Nhật ký người điên
Có hai người, anh và em, đều là bạn thân của tôi ngày xưa, hồi còn ở trường trung học. Biệt nhau lâu năm, tin tức mỗi ngày một bặt. Trước đây, tình cờ nghe một trong hai người ốm nặng, nhân tiện về quê nhà, tôi tạt sang thăm, thì chỉ gặp một người. Theo lời người này thì ốm nặng là người em, nhưng nay đã khỏi hẳn rồi và đã đi để chực bổ quan ở một nơi nọ. Anh ta ngỏ lời cảm ơn tôi không nệ đường xa đến thăm ; rồi cười òa lên, đưa ra hai tập nhật ký, nói để tặng tôi, xem đó thì biết bệnh trạng của người em độ nọ là thế nào. Tôi đem về, đọc qua, biết rằng cái bệnh người kia mắc phải là bệnh "bách hại cuồng"[1]. Trong nhật ký, lời văn bừa phứa, không có đầu đuôi, lại có nhiều câu hoang đường. Cũng không ghi ngày tháng, chỉ thấy màu mực và tuồng chữ không đều biết không phải chép trong một lúc. Trong đó cũng có đoạn văn hơi có liên lạc, thì tôi sao ra đây để làm tài liệu cho nhà y học nghiên cứu. Có những chữ lầm, đều để nguyên không chữa ; duy có tên người, dù là người nhà quê không ai biết tới, nếu để nguyên cũng chẳng hề gì, nhưng đều đổi đi. Đến như cái tên nhật ký thì do người ấy để sau khi lành bệnh, cũng để ý không đổi. Năm thứ bảy[2] tháng tư, ngày mồng hai.
I
Đêm hôm nay, trăng sáng quá.
Tôi không gặp ông ấy đã hơn ba mươi năm nay. Nay gặp ông, trong lòng tôi thấy sáng suốt và khoan khoái. Bây giờ tôi mới biết ra trước đây ba mươi năm tôi thật là ngu ngốc ; nhưng mà phải cho mười phần dè dặt mới được. Chẳng thế thì sao con chó nhà họ Triệu, nhà ông ấy, lại hai mắt lườm lườm nhìn tôi ư ?
Tôi sợ là phải lắm.
II
Hôm nay không có trăng, tôi biết là không ổn rồi đây. Sáng sớm, nơm nớp bước ra cửa, thấy cặp mắt ông cụ Triệu đã khả nghi rồi : tuồng như sợ tôi, tuồng như toan hại tôi. Còn có bảy tám người nữa, châu đầu kề tai bàn tán về tôi. Họ lại sợ tôi nhìn thấy. Hết thảy những người đi trên đường đều là thế cả. Trong đó một người hung tợn hơn, há hốc mồm ra, nhìn tôi cười một cái. Tôi thấy lạnh từ đầu đến chân, biết rằng bọn họ đã bố trí đâu vào đó cả rồi.
Tôi không sợ, cứ việc đi đường tôi. Đằng trước, một lũ bé con cũng đương bàn luận về tôi ; cặp mắt chúng nó cũng giống cặp mắt của ông cụ Triệu, và da mặt chúng nó đều xanh xám. Tôi tưởng tôi với lũ trẻ ấy có thù hiềm gì đâu mà chúng nó cũng thế. Không nhịn được, tôi quát lớn : "Thế nào, chúng bay bảo tao !". Nhưng chúng nó đều chạy đi cả.
Tôi tưởng : tôi với ông cụ Triệu có thù hiềm gì đâu, với những người đi đường cũng có thù hiềm gì đâu ; chẳng qua hai mươi năm trước tôi có lấy cuốn sổ lưu thủy[3] đã lâu đời của nhà ông Cố Cửu[4] chà dưới chân, làm ông Cố Cửu rất khó chịu. Ông cụ Triệu tuy không quen biết gì ông Cố Cửu, nhưng nghe được tin, chắc cũng bất bình hộ, nên mới rủ những người đi đường hè nhau trả đũa tôi. Nhưng còn lũ trẻ con ? Lũ trẻ con thì lúc bấy giờ chúng nó còn chưa đẻ, làm sao hôm nay chúng cũng trợn mắt lườm lườm, hình như muốn hại tôi ? Điều đó làm cho tôi sợ, làm cho tôi sững sờ và rầu lòng. Tôi biết rồi. Đó là bố mẹ chúng nó dạy chúng nó.
III
Đêm hôm qua không làm sao ngủ được. Bất kỳ việc gì cũng phải có nghiên cứu thì mới biết rõ.
Bọn họ có kẻ từng bị ông huyện đóng gông, có kẻ từng bị ông cử ông tú tát tai, có kẻ bị lính lệ cướp mất vợ, cũng có kẻ bị chủ nợ bức tử cha mẹ họ nữa, mà lúc bấy giờ bộ mặt của họ không hề có vẻ đáng sợ như ngày hôm qua, và cũng không hề hung tợn như thế đâu.
Lạ nhất là cái người đàn bà trên đường cái hôm qua ấy, mụ đánh con mụ, miệng la choen choét : "Ông nè, tôi phải cắn ông mấy miếng thì mới đã nư !" mà mắt mụ lại nhìn tôi tròng trọc. Tôi giật mình đánh độp một cái, không làm sao che đậy nổi ; rồi một tớp người mặt xanh nanh chàm kia bèn cười ồ cả lên. Lão năm Trần sấn tới trước, lôi tôi xành xạch về trong nhà.
Lôi tôi về nhà. Những người trong nhà đều làm ra như chẳng nhìn biết tôi ; tuồng mắt của họ cũng giống của những người khác. Đưa vào phòng sách, khóa trái cửa lại, in như nhốt con gà con vịt. Một việc ấy càng làm cho tôi đoán mãi không ra manh mối.
Trước đây mấy hôm, người tá điền ở xóm Muông Sói đến bảo cho biết mùa mất, có học chuyện với anh cả tôi rằng một người đại ác trong xóm hắn đã bị người ta đánh chết rồi ; có mấy kẻ móc tim và gan của cái thây ra, xào với mỡ rồi ăn để cho thêm can đảm. Tôi nói xen vào một câu, thì người tá điền và anh cả đều trố mắt nhìn tôi mấy cái. Hôm nay tôi mới biết, thì ra tuồng mắt của họ cũng giống hệt tuồng mắt của tốp người kia ở bên ngoài.
Tưởng đến, tôi thấy lạnh ngay từ đầu đến chân.
Họ có thể ăn thịt người, chưa chắc là không có thể ăn thịt tôi.
Thì đó, cái câu "cắn ông mấy miếng" của người đàn bà kia, và cái cười của một tốp người mặt xanh nanh chàm nọ, và câu chuyện của người tá điền kể, rõ ràng là cái ám hiệu chứ còn gì. Tôi thấy ra câu chuyện của họ toàn là thuốc độc, trong tiếng cười của họ toàn là gươm dao, những hàm răng của họ chìa ra trắng hêu hếu : của ấy là của ăn thịt người mà lại.
Tôi nghĩ như chính mình tôi, tuy không phải người ác, nhưng từ khi chà cuốn sổ của nhà họ Cổ thì lại khó nói chắc lắm. Hình như lòng dạ của họ nó có thế nào ấy, tôi đoán không ra. Huống chi họ trở mặt một cái thì đổ diệt cho người khác là ác. Tôi còn nhớ lúc anh cả dạy tôi làm bài luận, không cứ người tốt đến đâu, hễ chửi cho mấy câu thì anh khuyên cho mấy khuyên, còn đối với người xấu, mình có mấy lời tha thứ thì anh phê là "tuyệt diệu". Thế thì tôi làm sao đoán biết được lòng dạ của họ rốt lại là thế nào ; huống nữa là ở ngay cái hồi họ muốn ăn thịt.
Bất kỳ việc gì cũng phải có nghiên cứu thì mới biết rõ. Đời xưa thường có lúc ăn thịt người, tôi cũng còn nhớ, nhưng không nhớ rành mạch lắm. Tôi mở lịch sử ra tra thử, thì lịch sử không đề năm nào đời nào, chỉ thấy trên mỗi tờ viết xiêu xiêu to tó những chữ "nhân nghĩa đạo đức". Tôi không làm sao ngủ được, kỹ lưỡng xem suốt nửa đêm, mới nhìn thấu đến giữa những dòng chữ, thì ra cả cuốn đều chép rặt có ba chữ : "Ăn thịt người".
Trong sách đã chép bấy nhiêu chữ, người tá điền đã nói bấy nhiêu lời, thế mà ai nấy còn cười hì hì trợn cặp mắt quái ác nhìn tôi.
Tôi cũng là người đây, hẳn họ muốn ăn thịt tôi rồi.
IV
Sáng sớm, tôi ngồi im lặng một chốc. Lão (mất chữ) bưng cơm lên, một bát rau, một bát cá hấp. Trông (mất chữ) con cá trắng mà lại cứng, nó há mồm ra, giống hệt như cái tốp người muốn ăn thịt người. Nuốt vào mấy miếng, nó nhờn nhờn, chẳng biết nó là cá hay là người, tôi bèn nôn nó cả ra với mật xanh mật vàng.
Tôi nói : "Lão Năm, nói với anh cả rằng tôi bực bội lắm, muốn ra vườn đi dạo một lúc". Lão Năm không trả lời, đi thẳng ; nhưng một lát lão lại đến mở cửa.
Tôi cũng không động đậy, nghĩ xem họ sẽ sắp đặt mình thế nào ; biết rằng thế nào họ cũng chẳng chịu thả lỏng đâu. Quả thế, anh cả tôi đưa một lão già đến, chậm chậm tiến vào ; sợ tôi nom rõ tuồng mắt hung tợn của lão nên lão cứ cúi nhìn xuống đất, và từ chỗ khóe nhãn kính nhìn trộm tôi. Anh cả nói : "Hôm nay chú nó hình như đỡ lắm thì phải". Tôi nói : "Phải". Anh cả nói : "Hôm nay tôi mời ông cụ Hà đến xem mạch cho chú đây". Tôi nói : "Được". Thực ra thì tôi há chẳng biết cái lão già ấy là một đao phủ thủ đóng trò ! Chẳng là lão mượn cái danh nghĩa thăm mạch để xem tôi béo hay gầy, rồi kể cái công lao ấy cũng sẽ chia được một miếng thịt chứ gì. Tôi cũng không sợ đâu, tuy tôi không ăn thịt người tôi cũng còn dạn gan hơn họ. Tôi đưa hai cườm tay ra, coi thử lão làm cái trò gì. Lão già ngồi xuống, nhắm mắt, chốc lại mó tay vào, chốc lại ngây người ra, cuối cùng mở cặp mắt ông mãnh ra mà nói rằng : "Đừng lo nghĩ vớ vẩn, hãy tĩnh dưỡng trong mấy hôm thì khỏi ngay".
Đừng lo nghĩ vớ vẩn, hãy tĩnh dưỡng ! Tĩnh dưỡng cho béo ra để họ ăn thịt được nhiều ! Tôi mà còn "khỏi" gì, làm sao có thể "khỏi ngay" được ? Họ cái lũ người ấy, đã toan ăn thịt người, lại còn vờ vờ vĩnh vĩnh, kiếm cách che đậy, không dám thẳng tay, làm cho tôi buồn cười quá. Nín không được, tôi bèn buông tiếng cả cười, thấy trong người khoan khoái lạ thường. Tôi tự biết trong tiếng cười ấy có cái dũng khí và chính nghĩa. Bị cái dũng khí và chính nghĩa ấy của tôi nó đè lên, lão già và anh cả đều tái mặt đi.
Có điều, tôi càng có dũng khí, họ lại càng muốn ăn thịt tôi, để lấy khước vì cái dũng khí ấy. Lão đi ra khỏi cửa chưa bao xa, liền nói nhỏ với anh cả rằng : "Ta ăn ngay đi thôi !" Anh cả gật gật đầu. à, té ra cũng có anh ! Cái sự phát kiến lớn ấy tuy như không ngờ mà cũng đã liệu : cái người kéo cánh với chúng ăn thịt tôi, ấy là anh tôi !
Cái người ăn thịt người là anh tôi !
Tôi là em ruột của người ăn thịt người !
Chính mình tôi bị người ta ăn thịt, nhưng tôi vẫn là em ruột của cái người ăn thịt người ấy !
V
Mấy hôm nay tôi nghĩ lùi một bước : Cho đi rằng lão già ấy không phải đao phủ thủ đóng trò chăng nữa, thầy thuốc thật chăng nữa, cũng vẫn cứ là kẻ ăn thịt người. Trong sách Bốn thảo gì gì đó của Lý Thời Trân[5], tổ sư nhà họ, chép rõ ràng rằng thịt người có thể nấu mà ăn, lão còn chối được chính mình lão không ăn thịt người hay sao ?
Đến như anh cả nhà tôi cũng chẳng oan nào. Còn nhớ thuở anh giảng sách cho tôi, chính mồm anh nói ra rằng có thể "đổi con cho nhau mà ăn thịt"[6] ; lại một lần tình cờ bàn luận về một người không tốt, anh nói rằng chẳng những đáng giết đi mà còn nên "ăn thịt nó, lấy da nó làm đệm mà nằm"[7]. Lúc bấy giờ tôi còn nhở, nghe mà hồi hộp hèn lâu. Hôm trước, người tá điền xóm Muông Sói đến, nói chuyện ăn tim và gan, anh chẳng lấy làm quái lạ gì cả, mà còn cứ gật đầu không ngớt ! Thế đủ biết lòng dạ anh cũng vẫn độc ác như xưa. Đã "đổi con cho nhau mà ăn thịt" được, thì cái gì cũng đều đổi được, người nào cũng đều ăn thịt được. Trước kia tôi nghe anh giảng đạo lý, cũng chỉ nghe làm tai vậy thôi, bây giờ mới rõ ra rằng trong khi anh giảng đạo lý đó, chẳng những mép anh còn rây mỡ người mà trong lòng anh còn chứa đầy cái ý muốn ăn thịt người nữa.
VI
Đen như mực, chẳng biết là ngày hay đêm. Con chó nhà họ Triệu lại đã sủa nữa rồi.
Cái lòng độc ác của sư tử, cái nhát gan của con thỏ, cái ranh mãnh của con cáo !...
VII
Tôi biết được cái mánh khóe của họ rồi : giết ngay đi, họ không ưng, mà cũng không dám, sợ có quả báo. Vì vậy cả bọn họ liên kết nhau, gài bẫy chăng lưới khắp nơi, bức tôi tự tử. Thì cứ xem cái dáng dấp của bọn đàn ông đàn bà trên đường cái mấy hôm trước, và cách sắp đặt của anh cả tôi mấy hôm nay, đã đủ thấy ra được tám chín phần rồi. Tốt hơn hết là cởi thắt lưng ra, treo cổ lên rường nhà, tự mình riết chặt lấy mà chết, thì bọn họ khỏi mang cái tội giết người, lại thỏa lòng lắm, tự nhiên đều vui mừng hớn hở, nứt ra một thứ tiếng cười ghê rợn. Bằng không thì sợ sệt lo buồn mà chết đi, tuy có hơi gầy, họ còn có thể gật đầu mấy cái.
Họ là kẻ chỉ có thể ăn thịt chết ! Nhớ trong sách nào đó nói có một giống vật, kêu bằng "hải ất na"[8], bộ mặt và tuồng mắt nó rất là khó trông, hay ăn thịt những con vật đã chết, đến cả cái xương to tướng nó cũng nhai ngấu nghiến, nuốt ực vào bụng, nói đến cũng đủ khiến người ta lạnh mình. "Hải ất na" là dòng họ của Muông Sói, Muông Sói là bà con của chó. Hôm trước, con chó nhà họ Triệu lườm tôi mấy cái, đủ thấy nó cũng đồng mưu, hai bên đã thông lưng với nhau. Lão già kia cúi nhìn xuống đất, cũng chẳng giấu tôi được nào.
Rất đáng thương là anh cả tôi, anh cũng là người, sao mà chẳng sợ gì cả, lại còn kéo cánh với chúng để ăn thịt tôi ư ? Đó là vì từ trước đến giờ đã thành thói quen, chẳng cho là bậy ư ? Hay là đã táng tận lương tâm, biết là bậy mà cứ làm ư ?
Tôi rủa sả những người ăn thịt người bắt đầu từ anh tôi ; muốn khuyên ngăn người ta đừng ăn thịt người nữa cũng bắt đầu từ anh tôi.
VIII
Thực ra thì cái lẽ đó, đến bây giờ đây, bọn họ cũng đã hiểu rồi mới phải...
Thình lình bước vào một người, tuổi chừng trên dưới hai mươi, tuồng mặt không nhìn cho rõ lắm, tươi cười chào tôi bằng một cái gật, nhưng cái cười của hắn cũng không thật hẳn là cười. Tôi bèn hỏi hắn : "Cái việc ăn thịt người có nên chăng ?" Hắn vẫn cứ cười và nói : "Nếu chẳng phải nắm mất mùa, làm gì có ăn thịt người". Tôi tức thì biết ngay rằng hắn cũng vào một bọn, bọn ưa ăn thịt người ấy, liền dũng dạc hỏi gắt hắn :
"Có nên hay không ?".
"Những việc như thế mà hỏi làm cái gì ? Anh thật khéo... pha trò lắm... Hôm nay trời tốt nhỉ".
"Trời tốt lại sáng trăng. Nhưng tôi cốt hỏi chú : có nên hay không ?".
Hắn không cho là nên, ấp úng trả lời : "Không...".
"Không nên chứ gì ? Thế thì sao họ còn ăn ?".
"Có đâu...".
"Còn "có đâu" nữa ? ở xóm Muông Sói hiện đương ăn đó, lại còn trong sách đều có chép, chữ mới ròng ròng !".
Hắn đổi nét mặt, xanh xám như sắt, trợn mắt lên nói rằng : "Cũng có thể có đấy, từ trước đến nay vẫn vậy...".
"Từ trước đến nay vẫn vậy, thế là nên sao ?".
"Tôi không cãi lẽ với anh nữa. Tóm lại, anh đừng nói nữa là hơn, anh nói nữa tức là anh có lỗi !".
Tôi nhảy xổ lên, trợn mắt, thì người kia không thấy đâu nữa. Cả người tôi đầm đìa mồ hôi. Tuổi người ấy còn kém xa tuổi anh cả tôi, thế mà cũng vào một bọn, chắc chắn là bố mẹ hắn đã dạy cho từ trước. Còn e rằng hắn cũng đã lại dạy cho con của hắn rồi, cho nên cả đến lũ trẻ cũng tròng trọc nhìn tôi.
''IX
Tự mình muốn ăn thịt người, lại sợ mình bị người khác ăn thịt, cho nên những con mắt gườm nhau bằng cái vẻ ngờ vực rất là sâu sắc...
Bỏ cái lòng dạ ấy đi, mà làm việc, mà đi đường, mà ăn, mà ngủ một cách không quản ngại gì cả, thì sung sướng biết ngần nào. ấy chỉ là một cái ngạch cửa, một cái bực. Nhưng mà bọn họ, cha con, anh em, vợ chồng, bầu bạn, thầy trò, cả đến những người không quen biết nhau nữa, đều kết hợp lại thành một bè, khuyên lơn nhau, chèo kéo nhau, nhất định chết thôi không chịu bước qua, chỉ một bước.
X
Sáng thật sớm, tôi đi tìm anh cả tôi. Anh đứng ở ngoài cửa ngắm trời, tôi đến đứng sau lưng, chặn ngang cửa, hết sức đằm thắm, hết sức nhũn nhặn nói với anh rằng :
"Thưa anh, tôi có chuyện muốn nói với anh".
"Chú cứ nói đi". Anh vội vàng quay mặt lại, cái đầu gật gật.
"Thưa anh, tôi có câu chuyện mà bấy lâu không nói ra được. Anh nè, đại khái người dã man đời xưa đều đã ăn ít nhiều thịt người. Sau nhân vì bụng nghĩ không giống nhau : có kẻ không ăn thịt người nữa, muốn trở nên tốt, thì đã biến thành người, biến thành người chân chính. Có kẻ lại cứ ăn, - cũng như loài sâu bọ, có thứ đã biến thành cá, chim, khỉ, biến thẳng đến thành người ; cũng có thứ chẳng muốn trở nên tốt, thì đến nay vẫn cứ là sâu bọ. Những người còn ăn thịt người ấy sánh với những người không ăn thịt người, xấu hổ là ngần nào. Có lẽ so với loài sâu bọ xấu hổ đối với người giống khỉ còn cách xa lắm, xa lắm.
"Dịch Nha nấu con mình cho Kiệt, Trụ ăn[9] vẫn là việc suốt từ đời xưa như vậy. Ai ngờ sau khi Bàn cổ khai thiên lập địa đã ăn thẳng cho đến con của Dịch Nha rồi ; rồi từ con của Dịch Nha còn ăn thẳng cho đến Từ Tích Lân[10] ; lại từ Từ Tích Lân còn ăn thẳng cho đến cái người bị bắt ở xóm Muông Sói. Năm ngoái, trong thành chém một người tù, còn có kẻ đau bệnh lao, lấy bánh bao chấm máu mà liếm[11].
"Bọn họ muốn ăn thịt tôi, một mình anh cũng không làm thế nào được, nhưng sao anh lại phải nhập bọn với họ ? Cái người đã ăn thịt người, việc gì họ làm chẳng được ; họ có thể ăn tôi, cũng có thể ăn anh, và cả trong bọn họ cũng có thể ăn lẫn nhau. Có một điều, chỉ phải quay đầu một cái, chỉ phải hối cải ngay đi, thì mọi người sẽ được yên lành. Mặc dù từ xưa đến nay vẫn thế, hôm nay chúng ta cũng có thể muốn trở nên tốt hơn chứ, lại nói rằng không thể được ! Thưa anh, tôi tin rằng anh sẽ nói có thể được, dù hôm nọ người tá điền xin giảm địa tô, anh từng nói không thể được".
Mới đầu, anh còn chỉ cười nhạt, về sau tuồng mắt trở nên hung tợn, đến khi tôi nói toạc cái ẩn tình của bọn họ, nét mặt anh tái xanh đi. Ngoài cửa ngõ đứng sẵn một tốp người, ông cụ Triệu và con chó của ông cũng có trong đó, đều tò mò muốn tiến vào. Có kẻ không thấy rõ mặt, hình như lấy vải che lên ấy ; có kẻ vẫn là mặt xanh nanh chàm, bĩu môi ra cười. Tôi nhìn biết bọn họ là cùng một cánh, đều là những người ăn thịt người. Tuy vậy, tôi cũng biết lòng dạ của họ không giống nhau : kẻ thì cho rằng từ xưa đến nay vẫn thế, ăn là phải ; kẻ thì biết rằng không nên ăn, nhưng cứ thích ăn, lại sợ người khác khám phá ra, cho nên khi nghe tôi nói, đâm ra tức giận, nhưng lại bĩu môi ra cười nhạt.
Lúc bấy giờ, anh cả thình lình vẻ mặt hung tợn to tiếng quát rằng : "Ra cả đi ! Thứ thằng điên, có gì mà xem !".
Lúc bấy giờ, tôi lại hiểu được một cái khôn khéo của họ nữa. Họ chẳng những không chịu hối cải mà còn đã sắp đặt đâu đấy rồi : sắm sẵn một cái danh hiệu "thằng điên" khoác lên tôi. Làm như vậy, mai sau có ăn thịt, chẳng những yên lành không việc chi, mà còn sẽ có người tha thứ cho. Người tá điền hôm nọ nói người ta ăn thịt một "người ác", chính là cùng cái mánh khóe đó. Đó là cái sách cũ của bọn họ !
Lão năm Tần cũng hằm hằm chạy đến. Làm sao bịt được miệng tôi, tôi cần phải nói với lũ người này :
"Các người nên hối cải đi, từ tấm lòng chân thành mà hối cải đi ! Phải biết rằng rồi đây không có thể để cho những người ăn thịt người sống trên đời này.
"Các người nếu không hối cải, chính mình các người cũng sẽ ăn lẫn nhau cho đến hết. Dù cho sinh đẻ ra nhiều, cũng sẽ bị giống người chân chính trừ diệt đi, như thợ săn diệt cả loài muông sói một thứ ! - Như sâu bọ một thứ !".
Lũ người kia bị lão năm Trần đuổi ra cả. Anh cả, cũng chẳng biết đi đường nào. Lão năm Trần khuyên tôi trở về trong nhà. Trong nhà đen ngòm ngòm tất cả, những cái rường và cái rui đều run lên trên đầu tôi, run một chặp rồi lớn phình ra, đè lên người tôi.
Nặng làm sao, không cựA Q.uậy nổi, ý chúng nó muốn cho tôi chết. Tôi biết cái sức nặng ấy không phải thật, bèn vùng vẫy thoát ra, mướt cả người mồ hôi. Nhưng còn cứ phải nói :
"Các người nên hối cải ngay đi, từ tấm lòng chân thành mà hối cải đi ! Các người phải biết rằng rồi đây không có thể để cho những người ăn thịt người...".
XI
Mặt trời không mọc, cửa cũng không mở, ngày ngày là hai bữa cơm.
Tôi cầm tới đũa là nhớ đến anh cả tôi. Tôi biết rằng cái duyên cớ con em gái tôi chết đi, đều ở tại anh hết thảy. Lúc đó con em tôi mới năm tuổi, cái dáng dễ thương của nó còn ở trước mắt tôi. Mẹ tôi khóc hoài khóc hủy, anh lại khuyên mẹ đừng khóc ; đại khái là vì chính anh đã ăn thịt nó, khóc mãi không khỏi làm cho anh khó chịu nếu thật anh còn có ý khó chịu...
Con em tôi bị anh cả ăn thịt, mẹ tôi có thấu rõ hay không, tôi không biết.
Tưởng mẹ tôi cũng đã rõ rồi, có điều trong lúc khóc không nói trắng ra đó thôi, đại khái bà cũng cho là phải. Nhớ hồi tôi còn bốn năm tuổi, ngồi hóng mát trước nhà, anh cả nói rằng cha mẹ có bệnh, kẻ làm con phải cắt một miếng thịt của mình, nấu chín đi, mời người ăn, thế mới là hiếu thảo[12], mà mẹ tôi cũng không hề ngỏ lời cãi lại. Hễ một miếng ăn được thì cả con người cũng ăn được. Có điều cái khóc lúc ấy, bây giờ nhớ đến thật còn làm cho tôi đau lòng, thế mới là sự hết sức lạ lùng !
XII
Không nghĩ ngợi được nữa.
Cái xứ ăn thịt người luôn luôn bốn ngàn năm nay, ngày nay mới biết ra, thì chính mình tôi cũng đã sống trong đó lâu năm rồi. Anh cả đương cai quản việc nhà, vừa ưa em gái chết, chưa chắc anh không cho nấu lẫn trong món ăn, ngấm ngầm đùn cho chúng tôi ăn.
Trong khi vô ý chưa chắc tôi đã không ăn mấy miếng thịt của em gái tôi, ngày nay lại luân đến phiên tôi...
Tôi là một người mang cái lý lịch ăn thịt người trong bốn ngàn năm, buổi đầu tuy không biết, chứ bây giờ đã biết ra, thật là xấu hổ với người chân chính.
XIII
Hoặc giả còn có những đứa trẻ con chưa ăn qua thịt người chăng ?
Hãy cứu vớt lấy trẻ con !...
(Tháng 4 năm 1918)
Nêu đại ý
Về cái truyện ngắn này, ông Phùng Tuyết Phong nói : "Tháng tư năm 1918, Lỗ Tấn bắt đầu đăng cái đoản thiên Nhật ký người điên, tiểu thuyết đầu tay của ông trên tạp chí Tân thanh niên. Đó là tác phẩm công kích rất kịch liệt chế độ gia tộc phong kiến và lễ giáo cũ Trung Quốc, không cứ về nội dung và về hình thức văn học đều là một tiếng còi báo hiệu thứ nhất của cách mạng tư tưởng hay cách mạng văn hóa. Mới phát biểu xong là đã được công nhận làm áng văn sáng tác thứ nhất của văn học mới Trung Quốc (Phùng Tuyết Phong : Đời Lỗ Tấn và những nét lớn về phát biểu tư tưởng của ông - Văn nghệ báo, số 11 - 12 ra ngày 1-10-1951).
Chúng ta nên nhớ : tháng tư năm 1918 tức là đúng một năm trước cuộc vận động "ngũ tứ".
Truyện ngắn này, chủ đề của nó là công kích đạo đức lễ giáo phong kiến mà đề tài là ăn thịt người. Ăn thịt người ở đây tuy chỉ rõ sự thực như con của Dịch Nha, Từ Tích Lân, nhưng cốt là nói đạo đức lễ giáo nhiều khi bắt người ta phải chết, như Thân Sinh vì hiếu mà phải chết, Nhạc Phi vì trung mà phải chết. Xem mấy câu này thì rõ : "Mở lịch sử ra tra thử... chỉ thấy trên mỗi tờ viết những chữ nhân, nghĩa, đạo, đức, mà nhìn thấu đến giữa những dòng chữ thì ra cả cuốn đều chép rặt có ba chữ : "Ăn thịt người".
Sau chiến tranh nha phiến, ở Trung Quốc có mấy lớp người cải lương chủ nghĩa đều chủ trương cái thuyết "Trung học vi thể, Tây học vi dụng", chưa ai hề dám đả động đến văn hóa cố hữu Trung Quốc. Cho đến đồng thời với Lỗ Tấn, có người công kích Khổng Tử, có người công kích Tống Nho, nhưng đối với toàn bộ đạo đức lễ giáo cũng chưa ai dám đả động đến. Lỗ Tấn là người bạo gan làm việc này, và cái truyện ngắn này là nhát búa đầu tiên làm cho văn hóa cũ Trung Quốc bị một cái trí mạng thương.
Có đạp đổ được cái cũ đã mục nát thì mới xây dựng lên được cái mới tốt đẹp. Cho nên Mao Chủ tịch phê bình Lỗ Tấn là "bậc vĩ nhân của cách mạng văn hóa Trung Quốc" ; lại nói : "Lỗ Tấn là thánh nhân của vô sản cũng như Khổng Tử là thánh nhân của phong kiến".
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro