NHỮNG CÂU CHUYỆN ÔI THIU (3)
*****
Đối diện với khó khăn
Bài viết này tôi sẽ không đứng trên lập trường của bản thân để viết ra, thay vào đó tôi sẽ truyền đạt lại các góc nhìn mà tôi thấy và biết được từ những người xung quanh. Nội dung tổng thể sẽ không là một mạch liền lạc, hãy cứ coi như lăng kính cuộc đời. Thấy, muốn thấy và có thể thấy, hoàn toàn phụ thuộc vào bản thân bạn mà thôi.
*
15) Hai vợ chồng trẻ, làm công nhân ở khu công nghiệp, có một đứa con trai 9 tuổi.
Thằng bé có một khối u ác tính cần phải phẫu thuật, tổng chi phí là 110 triệu đồng. Hai phụ huynh kia không có đủ tiền, chỉ còn cách cho con nằm viện chữa chạy cầm chừng. Việc đó không khác gì uống rượu độc giải khát, bởi vừa khiến sức khỏe thằng bé dần đi xuống, vừa đốt tiền từ từ.
Rồi họ chạy vạy hết mọi cách có thể, gom góp được tám mươi mấy triệu, đó là giới hạn cuối cùng mà họ có thể chạm vào. Dĩ nhiên, tiền đóng chưa đủ, hóa đơn chưa ký, thì không có con dao mổ nào được cầm lên cả. Không tin thì cứ thử lòi ruột nằm trước cổng bệnh viện đi, không có tiền thì bảo vệ sẽ khiêng liệng qua một bên.
Sức khỏe thằng bé nguy cấp, bác sĩ tư vấn phương pháp giải quyết tạm thời, chắc chắn là cặp cha mẹ kia phải gật đầu, tiền cũng theo đó hụt đi một khoản.
Hơn một tuần sau thằng bé chết, tiền còn được mười mấy triệu, đủ lo đám tang. Tiền người ta đi viếng gom lại được hơn hai chục triệu. Đêm đó người chồng uống rượu, xách dao chạy vào phòng cấp cứu, làm bị thương một người, rồi bị bảo vệ bắt trói giao cho công an.
Tiền đền bù thương tật là 40 triệu, họ không có đủ, chỉ đền được 20. Là án hình sự, tòa phán 6 năm tù giam. Lúc đứa con 49 ngày, cũng là lúc cha nó nhận bản án.
Vấn đề khó khăn cần phải đối diện ở đây là gì? Là người vợ sau khi bị mất việc ở khu công nghiệp, đang làm bóc tách hạt điều ở xưởng gần nhà, mỗi ngày kiếm được 180 ngàn, đến cuối tuần trừ hết các khoản chi phí thì còn cầm trên tay được hơn 700 ngàn. Vậy thì số tiền 700 ngàn đó dùng để làm đám chung thất 49 ngày cho con, hay là để thăm nuôi chồng?
Bên sống bên chết. Thế nào là vấn đề sống chết? Chẳng phải là chuyện phải xài 700 ngàn đó như thế nào hay sao?
*
16) Bạn là cảnh sát giao thông, bạn có đứa con học cấp hai. Một hôm nó đứng trước lớp để đọc bài tập làm văn có đề tài "Em tự hào như thế nào về cha của mình". Đầy những ca từ tốt đẹp.
Đám bạn bên dưới cười nhạo nó, có đứa lấy cục gôm ném vào nó, lúc tan học nó còn bị xô ngã từ phía sau.
Rồi nó về nhà, ôm bạn mà khóc, hỏi : "Cha, tại sao?"
Bạn trả lời đi !
*
17) Năm đó tôi ở phố núi, làm việc trong một xưởng gỗ tự phát giữa rừng, tôi và các công nhân khác làm việc khoảng 12 tiếng một ngày, cứ cách ngày thì lại tăng ca thêm 3 tiếng. Thật sự rất mệt mỏi, toàn là đàn ông, lắm lúc về tới lán trại là nằm gục xuống luôn, không tắm rửa hay ăn uống gì cả.
Đồng tiền chân chính kiếm từ sức lao động chân tay, đừng nói là chua cay hay mặn đắng, nó khiến người ta run bần bật và co giật toàn thân mỗi đêm, với tiếng ngáy khò khè đứt quãng.
Rượu trắng để uống, rượu thuốc để xoa, mùi mồ hôi, mùi quần áo bẩn, mùi nhớt máy pha với mùi cồn, chuột chịu cũng không nổi, vứt cục thịt xuống gầm giường, ba ngày sau vẫn nằm nguyên ở đó. Thật sự không thể nào hiểu hay nhớ được, là bản thân tôi đã vượt qua quãng thời gian đó như thế nào.
Nhưng có một chuyện tôi nhớ rõ.
Đó là có một anh bạn trẻ xin vào làm được gần tháng thì chịu không nổi, sau khi sút gần chục cân thì quyết định xin nghỉ. Khi anh ta rời đi thì có một bác khá lớn tuổi gửi cho anh ta một bọc tiền, là hơn sáu tháng tiền lương của ông ấy. Ông nhờ anh bạn trẻ kia đem đưa cho gia đình ở quê, cũng có đưa kèm theo thư và số điện thoại liên lạc, để gia đình nếu nhận được tiền thì gọi báo.
Có hai vấn đề trong chuyện này.
Một là họ không thân, người quen không phải mà họ hàng thì lại càng không phải. Cũng không có thứ giấy tờ gì để mà làm tin cho nhau. Ông bác kia nghe nói có người muốn ra khỏi rừng thì cầm bọc tiền lăng xăng chạy tới rồi tùy tiện nói vài câu nhờ vả. Bạn đọc mà không tin thì tức là bạn đã nghĩ đúng, bởi chính tôi khi nghe xong chuyện đó cũng khựng lại như bị đóng băng, con nít tặng kẹo cho nhau cũng không tùy tiện đến mức đó. Cục tiền kia mà đem đi nhóm lửa thì còn có chút lợi ích là ấm được đôi chút, chứ mà như thế ... thì bó tay.
Và hai là những năm đó trong rừng không có sóng, số điện thoại kia là của ông chủ bãi gỗ, nhà ông ta ở ngoài thị trấn, một tuần mới đi xe kéo vô một lần để tiếp tế nhu yếu phẩm cho mọi người trong trại. Lúc ông chủ biết đầu đuôi câu chuyện thì lạnh lùng phán một câu : "Nếu tiền mà đến được tay người nhà của ông thì tôi cạo đầu, rồi đè từng thằng trong trại này ra để cạo."
Ông bác kia là người hiền lành, do tuổi cao nên không trực tiếp xẻ gỗ, chỉ vệ sinh máy móc với nấu cơm cho mọi người. Cơ bản ông ấy là mẫu người tốt, chất phác điển hình, thật không biết cơ duyên nào đẩy đưa ông ấy vào nơi rừng thiêng nước độc này. Mọi người không muốn làm ông buồn nên cũng không nói thêm, chỉ là trong lòng ai cũng hiểu rõ, số tiền kia của ông từ nay đừng nghĩ tới thì tốt hơn.
Sự việc kế tiếp diễn ra theo đúng hướng đó, mỗi tuần ông chủ đều vào một lần, mỗi lần ông bác kia đều chạy tới hỏi thăm tin tức để rồi chỉ nhận được cái lắc đầu. Hơn hai tháng trôi qua, đám công nhân chúng tôi thôi không bàn đến chuyện đó nữa, có nhắc đến thì cũng chỉ là châm chọc vài câu. Rừng có luật rừng, tóm gọn trong một câu duy nhất, là không có luật nào cả. Hiểu đơn giản là bất kể có làm chuyện gì, thì chỉ cần còn sống, tức là đã làm đúng. Mà trong chuyện này thì người sai rõ ràng là ông bác kia.
Chỉ là ông bác đó vẫn cứ tin tưởng, tin tưởng, tươi tắn vui vẻ mà tin tưởng. Sự trông ngóng tin tức từ gia đình của ông ta mỗi tuần dần dần khiến chúng tôi cảm thấy khó chịu. Rõ ràng là không liên quan, nhưng cảm giác giống như là đang nhìn một thứ gì đó vô cùng quan trọng mất đi, là thứ mà bản thân vốn đã mất rồi, nhưng việc nhìn quá trình đó diễn ra với người khác, lại là một cảm giác khác, rất khó diễn tả, giống như ăn đường tán mà uống rượu, từ ngọt tới cay, lưỡi đắng lạnh lòng.
Rồi ông bác kia đổ bệnh, trong rừng bị bệnh, nhang còn không có mà thắp, nói gì đến thuốc men. Lại trúng đang mùa mưa, ngày hanh nóng, tối ẩm ướt, mọi thứ cứ lộn tùng phèo. Không ai nói ra nhưng trong lòng chúng tôi đều biết, đó là ông bác kia không xong rồi, chính là đang nằm chờ chết, có người tốt bụng đưa xái á phiện cho nhai, sẽ hơi cào ruột một chút, nhưng giúp giảm đau và dễ ngủ.
Rồi ông chủ tới, tôi nhớ hôm đó là hai lăm tháng chạp, tức chưa đầy tuần nữa là Tết. Hỏi vài câu, biết vài chuyện, rồi ông chủ xách đầu từng thằng tới ngay đối diện chỗ mà ông chú kia đang nằm thoi thóp, chính là cạo đầu tập thể.
Ông chủ nói là đã nhận được điện thoại của gia đình ông chú kia, tiền bạc đầy đủ, gia đình khỏe mạnh, dặn chú mau sớm khỏe để về nhà.
Khoảng gần bốn giờ sáng thì ông chú đó chết, trước đó thì ông ấy như hồi dương, mặt mày tươi tắn, nói chuyện rổn rảng vui vẻ, dặn dò hỏi han chúng tôi đủ điều, như một người cha hiền lành phúc hậu trước lúc lâm chung. Có vài thằng chịu không nổi, quay mặt đi mà khóc, ở đây, máu dễ thấy, nhưng nước mắt thì không phải lúc nào cũng có.
Đời tôi có ba lần cạo đầu, lần đầu lúc thành niên là do bị ép buộc, lần hai là tự nguyện, và lần đó là cam tâm tình nguyện. Vì sao? Vì cái tin tốt lành mà ông chủ đem tới, hay là vì chứng kiến một người lương thiện ra đi thanh thản? Cũng hợp lý ha, với người khác thì kết thúc như vậy cũng đẹp rồi, chính tôi cũng ước là chuyện chỉ nên như vậy.
Người khác thì không biết, nhưng tôi với ông chủ thì biết. Đó là cái thằng kia vừa ra khỏi rừng đã vào thị trấn ăn nhậu, chơi gái và đánh bài. Nó thua sạch tiền rồi âm mưu cướp lại tiền của chủ sòng, bị người ta đánh chết, quấn chiếu vứt xác ở bìa rừng. Vậy đó, đó là chuyện thật sự đã diễn ra.
Vấn đề là gì? Tại sao tôi lại dùng đến bốn chữ "cam tâm tình nguyện", một khái niệm có quá nhiều gánh nặng với bản thân tôi? Vì nể phục ông chủ, hay là vì mấy cái suy nghĩ 'cải lương' khác?
Chỉ có một lý do duy nhất mà thôi. "Nhân tính là nhân tính, nó chẳng liên quan gì đến nhân đạo cả. Nếu ở nơi này vẫn thấy được một chút gọi là tình người, dù mỏng manh le lói, thì ở ngoài kia vẫn sẽ còn có. Điều đó đáng để ta sống, và đáng để đi tìm."
*
Trương Lang Vương.
*
Hai chữ nhân đạo kia nó đập vào tâm hồn tôi, in hằn và cố định ở đó. Mặc kệ có chuyện gì, lắm lúc trong đời không thấy rõ nhưng tôi luôn biết là nó vẫn còn nằm ở đó, vậy là đủ rồi.
*"*"*
18) Nó theo công trình, là công nhân xa xứ, cả năm siêng năng tăng ca tiết kiệm, đến tết thì cầm được cục tiền về. Bữa nhậu thành thị bằng mâm cỗ nông thôn, khoản tiền này với người khác thì không nhiều nhưng với gia đình nó là rất lớn, đủ để lợp lại mái tôn nhà sau cho mưa khỏi dột, đổ xi măng sân trước để mẹ phơi thóc, rồi mua được cái xe máy cà tàng cho đứa em gái đi làm trên thị xã chứ ngày nào cũng đạp xe hai vòng mấy chục cây số thì tội con bé quá.
Nó tính hết rồi, mỗi ngày ăn mì gói cầm hơi trong cái lán trại công trình nó đều tính, là mình vất vả một thì người nhà sẽ đỡ khổ mười, mấy công nhân khác lãnh lương thì ăn nhậu giải mỏi tưng bừng còn nó thì vẫn thắt lưng buộc bụng. Mơ ước của nó là kiếm đủ tiền để mở cái tiệm nho nhỏ ở quê, rồi cưới vợ sinh con, rồi phụng dưỡng cha mẹ, dư nhiều thì cho em gái thêm chút để làm của hồi môn, nó thề là cho dù phải ăn cơm với mắm suốt đời thì cũng phải để cho con cái được đi học cho đàng hoàng, lỡ mà con nó đậu đại học thì sẽ bán sạch sành sanh hết để lo cho con, hai vợ chồng già ra đê ở cũng được. Cái tâm của người quê nó vậy, chấp nhận chịu khổ cả đời, hy sinh đời bố củng cố đời con, sung sướng là thứ luôn giữ lại cho sau này.
Nó xuống bến xe ở thị trấn rồi ngồi ở vỉa hè để chờ tuyến xe đò về xã, gần đó có cái sòng bầu cua, mấy ngày tết nhất này chuyện cờ bạc ở đâu cũng xôm tụ. Gần về tới nhà nên tâm trạng của nó cũng thoải mái, có ghé mắt nhìn vô một chút cho vui, rồi ma xui quỷ khiến thế nào mà nó đặt xuống vài đồng lẻ.
Thắng thắng thua thua, thua rồi lại gỡ, gỡ được lần này thì lần sau lại mất nhiều hơn, nó bị cuốn vào, con mắt chỉ còn hai màu đỏ đen, chơi càng lúc càng lớn, thua càng lúc càng nhiều, tới lúc nó thọc tay lấy ra cục tiền tiết kiệm thì không dừng lại được nữa.
Cờ bạc có ma, câu đó không phải là nhắc nhở, mà là chỉ thẳng mặt để nói cho biết rõ luôn đó, vậy mà vẫn có người dính vào, rồi thân tàn ma dại.
Nó ngồi thất thần ven đường, tay vo vo mấy tờ tiền lẻ cuối cùng còn sót lại, chỗ tiền mà thậm chí còn không đủ để đi cái chuyến xe đường quê đất đỏ cỏ xanh để về đến nhà. Nó ngồi mấy tiếng cho đến khi trời sụp tối mà vẫn chưa hiểu được cái chuyện gì vừa mới xảy ra, cứ lẩm bẩm hoài, tại sao, tại sao, và tại sao?
Rồi nó chợt ngẩng đầu lên, nhìn thấy một người đàn bà tay cầm giỏ xách cổ có đeo cọng dây chuyền...
Bà đó đập đầu xuống đất hôn mê mấy ngày thì chết, vậy nên án của nó là giết người cướp của, phúc thẩm tới lần thứ hai thì vẫn là chung thân.
Mọi thứ bán hết để bồi thường nhưng vẫn không đủ, lúc bán thì người ta chỉ tính đất chứ không tính nhà, cha nó lột tôn cũ đem ra đê dựng thành chòi ở tạm, là tạm bợ nên lúc mưa sẽ dột thật nhiều, ông nhiễm lạnh còn bà thì không dám bệnh. Cha của nó trước khi chết thì vẫn oán trách cái việc chốn phồn hoa đã làm con mình hư hỏng, mẹ nó có cày thuê thêm hai đời nữa thì cũng không trả hết cái nợ kia. Còn em gái của nó thì trong một buổi chiều đã bỏ xứ ra đi bặt vô âm tín, đi cũng tốt, đất lương thiện không có chỗ cho người thân của kẻ giết người, đến chó còn chê chứ đừng nói là có người chịu lấy cho.
Còn nó thì mỗi đêm trong phòng giam ngồi co ro mà lẩm bẩm: "..tại sao, tại sao..?"
*
Trương Lang Vương.
*
Năm ấy khi tôi dạy hướng nghiệp trong trại giam thì gặp rồi biết nó, là chính nó kể cho tôi nghe. Cả đời nó chỉ có duy nhất một lần hôm đó là động tay vào cờ bạc, rồi cũng từ một ngày đó mà tất cả đổi thay. Trong tù nó là đứa biểu hiện tốt nhất, hiền nhất, gặp ai cũng cố thật tốt với người ta, chấp nhận làm trâu làm ngựa cho người ta. Nó chỉ mong là họ sau khi ra tù thì sẽ giúp nó tìm kiếm tung tích của đứa em gái, năm đó con bé chỉ mới có mười mấy tuổi thôi, một tấm hình cũng không có, nói thật thì mò kim đáy bể còn dễ hơn.
Người đông đến như vậy, mỗi cuộc đời là một câu chuyện, cả số và phận đan xen. Ai nếm trải đủ rồi thì sẽ hiểu thấu được một việc, khó nhất quý giá nhất và đáng trân trọng nhất trên đời này, chính là được làm người lương thiện.
*"*"*
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro