Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

Chương 9. DUY Ý CHÍ LUẬN VÀ CƠ CẤU LUẬN CÁC TRƯỜNG PHÁI CỦA TÂM LÝ HỌC ĐẦU TIÊN

Chương 9. DUY Ý CHÍ LUẬN VÀ CƠ CẤU LUẬN CÁC TRƯỜNG PHÁI CỦA TÂM LÝ HỌC ĐẦU TIÊN

NHẬP MÔN LỊCH SỬ TÂM LÝ HỌC

Nhiều tác giả chúng ta bàn đến ở các chương trước đều đã gieo mầm cho khoa tâm lý học thực nghiệm phát triển. Tuy nhiên, danh dự của nhà sáng lập chính thức khoa tâm lý học thực nghiệm được dành cho Wilhelm Wundt. Nếu ai muốn đọc về tâm lý học thực nghiệm thời kỳ trước Wundt, họ có thể tham khảo các sách của các tác giả như Helmholtz, Weber, và Fechner. Tuy nhiên, Wundt là người đã thu thập các thành tựu khác nhau của nhiều tác giả khác và tổng hợp chúng thành một chương trình nghiên cứu thống nhất được tổ chức xoay quanh một số niềm tin, tiến trình, và phương pháp. Ngay từ năm 1862, Wundt đã thực hiện một thí nghiệm cho phép ông tin rằng có thể có một khoa tâm lý học thực nghiệm hoàn bị. Sử dụng một máy như ở Hình 9.1, Wundt cho thấy rằng cần khoảng 1/10 giây để chuyển sự chú ý của một người từ tiếng chuông sang vị trí của quả lắc hay ngược lại. Wundt tin rằng, với "máy đo tư tưởng" của ông, ông đã chứng minh rằng người ta cùng một lúc chỉ có thể chú ý đến một tư tưởng mà thôi, và cần khoảng 1/10 giây để đổi sự chú ý từ một tư tưởng này sang một tư tưởng khác.

Từ thí nghiệm ban đầu này, Wundt kết luận rằng không chỉ có thể có một khoa tâm lý học thực nghiệm, nhưng nó còn phải nhấn mạnh vào sự chú ý có chọn lọc, hay ý chí.

Trong phần dẫn nhập trong cuốn Những Đóng Góp cho Lý thuyết Về Cảm Quan Tri Giác (1862a), Wund phát biểu nhu cầu phải có một lãnh vực mới về tâm lý học thực nghiệm để khám phá các sự kiện về ý thức con người; và trong cuốn sách tạo ra thời đại của ông nhan đề Nguyên Tắc của Tâm Sinh Lý Học (1874/904), Wundt minh nhiên phát biểu rằng mục tiêu của ông là tạo ra lãnh vực mới này. Cần lưu ý rằng vào thời của Wundt, thuật ngữ sinh lý học có nghĩa hơn kém như là thực nghiệm. Vì vậy tốt hơn nên hiểu tên của cuốn sách như là nói về tâm lý học thực nghiệm hơn là nhấn mạnh về sự tương ứng sinh vật giữa tư tưởng và hành vi như khoa tâm sinh lý học ngày nay. Đến năm 1890, Wundt đã đạt mục tiêu của mình, và trường phái tâm lý học đầu tiên ra đời. Một trường phái có thể được định nghĩa như là một tập thể các cá nhân cùng chia sẻ các giả thiết chung, làm việc trên cùng các vấn đề và sử dụng cùng một phương pháp. Định nghĩa về trường phái này rất giống với định nghĩa của Kuhn về khuôn mẫu. Trong cả hai loại, trường phái tư tưởng và khuôn mẫu, các cá nhân làm việc để khai thác các vấn để được diễn tả bằng một quan điểm nhất định.

Hình 9.1. Chiếc đồng hồ được thiết kế sao cho quả lắc (B) đong đưa theo một thang đo có ghi vạch (M). Máy đo được thiết kế sao cho một cái chuông (g) được vang lên bởi một thanh kim loại (s) ỏ hai đầu của đường đi của quả lắc (d, b). Wundt khám phá rằng nếu ông nhìn vào thang đo khi chuông đánh, nó không bao giờ ở vị trí d hay b nhưng ở một vị trí khác cách hai vị trí ấy một chút. Như thế, không thể nào xác định chính xác được vị trí của quả lắc hay của chuông. Đọc trên thang đo luôn luôn có sự sai biệt khoảng 1/10 giây. Wundt kết luận rằng người ta có thể hoặc chú ý đến vị trí quả lắc hay tiếng chuông, nhưng không thể cùng lúc chú ý đến cả hai (Wundt, 1862b, tr. 264).

Đến năm 1890, sinh viên trên khắp thế giới đổ xô đến Leipzig để được đào tạo về tâm lý học thực nghiệm tại phòng thí nghiệm của Wundt. Giờ đây không còn ai nghi ngờ gì về việc có thể có một khoa học tâm lý hiệu quả.


DUY Ý CHÍ LUẬN
EDWARD BRADFORD TITCHENER
CÁC PHƯƠNG PHÁP TÂM LÝ HỌC KHÁC TRONG THỜI KỲ ĐẦU
SỰ SUY TÀN CỦA CƠ CẤU LUẬN
TỪ VỰNG

Created by AM Word2CHM

DUY Ý CHÍ LUẬN

NHẬP MÔN LỊCH SỬ TÂM LÝ HỌC à Chương 9. DUY Ý CHÍ LUẬN VÀ CƠ CẤU LUẬN CÁC TRƯỜNG PHÁI CỦA TÂM LÝ HỌC ĐẦU TIÊN

Mục tiêu được xác định của Wundt là tìm hiểu ý thức, và công cuộc theo đuổi mục tiêu này của ông rất ăn khớp với truyền thống duy lý Đức. Wundt chống lại duy vật luận mà ông nói là "Tâm lý học duy vật... tự mâu thuẫn... bởi sự kiện là chính ý thức không thể nào xuất phát từ bất cứ thuộc tính vật lý nào của các phân tử hay nguyên tử vật chất cả." (1912/1973, tr. 155). Ông cũng chống lại duy nghiệm luận Anh và Pháp, theo đó một con người được quan niệm như là những kho chứa thụ động các cảm giác rồi các cảm giác này thụ động "được tổ chức" bởi các luật liên tưởng. Theo Wundt, cái thiếu trong duy nghiệm luận là các quy trình trung ương của ý chí tác động trên các yếu tố của tư tưởng để tạo cho chúng các hình thức, tính chất, hay giá trị không có được trong kích thích bên ngoài hay trong chính các sự kiện sơ đẳng.

Điều có tầm quan trọng nhất đối với Wundt là ý niệm ý chí như được phản ánh qua sự chú ý và ý muốn. Wundt nói rằng ý chí là ý niệm trung tâm mà phải căn cứ vào đó để tìm hiểu các vấn đề lớn của tâm lý học (Danziger, 1980b, tr. 108). Wundt tin rằng con người có thể quyết định mình chú ý vào điều gì để nó được tri giác rõ ràng. Hơn nữa, ông tin rằng đa số hành vi và sự chú ý chọn lọc đều được thực hiện nhằm một mục đích nhất định; nghĩa là các hoạt động như thế có các động cơ. Ông đặt tên cho đường lối tâm lý học của ông là thuyết ý chí bởi vì nó nhấn mạnh vào ý chí, chọn lựa, và mục đích.

Vì vậy trường phái ý chí là trường phái tâm lý học đầu tiên, chứ không phải trường phái cơ cấu luận, như người ta thường tuyên bố. Cơ cấu luận là một trường phái đối thủ được khởi xướng bởi Edward Titchener, một học trò của Wundt (sẽ bàn đến sau). Như ta sẽ thấy, hai trường phái ý chí và cơ cấu luận có rất ít điểm chung với nhau.

WILHELM MAXIMILIAN WUNDT

Wilhelm MaximillianWundt (1832-1920) sinh tại Neckarau, ngoại ô một trung tâm thương mại quan trọng của Mannheim, ngày 16 tháng 8 (cùng năm Goethe mất). Gia đình bên nội ông có những người làm sử gia, thần học gia, kinh tế gia, và hai hiệu trưởng của Đại học Heidelberg. Phía bên ngoại ông có những người làm bác sĩ, khoa học gia, và cán bộ nhà nước. Tuy sống trong bầu khí trí thức đầy kích thích, ông luôn luôn là một con người nhút nhát, e dè và sợ các tình huống mới. Năm đầu tiên của Wundt ở trung học là một thất bại thê thảm: không bạn, luôn luôn mơ mộng, thường xuyên bị các thầy cô đánh đập, và cuối cùng phải ở lại lớp. Lúc này một trong các giáo viên của ông gợi ý rằng Wundt chỉ thích hợp nhất cho công việc làm bưu tá. Năm sau ông học lại, lần này ở thành phố Heidelberg, tại đây có anh trai của ông và một người anh họ cùng học. Tuy không là một học sinh giỏi, ông đã có tiến bộ hơn trước.

Sau khi tốt nghiệp trung học ban triết học, Wundt ghi danh vào chương trình chuẩn bị y khoa ở Đại học Tubingen. Ông ở lại đây một năm rồi chuyển sang Đại học Heidelberg, tại đây ông đứng hạng nhất trong lớp y khoa của ông, và đậu tốt nghiệp hạng ưu. Sau khi nhận bằng tiến sĩ y khoa năm 1855, ông 24 tuổi, ông đến Berlin và học với Johannes Muller, người đã có ảnh hưởng quá lớn đến ông khiến ông đã quyết định theo đuổi sự nghiệp nghiên cứu sinh lý học thực nghiệm thay vì tiếp tục ngành y. Sau một năm làm việc và nghiên cứu tại viện của Muller, Wundt trở về Đại học Heidelberg, tại đây ông làm trợ tá phòng thí nghiệm cho Helmholtz. Trong lúc làm việc với Helmholtz, Wundt đã giảng khóa đầu tiên về tâm lý học như là một khoa học tự nhiên, và viết cuốn sách đầu tay của ông, Những Đóng Góp Hướng Tới Một Lý Thuyết về Cảm quan Tri Giác (1862a). Trong sách này, Wundt lên một kế hoạch cho tâm lý học mà ông sẽ theo đuổi cho tới cuối đời. Những năm tiếp theo, ông cho xuất bản Những bài giảng về tâm lý học con người và thú vật (1863).

Các Mục tiêu của Tâm lý học

Wundt không đồng ý với các người như Galileo, Comte, và Kant mà cho rằng tâm lý học không bao giờ có thể trở thành một khoa học, và với Herbart cho tâm lý học có thể là một khoa toán học nhưng không thể là một khoa học thực nghiệm. Ông tin mạnh mẽ rằng tâm lý học trong thực tế đã trở thành một khoa học thực nghiệm. Nhưng trong quan niệm tổng thể của ông về tâm lý học, thí nghiệm chỉ đóng một vai trò giới hạn. Ông tin rằng có thể dùng thí nghiệm để nghiên cứu các quy trình cơ bản của tinh thần nhưng không thể dùng nó để nghiên cứu các quy trình tinh thần cao hơn. Với loại thứ hai này, chỉ có thể dùng các hình thức quan sát tự nhiên. Chúng ta sẽ thấy Wundt đề nghị nghiên cứu các quá trình tư tưởng cao hơn bằng cách nào khi chúng ta bàn đến Volkerpsychologie của ông. Tuy nhiên, thí nghiệm vẫn đóng một vai trò sinh tử đối với Wundt. Tóm lại, theo Wundt, mục tiêu của tâm lý học là tìm hiểu cả các hiện tượng ý thức đơn giản lẫn phức tạp. Với các hiện tượng đơn giản thì có thể dùng thí nghiệm, nhưng đối với các hiện tượng phức tạp thì không.

Kinh nghiệm gián tiếp và trực tiếp

Wundt tin rằng mọi khoa học đều dựa trên kinh nghiệm, và khoa học tâm lý cũng phải như thế. Nhưng loại kinh nghiệm mà tâm lý học sử dụng sẽ khác. Trong khi các khoa học khác dựa trên kinh nghiệm gián tiếp, tâm lý học phải dựa trên kinh nghiệm trực tiếp. Ví dụ, các dữ liệu mà nhà vật lý học sử dụng thì được cung cấp bởi các dụng cụ khác nhau như quang phổ kế (máy đo sóng ánh sáng) hay âm thanh đồ (máy đo tần số và cường độ sóng âm thanh). Nhà vật lý học ghi lại các dữ liệu do các máy đo này cung cấp rồi sử dụng các dữ liệu ấy để phân tích các đặc tính của thế giới vật lý. Như thế, kinh nghiệm của nhà khoa học tự nhiên là kinh nghiệm gián tiếp vì phải sử dụng máy móc. Theo Wundt, đối tượng của tâm lý học là ý thức con người như nó xảy ra. Wundt không quan tâm tới bản tính của thế giới vật lý nhưng muốn tìm hiểu các quy trình tâm linh nhờ đó chúng ta kinh nghiệm thế giới vật lý.

Sau khi đã phân lập được các yếu tố tâm linh, có thể xác định các luật chi phối sự phối hợp các yếu tố ấy thành các kinh nghiệm phức tạp. Như thế Wundt đặt ra hai mục tiêu chính cho tâm lý học thực nghiệm của ông:

1. Khám phá các yếu tố cơ bản của tư tưởng.

2. Khám phá các định luật chi phối sự kết hợp các yếu tố tâm linh thành các kinh nghiệm tâm lý phức tạp hơn.

Cách sử dụng nội quan của Wundt

Để nghiên cứu các quá trình tâm linh cơ bản trong kinh nghiệm trực tiếp, Wundt sử dụng các phương pháp khác nhau, trong đó có nội quan, hay tự quan sát chính mình. Nhưng cách sử dụng nội quan của Wundt không giống với của thánh Augustine để tìm hiểu bản tính Thượng Đế hay của Descartes để tìm ra chân lý chắc chắn. Nó cũng khác với kiểu nội quan của các nhà duy nghiệm hay duy cảm để tìm hiểu các ý tưởng và sự liên tưởng. Kiểu nội quan của Wundt gần giống với của các nhà sinh lý học, như Helmholtz, và các nhà tâm vật lý - nghĩa là, như một kỹ thuật để xác định xem một người có đang kinh nghiệm một cảm giác chuyên biệt hay không. Thực ra Wundt đã lấy lại phần lớn công trình về thính giác và thị giác mà các nhà sinh lý học đã thực hiện được và công trình về các ngưỡng tuyệt đối và ngưỡng sai biệt của các nhà tâm vật lý học. Trong thực tế, Wundt không ưa các đồng nghiệp của ông khi họ dùng nội quan theo hướng siêu hình học và ít khách quan.

Theo nghĩa giới hạn của Wundt, nội quan (tự quan sát chính mình) được sử dụng để tìm hiểu kinh nghiệm trực tiếp, nhưng không bao giờ được dùng để nghiên cứu các quy trình tâm linh cao hơn. Wundt tin rằng các quá trình sâu hơn làm chúng ta ý thức bản chất đích thực của một điều gì thì hoàn toàn vượt quá tầm với của nội quan hay bất cứ kỹ thuật thực nghiệm nào.

Các yếu tố của tư tưởng

Theo Wundt, có hai loại kinh nghiệm tâm lý chính: cảm giác và tình cảm. Một cảm giác xảy ra khi một giác quan được kích thích và kích thích nhận được này dẫn đến não. Có thể mô tả cảm giác theo loại (thị, thính, vị,...) và cường độ (vd một kích thích thính giác lớn bao nhiêu).

Mọi cảm giác đều có các tình cảm đi kèm. Wundt đạt đến kết luận này khi ông nghe tiếng đập của một cái máy đo nhịp nhạc. Ông nhận thấy một số nhịp đập dễ chịu hơn một số khác. Từ việc quan sát nội tâm mình, ông hình thành lý thuyết tình cảm ba chiều, theo đó mọi tình cảm có thể được mô tả theo mức độ mà chúng có ba thuộc tính: dễ chịu-khó chịu, kích động-bình thản, và căng thẳng-thoải mái.

Tri giác, Tri giác chú tâm và tổng hợp Sáng tạo

Các cách trình bày về hệ thống tâm lý học Wundt thường dừng lại ở sự quan tâm của ông về các yếu tố tâm lý và việc sử dụng nội quan để phân lập chúng. Các cách trình bày như thế bỏ sót một số ý tưởng quan trọng nhất của Wundt. Thực ra, các cảm giác và tình cảm là các yếu tố của ý thức, nhưng trong đời sống hằng ngày, hiếm khi chúng được kinh nghiệm biệt lập với nhau. Rất thường xuyên nhiều yếu tố được kinh nghiệm cùng một lúc, và khi ấy tri giác xảy ra. Theo Wundt, tri giác là một quy trình thụ động bị chi phối bởi kích thích vật lý hiện hành, bởi cơ cấu giải phẫu học của chủ thể, và bởi các kinh nghiệm quá khứ của chủ thể. Ba ảnh hưởng này tương tác với nhau và xác định môi trường tri giác của một người vào một lúc nhất định. Phần môi trường tri giác mà chủ thể chú ý đến thì được gọi là tổng giác (Wundt mượn thuật ngữ tri giác chú tâm của Herbart). Chú ý và tri giác chú tâm luôn đi đôi với nhau. Khác với tri giác có tính thụ động và tự động, tổng giác có tính chủ động và tự ý. Nói khác đi tri giác chú tâm nằm trong sự kiểm soát của chủ thể. Theo Wundt, sự khác biệt quyết định giữa lập trường của ông và của các nhà duy nghiệm luận là ở chỗ ông nhấn mạnh vai trò chủ động của sự chú ý. Khi các yếu tố được chủ thể chú ý đến, chúng có thể được sắp xếp và tái sắp xếp theo ý muốn của chủ thể, và như vậy tạo ra các kiểu sắp xếp mà chủ thể chưa bao giờ kinh nghiệm được trước kia. Wundt gọi hiện tượng này là sự tổng hợp sáng tạo và ông nghĩ nó xảy ra trong mọi hành vi của tri giác chú tâm. Như ta sẽ thấy khi bàn đến tác động nhân quả tâm lý đối lại nhân quả vật lý, theo Wundt, chính hiện tượng tổng hợp sáng tạo này làm cho tâm lý học khác biệt về phẩm với các khoa học vật lý.

Như ta đã thấy, Wundt quan tâm đến các cảm giác; và khi giải thích các cảm giác phối hợp để làm thành tri giác thế nào, ông có lập trường gần với thuyết liên tưởng truyền thống. Nhưng với tổng giác, ông nhấn mạnh sự chú ý, suy nghĩ, và tổng hợp sáng tạo. Về điều này, ông gần với truyền thống duy lý hơn với truyền thống duy nghiệm.

Đo thời gian tâm lý

Trong cuốn Các Nguyên Tắc của Tâm sinh Lý Học của ông, Wundt tin rằng thời gian phản ứng có thể là một kỹ thuật bổ sung cho nội quan để tìm hiểu các nội dung và hoạt động cơ bản của tinh thần. Chúng ta đã thấy ở chương 8, Friedrich Bessel thực hiện thí nghiệm đầu tiên về thời gian phản ứng để thu thập các dữ kiện có thể dùng để sửa lại các sai biệt cá nhân về thời gian phản ứng giữa những người quan sát khác nhau và ghi lại các sự kiện thiên văn. Helmholtz cũng dùng thời gian phản ứng để xác định tốc độ dẫn truyền thần kinh

Franciscus Cornelius Donders

Khoảng 15 năm sau khi Helmholtz loại bỏ kỹ thuật này, Franciscus Cornelius Donders (1818-1889), một nhà sinh lý học Hà Lan, bắt đầu một chuỗi thí nghiệm phức tạp về thời gian phản ứng. Trước tiên, Donders đo thời gian phản ứng đơn giản bằng cách để ý xem phải mất bao nhiêu thời gian để một người phản ứng lại một kích thích đã định trước (ví dụ ánh sáng) với một phản ứng định trước (ví dụ ấn một cái nút). Tiếp theo, Donders suy luận rằng nếu làm cho hoàn cảnh phức tạp hơn, ông có thể đo được thời gian cần để thực hiện các hành vi tâm lý khác nhau.

Ví dụ, trong một thí nghiệm, Donders tạo các kích thích khác nhau cho các người được ông thí nghiệm nhưng bảo họ chỉ phản ứng một kích thích mà ông chỉ định trước. Điều này đòi chủ thể phải phân biệt các kích thích trước khi phản ứng. Có thể sắp đặt theo biểu đồ sau:

Kích thích: A B C D E

$

Phản ứng: C

Thời gian cần có để thực hiện hành vi chọn lọc được xác định bằng cách trừ đi thời gian phản ứng đơn giản từ thời gian phản ứng mà cần có chọn lọc. Sau đó Donders tạo cho tình huống phức tạp hơn nữa bằng cách cho nhiều kích thích khác nhau và cho chủ thể phản ứng khác nhau với từng kích thích. Có thể sắp đặt theo biểu đồ sau:

Kích thích: A B C D E

$$$$$

Phản ứng: a b cde

Donders gọi các phản ứng trong các tình huống này là chọn lọc thời gian phản ứng, và thời gian cần để lựa chọn được xác định bằng việc lấy thời gian phản ứng chọn lọc trừ đi cả thời gian phản ứng đơn giản và thời gian phản ứng phân biệt.

Wundt sử dụng phương pháp của Donders

Wundt phấn khởi chộp ngay lấy các phương pháp của Donders, tin rằng chúng có thể cung cấp một thời gian tâm lý, nghĩa là một dụng cụ đo chính xác được thời gian cần thiết để thực hiện các hành vi khác nhau. Gần như 20 phần trăm công trình thực hiện trong thời kỳ đầu tại phòng thí nghiệm của Wundt là lặp lại hay mở rộng những nghiên cứu của Donders về thời gian phản ứng. Wundt tin chắc rằng nghiên cứu này cung cấp thêm một cách nữa (bên cạnh nội quan) để nghiên cứu thực nghiệm về tinh thần, điều mà quá nhiều người nghĩ là không thể làm được.

Ludwig Lange, một sinh viên của Wundt, đã thực hiện được một cuộc quan sát quan trọng về thời gian phản ứng. Lange thấy rằng thời gian phản ứng biến thiên tuỳ theo một chủ thể tập trung vào kích thích hay vào phản ứng. Anh thấy nếu sự chú ý được tập trung vào kích thích thì thời gian sẽ chậm hơn khoảng 1/ 10 giây. Wundt cắt nghĩa sự sai biệt này bằng cách chia các quy trình trong thời gian phản ứng thành tri giác, tổng giác, và ý chí. Những chủ thể tập trung vào phản ứng thì chỉ đơn giản nhận thấy kích thích rồi phản ứng ngay. Họ phản ứng nhanh nhưng phạm nhiều sai lầm. Còn những người tập trung vào kích thích thì trước tiên nhận ra kích thích rồi sau đó có một tổng giác về chúng. Nghĩa là trước tiên họ chỉ phát hiện một phản ứng (tri giác) rồi xác định đó có phải là kích thích mà họ đã được hướng dẫn để phản ứng một cách nào đó hay không. Wundt kết luận rằng tổng giác chiếm mất khoảng 1/10 giây vì đó chính là thời gian những người tập trung vào kích thích phản ứng chậm hơn những người tập trung vào phản ứng. Điều đáng chú ý là thời gian này cũng bằng với thời gian mà Wundt đã tìm ra để một người chuyển sự chú ý từ một tư tưởng sang một tư tưởng khác khi ông dùng "máy đo tư tưởng" năm 1862.

Nguyên nhân Tâm lý đối lại Vật lý

Wundt tin rằng tác động nhân quả tâm lý và vật lý là các "cực đối lập", bởi vì các sự kiện vật lý có thể đoán trước được dựa trên các điều kiện xảy ra trước, còn các sự kiện tâm lý thì không thể. Chính ý chí (hành vi có mục đích) là cái làm cho tính nhân quả tâm lý khác biệt về phẩm với tính nhân quả vật lý.

Wundt tóm lược lập trường của ông vào nguyên tắc kết quả sáng tạo; ông nói về nguyên tắc này như sau: "Trong mọi phối hợp tâm linh, sản phẩm không phải đơn thuần là tổng số các yếu tố riêng biệt tạo thành sự phối hợp ấy, nhưng... là một sự phối hợp mới." Một yếu tố khác khiến các sự kiện tâm linh không thể đoán trước được, đó là cái mà Wundt gọi là nguyên tắc về các mục đích dị sinh. Theo nguyên tắc này, một hành động với một mục tiêu định trước thường hiếm khi đạt được mục tiêu ấy mà thôi. Hầu như luôn luôn có một điều gì bất ngờ xảy ra, và điều bất ngờ này làm thay đổi toàn thể mẫu định hướng của hành động.

Wundt cũng sử dụng nguyên tắc tương phản để giải thích sự phức tạp của kinh nghiệm ý thức. Ông cho rằng các kinh nghiệm đối nghịch nhau thường tăng cường sức mạnh của nhau. Ví dụ, sau khi ăn món gì chua, thì ăn một món ngọt sẽ thấy ngọt hơn, và sau một kinh nghiệm đau đớn, thì kinh nghiệm một điều gì thú vị sẽ thấy thú vị hơn. Nguyên tắc liên quan với nó, nguyên tắc hướng đến sự phát triển các đối lập, phát biểu rằng sau một kinh nghiệm lâu dài về một loại, thường người ta có khuynh hướng tìm kiếm loại kinh nghiệm đối lập với nó. Nguyên tắc này không chỉ áp dụng cho đời sống cá nhân, nhưng cũng áp dụng cho lịch sử con người nói chung.

Volkerpsychologie - tâm lý học tập thể

Mặc dù Wundt dành nhiều công sức để sáng lập một khoa tâm lý học thực nghiệm như một ngành khoa học biệt lập và trải qua nhiều năm thực hiện và phân tích các thí nghiệm, ông vẫn tin rằng các quá trình tinh thần phức tạp hơn phản ánh văn hóa con người thì chỉ có thể nghiên cứu bằng phân tích lịch sử và quan sát thiên nhiên. Theo Wundt, bản chất của các quá trình tâm linh cao hơn có thể được diễn dịch từ việc nghiên cứu các sản phẩm của nền văn hóa như tôn giáo, tập tục xã hội, huyền thoại, lịch sử, ngôn ngữ, luân lý, nghệ thuật, và luật pháp. Wundt đã nghiên cứu các đề tài này trong 20 năm cuối đời ông, và nghiên cứu của ông đã được cô đọng trong bộ sách 10 quyển Volkerpsychologie (Tâm lý học "tập thể" hay "văn hóa"). Trong tác phẩm này, Wundt nhấn mạnh việc nghiên cứu ngôn ngữ, nhưng các kết luận của ông không được ai quan tâm đến mãi cho tới thời hiện đại.

Ngộ nhận lịch sử về Wundt

Bringmann và Tweney nhận xét, "Các ý niệm hiện đại của chúng ta về tâm lý học - các vấn đề, phương pháp, tương quan với các khoa học khác, và các giới hạn của tâm lý học - tất cả phát sinh phần lớn từ các nghiên cứu (của Wundt)." Ngược lại Blumenthal bình luận, "Nói một cách đơn sơ, số ít nhà nghiên cứu hiện nay về Wundt đều khá nhất trí rằng hình ảnh của Wundt như được mô tả ngày nay trong các sách giáo khoa phần lớn là do óc tưởng tượng và thường không giống mấy với hình ảnh lịch sử của ông."

Ở phần trên, chúng ta đã bàn đến một nguồn xuyên tạc các ý tưởng của Wundt: tâm lý học của Wundt phản ánh truyền thống duy lý, và tâm lý học Mỹ theo truyền thống duy nghiệm - thực chứng. Sự xuyên tạc ý tưởng của Wundt đã xảy ra từ rất sớm: "Đối với mọi sinh viên Mỹ từng đi ra nước ngoài dự các bài giảng của Wundt, rất ít điều của hệ thống tâm lý học Wundt còn tồn tại khi họ trở về." (Blumenthal, 1980, tr. 130).

Do trình bày sai ý tưởng của Wundt, tâm lý học đã đánh mất một nguồn ý tưởng vô cùng phong phú. May mắn thay, tâm lý học chính cống của Wundt đang trong tiến trình được tái khám phá, và một lý do của việc tái khám phá này có thể là do việc tâm lý học quay trở về với sự quan tâm đến nhận thức.

Created by AM Word2CHM

EDWARD BRADFORD TITCHENER

NHẬP MÔN LỊCH SỬ TÂM LÝ HỌC à Chương 9. DUY Ý CHÍ LUẬN VÀ CƠ CẤU LUẬN CÁC TRƯỜNG PHÁI CỦA TÂM LÝ HỌC ĐẦU TIÊN

Sinh tại Chichester, nước Anh, Edward Bradford Titchener (1867-1927) học trung học tại trường Malvern College, một trường trung học có tiếng. Sau đó ông đến học tại Oxford từ 1885 đến 1890, và kết quả học tập của ông luôn xuất sắc. Trong thời gian ở Oxford, ông phát triển sự quan tâm đến tâm lý học thực nghiệm và đã dịch sang tiếng Anh tác phẩm của Wundt Các Nguyên Tắc của Tâm Sinh Lý Học (ấn bản lần thứ 3). Sau khi tốt nghiệp tại Oxford, Titchener sang Leipzig và theo học với Wundt hai năm.

Trong năm đầu ở Leipzig, Titchener làm bạn với Frank Angell, một bạn học sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc đưa Titchener sang Hoa Kỳ. Sau khi học xong với Wundt, Angell về Đại học Cornell ở Ithaca, New York để lập một phòng thí nghiệm tâm lý học. Nhưng chỉ sau một năm, Angell quyết định nhận một chức vụ tại Đại học Stanford. Khi Titchener đậu bằng tiến sĩ năm 1892, ông được đề nghị đến làm việc thay thế Angell. Ông cũng được đề nghị một việc làm tại Oxford, nhưng ông không chấp nhận vì ở đây không có đủ các phương tiện phòng thí nghiệm. Năm 1892 ông nhận đề nghị của Đại học Cornell và đã mau chóng triển khai chương trình tiến sĩ lớn nhất về tâm lý học tại Hoa Kỳ. Khi Titchener đến Cornell, ông 25 tuổi, và ông ở lại đây cho tới cuối đời.

Các Mục tiêu của Tâm lý học

Titchener đồng ý với Wundt rằng tâm lý học phải nghiên cứu kinh nghiệm trực tiếp - nghĩa là nghiên cứu về ý thức. Ông định nghĩa ý thức như là tổng số kinh nghiệm tâm lý vào một lúc nhất định, và tinh thần như là sự tích tụ các kinh nghiệm của cả đời người. Mục tiêu Titchener đặt ra cho tâm lý học là xác định đời sống tinh thần là gì, thế nào, và tại sao.

Khác với Wundt, Titchener không tìm cách giải thích kinh nghiệm ý thức bằng các quy trình nhận thức không quan sát được; ông chỉ tìm cách mô tả kinh nghiệm tâm linh. Chấp nhận thuyết thực chứng của Ernst Mach, Titchener tin rằng các sự kiện mà không thể quan sát thì không có chỗ trong khoa học. Điều đáng chú ý là Titchener có cùng lập trường trong việc sử dụng lý thuyết giống như lập trường của B. F. Skinner sau này (xem chương 13). Đối với cả hai, lý thuyết có nghĩa là đi vào thế giới suy tư siêu hình học; và cũng đối với cả hai, khoa học có nghĩa là mô tả cẩn thận những gì có thể quan sát được. Tuy nhiên, trong khi Skinner tập trung vào hành vi có thể quan sát được, thì Titchener tập trung vào các sự kiện ý thức có thể quan sát được (nhờ nội quan). Điều Titchener muốn tập trung mô tả là cơ cấu của tinh thần, vì thế ông đặt tên cho loại tâm lý học của ông là cơ cấu luận (Titchener, 1899).

Cái mà Titchener tìm kiếm là một kiểu bảng tuần hoàn cho các yếu tố tâm lý, giống như các nhà hóa học đã triển khai bảng tuần hoàn cho các yếu tố vật lý. Sau khi đã phân lập được các yếu tố cơ bản, thì có thể xác định được các luật chi phối sự kết hợp của chúng thành các kinh nghiệm phức tạp hơn. Sau cùng, có thể xác định các sự kiện sinh lý thần kinh gây ra các hiện tượng tâm lý. Bằng cách đó, Titchener đã đặt ra ba mục tiêu chính cho tâm lý học thực nghiệm của ông:

1. Khám phá các yếu tố cơ bản của tư tưởng.

2. Khám phá các luật nhờ đó các yếu tố kết hợp thành các kinh nghiệm tâm lý phức tạp hơn.

3. Xác định các sự kiện sinh lý thần kinh tương ứng với các kinh nghiệm tâm lý.

Năm 1899 Titchener xác định mục tiêu của cơ cấu luận là mô tả bản chất đời sống tâm lý là gì. Việc xác định đời sống tâm linh để làm gì thì ông dành lại cho người khác tìm hiểu.

Cách sử dụng nội quan của Titchener

Cách sử dụng nội quan của Titchener phức tạp hơn của Wundt. Điển hình, các chủ thể nghiên cứu của Wundt chỉ đơn giản cho biết có kinh nghiệm nào xảy ra do một kích thích của sự vật hay sự kiện bên ngoài hay không. Còn các chủ thể của Titchener phải tìm kiếm các yếu tố thành phần của các kinh nghiệm họ có. Họ phải mô tả các yếu tố cơ bản và sơ đẳng của kinh nghiệm từ đó các kinh nghiệm nhận thức phức tạp hơn được xây dựng. Vì vậy các chủ thể của Titchener cần phải được đào tạo kỹ lưỡng để tránh báo cáo về ý nghĩa của một kích thích. Gọi đối tượng là một quả táo sẽ là phạm một sai lầm về kích thích, theo thuật ngữ của Titchener. Trong trường hợp này, Titchener muốn các chủ thể nghiên cứu của ông báo cáo các cảm giác, chứ không phải tri giác. Titchener nói, "Nội quan xuyên qua lăng kính của ý nghĩa... là cái tội cố hữu của nhà tâm lý học mô tả." (1899, tr. 291).

Vào cuối đời Titchener tỏ ra phóng khoáng hơn trong cách sử dụng nội quan của ông. Ông thấy rằng để cho các người làm nội quan chỉ đơn giản mô tả kinh nghiệm của họ về hiện tượng có thể là một nguồn thông tin quan trọng. Nghĩa là, chấp nhận báo cáo trực tiếp về kinh nghiệm thường ngày của một "người quan sát" phi khoa học có thể dẫn đến các khám phá khoa học quan trọng. Tiếc thay, Titchener đã chết trước khi ông và các học trò của ông có dịp khai thác khả năng mới này.

Các yếu tố của tâm lý

Từ các nghiên cứu nội quan của ông, Titchener kết luận rằng các quá trình sơ đẳng của ý thức gồm các cảm giác (các yếu tố của tri giác), hình ảnh (các yếu tố của ý tưởng), và tình cảm (các yếu tố của cảm xúc). Theo Titchener, một yếu tố chỉ có thể biết được bằng cách liệt kê ra các thuộc tính của nó. Các thuộc tính của cảm giác và hình ảnh (cái còn lại sau cảm giác) gồm phẩm tính, cường độ, thời gian dài hay ngắn, sự sáng sủa, và trương độ. Trương độ là ấn tượng về một cảm giác hay hình ảnh trải rộng hay hẹp trong không gian. Các tình cảm có thể có các thuộc tính là phẩm tính, cường độ, và thời gian ngắn dài, nhưng không có sự sáng sủa hay trương độ.

Luật phối hợp

Sau khi Titchener đã phân lập các yếu tố của tư tưởng, bước tiếp theo là xác định chúng phối hợp với nhau thế nào để hình thành các quá trình tâm lý phức tạp hơn. Khi giải thích sự phối hợp này thế nào, Titchener bác bỏ các ý niệm tổng giác và tổng hợp sáng tạo của Wundt, và ông ủng hộ lập trường về liên tưởng của truyền thống.

Titchener quan niệm thế nào về sự chú ý, vốn là một quy trình rất quan trọng đối với Wundt? Theo Titchener, chú ý chỉ là một thuộc tính của cảm giác (sự sáng sủa). Theo Titchener, không có một quy trình tổng giác để tạo ra sự sáng sủa; chỉ đơn giản là một số cảm giác sinh động hơn và sáng sủa hơn các cảm giác khác, và chúng ta nói mình chú ý là chú ý đến các cảm giác sáng sủa này. Các cảm giác mơ hồ của chúng ta đi kèm theo "sự chú ý" chỉ là các sự co thắt cơ đi kèm theo các cảm giác sinh động mà thôi.

Như thế, khi giải thích các quá trình tâm lý diễn ra thế nào. Titchener chấp nhận thuyết liên tưởng truyền thống, và như vậy ông đứng về phía các nhà duy nghiệm luận Anh.

Các hiện tượng sinh lý thần kinh tương ứng với các yếu tố tâm linh

Trong khi Wundt ngả theo thuyết lưỡng diện trong các niềm tin của ông về sự tương quan tinh thần-thân xác, Titchener chấp nhận thuyết hiện tượng phụ. Nghĩa là ông tin rằng các quá trình thần kinh luôn luôn đi trước các quy trình tâm lý. theo Titchener, cách gần nhất chúng ta có thể hiểu về cái tại sao của các quá trình tâm lý là hiểu rằng các quy trình thần kinh dẫn trước các quy trình tâm lý.

Như vậy, rốt cuộc các quy trình sinh lý thần kinh là cái tại sao của các quy trình tâm lý, nếu chúng ta hiểu cái tại sao với nghĩa là sự mô tả các hoàn cảnh mà các quy trình tâm lý xảy ra.

Lý thuyết về Ý nghĩa Bối cảnh

Chúng ta hiểu từ ý nghĩa là gì? Một lần nữa, câu trả lời của Titchener lại dựa theo thuyết liên tưởng. Các cảm giác không bao giờ xảy ra đơn độc. Theo luật tương cận, mọi cảm giác có khuynh hướng khơi dậy các hình ảnh của các cảm giác mà ta đã kinh nghiệm trước đó. Một cảm giác hay một nhóm cảm giác sinh động làm thành một bối cảnh để tạo ra ý nghĩa cốt yếu. Một cái lúc lắc có thể gợi ra hình ảnh của đứa bé chơi cái lúc lắc, và như thế tạo ý nghĩa về cái lúc lắc cho người quan sát. Một tấm hình của người mình yêu gợi ra nhiều hình ảnh liên quan đến các lời nói hay hành động của người mình yêu và vì thế tạo cho tấm ảnh một ý nghĩa. Ngay cả với một khái niệm rất duy lý về ý nghĩa như thế, lý thuyết bối cảnh về ý nghĩa của Titchener cũng vẫn dựa theo khuynh hướng triết học duy nghiệm và liên tưởng của ông.

Thuyết ý chí của Wundt và thuyết cơ cấu của Titchener có rất ít điểm chung với nhau. Kiểu tâm lý học của Wundt gần với tư tưởng của các nhà duy lý như Leibniz, Herbart, Spinoza, Hegel, và Kant hơn là với tư tưởng của các nhà duy nghiệm như Hobbes, Locke, Berkeley, và Hume. Với Titchener thì ngược lại. Theo Blumenthal (1970, 1975, 1979), người chịu trách nhiệm phần lớn trong việc minh giải lập trường thực sự của Wundt, ông cho rằng chính cách sử dụng lúc ban đầu của Wundt về từ yếu tố là nguyên nhân khiến ông bị quá nhiều người hiểu lầm:

Ngày nay, tôi không thể không tự hỏi liệu Wundt ý niệm gì về điều có thể xảy ra khi ông chọn từ "Elemente" như một phần tựa đề của một chương sách hay không. Các thế hệ sau này đã hăng hái chộp lấy từ này với một sự say mê quá mức khiến rốt cuộc đã dẫn đến chỗ biến đổi Wundt thành một cái gì gần như đối nghịch hẳn với Wundt gốc. (1979, tr. 549).

Created by AM Word2CHM

CÁC PHƯƠNG PHÁP TÂM LÝ HỌC KHÁC TRONG THỜI KỲ ĐẦU

NHẬP MÔN LỊCH SỬ TÂM LÝ HỌC à Chương 9. DUY Ý CHÍ LUẬN VÀ CƠ CẤU LUẬN CÁC TRƯỜNG PHÁI CỦA TÂM LÝ HỌC ĐẦU TIÊN

Mặc dù thuyết ý chí của wundt và thuyết cơ cấu của Titchener đã ngự trị tâm lý học suốt nhiều năm, không hẳn không có những người phê bình chúng. Các giả thiết của cả hai trường phái này đã thực sự bị thách thức, và các thách thức này đã dẫn đến sự phát triển các trường phái tâm lý học khác.

Franz Clemens Brentano

Franz Clemens Brentano (1838-1917) sinh ngày 16 tháng 1, là cháu nội một thương gia Ý đã di cư đến thành phố Manenburg của Đức, nơi Brentano sinh ra. Giống như Wundt, gia đình Brentano có nhiều thành viên nổi tiếng: Một số bác và dì của ông là các nhà văn theo truyền thống lãng mạn Đức, và anh ông được một giải Nobel nhờ tác phẩm về lịch sử trí thức. Năm 1862 ông nhận bằng tiến sĩ của Đại học Tubingen, với luận án nhan đề "Về Sự Đa Nghĩa của Hữu Thể theo Aristotle." Năm 1874 ông được bổ nhiệm ghế giáo sư triết học tại Đại học Vienna, và tại đây là thời gian sản xuất rất dồi dào của Brentano. Trong cùng năm, ông đã xuất bản tác phẩm nổi tiếng nhất của ông, Tâm Lý Học Xét Từ Quan Điểm Thường Nghiệm (1874). (Cùng năm này Wundt xuất bản Các Nguyên Tắc của Tâm Sinh Lý Học).

Brentano đồng ý với Wundt về các giới hạn của tâm lý học thực nghiệm. Ông cũng đồng ý với Titchener về tầm quan trọng của việc hiểu biết các cơ cấu sinh lý đằng sau các sự kiện tâm lý. Theo Brentano, việc nghiên cứu tâm lý thích hợp nhất là phải nhấn mạnh các quá trình của tinh thần hơn là đi tìm nội dung của nó.

Quan điểm của Brentano sẽ được gọi là tâm lý học hành vi, bởi vì ông tin rằng các quá trình tinh thần đều nhằm thực hiện một chức năng nào đó. Trong số các hành vi của tinh thần, ông bao gồm phán đoán, nhớ lại, mong đợi, suy diễn, hoài nghi, yêu, ghét, và hi vọng. Hơn nữa, mỗi hành vi tinh thần đều chỉ về một đối tượng bên ngoài nó. Ông dùng từ ý hướng tính để mô tả sự kiện mọi hành vi tinh thần đều kết nạp một cái gì ở bên ngoài vào trong nó. Như thế Brentano phân biệt rõ giữa việc thấy màu đỏ với màu đỏ được thấy. Thấy là một hành vi, và trong trường hợp này đối tượng của nó là màu đỏ. Hành vi và nội dung (đối tượng) không thể tách rời nhau; mọi hành vi tinh thần đều hướng về một đối tượng hay sự kiện là nội dung của hành vi ấy.

Để nghiên cứu các hành vi tinh thần và ý hướng tính, Brentano phải dùng một dạng nội quan mà cả Wundt lẫn Titchener đều ghét. Kiểu nội quan Brentano sử dụng là nội quan hiện tượng luận - nghĩa là phân tích nội quan nhắm tới các kinh nghiệm ý nghĩa và toàn diện. Rõ ràng, giống như Wundt, Brentano đi theo truyền thống duy lý luận, theo ông, tinh thần thì chủ động - không thụ động như các nhà duy nghiệm luận Anh và Pháp và các nhà cơ cấu luận đã nghĩ.

Brentano viết rất ít, vì ông tin rằng truyền đạt bằng lời là hiệu quả nhất, và ảnh hưởng chính của ông đối với tâm lý học đều thông qua những người mà ông đã trực tiếp thông truyền; và như ta sẽ thấy, số này rất đông. Một trong số nhiều học trò của ông sau này trở thành nổi tiếng là Sigmund Freud, là người chỉ thụ giáo Brentano về các giáo trình ngoài y khoa. Phần lớn những gì sau này trở thành tâm lý học Gestalt và tâm lý học hiện sinh ngày nay đều có nguồn gốc từ Brentano.

Carl Stumpf

Carl Stumpf(1848-1936) là học trò của Brentano. Quan tâm chủ yếu của ông là nghiên cứu về âm nhạc và ông đã thành danh trong - nghiên cứu về thính giác ngang ngửa với danh tiếng của Helmholtz. Tác phẩm ảnh hưởng nhất của ông là Tâm Lý Học về Âm Thanh (1883 và 1890). Trong khi đi sâu vào tranh luận với Wundt về sự tri giác các âm điệu, Stumpf chủ trương rằng phán đoán của các nhạc sĩ chuyên môn về âm điệu thì có giá trị hơn phán đoán của các nhà nội quan mà không phải là nhạc sĩ.

Stumpf lập một phòng thí nghiệm tâm lý học ở Đại học Berlin cạnh tranh thẳng mặt với phòng thí nghiệm của Wundt tại Leipzig. Tại phòng thí nghiệm của Stumpf, việc nghiên cứu được tập trung vào tri giác về không gian và thính giác.

Giống như Brentano, Stumpf lý luận rằng các sự kiện tâm linh phải được nghiên cứu theo các đơn vị ý nghĩa, đúng như chúng xảy ra cho cá nhân, chứ không được cắt nhỏ ra để phân tích xa thêm. Nói khác đi, đối tượng nghiên cứu tâm lý học của Stumpf là các hiện tượng tâm linh, chứ không phải các yếu tố ý thức. Lập trường này dẫn tới thuyết hiện tượng luận sẽ trở thành nền móng cho trường phái tâm lý học hình thức (Gestalt) sau này. Trên thực tế, ghế giáo sư mà Stumpf vốn nắm giữ tại Đại học Berlin trong 26 năm sẽ được chuyển giao cho nhà tâm lý học hình thức (Gestalt) vĩ đại Wolfgang Kohler. Hai nhà sáng lập tâm lý học hình thức (Gestalt) khác là Max Wertheimer và Khurt Koffka cũng từng là học trò của Stumpf.

Edmund Husserl

Edmund Husserl (1859-1938) thụ giáo Brentano từ năm 1884 đến 1886, sau đó làm việc với Stumpf và đã đề tặng cho Stumpf cuốn sách Truy cứu Luận lý học (1900-1901) của mình. Husserl chấp nhận khái niệ m ý hướng tính của Brentano, theo đó các hành vi tinh thần có các chức năng theo nghĩa là chúng nhắm tới một cái gì đó ở bên ngoài chúng. Theo Brentano, các hành vi tinh thần là phương tiện để chúng ta tiếp xúc với thế giới vật chất. Còn theo Husserl, nghiên cứu ý hướng tính chỉ tạo ra một loại tri thức mà thôi, đó là tri thức của con người hướng ra môi trường bên ngoài. Tri thức đạt được về con người hướng vào bên trong cũng quan trọng như thế. Loại nghiên cứu thứ nhất sử dụng nội quan để xem xét các hành vi tinh thần liên quan đến thế giới vật lý. Loại thứ hai sử dụng nội quan để xem xét mọi kinh nghiệm chủ quan đúng như nó xảy ra, mà không cần liên hệ tới một cái gì khác. Vì vậy theo Husserl, ít là có hai loại nội quan: một tập trung vào ý hướng tính và một tập trung vào bất cứ quy trình nào mà một người kinh nghiệm một cách chủ quan. Ví dụ, loại thứ nhất sẽ hỏi hành vi thấy nhắm đến đối tượng bên ngoài nào, còn loại thứ hai tập trung vào việc mô tả kinh nghiệm thấy thuần túy. Cả hai loại nội quan đều tập trung vào kinh nghiệm hiện tượng, nhưng vì loại thứ hai tập trung vào bản chất của các quy trình tinh thần, nên Husserl gọi nó là hiện tượng luận thuần túy.

Phương pháp của các khoa học tự nhiên không thích hợp để nghiên cứu các hiện tượng tinh thần

Husserl nghĩ những ai tin rằng tâm lý học phải là một khoa học thực nghiệm đều phạm phải sai lầm là lấy các khoa học tự nhiên làm mẫu mực cho tâm lý học. Ông không bác bỏ việc có thể có một khoa tâm lý học thực nghiệm, ông chỉ nói rằng nó phải được chuẩn bị trước bằng một phân tích hiện tượng luận kỹ lưỡng và nghiêm khắc.

Nói cách khác, Husserl tin rằng sẽ là quá sớm để thực hiện các thí nghiệm về tri giác, trí nhớ, và tình cảm, nếu trước đó không biết được yếu tính (bản chất) của các quy trình này. Không có một tri thức như thế, người làm thí nghiệm không biết rằng chính bản chất của cái mà họ đang nghiên cứu có thể ảnh hưởng thế nào đối với cái được tìm thấy, hay các kinh nghiệm đã được tổ chức lúc ban đầu như thế nào.

Mục tiêu của Husserl

Mục tiêu của Husserl là tạo ra một sự phân loại tinh thần. Ông muốn mô tả các yếu tính của tinh thần nhờ đó con người tự kinh nghiệm về mình, về những người khác, và về thế giới.

Theo định nghĩa, một yếu tính phải là một sự kiện hay thực thể có tính phổ quát, không thay đổi bề ngoài theo thời gian, và tuyệt đối. Ngược lại, một yếu tính không gắn liền với một văn hóa hay thời đại lịch sử nhất định, không giới hạn vào ý kiến cá nhân, và không lệ thuộc các lập luận luận lý học. (Jennings, 1986, tr. 1232).

Husserl tin rằng cần phải có một mô tả về các yếu tính tinh thần như thế trước khi có bất cứ cố gắng nào để tìm hiểu các sự tương tác giữa con người với môi trường của họ và bất cứ khoa học tâm lý nào. Thực vậy, ông tin rằng một sự hiểu biết như thế là cơ bản cho mọi khoa học bởi vì mọi khoa học đều cơ bản dựa vào các thuộc tính tinh thần của con người. Ông gọi cố gắng của ông là hiện tượng luận thuần túy bởi vì nó tìm kiếm các yếu tính tinh thần chứ không quan tâm tới việc tinh thần tương quan với thế giới bên ngoài thế nào. Như thế, nghiên cứu ý hướng tính của Brentano có thể gọi là hiện tượng luận, nhưng không phải là loại hiện tượng luận thuần túy mà Husserl tìm kiếm.

Lập trường của Husserl khác một cách cơ bản với lập trường của các nhà cơ cấu luận, ở chỗ Husserl cố gắng xem xét các ý nghĩa và các yếu tính, chứ không phải các yếu tố tinh thần, nhờ nội quan. Husserl cũng khác với Brentano, thầy của ông, và với Stumpf, đồng nghiệp của ông, ở chỗ ông nhấn mạnh vào hiện tượng luận thuần túy mà không quan tâm mấy về việc xác định mối tương quan giữa kinh nghiệm chủ quan và thế giới vật lý.

Cả Brentano, Stumpf, và Husserl đều nhấn mạnh rằng nội dung của tâm lý học là các kinh nghiệm tâm linh toàn diện và ý nghĩa. Phương pháp hiện tượng luận này sẽ sớm xuất hiện trong tâm lý học hình thức (Gestalt) và tâm lý học hiện sinh. Martin Heidegger, một trong các nhà triết học hiện sinh nổi tiếng nhất của thời hiện đại, đã đề tặng cho Husserl tác phẩm của mình nhan đề Hữu Thể và Thời Gian (1927).

Oswald Kulpe

Oswald Kulpe (1862-1915) có một lãnh vực quan tâm rất rộng bao gồm âm nhạc, lịch sử, triết học, và tâm lý học. Trong thời kỳ ông chủ yếu quan tâm đến triết học, ông đã viết 5 quyển sách về triết học cho các độc giả không chuyên, trong số các sách ấy có một sách viết về triết học Kant. Trong thời gian đang học về lịch sử tại Đại học Leipzig, ông quay sang quan tâm tới tâm lý học khi ông dự các bài giảng của Wundt. Dưới sự dẫn dắt của Wundt, Kulpe đậu bằng tiến sĩ năm 1887, và ở lại làm trợ tá cho Wundt trong 8 năm tiếp theo. Trong thời gian này, ông gặp và ở cùng phòng với Titchener, và tuy hai người thường bất đồng với nhau, họ đã duy trì được sự kính trọng lẫn nhau. Trên thực tế, Titchener sau này đã dịch sang tiếng Anh một số sách của Kulpe. Năm 1894 Kulpe chuyển sang Đại học Wurzburg, tại đây trong 15 năm liền ông đã thực hiện các công trình quan trọng nhất của ông về tâm lý học. Năm 1909 ông bỏ Wurzburg và đến Đại học Bonn rồi Đại học Munich. Sau khi bỏ Wurzburg, Kulpe ngày càng quan tâm hơn đến triết học. Ông mất năm 1915 trong khi đang làm việc về các vấn đề tri thức luận.

Tư tưởng không hình ảnh

Mặc dù xuất phát trong truyền thống Wundt, Kulpe đã trở thành một trong những đối thủ xứng đáng nhất của Wundt. Kulpe không đồng ý với quan niệm của Wundt cho rằng mọi tư tưởng đều phải có một vật đối chiếu chuyên biệt - nghĩa là một cảm giác, hình ảnh, hay tình cảm. Theo Kulpe, một số tư tưởng không có hình ảnh nào hết. Hơn nữa, ông không đồng ý với Wundt về việc cho rằng các quá trình tinh thần cao hơn (suy nghĩ) không thể nghiên cứu bằng thực nghiệm, và ông bắt đầu làm điều này bằng cách sử dụng phương pháp mà ông gọi là kỹ thuật nội quan thực nghiệm hệ thống. Kỹ thuật này gồm việc cho các chủ thể thí nghiệm các vấn đề phải giải quyết rồi xin họ báo cáo về các hoạt động tinh thần họ đang có để giải quyết chúng. Thêm vào đó, các chủ thể được yêu cầu mô tả các loại suy nghĩ khác nhau trong mỗi giai đoạn giải quyết vấn đề. Họ được yêu cầu báo cáo các kinh nghiệm tinh thần của họ trong khi chờ đợi vấn đề được trình bày, trong khi thực sự giải quyết vấn đề, và sau khi vấn đề đã được giải quyết.

Phương pháp nội quan phức tạp hơn này của Kulpe cho thấy rằng thực sự có các tư tưởng không hình ảnh như tìm kiếm, nghi ngờ, tin tưởng, và do dự.

Tập hợp tinh thần

Công trình ảnh hưởng nhất của ông trong thời kỳ ở Đại học Wurzburg là về Einstellung, hay tập hợp tinh thần. Ông nhận thấy rằng cho các chủ thể tập trung vào một vấn đề đặc thù nào đó sẽ tạo ra một khuynh hướng xác định kéo dài cho tới khi vấn đề được giải quyết. Hơn nữa, mặc dù khuynh hướng hay tập hợp này hoạt động, chủ thể không ý thức về nó; nghĩa là nó hoạt động trên bình diện vô thức. Ví dụ, một nhân viên kế toán có thể lập bảng cân đối mà không ý thức rằng mình đang làm tính cộng hay tính trừ. Người ta thấy rằng các tập hợp tinh thần có thể được khơi dậy cách thực nghiệm qua việc hướng dẫn các chủ thể làm các nhiệm vụ khác nhau hay giải quyết các vấn đề khác nhau. Các tập hợp tinh thần cũng có thể là kết quả của các kinh nghiệm quá khứ của một người.

Các khám phá khác của trường phái Wurzburg

Ngoài việc chứng minh tầm quan trọng của tập hợp tinh thần trong việc giải quyết vấn đề, các thành viên của trường Wurzburg còn chứng minh rằng các vấn đề có các thuộc tính về động lực. Một cách nào đó, các vấn đề thúc đẩy các chủ thể tiếp tục áp dụng các hoạt động tinh thần liên quan cho tới khi đạt đến một giải pháp. Khía cạnh động lực trong việc giải quyết vấn đề sẽ được các nhà tâm lý học hình thức (Gestalt) nhấn mạnh sau này. (Wertheimer, một trong các người sáng lập trường phái tâm lý học hình thức (Gestalt), đã viết luận án tiến sĩ của mình dưới sự bảo trợ của Kulpe.)

Trường phái Wurzburg đã chứng minh rằng các quy trình tinh thần cao hơn có thể được nghiên cứu bằng thực nghiệm, và một số quy trình tinh thần xảy ra độc lập với nội dung (nghĩa là, chúng không có hình ảnh). Trường phái này cũng cho thấy thuyết liên tưởng không đủ để giải thích các hoạt động tinh thần và họ thách thức việc sử dụng phương pháp nội quan của các nhà tâm lý học theo thuyết ý chí và thuyết cơ cấu.

Các vấn đề tranh luận của trường phái Wurzburg đã có công nhiều trong việc dẫn đến sự sụp đổ của cả thuyết ý chí lẫn cơ cấu luận. Có hay không có các tư tưởng khung hình ảnh? Có thể có người có các tư tưởng không hình ảnh và có người không có? Nếu thế, điều này ảnh hưởng thế nào đối với việc tìm kiếm các chân lý phổ quát về tinh thần? Phương pháp nội quan có thể được sử dụng thích đáng như thế nào? Khó khăn nặng nhất là các cá nhân dùng cùng một phương pháp nghiên cứu (nội quan) lại đi đến các kết luận rất khác nhau. Càng ngày người ta càng cảm thấy mọi phương pháp nội quan đều không đáng tin cậy. Câu hỏi này về giá trị của nội quan như là một công cụ nghiên cứu đã có tác dụng lớn trong việc phát sinh trường phái hành vi (xem chương 12).

Hermann Ebbinghaus

Hermann Ebbinghaus (1850-1909) sinh ngày 23 tháng 1 tại thành phố công nghiệp Bannen, gần Bonn. Cha ông là một thương gia giàu có trong ngành giấy và dệt. Ông học các ngôn ngữ cổ điển, lịch sử, và triết học tại Đại học Bonn, Halle, và Berlin trước khi đậu tiến sĩ tại Đại học Bonn năm 1873. Ông viết luận án tiến sĩ về triết học Hartmann về vô thức. Ba năm rưỡi sau đó ông dành thời gian đi chu du tại Anh và Pháp. Tại Luân Đôn ông mua và đọc Các Yếu Tố của Tâm Vật lý học của Fechner, và rất ấn tượng về nó. Sau này Ebbinghaus đề tặng cho Fechner tác phẩm của ông nhan đề Lược thảo Tâm Lý Học (1902) và nói về Fechner như sau: "Tôi mắc nợ ông mọi sự." Không biết về quan niệm của Wundt rằng các quá trình tư tưởng cao hơn không thể nghiên cứu bằng thực nghiệm, Ebbinghaus đã tiến hành nghiên cứu một cách có hệ thống về việc học tập và trí nhớ.

Ebbinghaus bắt đầu công việc nghiên cứu tại nhà riêng của ông ở Berlin năm 1878, và các nghiên cứu ban đầu của ông đã được viết để hỗ trợ đơn xin của ông làm giảng viên tại Đại học Berlin. Nghiên cứu của Ebbinghaus dẫn đến các kết quả cuối cùng được ông trình bày trong một khảo luận chuyên đề với tựa đề Về Trí Nhớ: Một Nghiên Cứu về Tâm Lý Học Thực Nghiệm (1855), là tác phẩm đánh dấu một bước ngoặt trong tâm lý học. Đây là lần đầu tiên các quy trình học tập và trí nhớ được nghiên cứu đang khi chúng xảy ra thay vì sau khi chúng đã xảy ra. Hơn nữa, chúng được nghiên cứu cách thực nghiệm. Tác phẩm Các Nguyên Tắc của Tâm Lý Học (1897) của Ebbinghaus được sử dụng rộng rãi làm sách giáo khoa nhập môn tâm lý học, cũng như cuốn Đề Cương Tâm Lý Học của ông.

Chất liệu vô nghĩa

Để nghiên cứu về việc học tập đang khi nó xảy ra, Ebbinghaus cần có chất liệu chưa từng được kinh nghiệm trước đó. Vì vậy ông tạo ra một mớ hai ngàn ba trăm "âm tiết vô nghĩa." Đúng ra, không phải các âm tiết của ông vô nghĩa hay ít ý nghĩa, nhưng là một chuỗi âm tiết không có ý nghĩa. Hoffman và các tác giả khác (1986) cho thấy rằng nhiều âm tiết của Ebbinghaus thực ra là các từ và nhiều âm tiết khác rất gần với các từ. Nghĩa là không phải chính các âm tiết vô nghĩa nhưng một chuỗi các âm tiết như thế vô nghĩa. Ebbinghaus chọn một chuỗi âm tiết để cho người ta học. Chuỗi thường gồm 12 âm tiết, tuy nhiên ông thay đổi số lượng của mỗi nhóm âm tiết để nghiên cứu tốc độ học căn cứ theo lượng chất liệu phải học. Giữ các âm tiết theo cùng thứ tự, và lấy mình làm chủ thể thí nghiệm, ông nhìn vào mỗi âm tiết trong một phần của giây. Sau khi nhìn qua hết danh sách các âm tiết theo kiểu này, ông ngưng lại 15 giây và nhìn lại danh sách ấy một lần nữa. Ông tiếp tục như thế cho đến khi ông có thể đọc to mỗi âm tiết mà không phạm lỗi: đó là lúc đạt đến thành thạo.

Sau khi đã thành thạo, cứ thỉnh thoảng ông lại học lại nhóm các âm tiết. Ông ghi lại số lần phải học để học lại nội dung và lấy số lần học ban đầu trừ đi số lần học lại này. Hiệu số giữa lần học đầu với lần học lại, ông gọi là đơn vị tiết kiệm. Dùng các đơn vị tiết kiệm làm hàm số thời gian, Ebbinghaus đã tạo ra đường cong trí nhớ đầu tiên của tâm lý học. Ông thấy rằng chúng ta quên nhanh nhất trong ít giờ đầu tiên sau khi học và sau đó tương đối chậm. Và ông thấy rằng nếu ông học dư mức chất liệu ban đầu (nghĩa là vẫn học tiếp sau khi đã thành thạo), tốc độ quên sẽ giảm đi rất nhiều. Ebbinghaus cũng nghiên cứu hiệu quả của ý nghĩa trong việc học tập và trí nhớ. Ví dụ, ông thấy rằng học 80 âm tiết bất kỳ thì phải mất số thời gian nhiều gấp 10 lần học 80 âm tiết liên tiếp của cuốn Don Juan của Byron.

Người ta cũng thường hiểu sai Ebbinghaus và cho rằng ông theo truyền thống duy nghiệm. Nhưng Hoffman và các tác giả khác (1986) cho rằng hoàn toàn không phải như thế. Ông thường trích dẫn Herbart, và các đề tài ông quan tâm nhất - như ý nghĩa, hình ảnh, và khác biệt cá nhân về cách nhận thức - đều theo truyền thắng duy lý, chứ không phải duy nghiệm.

Created by AM Word2CHM

SỰ SUY TÀN CỦA CƠ CẤU LUẬN

NHẬP MÔN LỊCH SỬ TÂM LÝ HỌC à Chương 9. DUY Ý CHÍ LUẬN VÀ CƠ CẤU LUẬN CÁC TRƯỜNG PHÁI CỦA TÂM LÝ HỌC ĐẦU TIÊN

Chúng ta cần lưu ý rằng duy ý chí luận của Wundt vẫn còn có người theo trong thời hiện đại, nhưng cơ cấu luận của Titchener thì không. Thực vậy, có nhiều chứng cớ cho thấy nhiều ý tưởng của Wundt vẫn còn rất sinh động và vững vàng trong tâm lý học hiện đại trong khi không có ý tưởng cơ bản nào của hệ thống Titchener còn tồn tại. Vấn đề là cái gì đã làm cho cơ cấu luận biến mất?

Xét về nhiều phương diện, sự suy tàn của cơ cấu luận là điều tất yếu. Chúng ta đã thấy rằng sự quan tâm đến tinh thần cũng xưa như chính lịch sử, và vấn đề tinh thần tương quan thế nào với thân xác là vấn đề đã có ít là từ thời các nhà triết học Hy Lạp đầu tiên. Tập trung chủ yếu vào thế giới vật lý, khoa học thời kỳ đầu thành công vô cùng, và thành công của nó đã kích thích sự quan tâm đến việc đưa phương pháp khoa học áp dụng vào tinh thần. Vì cả người duy nghiệm lẫn duy lý đều từ lâu tin rằng các giác quan là cửa ngõ của tinh thần, nên không lạ gì các quy trình của giác quan là những điều đầu tiên mà khoa học tập trung vào khi nó được áp dụng cho con người. Từ đó chỉ còn một bước rất ngắn và lô gích để nghiên cứu sự dẫn truyền thần kinh, các cơ chế vận hành của não, và sau cùng, các cảm giác ý thức.

Cơ cấu luận chủ yếu là một cố gắng nghiên cứu bằng khoa học những điều vốn là mối quan tâm triết học trong quá khứ. Các dữ liệu của giác quan làm phát sinh các cảm giác đơn giản như thế nào, và các cảm giác này sau đó kết hợp với nhau thế nào để tạo thành các sự kiện tinh thần phức tạp hơn? Dụng cụ chính của các nhà cơ cấu luận, và cả của các đối thủ của họ, là phương pháp nội quan. Ngay cả phương pháp nội quan cũng là di sản của quá khứ. Mặc dù bây giờ nó được dùng một cách khoa học, nội quan mang đến các kết quả khác nhau tùy theo ai sử dụng nó và tuỳ theo họ tìm kiếm cái gì. Các lý luận khác chống lại nội quan bắt đầu xuất hiện. Người ta vạch ra rằng cái được gọi là nội quan thực ra là sự hồi cố, vì sự kiện được báo cáo đã xảy ra rồi và vì thế cái đang được báo cáo là sự nhớ lại một cảm giác hơn là chính cảm giác. Người ta cũng cho rằng không thể quan sát nội quan một cái gì mà không đồng thời làm nó thay đổi - nghĩa là sự quan sát làm thay đổi vật được quan sát. Người ta bắt đầu thấy rằng những người từng tuyên bố không thể có một khoa học về tinh thần là có lý.

Ngoài tính không đáng tin cậy của nội quan, cơ cấu luận còn bị phê bình vì một số lý do khác nữa. Cơ cấu luận hoặc là không biết đến hay là coi thường một số khám phá mà các nhà nghiên cứu ngoài trường phái cơ cấu luận cho là quan trọng. Các nhà cơ cấu luận không quan tâm đến việc nghiên cứu hành vi bất bình thường mặc dù Freud và những người khác đã có những tiến bộ đáng kể trong việc hiểu biết và chữa trị các bệnh nhân tâm thần. Tương tự, cơ cấu luận không quan tâm đến việc nghiên cứu về nhân cách, việc học tập, sự phát triển tâm lý, và các khác biệt cá nhân, trong khi các người khác đang có các bước đột phá lớn trong các lãnh vực này. Cũng còn là một tai hại khi các nhà cơ cấu luận từ chối tìm kiếm tri thức thực hành. Vì tất cả các lý do này và nhiều lý do khác nữa, trường phái cơ cấu luận không tồn tại được lâu và đã chết yểu ngay thời Titchener còn sống.

Nay đã đến lúc một trường phái tâm lý học phải đề cập tới các khía cạnh quan trọng mà cơ cấu luận đã bỏ qua, và làm việc này trong bối cảnh của thuyết tiến hóa, và sử dụng các kỹ thuật nghiên cứu đáng tin cậy và hiệu quả hơn phương pháp nội quan. Chính Titchener đã đặt tên cho một trường phái như thế là trường phái tâm lý học chức năng, quan tâm tới cái để làm gì của tinh thần thay vì chỉ quan tâm tới cái là gì. Sự phát triển và đặc tính của trường phái chức năng sẽ là đề tài thảo luận ở hai chương tiếp theo.

CÁC CÂU HỎI THẢO LUẬN

1. Trường phái tâm lý học là gì?

2. Tại sao trường phái tâm lý học do Wundt sáng lập được gọi là ý chí luận?

3. Thảo luận về cách sử dụng nội quan của Wundt.

4. Theo Wundt, các yếu tố của tư tưởng là các yếu tố nào? Trong câu trả lời, hãy trình bày thuyết tình cảm ba chiều của Wundt.

5. Wundt phân biệt thế nào giữa tính nhân quả tâm lý và tính nhân quả vật lý?

6. Các mục tiêu của tâm lý học theo Titchener là gì?

7. Giải thích của Titchener về cách phối hợp các yếu tố khác với cách giải thích của Wundt như thế nào?

8. Lý thuyết bối cảnh về ý nghĩa theo của Titchener là gì?

9. So sánh quan điểm của Wundt và của Titchener về tâm lý học: giống nhau ở điểm nào, khác nhau ở điểm nào?

10. Tóm tắt tâm lý học hành vi của Brentano.

11. Brentano hiểu ý hướng tính là gì?

12. Hiện tượng luận thuần túy theo Husserl nghĩa là gì?

13. Tư tưởng không hình ảnh theo Kulpe nghĩa là gì?

14. Tại sao là sai khi cho rằng chất liệu mà Ebbinghaus dùng cho việc nghiên cứu của ông là "các âm tiết vô nghĩa"?

15. Thảo luận về tầm quan trọng của công trình của Ebbinghaus đối với lịch sử tâm lý học.

16. Liệt kê các lý do khiến cơ cấu luận suy tàn. Trong câu trả lời của bạn, nêu các phê bình về phương pháp nội quan.

Created by AM Word2CHM

TỪ VỰNG

NHẬP MÔN LỊCH SỬ TÂM LÝ HỌC à Chương 9. DUY Ý CHÍ LUẬN VÀ CƠ CẤU LUẬN CÁC TRƯỜNG PHÁI CỦA TÂM LÝ HỌC ĐẦU TIÊN

Act psychology - Tâm lý học hành vi: Tên đặt cho hệ thống tâm lý học của Brentano vì nó tập trung vào các hoạt động hay chức năng của tinh thần. Tâm lý học hành vi tìm hiểu sự tương tác giữa các quy trình tâm lý và các sự kiện vật lý.

Apperception - Tổng giác: Quy trình chú ý tập trung vào một số sự kiện tâm lý.

Context theory of meaning - Thuyết ý nghĩa trong bối cảnh: Quan niệm của Titchener rằng một cảm giác được cho một ý nghĩa do các hình ảnh mà nó gợi ra. Nghĩa là theo Titchener, ý nghĩa được xác định bởi luật tương cận.

Creative synthesis - Tổng hợp sáng tạo: Sự sắp xếp và tái sắp xếp các yếu tố tâm lý mà có thể phát sinh từ tổng giác.

Elements of thought - Các yếu tố tư tưởng: Theo Wundt và Titchener, là các cảm giác cơ bản từ đó phát sinh các tư tưởng phức tạp hơn.

Feeling - Tình cảm: Yếu tố cơ bản của tư tưởng đi kèm theo mỗi cảm giác. Theo Wundt, các cảm xúc gồm các sự phối hợp khác nhau của các tình cảm sơ đẳng.

Imageless thought - Tư tưởng không hình ảnh: Theo Kulpe, là các hành vi tâm lý thuần túy như phán đoán, nghi ngờ, mà không có các vật đối chiếu hay hình ảnh kèm theo.

Immediate experience - Kinh nghiệm trực tiếp: Kinh nghiệm chủ quan trực tiếp đang khi nó xảy ra.

Intentionality - ý huớng tính: Khái niệm do Brentano đề nghị, theo đó các hành vi tâm lý luôn luôn nhắm đến một điều gì

Introspection - Nội quan: Suy tư về kinh nghiệm chủ quan của chính mình, hoặc nhằm khám phá sự hiện diện hay không hiện diện của một cảm giác (như trong trường hợp của Wundt), hay nhằm khám phá các quy trình tư tưởng phức tạp (như đối với Brentano, Stumpf, Kulpe, Husserl, và các tác giả khác).

Mediate experience - Kinh nghiệm gián tiếp: Kinh nghiệm có được thông qua việc sử dụng các thiết bị đo. Ngược với kinh nghiệm trực tiếp.

Mental chronometry - Đo thời gian tâm lý: Đo thời gian cần thiết để thực hiện các hành vi tâm lý khác nhau.

Mental set - Tập hợp tinh thần, tập hợp tư tưởng: Một chiến lược giải quyết vấn đề có thể được khơi dậy bởi các chỉ dẫn hay kinh nghiệm và được sử dụng cách vô thức.

Phenomenological introspection - Nội quan hiện tượng luận: Loại phương pháp nội quan tập trung vào các hiện tượng tâm lý hơn là vào các yếu tố tâm lý riêng rẽ.

Principle of contrasts - Nguyên tắc tương phản: Theo Wundt, sự kiện một loại kinh nghiệm thường làm tăng cường độ các loại kinh nghiệm khác đối chọi với nó, như khi ăn đồ chua sẽ làm cho việc ăn một đồ gì ngọt sau đó sẽ cảm thấy ngọt hơn là trong thực tế.

Savings - Đơn vị tiết kiệm: Sự khác biệt về thời gian cần thiết để học thuộc một điều gì giữa lần học đầu tiên với lần học lại.

Stimulus error - Sai lầm về kích thích: Để cho các kinh nghiệm quá khứ ảnh hưởng đến một báo cáo nội quan.

Structuralism - Thuyết cơ cấu: Trường phái tâm lý học do Titchener sáng lập, mục tiêu là mô tả cơ cấu của tinh thần.

Tridimensional theory of feeling - Lý thuyết về tình cảm ba chiều: Lý thuyết của Wundt rằng các tình cảm thay đổi theo ba chiều kích: dễ chịu-khó chịu, kích động-bình thản, và căng thẳng-thoải mái.

Volkerpsychologie - Tâm lý học tập thể. Tác phẩm 10 quyển của Wundt, trong đó ông nghiên cứu các quy trình tâm lý cao hơn qua phân tích lịch sử và quan sát tự nhiên.

Voluntarism - Thuyết ý chí: Tên được gán cho trường phái của Wundt vì ông tin rằng qua quy trình tổng giác, các cá nhân có thể hướng sự chú ý của họ về bất cứ điều gì họ muốn.

Created by AM Word2CHM

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro