9. 14/5/2020
Hồi trước mình từng nói trong chương 67 của "Tiểu thư dễ chết và bảy chàng quý tộc" về việc tác giả có mượn cảm hứng từ truyện The Cantebury Tales của Geoffrey Chaucer rồi đúng không. Kỳ thực hồi ở Việt Nam mình có mua một quyển The Cantebury Tales bản bunko về đọc thử, nhưng khổ nỗi nó để nguyên tiếng Anh cổ nên chỉ cố chày cối được mấy trang mình đành chịu thua. Tiếng Anh cổ với tiếng Anh hiện đại nhìn thì na ná nhưng kỳ thực đã khác nhau xa lắm rồi. Mà thơ thì mấy nguyên tắc ngữ pháp của nó đều vứt vào sọt rác cả, đọc mà không phân biệt được đang nói về ai hay chuyện gì, rất là khổ sở.
Nhưng gần đây sau khi đọc Aenid với Thần khúc tự dưng mình lại có hứng thú với thể loại thơ truyện cổ của Châu Âu. Vì hồi trước có mua The Cantebury Tales, cộng thêm trong truyện đang dịch lại xuất hiện tác phẩm này nữa, vậy nên mình thử lên mạng tìm đọc lại. Kết quả dù sau hai năm, mình vẫn không cách nào chịu được tiếng Anh cổ, thấy thou, art, thee,... là bắt đầu nhức hết cả đầu. Dù vậy, mình vẫn cố vớt vát bằng cách thử tìm bản dịch tiếng Anh hiện đại. Và hạnh phúc biết bao, đúng thực là đã có người dịch nó sang tiếng Anh hiện đại rồi.
Kỳ thực chuyện dịch tác phẩm cổ ra ngôn ngữ hiện đại không phải chuyện hiếm gì, hay phải nói là khá hiển nhiên, quan trọng là có người chịu dịch không thôi. The Cantebury Tales được viết từ hồi thế kỷ 14, tức giai đoạn cuối nhà Trần bên mình. Mấy tác phẩm nhà Trần bây giờ để nguyên văn bản gốc thì chẳng ai hiểu ngoài mấy ông giáo sư chuyên nghiên cứu văn học lịch sử Việt Nam cổ đại.
Tuy chỉ mới đọc có phần mở đầu nhưng mình đã thấy thích The Cantebury Tales vô cùng. Cách miêu tả nhân vật của Geoffrey vô cùng sống động, hài hước và khá là tỉnh. Miêu tả ai ổng cũng dùng những lời tâng bốc chứ tuyệt nhiên không nói thẳng là người ta xấu xa, ác độc, gian manh gì, nhưng phải đọc kỹ thì mới thấy cái mỉa sâu cay của ổng trong đó. Nhiều lúc đọc xong mà thiệt chẳng biết ông đang khen hay chế giễu người nọ. Trình dịch thơ tiếng Anh của mình quá kém nên khó mà kể lại kỹ được, nhưng ai thích có thể vào đây để xem qua. Rõ ràng không có yếu tố hài mà chẳng hiểu sao mình vừa đọc vừa cười tủm tỉm suốt.
https://www.poetryintranslation.com/PITBR/English/CanterburyTalesI.php
Trong đó có nhiều câu thơ rất đắt, mình thích tới nỗi nhịn không được chép ra để đọc đi đọc lại, chẳng hạn như:
And thus his feigned flattery, his japes,
Made people and the parson his apes.
Sao mà mình yêu cái cách gieo vần của ổng thế không biết. Hoặc những cách miêu tả như "He was as fresh as is the month of May", nghe tươi mát dễ mến vô cùng. "Who had a fiery-red cherubim's face", liên tưởng tới quả cầu lửa với Palug, ha ha. Đọc thơ sẽ làm tăng vốn từ vựng lên rất nhiều đó.
Trong lúc tìm bản dịch thơ cổ để đọc, tình cờ mình đã nhìn thấy một tiêu đề rõ ràng rất bình thường nhưng lại chẳng khác nào sét đánh ngang tai với một đứa đang dịch Tiểu thư dễ chết như mình: The Seafarer. Đặc biệt nó còn là thơ tiếng Anh cổ nữa chứ. Mọi người còn nhớ Jasconius, Brendan không. Brendan là một trong mười hai vị tông đồ của Ireland đấy.
Tác giả Tiểu thư dễ chết dùng 来航者 (lai hàng giả: dịch từ từ điển tiếng Nhật là người từ bên ngoài đã đến nơi đây bằng thuyền.) để chỉ tộc Aurelia. Từ này thường đi chung với sự kiện Hắc Thuyền, điểm ngoặt mở ra thời kỳ cải cách của Nhật Bản. Năm 1853, thuyền trưởng Perry đã dẫn một hạm đội trang bị hùng hậu của Mỹ tới Nhật Bản yêu cầu nước Nhật mở cửa. Nhật đã phải ký kết với Mỹ hiệp ước 12 điều, đánh dấu chấm hết cho thời kỳ bế quan tỏa cảng của Mạc Phủ. Sau đó, chính vì nhận được sự kích thích từ mối đe dọa của vũ khí hiện đại phương Tây mà Nhật mới cấp tiến cải cách để ngày nay, trở thành một cường quốc trên thế giới.
Mình thì dịch nó thành tộc Vượt Biển, bản tiếng Anh thì dùng The Visitors (có lẽ vì từ 来航 tiếng Anh nó dịch trống trơn là visit), kỳ thực đều không sát ý lắm, chẳng qua không thể tìm được từ khác hợp hơn thôi. Nhưng ngay khi thấy bài thơ này, mình lại đột nhiên cảm thấy The Seafarer mới là từ thích hợp nhất dùng để chỉ tộc Aurelia trong tiếng Anh.
Seafarer dịch theo từ điển tiếng Nhật là thủy thủ hoặc người du hành trên biển. Bài thơ The Seafarer là một bài thơ được sáng tác vào năm 750, không rõ tác giả. Nội dung thơ kể về cuộc hành trình đơn độc trên biển của một người đàn ông theo ngôi thứ nhất. Đây là bản dịch trích của bài thơ này sang tiếng Anh hiện đại.
https://www.poetryintranslation.com/PITBR/English/Seafarer.php
Well, có khi tác giả chưa từng đọc qua bài thơ này và tất cả đều là do mình suy diễn quá mức. Nhưng vậy cũng không sao bởi vì nhờ đó mình mới học được nhiều điều mới mẻ. Nếu không từng dịch Tiểu thư dễ chết mình sẽ chẳng bao giờ mở bài thơ The Seafarer ra đọc, rồi lại tìm kiếm thông tin về nó để có thể viết bài này. Nếu đây chỉ là tình cờ thì nó cũng là một sự tình cờ tuyệt diệu vô cùng.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro