-Tới rồi cha ạ.

-Tới rồi, mà không biết nó nằm đâu cơ chứ. Cha Thịnh len lỏi vào tận trong góc thấp, Lan vẫn đang quì bên Tứ Lai, ghé sát tai, như đang nghe ngóng chuyện gì.

Tứ lai chỉ còn da bọc xương. Trán nhô cao, mắt sâu hoăm hoắm, da đen xạm, xần xùi hệt như da cóc. Mình mặc mỗi bộ quần áo cũ xì, cáu bẩn, tay chân khẳng khiu, khô đét, đang nằm trên tấm nylon co quắp, quay mặt ra phía ngoài. Tấm nylon bắt bụi mưa, bị đạp lên, nhớp nhúa. Một mùi khó chịu hệt như mùi cóc chết theo gió thốc vào mũi cha Thịnh làm ngài ho sặc sụa.

-Con đã chuẩn bị xong rồi. Lan nói.

Cha Thịnh quì xuống, rồi ngồi lên hai gót chân, ghé sát tai vào mặt Tứ Lai. Tứ Lai thều thào, phả vào cha một mùi khó chịu. Bên ngoài mưa vẫn như trút, nước lênh láng, ngập hết cả đường. Cha Thịnh nắm lấy bàn tay Tứ Lai, nhẹ nhàng nói: " Anh Lai mến, Chúa Giêsu yêu thương hết mọi người trong đó có anh. Chúa còn thương cả những người chỉ vì ghen tức đã đóng đinh Ngài vào thập giá. Thánh Luca kể: khi Chúa Giêsu chịu đóng đinh, có hai người khác cũng cùng chịu đóng đinh với Ngài. Họ là kẻ tội lỗi, Ngài thì không. Một người bị đóng đinh nhục mạ Ngài: "ông không phải là Đức Kitô sao? Hãy cứu mình và cứu cả chúng tôi với! Nhưng người kia mắng nó: mày đang chịu chung một hình phạt, vậy mà cả Thiên Chúa mày cũng không sợ. Chúng ta chịu như thế này là đích đáng, vì xứng với việc đã làm, chứ ông này đâu có làm gì trái. Rồi anh ta thưa với Chúa Giêsu: ông Giêsu ơi, khi nào ông vào nước của ông, xin nhớ đến tôi. Và Chúa Giêsu đáp: tôi bảo thật anh, ngay hôm nay, anh sẽ được ở trên thiên đàng với tôi" (Lc 23, 39- 43). Anh có tin Chúa thương anh không?" Tứ Lai gật đầu. Cha Thịnh tiếp: " Chúa Giêsu còn thương cả những kẻ đóng đinh Ngài nữa. Khi đóng đinh Chúa Giêsu xong, binh lính, thượng tế, luật sĩ hí hửng. Có người hứng chí nhạo cười Ngài: này Giêsu, có ngon thì xuống khỏi thập giá đi! Kẻ khác lại bảo: hỡi thầy lang, hãy cứu lấy mình đi, hãy xuống khỏi thập giá để chúng ta tin nào! Không một tên nào trong bọn sát nhân ấy tỏ dấu ăn năn. Vậy mà Chúa Giêsu vẫn xin với Chúa Cha: lạy cha, xin tha cho họ... khi tha thứ chọ họ như thế, Chúa Giêsu đã công bố cho loài người chúng ta một Tin Mừng. Đó là dẫu ta có ghét bỏ ngài, có đóng đinh Ngài, hay chà đạp Ngài xuống bùn đen, Ngài vẫn hết mực yêu thương ta, Ngài vẫn là của ta và ta vẫn là của Ngài. Anh có tin như thế không? Lai lại khẽ gật đầu. Mắt dán chặt vào cây thánh giá trong tay cha Thịnh.

-Vậy anh hãy thưa với Ngài: lạy Chúa Giêsu khi vào nước Ngài, xin nhớ đến con. Tứ Lai mấp máy đôi môi. Cha Thịnh tiếp: bây giờ tôi cho anh rước lễ nha. Chúa Giêsu đã nói: Tôi là bánh Hằng Sống từ trời xuống, ai đến với Tôi sẽ không hề đói. Ai tin vào Tôi sẽ không khát bao giờ. Ngài lại còn bảo: ai ăn Tôi thì ở trong Tôi và Tôi ở trong kẻ ấy. Và để cụ thể hoá những gì Ngài nói, vào lúc cuối đời, Chúa Giêsu đã cầm lấy bánh và nói: anh em hãy cầm lấy mà ăn, này là mình Thầy, hy sinh vì anh em. Cha Thịnh giơ Mình Thánh lên, nói tiếp: anh Lai mến, đây là Chúa Giêsu, Đấng đã chết và đã sống lại cho anh. Khi anh đón nhận Ngài, anh sẽ được ở trong Ngài, anh sẽ chết, nhưng chắc chắn anh cũng sẽ sống lại với Ngài. Anh có muốn đón nhận Ngài để được sống mãi với Ngài không?

Lai lại gật đầu. Rước lễ xong, Lai cố gượng dậy nhưng không còn sức. Anh thì thào: "cám ơn cha, xin cha cầu nguyện cho con". Một vài người trông thấy Mình Thánh, liền giơ tay làm dấu thánh giá, nhưng vẫn đứng xa xa, không dám đến gần, vì mọi người đều biết, vì sao người ta phải nằm trong xó tối ấy.

Mưa vẫn rất nặng hạt. Mọi thứ, nếu không bị ướt, thì cũng thấm hơi nước. Lan nắm tay cha Thịnh: "mưa thế này cha về thế nào được!"

-Chiều nay cũng chẳng có gì phải làm gấp cả, thôi chờ tạnh mưa rồi về cũng được.

-Hay đấy, con cũng đang muốn nói chuyện với cha.

-Ừ! Cứ nói đi!

-Con trằn trọc mãi về chuyện Tứ Lai cha ạ! Nó mới kể cho con hôm qua, sau khi đã đồng ý xưng tội, nhưng con phải nói cho cha chuyện này trước đã: nó có một người bạn tên Lượm, không biết đó có phải là Lượm nhà con không.

-Thằng Lượm nhà bà không chơi với những người như thế đâu! Bà cứ yên tâm.

-Cha lúc nào cũng bảo con an tâm, hơn chục năm nay, không biết nó ra sao thì an thế nào được mà an không biết. Lan im lặng, nhìn bầu trời xám xịt, cùng màn mưa dầy đặc đang trút xuống như thể không bao giờ dứt, tiếp: bây giờ con đã biết vì sao Tứ Lai căm thù sự tàn ác, phi nhân của đàn ông và sự vụng dại, ngu ngốc của đàn bà rồi. Mẹ nó là cấp dưỡng của một trường trung học ngoài Bàrịa, không có học nhưng dễ coi. Trong trường có một ông thầy dạy Văn, đang say đắm một cô giáo cùng trường. Hai người đang chuẩn bị đám cưới thì bồ cô ta đang du học Pháp được về quê nghỉ phép. Cô bỏ ông, thế là ông ôm mối hận tình, vừa quê mặt với bạn bè, vừa thấy mình thua kém người ta. Ông như người mất hồn, rượu chè be bét, đến giờ lên lớp rồi mà vẫn còn nghiêng ngả. Mẹ nó thấy tội nghiệp, an ủi rồi dính luôn. Quen nhau chẳng được bao lâu thì cưới. Hai người khá hạnh phúc, chỉ mỗi tội nghèo. Họ có được hai đứa con gái. Hai vợ chồng, hai đứa con sống trong ngôi nhà lá lụp xụp, tồi tàn, gần một nghĩa trang, xa cách mọi người. Ông muốn thoát cảnh nghèo, nên đề nghị: "có lẽ em phải hy sinh một thời gian, anh lên thành phố học, lấy cử nhân Anh Văn, may ra mới thoát được cảnh đời đen tối này".

-Em sẵn sàng thôi, nhưng lấy tiền đâu ra mà học chứ?

Ông im lặng, thấy một cái gì đó đắng cay, tê tái đè nặng trên ngực. Ong buông tiếng thở dài, rồi lăn kềnh ra ghế, nằm vắt tay lên trán, tư lự. Bà đến bên ông vỗ về: "thôi, anh cứ yên tâm, em đã có cách". Ông ngồi bật dậy, nhìn bà âu yếm hỏi: "cách gì vậy, nói anh nghe coi nào!" Bà giơ tay ôm lấy ông: "anh đừng hỏi, miễn là có tiền cho anh ăn học là được rồi. Mấy ông dạy Anh Văn trong trường, tiền vào như nước, thấy mà ham". Nói xong, bà ngồi xuống bên cạnh chồng, sung sướng nhìn ngọn đèn dầu leo lét đang tí tách, bập bùng, vẫn không đủ in bóng hai người lên vách lá. Bên ngoài, trời tối đen như mực. Gió rì rào. Một vài con đom đóm lập loè trước ngõ. Con cú ăn đêm thỉnh thoảng lại buông những tiếng u uất, não nuột.

-Anh tính bao giờ mới đi?

-Tuần tới, lãnh lương xong, anh sẽ đi, anh đăng ký rồi.

Ong khăn khói lên đường để lại cho bà một nách hai con dại. Tháng nào bà cũng chu cấp cho ông đầy đủ, có khi lại còn dư giả nữa là khác. Ong vẫn không biết tiền ở đâu ra, cho đến một hôm, ông về, thấy bụng bà khang khác. Ong cay đắng, tủi nhục, nhìn bà căm phẫn hỏi: "bà lang chạ với thằng nào?". Bà không nói, chỉ dấm dứt khóc. Ong túm lấy tóc bà, kéo xuống bếp, lấy con dao phay, kề lên cổ bà hỏi: "bà ăn nằm với thằng nào, nói mau, không tôi cho một dao bây giờ!".

-Chỉ vì ông, tôi đã dại dột bán thân, nên bây giờ mới ra nông nỗi này. Ông có giết thì giết.

Ông ném con dao xuống đất, buông bà ra, bước vào nhà, vò đầu, vò cổ: "trời ơi là trời, sao vợ tôi lại ngu ngốc đến thế! Sao nó lại bán đi cái thuộc quyền của tôi, để lấy tiền nuôi tôi đi học cơ chứ!"

Bà ngồi phịch xuống đất, ôm chặt lấy cột bếp, mắt nhắm nghiền, tủi nhục, chỉ mong ông cho một dao, cho rảnh nợ đời. Bên ngoài, trời vẫn tối đen. Gió vẫn rì rào. Tiếng côn trùng ai oán. Sáng hôm sau, thức dậy, bà không thấy ông đâu, chỉ thấy mỗi mảnh giấy nhỏ, chữ nguệch ngoạc dưới chân đèn. "Cám ơn bà đã hy sinh cho tôi. Tôi không còn xứng với sự hy sinh của bà nữa. Tạm biệt". Bà cầm lấy mảnh giấy, châm vào đèn. Nước mắt ráo hoảnh. Bà buông lời cay đắng: " mẹ kiếp, quân đểu cáng, đồ phản bội".

Cha Thịnh lắc đầu, nhăn mặt, tiếc cho một quyết định cuồng dại. Cha nuốt cay đắng hỏi: "bà ấy tên là gì?"

-Con không hỏi, hình như tên ông ấy là Bảnh hay Bảy gì đó. Mưa bắt đầu nhẹ hạt. Người ta từ trong hầm cầu ùn ùn kéo ra, đông như ong vỡ tổ. Tiếng động cơ các loại, tiếng nước bì bõm, tiếng gọi nhau ơi ới, như đang làm sống dậy một góc trời. Ao mưa đủ màu lượn lờ trên nước. Lan nhìn cha Thịnh tiếp: bà sinh được một bé trai kháu khỉnh, đứa thứ tư gọi theo kiểu miền Nam, trông lại giống như lai, nên bà gọi nó là Tư Lai. Hàng xóm nghe không rõ, gọi nó là Tứ Lai. Tứ Lai sinh được một tuần, thì chị Ba nó té giếng chết. Chôn cất bé Ba xong, mẹ con bồng bế nhau lên thành phố. Bà ngoại cho một căn nhà nhỏ, ở tạm.

Tứ Lai được đi học đàng hoàng, chỉ mỗi tội nhà lúc nào cũng lạnh tanh như nghĩa trang. Mẹ nó đi mãi tới khuya thật khuya, khi nó đã đi ngủ từ lâu, mới về. Sáng nó thức dậy, thì bà còn đang ngủ, nhưng bao giờ cũng để sẵn tiền cho nó trên bàn. Ngày nào cũng thế, tan học, nó tắp vào quán cơm trước mặt, ăn xong mới về, tối lại ra quán cơm trước ngõ. Lang thang riết cũng chán. Bạn bè cùng lớp thấy tội nghiệp, rủ nó về nhà chơi, nhưng nó chỉ dám tới một lần, không bao giờ dám tới nữa, vì tủi phận. Bạn bè lúc nào cũng có cha mẹ bên cạnh, còn nó, cha là ai, nó không biết. Mẹ thì có cũng như không.

Khi Tứ Lai học gần hết tiểu học, thì cũng là lúc mẹ nó bắt đầu đau yếu. Có hôm, bà ho suốt đêm. Có hôm, bà trùm mền cả ngày, hỏi bà cũng chẳng thèm nói. Bà luôn nhìn nó bằng ánh mắt xa lạ, hờ hững. Rồi một hôm, nó đang chơi, thì thấy mẹ và chị hai nó về. Nó theo vào nhà, thấy chị hai mang chiếc quần Jean ra ướm thử. Nó đến bên mẹ, nắm tay bà nhõng nhẽo: " mẹ ơi, mua cho con một cái giống như của chị hai đi mẹ!" Bà gạt phăng nó ra, nhìn trừng trừng vào mắt nó: "mua cái con khỉ. Đi chỗ khác! Vì mày mà bây giờ tao mới phải khổ thế này".

Nó thui thủi bỏ ra ngoài, lang thang vô định, đến trạm xe búyt, chợt nhớ tới bà ngoại, nó leo lên xe. Tới nhà ngoại, nó không dám vào, ngồi bó gối trước cửa, đã khoá từ lâu. Nó nghe rõ ngoại nói với cậu Tám: "con mẹ thằng Tư Lai lại bắt đầu giở quẻ. Tao chưa hề thấy con mụ đàn bà nào ngu như nó. Có ai lại đi làm đĩ nuôi chồng bao giờ. Mà nếu có thì thấy mình có thai là phải phá ngay chứ, để lòi ra cái thằng Lai này làm gì, để bây giờ nó khổ, mình cũng khổ lây. Chiều nay nó mới tới xin cho thằng Lai ở đỡ ít tháng, để nó bán nhà kiếm chỗ khác.

-Thế má nói sao với chị ấy?

-Tao bảo không. Chứa chấp cái thằng không có bố ấy mang tiếng, tao không chứa.

-Dẫu sao nó cũng là máu mủ nhà mình, má làm thế là bất nhân.

-Bất gì thì bất, tao chịu, nhưng không đời nào tao để cho cái thằng không có bố ấy sống trong nhà tao.

Tứ Lai nghe lùng bùng lỗ tai. Nó đứng bật dậy, ôm mặt vừa chạy, vừa khóc. Vậy là mẹ nó làm đĩ, đẻ ra nó. Trời đã khuya, nó vẫn cứ cắm đầu, cắm cổ đi như người mất hồn. Đến trạm xe buýt, mệt quá, nó nằm vật xuống đất, thiếp đi. Đời nó bắt đầu sang trang từ đó, lây lất đầu đường xó chợ, cho tới ngày rơi vào tay mấy anh đồng tính luyến ái. Nó được o bế, nuông chiều, được nghe những lời ngọt bùi, suốt đời nó chưa hề được nghe, cho đến khi mấy người kia chết, nó mới bị ném vào công viên Văn Lang và bây giờ thoi thóp ở đây. Ngưng lại một lát, Lan tiếp: "Tứ Lai là một người tốt, chưa hề biết ăn cắp của ai, không xì ke. Chỉ vì bị gia đình ruồng rẫy, mới rơi vào tay những người đồng tính luyến ái, nên mới ra nông nỗi này. Sao người lại có thể đối xử với người như thế được nhỉ! Nếu hôm nay Chúa Giêsu còn sống, con tin chắc rằng Ngài sẽ lặn lội đó đây, tìm cho ra những con người như cu Lượm, Tứ Lai để trả lại cho chúng quyền được làm một người đàng hoàng trong xã hội. Hết mưa rồi, cha về đi, con đi lo quan tài, hẹn gặp cha sau".

Bình vẫn đứng xa xa, thỉnh thoảng lại nhìn Tứ Lai, cau mày suy nghĩ.

-Về Bình ơi!

Trời đã hết mưa từ lâu, nhưng đường phố có chỗ vẫn bị ngập nước. Xe cộ ách tắc. Bánh xe cuốn nước, bắn tung tóe vào đầu vào cổ mọi người. "Chị ấy có phải là chị Lan, không cha?"

-Phải! Tuyết Lan.

-Sao cha biết chị ấy?

-Tôi dạy nó khi nó còn là tập sinh Dòng Đaminh. Sau nó về Bình Giã, nhặt được một em bé, muốn giữ lại nuôi, cộng đoàn không chịu, nó nghỉ tu, về ở với mẹ, mẹ nó gửi con nó vào trại mồ côi. Nó bỏ nhà đi tìm con, tìm hoài chẳng thấy, chỉ thấy những anh chị sida, thấy họ tội quá, ra tay nghĩa hiệp, thành chuyên viên.

-Cu Lượm, phải không cha?

-Phải, sao cậu biết?

-Nhà con ở gần nhà chị ấy.

Cha Thịnh vừa về đến nhà thì Minh đã hớt ha, hớt hải chạy tới, tay cầm điện thoại: "cha có điện thoại của chị Lan".

- Alô, cha Thịnh nghe đây.

- Thưa cha, nguy to rồi. Có mỗi chiếc quan tài mà hai đứa chết, tính sao bây giờ?

- Đứa nào nữa?

- Con Hkit, người dân tộc, cha mới xức dầu hôm qua đó.

-Liên lạc với Phượng Linh thử xem.

-Rồi, vô phương.

-Chỉ còn một chỗ thôi.

-Chỗ nào?

- 115 Nguyễn Phi Khanh.

-Ông Bảo hả?

-Ừ! Chắc chắn có.

Chôn cất Tứ Lai xong, Tuyết Lan trở lại cám ơn ông Bảo. Bảo nhìn Tuyết Lan, mỉm cười hỏi: " môi em sao rồi?".

-Cám ơn chú, đỡ rồi.

-Gọi chú chi cho xa lạ, gọi anh cho gần gũi. Này anh hỏi thật, em có gia đình chưa?

-Chưa. Nhưng em chưa nghĩ tới. Em có đứa con nuôi thất lạc, em phải tìm cho ra nó đã, rồi tính gì thì tính.

-Đi lạc ở đâu?

-Người ta vứt nó bên đường, em mang về nuôi. Nó phá quá, mẹ em gửi nó vào cô nhi, không cho em biết. Em tìm hết các cô nhi, bốn năm sau mới biết nó ở cô nhi Xóm Gà, nhưng tới nơi nó đã bỏ đi rồi, giờ không biết nó ở đâu.

Bảo tư lự nhìn Lan thông cảm hỏi: "nhà em ở đâu?"

-Ở Bình Giã.

-Làng mấy?

-Làng một, sao anh rành thế?

-Anh dạy học ở Bàrịa một thời gian, rồi mới chuyển về Sàigòn.

Chuyện Tứ Lai hiện về trong trí Lan. Cô đau buồn kể: "em bé sida chết hôm qua, anh cho quan tài chôn đó, cũng ở Bàrịa". Lan lắc đầu, đau buồn, tiếc nuối tiếp: "chuyện thương tâm lắm anh ạ. Nhà nghèo, mẹ em phải bán thân nuôi chồng đi học mà chồng không biết, không ngờ có thai. Khi biết vợ bán thân nuôi mình, ông chồng đã hậm hực bỏ đi. Mẹ nó sinh ra nó, nuôi nó đến năm 12 tuổi, đã chỉ mặt nó bảo: vì mày mà bây giờ tao mới khổ thế này. Thế là nó bỏ nhà đi, rơi vào tay mấy người đồng tính, chết khi tuổi vừa mới hai mươi. Công nhận đàn ông nhiều tên đểu thật. Em mà gặp được anh chàng đó, em sẽ vặn cổ cho chết".

Cả người Bảo nóng bừng như đang ngồi trên lửa, bàng hoàng hỏi: "mẹ nó tên là gì?"

-Em không biết, chỉ biết chồng bà tên là Bảnh hay Bảy gì đó.

Bảo chết lặng. Thôi đúng là Anh Hồng rồi. Ông vò đầu, vò cổ, tự nhủ: hai mươi năm rồi, lúc nào lương tâm ông cũng cắn xé ông. Ông đểu thật. Nếu vợ ông không hy sinh, dù đó là một sự hy sinh dại dột, ngu xuẩn, thì bây giờ làm gì ông được thế này. Thế mà... Bảo cố lấy lại bình tĩnh, hỏi: "nhà nó có mấy người?"

-Có ba chị em, nhưng chị Ba nó té giếng chết rồi.

Bảo không còn bình tĩnh nổi nữa, đứng bật dậy, la lớn: "hả! Một đứa té giếng chết à!"

-Phải, nó té giếng chết, mẹ con mới bỏ nhà, kéo nhau lên thành phố.

-Bây giờ bà ấy ở đâu?

-Em không biết, chỉ biết là Tứ Lai căm thù sự gian ác của đàn ông và sự ngu xuẩn của đàn bà suốt đời cho tới trước khi chết.

Bảo không còn chịu đựng được nữa. Ông như một tên tội phạm đang bị điệu ra trước vành móng ngựa của chính lương tâm ông. Ong gục mặt xuống bàn, khóc hồi lâu, mới ngẩng mặt lên, cuồng dại nhìn Lan: "em hãy đi ra khỏi đây, mau. Hãy tránh xa tôi. Tôi chính là tên đểu cáng đó". Nói xong, ông đập đầu thật mạnh xuống bàn. Tuyết Lan đứng bật dậy, ù chạy, như cố tránh một thứ kinh tởm nhất trên đời. Đầu óc quay cuồng.

-Alô, alô, tôi là Phượng Linh, xin cho tôi được nói chuyện với cha Thịnh ạ!

- Xin chờ một lát.

Cha Thịnh vẫn đang ngồi đọc báo. Minh nhẹ nhàng nói: "cha có điện thoại của chị Phượng Linh, chị có bộ hốt hoảng lắm!" Cha Thịnh đứng bật dậy, vội vã đi tới phòng điện thoại, hồi hộp, đợi chờ : "cha Thịnh đây!"

-Cha, Tuyết Lan chết rồi!"

-Hả? Cái gì? Không có tiếng trả lời, cha Thịnh chỉ nghe tiếng nức nở, ai oán ở đầu dây bên kia. Chờ cho Phương Linh khóc xong, cha hỏi: "sao nó chết?"

-Nó bị xe tông ngay trước cửa nhà ông Bảo.

Trong lễ đám tang Tuyết Lan, Cha Thịnh nói: hôm nay ta họp nhau nơi đây để chia sẻ một sự bình an với chị Tuyết Lan, một người suốt đời chăm lo cho sự sống, nhất là sự sống nơi những con người bị xã hội ruồng bỏ. Bao nhiêu anh chị em sida đã an giấc trong vòng tay yêu thương của chị. Chỉ tiếc có một điều thôi, chị ra đi khi ước nguyện chưa thành. Chị có một người con nuôi, tên là Trần Thiên An, dân làng vẫn gọi là cu Lượm. Khi còn nhỏ, Thiên An rất nghịch phá, nên bà ngoại đã gửi vào cô nhi Xóm Gà mà không cho chị biết. Chị bỏ tu, bỏ nghề, lao đao vất vả tìm con, giờ vẫn chưa thấy. Chị bảo, bao giờ tìm được con, thì muốn tính gì mới tính được... hôm nay, khi những trăn trở không còn nữa, hy vọng và cầu xin chị sẽ tìm được những gì đã mất.

"Thưa cha, con là Thiên An đây!". Từ hàng ghế giữa nhà thờ, một thanh niên mạnh khỏe, nước mắt dầm dề, chạy vội tới, quì sụp xuống trước linh cữu chị Lan hồi lâu. Cả nhà thờ sụt sùi, dấm dứt. Thiên An đứng lên, nói lớn: "Mẹ", rồi lại nghẹn ngào: "con tưởng mẹ đã quên con, không ngờ... ngày nào con cũng đi lễ ở đây, sao hôm nay con mới gặp được mẹ". An lại nghẹn ngào. "Mẹ, tất cả những gì mẹ đang làm, con xin hứa sẽ làm. Xin mẹ hãy an lòng".

Đắp mộ xong, Thiên An thắp nhang cho mẹ, mọi người đã về hết, vẫn chưa chịu về. Trời bắt đầu đổ mưa, cơn mưa cuối mùa năm ấy.

Trời đã vào Đông, mới 5 giờ chiều mà đã nhá nhem tối. Thiên An vẫn nhìn những người qua đường, dáo dác. Thỉnh thỏang lại nhìn đồng hồ, đăm chiêu tư lự: "Hôm qua mình hẹn Tiến đúng 5 giờ có mặt tại đây, trước cổng Tao Đàn, phía đường Trương Định mà sao giờ này chưa thấy nó đến, hay là nó lại bị làm sao rồi!" Chờ hoài chẳng thấy, An mệt mỏi, bước tới chiếc ghế gần bên cổng, ngồi phịch xuống. Trời tối dần. Xa xa sâu tít trong công viên, thấp thoáng một vài cô gái, lượn lờ quanh các gốc cây đã ngả mầu đen nghịt.

An nhắm chặt mắt. Hơi lạnh từ ghế đá tóat ra làm An thấy gây người. Hai mươi năm về trước, An cũng có cảm giác này khi ngồi tại đây, trên chiếc ghế này. Dĩ vãng tưởng chừng như đã chìm sâu trong quên lãng, bỗng giật mình thức dậy trong lòng An.

Vào cô nhi lúc vừa tròn tám tuổi. An đã lập tức trở thành một lãnh tụ tí hon, cầm đầu bọn trẻ quậy phá tưng bừng hoa lá.

Trước sân trường, có một hàng cây cảnh, đủ lọai, đủ cỡ: mai vàng, mai tứ thời, mai chiếu thủy, sứ Thái Lan... An lấy nắp bia, đập dẹp, mài sắc, rồi phát cho mỗi đứa một cái. Vào giờ chơi, An rủ bọn trẻ, thi nhau gọt sạch lớp vỏ bên ngòai, hết cây này đến cây khác, gọt từ gốc lên., cây nào cũng trơ lõi trắng hếu, trông thật tang thương. Có lần An đang thơ thẩn ngòai sân, thấy cửa nhà kho mở, bước vào, thầy Long, giám thị đang xếp chuối vào thùng, bẹ này chồng lên bẹ khác. Rồi ông kéo một hộp sắt to đùng, nắp đậy kín, từ trong gầm bàn, mở nắp, lấy ra một cục to hơn nắm tay, trông như một cục đá xanh, bên ngoài phủ một lớp trắng như vôi, đặt vào thùng chuối.

-Cục ấy là cục gì đó, thầy?

-Khí đá chứ cục gì! Rồi như chợt nhớ ra chuyện gì, ông nghiêm mặt nhìn An nói: "Mày vào đây làm gì, thằng ranh con kia? Tao chưa từng thấy thằng nào guậy hơn mày. Cây của người ta mày gọt sạch hết cả vỏ, làm sao sống nổi. Đi chỗ khác chơi mau!

An chắp tay sau lưng, lững thững bỏ đi. Đến giữa sân, thấy các cây sứ héo quắt, nhăn nheo, An ngồi bệt xuống, giơ tay nhẹ nhàng ấp lấy thân cây, rồi áp má lên tay, mắt lim dim, xa vắng. Bỗng An đứng bật dậy, mắt trợn tròn, cười khóai trá, tự nhủ: "Khí đá! Đúng rồi. Phải lấy một cục thả vào chậu cá!".

Trưa hôm sau, khi đang thiu thiu ngủ, nghe la lối om xòm trên phòng ngủ, Long bực bội, bật dậy, cầm theo cái roi mây mới.

-Nước sôi, tụi bay ơi!

-Ơ! Cá nhảy ra ngòai kìa! Lâm reo lên.

-Cá bơi bằng bụng kìa!

Bước vào, Long thấy Tuyến đang đứng trên ghế, thọc tay vào thùng cá. Khí đá tan, nước đục như nước vôi. Cá ba đuôi nuôi cả chục năm mới to được bằng nắm tay. Con thì đang ngam ngáp, con thì đã bơi bằng bụng. Một vài con nằm dính bẹp xuống đất. Nền nhà nước tung tóe, ướt nhẹp. Toản vẫn lom khom nghịch cá. Thiện đang cầm cá trong tay, hí hửng, thấy Long ném vội xuống đất, bôi hai tay vào quần. Tuyến tụt vội xuống, làm đổ cả ghế. Long vẫn đứng như trời trồng, một lúc sau mới nói: "Ai cho phép tụi bay. Quì gối hết!" Long quát.

Xa xa, An vẫn nằm im trên giường, mền đắp tới cổ. Mắt nhắm nghiền như đã ngủ từ lâu. Long đi vội tới, vừa đi, vừa lẩm bẩm: mẹ kiếp, lại cái thằng khốn kiếp kia, chứ không ai khác!" Long giật mền, ném xuống đất, rồi nắm lấy tay An, kéo bật dậy, đánh cho một trận nên thân. An chỉ nhăn nhó. Từ hôm ấy, trong trại hễ có chuyện gì xảy ra, là An lại bị đánh.

Có lần bé Loan làm bể bình bông. Chẳng cần biết ai là thủ phạm, Long cũng lôi An ra trước lớp, thẳng tay quất, quất xong mới nghiến răng nói: "Sao mày phá thế!"

-Em có phá gì đâu?

-Mày đập vỡ bình bông!

-Không phải em!

-Thế thì ai?

-Em không biết.

-Mày không biết hả? Long đang định quất thêm cho An mấy cái nữa, thì Tuyến nói: "Thưa thầy, trò Loan làm vỡ ạ!" Nghe thế, Loan nhìn Long lấm lét, rươm rướm nước mắt. Long không đánh An nữa, nhưng dí đầu roi vào trán An, nói cộc lốc: "Về chỗ!" rồi bỏ ra ngòai.

An uất ức, bật khóc nức nở. Chờ cho An khóc xong, Tuyến mới nói" An ơi, mày bị oan quá. Tên Long cứt chó này cà chớn thật. Mình phải cho nó biết tay".

Tỏan, Thiện, lặng lẽ vây quanh An, thông cảm. An cầm lấy tay Tuyến, mím chặt môi. Nước mắt nhạt nhòa trên gò má. An nói chắc như đinh đóng cột: " Tao có cách rồi!"

-Cách gì? Tuyến hỏi.

Ngày mai ở đây có đám cưới, tụi mình nhớ lượm thật nhiều pháo.

-Ngày mai có đám cưới hả? Tỏan hỏi.

-Ừ! Nhớ lượm thật nhiều pháo nha!

Lượm được bốn viên pháo đùng to bằng cổ tay. An lấy thun bó lại, rồi bện chặt cả bốn ngòi lại. Xong xuôi, chờ cho mọi người nghỉ trưa, An lẻn vào bếp, đặt bốn viên pháo vào lò, lấy trấu vùi lên. Chiều tới giờ nấu cơm, Ngọc Anh, vợ thầy Long, vừa nhen lửa, thì pháo nổ, tro trấu bay mịt mù, bay cả vào mắt Anh. An lại bị một trận đòn nên thân.

An bắt đầu chán nản, trầm tư, ít nói. Cứ mỗi lần thấy An, mắt Long lại long lên sòng sọc. Lần nào cũng chửi thầm: "mẹ kiếp! Cái lũ không cha, không mẹ". An càng lúc càng lầm lì, cho đến một hôm, An nói với Tuyến: "Đi thôi, ở đây không sống nổi đâu".

-Đi đâu bây giờ? Làm gì mà sống?

-Đi đánh giày, bán vé số, làm gì cũng được miễn là được tự do.

-Bao giờ đi?

-Chưa biết, phải trả thù lão Long đã rồi mới đi được.

Tuyến do dự hồi lâu, tiếp: "Hay về ở với ngọai tao!"

-Ngọai mày ở đâu?

-Tao không biết. Hôm nào ngoại tao lên thăm, tao sẽ xin ngọai tao cho về ở với bả.

-Sao ngọai mày lại gửi mày vào đây?

Tuyến trầm ngâm, không nói. Tuyến lúc nào cũng có linh cảm rằng bố nó còn sống, mẹ nó cũng còn. Có lần nó nghe được ngọai nó nói với Long: "Ong ráng nuôi dậy nó dùm tôi, khi nào sắp xếp xong chuyện gia đình, tôi sẽ đưa nó về".

-Bao giờ mới xong?

-Chờ cho mẹ nó lấy chồng xong đã!

-Vậy bố nó đâu?

-Nó có bố đâu. Nói tới đó nước mắt ngọai nó trào ra. Bà nghẹn ngào tiếp: "Bố nó là thằng ma cô, cả làng ai cũng sợ. Tối mồng hai tết, tôi biểu má nó mang đồ ra cúng ông bà. Trời tối, má nó bị thằng ma cô hãm hại, nên đẻ ra nó. Vì sợ má nó không lấy được chồng, tôi đã phải gởi má nó ra Huế, sinh nó xong mới về. Nay má nó có người yêu thương, sắp làm đám cưới, cầu Trời Phật độ, cho mọi chuyện an lành".

Nhớ tới đó, Tuyến cắn chặt răng, rủa xả: "mẹ kiếp! Đồ đểu giả!" Tưởng Tuyến đang chửi Long, An tiếp: "Rồi nó sẽ biết tay tao!"

Để trả thù, An lượm đá nhét vào bao cát, lấy dây thun xe đạp, buộc vào một đầu ghế băng, rồi dựng đứng băng ghế lên, gác một đầu vào cánh cửa khép hờ. Khuya hôm ấy, tới giờ ngủ, An xúi bạn bè, la hét, chửi rủa ầm ĩ, y như là có lọan vậy. Căm phẫn, Long chạy vội lên, kéo mạnh cánh cửa, ghế ngả xuống, đập mạnh vào đầu. Long hét lên một tiếng, té nhào xuống đất, máu phun lai láng. Mọi người túa đến, đưa Long đi cấp cứu. An sợ, chui vội xuống gầm giường. Ong Thanh, anh ruột Long, lôi An ra, táng cho hai cái, rồi lấy dây trói An vào thành giường.

Chờ cho mọi người đi hết, Tuyến tới bên An, lấy dao cắt dây trói cho An nói: "Mày phải đi ngay, không thì nó sẽ giết chết mày!"

Leo ra khỏi cổng, An cắm đầu, cắm cổ chạy như bay, thỉnh thỏang lại nghe như có tiếng hùynh hụych sau lưng, không dám ngóai lại, cứ cắm đầu chạy, vừa chạy, vừa khóc. Thành phố đã chìm sâu vào giấc ngủ, thỉnh thỏang mới có vài chiếc xe ì ạch như đang ngái ngủ. An mệt rã rời. Ngỏanh mặt nhìn, đường phố đã vắng tanh. Gió thổi mạnh, cây lao xao. Mưa bắt đầu lất phất. Đến công viên Tao Đàn, An chui vào gầm ghế đá, nằm co ro. Nước tràn vào, ướt áo, nó run lên cầm cập.

Lây lất bằng tiền bố thí của những người qua đường được ít ngày, An được nhận vào đòan người bán mì gõ, với giá thỏa thuận là ngòai cơm hai bữa, mỗi tô được hưởng 200 đồng. An bắt đầu quen dần với với những tiếng "cóc, sựt" vang lên khắp những con đường ngoằn ngòeo, hôi thối, hai bờ kênh Nhiêu Lộc. Đêm về thì ngủ ở trạm xe búyt. Làm được cả tháng, bán được cả trăm tô, mà vẫn chưa được trả đồng nào.

Một hôm đang đi trong con hẻm 20 Kỳ Đồng, An bị một tên, mặt bặm trợn, hai tay xăm đầy hình rồng rắn, chặn lại, nói: "Ê! Nhóc, trả tiền tao!"

- Tôi đâu có mắc nợ gì anh!

-Vào hẻm này là phải đóng hụi chết cho ông, mỗi ngày 1000 đồng.

-Tôi không có tiền.

-Mày ngang hả! Vừa nói, nó vừa táng cho An cái "bốp". An mất thăng bằng, chúi đầu về phía trước, lao vào một ông lão đi đường. Ong ôm chầm lấy An, nhìn tên kia nói: "Cái gì vậy Tèo!". Bực bội, Tèo lầm lũi, bỏ đi. Ông nhìn An, hỏi: "Con có sao không?" An không trả lời, lấy tay sờ vào miệng, rồi giơ tay lên xem.

-Con bị chảy máu rồi. Ong già nói. Vào nhà, ông xem thử coi có sao không nào!

Ong cầm tay, dắt An vào nhà. "Há miệng ra ông xem nào!" Vừa xem, ông vừa nói: "Không sao đâu, chỉ bị sơ sơ thôi.

-Cám ơn ông. An lí nhí.

Ong nhìn An ái ngại, dặn: "Vào hẻm này, con phải coi chừng mấy tên xăm tay, xăm chân đó nha. Nó đòi con cái gì?"

-Nó bảo vào hẻm này là phải đóng hụi chết cho nó, mỗi ngày 1000 đồng, con có tiền đâu mà đóng! Thôi cám ơn ông, con đi đây!" An chưa kịp ra khỏi nhà thì trời bắt đầu mưa, mưa như trút. Mưa ngập cả đường phố. Nước kênh dâng cao, tràn vào nhà, sực mùi tanh lờm lợm

-Mưa rồi, có ai ăn nữa đâu mà đi! Nhà con ở đâu?

-Con không có nhà!

-Ba má con đâu?

-Con không biết! Con chỉ có mỗi một bà mẹ nuôi thôi, ở Bình Giã lận.

-Sao con không ở dưới đó với mẹ con.

-Bà ngọai con không cho ở.

-Con làm được bao lâu rồi?

-Dạ, được cả tháng rồi mà vẫn chưa được trả đồng nào.

-Trước đây con ở đâu?

An vẫn im lặng, không dám nói. Hình ảnh Long nằm sõng sòai trên máu lại hiện về trong đầu An. An nghe xót xa trào lên khóe mắt. Bên ngòai trời vẫn còn mưa. Cúp điện. Phố xá im lìm, chỉ còn lại những tiếng não nuột, rào rào trên mái. Ngọn đèn dầu leo lét bập bùng theo từng cơn gió thỏang.

-Thôi khuya rồi, con ngủ lại đây với ông, khỏi phải về nhà. Tối con hay ngủ ở nhà ai?

-Dạ, ở trạm xe búyt ạ!

-Ong chỉ có một mình, từ nay tối về đây ngủ với ông cho vui. Vừa nói ông vừa chỉ chiếc giường nhỏ: "Con ngủ ở đây, hay ngủ với ông cũng được!".

Hình ảnh cụ Đức lại hiện về trong trí An, mới đây mà đã hơn 15 năm rồi. An bỗng giật mình, khi thấy chiếc Honda 150 phân khối thắng két trước mặt. Một thanh niên tóc chấm ngang vai rối bù, râu ria xồm xòam, bước xuống khỏi xe, xăm xăm tới chỗ An. An đứng lên tự vệ: "Mày tìm ai ở đây?"

-Không tìm ai cả? Tôi chỉ ngồi chơi thôi mà!

-Chơi cái con khỉ gì mà ngồi cả cả tiếng đồng hồ một mình. Đi chỗ khác cho người ta làm ăn chứ. Vừa nói, anh ta vừa nhìn thẳng vào mặt An, rồi chau mày, như đang cố nhớ lại chuyện gì.

-Xin lỗi, mày có phải là An không? Trần Thiên An Xóm Gà, phải không. Giọng anh ta sôi nổi.

Hai mươi năm nay, không ai biết lai lịch của An, sao tên này lại biết mình: "Sao anh lại biết tôi!".

-Nhìn kỹ mặt này đi. Vừa nói hắn vừa chỉ vào mặt mình. An cố tìm mà vẫn không thấy được một nét nào quen thuộc cả.

-Mày không nhận ra tao à! Người kia sốt ruột nói: Tao là Tuyến đây.

An lắc đầu, nói: "Mày khác quá Tuyến ơi, không còn một nét gì của ngày xưa nữa cả.

Tuyến mỉm cười nham nhở: "Phải lột xác chứ, hì hì... À! Mày kỳ này sao? Có gia đình chưa?

-Tao đang làm ở công ty Vina giày. Có ai thương đâu mà lấy. Còn mày thì sao? Ngồi xuống đây tí đã!" Vừa nói, An vừa kéo Tuyến ngồi xuống ghế. " Mày ra khỏi trại hồi nào? Anh Long sao rồi?"

-Mày còn nhớ thằng Long à! Mày vừa đi khỏi thì nó về. Đầu sưng lên một cục. Nó bắt tụi tao quì suốt đêm và buộc phải khai thằng nào đã cởi trói cho mày. Không đứa nào chịu khai nhưng tao biết, nó nghi tao, nên hai hôm sau, bà ngọai tao tới tao năn nỉ bả cho tao về ở với bả. Về với ngọai được ít bữa. Chán quá, tao bỏ đi, lấy Tao Đàn làm đất sống. Khi nào muốn gặp tao, mày cứ ra đây, gặp mấy con nhỏ lượn lờ ở đây, hỏi "Đại ca Nam" là chỉ 5 phút sau, tao sẽ có mặt ngay. Còn mày thì sao?

-Đêm hôm đó tao ngủ tại gầm ghế này này. Trời mưa, ướt như chuột lột, lạnh muốn chết. Rồi sau, có một ông lão dễ thương, ông chỉ có một mình, đời buồn nhiều hơn vui, nhận tao về nuôi, cho đi học chữ, nhưng chỉ ít năm sau ông chết, để lại cho tao một căn nhà nhỏ. Cho đến bây giờ tao vẫn chưa rõ ông là ai. Rồi mười năm sau khi ra trại, tình cờ đi lễ ở nhà thờ Kỳ Đồng, tao mới biết được một tin đau đớn, mẹ nuôi tao chết, hôm ấy là đám tang bà. Tội nghiệp! suốt 10 năm tìm con, tìm cho đến chết vẫn không gặp được. May mà tao gặp được bà ấy. Bà ấy chuyên lo cho các nạn nhân tệ nạn xã hội, nên tao cũng muốn tiếp nối công việc của bà.

-Đó là lý do vì sao mày có mặt ở đây chứ gì?

An cười.

-Mày đang tìm thằng Tiến phải không?

-Phải, sao mày biết? Nó rất tội nghiệp, mày biết không. Bố nó cũng là ông ngọai nó, nên nó cảm thấy nhục, không muốn sống. Lúc nào người ta cũng phải trói tay nó quặt lại phía sau, để nó khỏi móc họng chết. Tao thấy xót xa quá Tuyến ơi.

Tuyến nhìn lung vào màn đêm dầy đặc tăm tối trước mặt. Tháng trước, Tuyến và Thanh hẹn nhau ở chợ Long Điền, ngồi uống cà phê tại quán Thanh Lan, chờ cho mọi nhà đóng cửa, mới tới hiên chợ, chụp cho Tiến một mũ thuốc mê, bế thốc lên xe, đem về Sàigòn cho đi ăn xin nuôi các hắn. Bây giờ mà để Tiến xổng mất, là mất một món lợi lớn, nên hắn chau mày nói: "An à! Chỗ bạn bè tao nói thật, mày đừng có dính tới chuyện thằng Tiến nữa nha! Không có lợi đâu".

-Sao vậy?

-Nó là món mồi ngon của các tay anh chị ở đây đó. Một ngày nó kiếm được có khi còn hơn mày làm cả tháng.

-Nó có làm gì đâu?

-Đi ăn xin chứ còn làm gì nữa! Mày nhớ rằng tụi nó phải tốn bao tiền bạc về tận Long Đất để bắt cóc nó đó. Bây giờ nó phải làm để trả nợ chứ, có qua có lại mà!

Im lặng một lát Tuyến nói: "Thằng này nhà ở Tam An, tận chân núi Minh Đạm cơ. Bố nó cũng là ông ngọai nó thật. Đúng là thằng già không nên nết. Có ba đứa con gái làm thịt cả ba. Vợ lão cằn nhằn, lão bảo: " Mình sinh ra nó, mình phải hưởng trước chứ!". Nghe xong, bà say sẩm, nhồi máu cơ tim đột ngột, lăn đùng ra chết tại chỗ. Ba đứa con gái ông, tan tác mỗi đứa một nơi. Thằng Tiến bất mãn bố, bỏ nhà đi lang thang, may mà rơi vào tay tụi tao... Thôi, mày muốn làm gì thì làm, đừng làm xã hội nữa, có ngày sẽ không còn lành lặn đâu". Nói xong, Tuyến leo lên xe, đạp máy, rú ga, phóng ào vào trong vùng tối. Trên cao gió vẫn rì rào.

An ngồi chết lặng trước sự gian ác của Tuyến. Bây giờ An mới hiểu được thế nào là "người sống trên xương máu người". An đứng bật dậy, tự nhủ: "không lành với lại lặn gì, bằng mọi giá ta phải cứu lấy cu Tiến" An tự nhủ.

An leo lên xe, đi như người mất hồn, mặc cho giòng xe cộ cuốn trôi. Đường phố đã lên đèn mà vẫn chật ních người qua lại. Các quán xá đèn xanh, đỏ, chập chờn, mờ ảo. Các tiếp viên, áo quần cũn cỡn, mỏng tanh, bó sát người như muốn phơi ra hết những gì cần che kín, hệt như những tiếng nhạc xập xình đang muốn phá vỡ bầu khí im lặng của màn đêm. Giọng ca sĩ Thanh Thúy lanh lảnh như đang rót vào tai An "nếu ngày mai không có anh, ai sẽ đưa em về..." đã kéo An trở về với thực tế. "Ay chết, hôm nay mình có hẹn với Thanh Thúy". An giơ tay ngó đồng hồ: "Bảy giờ ba mươi phút. Trễ mất một tiếng, không biết giờ này cô ở đâu?" An lo âu tự hỏi.

Thanh Thúy là một cô gái mặt đẹp như tượng. Tóc chấm ngang lưng, ăn mặc lúc nào cũng đoan trang như nữ tu, chỉ mỗi tội mặt lúc nào cũng lạnh như tiền, lì lợm, ít nói. Mắt hoang dã, ủ dột.

An đạp vội vào hẻm số 10 Kỳ Đồng, đi qua nhà nguyện Đức Mẹ dâng Chúa Giêsu vào đền thánh, tới một căn nhà lụp xụp tồi tàn, chênh vênh trên kênh Nhiêu Lộc, muôn thưở chìm ngập trong tanh tưởi. Nhà tối om, sực mùi ẩm thấp. Bà Thái vẫn co ro trong chiếc ghế bố đan bằng sợi nylon, tơi tả. Mùng mền cáu đất, phả ra một mùi khó chịu. "Ai đấy!", bà hỏi.

-Dạ, con là An đây ạ.

-Anh An hả? Con Thúy chờ anh lâu quá, vừa mới đi khỏi, không biết nó đi đâu.

An lúng túng: "tại con tới hơi trễ. Hôm nay bác có khỏe hơn không?"

-Mệt lắm anh ạ! Ngực tức lắm không thở được. Bà giơ tay như muốn nhờ An nâng bà dậy, hất chiếc mền xuống đất. Mùi mốc meo sực vào mũi. Bà ôm ngực ho sặc sụa. Bà nhìn An, thở dài thườn thượt, như muốn khóc. "Cứ mỗi lần nó ra khỏi nhà là tôi lại bị nghẹt thở..." An thấy lờ mờ một cái gì đó ghê gớm đang đè nặng lương tâm bà. Đã nhiều lần bà như muốn trút hết cho An, nhưng rồi chẳng hiểu sao, bà lại không nói.

An ngồi xuống bên cạnh, giơ tay nắm lấy cườm tay bà bèo nhèo như đã long ra khỏi ống xương. Bà húng hắng, nhìn lung vào ánh đèn mờ nhạt từ chiếc đèn chầu trong nhà nguyện tỏa ra, chập chờn trên vách nhà bên cạnh, nói: "Anh An này, tôi có chuyện muốn nói với anh. Không biết anh có muốn nghe không?"

An hí hửng "Xin bác cứ nói ạ!"

Bà xiết chặt tay Ân, rồi buông vội ra nghẹn ngào, thong thả nói: "Không biết khi nghe rồi, anh có còn thương con Thúy nhà tôi không". Bà ngưng lại, cố ngăn giòng nước mắt đang trực trào tuôn, tiếp :"Anh thương nó, tôi cũng thương nó... Đã nhiều lần tôi muốn nói hết sự thật với anh, nhưng lại sợ anh ngãng ra, nó lại bơ vơ tội nghiệp, nên không dám nói". Bà im lặng chờ phản ứng của An. An rơi vào trong tình trạng khó xử, lo sợ cho hạnh phúc mong manh của anh với Thúy, nhưng lại tò mò muốn biết sự thật, nên mạnh dạn nói: "tụi con thương nhau đã năm năm rồi, tính khí Thúy thất thường. Nhưng con nghĩ đã thương nhau thì phải thương hết, thương cả cái xấu lẫn cái tốt của nhau mới phải, bác ạ!"

Bà Thái lại nghẹn ngào, xúc động. Vết thương của gần 30 năm về trước lúc nào cũng âm ỉ, rỉ máu, như đang vỡ tóac ra trong lòng bà. Lúc ấy, gia đình bà còn ở Chu Hải, không giàu có, nhưng danh giá. Ong An thân sinh cụ là dân Sài gòn, tướng cao to, mặt thanh tú, ăn nói trí thức khác hẳn với đám dân chài quê mùa, ngốc nghếch. Ong chỉ có một mình bà, đặt tên cho là Diễm Trang. Ngay từ bé, lúc nào bà cũng được đi với bố. Năm 18 tuổi, Diễm Trang là hoa khôi của trường Trung Học Bà Rịa, lúc nào cũng kiêu sa, rực rỡ như hoa hồng trong cỏ dại, nhưng lại e ấp, rụt rè chẳng khác gì hoa trinh nữ. Diễm Trang rất sợ ma, không bao giờ dám ngủ một mình, lớn thế mà đêm nào cũng ngủ với mẹ. Đêm ấy, mẹ phải đi Phước Tỉnh, đám cưới anh Lân, con bác Hải, Diễm Trang phải ngủ với bố.

Gần đến kỳ thi tốt nghiệp, Trang bắt đầu bị vật vã, xanh xao, vàng vọt, thỉnh thỏang lại hay nôn ọe, uống thuốc nào cũng không hết. Một đêm nọ, đang ngủ Trang lại buồn nôn, phải chạy vội vào nhà vệ sinh. Bà An ngồi dậy, âu lo, khi thấy Trang trở về giường, bà ôm lấy, bế ngửa Trang trong lòng, y như khi Trang còn bé vậy, lấy tay vuốt nhẹ một vài sợi tóc còn lõa xõa trên vầng trán nhỏ, âu yếm: "Ui, con gái cưng của mẹ ui! Con thấy trong người thế nào?" Trang lúng túng trước thái độ bất thường của mẹ, ấp úng, nũng nịu: "Chẳng biết sao, cả tuần nay, con cứ bị buồn nôn hòai, mà không ói ra được.

-Con có quen ai không?

-Không. Quen chi sớm cho khổ, mẹ. Con phải học xong đại học đã, rồi muốn quen ai thì quen.

Bà An đặt tay lên bụng con, bối rối: "Thằng Linh, con bà Tứ Sắc, thỉnh thỏang hay đến nhà chở con đi học, thì sao?

-Con ghét thằng ấy lắm, học thì dốt mà lại lắm mồm.

Bà An lo lắng. Chắc chắn con gái bà có thai rồi, nhưng ai là thủ phạm, thằng nào dám làm hại con gái bà? Trang không thích giao du, không thích bồ bịch. "Hay là bố nó?" Bà có cảm giác như cả người bà đang nóng ran lên: "Nhưng từ xưa tới giờ, ông ấy có bị điều tiếng gì đâu!" Bà ngập ngừng hồi lâu mới hỏi: "Hôm mẹ đi đám cưới anh Lân, con ngủ với ai?"

Sợ mẹ chê là nhát gan, Trang không nói, chỉ khẽ gật đầu rồi lại lắc.

-Con ngủ với bố hả?

Trang chỉ khẽ gật đầu.

-Bố có làm gì con không?

Trang nhíu mày, đăm chiêu nhưng chẳng nhớ gì cả, ngòai một cảm giác mơ hồ như chiêm bao.

-Con không nhớ. Con chỉ nhớ là khi con thức dậy, thì thấy bố đang quỳ gối dang tay cầu nguyện. Hôm ấy, bố không đi lễ, con cũng không đi. Im lặng một lúc, Trang tiếp: "Sáng hôm sau, con mệt lắm, người như rã ra vậy".

Nghe tới đó, người bà An nóng ran như đang lên cơn sốt. Bà buông con ra, mím chặt môi, cố dằn cơn giận xuống: " Thôi, con đi ngủ đi cho khỏe, mai còn phải đi học".

Bà An trằn trọc suốt đêm, vừa căm phẫn, vừa tủi nhục. Nước mắt cứ trào ra sối sả, tự nhủ: "Phải làm cho ra chuyện". Quá căm phẫn, bà đi thẳng xuống bếp, lấy con dao, định xin luôn cái ấy của ông. Nhưng nghĩ lại, bà bảo: làm thế chỉ khổ con Trang thôi, còn đứa nào dám lấy". Bà ném con dao xuống đất, ngồi phịch xuống chiếc ghế salon, chống hai khủyu tay lên bàn, rồi gục mặt vào trong lòng bàn tay, nước mắt dàn dụa. Chuông nhà thờ vang lên khô khốc, như những tiếng chuông sầu đưa tiễn một linh hồn về bên kia thế giới.

Trưa hôm sau, khi đi học về, Trang nghe rõ giọng mẹ chua chát: " Thằng khốn kiếp, mày đã hại con gái bà, xéo ra khỏi nhà này ngay!" Bà hậm hực, nện từng bước chắc nịch xuống cầu thang.

Tối hôm ấy, nhà chỉ còn hai mẹ con, bà An lại ôm con vào lòng, mếu máo "Con có thai rồi!" Rồi bà bật khóc. Trang say sẩm, trời đất như quay cuồng. Chạy vội tới tủ áo, hai tay đấm thình thịch vào cửa tủ. Vừa đấm, vừa khóc. Bình bông trên nóc tủ, rơi xuống đất, vỡ tan tành. Từ hôm ấy, Trang căm thù đàn ông. Chờ cho Trang hết khóc, bà An nói: "Mai, mẹ đưa con vào Suối Nghệ ở với bà ngọai"

Trang vẫn im lặng. Tương lai đang hứa hẹn bỗng tối sầm, sụp đổ. Trang vẫn sống nhưng hệt như người từ cõi âm trở về. Sáu tháng sau, Trang sinh được một đứa con trai. Trang không hề nhớ mặt, chỉ biết sau ót nó có một cái bớt nhỏ to bằng ngón tay cái. Bà An cuốn cháu vào một chiếc khăn bông to tướng, rồi đội nón ra đi, khi chuông nhà thờ sắp đổ mới về.

Ít năm sau, nhờ mai mối, Trang kết bạn với một thanh niên tên là Thái. Vai u, thịt bắp, mặt xần xùi không thua gì Quasimodo của Victo Hugo, nhưng lại hiền lành, chung thủy, chiều vợ, thương con. Trang sinh được một người con gái, giống mẹ như lột. Mắt tròn xoe, đen nháy, nhưng lại đượm nét u buồn. Từ khi có con, Thái tươi hẳn lên, cứ đi làm về là lại xán đến nôi, con đang ngủ cũng bồng lên nựng. Dĩ vãng u buồn như đám mây mù dầy đặc lúc nào cũng quyện chặt lấy Trang. Trang bắt đầu kinh tởm Thái, không cho phép Thái tới gần con. Chính vì thế mà khi Thúy vừa chập chững tập đi và đang bi bô tập nói thì cũng là lúc Trang chia tay với Thái. Thúy càng lớn, càng thêm kiều diễm. Trang theo sát Thúy từng bước. Tiền bạc bà An để lại cứ ngày một đội nón ra đi, bán hết nhà này đến nhà khác cho tới khi chỉ còn một túp lều nhỏ, tăm tối bán cũng chẳng ai mua, chỉ đủ kê cho Thúy một chiếc giường nhỏ và một chiếc ghế tả tơi của Trang.Thúy căm ghét mẹ như kẻ thù, bắt đầu buông thả, phóng túng.

An chờ đến sốt cả ruột, hết nhìn bà Thái lại mơ màng nhìn ngọn đèn lặng lẽ trên bàn, thỉnh thỏang lại còn nghe tiếng "cóc, sựt" lạc lõng trong đêm. Bà Thái hắng giọng, nói: "Con Thúy nhà tôi nó... không ngoan. Không biết nó có nói với anh không,. Tôi đã phải khổ suốt đời vì nó. Ơ đầu hẻm có một ông thợ sửa xe, đã có cháu nội, cháu ngọai, người thì như con mắm ấy, vậy mà chẳng hiểu sao nó cứ đi chơi với ông ấy hòai. Vợ ông ta cứ vào đây mắng vốn tôi mãi... Anh có thương nó, anh bảo nó dùm tôi".

-Thúy đi chơi với ông ấy lâu chưa bác?

- Mới hôm qua, bà ấy còn vào đây, khóc om xòm. Con trai bà ấy thì đe dọa, nếu con Thúy cứ tiếp tục đi mây về gió với bố nó, có chuyện gì xảy ra ráng mà chịu. Im lặng một lát, bà tiếp: "Từ khi tôi ốm, không theo nó được nữa, nó mới đọa ra như thế".

Lòng An như trùng xuống. An không giận Thúy nhưng giận bà Thái. "Nuôi con mà lúc nào cũng như cai ngục thế này, con hư là phải". An an ủi bà: " Bác cứ yên tâm, cháu sẽ bảo Thúy".

Thúy về. An đứng vội lên, xin lỗi. Mặt Thúy buồn so nói: " Khu vực này sắp giải tỏa, nhà em lại thuộc diện giải tỏa trắng". An im lặng, bất lực, lòng đau nhói, nói cho xong chuyện: "Bao giờ giải tỏa rồi tính, còn lâu mà!" Thúy buồn như muốn khóc: "Tuần sau giải tỏa rồi. Em có thể ở tập thể, nhưng mẹ thì sao. Em mới đi hỏi thuê mấy chỗ mà mắc quá, không chịu nổi. Hôm nay sao anh tới trễ thế?"

-Anh đi tìm thằng Tiến mà không gặp.

-Tiến nào?

-Thằng bé mà bố nó cũng là ông ngoại nó, anh đã kể cho em nghe rồi đó.

-Anh tìm nó làm gì?

-Cha Thịnh bảo tìm nó xem có giúp nó được gì chăng.

-Anh lúc nào cũng ăn cơm nhà vác ngà voi.

Hễ cứ đề cập tới chuyện trẻ em đường phố là y như rằng hai đứa lại xung khắc. An im lặng, nhìn lung vào khu phố trước mặt, đã chìm sâu vào trong giấc ngủ, chỉ còn tiếng vo ve của đàn muỗi đói, hòa chung với tiếng róc rách của những đường cống nhỏ, rót thêm ô uế cho giòng kênh Nhiêu Lộc ngày đêm vẫn lềnh bềnh nhiều thứ.

-Thôi khuya rồi, anh về đây, mai gặp lại.

Hôm sau, lễ xong gặp An, cha Thịnh hỏi: "Sao An, có chuyện gì lạ không?

-Buồn nhiều hơn vui, cha ạ!

-Buồn chuyện gì?

-Sáng Noel, con tới với tụi Đĩnh cụt, Dũng hí, Tiến lồi, Phương lõm, đang băng bó cho tụi nó, thì bố của một ông cha đến, chỉ thẳng mặt con bảo: "Bọn này giả nhân nghĩa để lừa đảo". Thấy con vẫn im lặng, ông mời công an tới. Con buồn quá nói thẳng với công an: "Những người này, đáng lẽ nhà nước phải lo, chúng tôi lo dùm, đã chẳng được gì lại còn bị rầy ra, khó dễ. Thấy con chẳng làm gì xấu, họ cứ để con làm". Im lặng một lát, An tiếp: "Nghĩ mà buồn, cha ạ!".

-Có gì mà phải buồn, ngày xưa mẹ anh còn bị tụi nó đe đánh cho nữa ấy.

-Hôm qua, đi tìm Tiến, con cũng mới bị bọn ở Tao Đàn đe dọa đấy, mà thằng ấy lại là bạn cô nhi với con ngày xưa mới ác chứ.

-Anh có gặp thằng Tiến không?

An lắc đầu thất vọng. "Chắc không gặp được nó nữa đâu, cha ạ! Nó bị di tản đi nơi khác rồi. Thằng Tuyến, là thằng ngày xưa giải cứu con ở cô nhi Xóm Gà, cảnh cáo con: đừng đụng tới thằng Tiến. Nó là mồi ngon của tụi nó. Chẳng biết tụi nói là tụi nào, nhưng nếu hôm qua không phải là con mà là đứa nào khác, thì chắc là đã ốm đòn với tụi nó rồi.

-Phải tìm cho bằng được Tiến, An ạ.

-Sao vậy cha?

Tôi mắc nợ một ông cụ. Cụ ấy cũng rơi vào trong một hòan cảnh giống y như của bố thằng Tiến vậy. Cụ muốn nói lời xin lỗi, mà không tìm được người cụ muốn xin lỗi. Trước khi cụ lâm chung tôi phải hứa sẽ tìm cho bằng được người cụ muốn xin lỗi, cụ mới an tâm ra đi đấy. Biết đâu, người ấy lại là Tiến." Cha chép miệng tiếp: "Đời thật lắm nhiêu khê. Còn tiền không?"

-Tiền thì còn, nhưng nếu hai đứa cùng đi một lúc thì sẽ không đủ.

-Đứa nào sắp đi nữa?

-Con nghĩ Dũng hí và Phương lõm. Phương lõm hôm qua ngấp ngóai, tưởng đã đi rồi, chẳng hiểu sao lại hồi lại, nhưng mắt nó lờ đờ lắm rồi. À! Cha phải kể tiếp cho con chuyện của một ông già nào đó đi chứ!

-Ong ấy tên là gì nhỉ, tên dễ nhớ lắm mà sao tôi lại quên phénh đi mất. Ơ gần chỗ cậu ở ấy, chết chỉ có mỗi mình, tội nghiệp". Cha Thịnh chau mày suy nghĩ. Gió nhẹ đong đưa trên cành lá, làm An lạnh buốt, run lên cầm cập. "Ao đâu không mặc vào?".

-Có đâu mà mặc. Có mỗi cái cha cho hôm nào, cởi ra liệm cho thằng An sún rồi còn đâu.

Cha Thịnh sung sướng nói: "Ừ đúng rồi, ông cụ An. Không có áo thì vào nhà cho đỡ lạnh".

Vừa đi, cha Thịnh vừa kể: "ông này thật tội. Đêm ngủ với con gái, chỉ một phút yếu lòng, đã phá vỡ cuộc đời con, làm tan tác gia đình. Lần nào gặp tôi, ông cũng khóc, bảo rằng: tội của ông còn nặng hơn cả tội phá thai. Phá thai chỉ làm cho một người chết, mà chết có một lần, còn tội này làm cho hai người chết một lúc mà lại chết từng ngày, từng giờ, nên ông cũng phải ăn năn từng phút từng giờ.

-Ong ấy chết lâu chưa, cha?

-Khỏang gần 20 năm

-Thế thì không phải bố cu Tiến rồi, nó mới khỏang 8, 9 tuổi thôi à!

-Thế ra lại có thêm một cụ An nữa à. Cha Thịnh xót xa nói.

-Thưa cha còn một chuyện quan trọng nữa. Nhà nguyện Đức Mẹ dâng Chúa vào đền thánh sắp giải tỏa. Cha có nhớ nhà bà Thái, có cô Thúy không?

-Nhà chỉ có hai mẹ con, cô con gái trông thật đẹp nhưng mặt lúc nào cũng u buồn chứ gì?

-Dạ đúng, đẹp não nùng, buồn muôn thưở, bồ của con đấy.

-Bồ của cậu thật đấy à! Quen nhau lâu chưa?

-Dạ, mới có 5 năm thôi. Từ khi Thúy mới về đây ở.

-Nhà ấy mới ở đây được có bằng ấy thôi à!

-Vâng, hơn kém năm năm. Bây giờ nhà sắp bị giải tỏa trắng. Cô không có tiền thuê nhà cho cả hai mẹ con. Cha có cách nào giúp không?

-Thuê nhà bây giờ không phải là chuyện đơn giản! Khó quá ha! Cậu ở một mình, sao không cho họ ở.

-Con sẵn sàng thôi nhưng lại sợ người ta dị nghị, chưa cưới hỏi gì mà đã dẫn nhau về.

-Vậy thì cưới đi!

-Cưới thì cũng được, nhưng Thúy không muốn con dây dưa với bọn Tiến, bọn Đĩnh. Lấy nhau về mà tối ngày lúc nào cũng mặt nặng, mặt nhẹ với nhau vì chuyện này thôi thì thật chán.

Bình mở cửa nhà khách, nói với cha Thịnh: "cha có điện thọai ạ!"

-Vậy cậu cứ suy nghĩ kỹ đi, rồi báo lại cho tôi nhé!

-Còn chuyện thằng Tiến, nếu cần chuộc, có chuộc không?

-Để coi xem đã!

Chiều hôm ấy, An lại lân la ở công viên Tao Đàn, không phải để tìm Tiến mà là Tuyến, hy vọng có thể thỏa thuận được điều gì chăng. Ân vẫn ngồi trên chiếc ghế đá cũ, mắt lim dim khép hờ, nhìn những sợi hoàng hôn đỏ nhạt đang vẫy chào cây, lá. Lời bà Thái lại vang lên trong lòng An: Anh có thương nó thì xin anh bảo nó giúp tôi, nó cứ đi chới với cái ông thợ sửa xe đã có nội, cháu ngọai..." Phải làm sao cứu Thúy bây giờ? Khuôn mặt kiều diễm, đẹp lộng lẫy, đầy vẻ hoang dã của Thúy cũng hiện lên trong đầu An. An nói một mình, nhưng như thể đang tâm sự với Thúy: "Em đẹp thật, nhưng em cũng hoang dã thật. Có lẽ tại vì em bị úm kỹ quá, không có tuổi thơ, không có những ngày tháng nghịch phá như anh nên em hoang dã. Hoang dã trong lời nói, hoang dã trong nhan sắc, hoang dã trong hành động, hoang dã trong cả cách tỏ tình. Có nên đưa mẹ con Thúy về ở chung chăng? Không đưa về thì không biết đời họ sẽ trôi dạt về đâu. Đưa về thì lắm kẻ xấu miệng sẽ làm khổ Thúy, làm khổ mình. An nhắm mắt nguyện cầu: " Lạy Chúa, con phải làm gì bây giờ?" Trong tiếng gió vi vu, rì rào, An nhớ lại từng lời trong bài giảng của cha Mẫn Dòng Chúa Cứu thế đêm Noel vừa qua: "Chúa Giêsu là Thiên Chúa thật, đã làm người thật như ta. Như thế, nơi Chúa Giêsu, con người với Thiên Chúa là một. Nơi Chúa Giêsu, con người ở trong Thiên Chúa và Thiên Chúa ở trong con người. Nơi chúa Giêsu, dòng máu của Thiên Chúa lưu thông trong huyết quản của con người. Như thế, hôm nay khi ta mừng lễ giáng sinh, ta không mừng một biến cố của quá khứ mà là một biến cố đang xảy ra cho ta hôm nay. Ta đang mừng ngày ta được sinh ra để làm con Thiên Chúa. Hôm nay sinh nhật Chúa cũng là sinh nhật của ta. Nếu như khi nhập thể làm người. Chúa Giêsu đã cho ta sờ đụng được Thiên Chúa, thì khi được sinh ra làm con Thiên Chúa, ta cũng phải làm cho người ta sờ đụng được Thiên Chúa trong đời ta. Bằng cách nào? Chúa Giêsu trong Tin Mừng theo thánh Mathêu khẳng định điều kiện để nên con Thiên Chúa, để được hưởng nước trời, để cho người ta trông thấy Thiên Chúa, đó là: " khi Ta đói, các ngươi, đã cho Ta ăn, Ta khát, các ngươi đã cho ta uống, Ta mình trần các ngươi đã cho Ta mặc, Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước, Ta đau yếu, các ngươi đã đến với Ta, Ta ở tù các ngươi đã đến thăm Ta. Vậy hãy vào hưởng nước trời đã sắm sẵn cho các ngươi từ thửơ tạo thiên lập địa. Bấy giờ những người được chúc phúc ấy bắt đầu thắc mắc: chúng tôi có bao giờ thấy Chúa đói đâu mà cho Chúa ăn, thấy Chúa khát mà cho Chúa uống, thấy Chúa bơ vơ mà đưa Chúa về đâu... và Chúa đáp: tất cả những gì các ngươi đã hoặc đã không làm cho một trong những kẻ bé mọn nhất này là các ngươi đã hoặc đã không làm cho chính Ta. Và cha Mẫn kết luận: khi được sinh ra, người ta cấp cho ta một tờ khai sinh. Từ tờ khai sinh này, ta mới có được giấy chứng minh nhân dân, có được bằng tốt nghiệp... Giấy khai sinh của Kitô hữu chính là cho những người bé mọn ăn, uống, là tiếp đón những người vô gia cư". Mà bà Thái với Thúy nào có phải là những người xa lạ đâu! Hơn nữa, nhà mình đang ở có phải là nhà của mình đâu, An tự nhủ. Dù sau này Thúy có là vợ tôi hay không, tôi cũng đón mẹ con Thúy về ở với tôi. An khoan khóai mỉm cười với quyết định của mình.

Trời đã khuya. Phố đã vắng người qua lại. Gió bắt đầu trở lạnh. Không thấy Tuyến mà cũng chẳng thấy Tiến, An phấn khởi đứng dậy tự nhủ: " Dẫu sao, hôm nay, ta đã có được một quyết định sáng suốt".

-Anh kia ơi! Có người kiếm anh kìa!" An ngỏanh mặt nhìn, hai, ba cô gái phấn son lòe lọet đang nhỏen cười tán tỉnh. Một cô đi vội tới chỗ An, cầm tay nói: " Anh ơi, đi không anh, ủng hộ em đi mà, mấy bữa nay ế ẩm quá!".

An nghe một cảm giác rờn rợn lan khắp cả người, chưa biết phản ứng ra sao, thì một cô khác, tiếp : "Vui vẻ đi anh, chị ấy ngon lắm đó!".

Giọng Tuyến hôm nào vang lên trong trí An. "Tôi đang đi tìm đại ca Nam", An nói.

-Ai? Các cô đồng thanh hốt hỏang nói: đại ca Nam hả?

-Tóc búi, râu xồm, đi chiếc 150 phân khối màu đen?

-Phải!

Các cô bắt đầu bu quanh An.

-Anh là gì của đại ca Nam? Anh không hay tin gì à?

-Không!

-Đại ca Nam bị bắt rồi. Một cô phấn son lòe lọet nhất nói: "Thôi, không có đại ca thì có em đây!"

-Bị bắt vì tội gì? Ai bắt? Hiện đang ở đâu?

-Buôn người, buôn ma túy.

An chết lặng. "Mày phải đi ngay, nếu không nó sẽ giết chết mày!" Hình ảnh Tuyến của hai mươi năm về trước nhạt nhòa trong trí An. Thấy An không tha thiết gì với chuyện chơi bời, một số cô bắt đầu tản ra, mỗi cô một gốc cây.

-Cô có biết một em bé khỏang 9, 10 tuổi tên Tiến không?

-Tiến nào? Có phải bố nó cũng là ông ngọai nó không?

-Phải, đúng nó! Mắt An sáng lên niềm hy vọng.

-Hôm qua nó mới ở đây nè!

-Không phải mày! Hôm qua là thằng Tín. Tiến bị họ bẻ gẫy chân, nghe đâu để gửi đi Bắc Mỹ Thuận làm ăn.

-Ê Hương! Coi chừng cái miệng mày!

-Em vừa bán tin cho anh, cho em xin ít tiền ăn hủ tiếu đi anh, đói bụng quá hà! Giọng Hương ngọt như mía lùi, chắc là người đồng bằng Sống Cửu Long. An móc túi cho cô 5000 đồng, rồi leo lên xe chìm dần vào trong giòng xe cộ ngược xuôi.

Từ khi mẹ con Thúy về ở chung, An bớt hẳn những chuyến lang thang trên hè phố. Thúy rất đảm đang, cái gì cũng biết làm chỉ mỗi tội ương bướng, không muốn ai xía vào bất cứ chuyện gì của cô. Có lần, Thúy mua khổ qua về, định làm món khổ qua nhồi thịt. Vừa bầm thịt, vừa hát nghêu ngao. Bà Thái vui chuyện hỏi: "Con định làm gì thế!" Có vậy thôi mà Thúy cũng đùng đùng nổi giận, nguây nguẩy bỏ đi. Bà Thái tủi thân, nằm khóc một mình.

Đi làm về tới nhà, thấy mắt bà đỏ hoe, An hỏi: "Lại có chuyện gì hả bác?"

-Nó đang vui vẻ, tôi chỉ hỏi: con định làm gì thế, có vậy thôi mà nó cũng nổi khùng lên. Anh thấy đấy, con với cái như thế, ai mà chịu nổi.

-Hình như bác với Thúy có chuyện gì đó thì phải.

Bà Thái im lặng, nghẹn ngào, do dự hồi lâu mới nói: " Có chuyện buồn lắm, anh ạ! Anh tốt với tôi quá, nên tôi sẽ nói hết cho anh biết. Anh đi tắm cho khỏe đã!

Từ khi về nhà An ở, Thúy cũng không còn lang thang nữa. Cô đi làm về sớm, dọn dẹp, nấu nướng. Mặt bắt đầu rạng rỡ, bớt hẳn nét u uẩn hoang dã. Hôm ấy, bỏ đi được một lúc, chẳng biết đi đâu, Thúy lẻn vào phòng đọc báo.

An tắm rửa xong, đến ngồi bên bà Thái. Bà nghẹn ngào kể: "Suốt ba mươi năm nay, tôi đã phải sống trong căm thù, tủi nhục, sống một cuộc đời thê lương, vụn vỡ. Năm tôi 18 tuổi, học giỏi, lại thuộc lọai đẹp nhất nhì trường Bà Rịa. Gần đến kỳ thi tốt nghiệp, mẹ tôi đi đám cưới, sợ ma, tôi không dám ngủ một mình, ngủ với ba, ba tôi đã hại tôi. Tôi có thai mà không biết. Mẹ tôi đuổi ông ấy đi, bán nhà về Suối Nghệ ở với ngọai. Tôi sinh được một đứa con trai. Bà bắt đầu nghẹn ngào: bây giờ cứ mỗi lần nhớ tới nó là tôi lại bị giằng xé, không biết mẹ tôi quăng nó ở đâu, không biết nó còn sống hay là đã chết. Tôi căm thù đàn ông, lập gia đình cách miễn cưỡng, sinh được con Thúy. Hễ cứ mỗi lần thấy bố nó xán lại gần, là tôi lại uất ức, cũng vì thế mà vợ chồng chia tay nhau. Tôi sợ đàn ông. Tôi không dám cho con Thúy giao du với ai, chỉ sợ nó lại thành nạn nhân khốn khổ như tôi. Có lẽ vì thế mà nó ghét tôi. Tôi muốn nói cho nó biết sự thật, nhưng lại không dám nói, sợ nó buồn, nó tủi. Đời tôi là thế đấy, anh ạ, vẫn còn sống, nhưng như người đã chết từ lâu".

Nước mắt An dàn dụa. Trong phòng Thúy nằm khóc thút thít.

Bà Thái lấy mu bàn tay quệt nước mắt, tiếp: "Tôi không biết phải ăn nói thế nào cho Thúy hiểu tôi". Rồi bà cầm lấy tay An, năn nỉ: "Tôi van xin anh, anh thương nó, xin anh cứu vớt nó dùm tôi". Thúy không còn chịu nổi nữa, vội tụt xuống khỏi giường, chạy đến ôm chầm lấy mẹ. An tính hỏi tên ông cụ là gì nhưng lại thôi.

Sáng sớm hôm sau, An hớt hải tới gặp cha Thịnh: "Thưa cha, con đã tìm được người cha cần tìm rồi đấy!"

-Ai? Hiện đang ở đâu?

-Bà Thái, mẹ của Thúy, nhưng con lại chưa dám hỏi. Hôm nào cha đến hỏi thử xem.

-Còn Tiến thì sao?

-Nghe đâu nó bị bẻ gẫy chân, đẩy xuống Bắc Mỹ Thuận rồi thì phải.

-Thôi được, cậu về đi, chiều tôi ra.

Nói ra được hết nỗi đau vẫn dầy xéo, bà Thái bắt đầu tươi tỉnh hơn. Trời bắt đầu mưa. Năm nay mưa nhiều hơn năm ngóai. Mới đầu mùa, mà ngày nào mưa cũng rả rích suốt cả buổi. Trời lúc nào cũng xám ngoét. Chiều hôm ấy, cha Thịnh tới, bà Thái ngồi dậy tiếp. "Chào bà, tôi có chuyện muốn nói với bà. Thiên An đã kể hết cho tôi nghe câu chuyện thương tâm của bà rồi. Có phải trước đây bà ở Chu Hải không?

-Dạ thưa phải ạ!

-Bà có phải là cô Diễm Trang con của cụ An ngày xưa không?

Càng nghe cha Thịnh nói, bà Thái càng ngạc nhiên: "Sao cha biết?" Cha Thịnh chưa kịp trả lời, thì Thúy về. Cha Thịnh nói: "Chào Thúy".

-Chào cha, sao cha biết con.

-Cha có thấy con vài lần. Rồi quay sang bà Thái, cha tiếp: "Cụ An, trước khi qua đời, có xin tôi một điều, và tôi đã hứa giúp. Đó là tìm gặp bà, để nói cho bà biết là cụ vô cùng ân hận vì đã làm tan vỡ đời bà. Cụ bị dằn vặt, sâu xé nhiều lắm. Cụ tha thiết xin bà thứ lỗi cho cụ. Vậy bây giờ bà có tha cho cụ không?

Bà Thái im lặng. Từ lâu dù căm ghét bố, nhưng bà cũng căm ghét cả bà nữa. Nếu đêm ấy bà không ngủ với bố, thì có lẽ mọi sự đâu đến nỗi này. Trời lại bắt đầu mưa, thấy bà không nói cha Thịnh tiếp: "Thôi dẫu sao thì cụ cũng đã khuất rồi.Vả lại, suốt cuộc đời còn lại, cụ đã tự dày vò, cắn xé, đã đi tìm bà khắp nơi mà không gặp. Cụ bảo: tôi đã giết chết đứa con mà tôi cưng chiều nhất, giết nó từng phút từng giờ, nên tôi đã phải xót xa từng phút từng giờ". Bà Thái gục mặt vào lòng bàn tay, nấc lên từng cơn. Bao nhiêu kỷ niệm đẹp ngày xưa đã bị kỷ niệm buồn đêm hôm ấy chôn vùi, nay bỗng bừng sống lại. Bà nghẹn ngào thốt lên: "Ba!", rồi lại gục mặt khóc.

-Thôi vậy tôi về nhé! Lúc nào cần tôi, bà cứ nói với Thiên An.

Bà Thái đứng dậy, lấy tay quệt nước mắt: "Chào cha, cám ơn cha!".

Ra tới đường cha Thịnh còn nói với lại: "Cụ có đưa cho tôi một tấm hình, bảo bao giờ tìm thấy bà, thì đưa cho bà. Tôi để lạc đâu mất chưa tìm ra, khi nào tìm được tôi sẽ giao cho bà".

Gần tới đám cưới An, cha Thịnh lại ghé thăm lần nữa, mang theo tấm hình, đưa cho bà Thái nói: "Đây, hình của cụ đây!". Bà Thái ấp tấm hình vào ngực hồi lâu, mắt mịt mờ xa vắng, rồi lật phía sau, đọc: "Diễm Trang, con gái cưng của ba. Từ hôm ấy, ba chỉ muốn quì gối trước mặt con, để xin được tạ tội. Ba đã giết chết con và cũng giết chết cả ba và mẹ con nữa. Ba không còn xứng đáng là ba của con nữa. Nhưng ba vẫn mong rằng, khi nhận được những lời này, con sẽ sẵn sàng tha thứ cho ba, để linh hồn ba được an nghỉ. Ký tên: người cha đau khổ".

Mắt bỗng nhạt nhoà, bà nhắm chặt mắt cho giọt nước mắt đã đầy mi rơi xuống đất. Nhìn kỹ hình cụ, bà ngạc nhiên hỏi: "Ua! Sao hình này giống hình của cụ Đức chủ nhân của căn nhà này thế! Cha có lộn không?" Cha Thịnh nhìn hai tấm hình, chau mày, nói: "Tôi còn nhớ khi cụ mới về đây, ai cũng gọi cụ là cụ Đức, đến bia mộ cũng ghi là cụ Đức, nhưng đây là tấm hình chính tay cụ đã đưa cho tôi, trong căn nhà này, như vậy, nhà này là nhà của cụ An". Vừa đi làm về, nghe thế, An rất ngỡ ngàng hỏi: "Cụ đưa cho cha tấm hình này hồi nào?"

-Tôi giải tội, xức dầu, cho cụ rước lễ xong, cụ mới móc trong túi ra, đưa cho tôi tấm hình này, nói: xin cha cố tìm cho được Diễm Trang, và đưa tấm hình này cho nó dùm con". Tôi hứa, được ít phút sau, thì cụ qua đời mà!" Ngưng lại một chút, cha tiếp: "Lúc ấy cậu ở đâu?"

-Con đi học, không có nhà. Hôm ấy con tính ở nhà, nhưng cụ bảo, cụ còn khỏe, khi về tới nhà thì cụ không còn nữa.

Bà Thái lật phía sau ảnh xem lại lần nữa. Mực đã phai màu, nhưng chữ này đúng là chữ của cụ, nói: "Chữ này đúng là chữ của ba con!" Mọi người lại trầm tư suy nghĩ. Mưa bắt đầu lốp đốp trên mái, nhưng chỉ được ít hạt lại thôi. Đường phố bốc lên một làn khói nhẹ, ngột ngạt. Diễm Trang xót xa, nhìn hình cụ An, lẩm bẩm: cụ tiều tụy quá không thể nhận ra được, chỉ còn mỗi hai con mắt là hơi giống ngày xưa thôi. Bà lại nghẹn ngào: sao ba tiều tụy đến thế! Con không còn nhận ra ba được nữa.

Cha Thịnh nhìn bà Thái, hỏi: "Diễm Trang này, bà có nhớ bà sinh con ở đâu không?"

-Dạ, ở nhà bảo sanh Ngãi Giao.

-Bà có nhớ, bà đã cho nó cho ai không?

-Con không cho, lúc ấy con buồn quá, sống mà như người đã chết. Mọi chuyện đều là do mẹ con quyết định hết. Con chỉ nhớ, mẹ con bế cháu, đội nón ra đi, vừa về tới nhà, thì nhà thờ đổ chuông.

-Bà có nhớ gì về cháu không?

-Con không nhớ lắm, chỉ nhớ là nó có một cái bớt đỏ to bằng ngón tay cái, ngay dưới ót.

Cha Thịnh đăm chiêu một lúc, như cố nhớ ra xem năm ngoái, khi đi tắm biển, cha thấy trong nhóm hoạt động xã hội của cha, có một đứa cũng có một cái bớt y như bà Thái kể. Như chợt nhớ ra điều gì, cha ngoắc An lại, vạch lưng áo Ân ra, một cái bớt vẫn còn đỏ chót. Diễm Trang trợn tròn mắt ngạc nhiên. Cha thịnh hỏi: " Có giống cái bớt này không?" Bà chưa hết ngạc nhiên, cha lại tiếp: "Nó sinh ra ở nhà thương Ngãi Giao, người ta lượm được nó ở Hội Chữ Thập Đỏ Ngãi Giao đấy!"

Diễm Trang ôm chầm lấy An, nghẹn ngào nức nở. Thúy cũng chạy tới ôm chầm lấy cả hai người, nước mắt dàn dụa. Cha Thịnh giơ tay làm dấu thánh giá, rồi nói lớn: "Chúa và cụ An đã cho mẹ con bà được sum họp. Xin tạ ơn Chúa!".

Bên ngoài, gió hây hây lạnh. Trời mưa lác đác. Cơn mưa cuối mùa năm ấy.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro