Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

Francesca 2

Cây cầu cũ kỹ, màu sơn đỏ tróc lở, hơi nghiêng vì năm tháng, vắt qua một dòng suối nhỏ.
Robert mỉm cười. Anh nhìn chị rất nhanh và nói: 

- Tuyệt quá. Một bức ảnh lúc bình minh. 

Anh dừng cách cây cầu khoảng một trăm mét và xuống xe, khoác chiếc ba lô mở nắp lên vai. 

- Tôi đi nghiêng ngó vài phút, chị đi cùng không? 

Chị lắc đầu và mỉm cười đáp lại.
Francesca ngắm anh đi ngược lên con đường quê, lấy máy ảnh ra khỏi ba lô, rồi lại đeo nó lên vai. Anh đã làm việc này cả ngàn lần, động tác rất chính xác. Rất linh hoạt, chị muốn nói thế. Lúc anh đi, đầu anh không ngừng cử động, nhìn bên này bên kia, nhìn cây cầu, rồi lại nhìn hàng cây sau cầu. Có lần anh ngoái nhìn chị, mặt nghiêm trang.
Trái ngược với dân địa phương sống bằng nước sốt, khoai tây và thịt bò, mỗi ngày ăn ba lần các thứ đó, nom Robert như chẳng ăn gì khác ngoài rau quả. Cứng cáp thật, chị nghĩ. Thân hình rắn rỏi ghê. Chị để ý thấy cặp mông anh nhỏ nhắn trong chiếc quần jeans bó, có thể nhìn thấy nét hằn của cái ví trong túi trái và cái khăn tay trong túi phải. Dường như mỗi cử động của anh trên mặt đất đều không thừa.
Xung quanh im lìm. Một con chim két cánh đỏ đậu trên hàng rào thép gai nhìn chị. Một con sáo hót trong lớp cỏ ven đường. Mọi vật đều bất động trong cái ngày tháng Tám trắng lóa này.
Gần đến cây cầu, Robert dừng lại. Anh đứng đó một lát, rồi ngồi xổm, ngắm cảnh vật qua máy ảnh. Anh sang bên kia đường và lặp lại công việc ấy. Rồi bước vào dưới mái cầu, anh quan sát kỹ những cái xà, những tấm ván lát, anh ngắm dòng suối chảy bên dưới qua một cái lỗ trên thành cầu.
Francesca dụi điếu thuốc vào gạt tàn, mở cửa và đặt chân lên lớp sỏi. Chị nhìn quanh để tin chắc rằng không có xe nào của hàng xóm chạy tới, rồi bước thẳng tới cây cầu. Nắng hoàng hôn thật gay gắt, bên trong cây cầu mát hơn hẳn ngoài trời. Chị nhìn thấy bóng anh ở đầu kia cây cầu cho đến khi anh xuống suối và khuất dạng.
Trong lòng cầu, chị nghe thấy những con bồ câu thủ thỉ khe khẽ trong tổ dưới mái hiên; chị đặt lòng bàn tay lên thành cầu, cảm nhận hơi ấm của nó. Trên mấy tấm ván có nhiều chữ nguệch ngoạc: "Jimbo-Denison, Iowa". "Sherry + Dubby". "Hỡi bọn Diều hâu!"... Những con bồ câu vẫn rì rầm, thủ thỉ.
Francesca ngó qua một khe hở giữa hai tấm ván thành, nhìn xuống dòng suối nơi Robert vừa bước đến. Anh đứng trên một tảng đá giữa dòng suối nhỏ, nhìn thẳng lên cây cầu và chị giật mình thấy anh vẫy chị. Anh nhảy trở lại bờ suối và nhanh nhẹn trèo lên sườn dốc. Chị vẫn nhìn dòng nước cho đến khi cảm thấy tiếng giày ống của anh trên sàn cầu.
- Ở đây đẹp quá, rất đẹp - anh nói, tiếng anh vang dội trong lòng cây cầu mái.
Francesca gật đầu.
- Vâng, đẹp thật. Tụi tôi coi những câu cầu cũ này như vật trời cho và chẳng để ý chúng bao nhiêu.
Anh tiến đến chỗ chị và giơ một bó hoa dại nhỏ, loài Susans mắt đen.
- Cảm ơn chị đã dẫn đường - anh mỉm cười dịu dàng - Một hôm nào đó tôi sẽ trở lại lúc bình minh và chụp ảnh.
Chị lại cảm thấy một cái gì đó trào lên trong lòng. Những bông hoa. Chưa có ai tặng chị hoa, ngay cả trong những dịp đặc biệt.
- Tôi chưa được biết tên chị - anh nói. Chị nhận ra là mình chưa xưng tên cho anh hay và cảm thấy mình rõ ngớ ngẩn. Lúc chị nói tên mình, anh gật đầu bảo:
- Tôi thấy giọng chị có hơi lơ lớ. Chị là người Ý? 
- Vâng. Từ trước đây, lâu lắm rồi.
Lại một chiếc xe tải màu xanh. Nó chạy trên những con đường trải sỏi, lúc mặt trời đang xuống dần. Hai lần họ gặp ôtô, nhưng không phải người quen. Chỉ mất bốn phút họ đã đến nông trại. Chị ngồi thừ, một cảm giác rời rã và kỳ lạ. Chị muốn biết về Robert Kincaid, nhà văn - nhà nhiếp ảnh nhiều hơn nữa. Chị muốn biết thêm nữa, thêm nữa, trong khi tay chị cầm chặt những bông hoa trên lòng, vuốt cho chúng thẳng đứng, y như một cô nữ sinh trên đường trở về nhà sau vụ nghỉ hè.
Máu dồn lên mặt chị. Chị cảm thấy cái đó rất rõ. Chị không làm hoặc nói gì, nhưng lại cứ cảm thấy như mình đã làm một điều gì đó. Trong tiếng xe gầm rú trên đường và tiếng gió, hầu như không thể nghe thấy radio trên xe đang truyền đi một bản ghi-ta Hawaii và tiếp theo là bản tin lúc năm giờ.
Anh đưa xe rẽ vào đường làng.
- Richard là chồng chị? - anh đã nhìn thấy hộp thư.
- Vâng, - Francesca nói, thở nhẹ. - Đột nhiên chị buột miệng, lời lẽ cứ tự nhiên đến. - Trời khá nóng. Anh muốn uống một cốc trà đá không?
Anh nhìn chị.
- Nếu không phiền chị, thì tôi rất muốn đấy. 

- Có gì mà phiền - chị nói.
Chị nhảy lên xe, dạn dĩ chỉ đường cho anh vòng ra sau nhà để đỗ xe. Chị không muốn đến khi Richard về nhà sẽ nghe một trong những người hàng xóm nói: "Này Dick, công việc ra sao rồi? Tuần trước tôi thấy một cái xe tải màu xanh ở kia kìa. Biết là Frannie ở nhà nên tôi không phải lo chặn nó lại". Họ trèo những bậc xi măng gập ghềnh lên hiên sau. Anh giữ cửa cho chị, anh vẫn đeo ba lô đựng máy ảnh.
- Nóng khủng khiếp nên tôi không để máy trên xe - anh nói khi lấy mấy cái máy ảnh ra.

Trong bếp mát hơn chút ít, nhưng vẫn nóng. Con Jack, giống chó Kôli, ngửi ngửi giày Kincaid, rồi ra hiên sau nằm phịch xuống trong lúc Francesca lấy đá trong các khay và rót trà từ cái bình thủy tinh hai lít. Chị biết anh đang ngắm chị lúc anh ngồi cạnh bàn, đôi chân dài duỗi ra phía trước, hai bàn tay vuốt vuốt mái tóc.
- Anh uống với chanh nhé?
- Vâng.
- Anh dùng đường không?
- Không, cảm ơn chị.
Robert nhìn nước chanh từ từ nhỏ giọt xuống thành cốc, và thấy hơi tiếc.
Francesca đặt cốc trước mặt anh. Chị ngồi xuống bên kia mặt bàn nhựa và cắm bó hoa vào nước trong cái cốc đựng thạch cũ kỹ có in hình chú vịt Donald. Dựa vào quầy, chị đứng thăng bằng trên một chân và cởi giầy, rồi lặp lại như thế chị cởi nốt chiếc kia.
Anh uống một ngụm nhỏ và ngắm chị. Chị cao khoảng mét bảy, trạc bốn mươi hoặc hơn một chút, gương mặt đẹp, thân hình thanh mảnh, ấm áp. Nhưng cũng có rất nhiều phụ nữ xinh đẹp ở khắp mọi miền anh đã qua. Chuyện thể xác tuy dễ chịu, nhưng đối với anh trí thông minh, niềm ham sống bẩm sinh, khả năng xúc động và biết xúc động vì những điều tinh tế của trí tuệ và tinh thần mới thực sự có giá trị. Chính vì thế anh thấy phần lớn phụ nữ trẻ ít hấp dẫn, dù họ có vẻ ngoài xinh đẹp. Họ chưa sống đủ lâu hoặc chưa trải đủ khó khăn để có những phẩm chất làm anh ưa thích.
Trong con người Francesca Johnson có một cái gì đó làm anh thích thú. Chị thông minh, anh cảm nhận được điều đó. Chị đam mê, dù anh không thể nắm bắt được niềm đam mê ấy nhằm vào đâu hay đang bị kiềm chế mà không bộc lộ ra ngoài.
Sau này, anh nói với chị rằng ngày hôm ấy khi ngắm chị cởi giày, không hiểu vì sao anh thấy đó là một trong những khoảnh khắc gợi tình nhất mà anh nhớ. Vì sao lại như thế không phải là điều quan trọng. Đấy không phải cách anh tiếp cận cuộc sống. "Sự phân tích làm hỏng toàn bộ. Có một số điều huyền bí và có ý nghĩa trọn vẹn. Nếu bạn xăm soi từng tí, chúng sẽ tan biến". Anh từng nói thế.
Chị ngồi bên bàn, ngồi xổm trên một chân, vuốt những món tóc xoà xuống mặt ra đằng sau và dùng cái lược đồi mồi cài chặt lại. Rồi chợt nhớ ra, chị đứng dậy, đến đầu tủ đựng bát đĩa, lấy cái gạt tàn và đặt lên bàn, nơi anh có thể với tới.
Được chị ngầm cho phép, anh rút bao Camel và chìa cho chị. Chị rút một điếu và thấy nó ẩm mồ hôi anh. Lại theo thói cũ, anh giơ chiếc Zippo vàng, chị giữ tay anh cho vững, đầu ngón tay chị cảm nhận làn da anh, rồi chị ngả lưng ngồi cho thoải mái. Điếu thuốc có vị rất ngon, và chị mỉm cười.

- Vậy chính xác thì anh làm gì, tôi muốn nói nghề nhiếp ảnh của anh ấy?

Anh nhìn điếu thuốc và nói khẽ. 

- Một phần thời gian, tôi chụp ảnh theo hợp đồng, ờ, người ta gọi là nhiếp ảnh gia, tôi làm cho tờ National Geographic. Tôi có nhiều ý tưởng về hình ảnh, tôi bán những ý tưởng ấy cho các tạp chí và chụp ảnh. Hoặc giả họ định làm gì đó và họ tìm tôi. Đó là những ấn phẩm bảo thủ, không có nhiều đất cho sự biểu đạt nghệ thuật. Được cái nhuận bút cũng khá. Không nhiều cho lắm, nhưng vừa phải và đều đặn. Thời gian còn lại, tôi viết bài và chụp những bức ảnh cho riêng mình rồi bán cho các tạp chí khác. Khi công việc khó khăn, tôi phải làm chung với người khác, dẫu biết làm như thế mình bị hạn chế kinh khủng. Thỉnh thoảng tôi còn làm thơ nữa, nhưng cho riêng tôi thôi. Cũng có lúc tôi thử viết một cuốn tiểu thuyết nho nhỏ, nhưng hình như tôi không có cảm xúc. Tôi sống ở phía bắc Seattle và làm việc quanh quẩn ở ấy. Tôi thích chụp những con thuyền đánh cá, các khu bảo tồn thổ dân và phong cảnh. Công việc ở tờ National Geographic thường giữ tôi ở hiện trường tới vài tháng, nhất là cho một đề tài chính như một phần của vùng Amazon hoặc sa mạc Bắc Mỹ. Thường tôi thuê một chiếc ôtô để đi công tác như thế này. Tôi thích lái xe đến một số nơi và quan sát chúng biến đổi trong tương lai. Tôi đi dọc hồ Superior, rồi sẽ trở lại Black Hills. Còn chị thì sao?

Francesca không ngờ anh lại hỏi chị. Chị lắp bắp giây lát:

- Giời ạ, tôi thì khác hẳn anh. Tôi tốt nghiệp môn văn học so sánh. Khi tôi tới đây năm 1946 thì ở Winterset người ta đang mộ giáo viên, tôi lại là vợ một cựu chiến binh dân địa phương, người cũng đường được. Thế là tôi học để lấy bằng sư phạm và dạy tiếng Anh bậc trung học trong vài năm. Nhưng anh Richard nhà tôi lại không thích tôi làm việc. Anh ấy bảo anh ấy có thể chu cấp cho mẹ con tôi, không khiến tôi phải đi làm, nhất là hai cháu đang tuổi lớn. Thế là tôi thôi việc và trở thành một bà nông dân cả ngày lẫn đêm. Chuyện là vậy. 

Chị để ý thấy cốc trà đá của anh gần hết và rót tiếp cho anh. 

 - Cảm ơn chị. Chị có thích nơi này không? 

Trong câu hỏi này có điểm rất thực tế. Chị hiểu ngay. Câu trả lời chuẩn là "Nó đẹp. Lại yên tĩnh. Dân chúng thực sự tốt bụng"Chị không trả lời ngay. 

 - Tôi hút điếu nữa nhé? - Lại bao Camel, lại cái bật lửa, lại cái chạm vào tay anh, rất nhẹ.

Ánh mặt trời xuyên qua mái hiên sau xuống sàn và con chó, nó đứng dậy và biến dạng.

Lần đầu tiên, Francesca nhìn vào mắt Robert Kincaid.

- Có lẽ nên nói thế này: "Lowa đẹp. Lại yên tĩnh. Dân chúng thực sự tốt bụng." Mà hầu như đúng là như thế. Ở đây yên tĩnh. Về một số mặt, dân chúng tốt bụng. Chúng tôi thường giúp đỡ lẫn nhau. Chẳng may có ai bị ốm hay bị thương thì đã có hàng xóm láng giềng giúp, họ mang ngô, yến mạch đến, hoặc làm bất cứ điều gì cần làm. Trong thị trấn, anh có thể để xe không khóa và để mặc bọn trẻ rong chơi mà không phải bận tâm lo lắng. Dân ở đây có nhiều điểm tốt, tôi kính trọng họ vì những phẩm chất ấy. Nhưng... - chị ngập ngừng, hút thuốc và nhìn Robert qua bàn - đó không phải là thứ tôi ước mơ khi còn con gái. 

Rốt cuộc, chị đã thú nhận. Những lời ấy có từ lâu lắm rồi, nhiều năm rồi, nhưng chị chưa hề nói ra. Giờ đây, chị thổ lộ với người đàn ông lái chiếc xe tải xanh từ Bellingham, bang Washington.

Anh không nói gì trong giây lát. Rồi anh bảo:

- Tôi đã viết vội trong sổ tay "Những giấc mơ xưa là những giấc mơ đẹp; chúng không thành hiện thực, nhưng tôi rất vui vì có chúng".  Ý tưởng ấy tự nảy ra trong khi tôi lái xe; hoàn toàn ngẫu nhiên. Tôi sẽ viết nó ra vào một ngày nào đó trong tương lai, nó sẽ hữu ích. Tôi không có dụng ý, nhưng nó sẽ được dùng vào một chỗ nào đó. Tôi cho là tôi hiểu được cảm nghĩ của chị.

Lúc đó Francesca mỉm cười với anh. Lần đầu tiên chị cười, ấm áp và sâu xa. Trong chị đã có một con bạc khát nước.

- Anh có muốn ở lại ăn tối không? Cả nhà đi vắng nên không có nhiều thứ lắm, nhưng cũng có thể làm được vài món không đến nỗi tồi.

- Vâng, tôi chán các cửa hàng tạp phẩm và hàng ăn rồi. Thế cũng được. Tôi rất mừng được chị cho ăn, nếu không quá phiền chị.

- Anh thích thịt lợn không? Tôi sẽ làm thịt lợn với ít rau vườn nhà.
- Rau là tốt rồi. Tôi không ăn thịt từ nhiều năm nay. Không phải vì cái gì ghê gớm đâu, chẳng qua tôi thấy ăn thế thú hơn.
Francesca lại mỉm cười.
- Ở vùng này, quan niệm ấy chưa phổ biến cho lắm. Anh Richard nhà tôi và các ông bạn anh ấy sẽ bảo anh định phá hoại phương kế sinh nhai của họ đấy. Bản thân tôi cũng không ăn nhiều thịt, tôi không biết chắc vì sao, tôi chỉ không thích thôi. Nhưng mỗi lần tôi thử làm một bữa chay cho gia đình là y như rằng bị phản đối om sòm. Vì thế tôi phải nhân nhượng khá nhiều. Thật là khôi hài khi phải cố tìm ra một món gì khác để thay đổi.

- OK, chị không phải bận tâm về tôi đâu. Tôi có một đống phim trong thùng lạnh, tôi cần đổ nước đá ra cho tan và sắp xếp lại một chút. Cũng phải mất một lúc đấy.
Chị nhìn anh đi qua cửa bếp, qua hiên và vào sân. Anh không sập cửa đánh sầm như mọi người khác mà khép lại nhẹ nhàng. Trước lúc ra ngoài, anh ngồi xổm xuống vỗ về con Jack, nó đáp lại sự quan tâm mà nó nhận biết bằng những cái liếm ướt át dọc cánh tay anh.
Lên gác, Francesca chạy vội đi tắm và trong lúc lau khô người, chị hé tấm rèm màu cà phê nhìn xuống sân nông trại. Va li của anh mở, anh đang dùng cái bơm tay cũ để lấy nước rửa ráy. Lẽ ra chị nên bảo anh có thể tắm hương sen trong nhà nếu anh muốn. Chị định nói nhưng lại e có phần suồng sã, sau đó chị cứ loanh quanh, lúng túng mãi nên quên mất.
Nhưng Robert từng tắm rửa trong những điều kiện tồi tệ hơn nhiều. Bằng những xô nước bốc mùi thum thủm ở miền nhiệt đới, hoặc chỉ bằng một bi đông nước uống mang theo trong sa mạc. Trong sân trại, anh cởi trần đến thắt lưng, dùng cái sơ mi bẩn vừa làm khăn mặt vừa làm khăn tắm. "Một cái khăn mặt", chị tự trách mình, "ít nhất mình có thể đưa cho anh ấy một cái khăn mặt".
Lưỡi dao cạo của anh nằm trên nền xi măng cạnh máy bơm lóe lên dưới nắng, chị ngắm anh xoa xà phòng lên mặt và cạo râu. Anh thật săn chắc, chị lại nghĩ đến cái từ ấy. Anh không to lớn, chỉ cao hơn mét tám, còn có phần hơi mảnh dẻ nữa là khác. Nhưng anh có đôi vai rộng so với khổ người, bụng anh phẳng lì như lưỡi dao. Trông anh trẻ hơn tuổi, không giống cánh đàn ông địa phương sáng sáng ngốn quá nhiều nước sốt và bánh bích quy.
Trong chuyến đến Des Moines mua sắm lần cuối, chị đã mua loại nước hoa mới - Wind Song - và lúc này chị đem nó ra dùng, chỉ một chút xíu thôi. Mình mặc gì bây giờ nhỉ? Có lẽ không nên quá rườm rà, anh vẫn mặc bộ quần áo làm việc kìa. Chị vận chiếc sơ mi trắng muốt, tay áo xắn lên dưới khuỷu, quần jeans, đi dép. Đeo đôi khuyên tai vàng (Richard bảo: trông như một mụ đàn bà mất nết), vòng vàng. Tóc kẹp lại, buông xõa sau lưng. Thế là ổn, chị nghĩ.
Lúc chị bước vào bếp, anh đang ngồi đó với cái ba lô và thùng lạnh, sơ mi kaki sạch, dây đeo quần màu cam. Trên bàn có ba cái máy ảnh và năm ống kính, một bao Camel chưa bóc. Những cái máy ảnh đều mang nhãn hiệu "Nikon". Mấy cái ống kính màu đen cũng thế, cái ngắn, cái vừa và một cái dài hơn. Hết thảy đều xây xước, sứt mẻ nhiều chỗ. Nhưng anh cẩn thận và bình thản lau, chùi, thổi bụi.
Anh ngước nhìn chị, gương mặt nghiêm trang, ngại ngùng.
- Trong thùng lạnh của tôi có bia đấy. Chị uống chứ?
- Vâng, thế thì hay quá. 

Anh lấy ra hai chai Budweiser. Lúc anh mở nắp thùng, chị nhìn thấy trong đó một chồng hộp nhựa đựng phim. Ngoài hai chai vừa lấy ra, còn bốn chai nữa.
Francesca rút ngăn kéo tìm cái mở bia. Nhưng anh bảo:
- Tôi có đây - anh rút con dao Thụy Sĩ trong vỏ vẫn đeo ở thắt lưng và rất thành thạo bật mở nút chai.
Anh đưa chị chai bia và giơ chai của mình lên, nửa chào nửa mời:
- Mừng những cây cầu mái trong buổi chiều muộn, hoặc trong buổi sáng ấm áp. Mà, trong ráng đỏ có khi còn hay hơn đấy - anh cười tươi tắn.
Francesca không nói gì, chỉ cười nhẹ và giơ chai lên nửa chừng, ngượng nghịu, ngập ngừng. Một người lạ mặt kỳ dị, những bông hoa, bia, mùi nước hoa, và lời chúc trong một ngày thứ Hai nóng nực cuối hè. Hầu như có quá nhiều thứ chị phải đối phó. Cách đây lâu lắm, trong một buổi chiều tháng Tám có một anh chàng khát cháy cổ. Bất cứ ai nghiên cứu nỗi khát khổ khát sở của anh ta cũng phải hối hả làm ra một thứ gì đó cho anh ta, thế là họ chế ra bia. Bia ra đời như vậy đấy, thế là xong. - Anh đang loay hoay với một chiếc máy ảnh, vừa nói vừa xoáy chặt một con ốc trên đó bằng cái tua-vít bé xíu. 
- Tôi ra vườn một lát. Tôi sẽ quay lại ngay. 

Anh ngước nhìn:
- Chị cần tôi giúp một tay không?
Chị lắc đầu và đi ngang qua anh, cảm thấy cái nhìn của anh trên hông mình, chị tự hỏi liệu anh có ngắm chị suốt dọc hiên không và đoán rằng anh sẽ làm như thế.
Chị đoán đúng. Anh đang ngắm chị. Lắc đầu, anh nhìn lần nữa. Ngắm thân thể chị, anh thầm nghĩ về trí thông minh của chị, anh biết nó vốn có trong chị. Và anh phân vân về bao điều khác nữa nơi chị mà anh cảm nhận được. Anh bị chị cuốn hút và đang cố cưỡng lại.
Lúc này khu vườn đã râm mát. Francesca cầm cái chậu men trắng rạn đi khắp vườn. Chị nhổ cà rốt, mùi, củ cải, hành và củ cải đỏ.
Lúc chị vào bếp, Robert đang xếp các thứ vào ba lô, động tác của anh rất gọn, chính xác. Thứ nào thứ nấy đều có chỗ riêng và được sắp xếp trật tự. Anh uống hết chai bia, mở thêm hai chai nữa, dù chị chưa uống hết. Chị ngửa đầu uống hết chai thứ nhất, đưa cái vỏ chai cho anh.
- Tôi có thể làm gì không? - Anh hỏi.
- Anh mang giúp quả dưa hấu ngoài hiên và lấy hộ ít khoai tây trong xô.
Anh đi lại nhanh nhẹn đến mức làm chị phải ngạc nhiên vì trong nháy mắt anh kịp ra hiên và trở lại, quả dưa hấu cắp nách, bốn củ khoai trong bàn tay.
- Đủ chưa? 

Chị gật, thầm nghĩ: người đâu mà nhanh như ma. Anh để các thứ lên quầy cạnh bồn chị đang rửa rau và trở lại ghế, ngồi xuống và châm một điếu Camel.
- Anh sẽ ở lại đây bao lâu? - Chị hỏi, nhìn xuống đám lá rau.
Tôi cũng chưa biết chắc. Thời gian này tôi cứ làm việc tà tà, còn ba tuần nữa mới đến hạn chót phải nộp ảnh các cây cầu. Miễn sao chụp thật đẹp là được. Chắc phải mất khoảng một tuần. 

- Anh ở đâu? Trong thành phố hở?
- Vâng. Một ngôi nhà nhỏ nhiều phòng, có tên là Motor Court hay là cái gì đó đại loại. Tôi vừa ghi tên sáng nay và vẫn chưa dỡ đồ đạc.
- Đấy là nơi duy nhất có thể ở được, không kể nhà bà Carlson; bà ấy cũng cho thuê phòng. Nhưng hàng ăn ở đây thì chán lắm, nhất là đối với người có thói quen ăn uống như anh. 

- Tôi biết. Bao giờ chả thế, chị ơi. Nhưng tôi cũng đã biết cách thu xếp. Mùa này trong năm không đến nỗi quá tệ, có thể mua thức ăn tươi trong các cửa hàng và quán xá dọc đường. Bánh mì và vài thứ khác nữa, tôi hầu như làm lấy được. Tuy nhiên, được một bữa mời như thế này thật thú vị. Tôi rất cảm kích. 
Chị với tay bật chiếc radio nhỏ trên quầy, chỉ có hai đĩa, một mảnh vải màu nâu phủ loa. "Với thời gian trong túi, thời tiết bên sườn..." một giọng hát, tiếng ghi-ta đệm bập bùng. Chị chỉnh tiếng nhỏ lại.
- Tôi thái rau khá cừ đấy nhé, - anh gợi ý.
- Vậy thì thớt đây, dao trong ngăn kéo bên phải. Tôi làm món hầm, nhớ thái hạt lựu đấy nhé.
Anh đứng cách chị khoảng hơn nửa mét, nhìn xuống và xắt, thái cà rốt, củ cải, củ cải đỏ, hành. Francesca gọt khoai trong bồn rửa bát, cảm thấy giữa mình và người lạ mặt có một sự gần gụi. Chưa bao giờ chị nghĩ ngợi lan man như thế trong khi gọt khoai.
- Anh chơi ghi-ta hả? Tôi thấy có hộp đàn trong thùng xe.
- Chơi chút chút thôi. Tôi giữ cây ghi-ta làm bạn ấy mà. Trước, vợ tôi hát dân ca, từ hồi loại nhạc đó còn chưa phổ biến, cô ấy để lại cây đàn cho tôi.
Francesca hơi sững lại khi anh nói vợ tôi. Tại sao, chị không biết. Anh ấy có quyền có vợ chứ, có điều chuyện đó, không hiểu sao, có vẻ không hợp với anh. Chị không thích anh có vợ.
- Vợ tôi không chịu nổi những chuyến đi chụp ảnh dài ngày của tôi, có khi tôi đi mấy tháng liền. Tôi không trách cô ấy. Cô ấy đã bỏ đi, chín năm trước. Một năm sau đó, cô ấy làm thủ tục ly hôn. Chúng tôi không có con, nên cũng chẳng có gì rắc rối. Cô ấy mang theo một cây ghi-ta, và để lại cây đàn rẻ tiền này cho tôi.
- Anh có tin gì về chị ấy không?

- Không, chưa bao giờ.
Anh chỉ nói có thế. Francesca không nài. Nhưng một cách ích kỷ, chị thấy như thế hóa ra lại hay và băn khoăn vì sao chị cứ quan tâm đến việc này việc khác của người ta.
- Tôi đã đến Ý hai lần, - anh nói. - Quê chị ở đâu nhỉ?
- Naples.
- Tôi chưa đến đó bao giờ. Có một lần tôi đến miền bắc Ý, chụp ảnh dọc sông Po. Một lần khác tôi làm đề tài về đảo Sicily.
Francesca gọt vỏ khoai, thoáng nghĩ đến nước Ý, và ý thức được rằng ở bên chị lúc này có Robert Kincaid.
Những đám mây dồn về phía tây, bửa mặt trời thành nhiều tia tỏa ra mấy hướng. Từ bồn rửa, anh nhìn ra ngoài cửa sổ, nói:
- Ánh sáng đẹp quá. Cái này các nhà sản xuất lịch khoái lắm đây. Nhất là những tạp chí tôn giáo. 

- Công việc của anh có vẻ thú vị đấy, Francesca nói. Chị thấy cần giữ câu chuyện chung chung kéo dài. 

- Có thế thật. Tôi rất thích việc này. Tôi thích lên đường, thích làm ảnh.

Chị để ý cách dùng từ của anh: "làm ảnh".
- Anh làm ảnh chứ không chụp ảnh?
- Vâng. Tôi quả có nghĩ thế. Đối với các ông thợ ảnh chụp lấy ngay trong Chủ nhật và làm việc đó cả đời thì khác, khác nhiều. Khi tôi làm xong ảnh cây cầu mà chúng ta nhìn thấy hôm nay, chị sẽ thấy nó không hoàn toàn như chị nghĩ. Tôi sẽ làm cho nó trở thành một thứ của riêng mình, bằng cách chọn ống kính hoặc góc độ chụp, hoặc cách bố cục chung. Trong phần lớn trường hợp, tôi kết hợp tất cả những thứ ấy lại với nhau.
Tôi không chỉ chụp mọi vật như chúng vốn có, tôi cố làm cho chúng trở thành một thứ phản ánh ý thức của tôi, tâm hồn tôi. Trong hình ảnh, tôi gắng tìm ra chất thơ. Tạp chí có phong cách riêng, có yêu cầu riêng, và không phải lúc nào thị hiếu của tôi và ông Tổng biên tập cũng trùng hợp. Nói trắng ra, chẳng mấy khi chúng tôi nhất trí. Điều đó làm cho ông ta bực, dù ông ta có quyền quyết định cho cái này vào, bỏ cái kia ra. Chuyện ông ta quan tâm là số lượng bạn đọc, tôi biết, nhưng tôi lại muốn ông ta nắm bắt được nhiều hơn nữa các cơ may hãn hữu. Tôi nói với ông ta như thế, và ông ta khó chịu.
Trong cuộc mưu sinh nhờ vào một hình thức nghệ thuật, chuyện ấy là cả một vấn đề. Con người luôn luôn phải đối phó với thị trường, còn thị trường, tôi muốn nói cái thị trường của đa số, thì lại đòi phải được thiết kế sao cho hợp với thị hiếu trung bình. Lượng phát hành xuất phát từ đó. Tôi nghĩ thực tế nó là như vậy. Nhưng, như tôi đã nói, chính cái đó lại hạn chế mình rất nhiều. Người ta cho phép tôi giữ lại những bức ảnh mà họ không sử dụng, thành thử tôi cũng tích lại được cho riêng mình những thứ mà mình thích.
Thỉnh thoảng cũng có tạp chí chọn một hoặc hai bức ảnh của tôi, hoặc nhờ tôi viết bài về nơi tôi đã chụp, minh họa nó táo bạo hơn một chút so với cái gu của tờ National Geographic.
Sắp tới, tôi sẽ viết một tiểu luận gọi là "Ảnh hưởng của nghệ thuật nghiệp dư" cho những ai muốn kiếm sống bằng nghệ thuật. Thị trường giết chết lòng đam mê nghệ thuật hơn bất cứ thứ gì khác. Kẻ nào muốn an toàn sẽ được các tạp chí và các hãng sản xuất cho an toàn, chúng còn cho họ sự đồng ý với nhau, cho họ thói quen, cho họ sự thoải mái, nhưng không bao giờ cho họ những thách đố.
Nghệ thuật bị lợi nhuận, lượng khách đặt mua và rất nhiều thứ khác nữa, chi phối. Tất cả chúng ta ngày càng bị trói buộc vào bánh xe vĩ đại của sự đồng thuận.

Những nhân viên tiếp thị luôn nói đến một thứ gọi là "khách hàng". Tôi đã chụp cái thứ khách hàng ấy, một người đàn ông thấp, béo, mặc quần soóc Bermuda tả tơi, sơ mi Hawaii, đội mũ rơm, cái mở bia tòn ten ở vành mũ, tay nắm chặt mớ đô la.Francesca cười khe khẽ, nghĩ đến những chữ an toàn và thoải mái.- Nhưng tôi cũng chẳng than phiền nhiều. Như tôi đã nói, du lịch thích lắm, tôi mê chơi máy ảnh và khoái được ở ngoài trời. Thực tế không hẳn là một bài ca bắt đầu hình thành, nhưng nó không phải là bài ca tồi.Francesca đoán rằng, với Robert Kincaid, đây là cuộc trò chuyện hàng ngày. Còn với chị, nó mới văn vẻ làm sao. Dân chúng trong quận Madison không trò chuyện kiểu này, về những thứ này. Những câu chuyện của họ chỉ xoay quanh thời tiết, giá cả nông sản, những đứa trẻ mới ra đời, các đám tang, chính sách của chính phủ và các đội điền kinh. Không nói về nghệ thuật và những giấc mơ. Không nói đến cái thực tế bắt âm nhạc lặng tiếng, nhốt những giấc mơ vào két.Anh ngừng thái rau.- Còn gì cho tôi làm nữa đây?Chị lắc đầu.- Không, mọi thứ sắp xong cả rồi.Anh lại ngồi vào bàn, hút thuốc, thỉnh thoảng uống một ngụm bia. Chị nấu ăn và uống bia. Chị cảm thấy chất men, dù rất ít. Trong đêm giao thừa, tại Legion Hall, hai vợ chồng chị đã uống rượu. Ngoài ra, thỉnh thoảng họ cũng nhâm nhi chút rượu khai vị ở nhà, không kể chai brandy chị mua với niềm mong mỏi mơ hồ về nét lãng mạn trong cuộc sống thôn dã. Chai brandy ấy vẫn chưa mở.Một chén rưỡi dầu thực vật. Nấu cho đến khi thành màu nâu sáng. Thêm bột mì và đảo kỹ. Thêm nửa lít nước. Thêm các loại rau và nêm gia vị. Đun nhỏ lửa khoảng bốn mươi phút.Trong lúc nấu nướng, Francesca lại ngồi đối diện với Robert lần nữa. Sự thân mật giản dị bao trùm căn bếp. Nó bắt đầu từ việc nấu nướng. Chị nấu súp cho một người lạ, anh ta thái củ cải và thế là khoảng cách giữa hai người xa lạ rút ngắn dần. Sự xa lạ mất đi, thế vào đó là khoảng cách thân tình.Anh đẩy bao thuốc về phía chị, cái bật lửa đặt ở trên. Chị rút một điếu, loay hoay với cái bật lửa và cảm thấy mình vụng về. Chị không biết bật. Anh hơi cười, thận trọng nhón cái bật lửa từ tay chị, búng bánh xe hai lần rồi mới bật. Anh cầm nó cho chị châm. Mỗi khi gần đàn ông, chị thường cảm thấy mình duyên dáng so với họ. Song với Robert thì không.Mặt trời trắng lóa biến thành đỏ bầm và nằm ngay trên cánh đồng ngô. Qua cửa sổ bếp chị nhìn thấy một con diều hâu bay vụt lên lúc chạng vạng tối. Radio đang phát bản tin bảy giờ và tóm tắt tin thị trường. Francesca nhìn Robert lướt qua lớp nhựa vàng, anh đã từ một nơi xa xôi đến bếp nhà chị. Một quãng đường dài, qua biết bao nhiêu dặm đường.- Mùi tuyệt quá, - anh nói và chỉ vào bếp lò. - Nó tỏa mùi... yên bình.Anh nhìn chị."Yên bình? Có thứ mùi yên bình sao?" chị ngẫm nghĩ câu nói và tự hỏi. Anh nói đúng. Sau những món thịt lợn, thịt nướng, thịt rán chị làm cho gia đình, đây là việc nấu nướng yên ả. Không có chút gì thô bạo, mạnh mẽ trong lúc nấu ăn, ngoài việc nhổ rau, củ. Món hầm rất êm ả và tỏa mùi yên bình. Sự yên bình ngay tại đây, trong căn bếp.- Nếu chị không phiền, xin chị kể tôi nghe về cuộc sống của chị ở Ý. - Anh duỗi người trên ghế, chân phải vắt lên mắt cá chân trái.Sự im lặng bắt anh phải chờ đợi làm chị băn khoăn, nên chị kể. Về những năm mới lớn, trường tư thục, các bà xơ, cha mẹ chị - người là giám đốc nhà băng, người làm nội trợ. Về những người lính Mỹ đến sau đó. Về cuộc gặp Richard ở quán cà phê, chị và các bạn gái đang uống ở đấy. Cuộc chiến đã huỷ hoại bao sinh mạng, và người ta ngạc nhiên thấy hai người thành hôn. Chị không nói gì về Niccolo.Anh lặng thinh lắng nghe, thỉnh thoảng gật gù hiểu biết. Cuối cùng khi chị ngừng, anh nói:- Anh chị có con chứ? -- Có. Michael mười bảy. Carolyn mười sáu. Cả hai đứa học ở Winterset. Chúng tham gia 4-H', vì thế mà mấy cha con mới dự Hội chợ bang Illinois. Đem con bê đực của Carolyn đi triển lãm. Điều tôi không bao giờ hiểu được, và thích ứng được, là tại sao người ta có thể ban phát tình yêu thương hậu hĩ và chăm sóc những con vật đến như thế, để rồi nhìn chúng bị bán cho lò mổ. Tuy vậy tôi chẳng dám hé môi. Tôi sẽ bị Richard và các bạn anh ấy hạ gục trong chớp mắt. Nhưng tôi thấy trong chuyện này có một cái gì trái ngược, lạnh lùng và tàn nhẫn.(14-H: Tổ chức thanh niên Mỹ do Bộ Nông nghiệp bảo trợ, có nhiều chương trình giúp thanh niên ở các vùng nông thôn làm kinh tế gia đình, làm nghề nông, phục vụ cộng đồng và phát triển cá nhân. )Chị cảm thấy có lỗi khi nhắc đến Richard. Chị có làm gì đâu, chị đã làm gì đâu. Nhưng chị vẫn cứ cảm thấy chị có lỗi, sự có lỗi đang đưa chị tới những cái có thể xảy tới trong tương lai. Chị tự hỏi làm thế nào cho hết buổi tối này đây, liệu chị có mắc vào một cái gì mà chị không thể giãy ra được không. Phải chi Robert ra đi thì hơn. Anh có vẻ khá trầm lặng, đủ dễ thương, thậm chí hơi rụt rè.
Lúc họ nói chuyện tiếp, buổi tối đã ngả sang màu xanh lơ, màn sương nhẹ la đà trên bãi cỏ. Anh mở thêm hai chai bia trong lúc Francesca lẳng lặng nấu món hầm. Chị đứng dậy và thả bánh bao vào nước sôi sùng sục, rồi quay lại, dựa vào bồn rửa, chị thấy được sự ấm áp tỏa ra từ Robert Kincaid, người từ Bellingham, bang Washington đến. Ước gì anh ấy đừng bỏ đi quá sớm.Anh ăn hai suất hầm với vẻ lịch thiệp hòa nhã, và hai lần khen món ăn. Dưa hấu ngon tuyệt. Bia mát lạnh. Buổi tối thật gợi tình. Francesca Johnson bốn nhăm tuổi, và Hank Snow' đang hát một chuỗi bài trên KMA, Shenandoah, Iowa.(Hank Snow (1914-1999): ca sĩ Canada chuyên hát nhạc đồng quê, nổi tiếng vì chất giọng nam trung bẩm sinh và là tay chơi ghi-ta bậc thầy, được tôn vinh là ngôi sao tầm cỡ quốc tế trong hơn 40 năm liền).

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro