Nhi Khoa
Về kháng sinh nhóm Fluoroquinolon
Khi kháng sinh mới ra đời, người ta định nghĩa chúng là các hợp chất được trích ra từ các vi sinh vật (như vi nấm, vi khuẩn) có tác dụng tiêu diệt hoặc ức chế sự phát triển của các vi sinh vật khác, đặc biệt là vi sinh vật gây bệnh.
Như vậy, ban đầu kháng sinh được xem là thuốc có nguồn gốc thiên nhiên. Nhưng về sau, do ngày càng cần có nhiều kháng sinh mới, con người đã nghiên cứu và tổng hợp nhiều loại kháng sinh từ các phản ứng hóa học.
Kháng sinh diệt khuẩn và kháng sinh hãm khuẩn
Hiện nay, nhóm kháng sinh tổng hợp là lĩnh vực được các nhà khoa học đầu tư nghiên cứu rất nhiều để tìm ra các kháng sinh mới, vừa đạt hiệu quả an toàn cao trong điều trị, vừa chống lại sự đề kháng ngày càng tăng của vi khuẩn gây bệnh. Nhóm thuốc điển hình cho việc nghiên cứu tìm ra kháng sinh mới là nhóm quinolon. Các kháng sinh thông dụng hiện nay của nhóm này, như Ofloxacin, đều có tác dụng diệt khuẩn. Kháng sinh diệt khuẩn (batericidal) là kháng sinh có khả năng tiêu diệt ngay vi khuẩn; Còn kháng sinh hãm khuẩn (còn gọi tĩnh khuẩn, trụ khuẩn hay kìm khuẩn - bacteriostatic) chỉ có tác dụng ức chế sự phát triển của vi khuẩn, làm vi khuẩn yếu đi chứ không chết và chỉ bị tiêu diệt khi có sự đề kháng của cơ thể.
Các kháng sinh nhóm quinolon thế hệ 1
Kháng sinh đầu tiên của nhóm quinolon là acid nalidixic được tổng hợp vào năm 1962, sau đó acid oxolinic, acid piromidic, acid pipemidic... ra đời, hình thành nên nhóm quinolon thế hệ 1. Các quinolon thế hệ 1 có phổ kháng khuẩn hẹp, chỉ tác dụng đối với vi khuẩn Gram âm, chủ yếu dùng điều trị nhiễm khuẩn đường tiết niệu (85% là do E. Coli), có tác dụng hãm khuẩn (tức là hoạt tính yếu), chỉ sử dụng bằng đường uống.
Các kháng sinh thuộc nhóm quinolon thế hệ 2
Từ quinolon thế hệ 1 còn nhiều nhược điểm, các nhà khoa học đã tìm cách thay đổi cấu trúc hóa học, chủ yếu là gắn thêm nguyên tố fluor để tổng hợp các kháng sinh gọi là quinolon thế hệ thứ 2 hay fluoroquinolon, gồm các kháng sinh quen thuộc như Pefloxacin (ra đời năm 1985), Norfloxacin (1986), Ofloxacin (1987), Ciprofloxacin (1988). Các fluoroquinolon ra đời vào những năm của thập niên 1980 nên còn được gọi là các "fluoroquinolon thập niên 1980" để phân biệt với các fluoroquinolon ra đời gần đây.
Các fluoroquinolon ra đời vào thập niên 80 tỏ ra có ưu điểm vượt trội so với quinolon thế hệ 1. Chúng có phổ kháng khuẩn rộng, tác động trên vi khuẩn Gram âm, Gram dương và cả Pseudomonas aeruginosa là loại rất khó trị); Dùng trị nhiễm khuẩn toàn thân chứ không chỉ dùng điều trị nhiễm khuẩn đường tiết niệu như trước đây; Có tác dụng diệt khuẩn với đường sử dụng phong phú hơn, ngoài đường uống còn có thể dùng đường tiêm chích và có cả dạng thuốc nhỏ mắt, nhỏ tai. Đặc biệt, tính chất dược động học của các fluoroquinolon tốt hơn so với quinolon thế hệ 1. Thí dụ, dùng đường uống, acid nalidixia có tính sinh khả dụng chỉ khoảng 90% (tức hấp thu vào máu khoảng 90%), trong khi Ofloxacin có sinh khả dụng từ 95-100%; thời gian bán thải t1/2 của acid nalidixic là từ 1-2,5 giờ, còn t1/2 của Ofloxacin là 5-8 giờ.
Vào những năm giữa thập niên 1990, ở Mỹ đã ghi nhận tình trạng fluoroquinolon của những năm thập niên 1980 bắt đầu có dấu hiệu bị vi khuẩn đề kháng; Và vi khuẩn đề kháng mạnh mẽ nhất là Streptococcus pneumoniae gây bệnh viêm phổi. Vì vậy, các nhà khoa học đã cố gắng thay đổi cấu trúc hóa học của nhóm fluoroquinolon, nhằm tìm ra các kháng sinh mới để khắc phục tình trạng giảm sút tính nhạy cảm, dẫn đến hiện tượng đề kháng như đã nêu. Người ta nhận thấy khi gắn thêm nhóm methoxy vào vị trí thứ 8 của nhóm 4 - quinolon trong cấu trúc của fluoroquinolon, sẽ làm gia tăng tính diệt khuẩn của vi khuẩn Gram âm, đồng thời chống được cả vi khuẩn yếm khí và nhiều vi khuẩn Gram dương. Thế là hai kháng sinh mới là Gatifloxacin và Moxifloxacin ra đời, được chấp thuận dùng trong điều trị và hình thành nhóm 8-methoxy-fluoroquinolon.
Cơ chế của các fluoroquinolon nói chung giống nhau vì đều có tác dụng ức chế enzym DNA-gyrase - là enzym cần thiết cho sự cắt đoạn, nối đoạn, xoắn vòng của 2 chuỗi DNA, dẫn đến sự ngăn cản việc sao chép, nhân đôi nhiễm sắc thể, khiến cho vi khuẩn không sản sinh và phát triển được. Ở Mỹ, các kháng sinh nhóm 8-methoxy-fluoroquinolon được chọn điều trị vi khuẩn đề kháng trong viêm phổi mắc phải cho cộng đồng và các cơn kịch phát của viêm phế quản mạn, viêm xoang cấp.
Ở nước ta, các fluoroquinolon như Ofloxacin, Norfloxacin, Ciprofloxacin... vẫn còn là những kháng sinh thông dụng, được ưu tiên lựa chọn để trị các bệnh nhiễm khuẩn. Hiện nay, có tình trạng rất đáng lo ngại là một số người bệnh không chịu đến khám bác sĩ để được chẩn đoán nguyên nhân và theo hướng điều trị đúng mà lại nghe lời mách bảo tìm mua các loại kháng sinh mới nhất để tự chữa bệnh; Hoặc một số bác sĩ điều trị vì lý do nào đó đã chỉ định cho bệnh nhân dùng các kháng sinh mới, đắt tiền một cách không hợp lý. Cần lưu ý, nên xem các loại kháng sinh mới là thuốc quý có tính dự trữ; Nếu sử dụng bừa bãi chắc chắn trong thời gian ngắn sẽ dẫn đến hiện tượng đề kháng kháng sinh, tức vi khuẩn trở nên lờn thuốc, không còn nhạy cảm để chịu tác dụng của các kháng sinh thông dụng - Hiện đang là một vấn nạn trên toàn thế giới.
(Nguồn: SK&ĐS-Ts.Ds.Nguyễn Hữu Đức)
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro