Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

Chương 7. PHONG TRÀO LÃNG MẠN VÀ HIỆN SINH LUẬN

Chương 7. PHONG TRÀO LÃNG MẠN VÀ HIỆN SINH LUẬN

NHẬP MÔN LỊCH SỬ TÂM LÝ HỌC

Không phải mọi nhà triết học đều tin rằng chân lý phải được tìm kiếm bằng việc vận dụng lý trí, như các nhà duy lý chủ trương, hay bằng việc xem xét các ý tưởng đến từ kinh nghiệm, như các nhà duy nghiệm và duy cảm chủ trương. Một số nhà triết học cho rằng cả duy lý và duy nghiệm đều bỏ sót nguồn thông tin đích thực nhất - bản tính con người. Theo họ, con người không chỉ có một trí tuệ và các ý tưởng đến từ kinh nghiệm, nhưng còn có những tình cảm hay cảm xúc rất đa dạng. Các nhà triết học nhấn mạnh tầm quan trọng của tình cảm con người được gọi là các nhà lãng mạn. Họ tin rằng tư tưởng thuần lý thường làm người ta sai lạc trong việc tìm kiếm tri thức chắc chắn, và thuyết duy nghiệm đồng hóa con người với những cái máy vô cảm. Theo các nhà lãng mạn, cách tốt nhất để hiểu biết con người thực sự là gì, là tìm hiểu con người toàn diện. Không chỉ là các khả năng lý trí hay các ý tưởng đến từ kinh nghiệm.

Trong phong trào lãng mạn từ cuối thế kỷ 18 đến giữa thế kỷ 19, người ta nhấn mạnh các cảm xúc, bản năng, và tính độc đáo của con người. Đời sống tốt được định nghĩa là một đời sống phù hợp một cách chân thật với bản tính nội tâm của một người. Các hệ thống triết học lớn xưa kia không còn được tin tưởng nữa; chung chung, khoa học cũng bị coi như là đi ngược lại sự hiểu biết con người - hay ít ra là không có liên quan gì. Thế giới nội tâm của con người trở thành tiêu điểm của quan tâm triết học thay thế cho thế giới bên ngoài. Một lần nữa trong lịch sử, đã đúng lúc để con người quay lưng khỏi thế giới bên ngoài để đi vào thế giới các kinh nghiệm chủ quan. Rousseau thường được coi là ông tổ của phong trào lãng mạn, và giờ đây chúng ta đi vào triết học của ông.

Jean-Jacques Rousseau

Jean-Jacques Rousseau (1712-1778) sinh ngày 28 tháng 6 tại Geneva, Thụy Sĩ. Cha ông là thợ làm đồng hồ, và ông được nuôi dạy theo giáo phái Calvin. Mẹ ông chết ngay sau khi sinh ra ông - khiến cha không không bao giờ tha thứ cho ông. Quả thực cha ông đã bỏ ông khi ông 10 tuổi, và ông được bà con họ hàng nuôi nấng. Rousseau suốt đời sức khỏe rất kém, ông đã thôi học khi 12 tuổi và chuyển chỗ ở từ nơi này sang nơi khác, đổi hết việc làm này sang việc làm khác. Một lần ông quá đói nên đã trở lại đạo Công giáo để được trợ cấp ăn ở của giáo hội. Trong 9 hay 10 năm sau đó, Rousseau được Madame de Warrens đỡ đầu, và sau đó ông đi lông bông ít năm, kiếm tiền bằng mọi cách, kể cả lừa đảo hay phi pháp. Năm 1745 Rousseau bắt đầu một cuộc tình với Thérèse le Vasseur, một tiếp viên trong khách sạn của ông ở tại Paris. Mặc dù không cưới nàng, ông đã ăn ở suốt đời với nàng, và họ có 5 người con - tất cả đều gửi vào viện mồ côi.

Năm 30 tuổi ông đến Paris, gia nhập nhóm những nhà trí thức tên tuổi của Paris, tuy ông không có học hành gì. Rousseau là một con người hoàn toàn hướng nội và không thích nếp sống xã hội của thành phố. Năm 1756 ông bỏ Paris để về sống tại một vùng quê yên tĩnh, nhưng sau việc xuất bản hai tác phẩm danh tiếng nhất của ông, Khế ước Xã Hội và Emile, cả hai trong cùng năm 1762, đã chấm dứt nếp sống đồng quê yên hàn của ông. Một tháng sau khi xuất bản hai quyển sách này, chính quyền thành phố Paris kết án chúng, và chính quyền Geneva, sinh quán của ông, ra lệnh bắt ông. Ông phải sống bốn năm sau đó trong cảnh tị nạn. Sau cùng, năm 1766 David Hume đề nghị cho ông tị nạn tại Anh. Sau cùng, khi sự chống đối ông đã nguôi, Rousseau về lại Paris và sống tại đây cho tới khi mất. Ông chết trong cảnh nghèo túng, và người ta nghi ngờ ông đã tự vẫn.

Tình cảm đối lại lý trí

Rousseau mở đầu Khế ước Xã Hội bằng câu này: "Con người lúc sinh ra thì tự do, nhưng chúng ta thấy nó khắp nơi bị xiềng xích. Ý ông muốn nói mọi chính phủ ở châu Âu thời đó đều dựa trên một quan niệm sai lầm về bản tính con người- quan niệm cho rằng con người cần phải được cai trị. Theo Rousseau, chỉ có một chính quyền chính đáng, đó là cho phép con người thể hiện đầy đủ tiềm năng của nó và diễn tả đầy đủ ý chí tự do của nó. Hướng dẫn tốt nhất cho hành vi con người là các tình cảm và khuynh hướng chân thật của con người. "Các thúc đẩy đầu tiên của con tim luôn luôn đúng," ông nói. Rousseau không tin tưởng lý trí, cơ chế tôn giáo, khoa học, và luật pháp xã hội như là những hướng dẫn cho hành vi con người. Triết học của ông trở thành một triết học bênh vực phong trào Tin Lành vì nó ủng hộ quan niệm rằng sự hiện hữu của Thượng Đế có thể được bảo vệ căn cứ trên tình cảm của cá nhân chứ không dựa trên những luật lệ của giáo hội.

Ở chương 8, chúng ta sẽ thấy sự tin tưởng của Rousseau vào những tình cảm nội tâm như là những hướng dẫn cho hành động sẽ được chia sẻ bởi nhà tâm lý học nhân văn Carl Rogers.

Người quý phái hoang dã

Rousseau không phải người đầu tiên tìm về các động lực tự nhiên để hiểu biết con người. Chúng ta đã thấy ở chương 5 rằng Hobbes cũng đã làm như thế. Khác biệt lớn giữa Hobbes và Rousseau là ở kết luận họ đạt được về bản tính con người. Theo Hobbes, bản tính con người là thú tính, ích kỷ, và cần phải được kiềm chế bởi nhà nước. Rousseau hoàn toàn quan niệm ngược lại bằng cách nói rằng bản tính con người là tốt. Ông đảo ngược lại giáo lý về Tội Nguyên Tổ bằng cách cho rằng con người sinh ra là tốt nhưng đã bị các cơ chế xã hội làm ra xấu.

Rousseau cho rằng nếu có thể tìm ra được một người quý phái hoang dã (nghĩa là một người không bị lây nhiễm bởi xã hội), thì chúng ta sẽ có thể có một con người mà hành vi được điều khiển bởi các tình cảm nhưng sẽ không ích kỷ. Rousseau tin rằng con người tự bản tính là các con vật xã hội muốn sống hòa hợp với mọi người khác. Nếu con người được phép phát triển một cách tự do, họ sẽ trở nên hạnh phúc, hài lòng, tự do, và có tinh thần xã hội. Họ sẽ làm điều gì có ích nhất cho bản thân họ và người khác, chỉ cần cho họ tự do làm như thế.

Ý muốn tổng quát

Mặc dù quan niệm của Hobbes và Rousseau về bản tính con người khác nhau, nhưng loại chính quyền mà hai người đề nghị thì khá giống nhau. Rousseau nhìn nhận rằng để sống trong các xã hội con người văn minh, người ta phải từ bỏ một số sự độc lập nguyên thủy của mình. Vấn đề ông suy xét trong Khế ước Xã Hội của ông là làm thế nào con người vừa có thể bị cai trị mà vừa vẫn còn tự do tối đa. Chính để trả lời câu hỏi này, Rousseau đưa ra khái niệm của ông về ý muốn tổng quát. Theo Rousseau, ý muốn tổng quát mô tả cái gì là tốt nhất trong một cộng đồng, và nó phải được phân biệt rõ ràng với ý muốn của một cá nhân hay thậm chí một sự nhất trí giữa các cá nhân.

Mỗi cá nhân vừa có khuynh hướng sống ích kỷ (ý riêng) vừa có khuynh hướng hành động vì lợi ích của cộng đồng (ý muốn chung). Để sống hòa hợp với người khác, mỗi người buộc phải hành động phù hợp với ý muốn chung của mình và kiềm chế ý muốn riêng.

Vì thế "khế ước xã hội" có thể được phát biểu như sau: "Mỗi người chúng ta đặt làm của chung con người mình và mọi khả năng của mình dưới sự chỉ đạo tối cao của ý muốn tổng quát, và trong khả năng liên hợp của chúng ta, chúng ta tiếp nhận mỗi thành viên như một phần tử không thể phân chia của toàn thể." Trong xã hội "không tưởng" của Rousseau, nếu ý muốn riêng của một người đi ngược lại ý muốn chung, có thể cưỡng bức người ấy theo ý muốn chung.

Giáo dục

Rousseau mở đầu quyển Emile giống như ông mở đầu quyển Khế ước Xã Hội, nghĩa là bằng việc kết án xã hội vì can thiệp vào thiên nhiên và vào các động lực tự nhiên của con người: Thượng Đế làm ra mọi sự tốt lành; con người can thiệp vào và làm chúng nên xấu. Họ ép một mảnh đất phải sản xuất hoa mầu của một mảnh đất khác, một cây phải phát sinh trái của một loại cây khác. Họ lẫn lộn thời gian, nơi chốn, và các điều kiện tự nhiên. Họ làm cho con chó, con ngựa, và nô lệ của họ bị què cụt. Họ hủy diệt và bôi bẩn mọi sự, họ yêu thích những gì xấu xa đê tiện...

Theo Rousseau, giáo dục phải vận dụng các động lực tự nhiên thay vì bóp méo chúng. Giáo dục không được hệ tại nhồi nhét kiến thức vào đầu óc trẻ em trong một nhà trường có cơ cấu chặt chẽ. Ngược lại, giáo dục phải tạo một hoàn cảnh để các năng khiếu và sở thích tự nhiên của trẻ có thể được nuôi dưỡng. Theo Rousseau, trẻ em rất giàu tiềm năng tích cực, và nền giáo dục tốt nhất là biết để cho các tiềm năng này trở thành hiện thực.

Trong tác phẩm Emile nổi tiếng của ông, Rousseau mô tả cái mà ông nghĩ là môi trường tối ưu cho việc giáo dục. Một đứa trẻ và người dạy nó rời bỏ xã hội văn minh và về sống với thiên nhiên; trong khung cảnh này, đứa trẻ tự do theo các tài năng và sự tò mò của nó. Người dạy trả lời các câu hỏi của đứa trẻ chứ không tìm cách áp đặt quan điểm của mình trên đứa trẻ. Khi đứa trẻ trưởng thành, các khả năng và sở thích của nó thay đổi, và kinh nghiệm giáo dục có ý nghĩa cũng thay đổi theo. Tuy nhiên, vẫn luôn luôn là các năng khiếu và sở thích tự nhiên của đứa trẻ hướng dẫn quy trình giáo dục.

Sự quan tâm gần đây về nền giáo dục "cởi mở," "tự do," và "cá nhân," cũng như phong trào gạt bỏ trường học ra khỏi xã hội, có thể có nguồn gốc trực tiếp từ triết học của Rousseau.

Johann Wolfgang von Goethe

Là nhà thơ, nhà soạn kịch, nhà khoa học, và nhà triết học, Johann Wolfgang von Goethe (1749-1832) là một trong những người được kính trọng nhất trong đời sống trí thức của Đức vào cuối thế kỷ 18 và đầu thế kỷ 19. Goethe thường được coi là người mở đầu thời kỳ "sóng gió-và-căng thẳng" trong văn học. Trong các tác phẩm văn học và triết học của ông, ông quan niệm rằng con người như bị xâu xé bởi các sự xung đột và giằng co của cuộc đời, ông cảm thấy cuộc đời gồm những lực đối kháng nhau như yêu và ghét, sống và chết, thiện và ác. Mục tiêu cuộc đời phải là chấp nhận các lực này thay vì phủ nhận hay khắc phục chúng. Người ta phải sống đời mình bằng đam mê và không ngừng khát vọng sự trưởng thành cá nhân. Ngay cả những khía cạnh "đen tối" hơn của bản tính con người cũng có thể tạo kích thích cho sự trưởng thành nhân bản. Ý tưởng về sự biến đổi từ một loại hiện hữu (không hoàn thành) sang một loại hiện hữu khác (hoàn thành) là ý tưởng chung trong phong trào lãng mạn. Sau này chúng ta sẽ thấy Nietzsche chịu ảnh hưởng mạnh bởi triết lý đời sống của Goethe.

Năm 1774 Goethe viết Nỗi Buồn Của Chàng Werther, một quyển tiểu thuyết ngắn về một chàng thanh niên có vấn đề trong chuyện yêu đương. Các vấn đề này được ông mô tả quá sinh động khiến cho nhiều vụ tự tử xảy ra (Hulse, 1989). Năm 1808 Goethe xuất bản Faust, được coi là một trong những tác phẩm văn chương vĩ đại nhất của mọi thời đại. Faust mở đầu bằng việc Bác sĩ Faust đầy thất vọng và đang có ý định tự tử thì Satan xuất hiện và ký hợp đồng với ông: Để đổi lấy linh hồn Faust, Satan sẽ biến ông già này thành một chàng thanh niên thông minh tuấn tú. Thế là chàng thanh niên Faust bắt đầu đi tìm một nguồn hạnh phúc thật lớn khiến anh sẽ muốn tận hưởng nó suốt đời. Cuối cùng Faust truyền cho thời gian ngưng lại cho tới khi anh gặp được những người được phép phát biểu tự do cá nhân của họ. Anh quan niệm tự do con người là nguồn hạnh phúc cao nhất.

Mặc dù đa số các nhà lãng mạn đều có thái độ chống khoa học, nhưng Goethe thì không. Ông đã có các khám phá quan trọng về giải phẫu học và thực vật học, và đã viết Science of Colors (1810); trong tác phẩm này ông tìm cách bác bỏ lý thuyết của Newton về thị giác màu và đề nghị thuyết của ông thay vào đó. Tuy sau này lý thuyết của Goethe bị chứng minh là sai, nhưng phương pháp của ông đã có ảnh hưởng quan trọng đối với tâm lý học thời sau. Goethe đã chứng minh rằng các kinh nghiệm giác quan có thể được nghiên cứu khách quan bằng phương pháp nội quan. Hơn nữa, ông nhấn mạnh rằng đối tượng của việc nghiên cứu phải là kinh nghiệm tâm lý toàn diện và ý nghĩa chứ không phải là các cảm giác rời rạc, vô nghĩa. Sự nhấn mạnh về việc nghiên cứu kinh nghiệm toàn diện và ý nghĩa về sau được gọi là hiện tượng luận. Một ví dụ là về hiệu ứng tương phản màu được gọi là "các bóng ảnh của Goethe." Goethe nhận thấy rằng khi một ánh sáng màu được chiếu trên một vật, bóng ảnh được tạo ra có màu phụ của ánh sáng màu. Hiện tượng này sẽ được sử dụng trong sự phát triển lý thuyết về thị giác màu của Edwin Land (xem Land, 1964, 1977). Nhiều năm trước thời Darwin, Goethe cũng đề nghị một lý thuyết tiến hóa theo đó một loài sinh vật có thể được biến đổi từ từ thành một sinh vật khác. Thay vì phủ nhận tầm quan trọng của khoa học, Goethe coi khoa học như có giới hạn; ông tin rằng nhiều thuộc tính quan trọng của con người vượt ra ngoài tầm lãnh hội của phương pháp khoa học.

Ảnh hưởng của Goethe

D. N. Robinson tóm tắt rất hay ảnh hưởng của Goethe như sau:

Ông có công lớn trong việc đánh thức các nhà nghiên cứu về vấn đề thẩm mỹ học và ông cũng có công truyền vào các tác phẩm triết học Đức một sự tôn trọng có ý thức về những gì là sáng tạo và năng động trong tâm linh con người. Với sự có mặt của Goethe, mọi sản phẩm triết học quan trọng tại Đức vào thế kỷ 19 thường dành một chỗ đặc biệt cho nghệ thuật. Thực vậy, chính phong trào Lãng mạn sẽ phải được hiểu như là sự hòa nhập độc đáo của thẩm mỹ học và siêu hình học. (1982, tr. 97).

Do ảnh hưởng quan trọng của ông đối với toàn thể văn hóa Đức; Goethe đã có nhiều ảnh hưởng đối với sự phát triển của tâm lý học. Một nhà tâm lý học nổi tiếng chịu ảnh hưởng trực tiếp các tác phẩm của Goethe là Jung, sau này là một đồng nghiệp của Freud.

Các tác phẩm của Goethe cũng ảnh hưởng đến Freud. Các lý thuyết của cả Jung lẫn Freud đều nhấn mạnh các lực xung khắc nhau trong đời sống con người, và cả hai lý thuyết đều tập trung vào sự xung khắc, thất vọng, và đấu tranh triền miên giữa các bản năng thú tính và hành vi con người văn minh. Cả Freud lẫn Jung cũng cho rằng các xung động thú tính không nên bị loại bỏ hoàn toàn nhưng cần kiềm chế và sử dụng chúng để kích thích tăng trưởng nhân bản. Tất cả các ý tưởng này đều có trong các tác phẩm của Goethe.

Arthur Schopenhauer

Nhà triết học Đức quan trọng Arthur Schopenhauer (1788- 1860) sinh tại Danzig, nay là Gdansk, Ba Lan. Cha ông là một chủ ngân hàng, và mẹ ông là một tiểu thuyết gia. Ông theo học tại các đại học Gottingen và Berlin, và trở thành giáo sư tại đây. Khi ở Berlin, Schopenhauer thử tài thu hút sinh viên của mình bằng cách xếp thời biểu giảng dạy cùng giờ với Hegel. Nhưng Schopenhauer thất bại nặng trong việc lôi kéo sinh viên bỏ Hegel để đến với mình, khiến cuối cùng ông phải bỏ dạy. Schopenhauer chịu ảnh hưởng nhiều nhất của Kant và các triết học cổ của Ấn Độ và Ba Tư. Ông đặt trong phòng học của ông một tượng bán thân của Kant và một tượng Đức Phật bằng đồng.

Ý chí muốn sống

Trong tác phẩm nổi tiếng nhất của ông, Thế Giới Như Là Ý Chí Và Ý Tưởng (1818), Schopenhauer tuyên bố thực tạiduy nhất là một ý chí hoàn vũ,mà các ý chí cá nhân chỉ là các thành phần. Ý chí không có mục đích nào khác hơn là tìm cách tự tồn. Khi ý chí hoàn vũ tự biểu hiện nơi một sinh vật đặc thù nào, như một người, nó trở thành ý chí tự tồn, và các sinh vật tồn tại bằng cách thỏa mãn các nhu cầu của chúng. Như vậy, theo Schopenhauer, bản năng cơ bản nơi đời sống con người là ý chí tự tồn. Bản năng này sẽ làm cho con người kinh nghiệm một chu kỳ vô tận của các nhu cầu và sự thỏa mãn nhu cầu. Bản năng tự tồn mãnh liệt này cắt nghĩa hầu hết hành vi con người, chứ không phải lý trí, cũng không phải đạo đức. Vì vậy hầu hết hành vi con người đều là phi lý. Để thỏa mãn ý chí tự tồn của chúng ta, chúng ta phải ăn, ngủ, bài tiết, uống, và sinh hoạt tình dục. Đau khổ do nhu cầu không được thỏa mãn thúc đẩy chúng ta hành động để thỏa mãn nhu cầu. Khi nhu cầu được thỏa mãn, chúng ta kinh nghiệm sự thỏa mãn nhất thời (khoái lạc), nó chỉ kéo dài cho tới khi một nhu cầu khác xuất hiện, và cứ tiếp tục như thế cho đến vô tận. Quan niệm này đã dẫn Schopenhauer đến chủ nghĩa bi quan về thân phận con người. Với chủ nghĩa bi quan đặc trưng của ông, ông nói chúng ta lao động sáu ngày một tuần để thỏa mãn các nhu cầu của mình và sau đó chúng ta qua ngày chủ nhật nhàm chán (Frankl gọi ngày chủ nhật nhàm chán này là chứng tâm thần ngày chủ nhật).

Các hữu thể thông minh chịu đau khổ nhiều nhất

Đau khổ thay đổi tỉ lệ với ý thức. Cây cỏ không đau khổ vì chúng không có ý thức. Các loài động vật thấp nhất và côn trùng chịu đau khổ một chút, và các động vật cao hơn chịu đau khổ nhiều hơn. Tất nhiên con người chịu đau khổ nhất, đặc biệt những người thông minh nhất.

Cuộc đấu tranh giữa sống và chết

Theo Schopenhauer, một quan niệm khác về cuộc đời là coi nó như một cái chết được hoãn lại. Tuy nhiên, trong cuộc đấu tranh giữa sống và chết, cái chết luôn luôn là kẻ chiến thắng sau cùng.

Theo Schopenhauer, đa số người ta bám vào sự sống không phải vì nó thú vị; họ bám vào sự sống vì họ sợ chết.

Thăng hoa và phủ nhận

Mặc dù các mãnh lực vô lý này là thành phần tự nhiên của đời sống con người, con người có thể và phải vươn lên trên nó. Với cố gắng to lớn, con người có khả năng đạt tới niết bàn, một trạng thái siêu thoát khỏi các dục vọng vô lý. Schopenhauer đi trước ý niệm thăng hoa của Freud khi ông nói rằng chúng ta có thể đạt được phần nào sự giải thoát hay xoa dịu các mãnh lực vô lý bên trong chúng ta bằng cách đưa mình vào âm nhạc, thi ca, hay nghệ thuật. Người ta cũng có thể tìm cách đối kháng lại các mãnh lực vô lý này, đặc biệt là bản năng tính dục, bằng việc thực hành đời sống khổ luyện.

Schopenhauer cũng nói đến sự ức chế các tư tưởng không thích hợp ở trong vô thức và về sự kháng cự gặp phải khi cố gắng nhận ra các ý tưởng bị ức chế. Freud nhìn nhận Schopenhauer là người đầu tiên khám phá ra các quy trình này, nhưng Freud tuyên bố đã tự mình khám phá ra cùng quy trình ấy độc lập với Schopenhauer. Bất luận thế nào, rất nhiều điểm trong triết học Schopenhauer cũng có trong lý thuyết tâm phân học của Freud. Ngoài các ý tưởng về sự ức chế và thăng hoa, Freud có cùng niềm tin với Schopenhauer rằng các mãnh lực vô lý là các động cơ hàng đầu của hành vi con người và chúng ta chỉ có thể cố gắng giảm thiểu tối đa ảnh hưởng của chúng. Vì vậy cả hai đều có thái độ bi quan về bản tính con người.

Friedrich Wilhelm Nietzsche

Friedrich Wilhelm Nietzsche (1847-1900) sinh ngày 15 tháng 10 gần Leipzig, là con của một mục sư giáo phái Luther, là cháu nội của hai mục sư khác. Cha của Nietzsche mất khi ông mới tám tuổi, và ông lớn lên trong một gia đình toàn là đàn bà, gồm mẹ ông, chị ông, hai bà dì, và bà ngoại ông. Ông là một đứa bé ngoan và một học sinh xuất sắc; năm 10 tuổi ông đã viết một số kịch bản và soạn nhạc. Năm 14 tuổi ông vào trường nội trú nổi tiếng Pforta Boarding School, tại đây ông giỏi nhất về môn thần học; ông cũng xuất sắc trong các môn văn học Hy Lạp và La Tinh. Năm 1864 ông vào Đại học Bonn và bày tỏ sự ghê tởm trước thói uống bia và chè chén say sưa của các bạn sinh viên. Khi giáo sư Friedrich Ritschel, thầy dạy mà Nietzsche quý mến nhất chuyển từ Bonn sang Đại học Leipzig, Nietzsche cũng theo thầy qua đó. Thời kỳ sinh viên của Nietzsche chấm dứt khi Niettzsche 24 tuổi, khi còn chưa có bằng tiến sĩ, ông đã nhận lời mời sang Đại học Basel dạy môn ngữ văn cổ điển; ông dạy ở Basel 10 năm trước khi sức khỏe yếu kém buộc ông nghỉ hưu năm ông mới 35 tuổi. Các tác phẩm của ông được viết sau khi ông nghỉ hưu gây một ảnh hưởng rất lớn.

Trong những năm ở Basel, Nietzsche đã viết Sự Khai Sinh của Bi Kịch từ Tinh Thần Âm Nhạc (1872) và Các Suy Niệm Quá sớm (1873-1876), cả hai đều chịu ảnh hưởng sâu đậm của triết học của Schopenhauer. Sau khi nghỉ hưu, các sách của bắt đầu phản ánh tư tưởng của riêng ông. Các tác phẩm ảnh hưởng nhất trong số này là Human. All-Two-Human (1878), Bình Minh (1881), Khoa Học Phóng Túng (1882), Zarathustra Đã Nói Như Thế (1883-1885), Phía bên kia Thiện ác (1886), Hướng Tới Một Phổ Hệ Đạo Đức (1887), Sự sụp Đổ của các Thần Tượng (1889), Phản Kitô giáo (1895), và Nietzsche Chống Wagner (1895). Các tác phẩm cuối cùng của ông, Ý Muốn Quyền Lực (1904) và tiểu sử tự thuật của ông Ecce Homo (Đây Là Người) (1908), được xuất bản sau khi ông mất.

Để giới thiệu tóm tắt những gì sẽ trình bày dưới đây, chúng ta hãy đọc đoạn mô tả của Esper về triết học Nietzsche: "Có vẻ hợp lý để mô tả triết học (của Nietzsche) như là... sự phản kháng lại mọi sự: Khoa học, văn hóa, triết học, tôn giáo, đạo đức, dân chủ và nhà nước". (1964, tr. 228).

Các khía cạnh Apollonian và dionysian của bản tính con người

Nietzsche tin bản tính con người có hai khía cạnh chính: Apollinian và Dionysian. Khía cạnh Apollonian là mặt lý tính của chúng ta, ước muốn sự yên ổn, có thể đoán trước, và trật tự. Khía cạnh Dionysian là mặt vô lý của chúng ta, khuynh hướng sáng tạo hỗn loạn và các kinh nghiệm đam mê và năng động. Theo Nietzsche, nền nghệ thuật và văn học đẹp nhất là sự hòa hợp hai khuynh hướng này. Cũng vậy, đời sống đẹp nhất là biết kiểm soát các đam mê. Theo Nietzsche, triết học phương Tây luôn luôn nhấn mạnh đến khía cạnh lý tính và coi nhẹ các đam mê của con người; và kết quả là một duy lý luận không có sự sống. Nietzsche coi mình có nhiệm vụ chính là làm sống lại tinh thần Dionysian. Ông nói, đừng sống đơn giản, mà phải sống một cách đam mê. Đừng sống một cuộc đời có trật tự, có kế hoạch định sẵn đâu vào đấy; hãy mạo hiểm. Cả những thất bại khi chấp nhận mạo hiểm cũng có thể tạo cơ hội cho sự phát triển con người. Như thế Nietzsche không cổ võ một nếp sống hoàn toàn vô lý, đam mê, nhưng một nếp sống đam mê hợp lý, một nếp sống xứng đáng với cả Apollo lẫn Dionysus.

Thượng Đế đã chết

Nietzsche loan báo rằng Thượng Đế đã chết và chính chúng ta đã giết ngài. "Chúng ta" ở đây Nietzsche muốn nói đến các nhà triết học và khoa học thời ông. Vì con người đã quá lâu cậy dựa vào Thượng Đế để có ý nghĩa cuối cùng của cuộc đời và các khái niệm đạo đức, nên bây giờ con người trở thành lạc lõng vì Thượng Đế đã chết. Vậy bây giờ chúng ta tìm ý nghĩa cuộc đời ở đâu? Tìm các lý tưởng đạo đức ở đâu? Chính các nhà triết học và khoa học đã giết chết Thượng Đế cũng đã đi tìm một mục đích trong vũ trụ, như triết học cứu cánh của Aristotle, và lấy mất của con người một chỗ đứng đặc biệt trong vũ trụ. Thuyết tiến hóa, chẳng hạn, cho thấy con người có cùng nguồn gốc thấp hèn như các sinh vật khác và chia sẻ cùng một số phận với các sinh vật ấy: chết. Hơn nữa, các nguyên tắc tiến hóa không có mục đích. Sự chọn lọc tự nhiên chỉ có nghĩa là các sinh vật có các đặc tính cho phép chúng thích nghi với môi trường để sống còn và sinh sản. Như thế, con người cũng không thể tự hào mình đã tồn tại lâu hơn hay khác hơn các loài sinh vật khác. Tiến hóa không bao hàm sự tiến bộ. Thiên văn học cũng đã chứng tỏ rằng con người không có một chỗ đứng đặc biệt trong vũ trụ. Trái đất chỉ là một quả cầu nhỏ xoay quanh hàng trăm tỉ mặt trời khác.

Như vậy, không có một Thượng Đế chăm lo cho chúng ta, loài người chúng ta không chiếm một vị trí đặc biệt nào trong loài động vật, và trái đất chỉ là một trong vô vàn thiên thể vô nghĩa khác trong vũ trụ. Vậy con người còn lại là gì? Theo Nietzsche, con người chỉ còn lại chính mình, không còn một nguồn suối ý nghĩa và đạo đức của truyền thống nào cả.

Ý muốn quyền lực

Theo Nietzsche, có một câu trả lời cho vấn nạn này, nhưng câu trả lời ấy không thể có trong triết học, tôn giáo, hay khoa học. Phải tìm nó trong chính chúng ta! Con người phải tìm hiểu về chính mình và sau đó hành động theo sự hiểu biết này. Ý nghĩa và đạo đức không thể áp đặt từ bên ngoài; nó phải được khám phá bên trong chúng ta. Khi chúng ta có sự xem xét bên trong con người chúng ta, chúng ta khám phá ra rằng động lực cơ bản nhất của con người là ý muốn quyền lực. Như Schopenhauer, Nietzsche tin rằng con người cơ bản là vô lý. Nhưng khác với Schopenhauer, Nietzsche nghĩ rằng các bản năng không được ức chế hay thăng hoa, mà phải để cho nó tự biểu hiện. Ngay cả bản năng gây hấn cũng không được hoàn toàn ức chế. Ý muốn quyền lực có thể được thỏa mãn hoàn toàn nếu một người hành động theo như mình thích, nghĩa là hành động sao để thỏa mãn mọi bản năng: "ý muốn quyền lực là động lực nguyên thủy từ đó mọi động lực khác xuất phát." Vì vậy theo Nietzsche, mọi khái niệm về thiện, ác, và hạnh phúc đều liên quan đến ý muốn quyền lực.

Siêu nhân

Ý muốn quyền lực là khuynh hướng làm chủ bản thân và số phận mình. Nếu được biểu hiện, nó làm cho người ta tìm kiếm các kinh nghiệm mới và cuối cùng thể hiện đầy đủ các tiềm năng của mình. Sự tăng trưởng cá nhân như thế không thể bị cấm đoán hay ức chế bởi đạo đức xã hội và như thế nó phải "vượt lên trên thiện ác." Người đạt đầy đủ tiềm năng như thế được gọi là siêu nhân vì đạo đức chuẩn mực không chi phối cuộc đời họ. Ngược lại họ vượt lên trên đạo đức ấy và sống đời sống độc lập, sáng tạo Nietzsche tuyên bố, "Tất cả các thần linh đều đã chết: bây giờ chúng ta muốn cho siêu nhân phải sống." Ý niệm về Siêu nhân này được Nietzsche mô tả đầy đủ nhất trong tác phẩm Zarathustra Đã Nói Như Thế.

Sự xuyên tạc về Siêu nhân của Nietzsche

Trong lịch sử, các tác phẩm khoa học và triết học thường bị xuyên tạc để phục vụ các ý thức hệ chính trị. Triết học Nietzsche là một ví dụ. Đức Quốc Xã (Nazis) chấp nhận triết học Nietzsche vì họ cho rằng dân tộc Đức là Siêu nhân mà Nietzsche nói tới. Đối với Đức Quốc Xã, siêu nhân có nghĩa là hơn hẳn những con người khác, và họ tin rằng người Đức hơn hẳn những dân tộc khác. Không gì có thể xa lạ với tư tưởng Nietzsche hơn là tư tưởng về sự hơn hẳn của quốc gia hay chủng tộc. Theo Nietzsche, mọi cá nhân đều có tiềm năng trở thành siêu nhân. Cái phân biệt một siêu nhân với không siêu nhân là sự đam mê, can đảm, và trực giác, ngoài ra không có gì khác.

Cả Schopenhauer lẫn Nietzsche đều tin rằng các bản năng vô lý ảnh hưởng mạnh đến hành vi con người. Nhưng trong khi Schopenhauer cho rằng phải ức chế các bản năng ấy, thì Nietzsche cảm thấy chúng cần phải được bộc lộ ra. Freud chịu ảnh hưởng nhiều nhất của Schopenhauer, trong khi một học trò đầu tiên của Freud, Alfred Adler, chịu ảnh hưởng của Nietzsche nhiều hơn. Trong Phía bên kia Thiện ác, Nietzsche mô tả một hiện tượng rất giống với khái niệm ức chế của Freud: "Tôi đã làm điều này", ký ức của tôi nói. "Tôi không thể đã làm điều này", lòng kiêu hãnh của tôi nói, và tỏ ra không khoan nhượng. Cuối cùng, ký ức của tôi nhượng bộ" (1886/1966, tr. 80).

Giống như các nhà lãng mạn khác, cả Nietzsche lẫn Schopenhauer đều nhấn mạnh khía cạnh vô lý của bản tính con người, cả hai đều tin rằng khoa học và triết học đã bỏ sót khía cạnh này của bản tính con người.


HIỆN SINH LUẬN
TỪ VỰNG

Created by AM Word2CHM

HIỆN SINH LUẬN

NHẬP MÔN LỊCH SỬ TÂM LÝ HỌC à Chương 7. PHONG TRÀO LÃNG MẠN VÀ HIỆN SINH LUẬN

Không chỉ có các nhà triết học lãng mạn phản kháng lại thuyết duy lý, duy nghiệm, duy cảm, và thực chứng. Một triết học khác cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của ý nghĩa đời sống con người và khả năng con người tự do chọn lựa ý nghĩa ấy. Đó là triết học hiện sinh, nhấn mạnh ý nghĩa của hiện hữu con người, tự do chọn lựa, và tính độc đáo của mỗi cá nhân. Theo các nhà triết học hiện sinh, các khía cạnh quan trọng nhất của con người là sự cắt nghĩa cá nhân, chủ quan về cuộc đời và các chọn lựa họ làm là dựa theo các cách cắt nghĩa ấy. Giống như các nhà lãng mạn, các nhà hiện sinh coi kinh nghiệm và tình cảm nội tâm như là những hướng dẫn có giá trị nhất cho hành vi của mỗi người.

Tuy có thể nói triết học hiện sinh đã có nguồn gốc từ rất xa xưa như Socrates, với câu nói "hãy tự biết mình" và "một cuộc đời không suy tư không phải một cuộc đời đáng sống," một trong những nhà triết học hiện sinh đầu tiên là Soren Kierkegaard.

Soren Kierkegaard

Là nhà thần học và triết học Đan Mạch, Soren Kierkegaard (1813-1855) sinh ngày 5 tháng 5, tại Copenhagen. Ông là con út của một gia đình đông con, nhưng chỉ mình ông và anh trai ông còn sống sót. Cha ông 56 tuổi khi sinh ông, là một thương gia giàu có và sùng đạo. Mẹ ông từng là người hầu của cha ông trước khi cha ông lấy bà làm vợ kế. Soren rất ít nói về mẹ ông. Cha ông dạy dỗ ông rất nghiêm khắc về tôn giáo, và suốt trong nhiều năm Soren đã sợ cha như sợ Chúa. Ông bị chấn động lớn vào năm 1835 khi cha ông thú nhận với ông những hành vi tình dục phóng đãng của mình, và Soren đáp lại bằng cách nổi loạn chống lại cả cha ông lẫn tôn giáo. Nhưng ông chấp nhận cha ông và tôn giáo trở lại trong tâm hồn ông vào ngày sinh nhật thứ 25 của ông, mang lại cho ông một kinh nghiệm "vui sướng khôn tả." Cha ông mất một thời gian ngắn sau đó, để lại cho ông một gia tài lớn. Soren bắt đầu học thần học nghiêm túc, tuy ông không bao giờ trở thành một mục sư.

Ở Đại học Copenhagen, ông học thần học trước, rồi văn chương và triết học. Ông không phải lo lắng gì về tài chánh, và sống một nếp sống hoàn toàn vô tư. Khoảng thời gian này Kierkegaard quyết định hỏi cưới Regina Olsen làm vợ. Sau một thời gian đính hôn hai năm, Kierkegaard cảm thấy một sự "phản kháng của Chúa" bởi vì đám cưới có một điều gì đó không chân thật (ông không bao giờ nói là điều gì), và năm 1841 ông viết thư cho Regina để trả lại nàng nhẫn đính hôn:

Thật là một thời gian đau đớn - khủng khiếp: Phải tàn nhẫn và đồng thời yêu thương như tôi đã làm. Nàng lồng lộn lên như một con hổ. Nếu tôi không tin rằng Thiên Chúa cấm đoán tôi, thì nàng đã là người chiến thắng.

Kierkegaard đến nhà Regina và xin nàng tha thứ. Ông mô tả cuộc chia tay như sau:

Nàng nói, "hãy hứa luôn nghĩ đến em." Tôi hứa. "Hôn em đi," nàng nói. Tôi hôn nàng, nhưng không say đắm. Lạy Chúa! Thế là chúng tôi chia tay. Tôi nguyên cả một đêm khóc trên giường... Khi các sợi dây ràng buộc này đã cắt đứt, tôi có các tư tưởng này: hoặc là mày lao mình vào một cuộc sống cuồng loạn - hay là mày trở thành đạo đức tuyệt đối. (Bretall, 1946, tr. 17-18).

Kierkegaard đã chọn điều thứ hai. Một điều đáng chú ý là Kierkegaard thường mô tả mối quan hệ đúng với Thượng Đế như một chuyện tình.

Sau khi cắt đứt cuộc đính hôn với Regina, Kierkegaard đến Berlin và vùi đầu vào việc học triết học và viết xong tác phẩm lớn đầu tiên của ông, Hoặc Là / Hay Là (1803). Suốt cuộc đời, Kierkegaard tỏ ra buồn sầu và cô đơn. Nhiều đoạn trong nhật ký của ông kể lại rằng cả khi người khác thấy ông hạnh phúc, thì thực sự ông đang khóc trong lòng.

Kierkegaard thường được coi là nhà triết học hiện sinh đầu tiên, mặc dù Nietzsche đã triển khai các ý tưởng tương tự với ông cùng vào thời ấy và độc lập với ông. Các ý tưởng của ông ít được chú ý lúc ông còn sống. Ông bị chế nhạo bởi các nhà triết học khác, báo chí, và chính người đồng hương, họ coi ông là con người lập dị. Thời còn là sinh viên, ông bỏ đạo và theo tư tưởng Hegel. Về sau, tình hình đảo ngược khi ông bác bỏ Hegel và trở lại Kitô giáo. Nhưng ông không theo kiểu Kitô giáo của giáo hội cơ chế. Ông nói mối tương ý nghĩa nhất với Thượng Đế là tương quan cá nhân mà thôi, phát xuất từ sự chọn lựa tự do của cá nhân, chứ không phải từ những gì giáo hội áp đặt.

Các sách ảnh hưởng nhất của Kierkegaard gồm Hoặc Là /Hay Là (1843), Hai bài luận thuyết (1843) Lo và Run (1843), Lặp Lại (1843), Các đoạn Triết Học (1844), Tấn Tuồng Cuộc Đời (1845), Thời Đại Hôm Nay (1846), Những luận thuyết xây dựng trong những tinh thần thay đổi (1847), Công việc của tình yêu (1947), Quan điểm về công việc của tôi như một tác giả (1848), Nỗi buồn trong cõi chết (1849), Luyện tập trong Kitô giáo (1856), Hai luận thuyết về thông công trong những ngày thứ sáu (1851), Chống đối Kitô giáo (1854 - 1855), Thượng Đế Không Thể Thay Đổi (1855)...

Tôn giáo quá duy lý và máy móc

Thời của Kierkegaard, giáo hội Lutheran là giáo hội chính thức của nhà nước Đan Mạch, và nhà nước coi mình có bổn phận bảo vệ và cổ võ giáo hội Lutheran. Để làm điều này, nhà nước bắt buộc việc dạy giáo lý trong mọi trường học và kể các giáo sĩ như là công chức nhà nước. Kierkegaard cảm thấy biện pháp kiểm soát và bảo vệ này của nhà nước đi ngược lại các nguyên tắc cơ bản của Kitô giáo. Rốt cuộc Kierkegaard bác bỏ triết học Hegel vì nó quá nhấn mạnh khía cạnh lô gích và hợp lý mà không nhấn mạnh đủ khía cạnh phi lý và cảm xúc của bản tính con người. Cũng vì lý do này, Kierkegaard bác bỏ khoa học vì nó quá cơ giới. Ông nghĩ nó ngăn cản chúng ta nhìn con người như những hữu thể cám xúc và có chọn lựa. Theo Kierkegaard, tình trạng hiện hữu cao nhất của con người chỉ có thể đạt được khi mỗi cá nhân quyết định chấp nhận Thượng Đế và sự hiện hữu của Thượng Đế dựa trên đức tin, mà không cần một sự giải thích lô gích, hợp lý, hay khoa học về lý do và cách thức của quyết định này.

Tuy chắc chắn Kierkegaard không đồng ý với Nietzsche rằng Thượng Đế đã chết, ông cho rằng đối với rất nhiều người, không hề có một sự tương quan cá nhân đích thực và tình cảm với Thượng Đế và vì vậy xem như Thượng Đế đã chết đối với họ.

Chân lý là chủ quan

Theo Kierkegaard, chân lý luôn luôn là cái mà mỗi người tin cho riêng mình và với cảm xúc của mình. Chân lý không thể dạy bằng lý luận học được; chân lý phải được mỗi người tự mình kinh nghiệm lấy. Trong lãnh vực tôn giáo, càng cố gắng tìm hiểu Thượng Đế bằng lô gích, chúng ta càng ít hiểu về ngài. Tin Thượng Đế là một "cú nhảy của đức tin", một quyết định tin mà không có dữ kiện khách quan nào. Thượng Đế là đấng vô hạn và vĩnh cửu không thể cắt nghĩa, hiểu, hay chứng minh bằng lô gích. Phải chấp nhận ngài bằng đức tin, và đây là một chọn lựa rất cá nhân, chủ quan. Muốn hiểu biết Đức Giêsu một cách khách quan sẽ dẫn đến nhiều nghịch lý. Đức Giêsu vừa là Thiên Chúa vừa là người; ngài là chân lý vĩnh cửu hiện hữu trong thời gian hữu hạn; ngài đã sống hai ngàn năm trước nhưng nay vẫn đang tồn tại; và ngài vi phạm luật của thiên nhiên bằng các phép lạ của ngài. Các sự kiện hay lô gích không loại bỏ được những nghịch lý này. Chính chúng tạo ra các nghịch lý. Chỉ đức tin mới giải quyết được chúng; chân lý là chủ quan, không phải khách quan. Đức tin Kitô giáo là điều phải được sống, phải cảm nghiệm. Nó không thể được hiểu hay đánh giá đúng bằng lý trí trừu tượng. Chính vì chúng ta không thể biết Thượng Đế cách khách quan, chúng ta phải có đức tin vào sự hiện hữu của ngài.

Tiến đến tự do cá nhân

Trong tác phẩm Hoặc Là / Hay Là (1843), Kierkegaard nói việc đạt đầy đủ tự do cá nhân diễn ra theo các giai đoạn. Thứ nhất là giai đoạn thẩm mỹ. Ở giai đoạn này, con người mở lòng cho kinh nghiệm và tìm kiếm nhiều dạng khoái lạc và kích thích. Nhưng họ không nhận ra khả năng chọn lựa của họ. Người sống theo giai đoạn này là những người theo chủ nghĩa khoái lạc, và một đời sống như thế cuối cùng sẽ dẫn đến thất vọng và chán nản. Thứ hai là giai đoạn đạo đức. Người sống theo giai đoạn này chấp nhận trách nhiệm của các chọn lựa nhưng lấy các nguyên tắc đạo đức mà người khác đã thiết lập để hướng dẫn hành vi của mình. Theo Kierkegaard, mặc dù giai đoạn này đã cao hơn giai đoạn thẩm mỹ, người sống theo giai đoạn này vẫn chưa đạt tự do cá nhân đầy đủ. Giai đoạn cao nhất là giai đoạn tôn giáo. Ở giai đoạn này, người ta nhận ra và chấp nhận tự do của mình đi vào một tương quan cá vị với Thượng Đế. Bản chất của tương quan này không được quyết định bởi các luật lệ xã hội hay các luật đạo đức mà mọi người nhìn nhận, nhưng được quyết định bởi bản tính của Thượng Đế và sự tự ý thức của cá nhân.

Kierkegaard với Nietzsche

Có vẻ Nietzsche không biết đến các tác phẩm của Kierkegaard, nhưng ông đã triển khai các ý tưởng rất giống với các ý tưởng của Kierkegaard. Như Kierkegaard, Nietzsche bác bỏ những gì được chấp nhận do quy ước xã hội, như giáo hội cơ cấu và khoa học. Cả hai triết gia này đều công kích triết học Hegel, và cả hai đều rao giảng sự lệ thuộc kinh nghiệm trực tiếp và cá nhân. Khác biệt lớn giữa hai người là Kierkegaard chấp nhận sự hiện hữu của Thượng Đế, trong khi đối với Nietzsche, Thượng Đế không tồn tại. Giống như Kierkegaard, Nietzsche có khuynh hướng xa lánh mọi người khác, và ông đã có những rối loạn cảm xúc dẫn đến sự sụp đổ tâm thần hoàn toàn vào cuối đời.

Ngày nay phong trào lãng mạn và thuyết hiện sinh đã kết hợp với nhau để hình thành phong trào lực lượng thứ ba trong tâm lý học, mà các lý thuyết của Rogers, Maslow, và May là những đại diện. Trong chương 17 chúng ta sẽ tìm hiểu chi tiết hơn về tâm lý học của lực lượng thứ ba này.

CÁC CÂU HỎI THẢO LUẬN

1. Phong trào lãng mạn là phản ứng chống lại điều gì? Thảo luận về các đặc tính chính của phong trào lãng mạn.

2. Rousseau có những giả thiết gì về bản tính con người? Ông có ý nói gì qua câu phát biểu của ông: "Con người lúc sinh ra thì tự do, nhưng chúng ta thấy nó khắp nơi bị xiềng xích.

3. Rousseau và Hobbes có những điểm nào chung với nhau? Họ không đồng ý với nhau về điều gì?

4. Tóm tắt các quan điểm của Rousseau về giáo dục.

5. Goethe quan niệm cuộc đời thế nào? Thái độ của ông đối với khoa học ra sao? Ông có những cống hiến gì cho tâm lý học?

6. Tại sao triết học của Schopenhauer thường bị coi là bi quan?

7. Theo Nietzsche, cái chết của Thượng Đế có những hệ quả gì cho hiện hữu con người?

8. Theo Nietzsche, siêu nhân là gì? Nêu một ví dụ về sự xuyên tạc quan niệm siêu nhân của Nietzsche.

9. Thuyết hiện sinh là gì? Thuyết hiện sinh khác với phong trào lãng mạn như thế nào?

10. Kierkegaard chống đối kiểu tôn giáo nào? Ông cổ võ kiểu tôn giáo nào?

11. Kierkegaard có ý nói gì qua phát biểu của ông: "Chân lý là chủ quan"?

12. Mô tả kiểu quan hệ mà Kierkegaard tin rằng con người phải có đối với Thượng Đế.

Created by AM Word2CHM

TỪ VỰNG

NHẬP MÔN LỊCH SỬ TÂM LÝ HỌC à Chương 7. PHONG TRÀO LÃNG MẠN VÀ HIỆN SINH LUẬN

Aesthetic stage - Giai đoạn thẩm mỹ: Theo Kierkegaard, là giai đoạn đầu tiên trong sự tăng trưởng tiến tới tự do cá nhân hoàn hảo. Ở giai đoạn này, cá nhân thưởng thức nhiều kinh nghiệm nhưng họ không thể hiện tự do của mình.

Apollonian aspect of human nature - Khía cạnh Apollonian của bản tính con người: Theo Nietzsche, là phần nơi chúng ta chủ yếu tìm kiếm những gì là trật tự, yên ổn, và có thể lường trước được.

Dionysian aspect of human nature - Khía cạnh Dionysian của bản tính con người: Theo Nietzsche, là phần nơi chúng ta tìm kiếm những gì rối loạn, mạo hiểm, và những kinh nghiệm đam mê.

Ethical stage - Giai đoạn đạo đức: Theo Kierkegaard, là giai đoạn thứ hai trong sự tăng trưởng tiến tới tự do cá nhân hoàn hảo. Ở giai đoạn này, cá nhân có những quyết định đạo đức nhưng sử dụng các nguyên tắc do người khác đặt ra làm hướng dẫn cho các quyết định của mình.

Existentialism - Thuyết hiện sinh (hiện sinh luận): Kiểu triết học xem xét ý nghĩa cuộc đời và nhấn mạnh tự do mà con người có để chọn lựa một cách tự do số phận mình. Giống như phong trào lãng mạn, thuyết hiện sinh nhấn mạnh đến kinh nghiệm chủ quan và tính độc đáo của mỗi cá nhân.

General will - ý muốn tổng quát: Theo Rousseau, là khuynh hướng bẩm sinh sống hòa hợp với đồng loại.

Noble savage - Người quý tộc hoang dã: Thuật ngữ của Rousseau để chỉ về một con người không bị ô nhiễm bởi xã hội.

Romanticism - Phong trào lãng mạn: Kiểu triết học nhấn mạnh tính độc đáo của mỗi con người và đánh giá cao kinh nghiệm cảm xúc hơn là lý tính.

Superman - Siêu nhân: Tên gọi Nietzsche dùng để chỉ những người có can đảm vượt lên trên các quy ước đạo đức của xã hội và sự rập khuôn theo đám đông. Ngược lại, họ đi theo các khuynh hướng riêng của họ.

Will to power - ý muốn quyền lực: Theo Nietzsche, là nhu cầu cơ bản của con người để trở nên mạnh hơn, hoàn hảo hơn, và cao hơn người khác.

Will to survive - ý muốn ham sống: Theo Schopenhauer, là nhu cầu tự tồn mãnh liệt của mỗi cá nhân bằng cách thỏa mãn các nhu cầu sinh vật.

Created by AM Word2CHM

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro