NHỮNG CHÂN DUNG BIẾM HOẠ TRONG HẠNH PHÚC CỦA MỘT TANG GIA
Nhà văn Thanh Thảo từng cho rằng tác phẩm “Số Đỏ” của Vũ Trọng Phụng có thể làm cho ta giật mình vì có thể tồn tại trong ta một “Xuân tóc xám, Xuân tóc trắng”. Bởi thế, tác phẩm ra đời đến nay đã gần bảy mươi năm nhưng xứng đáng được xem “là cuốn tiểu thuyết có thể làm vinh dự cho văn học mọi thời đại” (Nguyễn Khải). Trong chương trình THPT, trích chương XIV - Hạnh phúc của một tang gia, phần nào giúp ta cảm nhận rõ những chân dung khó quên của xã hội thượng lưu tư sản.
Xoay quanh cái chết của cụ cố Tổ, bộ mặt đám con cháu đại bất hiếu được nhà văn dựng lên với tất cả sự sắc sảo của “ông vua phóng sự đất Bắc”. Màn bi hài kịch bắt đầu ngay từ cách chữa bệnh cho chết với sự huy động hùng hậu của lang băm đông lang băm tây và cả thuốc Thánh đền Bia “công hiệu đến nỗi làm cho người ta mất mạng”. Một cái chết được báo trước vì đó là thời điểm của một đám con cháu đua nhau hưởng lợi. Nhìn từ một góc khác, đó là dịp công nghệ lăng xê phát huy hết công suất khi tang lễ là nơi khoe mốt “áo tang tân thời” của ông Typhn, tài chụp ảnh của cậu Tú Tân, huân huy chương và … râu của đám bạn cụ cố Hồng và ông Văn Minh – con trai và cháu nội cụ Tổ. Những khuôn mặt cũng biểu cảm theo mốt: cụ cố Hồng “nhắm nghiền mắt mơ màng” , ông Văn Minh “đăm đăm chiêu chiêu”, cô Tuyết vì vắng bạn giai mà “buồn lãng mạn rất đúng mốt một nhà có đám”. Không khí đám tang là cao trào của sự bát nháo “Tây, Tàu, Ta đủ cả”… mà với những câu văn tác giả nhắc nhở “Đám cứ đi” để người đọc khỏi nhầm mà người ta cứ ngỡ đám ma là đám hội! Sự giả dối đến ghê tởm hiện hình ra từng câu văn đặc tả chân dung cận cảnh, trung cảnh và toàn cảnh: sau vẻ sang trọng của quan khách, người ta thấy bóng đáng đàn dê cụ với cặp mắt hau háu nhìn làn da trắng của cô Tuyết mà “cảm động hơn cả khi nghe tiếng kèn Xuân nữ ai oán não nùng”; sau những “giai thanh gái lịch” tranh thủ “chim nhau” là âm thanh “vui vẻ ý nhị rất xứng đáng với tư cách của những người đưa đám”. Nhưng trâng tráo nhất là ông phán mọc sừng – kẻ gây ra cái chết của cụ cố Tổ: hắn hãnh diện với nỗi nhục mọc sừng đã đem lại món lợi vài nghìn bạc, đến lúc hạ huyệt lại đóng màn kịch với tiếng khóc bất hủ “Hứt! Hứt! Hứt” và dáng lả oặt cùng lúc tuồn “tờ giấy bạc 5 đồng gấp tư” để thanh lý hợp đồng với thằng Xuân tóc đỏ thật sòng phẳng. Tác giả đã ném vào trong tiếng cười toàn bộ sự khinh bỉ, ghê tởm của mình với toàn bộ “xã hội chó đểu” ấy.
Những chân dung ấy được phác lên để nhà văn lý giải cách thằng Xuân tóc đỏ ‘ma cà bông, hạ lưu, nhặt ban quần” đuờng hoàng bước chân vào xã hội thượng lưu dâm và đểu ấy là hợp lý. Vì bản chất thật của nó phù hợp với bọn người đạo đức giả kia. Đó cũng là lời cảnh tỉnh của nhà văn về bọn người chỉ biết theo đuổi dục vọng xấu xa, đồng tiền nhơ bẩn.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro