Ngủ ngon nhé, mặt trời của tôi
Tôi quen Nhật Hạ vào một ngày đầu năm lớp mười một. Cuộc gặp gỡ đã thay đổi cuộc sống của tôi vĩnh viễn.
Nhật Hạ, một cái tên nghe vừa dịu dàng, vừa ấm áp, lại vừa tươi trẻ, tràn đầy sức sống. Đó chính xác là những gì tôi cảm nhận về cô bé tôi gặp trong ngày tựu trường hai năm trước. Ấn tượng đầu tiên của tôi về Nhật Hạ chính là nụ cười tỏa nắng luôn luôn hiện hữu trên gương mặt tròn trịa trắng mịn như bông của em ấy. Tôi chỉ ngạc nhiên là Nhật Hạ lại để tóc tém. Mái tóc bị cắt ngắn có phần nham nhở cũng không thể che lấp đi vẻ đáng yêu của em.
Tôi hỏi Nhật Hạ: "Sao em lại thích để tóc ngắn? Em theo đuổi phong cách tomboy à?"
Nhật Hạ cười bẽn lẽn trả lời: "Làm gì có. Em để tóc này cho dễ gội đầu thôi hà."
Sau này tôi mới biết, Nhật Hạ thường xuyên phải đi nhặt ve chai bán kiếm tiền. Đi nhiều dưới cái nắng gắt khiến mồ hôi bết vào tóc rất khó chịu. Vì vậy em quyết định cắt phăng mái tóc của mình đi.
Nhật Hạ bán ve chai không phải để tiêu vặt. Tiền đó em dùng để mua đồ ăn, mua sách vở. Em suýt nữa không được vào lớp mười vì ba bắt em ở nhà bán vé số. May sao bà nội em can ngăn, cho tiền em trả học phí, nên ba em mới miễn cưỡng cho em đi học. Nhưng bà nội tuổi già sức yếu, cũng chẳng kiếm được bao nhiêu tiền nữa. Bà không có nhiều để cho, nên nhiều tháng em bị nợ học phí. Cô giáo nhắc nhở em nhiều lần không được liền cảnh cáo trước lớp. Những lúc như vậy, em chỉ đứng thu lu ở dưới gốc bàng khóc thút thít.
Từ trên ban công lớp học của mình, tôi nhìn thấy cả. Nhật Hạ chỉ nhỏ hơn tôi một tuổi nhưng cuộc sống cực khổ hơn tôi nhiều quá. Có lẽ vì thấy em vất vả như vậy nên tôi rất thường xuyên mua đồ ăn đến cho. Khi thì cái bánh, khi thì cục xôi. Nhật Hạ ban đầu cũng ngại nhưng vì tôi cho nhiều quá, nên em cũng bắt đầu quen dần, không còn từ chối nữa.
Nhật Hạ có một thân hình rất gầy, gầy lắm, gầy đến nỗi tôi tưởng chừng như một cơn gió nhẹ cũng có thể thổi em bay đi mất. Duy chỉ có khuôn mặt em là bầu bĩnh đáng yêu một cách kì lạ. Tôi thường nghịch ngợm véo má em ấy đến khi nó đỏ ửng thì thôi. Nhật Hạ tất nhiên luôn tìm cách đẩy tay tôi ra, nhưng tôi nào có quan tâm.
Nhật Hạ có một nguồn năng lượng rất thần kì. Mỗi khi có chuyện bực dọc, chỉ cần nói chuyện với cô bé, tôi liền có thể trở lại trạng thái vui vẻ ban đầu. Từ khi quen biết Nhật Hạ, tôi đã không còn thích chơi với những đứa bạn cùng lớp nữa. So với cô bé hồn nhiên xinh xắn này, thì lũ bạn tôi đúng là một bọn giặc trời nghịch ngợm không ai sánh bằng.
Có lẽ vì phần nào nhiễm thói hư tật xấu của lũ bạn, tôi rất hay rủ Nhật Hạ đi chơi. Tôi thường canh me những lúc em ấy đi nhặt ve chai để rủ đi la cà đâu đó. Nhật Hạ ban đầu cũng hơi lo lắng vì em còn cần phải nhặt rất nhiều nhưng càng về sau em càng bị thu hút bởi những lời đề nghị đầy hấp dẫn của tôi.
Có lần tôi rủ cô bé vào rừng chơi. Sau đó, chẳng hiểu sao cả hai đứa đi lạc rất sâu, không tài nào tìm thấy lối ra. Mãi đến tận tối mịt, may sao tôi và nó lần được đường về.
Hôm sau đi học, tôi thấy Nhật Hạ buồn thiu. Trên người nó lại còn xuất hiện nhiều vết bầm tím. Gặng hỏi mãi con bé cũng không chịu trả lời. Nghĩ bụng rằng có tụi côn đồ nào bắt nạt em, tôi giận tím cả mặt.
Chiều hôm đó, tôi dõi theo Nhật Hạ trên đường về nhà. Con nhỏ thơ thơ thẩn thẩn như người mất hồn. Về đến ngõ, Nhật Hạ chần chừ mãi không bước vào. Sau đó em lấy một hơi dài, đẩy cửa ra rồi đi vào trong.
Thấy em về nhà an toàn, tôi yên tâm quay gót định rời đi. Bỗng dưng một tiếng hét thất thanh từ đâu vọng tới làm tôi thất kinh. Tôi quay lại thì thấy Nhật Hạ chạy từ trong nhà ra, chân còn chưa kịp mang dép. Mặt con bé đỏ tái còn tay thì đang chảy máu. Bên trong còn đang vọng ra tiếng chửi của ba nó.
Tôi lập tức chạy lại gần, đoạn cầm tay Nhật Hạ lên xem thử. Có thể thấy đó là một vết cứa khá sâu. Tôi toan hỏi chuyện gì xảy ra thì Nhật Hạ cứ mếu máo lắc đầu nguầy nguậy. Tôi đành bảo nó:
"Đi theo chị. Chúng ta cùng tới bệnh viện."
"Em không đi đâu. Cái này rửa bằng thuốc đỏ là được rồi."
"Vết thương sâu như thế này em làm sao tự cầm máu được chứ! Em là đang lo không có tiền sao? Rốt cuộc tính mạng quan trọng hơn hay tiền quan trọng hơn?!"
Nước mắt Nhật Hạ chảy dài trên má. Tôi đột nhiên thấy mình hơi quá lời, bèn dịu giọng xuống:
"Em đừng lo gì cả. Chị có tiền. Chị sẽ cho em mượn. Vết thương này, không thể không chữa."
Nhật Hạ gật đầu. Tôi dắt con bé đi bộ tới bệnh viện gần nhất. Đi hơn mười phút vẫn chưa tới nơi. Tôi thấy Nhật Hạ có vẻ như sắp không trụ được nữa. Tôi bảo em ấy:
"Mau leo lên lưng chị này. Để chị cõng em đi."
Nhật Hạ mặt tái mét nhưng vẫn không quên lắc đầu:
"Thôi, em vẫn còn đi được."
Bộ dạng bướng bỉnh của Nhật Hạ khiến tôi đâm bực. Tôi khoác tay Nhật Hạ lên vai rồi nhất bổng cô bé lên, cõng một mạch đến bệnh viện. Nhật Hạ nằm trên lưng tôi, thở nhè nhẹ. Một lát sau, khi em ấy thiếp đi cũng là lúc tôi vào đến phòng cấp cứu.
Bác sĩ từ chối điều trị vì chúng tôi chưa làm thủ tục đăng ký và nộp viện phí. Tôi cực kì sốt ruột. Những người kia không hề quan tâm đến vết cắt sâu hoắm trên tay bệnh nhân mà chỉ chăm chăm làm theo quy trình. Tôi cố gắng giữ bình tĩnh, mở điện thoại ra nhấn gọi cho mẹ.
Những lúc nguy nan nhất, vẫn là mẹ tôi sẽ xuất hiện cứu nguy. Dù bà không mấy hài lòng khi thấy tôi đi lo chuyện người khác, nhưng mẹ vẫn trả viện phí và làm thủ tục cho Nhật Hạ.
Tôi tự hỏi, ba mẹ của Nhật Hạ đang làm gì, mà bỏ mặc em ở nơi này trong cơn nguy khốn. Bộ dạng say xỉn lè nhè cùng giọng chửi đông đổng của ba Nhật Hạ cũng là hình ảnh mà tôi sẽ mãi không thể quên.
Đợi cô bé tỉnh dậy rồi, tôi mới gặng hỏi:
"Rốt cuộc chuyện gì đã xảy ra? Có phải em bị đánh?"
Nhật Hạ không nói gì, chỉ lẳng lặng gật đầu.
"Lý do là gì?"
Nhật Hạ vẫn chẳng nói một câu. Em khẽ lắc đầu thở dài. Tôi dường như có thể hiểu được những điều em chưa nói, những điều che giấu sau đôi mắt buồn bã kia. Nhật Hạ của tôi, em lẽ ra nên vui cười mới đúng.
Tôi dìu Nhật Hạ nằm xuống rồi khẽ rời khỏi bệnh viện. Màn đêm đã bắt đầu buông xuống. Tôi đi đến căn nhà quen thuộc, khẽ gõ cửa.
Cộc... cộc... cộc...
Không ai mở cửa. Tôi lại gõ tiếp.
Vẫn không một dấu hiệu phản hồi. Tôi dùng toàn bộ lòng bàn tay, đập mạnh vào cửa.
Từ bên trong có tiếng bước chân, cùng tiếng chửi quen thuộc:
"Đứa nào đấy? Nửa đêm nửa hôm đến nhà tao làm cái quái gì?"
"Cháu là bạn của Nhật Hạ." - Tôi bình tĩnh trả lời.
"Nhật Hạ? Con bé đó đi đâu từ chiều đến giờ, không có ở nhà. Mai mày hẵng tới."
Tôi nắm chặt lòng bàn tay, khẽ kiềm chế cơn giận.
"Nhật Hạ đang nằm trong bệnh viện. Mong bác có thể đến đón em ấy về."
"Cái gì?"
Cửa mở toang ra, kèm theo tiếng chai thủy tinh rơi xuống đất vỡ choang.
"Ai bảo nó đi bệnh viện?", người đàn ông lên tiếng.
"Nhật Hạ bị thương rất nặng. Lẽ nào bác không biết?"
"Chỉ là một vết trầy nhỏ, dùng băng gạc bịt lại là được rồi, lại còn vẽ vời đi bệnh viện. Rồi tiền đâu mà trả cho nó?"
"Em ấy bị thương rất nặng. Làm sao có thể tự băng bó được chứ?"
"Cút! Nó tự đi bệnh viện thì tự đi mà lo. Tao không quan tâm!"
Lúc này máu của tôi bắt đầu dồn lên não. Tôi đưa tay đấm một cú trời giáng vào mặt ông ta trước khi hắn kịp đóng cửa rồi trốn lại vào căn nhà nát rượu của hắn. Trước khi rời đi tôi còn nghe thấy tiếng chửi đổng ở phía sau:
"Đồ mất dạy!"
Tôi xoa tay rồi cho vào túi, lững thững bước đi trên con đường vắng, trở lại bệnh viện. Lúc tôi về đến, Nhật Hạ đã tỉnh dậy. Tôi hỏi em ấy muốn ăn gì nhưng Nhật Hạ chỉ đòi về nhà. Tôi tức giận quát:
"Ba em nghe thấy em nằm viện còn chẳng thèm để tâm. Em còn về cái nhà đó làm gì nữa?"
Nhật Hạ cúi gằm mặt, trả lời tôi một cách yếu ớt:
"Dù sao đó cũng là nhà em. Ba cho dù không quan tâm thì vẫn là người sinh ra em. Huống hồ, mẹ em đang bị ốm. Em cần phải về chăm sóc mẹ."
Nghe thấy vậy, tôi không thể rầy la thêm gì được nữa.
"Chị chỉ hỏi thêm một điều thôi. Sau đó sẽ đưa em về."
"Là gì vậy?"
"Vì sao hôm qua lại bị đánh?"
"Nói cho chị biết cũng được. Hôm qua chúng ta về trễ, em lại không gom đủ ve chai nên không có tiền mua đồ ăn tối..."
Tôi nuốt nước bọt, cố kìm nén sự tức giận đang dâng lên từ lồng ngực.
"Được rồi, mau thu dọn đi. Chị đưa em về."
...
Một năm học nhanh chóng trôi qua. Tôi cũng đã ngưng không rủ rê Nhật Hạ đi chơi nữa. Trái lại, tôi thường hay đi nhặt ve chai giúp em ấy. Thi thoảng, khi kiếm được kha khá, Nhật Hạ sẽ chia cho tôi một ít tiền. Tất nhiên tôi chẳng cần số tiền ấy, nhưng vì cô bé năn nỉ quá, nên tôi cũng nhận đôi lần.
Ngày tổng kết năm học, tôi đã mua hoa tặng em ấy, một đóa hoa hướng dương. Nhật Hạ vô cùng ngạc nhiên:
"Sao lại là hoa hướng dương?"
"Vì nó luôn hướng về em."
"Sao nó lại hướng về em?"
"Vì em chính là mặt trời. Nhật Hạ, em chính là mặt trời mùa hè."
Nghe xong con bé cười ngặt nghẽo, làm cho hai bầu má phúng phính của nó càng căng ra. Tôi tiện thể véo má Nhật Hạ một cái thật đau. Con bé chảy nước mắt rồi kêu lên rằng tôi ác quá. Phải rồi, tôi rất ác. Tôi chính là thích ác độc như thế mỗi ngày.
...
Mùa hè là mùa tuyệt vời nhất để đi thả diều. Tôi lục trong kho ra một con diều cũ kỹ hình phượng hoàng màu xanh nhạt. Sau khi lau chùi kỹ càng, nó trông cũng không đến nỗi nào. Tôi sẽ rủ Nhật Hạ đi thả diều vào cuối tuần này.
Đang hí hửng treo chiếc diều lên góc tường thì chợt ngoài ngõ có tiếng ồn ào khác lạ. Rất nhiều người xúm lại nói cười rôm rả, không biết là chuyện gì. Tôi mở cửa sổ, ló đầu ra nhìn thử thì thấy một chiếc xe bán tải màu trắng chất bao nhiêu là đồ đạc từ tủ chén, bàn ghế tới máy móc, sách vở. Tôi cảm thấy có chút tò mò nên cũng ra ngõ xem thử.
Hóa ra một gia đình vừa chuyển đến hôm nay, ngay cạnh nhà tôi. Trong khi cặp vợ chồng đang bận tiếp chuyện với hàng xóm xung quanh thì một thằng bé trạc tuổi tôi đang đứng nép mình bên cạnh đống đồ ngổn ngang, ánh mắt không mấy hứng thú.
Nhìn thấy tôi, nó hất mặt lên, bộ dạng câng câng thấy ghét. Chưa kịp quay trở lại vào trong nhà thì mẹ thằng bé đó nhìn thấy tôi. Bà ấy liền gọi tôi lại, giới thiệu một thôi một hồi. Đại loại là hai vợ chồng vừa chuyển từ Sài Gòn về. Đứa con tên là Tuấn Sơn, năm nay lên lớp mười hai. Bà còn hỏi tôi học lớp nào, nhất định sẽ xin cho con trai vào học cùng.
Tôi mới không thèm học chung với nó. Vừa nhìn là đã thấy mất cảm tình. Mặc dù theo lời mấy đứa bạn của tôi, tên này đích thị là một mỹ nam hiếm có khó tìm, nhất là ở vùng quê hẻo lánh như ở đây.
Thế nhưng chưa gì mẹ nó đã an bài cho nó vào cùng lớp học thêm với tôi. Khỏi phải nói tụi con gái ganh tị với tôi như thế nào, khi được ở cạnh nhà nam thần, ngày ngày cùng nhau đi bộ đến lớp. Riêng tôi, tôi chỉ muốn thoát ra khỏi cái tên kênh kiệu này càng sớm càng tốt.
Một ngày cuối tuần, tôi rời khỏi nhà với con diều trên tay, định bụng đến tìm Nhật Hạ. Bỗng dưng tên biến thái Tuấn Sơn từ đâu phi ra, đòi đi theo bằng được:
"Vi Tâm, cho tao đi chung với."
"Dẹp", tôi đáp một cách ngắn gọn rồi đi thẳng.
Thế nhưng tên này quả là họ hàng với con đỉa. Hắn cứ bám lấy tôi không buông. Tôi bất đắc dĩ đành mặc kệ hắn. Dù sao đường này cũng không phải do tôi mở.
Như mọi khi, Nhật Hạ đang lang thang trên đoạn đường Ngô Tất Tố. Tôi vẫy tay gọi to:
"Nhật Hạ!"
Con bé ngẩng đầu lên, mỉm cười thật tươi khi nhìn thấy tôi. Ánh mắt nó trở nên ngơ ngác khi phát hiện ra kẻ lạ mặt Tuấn Sơn đang kè kè sau tôi. Tôi bảo em ấy:
"Thằng này là Tuấn Sơn, mới dọn đến bên cạnh nhà chị. Nhưng mà cứ kệ nó đi. Nó chỉ đi theo làm cái bóng thôi."
Nhật Hạ đưa tay lên chào hắn:
"Chào anh, em là Nhật Hạ. Nếu anh thích thì có thể đi chơi chung với em và chị Tâm."
Khỏi phải nói tên này vui mừng cỡ nào.
"Cảm ơn em nha. Em đúng là vừa đẹp người vừa đẹp nết, không như bà chằn này."
Tôi lườm hắn một cái, rồi kéo tay Nhật Hạ đi trước. Hắn lẽo đẽo chạy theo sau như một chú vịt con bị bỏ rơi.
Chúng tôi chạy đến một bãi đất trống, rồi bắt đầu căng diều ra. Tôi bảo Nhật Hạ cầm thân diều, còn bản thân thì cầm dây và bắt đầu chạy. Loay hoay một hồi, con diều vẫn chẳng bay lên được. Không lẽ, kỹ thuật của tôi lại kém đến vậy sao?
Tức mình, tôi vứt con diều xuống đất, rồi bỏ đó trở lại ngồi ở gốc cây. Thấy vậy, tên Tuấn Sơn kia nhanh nhẩu chạy đến, xung phong cầm dây diều. Tên này tuy là con trai thành phố nhưng thả diều một lần là thành công luôn.
Con phượng hoàng bằng vải màu xanh bay càng lúc càng cao, đung đưa phấp phới trong gió. Ở bên dưới, Nhật Hạ nhảy lên vui sướng, vừa vỗ tay vừa tấm tắc khen:
"Anh Sơn giỏi quá."
"Anh mà lại", tên ấy đáp.
Chẳng hiểu sao cảnh tượng ấy lại khiến tôi thấy bực bội. Tôi chạy đến giành lấy cuộn dây diều trong tay thằng Sơn, thu dây lại rồi đòi về nhà.
Hai đứa nó chẳng hiểu chuyện gì đang diễn ra, cũng không thể hiểu nổi tính khí ẩm ương của tôi. Tôi hầm hầm rời đi, bỏ lại hai đứa nó ở đó. Lúc sau, khi đi được nửa đường, chẳng hiểu sao tôi cảm thấy không an tâm nên quay lại bãi đất thì thấy tên Tuấn kia cùng với Nhật Hạ vẫn chưa rời khỏi. Hai đứa nó ngồi dưới gốc cây, tỉ tê chuyện gì đó trông vui vẻ lắm.
Tôi chợt cảm giác khóe mắt mình cay cay. Tôi đi nhanh như bay về nhà, vứt diều trong sân rồi leo lên giường ôm gối khóc rưng rức. Nghĩ đến việc Nhật Hạ thân thiết với một tên ất ơ mới quen được vài tiếng đồng hồ, tôi không thể ngưng tức giận. Tôi tự hỏi, liệu Nhật Hạ có tự nhiên yêu thích hắn, giống như cái cách mà mấy đứa con gái cùng lớp thích hắn không?
Nếu Nhật Hạ thích hắn, có phải sẽ không thèm chơi với tôi nữa? Giống như cách mà tôi từ chối đi chơi với lũ bạn giặc trời của mình vậy. Càng nghĩ tôi lại càng cảm thấy lo lắng. Tôi trằn trọc một hồi đến khi thiếp đi lúc nào không hay.
Buổi tối, mẹ tôi vào phòng lay tôi dậy:
"Vi Tâm, có con bé nào đang tìm con kìa."
Tôi ngồi bật dậy.
"Nhật Hạ hả mẹ?"
"Ừ, chắc là nó đấy."
Tôi phi như bay ra khỏi giường, chạy nhanh ra trước nhà. Quả nhiên là Nhật Hạ. Em ấy đến cùng với một túi gì đó trong tay.
"Em mang cho chị nè."
"Cái gì vậy?", tôi hỏi.
"Là bánh tráng trộn. Ngon lắm, em ăn thử rồi."
"Hừ, vậy em có mua cho thằng Tuấn Sơn không?", tôi hỏi thăm dò.
Nhật Hạ lắc lắc đầu:
"Không. Em mua cho mình chị thôi. Hôm nay thấy chị buồn buồn, nên em mua đồ ăn cho chị đó. Chị mau vui lên đi nha."
Giọng nói của nó thật ngọt. Đột nhiên tôi cảm thấy tâm trạng phấn khởi lên gấp mười lần, chẳng hiểu là tại sao. Tôi nhận bì bánh tráng, lòng đầy hoan hỉ. Tôi véo má Nhật Hạ một cái trước khi chào tạm biệt nó.
"Trời tối rồi. Em mau về nhà đi."
"Dạ!"
Dạo đó tôi cũng học đòi mấy đứa con gái khác trong lớp, gấp ngôi sao giấy bỏ vào lọ thủy tinh. Nếu có thể gấp được một ngàn chiếc, một điều ước của tôi sẽ trở nên ứng nghiệm. Chỉ có điều, tôi vừa vụng về lại vừa lười biếng. Thế nên sau khi gấp được khoảng mười ngôi sao, tôi đã vội bỏ cuộc. Lọ thủy tinh rỗng cùng một đống giấy màu bị bỏ rơi trong xó tủ.
Tôi kể chuyện đó với Nhật Hạ. Em bảo:
"Đó là vì chị chưa có điều gì chị thực sự ước ao. Nếu có, chị sẽ nỗ lực một ngàn phần trăm để gấp được số sao ấy."
Tôi kí đầu nó, rồi giở giọng trêu chọc:
"Em mới có tí tuổi đầu mà đã bày đặt nói mấy lời thâm sâu đó, cứ như bà cụ non."
"Cái này là em tự nghĩ ra á. Chị nói xem em có giỏi không?"
"Ừ giỏi. Cái gì em cũng giỏi cả", tôi cười trả lời.
Tôi thầm nghĩ, liệu có đúng như Nhật Hạ nói, rằng người ta sẽ nguyện làm điều ngốc nghếch như vậy nếu biết trước sẽ chẳng có tác dụng gì? Gấp một ngàn ngôi sao, đổi lấy một điều ước. Đó chẳng phải là đang bấu víu vào một tia hi vọng mong manh hay sao?
Ngay lúc này đây, tôi chẳng có điều ước nào đủ lớn lao. Tôi cảm thấy mọi thứ thật hoàn hảo. Tôi nghĩ rằng chẳng có điều gì yên bình hơn là được ngồi cạnh Nhật Hạ, giữa đồng cỏ hoang vu rộng lớn này, cùng nghe tiếng gió thổi rì rào, và kể cho nhau nghe những câu chuyện phiếm.
Tôi nhận ra rằng, cô bé đáng yêu ngồi bên cạnh tôi đây, từ lúc nào đã trở thành một phần không thể thiếu. Như mùa hè không thể thiếu ánh nắng, như Vi Tâm cũng không thể thiếu Nhật Hạ.
"Một ngày nào đó, khi chị kiếm được nhiều tiền, chị sẽ đón em về ở chung, cho em đi học, và mua cho em thật nhiều quần áo đẹp. Nhật Hạ, lúc đó, em sẽ đi cùng chị chứ?"
"Hừm...", cô bé trầm ngâm hồi lâu rồi mới đáp, "Em cũng không biết nữa. Em cũng muốn kiếm thật nhiều tiền, sau đó cùng mẹ đi ăn những món ngon nhất, mua những món đồ đẹp nhất. Ba sẽ có rượu để uống mỗi ngày, sẽ không trở nên cáu gắt, cũng sẽ không đánh em nữa. Nhưng mà đi với chị... em cũng không biết nữa. Em không chắc, là mình có thể rời xa ba mẹ. Em chưa từng nghĩ đến chuyện đó."
Bầu không khí bỗng dưng trở nên trầm lắng. Tôi giả một điều cười gượng gạo:
"Haha, chị chỉ nói đùa vậy thôi. Sau này lớn, chưa biết chừng cả hai chúng ta đều đã đến một thành phố khác để thực hiện ước mơ của mình. Có thể chúng ta sẽ không gặp nhau nữa..."
Nói đến đó, tự dưng tôi lại cảm thấy buồn, một thứ cảm giác buồn miên man khó tả. Có lẽ Nhật Hạ cũng cảm thấy như tôi. Nó khẽ thở dài, hai mắt cụp xuống, nhìn vào khoảng không vô tận.
...
Quãng thời gian sau đó tôi đã bắt đầu bận rộn hơn với lịch học thêm dày đặc. Dạo này tôi ít gặp Nhật Hạ hơn. Ngược lại với tôi, Nhật Hạ cả ngày dành thời gian đi nhặt ve chai và bán vé số. Thi thoảng đi qua lớp học thêm của tôi, em ấy còn ghé vào tặng cho tôi một ít kẹo bánh. Tôi bảo Nhật Hạ:
"Em làm gì có nhiều tiền. Sau này đừng mua những thứ này cho chị nữa."
"Không sao đâu. Dạo này em kiếm được khá lắm. Chị ăn đi, không phải lúc nào cũng có."
Những lúc như vậy tôi lại tranh thủ béo má nó trước khi vào lớp học tiếp.
"Vậy cảm ơn em nhé."
Mỗi tuần tôi lại dành ra một ngày thứ sáu để đến gặp Nhật Hạ. Tôi thơ thẩn trên đường cả ngày để nhặt ve chai với em. Chúng tôi cùng trò chuyện, cùng ăn kem dưới gốc cây trứng cá. Đột nhiên Nhật Hạ nói với tôi:
"Nếu có thể quay ngược thời gian, em muốn nuôi tóc dài giống chị."
"Ngốc ạ, chẳng phải em bắt đầu nuôi từ giờ là được rồi sao?"
"Bây giờ e rằng... đã không còn kịp nữa..."
Tôi bật cười, xoa đầu Nhật Hạ.
"Có gì mà không kịp chứ?"
"Hì... Không có gì đâu.", Nhật Hạ xoay đầu đi, nhìn về xa xăm. Lúc đó tôi chẳng hề hiểu được, em đang suy tư điều gì.
Cho đến một hôm, khi tôi đang làm bài tập ở nhà, đột nhiên Tuấn Sơn hớt hơ hớt hải chạy đến, gọi vọng vào:
"Tâm ơi! Mau ra đây. Có chuyện gấp!"
Tôi lật đật ra mở cổng:
"Có gì mà bộ dạng gấp gáp vậy?"
"Nhỏ Nhật Hạ...", Tuấn Sơn thở hổn hển.
"Nhật Hạ hả? Nó làm sao?", tôi mơ hồ cảm thấy có gì đó không hay.
"Đột nhiên nó té xỉu giữa đường. Người ta đưa nó vào trạm xá rồi. Mày mau vào đó coi sao."
Nghe đến đó tay chân tôi đột nhiên rụng rời.
"Mày chở tao đi với.", tôi nói.
"Nhảy lên xe đi!", Tuấn Sơn đáp.
Nó lì lặc chở tôi trên chiếc xe đạp cà tàng của nó, cuối cùng cũng lết được đến bệnh viện.
Tôi dò hỏi khắp bệnh viện mới tìm được phòng của Nhật Hạ. Quả nhiên, ba mẹ nó vẫn chưa đến, mà có lẽ họ cũng sẽ không đến. Lần này xảy ra chuyện, chưa biết chừng lại là vì bị ba đánh. Sau khi xem xong tình hình của Nhật Hạ, tôi nhất định sẽ đến tìm ba nó tính sổ.
Con bé nằm trên giường, ngủ say li bì. Trong bộ đồ bệnh nhân màu tro xám, trông em càng tiều tụy hốc hác hơn. Đã bao lâu rồi tôi không để ý, hai bầu má của Nhật Hạ đã không còn phúng phính như xưa. Xương gò má đã bắt đầu nhô lên trông thấy, còn hai hốc mắt thì trở nên sâu hơn và để lộ những quầng thâm u tối. Mái tóc em vừa mới được cắt ngắn thêm đi, vết cắt hãy còn nham nhở lắm. Tôi biết Nhật Hạ không có tiền đi làm tóc ở tiệm, em tự lấy kéo cắt giấy, soi gương rồi tỉa tóc của mình.
Trên người Nhật Hạ không có vết thương nào nghiêm trọng, ngoài những vết bầm tím đã lâu ngày. Tôi hỏi bác sĩ, liệu có phải vì lao lực hay bị bạo hành nên em ấy kiệt sức không. Đáng tiếc, những gì bác sĩ trả lời còn khủng khiếp hơn như thế.
"Cháu Hạ bị ung thư gan. Khối u đã di căn sang các vùng khác. Mọi thứ diễn ra quá nhanh. Nếu được phát hiện sớm hơn, có lẽ tình hình đã tốt hơn chút."
Tôi không thể tin vào những gì mình vừa nghe thấy. Trong phút chốc, tôi cảm giác như có tiếng thét chói tai đang vang vọng trong đầu mình. Hai tai tôi ù đi, căn phòng xung quanh tôi cũng chợt xoay mòng mòng.
Sau khi định thần lại, tôi tiếp tục hỏi bác sĩ:
"Nếu vậy, Nhật Hạ còn có thể sống bao lâu?"
Người y sĩ già lắc đầu:
"Nhiều nhất là sáu tháng."
Ung thư... Sáu tháng... Quá nhiều tin rủi cùng ập đến một lúc khiến tôi cảm thấy choáng ngợp, không thể nào xoay sở nổi. Thế giới xung quanh tôi dường như đang dần sụp đổ. Tôi đã từng tưởng tượng đến lúc tôi và Nhật Hạ chia xa, nhưng không phải theo cách này. Tôi chưa từng nghĩ sẽ có một ngày Nhật Hạ rời xa tôi, mãi mãi.
Tôi ngồi xuống bên cạnh Nhật Hạ, tay tì lên thành giường, rồi bất giác từng giọt lệ tuôn rơi. Khi em tỉnh giấc, điều đầu tiên tôi thấy là nụ cười như ánh mặt trời nở trên đôi môi em.
Nhật Hạ hỏi tôi:
"Chị làm sao vậy? Sao tự nhiên lại khóc? Em chỉ bị say nắng chút thôi, không có sao đâu."
Tôi gạt nước mắt, khẽ xoa đầu Nhật Hạ:
"Chị biết mà. Em sẽ không sao cả. Chị mít ướt quá nhỉ. Có xíu xiu đó mà cũng khóc."
...
Đêm hôm đó, cuối cùng mẹ Nhật Hạ cũng tới. Bà ấy trông còn gầy hơn cả em. Đây là lần đầu tiên tôi nhìn thấy bà, dù đã tới nhà em nhiều lần. Bà lẳng lặng ra ngoài hành lang, ôm mặt khóc nức nở không thành tiếng. Tôi tự hỏi, liệu ba Nhật Hạ có thấy buồn như thế, nếu biết em ấy sắp rời xa cõi đời này.
Tôi đoán là không. Vì suốt một tháng sau đó, tôi chưa từng thấy bóng dáng ông ta xuất hiện. Mẹ Nhật Hạ thủ thỉ với tôi:
"Cô không thể ở đây thường xuyên để chăm sóc bé Hạ, nên chỉ đành trông cậy vào cháu."
Kèm theo đó là tiếng thở dài bất lực. Vốn là một người phụ nữ yếu đuối, lại còn phải gồng sức lên để làm trụ cột gia đình. Ngoài việc phải xoay sở số tiền điều trị ung thư khổng lồ, bà còn phải lo lắng cho người đàn ông rượu chè bê tha ở nhà.
Tôi hỏi bà ấy:
"Tại sao đến nước này mà cô còn không bỏ quách tên đàn ông tệ hại kia đi?"
Mẹ Nhật Hạ lắc đầu:
"Trên đời này, có rất nhiều điều khó hiểu. Ngay cả cô cũng không thể cảm thông cho sự khờ khạo của mình. Cháu có biết không, có những người, dù có muốn chúng ta cũng không thể rời bỏ được. Người chồng tệ bạc đó, đã từng là cả thế giới của cô. Ông ta trước đây cũng đối xử với cô rất tốt. Chuyện trở nên như ngày hôm nay, nào ai có thể khẳng định rằng bản thân cô không có lỗi sai?"
"Nhưng mà..."
"Không cần nói nữa đâu. Cô hiểu cháu muốn nói gì. Nhưng hãy để cô làm điều mình muốn."
"..."
Con người ta thật lạ. Có phải người trong cuộc không thể nhìn rõ cục diện hay không? Hay là chỉ có họ mới nhìn thấu được những khúc mắc, những điều then chốt trong đó. Người ngoài, suy cho cùng cũng chỉ nhìn thấy bề nổi, vậy lấy tư cách gì để phán xét?
Mẹ Nhật Hạ mỗi ngày chỉ đến thăm một lần vào buổi tối. Ban ngày bà phải đi làm để kiếm viện phí cho con bé. Còn tôi vì lịch học thêm dày đặc nên cũng chỉ đến được một lúc vào buổi sáng.
Một tháng trôi qua, Nhật Hạ gầy đi trông thấy, chỉ còn lại da bọc xương. Bao nhiêu quà bánh tôi mang đến, em cũng chẳng buồn ăn. Nhật Hạ ngồi đó, ánh mắt vẫn tinh anh vui vẻ như ngày nào, nhưng làn da em quá nhợt nhạt và xanh xao. Mái tóc tém của em cũng đã rụng gần hết.
Nhật Hạ thủ thỉ với tôi:
"Em lại thèm để tóc dài rồi. Phải chi hồi đó đừng cắt."
Tôi ôm Nhật Hạ vào lòng, khẽ vuốt lên mái tóc em khi ấy chỉ còn lưa thưa vài sợi.
"Em biết không. Mái tóc tém của em là đẹp nhất. Trong số những cô bé chị gặp, em cũng là người xinh xắn nhất. Không để tóc dài thì đã sao Như thế này chẳng phải em cũng vẫn rất đáng yêu sao?"
"Thật chứ ạ?"
"Tất nhiên rồi. Chị đã từng nói dối em chưa?"
"Hì. Chỉ cần chị thấy đẹp, những người khác thấy như thế nào đều không quan trọng."
Rồi Nhật Hạ rúc vào lòng tôi, nhắm mắt ngủ ngon lành. Ngoài trời mưa đã bắt đầu nặng hạt, như muốn hát một bài tặng em.
Khi quay trở về căn phòng của riêng mình, tôi bắt đầu lục tìm những tờ giấy màu vốn đã bị vứt bỏ trong xó tủ một thời gian dài. Tôi cắt chúng ra thành những sợi dài, rồi bắt đầu gấp. Một ngôi sao, hai ngôi sao, ba ngôi sao... một trăm ngôi sao... hai trăm ngôi sao... Một ngàn ngôi sao, đổi lấy một điều ước.
Tôi từng hỏi Nhật Hạ rằng liệu trên đời này có ai ngốc nghếch đến mức sẵn sàng làm những chuyện vô ích dẫu biết nó không có tác dụng. Giờ thì tôi đã hiểu, trong những giây phút tuyệt vọng nhất, một tia hi vọng nhỏ nhoi, cho dù là vô vọng nhất, cũng có thể trở thành một điểm tựa lớn lao.
Tôi nguyện làm một kẻ ngốc, nếu như điều ấy có thể đổi lại được thêm một giờ, một phút hay thậm chí một giây ở bên Nhật Hạ. Tôi chưa từng thấy mình ao ước điều gì mãnh liệt như thế. Thậm chí nếu tôi có thể dùng mười năm tuổi thọ của mình, để đổi thêm ngày sống cho em, tôi cũng sẵn lòng.
Nhưng tôi vô cùng lo sợ, khi mỗi ngày trôi qua là một ngày em đến gần hơn với cái chết. Thời gian sáu tháng mà tưởng chừng như sáu ngày. Thoắt cái đã hơn một tháng trôi qua, mà bệnh tình em lại chẳng hề thuyên giảm.
Khi lọ sao hoàn thành cũng là lúc tôi lả đi trên bàn học. Tôi đã thức trắng đêm, gấp một ngàn ngôi sao, để cầu nguyện cho em. Tôi ước rằng, căn bệnh của em sẽ được chữa khỏi, rằng sẽ có một phép màu nào đó đến mang khối u quái ác kia đi xa.
Trong giấc mơ, tôi nhìn thấy em khỏe lại. Em để tóc dài, và xúng xính bên cạnh tôi với hai bờ má bầu bầu trông muốn véo. Em cười nói với tôi:
"Chị nhìn nè, cuối cùng em cũng để được tóc dài giống chị. Chị thấy em có xinh không?"
Sau đó chúng tôi cùng nhau đi học. Em ấy vào lớp mười một, còn tôi vào lớp mười hai. Cột đèn Tuấn Sơn vẫn lẽo đẽo theo sau hai đứa mỗi ngày. Nhật Hạ mua bánh tráng trộn cho tôi, nhưng không mua cho nó, khiến nó tức lộn ruột. Còn tôi thì được dịp vênh mặt, ai bảo nó suốt ngày gọi tôi là bà chằn!
Nhưng mộng ảo bao giờ cũng trái ngược với sự thật. Nhật Hạ vẫn đang ngày đêm ở bệnh viện, chống chọi với bệnh tật. Mỗi đêm về tôi lại khóc, nhưng sáng đến với em, tôi phải thể hiện ra bộ mặt vui vẻ nhất. Nếu tôi sầu não, liệu em có thể yên tâm mà chữa bệnh?
Tôi mang lọ sao đến cho Nhật Hạ. Khỏi phải nói em ấy bất ngờ đến mức nào. Ánh mắt em thầm cảm ơn tôi nhưng không nói nên lời. Dường như tôi thấy hai mắt em ươn ướt.
Em thủ thỉ với tôi:
"Ước gì em được lên Sài Gòn một lần. Em đã từng ước được lên thành phố học đại học. Nhưng giờ đã không còn kịp nữa. Quá nhiều thứ không kịp làm..."
Tôi nhìn vào mắt Nhật Hạ, ghì chặt tay em và nói:
"Nếu em muốn, chị sẽ đưa em đi. Đợi đợt hóa trị này kết thúc, chúng ta sẽ cùng đi."
"Chị hứa rồi nha. Chị không được đi trước đâu đó."
"Dĩ nhiên rồi. Chị sẽ đợi em đi cùng. Nào, mình móc nghoéo để hứa nha"
"Ừm..."
Rồi em khẽ hôn lên má tôi một cái. Em bảo:
"Chị Tâm. Chị thật tốt với em. Em nhất định sẽ không bao giờ quên chị."
"Chị cũng sẽ không bao giờ quên em", tôi đáp.
Tôi hôn trán em tạm biệt.
"Chị phải đi học rồi. Tối nay chị lại đến. Em có muốn ăn gì không?"
"Tự dưng em thấy thèm bánh tráng trộn."
"Được, chị sẽ mua cho em."
Sau giờ tan học, tôi tranh thủ mua đồ ăn rồi ghé vào bệnh viện. Trước cửa phòng em chẳng hiểu sao đột nhiên có nhiều người tụm lại. Ai nấy cũng đang nén dòng nước mắt khiến tôi cảm thấy điều chẳng lành.
Quả nhiên em đã nuốt lời hứa. Em bảo tôi mua bánh tráng trộn, nhưng lại chẳng chịu ăn. Em bảo tôi đợi em cùng đi Sài Gòn, nhưng em lại không đến.
Em nằm đó, mắt nhắm nghiền, không nhúc nhích. Đôi mắt tinh anh của em đã ngủ say, còn bờ má em thì lạnh ngắt. Nhật Hạ của tôi, đã ra đi ở tuổi mười sáu, độ tuổi của những ước mơ, hoài bão. Em đã ra đi, khi lời yêu em của tôi còn chưa kịp nói.
Mặt trời đã tắt, ánh nắng đã phai màu. Nhật Hạ của tôi, đã chẳng thể trở về được nữa. Tôi ước gì có thể được ôm em thêm một lần, nghe em hát khúc nhạc đồng quê. Tôi sẽ vuốt lên mái tóc dài mượt của em, và bảo rằng em là người đẹp nhất.
Nhưng kể từ giờ phút ấy, tôi chỉ còn có thể nhìn thấy em trong giấc mơ. Em đứng đó, trên cánh đồng rộng lớn, tay nắm chặt cuộn dây diều, rồi bắt đầu xoay người chạy. Con phượng hoàng đang tung bay trong gió, còn tóc em thì bồng bềnh như làn mây. Em ngoảnh lại nhìn tôi, mỉm cười đầy hạnh phúc.
...
Mười năm trôi qua, bể cạn cũng hóa nương dâu, nhưng dung nhan của người trong mộng, mãi mãi không thay đổi... Ngày hôm nay, sau ngần ấy thời gian, tôi quay trở lại đây, trước phần mộ của em, khẽ đặt lên một bó hoa hướng dương. Tôi đã thay em đi Sài Gòn, cũng thay em thực hiện ước mơ.
Ngủ ngon nhé, mặt trời của tôi. Trái tim tôi sẽ luôn hướng về em, cũng giống như bông hoa hướng dương kia, mãi luôn hướng về phía mặt trời.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro