Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

Chương 20 MỘT NGƯỜI ÔNG TẠ TÀI HOA & QUÁN CÀ PHÊ NGỰ UYỂN LÂU ĐỜI NHẤT ÔNG TẠ

MỘT NGƯỜI ÔNG TẠ TÀI HOA & QUÁN CÀ PHÊ NGỰ UYỂN LÂU ĐỜI NHẤT ÔNG TẠ

Có lẽ nhiều người Ông Tạ quen "nhẵn mặt" và từng uống cà phê ở một quán cà phê trong ngõ Con Mắt (nay là hẻm 766 Cách Mạng Tháng Tám). Đi từ ngoài vào, quán bên tay phải, hai mặt tiền ngõ Con Mắt và hẻm Ông Chủ Đất (Nguyễn Văn Thêm): cà phê Ngự Uyển.

Những quán cà phê nổi tiếng Ông Tạ như Thăng Long, Dakbla, Gió... trên đường Thánh Mẫu (nay là Bành Văn Trân), Hoàng Gia đường Mai Khôi (nay là Chử Đồng Tử), Đỉnh Thiêng trong khu cư xá trên đường Thoại Ngọc Hầu (nay là Phạm Văn Hai)... đã không còn từ lâu. Riêng Ngự Uyển tới giờ vẫn "kiên cường" trụ lại, dù bên ngã tư đường nhưng lại bình yên như tự thuở nào - suốt gần nửa thế kỷ nay. Bình yên như cây nhãn cổ thụ trong sân quán trồng từ hồi mở quán tới giờ...

Giờ ngựa xe qua lại đông hơn nhưng thật kỳ lạ khi bước vào đây lại như một thế giới khác: yên bình, chậm rãi - bất chấp bên ngoài. Rất lạ. Không vắng nhưng cũng không đông, vừa đủ để không chìm trong quá khứ lại không cuốn theo nhịp đời bên ngoài luôn tấp nập. Có vẻ như cảnh quan nhẹ nhõm như - tự - thuở - nào của quán khiến ai qua lại cũng không nỡ ồn ào...

1. Ông chủ mở quán thuở xưa, thập niên 1970 tên Trịnh Quang Tường, sinh năm 1913. Thập niên 1940, ông mở hãng sản xuất xì gà ở Hà Nội, lấy tên Facideo viết tắt từ Fabriquer cigares d'extrême orient (Xưởng/hãng xì gà Viễn Đông). Hồi đó, người Pháp và người ngoại quốc thường hút xì gà nên hãng chỉ làm xì gà bán toàn Đông Dương chứ không sản xuất thuốc lá. Cơ sở của hãng ở Bạch Mai, khá lớn với hàng trăm công nhân. Có Tây đen gác cổng và tài xế người Pháp.

Cao ráo, đẹp trai, sang trọng, lịch sự, lúc nào cũng comlê (complet) veston và luôn nở nụ cười. Kiểu này gái theo phải biết. Thực tế là có ngay một cô ở Hà Nội theo chàng về dinh khi chàng đã có hai bà. Bà đầu tiên là dân Bình Định. Bà thứ hai là người Hồng Kông, sang Hà Nội thăm chị có tiệm thuốc bắc ở đó; thành thân với ông qua bàn tay sắp xếp của bà cả. Từ đó, bà một lòng một dạ với chồng, không về Hồng Kông lần nào, nói tiếng Việt không ai biết là người Hồng Kông. Các con bà ngoài câu "ngộ ái nị" còn lại không biết nửa chữ tiếng Tàu, ăn uống, trửng giỡn chẳng khác con nít Việt.

Cuối những năm chiến tranh Việt - Pháp, có lẽ không tin lắm về chiến thắng của quân đội Pháp, nhiều nhà buôn, dân thường Pháp và nước ngoài rút dần về nước. Hà Nội hầu như toàn lính Pháp. Ông dẹp hãng, vô Sài Gòn mở một trường trung học dạy chương trình Pháp lấy tên là Võ Tánh ở số 52 đường Võ Tánh (hiện là đường Nguyễn Trãi, quận 1). Một cô con gái của ông sanh ở đây (năm 1952) là Mỹ Lan.

Năm 1955, quân đội của nền Đệ nhất Cộng hòa Ngô Đình Diệm đánh nhau với lính Bình Xuyên. Súng nổ trên đường Trần Hưng Đạo, sát bên Nguyễn Trãi. Ông bán nhà này, ôm của cải, tiền bạc ra Đà Nẵng mở hãng nước mắm. 1956 lại dọn ra Nha Trang. Hãng nước mắm vẫn còn ở Đà Nẵng.

Ông thuận tay trái nên tính tình hơi khác người và quả số đào hoa, ba vợ 12 con; cùng sống đầm ấm, chung tay gầy dựng gia đình. Con cái như của chung.

2. Năm 1960, Sài Gòn khá thanh bình, phát triển mạnh sau khi dẹp xong "loạn Bình Xuyên". Ông kéo cả bầu đoàn thê tử trở lại Sài Gòn và chọn Ông Tạ lúc ấy là vùng Bắc 54 phát triển nhất miền Nam. Ngôi nhà đầu tiên ông mua cạnh nhà tôi. Ba bà vợ của ông cũng xắn tay gầy dựng cơ nghiệp với chồng, mở trường dạy may. Trường cạnh nhà tôi tên Trịnh Quang.

Bằng tốt nghiệp may của các bà có ký tên đóng dấu hiệu trưởng và được Nha Tư thục dạy nghề Việt Nam Cộng hòa xác nhận hẳn hoi.

Năm 1961, ông mướn thêm một nhà khác trên đường Lê Văn Duyệt nối dài (sau đổi thành Phạm Hồng Thái, nay là Cách Mạng Tháng Tám) làm trường dạy may tên Phụ Nữ Công Nghệ, dạy Pháp văn lẫn sản xuất bột nhi đồng hiệu Em Bé. Nhà này thuê của ông bà ký (y tá) Liễn ở bên cạnh; đối diện phở Hải Phòng của ông phở Mầm và tiệm bán xe đạp Phúc Tiến của gia đình ca sĩ Vũ Khanh.

Vốn là kỹ nghệ gia, ông biết và làm rất nhiều nghề. Hồi ở Ông Tạ, ông còn làm cả kem đánh răng, phấn xoa nách, quai guốc, áo thun phụ nữ... Khu Ông Tạ lúc ấy đang như con người ta thời mới lớn, phát triển từng ngày, hàng nào cũng bán chạy. Ăn nên làm ra, ông mua thêm một căn gần đầu ngõ Con Mắt (nay là hẻm 766 Cách Mạng Tháng Tám); rồi mua một căn nữa cách phở Hồng Châu một căn, gần đầu hẻm vào nhà thờ Chí Hòa (nay là đường Bành Văn Trân), cách nhà đại tá tư lệnh Sư đoàn 9 Việt Nam Cộng hòa Bùi Dzinh vài bước chân.

Khoảng năm 1967, 1968 ông còn lập Hội Nghiên cứu Văn hóa Dân tộc do ông làm chủ tịch; được chính quyền Thủ tướng Việt Nam Cộng hòa Phan Khắc Sửu ủng hộ.

Ngôi nhà 98/16 Lê Văn Duyệt, ấp Hàng Dầu (nay là 766/16 Cách Mạng Tháng Tám, cà phê Ngự Uyển), ông mua cuối năm 1967. Ngôi nhà này vốn của ông Nho có tiệm cháo gà kế nhà in Thành Đạt. Sau đó ông mua luôn miếng đất sau nhà Ngự Uyển, sau này xây lên nên nhà Ngự Uyển mới rộng như giờ.

Thoạt đầu ở đây cũng dạy may, đến năm 1971, 1972 thì mở cà phê Ngự Uyển. Ngôi nhà cạnh nhà tôi bán cho nhạc sĩ Thông Đạt/Văn Giảng của "Ai về sông Tương", Hoa cài mái tóc".

Có lẽ cũng không ngẫu nhiên ông tài hoa, giỏi giang như vậy, chắc cũng một phần do gien cha ông, Trịnh Quang Thái, quan lớn triều Nguyễn, chức Quang lộc tự khanh - đứng đầu một trong sáu tự trong quan chế Lục tự triều Nguyễn; phụ trách việc cung cấp và nấu rượu lễ, đồ lễ, đồ ăn trong các bữa tế tự, triều hội, yến tiệc cung đình, yến tiệc ân vinh tiến sĩ...

Không chỉ kỹ nghệ, ông còn giỏi về thơ văn; từng viết "Kế hoạch kinh tế hậu chiến" bằng tiếng Pháp, phổ thơ cuốn "Hồn bướm mơ tiên" của Khái Hưng...

Nhà ông không theo đạo Thiên chúa nhưng bạn ông toàn mấy vị linh mục. Cha Nguyễn Xuân Thu, giáo xứ Lộc Hưng rất thân với ông nên các con ông hồi đó học trường Văn Đức, cha Thu bớt cho một nửa học phí. Cha Quy, giáo xứ Hòa Hưng thường đến nhà ông chơi và đàm đạo với ông... Con ông toàn học trường đạo nên anh Trịnh Quang Tiến chẳng hạn, kinh đạo Công giáo nào cũng thuộc... "Hổ phụ sanh hổ tử", nhiều đứa con ông cũng học giỏi. Anh Tiến học Cao học 2 luật, Trịnh Quang Tuấn học Y khoa Sài Gòn. Một cô con gái học ngành ngân hàng, ông kèm luôn con học. Có thời ông làm cố vấn Đông Dương ngân hàng mà. Hồi các con còn nhỏ, ông kèm toán, lên trung học ông kèm Pháp văn.


Ông cũng từng ứng cử Hội đồng nhân dân tỉnh Gia Định cùng lúc với bác sĩ Phan Quang Đán, ký giả Nhữ Văn Úy, luật sư Vũ Minh Trân.... Năm đó, tổng cộng đắc cử 12 người thì ông về thứ 13. Thất cử nhưng ông vẫn tươi cười vui vẻ. Có lẽ ông coi chính trị cũng như cuộc chơi của một con người thích bay nhảy "cho phỉ sức vẫy vùng trong bốn bể" (Chí làm trai - Nguyễn Công Trứ).

Đám con ông lủ khủ kéo đi vận động cho ba, bị bạn bè ghẹo là "năm cắc ba cô". Thời đó xài tiền kim loại, có đồng 50 xu gọi là năm cắc, đúc hình nổi ba cô ba miền Bắc - Trung - Nam. Trẻ con Ông Tạ thì có kiêng nể cái gì.

3. Ông lang bạt kỳ hồ, các con ông dân Ông Tạ xem chừng cũng na ná nết cha: tung tẩy, bay nhảy. Con nhà gia thế nhưng con ông như anh Tiến chẳng hạn, lò mò lên rừng cao su Phú Thọ bắn chim, lội ao hoài. Hồi 1970, khi đã về Ngự Uyển, chàng sinh viên luật Trịnh Quang Tiến còn mò về xóm cũ Đại Lợi của mình (và của tôi) chơi. Một lần chị Huynh tôi "méc" với mẹ tôi: "Thằng Tiến con bác Tường đã sang ngõ Con Mắt rồi còn về đây đánh nhau với Hải "chùa" trong hẻm Vinh Sơn. Thằng Tiến này ngó thư sinh vậy mà lì quá". Hải "chùa" là một tay trùm cộm cán trong hẻm Vinh Sơn. Còn chị tôi, giờ anh Tiến còn khoe: "Chị Huynh thương anh như em ruột, cho anh ăn cả thịt chó". Riêng tôi thì chị Mộc Lan còn nhớ hồi chị Huynh tôi còn bế ngang hông. Chị bảo: "Hồi đó em một, hai tuổi tuổi, mặt mũi cũng đẹp mà tối thì gào khóc ghê lắm" (!).

Tôi biết anh Tiến hồi trước 1975 ở ngõ Con Mắt cũng có lần đụng nhau với một nhóm. Nhóm này kêu cả lính ngồi bên cà phê Mây Chiều đối diện canh. May, có kẻ biết chuyện nói: "Nó em Sơn Đảo". Thế là cả nhóm này chuồn thẳng. Chả trước đó, ông Sơn Đảo vốn nể phục ông Ngự Uyển - cũng "quen thói bốc rời - Trăm nghìn đổ một trận cười như không!" (Kiều) nên gặp ông xin ông nhận làm "nghĩa tử". Thế là từ đó, cả nhóm trai trẻ văn chương thi phú này, trong đó có Đỗ Trung Quân dù thuở ấy rất lễ phép, ngoan và hiền cũng coi như có "số má". Sau này văn vẻ nhưng cũng rất giang hồ chắc là vì vậy (!).

Hồi đầu thập niên 1970, nhà sau này là Ngự Uyển đối diện với cà phê Thanh Hoài của mẹ nhà thơ Đỗ Trung Quân. Ba anh con trai của ông là Tiến, Tuấn, Trung rất thân với Quân; coi như em út. Anh Tiến dạy toán cho thằng bé Quân lúc đó 13, 14 tuổi. Tuấn và Trung thì đàn hát... Trên lầu Ngự Uyển khi ấy có một hàng hiên (terrasse). Cả đám trai trẻ ấy tụ tập nơi này, vừa học vừa đàn hát - vui và thanh bình, lãng mạn. Tôi tin cái không gian vừa rất Sài Gòn vừa rất Ông Tạ này là một ký ức đẹp của nhà thơ Đỗ Trung Quân sau này.

Năm 1972, mẹ anh Quân bán nhà đi nơi khác. Anh Quân tá túc một tháng ở Ngự Uyển để tiếp tục ăn học, rồi sang nhà anh Trịnh Đình Nam cũng ở trong ngõ Con Mắt ở một năm. Anh Nam học Hóa rất giỏi ở Đại học Khoa học Sài Gòn, bạn hai anh Tuấn và Trung; và cũng lãng mạn một cây. Thành ra anh Quân hồi nhỏ toàn chơi với mấy nhà họ Trịnh. Bức tranh của anh Quân vẽ thời đó tới giờ anh Nam vẫn giữ - dù đã ở nước ngoài. (Một ngẫu nhiên thú vị: sau này, vợ anh Nam là chị ruột của bà xã nhạc sĩ Phạm Đăng Khương). Rồi anh Quân lại bay chỗ khác. Giữ chân, ràng buộc một tay giang hồ lang bạt, một kẻ máu me thơ phú quả khó bằng lên giời...

Thì ông chủ Ngự Uyển ngày nào cũng một tay lang bạt, cũng máu me thơ phú nên ông cũng đi khắp nơi. 10 người con của ông kẻ ở Mỹ, người ở Canada. Còn hai người ở lại, trong đó có cô Mộc Lan ở Ngự Uyển giữ hương xưa. 79 tuổi ông định cư bên Mỹ, vậy mà về Việt Nam hoài. Gần 90 tuổi, ông còn khỏe và minh mẫn lắm, đi máy bay một mình về Việt Nam, về Ông Tạ. Ở đó vẫn còn Ngự Uyển, còn Ông Tạ của ông...

Năm 2004, ông rời cõi tạm ở xứ người, 91 tuổi. Quả không uổng một đời thỏa "chí làm trai" Ông Tạ tài hoa: "Vòng trời đất dọc ngang, ngang dọc - Nợ tang bồng vay trả, trả vay...".

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro

Tags: #càphê