những buổi tối cổ xưa, tiếng nhạc xa xôi
Mình làm gì bây giờ? Francesca nghĩ. Bữa tối đã xong, họ vẫn ngồi đó. Anh giữ ý.- Ta đi dạo ngoài đồng cỏ được không? Trời mát hơn rồi.Lúc chị nói "được", anh lấy máy ảnh trong ba lô ra, quàng dây qua vai.Kincaid đẩy cửa hiên sau và giữ cho chị, theo chị ra ngoài rồi mới nhẹ nhàng khép lại. Họ đi xuống vỉa hè nứt nẻ, băng qua sân trại trải sỏi ra bãi cỏ phía đông lán đựng máy móc. Lán nặc mùi dầu mỡ ấm áp.Lúc đến hàng rào, chị dùng một tay ấn thép gai xuống và bước qua, cảm thấy sương ướt trên mu bàn chân và quanh đôi dép mỏng. Anh làm y như thế, đôi giày ống của anh nhún dễ dàng qua lớp thép gai.- Chị gọi nơi này là đồng cỏ hay bãi cỏ? - Anh hỏi. Tôi nghĩ là bãi cỏ thì đúng hơn. Gia súc hay để sót cỏ lắm. Anh coi chừng những rác rến đấy. -Mặt trời lặn hẳn. Đàng tây, trăng gần tròn đang lên, nhuộm xanh bầu trời. Trên con đường bên dưới, một chiếc ôtô ầm ầm vụt lao qua. Con trai nhà Clark, tiền vệ đội Winterset. Cậu ta đang hẹn hò với Judy Leverenson.Đã lâu lắm chị không đi dạo thế này. Sau bữa chiều, Richard, và đôi khi cả bọn trẻ đã học bài xong, ngồi xem tin thời sự và chương trình tivi buổi tối. Francesca thường ở trong bếp, khi nào thời tiết tốt thì chị ngồi ở hiên trước đọc lịch sử, thơ và tiểu thuyết mượn của thư viện Winterset và câu lạc bộ sách mà chị là hội viên. Tivi làm phiền chị.Mỗi khi Richard gọi:- Frannie, vào xem tin này này! - Chị đi vào và ngồi xem cùng anh một lát. Chị hay bị gọi khi Elvis' xuất hiện. The Beatles' lần đầu xuất hiện trong chương trình của Ed Sullivan cũng vậy. Richard nhìn kiểu tóc của họ, lắc đầu hoài nghi và chê bai.(1 Elvis Presley (1935–1977); ca sĩ và nhạc sĩ Mỹ, là người đi tiên phong trong dòng nhạc rock, R&B, được tôn vinh là một trong những người nổi tiếng và có ảnh hưởng nhất trong giới nghệ sĩ thế kỷ 20.2 The Beatles: ban nhạc rock của Anh, rất nổi tiếng trong thập kỷ 1960).Nhiều SỌC đỏ cắt qua một phần bầu trời trong giây lát.- Tôi gọi cái kia là "lóe lên", - Robert nói và chỉ lên trời. - Hầu hết những người chụp ảnh xếp máy lại quá sớm. Sau khi mặt trời lặn, thường có một khoảnh khắc ánh sáng và màu sắc trên nền trời cực kỳ đẹp, vài phút thôi, lúc mặt trời đã nằm dưới chân trời nhưng những tia sáng của nó vẫn còn hắt lên.Francesca không nói gì, chị ngẫm nghĩ về người đàn ông nọ, người này có vẻ coi sự khác biệt giữa đồng cỏ và bãi cỏ là quan trọng, người sôi nổi vì màu sắc bầu trời, viết một bài thơ nho nhỏ nhưng không viết tiểu thuyết. Người biết chơi ghi-ta, kiếm sống bằng hình ảnh và mang đồ nghề trong ba lô. Người như một làn gió. Chuyển động nhẹ, như gió thoảng. Như thể gió đã sinh ra anh ta. Anh ngước nhìn, bàn tay thọc trong túi quần Levi's, máy ảnh lủng lẳng bên hông trái. "Những quả táo bạc dưới ánh trăng, Những quả táo vàng óng lên dưới nắng". Giọng nam trung của anh ngân nga như một nghệ sĩ chuyên nghiệp.Chị nhìn anh.Bài thơ lang thang của W.B. Yeats'.- Đúng. Yeats là nhà thơ rất cừ. Hiện thực, súc tích, cuốn hút, đẹp và huyền diệu. Tôi rất mê di sản Ailen của tôi.Anh nói thế, vẻn vẹn trong mấy từ. Francesca đã gắng sức giảng về Yeats cho các học sinh Winterset nhưng phần đông chúng chẳng bao giờ tiếp thu nổi. Chị hiểu Yeats một phần vì những điều Kincaid vừa nói, và nghĩ đến những đặc tính anh nêu ra sẽ hấp dẫn bọn trẻ, kích thích chúng như kích thích đội học sinh trung học diễu hành giữa hai hiệp bóng đá. Nhưng chúng có xu hướng chống lại thơ ca, chúng quan niệm thơ là sản phẩm của tính đàn ông thiếu kiên định, số học sinh như thế lại quá nhiều, Yeats khó mà vượt qua được.( William Butler Yeats (1865-1939): nhà thơ và nhà soạn kịch Ailen, lãnh đạo Phong trào Phục hưng Ailen và là một trong những nhà văn lỗi lạc nhất thế kỷ 20).Chị nhớ lại Matthew Clark nhìn cậu bạn bên cạnh rồi khum hai bàn tay như cái ống giác chụp lên ngực phụ nữ lúc chị đọc "Những quả táo vàng óng lên dưới nắng". Chúng cười rúc rích, còn các nữ sinh ở hàng ghế sau đó bừng mặt.
Chúng sẽ sống như thế suốt đời. Điều đó làm chị nản. Chị biết chị bị tổn thương và lẻ loi, bất chấp sự thân thiện bề ngoài của cộng đồng. Các nhà thơ không được chào đón ở đây. Dân Madison thích nói vậy, như để bù lại sự kém cỏi về văn hóa "Nơi này rất tốt cho việc nuôi dưỡng trẻ con". Lúc nào chị cũng muốn đáp lại "Nhưng có tốt cho người lớn không?".Chẳng có ý định rõ rệt, họ chầm chậm đi sâu vào bãi cỏ vài trăm mét, rồi vòng về nhà. Bóng tối bao quanh lúc họ đi qua hàng rào, lần này anh ấn dây thép gai xuống cho chị.Chị nhớ tới chai brandy.- Tôi có ít brandy. Hay anh thích cà phê?- Cả hai có được không? - Tiếng anh vọng từ bóng tối. Chị biết anh đang mỉm cười.Họ bước vào những vòng tròn nội tiếp trên cỏ và sỏi, do ngọn đèn ở sân tạo thành, chị đáp:-. Tất nhiên là được - và thấy âm thanh của một cái gì đó trong giọng nói làm chị lo âu. Đó là tiếng cười vô tư trong các quán cà phê ở Naples.Thật khó tìm được hai cái chén không sứt mẻ. Dù biết chắc những cái chén sứt là một phần trong đời anh, song lần này chị muốn chúng phải toàn vẹn. Ly dùng cho brandy ở mãi trong cùng tủ bát đĩa, úp ngược và chưa bao giờ dùng đến, cũng như chai brandy. Chị phải nhón gót mới với tới chúng và nhận ra dép của chị bị ướt, chiếc quần jeans căng lên trên mông chị. Anh ngồi đúng chiếc ghế lúc trước và ngắm chị. Theo kiểu cổ xưa. Những kiểu cổ xưa lại đến với anh. Anh tự hỏi tóc chị sẽ cảm nhận cái vuốt ve của anh ra sao, đường cong lưng chị có vừa khít bàn tay anh không, chị nằm dưới anh sẽ như thế nào.Những kiểu cổ xưa chống chọi với mọi điều đã học, vật lộn với những khuôn phép được đánh trống khua chiêng trong nhiều thế kỷ giáo hoá, với những quy tắc khắt khe của người lịch sự. Anh cố nghĩ đến những thứ khác, đến nhiếp ảnh, đến con đường hoặc những cây cầu mái. Đến bất cứ thứ gì, ngoài việc lúc này nom chị ra sao.Nhưng anh chịu thua và lại nghĩ đến chuyện tay anh mơn man trên da chị, bụng anh ép chặt vào bụng chị ra sao. Những câu hỏi muôn thuở, vạn cổ vẫn vậy. Những kiểu cách xưa ơi là xưa, chống chẳng nổi. Anh cố nén lòng mình, châm một điếu Camel và nuốt sâu khói thuốc.Chị cảm thấy cái nhìn của anh không ngừng lướt trên người chị, dù anh ngắm chị dè dặt, không sống sượng, không suồng sã. Chị hiểu rằng anh biết brandy chưa bao giờ rót vào những cái ly thế này. Chị cũng hiểu, với khuynh hướng sầu não của dân Ailen, anh ắt phải cảm thấy điều gì đó về sự trống rỗng ở đây. Không phải là thương hại. Anh sẽ không nghĩ thế. Buồn bã, có lẽ vậy. Chị hầu như nghe thấy tâm trí anh đang nối những từ này:Chai rượu chưa khui,những cái ly rỗngNàng với lên, tìm chúngỞ một nơi nào đó bên dòng Midle, Iowa.Tôi tận mắt ngắm nàngnhư ngắm nhìn một Nữ tướng Jivarovà Con đường Tơ lụa
với bụi của đoàn lữ hành bốc lên sau tôi tới tận không trung lạ lẫm trên bầu trời châu Á.
( Jivaro: tên cũ của Shuar, thổ dân vùng Bắc Mỹ, có khoảng 20.000 người, chia thành bốn nhóm lớn, có ngôn ngữ riêng. Họ là những người mạnh mẽ và bảo tồn nền văn hóa riêng, cho đến nay vẫn không chịu thay đổi phong cách sống trong thời đại văn minh).
Lúc Francesca bóc dấu niêm phong rượu Iowa trên nắp chai brandy, chị nhìn móng tay chị, thầm ước giá chúng dài hơn và được chăm chút kỹ hơn. Cuộc sống ở nông trại không cho phép để móng tay dài. Cho đến giờ, không ai coi việc chăm sóc móng tay là quan trọng.Rượu brandy, hai cái ly đặt trên bàn. Trong lúc chị sửa soạn cà phê, anh mở rượu và rót một lượng đúng độ vào từng ly. Trước kia, sau bữa ăn Robert thường uống brandy.Chị tự hỏi anh đã làm việc này trong bao nhiêu căn bếp, trong bao nhiêu hàng ăn sang trọng, trong bao nhiêu phòng khách chiếu sáng dịu dàng. Có bao nhiêu bộ móng tay dài, chau chuốt vươn về phía anh khi nâng ly brandy, bao nhiêu cặp mắt nâu viền xanh nhìn anh trong những buổi tối ở nước ngoài, trong khi những con thuyền neo đậu đu đưa ngoài khơi, nước vỗ vào bến cảng cổ kính?Để uống brandy và cà phê thì ngọn đèn bếp là quá sáng. Francesca Johnson, vợ của Richard Johnson, sẽ cứ để nguyên như thế. Nhưng Francesca Johnson, người đàn bà vừa đi dạo sau bữa tối và mơ những giấc mơ thời con gái, nghĩ nên tắt nó đi. Chỉ cần một ngọn nến là đủ, nhưng chị e là thế sẽ hơi quá. Lỡ anh ấy có những ý nghĩ sai trái. Như thế này thì không hoàn hảo, nhưng hay hơn.Anh giơ ly cao ngang vai về phía chị.- Vì những buổi tối cổ xưa và tiếng nhạc - xa xôi.Không hiểu vì sao những lời ấy làm chị hít một hơi ngắn và nhanh. Chị chạm ly với anh, và mặc dầu muốn lặp lại "Vì những buổi tối cổ xưa và tiếng nhạc xa xôi", chị chỉ hơi mỉm cười.Cả hai hút thuốc, không nói gì, chỉ uống brandy và cà phê. Một con gà lôi kêu trong cánh đồng. Ngoài sân, con Jack sủa hai lần. Đàn muỗi đập vào lưới chắn cửa sổ bên bàn, và một con bướm đêm bay vòng quanh, bị ánh sáng của bồn rửa kích thích, theo bản năng, hẳn thế.Lúc này trời vẫn còn nóng, không có gió và hơi nồm. Robert toát mồ hôi. Sơ mi của anh mở phanh, hai khuy trên cùng không cài. Anh không nhìn thẳng vào chị, dù chị cảm thấy trong tầm nhìn của anh, anh vẫn có thể thấy chị, ngay cả khi anh chăm chú nhìn ra cửa sổ. Nếu anh xoay người, chị có thể nhìn thấy qua khuy áo mở, những giọt mồ hôi li ti trên da anh.Francesca cảm thấy những cảm xúc dễ chịu, những cảm xúc xưa cũ, cảm xúc của thơ và nhạc. Chị nghĩ, đã đến lúc anh phải đi. Chiếc đồng hồ trên tủ lạnh chỉ chín giờ năm mươi hai phút. Faron Young' đang hát trên radio. Giai điệu từ mấy năm trước: "Điện thờ St. Cecilia". Đấy là một người La Mã tử vì đạo ở thế kỷ thứ ba Công nguyên, Francesca nhớ như thế. Là thần hộ mệnh cho âm nhạc và người mù.
(Faron Young: ca sĩ Mỹ, chuyên hát nhạc đồng quê.)
Ly của anh đã cạn. Anh rời cửa sổ, quay ngoắt lại, Francesca cầm cổ chai brandy và ra hiệu chỉ cái ly rỗng. Anh lắc đầu.
- Cầu Roseman lúc bình minh. Tốt hơn hết là tôi nên đi.Chị nhẹ người. Nhưng cũng thất vọng. Chị tự vấn lương tâm. Vâng, anh đi đi. Anh đã uống brandy. Lưu lại. Rồi đi. Faron Young chẳng quan tâm đến xúc cảm của chị. Chẳng ai quan tâm, kể cả con bướm đêm đang lượn vòng trên bồn rửa. Chị không biết lúc này Robert nghĩ gì. Anh đứng dậy, khoác ba lô lên vai, đặt cái thứ hai lên nắp thùng lạnh. Chị đi vòng quanh bàn. Anh giơ tay cho chị bắt.- Cảm ơn chị vì buổi tối, vì bữa ăn, vì cuộc đi dạo. Mọi thứ đều tuyệt. Chị là người tốt bụng, Francesca ạ. Chị cứ để chai brandy ở phía trước tủ bát đĩa, sẽ có lúc tôi uống hết.Anh hiểu điều chị nghĩ. Nhưng lời lẽ của anh không làm chị mếch lòng. Anh đang nói về một điều tưởng tượng, mang hàm ý về một khả năng có thể xảy ra nhiều nhất. Chị nhận biết qua cách nói dịu dàng của anh. Điều chị không biết là anh những muốn hét lên với bức tường căn bếp, lời lẽ của anh in thành bức phù điêu thạch cao: "Vì Chúa, hỡi Richard Johnson, liệu mi có phải là kẻ ngốc thảm ngốc hại như ta nghĩ không?".Chị theo anh ra tận xe và đứng đó trong lúc anh xếp đồ vào trong. Con Jack băng qua sân, ngửi ngửi quanh xe.- Jack, lại đây, - chị thì thào gắt, và con chó đến ngồi bên cạnh chị, thở hổn hển.- Tạm biệt chị. Hãy bảo trọng, - anh nói và dừng bên cửa xe, nhìn thẳng vào chị trong giây lát. Rồi chỉ bằng một động tác, anh đã ngồi sau tay lái và đóng cửa lại. Anh nổ máy, nhấn mạnh ga, động cơ lạch xạch khởi động. Nhoài ra cửa xe, anh cười tươi tắn. - Cái máy đã đến lúc phải chỉnh lại.Anh nắm chặt tay lái, sang số lần nữa và lái qua sân dưới ánh đèn. Trước khi tới con đường làng tối tăm, anh thò tay trái ra cửa vẫy tay chào chị. Chị cũng vẫy tuy biết anh không thể nhìn thấy. Lúc chiếc ôtô đi xuống đường làng, chị giật nẩy người và đứng sững trong bóng tối, nhìn ngọn đèn màu đỏ lên xuống trên những khúc gập ghềnh. Robert rẽ trái vào đường cái đến Winterset, trong lúc tiếng sét nóng bỏng cắt bầu trời mùa hè và con Jack lao vọt vào hiện sau.Anh đi rồi, Francesca đứng trước tủ gương, trần truồng. Hông chị đẫy hơn một chút vì sinh con, ngực chị vẫn nhỏ nhắn và rắn chắc, không quá to, không quá nhỏ, bụng chị hơi tròn. Chị không nhìn thấy đôi chân trong gương, nhưng chị biết chúng vẫn đẹp. Lẽ ra nên cạo lông thường xuyên hơn, song trông cũng chả rõ lắm.Hãn hữu Richard mới để ý đến sex, vài tháng một lần, lần nào cũng kết thúc rất nhanh, thô nháp và thờ ơ, dường như anh chẳng để ý đến nước hoa, lông cạo hay không cạo, hoặc bất kỳ thứ gì khác. Nhếch nhác lôi thôi đôi chút cũng chẳng sao.Chị chỉ là người cộng sự trong công việc của Richard, không hơn. Chị phần nào thông cảm với anh. Nhưng trong con người chị vẫn có một con người khác, hối hả, muốn được đắm mình và tỏa hương... muốn được nâng niu, bế bồng, cưỡng đoạt bằng sức mạnh, chị cảm nhận được những cái đó nhưng chưa bao giờ ghép nối chúng với nhau, dù chỉ lờ mờ trong tâm thức.Chị mặc lại quần áo và ngồi bên bàn bếp, viết trên nửa tờ giấy trắng. Con Jack theo chị ra chiếc xe tải Ford và nhảy tót vào trong lúc chị mở cửa. Nó ngồi trên ghế của khách, thò đầu ra ngoài cửa lúc chị lùi xe ra khỏi gara, nó nhìn chị rồi lại thò đầu ra cửa lần nữa lúc chị lái xuống đường làng và rẽ phải vào con đường của quận.Cầu Roseman tối đen. Con Jack vừa chạy vừa nhảy cẫng ở phía trước, đánh hơi mọi thứ trong lúc chị rút cái đèn pin khỏi xe. Chị lấy đinh mũ gắn bức thư vào thành cầu bên trái lối vào, rồi về nhà.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro