Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

NHTM_C2

BÀI TẬP CHƯƠNG II

1.Tiết kiệm nhờ quy mô giúp giải thích sự tồn tại của các trung gian tài chính là như thế nào?

- Tiết kiệm nhờ quy mô (economies of scale) là giải pháp giảm thiểu chi phí giao dịch. Theo đó, việc tập trung các nguồn vốn nhỏ lẻ lại để đầu tư sẽ giảm được chi phí giao dịch trên mỗi đồng vốn đầu tư. Ví dụ, đầu tư bằng hình thức mua cổ phiếu, khi mua 1000 cổ phiếu hay 100 cổ phiếu thì chi phí giao dịch sẽ khác nhau không đáng kể, như vậy mua 1000 cổ phiếu sẽ có lợi thế hơn về chi phí giao dịch trên mỗi cổ phiếu so với mua 100 cổ phiếu.

- Một nhà đầu tư cá nhân sẽ có các hạn chế về lượng vốn, chi phí cho trung gian và môi giới (nếu có) và từ đó việc đa dạng hóa danh mục đầu tư để giảm thiểu rủi ro sẽ trở nên khó khăn hơn. Các nhà đầu tư này sẽ đầu tư tiền của mình vào các trung gian tài chính, làm cho các tổ chức này tồn tại và phát triển mạnh mẽ. Khi đã tập hợp được vốn, các trung gian tài chính không chỉ giảm được chi phí giao dịch mà còn có thể đa dạng hóa danh mục đầu tư, từ đó giảm được đáng kể rủi ro, tức là giải quyết được tất cả các vấn đề của các nhà đầu tư cá nhân gặp phải.

- Tiết kiệm nhờ quy mô còn có ý nghĩa trong việc giảm được chi phí cho các thiết bị như hệ thống máy tính, điện thoại, máy fax,... của thị trường tài chính nói chung. Nghĩa là với hệ thống trang thiết bị nhất định, thì khi giá trị giao dịch tăng, chi phí trên mỗi đồng vốn giao dịch giảm.

2. Hãy trình bày 2 phương án, theo đó các trung gian tài chính giảm được chi phí giao dịch trong nền kinh tế?

- Phương án thứ nhất chính là tiết kiệm nhờ quy mô đã được trình bày ở câu hỏi trên. Các trung gian tài chính thu hút vốn từ các nhà đầu tư cá nhân và thực hiện giao dịch với quy mô lớn, từ đó giảm được chi phí giao dịch so với các nhà đầu tư cá nhân và giảm chi phí giao dịch trên mỗi đồng vốn cho các hệ thống điện tử thực hiện các giao dịch này.

- Phương án thứ hai là tiết kiệm nhờ tính chuyên nghiệp (expertise). Theo đó, các trung gian tài chính có khả năng phát triển theo hướng chuyên nghiệp cao, do đó giảm được đáng kể chi phí giao dịch. Ví dụ, tính chuyên nghiệp trong công nghệ thông tin cung cấp cho khách hàng những dịch vụ tiện ích như quay số điện thoại miễn phí để truy vấn thông tin về các khoản đầu tư hay ký phát tờ sec từ tài khoản.

Một ưu việt nổi bật của các trung gian tài chính trong quá trình làm giảm chi phí giao dịch đó là cung cấp cho khách hàng những dịch vụ thanh toán dễ dàng và thuận tiện. Ví dụ, khách hàng không những được trả lãi cho các khoản tiền gửi, mà còn được phép ký phát các tờ sec để thanh toán một cách thuận tiện.

3. Rủi ro tài chính và lựa chọn đối nghịch luôn tồn tại trên thị trường tài chính nếu thông tin không cân xứng ?

Điều này đúng vì thông tin bất cân xứng làm cho một bên không nhận biết đầy đủ về đối tác của mình và có những quyết định sai lầm. Từ đó dẫn đến

- Các công ty xấu tích cực tìm kiếm khoản vốn vay và luôn tìm mọi cách để làm đẹp về công ty mình, do đó các công ty này được cho vay

- Các công ty cho vay không có khả năng đòi được nợ

Hai vấn đề này luôn cùng tồn tại khi có hiện tượng thông tin bất cân xứng

4. Các chuẩn mực kế toán giúp cho các thị trường tài chính hoạt động hiệu quả hơn như thế nào?

- Giúp cho việc lập và kiểm tra các báo cáo tài chính một cách trung thực, công khai, phán ánh đúng tình hình doanh nghiệp để phân biệt công ty tốt, xấu

- Giúp giảm thiểu được rủi ro đạo đức và thông tin bất cân xứng.

5. Vấn đề "chất lượng dưới chuẩn" gay gắt hơn đối với Cổ phiếu giao dịch trên SGD hơn là Cổ phiếu trên OTC?

Điều này không đúng và có thể giải thích bằng sự khác biệt của Cổ phiếu niêm yết trên SGD và trên OTC: thông tin bất cân xứng- nguyên nhân chính dẫn đến vấn đề "chất lượng dưới chuẩn".

- Trên SGD, các thông tin về tài chính, hoạt động,..của công ty niêm yết được minh bạch, được kiểm duyệt theo những quy tắc chặt chẽ hơn, nhà đầu tư (NĐT) được đảm bảo về thông tin, đánh giá đúng đắn hơn giá trị của cổ phiếu.

- Trên OTC, các thông tin về công ty niêm yết thiếu minh bạch hơn, không chịu sự kiểm duyệt chặt chẽ. Do vậy thông tin nhà đầu tư có được khó phản ánh đúng thực tế nên rủi ro đầu tư cao hơn

Chính vì sự khác biệt này dẫn đến việc trên SGD, nhà đầu tư có nhiều thông tin hơn về cổ phiếu, thông tin chính xác hơn, hay nói cách khác tình trạng "thông tin bất cân xứng" ít xảy ra hơn so với OTC. Chính vì thế vấn đề "chất lượng dưới chuẩn" đối với cổ phiếu trên OTC sẽ gay gắt hơn trên SGD.

6. Đối tượng sử dụng tín dụng ngân hàng hơn là cổ phiếu & trái phiếu để tài trợ cho hoạt động của mình?

Đó là các công ty nhỏ, tên tuổi hoặc thương hiệu ít được biết đến, hoặc các doanh nghiệp không được quyền phát hành cổ phiếu, trái phiếu theo quy định.

Thứ nhất, với đối tượng không có quyền phát hành cổ phiếu, trái phiếu (công ty TNHH, doanh nghiệp tư nhân,...) thì rõ ràng, để tài trợ cho hoạt động kinh doanh các doanh nghiệp này phải nhờ đến nguồn tín dụng ngân hàng.

Thứ hai, đối với các công ty nhỏ, tên tuổi ít được biết đến, thì việc việc phát hành chứng khoán để huy động vốn là rất khó khăn. Công ty ít được biết đến thì thông tin đến với nhà đầu tư càng ít, do đó NĐT khó xác định được công ty này tốt hay xấu, tức là nếu đầu tư sẽ có rủi ro rất lớn. Vì vậy, các công ty này khó có khả năng phát hành chứng khoán mà phải phụ thuộc nhiều hơn vào nguồn tín dụng ngân hàng.

7. Sự tồn tại thông tin không cân xứng là lý do cho sự điều tiết của chinh phủ trên thị trường tài chính?

Vấn đề "thông tin không cân xứng" dẫn đến lựa chọn đối nghịch trên thị trường tài chính, gây ra thiệt hại cho các NĐT và ảnh hưởng tiêu cực đến hiệu quả của thị trường tài chính, xét cho cùng sẽ ảnh hưởng tới nền kinh tế. Có nhiều giải pháp hạn chế vấn đề này như tư nhân sản xuất và bán thông tin, trung gian tài chính, thế chấp tài sản và vốn tự có,...tuy nhiên như thế là chưa đủ. Chính vì thế, sự điều tiết của chính phủ là cần thiết. Việc đặt ra những quy định chặt chẽ về cơ chế hạch toán kế toán, kiểm toán độc lập,nguyên tắc hoạt động của các SGD,...sẽ phần nào hạn chế sự bất cân xứng về thông tin.

8. Sẵn sàng cho bạn vay trong trường hợp nào?

Nếu bạn có tiền, việc sẵn sàng cho người khác vay tiền hay không phụ thuộc phần lớn vào mục đích sử dụng vốn vay đó của người đi vay mà bạn mong muốn. Bởi lẽ, nếu người đi vay sử dụng vốn vào các hoạt động khác mà bạn không mong đợi thì rủi ro người vay không hoàn trả được khoản vay là rất lớn mà bạn khó có thể kiểm soát được. Điều này liên quan tới rủi ro đạo đức.

Vì thế trong trường hợp a, nếu người bạn cho vay bỏ tiền vào dự án kinh doanh và bạn thấy rằng việc kinh doanh này có tiềm năng thì bạn sẵn sàng cho vay.

Trong trường hợp b, nếu người bạn cho vay sử dụng tiền vào mục đích khác mà bạn không biết, câu trả lời là không nên cho vay. (ở đây chỉ xét đến trường hợp khoản vay tương đối lớn)

9. Những người giàu thường lo lắng rằng những người khác sẽ luôn tìm cách cầu hôn với mình chỉ vì mình có tiền. Đây là lựa chọn đối nghịch?

Trong lĩnh vực tài chính, lựa chọn đối nghịch là khái niệm phản ánh thực tiễn rằng những người có rủi ro tín dụng cao lại là những người tích cực nhất trong vay nợ.

Còn trong trường hợp nêu trên, có thể hài hước mà coi rằng những người luôn tìm cách cầu hôn với các anh chàng giàu có là những người tích cực trong vay nợ. Lựa chọn đối nghịch chỉ xảy ra khi những người đó tiềm ẩn rủi ro tín dụng cao - tức là những cô gái đó có thể "có rủi ro" về bệnh tật, sắc đẹp,...Nhưng thực tế, đa số những cô gái "theo đuổi" những anh chàng giàu có đều là những người "ít rủi ro"- hoặc là họ có sắc đẹp, hoặc là họ có tài năng,...Chính vì vậy trường hợp trên không được coi là lựa chọn đối nghịch.

10. Tài sản thế chấp cho khoản vay càng nhiều thì người cho vay càng ít lo lắng về sự lựa chọn đối nghịch?

Điều này không hoàn toàn đúng.

Trên lý thuyết, người cho vay chịu rủi ro về sự lựa chọn đối nghịch khi người vay không trả được nợ và bị phá sản. Do đó, tài sản thế chấp cho khoản vay càng lớn thì người cho vay sẽ giảm được tổn thất khi người đi vay phá sản.

Nhưng trên thực tế, tài sản thế chấp cho khoản vay lớn đồng nghĩa với khoản cho vay lớn. Và giá trị tài sản thế chấp đó chỉ chiếm một phần trong khoản vay lớn đó. Vì thế khi người đi vay phá sản, chênh lệch giữa khoản cho vay và giá trị tài sản thế chấp vẫn lớn, tức là người cho vay vẫn gánh chịu rủi ro lớn trong trường hợp này.

Chính vì vậy, phát biểu trên không hoàn toàn đúng.

11.Vấn đề ăn theo làm trầm trọng thêm sự lựa chọn đối nghịch & rủi ro đạo đức

Vấn đề ăn theo xuất hiện khi nhiều người có được thông tin mà không phải trả tiền, do đó những người ăn theo sẽ có lợi hơn so với người phải bỏ tiền ra mua.

Đối với sự lựa chọn đối nghịch: khi NĐT bỏ tiền mua thông tin, anh ta tin tưởng đó là những thông tin giá trị và phù hợp để có thể ra quyết định đầu tư. Tuy nhiên, những người ăn theo sẽ quan sát quyết định đầu tư của anh ta và cũng hành động tương tự theo tâm lý bầy đàn. Như vậy nhiều người cùng ra một quyết định đầu tư như nhau sẽ pha loãng lợi ích thu được, trong đó người phải bỏ tiền có được thông tin sẽ bị thiệt hại hơn cả. Và rõ ràng, sự lựa chọn đối nghịch vẫn nảy sinh bởi sự tồn tại của vấn đề ăn theo.

Đối với rủi ro đạo đức: điều này thể hiện rõ trên thị trường chứng khoán. Sự tồn tại của người ăn theo tạo ra tâm lý bầy đàn khi đầu tư vào một cổ phiếu trên thị trường, tức là tạo ra những "đợt sóng" mua hoặc bán cổ phiếu, làm cho giá cổ phiếu biến động mạnh. Điều này tạo cơ hội cho một số cá nhân lái thị trường theo hướng của mình và kiếm lời, gây thiệt hại cho nhiều NĐT.

12. Việc tách biệt giữa quyền sở hữu và quản lý công ty có thể dẫn đến việc quản lý tồi?

Rủi ro đạo đức có thể phát sinh trong mối quan hệ giữa quyền sở hữu và quyền quản lý công ty. Nếu tách biệt 2 quyền này có thể sẽ dẫn đến việc quản lý tồi bởi lẽ:

Nói chung, một người quản lý sẽ chỉ có động lực thực hiện công việc của mình bằng nỗ lực cao khi người đó có quyền sở hữu toàn bộ hoặc một phần công ty. Nỗ lực và kết quả trong hoạt động quản lý của ông ta sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới lợi nhuận tương ứng với phần sở hữu của ông ta trong công ty.

Trong trường hợp quyền sở hữu tách biệt quyền quản lý, chẳng hạn như một người được thuê làm quản lý cho một công ty cổ phần mà ông ta không sở hữu phần tài sản nào của công ty đó, thì chủ sở hữu công ty khó có thể kỳ vọng rằng người quản lý đó sẽ luôn làm việc với nỗ lực cao nhất trừ khi lương trả cho ông ta rất cao. Thực tế là, những người quản lý như vậy dù có làm việc với nỗ lực cao nhất thì ông ta cũng chỉ nhận được mức lương gần như cố định hàng tháng, có chăng là mức thưởng nhưng sẽ không tương xứng với phần giá trị tăng thêm cho công ty nhờ vào nỗ lực của ông ta. Nếu công ty không trả ông ta mức lương thỏa đáng, thì rủi ro đạo đức có thể sẽ phát sinh khi mà người quản lý đó không nỗ lực thực hiện công việc, thậm chí còn có những hành vi tư lợi riêng ảnh hưởng tới công ty.

Như vậy, việc tách biệt giữa quyền sở hữu và quản lý công ty có thể dẫn đến việc quản lý tồi.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro

Tags: