FRANCESCA
Vào cuối thu, bà Francesca kỷ niệm sinhnhật của mình trong mưa lạnh lộp độp vàođập ngôi nhà gỗ miền quê Nam Iowa. Bà ngắm mưa, cái nhìn vươn mãi đến tận những quả đồi ven sông Middle và bà nghĩ đến Richard. Tám năm trước, cũng vào một ngày như thế này, chồng bà đã vĩnh viễn ra đi vì một bệnh có cái tên thà không nhớ còn hơn. Nhưng lúc này, bà đang nghĩ đến ông, đến lòng tốt bền bỉ của ông, cá tính điềm đạm của ông và cả cuộc đời ông đã trao tặng bà.
Các con bà đã gọi điện. Năm nay chẳng đứa nào về nhà mừng sinh nhật bà, dù bà đã sáu mươi bảy tuổi. Bà hiểu như bà vẫn hiểu. Bao giờ cũng thế. Lúc nào cũng thế. Cả hai đều đang dở dang sự nghiệp, đang chạy đua vất vả, đứa điều hành một bệnh viện, đứa bận dạy sinh viên. Michael vừa bước vào cuộc hôn nhân thứ hai, còn Carolyn thì đang vùng vẫy trong hôn nhân thứ nhất. Trong thâm tâm, bà lấy làm mừng vì hình như các con chưa bao giờ thu xếp một cuộc thăm viếng nhân sinh nhật bà, vì bà có những nghi lễ riêng dành cho ngày đó.
Sáng hôm nay, mấy bà bạn từ Winterset đã ghé qua tặng bà một cái bánh sinh nhật. Francesca pha cà phê trong lúc họ nói chuyện về con cháu, về thành phố, về lễ Tạ ơn, về chuyện nên tặng quà Giáng Sinh cho ai. Từ phòng khách, những tiếng cười nhỏ nhẹ, lên bổng xuống trầm và câu chuyện thân mật đã an ủi và nhắc Francesca nhớ đến một lý do nho nhỏ làm bà lưu lại đây sau khi ông Richard qua đời.
Cậu cả chuyển đến Florida, cô thứ ở New England. Còn bà thì vẫn ở lại rặng đồi phía Nam Iowa làm nghề nông, vẫn giữ địa chỉ cũ, vì một lý do đặc biệt, và bà lấy làm vui vì mình đã làm như thế.Vào giờ ăn trưa, Francesca nhìn theo các bạn ra về. Họ lái những chiếc Buick và Ford xuống đường làng, rẽ vào con đường lát đá của quận rồi nhằm hướng Winterset, những cái cần gạt nước rẽ mưa sang hai bên. Họ là bạn thân của bà, cho dù chẳng bao giờ họ hiểu được những nỗi niềm thầm kín trong lòng bà. Mà dẫu bà có nói ra, họ cũng chẳng hiểu nổi.
Khi Richard đưa bà từ Naples đến đây sau chiến tranh, ông bảo bà sẽ tìm được những người bạn tốt. Ông nói:
- Dân Iowa có những khiếm khuyết của họ, nhưng từng người sẽ không thiếu chu đáo.
Câu đó rất đúng, hoàn toàn đúng.
Francesca 25 tuổi khi họ tình cờ gặp nhau ở bên ngoài trường đại học; suốt 3 năm quen nhau chị dạy học trong một trường nữ sinh tư thục, và đang băn khoăn về đời mình. Phần lớn cánh đàn ông Ý đã chết, bị thương hoặc nằm trong các trại tù binh, hoặc kiệt lực vì chiến đấu. Cuộc tình của chị với Niccolo, một giáo sư đại học về môn nghệ thuật, ông vẽ suốt ngày và dẫn chị đi thăm thú mặt trái của Naples vào ban đêm, những chuyến đi hoang dã, liều lĩnh, đã chấm dứt hơn một năm trước. Cha mẹ Francesca vốn là người theo truyền thống, không ngừng phản đối mối tình đó.
Chị cài băng lên mái tóc đen và bám lấy những giấc mơ. Nhưng chẳng có chàng thủy thủ đẹp trai nào lên bờ tìm chị, cũng không có tiếng gọi nào từ con phố bên dưới vọng lên cửa sổ phòng chị. Sự thúc ép gay gắt của thực tế làm chị nhận ra rằng những chọn lựa của chị bị kiềm chế. Richard là một lựa chọn hợp lý: một lời hứa hẹn ân cần và thú vị về nước Mỹ.
Chị xét nét quan sát anh trong bộ quân phục lúc họ gặp nhau trong quán cà phê dưới ánh mặt trời Địa Trung Hải, thấy anh nhìn chị tha thiết theo kiểu miền Trung Tây của anh, và chị nhận lời đến Iowa với anh. Chị sinh cho anh hai đứa con, chị xem Michael đá bóng trong những đêm tháng Mười rét mướt, đưa Carolyn đến Des Moines mua váy dạ hội. Chị trao đổi thư từ với người chị gái ở Naples mỗi năm vài lần và về quê hai lần, khi cha và mẹ chị qua đời. Nhưng hiện giờ Madison là nhà của chị và chị không còn tha thiết trở về quê hương nữa.
Giữa trưa, mưa tạnh, song đến chập tối trời lại tiếp tục đổ mưa. Trong ráng chiều chạng vạng, Francesca rót một ly nhỏ brandy và mở ngăn dưới cùng chiếc bàn có nắp cuộn của Richard, một tác phẩm bằng gỗ óc chó đã trải qua ba thế hệ gia đình ông. Bà rút ra một chiếc phong bì làm bằng giấy tơ chuối và chầm chậm đưa bàn tay lướt qua, như bà vẫn làm hàng năm trong ngày này.
Dấu bưu điện "Seattle, WA, 12 tháng Chín 65". Thường, bà nhìn nhật ấn trước. Đó là một phần trong nghi lễ. Rồi đến địa chỉ viết tay "Francesca Johnson, RR2, Winterset, Iowa". Tiếp theo là địa chỉ người gửi, viết nguệch ngoạc trên góc trái "Hòm thư 642, Bellingham, Washington". Bà ngồi trên ghế kê cạnh cửa sổ, nhìn địa chỉ của ông và tập trung hết sức, bà mường tượng cử động của bàn tay ông lúc viết, bà muốn nhớ lại cảm giác đôi bàn tay ấy trên người bà hai mươi hai năm trước.
Khi đã cảm nhận được bàn tay ông chạm vào bà, bà mở phong bì, cẩn thận lấy ra ba bức thư, một bản thảo ngắn, hai bức ảnh và một tờ National Geographic nguyên vẹn cùng nhiều bài cắt từ báo này. Trong ánh sáng nhạt nhoà, bà nhấp từng ngụm brandy, nhìn qua mép ly một bức thư viết tay kẹp vào các trang bản thảo đánh máy. Thư viết trên loại giấy văn phòng giản dị, trên cùng chỉ đề "Robert Kincaid, nhà văn - nhà nhiếp ảnh" bằng kiểu chữ nắn nót.
10 tháng Chín 1965
Francesca thân yêu,
Anh gửi kèm theo hai bức ảnh. Một bức anh chụp em trên bãi cỏ lúc hoàng hôn. Anh hy vọng em thích nó như anh thích. Bức kia là cầu Roseman trước khi anh lấy đi bức thư em gắn trên đó.
Anh đang ngồi đây, lòng u ám, nhớ lại từng chi tiết, từng khoảnh khắc thời gian chúng ta bên nhau. Anh tự hỏi, không biết bao nhiêu lần: "Chuyện gì đã xảy ra với mình ở quận Madison, bang Iowa?". Rồi anh cố ghép tất cả những cái đó lại với nhau. Vì thế anh viết tiểu phẩm "Rơi khỏi Chiều Z" gửi kèm với thư này, như một cách vùng thoát khỏi những bối rối trong đầu.
Anh nhìn xuống ống kính, còn em ở tận cuối ống kính. Anh bắt đầu viết một bài báo, và anh viết về em. Anh không hiểu mình đã đi từ Iowa về đây như thế nào. Dù sao, chiếc xe tải cũ kỹ cũng đưa anh về tới nhà, anh chỉ còn nhớ mình đã qua nhiều dặm đường.
Mấy tuần trước, anh thấy mình hoàn toàn độc lập, anh khá bằng lòng về mình. Có lẽ anh còn hạnh phúc nữa, tuy có hơi đơn chiếc đấy, song ít ra anh cũng hài lòng. Thế nhưng tất cả mọi chuyện đã đổi thay.
Giờ đây anh thấy rõ rằng suốt một thời gian dài, anh đã tìm đến em và em tìm đến anh. Dù chẳng ai trong chúng ta có ý thức về người kia trước khi chúng ta gặp nhau, nhưng có một cái gì đó chắc chắn, giản dị, cứ âm thầm ngân nga rằng thể nào chúng ta cũng sẽ đến với nhau. Giống như hai con chim lẻ loi vừa bay qua thảo nguyên mênh mông vừa ước lượng bầu trời, chúng ta đã đi tìm nhau, người nọ tìm người kia suốt bao năm tháng và suốt cả đời.
Con đường là một nơi kỳ lạ. Nó rẽ loanh quanh, và trong một ngày tháng Tám, anh ngước nhìn thì thấy em bước qua bãi cỏ, tiến thẳng đến xe anh. Hồi tưởng lại, anh thấy nó như là định mệnh, không thể nào khác được, trường hợp mà anh gọi là khả năng có thể rất cao của những điều không thể.
Anh đang ở đây, dạo chơi với một người khác trong tâm tưởng. Anh cho rằng anh đã diễn đạt điều đó rõ hơn vào cái ngày chúng ta chia tay, khi anh nói có một người thứ ba do chúng ta tạo ra từ hai chúng ta. Và giờ đây cái thực thể thứ ba kia cứ lén theo anh.
Dù sao mặc lòng, chúng ta phải gặp lại nhau lần nữa. Ở bất cứ nơi nào, bất cứ lúc nào.
Hãy gọi cho anh nếu em cần gì đó hoặc chỉ đơn giản vì em muốn gặp anh. Anh sẽ có mặt ngay tức khắc. Dầu sao đi nữa, hãy cho anh biết liệu lúc nào đó, em có thể đến đây được không. Anh sẽ thu xếp vé máy bay, nếu như với em chuyện đó khó khăn. Tuần sau anh đến miền đông nam Ấn Độ, nhưng sẽ trở về vào cuối tháng Mười.
Anh yêu em Robert
TB. Đề tài ảnh ở quận Madison được khen lắm. Em xem trong tờ National Geographic năm sau nhé. Hay em muốn có một bản khi phát hành thì bảo anh.
Francesca Johnson đặt ly brandy lên bậu cửa sổ rộng bằng gỗ sồi và chăm chú ngắm tấm ảnh đen-trắng khổ 8x10 chụp bà. Đôi khi, thật khó mà nhớ lại hồi ấy - hai mươi hai năm trước - trông bà ra sao. Mặc quần jeans bạc màu, áo phông trắng, đi dép, mái tóc tung bay trong gió sớm, Francesca đứng dựa vào một cột rào.
Laurson
Qua màn mưa, từ chỗ ngồi bên cửa sổ, bà có thể nhìn thấy cây cột của cái hàng rào cũ kỹ phân ranh giới với bãi cỏ. Khi Richard mất, bà cho thuê mảnh đất với điều kiện người thuê phải để nguyên, không được động chạm đến bãi cỏ, dù lúc này nó trống không, toàn cỏ là cỏ.Trong ảnh, trên mặt Francesca bắt đầu có những nếp nhăn đầu tiên. Máy ảnh của Robert đã tìm ra chúng. Song bà vẫn vui khi xem lại. Tóc bà đen, thân hình bà đầy đặn và ấm áp, căng lên trong chiếc quần jeans. Bà chăm chú ngắm bộ mặt trong ảnh. Gương mặt của một người phụ nữ liều mạng yêu người đang chụp ảnh. Theo dòng ký ức, Francesca thấy lại Robert Kincaid rõ mồn một. Mỗi năm bà lại lướt qua tất cả những hình ảnh khắc ghi trong tâm trí, bà nhớ lại tỉ mỉ mọi thứ, không bỏ sót chút gì, mãi mãi khắc ghi chúng trong đầu, như một thành viên bộ lạc trả lời các bậc trưởng lão về lịch sử các thế hệ. Cao, mảnh khảnh và rắn rỏi, cử động duyên dáng như cỏ cây, Robert làm mọi việc không hề phải gắng sức. Mái tóc hoa râm của anh xõa xuống sau tai và hầu như lúc nào cũng rối bời, như thể anh vừa trở về sau một cuộc viễn du dài ngày trên biển, bị ngọn gió khắc nghiệt liên miên thổi và anh chỉ dùng bàn tay vuốt nó lại cho gọn. Gương mặt anh hẹp, gò má cao, mái tóc xõa xuống trán để lộ cặp mắt xanh nhạt dường như không bao giờ ngừng tìm kiếm tấm hình kế tiếp sẽ chụp. Anh mỉm cười với Francesca, nói rằng trong ánh ban mai trông chị sao mà xinh đẹp và tươi tắn thế, anh bảo chị dựa vào cây cột, rồi anh xoay quanh chị theo một vòng cung rộng, anh bấm máy trong mọi tư thế, khi quỳ, khi đứng, sau đó anh nằm ngửa, chĩa ống kính lên mặt chị. Chị lúng túng vì thấy anh tốn nhiều phim nhưng sung sướng thấy mình được chú ý. Chị mong không có người hàng xóm nào lái máy kéo ra ngoài vào lúc sáng sớm. Nói cho đúng, trong buổi sáng đặc biệt này chị chẳng bận tâm nhiều lắm đến xóm giềng và chuyện họ sẽ nghĩ gì. Anh bấm máy, lắp phim, thay ống kính, chụp thêm một số kiểu và trong khi làm việc, anh thủ thỉ với chị không thôi, rằng chị đáng yêu và anh yêu chị biết chừng nào: - Francesca, em đẹp lạ thường. Thỉnh thoảng, anh dừng lại và chỉ đăm đăm nhìn chị, nhìn xuyên qua chị, nhìn mãi và nhìn thấu con người chị. Đầu vú chị hằn rõ dưới lớp áo phông bằng sợi bông. Chị lấy làm lạ là mình chẳng quan tâm đến chuyện không vận áo lót. Hơn nữa, chị còn vui và dễ chịu, biết anh có thể nhìn thấy rõ ngực chị trong ống kính. Chị chưa bao giờ ăn mặc thế này khi ở gần chồng. Anh Richard không thích thế. Thực ra, trước khi gặp Robert Kincaid, chưa bao giờ chị ăn mặc như thế này. Robert bảo chị hơi ưỡn lưng và anh thì thầm: - Đúng, đúng rồi, cứ thế, giữ nguyên thế nhé. - anh chụp tấm ảnh lúc này chị đang nhìn chăm chú. Ánh sáng tuyệt đẹp, anh đặt tên là "ánh sáng đục" và màn trập kêu lách cách lúc anh xoay tròn quanh chị.
Anh thật uyển chuyển, đấy là ý nghĩ của chị khi ngắm nhìn anh. Ở tuổi năm mươi hai, cơ bắp trên người anh vẫn dẻo dai, các cơ chuyển động với sức mạnh và cường độ chỉ có ở những người làm việc chăm chỉ và biết chăm chút bản thân. Anh kể anh từng là phóng viên ảnh trong chiến tranh ở Đại Tây Dương, và Francesca hình dung anh cùng những người lính thủy trên bãi biển ướt át đầy khói súng, mấy cái máy ảnh đập vào người anh, một cái ở trên mắt, màn trập gần như nóng rẫy vì chụp liên tiếp.
Francesca xem lại bức ảnh lần nữa và chú mục ngắm nghía. Trông mình xinh đấy chứ, bà nghĩ và mỉm cười, tự khen mình một chút. "Trước đó và sau này chẳng bao giờ mình xinh được thế này. Là vì có anh ấy". Bà nhấp một ngụm brandy nữa trong lúc mưa mau hạt ào ào kéo đến sau gió tháng Mười.
Robert Kincaid là một loại pháp sư, anh sống ở những nơi lạ kỳ, nói là đầy nguy hiểm thì đúng hơn. Francesca hầu như vụt nhận ra điều đó trong cái ngày thứ Hai khô và nóng của tháng Tám 1965, khi Kincaid bước ra khỏi cái xe tải nhỏ và đặt chân lên con đường dẫn vào nhà Johnson. Richard và các con đi Hội chợ bang Illinois, họ giới thiệu con bê đực đoạt giải, nó được mọi người chăm sóc hơn cả chăm sóc chị, và Francesca ở nhà một mình cả tuần.
Chị đang ngồi trên đu ở hiên trước, uống trà đá, thì tình cờ thấy những vầng bụi xoáy bay lên từ một chiếc xe tải đang chạy xuống đường hàng quận. Chiếc xe chạy rất chậm, như thể người lái xe đang tìm kiếm thứ gì đó. Nó dừng lại ngay trước đường vào nhà chị và rẽ thẳng đến ngôi nhà. Ôi Chúa ơi, chị nghĩ, ai nhỉ?
Chị đi đất, mặc quần jeans và áo lao động xanh đã bạc, tay áo xắn cao, đuôi áo bỏ ngoài quần. Mái tóc đen dài của chị bới cao, cài chiếc lược đồi mồi cha chị cho khi chị rời quê hương. Chiếc xe leo lên đường và đỗ lại gần cổng có hàng rào thép gai bao quanh ngôi nhà.
Francesca ra khỏi hiên, chậm rãi đi qua bãi cỏ về phía cổng. Robert Kincaid xuống xe, chập chờn như một bóng ma trong cuốn Chuyện minh họa về các Pháp sư chưa được viết ra.
Chiếc áo sơ mi màu nâu kiểu lính tráng đẫm mồ hôi dán sát vào lưng. Dưới nách là những vòng tròn to, thẫm. Ba khuy trên cùng không cài. Chị có thể nhìn thấy những bắp thịt căng lên trên ngực, bên dưới chiếc dây chuyền bạc đơn sơ treo nơi cổ. Đôi dây đeo quần rộng bản màu cam vắt qua vai, thứ mà những người phần lớn thời gian ở các vùng hoang dã thường dùng.
Anh mỉm cười.
- Xin lỗi đã làm phiền chị, chả là tôi đang tìm một cây cầu mái ở phía này mà tìm không ra. Tôi nghĩ hay là tôi bị lạc. - Anh lau trán bằng cái khăn tay to màu xanh lơ và lại mỉm cười.
Mắt anh nhìn thẳng vào chị, và chị thầm giật mình. Cái nhìn, giọng nói, gương mặt, mái tóc ánh bạc, cung cách ung dung khi thân hình anh chuyển động, những cung cách cổ xưa, gây xáo động trong lòng chị, chị như bị hút vào chúng. Giống như tiếng thì thầm bên tai trong khoảnh khắc cuối cùng trước khi con người chìm vào giấc ngủ, khi mọi rào chắn đổ sụp. Giống như cách sắp đặt lại khoảng cách phân tử giữa giống đực và giống cái, bất kể thuộc loài nào.
Chắc là đã nhiều thế hệ trôi qua, và cái kiểu thì thầm như thế chỉ là một nhu cầu riêng, không hơn. Sức thu hút thật vô bờ bến, còn thể hiện lại cực kỳ tao nhã. Các phương cách là bất biến, mục tiêu của chúng thật rõ ràng. Thực ra, các phương pháp vốn đơn giản, có điều chúng ta cứ làm cho nó thành phức tạp. Francesca cảm nhận được điều này mà không biết là chị đang cảm nhận, cảm nhận đến từng tế bào. Và thế là bắt đầu cái sự việc sẽ vĩnh viễn thay đổi cuộc đời chị.
Một chiếc ôtô chạy qua, để lại đằng sau một vệt bụi và tiếng còi. Francesca vẫy tay đáp lại cánh tay nâu rám của Floyd Clark thò ra khỏi chiếc Chevy và quay sang người lạ mặt:
- Anh gần đến nơi rồi đấy. Cây cầu cách đây khoảng hai dặm thôi. - Rồi, sau hai chục năm sống khép kín, theo một nếp sinh hoạt trong đó cách hành xử bị hạn chế và cảm xúc phải che giấu theo đúng phép tắc miền quê, Francesca Johnson sửng sốt thấy mình nói. - Tôi rất sẵn lòng chỉ đường cho anh, nếu anh muốn.
Tại sao chị lại xử sự như thế, chị cũng chẳng hiểu, chẳng bao giờ hiểu. Sau từng ấy năm, một cảm xúc chợt đến, cái cảm xúc giống hệt ở một thiếu nữ, như bong bóng trồi lên mặt nước rồi vỡ tung. Chị không bẽn lẽn nhưng cũng không vồ vập. Điều duy nhất chị biết được là không hiểu sao, chỉ sau vài giây nhìn thấy anh, Robert đã cuốn hút chị.
Rõ ràng là anh hơi ngạc nhiên vì lời đề nghị. Nhưng anh nhanh chóng trấn tĩnh và nghiêm trang nói rằng anh rất cảm kích. Chị chọn đôi ủng chuyên dùng cho việc đồng áng để ở bậc đằng sau và đi đến xe anh, theo anh chỉ, vòng sang phía dành cho khách.
- Cho tôi một phút để dẹp chỗ cho chị cái đã, bừa bộn quá thể, - anh lẩm bẩm gần như nói một mình trong lúc dọn dẹp, có thể nói là anh hơi bối rối, hơi ngượng nữa, vì đồ đạc để ngổn ngang.
Anh xếp lại cái túi vải bạt và các thứ chân máy, phích nước và túi giấy. Đằng sau thùng xe là cái vali Samsonite nâu đã cũ và một hộp đàn ghi-ta, cả hai bám đầy bụi và mòn vẹt, buộc chặt vào một chiếc lốp dự phòng bằng một sợi dây phơi.
Cửa xe đu đưa rồi sập mạnh lúc anh đang ở hàng ghế sau vừa lẩm bẩm vừa chọn và nhét các cốc giấy, vỏ chuối vào một túi giấy màu nâu rồi quẳng tất vào thùng xe. Sau hết, anh chuyển nốt cái thùng đá màu xanh và trắng ra thùng xe. Trên cửa chiếc xe tải xanh có một hàng chữ sơn đỏ bạc màu "Hiệu ảnh Kincaid, Bellingham, Washington".
- Tạm ổn, bây giờ chị có thể len vào đây được rồi. - anh giữ cửa, đứng lại sau chị, rồi đi vòng sang phía ghế lái xe và bước vào sau tay lái với vẻ uyển chuyển khác thường, như một con thú. Anh nhìn chị, rất nhanh và hơi cười cười, anh nói - Đường nào đây, chị?
Rẽ phải, - chị giơ tay chỉ. Anh bật khoá, động cơ lục cục khởi động. Suốt dọc con đường làng dẫn ra đường cái xóc nảy người, đôi chân dài máy móc nhấn ga, ống quần Levi's cũ rủ xuống đôi ủng da nâu hẳn đã qua nhiều dặm trường. -
Anh nhoài người thò tay vào ngăn để đồ vặt, cẳng tay anh vô tình quệt phải bên dưới đùi chị. Vừa nhìn qua kính chắn gió vừa nhìn vào ngăn, anh lấy ra một tấm danh thiếp và đưa cho chị. "Robert Kincaid, nhà văn - nhà nhiếp ảnh". Trên đó in địa chỉ của anh cùng số điện thoại. Tờ National Geographic cử tôi đến đây làm việc, - anh nói - Chị có nghe nói đến tạp chí đó không?
- Có, - Francesca gật đầu, thầm nghĩ, chứ không phải là ai cử đi ư?
- Tạp chí chuẩn bị ra số đặc biệt về các cây cầu có mái và quận Madison, bang Iowa, chắc chắn có nhiều cây cầu thú vị. Tôi tìm được sáu cái, nhưng ít nhất cũng còn một cái nữa và chắc là nó phải ở hướng này.
- Đấy là cầu Roseman, - Francesca nói át tiếng gió, tiếng lốp xe và tiếng động cơ. Tiếng chị nghe lạ lùng, như của một người nào khác, của cô thiếu nữ đang nhoài người ra cửa sổ ở Naples, nhìn những đường phố xa xôi, ngắm những đoàn tàu hoặc nhìn ra bến cảng, thầm mơ đến người yêu phương xa chưa tới. Lúc nói, chị ngắm các bắp thịt trên cánh tay co lại khi sang số của anh.
Hai cái ba lô để cạnh chị. Một cái đóng nắp, nhưng cái kia nắp lật ra và chị nhìn thấy một chiếc máy ảnh mặt trước màu bạc, lưng đen. Nắp một hộp phim đề "Kodachrome II, 25.36 Exposures" buộc vào máy ảnh. Một áo khoác màu nâu nhiều túi nhét sau ba lô. Một sợi dây nhỏ, đầu dây có phích cắm đung đưa ngoài miệng túi.
Bàn chân chị đặt trước hai chân máy. Chúng xây xước nhiều nhưng chị vẫn đọc được một phần nhãn hiệu đã mòn "Gitzo". Lúc anh mở nắp hộp đồ vặt, chị thấy trong đó nhét đầy sổ tay, bản đồ, bút, vỏ hộp phim, tiền lẻ và tút thuốc lá Camel.
- Đến chỗ ngoặt tới rẽ phải - chị nói.
Chị có cớ để liếc nhìn nét mặt trông nghiêng của Robert Kincaid. Da anh rám nắng, mịn màng và bóng mồ hôi. Anh có đôi môi đẹp làm chị chú ý ngay, không hiểu vì sao. Mũi anh giống mũi thổ dân châu Mỹ mà chị thấy trong một kỳ nghỉ, cả nhà sang miền Tây, hồi các con còn bé. Anh không đẹp trai theo kiểu truyền thống. Song cũng không xấu. Xấu là chữ không thể dùng cho anh. Trong anh có một cái gì đó. Một cái gì đó rất cổ điển, một cái gì đó hơi mòn mỏi vì năm tháng, không phải trên diện mạo mà trong cái nhìn.
Tay trái anh đeo một chiếc đồng hồ trông rối rắm, quai da nâu bết mồ hôi. Một vòng bạc cuộn có những đường trang trí khó hiểu trên cổ tay phải. Chị nghĩ, cái vòng này sẽ phải chà kỹ bằng thuốc đánh bóng. Rồi chị tự trách mình vì những chuyện tầm phào của cuộc sống tỉnh lẻ mà suốt bao năm qua chị âm thầm chống lại.
Robert rút bao thuốc lá trong túi sơ mi, rút một điếu mời chị. Chị nhận. Chị thầm ngạc nhiên lần thứ hai, trong vẻn vẹn năm phút. Mình đang làm gì thế này, chị nghĩ? Nhiều năm về trước chị có hút, nhưng vì Richard chỉ trích gay gắt nên chị bỏ thuốc từ lâu. Anh rút điếu nữa đặt vào giữa đôi môi và bấm chiếc bật lửa Zippo bằng vàng, giữ cho chị châm trong lúc mắt anh nhìn đường.
Chị khum bàn tay quanh chiếc bật lửa để che gió và chạm phải bàn tay vững vàng của anh lúc xe nẩy lên vì xóc. Cái động chạm trong giây lát lúc chị châm thuốc đủ dài để chị cảm nhận hơi ấm của bàn tay và những sợi lông tơ trên mu bàn tay anh. Chị ngả người ra sau và anh huơ cái bật lửa về phía điếu thuốc của mình, bàn tay kia thành thạo rời khỏi lái chưa đầy một giây để che gió.
Chị, Francesca Johnson, một bà nhà quê, dựa vào lưng ghế chiếc xe tải bụi bặm, hút thuốc và chỉ đường cho anh:
- Cây cầu kia kìa, gần chỗ đường cong ấy.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro