Những Ca Khúc Cổ Điển Không Lời
Tôi nhìn lướt nhanh "thằng con trai" hổ báo từng bước chắc nịch đang đi vào tiền sảnh khu công viên trước sân Câu Lạc Bộ. Người lạ, việc lạ, nhưng nét mặt quen quen, tôi đâm tò mò, quay qua hỏi chị gái đi cùng: "Ai đấy chị?". Chị nghiêng sang tai tôi nói nhỏ: "Lim đấy! cái Lim nổi tiếng trong Câu Lạc Bộ Piano cách đây vài năm đấy!". Tôi sững người.
Có phải Lim, cô gái có mái tóc dài, dịu dàng ngày xưa. Tôi gặp em lần đầu trong ngày giao lưu các thành viên của Câu Lạc Bộ Piano Sinh Viên. Hôm ấy, Lim đang ngồi trong tư thế của một nghệ sĩ điêu luyện mải mê phiêu du bản O Fortunacổ điển độc tấu trên chiếc đàn piano. Tâm hồn em lạc trôi theo mây gió cùng những phím đàn điệu nghệ. Cái đầu nghiêng nghiêng theo nhịp phách như chẳng còn quan tâm đến chuyện gì trên thế giới này. Đến những khúc tấu giai điệu mạnh, vai em gồng lên mạnh mẽ và khẽ run. Đôi mắt trong xanh không nhìn phím đàn, nó tựa như mặt hồ lặng lẽ cuối thu, lặng lẽ và say đắm. Chiếc áo trắng càng làm nổi bật nét nhẹ nhàng vì sự trong sáng và ngây thơ. Tôi đứng lặng nhìn và lắng nghe cho đến khi kết thúc bản nhạc em đang chơi.
- Em chơi hay quá, em học ở đâu vậy?
Em quay người, cái đầu nghiêng nghiêng, khẽ mỉm cười:
- Em tự học thôi. Đam mê mà chị!.
- Ừ, cứ phát huy đi. Em sẽ thành công trên con đường nghệ thuật đấy. Chị là San.
- Còn em là Lim.
Những ngày sau đó, tôi với em giao lưu đàn với nhau. Có lúc, chúng tôi cùng hòa tấu một giai điệu bất chợt, chẳng hạn như Again hay một bản tiếng anh không lời nhẹ nhàng mà cả hai chị em đều thích. Phong cách Yiruma luôn được ưu tiên vì cả hai đều là fan của chàng trai thế hệ 7x xứ Kim Chi này. Hay lúc buồn, bằng cách để cho âm nhạc thay lời muốn nói, tôi hoặc em sẽ chơi một bản Thánh ca cho đối phương nghe. Nhờ đó chúng tôi hiểu và thông cảm cho nhau.Chúng tôi kết thân từ đấy. Thời gian hè không nhiều.Đây cũng là hè cuối cùng trong đời sinh viên của tôi. Kết thúc kỳ nghỉ, tôi quyết định đi theo con đường mà mình đã ấp ủ từ lâu. Lim ở lại và tiếp tục bước trên hành trình ước mơ âm nhạc của em. Hôm nay tôi gặp lại em, khác lạ và xa cách. Quần áo bụi bặm phong cách. Ngày trước là mái tóc đen dài bồng bềnh, nay được thay vào đó là đầu cua theo kiểu thịnh hành của bọn con trai. Những bước đi nghênh ngang và bất cần. Tôi đang cố gắng tìm lại một hình ảnh thân quen trên khuôn mặt hiền dịu của em ngày nào, nhưng đành thất vọng. Đôi mắt em ngây dại và sắc lẹm trên khuôn mặt lạnh lùng đến vô tận. Một dấu chấm hỏi lớn quấn lấy tôi. Tôi tìm đến nhà Lim năm nào. Vẫn cánh cổng có hàng hoa dâm bụt đỏ mà Lim bảo đấy là loài hoa em thích nhất. Vẫn ngôi nhà nhỏ nằm gọn giữa rừng cây ăn quả mà bố mẹ em đã chăm chút từng li từng tí. Vẫn mái hiên xưa, nơi có dãy kệ cao đặt chiếc đàn piano cho em ngồi thỏa sức phiêu du. Chỉ vài năm trôi qua, cảnh vật vẫn vậy nhưng con người khác nhanh quá. Ba mẹ em già sọp hẳn đi, không còn năng động như trước kia nữa. Trên khuôn mặt của ba em hằn lên nỗi xót xa và xa xăm khó tả. Mẹ em tránh gặp tôi, bà đi vào phía trong nhà để mình tôi với ba nói chuyện.
Ngày trước, ba khen em dữ lắm. Cứ điđâu, gặp ai, ba cũng khen con gái rượu của ba giỏi, đàn hay nhất vùng. Sau này ba sẽ cho em đi thi cuộc thi piano quốc tế Frédéric Chopin. Trước kia ba cũng là một người say mê âm nhạc, có thể lấy âm nhạc thay cơm nếu không muốn nói là cuồng si nó như người tình lãng mạn.
Thế nhưng hôm nay tất cả như vỡ mộng. Ba em lầm lũi, đôi mắt hõm sâu vì suy nghĩ. Lúc thấy tôi vào nhà, trong mắt ba đã hiện rõ điều khó nói và muốn tránh né. Tôi cẩn thận để không trở thành kẻ vô duyên làm không khí căng thẳng hơn. Thế nhưng, sau khi nói chuyện được một lúc, dường như tất cả vỡ òa, ba em không thể kìm nén được cảm xúc. Và điều quan trọng hơn, ông cần có người lắng nghe và chia sẻ. Kể từ ngày xảy ra chuyện của em, ba không còn là ba nữa, lầm lì, ít nói và hầu như chẳng nói với ai ngoài những câu cần thiết. Giờ đây, có lẽ, ba muốn nói, muốn bày tỏ và muốn có người hiểu lòng ba. Ba đau khổ, nhưng không biết giãi bày cùng ai. Ba sợ. Sợ đủ thứ: tai tiếng, mất uy tín giữa làng xóm, sợ người ta bịa đặt chuyện hơn cả sự thật, sợ ánh mắt người khác... và có khi, ba sợ chính ánh mắt của con chó nhà hàng xóm nhìn ba mỗi lần ba đi qua. Ánh mắt đó như đang cười nhạo vào mặt ba, chê cười ba hèn yếu và bất lực trước gia đình nhỏ của mình. Và ba thấy mình hèn thật, bất lực thật. Ba cúi gằm.
Tôi im lặng, để cho tất cả những cảm xúc ấy có cơ hội được tuôn trào và chảy thoát. Tấm ván ngăn cách bao lâu nay bị dồn nén nay chợt nhào xuống và vỡ vụn. Ba em đau khổ. Mẹ em đau khổ. Nhưng người đau khổ nhất, có lẽ là em. Với tính cách nghệ sĩ vốn có, Lim không muốn bị gò bó với cuộc sống ở một gia đình chân chất. Em thích ngao du và mạo hiểm, thích khám phá cái mới và tìm kiếm những giai điệu âm vang du dương của cuộc sống mà em đang khao khát như những bản nhạc cổ điển trong tiềm thức. Một ngày nắng hạ, Lim ra đi. Hà Nội là nơi em đã xác định sẽ là mảnh đất khởi nghiệp của mình. Em muốn thể hiện tài năng, sức trẻ và phong cách âm nhạc riêng mà bấy lâu nay em ôm ấp nó như đứa con cưng. Thế nhưng, sau một năm, cũng vào một chiều mùa hạ, khi những giọt nắng đã tắt, bóng dáng em xuất hiện sau hàng dâm bụt nở hoa đỏ trước ngõ. Em trở về, một mình, nhưng không phải một mình. Trong em còn có một sinh linh bé bỏng. Bố mẹ phải một thoáng không thể nhận ra em. Giây phút đầu nhìn thấy em, bố cứ tưởng là cậu con trai nào đó đến tìm con gái mình. Nhưng không, đó là Lim. Từ đầu tóc đến cách ăn mặc, em giống như một tomboy, lạnh lùng và bất cần đời. Nhưng chuyện ấy cũng không làm bố mẹ kinh hoàng bằng chuyện em đang có thai. Bố đứa trẻ không hề có ý thoái thác trách nhiệm, ngược lại, còn rất vui mừng nữa là khác. Cậu ta là con một của một gia đình giàu có ở Hà Nội. Cậu đến với em bằng cả tình yêu chân thành. Nhưng em thì không. Em bảo: "Dân Hà Nội không vội được đâu!". Thế rồi em đi, bỏ mặc cậu ta. Đã mấy lần cậu ấy về tận quê em để xin phép bố mẹ em cho cưới, nhưng chính em lại là người không chịu. Em chặt lưỡi: "Không dại gì đâm đầu vào đàn ông!". Em vô tư với suy nghĩ của mình, vô tư với bố mẹ của mình, và vô tư hơn với cả đứa con sinh ra không có bố.
Lim sinh con. Đứa con gái giống hệt em hồi nhỏ. Bố mẹ em lại một lần nữa phải làm bố mẹ hờ cho con của em. Em chưa từng làm mẹ, sinh con không có người đàn ông bên cạnh. Tất cả trở thành công việc của bố mẹ em. Bố mẹ em vừa là ông bà ngoại, vừa làm bố mẹ của cháu. Nghe thật buồn cười, nhưng cười không nổi. Em lại đi với những show diễn nho nhỏ của mình. Tối về, nhìn con một tí, con khóc thì lại gí bầu vú căng sữa vào miệng con. Nhìn cách em cho bé MiNa bú giống như một thằng đàn ông đang làm việc phụ nữ ấy. Lại buồn cười nhưng cũng lại không thể cười nổi.
- Lâu quá chị nhỉ, chắc cũng hơn vài năm rồi. Chị khỏe không? Mọi thứ vẫn tốt chứ?.
- Ừ, chị vẫn vậy thôi.Em thế nào? –Tôi chợt khựng lại bởi câu hỏi vừa thốt ra khỏi miệng của mình. Nơi cổ họng tôi trào lên một vị chát đắng.
- Dạ, cũng tàm tạm chị ạ.
- Ừ, thế là tốt rồi.
...
3 phút thinh lặng trôi qua.
- Chị!
- Bất chợt em gọi.
- Sao em?
- Chị biết cả rồi phải không?
- Ừ
- Chị ghét em không?
- Sao phải ghét?
-Thì... vì em khác xưa, em không giống mọi người.... - Em ấp úng.
Tôi lại gần cầm tay em. Nhưng lập tức em đẩy tôi ra.
- Chị đừng lại gần em, chị không sợ em sao?
- Sợ ư? Sợ cái gì?
- Người ta sợ em lắm, họ bảo em không phải nam cũng chả phải nữ. Mọi người, ở ngoài thì cười nói vui vẻ nhưng sau lưng lại xa lánh em như con hủi. Chắc chị cũng sẽ vậy thôi - Lim cúi gằm mặt như thể trái đất này nằm gọn dưới đôi chân kia không thể thoát ra khỏi.
- Em nghĩ gì vậy? - Vừa nói, tôi tiến lại gần và ôm chầm lấy em. Mọi rào cản biến mất, bất kể em là nam hay nữ, là đàn ông hay đàn bà, là thiên thần hay là quỷ satan, tôi vẫn sẽ ôm em như lúc này - Chị thương em, Lim ơi!
Lim bậtkhóc. Em khóc cho số phận trớ trêu mà ông trời trao cho em, khóc cho cả số phận bạc bẽo mà em và gia đình đang phải gánh chịu. Thế nhưng, mặt khác, em cũng ý thức được phần lớn trong đó là lỗi của em. Em khóc cho MiNa, chỉ vì một lần trót "thả phanh" mặc kệ đời, để rồi nó phải gắn với cuộc đời em. Và em khóc cho chính người em đang thầm thương nhớ lại chính là một... cô gái như em.
Từ lúc sinh ra em đã không hiểu được mình. Em thấy em khác lạ với tất cả những đứa con gái em gặp. Em không thích phấn son, váy vóc. Em không thích làm dáng, điệu đà. Em không thích đỏ mặt trước mấy thằng con trai hot boy của trường. Em cũng chẳng nhẹ nhàng được như mấy đứa con gái kia. Em chơi cả trai lẫn cả gái. Con gái chơi với em vì em phóng khoáng với bạn bè. Con trai chơi với em vì em vô tư mày tao với chúng. Mười hai năm trên ghế nhà trường, em chẳng biết mùi vị của tình yêu là gì. Em không thấy mình rung động trước ai. Chỉ thỉnh thoảng, em thấy trái tim mình chợt rung nhẹ trước cô bạn thân tự nhiên hôm nay ăn mặc xinh quá, hay có lúc, nhỏ bạn bên cạnh chơi trò gọi chồng vợ với em, tự nhiên em thấy thích thú lạ. Em tự nghĩ, có lẽ vì đang tuổi học sinh nên không có cảm giác yêu đương, chuyện học vẫn là chính. Sau này lớn lên em sẽ tìm cho mình một người đàn ông lý tưởng. Thế nhưng, đợi mãi, đợi mãi, em cũng không thấy động lòng trước bất cứ người đàn ông nào, mặc dù có rất nhiều người tình nguyện trồng cây si trước cổng nhà em. Em đàn giỏi, lại có nét duyên tự nhiên, điều đó là đương nhiên thôi. Thế nhưng, em phát hiện ra một điều trớ trêu rằng càng ngày em càng thích phụ nữ. Ở họ, em thấy có điều gì hấp dẫn em lạ thường. Có những đêm em nằm trằn trọc cả đêm vì nhớ Mai, cô bạn làng bên, hôm trước đi thi ngồi kế em.
Em bắt đầu thấy mình khó hiểu. Em muốn chia sẻ. Nhưng với ai bây giờ. Với bạn bè ư? Chúng nó gọi em là con điên mất. Tệ hơn nữa, có thể chúng sẽ xa lánh và không dám chơi với em nữa. Với ba mẹ ư? Chắc chắn không được. Có bao giờ ai tự dưng đi kể cho ba mẹ chuyện mình thích con gái trong khi mình là con gái chứ. Chắc chắn ba mẹ sẽ lại gạt phăng ra: "Con gái tui hôm nay rảnh quá mà!", hay đại loại như: "mày chỉ việc thích con trai là hết thôi!". Như vậy càng không ổn. Em lên mạng gõ gõ. Suốt hai tiếng đồng hồ em ngồi đọc về chuyên mục giới tính và phát hiện ra mình có xu hướng đồng tính luyến ái. Em hoang mang và sợ hãi. Càng ngày em càng thu mình lại, như thể thế giới của em chỉ nằm gọn trong một chiếc vỏ ốc. Em sợ phải chui ra khỏi đó, sợ phải đối diện với mọi thứ. Em lại càng lao đầu vào cây đàn piano, và chỉ duy nhất nó mới có thể nói chuyện cùng em. Ba mẹ chỉ nghĩ là con gái đang tuổi mới lớn nên chuyện như vậy là bình thường, với lại, thấy em chăm chỉ học đàn lại càng vui hơn. Em sống trong thế giới của em. Ba mẹ của em sống trong thế giới của họ. Gần nhưng không gần. Thế giới của ba mẹ là danh dự, niềm tự hào, và yêu thương trên những ước mơ không thành của mình, để giờ nối lại cho con ước mơ dở dang ấy. Thế giới của em là một bọc kính trong suốt dễ tổn thương và có thể vỡ bất cứ lúc nào.
Lim kể,ngày em gặp tôi, đó đã là một cú sốc cho em. Sau quãng thời gian mệt mỏi chiến đấu với bản thân, em càng ngày càng trở thành diễn viên xuất sắc trong vở kịch của chính mình – làm một đứa con gái ngoan hoàn hảo. Lớp vỏ bề ngoài dịu dàng của em bao bọc lấy một con người mạnh mẽ, đầy cá tính và khí chất như nam nhi. Thế nhưng ẩn sâu trong đó nữa lại là một hình thể mỏng manh, cạn kiệt bởi sự cố gắng khó khăn khi phải chiến đấu một mình. Vỏ ốc nhỏ ngày càng thu mình lại nhỏ hơn, em ở trong thế giới ấy cũng nhỏ theo vỏ ốc của đời mình. Cái mặt nạ ba tầng bảy lớp ấy khiến em che mắt được cả thiên hạ. Em tự hào về khả năng tự vệ của mình. Em vênh váo và đem nó lên tận đỉnh sự miệt thị vốn có. Cái vỏ ốc ấy đơn điệu một mình giữa đáy biển.
Rồi một ngày kia, em gặp tôi, cái sự đơn điệu ấy đã có một sự đồng điệu kỳ tích. Những ngày chúng tôi ở bên nhau, cùng đàn cho nhau nghe những bản nhạc, hòa tấu những giai điệu mà hai chị em cùng thích. Em yêu tôi. Nhưng tôi đâu biết gì. Tôi chỉ nghĩ đơn giản là tình cảm chị em. Sau khi biết tin tôi sẽ ra đi, theo con đường riêng của mình, em chạy trốn. Em nhận ra rằng chẳng đâu an toàn bằng cái vỏ ốc trước kia. Và em trở về với vỏ ốc đơn điệu. Cái cảm giác một đứa bé có được thứ mình muốn trên tay nhưng rồi bị người khác cướp mất khiến nó khó chịu. Nó không chấp nhận điều đó. Nó lao ra, hoặc là giành giật, hoặc lầm lì với cảm xúc bất lực. Và em thừa biết mình chẳng thể giành giật được. Vỏ ốc lại tăng thêm một lớp tự vệ thô cứng và dễ gây thương tích cho người khác.
Những show diễn khiến em quên đi tất cả mọi thứ. Thay vì có thể bộc lộ bằng ngôn ngữ lời nói, em đã chọn những phím đàn để giải tỏa hết những uất nghẹn trong tâm hồn.
Tôi ra về. Những bước chân nặng trĩu. Chiếc lá vàng cuối thu rụng rơi chạm khẽ vào mặt nhưng tôi có cảm giác rát buốt như một mảnh vỡ vừa xé qua, cắt đôi mảnh không gian, lạnh lùng, vô cảm. Tôi nhìn bầu trời xanh, còn góc nhỏ nào nơi khoảng mênh mông ấy có thể dành cho những người như Lim được an nhiên hạnh phúc, được sống đích thực là mình. Tôi khẽ cầu nguyện. Tôi không nhớ mình đã nói gì lúc ấy, chỉ biết rằng tôi đã lặp đi lặp lại tên em rất nhiều trên bờ môi mỏng đượm những điều ước nguyện. Giống như một điệp khúc không vần, không lối, không ấm nóng, không lạnh lẽo, không vô cảm,cũng không nồng nhiệt, nhưng da diết một nỗi trống vắng xa xăm. Tôi mang em vào trong những lời nguyện tha thiết mỗi ngày.
***
Một ngày nắng sớm, tôi nhận được tiếng chuông báo tin nhắn: "Chị à, gia đình em đã chuyển đến một nơi ở mới rồi. Em nghĩ MiNa cần một môi trường tốt để lớn lên và trưởng thành. Em muốn cùng với MiNa bắt đầu lại mọi thứ. Chúa đã nắm tay em nhưng chính em lại rút tay khỏi Người, giờ thì em cần đưa tay cho Người giữ lại. Chẳng bao giờ là muộn cho những cuộc trở về phải không chị. Cám ơn chị!Cám ơn chị! Cám ơn chị!".
Tôi khẽ chạm nút save lại dòng tin nhắn còn nóng hổi. Tôi lại thầm thì, một mình, và giờ thì tôi biết mình đang nói điều gì. Trong đầu tôi chợt hiện đến hình ảnh Bé MiNa với đôi má ửng hồng và nụ cười chúm chím như thiên thần.
Tôi còn nhớ cái nhún vai đầy tinh nghịch kèm lời thổ lộ chân thành của em trước kia, khi tôi hỏi tại sao em thích âm nhạc cổ điển - một loại nghệ thuật kén người nghe: "Em thích thể loại này không chỉ vì nó là một loại nghệ thuật rất đặc biệt, mà còn vì vẻ đẹp của nó xuất phát từ sự thật: sự thật về cảm xúc con người, những chướng ngại vật mà con người phải đối mặt, những ngọn núi mà con người phải vượt qua, sự thật về niềm tin, về tình yêu. Tất cả những điều này đều được thể hiện rõ ràng trong âm nhạc cổ điển, có lẽ bởi vì ngôn ngữ của âm nhạc cổ điển không dùng lời nên không bị bó buộc bởi những thứ mà ngôn từ không thể diễn đạt được. Em yêu âm nhạc cổ điển vì đối với em, sự thật và cái đẹp luôn đi đôi với nhau, một thứ không thể đẹp nếu nó giả".
Lim à, em biết không, cuộc đời em đã là một bản khúc cổ điển đẹp không lời với đủ những âm hưởng trên cõi hồng hoang này và kết thúc bằng một nốt cao thanh thoát, giải phóng tất cả mọi tù túng và ngột ngạt để bay lên cao trong ánh bình minh của một trang sử mới. Và có lẽ, Tác Giả của ca khúc ấy cũng đang mỉm cười...
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro