Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

10. 14/8/2020

Hiện tại mình đang đọc quyển "Phiên dịch là gì?" của Yamaoka Youichi, nó khiến mình phải nghĩ lại rất nhiều về nghề và công việc phiên dịch.

Trong sách có rất nhiều thứ thú vị. Nhờ sách mà mình biết pháp sư Huyền Trang ngoài đời thực ngầu với cương hơn trong Tây Du Ký rất nhiều. Khi bị vua các nước Ấn Độ tìm mọi cách giữ lại, thậm chí sẵn sàng để ông làm vua nước đó, Huyền Trang đã trả lời thế này: "Bần tăng đến Tây Trúc là để thỉnh kinh mang về truyền đạt lại cho Trung Quốc. Kẻ nào ngăn cản việc đó sẽ bị sử sách đời đời chép lại là vô tri vô đạo." Sau khi thỉnh kinh về, ông đã dành hết 17 năm phần đời còn lại của mình để dịch kinh Phật. Bản dịch của ông cực kỳ khủng bố kể về cả lượng lẫn chất, và nó đã trở thành nền móng quan trọng cho đạo Phật phát triển mạnh mẽ ở Trung Quốc và cả các nước chịu ảnh hưởng văn hóa Trung Quốc về sau.

Kế đó mình được biết về độ bá của tiếng Latin thời trung cổ Châu Âu. Thời đó Thiên Chúa giáo do giáo hội La Mã cầm quyền là thứ tôn giáo thống trị cả Châu Âu và tiếng Latin do giáo hội dùng được xem là ngôn ngữ thế giới giống tiếng Anh bây giờ. Người ta nói chuyện bằng tiếng địa phương mình, nhưng trong học thuật và tôn giáo, người ta suy nghĩ, viết, đọc, học toàn bộ bằng tiếng Latin. Do vậy ở thời trung cổ, đối với người được nhận giáo dục, thứ cơ bản cần phải học ban đầu là tiếng Latin.

Phải đến khi các nước Châu Âu khác bắt đầu viết, đọc, suy nghĩ, học bằng ngôn ngữ của riêng mình thì họ mới có thể thoát khỏi sự ảnh hưởng của giáo hội và tự sáng lập ra văn hóa riêng của bản thân. Và việc này bắt đầu từ việc dịch kinh Thánh sang ngôn ngữ của mình. Ở thời này, dịch kinh Thánh chỉ được viết bằng tiếng Latin chứ không có đa dạng ngôn ngữ như ngày nay (nhớ có hồi mình tải app kinh Thánh về mà có đủ mọi bản dịch của vô số ngôn ngữ khác nhau luôn), dịch kinh Thánh là mang tội báng bổ và bị xử tử hình đấy. Mình từng thấy một quyển sách có tên " The Murderous History of Bible Translations: Power, Conflict and the Quest for Meaning", hồi đó còn chưa hiểu tại sao dịch kinh Thánh lại có liên quan đến murderous, giờ thì hiểu chút chút rồi.

Ông William Tyndale đã bị đem lên giàn thiêu can tội dịch quyển kinh Thánh sang tiếng Anh đầu tiên. Ông không dịch từ bản Latin của giáo hội mà dịch từ tiếng Hy Lạp và Hebrew. Bản dịch của ông có ảnh hưởng rất lớn đến những văn hào Anh sau này. Nghe nói cả Shakespeare cũng đã mượn một hai câu trong kinh Thánh của ông trong tác phẩm mình.

Và đến phần mới nhất mình mới đọc thì, tác giả bảo bí quyết duy nhất để dịch tốt là học cách viết tiếng mẹ đẻ của mình cho tốt vào. Ông kể lại một câu của nhà tư tưởng, chính trị gia, nhà báo Nakae Choumin. Khi Nakae được hỏi có thể dịch tác phẩm của đại văn hào Victor Hugo không, ông đã trả lời, nếu không có bút lực cao hơn nhà văn của nguyên tác thì không thể cho ra một bản dịch hoàn hảo được. Vì tin thế mà dù ông có dịch rất nhiều sách khoa học, lý luận, nhưng ông chẳng bao giờ rớ tay đến những tác phẩm văn học có sức nặng lớn.

Trước mắt mình vẫn chưa có ý kiến gì về quan niệm này tại mình vẫn đang trong giai đoạn tiêu hóa, nhưng dường như mình đã vỡ lẽ ra một ý niệm nào đó về phiên dịch. Những lúc thế này không khỏi cảm khái, có thể đọc được một cuốn sách hay có thể khiến mình sinh ra cộng hưởng, vỡ ngộ, phát triển bản thân thật tốt quá. 

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro

Tags: #thongbao