Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

Như Mưa Ngọt Ngào

Như Mưa Ngọt Ngào

Tác Giả: Từ Kế Tường

Buổi sáng, tôi bóc một tờ lịch theo thói quen. Tờ giấy mỏng in những giòng chữ và những con số đánh dấu cho một khoảng thời gian ngắn ngủi bị rơi ra nằm gọn trong lòng bàn tay tôi.

Như vậy là gần hết tháng tám. Gần hết một tuần lễ này để sang tuần lễ của một tháng mới. Hình như tôi có một lời hẹn trên tờ lịch, có những điều để nhớ mong và để nghĩ ngợi trên những dòng chữ và những con số đó. Đồng thời, tôi cũng mơ hồ thấy được rằng, tờ lịch được tôi bóc ra khỏi tập giấy dày, như là chiếc lá rơi, mang theo những điều phải lỗi hẹn. Tôi vu vơ vo tròn tờ giấy mỏng manh đó trong lòng bàn tay và ném qua khỏi cửa sổ. Buổi sáng hình như trời đang sửa soạn cho một cơn mưa lớn. Tôi bắt gặp cái vẻ ẩm thấp của những mái nhà chen chúc nhau trong tầm mắt và dáng trời nghiêng xuống. Tờ lịch rơi hút xuống con hẻm nhỏ chạy cặp bên hông nhà. Vài đứa trẻ con nhà hàng xóm đang ngồi rải rác từng góc, nhai chậm chạp mẩu bánh mì cầm ở tay hay chụm đầu, kẻ những đường phấn trắng cho một trò chơi ăn thua bằng những tấm bìa cứng có hình màu mè đẹp mắt.

Nơi những ngọn cây vút cao lên trong khoảng trời mù mù là hướng con sông lớn. Chạy theo những đường dây điện kia là một khu phố khác, rất nhiều những mái nhà ngói cổ. Ở phía đó cũng có màu xanh của cây, của những cánh cửa sổ mở. Và cái tháp chuông nhà thờ bao giờ cũng cao sừng sững, cố định cheo leo bên một góc trời.

Tôi bỗng nhớ ra những buổi sáng gần đây, ít nhất là trong những ngày gần hết tháng tám, hình như tôi không còn được nghe tiếng chuông đổ cho từng buổi lễ sớm. Tôi vẫn thức vào khoảng năm giờ sáng, khi bóng đèn trong phòng bắt đầu hâm nóng khoảng không khí lạnh từ khuya cho tới gần sáng. Bóng đèn ngủ trong phòng tôi như một cái đồng hồ báo thức êm đềm nhất, đúng nhất, và dễ thương nhất cho một người và một đời sống yên lặng như tôi. Ngôi nhà này được khởi công xây cất vào khoảng tháng ba, đầu mùa mưa và hoàn tất vào khoảng những ngày hết tháng tám, của một năm trước. Tôi bỗng ngẩn ngơ nghĩ rằng, chính hôm nay hoặc ngày mai, hoặc đã qua một hai hôm rồi ngôi nhà của tôi đầy một năm, đúng một tuổi. Một năm qua trong ngôi nhà chưa phai màu sơn ở cửa sổ, chưa hết mùi vôi ở những bức tường, đã có những điều gì xảy ra?

Mẹ tôi, người đàn bà coi như góa bụa một đời, đã bỏ đi tới một căn nhà khác, và hiện đang có một đời sống khác. Tôi không thể hình dung ra gương mặt người đàn ông mang tới cho mẹ tôi một mùa xuân gần cuối một đời người (Hay thêm một lần khổ đau nữa cho cuối một đời người).

Đứa em gái tôi cũng mới theo chồng khoảng hai tháng.

Rồi những mối tình trôi qua, tan mất như những chiếc bong bóng mưa của tôi, của một người cuối cùng ở lại để nhìn thấy căn nhà không còn ai, chỉ có một mình. Những sự ra đi cho dù ra đi vì một nguyên cớ nào, hình như cũng đều để lại ít nhiều nỗi buồn.

Tôi bắt gặp điều đó nơi thềm cửa, trên những cánh hoa dại nở sau một đêm mưa nơi lối đi trong khoảng sân, ở những bậc thang dẫn lên tầng trên, thấp thoáng một khoảng vườn nhỏ phía sau nhà dưới. Một người tưởng sẽ bỏ đi trước nhất không ngờ là người ở lại sau cùng. Nhiều lúc tôi hơi bâng khuâng nghĩ lại điều đó, nhưng tôi thích ở lại trong một căn nhà vắng, đi về một mình, tắm dẫm trong nỗi buồn của người khác để lại. Bây giờ hình như tôi không còn người thân nào, không khí của gia đình cũng mất. Tôi sống trong căn nhà và căn nhà đó có tôi. Cảm giác chỉ gọn gàng như thế.

Như sáng hôm nay tờ lịch mỏng báo cho tôi biết đã gần hết tháng tám. Nơi cánh cửa sổ nhìn ra một khoảng trời mỗi ngày, tôi cũng có cảm tưởng như đàn chim đang bay kia, báo hiệu một mùa tàn phai.

Tôi rời cánh cửa sổ ra đứng ngoài bao lơn, chậu cúc vàng hôm qua mới nở mấy bông, nay như đã sắp tàn. Tôi nhớ tới đứa bé gái nhà bên cạnh thích có một bông cúc vàng gắn lên mái tóc vừa chấm vai. Tôi mong thấy được đứa bé để hái những bông cúc sắp tàn cho nó. Nhưng cửa nhà bên cạnh đóng kín. Chưa tám giờ, chắc mọi người còn ngủ. Tôi đứng ngắm vu vơ những ngọn cây rất xa trong thành phố, đến một lúc mưa bắt đầu bằng những giọt nhỏ, kéo giăng giăng, mờ mịt những ngọn cây kia. Vừa lúc cánh cửa sổ phòng nhà bên cạnh cũng xịch mở, tôi thấy đứa bé gái ló đầu ra nghiêng mắt nhìn trời. Thấy tôi, cô bé nhoẻn miệng cười, bao lơn nhà cô bé đâu với bao lơn nhà tôi, khoảng cách thật gần. Tôi có thể nói chuyện từ bên này sang cho cô bé nghe. Nhưng cô bé vừa thấy tôi đã hỏi chuyện trước.

- Sao ông dậy sớm thế?

Tôi nhìn đồng hồ mỉm cười:

- Gần tám giờ, tôi không ngủ muộn được.

- Quen rồi sao?

- Ông như con chim kêu sau vườn lúc người ta đang ngủ.

- Chim gì?

- Em không biết tên.

- Trong nhà có ai biết không?

- Chị Truyền chắc biết.

- Sao lại bảo tôi giống con chim, không giống một con gì khác được sao hả?

- Ông muốn giống con gì?

Tôi cười. Cô bé như chồm cả người qua cửa sổ để nghiêng mắt nhìn qua khoảng trời mưa giăng mờ. Tôi đưa tay ra hứng nhũng giọt nước lạnh, những bụi nước tung tóe lên mặt. Cô bé bỗng cười lên:

- Ông cũng giỡn nước nữa sao? Tưởng ông là người lớn rồi chứ.

- Tôi là người lớn.

- Không, Ông chưa là người lớn.

- Nhưng cũng lớn hơn cô bé, được không?

- Cái này thì được.

Tôi cười, hái một bông cúc vàng đưa ra trước mặt nói:

- Cho cô bé cái này.

- Trời ơi sao ông ngắt nó?

- Không sao, nó sắp tàn rồi. Tôi sẽ hái hết cho cô bé cài lên tóc.

- Uổng quá.

- Uổng gì đâu. Không hái rồi nó cũng rụng.

- Thà nó rụng.

Tôi cười:

- Không thích cài hoa lên tóc nữa phải không?

Cô bé nói gần như hốt hoảng:

- Không phải vậy đâu, em thích lắm chứ.

- Vậy bắt bông hoa này.

Tôi ném bông cúc vàng qua cho cô bé. Bông hoa rơi vào khoảng trống giữa những chấn song. Cô bé cười bảo:

- Nó rơi trên bàn học của em.

- Tôi không biết ở đó là cái bàn học. Tưởng chỉ có khung cửa sổ. Cô bé thường ngồi học bài ở đó?

- Dạ. Em thường nhìn thấy ông đi ra đi vào ngoài bao lơn. Nhưng lúc ấy thì em đã đóng cửa sổ.

- Đóng cửa sổ làm sao thấy tôi.

- Em nhìn qua những kẻ hở. Sao những lúc đó ông buồn vậy?

- Sao cô bé biết tôi buồn?

Cô bé chỉ cười. Tôi thấy cô bé cài bông hoa lên tóc. Hình như cô bé đi tới một tấm gương để ngắm mái tóc của mình. Một lúc cô bé trở lại với khung cửa sổ. Tôi bảo:

- Cô bé tên gì, ra ngoài bao lơn nói chuyện phải vui hơn không. Ở trong đó hoài vậy?

- Tên em buồn cười lắm, không đẹp như tên chị Truyền đâu. Ông đừng cười thì em mới dám nói.

- Tôi không dám cười.

- Ông hứa đi.

- Em tên là... Tí Bo.

- Sao vậy? Nhưng cũng dễ thương đấy. Tí Bo, chắc là một cái tên dễ nhớ.

- Tên đó là tên trong nhà gọi thôi cơ. Em đi học có tên khác. Tên là Trâm.

- À Trâm. Tên đẹp.

- Nhưng ông thích tên nào nhất?

- Tôi thích cả hai tên. Nhưng nếu gọi em tôi gọi là Tí Bo.

Cô bé cười:

- Dạ, em thích như thế. Vì trong nhà ai cũng gọi em như vậy cả.

- Nếu thế tôi phải gọi khác đi chứ. Tôi gọi tên thật của em. Trâm. Nhưng mà cái gì Trâm.

- Bảo Trâm.

- Em ra ngoài này nói chuyện vui hơn. Biết mở cửa không?

- Biết chứ. Nhưng em phải đi rửa mặt. Nói chuyện với em bằng gương mặt mới ngủ dậy ông cười chết.

Nói dứt lời, cô bé biếng mất khỏi khung cửa sổ. Mưa bắt đầu nặng hạt và một lúc sau đó, tôi nghe tiếng nước ròn rã, mạnh bạo chảy trong các ống máng trên mái nhà, và nhìn những giọt nước mờ mịt tung tóe trên bao lơn nhà cô bé Bảo Trâm. Lúc này chắc cô đang rửa mặt, đang có cái bàn chải nhỏ trét đầy kem, và những chiếc răng xinh xắn trong miệng. Tôi bắt đầu làm quen với cô bé từ ngày đứa em gái tôi có chồng và những người trong nhà này lần lượt bỏ đi. Tôi thường ra đứng ngoài bao lơn nhìn về một phía thành phố, ngắm những bông cúc vàng nở, và bắt gặp cô bé phía bên kia với một nụ cười. Ngày trước tôi đi khỏi nhà rất sớm và về rất tối. Tôi không hay bên cạnh nhà mình có hai chị em cô bé dễ thương như thế. Tôi đang hình dung ra Truyền. Chắc phải giống Tí Bo.

Cô bé đã trở lên. Gương mặt trắng xanh trong màn mưa giăng ngoài cửa sổ. Tôi nói:

- Mưa lớn quá, cô bé thấy không?

- - Dạ.

- - Mưa buồn quá, cô bé thấy không?

- - Dạ, mưa buồn quá. Chắc hôm nay phải đi học trễ, lạnh lắm.

- - Bây giờ mà còn trễ gì nữa?

- - Em học tám giờ rưỡi cơ. Bây giờ em phải xuống nhà ăn sáng rồi Ba đưa tới trường.

- Ông không đi học sao?

Tôi muốn bật cười khi nghe cô bé hỏi thế. Chắc cô bé sẽ ngạc nhiên vô cùng nếu tôi nói rằng tôi đã thôi học, không còn là học trò như cô bé nữa. Nhưng tôi chỉ cười:

- - Không. Hôm nay tôi không đi học.

- - Thích ghê. Em chỉ ước được ở nhà để nhìn mưa thôi.

- - Trong lớp cô bé nhìn mưa cũng được vậy. Cô bé ngồi gần cửa sổ chứ?

- - Gần. Nhưng đâu có dám nhìn ra ngoài. Cô giáo sẵn sàng cho một cặp trứng vịt vào vở học. Ông có thích ăn trứng vịt không? Trong vở em toàn là trứng vịt. Em học dở lắm.

Tôi nghĩ là cô bé không học dở. Nhưng tôi cũng cười. Cô bỗng nhìn gôi chăm chú rồi hỏi:

- Ủa, ông ở nhà một mình hoài vậy sao?

Tôi ở nhà một mình hoài.

- - Không có bạn chi hết?

- - Có. Nhưng ít ai tới lắm. Tôi thích sống mình tôi.

- - Lúc trước nhà ông có nhiều người mà?

- - Đúng. Bây giờ đã đi hết rồi. Chỉ còn lại mình tôi.

Cô bé chớp mắt:

- - Rồi bao giờ ông đi?

- - Chưa biết.

- - Thôi ông ở đây đi, đừng bỏ đi nữa.

- - Chi vậy?

- - Không thấy ông chắc cái bao lơn bên này buồn lắm.

Tôi sững sờ một lúc. Cố bật lên một tiếng cười:

- - Việc chi cái bao lơn bên ấy phải buồn?

- - Không biết nữa. Nhưng em cảm thấy như vậy.

- - Tôi bỏ đi. Cô bé có buồn như cái bao lơn không?

Cô bé mỉm cười không trả lời. Chỉ nhìn chậu cúc vàng rồi đưa tay ra ngoài hứng mấy giọt mưa. Và cô bé bỗng giật mình hốt hoảng:

- Thôi chết, em phải xuống nhà ăn sáng rồi đi học kẻo trể. Ông có ăn sáng không?

Tôi lắc đầu. Cô bé cười giòn tan:

- - Ông hút thuốc nhiều quá.

Rồi cô bé vụt rời khỏi cửa sổ. Tôi thấy cánh cửa khép lại, bàn tay cô bé nhỏ nhắn như bàn tay con búp bê. Cửa đóng kín, và mưa bên ngoài. Tôi đứng lặng thêm một lúc rồi vào nhà tự làm những công việc quen thuộc buổi sáng. Nhưng tôi bỗng nhiên bỏ ý định làm một bữa ăn sáng ở nhà. Tôi thay nhanh quần áo, khoác áo mưa, dắt xe, khóa cửa ra đường. Tôi thấy hai chị em cô bé vừa bước lên một chiếc xích lô. Rồi tấm bạt che kín lại phía trước. Chắc cô bé không ngờ có tôi đang chạy xe theo phía sau.

Một khoảng đường ngắn. Chiếc xích lô chở chị em cô bé quẹo vào một con đường khác. Tôi chạy thẳng tới quán nước quen thuộc. Mưa làm tóc tôi ướt rũ xuống trán. Quán vẫn còn thưa người. Buổi sáng trước tám giờ hay sớm hơn nữa, những hôm chán một bữa ăn sáng ở nhà do chính mình làm lấy, tôi lại ra ngồi ở quán này. Vào lúc đó quán mới vừa mở cửa, hoặc đôi khi tôi phải chờ. Người hầu bàn là một cô gái bé nhỏ, người Tàu như quen thuộc với tôi lắm. Những hôm như thế cô mở cửa cho tôi vào với môt nụ cười. Cô bỏ tôi ngồi ở chiếc bàn trong góc, nhìn ra ngoài đường phố lớn, rồi cầm tấm gẻ lau cửa kính. Những người hầu bàn khác cũng làm như vậy. Khi công việc thường ngày của họ vào lúc quán mới mở cửa đã xong, cô hầu bàn quen mới đến bàn tôi hỏi uống gì, ăn gì. Và lúc đó bữa sáng của tôi mới bắt đầu theo cái sinh hoạt bắt đầu sống động của quán. Bữa nay tôi tới trễ, nhưng không phải là trễ so với mọi người. Bởi vì sau tám giờ, khách sẽ đến đông nghẹt, ăn uống, nói chuyện nhởn nhơ và nhả khói thuốc. Lúc đó tôi phải đứng lên. Tôi không chịu được không khí ồn ào của quán sau tám giờ. Tôi chỉ yêu cái không gian lúc mới mở cửa quán, ngọn đèn vàng trên tường vừa mới bật lên, hơ ấm cái lạnh từ ngoài đường tràn vào, cái hương lạnh có pha chút hương thơm của cây lá, hoa dại. Tôi ngồi một mình, một góc quán, và nhìn ra hiu hắt một góc đường. Ở đó, cái sinh hoạt của thành phố bắt đầu, những gương mặt, những ánh mắt, những nụ cười còn giữ chút hơi lạnh của đêm vừa tan. Tôi ngồi như thế và chờ giờ rời khỏi quán. Lúc đó thành phố cũng bắt đầu ngợp thở.

Chiếc bàn quen thuộc của tôi vẫn chưa có người ngồi. Tôi tới ngay đó, ngồi xuống. Người hầu bàn tiến tới và bỗng nhiên hỏi ngay một câu không như lệ thường.

- - Mấy hôm nay ông đi đâu sao không thấy tới?

Tôi hơi ngạc nhiên vì câu hỏi bất ngờ này. Bình thường đến đây, tôi chỉ nghe - ông ăn gì, uống gì? Và cô bé im lặng chờ đợi câu trả lời của tôi một cách kiên nhẫn. Tôi cười:

- - Tôi có đi đâu đâu. Vẫn ở đây mà.

- - Sao ông không tới?

- - Đôi lúc trong túi mình cũng hết tiền chứ.

Cô bé tưởng tôi đùa nên cười khúc khích. Tôi gọi thức ăn và nước uống. Tôi nói thêm:

- - Đừng tưởng tôi nói đùa nghe, tôi nói thật đó. Mấy hôm không thấy tôi là tôi hết tiền.

Nhưng cô bé vẫn nghĩ là tôi nói đùa. Cô bước đi mà tiếng cười khúc khích còn lại. Tôi mỉm cười, ngó ra đường phố. Công viên ở trước mặt tôi. Những tán cây cao vút khỏi mái nhà, cỏ xanh vây lấy những lối đi trải sỏi. Tôi chưa hề bước chân vào công viên ấy. Hôm nay chợt tôi nhận ra điều đó với một chút ngạc nhiên. Mưa vẫn còn, nhưng không lớn như lúc tôi mới bước vào quán. Mọi người không cần khoác áo mưa vẫn có thể chạy băng qua đường mà không sợ ướt. Tôi nhìn mưa giăng phía công viên, những giọt nước kéo xuống trên những thân cây vỏ mốc trắng. Giờ này trong công biên không có ai. Ghế đá buồn thiu, những bãi cỏ hiu quạnh và những lối đi như chưa hề có dấu chân người. Tiếng động trên mặt bàn làm tôi quay lại. Cô bé hầu bàn đã mang thức ăn ra. Tôi ngồi ăn và cảm thấy buồn buồn. Lúc tôi uống cà phê thì mưa bên ngoài ngớt hột. Tôi lắng nghe một đoạn nhạc trong quán. Tự nhiên sáng nay tôi nghĩ nhiều về trường hợp của Mẹ tôi. Tôi không hiểu. Tôi lù mù trước một hoàn cảnh và thấy gia đình như một cái gì sắp rã tan, trôi giữa dòng sông mông mênh. Tuổi nhỏ của tôi là một khoảng thời gian luôn làm tôi bàng hoàng mỗi lần nhớ lại. Tôi không hiểu tại sao tôi có đủ can đảm sống tới bây giờ. Trong khi những người bạn thân thiết thường bảo tôi (như là họ không tin) nếu không phải là một người can đảm nhất thế giới, chắc tôi đã tự tử hay trở thành một tay anh chị giang hồ nào rôi. Tôi không dám nhìn lại quãng đời nhỏ bé đó. Tôi không dám nghĩ về nó. Bởi mỗi lần nhớ tới, tôi lại muốn khóc. Ba tôi là một người đàn ông. Mẹ tôi là một người đàn bà, và anh em chúng tôi là những đứa con, trai có, gái có. Giản dị thế thôi sao?

Hôm nay tôi mới nghĩ rằng mình đã thật sự rời bỏ cổng trường. Tôi bỏ học từ bao giờ? Hình như là một khoảng thời gian xa xôi, ở ngoài trí nhớ. Tôi không còn là học trò với sách vở mùa thi. Năm cuối cùng ở Luật tôi thi rớt, và từ đó tôi bước vào đời sống với hai bàn tay trống không.

Đời sống. Đó là nơi cuối cùng đón nhận tôi. Tôi không rời tuổi nhỏ của mình với tâm trạng hoài nghi, cũng như tôi đã lớn lên, sống qua những năm tháng dài với thành phố này như một kẻ vô gia đình. Không một chút gắn bó. Không một chút hy vọng. Tôi đơn độc, tội tình. Mẹ tôi chọn một con đường khác. Ba tôi ở phương trời nào. Em tôi ra khỏi nhà này để tới một ngôi nhà khác. Chỉ còn tôi ở lại nhìn thấy rõ ràng những điều đã vơi đi, đã mất và cuối cùng, đã vĩnh biệt. Ánh nắng bây giờ đã hé lên, xuyên qua phía công biên, lướt trên một vài ngọn cây với màu lá non tươi rói. Tôi thấy quán đã bắt đầu đông khách. Tiếng nhạc bị tiếng nói, tiếng cười lấn át không còn nghe thấy nữa. Tôi gọi người hầu bàn tính tiền rồi bước ra khỏi quán. Con đường trước mặt tôi được che bằng tàn cây rậm lá non. Hơi mưa phủ xuống mát lạnh. Tôi trông thấy hai đứa con gái xách cặp da đi về hướng ngôi trường nữ trung học ở vào một khu phố có nhiều cây và hoa cỏ nhất. Nhìn hai đứa con gái đi học tôi có cảm tưởg mình là một tên lang bạt, nỗi buồn từ đâu ùa về, tôi chợt thèm gõ lại những bước chân rộn ràng xưa trên con đường dẫn vào lớp cũ. Tôi quẹo xe về một con đường khác, tới thẳng chỗ làm. Đó là một tòa báo lớn, phòng làm việc của tôi ở trên lầu ba. Tôi khóa xe và nghĩ tới những bậc thang dài cao ngất sẽ dẫn tôi tới một cái ghế ngồi. Từ đó nhìn qua cửa kiếng tôi có thể thấy lại thành phố qua những mái nhà rêu mốc bám trắng trên màu ngói xưa.

Người bạn làm khác phòng với tôi nhưng quen thân đứng ở cửa cười hỏi:

- - Bữa nay tới trễ?

Tôi gật đầu:

- - Ngồi quán.

- Lúc nãy có hai cô bé tới hỏi. Chờ một lúc rồi bỏ đi. Hình như có để lại cái thư. - Quen không?

- - Chưa thấy bao giờ.

Chỗ làm của tôi không ngày nào mà không có người tới. Nhiều hôm phòng không còn một cái ghế ngồi, tất cả đều phải đứng. tôi không lấy làm lạ chuyện có người tới chờ không được rồi bỏ đi. Vẫn như mọi ngày, vẫn như mọi người. Tôi lững thững đi lên những bậc thang dài. Người đàn bà đang quét dọn phòng thấy tôi bước vào ngẩng lên nói:

- Có người vừa mới tới tìm ông. Họ chờ một lúc rồi ra về.

Tôi gật đầu, tới bàn. Một mảnh giấy nhỏ gấp lại nhét dưới mặt kính bàn viết. Tôi thoáng thấy một nét chữ lạ. Người quét dọn phòng hỏi:

- - Đóng cửa sổ lại không ông?

- - Không. Chưa cần thiết.

- - Phòng dơ quá, tôi quét cả buổi mới sạch.

Tôi cười:

- - Biết làm thế nào được. Chị phải cho tôi xin thêm mấy cái giỏ đửng giấy vụn.

- Mấy cái rồi cũng mất.

- - Tại ở phòng khác họ lấy. chị thấy thì đổi lại giùm tôi.

- - Thư từ gì đâu mà phát khiếp.

Người đàn bà vừa nói vừa cười và bước ra khỏi phòng. Ngày nào cũng vậy, trước khi bắt đầu công việc của mình, tôi cũng đều nghe chị than phiền một chút về công biệc của chị. Có lẽ chị cũng nói để mà nói thế thôi chứ chị biết hơn ai hết rằng tôi chẳng dính dáng gì ngoài chuyện mấy cái giỏ rác giấy vụn ở phòng tôi luôn luôn biến mất. Bây giờ mỗi buổi chị phải thanh toán hàng lô giấy vụn, bì thư bỏ bừa bãi trong phòng. Tôi mỉm cười nhìn quanh, căn phòng lại được dọn sạch sẽ để chuẩn bị cho một ngày mới.

Những cánh cửa sổ mở ra một không gian đầy nắng. Cơn mưa biến mất không để lại chút dấu vết nào. Tôi ngồi xuống chiếc ghế rộng, rút mảnh giấy chèn dưới mặt kính ra xem. Một bức thư ngắn.

"Chú,

Cháu ở Đà Lạt về nghỉ hè ở Sài Gòn sau khi thi xong. Tìm chú bao nhiêu lần rồi mà không gặp. Xui ghê. Hôm nay đến, lại không gặp nữa. Tìm chú khó quá. Bây giờ nhờ nhỏ Thanh Chi nhắc, cháu mới để lại giấy này cho chú biết. Vậy chú rảnh vui lòng ghé lại địa chỉ: 040F đường Tú Xương gặp cháu. Hoặc gọi điện thoại cho cháu số 40205.

Thân kính

Tường Vân

TB: Mai mốt cháu về rồi. Chắc cháu rớt quá chú ơi."

Bức thư làm tôi ngạc nhiên không ít. Và những dòng chữ hồn nhiên nhỏ bé như thế cũng làm tôi nghĩ ngợi. Tôi nhìn chiếc máy điện thoại ở trước mặt, có nên gọi đến số đó hay không? Tường Vân là một cô bé hoàn toàn xa lạ đối với tôi, chỉ biết nhau bằng một ngày của tháng 12 năm nào tình cờ tôi tới thành phố đó, ghé nhà mà không gặp. Về lại Sài Gòn tôi cũng quên mất, cô bé đang ở Sài Gòn, trong một ngôi nhà nào đó. Chắc là cũng xinh xắn như ngôi nhà của cô bé ở Đà Lạt. Chiều nay tôi quyết định tới tìm cô bé vừa mới thi tú tài xong, trách cô bé một trận về một ngày xa xôi của tháng 12 năm nào.

Ngôi nhà đó tôi đã đi ngang qua rất nhiều lần vào những đêm khuya. Lúc đó ngôi nhà đối với tôi không có ý nghĩa gì, ngoài vẻ đẹp ấm cúng xa vời của nó. Từ bên ngoài, những đêm khuya đi lang thang từ một quán cà phê về với người bạn, tôi đã trông thấy một ngọn đèn thắp sáng cái bao lơn im lìm bất động. Tôi nhìn vào khoảng sân chìm lấp bóng tối của đêm, của bóng cây và những tàu lá chuối to lớn. Ánh đèn bên trên hiu hắt như bóng trăng của những đêm nguyệt xế. Những chấn song sắt rào cao ngang tầm với nnững ngọn đèn bên trong. Cánh cổng bao giờ cũng đóng kín im lìm, và cái nút chuông điện nhỏ bé như mắt của một con chim ngủ nhờ trong khóm lá thơ dại qua đêm. Ngôi nhà đó tôi đã quen thuộc mỗi ngày thường xuyên đi qua mà không hề nghĩ sẽ có một ngày dừng lại trước cánh cổng lớn, ấn ngón tay vào nút chuông gọi cửa và chờ đợi.

Một lúc, có người từ bên trong đi ra, hình như là người giúp việc. Chị dòm tôi qua khoảng rào sắt có nhiều lá xanh. Tôi gật đầu chào chị và hỏi:

- Cô Vân có nhà không chị?

Chị lại gật đầu và tự động mở cánh cửa sắt nặng nề qua một bên rồi nhường lối cho tôi bước vào. Tôi nghe cánh cổng đóng lại rồi tiếng chân chị bước theo phía sau. Vân hiện ra trên lối đi trong lúc tôi nhìn quanh khu vườn tràn ngập nắng chiều. Tiếng Vân như reo mừng:

- Tưởng chú không bao giờ để ý tới con bé. Chú tới, ngạc nhiên ghê.

Tôi cười:

- Có gì mà ngạc nhiên. Mời thì chú tới chứ bộ.

- Nhưng chú khác. Chú khó tìm thấy mồ.

- Chú rất dễ tìm. Lúc nào Vân muốn gặp cứ nhắm mắt lại rồi mở mắt ra là gặp liền.

- Thôi đi chú. Cháu và nhỏ Chi đi tìm chú mấy ngày. Đến không khi nào gặp được chú. Người ta bảo chú đi vắng. Đi đâu mà vắng hoài vậy chú?

- Ừ, chú chạy lung tung khắp nơi ấy mà.

- Cháu hết dám tìm chú rồi. May nhờ nhỏ Chi nhắc cháu viết giấy để lại chứ không cháu chẳng biết đường nào mà lần. Cháu lính quýnh mà cái ông gì ngồi phía gần gần cái máy điện thoại đó càng làm cháu sợ thêm. Ông ấy nói chuyện cứ như là hét vào tai người ta.

- Ông đùa đấy, đừng có sợ.

- Dù sao, cháu cũng không đến chỗ đó tìm chú nữa.

- Vì chú đã tới đây rồi.

- Không. Cháu nói mai mốt cơ. Bây giờ chú tới đây nhưng mai cháu về rồi.

- Sao về sớm vậy?

- Cháu ở đây cả tuần rồi. Tìm chú mất ba bốn ngày còn gì?

Đến bây giờ Vân mới nhớ ra là chúng tôi đứng ngoài sân, trên một lối đi thẳng tắp sạch bóng. Vân cười:

- Mời chú vào nhà chơi, cháu quên.

- Nhà có ai không?

- Không chú ạ. Đi vắng cả rồi. Chỉ có mình cháu với chị Như, chị lúc nãy mở cửa cho chú đó. À quên, còn có con mèo của cháu nữa chứ. Lúc nãy ngủ dậy nó chạy mất tiêu rồi.

Tôi cũng thích những con mèo nhỏ nhỏ, dễ thương nhưng lúc này chả thích tí nào nếu Vân ẵm con mèo đó trong lòng, tôi mong cho nó chạy mất đi biệt và đừng về nữa.

Tôi cười:

- Chắc nó chạy chơi rượt bắt trên các mái nhà ngày mai mới về.

- Không, nó quanh quẩn đâu ngoài này, chút cháu đi tìm nó.

- Tìm làm gì. Mình vào nhà nói chuyện vui hơn.

Vân cười khẽ. Nàng dẫn tôi vào nhà qua cánh cửa nhỏ. Nàng chỉ cây khế đứng ở một góc sân lá xanh um tùm rồi nói:

- Cây khế đó nhiều trái lắm. Cháu và Chi hay leo lên đó lắm. Ăn đã thì xuống. Có khi ở cả ngày. Hái khế ném chọc mấy đứa bé con nhà người ta.

- Cháu mà cũng biết leo nữa sao?

- Trời ơi, cháu leo giỏi lắm chứ chú tưởng.

- Có ngày té chắc cũng ngon lành lắm.

Vào nhà, tôi gặp chị Như, chị đang dọn những cái ly thủy tinh trong suốt và lạ mắt. Tôi rất thích ngắm những cái muỗng nhỏ nhỏ, bóng ngời, hay những chiếc ly thủy tinh trong suốt xinh xắn. Vì thế nên tôi thường đến quán có những món đồ như vậy để uống cà phê, dù có khi cà phê ở đấy không ngon lắm.

Tôi trầm trồ:

- Nhà Vân có những món đồ đẹp quá.

Vân nói:

- Không phải nhà cháu đâu. Cháu làm gì có nhà ở đây. Nhà của dì Phước cháu đấy.

Tôi cười:

- Nhưng cháu đang ở trong nhà này thì là nhà của cháu.

Vân lườm tôi:

- Không cãi với chú nữa.

Tôi cười. Theo Vân bước lên nhà trên. Đó là một phòng khách thật rộng. Đối với tôi thì nó rộng mênh mông. Đồ trang hoàng dùng toàn gỗ quý. Bộ sa lông cũng bằng một thứ gỗ quý mà tôi không biết tên. Bốn phía tường có gắn gương lững, phủ những tấm màn bằng vải dày màu và hoa trông rất đẹp mắt. Một góc tường có để bức chân dung của người đàn bà mà Vân vừa chỉ cho tôi xem vừa nói:

- Đó là dì Phước đấy.

Tôi gật đầu ngắm bức chân dung một lúc. Người đàn bà qua nét vẽ hãy còn trẻ, và đẹp. Tôi hình dung ra gương mặt mẹ Vân. Tôi nghe Vân nhắc nhiều tới mẹ trong thư. Lúc đó tôi và Vân chưa gặp nhau. Vân tự nhiên gọi tôi bằng chú và xưng cháu từ những bức thư xa xôi đó. Tôi ngạc nhiên không hiểu sao Vân lại gọi như vậy. Tôi vừa thích thú vừa buồn. Gọi chú cháu cũng thơ mộng nhưng làm tôi có cảm tưởng mình đã ở yên trong một vị trí cố định. Vân đã có một ý nghĩ như thế chăng? Tôi nhìn chiếc máy điện thoại đen bóng đặt trên cái ngăn nhỏ vừa tầm tay trong cái kệ đựng sách. Rồi Vân sẽ cầm chiếc máy ấy gọi tới tôi, và tôi với nàng sẽ nói chuyện với nhau qua đường dây điện thoại, mỗi bên sẽ nhớ thuộc lòng con số để gọi nhau.

Chị Như bưng hai ly nước chanh đầy ngập đặt trước mặt tôi và Vân. Chị mời tôi xơi nước. Tôi gật đầu cám ơn. Vân cười khúc khích, chị Như cũng cười và bỏ đi vòng qua một lối nào đó trong phòng khách, rồi biến mất. Vân nói:

- Mời chú Lam xơi nước. Chú thích nước chanh chứ?

Tôi cười:

- Nước gì cũng thích. Có uống là tốt rồi.

- Chú xui quá. Nhà vừa hết cam. Mấy hôm cháu có cả chục cơ, làm nước cam uốn glia lịa. Chú ghé lại hết.

Tôi bưng ly nước chanh đứng lên uống một ngụm. Cái ly vừa gọn vừa xinh, nó nhỏ bé, sang trọng. Tôi cầm chiếc muỗng nhỏ khuấy đều những viên đá vụn và cảm thấy thích thú tuy nước chanh làm hơi chua.

- Chi mới tới lúc sáng đó chú. Kêu Chi ở lại chơi cả ngày, Chi không chịu. Chiều nay cháu ở nhà một mình.

- Cháu không đi chơi đâu hết sao?

- Không chú ạ. Cháu có biết đi chơi đâu đâu. Với lại cháu cũng không biết đường.

- Ở nhà hoài buồn chết.

- Cháu hay sợ ma nữa cơ. Mà nhà này có ma thật chú ơi. Hôm trước cháu cũng bị nó nhát nữa đấy.

Tôi cười hồ nghi. Vân biết tôi không tin nên dẫn chứng:

- Cháu đang ngủ nhé, nó kéo chân cháu. Trời ơi cháu hét quá cỡ. Dì Phuớc của cháu cũng bị nữa. Rồi mẹ cháu cũng gặp như thế. Dì Phước bảo có ma thật mà chú.

- Ừ thì có ma thật.

- Chú không tin à?

- Cháu nói thì phải tin.

- Chú làm bộ tin cho cháu vui lòng phải không?

Tôi miễn cưỡng làm nghiêm:

- Không. Chú tin thật. Chú tin lời cháu thật mà.

- Chứ chú không tin là có ma sao?

- Chú chưa gặp bao giờ.

- Hôm nào chú sẽ gặp.

- Gặp nó chú không hét bậy đâu. Chú chỉ kêu tên Tường Vân là nó chạy mất.

Tường Vân nghinh mặt:

- Trời ơi, chú dem cháu ra nhát ma, bộ cháu là con ngáo ộp sao mà nó sợ?

Tôi đánh trống lảng:

- Cháu cũng uống nước đi chứ.

- Thôi, cháu nhìn chú uống.

- Chú cũng lại thích ngồi nhìn cháu uống.

- Cháu mắc cỡ lắm. Chú quay nhìn chỗ khác đi.

Tôi làm theo lời Vân, dù vẫn liếc mắt nhìn thấy Vân bưng ly nước chanh đưa lên miệng uống. Khi Vân để xuống tôi quay lại. Tôi và Vân cùng im lặng một lúc. Hai người ngồi cách nhau một cái bàn dài và rộng. Ghế ngồi cũng dài và rộng. Tại sao cái gì trong nhà này cũng có vẻ mênh mông và to lớn quá. Tôi nhìn quanh, từ một phía gương xa tắp kia, thấy bóng tôi và Vân mờ mờ phản chiếu lại. Căn nhà thạt vắng như lời Vân nói. Ở một mình suốt ngày trong căn phòng này buồn chết được. Tại sao có một khu vườn rất đẹp ngoài kia mà tôi và Vân không ra ngoài đó chơi, đi dạo, hay ngồi trên cỏ nhìn những bông hoa nhỏ nở ven chân rào.

Giọng Vân ngập ngừng:

- Ngày mai cháu về rồi. Hôm nay thứ mấy chú?

- Thứ hai.

- Ngày mai thứ ba, đúng rồi, cháu phải về rồi.

- Cháu không ở chơi được vài ngày nữa sao?

- Cháu phải về với mẹ. Cháu không về thẳng Đà Lạt đâu. cháu ra Nha Trang rồi mới về Đà Lạt.

- Chú mời cháu ở lại Sài Gòn cháu ở lại không?

- Cháu muốn lắm. Nhưng cháu không ở lại được. Cháu ở lại với ai khi mẹ cháu đã về. Vả lại cháu còn phải về thi nữa chứ. Chúc cháu thi đậu nghen chú. Thi rớt cháu không dám gặp chú đâu.

- Sao không? Rớt hay đậu với chú ăn nhằm gì.

- Buồn lắm chú ơi.

Vân nhìn đi đâu không biết. Qua tấm gương trong có che màn hoa dày, Vân định tìm gì. Tôi không thấy gì cả, chỉ thấy trong căn phòng rnộg mênh mông này có một buổi chiều vừa vui vừa buồn, và Vân hãy còn bé, như cô bé tóc cài hoa trong truyện cổ tích. Nhưng tóc Vân không cài hoa, tóc Vân dài, đen mượt, những sợi tóc vừa chấm bờ vai. Mắt Vân long lanh, xinh xắn. Nụ cười làm êm ấm buổi chiều. tôi vừa thấy được hai chiếc răng khểnh của Vân. Người ta hiếm người có răng khểnh, hoặc nếu có, chỉ có một chiếc thôi. Đằng này Vân lại có đến hai chiếc, vậy là dư. Tôi nói điều đó với Vân làm nàng đỏ mặt, không dám cười nữa. Gương mặt Vân cúi xuống, như muốn giấu trong tay áo, che khuất dưới gầm bàn. Tôi ngồi thầm tiếc những ngày qua Vân đi tìm mà không gặp tôi. Nếu gặp nhau sớm hơn, chắc vui lắm. Tôi đề nghị đưa Vân đi chơi đâu đó và Vân vui vẻ nhận lời. Căn phòng này ngăn cách Vân với thành phố bên ngoài nhưng làm Vân gần gũi với con ma gì đó Vân thấy trong lúc ngủ và đày Vân chìm ngập trong một nỗi bơ vơ.

- Vân ngước mắt lên đi chứ.

- Chú chọc làm cháu mắc cỡ muốn chết.

- Chú hết dám chọc nữa rồi.

Vân ngước mặt lên. Gương mặt hãy còn đỏ hồng. Tôi lại càng thấy Vân nhỏ bé thơ dại trong căn phòng im vắng, rộng đến bao la này. Tiếng điện thoại bất ngờ reo lên. Vân ngần ngừ xin phép tôi rồi nhấc máy lên nghe. Ở đầu dây là một người đàn bà. Tôi mừng lắm. chỉ sợ là một người đàn ông nào đó dù ở bên ngoài hay là người quen biết trong gia đình nàng chắc cũng làm tôi buồn. Vân đáp nhát gừng từng câu bên đầu dây bên kia hỏi. Tôi thoáng hiểu người ấy hỏi thăm dì Phước, và một cái hẹn gì đó. Vân gác máy và quay lại chỗ ngồi. Tôi bảo:

- Hôm nào gọi cho chú?

- Hôm nào. Xa xôi lắm phải không chú. Ngày mai cháu về rồi. Cháu đâu còn ở Sài Gòn nữa mà gọi?

- Hôm nào cháu trở lại Sài Gòn?

- Cháu phải thi đậu cơ.

- Chú ghi số điện thoại cho cháu nhé?

Vân lắc đầu, cười:

- Khỏi chú à, cháu biết lâu lắm rồi. Cháu có gọi chú mà. Nhưng chú đi vắng luôn. Ông già khó khăn ấy hỏi như nạt cháu, làm cháu không dám gọi lần thứ hai.

- Mai mốt chắc chú có số điện thoại khác, cháu gọi dễ hơn.

- Chú không còn ở chỗ cũ nữa à?

- Chưa biết.

- Phải rồi. Chú vẫn nói chú như con chuồn chuồn mà, khi vui thì đậu, khi buồn thì bay. Buồn chú cũng quên tuốt con bé phải không?

- Không. Chú nhớ cháu chứ. Nhớ buổi chiều hôm nay.

- Không tin chú đâu.

- Chú nói thật.

Vân cười. Tôi uống hết ly nước chanh. Bóng chiều sầm lại ngoài kia, nắng nhạt qua cửa gương một màu vàng nhẹ hẫng. Từ bây giờ, ngôi nhà đã trở ngên quen thuộc đối với tôi. Những đêm khuya đi uống cà phê với bạn về ngang chắc tôi sẽ nhìn vào, sẽ thấy hiu hắt một nỗi buồn thắp sáng các đỉnh cây, trong khi ngọn đèn thả một vệt khói mù trên khoảng bao lơn lạnh lùng trống vắng. Tôi nhớ lại buổi chiều ngồi với Vân, và chúng tôi đã quen nhau. Chấm dứt những ngày tháng dài ngu ngơ tìm nhau qua những tờ thư. Bây giờ thời gian đã đổi khác. Chúng tôi sẽ nhận ra nhau và thảng thốt gọi tên khi chợt gặp nhau ở ngoài đường.

- Chú nghĩ gì thế chú Lam?

- Chú nghĩ tới một hôm nào đó Vân trở lại Sài Gòn.

- Chú nghĩ như thế nào?

- Nghĩ đủ thứ hết

- Có quên cháu không?

- Đã bảo không rồi mà.

- Bây giờ cháu hơi tin tin.

- Tin nhiều đi cô bé.

Vân cong môi:

- Cháu mà bé hả? Ở nhà bảo cháu lớn rồi, sắp đuổi cháu về nhà người khác rồi đó.

Tôi hơi buồn:

- Cháu thích không?

- Buồn thấy mồ chứ thích gì, chú hỏi kỳ.

- Ai cũng nói thế nhưng đi mất lúc nào chả hay.

- Cháu đi nhiều người hay chú ơi. Cả một thành phố, cả một lớp học, và cả bạn bè của cháu nữa. Nhưng cháu không đi đâu. Cháu phải học nữa, và cháu phải thi đậu để còn về Sài Gòn gặp chú chứ.

- Thi rới cũng về như thường nghe.

- Cháu ngại lắm.

- Còn ngại ngùng là còn bé hoài đó.

- Người lớn mới mắc cỡ chứ chú, mà này chú, cháu lớn rồi chứ bộ, năm nay cháu đi thi tú tài. Cháu cùng một tuổi với Hạ, cháu còn có vẻ lớn hơn Hạ nữa là. Mai cháu về, chú gởi gì lên cho Hạ không?

Tôi ngẩn người:

- Biết gì mà gởi bây giờ?

- Một ít nhớ thương chẳng hạn.

Tôi không biết trả lời Vân thế nào. Người con gái mang tên Hạ và thành phố ấy đối với tôi bây giờ có một cái gì rưng buồn, xót xa như những con dốc đầy hoa quì vàng của tháng mười Đà Lạt. Những bức thư gần đây Hạ gửi cho tôi, cũng như tôi gửi cho Hạ trở nên tẻ nhạt và dần thưa thớt như lá cuối mùa. Một đêm tháng 12 năm nào tôi còn nhớ lắm, nhưng đồng thời cũng nhớ ra rằng ngày tháng sẽ bào mòn tình cảm, như nước chảy qua những viên đá dọc lòng suối. Tôi và Hạ Ở trên một đỉnh trời mơ hồ, sương khói quanh năm, mưa nắng suốt những ngày tháng. Hai thành phố xa cách nhau ở hai đầu đường. Núi rừng, thông ngàn, hồ lặng. Hình như có một điều gì bất ổn trong tình cảm giữa tôi và Hạ. Người con gái ấy với Đà Lạt, có phải rồi sẽ như những cánh hoa quì tàn phai rơi rụng khi hết tháng giêng.

- Viết một bức thư đi chú ạ. Cháu làm người đưa thư cho.

Tôi chỉ nhìn Vân không nói. Vân lại càng thích trêu tôi. Làm sao tôi nói được những điều tôi nghĩ.

- Nhắn gì Hạ, cháu nhắn cho.

- Chú có chuyện buồn với Hạ. Không gởi và cũng không nhắn gì hết. Cháu hỏi hoài làm chú khó trả lời.

- Chuyện buồn gì chú? Cháu làm sứ giả cho.

- Thôi, cám ơn sứ giả trăm nghìn lần.

- Chú giấu phải không? Về gặp Hạ là cháu biết liền. Người ta là bạn nhau chứ bộ.

- Ra ngoài vườn chơi cháu nhỉ?

- Còn nắng không chú?

- Hết rồi. Nắng nhạt. Cháu nhìn qua cửa kính mà xem.

Vân nhìn ra theo lời tôi bảo. Nàng chớp mắt, đứng lên đi lại phía cửa kéo tấm màn che qua bên, chợt reo:

- Ồ, nắng đẹp quá chú ơi! - Chú đã thấy từ lúc nãy.

- Cháu cứ tưởng còn nắng gắt. Về đây cháu sợ nắng lắm. Nắng làm cháu đau đầu. Hồi hôm cháu bị đau đầu đấy, chú còn thấy cái mặt cháu nhăn nhăn, cháu biết mà.

Vân quay lại cho tôi nhìn. Tôi lắc đầu:

- Chả thấy nhăn nhăn một chút nào hết.

- Chú xạo rồi. Cháu xấu lắm. Mặt cháu nhăn nhăn, cháu biết mà.

Tôi đứng lên nói:

- Thôi ra ngoài kia đi cô bé.

K Khu vườn buổi chiều trông những ngọn cỏ như mới mọc. Màu xanh của cỏ nhuộm vàng bởi màu nắng, cái vẻ non nớt yếu đuối của những bãi cỏ hiu quạnh bên đường. Tôi và Vân đi vòng vòng qua những tàng cây thấp. Màu hoa tím trong chân rào dịu mát, màu nắng vàng nhẹ hẫng, những cành nhài đưa hương thơm ngát ở bậc thềm. Mấy bụi bùm sụm cắt tỉa tròn trịa đầy trái, những trái chín ửng vàng, hoặc chín đỏ xinh xắn trong đám lá xanh mướt. Tôi hái mấy trái đưa cho Vân, đố nàng. Vân lắc đầu cuời chả biết là trái gì. Tôi bỏ những trái bùm sụm vào miệng nhai lốc cốc. Vân ngạc nhiên:

- Ăn được sao chú?

- Ngon lắm.

- Cho cháu mấy trái.

Tôi hái một nắm đưa cho Vân, nhưng nàng chỉ ngắm nghía, dòm rồi cười:

- Dễ thương thế này ai mà ăn cho đành.

- Nhưng mai mốt chắc chắn sẽ không còn.

Vân cười. Nụ cười của Vân lồng trong nắng. Tôi thấy những con bướm cái xinh tươi, nhỏ bé, với đôi cánh vàng đang nhởn nhơ vờn trên các khóm hoa. Vân mải mê ngắm, bộ quần áo mặc ở nhà của Vân bay bay trong trận gíó mạnh thốc từ ngoài đường vào, những cái hoa trắng nhỏ xíu trên áo Vân cũng muốn bay theo. Tóc Vân mượt buồn, từng sợi nhỏ dạt sang bên má. Mặt Vân ửng đỏ. Tôi đá mấy viên sỏi, nói:

- Chú thích có một căn nhà và một khu vườn nhỏ thế này.

- Cháu chỉ thích khu vườn chư không thích căn nhà rộng quá, nhiều ma.

- Lại ma.

- Chú biết có nhữn ghôm cháu học bài khuya lắm, nghe tiếng động nào cũng sợ. Nghe những tàu lá vỗ bên ngoài mới kinh khiếp hơn nữa. Nhất là những đêm có mưa khuya. Cháu như thót cả tim lại. Rán học được thêm một chữ sợ hết hơi. Cuối cùng cháu lên giường trùm chăn kín mít từ đầu đến chân.

- Sợ thế làm sao mà ma không nhát.

- Ma nhát những người nào sợ nó hả chú?

- Dĩ nhiên. Cháu thử không sợ nữa xem. Nó chán nhát cháu ngay.

Vân cười:

- Khó quá.

Vân ngồi xuống bậc thềm. Hai cây hoa nhài to lớn ở hai bên, cành lá gần che khuất cả người Vân.

- Chiều nay trời lại không mưa chú nhỉ?

- Cháu mong mưa lắm sao?

- Mưa thích hơn.

- Mưa Sài Gòn chán lắm cháu ơi. Không đi đâu được. Chú cũng thích mưa. Nhưng là những cơn mưa nhỏ thôi. Lúc đó ngồi quán nhìn mưa mới thú.

- Chú ngồi quán một mình?

- Thường thì một mình. Nhưng cũng có khi với vài người bạn.

- Còn cô Nấm Hương chú bỏ đi đâu?

- Chú bỏ trong túi áo.

- Lâu lâu lấy ra nhìn hả chú?

Tôi gật đầu cười:

- Đùa chứ, người ta đã xa xôi như một cánh mây rồi. Bây giờ người ta đã có bồ.

- Tại chú hay tại ai?

- Tại chú.

- Chú ác lắm.

Tôi mỉm cười. Tường Vân đã biết hết những gì tôi chưa kịp nói. Nhớ lại những ngày tháng cũ với những buổi chiều mưa đến một cổng trường nhìn lá bay xao xác đón người về. Tôi quả thật là một gã mơ mộng vào bậc nhất. Nhưng cũng chán đời không ai bằng. Tự nhiên rồi chán nản, tự nhiên rồi đánh chết, buông rơi một mối tình, từng mối tình. Bây giờ tôi nhớ những chiếc lá bay trong mưa, buổi chiều trên một con đường dẫn ngang trường của Nấm Hương. Những chiếc lá ấy đã được người phu quét đường gom lại mang tới một nghĩa địa nào. Hay đã mục trơ xương, tan nát dưới chân người, mấy mùa mưa qua.

Vân ngồi nhìn tôi trong bóng lá. Những đóa hoa nhài hương thơm ngát, hòa lẫn trong gió. Vân cắn trên môi một cọng cỏ. Tôi có cảm tưởng Vân như con thỏ bạch. Mắt Vân tối trên gương mặt buồn. Tôi là người yêu nỗi buồn nên có lẽ tôi yêu Vân mất.

Truyền đứng thật lâu trước gương. Xoay qua trái, xoay qua phải, xoay nửa vòng, rồi xoay thành nguyên một vòng tròn từ trước tới sau. Tay Truyền vân vê vạt áo dài, kéo xuống chỗ này một chút, nâng chỗ kia lên một chút. Những cọng tóc này sao mà dị ghê, cứ vướng mãi một bên mắt. Truyền dùng mấy ngón tay rẽ sang bên. Chiếc mũi mới có mấy vết mụn vừa mới nổi, mụn cám hay mụn gì Truyền cũng không hiểu nổi, chỉ thấy nó làm chiếc mũi Truyền xấu đi. Nhưng chắc chắn là Truyền không dám làm gì nó hết. Cứ để yên như vậy. Tụi bạn bảo không nên năn mụn, cứ để từ từ rồi nó lặn. Truyền hơi bực mình, nhưng quả thật tuổi mười sáu có nhiều cái lạ lùng đến chính mình cũng không biết, không ngờ những thay đổi từ đâu mang tới. Truyền quên những chấm mụn quay ra với chiếc áo dài mới lấy ở tiệm về. Tiệm may quen, may vừa ý. Truyền thầm sung sướng với chiếc áo đang mặc. Nó làm Truyền như đổi khác, như mới hẳn và che lấp cả khoảng không gian quen thuộc của căn phòng nhỏ. Truyền nhìn thẳng vào gương mỉm cười.

Trâm bây giờ nằm sấp trên giường ngắm chị với cái kẹo cao su đang nhai trong miệng. Thấy Truyền cười, Trâm ngừng nhai hỏi:

- Chà, thấm ý rồi phải không?

Truyền nghênh mặt với em:

- Chứ sao?

Rồi Truyền lại vén mấy cọng tóc hỏi em:

- Mà Trâm có thấy chị khác một chút nào không?

Trâm nheo mắt:

- Khác? Mà khác làm sao mới được chứ?

- Ơ, nhỏ này quê chưa. Khác gì là mình đổi khác, hôm nay có giống ngày hôm qua không. Nghĩa là...

Truyền nhíu mày, cố tìm cách diễn tả cho Trâm hiểu, bàn tay Truyền ngửa ra lơ lửng, mắt ngó ngoài cửa. Cuối cùng Truyền nói:

- Nghĩa là hôm nay chị mười sáu tuổi. Chị có khác với hôm qua chị mười lăm không. Hiểu chưa nhỏ?

Trâm tròn miệng:

- Vậy thì chị chịu khó đi qua đi lại chút nữa xem. Chưa trả lời được.

- Trời ơi, còn làm khó làm dễ người ta nữa.

- Thật mà. Nãy giờ em bận nhai kẹo, với lại mắc nhìn mấy trang báo đâu có ngắm kỹ.

Trâm giả vờ nói để chọc Truyền thôi, chứ Trâm có nhìn Truyền từ đầu đến cuối, từ mắt, mũi, tay chân cho đếnnhững sợi tóc nhỏ xíu. Nhất là chiếc áo dài mới may bằng một thứ vải gì đó Trâm đoán là khá đắt tiền màu tím rất đẹp của chị. Nhưng Tram giả vờ coi báo, nhai kẹo, để bắt Truyền chìu theo ý mình, vì lâu lâu Trâm mới được người ta hỏi ý kiến, nhất là chị Truyền bao giờ cũng ta đây, nhìn Trâm bằng nửa con mắt. Lúc nào cũng cho Trâm là bé con, chả có ký lô nào. Bây giờ sẵn dịp Trâm trả thù, làm ra vẻ ta đây lại, ít nhất là cũng được một lần có quyền như vậy. Trâm thích lắm.

Truyền nhảy tới giựt tờ báo trước mặt Trâm:

- Ai cho Trâm xem báo này. Báo này chỉ có mình chị là coi được thôi. Trâm xem báo kia.

Truyền đi lại bàn ném cho Trâm tờ báo "Yêu Trẻ" có in hình màu. Trâm lắc đầu:

- Cái này để con nít coi. Trâm lớn rồi chứ bộ.

- Trời đất. Hôm nay lại đòi làm người lớn.

- Em lớn rồi chứ bộ.

Truyền đáp tỉnh:

- Mười sáu tuổi như chị hãy đọc.

Rồi Truyền đếm đốt ngón tay cười:

- Bốn năm nữa, cô bé ơi.

- Phản đối chị. Người ta bốn năm nữa. Còn chị đọc từ năm ngoái đã sao?

- Năm ngoái chị mười lăm, có thẻ căn cước bọc nhựa rồi chứ bộ.

- Nhưng chị chưa được coi phim cấm trẻ em dưới mười sáu tuổi.

- Năm nay chị coi được. Chị mới xem hôm qua.

- Với ai?

- Với một người.

Trâm nhả thỏi kẹo ra bàn tay vo tròn ném qua cửa sổ hỏi:

- Người đó tên gì?

Truyền bật cười:

- Mắc mớ chi mà hỏi lắm thế. Kệ người ta.

- Chị ghê lắm đấy nhé. Hôm nào bị đòn đừng trách em.

- Dọa?

- Thật chứ không dọa.

Truyền nheo mắt:

- Như vậy nói ngay cho nhỏ mừng nghe, chị đi với Quỳnh mập. Rõ mắc cỡ, chưa chi đã làm ầm lên.

Trâm bẽn lẽn:

- À, chị Quỳnh ù, sao em không thấy?

- Người ta hẹn ngoài phố chứ bộ.

- Hôm nay chị Quỳnh có tới không?

- Tới chứ sao không... Chị đang mong đây. Chắc nó còn ngủ chưa chịu dậy.

Truyền lại bên cửa sổ ngóng xuống con hẻm, hít hà, rồi hỏi Trâm:

- Sao, trả lời được chưa?

- Chị phải đi qua đi lại nhiều lần như người ta dự thi hoa hậu mới được.

- Trời ơi, Trâm biết cái gì mà hoa hậu với hoa nhài.

Trâm mở mắt tròn xoe, hỏi một câu bất ngờ:

- À, mà sao chị không dự thi hoa hậu hả chị Truyền?

Truyền bị hỏi một câu ngẩn ngơ, trợn mắt:

- Ơ, lãng òm, trả lời đi, cho cái kẹo nữa nè.

Truyền ném cho Trâm một cái kẹo cao su nữa.

Trâm bóc lớp giấy bao, cho vào miệng nhai rồi cười :

- Người ta thi hoa hậu nhiều lắm. Chị ghi tên dự thi đi. Chị sẽ đoạt cái vương miện, mang về cho em đội chơi.

- Thôi đừng có lãng. Trả lời câu hỏi chị đi.

- Mà chị đã làm theo lời em chưa?

- Mày tàng vừa thôi nhe.

Trâm nhe răng cười. Tuy nói thế nhưng Truyền cũng đi qua đi lại trong phòng theo lời Trâm. Một lúc Truyền hỏi:

- Được chưa?

Trâm không đáp, chỉ ngón tay bên trái bảo:

- Bên trái... quẹo.

Truyền lườm Trâm rồi quẹo theo. Trâm lại hô:

- Quẹo phải... quẹo.

Truyền lại quẹo phải. Trâm thích chí nhảy luông xuống đất cười:

- Chị đi nữ quân nhân đi chị Truyền.

- Lãng òm. Hôm nay mày mát dây hả nhỏ?

- Chị đi hay lắm. Không thi hoa hậu thì đi nữ quân nhân mới hợp.

Truyền lườm lườm:

- Đừng có nói bậy. Không thi hoa hậu mà cũng không đi nữ quân nhân. Cho mi mấy cây thước chịu không?

Trâm thụt lùi khi thấy Truyền đưa cây chổi lông gà ra trước mặt. Truyền hỏi:

- Sao, trả lời được chưa?

- Chị cất cây chổi đi thì mới trả lời được.

Truyền chỉ dọa Trâm thôi, sợ Trâm không chịu nói, thắc mắc hoài càng tức, nên tươi cười quăng cây chổi lông gà vào góc giường. Truyền đứng thẳng trước gương, chống tay hỏi:

- Rồi, nói đi chứ?

- Chị Truyền hôm nay xinh ghê cơ.

- Nịnh.

- Chị trông lớn hẳn ra.

- Láu.

- Chị có đôi mắt thật đen, thật đẹp, thật trò, thật mơ mộng.

- Chỉ dóc.

- Chị có nụ cười làm mềm lòng gỗ đá.

- Xạo quá trời.

Trâm cười khúc khích:

- Chiếc áo mới của chị đẹp khỏi chê. Màu tím là màu gì chị nhỉ?

Truyền đáp:

- Màu gì cũng được. Nhưng tụi kia bảo là màu của học trò.

- Không phải đâu. Màu của nhung nhớ í...

Truyền nhảy tới trước mặt Trâm la:

- Con khỉ, nhớ ai?

Trâm thụt lùi vào tường cười:

- Em có biết đâu.

- Mi nhiều chuyện quá, hỏi một câu mà trả lời đủ thứ vòng vo tam quốc. Tóm lại, ngó xem người ta có khác chút nào không thế thôi.

- Khác, khác xa.

- Nghĩa là sao?

- Nghĩa là... chị đẹp mê hồn luôn.

Truyền đỏ mặt định chạy tới đấm cho Trâm một cái nhưng Trâm đã chạy vòng qua cái bàn học, quanh qua cái giường, núp vào tủ áo, rồi vọt luôn ra cửa. Tiếng chân của Trâm mất hút nhưng tiếng cười giòn tan để lại làm Truyền cũng phát buồn cười theo.

Truyền trở lại gương ngắm mình thêm chút nữa. Như vậy là được. Có áo mới, chiều nay cắt bánh chắc có nhiều đứa trầm trồ. Truyền nhìn đồng hồ, đã bốn giờ rồi mà nhỏ Quỳnh cũng chưa chịu vác xác tới.

Bộ trưa nay ăn no rồi ngủ cho đói mới thức dậy hay sao mà tới trễ thế? Hay là xe bể bánh? Truyền mỉm cười hình dung ra khuôn mặt Quỳnh. Con nhỏ có nụ cười duyên dáng đấy, gương mặt cũng xinh, chỉ tội cái mập phệ nên trong lớp mọi người tha hồ đặt tên. Đứa gọi Quỳnh ú, đứa kêu Quỳn mập, còn có đứa tra Quỳnh sổ nữa. Con nhỏ quýnh lên, nhịn ăn đều đều, khát nước cũng không dám uống. Cái gì cũng ngán, cũng ngại đem tới nhiều mỡ, tăng thêm phần mỡ quá dư thừa trong người nó.

Trong khi đó Truyền lại gầy. Nhưng thà gầy chứ nhất định Truyền không mập như nhỏ Quỳnh. Truyền đi qua đi lại trông ngóng. Nhỏ Quỳnh như vậy thì tệ thật. Chiều nay hứa đến sớm để phụ giúp với Truyền một tay sắp đặt bàn ghế, chỗ ngồi, bánh nước. Hôm nay là sinh nhật của Truyền. Một ngày quan trọng. Một ngày chấm dứt tuổi mười lăm, chào mừng tuổi mười sáu. Truyền có áo mới, có bánh, và có cả một buổi chiều, một buổi tối để vui với bạn bè. Nhà đi Cấp hết. Ba mẹ muốn cho Truyền được tự do, tối về dự sinh nhật của Truyền sau. Chỉ có nhỏ Trâm đòi ở nhà chiều nay để phụ với Truyền, nhưng nhỏ này chỉ có nước ăn thôi. Ăn suốt ngày. Truyền phải canh chừng nó từ khi Ba Mẹ mang bánh về. Bây giờ nó chạy mất.

Truyền mong Quỳnh như sa mạc trông mưa. Năm giờ bạn bè tới. Bốn giờ mười phút nhà cửa y nguyên. Truyền cởi áo dài chạy xuống nhà. Truyền bắt đầu quýnh lên, lăng xăng như con mèo bị nước. Gặp Trâm đứng nhởn nhơ trước cửa, Truyền nạt:

- Đứng đó hả? Phụ người ta một tay coi.

- Cắt bánh phải không chị?

- Trời ơi, đừng có ẩu tả vậy. Ai mà cắt bánh bây giờ. Coi có nước đá chưa?

Trâm chạy lại mở cửa tủ lạnh, nói:

- Có rồi.

- Không đủ đâu, chạy mua thêm mấy trăm về chặt nhỏ bỏ sẵn trong bình đi.

Trâm xòe tay:

- Tiền đâu?

- Trong cái bóp con thỏ của chị chứ đâu.

- Còn bóp con mèo thì có năm trăm lận hả?

Truyền phì cười:

- Còn ở đó giễu nữa. Có đi mau không người ta tới nơi rồi.

Khi Trâm từ trên lầu trở xuống cầm trong tay tờ giấy hai trăm để mua nước đá, Truyền nhớ ra một chuyện hỏi:

- À quên. Anh gì quen với Trâm có tới không?

- Anh gì nhỉ?

- Thôi đừng có làm bộ. Quen với Trâm, Trâm mời, bắt chị viết thiếp mời, bắt ký tên còn làm bộ ngẫn ngơ.

- A, anh Lam. Ở phía bên kia, cái bao lơn đối diện nhà mình. Chắc là tới. Anh ấy hứa chắc mà.

- Có kỳ lắm không Trâm?

- Gì mà kỳ?

- Mời người không quen.

- Trước lạ sau quen chứ bộ. Anh ấy là người hàng xóm của mình. Ông hàng xóm sẽ quen với cô láng giềng.

Truyền nguýt dài:

- Thôi, đi mua nước đá nhanh lên, rồi về đón ông khách đó giùm chị.

- Ô kê.

Trâm chạy ngay ra cửa thì đụng ngay Quỳnh sầm sầm đi vào. Quỳnh kêu oai oái trong khi Trâm cười khì khì cắm đầu chạy mất. Quỳnh đấm cửa.

- Chủ nhà đâu rồi. Khách quý tới sao không ra tiếp?

Truyền chạy lại nghinh mặt:

- Khách quý, mời khách quý vào đây xơi mấy chổi lông gà được không?

Quỳnh cười:

- Đón khách quý bằng bộ mặt đưa đám chiếc lá vàng thế hả?

- Chưa khóc là còn may đấy.

Quỳnh bước vào ôm vai Truyền dỗ dành:

- Chi mà khóc, hả nhỏ?

- Quỳnh hẹn mấy giờ tới?

- Bốn giờ.

- Bây giờ mấy giờ?

- Bốn giờ chứ mấy.

- Đồng hồ Quỳnh bên Công Gô hả?

Quỳnh liếc nhìn đồng hồ của mình rồi cười khì:

- Mới trể có... nửa tiếng mờ. Tại cái xe của Quỳnh chứ không phải tại cái đồng hồ. Xe Quỳnh nổ lốp giữa đường, phải nhờ vá. Xong là Quỳnh phóng như bay tới đây.

Truyền giận Quỳnh vô kể, nhưng con nhỏ cố làm cho người ta cười. Biết Quỳnh ba xạo nhưng Truyền cũng đành nghe như thật. Truyền nói:

- Thôi bây giờ nhào xuống bếp. Trễ rồi. Tụi bạn sắp tới.

- Nhà vắng quá vậy Truyền? Đâu cả rồi?

- Hôm nay tụi mình được tự do hoàn toàn, Ba Mẹ Truyền đi Cấp, tối mới về.

- Ngon lành. Bữa nay cho Quỳnh ăn sinh nhật ké với nhé.

- Ké gì thì được chứ đừng dé vào cái bánh.

Quỳnh cười khúc khích. hai đứa lăng xăng líu xíu thu dọn bàn ghế. Độ nửa tiếng đồng hồ thì đâu đã vào đấy. Nhỏ Trâm tưởng đâu chỉ biết ăn, nào ngờ cũng giúp ích được nhiều chuyện. Nhỏ xin hoa ở đâu không biết có nguyên một bình cúc vàng làm nổi bật những cành hoa hồng của Truyền mua ngoài chợ về. Truyền đứng thở dốc nhìn hai cái bàn dài đâu lại với nhau, từ đầu bàn đến cuối bàn toàn là hoa. Ngó đâu cũng thấy hoa. Quỳnh chăm chú nhìn vào chiếc bánh to lớn có hàng chữ "Sinh nhật Nguyễn Thị Ngọc Truyền" bắt bằng kem, nét chữ đẹp không chê được. Truyền mỉm cười hài lòng nhìn quanh phòng. Những cánh cửa sổ được mở hết. Cây lá bên ngoài tươi non, xanh mởn. Mây trắng bay ngang từng bầy. Có tiếng chim ríu rít ngoài xa, trên những ngọn cây. Nắng vàng mặt cỏ. Bỗng Quỳnh hét toáng lên:

- Phải có nhạc nữa chứ. Quên lớn. Băng đâu, máy đâu?

Truyền cũng giật mình:

- Trên phòng mình ấy. Chết cha. Làm sao?

- Trâm đâu, lên phụ khuân xuống.

Trâm chạy lên. Ba đứa phóng tuốt lên lầu vào phòng Truyền gỡ dây điện khuân máy xuống phòng khách. Cái máy nặng khỏi chê luôn. Ba đứa khuân từ trên lầu xuống mệt ứ hơi. Quỳnh coi vậy mà được việc. Nó biết cách gắn máy, nối dây. Trâm ôm băng xuống để thử vào. Không có gì trở ngại. Tiếng hát êm lướt, xoa dịu tiếng thở dồn dập mệt mỏi của Truyền, của Quỳnh. Hai đứa cười thật tươi. Quỳnh nói:

- Phục ta chưa, mi?

- Phục sát đất.

- Bây giờ chỉ còn chờ đợi.

- Lại bắt đầu một sự chờ đợi khác. Ôi ngày sinh nhật mình mà chỉ lo chờ đợi người.

- Ai kêu mi ham tới mười sáu tuổi. Mai mốt có tới nữa thì đá nó trở lui nghe chưa?

Truyền cười, cặp mắt ướt, Quỳnh la lên:

- Trời ơi, sao không chịu thay áo mới?

Truyền nhớ ra mình hãy còn mặc chiếc áo trong nhà. Truyền chạy nhanh lên phòng. Nghe tiếng chân Quỳnh chạy theo. Truyền đứng trước gương ngó lại chiếc áo dài mới của mình. Quỳnh trầm trồ:

- Xinh ác.

- Thật hay giả vờ đó bạn?

- Thật.

- Chải lại mái tóc một chút đi em. Tóc rối bời kìa.

Truyền cầm lược rẽ lại đường ngôi. Những sợi tóc yêu dấu của cô ta bắt đầu dài, bắt đầu đen mướt, óng ánh.

Truyền cười hỏi:

- Tóc ta dài chưa Quỳnh?

- Đẹp rồi. Hôm nay mi cái gì cũng đẹp.

Một ngày quan trọng mà.

- Đẹp làm gì, Quỳnh nhỉ?

- Đẹp cho người ta nhìn, người ta ngắm.

- Người ta nào?

- Người ta của mi, làm sao ta biết được.

- Chưa có ai là người ta cả. Chỉ có mình mình.

- Thì ca bài "đừng bỏ em một mình" nghe anh.

Truyền quay lại lườm Quỳnh, vuốt tóc Truyền:

- Thôi, ta làm "người ta" của mi vậy. Hôm nay là ngày cưới tụi mình chịu không?

- Đừng ham. Ta khó cưới lắm.

- Cưới đại. Cha mẹ không cho ta cũng cưới. Ở đây không được thì đi trốn.

- Trốn tới chân trời nào?

- Chân trời nào cũng được. Tới một nơi không còn ai, không có ai, chỉ có hai vợ chồng son trẻ tụi mình thôi.

Hai đứa phá lên cười. Trâm đứng ở cửa la ầm ĩ:

- Khách tới, khách tới rồi.

- Khách đàng trai hay đàng gái?

Trâm ngẩn ngơ:

- Chị Quỳnh hỏi gì kỳ vậy?

Quỳnh bật cười:

- Không. Chị bị ám ảnh bởi cái đám cưới của chị với Truyền. Khách con trai hay là con gái.

- Khách con gái.

- Truyền, chạy nhanh không chúng nó chưởi.

Hai đứa phóng xuống nhà. Quỳnh bảo Trâm:

- Trâm lo nước đá nghen.

Trâm xịu mặt. Khách tới những khuôn mặt hăm hở để ăn. Chúng nó đứng dàn hàng ngang trước cửa chứ không chịu vào. Ôi đủ màu sắc, đủ vẻ. Đứa nào cũng diện rất bảnh. Làm như sinh nhật của chúng nó không bằng. Thấy Truyền xuống tới, chúng hét ầm lên.

- Mời khách tới ăn, sợ đồ ăn ít trốn mất hay sao mà để khách chờ quá sá. Mỏi chân rồi. Kiến bò bụng đây.

Truyền cười duyên:

- Người ta phải mặc áo đàng hoàng mới xuống đón khách chứ.

Thúy kêu ồ một tiếng:

- Ôi chao, áo mới may bà con ơi.

- Xinh ơi là xinh.

- Đẹp ơi là đẹp.

- Gồ ghề quá vậy Truyền, cho mượn đi.

Truyền hất mặt:

- Đẹp chứ sao không. Ta may ta chọn màu, chọn vải mà.

- Không thể tin vào tài thẩm mỹ viện của mi đâu. Ai chọn cho thì có, may ra dễ tin hơn.

Trầm cũng phụ họa:

- Ừ, cũng khó tin lắm đấy. Ai cho thì khai báo ra nhé. Tụi này điều tra ra thì rã đám đấy. Cho biết trước mà đề phòng.

Quỳnh la:

- Ai cho cũng tốt, mà không ai cho cũng tốt luôn. Mời quí vị vào. Bánh nguội hết trơn rồi.

Truyền hoảng hồn:

- Không được. Mấy người anh hùng ở lại chơi chút đã. Vào bây giờ, chút nữa lấy gì ăn?

Cả bọn cười ầm ĩ. Khanh hỏi:

- Còn chờ ai nữa. Bồ mi hay sao mà lo lắng quá vậy?

- Đừng ẩu. Bạn bè không. Có mấy người anh bà con.

- Bà con gần hay bà con xa?

- Bà con nhưng mà khác họ quí vị ạ.

Thúy cong môi:

- Tới đây ta bóp mũi từng đứa.

- Ta cũng thế, ta nắm tay ta dắt đi chơi.

Truyền nhăn mặt:

- Mấy cái miệng tụi mày kinh khủng quá. Tốp bớt lại. Đừng tưởng bở. Sợ chút nữa ngồi im thin thít run như thằn lằn đứt đuôi.

- Sức mấy mà run.

Trầm pha trò:

- Đứa nào run ta cạo gió cho.

Quỳnh dòm Truyền cười:

- Có một ông khách đặt biệt lắm. Truyền cho phép phát ngôn viên chính thức tuyên bố nhé?

- Vừa vừa thôi, đừng tuyên bố quá.

- Dĩ nhiên.

Truyền nhăn mũi cười:

- Chà tụi này bí mật quá.

- Bí mật cho lắm rồi lát nữa cũng bật mí.

- Ta chả thèm nghe.

Quỳnh liếc Khanh còn bén hơn dao:

- Mỗi người có một chỗ đứng trong trời đất. Không ai có quyền đuổi.

- Một chút cho mi nằm luôn.

Cả bọn lại cười ầm lên. Quỳnh tằng hắng lấy giọng. Liếm môi mấy cái rồi nói:

- Một ông khách đặc biệt sẽ tới đây vào giờ chót, đem ngạc nhiên tới cho các bạn và cả cho chủ gia.

- Gì kỳ vậy?

- Ấy, đã bảo chuyện ly kỳ mà.

- Sốt ruột thấy mồ.

- Rán đợi một tí nữa.

- Có gì ăn trong khi chờ đợi không?

Thúy liếc qua dãy bàn đã kê sẵn. Truyền ho một tiếng:

- Muốn ăn xuống bếp. Không được ăn ở đây.

- Chút nữa ăn, thì bây giờ ăn trước cũng vậy thôi.

- Chưa cúng.

Thúy le lưỡi. Trầm nheo mắt:

- Cúng lẹ lên đi nhỏ. Nhớ làm thủ tục gì cũng châm chế bớt, cúng vái ít thôi, lẹ lên. Ta đi đường xa vừa mệt vừa đói nên dễ nổi sùng lắm à.

- Chờ một tí.

- Còn ai nữa?

- Ừ, ai nữa. Ta thấy bấy nhiêu đây đông quá rồi. Khanh ăn cũng đủ mệt đứ đừ.

- Hai ông anh họ và một người láng giềng.

- Có phải ông khách mà Quỳnh nói lúc nãy?

- Khổ quá. Ta cũng chưa biết mặt.

- Ơ hay.

- Ừ, ông ấy là bạn của nhỏ Tí Bo.

Khanh hét ầm ĩ:

- Tí Bo đâu, Tí Bo đâu?

- Ở trong tô vịt tiềm.

Cả bọn lại được dịp cười. Trâm chạy lên ngơ ngác. Khanh ôm vai Trâm hỏi:

- Ông khách của Trâm tới chưa?

- Sắp tới.

- Kêu ổng lẹ lên nhe, tới trễ rửa chén ráng chịu à.

Trầm khều vai Trâm:

- Có "bô" lắm không Tí Bo, nói cho chị nghe, chị dành trước. Mấy nhỏ này dữ lắm.

- Em không biết.

- Ôi chao, nói dễ thương ghê.

Quỳnh cười:

- Đừng quên chị nghe Tí Bo. Mình quen nhau lâu lắm rồi. Hôm trước chị cho Tí Bo cả một hộp kẹo mà.

Truyền nói:

- Lo lót thêm đi quí vị, hai ông anh họ sắp tới rồi.

Thúy nắm tay Truyền cười thật tươi:

- Phần Thúy đấy nhé. Hai ông anh quý thuộc phe phái nào? Hippi già hay Hippi choai choai?

- Hippy cỡ nặng bà con ơi.

Cả bọn vừa hét, vừa cười vang cả nhà. Nhưng khi vừa nghe tiếng xe gắn máy đỗ xích lại ngoài cổng thì im bặt. Truyền đưa mắt nhìn Trâm hỏi. Trâm đưa mắt nhìn Quỳnh cầu cứu. Quỳnh cười cười:

- À, ông ta đến. Ta vô tội vạ để ta ra xỏ mũi ổng vô.

- Ta đi theo với, Quỳnh.

Quỳnh nắm tay lại nghinh mặt ngó Khanh.

- Thôi, một tay này đủ nghiêng cả sơn hà rồi. Không cần mi đâu mi ơi.

Quỳnh ung dung đi ra cửa. Con gái lắm mồm lắm miệng. Ăn nói nghe phát khiếp khi gặp nhau chừng hai người trở lên. Nhất là con gái như bọn Quỳnh. Nhưng khi ra tới cổng Quỳnh im thin thít. Tự nhiên rồi thấy ngượng ngùng. Chỉ thiếu chút nữa là "cuống quít vân về tà áo, run run đôi môi mở chào". Mấy cái hoa ngoài cổng tự nhiên đong đưa trên cành như cười trêu Quỳnh. Mắc cỡ lạ lùng, trước một người thật lạ.

Tôi đứng dưới chùm hoa giấy non. Mấy bóng người thoáng qua khoảng sân nhạt nắng chiều. Một con chim sâu nhỏ bé cũng vừa rời cành cây này bay đi với một tiếng kêu bỏ lại. Tôi đưa tay nhấn chuông, chờ đợi. Tôi hy vọng không đến trễ giờ. Và đây là lần đầu tiên tôi nhận được một tấm thiệp mời dự sinh nhật của một người lạ, chưa quen, cũng chưa thân thiết. Trâm làm tôi bối rối một chút. Cô bé ác quá. Tôi thầm trách như vậy và cười một mình lúc đi chọn quà. Chắc hôm nay tôi sẽ bị rơi vào một mê hồn trận. Tôi tính tới một chút rồi rút lui. Đó là một cách làm vui lòng Trâm. Cô bé với một bông cúc vàng trên bao lơn mỗi buổi sáng nhìn tôi qua một màn mưa giăng mờ trước khi đi học. Tôi đã biết mặt Truyền, nhưng chưa lần nào nói chuyện. Hôm nay sinh nhật muời sáu tuổi của cô bé. Tôi thấy quà tặng sinh nhật muôn đời cho một cô gái chỉ có thể là một con búp bê. Tôi lắc lắc cái hộp giấy và cười một mình. Người ra mở cổng cho tôi là Trâm. May quá tôi đỡ phải bối rối.

Trâm vừa mở cổng vừa cười:

- Tiếng chuông gọi cổng của người khách cuối cùng mà mọi người chờ đợi đấy nhé.

- Tôi mà được mọi người chờ đợi đến như thế sao. À, tại tôi tới trễ.

- Không phải đâu ạ. Mọi người có vẻ chờ đợi thật đó.

- Cô bé quên mời tôi vào rồi.

Trâm cười:

- Ấy chết, mời ông vào ạ.

Trâm nhường chỗ cho tôi bước vào rồi đóng cánh cổng lại. Hôm nay cô bé mặc chiếc rốp xòe màu trắng và chiếc áo màu xanh lá mạ. Tóc không cài hoa cúc vàng mà thay vào đó chiếc ruy băng màu tím than. Tôi khen:

- Hôm nay Tí Bo xinh quá.

- Mấy chị bạn của chị Truyền vừa ngạo Trâm ầm ĩ trong đó, bây giờ tới ông.

- Tôi khen thật. Tôi không biết ngạo.

- Ông mua quà cho chị Truyền mà quên mua cho em.

Tôi thấy cánh môi cô bé bĩu ra, có vẻ như giận dỗi. Tôi cười:

- Hôm nay sinh nhật của chị Truyền. Hôm nào sinh nhật của Tí Bo tôi mua thật nhiều quà để bù lại.

- Sinh nhật của em còn lâu lắm.

- Sinh nhật tới mau lắm. Nó đem cho mình một tuổi, không chờ mà cũng không đợi. Tin tôi đi.

- Ngày xưa, sinh nhật ông, ông có chờ không?

- Tôi không nhớ được ngày sinh của mình.

Trâm ngạc nhiên:

- Sao kỳ vậy?

- Mẹ tôi sinh tôi ra trong lúc chạy giặc. Mãi đến sau này mới ra tòa án làm khai sinh. Thế nên không nhớ ngày giờ gì nữa. Tôi phải mang một ngày sinh theo trí tưởng tượng của bà.

- Vui nhỉ?

- Ừ, không có ngày sinh nhật cũng vui như người ta có ngày sinh nhật để vui vậy.

- Vui mà buồn.

Tôi ngó Trâm, thấy những sợi tóc óng ánh của cô bé. Bước chân Trâm nhún nhẩy trên lối đi. Koảng sân rộng đã hết. Tôi thấy mấy chiếc xe gắn máy nằm rải rác quanh đó, dưới những bóng cây. Trâm dừng lại trước cửa gọi:

- Chị Truyền ơi, có khách tới.

Truyền bước ra với một nụ cười. Chiếc áo dài màu vàng làm sáng rực một vuông cửa. Bên trong, tôi thấy những gương mặt lấp ló, những màu áo, những tiếng cười khúc khích nổi lên. hai người contrai tiến ra bắt tay tôi. Truyền giới thiệu. Trâm ngược lại, dành để giới thiệu tôi. Mọi người cùng cười. Gói quà được đưa cho Truyền. Cô bé lí nhí một lời cảm ơn và nở một nụ cười. Tôi thích nụ cười thành thật và rộng mở như thế. Và tôi bước vào nhà làm người khách cuối cùng, mọi người trông ngóng, chờ đợi tôi đúng như Trâm đã nói.

Tôi nói chuyện với hai người thanh niên. Họ có vẻ lúng túng trước một đám đông toàn con gái. Tôi bắt gặp vẻ ngượng ngập của họ. Tự nhiên tôi mỉm cười. Con trai bắt đầu bằng những điếu thuốc của mình. Con gái bắt đầu khui nước ngọt và nói chuyện tiếp. Tôi nhìn quanh bàn, không khí có vẻ rực rỡ vui mắt. Nhưng món ăn được bày biện một cách khéo léo. Chiếc bánh to cắm mười sáu cây nến. Những bình hoa nhỏ thật đẹp mắt. Tôi ngồi cách hai người thanh niên rồi tới Trâm. Truyền ngồi kế đó với Trầm và Khanh. Phía bên kia gồm Quỳnh và những người tôi chỉ vừa biết tên, nhưng chắc là khó nhớ được hết một lúc

Khanh nói trước nhất:

- Thôi đốt lên đi chứ, Truyền.

- Tuyên bố lý do đã. Phải thủ tục, lễ nghi đàng hoàng đừng có ẩu.

- Tuyên bố lè lẹ lên chứ.

Trâm ngó tôi cười. Truyền bối rối đứng lên sau khi được các bạn nhắc nhở, thúc giục. Trầm pha trò:

- Chà, cảm động. Đừng có khóc nghen.

Quỳnh cười:

- Can đảm lên. Khóc ta ăn hết.

- Sức mấy mà khóc hả Truyền?

Người thanh niên ngồi bên cạnh tôi lên tiếng hỗ trợ. Thúy nói:

- Xin mấy phút yên lặng.

- Mấy phút xin nói rõ ra. Đừng có mơ hồ.

- Năm phút.

- Bốn phút thôi. Năm phút lâu quá.

- Thôi, yên cho nó nói. Mi dành nói cả.

- Nói đi Truyền. Nói xong ta cho mi uống nước.

Truyền chớp mắt:

- Quí vị hối quá, cảm động thật thì nguy.

- Tha hồ mà cảm động.

- Cảm động một chút thôi chứ, cảm động hết mai mốt lấy gì cảm động nữa?

Truyền ngó quanh bàn, bắt gặp những nụ cười. Phải nói hôm nay Truyền xúc động thật. Ngày sinh nhật lần này, Truyền bước vào tuổi mười sáu có cái gì mông mênh, lớn lao như đời sống đã sang bờ, qua một đại dương muôn trùng. Truyền của ngày mười sáu tuổi khác xa với Truyền hồi còn mười lăm. Phải chăng mình đã bắt đầu bước xa khỏi một khoảng đời thơ ấu? Truyền ngó mười sáu ngọn nến cắm vòng quanh chiếc bánh sinh nhật, những ánh nến lung linh soi hồng đôi má Truyền, soi hồng những gương mặt bạn. Như thế là ta đã thổi tắt những ngày hôm qua để đốt lửa cho những ngày sắp tới.

Trâm cấu vào tay chị nói khẽ:

- Nói gì đi chứ chị Truyền. Chị không nói, em nói thế nghen?

Truyền lấy giọng một lần cuối cùng rồi nhỏ nhẹ nói, trong khi các bạn của Truyền đã im lặng.

- Thưa các anh, thưa các bạn. Hôm nay là ngày sinh nhật thứ mười sáu của Truyền. Được đông đủ các anh và các bạn tới dự, Truyền rất cảm động. Truyền cảm động thật. Truyền khó mà nói gì nhiều. Khó nói quá. Thôi, Truyền xin phép thổi nến.

Tiếng vỗ tay rào rào. Truyền chu môi đỏ mặt thổi nến. Thổi một lượt, còn năm cây nến chưa chịu tắt. Thúy đứng lên:

- Để ta thổi phụ với.

Thúy thổi phù phù. Nến lần lượt tắt hết. Khanh cười cười:

- Nói gì mà ngắn tí xíu vậy?

Quỳnh thúc vào hông Khanh:

- Mi có tiếc thì nói tiếp đi.

- Ăn xong rồi nói.

Trầm lườm Khanh:

- Cái bụng cái dạ mi ta biết rõ như ban ngày như bàn tay ta có năm ngón vậy. Thấy ăn thì mắt sáng lên còn làm bộ tử tế.

Khanh cười, đảo mắt quanh những gói quà, rồi vụt la lớn:

- Quên lớn rồi, phải khui những gói quà này ra chứ?

- Ừ nhỉ, quên nhỉ?

- Tại sao Truyền lại có thể quên chuyện trọng đại này nhỉ?

- Khui quà bây giờ, quê chết.

- Quê gì. Ta tặng cho nó mộ con thỏ vặn dây cót, nhảy cà tưng như nó vậy.

Mấy ông con trai có vẻ ít nói trước đám con gái. Nãy giờ chả ai phát biểu câu nào.

Quỳnh ngày thường cũng không thua chi bọn Khanh, nhưng không hiểu sao hôm nay cũng ít nói. Có lẽ tại từ lúc ra cổng rước anh chàng lạ mặt vào nhà, Trâm khều tay Truyền nhắc:

- Thôi khui quà đi chị Truyền rồi cắt bánh nữa chư. Để em đi mở nhạc.

Tôi nói:

- Đừng mở nhạc ngoại quốc nghe. Nhất là nhạc soul. Tôi thích nghe những bản nhạc tiền chiến, thật xa xôi, thật xưa cũ.

Tiếng nhạc trỗi lên bằng giọng ca của một nam ca sĩ. Có thể không phải là một ca sĩ. Giọng ca không nhà nghề, giọng ca ít nghe và rất tài tử. Tôi thích một giọng ca vàng như thế. Khanh đứng lên phụ với Truyền khui những gói quà. Những tiếng cười khúc khích, tiếng ồ đầy vẻ ngạc nhiên. Cuối cùng bữa sinh nhật của người con gái nào cũng đều nhận được nhiều búp bê. Truyền có vẻ thích thú con búp bê của tôi hơn, mái tóc hung hung và chiếc khăn quàng cổ lấm tấm hoa ấy làm mắt Truyền chớp mãi. Mỗi một bàn tay sắp một con búp bê trước mặt. Ngó lại, bàn toàn búp bê và hoa. Khi Truyền cầm con dao nhọn định cắt bánh thì có một người nói:

- Khoan khoan, bánh ăn cuối cùng. Bây giờ ăn đồ mặn trước.

- À, lại quên. Hôm nay Truyền mù mờ quá.

- Chắc tại nhỏ cảm động.

- Còn phải nói.

Và mọi người bắt đầu bữa ăn. Bữa ăn pha đầy tiếng cười. Có người đề nghị tắt máy để thưởng thức những giọng ca đặc biệt. Nhưng lời đề nghị có lẽ không làm ai hăng hái. Những gương mặt quay vội đi che giấu. Những nụ cười ngượng ngùng lấp kín. Quỳnh nói:

- Nghe băng cũng chán. Bây giờ nghe lời ca tức cảnh sinh tình thú hơn. Đề nghị mỗi người một bản tặng Truyền.

- Quỳnh ca trước đi.

- Không. Phải chọn cơ. Truyền đóng vai chủ gia, cho Truyền được quyền quyết định.

Truyền nhả một miếng xương vào chén, cười sung sướng:

- Chỉ ai thì người đó hát hả?

- Chứ sao?

- Vậy Truyền chỉ một người đầu tiên thôi nhé?

- Chỉ đi, nhưng đừng có chỉ tui à.

Mọi người khúc khích cười. Truyền đảo mắt một vòng quanh bàn. Những con mắt chớp nhanh giấu mặt. Nhưng Truyền đã có ý định từ đầu. Truyền chỉ một người lạ:

- Mời anh Lam ạ.

Lập tức tiếng vỗ tay như mưa rào. Tôi mỉm cười đứng lên nói:

- Tôi hát cũng được đấy. Nhưng quí vị có can đảm ăn nữa sau khi nghe tôi hát xong không đã?

- Có.

- Có chứ.

- Anh tự nhiên. Tụi này chỉ sợ bắt làm chứ không sở bắt ăn đâu mà lo.

Tôi ngó Trầm:

- Trầm có dám ngồi lại không?

Trầm đỏ mặt:

- Chắc dám. Tin là anh hát không đến nổi... tệ.

- Tôi chỉ hát được một bài thôi. Bài con ếch che dù. Quí vị có muốn nghe không?

- Gì mà con ếch che dù?

- Bài này lạ.

- Sao không hát bài con nhái che dù mà bài con ếch.

- Tại vì anh Lam không thuộc ài con nhái.

Những giọng cười nổi lên một cách thích thú. Tôi đứng ngây người cố giữ vẻ tự nhiên. Đây là một bài hát trẻ con học tiểu học, tôi nghe chúng hát trong xóm khi chúng bày trò chơi. Bài hát duyên dáng, dí dỏm. Và tôi hát:

Con ếch đi tu

Nó vô trong chùa

Nó kêu uệch uệch

Chú chệt bán dầu

Chú đi qua cầu

Chú té chú chết

Tôi không có giọng khôi hài lắm nên bài hát không tức cười. Tuy nhiên cả bàn tiệc cũng cười lăn. Truyền định nói cái gì đó nhưng không thể nín cười được. Quỳnh cười chán chê rồi mới khen tôi hát hay. Sau đó, mọi người thay phiên nhau hát. Tôi ngồi yên nghe. Truyền hát cuối cùng với bài "Tóc Mai Sợi Ngắn Sợi Dài". Bài hát có những câu thật cảm động và Truyền hát làm tôi nhớ mãi. Mọi người chia bánh. Trâm cho tôi một tách nước trà xanh ngon mắt. Nước trà bọc khói thơm. Phần bánh của tôi có chiếc hoa hồng vàng. Quỳnh táy máy làm sao lại lôi ra được trong gói quà của tôi ra bài thơ tôi làm tặng Truyền. Quỳnh hét lên:

- Trời ơi, anh Lam là một thi sĩ. Anh ấy làm bài thơ tặng Truyền này.

- Đâu.

- Đọc xem.

- Ngâm lên cho người ta thưởng thức với Quỳnh. Mình mi độc quyền à?

Tôi ngó Quỳnh, hơi xấu hổ:

- Cho tôi xin đi Quỳnh. Tôi làm thơ dở lắm. Đọc lên thiên hạ bỏ chạy về hết.

- Thơ anh Lam hay thấy mồ.

Thúy chu môi:

- Thơ hay thấy mồ là thơ hay làm sao vậy Quỳnh?

Truyền bỗng lên tiếng cứu bồ:

- Ơ, của người ta. Không ai được ngâm nga chi hết.

- Của Truyền. Đồng ý. Nhưng chút nữa cơ. Bây giờ là của chung. Phải đọc lên cho tất cả nghe. Trâm bên tôi.

- Quà người ta tặng cho ai thì người đó mới có quyền chứ.

- Trầm ngồi gần anh Lam.

- Tí Bo đi Tây Ninh thêm dấu nặng rồi.

- Đề nghị anh Lam làm tặng mỗi người một bài thơ là xong chuyện.

Tôi cười:

- Sẽ có.

- Chừng nào?

- Khi mỗi cô đi lấy chồng.

- Như vậy là thơ tiễn đưa, buồn lắm. Muốn anh làm thơ tặng ngày sinh nhật thôi à.

- Vậy nếu ai có sinh nhật nhớ mời tôi nhé!

Truyền chạy tới phía Quỳnh giật bài thơ xếp trong túi áo. Tôi mừng lắm. Chỉ sợ Quỳnh đọc lên thì xấu hổ. Tôi quay qua bảo Trâm:

- Trâm tới cho băng chạy đi.

- Nhạc gì chú?

- Nhạc gì cũng được.

Tiếng nhạc cất lên sau đó. Mọi người ngưng nói chuyện. Hình như tất cả đều no, ngán bánh ngọt. Tôi cố ăn hết phần bánh trong dĩa của mình và nhâm nhi cho hết tách nước trà. Bên ngoài bóng tối đã tràn ngập khoảng sân. Truyền bật đèn.

- Nhạc buồn quá.

Một người bỗng thốt lên câu nói bất ngờ đó. Và không khí tự nhiên cũng lắng lại, buồn theo. Tôi rời chỗ ngồi bước ra thềm đứng nhìn những ngọn lá, lem úa trong bóng tối. Trong khoảng sân nhà Truyền có nhiều chim. Chúng thấy tôi, bay về đậu trong các khóm cây và khóm hoa kêu chíp chíp. Trâm đứng bên cạnh tôi, thấy tôi ngậm điếu thuốc và đang móc túi tìm bật lửa. Trâm chạy vào nhà lấy bật lửa và bật đánh tách một tiếng mồi cho tôi.

- Trâm không ở trong đó chơi à?

- Ra này đứng với chú vui hơn. Chú đang nhìn gì?

- Đang nhìn lá cây, nhình hoa, nghe tiếng chim và cảm nhận hương thơm buổi tối.

- Chú nói như làm thơ. Ừ nhỉ, chú là thi sĩ mà.

- Chú không phải là một thi sĩ đâu.

- Chú làm thơ mà.

- Buồn thì viết mấy câu. Cũng như vui vui thì hát chơi mấy câu. Như cháu thường nghe chú hát ngoài bao lơn đó.

- Nhà chú, Trâm chưa qua lần nào. Chắc có nhiều sách lắm.

- Hôm nào Trâm qua tha hồ đọc. Sách nhiều lắm.

- Trông chú lúc nào cũng có vẻ buồn. Tại sao vậy chú?

Tôi bật cười:

- Đâu có. Chú lúc nào cũng vui. Không vui sao chú tới dự sinh nhật chị Truyền.

- Ừ nhỉ, sao Trâm gọi chú bằng chú, còn chị Truyền gọi chú bằng anh?

- Gọi gì cũng được. Miễn đừng gọi chú bằng bác là được rồi.

Nghe thế, Trâm cười khúc khích. Mọi người hình như cũng bỏ chỗ ngồi của mình để ra đứng dọc thềm hay đi tản mác trong sân. Trong nhà nhạc vẫn mở và tiếng hát vẫn vọng ra.

Truyền tới bên tôi nói:

- Anh Lam, Truyền vừa đọc bài thơ của anh xong. Cảm động lắm.

- Đừng khóc là được.

- Nếu không có ai. Truyền khóc ngay bây giờ.

Trâm cười:

- Chị Truyền thường khóc như vậy đó chú Lam ơi. Trong nhà Ba thường gọi chị là "người dòn cười, tươi khóc". Nghe hay ghê.

- Anh Lam làm thơ hả?

- Tôi không có làm thơ.

Trâm bảo:

- Anh Lam vừa nói với em. Ấy quên, chú Lam chứ. Chú vừa bảo: buồn chú viết mấy câu, rồi thành thơ. Cũng như vui vui chú hát mấy câu rồi thành nhạc. Chú Lam khiêm nhượng.

Trâm nói chuyện hay hơn cả tôi tưởng. Trâm thêm thắt vào câu nói của tôi làm nó hay thêm lên. Ngôi nhà này thường ngày chắc vắng và êm đềm. Tôi tưởng tượng những buổi tối như thế này chị em Truyền cũng đứng ngoài thềm nhìn lá cây khuất mờ trong tối, nghe hương hoa thoảng bay đâu đó. Tôi cười:

- Có bao giờ tôi nghĩ mình bước vào ngôi nhà này đâu.

- Công của Trâm đấy. Quen nhau vì một tấm thiệp mời.

Hình như hai chị em Truyền nhìn nhau rồi thầm mỉm cười. Tôi nói tiếp:

- Sinh nhật mười bảy nhớ mời tôi nhé?

- Mai mốt tới sinh nhật Trâm rồi, chú lo qua đi thì vừa. Nhớ làm cho Trâm bài thơ nữa nghen chú.

- Trâm ăn sinh nhật thứ mười mấy nào?

- Thứ mười ba.

- Vậy, chú chép cho Trâm bài thơ "Tuổi mươi ba" nhé?

- Không chịu. Phải thơ của chú cơ.

- Để chú rán xem.

Trâm cười:

- Trời ơi, làm như ăn uống gì không bằng.

- Phải rán mới được. Chú làm thơ toàn rán không. Không rán, chú tịt. Chữ nghĩa bay mất hết trơn.

- Ừ thôi. Chú rán dùm cho Trâm vậy. Chờ chú từ bây giờ nhé?

Tôi ném mẫu tàn thuốc ra sân, gật đầu. Mẫu tàn còn lóe sáng một lần cuối cùng rồi mới chịu tắt hẳn. Có tiếng nói, giọng cười của ai đó rải rác vang lên. Tôi nói với chị em Truyền:

- Tôi về nhé?

- Anh Lam không ở lại chơi một chút nữa?

- Tôi về, gần nhau quá, khi nào buồn, tôi sẽ qua chơi. Lo gì.

- Để Trâm đưa chú Lam về.

Tôi quay lại cười:

- Cám ơn. Nhưng mà này, hai chị em gọi tôi gì kỳ thế?

Truyền xấu hổ quay đi. Trâm theo tôi ra cổng. Tôi gật đầu chào một vài người.

Trâm nói với tôi:

- Họ Ồn ào quá chú nhỉ?

- Như thế mơi vui chứ.

- Sợ chú phiền lòng.

- Không có gì.

- Đi ngõ này đi chú.

Trâm kéo tay tôi vòng qua ngõ phía tay mặt. Con đường tối, về nhà tôi xa hơn nhưng là một con đường đẹp, có nhiều lá và hoa. Hoa ở ven rào nhà ai nở thơm ngát trong đêm. Tôi nghe dưới chân mình xào xạc lá khô. Không có mưa, con đường khô ráo. Lối đi tắt trong xóm nghe nao nao một cảm giác lạ lẫm mơ hồ.

Trâm cười:

- Tới nhà chú rồi. Gần quá. Phải chi đi xa hơn một chút thì hay.

- Thôi Trâm về. Ở đằng đó tiệc vẫn còn.

- Mấy bà ấy còn định đi xinê nữa đó chú Lam.

- Trâm có đi không?

- Đi. Chứ ở nhà buồn quá. Nếu ba má về sớm Trâm sẽ không đi, chỉ bắt chị Truyền mua mấy cốc kem thôi.

Tôi tra chìa khóa mở cửa Trâm bỗng nói:

- Cháu muốn mượn chú một cuốn sách.

- Sách gì?

- Cuốn gì cũng được. Cho cháu vào nhà không?

- Mời cháu vào.

Tôi đẩy cánh cửa và nhường lối cho Trâm bước vào. Trong nhà tối om. Vì khi đi tôi chưa bật đèn. Lúc đó hãy còn là buổi chiều và cửa sổ là một khoảng nắng vàng thắp sáng cả căn phòng. Tôi nói:

- Để chú đi bật đèn đã.

Tôi lần mò đi tới chỗ cái công tắc. Trâm không chịu đứng một chỗ, Trâm đi theo tôi và ngã chúi vào bộ ghế sa lông. Tôi bật đèn lên, Trâm xuýt xoa chân. Tôi tới gần, xem và hỏi:

- Có sao không?

- Đau một chút.

- Lẽ ra cháu phải đợi chú bật đèn.

Trâm ngó quanh nhà, có vẻ chú ý đến bức tranh treo trên tường. Trâm khen:

- Bức tranh đẹp quá. Cháu vẫn thích một người thiếu nữ tay đeo vòng.

- Của người bạn vẽ tặng chú.

- Ai vậy chú?

- Chú làm sao biết được trong trí tưởng tưởng của anh ta.

Trâm cười:

- Chú lấy sách cho cháu đi chứ.

Tôi nhớ đã hứa nên nói:

- Cháu chờ tí xíu nha.

Trâm gật đầu, mắt không rời bức tranh.

Tôi chạy lên lầu lấy một cuốn mà không biết đó là cuốn gì, mang xuống đưa cho Trâm. Và hình như cô bé cũng chẳng cần biết tôi đưa cuốn sách gì nữa. Cô bé đi ra cửa sau khi vẫy những ngón tay nhỏ ra hiệu chào từ biệt. Tôi nhìn theo Trâm và chợt bật cười một mình.

Về tới nhà tôi thấy mảnh giấy ghim dưới ổ khóa. Tôi ngạc nhiên rút vội mảnh giấy ra xem. Những dòng chữ quen thuộc của Trâm, viết một cách vội vả:

"Chú Lam,

Chú có người bạn ở xa về tìm. Không biết chú đi chừng nào về nên chú ấy ra ngoài quán cà phê đầu ngõ ngồi đợi. Cháu có hỏi tên, chú ấy tên là Tuế. Phải bạn cũ của chú không? Chú đi đâu mà hôm nay về trễ quá vậy? Tội nghiệp chú kia ghê".

Tôi ngạc nhiên vì tin Trâm báo Tuế, bạn tôi lâu lắm rồi chưa gặp. Chắc chắn là hắn nghỉ phép năm, tạt qua thăm tôi. Đã lâu, chúng tôi chỉ liên lạc với nhau qua thư từ. Mà thư từ cũng hiếm hoi như niềm vui. Bởi cả tôi và hắn hai đứa đều lười và bận bịu những chuyện gì đó. Tôi trở ra đầu đường tìm Tuế. Quả nhiên, hắn ngồi chờ tôi trong quán cà phê. Buổi rưa, quán không còn một người khách nào, ngoài Tuế. Hắn ngồi bên ly cà phê đã cạn và chiếc gạt tàn đầy nhóc những mẫu thuốc vụn, trông thật tội nghiệp. Hắn đổi khác nhiều quá. Tôi nói với một nỗi vui mừng:

- Về lúc nào vậy bạn?

- Về từ sáng, chờ mày muốn chết.

- Về phép?

- Dưỡng thương. Tao bị thương ở chân. Bây giờ hãy còn đi cà nhắc.

- Như vậy chắc nghỉ được lâu?

- Mười bốn hôm.

- Tha hồ chơi. Bây giờ về nhà chứ?

- Ngồi uống cái gì đã.

Tuế gọi thêm một ly trà đá thật to. Tôi gọi cà phê sữa đá. Tôi ngồi nhìn Tuế. Hắn đen quá, phong trần quá, Tuế ngó tôi cười cười:

- Nhìn gì?

- Mày trông lạ. Đen và phong trần hơn xưa nhiều.

- Chưa chết là may.

Tôi thấy ngậm ngùi theo câu nói của Tuế. Tôi với Tuế là hai người bạn xa cách. Tôi ở đây và Tuế luôn luôn ở một phương trời nào. Lâu mới được gặp nhau. Tuế luôn luôn có một nụ cười trên khuôn mặt buồn.

- Chuyện Hạ thế nào rồi?

- Bình thường.

- Mày nói là bình thường thì hãy nghĩ là sóng gió.

Tôi cười buồn:

- Đừng méo mó nghề nghiệp nhé bạn.

- Tao nói đúng.

- Có định đi Đà Lạt chơi không? Ở đây hết bao nhiêu ngày phép đó cũng phí.

Tuế ngó tôi:

- Đi chứ. Nhưng ngày mai tao phải về Huế rước em gái tao vào. Rồi cùng đi luôn, mày có đi không?

- Nếu thấy thích.

- Sao lại có chuyện đó? Tưởng mày phải nhiệt liệt hoan nghênh nữa chứ.

- Bây giờ đi Đà Lạt thấy buồn, thấy lơ ngơ làm sao. Không còn thích thú sôi nổi như ngày nào.

- Ở đó vẫn còn có Hạ. Sáng mai tao đi đánh điện tín giùm mày, chắc nàng mong ghê lắm.

- Tùy. Bây giờ thấy cũng nên đi Đà Lạt một lần nữa. Thú thật, tao đang muốn nói chuyện với Hạ rõ ràng hơn, một lần cuối.

- Ngày mai thứ Tư, đi thứ Năm, thứ Sáu mình về, thứ Bảy đi Đà Lạt, đồng ý?

- Đồng ý. Nhưng khoan đánh điện tín cho Hạ, chờ mày vô đã. Sợ về ngoài đó lỡ kẹt chuyện gì thì lỡ dở hết.

- Tao về sớm, nhưng như thế cho chắc ăn. Tao vô hãy đánh điện tín cho Hạ.

Tôi hỏi Tuế.

- Ăn cơm chưa?

- Chưa.

- Vậy uống xong mình đi ăn cơm.

- À, lúc vào nhà mày không gặp mày, tao có gặp một cô bé chắc cô bé cho mày biết.

- Cô bé ấy biên giấy nhét dưới ổ khóa. Một cô bạn nhỏ.

- Cô bé có chị phải không?

- Dĩ nhiên.

- Và mày quen luôn cô chị?

- Một dịp tình cờ, nhân ngày sinh nhật.

- Thế thì vui đi.

Tôi đấm vai Tuế:

- Đừng có đùa. Hàng xóm đấy mà.

- Thì hàng xóm cũng là người quen, quen rồi thân mấy hồi?

Tôi im lặng với nụ cười buồn. Bức thư của Hạ vừa gởi cho tôi sáng nay nhắc tôi nhớ một chút Đà Lạt. Một ngày Noel năm nào. Một đêm tháng mười hai năm nào. Tưởng như còn nghe tiếng bước chân của tôi vang trên đường thả dài hết con đường dốc. Thành phố đó có sương bay trong đêm khuya và hoa nở ngát trên đồi, trong vườn nhà ai. Nhưng cũng từ những bức thư đó cho tôi biết rằng, tôi sắp sửa phải từ biệt. Như thế có buồn lắm không?

- Thôi đi.

Tôi gật đầu gọi đứa trẻ con đến tính tiền rồi cùng với Tuế bước ra khỏi quán. Tôi chở Tuế tới quán cơm tôi vẫn ăn cơm tháng. Giờ này khách đã thưa. Họ chỉ tới đông đúc khoảngg từ mười hai giờ tới mười hai giờ rưỡi. Tôi thường tới trễ hơn để được ăn một cách nhàn nhã thoải mái. Người đàn bà chủ quán quen với thói quen của tôi nên không ngạc nhiên. Tôi tới lúc nào ăn lúc đó. Đôi khi tôi đèo thêm vài người bạn. Người đàn bà vẫn vui vẻ như thường. Bà có vẻ coi tôi như người trong gia đình. Thấy tôi và Tuế bước vào. Người đàn bà cười:

- Hai người hay có thêm nữa, cậu?

Tôi lắc đầu:

- Không. Có hai chúng tôi thôi.

Người đàn bà quay vào trong. Tôi và Tuế ngồi xuống cái bàn rộng thường ngày tôi vẫn ngồi. Tuế nhìn quanh có vẻ hài lòng. Tôi nói:

- Bà ấy coi mình như người nhà. Tạm được. Có quyền thiếu từ hai tháng tiền cơm trở lên nhưng đừng quá năm tháng.

- Bà ấy có con gái lớn không?

- Có.

- Bà định gả cho mày?

Tuế nhìn tôi cười khúc khích. Tôi nói:

- Con bà đi học, ở nội trú. Cuối tuần mới về một lần.

- Ai cấm hai người xa cách yêu nhau.

- Mày lúc nào cũng nhìn thấy tình yêu. Tưởng yêu nhau dễ lắm à?

- Đối với tao thì rất dễ.

- Tao thì không.

Tuế cười:

- Tao nhìn ở đâu cũng thấy tình yêu. Những năm tháng ở rừng, đói cơm khát nước, nhìn ở đâu cũng thấy thịt gà nước ngọt.

Đứa bé con dọn cơm lên. Bữa ăn có vẻ thịnh soạn vì được thêm nhiều món ăn hơn, và có hai đôi đũa. Người đàn bà biết hôm nay tôi đãi khách. Một lúc bà ra hỏi:

- Cần gì cứ cho biết nghe con.

Bà kêu tôi bằng con ngọt xớt làm Tuế phì cười và tôi thấy ngượng. Bình thường tôi vẫn nghe bà gọi như thế nhưng hôm nay dường như ngữ điệu có ngọt ngào hơn. Tuế khều tay tôi hỏi nhỏ:

- Rồi mày gọi bà ấy bằng gì?

- Đủ kiểu, có khi Dì, có khi Thím, có khi vui thì Má.

Tuế cười trêu tôi:

- Mày gọi bằng Má luôn đi cho tao có cơm ăn hoài. Ê, kêu bia uống chứ mày.

Tôi cũng vui vẻ chìu theo Tuế:

- Má cho con hai chai bia nhỏ, thằng bạn của con nó uống dữ lắm.

Người đàn bà đem tới hai chai bia, khui, rót vào ly đá. Bà hỏi han đủ thứ chuyện như người thân thiết lâu ngày mới gặp dù tôi có mặt ở đây mỗi bữa ăn. Tuế ăn ngon lành, và tôi cũng thấy đói. Bữa ăn nhờ có Tuế mà không khí bớt đi vẻ trầm lặng u buồn vốn có ở tôi. Tôi không uống được bia nhiều, chỉ một ly là mặt mày đỏ gay. Bữa ăn kết thúc với mấy trái chuối già ngọt lịm ướp đá của người đàn bà chủ quán tốt bụng.

Bà hỏi:

- Chiều, người bạn con có ăn cơm không?

- Dạ có chứ. Nó còn ở đây lâu.

Bà day sang Tuế:

- Vậy cậu cứ tới, đừng ngại. Cứ coi như trong nhà.

Tuế gật đầu:

- Dạ, cháu tới với nó chứ biết đi đâu ăn bây giờ.

Hai đứa tôi chào người đàn bà, dong xe ra đường phố. Buổi trưa nắng thật gắt. Tuế hỏi:

- Cần về nhà không?

- Không.

- Vậy đi ciné.

- Bây giờ à?

- Ngay bây giờ. Lâu quá tao không được xem. Không được ăn một cốc kem. Tao khoái coi ciné rồi ra ngồi ăn kem ngắm phố xá.

- Mày làm như còn trẻ con.

- Chưa bao giờ tao như trẻ con bằng lúc này. Thấy cái gì cũng thèm. May mà tao còn về gặp mày để đi chơi nghêu ngao.

- Ghé Thuận đi bạn ơi.

- Dĩ nhiên phải có nhân vật chính.

Tôi đưa Tuế xuống chỗ Thuận. Trong lúc hai người nói chuyện với nhau một cách vui vẻ, cảm động, tôi đi loanh quanh xem những món đồ chơi bày trong tủ kính. Tôi đi dạo một mình trong khoảng hành lang vắng. Đã có nơi đóng cửa nghỉ trưa. Tôi đoán chắc Thuận cũng sắp tới giờ nghỉ. Và sau đó, chúng tơi sẽ đi chơi với nhau. Tôi sung sướng chia xẻ niềm vui của người khác, của Tuế và Thuận. Tôi huýt sáo và trở lại chỗ họ.

Tuế hỏi:

- Mình đi chứ?

Tôi đưa mắt ra ý hỏi Thuận.

- Sắp đóng cửa nghỉ rồi anh.

- Nghỉ luôn cả buổi chiều đi.

Thuận cười, và tôi hiểu là nàng đã bằng lòng.

- Tuế đợi đưa em đi ăn cơm đó.

Tuế cười:

- Em chưa ăn cơm phải không?

- Không. Em không thấy đói.

Tôi trêu Thuận:

- Bây giờ có nhịn đói một tuần cũng không sao. Nhìn nhau đủ no cả năm rồi.

Thuận ngượng, lườm tôi một cái. Tôi không hiểu nổi Thuận. Một người con gái sống xa cách gia đình, trông coi một quán hàng. Ăn cơm tại quán buổi trưa, chiều về nhà bạn. Ở lang thang từ chỗ này sang chỗ kia tùy theo nỗi vui, nỗi buồn. Đời sống như thế mà làm sao chịu nỗi. Tuế lâu lâu về một lần. Đi chơi với nhau, sống với nhau ít ngày rồi chia tay. Tôi nghĩ như thế là Thuận đã chịu đựng, và chờ đợi một ngày nào đó, một cơ hội nào đó. Đời sống buồn quá. Một lúc sau, quán đóng cửa. Thuận có vẻ thảnh thơi đi với chúng tôi. Đúng hơn là thảnh thơi với Tuế. Nhìn hai người, tôi thấy thành phố nên có những đôi tình nhân như vậy.

Những đôi thình nhân ở xa nhau, lâu lâu mới gặp một lần. Và tự nhiên tôi lại nghĩ đến Hạ. Tới chuyến đi ngày vuối tuần sẽ mang tôi trở lại với thành phố ấy. Bây giờ có gì khác xưa. Tôi chạnh nhớ nụ cười và mái tóc của Hạ trong mưa nhỏ bay bay, trời Đà Lạt.

- Đi đâu Lam?

- Đi đâ tùy hai người chứ. Tôi đứng bên lề.

Tuế và Thuận cười khúc khích. Thuận hỏi thăm tôi về Hạ. Tôi không biết trả lời sao, chỉ cười, rồi thôi. Câu chuyện được xoay về hướng khác. Tôi nói:

- Đi đâu thì đi, chiều nay tôi phải tới chỗ làm một chút.

- Ciné xong đã.

- Dĩ nhiên.

Tôi đưa cho Tuế cái chìa khóa và dặn:

- Cứ về nhà. Và tự nhiên dọn dẹp những gì thấy cần dọn dẹp.

Thuận cười:

- Anh Lam phải có một cô nào mới được

- Chi vậy?

- Tới dọn dẹp nhà giùm anh, sống một mình chắc bê bối lắm.

- Thuận thường tới, hẳn biết.

- Chừng nào cho người ta uống rượu mừng đây ông?

- Với ai?

- Cô Hạ đó.

Tôi cười. Sẽ không không bao giờ có Hạ. Tôi chỉ còn một mình. Uống rượu mừng hai người khác thì có. Hạ dường đã phai nhạt dần trong tôi như một màu nắng cũ. Như một đài hoa héo úa sau một ngày rực rỡ khoe tươi.

Tôi đi bên cạnh hai người bạn, mà suy tư về hạnh phúc chính mình. Buổi trưa thành phố thưa người. Nắng chói gắt hừng hực trên da mặt. Tôi rất yêu thành phố này, nên tôi chưa rời bỏ nó được. Tôi thích rảnh rang và rong chơi một mình. Nhưng ngày tháng và công việc như trùng lấp trong tôi. Tôi vẫn đi và về qua một con ngõ quen, một ngôi nhà yên lặng với những nỗi buồn, nỗi nhớ thương về những người thân đã bỏ ra đi. Tuế nói với Thuận về chuyến đi Đà Lạt sắp tới. Thuận hỏi tôi:

- Anh Lam có đi không?

Tuế đáp thay:

- Sao không. Thành phố nhớ thương của chàng mà.

Thuận cười, nhìn tôi:

- Thế là anh Lam sắp gặp lại người trong mộng rồi nhé. Chắc trái tim đang đập rộn trong ngực?

Tôi lắc đầu cười nhẹ. Đà Lạt, thành phố ấy tôi chỉ nhớ tới những giọt sương bay trong chiều đi dạo bên hồ. Những chân dốc hoa quỳ vàng nở rực rỡ. Dà Lạt, một đêm tháng mười hai nào tôi quen Hạ. Bây giờ có thêm những cánh thư và những nỗi ngậm ngùi.

- Có quà cho Đà Lạt không anh Lam?

- Không. Buồn quá.

- Sao lại buồn?

Tôi lại cười, và quay mặt đi nhìn vào những tấm gương lớn của cửa hàng dọc phố. Thật ra tôi đang xúc động. Tôi thấy cần phải có một quyết định dứt khoát về Hạ. Tôi không chịu nói hay không thích thú với không khí của những bức thư và những lời bàn tán chung quanh. Tình yêu đã vỡ ra như những cánh bèo tan tác trên mặt hồ rồi sao. Tôi dừng lại để quẹt diêm châm một điếu thuốc. Tôi ngỡ ngàng nhìn hai bàn tay mình.

Tôi chia tay với Thuận và Tuế từ trong rạp ciné, khi màn ảnh chưa kéo bít lại, và tiếng nhạc của cuốn phim chưa dứt. Hai người trẻ tuổi yêu nhau đang chia tay trên một sân ga buổi chiều mưa ướt đẫm. Tôi không hẹn mấy gờ về ăn cơm với Tuế. Chiều nay họ có hai người. Nơi của hai người thì đừng ai xen đến. Tôi biết. Chiều nay tôi một mình. Cuốn phim đông quá. Tôi khó khăn lắm mới chen chân ra tới bên ngoài. Trời mưa nhỏ. Tôi chạy lốc xốc dưới những tàn cây tới chỗ gửi xe. Mưa làm ướt mặt đường, tắm ướt cả cây lá, những mái ngói nâu của thành phố, những con chim én vờn qua lại trước những ô cửa đen. Tôi nhìn chúng nghe hồn có chút thảnh thơi. Chiều nay mưa trở lại bằng những hạt nước nhỏ nhoi đẹp lạ lùng. Tôi thích mưa trong những buổi chiều của mình. Tôi hưởng hạnh phúc của một người cô đơn, để được nhớ, được nghĩ tới những người thân thiết xa xôi. Trong đó có Hạ. Cô bé Tường Vân một buổi chiều nào ngồi nói chuyện trong phòng khách rộng thên thang của một ngôi nhà đẹp.

Tôi lấy xe và tới thẳng chỗ làm. Người bạn phía bên kia phòng thấy tôi vừa đẩy cánh cửa phòng mình:

- Lúc nãy có điện thoại, tôi nói bạn đi vắng. Người đó bảo chút sẽ gọi lại.

- Có cho biết tên?

- Không. Một người con gái.

Tôi nói cám ơn và bước vào phòng mình. Lúc nãy lên cầu thang tôi có ngước nhìn cái đồng hồ lớn treo tường. Chưa đầy ba giờ. Tôi không thể đoán được người con gái gọi điện cho tôi là ai. Hằng ngày có biết bao nhiêu người gọi điện thoại cho tôi. Quen có, lạ có. Thân và không thân. Tôi mở máy lạnh. Đóng cửa sổ. Mưa nhỏ vẫn còn bên ngoài. Phía bên kia ngôi nhà lầu đối diện, sân thượng trồng nhiều hoa. Những đóa hoa tươi đỏ chói ngó qua màn mưa càng thấy đẹp. Tôi bóc một bức thư và xem lướt. Tôi bật diêm châm thuốc và ngả người trên ghế nhìn mưa bên ngoài. Một lúc có tiếng chuông điện thoại reo vang. Tôi cầm máy nghe. Tôi hơi xúc động.

- Chú Lam phải không?

- Tôi đây.

- Sao lại tôi. Chú quên cháu rồi chăng?

- Nhớ chứ. Nhớ lắm.

- Thế hỏi chú nhé. Chú biết ai đang nói chuyện với chú không?

- Đừng bắt chú nói tên nữa. Chú đã nói chú biết rồi cơ mà.

- Thôi. Không chịu. Chú phải nói.

- Tường Vân. Phải không?

Giọng cười khúc khích trong trẻo nổi lên:

- Làm sao chú biết tài vậy?

- Chú khó mà quên được.

- Chú có bao nhiêu người để nhớ, làm sao chú nhớ cháu được? Cháu chỉ là một hạt cát nhỏ.

- Hạt cát nhỏ nhưng vướng ở chân chú rồi.

- Chú xạo.

- Cháu xuống bao giờ?

- Trưa nay. Ngủ một giấc, dậy nhìn mưa và gọi cho chú.

- Cháu xuống một mình?

- Làm sao cháu dám đi một mình. Cháu xuống với Mẹ. Cháu từ Nha Trang theo Mẹ vô đó chú. Cháu thi xong rồi. Lo rớt quá chú ơi.

- Chưa có kết quả đã lo rớt.

- Cháu học dốt.

Tôi cười:

- Cháu đang làm gì?

- Nói rồi. Cháu vừa ngủ một giấc, dậy thấy mưa, rồi gọi cho chú. Chú đang làm gì?

- Chú vừa từ rạp ciné về đây. Và bây giờ thì đang nghe cháu nói chuyện.

- Lúc nãy cháu gọi tới. Có ai đó bảo chú đi vắng. À, đi ciné sướng quá ta. Phim gì đó chú? Chắc là hay?

- Chú quên tên rồi, và cũng quên luôn chuyện phim.

- Đó, chú hay quên lắm mà. Rồi chú sẽ quên mất cháu.

- Không. Chú nhớ hoài. Bao giờ cháu về Đà Lạt?

- Sắp về. Mẹ bảo thế. Cháu về một mình.

- Nếu rảnh, chút nữa chú tới chơi với cháu.

- Thật không chú, để cháu đợi.

- Cháu sắp sửa đi đâu à?

- Không. Cháu không đi. Chút nữa chú tới nghe.

Cháu hỏi chú nhiều chuyện lắm.

- Chút nữa chú tới.

- Dạ.

Tôi cúp máy. Tiếng "Dạ" của Vân ngoan lắm. Tôi nghe ngọt lịm ở cổ. Chiều nay, công việc thật nhàn rỗi. Tôi đi loanh quanh trong phòng, nhớ lại ngôi nhà của Vân duới chân cầu Công Lý. Nhà của Dì nàng. Ngôi nhà đẹp nhất từ trước tới giờ mà tôi trông thấy. Mưa vẫn rơi rơi từng hạt nhỏ. Mưa như vui mừng, và tôi cũng nghe nôn nao một cảm giác lạ. Tôi dụi mẫu thuốc vào cái gạt tàn trên bàn. Tắt máy lạnh và bước ra khỏi phòng. Người bạn từ dưới đi lên hỏi:

- Đi hả?

- Đi. Chẳng có việc gì.

- Đã nghe điện thoại gọi lại chưa?

- Rồi.

- Nàng hả?

Tôi cười, bước xuống cầu thang:

- Không. Quen thôi.

Người bạn dường như còn đứng nhìn theo. Những bậc thang nối dài quen thuộc. Buổi chiều lẩn khuất bóng tối. Ngọn đèn vàng trong phòng trực đẹp mơ hồ như bóng trăng một đêm khuya. Tôi xuống nhà lấy xe và chạy chậm dưới mưa nhỏ. Mưa không làm ướt áo. Thứ mưa bụi ngàn đời hiếm hoi trong thành phố mưa tàn bạo này.

Vân ra mở cổng cho tôi. Nụ cười cô bé rạng rỡ. Vân hỏi :

- Chú thấy cháu lạ không?

- Lạ. Cháu lớn hơn lần trước chú gặp.

- Cháu sắp ăn sinh nhật mười bảy tuổi rồi chứ bộ.

- Nhà vắng hả cháu?

- Vắng. Chỉ có mình cháu với đứa em. Nó nghịch như gì. Mời chú vào.

Tôi bước đi bên cạnh Vân. Ở đây mưa vừa tạnh. Khu vườn nhỏ xanh mướt sau cơn mưa. Những trái bùm sụm chín đỏ trong cây um rùm lá xanh.

Vân mở cánh cửa lớn mời tôi vào. Nàng ngồi chiếc ghế bên cạnh. Đứa em nhỏ của nàng chạy ra. Vân giới thiệu:

- Tường Minh đấy chú. Mới có ba tuổi. Nó đeo cháu ghê lắm. Cháu về đây không có ai để chơi, chỉ chơi với nó.

Đứa em ngồi trong lòng nàng rồi tuột xuống đất chạy quanh bàn, tới kéo tay tôi. Tường Vân lườm em nhưng nó không sợ. Tôi cười:

- Sợ chú không?

Đứa bé lắc đầu. Tường Vân cũng cười:

- Sức mấy mà nó sợ chú. Nó chỉ sợ bác sĩ. Vì mỗi lần nó đau, mẹ kêu bác sĩ chích, nó sợ cái ống tiêm lắm.

Tôi rút cây viết dắt trên túi áo giả vờ làm ống tiêm dọa chích đứa bé. Nó sợ thật, vội chạy đến bên chị. Miệng lắp bắp những câu không rõ:

- Đừng bác sĩ.

Tôi cười trước giọng nói đớt dễ thương của đứa bé. Trông hai chị em giống nhau. Nhưng tôi chưa hề nghe Tường Vân nói nàng có em nhỏ. Tường Vân ngồi kể về đứa em, về những trò chơi mà hai chị em thường chơi với nhau. Tôi thấy căn nhà này dễ yêu hơn với những lời Tường Vân kể. Tôi hình dung ra một ngày trôi qua ở đây. Buổi sáng, buổi trưa, buổi chiều, buổi tối? Tôi hỏi:

- Rồi buổi tối cháu làm gì?

- Ngày trước cháu học bài. Bây giờ rảnh rồi. Cháu xem tivi rồi đi ngủ. Nhưng sợ ma quá chú ơi.

- Lại ma.

- Cháu sợ ghê. Nhiều hôm phải kéo Tường Minh qua ngủ với cháu. Nó ngủ khò. Trong khi cháu thức mở mắt lom lom cứ sợ ai đó bắt chân.

Chuyện của Tường Vân là như thế, xoay quanh căn nhà đẹp này. Họ hàng của nàng. Đứa em nàng, con mèo của nàng và con ma vô hình vô bóng kia. Tường Vân còn trẻ con quá.

- Cháu có gặp Hạ, hình như Hạ sắp về Sài Gòn hả chú ?

- Hình như thế.

- Sao lại hình như. Tưởng chú biết rõ.

- Hạ bảo thi xong Hạ có thể về. Chú biết thế thôi.

- Hạ về thật mà. Hạ mong về Sài Gòn gặp chú đấy.

- Chú sắp đi Đà Lạt với một người bạn, định sẽ ghé thăm cháu. Không ngờ cháu lại về Sài Gòn. Tại sao cháu lại về?

- Cháu theo Mẹ cháu, chứ bộ.

- Ở chơi tới ngày chú về được không?

- Chắc không được. Tùy ở Mẹ cả. Mẹ cho cháu ở thì cháu ở, mẹ đuổi cháu về thì cháu về.

- Chú mời cháu ở lại Sài Gòn, cháu không ở sao?

- Cháu ở đây với ai? Mẹ sẽ đi Nha Trang. Dì Phước cháu cũng đi. Chị Như về Phan Thiết. Nhà này sắp bán, cháu ở lại với con ma à?

- Chú sẽ tới đây chơi với cháu. Thích đi đâu chú đưa đi.

- Thôi, cháu về kẻo Mẹ la chết.

Mẹ của Vân, tôi nghe nàng nói nhiều về Mẹ, nhưng tôi chưa gặp bà lần nào. Mẹ của Vân như thế nào đối với nàng? Một người đàn bà yêu thương con rất mực?

Một người mẹ cởi mở và rộng lượng? Và dĩ nhiên phải còn trẻ. Tôi không thể hình dung ra được. Tôi chỉ biết ba Vân người Bắc, còn mẹ Vân người Huế, và Vân nói giọng Bắc pha Huế. Nàng không thích tôi nhận xét như thế. Nàng bảo đó là giọng Đà Lạt.

- Hạ là sao hả chú ?

- Một người thân thiết của chú ở Đà Lạt, cũng như cháu.

- Hân hạnh cho cháu ghê. Nhưng chắc gì chú thương cháu hoài. Mai mốt cháu thành người lạ.

- Không bao giờ.

Con gái hay lo sợ những điều xa xôi. Làm sao tôi có thể quên Vân cho được. Sợ nàng quên tôi thì có. Tôi cười:

- Mai mốt cháu lớn. Cháu sẽ quên mất chú.

- Mai là bao giờ hả chú?

- Ngủ một đêm thức dậy thấy mặt trời lên.

- Cháu không thích mặt trời. Cháu chỉ thích trăng thôi. Ngoài khu vườn kia đêm trăng đẹp lắm chú ơi.

- Cô bé mơ mộng vào bậc nhất trên thế giới.

- Cháu mà mơ mộng. Cháu học Hóa - Sinh mà.

- Học Hóa - Sinh mà mơ mộng vẫn mơ mộng được như thường.

- Tụi bạn bảo cháu là con người tình cảm. Chú thấy thế nào?

- Bạn cháu quê ba cục.

- Trời ơi, chú chỉ chê người ta không.

- Tại vì họ không nhìn thấy gì ở cháu hết.

- Chú nhìn thấy gì?

- Nhiều thứ lắm.

- Chắc là có một thứ đáng ghét. Cháu biết. Rồi sẽ không ai thương cháu hết, chỉ có Mẹ cháu thương cháu.

- Tại sao cháu nói như vậy?

- Cháu buồn. Về đây cháu có một mình.

- Nếu còn ở lại. Đi Đà Lạt về chú sẽ đưa cháu đi chơi. Chú đi có ba hôm thôi. Cháu ở lại chứ?

- Tùy ở Mẹ.

- Cháu xin phép Mẹ đi.

Vân gật đầu:

- Rồi cháu xin.

- Cháu vui chứ?

- Cháu đang vui.

- Cháu gửi gì về Đà Lạt chú mang cho.

- Cháu định viết một bức thư cho em cháu. Tường Vy đó chú biết không?

Tôi cười:

- Dĩ nhiên là chú chưa biết.

Tường Vân ngó tôi cười:

- Nhưng Tường Vy thì biết chú rồi. Hồi trước, một lần chú tới nhà cháu với Hạ, Vy gặp. Chú nhớ không?

- Chú có trí nhớ tồi nhất thế giới. Bao giờ cháu biên thư?

Tường Vân im lặng một chút rồi lắc đầu:

- Nhưng thôi. Rồi cháu cũng về Đà Lạt. Cháu ghét thành phố đó. Nó làm cháu bị đau đầu liên miên. Về Sài Gòn cháu thấy đỡ hơn.

- Vậy mà cháu cứ đòi về Đà Lạt sớm.

- Cháu đâu có muốn về.

- Nghĩ cháu sẽ ở lại?

- Cháu cố gắng xin Mẹ. Chỉ sợ Mẹ không cho thôi.

- Sinh nhật cháu thích được người ta tặng gì?

Tường Vân cười lớn:

- Người ta hay là chú?

- Chú.

- Cháu không biết mình thích gì nữa. Cháu quê lắm chú ơi.

Tôi ngồi bật người ra sau thành ghế, buông một tiếng thở dài:

- Bây giờ chú không còn muốn đi Đà Lạt nữa.

- Đi đi chú ơi. Hạ đợi chú trên đó mà.

- Chú đang buồn.

- Ừ nhỉ, sao chú cứ than buồn?

Đột nhiên giữa Vân và tôi có một khoảng không im lặng. Vân ngồi bất động trong ghế, hai tay vòng qua ôm lấy hai đầu gối. Chiếc ghế quá rộng. Vân lọt thỏm trong đó như một thiếu nữ trong tranh vẽ. Chiếc ghế bọc da xanh thẫm, áo của Vân lấm tấm những hoa màu trắng. Mái tóc rũ xuống. Đôi mắt Vân buồn và tối. Tự nhiên tôi nghĩ là Vân đang khóc.

Tôi hỏi:

- Vân đang khóc đấy à?

Vân cười, đôi mắt long lanh như pha lê:

- Đâu có chú. Nhiều khi Vân muốn khóc ghê lắm mà khóc không được.

Tôi hút thuốc và im lặng ngắm Vân. Tôi không biết nói với nàng như thế nào. Tôi đang xúc động, tựa hồ có những cơn sóng nhỏ vỗ trong lòng. Tôi yêu nụ cười của Vân như một đóa hoa đẹp và buồn. Vân vừa là một cô bé. Vân hiền và khôn ngoan. Phòng khách quá rộng. Vân quá nhỏ bé với một chỗ ngồi. Bình thường vào đây nếu Vân không lên tiếng chắc là tôi không ngó thấy được nàng. Ở phòng khách này chắc Vân thường ngồi một mình trong từng buổi sáng sớm, và từng buổi chiều cho đến khi nắng sáng sớm, và từng buổi chiều cho đến khi nắng nhạt ngoài khu vườn nhỏ. Vân bỗng nói:

- Chú có hút thuốc nhiều không?

- Chú hút rất ít. Và không hút được thuốc nặng.

- Ngày xưa, cháu rất sợ khói thuốc, Bố cháu hút là cháu chạy đi chỗ khác.

- Còn bây giờ?

Vân ngó tôi. Chớp mắt và cười. Cơn mưa đã tạnh hẳn bên ngoài. Tạnh hẳn lúc tôi vào cũng nên, nhưng tôi quên mất. Trong căn phòng này tôi không nghe thấy gì hết. Tấm màn dài che kính được Vân kéo qua một bên, chừa một khoảng nhỏ để tôi thấy ánh sáng yếu ớt của buổi chiều đậu trên những đỉnh cây ngoài rào cao, những song sắt màu nâu sẫm. Phía trước là con đường. Hình như Vân ít khi ra đứng ngoài đó. Vân thui thủi trong nhà như một con mèo để chờ đợi ngày trở về thành phố của nàng. Tôi nghĩ là Vân buồn lắm.

- Chú nhìn Vân hoài.

- Ở đây chú biết nhìn ai bây giờ. Có mấy bức tranh, mấy bức tường, chú nhìn hết rồi.

- Nhìn cháu để thấy cháu đáng ghét. Phải không chú?

- Ngược lại là đằng khác.

- Chú xạo.

- Nhà vắng quá. Nhưng chú thích nhà này. Tại sao lại bán đi. Nếu chú có tiền chú mua liền.

- Cháu không biết nữa.

- Rồi ai sẽ đến ở đây?

- Một người lạ mặt.

- Uổng ghê.

Tường Vân nhìn tôi cười buồn. Tôi cũng cười, vì cũng chẳng biết nói gì hơn. Đứa em nhỏ của Tường Vân lại chạy đến. Nó nhìn tôi, ánh mắt tỏ vẻ thân thiện. Chị em nàng như chị em búp bê. Tôi nghĩ như thế và cười một mình.

Có tiếng chuông reo ngoài cổng. Tường Vân chạy ra. Một lúc cùng với Thanh Chi bước vào. Lâu quá mới gặp cô bé này. Thanh Chi nhìn tôi cười, trông cô bé khác ngày xưa nhiều.

Tôi nói với Chi:

- Lâu quá mới gặp. Cô bé biến đi đâu mất tăm thế?

- Em vẫn ở Sài Gòn.

- Thi thế nào?

- Chắc là rớt.

Tôi ngó cả hai cười:

- Sao ai cũng kêu rớt?

- Tường Vân chắc đậu, em chắc rớt.

- Không có đâu chú. Thanh Chi chắc đậu, còn cháu chắc rớt. Trời ơi, nếu rớt cháu trốn luôn không còn dám gặp ai.

- Không ngờ gặp anh Lam ở đây, ngạc nhiên ghê.

- Có gì mà ngạc nhiên. Rồi sẽ quen nhau hết mà.

- Anh tới lâu chưa?

- Lâu rồi. Từ lúc mưa chưa tạnh. Bây giờ nắng lên rồi.

- Anh Lam trông gầy hơn ngày xưa nhiều. Chắc tại nhiều cô để nhớ phải không?

- Không có ai hết. Anh chỉ có một mình thô cô bé ơi.

- Không tin. Anh mà một mình thì trái đất này cũng cô đơn luôn.

- Trái đất vốn cô đơn mà bé.

Cả ba cùng cười. Tôi nhắc lại những điều đã nói lúc nãy với Vân. Rồi đứng lên cáo từ. Vân và Chi đưa tôi ra cổng. Nắng nhạt trên những tàu lá chuối to đang vẫy trong gió. Tóc Vân phủ hết một bên mặt. Tôi hy vọng mai mốt trở về Sài Gòn còn gặp lại Vân ở đây, đứng cười với tôi trong khu vườn nhỏ này.

Tôi về nhà. Trên bàn viết của tôi có mấy trái ổi và bức thư ngắn của Trâm.

"Chú Lam.

Chờ hoài không thấy chú về. Có mấy trái ổi chị Truyền cho chú, Trâm phải leo qua bao lơn thảy vào cửa sổ vì nếu chờ chú về chắc Trâm đã xơi hết. Chú gặp bạn chú chưa? Đi đâu mà lâu quá trời. Chắc tới nhà cô nào chứ gì. Vài hôm nữa hai chị em không còn ở đây. Ba đổ về Huế. Phải đi theo. Buồn quá đi. Chị Truyền ngồi khóc hoài. Bây giờ Trâm chưa khóc nhưng mai mốt chắc khóc dữ lắm. Xa ngôi nhà này buồn quá. Nhớ chú, nhớ đủ thứ hết. Chú có nhớ chị em cháu không? Chắc là không. Ăn ổi để sửa soạn chia tay nghe chú. Buồn ghê. Khi nào gặp chú sẽ nói chuyện. Chị Truyền đang khóc và hỏi thăm chú đấy. Thương chị ấy ghê nơi.

Trâm"

Bức thư ngắn của Trâm làm tôi sững sờ. Hai chị em cô bé sắp sửa rời bỏ thành phố này để tới một thành phố khác. Huế. Thành phố đó xa xôi quá. Tôi đứng bất động với bức thư trong tay. Nhìn qua bao lơn tôi thấy cửa sổ nhà Trâm đóng kín. Những vạt nắng đậu hờ hững mong manh sắp tàn. Tại sao có những cuộc từ biệt bất ngờ như thế nhỉ? Và chắc chị em Trâm cũng buồn ghê lắm. Thế là tôi sẽ ở lại đây một mình như những ngày trước. Những người quen biết cuối cùng còn lại, cũng sắp ra đi. Tôi thành thật nhớ Trâm. Cô bé nhỏ nhắn, dễ thương như búp bê mỗi sáng, mỗi chiều hay đứng nhìn tôi từ bao lơn bên kia. Rồi những chậu cúc vàng của tôi sẽ trổ bông khác, để sẽ tàn tạ trong quên lãng êm đềm vì không còn ai xin nó cài lên tóc. Chị em Trâm về Huế, thành phố muôn trùng với tôi. Mưa nắng ở đó sẽ làm mềm những kỷ niệm nhỏ, sẽ làm phai mờ khu xóm này, con ngõ thân quen với những bước chân đi về mỗi ngày này. Bao giờ gặp lại? Tôi bùi ngùi nhìn những trái ổi xanh ngon mắt nằm trên bàn. "Ăn ổi để sửa soạn chia tay". Câu nói thơ ngây sao làm tôi ngậm ngùi quá đỗi. Tôi mở cửa ra đứng ngoài bao lơn. Buổi chiều theo với nắng tàn tạ hết. Rồi sẽ chỉ còn những mái nhà và những bức tường cheo leo trong ánh sáng cuối cùng của ngày. Và ngày cũng sắp hết trong thinh lặng buồn rầu riêng tôi. Thuận và Tuế vẫn chưa về. Tôi cũng đang sửa soạn cho một chuyến đi. Chiều này tôi nhớ Hạ. Tình yêu mỏng manh sương khói đó rồi cũng sẽ tan mất như một áng mây vướng trên chóp đồi cây xanh đen tôi trông thấy, trên đường về thành phố của nàng.

Truyền bỗng mở cửa và thấy tôi. Nhìn thoáng tôi thấy mắt nàng đỏ hoe. Tôi hỏi:

- Bao giờ Truyền đi?

- Chưa biết anh ạ. Ba còn chờ phương tiện. Nhưng chắc chỉ vài hôm nữa thôi.

- Buồn không?

Hỏi xong tôi mới thấy mình ngớ ngẫn. Truyền im lặng nhìn ra phía khác. Tôi cố pha trò:

- Đi chỗ khác ở rồi sẽ có nhiều bạn mới. Vui hơn chứ sao lại buồn?

- Truyền không thích đi tí nào. Xin ba cho ở lại mà không được.

- Về Huế vài tuần chắc cô bé sẽ quên hết chuyện hôm nay.

- Hay nhớ hoài nơi đây rồi khóc mù cả mắt?

- Huế đẹp lắm Truyền ơi.

- Nhưng không phải thành phố của Truyền. Sài Gòn đáng nhớ hơn.

- Ra Huế, thành gái Huế, đừng quên tôi nhé.

Truyền gượng cười:

- Quên sao được. Nhất là bài thơ anh làm tặng cho Truyền hôm sinh nhật.

- Ra đó, cho địa chỉ, tôi sẽ viết thơ, và làm thơ gởi ra cho hai chị em Truyền đọc.

- Thật chứ anh Lam?

- Thật. Tôi mến chị em Truyền. Tôi sẽ ăn ổi để sửa soạn một cuộc từ biệt.

Truyền cười. Tôi cũng cười. Tôi không ngờ cô bé nghịch ngợm hôm nào cũng có thể khóc mùi trước lúc ra đi.

Tôi còn muốn nói nhiều với Truyền, nhưng tôi sợ vô tình làm cô bé khóc nữa. Tôi im lặng dõi nhìn một cánh chim lẻ loi chao lượn giữa trời chiều. Truyền thật tội nghiệp. Nhưng tôi còn làm gì được để kéo dài khoảnh khắc chia tay? Vài hôm nữa căn nhà sẽ đóng kín cửa. Và rồi sau đó có người khác đến ở. Nhưng người khác là ai? Có dễ thương như chị em Truyền? Có dành cho tôi những nụ cười, những lời hỏi han trìu mến? Và làm sao tôi có dịp bước vào khu vườn nhỏ kia để lại nhìn thấy Truyền và bạn bè vui đùa? Tôi chẳng còn chút hy vọng nào cho một lần gặp lại Truyền nữa ư?

Buổi sáng ở bến xe gió lạnh như nỗi buồn lướt trên da thịt. Tôi dửng dưng trước giờ khởi hành. Cảm giác xôn xao của những lần đi trước không còn nữa. Tôi đi vì phải đi, thế thôi. Chuyến đi không còn thích thú với tôi nữa.

Tuế quay sang hỏi tôi:

- Sao bạn? Có gì mà buồn ngơ ngẫn thế?

- Chả có gì. Thấy bình thường. Một ngày như mọi ngày.

Thuận dòm Nga cười. Giọng Huế của Nga nghe thật đặc biệt. Anh em Tuế giống nhau ở khuôn mặt. Tuế thương em. Thương rất mực. Càng gần với tình thương của người khác, tôi càng cảm thấy đắng cay cho số phận mình.

- Anh Lam kín đáo lắm. Vui buồn không ai biết được. Hôm nay phải khác với mọi ngày chứ.

- Chiều nay tới Đà Lạt, anh chị tha hồ nhé.

Giọng cười khúc khích không làm tôi vui theo. Tự nhiên tôi không còn muốn đi nữa. Gặp Hạ. Để làm gì? Tôi có thể hình dung ra cuộc gặp gỡ. Sống mấy ngày ngượng ngập, lơ ngơ rồi về. Tôi im lặng hút thuốc và nhắp từng ngụm cà phê. Buổi sáng ở bến xe mới thấy đời sống tấp nập. Họ đi và về. Những chuyến đi như thế đã xảy ra. Xảy ra mãi. Rồi còn lại những gì. Tôi bật cười làm Tuế ngạc nhiên.

- Mấy giờ Tuế?

Tuế nhìn đồng hồ:

- Mười lăm phút nữa khởi hành.

- Uống nước đi mấy cô. Ngồi đó mà cười. Xe chạy bây giờ.

- Anh Lam trông buồn cười quá. Sáng nay anh làm sao ấy?

- Tôi không nhận ra tôi nữa là.

- Nổi chứng rồi.

Thuận, Nga, Tuế vui vẻ xoay câu chuyện quanh tôi. Trong khi tôi muốn được thảnh thơi trong ý nghĩ. Chút nữa lên xe ra khỏi thành phố tôi sẽ ngủ một giấc. Mong khi thức dậy sẽ thấy núi đồi Đà Lạt. Tôi mong ước khi lên đèo sẽ gặp sương mù bay như mưa bụi. Nhìn những chuyến xe nhỏ nhắn màu xám tro sắp hàng với nhau thành một dãy. Những chuyến xe nối khoảng đường dài ba trăm cây số, nối hai thành phố cách xa bằng bao nhiêu sương khói mây trời. Tôi không thể bùi ngùi nhớ lại chuyến đi lần đầu với Tưởng. Lần đó, tôi chưa biết gì về Đà Lạt. Thành phố ấy như hãy còn trong mộng tưởng. Một đêm giáng sinh xa xưa chưa thể quên. Đôi mắt của Hạ ngâm sâu trong đáy hồ buồn. Mái tóc Hạ bay dạt. Tình yêu không thành một bóng dáng lớn, nó trùng lấp vào sương mù. Rồi nó sẽ tan. Tôi bùi ngùi khi nghĩ như vậy.

Tuế trả tiền. Chúng tôi sửa soạn ra xe. Trên xe đã có mấy người ngồi sẵn. Tôi ngồi ghế trước. Tuế, nga và Thuận ngồi ở băng sau. Xe khởi hành đúng tám giờ. Lúc đó tôi bỗng thấy nhớ Sài Gòn, nhớ tới một người yêu cũ nào đó. Mối tình thơ dại ấy đã chết theo những chiếc lá thay màu. Tôi có gặp "cô bé mắt to" mấy lần ở đây, không ngờ người con gái như một loài chim nhỏ bé trước kia bây giờ trở thành một thiếu nữ sành đời. Tôi càng ngạc nhiên hơn nữa khi cô bé ấy vẫn còn đi học. Cổng trường bao giờ cũng đầy lá xanh. Người học trò thơ ngây năm xưa bây giờ như một chiếc lá vàng rơi xuống đường, bao nhiêu mưa nắng đã phủ lên. Tà áo đã không còn thơm mùi mực. Đã hết một thời làm học trò con gái. Tôi nhìn cổng trường im đóng với những hàng dương liễu rũ bóng trong vuông sân chơi. Hình bóng cô bé hiện đến thật tội tình.

Tuế quay sang hỏi tôi:

- Nhớ người xưa chứ Lam?

- Đang nhớ một chút.

- Buồn không.

- Bình thường. Không vui cũng không buồn.

Ngồi bên cạnh tôi là hai gã thanh niên. Băng trước gần tài xế là hai cô gái. Cả hai có vẻ vừa thi đậu xong nên mặt mũi tươi rói, được gia đình cho đi Đà Lạt dưỡng sức. Lúc ở bến xe, tôi thấy bà mẹ chạy theo dặn từng ly từng tí. Tôi đã bảo với Tuế, chắc là hai cô tiểu thư khuê các. Chúng tôi cười thầm với nhau. Xe ra xa lộ. Nắng đã chói mắt. Tôi ngồi phía ngoài, dựa tay vào cửa nhìn ra hai bên đường Sài Gòn ở lại đằng sàu lưng với những góc phố vụt qua, biến mất. Tôi cảm thấy buồn ngủ. Và tôi nhắm mắt. Tôi ngủ dật dờ cho đến khi xe ngừng hẳn lại. Tuế nói lớn:

- Gì vậy bác tài?

Bác tài lắc đầu:

- Chưa biết. Nhưng có lẽ kẹt đường.

- Xe kẹt đông quá.

Tôi nghiêng đầu ra ngoài nhìn thấy một dãy xe nối đuôi nhau dài đến mút mắt. Mấy người cảnh sát đứng từ xa án ngữ giữa đường. Không chiếc xe nào được phép tiến lên. Bác tài xế tắt máy ôm vơ lăng ngồi đợi. Nắng hâm hấp nóng trong xe. Tôi mở cửa bước xuống. Tuế xuống theo. Thuận lo lắng hỏi:

- Liệu có đi được không?

Tôi cười:

- Làm sao biết được. Không đi được thì trở về.

- Lên trên kia xem.

Tuế bỏ đi. Bác tài nói:

- Cứ chờ. Chừng nào cho đi thì mình đi.

- Chừng nào hả bác?

- Có khi lâu. Có khi chừng một hai tiếng đồng hồ.

- Như thế cũng mỏi ruột rồi.

- Xui quá.

- Đi không coi ngày.

Tôi nói với Thuận:

- Hôm nay đúng thứ sáu màu lại ngày mười ba tây. Không xui cũng uổng.

Trời bỗng đổ mưa. Không lớn lắm, nhưng mọi người kéo hết lên xe. Tôi quay kiếng. Không khí ngột ngạt khó thở. Nhìn ra hai bên đường cây cỏ lơ nhơ hoang dã. Mưa giăng giăng như sương mù những sớm mai trời Đà Lạt. Tuế nói chuyện vui đùa trong xe. Hai người con gái ngồi phía trước luôn nhai thức ăn trong miệng. Nga ngồi buồn nhìn mưa. Tôi cười bảo Nga:

- Không đi Đà Lạt được rồi, cô bé có buồn không?

- Sợ anh Lam buồn thôi.

- Anh chỉ mong được quay về.

Bác tài xế bảo:

- Chờ khoảng hai tiếng trở đi, nếu không đi được mình quay về.

- Về sớm đi bác.

- Đâu có được. Đi một đoàn xe. Họ quay về, mình mới về được. Về trước nếu thông đường, tôi bị cự ghê lắm.

Người con gái ngồi phía trước bỗng lên tiếng:

- Chờ đi bác ơi.

Tôi cười:

- Hai cô có vẻ khoái Đà Lạt. Tôi sợ không đi được, ngồi đây chờ phí thời gian thôi.

- Đằng nào cũng mất nguyên một ngày rồi.

- Bây giờ trở về mình còn buổi chiều, có thể đi ciné.

- Xem hết phim rồi. Nếu không đi được, ngày mai tôi đi Cấp.

- Vậy đi Cấp vui hơn đi Đà Lạt.

Cô gái cười. Tuế nhìn tôi nheo mắt. Mưa tạnh dần. Tôi quay kiếng xe xuống. Mọi người lại ùa xuống đứng dọc hai bên đưòng chờ đợi. Thuận và Nga cũng xuống đi tới một khoảng đất trống. Hai người định đi dạo nhưng không ngờ trời mới mưa xong cát ướt bám chặt gót giày. Những dấu chân sâu, mắc dính trong cát đỏ. Hai người loay hoay một chút rồi bước ra khỏi khoảng đất lầy đó, rồi cùng nhau dùng que xoi những chỗ đất dính. Tôi và Tuế ngồi trên xe hút thuốc. Tôi nói với Tuế.

- Chả khoái đi chút nào. Chỉ mong về.

- Ráng chờ tới trưa xem. Thế nào cũng đi được. Trên đó chắc Hạ đang mong.

- Buồn quá. Không muốn đi nữa.

- Tại sao buồn. Kỳ vậy?

- Chán đời.

- Thôi chứ bạn. Tớ còn có mấy ngày phép.

Tôi và Tuế cùng cười. Nắng bắt đầu gắt. Tôi thấy khó chịu trong người chỉ mong ông tài xế quay xe trở về. Thuận và Nga mang về mấy bịch nước. Tuế cười hỏi:

- Mua ở đâu tài vậy?

- Người ta bán đằng kia.

- Tưởng đã chết khát ở đây.

- Bây giờ chỉ lo chết đói. Trưa nay ăn cơm ở đâu?

Tuế chồm lên băng trước, ngó thấy mấy khúc bánh mì của hai cô gái. Vội cười:

- Đừng lo. Có bánh mì nhiều lắm. Thế nào tao với mày cũng được chia cho một khúc.

Thuận đấm vào hông Tuế. Hai cô gái phía trước dường như ngượng, vội lấy mấy tờ báo che mấy khúc bánh mì lại. Tôi hút ống nước như một đứa trẻ con. Tôi không biết hôm nay ở Sài Gòn Tường Vân làm gì. Ngồi trong phòng khách hay đi dạo ngoài vườn. Trong căn nhà đó Vân quá bé nhỏ. Cô đơn. Thui thủi đi ra đi vào như con mèo. Tôi bỗng nói:

- Nếu không đi được thì làm sao Tuế?

- Không đi thì quay về.

- Ngày mai có đi không?

- Thôi. Mệt rồi. Ở Sài Gòn chơi cho hết mấy ngày phép. Hẹn với Đà Lạt khi khác. Chỉ có Nga là tiếc. Mất một dịp để làm quen với Đà Lạt.

- Huế cũng đẹp chán phải không Nga?

Thuận cười:

- Nga giới thiệu cho anh Lam một người bạn đi. Lúc nào cũng than là cô dơn, buồn bã, chán đời mà Đà Lạt có kẻ chờ, Sài Gòn có người mong.

- Kê tôi vừa vừa chứ cô.

- Anh như thế mới đáng đời.

- Chưa bao giờ anh cô đơn hơn lúc này.

Thuận nguýt dài:

- Thôi xin ông đi.

Bác tài bỗng trở về nói:

- Thử đi đường khác xem qua được không.

- Đường nào bác?

- Đường tắt, trong kia.

- Nếu không đi được nữa thì sao?

- Không đi thì ở đó chờ luôn. Trên đó có quán cơm.

Bác lái xe vòng qua tay trái, theo một con đường đá xanh lởm chởm đi vào một xóm nhà đông đúc. Tôi có thể đưa tay ra hái những lá dâm bụt trước mỗi cổng nhà. Hoa dâm bụt nở đỏ. Nhà nào cũng có hàng rào dâm bụt. Mưa lại lắc rắc ngoài cửa xe. Trời buồn như một tấm màn cửa màu sẫm. Chạy hết con đường nhỏ ra con đường lớn. Nhưng ở đây cũng có cảnh sát giao thông gác, bắt xe phải quay vòng lại. Mưa đột nhiên lớn. Mưa vỗ trên mui xe nghe như tiếng đá rơi. Phía trước mù mịt. Bác tài xế dừng xe lại. Trong xe không ai nói với ai một lời nào. Mãi một lúc sau Tuế mới nói:

- Không thấy một quán ăn nào hết bác tài ơi, chắc tụi tui chết đói.

- Tạnh mưa tìm sẽ thấy.

Tôi nói:

- Quay về Sài Gòn là chắc ăn nhất.

- Có ai chờ mà nôn nao về dữ vậy anh Lam?

- Không đi được thì về chứ bộ.

- Anh đánh điện cho người ta chờ. Bây gờ lại không muốn đi. Tàn nhẫn vậy.

Thuận cự tôi. Không khí trong xe bịt bùng càng làm tôi khó chịu. Tôi ngồi im. Mong một chút nữa được quay về nhà nằm cho hết buổi chiều. Nhưng mưa mỗi lúc một lớn. Nhà có cửa hai bên đường và cây lá cũng mờ đi. Cô gái ngồi trước chép miệng:

- Mưa to quá.

- Mưa Đà Lạt còn phũ phàng hơn nhiều. Đồng ý quay về đi cô bé ơi.

- Tôi có chuyện cần phải lên Đà Lạt.

- Tôi còn cần hơn cô nữa.

- Vậy cùng đợi người ta cho đi mình đi.

Tội gì quay về.

- Rồi cô cũng sẽ đổi ý.

Tôi cố tìm cách thuyết phục hai cô gái ngồi phía trước. Nhưng hai cô gái có vẻ giữ quyết định phải đi Đà Lạt trong ngày hôm nay. Không có gì vô lý hơn phải ngồi trong xe đóng cửa bít bùng nhìn mưa.

- Đói bụng chưa Lam?

- Không. Chỉ muốn về.

- Trưa rời về. Tao cũng chán rồi. Đi Đà Lạt kiểu này không ham nữa.

Một lúc sau mưa tạnh. Bác tài quanh xe tìm quán ăn nhưng suốt một quãng đường dài không thấy có quán sá gì cả. Cuối cùng, đành phải quay xe về chỗ cũ. Ở đây, mọi người vẫn đứng đợi. Mưa tạnh. Nắng bắt đầu chói chang. Không khí ẩm ướt, nóng bức, mùi đất xông lên ngột ngạt đến khó chịu. Bác tài xế đi đâu mất. Tôi và Tuế lại nhảy xuống đất đứng lóng ngóng, buồn bã. Tuế chép miệng.

- Khó chịu quá. Có lẽ về tốt hơn.

- Khó mà đi được trong ngày nay.

Tuế đi lại trước xe khum đầu hỏi hai cô gái:

- Hai cô đã đồng ý chưa?

- Cứ chờ đi ông. Biết đâu sắp đi được.

Tôi bực tức nói từ phía sau:

- Ít nhất ba hôm nữa mới đi được.

Tuế cười. Quay lại. Tôi và Tuế đi lòng vòng qua những chiếc xe đò. Máy chụp hìnhTuế đeo lòng thòng trước ngực trông như một phóng viên. Tôi vừa đi vừa đá những viên sỏi cho lăn xuống một con dốc nhỏ. Bãi cỏ trước mặt cháy khô. Từ lúc Nga vào, tôi biết Tuế chỉ còn hai anh em. Mẹ Tuế chết từ lúc Tuế còn đi học. Tuế cũng có một hoàn cảnh gần giống như tôi. Nghĩa là cả hai đều có một thời thơ ấu bi thảm.

Tuế bỗng cười nói:

- Ở Sài Gòn không chịu. Tự nhiên lên chỗ này chơi.

- Như sống lại một thời trẻ con.

Tôi vốc những nắm cát cho bay trong gió. Trưa lúc nào không hay. Tôi cảm thấy đói bụng. Nhìn quanh chả có ai bán gì ăn được. Chỉ có nước uống. Tôi và Tuế nhìn nhau thất vọng, buổi trưa khốn khổ, tàn bạo. Gương mặt đứa nào cũng hằn vẻ mệt mỏi. Tôi thở dài:

- Tìm ông tài xế.

Hai đứa đi lòng vòng gặp ông tài xế đang trốn nắng dưới một lùm cây nhỏ. Tôi nói đại:

- Về thôi bác tài ơi!

- Về tôi trả tiền vé lại, nhưng phải bù tiền xăng cho tôi.

Tuế hỏi:

- Bao nhiêu?

- Năm ngàn mỗi người.

Tôi buông thõng:

- Được rồi. Quay về đi. Bao nhiêu cũng được.

Tự nhiên rồi hai cô gái cũng bằng lòng về, khi chúng tôi quay lại xe. Chắc có lẽ cái nắng đã hành hạ các cô. Chúng tôi vui vẻ leo lên xe và đi ngược về thành phố. Dọc đường tôi đề nghị:

- Nếu hai cô muốn đi Đà Lạt thì bây giờ ta đi chơi đâu đó lát nữa quay lại, đường thông ta đi tiếp.

Tuế la lớn:

- Đi Lái Thiêu ăn trái cây. Bây giờ vườn đang mùa trái cây.

- Bao giờ quay lại?

- Khoảng hai giờ.

- Kịp không?

Bác tài xế có vẻ cũng khoái đi chơi, nhất là được tiền nhiều. Ông ta nói:

- Kịp. Tôi chạy dư sức.

Hai cô gái bàn nhau. Hai thanh niên ngồi cạnh chúng tôi vội nói:

- Nếu thế, cho chúng tôi xuống xe ở đây.

- Đi luôn, cho vui các anh.

- Không. Chúng tôi phải về.

Chúng tôi đồng ý. Và bác tài ngừng xe lại cho hai người thanh niên xuống đón xe khác đi. Sau đó chúng tôi hướng sang con đường mới.

Bác tài vui vẻ nói:

- Mấy cậu đi ăn bánh bèo Lái Thiêu chưa?

- Chưa. Tôi chỉ ăn toàn cơm sấy với cá khô.

Tuế đùa. Tôi bảo bác tài:

- Cho chúng tôi tới chỗ đó, bác nhé?

- Dĩ nhiên. Đi Lái Thiêu mà không ăn bánh bèo thà đừng đi.

- Nghĩa là ý bác muốn nói quê một cục chứ gì?

Mọi người cùng cười. Bây giờ tất cả đều vui vẻ. Tuế nhảy lên băng truớc ngồi với tôi. Đúng như tôi dự đoán hai cô gái ngồi băng trước vừa mới thi tú tài xong, gia đình cho đi Đà Lạt chơi. Một cô tên Mai còn cô kia tên Thu. Cả hai là bà con với nhau. Họ cũng nói chuyện hồn nhiên không kém gì tôi và Tuế. Con đường lớn rộng thênh thang. Xe chạy thật nhanh. Tôi nhìn thấy những thửa vườn chạy dài và đâu đó, không xa tiếng chim cu gáy buồn bã:

- Có máy ảnh mà quên mua phim, làm sao?

- Chút ghé chợ mua, lo gì!

- Bác tài nhớ ghé giùm nhé?

Bác tài xế gật đầu. Khi xe vào chợ Lái Thiêu, tôi chạy khắp cùng trong chợ mới tìm ra một tiệm chụp hình. Mua được hai cuộn phim đem về cho Tuế. Mai quay xuống hỏi:

- Phàm màu hay đen trắng?

Tôi đáp:

- Đen trắng. Không bán phim màu.

- Uổng nhỉ. Phải phim màu chụp đẹp hơn nhiều.

- Tìm ra chỗ mua phim là may lắm rồi. Tôi tưởng về tay không.

Bác tài xế lại cho xe chạy. Thuận và Nga bây giờ lên ngồi cùng băng với Mai và Thu. Tôi ngồi ngắm phố xá hai bên đường. Rồi chợ Lái Thiêu cũng lùi về phía sau, mất bóng với chiếc cầu cong cong. Tuế lắp phim vào máy. Tôi nhắm mắt ngủ lơ ngơ hết khoảng đường. Đến khi xe ngừng trước một ngôi quán, tôi mới mở mắt ra.

- Quán bánh bèo đây mấy cậu.

Bác tài xế thành thạo hướng dẫn chúng tôi vào. Tuế gọi lia lịa những món ăn. Tôi đói bụng nên ăn cũng thấy ngon. Ở đây ngồi nhìn ra cả một khu phố tắm đẫm trong cái nắng ban trưa. Gió lớn, đùa những cây cối trong vườn. Khách trong quán hầu hết là người từ Sài Gòn lên. Mai và Thu ăn uống nhỏ nhẹ vì ngượng ngùng.

Tôi nói:

- Ăn no đi nhé. Biết đâu chiều nay chạy thẳng một mạch lên Đà Lạt than đói.

Bác tài thêm vào:

- Nếu đi được, tôi chạy thẳng một mạch thiệt đó. Hai cô ăn cho no, chứ đói giữa đường ráng chịu, tôi không ghé đâu nha.

Mai và Thu cúi mặt cười khẽ. Tôi và Tuế uống bia. Chuyến đi bỗng trở nên thú vị lạ lùng. Tôi không biết chiều nay về Đà Lạt có mưa không, và Hạ có đợi tôi không. Nghĩ tới một lời hẹn phải đổi dời, tự nhiên tôi cũng cảm thấy buồn như mình có lỗi. Hình như chưa bao giờ tôi đúng hẹn.

Ăn xong, bác tài xế đưa chúng tôi trở lại vào vường trái cây. Cây cầu lóc những miếng gỗ trơn mục bắt qua con sông rộng. Phía bên kia là vườn trái cây. Lại mưa. Những hạt mưa nối dài như một tấm màn trắng mờ buông xuống mặt sông. Chúng tôi đi từ từ qua cầu. Tuế chạy trước và chụp hình một số kiểu đầu tiên từ dốc cầu. Tôi nhìn dòng nước dưới cuối chân cầu ngầu đục, những đám lục bình trôi lờ đờ, những bông hoa tím đẹp mắt. Mưa không ướt áo nhưng làm những tấm ván cầu trơn nhẫy và con đường đất lầy lội vấy bùn. Tôi bỗng ao ước được nhìn thấy mặt mình trong dòng nước đang chảy, nhưng làm sao có thể được? Mưa xuống kéo theo rác rửi, và đất cát làm ngầu đục, tối tăm con nước. Tôi nhìn những thứ trái cây bày dọc luôn miệng mời gọi. Những trái chôm chôm đỏ ửng, những trái mít tố nữ thơm phức, ngát hương. Những chùm bòn bon to tròn, ngọt lịm. Chúng tôi chuyền tay nhau ăn. Tuế chụp hình. Những nụ cười. Vườn càng vào sâu càng vắng. Nước lớn vào đầy các con mương. Mưa tạnh tôi ngắm những vạt nắng mỏng rơi theo lá xuống mặt đất nâu. Tôi quên lúc nào trở lại chỗ đậu xe. Và bác tài qua xe về hướng cũ. Đường vẫn chưa đi được. Hai cô gái thở dài. Thôi đành quay về Sài Gòn. Tôi ngả đầu ra ghế lim dim ngủ. Tôi mơ hồ cảm thấy làn gió có pha một chút hơi nóng và bụi khói của thành phố trở lại. Và tôi nôn nao trong lòng bởi một điều gì không rõ.

Tôi điện thoại cho Vân lúc bốn giờ chiều. Lúc đó, nàng đang ngồi trong phòng khách. Câu chuyện bắt đầu với tiếng cười nhỏ của nàng.

Tôi nói:

- Chú đang gọi cháu từ chỗ làm.

- Ủa, tại sao chú không đi Đà Lạt?

- Chú trở về vì đường đi không được.

- Chắc Hạ buồn lắm?

- Chưa biết.

- Rồi chú có đi nữa không?

- Chắc là không.

Vân im lặng một thoáng. Tôi hỏi:

- Cháu xin ở lại được chưa?

- Dạ được.

- Chút nữa, chú tới đưa cháu đi chơi, cháu thích không?

Vân im lặng. Tôi lặp lại câu hỏi và chờ.

Vân trả lời nhưng có vẻ bối rối:

- Dạ thích. Nhưng chú có bận gì không?

- Không. Chú rảnh.

- Nhưng chú định đưa cháu đi chơi đâu?

- Đi chỗ nào cháu thích.

- Cháu đâu có biết chỗ nào. Cháu quê lắm mà chú.

- Cháu cứ nghĩ ra một chỗ nào đó.

- Cháu hoàn toàn không biết chỗ nào cả.

- Vậy chú đưa đi đâu cháu đi đó nhé?

- Mấy giờ cháu tới?

- Để chú tới. Chú đón cháu tiện hơn.

- Chú có định vào nhà không?

- Vào nhà chứ sao không?

Vân ngần ngại:

- Thôi chú đợi cháu ngoài đường đi. Nhà không có ai nhưng sợ chị người làm biết. Mẹ cháu đi vắng, cháu sẽ biên giấy để lại xin phép. Vậy nhá chú.

- Tùy cháu. Chú sẽ đứng đợi cách nhà cháu một khoảng xa. Gần ngã tư có ông cảnh sát gát chốt đèn đỏ. Cháu biết không?

- Dạ, cháu biết.

- Chú ngừng nhé.

Tôi gác máy. Một lúc sau tôi tới chỗ hẹn. Chờ một lúc thì Tường Vân tới. Trên tay nàng luôn luông có một tờ báo hoặc một cuốn sách. Nàng cầm cho đỡ ngượng và thỉnh thoảng lại lật vài trang. Tôi vẫy một chiếc xích lô và bảo người đàn ông đạp chạy ra phố. Xe ngừng ở một ngã tư đường. Tôi đưa Vân đi bộ hòa vào đám đông trên đường phố buổi chiều. Sài Gòn giờ này vẫn còn nắng và nóng khủng khiếp.

Vân đi bên cạnh mà không hỏi đi đâu. Tôi thích thú điều đó. Tôi lập lại:

- Chú đưa đi đâu Vân đi đó nhé.

- Dạ.

Và tôi đưa Vân vào xem một phim tình cảm. Lúc vào tìm ghế tôi phải nắm tay Vân đi theo người chỉ dẫn, ánh đèn pin của ông ta làm tôi khó chịu. Vân rụt rè trong tay tôi. Lúc ngồi vào ghế tôi thấy Vân nhìn tôi, hai ánh mắt chạm nhau. Vân bối rối nói:

- Phim gì vậy chú?

- Chú cũng chưa biết, hình như là phim tình cảm.

- Cháu ít khi đi ciné lắm. Cháu thường hay đau đầu. Xem phim cháu bị đau đầu luôn.

- Sao lúc nãy cháu không chịu nói. Mình đi chơi chỗ khác?

- Không sao đâu chú.

- Chừng nào thấy khó chịu nói chú dẫn ra nhé.

- Không sao đâu chú.

Suốt cuốn phim tôi không xem được gì. Những hình ảnh nhảy múa trước mắt. Vân ngồi im lặng nhìn lên màn ảnh nhưng tôi đoán Vân cũng không xem được gì. Cả hai, tôi và Vân đều bối rối khi ngồi gần nhau trong bóng tối. Một lúc, Vân hỏi mượn tôi cây viết. Nàng hí hoáy viết trong cuốn sổ tay một lúc rồi đưa cho tôi. Tôi phải chờ một đoạn phim sáng mới đọc được.

"Chú Lam. Tại sao chú chìu cháu quá vậy? Chú có chìu Ly Hạ như thế không, chú làm cháu bối rối quá. Cháu chỉ là con bé khó thương, rồi đây chú sẽ ghét cháu."

Tôi biên lại bên dưới chỗ Vân viết mấy câu:

"Chú sẽ không bao giờ ghét cháu. Nhưng tại sao cháu gọi chú bằng chú trong khi Ly Hạ gọi chú bằng anh, đổi cách xưng hô lại cho ổn một chút được không?"

Vân viết:

"Cháu quen miệng rồi. Bây giờ đổi lại thấy khó và ngượng quá. Chú đổi trước đi."

Tôi đưa trả Vân cuốn sổ tay và chúng tôi tiếp tục đối thoại với nhau trong bóng tối bằng cuốn sổ tay cho đến gần hết cuốn phim. Có nhiều khi Vân viết xong, tôi phải chờ đến mười phút mới đọc được vì lúc đó mới có một đoạn phim sáng. Vân đã bớt e dè như lúc đầu. Tôi và Vân nói chuyện nho nhỏ khi phim sắp hết. Lúc đèn bật sáng Vân bảo tôi:

- Chờ tối trở lại rồi mình hãy đi ra, chú.

Tôi hỏi Vân:

- Cháu xin phép đi chơi đến mấy giờ thì phải về nhà?

- Khoảng tám giờ.

- Chú đưa cháu đi dạo mát rồi đi ăn nhé.

Tôi vẫn chưa thay đổi cách xưng hô với Vân trước được. Tôi vẫn e ngại một điều gì đó.

- Chú xem được phim không?

Tôi cười, lắc đầu. Vân cũng cười:

- Cháu ngồi xa màn ảnh quá nên cũng không thấy rõ. Cháu bị cận mà chú.

- Sao cháu không đeo kính?

- Con gái đeo kính kỳ lắm chú.

- Gì mà kỳ? Bị cận thì đeo kính chứ kỳ gì.

- Nhưng cháu thấy dị ghê. Tụi bạn chê chết.

- Cháu không mang kính, mắt lên độ thì nguy.

- Vậy, hôm nào cháu đi đo mắt với mẹ.

Tôi và Vân đi lòng vòng hết những con đường. Một lúc Vân nói cho tôi nghe về Đà Lạt, về ngôi trường bạn bè và tình cảm của nàng. Tôi nghe và buồn buồn. Tuy nhiên tôi không nói được gì với Vân. Thật ra thì tất cả những gì muốn nói hãy còn quá sớm. Tôi còn nhớ Đà Lạt, muốn lên Đà Lạt, thành phố đó như nằm trong tâm hồn tôi. Những lúc buồn chán, một mình, tôi lại nhớ Đà Lạt với những buổi chiều sương vây lạnh, bến xe hiu hắt trong màn mưa, với những chuyến xe nhỏ đầy bụi đỏ trở về nằm xếp hàng dài. Tôi sẽ gặp lại Tường Vân ở thành phố đó, và tình cảm rồi sẽ khác.

- Chú Lam?

Tôi đưa mắt hỏi Vân. Nàng hỏi tôi:

- Cháu đã lớn chưa chú?

- Cháu còn bé.

- Cháu lớn hơn Ly Hạ chứ chú.

- Cháu bé hơn Ly Hạ.

- Mai mốt cháu về Đà Lạt, chú nhắn gì cho Ly Hạ không?

Tôi lắc đầu. Vân nói cho tôi nghe về mấy người bạn trai của nàng. Những tình cảm nhỏ nhoi của thời con gái. Một người tên Lộc nào đó, một thanh niên, một cậu học trò, một tình nhân. Tôi lơ mơ nghĩ và tội nghiệp cho Vân. Nàng hãy còn quá nhỏ bé trong tình cảm. Cho dù tình cảm đó mơ hồ như sương khói. Những điều Vân nói chỉ là một biểu hiện mơ hồ của thời mới lớn. Tình yêu không phải những điều để người ta nói. Tình yêu là những gì người ta giữ mãi trong im lặng. Trân trọng, nâng niu.

- Chú buồn à?

- Không, chú đang vui.

- Sao chú không nói chuyện?

- Cháu nói, chú nghe được rồi. Chú nói nữa ai nghe?

- Mai mốt sinh nhật của cháu rồi.

- Cháu có định tổ chức không?

- Cháu chưa biết. Ở đây cháu ít bạn bè. Sinh nhật phải có bạn bè mới vui.

- Nhớ, có tổ chức thì mời chú nghen.

- Dĩ nhiên. Chỉ sợ chú không tới.

- Chú tới chứ.

- Để cháu gặp Chi. Mọi chuyện nhờ Chi lo dùm. Năm năy cháu mười bảy tuổi, thổi mười bảy ngọn nến mệt ngất.

- Chú thổi phụ với, đừng lo.

Tôi đưa Tường Vân vào một quán ăn có cửa kính. Buổi tối những tấm màn cửa được buông rủ, giống như trong phòng khách nhà Vân. Tôi cười nói:

- Vào trong này sẽ không sợ ai ở ngoài nhìn thấy. Và cháu khỏi lo.

- Cháu lo gì đâu?

- Trông cháu vẫn có vẻ ngại ngùng.

Tường Vân trêu tôi:

- Chú bảo sẽ đổi cách xưng hô mà.

- Yên tâm, cô bé.

Tôi đẩy cánh cửa nặng nề qua một bên. Người bồi mặc toàn đồ trắng, thắt nơ đen, hiện ra với nụ cười chào mời, hướng dẫn chúng tôi đến bàn ngồi. Trong nhà hàng, đèn thắp bóng vàng, mặt tường chung quanh lót gỗ nâu bóng. Máy lạnh chạy rì rì với tiếng nhạc thật nhỏ. Giờ ăn buổi tối vắng, toàn những người ngoại quốc. Tôi và Vân ngồi chiếc bàn giữa, phía tay mặt, sát vách tường. Bàn ăn được trải khăn trắng tinh. Người bồi đưa cho tôi và Vân hai chiếc khăn trắng tẩm nước hoa, mát lạnh. Trong khi người khác chìa ra hai tấm thực đơn bằng chữ Việt và chữ Anh. Trong tấm thực đơn tiếng Việt có cả chữ Tàu. Tôi nhận tấm thực đơn chữ Việt, ngước mắt hỏi Vân:

- Cháu ăn gì?

- Chú cứ gọi.

- Gọi những món ăn mà cháu thích. Chú có thể thích ngược lại với cháu.

- Chú ăn gì, cháu ăn theo.

- Ăn cơm nhé?

- Dạ, những cái gì thật gọn, chú nhé.

Tôi gọi thức ăn và nước uống. Trong khi Vân nhẹ nhàng dùng khăn lau mặt. Vân hỏi:

- Ở đây có điện thoại không chú?

- Có, ở đằng quầy. Cháu muốn gọi điện thoại?

- Dạ, gọi về Mẹ, để Mẹ đừng mong.

Tôi đưa tiền cho anh bồi và nhờ anh đưa Tường Vân tới chỗ đặt điện thoại. Trong khi thức ăn được mang lên. Tường Vân trở lại nhìn đĩa thức ăn đầy nhóc, nàng thở ra:

- Nhiều quá, chú. Răng cháu lại đau, không ăn được thịt.

- Cháu không nói trước.

- Cháu ăn ít thôi chú nhé.

- Tùy cháu. Có gặp Mẹ?

- Có. Mẹ cháu cũng mới về.

- Mẹ cháu nói gì không?

- Mẹ cháu chỉ dặn về sớm. Không có gì.

Tường Vân ăn những miếng thịt nhỏ nhoi do tôi cắt ra. Nàng có vẻ giống con thỏ con đang nhai lá khoai. Trong khi ăn Tường Vân nói chuyện về chị em nàng. Tôi biết thêm những cái tên mới. Tên con gái. Tường Vy, em kế, Tường Anh, Tường Quân. Tường Lan, Tường Mai, Tường Minh, với vẻ ngỡ ngàng. Vân nói:

- Cháu là chị hai của sáu đứa em.

- Chị không dành ăn chứ?

- Cháu lo lắm chú ơi. Cháu phải đậu, nhưng biết đâu.

- Đậu hay rớt ăn nhằm gì?

- Con gái thi rớt buồn lắm chú ơi. Khóc suốt một năm học. Phải đậu để mấy đứa em nhìn vào ráng học nữa chứ.

- Cháu lo quá nên đau đầu.

Tôi nhận thấy ở Tường Vân là hai con người khác biệt nhau với số tuổi của nàng. Một lúc nào Tường Vân còn cái vẻ ngây thơ, hồn nhiên của cô gái vừa tròn mười bảy tuổi, lúc khác, Tường Vân có cái vẻ lo âu già dặn của một người lớn hơn. Tường Vân có những cái lo thật đáng thương, cũng như khi thấy nàng hồn nhiên vui đùa rất tội. Sau bữa ăn, tôi biết thêm một chút về hoàn cảnh gia đình nàng. Tường Vân cũng không hơn gì tôi, hai người ở trong một hoàn cảm khá bi đát mà khi lớn lên sống trong không khí đó chả ai hiểu vì sao.

- Cháu buồn không?

- Buồn lắm chú. Nhưng cháu thương cả Bố lẫn Mẹ cháu.

- Đúng ra không ai muốn như thế.

- Cháu cố không nghĩ gì hết.

- Chúng ta không thay đổi được gì. Tốt nhất là làm như điều cháu nói.

Lúc ra khỏi nhà hàng tôi nhìn đồng hồ và đề nghị với Vân:

- Còn sớm. Mình đi dạo một lúc rồi về.

- Tùy chú.

Tôi đưa Tường Vân tới cửa hiệu bán hoa giấy đường Nguyễn Huệ lựa mua cho nàng một bình hoa mười cành Forget me not màu tím. Tôi hỏi:

- Cháu có thích hoa này?

- Nhưng tại sao lại "đừng quên tôi" hở chú?

- Mai mốt cháu sẽ hiểu.

- Ở Đà Lạt hoa này nhiều lắm chú.

- Nhưng hoa này không tàn được. Chú muốn cháu để trên trên bàn học.

- Bàn học của cháu nhỏ xíu. Cháu phải dẹp bớt mấy cuốn sách đi mới được.

Tôi trả tiền, ra cửa. Bình hoa được để trong một cái hộp giấy lớn, gói giấy hoa rất đẹp mắt. Tôi nói với Vân:

- Quà sinh nhật của cháu đấy.

- Chú làm cháu cảm động quá.

- Cảm động thôi, đừng khóc.

Tường Vân nguýt tôi một cái dài. Buổi tối đi về hướng bờ sông, gió từ đó thổi lên mát rượi. Tôi nhìn những đỉnh cây nhuộm ánh đèn xanh biếc, con đường sạch mát chạy dài thoải mái trong đêm. Sài Gòn chỉ ban đêm mới đẹp, mới thật sự là một thành phố. Chúng tôi đang đi trên con đường đẹp nhất của thành phố.

- Sài Gòn ban đêm với Sài Gòn ban ngày thật khác xa, chú Lam nhỉ?

- Chú chỉ thích buổi tối ở Sài Gòn từ bảy giờ trở đi.

- Chú thường đi chơi?

- Chú là cái chân đi. Không nơi nào là không có chú. Nhất là về ban đêm.

- Biết rồi. Thanh Chi bảo chú thường trực ở mấy quán cà phê.

- Thanh Chi xạo.

- Chứ chú đi đâu?

- Đi khắp mọi nơi. Thiếu gì chỗ đi. Đâu phải chỉ có mấy quán cà phê?

- Chú có nhiều bạn?

- Nhiều. Nhưng bạn thân lại ít.

- Chú gầy quá.

Tôi cười. Đau buồn. Từ lâu tôi chưa hề nghĩ đến sức khỏe của mình. Chưa hề quan tâm đến mình. Bây giờ nghe Tường Vân bảo tôi mới biết mình gầy và như thế chắc tôi còn gầy hơn lời Tường Vân nữa. Tôi đùa:

- Chắc chú phải mua một tấm gương để mỗi ngày nhìn vào xem mình mập ra được bao nhiêu, nếu ăn thật lực vào.

- Chi bảo chú qua cầu có khi gió thổi bay mất.

- Chú cầu được như thế, nhưng sao chú cứ ở lỳ trong cái thành phố đáng ghét này. Mong có trận gió nào thổi chú bay mất tiêu như lời Thanh Chi.

- Thì chú đã bay lên Đà Lạt gặp Hạ rồi đó.

- Ừ nhỉ, Hạ sắp về.

- Bao giờ, chú?

- Cuối tháng tám.

- Tiếc nhỉ, khi đó cháu không còn ở đây.

Tôi đưa Vân đi vòng trở lại. Hình như chỉ có tôi và nàng trên một quãng đường vắng với rất nhiều bóng cây cô đơn đứng bên lề. Hết đường, tôi nói:

- Bây giờ đi đâu nữa?

- Về thôi, chú.

- Chú muốn đi hoài đừng về nhà.

- Mẹ la chết.

Tôi cười, vẫy một chiếc xích lô. Lúc lên xe Vân im lặng nhìn về phía trước. Tôi nhìn nghiêng thấy mái tóc nàng đổ xuống như một giòng suối đêm. Chiếc xe lướt êm trên con đường vắng. Qua ngang một công viên. Tường Vân hỏi tôi:

- Có bao giờ chú vào công viên không?

- Có chứ. Ngày nhỏ chú trốn học.

- Vào đấy làm gì, chú?

- Lượm sỏi bắn những con chim đậu trên cây.

- Còn bây giờ?

- Chú chỉ ngồi trong quán nước, nhìn những cặp tình nhân nào đó tình tự. Đẹp lắm.

- Chú có bao giờ như thế không?

- Không. Chú chỉ có một mình, tình tự với ai?

- Chú xạo thấy mồ. Những người yêu của chú đâu? À, chú có nhiều người yêu lắm phải không?

Tôi lắc đầu, cười buồn. Nhưng Tường Vân có vẻ không tin, mà cũng không hỏi gì thêm. Xe qua cầu, gần tới nhà Vân tôi nói:

- Ngày mốt sinh nhật cháu. Chú muốn đưa cháu đi chơi cả ngày, cháu thích không?

- Ở nhà một mình cháu buồn lắm. Nhưng đi cả ngày sợ Mẹ không cho. Chú xin phép giùm cháu đi.

Tôi ngần ngại, từ trước tới giờ tôi chưa làm công việc này. Tôi cười:

- Chú sẽ gồng mình đến xin phép cho cháu. Nhưng nếu mẹ cháu không bằng lòng chú quê chết.

- Mẹ cháu sẽ bằng lòng. Vì Mẹ chỉ sợ cháu đi một mình. Với Mẹ, cháu lúc nào cũng còn bé bỏng, khờ khạo.

- Chú làm việc này lần đầu tiên trong đời.

- Chú chưa xin phép cho ai đi với chú bao giờ sao?

- Chưa.

- Cháu không tin đâu.

Tường Vân hỉnh mũi trêu tôi. Xe dừng lại trước cổng nhà Tường Vân. Tôi trả tiền cho ông tài xế trong lúc Tường Vân ấn chuông. Chị Như ra mở cửa cho chúng tôi. Lúc vào sân tôi thấy hai người đàn bà đi ra. Tường Vân ghé vào tai tôi nói nhỏ gì đó nhưng tôi nghe không rõ. Tôi nhận thấy Tường Vân có vẻ bối rối trước Mẹ. Nàng cũng nói với bà những câu tôi nghe không rõ. Hình như là để giới thiệu tôi. Tôi gật đầu chào hai người đàn bà. Tôi không biết ai là Mẹ cuả Vân. Nhưng lúc vào nhà thì tôi biết rõ. Mẹ Tường Vân hỏi thăm tôi vài câu xã giao. Tôi cũng trả lời vài câu rồi ngồi im. Mẹ Vân nói giọng Bắc lai. Tôi hoàn toàn không hiểu gì về tình cảm người Bắc. Tôi e ngại một cách tự nhiên khi ngồi nghe chuyện giữa Vân và Mẹ nàng. Mẹ Tường Vân còn quá trẻ, vui tính. Tuy nhiên và cũng làm tôi hơi khớp lúc mới bước vào. Một lúc Tường Vân cười cười hỏi Mẹ:

- Sinh nhật con Mẹ phải cho con đi chơi nguyên ngày nhé?

- Đi chi mà lắm thế, con?

- Đi lang thang.

Mẹ Tường Vân đùa:

- Buồn chi mà đi lang thang. Ở nhà chơi với Minh Không vui à?

Tường Vân đưa mắt nhìn tôi. Mẹ Vân hiểu cái nhìn ấy. Bà ngó tôi hỏi:

- Hay là anh Lam đưa cháu đi?

Tôi gật đầu nói mấy câu đại ý nhân ngày sinh nhật Tường Vân tôi định gặp bà để xin phép cho Vân đi chơi trọn ngày. Đi ra khỏi thành phố, về ngoại ô chẳng hạn. Hoặc là đi ăn trái cây trong vườn. Mẹ Vân không nói ra là bà có bằng lòng hay không. Bà chỉ nói đại ý bà ngại đường xa, nhất là vào vườn trái cây chẳng có gì vui. Tốt hơn, nếu tôi có phương tiện nên đưa Vân đi chơi lòng vòng trong phố. Tường Vân cáo từ lên lầu. Tường Vân hỏi tôi:

- Chú tính sao? Đừng buồn mẹ cháu nhé.

Tôi lắc đầu cười:

- Đành đi chơi lòng vòng trong phố như hôm nay vậy.

- Mẹ cháu sợ đường xa không yên, lỡ có gì...

Tôi nói:

- Chú biết. Chỉ sợ đi mãi trong thành phố này cháu chán.

- Cháu không chán đâu.

Lúc Mẹ Tường Vân trở xuống, tôi chào bà xin phép về. Tường Vân nói với Mẹ rằng bữa đó chỉ đi loanh quanh trong thành phố. Rồi nàng đưa tôi ra cổng. Chúng tôi còn đứng nán với nhau một lúc. Những chiếc lá bắt ánh đèn đẹp quá làm tôi nhìn mãi. Và Tường Vân đứng cười, mắt chớp nhanh khi tôi vẫy một chiếc xe chạy trờ tới. Tôi băng qua đường và nhìn thấy bóng mình ngã dài dưới chân. Tường Vân vẫn đứng nhìn tôi dưới những chòm lá lấp lánh ánh đèn. Đêm hình nhưng đã muộn. Tôi ngả người trên ghế, nhắm mắt lại và ngỡ chiếc xe đang lướt trong một giấc mơ thật dịu dàng. Trong giấc mơ Tường Vân vẫn nhìn tôi đăm đăm.

Sinh nhật của Tường Vân chỉ có tôi và ba người bạn thân của Vân tới dự. Chi, Nga và Trâm đều biết tôi từ trước. Nhưng bẵng đi một thời gian khá lâu, tôi không gặp người nào. Bây giờ ai cũng có vẻ lớn, xinh ra và lạ hơn. Nga trêu tôi:

- Anh Lam tới chậm quá, lẽ ra Tường Vân phải phạt.

- Phạt cái gì?

- Tùy Vân chứ bộ.

Tường Vân ngượng ngịu nhìn tôi và vẫn ngồi im trong ghế. Chi nói:

- Huyền Nga cừ lắm anh Lam ơi, đậu rồi đó.

- Còn Chi.

- Chi rớt.

- Sao lại rớt?

- Vì người ta không cho Chi đậu chứ sao.

Huyền Nga cười:

- Chi cũng đậu nữa anh Lam ơi. Chi xạo.

Tôi đùa:

- Lâu quá không gặp. Không ngờ Chi có thêm cái nghề... nói dóc.

- Anh Lam thì sao? Cũng xạo một cây chứ bộ.

- Nhưng thua Chi xa.

Huyền Nga chêm vào:

- Chi được giải nhất trong lớp về cuộc thi nói dóc đấy anh Lam ơi.

- Nga hại người ta hả?

- Có sao nói vậy, bạn. Được giải nhất bộ dễ lắm sao?

Chi xoay qua tôi:

- Tường Vân đậu, anh Lam thưởng gì chưa?

- Rồi.

- Sao không thấy gì hết?

- Chút nữa sẽ thấy.

- Còn tụi này. Cũng đậu như ai chứ bộ.

- Không cho biết trước nên anh chưa chuẩn bị. Hôm khác đi.

- Trời ơi, sợ cái hẹn của anh quá.

- Chứ biết làm sao bây giờ?

Huyền Nga cười:

- Thôi Chi, nói quá, anh Lam ăn sinh nhật mất ngon.

Trong đám chỉ có Trâm là ít nói. Trâm làm tôi nhớ đến chị Huyền. Trâm gặp tôi bữa này là lần đầu tiên, nhưng tôi biết Trâm rất lâu qua những bức thư.

Tôi nhìn Trâm hỏi:

- Trâm cũng đậu nữa phải không?

Huyền Nga đáp thay:

- Đậu. Ở đây toàn những người tài cao. Anh Lam gặp số xui rồi.

- Sao Trâm ít nói thế? Trong thư nói nhiều lắm mà.

- Nó mắc cỡ. Lúc nãy Trâm bảo đợi gặp cho biết mặt anh Lam rồi về.

- Bây giờ biết rồi, sợ chưa?

Trâm cười:

- Chưa, nhưng chút chắc sợ.

Cả bọn cười ầm. Tôi bị vây giữa những cô bế nhanh mồm nhanh biệng này quả thật là một ngày xui như Huyền Nga nói. Trong lúc đó, Tường Vân vẫn ngồi im trong ghế. Chi, Nga, Liên, Trâm lo dọn bàn, sắp đặt bánh nước. Họ bỏ tôi và Tường Vân ngồi lại với nhau trong phòng khách rộng.

Tường Vân nói:

- Cháu đang bị đau đầu.

- Cháu uống thuốc chưa?

- Cháu không uống thuốc. Rồi sẽ hết. Tối nào cũng bị như vậy.

Tôi nhìn căn phòng nhuộm vàng ánh sáng của ngọn đèn. Những đồ vật cổ kính chiếm những góc tối, bóng ngời. Căn phòng bao lần vẫn cho tôi cái cảm giác rộng mênh mông. Buổi tối ở đây thật yên lặng. Tiếng động từ ngoài vườn không thể lọt vào. Ngôi nhà như nằm ở một nơi nào cách biệt, xa hẳn thành phố ồn ào, mệt mỏi này.

- Hai hôm nữa cháu về.

- Sao chóng thế? Chú tưởng thi đậu rồi cháu đuợc ở lại chơi lâu hơn chứ.

- Cháu phải về để sửa soạn đi học chứ. Nhà này cũng sắp sửa giao cho người ta rồi. Mẹ cháu phải tới ở đằng đường Hai Bà Trưng.

- Cháu về gấp quá.

- Bất ngờ không chú?

- Bất ngờ.

- Thôi, hẹn gặp chú trên Đà Lạt khi nào chú lên thăm Hạ vậy.

- Biết có gặp được không?

- Sao, cháu vẫn ở đó mà.

Tường Vân không hiểu câu tôi nói. Tôi cũng lười giải thích. Tôi muốn ngồi một nơi hoàn toàn tự do để lắng nghe khoảng thời gian bất ngờ dừng lại dưới chân mình, ở đó hình như có một nỗi buồn vừa dấy lên.

- Sao chú có vẻ buồn? Chú giận cháu?

- Không.

- Mười bảy tuổi của cháu rồi. Cháu sợ ghê.

- Sợ gì?

- Sợ sẽ thành người lớn. Cháu thích bé nhỏ mãi để được đứng ngoài những lo âu phiền toái.

Tôi cười:

- Được làm người lớn thích chứ?

- Người lớn hẳn lên, mới thích. Cháu chỉ mới vừa lớn vừa bé thôi.

Huyền Nga ra đứng gọi:

- Xong rồi Vân ơi, mời anh Lam vào khai mạc đi chứ.

Tôi cười, cùng với Vân đứng lên vào trong. Chiếc bàn vuông được trải khăn trắng. Bình hoa và mấy chiếc ghế ngồi chung quanh. Trên bàn bày bánh, những tách nước trà. Chiếc bánh sinh nhật to lớn cắm vòng quanh mười bảy ngọn nến. Huyền Nga bật diêm đốt nến. Thanh Chi bảo:

- Nói gì đi chứ Tường Vân.

- Chi nói thế đi.

- Sao được. Sinh nhật người nào, người ấy nói chứ.

- Biết nói gì bây giờ?

- Nói ngăn ngắn thôi.

Huyền Nga đùa:

- Nói nhiều mới cảm động. Mà cảm động thì ăn bánh mới ngon. Vân ạ.

- Nói nhanh lên rồi thổi nến cho Trâm về.

Tôi ngạc nhiên:

- Sao lại về?

- Trâm nói ở nhà sẽ về sớm.

- Buồn vậy?

Tường Vân đứng mãi mới nói được mấy câu. Xong chu môi thổi nến. Mười bảy chiếc nến cắm vòng quanh chiếc bánh to lớn, Vân không thể nào thổi tắt hết một lượt. Tôi phải thổi giúp. Liên, Trâm xin phép về. Chi và Nga đưa Trâm ra cửa, chỉ còn mình tôi và Tường Vân ngồi lại. Tôi nói:

- Coi như chỉ có mình chú dự sinh nhật cho cháu.

- Cháu thích thế. Đừng nhiều người, nên cháu chỉ mời những bạn thân. Tụi nó lo hết. Cháu đi chơi cả ngày không biết gì.

Huyền Nga và Chi trở vào. Huyền Nga la lớn:

- Mở quà đi Vân.

Tường Vân nói:

- Thôi. Chừng nào mở chả được.

- Mở ngay đi. Quà của anh Lam chắc đặc biệt?

Tường Vân chìu bạn, mở lần lượt những gói quà. Mỗi lần mở một gói thì Nga phụ đề vào một câu làm cả bọn cười rúc rích. Tới gói quà của tôi Chi ồ lên. Nga nheo mắt hỏi:

- Tại sao lại "Đừng quên tôi" anh Lam nhỉ?

Tôi ngó Tường Vân. Cô bé ngượng, quay đi chỗ khác.

- Giải thích đi anh Lam. Tại sao "Đừng quên tôi".

Tôi cười:

- Hỏi tức là đã trả lời.

- Ghê nhỉ?

- Quà của anh Lam đặc biệt ghê.

Tôi nói:

- Thôi ăn bán đi các cô. Giã vờ hoài.

- Anh Lam có tật nên giật mình phải không?

- Phải cái gì?

Huyền Nga và Thanh Chi ngó nhau cười. Tường Vân cắt bánh chia cho mỗi người. Tôi được chia một miếng bánh to, có hoa hồng. Bốn người vừa ăn, vừa nói chuyện. Câu chuyện pha trong tiếng cười đùa hồn nhiên. Tôi có cảm tưởng Nga và Chi biết rõ một điều mà Tường Vân chưa biết. Hai cô bé trêu tôi, làm tôi ngỡ ngàng. Bữa tiệc sinh nhật kéo dài trong khi đêm tối đã xuống ngoài kia. Tôi nghe như có tiếng gió lướt trên những tấm màn cửa lay động. Huyền Nga nói:

- Hình như trời chuyển mưa.

- Mưa đêm, thích nhỉ?

Tôi ngó Tường Vân. Chiếc muỗng còn ngậm trong hàm răng đều, trắng như men của nàng. Tường Vân nói:

- Cháu thích mưa đêm chú ạ. Buồn, nhưng làm cháu bớt đau đầu.

- Đà Lạt có mưa đêm không?

- Mưa đêm ở Đà Lạt buồn khóc được.

Huyền Nga cười:

- Nhớ ai mà khóc?

Thanh Chi trêu:

- Chắc chắn không phải nhớ Nga rồi.

- Dĩ nhiên, Vân nhớ một người.

- Người nào?

Vân tròn mắt hỏi Nga. Huyền Nga sợ không trêu tiếp:

- Người nào thì Vân biết chứ bộ.

Gió lạnh vào phòng, làm ngơ ngác đôi mắt Vân. Tôi thấy Vân hướng ra cửa, ngoài ấy chưa có mưa, nhưng khoảng trời tự nhiên buồn lay lắt như mưa rớt tự bao giờ. Dưới ánh sáng ngọn đèn, đôi mắt như tối hơn, màu áo Vân mặc lồng vào màu khuôn cửa, những tấm màn, và những chiếc bánh. Bữa sinh nhật rực rỡ của một người, của một tuổi đời Vân. Tôi sẽ chẳng còn gọi Vân là cô bé. Hôm nay, Vân vừa mười bảy tuổi. Đối với tôi, từ bây giờ Vân là một thiếu nữ, một người hiện đến trong tình cảm tôi bằng chiếc bóng lặng lẽ, nồng nàn cho suốt những ngày tháng tới. Hai hôm nữa Vân về thành phố của nàng.

- Anh Lam ăn ít quá. Đóa hoa hồng cho anh vẫn còn kia. Không dám ăn, tiếc à?

- Để dành.

Tôi lấy mỗng hớt nhẹ đoá hoa hồng đưa sang dĩa bánh của Vân. Chi cười khúc khích bảo:

- Thôi chứ. Hoa "Đừng quên tôi" đủ rồi, thêm hoa hồng nữa Vân sẽ không còn chỗ nhớ.

- Anh Lam khôn ghê.

Mưa bắt đầu rắc những hạt nhỏ ngoài trời. Mọi người bắt đầu uống trà. Chất nước thơm làm nhớ một thứ hương nào đó ủ kín trong trí nhớ, trong tâm hồn. Tôi yên lặng nghe mưa. Chị Như lên thu dọn những chiếc dĩa. Sinh nhật của Vân chấm dứt. Bình hoa ngó buồn như khu vườn một buổi chiều tàn. Tôi nói với Vân:

- Bây giờ chú về.

Huyền Nga ngạc nhiên:

- Sao lại về?

- Anh bận việc tối nay.

- Có hẹn đi ciné với một cô nào phải không?

- Nếu như thế thì hạnh phúc quá. Ngược lại, anh sẽ bận bù đầu với công việc. Và về một mình trong mưa.

- Chà, cảm động. Nga đưa anh về nhé?

- Thôi, cảm ơn lòng tốt bất đắc dĩ của cô bé.

- Anh Lam khôn ghê.

Tôi dặn lại Vân:

- Chú sẽ ghé trước khi Vân về.

Vân chỉ cười, không nói gì. Tôi và Vân đi ra cổng. Mưa nhỏ, nhưng lạnh băng da thịt. Vân nói khẽ bên tôi:

- Mưa mà chú. Chờ tạnh hãy về.

- Thôi để chú về.

- Chỉ có Chi và Nga ở lại chơi với cháu. Chú buồn cháu phải không?

Tôi muốn cầm lấy bàn tay Vân và nói với nàng rằng chẳng bao giờ tôi giận nàng cả. Ngược lại, Vân đã ở đây, trên mỗi bước chân tôi khi rời xa. Con đường sẽ đưa tôi về, căn nhà như im ngủ trong cơn mưa. Ở đó, tôi sẽ một mình nhớ lại buổi tối này. Ngày Vân mười bảy tuổi. Tôi khẽ khàng đặt tay lên vai Vân:

- Cháu vào nhà kẻo mưa ướt hết.

Vân mở to mắt nhìn tôi như dò hỏi:

- Nhưng chú phải nói là chú không buồn giận gì cháu cả.

- Không, chú muốn cháu thật vui.

Vân chớp mắt, như sắp khóc. Tôi nói:

- Cháu vào đi. Chi với Nga chờ trong đó.

- Chi với Nga ngủ lại với cháu mà chú. Hết mưa sẽ nhìn thấy trăng. Chú về nhớ chờ trăng nghe chú.

Tôi cười. Chạy băng qua đường đón một chiếc xích lô. Mưa rả rích u buồn với tiếng côn trùng nỉ non trong đêm khuya vắng. Cánh cửa nhà Vân đã đóng lại. Trên bao lơn tôi thấy mưa kéo từng sợi nhỏ qua ánh sáng hắt hiu của ngọn đèn vàng vọt. Một chiếc xích lô lao tới. Tôi vẫy. Xe ngừng bên cạnh, người đàn ông hỏi tôi:

- Đi đâu cậu hai?

- Về Thị Nghè.

Ông ta gật đầu. Tôi lên xe ngồi vừa lúc cơn mưa ập đến. Nước ràn rụa trên tấm bạt, tôi nhìn ra phía trước mà không thấy gì. Bức thư của Hạ báo tin thi rớt và hẹn một ngày sẽ về gần đây. Tôi thấy ngỡ ngàng cho khoảng thời gian gần đây trong tình cảm của tôi và Hạ, có một cái gì đã vỡ tan. Hạ thi rớt. Tôi nghĩ rằng nàng sẽ buồn lắm. Trước lúc thi, Hạ cũng hy vọng thật nhiều. Đối với tôi, việc Hạ thi đậu hay rớt làm tôi áy náy. Tôi không muốn cùng lúc những tin buồn sẽ đến với Hạ. Và trong tôi, vẫn còn đôi mắt buồn của Hạ nhìn tôi dưới mưa bay đêm giáng sinh nào.

Xe ngừng ngoài đầu ngõ, tôi trả tiền trong xe và mở cửa phóng xuống chạy một mạch vào nhà. Trong nhà có đèn, chắc Tuế đã về. Tôi gọi cửa, Tuế chạy xuống hỏi:

- Bạn đi đâu dữ vậy? Tưởng tối nay không về.

- Về chứ. Thế nào cũng về.

Tôi bước vào, mái tóc ướt và chiếc áo cũng ướt sũng. Tuế giục tôi đi thay quần áo khô. Tôi hỏi:

- Ăn gì chưa?

- Ăn rồi. Đợi ông chắc đói rã ruột.

- Biết thế cũng tốt.

Tuế cười. Chốc chốc lại ngó tôi. Hình như Tuế uống rượu, gương mặt nó ửng đỏ. Tôi cười. Chạy lên thay áo quần trở xuống thấy Tuế ngồi trong ghế. Tôi nói:

- Còn đủ sức uống cà phê không?

- Tưởng tao say à? Sức mấy.

- Vậy thì đi.

- Đâu mới được?

- Ra ngõ.

- Nhớ là trời mưa đấy nhé. Nhà có áo mưa không?

Tôi cũng không nhớ là có áo mưa không. Mãi một lúc mới nhớ hình như mình có chiếc áo mưa cũ vứt đâu đó đã lâu không đụng tới. Tôi chạy đi lục lọi trong những đống quần áo. Tìm thấy, tôi giũ cái áo mưa đầy bụi và ra cửa đứng nhìn trời. Tuế đứng bật dậy:

- Hai đứa che mà chạy. Có ướt cũng không đến nỗi nào. Sao tự nhiên mày nổi hứng bất tử vậy?

Tôi cười, tung cái áo mưa ra, hình như có một con gián rơi xuống đất và chết tốt dưới gót dày của Tuế. Quả thật, chiếc áo mưa cũ quá, nó lên mùi mốc khó chịu. Tuế khoá cửa, tôi và nó che chung áo mưa lầm lũi đi ra đầu ngõ. Mưa rơi lộp bộp trên áo mưa, gió lạnh và bụi nước bắn tung tóe vào mặt.

- Thuận đâu?

- Về nhà nàng rồi.

- Đi đâu mất biệt rồi bây giờ lù lù về.

- Đừng thắc mắc.

- Vết thương lành hẳn chưa?

- Ngon rồi. Tao sắp trở lại chỗ có nhiều trò chơi.

- Không đi Đà Lạt à?

- Thôi. Biết bao giờ đi được nữa.

- Tao chắc cũng vậy. Chưa định bao giờ. Tự nhiên thấy buồn ghê gớm.

- Sao vậy? Không thể tự nhiên được. Có chuyện gì phải không?

Tôi đưa tay ra hứng mưa, không trả lời, Tuế hỏi:

- Ngó bộ mày thất tình?

Tôi cười lớn. Hai đứa ra tới đường. Nước mưa chảy ào ạt và những bóng đèn mắc trên cao trông như ngủ gục với ánh sáng mờ nhạt của nó. Tuế dẫm chân tôi, hai đứa suýt ngã.

- Mày say?

- Còn lâu.

Tôi lặng lẽ cười một mình. Nếu Tuế không về, đêm nay tôi chẳng biết làm gì. Viết thư cho Hạ? Hay cho Tường Vân? Đêm mưa làm tôi nôn nóng, khó chịu. Tôi thường ngủ rất muộn trong những đêm mưa. Căn nhà vắng lặng, buồn tên đó, tôi ở một mình với những hình bóng xưa cũ, chập choạng như trong cơn mơ. Công việc cho ngày mai tôi vẫn chưa làm. Tôi lười biếng và buồn khôn tả.

Mưa, quán cà phê vắng khách. Tôi và Tuế leo tuốt lên lầu, chỗ khuất ánh đèn nhất. Ngồi xuống chiếc ghế thấp, tôi bỗng nhớ tới Tường Vân. Nhớ như sắp sửa từ biệt nàng trên một chuyến xe khởi hành trong sương sớm. Một lúc mới có người đến hỏi chúng tôi uống gì. Tuế và tôi cùng uống cà phê sữa. Hai đầu thuốc cháy đỏ. Tuế dường như vẫn đắm chìm trong một cơn say nào đó. Nó ngồi dựa đầu vào tường thở mệt nhọc. Tôi lắng nghe một đoạn nhạc vẳng nhẹ đâu đó.

- Nhạc buồn quá.

- À, mày cũng biết than buồn?

- Buồn muốn chết được chứ mày tưởng. Càng say càng buồn. Đứa nào nói say hết buồn là nói láo.

- Nếu còn sớm tao cũng say một trận.

- Bây giờ cũng được. Tao sẵn sàng uống với mày suốt đêm nay.

- Mày uống rồi. Mất thú. Phải hai đứa cùng uống một lượt kia.

- Mai đi.

- Mai có khi lại khác.

Tuế cười rũ. Hai ly cà phê được mang lên. Tôi lấy chiếc muỗng khuấy đều. Tiếng kêu lanh canh của chiếc muỗng chạm vào thành ly nghe vui tai.

Tôi bỗng nói với Tuế.

- Hạ sắp về.

- Như thế sao lại buồn?

- Bây giờ có nhiều cái đã đổi khác. Hạ không còn là một cô bé như ngày nào đã đứng dưới mưa.

- Có gì tan vỡ chăng?

- Dĩ nhiên. Ngoài những bức thư liên lạc với tao. Hạ còn liên lạc với một người, một cậu bé ồn ào. Hạ không thật. Hạ nói dối. Mà một người con gái nói dối không bao giờ đẹp dưới mắt tao. Mày nghĩ sao?

- Có thể. Nhưng biết đâu đó chỉ là tin đồn. Mà mày cũng tin vào những lời đồn đãi nữa sao?

- Không phải tin đồn. Sự thật.

- Mày tức bực?

- Buồn cười thì đúng hơn. Đà Lạt đã chết mất một góc. Hạ chết trong tình cảm tao cùng với một ngày giáng sinh tuyệt vời buồn bã, và thơ mộng như những bông hoa dại màu vàng, nhỏ xíu nở bên hồ.

- Đã nói rõ với nhau chưa?

- Chưa. Tao đợi Hạ về. Tao sợ một bứt thư từ biệt trong lúc nàng thi rới. Như thế có ác lắm không?

Tuế im lặng. Dù sao Tuế cũng đã quen với Hạ, quen với gia đình nàng khi Tuế còn học ở Đà Lạt. Chuyện giữa tôi và Hạ làm cho Tuế bất ngờ. Nhưng người bất ngờ trước nhất là tôi. Những bức thư của Hạ tôi còn giữ. Tôi không nghĩ là Hạ không thực trong tình cảm, mà Hạ nói dối theo một thói quen trong thư. Dù sao Hạ cũng về, tôi sẽ gặp lại ở đây, những ngày mưa của thành phố buồn tênh. Và dù sao tôi cũng phải nói với Hạ những điều dự tính.

- Uống cà phê đi Lam.

Nghe Tuế nhắc, tôi mới sực nhớ ly cà phê của mình vẫn còn nguyên trên bàn. Tôi uống một ngụm, cà phê nguội ngắt. Tôi dựa đầu vào tường lắng nghe một bản nhạc buồn. Tuế cũng im lặng.

Tôi đón Vân ở chỗ hẹn cũ. Buổi chiều nắng còn tươi trên cây lá. Con đường dài và rộng thênh thang chạy trong tầm mắt. Một buổi chiều đẹp thả xuống những mái nhà cao, bầy chim bồ câu lượn vòng quanh một tháp chuông ngó thấy được của một ngôi giáo đường ở xa. Vân tới từ phía trước mặt tôi, trong chiếc áo dài trắng bay dạt về phía sau cùng với mái tóc. Trong tay nàng vẫn cầm lỉnh kỉnh những tờ báo và những quyển sổ tay to lớn, bìa nâu sậm.

Vân cười hỏi:

- Chú đợi cháu có lâu không?

- Mất nửa tiếng thôi. Sớm chán.

- Giận cháu không?

- Nếu giận đã bỏ về rồi. Thấy thương lắm mới ở lại chờ. Tại sao cứ sợ chú giận, mà không giận lại chú?

- Giận rồi chứ. Giận mà chú đâu có biết.

- Lúc nào?

- Mấy hôm rồi. Lúc cháu đau nằm liệt trên giường.

- Trời đất. Sao không nói?

Im lặng thích hơn. Giận ai mà nói ra thà đừng giận. Mà ăn nhằm gì chú? Cháu có giận chú cũng không ai để ý.

- Chú biết đâu mà để ý?

Tường Vân cười khúc khích:

- Cháu giận chú sống thì để vậy, chết mang theo chú có sợ không?

- Sợ hết hồn.

- Chú xạo. Chú mà sợ ai.

- Chú sợ rất nhiều người. Hình như ai chú cũng sợ hết. Cuối cùng rồi chú cũng sợ chú luôn.

Tường Vân cười lớn. Lần đầu tiên tôi mới thấy Tường Vân vui thật sự. Nàng có thể hồn nhiên bên cạnh tôi chứ không lo âu. Đôi mắt buồn kia đã lồng vào trong nắng. Màu mắt nàng chiều nay trong vắt màu trời.

- Sao chú không chạy?

- Chú đang nghĩ là nên đi đâu? Mình đi hết cả Sài Gòn rồi, chỗ nào cũng có đi qua, bây giờ còn đi đâu nữa?

- Đi chỗ nào chú thích.

- Sợ cháu không thích.

- Thích. Ngày mai cháu về Đà Lạt rồi.

Tôi đạp xe máy. Chiếc xe gắn máy tôi mượn của người bạn và mới biết chạy nên không bảo đảm lắm. Nó có thể đang chạy tự nhiên dừng lại lãng xẹt. Tôi phải khổ công, quờ quạng lung tung một lúc mới nghe tiếng nó "cười" dòn. Tường Vân đã quen với chiếc này mấy hôm nay. Nàng trêu tôi:

- Chắc tại cháu mập quá. Chú đi một mình thì không sao. Mỗi lần đi với cháu là nó chết máy. Thật tai hại.

- Có lẽ nó không thích cháu.

Tường Vân giấu mặt sau gáy tôi cười nhỏ. May mắn thay, hôm nay chiếc xe chạy ngon lành. Nhớ hôm đưa Tường Vân đi mua bánh mì, nó trở chứng bắt tôi phải đạp máy gần một tiếng đồng hồ mới chịu chạy. Mẹ Tường Vân bảo chắc có ngày tôi đứt tim vì chiếc xe. Tôi cười nói với Vân:

- Hôm nay yên chí.

- Tại cháu chưa ăn. Tốt nhất là đừng đưa cháu đi ăn nhé. Ăn no, nó lại không chịu chạy nữa thì nguy.

Con đường thẳng tắp dưới cây. Gió mát rượi và nắng nhạt bay múa trước mặt như một tấm lụa vàng óng. Tường Vân thuật cho tôi nghe buổi tối sinh nhật lúc tôi về. Nàng hồn nhiên kể và tiếc rẻ đêm đó mưa càng lúc càng to nên không có trăng mọc. Tôi hỏi:

- Đà Lạt của cháu có khi nào mưa như vậy không?

- Thường xuyên như vậy đó chú. Nhiều đêm nằm nghe mưa cháu muốn chết.

- Hồi đêm chú cũng muốn chết.

- Chú mà cũng muốn chết.

Tôi cười. Tường Vân ngạc nhiên:

- Lạ thật. Chú chết bỏ Hạ lại cho ai? Hạ sẽ buồn lắm đấy. Hạ đậu hay rớt hả chú?

- Hạ rớt.

- Hạ biên thư cho chú à?

- Hạ còn nói sắp về đây chơi ít hôm.

- Như thế là hai người đâu có giận nhau? Thế mà cũng làm cháu quýnh quán cả lên, còn định làm sứ giả hòa bình nữa. Chú ác thật.

Tôi im lặng nghe Tường Vân nói. Nàng nói huyên thuyên và tôi cũng không biết giải thích cách nào, nên đành giả tảng im lặng. Tới trung tâm thành phố tôi nói với Vân:

- Chú gởi xe rồi đi dạo một lúc.

- Dạ.

Tôi tới chỗ gửi xe rồi cùng Vân đi ngược lại con đường ấy. Nắng trải trên những bức tường của khu phố trước mặt. Trên các đỉnh cây và các cửa sổ cao, chim én kêu tíu tít. Tường Vân hỏi:

- Chim én hả chú?

- Hình như thế.

- Chú lúc nào cũng hình như. Lũ chim én đó giống cháu.

- Mình vào ciné.

Tường Vân không có phản ứng trước quyết định bất ngờ của tôi. Nàng theo tôi tới rạp REX, bước lên những bậc thềm. Tôi vào mua vé và trở ra nói với Vân:

- Xuất bốn giờ. Mình còn có thể đi dạo một lát.

- Dạ.

Tường Vân ngoan ngoãn bước đi bên tôi. Gió lồng lộng từ hướng sông thổi về thành phố, làm rung động những tán cây và làm bay dạt hai tà áo của Vân lúc qua đường. Tôi và nàng đi chậm, thong dong giữa những người xuôi ngược. Một lúc, tôi nói:

- Bữa nay chú muốn nói với cháu một chuyện.

Tường Vân cười:

- Chú nói đi, cháu đang nghe.

- Một chuyện quan trọng trước khi về Đà Lạt.

Tường Vân tròn mắt:

- Một chuyện quan trọng?

- Thật.

- Chú làm cháu sợ quá.

- Không có gì. Nhưng chút vào trong ciné chú mới nói. Bây giờ chú đề nghị cháu đừng gọi chú bằng chú nữa. Nghe nó kỳ kỳ. Huyền Nga, Thanh Chi, Liên, Trâm và cả Hạ nữa đều gọi chú bằng anh, trong khi chỉ có mình cháu gọi chú bằng chú. Khiến nhiều lúc có mặt những người đó chú lúng túng như gà mắt tóc, khi thì anh, khi thì chú loạn cả lên. Cháu thấy thế nào?

- Cháu quen rồi chú Lam ơi.

- Bây giờ sửa lại.

- Khó quá. Ngượng miệng chết.

- Rồi sẽ quen.

Tường Vân chớp mắt ngó về phía trước mặt. Có những vạt nắng vàng óng như đang bay tới chỗ tôi và Vân. Con đường rực rỡ với hai hàng cây thấp và bóng một con sông ở xa với tiếng sóng và gió lộng. Những ngôi nhà trong ráng chiều như cao vút lên đẹp đẽ hơn.

Tôi nhắc Vân:

- Cháu thấy thế nào?

- Tùy chú.

- Nghĩa là cháu bằng lòng thay đổi?

- Dạ, nhưng ngay bây giờ thì không được. Cháu ngượng lắm.

- Lúc nào không ngượng?

- Chú đừng nhìn cháu nữa.

- Chú nhìn chỗ khác.

Tôi quay nhìn chỗ khác chờ Tường Vân thay đổi cách xưng hô, nhưng Tường Vân bỗng cười:

- Chú nó gì đi chứ, rồi cháu mới đổi được.

- Nói gì bây giờ?

Bây giờ tới phiên tôi thấy ngượng. Thật ra gọi nhau bằng chú cũng có vẻ ngồ ngộ vui vui nhưng, hình như vì thế mà tôi cảm thấy xa cách Tường Vân thế nào. Tôi đùa:

- Chú mà làm chú của ai được?

- Sao không. Chú có vẻ người lớn, đứng đắn.

Tôi cũng đùa:

- Chú đứng thôi, không có đắn.

- Chú lớn tuổi hơn cháu.

- Lớn tuổi không có nghĩa là phải làm chú. Thiếu gì những người lớn tuổi mà vẫn làm anh.

Tường Vân cười. Cuối đường, chúng tôi đi vòng lại. Rẽ sang một con đường khác, ở đây có nhiều cửa hàng của người Ấn Độ. Khu phố này tôi chưa đi bao giờ. Bóng mát đậu từng khoảng lớn, những chiếc xe hơi bóng loáng nối đuôi nhau. Tôi thấy khát nước. Tới quán nước, tôi nói với Tường Vân:

- Vào đây uống nước với chú.

- Chú khát?

- Vào chú nói chuyện này.

Tôi đẩy cánh cửa bằng sắt nặng nề bước vào. Quán vắng hoe không người nào ngoài chúng tôi. Những chiếc ghế trống nằm yên lặng dưới tiếng quạt trần chạy rè rè. Quán có cửa toàn bằng sắt, những song thưa ngó thấy bên ngoài, thấy cả khu phố bao quanh. Quán này chi làm hai, bên kia thường đông người. Bên này thường chỉ có người ngoại quốc ngồi. Tôi và Vân tự do nói chuyện, đồng thời được nhìn ra một khu phố nhuộm bóng chiều tà. Vân hỏi tôi:

- Chú thường đến đây với những ai?

- Bạn chú.

- Dĩ nhiên, nhưng cháu không hỏi như thế.

- Chú tới đây với Liên Hương, lúc trước.

- À, Liên Hương. Cháu nghe Huyền Nga và Thanh Chi nói nhiều về Liên Hương, dễ thương lắm phải không chú?

- Dễ thương một lúc nào đó rồi thôi.

- Sao vậy chú?

- Bây giờ không còn gì.

- Rồi ai nữa?

- Phương Thúy, một dạo.

- Cháu cũng nghe nói về Phương Thúy. Chú nhiều cô quá. Hôm nào phải giới thiệu hết với cháu nghe?

- Còn đâu mà giới thiệu. Người ta bỏ chú đi mất tiêu hết rồi.

- Tại chú chứ bộ.

Tôi gọi nước. Người hầu bàn lễ phép mang tới. Tường Vân im lặng nhìn ra đường.

- Con đường đẹp quá chú nhỉ?

- Đâu bằng đường bờ hồ dẫn về nhà cháu.

Tường Vân cười. Tôi hình dung ra con đường đó. Một buổi chiều giáng sinh năm nào tôi đã đi với Hạ tới nhà Vân. Những cái cây đứng rũ bóng bên hồ, sương mù xuống che lấp những vạt nắng yếu. Và hoa trong vườn nhà bên đường ngát hương thơm. Tôi không nghĩ rằn có ngày tôi sẽ trở lại Đà Lạt, đi trên con đường đó tới nhà Tưòong Vân một lần nữa. Cô bé lần đó tôi không gặp, hay sẽ chẳng bao giờ gặp chỉ là một gương mặt nào đó rất mơ hồ trong tôi. Không ngờ, gặp nhau giữa thành phố này, và lại sắp phải chia tay nhau. Con đường về nhà Vân có còn hoa nở, sương mù có bay trên mặt hồ như những chiều xưa? Hay sẽ xa lạ đến không còn dấu tích.

- Uống nước đi Tường Vân.

Tường Vân đưa ly nước cam lên môi nhấp từng ngụm nhỏ. Đôi mắt như chìm sâu trong đáy ly. Một khúc nhạc quen thuộc vang nhẹ. Tôi có cảm tưởng có rất nhiều lá bay bên ngoài.

- Chú nói lúc nãy, tính sao?

- Chú nói nhiều quá, cháu đâu nhớ hết.

- Chuyện đổi lại cách xưng hô cho khỏi ngượng ấy mà.

- Tùy chú.

- Sao được. Phải nói là tùy cả hai mới đúng.

- Chú muốn thế cháu sẽ nghe, nhưng mà khó quá. Về Đà Lạt hẵng hay.

- Về trên đó cháu lại quên. Chú muốn thay đổi ngay từ bây giờ.

Tường Vân cười:

- Chút nữa, vào ciné đã.

- Nhớ đấy nhé. Ai quên thì ráng mà chịu tội.

- Nhưng cháu giao chút nữa cơ. Bây giờ chưa. Không có tội gì hết à.

Tôi đành nhượng bộ:

- Cũng được.

- Chú kỳ. Tự dưng lại bắt thay đổi. Không thích làm chú của cháu sao?

- Không thích.

- Chú khó tính quá. Cháu dễ ợt. Thôi đổi cháu làm con trai như chú, cháu sẽ thích làm chú, oai ác.

- Rồi cháu sẽ thấy chả oai tí nào mà còn buồn nữa là khác.

Hai ly nước vơi dần, tôi nhìn đồng hồ thấy tới giờ chiếu phim, vội gọi người hầu bàn tính tiền rồi nói:

- Mình đi. Tới giờ chiếu phim rôì.

- Chú vẫn chưa nói chuyện gì quan trọng.

- Chú sẽ nói.

- Cháu hồi hộp ghê. Đau tim. Chú mang tội đấy.

- Sẵn sàng.

Tôi và Tường Vân tới rạp lúc chưa tan xuất trước. Chúng tôi vào cửa và lên phòng giải khát. Những chiếc bàn trống, nhỏ bé, xinh xắn, nằm dưới ánh đèn vàng. Ở một góc khuất có người ngồi, tôi và Vân ngồi chiếc bàn sát vách tường. Tôi nhìn những con bài tây in trên chụp đèn, dưới mặt kính bàn cũng có những con bài tây. Tường Vân hỏi:

- Chi vậy chú?

Tôi đùa:

- Để những cặp tình nhân nào buồn thì chơi bài với nhau.

Một người đàn bà đến gần mới chúng tôi dùng nước. Tôi gọi hai chai coca. Bản Love Story đang để thật nhỏ, nghe thoang thoảng dịu dàng. Tôi thấy hồn mình chìm xuống, lặng câm. Người đàn bà mang nước đến. Tôi đẩy về phía Vân một chai nước với cái ống hút. Chất nước màu cánh dán như soi chung với đôi mắt của Tường Vân.

- Tự nhiên mình vào, người ta để bản này, cháu bàng hoàng ghê.

- Không có chú nữa. Lúc nãy hứa từ ngoài đường nhớ không?

Tường Vân cười:

- Cháu quên.

- Lại cháu.

- Thôi đi, vào rạp cơ, bây giờ nhìn mặt chú khó gọi thấy mồ.

- Thì đừng nhìn mặt chú nữa.

- Chú ngồi ngay trước mặt cháu mà.

Tôi cười buồn:

- Về Đà Lạt cháu làm gì?

- Đi học. Eo ơi, cháu là sinh viên lớp mười hai, còn bé loắt choắt chú nhỉ.

- Tại vì cháu học giỏi. Mười bảy tuổi đã là sinh viên. Ngày xưa, chú mười sáu tuổi mới đỗ trung học. Mười bảy tuổi mới học đệ tam.

- Cháu mà học giỏi. Chú khen làm cháu ngượng ghê.

- Ít nhất cũng giỏi hơn chú.

- Chú trêu cháu hoài.

- Về trên đó nhớ viết thư cho chú, nhé?

- Cháu còn nhớ cả việc ra nhà Hạ giảng hòa giùm chú nữa cơ. Chú gởi gì cho Hạ?

- Hạ sắp về. Chú sẽ nói với Hạ một chuyện lớn. Rồi có thể chú sẽ không bao giờ đi lại con dốc Hai Bà Trưng. Giã từ luôn những cánh hoa quì vàng vẫy mừng chú một ngày giáng sinh năm nào, nơi ấy.

- Sao vậy chú? Chuyện gì?

- Rồi cháu sẽ biết. Chú sẽ nói cho cháu nghe.

- Không cần, về ghé Hạ là cháu biết ngay. Tha hồ cho chú giấu.

Tôi và Tường Vân ngồi uống hết chai nước của mình. Trong phòng đã có thêm nhiều người, hầu hết là những cặp tình nhân trốn thành phố đông đúc bên ngoài. Tôi đoán là đã tan xuất hát khi có tiếng chân nhiều người xuống cầu thang. Tôi nói:

- Mình vào đi Tường Vân. Tới xuất rồi đó.

Tường Vân theo tôi. Trên màn ảnh người ta đang chiếu quảng cáo. Người dẫn ghế đưa chúng tôi vào chỗ ngồi. Tường Vân hỏi:

- Phim gì đấy chú Lam?

Tôi cười:

- Chú không biết.

- Đi xem phim mà không biết phim gì?

- Cháu biết không?

- Cũng không luôn.

Hai đứa ngó nhau cười. Khi sang đoạn phim thời sự tôi mượn Tường Vân quyển sổ tay. Tôi viết vào trang đầu tiên:

"Bây giờ chú là anh,

Về Đà Lạt có nhớ những ngày ở Sài Gòn?

Học giỏi.

Anh sẽ lên thăm em một ngày tới đây. Bây giờ thấy nhớ Đà Lạt như một nơi chốn quen thuộc anh đã sống quạ"

Tôi đưa quyển sổ. Tường Vân cười:

- Chưa thấy gì cả. Phải đợi màn ảnh sáng một chút.

Và màn ảnh bật sáng lên một đoạn nữa. Tường Vân vừa xem vừa trả lời tôi:

"Vâng, bây giờ chú Lam là anh Lam. Eo ơi ngượng ghê. Nhưng sẽ rán thay đổi cho anh vui,

Về trên ấy sẽ nhớ, rất nhớ.

Nhưng sợ rồi anh sẽ quên con bé lẩm cẩm này mất."

Tôi đưa trả Tường Vân quyển sổ. Trên màn ảnh phim chính bắt đầu. Tôi nhận ra một phim kiếm hiệp vừa Nhật vừa Tàu. Phim không thích chút nào. Tôi và Tường Vân vẫn nói chuyện để khỏi xem cuốn phim kỳ dị đó. Tôi nói:

- Mình lầm rồi. Xui quá, gặp phim không hay.

- Tại chú không xem bảng trước.

- Lại chú nữa rồi.

- Quên.

- Nói lại đi.

- Anh kỳ quá. Bắt nói lại ngượng chết.

Tôi sung sướng như có một cơn gió mát thổi vào lòng. Sự thay đổi quan trọng như cả một khúc sông tình cảm đang tới chỗ rẽ. Tôi nhìn đôi mắt Tường Vân chớp mau trong bóng tối. Và chúng tôi "bút đàm" với nhau, quên mất cuốn phim. Cuốn sổ tay của Tường Vân đã đầy những trang chữ hỏi và trả lời với nhau. Những trang chữ vừa ngớ ngẳn vừa buồn cười nhưng cũng là những trang hạnh phúc nhất của hai người vừa nhận ra tình cảm của nhau. Tường Vân hỏi tôi về những người yêu của tôi trong quá khứ. Tôi kể hết. Tường Vân cũng thành thật nói về tình cảm của một thời mới lớn của mình. Chúng tôi nói chuyện một chút lại "bút đàm". Những đoạn "bút đàm" là những đoạn e ngại nhất trong câu chuyện. Tôi nghĩ, nếu có một người nào đó tình cờ đọc được quyển sổ của Tường Vân chắc sẽ cười đến độ ngộp thở, bể bụng, và sẽ nghĩ rằng có hai người điên trong rạp ciné.

Tường Vân bỗng nói:

- Về Đà Lạt chắc buồn lắm. Em như một người đã bỏ thành phố ấy mà đi. Bây giờ trở về nghe xa lạ ghê.

- Em có nhiều bạn thân?

- Ít lắm anh. Vài người, Như Tâm, Thu Ba, Nguyên Nhung... Ở Sài Gòn có Chi thôi. Không có ai nữa.

- Bạn trai?

- Như đã kể cho anh nghe. Một vài ông giáo sư. Nhìn thấy trong mắt người ấy những sợi khói lam. Buồn buồn, rồi thôi.

- Ghê nhỉ?

- Em đâu có biết. Tường Vân vẫn còn nhỏ bé mà anh. Như thế em đâu có tội.

- Chả ai có tội hết. Tình yêu ở bất cứ thời nào tuổi nào cũng đáng được ca ngợi. Yêu nhau không có tội gì hết. Ghét nhau mới có tội.

- Em sợ quá. Nếu em bằng lòng. Mẹ em đã gả em cho một người rồi.

Tôi cười:

- Ghê vậy sao?

- Thật. Ông ấy quen với gia đình em.

- Sao không bằng lòng?

- Em còn bé. Em còn đi học chứ bộ.

- Thiếu gì cô đang đi học mà bỏ đi lấy chồng.

- Quê quá. Anh hỏi chuyện đó hoài. Hình như hết phim rồi kìa anh.

Tôi nhìn lên màn ảnh. Cuốn phim đã dứt. Đèn bật sáng. Chờ cho vơi người, tôi và Tường Vân đứng lên ra ngoài. Buổi chiều tắt nắng từ bao giờ. Đèn đường bật sáng trong khóm lá xanh trên đầu. Tôi và Tường Vân tới chỗ gởi xe. Phải đứng chờ một lúc mới lấy xe ra được.

Tôi đưa Tường Vân đi ăn. Sau đó, tới một quán cà phê quen thuộc. Quán là một cái hầm ở dưới thấp so với mặt đường. Trong quán thắp đèn mờ. Mới từ ngoài vào, xuống những bậc thang bằng đá xanh hoàn toàn không nhìn thấy gì. Một lúc, những chiếc bàn, những cái ghế mới hiện ra lờ mờ trong những góc tối. Chiều tối, quán thưa người. Tôi và Vân ngồi xuống chiếc bàn quen thuộc từ mấy hôm trước. Một đứa bé tiến ra, tôi gọi hai cà phê sữa đá. Tiếng nhạc dồn dập một chút rồi chuyển sang những bản nhạc trữ tình, êm dịu. Chúng tôi im lặng nghe hết bản nhạc. Tường Vân nói:

- Trên nhà, em cũng thường nghe nhạc vào giữa khuya thức học bài. Nhiều lúc nghe những bài hát mình thích, cảm động muốn lịm người đi.

Tôi thấy Vân cúi mặt sau câu nói. Mái tóc dài của nàng che hết một bên má. Tôi khuấy chiếc muỗng nhỏ làm những viên đá tan nhanh. Chiều nay tôi thấy buồn. Tường Vân bỗng chớp mắt hỏi:

- Chuyện gì quan trọng, anh nói đi. Mai em về rồi.

- Em muốn nghe?

Tường Vân ngó tôi, gật đầu. Tôi im lặng một lúc, trấn an những xúc động của mình. Tường Vân cũng im lặng chờ đợi. Một lúc lâu không nghe tôi nói gì. Nàng hỏi:

- Sao anh im lặng hoài vậy?

- Không biết nói gì với em bây giờ.

- Khó nói à?

- Khó nói vô cùng. Anh nghĩ không biết có nên nói ngay bây giờ không?

- Tùy anh.

- Hai năm nữa nói với em được không?

- Sao lại phải đến hai năm nữa? Em có thể nghe và hiểu từ bây giờ mà. Hai năm nữa biết anh có còn nhớ tới con bé không hả?

- Nhớ chứ. Anh quên sao được khi anh còn một chuyện dể nói với em.

- Hai năm nữa em bao nhiêu tuổi nhỉ?

- Mười chín.

- Lúc đó em già mất.

- Em vẫn còn bé.

Tường Vân cười. Nàng uống ly cà phê của mình. Tôi thấy những viên đá nhỏ chưa tan hết trong ly của Tường Vân. Tôi im lặng nghe tiếng thở nhẹ của nàng, mùi hương tóc toát ra nhè nhẹ bên tôi. Tường Vân không phải là một cô bé sung sướng. Chuyện gia đình nàng tôi biết rõ hơn khi nghe nàng kể. Tôi hình dung ra căn nhà trầm lặng nằm cuối chân hồ, ở đó, năm chị em nàng sống với ông bà Nội. Ba nàng có gia đình khác, cũng như Mẹ nàng có một đời sống riêng. Hạnh phúc chỉ còn là những tháng ngày tiếc nhớ.

Tường Vân rất thương Mẹ. Cũng như tôi hiểu nàng phải thương tất cả mọi người. Không ai muốn hoàn cảnh như thế xảy ra nhưng không làm sao thay đổi được. Tường Vân lo sợ cho ngày mai, tương lai đối với nàng là một khoảng không mù mịt, trong khi hiện tại là một nỗi lo âu đè nặng. Mười bảy tuổi, con lớn của một gia đình tan nát, chị cả của những đứa em rôì sẽ hiểu sự bất hạnh của mình, tôi nghĩ Tường Vân đã quá sứ khổ sở. Tôi mơ hồ nhìn thấy con đường Tường Vân đi, sẽ có những bước chân làm rơi nước mắt.

- Anh nghĩ gì đó?

- Hình dung ra ngôi nhà của em.

- Tháng này hoa tàn hết, chả đẹp đâu anh.

- Những đứa em của em.

- Chúng nó phá ghê lắm. Gặp rồi, anh chạy luôn.

- Hình dung ra em đi học dưới cây lá và sương mù. Những ngày mưa dầm của thành phố ấy.

- Buồn. Một mình. Ngồi khóc, cũng quen đi.

- Tôi nghe như có những giọt nước mắt sắp sửa rơi từ đôi mắt u buồn của Tường Vân. Nàng nhỏ bé trước những tan nát. Ngây thơ trước nỗi buồn và tôi hiểu những ngày phải trở lại ngôi inhà ấy là một điều buồn bã. Tường Vân không muốn sống xa Mẹ. Nhưng ước muốn của nàng, chính nàng cũng biết là không làm sao, hay không bao giờ thực hiện được.

- Cho em về đi anh. Hình như cũng tối lắm rồi.

Tôi gật đầu. Khi tôi và Vân bước ra khỏi những bậc thang bằng đá xanh, trời bên ngoài đã tôí thật sự. Cơn mưa đang rắc những hạt nhỏ trên đường.

- Mưa. Cô bé ạ.

- Em muốn đi dưới mưa mà anh.

Tự nhiên tôi thấy không cần thiết phải nói với Tường Vân một điều gì nữa. Những ngày ở Sài Gòn nàng đã hiểu. Trong cơn mưa nhỏ này nàng cũng đã hiểu. Tôi đưa Tường Vân về nhà qua những con đường có nhiều cây. Mưa như hạnh phúc nhỏ bé, mong manh đang rắc xuống vai. Tôi thấy một khoảng không gian thời gian im lặng thật tuyệt vời giữa tôi và Tường Vân.

Một chút hơi lạnh của cơn mưa hồi đêm qua còn để lại trong buổi sáng nay. Bảy giờ rưỡi nơi bến xe hiu hắt và ngôi quán bên vệ đường ướp lạnh buồn buồn. Mẹ Tường Vân, nàng và đứa em nhỏ cùng với tôi ngồi quanh chiếc bàn tròn. Bữa ăn sáng xong. Bây giờ mọi người đang uống cà phê chờ giờ xe chạy.

Tường Vân đi một mình về Đà Lạt, chuyến xe khởi hành lúc tám giờ. Mẹ Vân hỏi tôi:

- Mấy giờ rồi anh Lam?

Tôi nhìn đồng hồ đáp:

- Bảy giờ rưỡi.

- Còn những nửa tiếng nữa. Mình tới sớm quá. Vậy mà cứ sợ trễ chuyến tám giờ.

Tường Vân cười:

- Mẹ hối con quá chừng.

- Tại em bé ngủ trể. Em bé hư quá. Em bé nhớ chị Vân không?

Đứa em nhỏ của Tường Vân ngồi một mình trong ghế nhe răng cười. Trên bàn là mấy túi bánh nhỏ. Tường Vân nói:

- Tường Minh chê bánh mẹ ạ. Nó chỉ khoái kẹo.

Mắt Tường Minh nheo lại làm cho mọi người phì cười. Tôi quậy đường trong tách cà phê sữa, uống một ngụm. Tường Vân ngồi kế bên tôi, mặt cúi xuống với từng nụ cười buồn.

Tôi nói nhỏ cho nàng nghe:

- Nửa tiếng nữa, buồn không?

- Buồn.

- Có nhớ Sài Gòn?

- Nhớ nhiều lắm. Nhưng anh đừng nói lớn, mẹ nghe kỳ chết.

Tôi ngó mẹ Tường Vân. Bà đang ngồi nhìn qua bên kia dãy nhà lầu cao. Đôi mắt của bà giống đôi mắt của Tường Vân, mỗi lúc nhìn lơ đãng trông có vẻ xa xăm, u buồn. Tôi nói chuyện với bà rất ít nhưng qua vài lần trong điện thoại lúc Tường Vân vắng nhà, bà nói giọng Bắc làm tôi tưởng lầm. Bà nói giọng Bắc như một người Bắc hoàn toàn. Hình như tôi vẫn còn e dè mỗi lần gặp bà. Có phải tại bà là người Bắc? Tuy nhiên Tường Vân bảo Mẹ nàng rất cởi mở, vui đùa và rộng lượng. Tôi cũng phải tin lời nàng, nhưng chưa được hoàn toàn phóng túng trong khi nói chuyện hay ngồi gần bà. Tình cảm của bà đối với tôi cũng khó hiểu, và tìm hiểu về người khác là một điều tôi không muốn chút nào.

- Anh Lam uống cà phê đi chứ. Ngẩn ngơ vậy?

Tôi biết hết rồi đấy nhé. Vậy mà Tường Vân nó giấu. Khó mà giấu tôi lắm. Mấy hôm anh tới để giấy ngoài cửa phòng. Giấu đầu mà lòi đuôi. Tôi xem mấy cuốn sách đã biết tên anh rồi, bây giờ có ký tắt tôi cũng đoán ra.

Tôi không hiểu Tường Vân đã giấu Mẹ điều gì, nhưng những lời bà nói làm tôi ngượng. Tôi ngó Tường Vân. Nàng nói:

- Giấu mẹ điều gì đâu?

- Bây giờ mẹ nói hết tiểu sử của hắn cho nghe nhé. Xem có đúng không?

- Thôi mẹ.

- À, năn nỉ thì được.

Chúng tôi vui vẻ cười. Một chuyến xe rời bến mang theo những hành khách. Có một vài người dừng lại ngó theo xe khi từ biệt. Tôi bỗng nghĩ đến chút nữa, tôi cũng sẽ đứng nhìn theo như thế.

- Viết thư cho em nhé?

- Viết.

- Chắc anh Lam còn nhiều người để viết thư lắm nhỉ?

- Không còn ai. Không có ai nữa.

- Không tin.

Tường Vân hỉnh mũi lại trong một cử chỉ hết sức dễ thương, nụ cười mỉm của nàng nhắc tôi nhớ hai chiếc răng khểnh. Tôi hỏi:

- Sao lại không tin?

- Vì... mà thôi. Cứ chắc chắn một điều là anh sẽ quên con bé ở trong mưa mù và sương khói phủ quanh năm ở Đà Lạt. Sài Gòn vui thấy mồ, sức mấy anh nhớ.

Tôi chỉ biết cười. Ngay lúc này hay từ một buổi chiều mưa xa xôi trước cổng nhà số 40 Cách Mạng tôi đã biết đến một thứ tình cảm ngọt xớt ăn vào tim tôi. Nó không còn là một rung động nữa. Nó chao như chiếc lá. Và mùa thu là mùa để người ta quen nhau, yêu nhau. Từ đó lá mới vàng, con đường mới nhuộm mưa của thương nhớ. Tường Vân khi ngồi cạnh mẹ nàng còn là một cô bé. Sáng hôm nay tôi đưa cô bé về Đà Lạt. Nhưng khi vô bé bước xuống xe ở thành phố mộng tưởng ấy, cô bé sẽ là một người tình nhớ của tôi. Có phải như thế không em?

Tôi nhìn dáng ngồi của Tường Vân, mái tóc dài nghiêng để trên vai, đôi mắt u buồn với tuổi mười bảy như cành lá biếc. Tường Vân đến với tôi như một ngày mưa và sương tan trên mặt hồ buồn.

- Uống đi cô bé.

Tường Vân nhìn cà phê mỉm cười:

- Nhớ cà phê uống với anh Lam ghê gớm.

- Bây giờ cũng uống với anh.

- Bây giờ có thêm mẹ và Tường Minh.

- Càng nhớ hơn chứ?

- Em muốn ở lại Sài Gòn. Em không muốn về trên đó tí nào.

- Thôi, về đi học.

Mẹ Tường Vân bỗng hỏi:

- Xem đã tới giờ chưa anh Lam? Không người ta chờ mình. Nắng đã lên rồi.

Tôi nhìn đồng hồ lắc đầu:

- Còn kém mười phút nữa.

- Cứ lên xe.

Tường Vân chỉ uống một ngụm nhỏ cà phê theo lời tôi rồi tất cả cùng đi lại chỗ chiếc xe chờ giờ khởi hành. Tường Vân đứng nói chuyện với Mẹ. Tôi tránh đi, vì đó là chuyện gia đình. Tôi dắt Tường Minh đi vòng vòng một lúc rồi quay trở lại. Bây giờ, Mẹ Tường Vân cố ý để cho chúng tôi đứng riêng với nhau. Tôi hỏi Vân:

- Có nhớ những gì anh đã nói?

- Dạ, nhớ.

- Cố gắng học nhe, chắc chắn rồi anh sẽ lên thăm em một ngày nào đó. Khi gặp có nhớ không hay lại xem như người lạ?

Tường Vân cười buồn:

- Chỉ sợ anh không nhìn ra em.

- Đừng bao giờ nói như thế nữa. Chúng ta sắp phải từ biệt rồi. Những ngày ở Sài Gòn mong sẽ làm cho cô bé nhớ mãi.

- Anh có nghĩ rằng con bé sẽ khóc một mình khi nhớ Mẹ, nhớ Sài Gòn không?

Tôi nhìn Tường Vân. Tưởng như chính giọng nói ấy là tiếng khóc. Tôi cười:

- Em hãy còn bé. Bây giờ xa Mẹ, em mới nghĩ là hãy còn dại ghê gớm.

Tôi bùi ngùi nhìn xuống mũi giày của mình. Khi tôi ngẩng lên thấy Vân quay cười với Mẹ. Tôi nhìn thấy cả mấy vạt nắng ửng nhẹ vắt qua dãy nhà lầu cao bên kia đường. Người ta mới đem phơi quần áo trên những sợi dây, và những màu sắc ấy bay múa trong gió, trong một khoảng không rực rỡ nỗi buồn.

Tường Vân đùa:

- Có nhắn gì Hạ không? Em làm người mang tin cho.

- Khi nào lên anh sẽ nói cho nghe. Chọc anh hoài.

Tôi dọa nàng:

- Cấm đùa nữa.

Tường Vân cười khúc khích. Mẹ Tường Vân đến bên nàng nhắc nhở thêm một điều gì đó. Và hình như bà cũng hỏi nàng về tôi. Bởi tôi thấy Tường Vân nhìn tôi cười khúc khích. Khi Mẹ quay đi, Vân nói:

- Mẹ lấy địa chỉ và số điện thoại của anh rồi.

- Chi vậy?

- Khi nào cần, Mẹ gọi lại.

- Hú hồn.

- Sợ Mẹ không?

- Có em anh không sợ. Bởi em chẳng bao giờ nói xấu anh, phải không?

- Đừng tưởng, em vừa nói xấu anh xong đó.

- Nói gì?

- Anh có tật xấu nào em kể ra hết. Không có cũng phịa ra nói cho oai. Biết Mẹ nói sao không?

- Dĩ nhiên là anh không biết. Vì anh đứng xa.

- Mẹ nói anh gầy quá.

- Đó đâu phải là một điều xấu.

- Mẹ bảo anh phải ăn thêm nhiều cho lên vài cân nữa. Con trai gì qua cầu gió thổi cũng bay.

- Anh sẽ mập.

- Anh sẽ làm việc nhiều mà mập sao nổi?

- Anh sẽ nhờ người ta bơm hơi vào thân thể mình như bơm vào bánh xe vậy.

Tường Vân bật cười. Người tài xế bước tới gọi mọi người lên xe. Tường Vân ngồi ghế ngoài, băng thứ nhì. Nàng nhìn tôi qua khung cửa sổ. Tôi thấy lòng mình chùng xuống. Tôi bảo Tường Minh:

- Đưa tay vẫy chị Vân đi bé.

Mẹ Tường Vân trêu tôi:

- Sao anh Lam không vẫy mà bảo em bé vẫy?

Người tài xế mở máy. Tường Vân ngó tôi bằng đôi mắt mở lớn. Tôi im lặng nhìn theo chiếc xe từ từ ra khỏi bến rồi chạy lẫn vào trong đám đông khuất ở ngã ba đường. Tôi đi với Mẹ Tường Vân trở về chỗ để xe. Bà hỏi tôi:

- Anh Lam phải tới sở ngay bây giờ chứ?

- Dạ.

- Anh đi đi. Tôi và em bé đón xích lô về. Khi nào tôi đi Nha Trang hay ra Đà Lạt tôi sẽ gọi tới. Anh nhắn gì cho Tường Vân tôi sẽ nói lại với hắn cho.

Tôi cười. Đứng chờ vẫy cho bà một chiếc xích lô. Khi chiếc xe chở bà đi khuất, tôi mới bàng hoàng nhớ lại đôi mắt của Tường Vân. Đôi mắt hình như vẫn đang lẩn quẩn đâu đây. Tôi đứng nhìn những vạt nắng lên cao qua khỏi mấy bờ tường, nhưng ở một phía trời xa như mây đen đang kéo tới. Tôi chạy vòng trở lại con đường, xuống phố. Tám giờ, hình ảnh buổi tiễn đưa vẫn còn đọng lại trong mắt tôi. Những đám mây lúc nãy vẫn còn xa xôi bây giờ đã sắp sửa đổ xuống thành cơn mưa.

Tôi tới chỗ làm không muộm lắm. Nhưng cũng vừa lúc cơn mưa ập xuống nước chảy ràn rụa khuôn cửa kính. Người bạn bước qua trao cho tôi mảnh giấy bảo có người mang tới lúc nãy. Tôi nhận ra ngay nét chữ quen thuộc của Hạ. Trên mảnh giấy, Hạ viết mấy giòng vắn tắt:

"Anh,

Em sẽ xuống. Đón em ở bến xe đò lớn khoảng 2 giờ trở đi. Nhớ đừng quên. Em không biết đường. Ly Hạ."

Tôi quên hỏi người bạn xem ai đã mang bức thư tới. Bức thư ngắn của Hạ nhắc tôi nhớ rằng hai đứa đã có một lời hẹn ở thành phố này từ xa xôi lắm. Rồi Hạ cũng về.

Tôi nghĩ đó là việc thực hiện một lời hứa chứ không phải là biến đổi lớn. Tôi dửng dưng nghĩ rằng sẽ gặp Hạ Ở đây. Và biết rõ mình sẽ phải nói gì, rồi tình cảm sẽ ra sao? Tình yêu giữa tôi và Hạ, có đúng phải gọi như thế không hay là phải gọi cách nào khác? Tôi ngồi im lìm trong ghế. Tôi buồn hết sức. Tình yêu tự nhiên thành một thứ gì rơi tãn mát giữa thinh không. Dù sao tôi cũng đón Hạ.

Người bạn phòng bên qua rủ tôi đi uống cà phê. Tôi từ chối.

- Mới uống xong.

- Uống nữa. Trời mưa, làm gì bây giờ?

Ừ nhỉ, tôi cũng chẳng biết làm gì cho hết buổi sáng này. Tôi cười. Cùng với người bạn bước xuống quán. Tôi ngồi nhìn những bong bóng mưa kéo dài xuôi theo giòng nước cuốn về phía ống cống. Những bong bóng mưa mong manh vỡ tan. Trời lạnh và gió lớn. Những hàng cây run rẩy đứng trong mưa. Buồn.

- Uống gì bạn?

Tôi làm bạn ngạc nhiên:

- Một chai bia.

- Sao vậy?

Tôi không buồn trả lời người bạn, mà quay qua nói với đứa trẻ con:

- Cho một chai bia.

- Lạ nhỉ, hôm nay phá lệ sao?

- À.

Người bạn gọi cà phê. Tôi có một chai bia với cái ly để sẵn đá trước mặt. Tôi cầm chai rót chất nước vàng óng ánh sủi bọt, viên đá tan từ từ. Tôi muốn say ngất để quên hết mọi chuyện, quên một người con gái mang tên Hạ. Quên lời hẹn trong thư. Quên một khoảng thời gian liên lạc với nhau. Tôi hoàn toàn hối tiếc tình cảm của mình, hối tiếc những bức thư. Nhưng tôi không uống được nhiều. Vài ngụm là tôi đỏ mặt. Và khi thấy đầu óc choáng váng là biết không còn uống thêm được nữa. Tôi ngồi im lìm nhìn mưa. Hợi lạnh vào đầy quán, những người ngồi lơ đãng nhả khói thuốc. Tôi nói với người bạn:

- Mưa buồn quá phải không?

- Bạn có vẻ thất tình?

Tôi cười:

- Buồn tình thì đúng hơn.

Tôi thấy nụ cười của mình lồng trong đáy ly.

Cơn mưa chan hòa cây lá bên kia đường. Tôi ngồi nhớ lại buổi sáng nơi bến xe đưa Vân đi. Bây giờ mưa cũng ràn rụa trước mặt nàng. Mưa có xóa tan hình bóng của tôi không?

Người bạn trả tiền, kêu tôi về. Hai đứa bước ra ngoài đi nép dước mái che của những ngôi nhà để tránh mưa. Lên phòng, tôi ngả người ra ghế hát vu vơ một bài hát không nhớ hết. Căn phòng im vắng lạ lùng. Mưa mờ khung cửa kính, nhưng tôi vẫn trông thấy lơ ngơ mấy cái hoa đỏ chói trên sân thượng một ngôi nhà. Ngồi buồn, tôi ngủ lúc nào không hay. Khi người bạn gọi tôi, báo tin cho biết đã quá trưa, cơn mưa cũng tạnh tự bao giờ. Tôi dụi mắt ngó ra những bức tường lem nắng. Người bạn đứng cười rồi khuất dưới cầu thang. Tôi đi loanh quanh phòng một lúc rồi quyết định ra phố ăn cơm. Sau đó, tôi vào rạp chiếu xem một phim rất cũ chờ tới giờ hẹn ra bến xe đón Hạ.

Bến xe khoảng hai giờ, trời nắng chói chang như đổ lửa xuống mặt đường. Tôi dựng xe trong bóng mát của phòng bán vé ngồi ngóng những chuyến xe về. Những chuyến xe to lớn dài ngoẵng đem theo bụi đỏ và bao nhiêu người đổ lại bến, nhưng không có chuyến xe nào có Hạ. Tôi xem đồng hồ đã hơn ba giờ, bóng nắng đã dưới chân. Chuyến xe cuối cùng đỗ lại, là lúc tôi quyết định ra về. Nhưng cũng từ lúc đó tôi thấy Hạ xuống xích lô ở bên kia đường. Hạ không trông thấy tôi, mãi cho tới khi tôi gọi nàng mới quay lại. Hạ ngỡ ngàng nói:

- Tưởng anh đã bỏ về rồi chứ.

- Cũng định về thì thấy em xuống xe.

- Chờ lâu không. Em tìm mãi mới ra đường đi tới đây. Không ngờ xe xuống quá sớm. Mười hai giờ hơn đã tới bến, em về luôn nhà người bạn, sợ anh đón không gặp nên trở lại đây.

- Tưởng em đi một mình.

- Em đi với nhỏ bạn. Đi một mình nhà không cho.

- Bây giờ em đi đâu, Hạ?

- Đi đâu em cũng không biết nữa.

- Ghé chơi đằng nhà anh một chút được không?

Hạ gật. Tôi đạp máy và đưa Hạ về nhà. Buổi chiều trong thành phố đông đảo người, xe cộ, nắng chấp chới trên những tàng cây. Tôi và Hạ im lặng để nghĩ về mình hơn là để nói chuyện với nhau. Đối với Hạ hay đối với chuyến về này của nàng đã không gợi trong tôi cái háo hức mừng rỡ như xưa nữa. Nhưng tôi muốn giữ lại một chút êm đẹp cho những ngày Hạ Ở đây. Cũng như nàng đã cho tôi mấy ngày êm đềm trong dịp Giáng Sinh năm nào.

Tôi tra chìa khóa mở cửa. Hạ hỏi:

- Anh ở một mình?

- Một mình.

Tôi mời Hạ vào nhà. Hai đứa ngồi nói chuyện quanh quẩn về nhau, về thành phố, người thân. Tôi ngậm ngùi khi thấy tình cảm giữa tôi và nàng không còn nồng nàn như trước. Câu chuyện đã nhạt và lạnh. Ở tôi hay ở nàng? Một lúc tôi hỏi:

- Tại sao em không nói với anh về Vy?

- Vy nào, anh?

Tôi cười, nhắc lại cho nàng nhớ. Hạ ngạc nhiên:

- Ông ta đã nói với anh những gì?

- Không phải nói thẳng với anh mà nói với người khác. Một cô bé quen với anh. Cô ấy nói lại cho anh nghe. Rất tiếc.

- Nói gì, anh?

- Ông ta bảo anh cướp người yêu của ông ta, lạ thật.

- Ông ta dám nói với anh như thế sao?

- Cái đó anh định hỏi em?

- Giữa em và ông ta không có gì. Chỉ như một người bạn.

- Anh không quan trọng sự liên hệ giữa em và ông ta. Nhưng anh không muốn bị mang tiếng ấy. Chuyện rồi, thành trẻ con hết. Anh không thích cái trò đùa này.

- Em sẽ gặp ông ta, nói cho ông ta biết.

- Không cần thiết nữa.

- Anh giận?

- Anh tiếc chứ không giận. Tiếc một mùa sương mong manh trên những đỉnh cây bay mưa ở thành phố này.

Hạ cúi đầu im lặng. Tôi cũng im lặng ngó ra ánh sáng yếu ớt bên ngoài. Buổi chiều buồn bã quá. Tôi nghe tiếng chim kêu trên các khóm lá.

- Em về.

Tôi nói:

- Có cần nói với anh một điều gì không?

- Có nói bây giờ anh cũng không tin.

- Chuyện không phải là lòng tin với nhau. Chuyện là anh bực mình. Nhưng thôi, không đáng để nhắc nữa, anh muốn em vui trong những ngày ở Sài Gòn. Bao giờ em về?

- Em chỉ xin phép đi được ba hôm. Ngày mốt em về.

- Lúc trước em bảo có bà con ở đây, sao không tới đó mà lại ở nhờ nhà người bạn?

- Em không biết đường. Nếu gặp anh sớm ngoài bến thì tiện cho em hơn.

- Lỗi tại em.

- Không ngờ xe xuống sớm hơn dự định.

- Bây giờ anh đưa em ra phố. Bao giờ em muốn về nhà người bạn thì về.

- Nhưng anh đừng giận em.

- Không.

Tôi muốn nói "không còn gì nữa" để giận nhau đâu, nhưng không hiểu sao tôi dừng lại.

Tôi đưa Hạ đi lòng vòng qua những con đường tới chỗ gởi xe thì kịp lúc mưa ập xuống. Tôi và Hạ chạy vào trú mưa dưới mái hiên của một cửa hàng. Cơn mưa thật lớn. Nước đổ ào ạt trên hè đường. Trời tối sẫm lại, lem luốc những ngọn cây phía bên kia công viên. Giờ này chắc Tường Vân đã tới Đà Lạt. Thành phố ấy chiều nay có mưa? Tôi nói với Hạ:

- Mưa, chả đi đâu được hết.

- Đứng đây chờ mưa tạnh rồi anh đưa em về.

Và rồi mưa cũng tạnh. Tôi nghe như có một cái gì trĩu xuống giữa lòng mình, vừa buồn rầu, vừa dửng dưng. Ngày mốt Hạ về, nghĩa là sẽ chẳng bao giờ tôi còn đặt bước chân lang thang của mình trên con dốc Hai Bà Trưng dẫn xuống nhà Hạ nữa.

Tôi đưa Hạ về nhà người bạn của nàng. Xe tôi dừng lại bên này đường. Hạ lặng lẽ, buồn rầu đi qua bên kia đường. Tà áo dài vàng màu hoa quì của Hạ bay bay theo gót chân. Tôi không nói gì thêm với Hạ. Thôi cứ hiểu là chúng ta không còn gì để nói với nhau. Cho tôi gởi trên tay em một lời từ biệt. Tình yêu đã phai như mùa lá. Và rồi lá cũng rơi theo buổi chiều tàn.

Đèn xanh bật lên. Tôi qua một ngã tư đường. Buổi chiều ướt đẫm hơi nước và tôi thèm ngồi quán. Một ngôi quán quen thuộc đã đưa Tường Vân tới trong bóng tối của mấy bờ tường đá xanh và tiếng nhạc thoảng nhẹ như là gió. Tôi nghĩ tới bức thư sẽ viết cho nàng. Sáu giờ chiều. Giờ này Tường Vân đã tới nhà. Có thể nàng đang ngồi bên cửa nhìn mưa bay mù mặt hồ tưởng nhớ.

Hết

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro

Tags: #lanqu