Quyển 1: Chương 2
CHƯƠNG 2
Ngày 12 tháng 10, tức là cách thời điểm hiện tại hơn một tháng về trước, Hà Trang (nữ sinh lớp 11D2 trường Trung học phổ thông Khương Thái) tất bật đến trường từ sáng sớm vì hôm nay đến phiên trực nhật của cô bé.
Trên đường tới trường, Trang rẽ vào cửa hàng tạp hóa để mua một bịch khăn bông trắng khổ 20x20cm. Trong lúc mua, cô bé nhớ đến tiết Toán ngày hôm trước đó.
Hôm đó, thầy dạy Toán trong lúc tìm giẻ lau bảng thì phát hiện ra một vật thể lạ nằm rúm ró tại một góc của khay để phấn. Thầy cẩn thận cầm lên và giở cái thứ rúm ró đó ra thì mới biết đó là giẻ lau bảng của lớp 11D2.
Thầy ái ngại nhìn cái mớ rách tươm chẳng còn ra hình thù cái giẻ. Sau đó, giơ cái vật gọi là giẻ lau bảng đó lên cho cả lớp nhìn. Lúc này, mọi người mới chợt nhận ra nó thảm hại tới mức nào. Đã vậy thầy Toán còn chép miệng phán một câu: "Cái lớp này thật là hoàn cảnh!" khiến cả đám học sinh ngồi dưới chẳng biết nên cười hay nên khóc.
Hà Trang ngồi phía dưới, sau khi nhìn thấy hình ảnh đó thì quyết định phải vì lớp mà mua giẻ lau bảng mới.
Sau khi mua đồ xong, Hà Trang tiếp tục tới trường.
Vì đến khá sớm nên các lớp học đều chưa mở cửa, Hà Trang đứng bên ngoài cửa lớp 11D2 đợi bác bảo vệ đem chìa khóa tới. Trong lúc đợi, một mùi hôi tanh thoảng qua mũi khiến Trang nhăn mặt. Cô bé là người ưa gọn gàng sạch sẽ nên rất nhạy cảm với thứ mùi này.
Lấy tay buộc gọn tóc lên cao, Hà Trang tự nói với bản thân rằng hôm nay cô phải lao động hết sức để dọn sạch cái lớp này và làm biến mất triệt để thứ mùi hôi tanh kia. Nghĩ tới việc phải ngồi trong lớp với cái mùi đó, Trang thực sự không thể nào chịu nổi.
Mãi một lúc sau, bác bảo vệ mới tới, lạch cạch mở khóa cửa. Cửa vừa mở ra thì cái mùi hôi tanh trở nên nồng nặc hơn khiến cả bác bảo vệ và Trang phải bịt mũi lại.
"Chắc là có con chuột chết nào trong này, mùi ghê quá!", bác bảo vệ vừa nói vừa đẩy cửa rộng ra.
Bước vào trong, cả hai người nhìn thấy một người đang nằm gục trên bàn học ở cuối lớp.
"Hình như là Thư, sao cậu ấy lại ở đây?", Hà Trang thầm nghĩ.
"Học sinh nào lại trốn ở lại lớp thế này? Hôm qua trước khi khóa cửa bác đã kiểm tra kỹ rồi mà", bác bảo vệ lên tiếng.
"Để cháu tới chỗ bạn ấy hỏi xem sao", Hà Trang đặt cặp xuống chiếc bàn ngay gần mình rồi tiến về chỗ người kia. Chẳng hiểu sao, càng tới gần chỗ đó, thứ mùi đáng ghét kia càng đậm đặc hơn. Điều này khiến Trang có linh cảm không tốt.
Bước gần tới chiếc bàn góc cuối lớp, Trang nhìn thấy một mảng màu đỏ ở dưới sàn. Và khi nhận ra đó là gì thì cô bé hoảng loạn hét lên và ngã khuỵu xuống: " Ôi trời ơi, máu!"
Bác bảo vệ thấy vậy vội chạy tới và cũng hốt hoảng khi nhìn thấy cảnh tượng đó. Nhưng với tinh thần đã được rèn luyện suốt một thời gian dài, bác cố lấy lại bình tĩnh và gọi ngay cho cảnh sát.
Trong khi đó, Hà Trang ngồi dưới sàn và khóc thét lên vì sợ hãi. Cú sốc ấy gây tổn thương đến tâm lý của Trang và sau đó khiến cô bé bị ám ảnh suốt một thời gian dài.
Mỗi khi nhớ lại, hình ảnh Thư chết trong vũng máu lại hiện lên một cách chân thực trước mắt Trang. Nó khiến cô bé phải cố gắng kiềm chế cảm giác buồn nôn đang dâng lên tận họng.
"Bạn ấy ngồi trên bàn, lặng im một cách đáng sợ. Hai cánh tay của bạn ấy buông thõng xuống, chằng chịt những vết cứa sâu đến mức lộ cả xương trắng. Máu chảy ra từ những vết thương đã khô lại sau khi tạo thành một vũng máu nhớp nháp dưới sàn. Nhưng trong mắt cháu, dòng máu đó vẫn đang chảy, nhỏ từng giọt xuống sàn. Mùi tanh của máu bốc lên khiến cháu không thể nào thở được.
Cháu thấy một con dao dọc giấy màu xanh dương nằm chìm trong vũng máu ấy. Có thể đó là thứ mà bạn ấy đã dùng để tự giết mình. Cháu thật sự không biết tại sao bạn ấy lại làm như vậy.
Khuôn mặt bạn ấy trắng bệch, hướng về phía cửa sổ. Mái tóc xõa dài trên bàn đã bết lại bởi mồ hôi và máu. Đôi mắt bạn ấy mở to chẳng còn sự sống, đôi môi tái nhợt thì cong lên như đang mỉm cười. Trên chiếc bàn nơi bạn ấy ngồi là một chai thủy tinh với tờ giấy đặt bên trong. Sau cháu mới biết đó là lá thư mà bạn ấy để lại trước khi chết."
Đó cũng chính là những lời khai mà Hà Trang đã nói với cánh sát. Cô bé và bác bảo vệ chính là nhân chứng đã phát hiện ra vụ tự tử đầu tiên. Theo đó, nạn nhân của vụ tự tử đầu tiên được xác định là Trần Thị Thư 16 tuổi, học sinh lớp 11D2 trường Trung học phổ thông Khương Thái. Trần Thị Thư tử vong vào khoảng hai đến ba giờ sáng tại phòng học của lớp 11D2, nguyên nhân tử vong là mất máu quá nhiều. Hung khí cũng được xác định là chiếc dao dọc giấy màu xanh dương nằm ở hiện trường. Cảnh sát địa phương sau khi điều tra đã kết luận đây là vụ tự tử. Thứ nhất là vì họ không tìm thấy chúng cứ về sự xuất hiện của người thứ hai ngoài nạn nhân. Thứ hai là vì lá thư tuyệt mệnh mà nạn nhân để lại tại hiện trường, đó là bằng chứng xác thực nhất.
Khác với vụ thứ nhất, vụ án thứ hai được khẳng định là tự tử bởi có nhân chứng chứng kiến toàn bộ sự việc. Không chỉ một mà rất nhiều người đã nhìn thấy cảnh tượng ấy.
Buổi chiều chủ nhật ngày 26 tháng 10, tại sân vận động ngoài trời của trường trung học phổ thông Vĩnh Thụy, một trận đấu bóng đá nam đang diễn ra giữa hai đội tuyển của hai trường trung học nổi tiếng nhất phía Bắc thành phố C, Vĩnh Thụy và Bắc Tự.
Hai bên khán đài đông kín người cổ vũ, chủ yếu là nữ sinh hai trường. Ai nấy đều hào hứng đón xem trận đấu và ngắm nhìn những thiếu niên đẹp tựa nam thần đang di chuyển trên sân.
Trận đấu đã bước sang phút ba mươi bảy mà vẫn chưa có bàn thắng nào được ghi. Hai bên giằng co nhau suốt một hồi mà chưa ai có thể dẫn bóng vào lưới. Thành viên của hai đội đều rất căng thẳng, cẩn thận quan sát đối phương.
Đội trưởng đội Bắc Tự anh tuấn mạnh mẽ, giữa thời tiết se lạnh mà trán ướt đẫm mồ hôi. Cậu ta đưa tay gạt đi giọt mồ hôi vừa chảy xuống mi mắt. Hành động tưởng chừng bình thường ấy lại khiến cho không ít trái tim nữ sinh phải thổn thức vì cậu ta.
"Chỉ là lau mồ hôi thôi mà, sao lại có thể đẹp trai tới vậy", một cổ động viên của đội Bắc Tự lên tiếng khiến cả khán đài bên trái hùa nhau rú lên: "Bắc Tự cố lên! Bắc Tự vô địch! Chúng em yêu các anh!"
Khán đài bên phải thấy vậy cũng không chịu thua, cùng nhau hô to: "Chúng em tin tưởng các anh! Vĩnh Thụy là bất bại! Vĩnh Thụy cố lên! Vĩnh Thụy cố lên!"
Năm phút sau, cả khán đài bên phải vỡ òa vì vui sướng.
"Vào", tiếng của bình luận viên ngân dài kéo niềm vui sướng của học sinh trường Vĩnh Thụy lên tít tận trên cao: "Một điểm cho đội nhà. Tỉ số bây giờ là một không nghiêng về trường Vĩnh Thụy. Đội Vĩnh Thụy, các bạn làm rất tốt, tiếp tục phát huy nhé!". Không cần giới thiệu, ai cũng đoán chắc chắn tên bình luận viên này là người của Vĩnh Thụy.
Trái ngược với đó là sự im lặng của khán đài bên trái. Họ cùng chung cảm xúc với các thành viên của đội bóng đang bất động trên sân.
Lúc nãy, đội trưởng Bắc Tự đã nhất thời sơ hở để người của bên Vĩnh Thụy lợi dụng thời cơ chuyền bóng vào lưới. Đường đi của bóng hiểm hóc khiến thủ môn Bắc Tự bất lực đứng nhìn. Cả đội lúc này đưa mắt nhìn đội trưởng như đang trách móc.
"Không sao, chúng ta vẫn còn cả một hiệp đấu nữa! Bắc Tự nhanh chóng lấy lại phong độ, bứt phá giành chiến thắng!", một nhóm nữ sinh trường Bắc Tự đứng dậy đồng thanh hô to. "Bắc Tự cố lên! Bắc Tự là số một! Bắc Tự giành chiến thắng!"
Bỗng "bùm", một trụ lửa bốc lên cháy dữ dội ở khoảng trống hướng tây giữa hai khán đài. Toàn bộ người ở sân vận động giật mình nhìn về phía ấy.
Trước đó, có người nhìn thấy bóng dáng một nữ sinh mặc đồng phục trường Vĩnh Thụy đứng ở đó. Cô gái đó toàn thân ướt nhẹp, cầm trên tay một can chất lỏng dường như đã vơi đi một nửa. Cô ấy đổ chất lỏng xuống thảm cỏ xung quanh và dội lên cả người mình. Mấy người nhìn thấy chưa kịp chạy tới ngăn cản thì chiếc bật lửa trên tay cô gái loé sáng và rơi xuống sân cỏ ướt xăng. Sau đó ngọn lửa ngay lập tức lan ra và bùng lên dữ dội, nhấn chìm cả cô gái ấy.
"Mau, dập lửa!", đội trưởng đội bóng Bắc Tự đột nhiên hét lên và lao mình ra khỏi sân, vừa chạy vừa lột chiếc áo của mình ra.
Cả sân vận động thẫn thờ đứng nhìn cảnh tượng ấy. Một lát sau mới có người chạy ùa theo cậu ta, người khác thì chạy đi tìm bình cứu hỏa và nước để dập lửa.
"Có chuyện gì vậy?"
"Hình như có người tự thiêu."
"Sao chuyện này lại xảy ra cơ chứ?"
"Hu hu, tôi muốn rời khỏi chỗ này ngay lập tức."
Những âm thanh hỗn độn, xôn xao vang lên. Tiếng người nói, tiếng kẻ kêu gào, tiếng khóc nức nở vì sợ hãi hòa cùng với nhau.
Còn ở vị trí kia, cô gái ấy đang bốc cháy như một ngọn đuốc. Tiếng rên rỉ vì đau đớn thảm thiết vang lên. Từng thớ thịt trên người cô ấy bị nướng bởi ngọn lửa đỏ rực, mùi cháy khét bốc lên khiến mọi người càng thêm sợ hãi. Nhưng chẳng hiểu sao cô gái ấy vẫn đứng đó, mắt mở trừng trừng, thậm chí còn dang hai tay ra như đang tận hưởng cảm giác đó.
Trước mặt cô ấy, đội trưởng đội Bắc Tự ra sức đập chiếc áo của mình xuống để dập lửa nhưng vô dụng. Trái lại, ngọn lửa kia còn giận dữ thiêu cháy một góc áo của cậu ta.
Hình ảnh ấy của đội trưởng đội Bắc Tự ngay lập tức được chụp và đăng tải lên mạng với nội dung: "Nam thần Bắc Tự liều mình cứu người, oai phong hào hiệp".
Một lúc sau, có ba người đem bình cứu hỏa tới. Đội trưởng đội Bắc Tự nhanh chóng né qua một bên.
Luồng khí trắng xóa xịt thẳng vào người cô gái nhưng phải mất một khoảng thời gian dài mới dập tắt được ngọn lửa. Cả dánh người ấy liền ngã xuống, quần áo trên người bị thiêu cháy tới mức nham nhở. Toàn thân loang lổ những vết bỏng màu đen đỏ. Máu từ những vết thương ấy rỉ ra chảy xuống thảm cỏ đã cháy đen thui.
Hình ảnh ấy khiến không ít người kinh hãi. Một vài người nôn mửa, ai yếu bóng vía thì ngất xỉu ngay lập tức. Có người thì tìm cách nhanh chóng rời khỏi nơi này, người khác lại tò mò chạy tới gần để xem nhân tiện chụp lấy vài tấm ảnh.
Trận đấu bóng đá bỗng chốc trở thành thảm cảnh, cả sân vận động hỗn loạn, tan hoang ngập tràn mùi vị chết chóc.
Cô gái tự thiêu kia sau khi được đưa đến bệnh viện, trải qua một nửa thời gian cấp cứu thì tử vong.
Những vết bỏng của cô ấy đa phần rất nặng, bị mất máu khá nhiều, thêm vào đó là thể chất yếu nên đã không thể cầm cự được. Bác sĩ cũng đành bất lực nhìn bệnh nhân mất dần sự sống. Máy đo nhịp tim dừng lại ở số không và vang lên âm thanh "i i" kéo dài.
Người nhà bệnh nhân không biết nghe tin từ đâu đã có mặt tại bệnh viện, trên tay cầm lá thư tuyệt mệnh mà con gái họ để lại. Họ theo vị cảnh sát chạy vội tới phòng cấp cứu. Vừa mới tới đã nghe thấy âm thanh kia, người vợ liền khuỵu xuống khóc nức nở đến mức ngất lịm đi.
Nạn nhân của vụ tự tử thứ hai nhanh chóng được xác định là Chu Hạ Mỹ 16 tuổi, học sinh trường trung học phổ thông Vĩnh Thụy. Gia đình cô bé thuộc dạng khá giả, bố mẹ làm nghề buôn bán, dưới Hạ Mỹ còn có một đứa em gái đang học lớp 7. Cả bố mẹ lẫn em gái cô bé đều đau buồn trước sự ra đi của cô. Họ không thể tin rằng cô bé đã mất cho tới khi được tận mắt nhìn thấy thi thể cô nằm bất động trên băng ca phủ khăn trắng.
Vụ việc này được kết luận ngay là tự tử. Một phần vì nhân chứng, chứng cứ đều rõ ràng. Phần còn lại là bởi gia đình nạn nhân muốn giữ kín sự việc nên không yêu cầu cảnh sát điều tra.
Với họ, điều tra thêm cũng chẳng giúp ích được gì, nếu con họ đã quyết định ra đi thì họ đành chấp nhận để nó được ra đi thanh thản. Lật lại vụ việc chỉ khiến mọi thứ trở nên tồi tệ hơn. Tuy vậy, họ vẫn rất đau khổ vì đứa con gái yêu quí đã dại dột hủy đi mạng sống của chính bản thân mình. Và đó cũng là điều mà họ chưa bao giờ ngờ tới.
Vụ tự tử thứ ba không tạo ra hiệu ứng mạnh mẽ như vụ thứ nhất hay rầm rộ như vụ thứ hai nhưng cũng đủ để lại ấn tượng không thể quên cho người phát hiện ra nó.
Công viên cây xanh Bình Minh chìm dần vào bóng tối. Những ánh đèn chiếu sáng trong công viên cũng đã gần tắt hết, chỉ còn lại màn đêm ảm đạm. Trời về đêm ngày càng lạnh hơn, con đường xung quanh cũng chẳng còn mấy ai đi lại. Những ngôi nhà ven công viên cũng đã tắt đèn đi ngủ.
Ông Bằng sống cùng người vợ già tại căn nhà nhỏ ở ven công viên. Tuổi tác đã cao nên ông mắc phải chứng mất ngủ và đi tiểu đêm. Cứ tới khoảng hai giờ sáng là ông Bằng lại lạch cạch rời giường khiến bà vợ nằm bên cạnh lẩm bẩm vài câu.
Ngày nào cũng nghe nên ông vốn quen rồi. Mặc kệ bà ấy nói, ông cứ lẳng lặng tiến về phía nhà vệ sinh.
Lúc đi ngang qua cửa sổ, ông có nhìn thấy bóng người đen xì đi vào trong công viên, dưới ánh sáng mập mờ của bóng đèn sắp tắt.
Đứng bất động một lúc, ông liền lắc đầu, chép miệng tự nhủ rằng mình hoa mắt: "Giờ này là giờ nào rồi, làm gì còn ai tới công viên đi dạo". Nghĩ rồi ông lại chắp tay sau lưng, chầm chậm tiến vào nhà vệ sinh.
Buổi sáng hôm sau, ông Bằng tỉnh dậy từ khá sớm. Ông nhẹ nhàng rời khỏi giường khi bà vợ vẫn đang ngủ say.
Là người đã có tuổi, một trong những điều ông quan tâm là sức khoẻ. Vậy nên, hôm nào ông Bằng cũng dành một khoảng thời gian buổi sáng để chạy bộ vài vòng quanh công viên. Ngày hôm đó cũng không ngoại lệ.
Chạy được già nửa vòng, ông Bằng nhìn thấy có một người mặc đồng phục học sinh đeo cặp sách, đầu đội mũ lưỡi trai đen, tai mang headphone trùm qua đầu ngồi gục đầu dưới một gốc cây to. Nghĩ là đứa trẻ đó đang ngủ nên ông cũng không để tâm đến nó nữa.
Ông Bằng chạy hết gần năm vòng công viên cũng là lúc đồng hồ trên tay ông chỉ đúng bảy giờ. Ông uống hết nửa chai nước cầm trên tay rồi chống hông đi bộ một quãng cho đỡ mệt. Trời lúc này đã sáng hẳn, mọi người đổ ra đường ngày càng nhiều hơn.
Lúc đi ngang qua gốc cây kia, ông Bằng thấy đứa trẻ vẫn ngủ gật ở đó với tư thế cũ. Có lẽ nó ngủ khá say, đến tiếng ồn ào xung quanh cũng không làm nó thức giấc.
Rồi ông chợt nghĩ: "Mình mà còn trẻ chắc cũng không bị mất ngủ như bây giờ. Nằm trong đêm khuya yên tĩnh mà vẫn không thể nào yên giấc."
Đó chỉ là một ý nghĩ thoáng qua mang chút ghen tị mà thôi. Ông Bằng vốn hiểu rất rõ rằng tuổi thanh xuân không thể nào kéo dài mãi được. Ai cũng có lúc già đi, sức khoẻ cũng sẽ yếu dần nhưng chỉ có tâm hồn là sống mãi với thời gian.
Về đến gần nhà, ông nhìn thấy dáng dấp bà vợ đang mở cửa ban công phơi quần áo. Lặng nhìn người phụ nữ ấy, ông thầm nghĩ cuộc đời quả thật rất công bằng. Tuổi trẻ không có gì ngoài hai bàn tay trắng nhưng khi về già lại có được một người vợ đảm đang, biết quan tâm, thấu hiểu bầu bạn với mình. Như vậy thì còn gì tuyệt vời hơn nữa.
Bảy giờ hai mươi, ông Bằng sau thi thay đồ thì xách giỏ nhựa ra chợ mua thức ăn.
Chẳng hiểu vì sao mà vừa đi ngang qua gốc cây kia, ông liền ngoái đầu lại nhìn. Đứa trẻ kia vẫn ở đó. Hình như chẳng có ai ngoài ông quan tâm đến sự hiện diện của nó.
Hơn tám giờ, ông Bằng từ chợ trở về, đứa trẻ ấy vẫn ở đó. Kể ra từ lúc ông trông thấy nó thì nó đã ngủ ở đó được hơn hai tiếng đồng hồ rồi. Cũng chẳng biết có phải do trí nhớ có vấn đề hay không mà ông thấy tư thế của nó vẫn chẳng có chút gì xê dịch. Bình thường người ngủ ở tư thế ngồi như vậy, chắc chắn một lúc sau sẽ đau lưng, vai hoặc cổ. Do vậy họ sẽ dịch chuyển tư thế cho đỡ mỏi. Đằng này chẳng có thay đổi gì. Có lẽ nó không mỏi.
Ông Bằng cố tìm ra một cách giải thích hợp lý để tránh bản thân vô tình làm phiền tới người khác. Và ông đã thành công. Đối với ông, chuyện của người ta, tốt nhất mình không nên xen vào kẻo lại lắm chuyện xảy ra. Họ làm gì thì làm, không ảnh hưởng tới mình là được.
Rồi ông Bằng lại đẩy sự quan tâm chú ý của mình ra khỏi đứa trẻ ngồi dưới gốc cây, tiếp tục trở về nhà. Có lẽ lúc này vợ ông đã chuẩn bị xong bữa sáng.
Vợ ông Bằng mắc chứng đau dạ dày nên cứ ăn sáng xong là phải uống thuốc để bình ổn dạ dày. Ông giúp vợ lấy thuốc trong khi bà ấy đang dọn dẹp bàn ăn.
Nhìn vỉ thuốc đã gần hết, ông Bằng đặt viên thuốc bên cạnh ly nước rồi nói với bà vợ: "Tôi ra ngoài mua thuốc". Nói rồi ông rời khỏi nhà, đây cũng là lần thứ ba trong một buổi sáng.
Hiệu thuốc ở phía trước mặt nhà ông, bên kia công viên Bình Minh. Để tiện đường, ông đi tắt qua công viên đó. Không khác gì mấy lần trước, ông lại để ý đến cái gốc cây mà đứa trẻ lúc sáng đã ngồi. Ông thầm nghĩ rằng có thể nó đã rời khỏi đó. Giờ này, bọn trẻ đều đã ở trường.
Lạ thật, chẳng hiểu sao đửa trẻ kia vẫn ngồi đó cho tới lúc này. Không lẽ nó trốn học? Hay là nó ngủ quên?
Ông Bằng chợt phát hiện có một thanh niên mặt mày khả nghi, cứ lượn qua lượn lại quanh khu vực đó. Ông đoán là nó đang định giở trò trộm cắp.
Đúng như dự đoán của ông, thanh niên kia sau khi lượn vài vòng thì tiến gần sát tới chỗ đứa trẻ, mắt nhìn chằm chằm vào cái cặp sách.
"Này thằng kia, mày định làm gì cháu tao thế hả?", ông Bằng chợt hô to. Thanh niên kia nghe vậy giật mình nhìn về phía ông rồi luống cuống bỏ chạy.
Mặc dù không muốn bị coi là kẻ phiền phức nhưng ông Bằng lần này quyết lại gần để đánh thức đứa trẻ kia. Nó ngủ say quá, ông hô to như vậy mà nó chẳng có chút biểu hiện gì.
"Này cháu! Cháu ơi! Cháu ơi!", ông Bằng đứng bên cạnh gọi hoài mà không thấy đứa trẻ đó có phản ứng gì. Một vài người ở gần đó đưa mắt nhìn về phía ông.
"Cháu ơi, dậy đi! Đã tám rưỡi rồi, cháu không định đi học sao?", ông Bằng kiên nhẫn gọi thêm lần nữa. Kì lạ thay, đứa trẻ vẫn không tỉnh.
"Chuyện gì vậy, ông Bằng?", một người quen của ông tiến lại hỏi, kéo theo đó là những lời bàn tán xôn xao.
"Tôi không biết. Thấy đứa bé này ngồi ngủ gậy ở đây cả buổi sáng, tôi mới tới gọi nó dậy. Chẳng hiểu sao gọi mãi nó vẫn không dậy", ông Bằng nói.
"Vậy hả? Để cháu gọi thử!". Người đàn ông trẻ mới tới ngồi xổm xuống cạnh đứa trẻ kia, lay lay vai nó: "Dậy đi em nhỏ!". Đáp lại anh ta là sự im lặng và bất động.
Anh ta ngẩng lên nhìn ông Bằng. Hai người trầm mặc nhìn nhau, linh cảm có chuyện chẳng lành.
Người đàn ông trẻ nghiêng người xuống thấp, tay hơi run cầm lấy vành mũ của đứa trẻ, từ từ nhấc lên. Ông Bằng đứng bên cạnh cũng căng thẳng không kém. Những người xung quanh cũng dừng lại đứng nhìn.
"Á!", anh ta ngã ngửa ra phía xong, cùng ông Bằng đồng thanh la lên rồi im bặt.
Khuôn mặt của cô bé trước mặt họ tím tái và vương đầy máu. Máu rỉ ra từ khoé mắt, mũi và miệng đã khô lại thành màu đỏ sẫm.
Người đàn ông trẻ cố kìm nén sự sợ hãi, run rẩy đưa ngón tay lên ngang mũi của cô bé kia. Anh ta giật nảy người liếc nhìn khuôn mặt sợ hãi của ông Bằng: "Em ấy chết rồi!"
Mọi người xung quanh thấy vậy liền xúm nhau lại xem, những lời bàn tán cứ thế vang lên.
Giữa trời se lạnh, ông Bằng đưa đôi tay ướt đẫm mồ hôi lấy điện thoại trong túi quần ra và gọi cho cảnh sát. Ông Bằng còn nhớ rõ hôm đó là thứ sáu ngày mùng 9 tháng 11, tức là cách thời điểm hiện tại khoảng 10 ngày.
Nạn nhân của vụ tự tử thứ ba được xác định nhanh chóng nhờ đồng phục và tên họ ghi ở nhãn vở. Cô bé tên là Nguyễn Thùy Dung, học sinh lớp 11-chuyên Hóa trường trung học phổ thông Việt - Pháp. Cô bé vừa tròn 16 tuổi trước đó ba ngày. Hiện trường vụ án là gốc cây số hai mốt công viên Bình Minh. Giám định pháp y cho biết nạn nhân tử vong trong khoảng thời gian từ một đến năm giờ sáng. Nguyên nhân tử vong là ngộ độc cấp. Chất độc được xác định là trùng với chất lỏng trong chiếc lọ đặt cạnh xác nạn nhân. Đó là một loại thuốc chuột có chứa wafarin (chất chống đông máu). Tại hiện trường, cảnh sát còn phát hiện lá thư tuyệt mệnh trong cặp của nạn nhân.
Ba vụ tự tử cùng với ba xác chết đã được phát hiện. Nhiệm vụ hàng đầu của đội đặc nhiệm là điều tra làm rõ nguyên nhân thực sự của những vụ tự tử này. Tuy vậy, đây là khó khăn lớn cho cả đội bởi họ không được tiếp cận hiện trường ban đầu hay xác nạn nhân.
- Đây là những điểm mấu chốt của từng vụ tự tử mà chúng ta đã thảo luận.- Thiên Quân đặt bút dạ xuống, rời chiếc bảng trắng chi chít chữ và trở về chỗ ngồi.
Băng Tâm lặng im rót cho Thiên Quân chén trà mới trong khi những thành viên khác đang tiếp tục ghi chép lại kết quả thảo luận.
Sau khi nhấp xong ngụm trà, Thiên Quân mới tiếp tục nói:
- Bây giờ đội chúng ta sẽ chia ra ba tổ, mỗi tổ hai người điều tra từng vụ. Các cậu nghĩ sao?
- Đội trưởng, nhân lực của đội chúng ta đã ít, nếu còn chia ra thì em e rằng sẽ ảnh hưởng đến tiến độ điều tra.- Mạnh Tùng lên tiếng.
- Vậy, chúng ta có thể xin Cục trưởng điều động thêm người.- Nhất Huy đề nghị.
Cả đội đồng tình với ý kiến của Nhất Huy. Thiên Quân nhìn Nhất Huy và nói:
- Ừm, sau buổi họp, tôi sẽ nói chuyện với Cục trưởng về điều này.- Rồi anh đưa mắt nhìn mọi người trong đội.- Mọi người đã thống nhất về việc chia tổ điều tra?
- Vâng.- Cả đội đồng thanh.
- Được, giờ tôi sẽ chia tổ như sau.- Thiên Quân nhìn vào cuốn sổ ghi chép và bắt đầu đọc.- Tổ một gồm Mạnh Tùng và Kiến Bình, điều tra về vụ tự tử thứ nhất; tổ hai gồm Nhất Huy và Mã Phong, các cậu điều tra vụ tự tử thứ ba. Còn vụ thứ hai sẽ do tổ ba gồm tôi và Băng Tâm lo liệu. Các cậu có ý kiến gì không?
Mấy người trong đội dĩ nhiên không có ý kiến gì. Họ đã sớm đoán được ý đồ của Thiên Quân trong sự sắp xếp này.
Thiên Quân ngẩng mặt lên, thấy cả đội không có ai nêu ý kiến liền nói tiếp:
- Nếu không có ai lên tiếng thì có nghĩa tất cả đã đồng tình. Tổ một và tổ hai, các cậu trực tiếp báo cáo với tôi kết quả điều tra. Đây là những vụ án do chúng ta điều tra lại nên phải hết sức cẩn trọng, tuyệt đối không được bỏ qua bất cứ chi tiết nào.- Thiên Quân nói rồi hô to.- Cả đội rõ chưa?
- Rõ, thưa đội trưởng.- Cả năm người đồng thanh, khí thế hùng hồn.
Đã lâu rồi các thành viên trong đội không cảm thấy tràn trề nhiệt huyết như lúc này. Những ngày ảm đạm đã trôi qua, giờ họ lại cùng nhau làm việc để tìm ra bí mật ẩn sau những vụ tự tử này.
Điều gì khiến cho ba học sinh trung học đang tuổi vô tư, yêu đời phải chọn lấy cái chết đau đớn, ghê rợn như vậy? Liệu có phải chỉ vì lý do đơn giản là bởi áp lực học tập?
-TBC-
P.Q
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro