Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

chương 78: Để đi tới đâu cũng được tiếp đón niềm nở

 Bạn cần áp dụng những phương pháp thu phục cảm tình của một con vật mà cả hoàn cầu không ai không thương mến.

Lát nữa, ra đường bạn sẽ gặp nó. Khi còn xa bạn chừng mười bước, nó đã bắt đầu ve vãy đuôi rồi. Nếu ngừng lại mà vuốt ve nó thì nó chồm lên và tỏ ra trăm vẻ yêu thương và bạn có thể biết chắc chắn rằng trong sự nồng nàn đó không có một mảy may vụ lợi, vì nó chẳng cầu bạn mua giúp một vài món hàng ế, mà cũng chẳng ham gì được kết duyên cùng bạn.

Có bao giờ bạn ngừng lại một phút mà suy nghĩ rằng trên vũ trụ này, chỉ có con chó là không cần làm việc mà cũng sống một cách ung dung không? Ta nuôi gà, vì gà cho ta trứng; ta nuôi bò, vì bò cho ta sữa, mà ta có nuôi chó chỉ vì cái lý độc nhất là nó cho ta cái êm đềm của tình thương.

Trong những kỷ niệm êm đềm nhất của tuổi thơ, tôi còn nhớ đến con cún của tôi, một con chó nhỏ, lông vàng, đuôi cụt mà cha tôi mua cho tôi có năm sắc. Cún chưa hề đọc một trang sách tâm lý nào hết. Nó không cần đọc. Giáo sư William James, giáo sư Harry A.Overstreet, không ngày nào dạy được cho nó một chút nghệ thuật làm đẹp lòng người. Nhưng nó có phương pháp hoàn toàn để làm mọi người yêu nó: là chính nó, nó yêu mọi người. Lòng yêu thương đó tự nhiên và chân thành tới nỗi tôi không thể không mến nó được.

Các bạn muốn gây thiện cảm không: Hãy làm như con cún: quên mình và thương người.

Con cún hiểu rằng nếu sốt sắng quan tâm tới người, thì chỉ trong hai tháng sẽ có nhiều bạn thân hơn là hai năm kiếm đủ cách làm cho người ta phải quan tâm tới mình. Tôi phải nhắc lại câu đó:

Nếu các bạn sốt sắng thành thật quan tâm tới người khác thì chỉ trong hai tháng sẽ có nhiều bạn thân hơn là hai năm gắng công bắt người khác quan tâm tới các bạn.

Vậy mà biết bao người một đời lầm lỡ không chừa, không biết định luật đó. Họ nhất định muốn người khác phải chú ý tới họ. Công dã tràng... Thiên hạ không nghĩ tới bạn đâu. Họ nghĩ tới họ, sáng, chiều và tối.

Công ty điện thoại ở New York mới điều tra xem trong khi đàm thoại tiếng nào được dùng nhiều nhất. Các bạn đã đoán được... Đó là tiếng "tôi". Trong năm trăm câu chuyện thì người ta dùng nó tới 3.900 lần "Tôi", "Tôi", "Tôi"...

Khi bạn coi tấm hình trong đó có bạn chụp chung với những người khác, thì thứ nhất mà bạn ngó là ai?

Nếu bạn tin rằng mọi người đều chú ý tới bạn, thì xin bạn trả lời câu này: "Nếu bạn chẳng may chiều nay từ trần thì có bao nhiêu người đi tiễn bạn tới huyệt?".

Tại sao người khác quan tâm tới bạn trong khi bạn không quan tâm tới người ta trước? Xin bạn cầm cây viết chì và trả lời câu hỏi đó trong hàng bỏ trắng dưới đây.

Nếu chúng ta chỉ gắng sức kích động người khác để cho họ chú ý tới ta thì không bao giờ có bạn chân thành hết. Đó không phải là cách gây được tình tri kỷ.

Alfred Adler, triết gia trứ danh, Viết một cuốn sách rất hay đề là Chân nghĩa của cuộc đời, trong đó ông nói: "Kẻ nào không quan tâm tới người khác, chẳng những sẽ gặp nhiều sự khó khăn nhất trong đời, mà còn là người có hại nhất cho xã hội. Hết thảy những kẻ thất bại đều thuộc hạng người đó". Các bạn có thể đọc hàng tá những cuốn sách về tâm lý mà không kiếm được một lời vừa đúng vừa nhiều nghĩa như câu đó. Tôi rất ghét nói đi nói lại. Nhưng lời tuyên bố của ông Adler quan trọng tới nỗi tôi phải chép lại nó lại lần nữa:

Kẻ nào không quan tâm tới người khác, chẳng những sẽ gặp nhiều khó khăn nhất trong đời, mà còn là người có hại nhất cho xã hội. Hết thảy những kẻ thất bại đều thuộc hạng người đó.

Đời sống của Hoàng Đế Nã Phá Luân, chứng minh lời nói đó. Khi ly dị Hoàng Hậu Joséphine, vì cớ bà này không thể cho ông người kế tự, ông than thở cùng bà trước khi chia tay: "Sự phú quý vinh hoa của tôi, trần gian chưa ai từng thấy. Vậy mà cho đến giờ này đây, bà là người độc nhất trên đời, tôi có thể tin cậy được".

Nã Phá Luân thì tin như vậy. Nhưng ai đã từng đọc sử đều buồn mà nhận thấy rằng lòng tin đó quá đáng.

Ông giám đốc tờ báo Collier's nói "Muốn cho độc giả thích những truyện ngắn của bạn thì bạn phải yêu độc giả đã, phải chú ý tới họ". Chân lý đó đúng khi bạn viết tiểu thuyết cho độc giả coi. Nó còn ba lần đúng hơn nữa, khi bạn trực tiếp nói chuyện với người khác.

Howard Thurston, ông vua ảo thuật, trong bốn mươi năm trời, đem tài bịt mắt thiên hạ làm cho cả thế giới ngạc nhiên và thán phục, kiếm được gần hai triệu đồng, một hôm thú với tôi rằng hồi ông nhỏ, đã phải xa cha mẹ đi lang thang, ăn xin hết nhà này tới nhà khác, và nhờ ngó những quảng cáo hai bên đường lửa mà biết đọc. Về nghề ảo thuật, thiếu gì người biết nhiều hơn ông, nhưng ông có hai đức tính mà người khác không có:

Thứ nhất: thấu rõ tâm lý loài người và khi lên sân khấu, ông có sức quyến rủ và gây hứng. Mỗi cử chỉ của ông, mỗi lần ông chuyển giọng nói, mỗi nét câu mày là cả một công trình luyện tập. Mà hết thảy công trình đó chỉ có mục đích làm cho khán giả say mê và thấy thì giờ chóng qua.

Thứ nhì: ông thành thật chú ý tới khán giả. Các nhà ảo thuật khác ở trên sân khấu ngó xuống trừng trừng như có vẻ nói: "Tụi này toàn đồ mắt thịt. ta sẽ bịp chúng dễ như chơi". Phương pháp của Thurston khác hẳn. Mỗi lần sắp ra sân khấu, ông tự nói: "Ta mang ơn những người tới đây coi ta diễn trò. Nhờ họ, ta sống được phong lưu. Vậy ta phải hết sức trổ tài cho họ vừa lòng". Rồi ông vừa nhủ thầm: "Tôi yêu khán giả của tôi. Tôi yêu khán giả của tôi", vừa tiến ra ngoài sân khấu. Bạn cho là lố bịch, là vô lý ư? Cái đó là quyền của bạn. Nhưng chính đó là nguyên nhân sự thành công của một trong những nhà ảo thuật danh tiếng nhất từ xưa tới nay.

Tổng thống Théodore Roosevelt thu được nhân tâm một cách lạ lùng cũng nhờ bí quyết đó. Cho đến người ở của ông cũng sùng bái ông nữa. Người da đen làm bồi phòng cho ông, viết một cuốn sách nói về đời tư của ông, trong đó có câu chuyện lý thú này:

Một hôm, nhà tôi hỏi Tổng thống về loài chim đa đa mà nó chưa từng thấy bao giờ. Ngài tả tỉ mỉ loài chim đó cho nó nghe. Một lát sau, có người kêu điện thoại, nhà tôi chạy lại trả lời. Thì ra ngài Tổng thống kêu nó, cho nó hay rằng hiện có một con chim đa đa đậu trong sân cỏ, và nếu nó muốn coi thì ngó ra sẽ thấy. Chỉ những việc như vậy cũng đủ tả tánh tình của Ngài và những việc đó, Ngài rất thường làm.

"Mỗi khi Ngài đi dạo gần tới nhà riêng của chúng tôi, dù chúng tôi có đứng khuất thì cũng kêu chúng tôi và chào lớn tiếng".

Một ông chủ như vậy, thì người làm công nào mà không yêu kính? Bất cứ ai mà không yêu kính?

Một bữa, ông tới Bạch Ốc, phải khi Tổng thống Talf và phu nhơn đi vắng, ông kêu lên từng người đầy tớ cũ và nồng nàn hỏi thăm họ, cả đến những chị phụ bếp cũng được hân hạnh đó. Khi gặp chị phụ bếp Alice, ông hỏi chị còn làm bánh mì bằng bột bắp không. Chị ta đáp còn làm, nhưng chỉ có đầy tớ ăn, còn trên bàn ông chủ không ai dùng tới.
Ông cười lớn: "Tại các Ngài không sành ăn. Khi nào gặp Ngài Tổng thống, tôi sẽ chê Ngài chỗ đó".

Chị đó dâng ông một miếng bánh mì bột bắp. Ông vừa đi về phòng giấy vừa ăn, gặp người làm vườn nào, ông cũng kêu tên mà chào như hồi ông còn làm Tổng thống. Một chú làm công già rưng rưng nước mắt nói rằng, ngày hôm đó là ngày sung sướng nhất của chú từ hai năm nay. Và đổi ngày đó lấy tấm giấy một trăm, chú cũng không đổi.

Ông Charles W.Eliot, giám đốc đại học trường Harvard trong gần nửa thế kỷ, cũng nhờ đức độ tha thiết lo toan giúp người mà được kính mến nhất trong các trường đại họ từ cổ chí kim.

Một hôm, một sinh viên nghèo lại xin quỹ tương trợ sinh viên do ông quản lý cho mượn năm mươi năm mỹ kim để lấy tiền ăn học, ông cho mượn. Khi người đó cám ơn rồi, sắp quay ra, ông gọi lại: "Trò hãy ngồi chơi một lát. Trò nấu nướng lấy ở trong phòng phải không? Sự đó chẳng hại gì cho sức khỏe của trò, nếu trò biết lựa món ăn vừa bổ, vừa rẻ, và ăn được đủ no. Hồi tôi còn đi học, tôi cũng như trò. Trò biết món thịt dê đông không? Bổ nhất và rẻ nhất. Hồi xưa, tôi làm món đó như vầy...". Rồi ông giảng một hơn về cách lựa thịt, nấu, ép, ăn... Sinh viên đó lấy làm ngạc nhiên lắm và cảm động vô cùng.

Tôi nhờ kinh nghiệm mà thấy rằng có thể làm cho các nhân vật quan trọng có danh vọng nhất châu Mỹ để ý tới ta và chịu hợp tác với ta bằng cách ta chú ý tới họ, kính mến họ và thật lòng ngưỡng mộ họ.

Đây là một thí dụ:

Cách đây đã lâu, Hồi tôi còn dạy khoa "Viết tiểu thuyết" tại học đường nghệ thuật và khoa học ở tỉnh Brooklyn, tôi ước ao sao được nhiều danh sĩ đáng ngưỡng mộ tới lớp tôi, diễn thuyết cho học trò tôi nghe về những kinh nghiệm họ đã thâu thái được.

Tôi và học trò tôi liền chung nhau viết cho mỗi vị một bức thư. Trong thư nói rằng chúng tôi rất thán phục tác phẩm của họ và hết lòng ước ao được học hỏi ý kiến của họ và những bí quyết đã giúp họ thành công rực rỡ.

Mỗi bức thư đó có gần một trăm năm mươi người học trò của tôi ký tên. Chúng tôi lại nói thêm rằng vì chúng tôi dư hiểu họ rất ít thời giờ rảnh rang để soạn một bài diễn văn, nên chúng tôi mạn phép đính theo một bản phỏng vấn về đời tư và phương pháp làm việc của họ.

Cách cư xử nhã nhặn đó làm cho họ vừa lòng lắm. Ai mà chẳng phải vừa lòng?

Cho nên không có một danh nhân nào từ chối lời thầy trò chúng tôi yêu cầu: họ đích thân tới Brooklyn và vui vẻ diễn thuyết cho chúng tôi nghe.

Hết thảy chúng ta, từ người đồ tể, người bán bánh đến vua chúa trên ngai vàng, hết thảy đều quý mến những người... ngưỡng mộ chúng ta. Như hoàng đế nước Đức Guillaume đệ nhị chẳng hạn, sau đại chiến trước, cả thế giới ghét cay ghét đắng ông. Chính dân tộc của ông cũng chống lại ông nữa. Ông phải trốn qua Hòa Lan để khỏi mất đầu. Cả triệu người đòi thiêu sống hoặc phân thây ông. Vậy mà trong đám lửa giận bùng bùng của cả nhân loại đó, lại có một đứa nhỏ viết cho ông một bức thư giản dị và chân thành, chứa chang tình quý mến và ngưỡng mộ. Đứa nhỏ nói ai nghĩ sao mặc ai, riêng với nó, hoàng đế Guillaume bao giờ cũng là chúa nó, hoàng đế của nó. Hoàng đế cảm động vì bức thư đó lắm nên mời nó qua Hòa Lan thăm ông. Đứa nhỏ đi, có má nó theo, kết cục là một đám cưới... Đứa nhỏ đó bẩm tính đã biết làm đẹp lòng người, không cần phải đọc sách này.

Muốn được người khác yêu ta, ta phải vì họ, đừng quản công, đừng sợ mất thì giờ, phải suy nghĩ, gắng sức mà quên mình nữa. Quốc vương Edouard III trước khi qua thăm Nam Mỹ, học tiếng Y Pha Nho trong ba tháng để có thể diễn thuyết bằng tiếng bản xứ được. Nhờ vậy mà ông được dân Nam Mỹ kính yêu vô cùng.

Đã từ lâu rồi, tôi rán biết và ghi kỹ lưỡng sinh nhật của bạn bè trong cuốn sổ này. Làm sao mà biết được những ngày đó? Dễ dàng lắm. Tuy tôi chẳng tin chút chi về khoa chiêm tinh hết, nhưng tôi cũng cứ hỏi bạn tôi có tin rằng ngày sinh tháng đẻ có ảnh hưởng đến tính tình vẫn mạng ta không. Rồi tôi hỏi ngày sinh tháng đẻ của ông ta. Tôi nhẩm ngày tháng đó cho nhớ, rồi hễ ông quay lưng đi là tôi chép vội lên một Miếng giấy nào đó, để sau sẽ biên vào sổ tay. Tới đầu năm tôi đánh dấu những ngày tháng đó vô một cuốn lịch để xé tới ngày đó, tự nhiên nhớ đến, mà gởi thư hoặc "dây thép" chúc mừng bạn tôi. Các bạn tôi ngạc nhiên làm sao! Và tôi thành công không ngờ! Có khi chỉ một mình tôi nhớ mừng sinh nhật của các bạn tôi thôi.

Bạn muốn gây thiện cảm ư? Thì cứ niềm nở và sốt sắng đón tiếp mọi người. Trước máy điện thoại cũng vậy. Khi trả lời "Allo!", bạn cố lấy cái giọng vui vẻ, êm ái để người nghe thấy rằng bạn thích được nói chuyện với người đó lắm.

Công ty điện thoại New York dạy các cô phân phối điện thoại nói câu này: "Dạ xin ngài nhắc giùm em số bao nhiêu ạ" với một giọng êm dịu ngọt ngào như chào lời hỏi. Ngày mai, khi kêu điện thoại, xin bạn nghĩ đến điều đó.

Thuật đó trong những giao thiệp về thương mại có kết quả không? Tôi có thể kể cả chục thí dụ ra đây, nhưng thiếu chỗ chỉ xin kể ra hai thôi.

Ông C.R.Walters làm việc tại một ngân hàng, được lệnh trên phái điều tra kín, xem một hãng kia có đáng được tín nhiệm không. Ông bèn lại thăm ông giám đốc một công ty kỹ nghệ lớn để xin ông giúp cho ít tài liệu về hãng nọ. Ông kia trả lời một cách mơ hồ, rụt rè, như người không muốn bị liên lụy. Cuộc gặp gỡ đó vô ích.

Ông Walters thất vọng không biết làm sao. Bỗng ông sực nhớ khi sắp vô phòng giấy nhà kỹ nghệ đó, có nghe một cô thư ký nói với ôn này rằng hôm nay không có con cò nào mới cho ông ta hết. Thì ra kỹ nghệ gia đó sưu tập "cò" cho con trai ông mười hai tuổi.

Ông Walters lại nhớ sở ông nhận được nhiều thư ngoại quốc gởi lại. Thế là ông đã kiếm cách thoát được cơn bí rồi. Chiều hôm sau, ông trở lại thăm nhà kỹ nghệ, viết trên miếng giấy nhỏ rằng có "cò" lạ đem lại biếu con ông, rồi biểu người ra đưa vào... Lần này được tiếp đón niềm nở làm sao! Người kỹ nghệ siết tay ông như một người ra ứng cử nghị viện siết tay một cử tri vậy! Nhà kỹ nghệ tươi như hoa, vừa lật đi lật lại những con "cò", vừa nhắc đi nhắc lại: "Thằng Goerge của tôi sẽ mê con cò này! Còn con kia nữa, thật là vô giá".

Ông Walters kể lại rằng: "Trong nửa giờ đồng hồ, chúng tôi chỉ nói chuyện cò, và nhìn tấm hình cậu George. Rồi không đợi tôi hỏi, nhà kỹ nghệ quan trọng đó bỏ một giờ đồng hồ nữa cho tôi biết hết thảy những tài liệu mà tôi muốn có. Không có điều gì ông biết mà không cho tôi hay, rồi lại kêu những người giúp việc mà hỏi thêm nữa, lại gọi điện thoại trước mặt tôi để hỏi thăm những nơi ông quen biết. Ông đưa tôi một chồng báo cáo, thư từ, có đủ những con số. Một sự thành công chưa từng thấy".

Và đây là một chứng cớ khác.

Ông Knaphle mời một xí nghiệp lớn có rất nhiều chi nhánh mua than cho hãng mà ông thay mặt. Mời hàng mấy năm mà không đạt kết quả chi hết. Xí nghiệp đó cứ tiếp tục mua than của một hãng tại ngoại ô châu thành, mà than đó lại do cam nhông chở ngang qua hãng ông Knaphle.

Ông này giận lắm và trong một buổi diễn thuyết trong lớp tôi, ông đã tỏ ra sự uất hận của ông bằng cách nặng lời chỉ trích những xí nghiệp liên hiệp, tố cáo rằng đó là cái ung thư của nền kinh tế quốc gia.

Tôi khuyến dụ ông ấy thử dùng một chiến thuật khác hẳn. Chúng tôi tính tổ chức một cuộc bàn cãi đầu đề như vầy: "Những xí nghiệp liên hiệp có hại cho nền kinh tế một nước không?"

Rồi tôi khuyên ông Knaphle, trong khi bàn cãi, đừng chỉ trích mà trái lại bênh vực cho sự liên hiệp đó. Ông bằng lòng đi lại thăm ngay người chỉ huy xí nghiệp mà ông ghét cay ghét đắng đó và nói: "Thưa ông, tôi lại không phải để bán than cho ông đâu... Tôi lại đây để xin ông vài lời chỉ bảo". Rồi giảng giải đầu đề cuộc bàn cãi cho ông kia nghe và kết luận: "Thưa ông, chỉ có ông là giúp tôi được, ngoài ông ra, khó có người chỉ được cho tôi những điều tôi cần biết. Tôi quyết thắng trong cuộc tranh luận đó và được ông giúp, tôi sẽ mang ơn ông lắm..".

Kết quả như vầy, theo lời ông Knaphle: "Tôi chỉ xin ông ấy tiếp tôi một phút thôi, mà ông ấy cũng chỉ bằng lòng tiếp tôi một phút thôi. Vậy mà sau khi nghe tôi nói rồi, ông mời tôi ngồi và nói chuyện với tôi đúng một giờ bốn mươi bảy phút. Ông cho gọi một người chỉ huy khác đã viết một cuốn sách về các xí nghiệp liên hiệp tới giúp ý cho tôi.

Ông viết thư cho tổng hội các xí nghiệp đó để xin cho tôi một bản sao tờ biên bản một cuộc bàn cãi về vấn đề liên hiệp các xí nghiệp. Rồi thao thao bất tuyệt, mắt ông long lanh, ông hăng hái ca tụng những ích lợi vô cùng của chế độ đó đối với nhân loại: ông nói ông lấy làm vinh hạnh đã giúp đỡ cho cả trăm công ty nghèo nhờ chính sách liên hiệp mà trở nên thịnh vượng. Tôi phải thú nhận rằng những lý luận xác đáng của ông đã mở mắt cho tôi nhận chân được những sự thật mà trước kia tôi không hề suy nghĩ tới. Ông đã phá tan các thành kiến của tôi. Khi tôi từ biệt ông, ông tiễn tôi ra tới cửa, quàng vai tôi, chúc tôi thành công, mời tôi lại thăm ông cho ông biết kết quả cuộc tranh biện và sau cùng ông nói: "Qua xuân, mời ông trở lại thăm tôi. Tôi muốn mua than tại hãng ông...".

Kết quả đó thật là một kỳ tích đối với tôi. Tôi không mời mà được người mua. Chỉ trong hai giờ đồng hồ, tôi chú ý, quan tâm tới công việc của ông mà được kết quả nhiều hơn là luôn hai năm gắng sức chỉ tìm cách làm cho ông ấy để ý đến tôi và than của tôi.

Chân lý đó không mới mẻ gì. Từ ngàn xưa, một trăm năm trước Thiên Chúa giáng sinh, một thi sĩ La Mã Pubhlius Syrus đã nghiệm rằng: "Chúng ta chỉ chú trọng tới người nào chú trọng tới ta".

Vậy muốn gây được tình thân của người khác, các bạn phải theo quy tắc thứ nhất sau nầy:

Thành thật chú trọng tới mọi người.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro

Tags: #ninh