Như Núi Như Mây
CHƯƠNG 1 - SAN
Mới đặt chân đến đầu ngõ, San đã nghe tiếng đàn vọng lại.
Không rõ là đàn gì, cũng chẳng rõ giai điệu, lời ca. Những thanh âm ngắn và đanh, đứt gãy cứ thế vang lên từng nhịp, từng nhịp một. Mất mấy giây sau, cậu mới vỡ lẽ, à thì ra người ta đang lên dây cho đàn.
- Vô trong ni, con. (1)
- Dạ, thưa thầy.
San thấp thỏm bước theo ông Đình Ngân đi vào cổng, băng qua giàn mướp loe hoe vài chiếc lá con con, tự dưng trong lòng trào lên cảm giác chờ mong khó tả.
- Thưa cha mới về.
Mãi rất lâu, rất lâu sau này, mỗi lần nghĩ tới ngày hôm nay, nghĩ tới khoảnh khắc gặp nhau lần đầu, San đều xúc động.
Giữa khoảnh sân lát gạch tàu cam đỏ, dưới giàn hoa giấy xanh um lác đác vài cánh tím cánh hồng, anh ngồi đó trên một tấm chiếu con, chân xếp bằng, tay ôm một cây đàn thân hình giọt lệ, gương mặt nghiêm trang ngẩng lên nhưng đuôi mắt lại ấm và dịu, dường như còn vương chút ý cười.
__
- Đàn này rõ ràng mang hình quả lê bổ đôi, sao em lại nhìn ra thành hình giọt lệ?
Vân bật cười, vươn tay ra giúp San giữ chặt thớ gỗ ngô đồng mới cắt. San liếc Vân một cái, sau đó ươm ướm thử chiếc cưa:
- Răng anh làm đàn mà lại không có chút lãng mạn chi hết! (1)
Vân lại cười, không nói, chỉ ra hiệu cho San tập trung cắt, chắc tay vào. Nếu khâu ra gỗ mà bị lệch thì đến lúc chắp ghép sẽ sai, âm thanh không chuẩn, có khi phải vứt cả chiếc đàn mà làm lại từ đầu.
- Nói giọt nước còn hợp lý, sao nhất định phải là giọt lệ?
- Giọt lệ buồn, nhưng mà đẹp.
- Có lệ nào lại đẹp được đâu?
- Có chứ, lệ khóc cho những điều xứng đáng.
San không nói nữa, cúi đầu tập trung vào đường cắt. Cưa đi xoèn xoẹt, cưa đi xè xè, bụi gỗ bay lên li ti, thịt gỗ tươi dậy mùi thơm nồng, ấm ngọt. Xưởng đàn lúc này vắng hoe, chỉ còn hai người bọn họ ngồi lại cố ra xong rập cho cây đàn này.
Ông Đình Ngân từng bảo, vào thời hoàng kim của xưởng đàn ấy à, thợ thuyền ra vào tấp nập như chợ họp trên phố, thậm chí còn hơn. Tiếng bào tiếng cưa vang lên từ mờ sáng, mãi đến tối muộn vẫn còn. Mùi gỗ sực nức lan ra khắp ngõ. Thương lái đưa da trăn (2) đến, mỗi lần giao hàng là phải giao cả mấy thùng, chất vào kho cao như núi. Dây cước dây tơ được vuốt sáp ong cũng để thành từng cuộn, nhắm chừng một cuộn tầm năm chục mét, ba mươi cuộn lại vào một thùng, cứ thế mà chất đầy trong kho, tràn ra cả lối đi của thợ. Vào những lúc cao điểm, xưởng đàn chong đèn làm thâu đêm để kịp hàng đi ra Bắc, đi các tỉnh, còn có cả hàng làm theo đơn riêng của trong cung gửi ra. Phổ biến nhất vẫn là đàn tranh, đàn nguyệt, đàn nhị, đàn tam. Đàn tỳ bà thì ban đầu chỉ dùng trong dàn nhạc của cung đình, sau này mới được truyền ra dân gian.
- Vậy nên em thích tỳ bà? Biết chọn thật, thích mỗi "cầm vương".
- Mô có! Em thích tỳ bà vì nguyên nhân khác.
San lúng túng bặm môi, cố gắng cắt cho xong tấm này, mặc kệ Vân chống tay lên cằm nhìn cậu. Đăm đăm.
Ban đầu San cũng bị kiểu nhìn này lừa. Sau này mới biết, Vân giả đò nghiêm trang vậy thôi, chứ đuôi mắt lúc nào cũng cười thấy rõ, vậy mà San bảo anh Diệp, bảo chị Tú, họ đều không tin.
Chiều xuống dần, nắng cũng tắt. Màu đêm nhập nhoạng từ từ lan vào trong gian xưởng. Vân đứng dậy thắp thêm đèn, lại ngẫm nghĩ chút rồi bước vào gian bếp nhỏ phía sau, đun một ấm nước sôi tí nữa pha trà cho San.
San ngẩng đầu nhìn Vân một cái, sau đó lại cúi xuống, tập trung vào súc gỗ đang dần dần thành hình giọt lệ.
Vân không biết, San đâm thích tỳ bà vào đúng cái hôm được ông Đình Ngân dẫn về nhà cùng anh Tú, chị Diệp.
- Nghề làm đàn kỳ thực có đến nửa là nghề làm mộc, tay cưa tay bào. Ngoài ra còn phải có đôi tai cảm âm cho tốt, nghe ra hò xự xang xê cống, nghe ra tiếng thổ tiếng kim, tiếng bổng tiếng trầm. Chúng ta làm ra cây đàn hay, âm chuẩn là một chuyện, nhưng sau cùng cũng là để phục vụ cho ca nương, cho người hát, cho làn nhạc mà họ muốn chơi, cho tâm tình của họ. Cho nên các con không yêu nhạc là không được, không nghe ra cái tình khác nhau của ngũ cung hơi Nam giọng ai và ngũ cung Bắc, ngũ cung oán cũng không xong. (3)
Ông Đình Ngân nhìn ba người thanh niên trước mặt rồi dặn dò, ánh mắt đọng lại trăm năm tâm huyết của nghề, của những tiếng vọng từ ngàn xưa. Anh Tú, chị Diệp xúc động cúi đầu thưa vâng, ấy vậy San lại ngại ngần, hai bàn tay bất giác đan vào nhau băn khoăn, bứt rứt.
Cậu sợ mình làm không được.
Ông Đình Ngân nhìn ra San đang chần chừ, bèn bảo không vội làm lễ nhận thầy, cúng tổ. Khi nào nghĩ xong rồi hẵng bảo thầy.
Nói là nói rứa thôi, chứ tiếng "thầy" đã xưng đã gọi, giờ nuốt ngược lại sao đành?
Non giấc xế chiều cơm nước xong xuôi, Tú và Diệp theo ông Đình Ngân ra xưởng, còn mỗi mình San ngồi khép nép trên chiếc chiếu con trong mảnh sân gạch tàu, lặng lẽ nhìn Vân chỉnh dây, lên dây cho một loạt chiếc đàn hình giọt lệ.
Vân ngó San rồi hỏi:
- Em muốn đi leo núi không?
- Thưa anh nói chi?
San ngớ người, đã thấy Vân bỏ đàn xuống, phủi phủi ống quần đứng dậy.
- Đi nào.
San vẫn còn ngần ngừ chưa đáp, Vân lại cười:
- Trên đỉnh núi là mây đấy.
Chẳng rõ vì câu dụ dỗ trên đỉnh núi có mây hay vì nụ cười vừa hiền vừa ấm của Vân mà San lại bằng lòng. Ừ thì đi leo núi thôi mà, có gì to tát đâu mà sợ?
Chu cha mạ ơi, thế mà leo rồi mới biết, núi không cao nhưng lại dốc, mệt ơi là mệt!
Càng đi, San càng thở hổn hển, không khí hít vào lạnh buốt làm cổ họng, lồng ngực cũng đau. Bên sườn đau nhói. Hai chân cứ run run chực chờ khuỵu xuống. Vân thì cứ ung dung đi phía trước, chầm chậm, chỉ cách chừng hai ba bước chân, vậy mà đưa tay ra chạm không tới cánh tay, vạt áo.
- Nghe thầy bảo lúc trước anh đi bộ đội về bị thương mà, răng... răng mà khỏe rứa?
- Đi bộ đội cho nên mới khỏe.
- Em chẳng tin.
- Thật. Hồi xưa ngày nào cũng phải mang mấy chục ký trên lưng, đi vài chục cây số mới đến điểm tập kết. Bây giờ chỉ đi mình không, có gì đâu mà mệt?
- Anh không mệt nhưng em mệt lắm rồi, không đi nữa mô, về thôi.
- Gắng lên, sắp đến rồi, gần lắm.
Vân bảo San, cứ nhìn xuống dưới chân này, tự nhủ với bản thân là chỉ một bước nữa thôi, rồi lại một bước nữa, một bước nữa, cứ thế mà đi.
Rồi sẽ đến.
Không cần ngẩng mặt lên. Con đường phía trước có anh nhìn cho em rồi.
San ngó Vân một cái, định lườm, vậy mà lại thấy Vân hơi ngẩng đầu, ngân nga ngâm mấy câu thơ.
Bồ đào tửu, dạ quang bôi
Tiếng tỳ bà chẳng giục người lên yên.
Một đàn năm ngón tay tiên,
Một đàn chim mộng, triền miên bay về
Đàn như tỉnh, đàn như mê
Đàn se vời vợi, đàn về đăm đăm
Tri âm đàn gọi tri âm
Đàn ngời ánh ngọc, đàn ngâm giọng vàng. (4)
Đường núi vắng vẻ, chỉ có tiếng bước chân, tiếng thở, và giọng ngâm của Vân vang lên bảng lảng.
San cứ thế cúi đầu đi trong miền âm thanh yên ả đó, ấy vậy mà thật sự leo lên đến đỉnh.
Giây phút nghe Vân nói đến rồi, San hoa cả mắt, chóng cả mặt, ngẩng lên chẳng thấy mây trắng đâu, chỉ thấy bốn bề gió lộng bát ngát, Vân thì mỉm cười nhìn cậu. Đỉnh núi trơ trọi tịch liêu, hôm nay có Vân đứng đó, điểm vào không gian quạnh quẽ một đôi mắt dịu êm, ấm áp. San vừa thở vừa chớp hàng mi, sống mũi lại cay cay.
Chiều hôm đó, Vân cõng San xuống núi. Về đến nhà, San chạy đi tắm rửa, thay quần áo sạch sẽ, xong khẽ khàng đi đến quỳ dưới chân ông Đình Ngân, nghẹn ngào chắp tay, dập đầu:
- Thưa thầy, con học.
- Thầy dạy con với, thầy ơi.
Dường như hôm đó là mùa xuân.
__
Một đêm hè cuối tháng, trời không có trăng, San khẽ khàng nhón chân bước ra hàng hiên, nấp sau cánh cửa gỗ rồi ngồi bệt xuống sàn gạch mát lạnh, hai tay ôm gối mà ngoảnh mặt ra vườn.
Thầy đang ngồi uống rượu trò chuyện với anh Vân, anh Phong ngoài kia. Dù vẫn là những câu chuyện xưa cũ mà lần nào rượu vào ngà say, ông Đình Ngân cũng đem ra nói, thế nhưng lần nào San cũng nghe không biết chán.
- Cụ tổ nghề mình ở tận ngoài Bắc, là người mang họ Đào. Nghe đâu năm xưa cụ hành hương sang phương Bắc rồi học được ngón nghề, đem về truyền lại cho người trong họ, dần dần thành hình một làng làm đàn nức tiếng. Nước ta thích ca thích hát, văn hóa gắn liền với cảnh đẹp thiên nhiên, thành ra tiếng đàn câu hát cũng không thể tách rời cái gốc rễ của dân tộc. Ngày xưa, người của làng làm đàn từng được vua triệu kiến vào, làm đàn cho vua, sau đó vài người không về nữa, ở lại đất này lập nghiệp, trong đó có ông cụ nhà mình.
Gió đêm yên lặng dìu người trên sân bước vào quá khứ. Cảnh hưng thịnh suy vong của thời đại cũng nhập nhòe hiện lên theo giọng kể khàn khàn vấn vít hương rượu ngọt cay. Cây cối trong vườn lòa xòa rũ mình trong gió, ánh đèn lung lay theo những chiếc bóng đổ dài trên nền gạch.
- Bây giờ thời buổi nhiễu nhương loạn lạc, đất nước đói khổ, dân mình lo miếng cơm manh áo còn chưa xong, ai đâu mà lo mua đàn, chơi đàn! Thế nhưng không thể vì vậy mà để mất nghề cha ông truyền lại. Người còn, nghề phải còn!
- Cha, uống hết ly này thôi.
San lén bụm miệng cười sau cánh cửa. Theo như mức độ lè nhè hiện tại của thầy thì thầy vẫn còn phải uống ít nhất ba, bốn ly nữa cơ.
- Cha nhận thằng San, thằng Tú và con Diệp về truyền nghề miễn phí cho, một phần vì thương tụi nó mồ côi cù bơ cù bất, một phần vì nhắm thấy tụi nó lành tính, kiên nhẫn, lại chịu thương chịu khó. Hai đứa con ráng chỉ bảo mấy em, nhà ta không giấu nghề, biết chưa?
Nói đoạn, ông nhặt cây đàn bầu dưới chân lên, lên dây, thử dây qua quýt rồi ngật ngưỡng kéo điệu Phẩm Tuyết xưa lơ xưa lắc.
Song dốc đa tình để mấy ai
Đành sông dải non mòn
Bận lòng thương toan tính lâu dài
Cuộc đời há rằng một hai
Nặng lời dám sai lời, chớ đem lòng lạt phai...
San nghiêng đầu rồi gác lên cánh tay, khẽ ngáp một cái. Sao anh Phong còn chưa nổi cáu, chưa giành uống giành đàn với thầy rồi xua thầy về phòng ngủ vậy kìa?
Phụt.
Một trận gió to bất chợt thổi qua, cây đèn dầu ngoài sân tắt phụt. Đêm cuối tháng không trăng, cả mảnh sân và khu vườn chìm trong bóng tối. Hương nguyệt quế ỷ có bóng đêm che chở, dường như lại càng thơm nồng hơn, đậm hơn.
- Vào nhà lấy thêm đèn đi, con.
San giật mình nhổm dậy, vịn cửa đứng lên rồi trông ra. Không nghe thấy Vân hay Phong thưa dạ, chỉ thấy trong bóng đêm mờ mờ, một dáng người cao gầy đứng dậy rồi chậm rãi tiến vào nhà.
San mò mẫm bước lên một bước, hàng hiên ngắn và hẹp, chỉ hai bước chân nữa là chạm mặt sân.
Người kia nghe động, quay đầu nhìn về phía San, sau đó im lặng cứ thế đứng nhìn.
Ngoài sân, gió vẫn xào xạc thổi. Cây nguyệt quế tỏa hương ngây ngất, ngất ngây.
San đợi vài giây, bỗng dưng hơi hồi hộp.
- Là anh Vân à?
Giọng San thì thào nhỏ xíu xiu, không biết người kia có nghe được hay không.
Hỏi xong rồi, tim lại đập nhanh hơn.
Người trong nhà đã ngủ hết rồi, đèn đóm đã tắt từ lâu, chỉ có ngoài sân còn chút ánh sao thưa thớt, thành ra người đó đang đứng ngược sáng, chỉ thấy bóng, không thấy mặt. San cố nhìn, càng căng mắt ra nhìn lại càng chẳng thấy cái chi.
Người đó nhẹ nhàng bước tới, đứng chắn trước mặt San, chỉ cách tầm ba bước chân, vẫn yên lặng không nói gì.
- Anh Vân... đúng không?
Giọng San run run, hai má thì nóng rực.
Trong bóng đêm dày ngun ngút, người đó chợt vươn tay về phía San, những ngón tay khẽ khàng chạm vào vành tai cậu, mơn man nhè nhẹ.
Đến đây thì San ù té chạy.
Cứ đâm đầu xoay lưng chạy thẳng vào buồng, mặc kệ không gian tối như hũ nút. Loáng thoáng phía sau hình như có tiếng cười nho nhỏ, còn có cả một đôi mắt đăm đăm, êm dịu.
__
Sau này San hỏi Vân, anh biết từ khi nào, Vân bảo là từ đêm hôm ấy. San ngẩn ra chưa hiểu, Vân cười, thì thầm vào tai cậu:
- Trong lòng mong là ai, miệng sẽ gọi ra tên người đó.
Trong một tích tắc mông lung, trong bóng đêm đồng lõa, trái tim sẽ nói lên điều mà lý trí ngại ngần, từ chối không tin.
--------------------------------------------------
CHƯƠNG 2 - VÂN
Vân dắt xe đạp ra rồi nhìn về phía trước.
Chiều nay xong việc ở xưởng, San chạy vội ra ngoài kéo Diệp, kéo Tú về cùng, chẳng chịu để anh đèo về như mọi khi. Người thì trông thấp bé, vậy mà chạy nhanh thế không biết, lại còn mưu mô giả vờ bảo anh kiểm tra kỹ lại cây đàn nguyệt, xong rồi nhân cơ hội mà ù chạy mất.
Vân bật cười, đợi cho ba người kia đi trước một quãng xa rồi mới thong thả leo lên xe, thong thả đạp.
Con đường làng nói lớn không lớn, nói nhỏ không nhỏ, ba người kia đi hàng ngang đã hết cả chỗ, thế nhưng anh không hề có ý định vượt qua.
- Anh Vân về trước đi.
Diệp quay lại trông thấy Vân đã đạp xe đến gần, bèn kéo San và Tú tránh sang một bên nhường đường. Thấy vậy, Vân lắc đầu cười, chân đạp chậm lại hẳn:
- Hôm nay tôi không vội, cô Diệp và hai em cứ đi thong thả.
Diệp thấy là lạ, thế nhưng cũng chẳng biết phải làm gì, đành tiếp tục mà đi, tiếp tục mà chắn đường như thế. San thì cả buổi cứ cứng đờ cả lưng và cổ, làm như chỉ có thể nhìn thẳng, xoay lưng hay nghiêng mặt cũng chẳng làm được không bằng.
Vân mặc kệ, cứ thong thả đạp xe phía sau, miệng còn huýt sáo đến là vui vẻ.
- San, San có thấy hôm ni anh Vân dường như rất vui không?
- Em không biết mô!
- Răng lại rứa, anh Tú cũng thấy thế phải không?
- Ừ, rõ mà. Chẳng biết chuyện chi mà vui thế.
Vân nghe được loáng thoáng, chỉ tủm tỉm cười.
Đến ngã ba rẽ về nhà, Diệp vẫy tay với San rồi bảo:
- Chị xuống chợ mua chút đồ, em về trước đi.
Anh Tú nghe vậy cũng sực nhớ ra mình phải mua vài quyển sách, thế là chẳng mấy chốc chỉ còn mỗi San ngơ ngác đứng giữa ngã ba đường.
Reng reng reng.
Phía sau có tiếng chuông xe đạp reo lên lảnh lót.
- Lên đây anh đèo về, sắp mưa rồi!
San hậm hực đi một nước, chẳng thèm ngó đến.
Thế là Vân lại đành đạp xe theo sau, lòng vu vơ nghĩ có nên huýt sáo nữa hay không.
- Anh đừng có mà huýt sáo nữa!
- Thế em lên đây anh đèo.
- Không!
- Em giận gì thế?
Đến đây thì San cứng họng, không biết đáp trả thế nào. Lúc Vân xoa đầu cậu, cậu không giận. Lúc Vân dùng ngón tay trỏ khẽ vuốt má cậu, cậu cũng không giận. Lúc Vân nhanh như chớp làm bộ "vô tình" xoay mặt, bờ môi "vô tình" quẹt vào trán cậu, cậu lại càng không giận.
Nhưng chiều qua về nhà đi ngang phòng khách, thấy bà Loan ngồi bàn với ông Đình Ngân việc mai mối cô Song Thu làng bên cho Vân, San lại giận. Nghe đâu cô Song Thu vừa đẹp vừa hiền, nấu cơm têm trầu đều cực kỳ khéo, gia đình cũng thuộc hàng có nề nếp, dạy con nghiêm khắc chỉn chu.
Bà Loan bảo, thằng Vân mấy năm nay mãi dùng dằng chưa lấy vợ, thôi thì cứ cho nó đi gặp người ta thử, biết đâu lại thích.
Thích.
Thích ư?
San cúi đầu, tần ngần nhìn vạt áo.
Ô hay, giận cái chi thế nhỉ?
Lộp độp, lộp độp, từng hạt mưa bắt đầu rơi xuống rồi vỡ nát trên mặt đường.
San ngẩn ra nhìn một hồi, sau đó bừng tỉnh. Cậu quay phắt lại sau lưng, vẫn thấy Vân kiên nhẫn ngồi trên xe đạp mà chờ, áo sơ mi màu trắng xám đã loang lổ vết mưa lớn nhỏ, liên xiên.
- Về mau về mau, anh ướt hết mất!
San thét lên rồi lao đến, nhảy vọt lên yên sau xe. Vân chỉ chờ có thế, vừa vòng tay ra sau chụp lấy tay San vòng quanh hông mình, vừa khom lưng cúi người, ra sức đạp thật nhanh. Bánh xe quay tít, hất nước bắn lên tung tóe.
- Anh đạp chậm thôi, ngã xe khỏi lấy vợ bây chừ!
Vân bật cười, lại càng đạp nhanh, nghiêng bên này ngả bên nọ, xiêu xiêu vẹo vẹo như người say.
- Không lấy!
- Răng lại không?
- Có thương người ta đâu mà lấy làm chi?
San nghe xong im thin thít, còn Vân thì lại mong chờ một câu hỏi vậy anh thương ai hè? (1)
Mưa nặng dần, phố xá vắng đìu hiu, chỉ thấy chiếc xe đạp chở hai người con trai lao đi chao đảo trong làn nước, không ai nhìn thấy mặt ai, thế nhưng ai cũng biết người kia đang cười.
Chiều về đến nhà, San chạy ù vào gian dưới, mau mau tắm rửa thay đồ. Vân thì đi thẳng vào trong bếp, quả nhiên hôm nay mạ nấu chè hạt sen nhỡn lồng. Bà Loan kỹ tính, nấu chè ni thì sen phải là sen trong hồ Tịnh Tâm, nhỡn lồng phải là nhỡn lồng trong Đại Nội.
Vân còn để đồ ướt trên người đã nhón tay lấy bát, múc ngay một chén to.
- Con đi tắm thay quần áo đã, rồi hẵng ăn! Mà thường ngày có thích ăn ngọt đâu, sao hôm nay lại múc chén to như ri?
Vân cười cười nhìn bà Loan, đưa một muỗng lên nếm thử:
- Em Phong thích cô Song Thu từ lâu rồi, mạ không biết ư?
Bà Loan sững người nhìn Vân, còn Vân thì ung dung bưng chén chè đi mất.
Lát sau San tắm rửa xong bước ra, đã thấy trên cái bàn con cạnh giường mình có chén chè sen nhỡn lồng trong trẻo, thanh thanh ngọt ngọt.
__
Đám cưới Phong diễn ra kịp lúc tiết trời chuyển sang thu. Nghe bảo Phong một hai đòi như thế. Rước cô Song Thu về nhà vào ngày thu trong vắt, ánh nắng dịu dàng, gió mơn man khe khẽ, vậy mới được. Có lẽ như ông trời cũng chiều theo lòng cậu, hôm làm lễ gia tiên nhập trạch, không có mưa ngâu lướt thướt, chỉ có trời xanh nắng vàng.
Đám cưới đúng theo tinh thần "trọng lễ nghi, khinh tài vật" của miền cố đô, có đầy đủ sáu lễ, chỉ có phần vật chất thì đơn giản nhẹ nhàng. Ông Đình Ngân đứng giữa, trang trọng dâng hương lên bàn thờ tổ tiên, khói hương mờ mờ bay thoang thoảng. Cậu Phong và cô Song Thu cùng mặc áo dài gấm, chắp tay cúi đầu đứng sau, kính cẩn nghe lời khấn. Lúc ông Đình Ngân đọc văn tế, đọc lời cảm ơn Nguyệt Lão xe duyên cho đôi trẻ, Vân chợt ngẩng mặt, dõi mắt tìm San giữa đám đông.
San đứng chếch bên đối diện, vừa hay cũng bắt được cái nhìn của anh.
Hương khói vẫn thoang thoảng bay trong lời nguyện cầu trăm năm hạnh phúc. Giữa những cái cúi đầu kính cẩn im nghe, ánh mắt của Vân kiên định xoáy vào đau đáu tâm can. Trái tim cũng vì đó mà nhói đau theo, run lên từng đợt, oằn mình vẫy vùng dưới tầng tầng chôn giấu.
__
Cuối năm đó, đơn hàng giảm nhiều. Đàn làm ra chẳng ai mua, ông Đình Ngân đâm buồn bực, thi thoảng lại còn cáu gắt. Bà Loan và cô Song Thu nấu đủ thứ món ông thường ngày thích ăn, khi thì cá thệ kho tiêu ớt, khi thì thịt ba chỉ mắm tôm chua, khi thì canh cá kình nấu thơm vườn, vậy mà ông cũng chẳng ăn vào mấy.
Trong mâm cơm chiều nay, Vân buông đũa rồi bảo:
- Con nghĩ nhà ta nghiên cứu lại, cải tiến cách làm đàn xem sao. Bây giờ xã hội chuyển biến, văn hóa tây phương du nhập nhiều, cha không thích làm đàn ghi-ta, đàn măng-đô-lin cũng được, giữ cái nghề làm đàn dân tộc, con cho rằng cũng hay. Nhưng mà đàn ta cũng phải cải tiến để sánh được với đàn tây, để còn hội nhập. Tỉ như cây tỳ bà, nếu cứ giữ "tứ phím ngũ cung" thì không chuẩn nốt, không chơi được thất cung của nhạc quốc tế, giới trẻ giờ họ không ưng. Đàn tranh cũng rứa. Đàn tranh miền Nam ngắn hơn đàn tranh miền Bắc nên cỡ nhạn (5) và cỡ dây khác nhau, âm sắc khác nhau. Trước giờ người nghệ sỹ chỉ quen chơi cây đàn của mình. Cha nghĩ thử xem, nếu chúng ta chuẩn hóa được đàn tranh, nghĩa là người nghệ sỹ có thể chơi trên bất kỳ cây đàn nào, việc giao lưu hội nhập với quốc tế sẽ thuận tiện hơn nhiều.
Phong cũng gật gù nói thêm vào:
- Anh Vân nói đúng. Với lại chuyện cắt gỗ, ra gỗ ra phôi cũng vậy. Bây giờ máy làm nhanh và chuẩn hơn người làm. Cha cứ khư khư đòi làm thủ công toàn bộ, vừa lâu, vừa cho ra năng suất thấp, sai lệch nhiều. Người mua đàn họ cũng đâu có quan tâm cha làm tay ba tháng hay làm máy ba mươi ngày. Đàn chơi hay, không tuột nốt tuột dây, không long nhạn là họ chịu rồi!
Ông Đình Ngân nghe không nổi nữa, tức giận đập bàn mà quát lên:
- Tổ cha hai thằng mi! Nuôi cho lớn, cho ăn học nên người, để rồi bây giờ đòi bỏ cách làm nghề cha ông để lại mà đi học theo tây! Thằng Vân, mi là con cả mà còn bày đầu cho thằng Phong đua đòi theo? Hả?
Bát cơm bị ném xuống đất, vỡ tan tành.
- Hai thằng mi đi làm đàn tây, làm nhạc tây thì cút, cút ra ngoài mà làm! Tau không chứa!
Giọng ông to sang sảng, quát ở nhà trên mà tít nhà dưới chỗ mấy người học trò trọ lại cũng còn nghe.
Anh Tú tặc lưỡi, quay qua nhìn San rồi bảo:
- Chưa bao giờ anh thấy thầy giận như ri!
San không đáp, bồn chồn khẽ hé cửa nhìn lên nhà trên. Mâm cơm chỉ còn bà Loan và Vân ngồi lại, bà Loan thở dài, còn Vân chỉ ngồi lặng im. Cơm canh rơi vãi tung tóe dưới sàn, ngọn đèn chao nghiêng trong cơn gió lớn.
__
Ngày hôm sau, San rủ Vân nghỉ làm một hôm để đi chơi. Đi gần không chịu, phải ra tít Hiếu Lăng (6) ở ngoại thành, tận núi Cẩm Kê cơ. Ấy vậy mà đến Hiếu Lăng rồi, đứng trước Đại Hồng Môn, San lại tần ngần chẳng dám bước vào.
Vân cũng chẳng hề ngạc nhiên, chỉ khẽ kéo tay dắt cậu đi dạo vòng quanh, dưới chân La thành rêu phủ.
Hai người thả bộ chầm chậm, cỏ non mềm mại dưới chân.
- Anh đừng buồn, vài hôm nữa là thầy hết giận.
- Không có buồn.
- Vậy... anh cũng đừng lo. Việc xưởng đàn sẽ đâu vào đấy thôi.
Thấy Vân cúi đầu không đáp, San bèn nói thêm:
- Có khi mình làm thử đàn chơi tân nhạc đi. Nói nhạc tây, thất cung này nọ thầy không ưng bụng, nhưng có khi tân nhạc thì thầy lại xuôi. Hôm trước anh Tú bảo em, có cô ni đặt một cây đàn tranh và tỳ bà, muốn chơi theo lối miền nam, còn phải chơi được tân nhạc.
Vân quay sang nhìn San, mắt cười dịu êm như cũ. San ngơ ngẩn nhìn, lát sau chợt thốt lên:
- Để em mày mò làm thử một cây.
Vân nghe xong chợt dừng bước, kéo San nép vào dưới một gốc mù u cổ thụ, tán xòe rộng kín một góc đường. Lưng San bị áp vào thân cây xù xì, ram ráp. Vân chống tay lên thân cây, cúi mặt nhìn San:
- Em học làm đàn, làm được đến đoạn lắp ráp rồi phải không? Em có biết khâu ráp đàn chỉ truyền cho người nhà, thợ thuyền cũng không được biết hay không?
Vân lại giả đò làm mặt nghiêm, nhưng San nhìn đuôi mắt là biết tỏng.
- Thầy đã nói nhà ta không giấu nghề kia mà.
- "Nhà ta" cơ đấy!
San cắn môi, đỏ mặt liếc sang một bên không thèm ngó. Vân cười, không trêu nữa, khẽ khàng tiến lại rồi cúi xuống. San giật mình ngẩng phắt lên, ánh mắt chợt chạm phải bức tường đá Hiếu Lăng cao vun vút.
- Không sao đâu.
Vân thì thầm, xoay lưng ra che chắn cho cậu. Nửa gương mặt của San được bờ vai Vân che khuất, chỉ còn lộ ra đôi mắt thảng thốt mơ hồ.
- Cứ để họ nhìn đi.
Con đường dưới chân La thành vắng hoe không một bóng người, nắng chiếu vàng rực rỡ. Nghìn năm thành quách đền đài, trăm năm mộ bia lăng tẩm im lìm nhìn xuống gốc mù u cổ thụ tỏa bóng râm, tranh sáng tranh tối mà chở che cho hai con người nhỏ xíu kia.
Chở che cho một nụ hôn dịu dàng như giông bão.
--------------------------------------------------
CHƯƠNG 3 - PHONG
Phong lờ mờ đoán ra chuyện của Vân từ cái hôm San và Song Thu thử đàn ngoài sân.
Mấy tháng nay San nghiên cứu rồi mày mò làm thử một cây tỳ bà theo kiểu mới, âm vực rộng hơn, nhiều nốt hơn, chơi được tân nhạc. Trước giờ người thợ làm đàn theo lối cổ truyền chẳng có ai học nhạc, biết đọc nốt kiểu thất cung mà chỉ dựa vào đôi tai cảm âm và kinh nghiệm mà làm, duy chỉ có San là tìm tòi rồi tự học. Nhìn San cặm cụi chong đèn đọc sách, ghi ghi chép chép nốt nhạc vào quyển vở, rồi lại tỉ mẩn chọn gỗ, chọn dây cho đàn, Phong đã nghĩ, ông Đình Ngân nhìn người quả chẳng hề sai.
Trong ba người học trò ông nhận, San nhỏ tuổi nhất, nhưng lại mang trong lòng chữ Tâm và chữ Nhẫn lớn nhất của nghề.
Làm đàn bằng Nhẫn, đánh đàn bằng Tâm.
Đó là bài học vỡ lòng mà ông luôn tâm tâm niệm niệm.
Hôm đàn làm gần xong, chỉ còn mỗi công đoạn khảm trai trang trí, San đã rất vui. Cậu đem đàn từ xưởng về nhà, cơm nước xong xuôi là trải chiếc chiếu con ra sân, rủ Song Thu cùng thử đàn với mình.
Hôm đó Phong và Vân ngồi trong hiên nhà nhìn ra, nhìn cả tối, nghe cả đêm.
Trăng non đầu tháng vẽ thành một vành môi cười duyên trên nền trời xanh sẫm. Hương nguyệt quế thơm lừng. Trên mảnh sân nho nhỏ, San và Song Thu tập gảy khúc Hòn Vọng Phu.
Ban đầu, họ gảy theo kiểu độc tấu, lát sau San nói, cô Thu hát vài câu đi.
Thế rồi Song Thu hát.
Qua thiên san kìa ai tiễn rượu vừa tàn
Vui ca xang rồi đi tiễn binh ngoài ngàn
Người đi ngoài vạn lý quan san
Người đứng chờ trong bóng cô đơn.
Bên Man Khê còn tung gió bụi mịt mùng
Bên Tiêu Tương còn thương tiếc nơi nghìn trùng
Người không rời khỏi kiếp gian nan
Người biến thành tượng đá ôm con.
Phong nhớ rất rõ, mình ngồi mải mê ngó ra sân ngắm vợ, thi thoảng còn cười. Nhìn sang bên cạnh, thấy anh Vân cũng ngó ra sân mê mải, thi thoảng cũng cười y chang như rứa.
Phong hoảng hốt, nhìn kỹ lại, ánh mắt của anh Vân từ đầu chí cuối chỉ hướng về San.
__
Kể từ hôm đó, Phong hay để ý chuyện của hai người bọn họ.
Nhà trên chỗ gia đình ông Đình Ngân ở thì nấu cơm riêng, không ăn chung với nhà dưới chỗ mấy người học trò ở. Dĩ nhiên San, anh Tú và Diệp thì ăn đơn giản hơn nhiều. Thế là cách vài hôm Phong lại thấy, nhà trên có món gì ngon, Vân lại lấy một ít đem về phòng. Đến tối không ai để ý, Vân lặng lẽ đem vào phòng San. Mấy hôm trời mưa bão, anh Tú còn chưa kịp làm, Vân đã đi xem cùng khắp, rồi che chắn hết mấy vết thủng trên tường, trên mái của gian nhà dưới. Chăn màn cũng đem thêm sang cho cả ba người, nhưng mà cái chăn của San là dày nhất.
Hôm nọ ở xưởng đàn, Phong đi ngang qua chỗ Vân và San đang làm, chợt nghe tiếng thì thầm to nhỏ.
- Kiếp sau, anh muốn làm chi?
- Làm một ngọn núi thôi. Làm người khổ lắm.
Không biết Vân nói thật hay nói trêu, mà chẳng nghe San nói thêm gì nữa. Phong giả đò đi rót nước, lượn qua lượn lại, sau đó len lén ngó sang. San dấm dẳng lanh ca lanh canh, đá thúng đụng nia một hồi rồi hí hoáy ghi chép gì đấy vào trang vở, xé roẹt một cái, vo thành viên giấy to đùng, xị mặt ném qua cho Vân.
Vân bắt được, cười cười mở ra đọc. Lát sau lại cười cười, ngẩng lên nhìn San, nói được.
Phong tò mò mất mấy tuần liền, mãi tận đến lúc giáp năm.
Mấy ngày trước Tết là mấy ngày cúng kiếng không ngơi ngớt. Nào là cúng ông Táo, cúng tổ nghề, nào là cúng lên nêu, cúng Thành hành khiển. Đến đêm giao thừa khi mâm cơm đã xong xuôi đâu vào đấy, lễ bái tinh tươm hoàn chỉnh, chỉ còn đợi nhang tàn, hai anh em ngồi cạnh nhau ở hàng hiên, Phong thở hắt ra rồi bảo:
- Làm người mệt thật anh ạ! Xem con Mun mạ nuôi kìa, cả ngày chỉ ăn với ngủ, béo tròn lông mượt, có sướng không kia chứ?
Vân cười:
- Nhưng hy vọng kiếp sau anh vẫn được làm người thôi. Lỡ hứa với người ta rồi.
Phong nghẹn lời, chẳng biết nói gì thêm nữa trước đôi mắt sóng sánh của anh trai mình. Khi yêu với khi say, có ai mà giấu được mô!
Tối đó, Phong nằm trong chăn ôm vợ rồi thủ thỉ:
- Mình mau mau sinh thằng cu đi, Thu à.
Song Thu khẽ nghiêng mặt, thở nhẹ một hơi:
- Con cái là chuyện trời cho.
Phong rầu rầu không nói, dĩ nhiên Phong biết chứ.
Nhưng anh Vân là con trưởng. Cha mạ sẽ không đồng ý cho anh và San đâu. Anh Vân phải lấy vợ, sinh con, thậm chí còn phải có con trai nối nghiệp làm đàn.
Kiếp này chiêm bao đứt đoạn, bởi vậy mới hẹn kiếp sau chăng? Phong cũng không biết nữa, chỉ âm thầm cảm thấy tiếng pháo mừng năm mới sao chẳng nghe ra hân hoan trong đó.
__
Ngày ông Đình Ngân biết chuyện, Vân và Phong đi giao hàng ở làng bên, mãi chiều mới về đến xưởng. Vừa về đến cổng, anh Tú đã hốt hoảng chạy ra bảo hai cậu về nhà gấp, ban nãy cô Song Thu chạy đến đây tìm nhưng không gặp. Vân và Phong nghe xong, chẳng kịp nghĩ đã vội chạy về.
Về đến nhà, đập vào mắt là cảnh San quỳ gối giữa sân, tay chân đều bị trói. Bà thầy đang cầm ngọn roi dâu ra sức quật lên người cậu, vừa quật vừa quát đi ra mau, đi ra. Tiếng roi chan chát vụt vào da thịt đỏ au bật máu lẫn với tiếng khóc xót xa của bà Loan, tạo thành một mớ âm thanh hỗn tạp, khó hiểu.
- Ráng chịu một chút con ơi! Thầy bảo trục được vong nữ này ra là con hết bệnh!
San bặm môi quỳ dưới trận roi, không kêu một tiếng. Ông Đình Ngân ngồi trong nhà, ngoảnh mặt vào trong không nhìn ra cảnh tượng ngoài sân, hai vai run run, nắm tay cũng siết.
Phong nhớ rõ, đó là lần đầu tiên cậu thấy anh mình giận dữ.
Vân lao đến chộp lấy ngọn roi dâu ném mạnh đi, đạp đổ bàn cúng, sau đó không nói không rằng bế thốc San chạy vào nhà dưới. Phong hét lên gọi Song Thu mang nước ấm, băng gạc và thuốc đỏ đến, còn mình cũng chạy theo anh. Vào đến phòng, cậu thấy Vân nhẹ nhàng cởi trói cho San, sau đó ôm San vào lòng, đầu gục xuống mà khóc nghẹn.
- Vong nữ đi chưa?
Lát sau, Vân nghẹn ngào hỏi.
San bật cười, xót xa ôm lại Vân rồi thều thào đáp:
- Sợ quá đi mất rồi.
Mấy vết roi trên người San để lại từng lằn từng lằn đỏ rực, vậy mà cũng không đỏ bằng đôi mắt Vân ngày hôm đó.
- Vong nữ đi rồi mà em chưa hết bệnh, anh ơi.
__
Vân cõng San đi ngay trong chiều.
San bị sốt nên uống thuốc xong là ngủ say, Vân lẳng lặng dọn đồ cho cậu. Áo quần dăm ba bộ, vài quyển sách, vài đồng bạc lẻ, cứ vậy mà đi, mặc cho bà Loan khóc hết nước mắt. Xe đạp cũng để lại, Vân chỉ cõng San trên lưng mình, y hệt ngày đầu tiên gặp nhau, anh đã cõng cậu xuống núi.
- Để cho nó đi! Thứ dòng bất hiếu! Từ giờ cho tới lúc chết, tôi không nhìn mặt nó!
Ai cũng nghĩ ông Đình Ngân giận vì chuyện của Vân và San, thế nhưng Phong biết rõ, cha mình vì thẹn.
Lúc Vân lao vào nhà tìm ông Đình Ngân, Phong cũng chạy vào theo, sợ anh mình nóng giận quá. Không ngờ, Vân chẳng nói gì, chỉ đứng đó nhìn ông, nhìn mãi, tận cho đến khi ông chịu quay lại nhìn người con cả của mình.
Một ánh mắt của Vân vậy mà đánh nát lòng tự tôn của ông. Thẳm sâu trong lòng, ông cũng biết chuyện mời thầy trục vong theo ý bà Loan là không ổn, thế nhưng ông còn biết cách nào nữa đâu? Ông đành nhắm mắt làm lơ, ngầm đồng ý.
Dường như đã quá giới hạn chịu đựng của mình, ông gầm lên một câu chửi tục. Phong thấy cha vươn tay túm lấy cây đàn tỳ bà mà dạo trước San làm theo kiểu mới. Đàn được Vân cưng lắm, ngày nào cũng đem ra lau, còn treo trên tường phòng khách. Ông Đình Ngân vung đàn lên rồi đập mạnh xuống nền gạch. Thùng đàn vỡ ra, cần đàn gãy, dây cũng đứt.
- Tụi bây làm nhục gia phong, làm chuyện tầm bậy tầm bạ, bệnh hoạn như vậy, lỡ lây cho thằng Phong thì sao?
- Kìa cha!
Phong thét lên, thế nhưng không kịp. Vân đã xoay lưng đi, chẳng hề ngoái lại nhìn.
Tối đó, Phong thấy bà Loan ngồi ngắm nghía sợi dây chuyền vàng mặt Phật trên tay, vừa nhìn vừa khóc. Sợi dây này bà để dành cho dâu cả, vợ của Vân. Dâu thứ là Song Thu thì có nhẫn ngọc, dâu cả thì có dây chuyền vàng.
Đêm đã khuya mà chẳng ai ngủ được. Phong lẳng lặng gom lại hết những mảnh vỡ của cây tỳ bà San làm, để vào trong một chiếc rương. Sau đó cậu ngồi thừ ra, mãi đến khi Song Thu bước vào.
- Thu à, anh Vân và San không bệnh.
Thu nhẹ nhàng ôm lưng Phong, áp má lên vai chồng.
- Ừ, anh Vân và San không bệnh.
__
Vân đưa San sang huyện bên, thuê một căn nhà nhỏ xíu nằm sâu trong ngõ. Hai người nhận làm những việc lặt vặt như sửa đàn, dạy đàn, dạy chữ cho trẻ, có khi dăm ba việc đồng áng, làm vườn, họ cũng làm. Phong nhiều lần tìm đến, có khi đi cùng với cả Song Thu, khẩn khoản gọi anh về.
- Anh về đi, đừng giận cha nữa.
Vân lắc đầu:
- Anh không giận cha, nhưng chẳng về được đâu.
Hôm ấy người bị gọi đến trục vong là San, chẳng mấy chốc câu chuyện đã lan ra khắp làng khắp xóm. Ông Đình Ngân và bà Loan cũng phải tránh mặt chòm xóm láng giềng, chẳng khi nào bước ra khỏi cửa.
- Lúc bị đánh, có mỗi mình San chịu. Đúng ra người phải quỳ dưới trận roi dâu đó là anh, em à.
Phong thở dài, tần ngần nhìn quanh căn nhà vách lá gió lùa thông thốc.
- Nhưng còn chuyện ở xưởng... Trước giờ phần lớn việc làm đàn, cha đều giao cho anh cáng đáng. Hay anh và San dọn về xưởng đi, từ từ biết đâu cha lại nguôi ngoai.
- Em làm được hết cả rồi, tay nghề của em cũng cứng, đừng lo.
- Nhưng mà...
Vân cười:
- Hôm nay hai em ở lại đây ăn cơm nhé.
Dưới bếp đã dậy lên mùi cơm chín. Bữa ni có cá lúi mới bắt ngoài đồng và đĩa dưa môn cắt trong vườn rồi muối chua.
Trên mâm loe hoe hai con cá, cả bốn người đều nhường nhau qua lại, rốt cuộc đĩa dưa môn lại hết trước tiên. Phong cay cay mắt nhìn bàn tay đen xỉn đi của San, nén tiếng thở dài.
Bàn tay từng vuốt dây tơ, nhấn phím đàn, ôm tỳ bà, dưới đêm trăng ngoài sân tấu lên khúc nhạc nao nao.
Trong lòng Phong hiểu rõ, cậu chỉ đang cố chấp. Ông Đình Ngân sẽ không bao giờ cho Vân bước vào xưởng đàn, và Vân cũng biết thế. Anh và San sẽ càng không ra ngoài tự mở một xưởng đàn thứ hai. Chưa nói đến việc thời nay người mua đàn thưa thớt, việc mở xưởng cạnh tranh với xưởng nhà là việc anh Vân và San sẽ chẳng bao giờ làm.
__
Cái năm ông Đình Ngân đổ bệnh, Vân và San đã chuyển nhà đến lần thứ tư. Cứ ở vài tháng, lời đồn và thị phi lại bắt đầu tìm đến. Những ánh mắt dị nghị mỗi lúc một nhiều hơn. Vân chẳng hề chi, nhưng anh thương San lúc nào cũng là tâm điểm trong câu chuyện. Càng ngày, họ càng chuyển đi xa dần.
Lúc hai người nhận được thư của Phong rồi vội vã đi tàu về, ông Đình Ngân đã yếu lắm rồi.
- Mạ, cho anh Vân và San vào nhìn mặt cha lần cuối đi!
Thấy Vân và San đứng ngoài cổng nhìn vào trong, Phong sốt ruột lay chân mẹ, vậy mà bà Loan chỉ cúi đầu bưng mặt khóc.
Cả đời xuất giá tòng phu, những gì chồng đã dặn, bà chẳng thể cãi lời.
Phong tức đến đỏ cả hai mắt, đứng dậy chạy ra mở cổng rồi bảo:
- Anh và San vào mau, cha đồng ý gặp rồi.
Vân lẳng lặng nhìn Phong, sau đó cười buồn rồi vỗ vai em:
- Em đừng làm trái ý cha, làm khó mạ. Vào lấy cho anh cây đàn bầu mà cha thích là được rồi.
Ngay tối hôm đó, ông Đình Ngân đi. Mấy ngày đám ma, người ta thấy Vân và San quỳ ngoài ngõ, đồ tang cũng không có, chỉ mặc chiếc áo trắng cũ sờn gọi là. Đến lúc di quan, quan tài chầm chậm được khiêng ra ngoài, Phong đi trước ôm bát nhang, bà Loan ôm di ảnh, Song Thu, Tú và Diệp đi sát phía sau. Đi ngang chỗ Vân và San đang quỳ, Phong ra hiệu đạo tỳ (7) cho quan tài dừng lại.
San quỳ mọp không dám ngẩng lên nhìn, hai bờ vai run run trong tiếng nấc. Vân thì ngồi xếp bằng bên vệ đường, xoay lưng ra ngoài, ngoảnh mặt vào trong, hai tay bắt đầu chỉnh dây cây độc huyền cầm.
Lát sau, tiếng đàn bầu vang lên nỉ non, thống thiết. Đám rước chầm chậm bước đi trong điệu ngâm đưa tiễn bi thương:
Này hỡi tha nhân, ôi tha nhân
Một chén bi hoan được mấy phần?
Đàn xưa đứt đoạn, người ly biệt
Nhà cũ tan tành, cảnh vấn vương
Nghe trong tiếng gió, trong tiếng gió
Hiếu nghĩa không tròn, trách chẳng thương
Đường xa rừng thẳm mình ta biết
Thôi kính tha nhân khúc đoạn trường. (8)
__
Sau đám tang, Vân lại dẫn San đi. Ông Đình Ngân dù sao cũng là người có tiếng, khách đến viếng rồi đưa tang rất đông. Cảnh tượng Vân và San quỳ ngoài ngõ, ai ai cũng thấy.
Lần này, Vân đưa San đi hẳn vào Nam, thỉnh thoảng mới gửi thư về.
Bức thư cuối cùng mà Phong nhận được đến vào một ngày mưa bão.
Đêm hôm trước, Phong nằm chiêm bao, thấy Vân và San về thăm. Nhà đông vui lắm. Bà Loan còn mở két lấy ra sợi dây chuyền vàng mặt Phật, nhẹ nhàng đeo vào cổ cho San. San còn sửa lại cây tỳ bà vỡ nát kia, chắp nối lại cho nguyên vẹn. Trong chiêm bao, ai cũng cười.
"Em ở nhà gắng chăm sóc mạ, chăm sóc vợ con. Anh và San ở trong này ổn lắm. Ở đây họ rất chuộng đờn ca tài tử, rất nhiều người yêu đàn, quý đàn. Mấy người đồng đội ở đây rất thích nghe anh đánh đàn cho San hát.
Lâm trường mênh mông, bát ngát lắm em à. Trên đây gió lớn, cảm tưởng như tiếng đàn vang đi rất xa, rất xa. Nhiều lần anh tự hỏi, không biết nó có vượt qua núi đồi rừng thẳm, về đến nhà, để cha mạ nghe được hay không?
Em gắng chăm sóc mạ.
Anh và San đi qua bao con đường, đi dọc chiều dài đất nước, chỉ mong được lần nữa về làm con của mạ mà thôi."
Kể từ sau lần đó, chiều nào bà Loan cũng ra ngõ đứng trông. Hễ nghe loáng thoáng có xe từ trong Nam ra, hay từ Tây Nguyên về, bà đều cuống cuồng chạy ra tìm. Trên đường đê rực nắng, bóng mạ ngả nghiêng:
- Vân ơi, San ơi, có phải các con về không? Các chú ơi, có thấy hai đứa con của tôi về hay không?
--------------------------------------------------
CHƯƠNG 4 - CHIẾN THẮNG
Kính coong, kính coong.
- Mau mau, tụi nhỏ về tới!
Ông Thắng hô lên gọi vợ, sau đó lật đật chạy ra cửa. Bên ngoài đã nghe tiếng nói tiếng cười. Hai ông bà nhìn nhau một cái, hít vào một hơi, gương mặt nở sẵn "nụ cười năm sao" tươi roi rói, sau đó mới đưa tay mở cửa nhà.
- Ba, mẹ!
Ông Thắng mặc kệ thằng con, lập tức chuyển ánh nhìn sang đứa nhỏ đứng kế bên.
- Đây là Nhật, bạn... thân của con.
Ông Thắng và vợ cùng hiểu ý nhau, gật gù gật gù.
- Dạ con chào hai bác!
- Ừ, vô nhà đi con.
Hai ông bà dắt tụi nhỏ vào mà cứ cười tủm tỉm. Tối ba mươi Tết mà đưa mỗi một người bạn về ăn cơm tất niên với gia đình, "bạn thân" ghê cơ!
Trên nhà bỗng có tiếng bước chân chạy huỳnh huỵch, chạy rầm rầm. Lát sau, con gái ông từ trên nhảy xổ ra, chồm tới ngay trước mặt thằng anh nó và cậu con trai tên Nhật.
- Anh dâu!
- Mày im!
Con trai ông trợn mắt quát lên, còn cậu trai tên Nhật cũng điếng cả người.
Ông Thắng và vợ lập tức nháy nhau, sau đó giả vờ nghễnh ngãng không nghe thấy, không biết gì, mặt tỉnh bơ lùa sấp nhỏ vào nhà, chuẩn bị ăn cơm.
Phía sau có tiếng thở phào nhẹ nhõm, chỉ có mỗi con gái ông là cái miệng vẫn oang oang:
- Hai anh một người tên Minh, một người tên Nhật, ghép lại sáng lòa luôn á trời!
- Ừ, chói chưa?
- Chói, chói quá!
Ông Thắng nãy giờ tai vẫn vểnh ra sau nên dĩ nhiên nghe thấy, bèn cố nhịn cười, sau đó quay ra gọi:
- Mây, vào giúp mẹ dọn cơm lên đi.
Lát sau trên bàn ăn, thấy hai ông bà cứ gắp thức ăn cho Nhật, miếng nào ngon nhất là bỏ vào chén Nhật, ngay cả con cưng là Mây cũng bị ngó lơ, Minh không nhịn được nữa, thế là hỏi luôn:
- Ba mẹ biết từ khi nào thế?
Nhật khựng lại, theo phản xạ ngẩng lên nhìn trộm ông bà một cái rồi chột dạ cúi đầu. Lo thằng nhỏ sợ, ông Thắng nói ngay:
- Biết lâu rồi. Mày nghĩ mày giấu được ai?
Vợ ông cũng chêm vô:
- Mấy lần mẹ thấy con gọi video mà tủm ta tủm tỉm là mẹ biết rồi.
Ông Thắng vỗ vai Nhật rồi cười, gần như là dỗ dành:
- Ăn đi con, đừng lo gì hết.
Nhìn hai đứa nhỏ gương mặt sáng bừng ngồi ăn cơm, ông Thắng chợt thấy khóe mắt cay cay.
Như hiểu được lòng ông nghĩ gì, vợ ông khẽ đá chân ông một cái dưới bàn rồi gợi chuyện:
- Năm nay khoa mình được nhiều sinh viên không con?
Nhật vui vẻ gật đầu:
- Dạ nhiều bác. Mấy năm nay có nhiều bạn trẻ chú ý đến nhạc cụ dân tộc lắm. Bên đại học F còn đưa môn âm nhạc cổ truyền vào chương trình học nữa đó bác.
- Ba mẹ anh biết mà. Năm nay tiệm đàn bán ầm ầm, ba mẹ anh ăn nên làm ra lắm đó!
Minh vừa múc canh vừa nói chen vào. Ông Thắng nhìn thằng con mình rồi nhăn mặt:
- Sao mày thô thế con?
Vợ ông cũng hoang mang hỏi Nhật:
- Sao mà con ưng nó vậy?
Nhật cười lên khanh khách, còn Minh thì vỗ ngực tự hào:
- Nhật là thủ khoa đầu ra năm ngoái đó, cũng đẹp trai nhất khoa đó, nhưng rồi cũng chỉ có con trai ba mẹ mới cưa được mà thôi!
- Rồi làm sao cưa được?
- Phải có đầu óc. Con chỉ cần nói một câu chưa tới mười chữ là cưa đổ.
- Câu gì?
- "Anh đẹp trai, anh nhiều tiền, anh sợ vợ."
Mây nghe xong cười bò ra bàn, còn Nhật thì cũng gật gù xác nhận:
- Đúng rồi đó ạ, nghe xong là con chốt đơn liền luôn!
__
Sau bữa cơm, ông Thắng tìm cớ sai Minh và Mây đi gọt trái cây, chuẩn bị bánh mứt chờ đón Giao thừa, còn ông thì vẫy Nhật ra rồi ôn tồn bảo:
- Con đi theo bác.
Ông Thắng dẫn Nhật lên nhà trên, bước lên lầu, hướng đến một căn phòng cửa gỗ. Vừa đi, ông vừa nói:
- Nhà bác có nghiệp làm đàn. Khi biết con cũng là người yêu nhạc dân tộc, hai bác rất mừng.
Nhật nghe xong thì cười, sau đó nghĩ một chút rồi nhẹ nhàng thưa:
- Dạ, thú thật với bác, con cũng vì biết nhà anh Minh là hiệu đàn Đình Ngân nên mới để ý ảnh.
- Ồ, vậy sao?
- Dạ. Mấy thầy cô trong khoa con không ai là không biết hiệu đàn nhà mình và hai bác. Năm nào hai bác cũng quyên tặng đàn tốt cho trường, cho những sinh viên nghèo không có khả năng mua nhạc cụ. Loại đàn cải tiến của tiệm mình làm ra, trục vững, nhạn không bị trôi, chơi những bài rung nhấn nhiều đều không phải lo, thậm chí còn có thể trình diễn trong dàn nhạc lớn. Con hâm mộ đàn của nhà mình lắm luôn. Sau đó con gặp anh Minh trong trường, con mới để ý ảnh. Nếu ảnh không cưa con, con... suýt chút là cưa ảnh trước rồi.
Ông Thắng cười xòa, sau đó đưa tay mở cửa phòng. Cánh cửa vừa hé ra, Nhật đã kinh ngạc đến mức suýt chút nữa là kêu lên phấn khích.
Bên trong như một viện bảo tàng nho nhỏ.
Hàng chục cây đàn và nhạc cụ khác nhau được bày biện khắp nơi, cái gắn trên tường, cái thì trưng trên kệ. Ngoài ra còn cơ man nào là tài liệu, sách quý về dân nhạc, về lịch sử làm nghề. Thế nhưng vật được trưng bày trang trọng nhất trong chiếc tủ kính đặt giữa phòng nơi có một ngọn đèn vàng ấm áp rọi vào, lại là một vật vô cùng đặc biệt.
Đó là một cây tỳ bà đã vỡ.
Nhật bỗng dưng nín thở, khẽ khàng bước đến để nhìn cho kỹ.
Đàn tuy vỡ nhưng được giữ gìn vô cùng cẩn thận. Các mảnh gỗ được xếp ngay ngắn, khít vào nhau, gần như có thể nhìn ra được cây đàn hoàn chỉnh. Dây tơ có vẻ như đã được thay mới, sau đó mắc vào ngựa đàn bên dưới.
Ông Thắng bước lại đứng cạnh Nhật, cũng đưa mắt ngắm cây đàn trong tủ. Giọng ông bồi hồi, đầy hoài niệm:
- Đây là cây tỳ bà làm theo lối mới đầu tiên của hiệu đàn Đình Ngân, mở ra cách cải tiến đàn mà các con thấy như bây giờ đó.
Nhật nhìn cây đàn cổ trước mặt mà vô cùng xúc động. Đàn vẹn nguyên không nói, đàn đã vỡ lại khác, đàn đã vỡ mà được giữ gìn rồi ghép lại, thì còn khác hơn.
Có biết bao nỗi niềm ẩn chứa, làm sao đong đếm cho vừa?
- Con có thể hỏi ai làm ra cây đàn này không bác?
Ông Thắng nhìn cây tỳ bà im lìm trước mặt, mãi một lúc sau mới đáp:
- Là ba của bác làm ra.
- Ồ, thì ra là ông nội của anh Minh.
Ông Thắng nghe vậy thì lắc đầu cười:
- Không phải ông nội của thằng Minh.
Thấy Nhật ngơ ngác không hiểu, ông lại cười, ánh mắt hơi đỏ.
- "Trong tâm mỗi người đều có một cung đàn. Khi gặp người tri kỉ, nó sẽ tấu lên khúc nhạc mà chỉ người đó mới có thể nghe." Lúc thằng Minh cưa cẩm con, nó có nói với con câu này không?
- Ơ... dạ có! Câu này là bác dạy cho ảnh hả?
Ông Thắng nhìn cây tỳ bà, ánh mắt lại như đang nhìn về quá khứ. Ông chưa trả lời Nhật ngay, chỉ lẳng lặng đi đến một chiếc tủ trong góc phòng, lôi ra một quyển album thật dày, sau đó vẫy tay kêu Nhật đến ngồi bên cạnh.
Ông cẩn thận giở từng trang, từng trang, cho đến khi đến trang cuối cùng.
- Đây là người làm ra cây tỳ bà cổ kia. Còn đây là người nói ra câu ban nãy. Bên cạnh là ông nội của thằng Minh, cha của bác. Đây là bà nội thằng Minh. Cụ bà đang ngồi ở giữa là bà cố.
Nhật nhìn vào bức ảnh đã ố vàng, nước ảnh ngả màu tai tái. Người đứng cạnh ông nội Minh có vẻ là...
- Là anh trai của ông nội thằng Minh. Năm bác mười tuổi, cha gửi bác vào Nam. Bác được ông nuôi từ lúc đó đến khi trưởng thành, cho nên bác gọi là ba.
Nhìn vào bức ảnh, ông chỉ tay vào người thanh niên đứng cạnh ba mình:
- Đây là cũng là ba của bác.
Phải mất vài giây sau, Nhật mới hiểu. Cậu ngỡ ngàng ngẩng lên nhìn ông Thắng, sau đó lại cúi xuống nhìn bức ảnh. Trong ảnh, bà cố một tay nắm lấy tay bà nội của Minh, tay còn lại nắm lấy tay của người thanh niên nọ, trên cổ người đó có đeo một sợi dây chuyền vàng mặt Phật.
- Thời đại bây giờ đã khác rồi.
Không rõ câu nói này dành cho ai, chỉ biết giọng ông Thắng hơi lạc đi, mà mắt của Nhật cũng hoe hoe đỏ.
__
Xuyên qua trăm năm, người ngoài ảnh khẽ khàng chớp mắt, yên lặng ngắm người trong ảnh. Không thấy bể dâu chìm nổi, không thấy tiếc nuối khôn cùng. Không thấy những biến thiên của thời đại, những thăng trầm của đời người. Chỉ thấy những cái nắm tay, những nụ cười đọng lại trong một khoảnh khắc đoàn viên như nguyện.
--
Hoàn.
28/07/2023
--------------------------------------------------
Chú thích:
(1): Phương ngữ Huế thông dụng: Ni - này; Răng - sao; Mô - đâu; Chi - gì; Rứa - vậy; Bây chừ - bây giờ; Hè - hả; Ri - đây/đấy; Mạ - mẹ; Mi - mày; Tau - tao.
(2): Da trăn thường được dùng để bọc đàn, trang trí cho đàn.
(3): Thất cung là hệ thống bảy nốt - do re mi fa sol la si do. Ngũ cung của nhạc Việt là hệ thống năm nốt - hò xự xang xê cống. Ngũ cung hơi nam giọng ai là các nốt: do re(non) fa(rung) sol la(non). So với ngũ cung bắc và ngũ cung oán, hệ thống ngũ cung ở vùng Huế đã khác hẳn: cung re bị lơ lớ, cung fa không ở một vị trí nhất định, cung la bị non đi. Theo Đặc Khảo Về Dân Nhạc Ở Việt Nam, tác giả Phạm Duy.
(4): Trích Tỳ Bà Truyện của Nguyễn Bính.
(5): Nhạn là bộ phận hình tam giác của đàn tranh, dùng để căng dây đàn và điều chỉnh âm thanh, cao độ của đàn.
(6): Hiếu Lăng là tên gọi khác của Lăng Minh Mạng. Đây là chữ hiếu trong hiếu thảo.
(7): Đạo tỳ là người khiêng quan tài.
(8): Bài thơ này tên Tha Nhân, do mình tự làm.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro