❤️Ông Ba❤️
Hôm nay, ngày 01/01/2025 lúc hơn 22h, ông Ba của mình đã từ trần.
Ông Ba là anh của bà ngoại mình, từ nhỏ mình đã không có ông ngoại nên mình xem ông như là ông ngoại của mình. Do ông ngoại mình di dân sang Mỹ nên bà ngoại mình sinh con và nuôi con một mình cùng sự chăm sóc của gia đình. Mẹ mình xem ông Ba như ba của bản thân, ngày mẹ mình kết hôn cũng chính ông đã thay mặt ông ngoại mình, gửi gắm đôi lời đến với ông nội, như một người cha gả con gái.
Ngày mình còn nhỏ, từ cấp 1 đến cấp 2, việc đưa đón đi học đều là do ông Ba đảm nhận. Ông đón mình tan trường buổi trưa, đến ca chiều lại chở mình đi học. Những lúc có lớp học thêm, cũng chính ông là người đưa mình đi. Khi mình đi học bơi, ông cũng đưa đón mình, ngồi đợi mình dưới cái nóng của những buổi trưa hè, mua đồ ăn thức uống cho mình khi mình thủ thỉ.
Ông rất hiền lành, mọi người trong xóm, trong nhà đều quý mến vô cùng. Vẻ ngoài ông như ông địa, cảm giác gần gũi. Ông dạy mình những điều nhỏ bé mà mình vẫn nhớ tới giờ. Chiếc lược có 2 loại răng cưa dày và mỏng, lúc nhỏ mình không biết để làm gì, cứ chải thôi. Ông thấy và nói mình rằng, con chải bằng cái đầu (răng) lớn trước, rồi đầu (răng) nhỏ sau, nó sẽ dễ gỡ tóc ướt ra hơn. Rồi khi ăn trái măng cục, ông là người đã mách mình nhìn đít trái và đếm số cánh hoa bên dưới, có bao nhiêu cánh là bên trong quả có bấy nhiêu múi. Những điều nhỏ bé thôi nhưng mà làm cho vốn sống mình đầy đủ hơn. Những lần ông nắm tay mình, hỏi thăm về căn bệnh dị ứng của mình, khiến mình cảm thấy ấm áp, như được ông ngoại yêu thương.
Chuyện xảy ra một cách bất ngờ, từ chuyến đi chơi về ông đổ bệnh và rồi chuyển vào bệnh viện. Vỡ lẽ ra có quá nhiều vấn đề trong người ông. Do tuổi già sức yếu, chuyện xảy ra là hiển nhiên nhưng cũng quá đột ngột, không một tín hiệu báo trước. Những căn bệnh nhỏ lại kèm theo ung thư khiến ông xuống sắc đi một cách rõ rệt. Từ một người mập mạp, khoẻ mạnh, ông trở về nhà với tay chân gầy yếu, mặt hóp lại đến mức bản thân mình không nhận ra khi gặp lại ông. Lúc đầu ở bệnh viện, bệnh nặng nên người ta chỉ cho 1 người nhà vào đăng ký chăm sóc, còn lại thì có khung giờ thăm bệnh ở dưới sân, không thể có nhiều người vào phòng bệnh. Bản thân mình khi ông nằm viện, mình cũng không thể vào thăm ngày nào. Đổi 1,2 bệnh viện, và rồi ông trở về nhà vì vô phương cứu chữa.
Mình luôn tâm niệm rằng con người ai cũng có số, sinh lão bệnh tử chẳng ai tránh khỏi. Ra đi cũng như một cách giải thoát, sống một cuộc đời mới ở lần đầu thai tiếp theo. Khi gia đình nháo nhào vì sợ ông ra đi bất kì lúc nào, gia đình mình: bà ngoại, mẹ, mình, ba, đều bình tĩnh và hy vọng có thể lạc quan tiễn ông đoạn đường cuối. Nhưng đó là do bản thân mình chưa nhìn thấy ông khi hấp hối trên giường bệnh.
Ngày bệnh viện trả ông về, mẹ gọi mình qua nhà ngoại vì sợ đó là lần cuối được thấy ông. Con cháu trong nhà cũng tập trung lại, ai cũng căng thẳng và xúc động. Chị họ mình đã bật khóc nức nở khi thấy ông đau đớn với nhiều dây cắm khắp người, khó nhọc thở từng cơn. Khi mình vào ngồi bên giường ông, nắm lấy bàn tay gầy guộc tím đen vì kim tiêm, 2,3 dây cắm khắp người, dây cắm nước biển, dây truyền dịch, dây bài tiết... mình đột nhiên đau buồn không nói thành lời, nước mắt cứ tuôn ra, khi nhìn một người hấp hối, giữa lằn ranh sự sống và cái chết mình mới cảm nhận được nỗi đau có thể mất đi người thân bất cứ lúc nào, cuộc đời ngắn ngủi và vô thường.
Bác sĩ dự đoán ông có thể không qua nổi Noel, cả nhà cần chuẩn bị tâm lý ông sẽ ra đi. Mình tham gia kì thi cuối kì với tâm lý stress khủng khiếp, khi lo lắng ông sẽ đi đột ngột, lại không đủ tinh thần và tỉnh táo để có thể ôn thi. Cơ thể mình vì stress mà dị ứng đầy chỗ, đầu thì nhức điên lên và không thể nhớ được điều gì. Mỗi đêm mình đều nằm cầu khẩn ông bà, trời phật mong ông được bình yên, qua được cơn bạo bệnh. Ông đã có thể vượt qua được ngày Noel và kéo dài tới hôm nay.
Những ngày đầu khi về nhà, ông không nói rõ ràng được, cử động cũng khó khăn. Cho tới mấy hôm trước mình thăm ông, ông nói chuyện rõ hơn, mắng mọi người nhiều hơn, đặc biệt là vợ ông và con trai thứ 3 - Cậu Bi. Mình đã nghĩ đó là dấu hiệu của sự khởi sắc nhưng Ngoại mình bảo là ông làm vậy vì ông muốn hai người ghét mình, vì ông biết hai người nặng tình cảm với ông nhất, ông muốn hai người ghét mình để khi ông ra đi, họ sẽ không quá đau khổ. Kể từ ngày nghe Ngoại nói thế, mình từ cầu xin ông có thể sống thêm một thời gian thành cầu xin ông có thể ra đi bình an, nhẹ nhàng và gặp được điều tốt đẹp ở kiếp sau. Rõ ràng, con người không thể thắng lại ý trời, ai tới số rồi cũng phải ra đi.
Mình có thể nhìn rõ được cách mọi người xử lý với nỗi đau chia ly trong khoảng thời gian này. Ông Út - em trai bà ngoại và ông Ba, dù đau khổ nhưng vẫn cố gắng lo toan nhiều thứ. Từ viện phí đến các biện pháp có thể sử dụng, rồi lo đến việc an táng. Dù né tránh đến đâu thì cũng phải đối mặt, đi mua đất, chọn đất, đặt ảnh thờ, soạn đồ đưa đi an táng. Cậu cả mình - con trai ông, mọi người đều đau đớn, có thể mắt đỏ hoen nhưng cậu, mình chưa từng thấy cậu khóc. Bởi vì ông bà luôn nói rằng, khi người ta mất, phải bình thản tiễn đưa, không thể khóc, bởi vì khóc sẽ làm người ra đi lưu luyến, không nỡ rời xa. Cậu thực sự gánh vác trách nhiệm của một người con cả. Còn cậu Bin - con út, khi ông Ba được chẩn đoán không qua khỏi, cậu trầm cảm. Cậu ở lì trong phòng ông, không ăn không uống, không gặp ai, cũng là người mà mình thấy khóc nhiều nhất khi qua thăm ông.
Hôm nay, lúc hơn 21h, gia đình mình được gọi qua nhà ngoại, vì ông Ba có lẽ sắp rời đi. Nhà mình dùng miếng dán để ông có thể rời đi một cách nhẹ nhàng, ngủ một giấc rồi kết thúc một kiếp người. Trước đây mặc dù từng được đề xuất, nhưng mọi người không ai dám làm. Phần vì đau đớn không nỡ, phần vì khi dán vào thì không thể biết chính xác giờ ra đi để mà coi ngày an táng. Nhưng mà đau dài chi bằng đau ngắn, thay vì để ông nằm đó, không thể ăn uống, mỗi lần ăn uống là ói ra, cũng dừng việc truyền dịch truyền nước vì quá đau đớn và cũng chỉ để cầm hơi; dán vào để ông ra đi nhẹ nhàng cũng xem như là điều cuối cùng có thể làm cho ông. Mình đợi bên ngoài, vì nhiều người vào với ông quá sẽ rất ngộp ngạt, gây khó thở cho ông. Ngồi cùng anh họ - cháu ngoại của ông, và em trai mình khá lâu, mẹ mình đi ra bảo mình và em trai về trước vì không chắc khi nào ông đi, sợ sức khoẻ tụi mình không chịu được, đến lúc ông đi rồi lại ngã quỵ. Vậy mà khi tụi mình vừa về tới nhà, mình mới chi thay bộ đồ ra thôi, cậu cả đã nhắn tin vào trong group zalo của đại gia đình rằng: Ba đi rồi cả nhà ơi. Đau đớn biết bao nhiều, là mình không có duyên để nhìn ông lần cuối, để rồi khi vừa mới rời đi, chỉ chừng 10' thôi, ông đã xuôi tay.
Cuộc sống là vô thường. Mới hôm qua mình còn háo hức đón chào năm mới cùng gia đình, thì hôm nay, một thành viên của gia đình đã ra đi. Dù biết là chuyện sớm muộn, biết là sống chết có số; nhưng khi xảy ra rồi mấy ai đủ mạnh mẽ mà chấp nhận. Ông bà luôn nói rằng khi ông đi thì không được khóc, vì khóc ông sẽ không nỡ đi. Mình rất nghe lời, chỉ cần không nghĩ ngợi gì, cứ xem như dòng thông báo là những con chữ bình thường, không khóc. Nhưng tới khi mình viết những dòng này ra, nhớ tới những kỉ niệm thì nước mắt không thể ngăn lại được. Dù sao con người cũng có cảm xúc, cũng không thể nào giữ lý trí hoàn toàn trước những bi thương.
Đây là người thứ 2 trong gia đình mình mà mình chứng kiến sự ra đi. Người đầu tiên là bà cố ngoại, lúc đó mình mới 6 tuổi thôi nên không nhớ rõ khoảng thời gian ấy, chỉ mơ hồ về đám tang. Còn lần này, mình chứng kiến từ lúc ông khoẻ mạnh, tới khi suy yếu và rồi ra đi. Nỗi đau mất mát tất nhiên không đến một lần, nhưng mỗi lần đều khiến mình cảm thấy lo sợ và đau thương vì không biết tiếp theo sẽ là ai? Những người của thế hệ trước, bao gồm cả bà ngoại mình, có thể sống được bao lâu?
Mỗi người thân bên cạnh chúng ta đều quý giá và thời gian thì nghiệt ngã, không ai biết trước được điều gì sẽ ập đến. Mong là mọi người có thể trân trọng những người thân yêu và bên cạnh họ nhiều nhất có thể vì không phải ai cũng có cơ hội báo hiếu, chăm sóc khi ta trưởng thành, thành công.
Mong ông Ba kiếp sau có thể sống bình an, khoẻ mạnh; luôn hạnh phúc và được nhiều người yêu thương như kiếp này đã từng. ❤️
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro