Chương 6. DUY LÝ LUẬN
Chương 6. DUY LÝ LUẬN
NHẬP MÔN LỊCH SỬ TÂM LÝ HỌC
Trong chương 5 chúng ta đã định nghĩa thuyết duy nghiệm là thuyết coi kinh nghiệm là cơ sở của mọi tri thức. Tất cả các nhà duy nghiệm và duy cảm đều giả thiết tầm quan trọng của các thông tin giác quan, mặc dù đa số sử dụng nội quan để phân tích những gì xảy ra cho các thông tin ấy sau khi chúng đến được trí khôn. Rõ ràng thuật ngữ duy nghiệm luận không phản nghĩa với duy tinh thần. Ngoại trừ Hobbes, Gassendi, và La Mettrie, mọi nhà duy nghiệm và duy cảm đều giả thiết có một tinh thần mà trong đó diễn ra các sự kiện như liên tưởng, suy tư, tưởng tượng, trí nhớ, và tổng quát hóa. Điều phân biệt nhà duy nghiệm với nhà duy lý không phải là họ có giả thiết một tinh thần hay không, mà là họ giả thiết loại tinh thần nào.
Các nhà duy nghiệm thường mô tả một trí khôn thụ động, nghĩa là tác động vào cảm giác một cách tự động, máy móc. Như ta đã nói, dưới ảnh hướng của Galileo và Newton, các nhà duy nghiệm Anh muốn cắt nghĩa mọi sự kiện tinh thần bằng cách dùng một ít quy luật hay nguyên lý. Các nhà duy cảm Pháp có khuynh hướng cực đoan hơn, cho rằng thực ra không cần khái niệm tinh thần. Như ta thấy, Condillac cho rằng mọi hiện tượng tinh thần, bình thường được gán cho tinh thần, có thể được giải thích mà chỉ cần dựa vào các cảm giác và các luật liên tưởng.
Vậy người duy lý luận là gì? Người duy lý luận có khuynh hướng giả thiết có một trí khôn chủ động hơn nhiều, tác động trên các thông tin đến từ giác quan và cho chúng ý nghĩa mà chúng vốn không có. Theo nhà duy lý, tinh thần thêm một điều gì đó cho các dữ kiện cảm giác thay vì chỉ thụ động tổ chức và lưu giữ chúng trong trí nhớ. Một cách tiêu biểu, nhà duy lý giả thiết có các cơ cấu tinh thần, các nguyên lý, các hoạt động, hay khả năng bẩm sinh, chúng được sử dụng để phân tích nội dung tư tưởng. Hơn nữa, nhà duy lý có khuynh hướng tin rằng có những chân lý về chúng ta và về thế giới mà ta không thể biết chắc chắn nếu chỉ dựa vào việc kinh nghiệm nội dung của tinh thần chúng ta; các chân lý ấy phải đạt được bằng các quy trình như diễn dịch, phân tích, lý luận hợp lý, và trực giác. Nói khác đi, nhà duy lý có khuynh hướng tin vào các chân lý mà ta không thể khám phá nếu chỉ dựa vào các dữ liệu giác quan. Ngược lại, thông tin của giác quan phải được hấp thu bởi một hệ thống lý trí để có thể khám phá các chân lý như thế.
Tóm lại, ta không được có ấn tượng rằng có một sự phân biệt rạch ròi giữa thuyết duy nghiệm và thuyết duy lý; không có một sự phân biệt như thế.
Cũng như Bacon thường được coi là nhà sáng lập duy nghiệm luận thời cận đại, thì Descartes được coi là nhà sáng lập duy lý luận thời cận đại. Cả Bacon lẫn Descartes đều có cùng một động cơ: khắc phục những sai lầm và thiên kiến triết học của quá khứ (chủ yếu của Aristotle và các nhà triết học Kinh viện giải thích triết học Aristotle). Cả các nhà duy nghiệm luận lẫn duy lý luận đều tìm kiếm chân lý khách quan, họ chỉ khác nhau trong cách tìm kiếm của họ mà thôi.
Trong chương này, chúng ta sẽ trình bày một số nhà duy lý tiêu biểu, là những người đã giúp hình thành tâm lý học cận đại.
BARUCH SPINOZA
NICOLAS DE MALEBRANCHE
THOMAS REID
FRANZ JOSEPH GALL VÀ JOHANN GASPER SPURZHEIM
JOHANN FRIEDLRICH HERBART
GEORG WILHELM FRIEDRICH HEGEL
TỪ VỰNG
Created by AM Word2CHM
BARUCH SPINOZA
NHẬP MÔN LỊCH SỬ TÂM LÝ HỌC à Chương 6. DUY LÝ LUẬN
Baruch (có khi viết theo kiểu La Tinh là Benedictus) Spinoza (1632-1677) sinh ngày 24 tháng 11 ở thành phố Amsterdam. Cha mẹ ông là người Bồ Đào Nha gốc Do Thái. Trong thời kỳ Spinoza lớn lên, Hà Lan là một trung tâm tự do tri thức, và do đó thu hút các nhà trí thức như Descartes và Locke, vốn đã trải qua các cuộc bách hại ở những nơi khác tại châu Âu. Spinoza lúc đầu rất bị ấn tượng bởi triết học Descartes, và một trong những tác phẩm đầu tiên của ông là nhằm cắt nghĩa triết học Descartes. Nhưng cuối cùng Spinoza bác bỏ quan niệm của Descartes cho rằng Thượng Đế, vật chất, và tinh thần là các thực thể hoàn toàn biệt lập. Theo Spinoza, Thượng Đế, thiên nhiên, và tinh thần là những thực thể bất khả phân. Quan điểm của ông đi ngược lại quan niệm nhân hình về Thượng Đế của Do Thái giáo và Kitô giáo, và ông bị cả hai tôn giáo này kết án. Khi ông Spinozo 27 tuổi, ông bị công khai trục xuất khỏi hội đường Do Thái giáo, và các tín đồ của cộng đồng Do Thái giáo bị cấm không được quan hệ với ông. Họ thậm chí bị cấm đọc các sách vở của ông hay ở cùng phòng với ông.
Spinoza tự kiếm sống bằng nghề dạy học và mài mắt kiếng. Ông luôn luôn từ chối sự trợ giúp và quyên góp của những người ái mộ ông, trong số đó có nhà triết học lớn Leibniz. Ông thậm chí khước từ ghế giáo sư triết học ở Đại học Heidelberg vì việc chấp nhận này có nghĩa là từ bỏ việc phê bình Kitô giáo của ông.
Spinoza có những liên lạc thư từ rất dồi dào với nhiều nhà tư tưởng lớn thời ông, nhưng ông chỉ xuất bản một tác phẩm khi còn sống (không đề tên ông). Tác phẩm chính của ông, Siêu Hình Học Chứng Minh Bằng Trật Tự Hình Học, được xuất bản năm 1677 sau khi ông qua đời. Một số tác phẩm khác của ông được bạn bè sưu tập lại và xuất bản một thời gian ngắn sau khi ông mất. Như tựa đề đầy đủ của tác phẩm siêu Hình Học của ông cho thấy, ông rất bị ấn tượng bởi phương pháp diễn dịch của hình học. Trong sự tin tưởng rằng có thể dùng các phương pháp hình học để khám phá các chân lý trong lãnh vực không thuộc toán học, Spinoza có cùng quan điểm với Descartes và Hobbes. Trong Siêu Hình Học, Spinoza trình bày một số chân lý "hiển nhiên" từ đó ông đề nghị rút ra các chân lý khác về bản chất của thực tại. Mục tiêu cơ bản của ông là khám phá ra một nếp sống vừa đúng về mặt đạo đức vừa thỏa mãn con người.
Bản tính Thượng Đế
Như ta đã thấy, Descartes bị chỉ trích nặng nề vì quan niệm Thượng Đế như một lực đưa thế giới vào chuyển động rồi bỏ mặc nó. Theo Descartes, người ta có thể hiểu biết thế giới mà không cần suy tư thần học; và Newton chủ yếu cũng đã làm như thế. Theo Spinoza, Thượng Đế không chỉ làm cho thế giới chuyển động, ngài còn hiện diện mọi lúc và mọi nơi trong thiên nhiên. Hiểu biết các luật của thiên nhiên là hiểu biết Thượng Đế. Chính phiếm thần luận, hay sự tin tưởng rằng Thượng Đế ở khắp nơi và trong mọi sự vật, là nguyên cớ khiến cho các tác phẩm của ông bị kết án ngay cả trên quê hương Hà Lan rất tự do của ông.
Tương quan tinh thần - thân xác
Các nhà nhị nguyên luận như Descartes, vì chủ trương có một thân xác vật chất và một tinh thần vô chất, buộc phải giải thích hai thực thể này tương quan với nhau như thế nào. Ngược lại, các nhà duy vật buộc phải giải thích nguồn gốc của các sự vật mà chúng ta kinh nghiệm như những sự kiện tinh thần (ví dụ: các ý tưởng). Spinoza tránh được những khó khăn của cả người nhị nguyên lẫn người duy vật bằng cách giả thiết rằng tinh thần và thân xác là hai khía cạnh của cùng một sự vật - con người sống động. Theo Spinoza, tinh thần và thân xác giống như hai mặt của đồng tiền. Mặc dù hai mặt khác nhau, chúng là hai khía cạnh của cùng một đồng tiền. Như thế, tinh thần và thân xác bất khả phân, bất cứ điều gì xảy ra cho thần xác đều được kinh nghiệm như là cảm xúc và tư tưởng; và các cảm xúc và tư tưởng ảnh hưởng trên thân xác. Bằng cách này, Spinoza kết hợp sinh lý học và tâm lý học vào một hệ thống thống nhất. Lập trường của Spinoza về sự tương quan tinh thần-thân xác được gọi là thuyết lưỡng diện tâm vật lý, thuyết nhất nguyên lưỡng diện, hay đơn giản là thuyết lưỡng diện (xem Hình 1.1)
Lập trường của Spinoza về tương quan tinh thần-thân xác là hệ quả tất yếu của quan niệm Thượng Đế của ông. Bản tính Thượng Đế là cả trương độ (vật chất) và tư tưởng, không trương độ, và vì Thượng Đế là thiên nhiên, tất cả thiên nhiên đều là trương độ và tư tưởng. Vì Thượng Đế là một bản thể tư duy, vật chất, nên mọi sự vật trong thiên nhiên cũng là một bản thể tư duy, vật chất. Theo Spinoza, vì con người là thành phần của thiên nhiên, nên là các bản thể tư duy, vật chất. Hoạt động tinh thần không chỉ là của con người hay của thế giới hữu cơ. Mọi sự, cả hữu cơ và vô cơ, đều chia sẻ chung một bản thể là Thượng Đế, và vì vậy mọi sự đều có các thuộc tính vừa tinh thần vừa vật chất. Theo Spinoza, sự duy nhất tinh thần và thân xác chỉ là một biểu hiện của một sự duy nhất của vật chất và tư tưởng bao gồm mọi sự. Thuyết phiếm thần của Spinoza tất yếu dẫn đến thuyết phiếm tâm linh; nghĩa là, vì Thượng Đế ở khắp nơi, nên tinh thần cũng thế.
Phủ nhận Ý chí Tự do
Thượng Đế là thiên nhiên, và thiên nhiên thì hoạt động theo luật. Con người là thành phần của thiên nhiên, nên tư tưởng và hành vi của con người hoạt động theo luật; nghĩa là tất định. Mặc dù người ta có thể cảm thấy mình tự do hành động và suy nghĩ theo bất cứ cách nào họ muốn, thực ra thì không. Theo Spinoza, ý chí tự do là một chuyện bịa đặt:
Trong tinh thần không hề có ý chí tuyệt đối hay tự do; nhưng tinh thần bị quyết định muốn điều này hay điều khác vì một lý do nào đó, và lý do này cũng đã bị quyết định bởi một lý do khác, và lý do khác này lại bị quyết định bởi một lý do khác nữa, cứ thế mãi vô hạn.
Ở chỗ khác Spinoza nói chính vì không biết các nguyên nhân của các sự kiện mà chúng ta tưởng rằng mình có ý chí tự do: "Người ta tưởng mình tự do khi họ ý thức về các ước muốn và ao ước của mình và trong sự ngu dốt của họ, họ thậm chí không hề nghĩ đến các nguyên nhân đã khiến họ ước muốn và ao ước như thế."
Bản năng tự tồn là Động lực chính
Spinoza là người theo thuyết khoái lạc vì ông cho rằng điều được gọi là "tốt" và "xấu” thực ra chỉ là các cảm xúc về khoái lạc hay đau khổ. Tuy nhiên, Spinoza hiểu khoái lạc là có các ý tưởng rõ ràng. Một ý tưởng rõ ràng là ý tưởng dẫn đến sự bảo tồn sự sống của tinh thần vì nó phản ánh sự hiểu biết về sự tất yếu nhân quả. Nghĩa là nó phản ánh sự hiểu biết tại sao sự vật lại như thế. Khi tinh thần có các tư tưởng không rõ ràng hay đầy đam mê, nó cảm thấy yếu đuối và dễ tổn thương và cảm nghiệm sự đau khổ. Khoái lạc cao nhất phát xuất từ sự hiểu biết về Thượng Đế bởi vì hiểu biết về Thượng Đế giúp chúng ta hiểu biết các luật của thiên nhiên. Nếu tinh thần chỉ ở lại trong các tri giác hay đam mê nhất thời, nó trở nên thụ động và không hoạt động để đạt được sự sống còn; tinh thần ấy cảm nghiệm đau khổ. Tinh thần nhận thấy rằng đa số nhận thức giác quan đều tạo ra các ý tưởng không rõ ràng và vì vậy không đầy đủ bởi vì chúng thiếu sự rõ ràng, phân biệt, và thiếu tính hiển nhiên của các ý tưởng đúng (rõ ràng). Vì các ý tưởng không rõ ràng không mang lại khoái lạc, tinh thần tìm cách thay thế chúng bằng các ý tưởng rõ ràng, đầy đủ, qua một tiến trình suy tư hợp lý. Nói khác đi, phải tìm kiếm các ý tưởng rõ ràng bằng một tinh thần chủ động; chúng không xuất hiện một cách máy móc. Chúng ta biết bằng trực giác rằng phải duy trì thân xác vì nó có tương quan bất khả phân với tinh thần. Như thế thân xác, giống như tinh thần, sẽ cố gắng tránh những gì có hại cho chính nó và tìm kiếm những gì nó cần để tự tồn.
Cảm xúc và Đam mê
Nhiều người cho rằng sự thảo luận của Spinoza về các cảm xúc là cống hiến quan trọng nhất của ông cho tâm lý học. Xuất phát với một ít cảm xúc cơ bản như khoái lạc và đau khổ, Spinoza chứng minh bằng cách nào người ta đã rút ra thêm được 48 cảm xúc khác từ các sự tương tác giữa các cảm xúc cơ bản này và các hoàn cảnh khác nhau người ta gặp trong đời. Chúng ta sẽ trưng một ít ví dụ cho thấy các cảm xúc phát sinh từ các tình huống nhất thời của đời sống hằng ngày, nhưng trước hết chúng ta thảo luận về sự phân biệt quan trọng của Spinoza giữa cảm xúc và đam mê.
Spinoza nghĩ rằng kinh nghiệm về đam mê là kinh nghiệm làm giảm khả năng tự tồn. Khác với cảm xúc gắn liền với một tư tưởng chuyên biệt, đam mê không gắn liền với một tư tưởng đặc thù nào cả. Tình yêu của đứa bé dành cho mẹ nó là một cảm xúc, trong khi những tình trạng thay đổi thất thường về cảm xúc thì là một đam mê vì nó không nhắm đến một cái gì đặc biệt. Vì đam mê có thể tạo ra các hành vi không thích hợp, nó phải được kiềm chế bằng lý trí. Hành vi và tư tưởng được lý trí hướng dẫn thì có lợi cho sự tự tồn, còn hành vi và tư tưởng bị đam mê hướng dẫn thì không. Sự nhấn mạnh của Spinoza cho rằng chúng ta có thể tự cải thiện mình bằng cách làm sáng tỏ các ý tưởng của mình nhờ phân tích chúng và kiểm soát các đam mê của chúng ta bằng lý trí rất gần với tâm phân học của Freud. Thực vậy, nếu chúng ta thay từ đam mê bằng cụm từ các yếu tố quyết định hành vi, chúng ta sẽ thấy lập trường của Spinoza giống với của Freud như thế nào. Trên thực tế, Alexander và Selesnich (1966) đã coi Spinoza là nhà tâm lý học tiền-Freud lớn nhất.
Sau đây là vài ví dụ cho thấy các cảm xúc cơ bản tương tác nhau như thế nào và chúng có thể được chuyển từ một vật hay người sang một vật hay người khác như thế nào. Spinoza (1677/ 1955) nói rằng nếu một điều gì đó lúc đầu được yêu rồi bị ghét, cuối cùng nó sẽ bị ghét hơn là nếu nó đã không được yêu lúc đầu; nếu các sự vật tạo cho chúng ta khoái lạc hay đau khổ, chúng ta sẽ không chỉ yêu hay ghét chúng, nhưng cũng yêu hay ghét những vật giống với chúng; nếu điều gì tạo cho chúng ta các cảm giác thích thú nơi một vật mà chúng ta thích, chúng ta sẽ có khuynh hướng yêu điều đó, hay ngược lại, nếu điều gì tạo cho chúng ta cảm giác đau đớn nơi một vật mà chúng ta thích, chúng ta sẽ có khuynh hướng ghét điều đó; nếu người nào tạo cảm giác thích thú trong một điều mà chúng ta ghét, chúng ta sẽ ghét người đó, hay ngược lại, nếu người nào tạo cảm giác đau khổ nơi một điều mà chúng ta ghét, chúng ta sẽ có khuynh hướng yêu người đó.
Ảnh hưởng của Spinoza
Triết học Descartes thường được trích dẫn như là khởi đầu của tâm lý học cận đại, nhưng ngoại trừ những gì ông nói về hành vi phản xạ, đa số các ý tưởng của không thích hợp với phân tích khoa học - ví dụ nhị nguyên luận thân xác-tinh thần của ông, niềm tin của ông liên quan đến các khí động vật và tuyến yên, về ý chí tự do và các ý tưởng bẩm sinh, và các nền tảng cứu cánh và thần học của đa số lý thuyết của ông. Bernard cho rằng Spinoza có công hơn Descartes trong việc ảnh hưởng đối với khoa tâm lý học hiện đại: "Chỉ xét riêng về những nguyên tắc lớn làm nền tảng cho khoa tâm lý học hiện đại, chúng ta thấy chúng tương đương trong triết học Spinoza nhưng thiếu ở triết học Descartes." (1972, tr. 208). Bernard coi nguyên tắc tất định tâm lý của Spinoza là một kích thích cho phân tích khoa học về tinh thần.
Bernard (1972) kết luận bài tổng quan của ông về các cống hiến của Spinoza cho tâm lý học hiện đại bằng cách nói rằng chúng rất giá trị và vượt xa Descartes.
Chúng ta đã nhắc đến sự giống nhau giữa triết học Spinoza và tư tưởng tâm phân học. Cả hai nhấn mạnh rằng các ý tưởng không rõ ràng phải được làm cho trở thành rõ ràng và các đam mê phải được kiểm soát bởi lý trí. Chúng ta sẽ thấy ở chương 8 và 9 triết học Spinoza đã ảnh hưởng thế nào tới hai nhà tâm lý học từng có công đưa tâm lý học lên vị trí của khoa học thực nghiệm: Gustav Fechner và Wilhem Wundt.
Trước khi quay sang các nhà triết học và tâm lý học duy lý khác, chúng ta sẽ tóm tắt duyệt qua một lập trường khác về vấn đề tương quan tinh thần-thân xác từng được chấp nhận vào thời Spinoza. Chúng ta nhắc đến lập trường của Malebranche chủ yếu để cho thấy rằng hầu như có đủ kiểu tương quan đã được đề nghị vào lúc này hay lúc khác trong lịch sử.
Created by AM Word2CHM
NICOLAS DE MALEBRANCHE
NHẬP MÔN LỊCH SỬ TÂM LÝ HỌC à Chương 6. DUY LÝ LUẬN
Nicolas de Malebranche (1638-1715), một linh mục theo khuynh hướng thần bí, chấp nhận nhị nguyên luận về tinh thần- thân xác của Descartes nhưng không đồng ý về cách Descartes giải thích bằng cách nào hai thực thể này tương tác nhau. Theo Malebranche, Thượng Đế là trung gian các mối tương tác giữa tinh thần và thân xác. Ví dụ: khi một người có ước muốn giơ tay lên, Thượng Đế biết được ý muốn của người ấy và ngài giơ cánh tay người ấy lên. Tương tự, nếu thân xác bị thương, Thượng Đế ý thức về điều này và làm cho người ấy cảm thấy đau. Trên thực tế, không hề có tương quan giữa tinh thần và thân xác, mà ta chỉ thấy có vẻ có tương quan như thế vì có sự can thiệp của Thượng Đế. Một ước muốn làm một điều gì trở thành cơ hội để Thượng Đế làm cho thân xác hành động, và vì lý do đó quan niệm này được gọi là ngẫu nhiên luận (occasionalism). Quan niệm này về tương quan tinh thần-thân xác có thể được coi là một thuyết song hành với sự can thiệp của Thượng Đế. Nếu không có sự can thiệp của Thượng Đế, các hoạt động của tinh thần và thân xác sẽ không có liên quan gì, và chúng ta sẽ có thuyết tâm vật song hành. Hình 1.1 (trang 16 sách tiếng Anh) mô tả lập trường của Malebranche về tương quan tinh thần-thân xác.
GOTTFRIED WILHELM VON LEIBNIZ
Giống như một số nhà duy lý khác, Gottfried Wilhelm von Leibniz (1646-1716) là một nhà toán học lớn. Thực vậy, ông đã triển khai phép toán vi phân và tích phân vào khoảng cùng thời gian mà Newton triển khai hai phép tính này, mặc dù hai người triển khai độc lập nhau. Leibniz sống giữa thời đại rất năng nổ về trí thức. Ông sống đồng thời với Hobbes, Spinoza, và Locke. Malebranche chết một năm trước Leibniz, và Newton chết 11 năm sau ông. Cha ông là giáo sư triết học đạo đức tại Đại học Leipzig, nơi ông theo học từ năm 15 tuổi. Nền giáo dục thuở nhỏ của ông gồm các tác phẩm cổ điển của Hy Lạp và La Mã và các tác phẩm của Bacon, Descarte và Galileo.
Bất đồng Những Cảo với Locke
Mặc dù Descartes mất khi Leibniz mới 4 tuổi, triết học Descartes vẫn còn ngự trị châu Âu khi Leibniz bước vào thời kỳ hoạt động nhất của ông. Tuy nhiên, tác phẩm đầu tiên của ông là một phê bình cuốn Essay (Cảo Luận, 1690) của Locke. Tuy tác phẩm phê bình về Locke - của ông nhan đề Cảo Luận Mới về Tri Thức đã viết xong năm 1704, nó chỉ được xuất bản gần 50 năm sau khi ông chết (1765). Lý do của sự chậm trễ này là vì Locke đã qua đời năm 1704 và Leibniz nghĩ không nên tranh luận với người đã quá cố.
Tập trung vào mô tả của Locke về tinh thần như một tabularasa (tờ giấy trắng), Leibniz tưởng Locke tin rằng không có gì trong trí khôn nếu nó đã không có trước trong giác quan. Leibniz hiểu lầm Locke như tin rằng nếu lấy ra khỏi trí khôn các ý tưởng phát xuất từ kinh nghiệm thì trí khôn trở thành trống rỗng. Nhưng như ta đã thấy ở chương 5, thực ra Locke giả thiết một trí khôn đầy ắp các khả năng bẩm sinh. Dù sao, Leibniz đã cố gắng sửa sai triết học Locke theo như ông hiểu. Leibniz nói không có gì trong trí khôn mà không có trước trong giác quan, ngoại trừ chính trí khôn. Thay vì một trí khôn thụ động như Leibniz tưởng Locke giả thiết, bây giờ Leibniz giả thiết một trí khôn rất chủ động và ông còn đi xa hơn thế nữa. Leibniz hoàn toàn bác bỏ quan niệm của Locke rằng mọi tư tưởng đều bắt nguồn từ kinh nghiệm; ngược lại, ông nói không có ý tưởng nào từ kinh nghiệm. Leibniz tin rằng không có gì vật chất (ví dụ: sự kích hoạt một cơ quan thụ cảm) mà lại có thể tạo ra một ý tướng là cái vô chất. Và vì các ý tưởng không thế đến từ cái gì là vật chất, như não, nên chúng phải là bẩm sinh. Tuy nhiên cái gì bẩm sinh này là tiềm thể để có một ý tưởng. Kinh nghiệm có thể làm cho một ý tưởng ở tiềm thể trở thành hiện thể, nhưng không bao giờ có thể tạo ra một ý tưởng.
Thuyết Đơn tử
Leibniz kết hợp vật lý học, sinh vật học, nội quan, và thần học thành một vũ trụ quan vừa kỳ lạ vừa phức tạp. Một mục tiêu của Leibniz là hòa giải nhiều khám phá khoa học mới và ngoạn mục với niềm tin Thượng Đế của truyền thống. Như ta đã thấy, Spinoza cũng từng cố gắng làm điều này bằng cách đồng hóa Thượng Đế với thiên nhiên, nhờ đó loại bỏ mọi mâu thuẫn giữa tôn giáo và khoa học. Giải pháp do Leibniz đề nghị thì phức tạp hơn.
Với sự hỗ trợ của kính hiển vi mới được phát minh, Leibniz có thể thấy rằng sự sống tồn tại khắp nơi, ngay cả những nơi mà mắt trần không thể thấy. Ông cho rằng sự phân chia các sự vật thành sinh vật và vật vô sinh là vô lý. Ngược lại, ông kết luận rằng tất cả đều là sinh vật. Vũ trụ được làm thành bởi một con số vô hạn các đơn vị gọi là đơn tử. Đơn tử giống như một nguyên tử có sự sống, và mọi đơn tử đều ý thức và hoạt động. Nhưng có một bậc thang thứ tự giữa các vật trong thiên nhiên, tương tự với scala naturae (bậc thang thiên nhiên) của Aristotle. Mặc dù mọi đơn tử đều hoạt động và ý thức, chúng khác nhau về mức độ rõ ràng và phân biệt của các tư tưởng mà chúng có thể có. Nói khác đi, các đơn tử khác nhau về sự thông minh. Cái mà đôi khi người ta gọi là vật chất ù lì là những vật được tạo thành bởi các đơn tử chỉ có thể có các tư tưởng vô cùng hỗn độn và lẫn lộn. Như thế, trên bậc thang cao dần về trí thông minh, có cây cỏ, vi khuẩn, côn trùng, động vật, con người, và Thượng Đế. Như thế, sự khác biệt giữa mọi vật trong vũ trụ là khác biệt về lượng, không phải về phẩm. Mọi đơn tử tìm cách làm sáng tỏ các tư tưởng của chúng tuỳ theo mức độ khả năng của chúng, bởi vì các tư tưởng sáng sủa tạo ra khoái lạc. Chỗ này là điểm nhất trí quan trọng giữa Aristotle và Leibniz vì Leibniz quan niệm đơn tử như một tiềm thể tìm cách trở thành hiện thể. Nói cách khác, mỗi đơn tử, và do đó toàn thể thiên nhiên mang tính chất của một nguyên nhân cứu cánh hay mục đích.
Ngay dưới bậc của Thượng Đế là con người có các đơn tử có khả năng tư duy rõ ràng nhất. Tuy nhiên, vì con người gồm mọi loại đơn tử, từ các đơn tử của vật chất, thực vật, và động vật, nên tư tưởng chúng ta không luôn luôn sáng sủa. Tuy nhiên, là con người, chúng ta có tiềm năng để có những tư tưởng sáng sủa, chỉ xếp sau Thượng Đế mà thôi... Sự kiện con người có nhiều đơn tử có bản chất thấp hơn và các ý tưởng phát xuất từ đơn tử trổi vượt của chúng ta chỉ tồn tại dưới dạng những tiềm thể là điều cắt nghĩa tại sao chúng ta kinh nghiệm các ý tưởng với các mức độ sáng sủa khác nhau. Theo Leibniz, các đơn tử không bao giờ có thể bị ảnh hưởng bởi bất cứ cái gì bên ngoài chúng. Vì vậy, cách duy nhất để chúng thay đổi (trở nên sáng sủa hơn) là qua sự phát triển nội tại - nghĩa là bằng cách hiện thể hóa tiềm năng của chúng.
Tương quan Tinh thần - Thân xác
Như ta đã thấy, Leibniz tin kinh nghiệm cần thiết bởi vì nó tập trung chú ý vào các tư tưởng đã có trong chúng ta và cho phép chúng ta tổ chức các tư tưởng của mình và hành động thích hợp, nhưng kinh nghiệm không thể tạo ra ý tưởng. Sự gặp gỡ của các giác quan với thế giới vật lý không bao giờ tạo ra một cái gì thuần túy tinh thần (ví dụ: một ý tưởng). Vì vậy, Leibniz bác bỏ thuyết nhị nguyên tinh thần-thân xác của Descartes. Nghĩa là ông bác bỏ thuyết tương tác của Descartes bởi vì cái vật lý không thể tạo ra cái tinh thần. Leibniz cũng bác bỏ ngẫu nhiên luận bởi vì ông nghĩ không thể tin rằng tinh thần và thân xác được phối hợp nhờ sự can thiệp liên tục của Thượng Đế. Thay vì thuyết tương tác của Descartes và thuyết ngẫu nhiên của Malebranche, Leibniz đưa ra tâm vật lý song hành luận dựa trên khái niệm về sự hòa hợp tiền định. Leibniz tin rằng các đơn tử không bao giờ ảnh hưởng lẫn nhau; nó chỉ có vẻ ảnh hưởng bề ngoài mà thôi. Toàn thể vũ trụ đã được Thượng Đế tạo dựng để có sự hòa hợp hoàn hảo, thế nhưng không có gì trong vũ trụ thực sự ảnh hưởng trên nhau. Có một sự tương ứng giữa tình trạng tri giác của mỗi đơn tử và các điều kiện bên ngoài nó, nhưng các tri giác này chỉ có thể được nói là "tấm gương dọi lại" các sự kiện bên ngoài hơn là do các sự kiện ấy tạo ra. Leibniz xin chúng ta tưởng tượng ra hai chiếc đồng hồ giống hệt nhau và hoàn toàn chính xác, và được đặt để chỉ cùng một giờ như nhau vào cùng một lúc. Sau đó hai đồng hồ này sẽ luôn luôn chạy cùng giờ như nhau mà không tương tác gì với nhau. Theo Leibniz, mọi đơn tử cũng giống các đồng hồ ấy, kể cả các đơn tử tạo thành thân xác và tinh thần. Hình 1.1 mô tả dạng hòa hợp tiền định của tâm vật lý song hành luận kiểu Leibniz. Theo Leibniz, thế giới hiện có "là thế giới tốt nhất có thể có."
Ảnh hưởng của Leibniz
Triết học Leibniz đã nhận được những phản ứng rất khác biệt nhau từ các nhà viết sử tâm lý học. Về mặt tiêu cực, chúng ta có nhận xét của Esper:
Nơi Leibniz... chúng ta có ví dụ điển hình về điều xảy ra cho "tâm lý học" khi nó nằm trong tay một nhà triết học có quan tâm chính và phương pháp tri thức là thần học, toán học, và lô gích và sử dụng các khái niệm của vật lý học và sinh vật học nhằm phục vụ cho tư duy siêu hình; nơi Leibniz chúng ta có một Parmenides của thế kỷ 17. (1964, tr. 224).
Về mặt tích cực, Brett nói, "Công trình của Leibniz thật xuất sắc và đầy gợi hứng, đến nỗi nó thường được coi là một sự khai sinh tự nhiên của triết học Đức." (1965, tr. 406). Chính quan niệm của Leibniz về tinh thần con người (linh hồn) đã ngự trị triết học duy lý Đức trong nhiều năm. Brett mô tả quan niệm ấy như sau: "Leibniz nhấn mạnh tính tự phát của linh hồn; theo ông, hoạt động của tinh thần có cái gì khác hơn chỉ là việc sắp xếp, chọn lọc, và liên kết các cái có sẵn; nó chủ yếu là sản xuất, sáng tạo, và linh hoạt." (1965, tr. 407).
Created by AM Word2CHM
THOMAS REID
NHẬP MÔN LỊCH SỬ TÂM LÝ HỌC à Chương 6. DUY LÝ LUẬN
Thomas Reid (1710-1796) sinh ngày 26 tháng 4 tại Strachan, một giáo xứ cách Aberdeen, Tô Cách Lan, 20 dặm, nơi cha ông từng là mục sư trong 50 năm. Mẹ ông là thành viên của một gia đình Tô Cách Lan có thế giá, và một ông cậu của ông là giáo sư thiên văn tại Oxford và là bạn thân của Newton. Reid là người Tô Cách Lan giống như Hume; nhưng khác với Hume, Reid đại diện cho thuyết duy lý thay vì duy nghiệm. Reid bênh vực sự tồn tại của các khả năng lý trí bằng cách nói rằng chính những người cho rằng lý trí không tồn tại cũng phải dùng lý trí để hoài nghi sự tồn tại của nó. Lý trí thì lý luận, còn dạ dày thì tiêu hóa thức ăn, và cả hai làm phận sự mình vì chúng được tạo ra để làm như thế. Reid nghĩ rằng lý trí cần thiết để chúng ta có thể kiểm soát các cảm xúc, thèm muốn, và đam mê của chúng ta, và để chúng ta hiểu và chu toàn bổn phận của chúng ta đối với Thiên Chúa và con người.
Hume từng lý luận rằng, vì chúng ta chỉ có thể kinh nghiệm được các ấn tượng giác quan, nên tri thức của chúng ta hoàn toàn phải dựa vào chúng mà thôi. Vì vậy theo Hume, tri thức về các điều như Thượng Đế, bản ngã, nhân quả, và thậm chí về thực tại bên ngoài là hoàn toàn không thể đạt được. Reid mạnh mẽ chống lại quan điểm của Hume; ông cho rằng vì chúng ta thực sự có các tri thức như thế, nên lý luận của Hume phải sai. Reid trình bày lý luận của ông chống lại Hume và các nhà duy nghiệm trong tác phẩm của ông nhan đề Nghiên Cứu Về Tinh Thần Con Người Dựa Trên Các Nguyên Tắc Của Lương Tri (1764), Cảo Luận Về Năng Lực Tinh thần của con người (1785), và Những Cảo Luận Về Các Năng Lực Chủ Động Của Tinh Thần Con Người (1788). Reid giới thiệu triết học lương tri (hay công cảm) của ông chủ yếu trong tác phẩm thứ nhất và "tâm lý học về khả năng" của ông chủ yếu trong hai tác phẩm sau, và chúng ta sẽ thảo luận sau đây về cả hai.
Lương tri
Reid lý luận rằng, vì mọi người đều tin chắc sự tồn tại của thực tại vật lý nó phải tồn tại. Hơn nữa, tại các tòa án, những người làm chứng đã tai nghe mắt thấy được đánh giá cao:
Theo luật pháp của mọi quốc gia, trong các cuộc xét xử long trọng nhất có ảnh hưởng tới sinh mạng và tài sản của công dân, phán quyết được đưa ra dựa theo các nhân chứng đáng tin vì đã tai nghe mắt thấy. Một thẩm phán chính trực sẽ lắng nghe mọi vấn nạn về sự chân thật của nhân chứng, và cho phép nghi ngờ nhân chứng đã bị hối lộ; nhưng không một thẩm phán nào sẽ giả thiết rằng các nhân chứng có thể bị áp lực vì họ tin tưởng vào mắt và tai họ.
Còn chứng cớ nào mạnh hơn là phán đoán phổ quát của toàn nhân loại rằng chứng cớ của giác quan là một loại chứng cớ mà chúng ta có thể an tâm dựa vào trong những mối quan tâm quan trọng nhất của con người; nghĩa là nó là một loại chứng cớ mà chúng ta không thể lý luận gì chống lại nó; và vì vậy lý luận thuận hay chống chứng cớ ấy quả là một sự thóa mạ lương tri?
Nếu lô gích của Hume làm ông kết luận rằng chúng ta không bao giờ biết được thế giới vật lý, thì Reid nói, có cái gì không ổn trong lô gích của Hume rồi. Chúng ta có thể tin tưởng các ấn tượng của chúng ta về thế giới vật lý bởi vì như thế là làm đúng với lương tri. Chúng ta tự nhiên có các khả năng xử lý và tìm ra ý nghĩa của thế giới vật lý.
Reid mô tả đời sống sẽ ra như thế nào nếu chúng ta không giả thiết rằng giác quan chúng ta phản ánh đúng thực tại: Tôi quyết định không tin vào giác quan của mình. Tôi bị u đầu sứt trán khi đụng vào một cột đèn trên đường; tôi rớt xuống một cái cống hôi thối; và sau hai chục lần hành động khôn ngoan và lý luận như thế, tôi bị lôi đi nhốt vào một nhà thương điên. (Beanblossom & Lehrer, 1983, tr. 86).
Người ta có thể nói họ không biết các cảm giác của họ có phản ánh đúng thế giới vật lý như Hume từng nói hay không, nhưng mọi người, kể cả Hume, giả thiết rằng có. Giả thiết khác đi là dấu hiệu có cơ sở để bị nhốt vào nhà thương điên.
Duy Hiện thực luận Trực tiếp
Cảm giác của chúng ta không chỉ phản ánh chính xác thực tại, mà còn phản ánh nó trực tiếp. Sự tin tưởng rằng chúng ta kinh nghiệm trực tiếp thực tại được gọi là Duy hiện thực luận trực tiếp (đôi khi cũng gọi là Duy hiện thực luận thô thiển; xem Henle, 1986). Mặc dù như ta sẽ thấy, Reid là một nhà duy lý, ông không tin rằng cần thiết phải sử dụng lý trí để kinh nghiệm môi trường cách chính xác; ông cũng không tin phải dùng các luật liên tưởng của các nhà duy nghiệm. Nói khác đi, Reid không tin rằng ý thức được hình thành bởi một cảm giác được thêm vào một cảm giác khác hay vào việc nhớ lại các cảm giác khác. Ngược lại chúng ta kinh nghiệm sự vật cách trực tiếp như là sự vật vì khả năng tri giác bẩm sinh của chúng ta. Chúng ta tri giác trực tiếp thế giới theo các đơn vị ý nghĩa, chứ không theo các cảm giác rời rạc sau đó được kết hợp bằng các nguyên tắc liên tưởng. Chúng ta sẽ thấy lại niềm tin này khi bàn về triết học Kant và tâm lý học Gestalt (hình thức) (chương 14).
Tâm lý học Khả năng
Khi triển khai các khả năng suy luận của tinh thần, Reid thảo luận về một số khả năng, như thế có thể gọi ông là nhà tâm lý học khả năng. Các nhà tâm lý học (hay triết học) khả năng là những người nói đến các khả năng hay sức mạnh tinh thần khác nhau khi họ mô tả tinh thần. Trong lịch sử, tâm lý học khả năng rất thường bị hiểu sai hay trình bày sai. Người ta thường hay cho rằng các nhà tâm lý học khả năng tin rằng có một khả năng tinh thần nằm ở một chỗ đặc biệt trong não. Tuy nhiên, ngoại trừ các nhà hiện tượng luận (sẽ bàn đến sau), thực sự không phải như thế. Người ta cũng thường cho rằng các nhà tâm lý học khả năng chỉ giả thiết các khả năng thay vì cắt nghĩa một hiện tượng tâm linh phức tạp. Ví dụ: người ta nhận thức bởi vì họ có khả năng nhận thức. Tuy nhiên trong thực tế, hầu hết các nhà tâm lý học hay triết học khả năng không tin rằng các khả năng có tương ứng với các phần nào đó của não, và họ cũng không dùng chúng để cắt nghĩa các hiện tượng tâm linh. Thường thuật ngữ khả năng được dùng để chỉ một loại khả năng tinh thần nào đó, chỉ thế thôi:
Từ "khả năng" được sử dụng thường xuyên ở thế kỷ 17 trong các cuộc thảo luận về tinh thần. Bản thân Locke sử dụng nó rất thoáng, đồng thời cẩn thận lưu ý rằng từ này chỉ có nghĩa là một năng lực" hay "năng khiếu" để làm một loại hoạt động nào đó (như tri giác và nhớ), chứ nó không chỉ về một tác nhân hay bản thể, và nó không có giá trị giải thích. Theo Locke và các nhà tư tưởng thời sau, một "khả năng" chả là một phạm trù để phân loại, chỉ có ích theo nghĩa phân loại sự vật mà thôi. (Albretch. 1970. tr. 36).
Tuy có thể đúng như nhận xét của Albretch rằng các nhà tâm lý học khả năng sử dụng thuật ngữ khả năng chỉ theo nghĩa phân loại, nhưng Reid không sử dụng như thế. Theo Reid, các khả năng tinh thần là các sức mạnh hoạt động của tinh thần; chúng tồn tại thực sự và ảnh hưởng đến các tư tưởng và hành vi của các cá nhân. Tuy nhiên theo Reid, các khả năng tinh thần là các khía cạnh của một tinh thần duy nhất, thống nhất, và chúng không bao giờ hoạt động riêng rẽ. Nghĩa là, khi một khả năng hoạt động, nó hoạt động liên hợp với các khả năng khác. Reid luôn luôn nhấn mạnh sự duy nhất của tinh thần.
Tóm lại, chúng ta có thể nói là, đối với Reid, các khả năng là các khía cạnh của tinh thần thực sự tồn tại và ảnh hướng đến hành vi và tư tưởng con người. Mọi khả năng đều được nghĩ là bẩm sinh và hoạt động liên hợp với các khả năng khác. Sau một cuộc duyệt xét kỹ lưỡng các tác phẩm của Reid, Brooks (1976) kết luận rằng Reid đã kể ra cả thảy 43 khả năng khác nhau của tinh thần.
Created by AM Word2CHM
FRANZ JOSEPH GALL VÀ JOHANN GASPER SPURZHEIM
NHẬP MÔN LỊCH SỬ TÂM LÝ HỌC à Chương 6. DUY LÝ LUẬN
Không lâu sau khi Reid và những người khác đưa ra bảng liệt kê điều mà họ gọi là các khả năng của tinh thần, các tác giả khác đã bắt đầu nghiêm túc xét lại tâm lý học khả năng. Hai tác giả như thế là Franz Gall (1758-1828) và học trò và cũng là đồng nghiệp của ông là Johann Gasper Spurzheim (1776- 1832). Gall và Spurzheim đã đưa ra ba tuyên bố làm thay đổi lịch sử tâm lý học khả năng:
1. Các khả năng tinh thần không tồn tại ở các mức độ giống nhau nơi mọi người.
2. Các khả năng này nằm ở các khu khác nhau trong não.
3. Nếu một khả năng phát triển tốt, một người sẽ có một chỗ u hay lồi ở phần tương ứng của hộp sọ. Cũng thế, nếu một khả năng phát triển kém, sẽ xuất hiện một chỗ lõm ở phần tương ứng của hộp sọ.
Như vậy, Gall và Spurzheim tin rằng độ lớn của các khả năng của một người có thể được xác định bằng cách xem các chỗ lồi hay lõm ở hộp sọ của một người. Phân tích này được gọi là khoa tướng sọ.
Một số nhà tướng sọ học còn tuyên bố thêm rằng các khả năng có thể phát triển nhờ luyện tập, giống như các cơ bắp. Sự tin tưởng này đã ảnh hưởng một số nhà giáo dục và thúc đẩy họ đưa ra một phương pháp giáo dục "cơ bắp tinh thần". Theo họ, giáo dục có nghĩa là làm cho các khả năng tinh thần mạnh lên bằng cách luyện tập các đặc tính liên quan tới các khả năng ấy. Ví dụ người ta có thể cải thiện khả năng suy luận bằng cách học toán học. Sự tin tưởng rằng các kinh nghiệm giáo dục có thể được tổ chức thế nào để chúng kiện cường một số khả năng thì được gọi là kỷ luật hình thức. Chúng ta sẽ thấy ở chương 11 rằng Edward L. Thorndike đã đánh giá một cách hệ thống các tuyên bố về giáo dục của các nhà tướng sọ học và đã chứng minh chúng là sai lầm.
Hình 6.1 Bản đồ tướng sọ học do Spurzheim đề nghị (1834) cho thấy các "khả năng và cơ quan của tinh thần"
Khoa tướng sọ học trở nên rất thịnh hành và được đón nhận bởi một số nhà trí thức hàng đầu tại eur (vd Bain và Comte). Nhiều hiệp hội, sách báo nói về đề tài này. Một lý do làm cho khoa tướng sọ học phổ biến là nhờ tên tuổi của chính Gall, một nhà giải phẫu học rất có thế giá, và là người đầu tiên phân biệt các chức năng của chất xám và chất trắng trong não. Một lý do khác nữa là nó làm người ta hi vọng có thể có một sự phân tích khách quan, duy vật về tinh thần.
Một số "bản đồ tướng sọ học" bắt đầu xuất hiện sau khi các sách của Gall và Spurzheim xuất bản. Con số các khả năng được đề nghị có thể từ 26 (theo Gall) lên đến 43 (theo các nhà tướng sọ học sau này). Hình 6.1 cho thấy bản đồ tướng sọ học do Spurzheim đề nghị.
Mặc dù đa số các tuyên bố chuyên biệt của khoa tướng sọ học đều sai, sự tin tưởng chung chung của nó đã có một hiệu quả hữu ích cho sự phát triển của tâm lý học như một khoa học. Để trắc nghiệm các tuyên bố của tướng sọ học liên quan tới vị trí của các khả năng khác nhau, cần phải có tra cứu kỹ lưỡng về não. Nhưng mặc dù các nhà tướng sọ học đã kích thích sự tra cứu về vị trí của các chức năng của não, chính việc tra cứu này đã chứng minh rằng các giả thiết cơ bản của tướng sọ học là sai. Ở chương 8, chúng ta sẽ nói nhiều hơn về tướng sọ học và công việc nghiên cứu mà nó kích thích.
IMMANUEL KANT
Immanuel Kant (1724-1804) sinh ngày 22 tháng 4 tại Konigsberg, nước Phổ, chưa hề rời xa nơi ông sinh trưởng hơn 40 dặm trong suốt 80 năm cuộc đời ông.
Kant theo học tại Đại học Konigsberg và dạy học tại đây cho tới năm 73 tuổi, khi ông từ chức vì bị yêu cầu ngưng đưa các quan điểm tôn giáo của ông vào các bài giảng. Lúc sinh thời, ông nổi tiếng đến nỗi các sinh viên từ khắp châu Âu đến dự các lớp của ông và phải thường xuyên thay đổi các quán ăn để tránh những người ái mộ đến xem ông ăn. Các sách nổi tiếng của Kant, Phê bình lý trí thuần túy (1781) và Phê bình lý trí thực tiễn (1788) tô đậm sắc thái cho nền triết học và tâm lý học duy lý Đức trong suốt nhiều thế hệ.
Kant ban đầu là một học trò - của Leibniz nhưng sau khi đọc triết học Hume, ông thức tỉnh khỏi "giấc ngủ giáo điều" và tìm cách cứu vãn triết học khỏi thuyết hoài nghi mà Hume đã tạo ra. Hume lý luận rằng mọi kết luận chúng ta đạt đến về bất cứ điều gì đều dựa trên kinh nghiệm chủ quan bởi vì kinh nghiệm này là cái duy nhất chúng ta gặp được trực tiếp. Theo Hume, mọi phát biểu về bản chất của thế giới vật lý hay về đạo đức đều bắt nguồn từ các ấn tượng, ý tưởng, và tình cảm mà chúng khơi dậy, cũng như từ cách thức chúng được tổ chức bởi các luật liên tưởng. Thậm chí nguyên lý nhân quả, vốn hết sức quan trọng đối với nhiều nhà triết học và khoa học, cũng bị giản lược về thói quen của tinh thần trong triết học Hume. Theo Hume, triết học duy lý, vật lý học, và triết học đạo đức, tất cả đều bị giản lược về tâm lý học chủ quan. Vì vậy không thể biết chắc chắn điều gì bởi vì mọi tri thức đều căn cứ trên sự giải thích kinh nghiệm chủ quan.
Các phạm trù của Tư tưởng
Kant bắt đầu chứng minh Hume đã sai bằng cách cho thấy rằng một số chân lý là chắc chắn chứ không chỉ dựa trên kinh nghiệm chủ quan mà thôi. Ông tập trung vào phân tích của Hume về khái niệm nhân quả. Kant đồng ý với Hume rằng khái niệm này không tương ứng với một điều gì trong kinh nghiệm. Nói khác đi, không có gì trong kinh nghiệm của chúng ta cho thấy rằng một vật tạo ra một vật khác. Nhưng Kant hỏi, nếu khái niệm nhân quả không bắt nguồn từ kinh nghiệm, vậy thì nó bắt nguồn từ đâu? Kant lý luận rằng chính các thành phần cần thiết để suy nghĩ theo tương quan nhân quả cũng không thể bắt nguồn từ kinh nghiệm và vì thế phải tồn tại a priori (tiên thiên, tiên nghiệm), hay độc lập với kinh nghiệm. Kant không phủ nhận tầm quan trọng của các dữ kiện cảm quan, nhưng ông nghĩ tinh thần phải thêm điều gì đó vào dữ liệu cảm giác thì mới đạt đến tri thức, điều gì đó được cung cấp bởi các phạm trù tư tưởng tiên nghiệm (bẩm sinh). Theo Kant, cái chúng ta kinh nghiệm chủ quan đã được biến đổi bởi các khái niệm thuần túy của tinh thần và vì thế có ý nghĩa hơn là nếu nó không được biến đổi. Kant liệt kê các điều sau đây trong bảng danh sách các khái niệm thuần túy a priori, hay phạm trù của tư tưởng: duy nhất, toàn diện, nhân quả, thực tại, số lượng, chất lượng, phủ định, có thể-không thể, và tồn tại-không tồn tại.
Vì Kant giả định các phạm trù của tư tưởng, ông có thể được gọi là nhà tâm lý học khả năng. Nhưng ông là một nhà tâm lý học khả năng theo kiểu của Reid. Nghĩa là ông giả định một tinh thần duy nhất và thống nhất có các thuộc tính hay khả năng đa dạng. Các thuộc tính luôn luôn tương tác với nhau và không nằm ở một vị trí nhất định nào trong trí khôn, và chắc chắn không trong não. Nói cách khác, Kant không chấp nhận loại tâm lý học khả năng của các nhà tướng sọ học.
Các nguyên nhân của Kinh nghiệm Tinh thần
Kant đồng ý với Hume rằng chúng ta không bao giờ kinh nghiệm trực tiếp thế giới vật lý và vì thế không bao giờ có thể có tri thức chắc chắn về nó. Tuy nhiên, theo Hume, các nhận thức của chúng ta chỉ là các ấn tượng giác quan, các ý tưởng, và các sự kết hợp của chúng bởi luật liên tưởng hay trí nhớ. Theo Kant, có nhiều hơn thế. Các ấn tượng của chúng ta luôn luôn được các phạm trù tư tưởng của chúng ta cơ cấu hóa lại, và kinh nghiệm hiện tượng của chúng ta là kết quả của sự tương tác giữa các cảm giác và các phạm trù tư tưởng. Ngay cả khi các nhà khoa học vật lý nghĩ rằng họ mô tả thế giới vật lý thực ra họ đang mô tả tinh thần con người. Theo Kant, tinh thần áp đặt các luật của thiên nhiên. Theo nghĩa này, Kant thậm chí còn cách mạng hơn cả Copernicus bởi vì theo Kant, tinh thần con người trở thành trung tâm của vũ trụ. Thực vậy, theo Kant, tinh thần của chúng ta tạo ra vũ trụ, ít ra là như chúng ta kinh nghiệm về nó. Kant gọi các sự vật tạo thành thực tại vật lý là noumena hay "vật tự thân," là các vật mà mãi mãi chúng ta không thể nào biết được. Chúng ta chỉ có thể biết được các dáng vẻ bề ngoài (hiện tượng) của các phạm trù tư tưởng xử lý và biến đổi.
Tri giác về thời gian
Ngay cả khái niệm thời gian cũng là điều mà được tinh thần thêm vào cho dữ kiện giác quan. Trên bình diện giác quan, chúng ta kinh nghiệm một chuỗi các sự kiện riêng rẽ như hình ảnh một con ngựa bước đều trên đường phố. Chúng ta thấy con ngựa ở một điểm rồi một điểm khác rồi một điểm khác nữa, và cứ thế. Nếu chỉ nhìn vào các cảm giác riêng rẽ, chúng ta không có lý do gì để kết luận rằng một cảm giác nối tiếp sau một cảm giác khác. Thế nhưng trong thực tế chúng ta đã kết luận như thế; và vì không có gì trong các cảm giác gợi ý về khái niệm thời gian, nên khái niệm này phải có một cách tiên nghiệm. Mọi khái niệm về thời gian như lâu rồi, vừa qua, mới hôm qua, một lúc trước, v. v..., không thể đến từ kinh nghiệm; vậy chúng phải bắt nguồn từ một phạm trù thời gian a priori.
Tri giác về Không gian
Kant cũng tin rằng kinh nghiệm của chúng ta về không gian là do một phạm trù tư tưởng bẩm sinh cung cấp. Kant đồng ý với Hume rằng chúng ta không bao giờ có kinh nghiệm về thế giới vật lý trực tiếp nhưng ông nhận thấy có vẻ chắc chắn chúng ta kinh nghiệm được nó trực tiếp. Đối với đa số người, thậm chí tất cả mọi người, thế giới vật lý ấy có vẻ được bày ra trước mắt chúng ta và tồn tại độc lập với chúng ta. Nói cách khác, chúng ta không chỉ kinh nghiệm các cảm giác như chúng tồn tại trên võng mạc hay trong não. Chúng ta thấy phơi bày các cảm giác có vẻ phản ánh thế giới vật lý. Các cảm giác thay đổi theo kích thước, khoảng cách, và cường độ và có vẻ được phân phối trong không gian, chứ không chỉ trên võng mạc hay trong não của chúng ta. Rõ ràng, Kant nói, một sự phân phối phản chiếu trong không gian như thế không thể là chỉ do các ấn tượng cảm giác tạo ra. Mọi cảm giác đều là nội tâm, nghĩa là chúng tồn tại trong tâm linh mà thôi. Vậy tại sao chúng ta kinh nghiệm các vật như là được phân phối trong không gian như cái gì ở bên ngoài tinh thần và thân xác chúng ta? Một lần nữa, Kant trả lời rằng kinh nghiệm không gian, giống như kinh nghiệm thời gian, là do một phạm trù tư tưởng a priori. Theo Kant, các phạm trù tư tưởng bẩm sinh về thời gian và không gian là cơ bản bởi vì chúng cung cấp bối cảnh cho các hiện tượng tâm linh, gồm cả hiện tượng nhân quả.
Cần nhấn mạnh rằng Kant không đề nghị các ý tưởng bẩm sinh đặc thù giống như Descartes đã làm. Ngược lại, ông đề nghị các phạm trù bẩm sinh của tư tưởng, chúng tổ chức mọi kinh nghiệm cảm giác. Như thế cả Descartes lẫn Kant đều là nhà triết học bẩm sinh, nhưng thuộc những nhãn hiệu bẩm khác nhau.
Mệnh lệnh Tuyệt đối
Kant cũng cố gắng cứu triết học đạo đức khỏi cái mà các nhà duy nghiệm đã giản lược nó về - thuyết vị lợi. Theo Kant, cũng như có các phạm trù tư tưởng bẩm sinh mà tri thức của chúng ta về thế giới phải dựa vào, thì cũng có một nguyên tắc lý trí tiên nghiệm mà đạo đức học dựa vào. Theo Kant, chỉ nói rằng chúng ta cảm thấy một số kinh nghiệm tốt và một số khác không tốt thì không đủ; ông hỏi quy luật hay nguyên tắc nào được áp dụng vào các tình cảm ấy để làm cho nó thành đáng ước muốn hay không đáng ước muốn. Ông gọi cái nguyên tắc lý trí chi phối hay phải chi phối hành vi đạo đức là mệnh lệnh tuyệt đối, theo đó một người phải luôn luôn hành động sao cho cơ sở hành động của người ấy phải luôn luôn có thể là một luật phổ quát cho mọi người theo. Nói khác đi, mệnh lệnh tuyệt đối của Kant là "Khuôn vàng thước ngọc" hay "Hãy làm cho người khác những gì bạn muốn người khác làm cho bạn"(theo lối hiểu của ông). Nguyên tắc đạo đức bẩm sinh này có trong mọi người, nhưng mỗi cá nhân được tự do hành động theo nó hay không; người chọn không hành động theo nó thì cảm thấy có tội. Trong khi phân tích về hành vi đạo đức của các nhà duy nghiệm nhấn mạnh thuyết khoái lạc, thì phân tích của Kant dựa trên một nguyên tắc thuần lý và một niềm tin vào ý chí và tự do. Theo Kant, ý tưởng về trách nhiệm đạo đức là vô nghĩa nếu chúng ta không giả thiết rằng chúng ta có lý trí và tự do.
Ảnh hưởng của Kant
Nơi Kant chúng ta có một thuyết duy lý đặt nặng trên cả kinh nghiệm giác quan lẫn các khả năng bẩm sinh. Kant đã có ảnh hưởng lớn đến tâm lý học, và kể từ thời Kant, một tranh luận sôi nổi đã nổ ra trong tâm lý học liên quan đến tầm quan trọng của các yếu tố bẩm sinh trong các lãnh vực như tri giác, ngôn ngữ, phát triển nhận thức, và giải quyết vấn đề. Các nhà tâm lý học hiện đại theo hướng duy lý đứng về phía Kant trong việc nhấn mạnh tầm quan trọng của các cấu trúc hay hoạt động di truyền của não được quyết định bởi di truyền. Các nhà tâm lý học theo hướng duy nghiệm nhấn mạnh rằng các quy trình tâm lý được cắt nghĩa đúng nhất như là phát sinh từ kinh nghiệm giác quan, học tập, và các luật liên tưởng thụ động, và như thế họ đi theo truyền thống duy nghiệm Anh và duy cảm Pháp.
Mặc dù ảnh hưởng của Kant được thấy hiển nhiên khi tâm lý học xuất hiện như là một khoa học độc lập vào cuối thế kỷ 19, Kant không tin tâm lý học có thể trở thành một khoa học thực nghiệm. Trước hết, Kant cho rằng tinh thần tự nó không bao giờ có thể được nghiên cứu một cách khách quan bởi vì nó không là một sự vật vật lý. Tinh thần thực sự, mà Kant gọi là ngã siêu nghiệm, là tư tưởng thuần túy và vì thế không thể cắt nghĩa bằng các luật sinh vật hay cơ giới. Thứ hai, ngay cả tinh thần như được kinh nghiệm nhờ nội quan, gọi là ngã thường nghiệm, cũng không thể nghiên cứu một cách khoa học bởi vì nó không ở yên để chờ được phân tích; nó thay đổi không ngừng và không thể nghiên cứu chắc chắn. Hơn nữa, chính quy trình nội quan ảnh hưởng đến trạng thái tinh thần, và do đó giới hạn giá trị của những gì tìm thấy nhờ nội quan.
Kant định nghĩa tâm lý học như là sự phân tích nội quan về tinh thần, và chính một tâm lý học được định nghĩa như thế thì ông tin rằng không thể là một khoa học. Tuy nhiên, có một cách để nghiên cứu con người, và mặc dù không mang tính khoa học, nó có thể đem lại các thông tin có ích; đó là tìm hiểu người ta thực sự hành động như thế nào. Một môn học như thế, mà Kant gọi là khoa nhân loại học, có thể cung cấp những thông tin cần thiết để tiên đoán và kiểm soát hành vi con người.
Ảnh hưởng trực tiếp nhất của Kant đối với tâm lý học hiện đại là trong tâm lý học hình thức (Gestalt), mà chúng ta sẽ học ở chương 14, và trong tâm lý học xử lý thông tin, sẽ được chúng ta xét ở chương 18.
Created by AM Word2CHM
JOHANN FRIEDLRICH HERBART
NHẬP MÔN LỊCH SỬ TÂM LÝ HỌC à Chương 6. DUY LÝ LUẬN
Johann Friedrich Herbart (1776-1841) sinh ngày 4 tháng 5 tại Oldenburg, Đức. Do một tai nạn hồi còn bé, ông trở thành một đứa trẻ yếu ớt và không đi học cho tới năm 12 tuổi; ngược lại, ông được mẹ dạy kèm tại nhà. Ông là đứa trẻ thông minh từ sớm, đã có một ham thích rất sớm về luận lý học. Năm 12 tuổi ông bắt đầu đi học ở trung học, Gymnasium ở Oldenburg; và tại đây, năm 16 tuổi, triết học Kant đã gây ấn tượng mạnh nơi ông. Đến tuổi 18, ông vào Đại học Jena và theo đuổi mối quan tâm của ông về triết học Kant. Sau ba năm ở Jena, ông bỏ đó và sang Thụy Sĩ làm một gia sư. Chính kinh nghiệm may mắn của việc dạy kèm này đã tạo cho Herbart mối quan tâm giáo dục suốt đời ông. Thực ra, trước khi rời Thụy Sĩ, ông đã hỏi ý kiến nhà cải cách giáo dục Thụy Sĩ nổi tiếng, J. H. Pestalozzi (1746-1827). Sau hai năm làm gia sư, lúc đó ông mới 23 tuổi, Herbart chuyển đến thành phố Bremen để học và tìm hiểu các vấn đề triết học và giáo dục trong 3 năm. Năm 1802 ông dời về Đại học Gottingen, đậu bằng tiến sĩ tại đây và ở lại giảng dạy với tư cách một Dozent (giáo sư tư) cho tới 1809. Mặc dù ban đầu bị thu hút bởi triết học Kant, ông đã phê bình Kant trong luận án tiến sĩ của ông và bắt đầu triển khai triết học riêng của ông, hợp với tư tưởng của Leibniz hơn.
Bằng chứng thành công của ông là ông được mời tới Đại học Konigsberg năm 1809 để thế chỗ Kant đã giữ trước đây. Lúc ấy Kant mới 33 tuổi, và ông ở lại Konigsberg 24 năm, sau đó ông trở về Đại học Gottingen vì nhà nước Phổ tỏ ra ác cảm với công việc nghiên cứu giáo dục của ông. Ông ở lại Gottingen cho tới khi ông qua đời 8 năm sau, 1841.
Hai tác phẩm quan trọng nhất của Herbart về tâm lý học là tác phẩm ngắn Giáo Trình Tâm Lý Học (1816) và tác phẩm dài và khó Tâm Lý Học Như Là Một Khoa Học Xây Dựng Trên Kinh Nghiệm, Siêu Hình Học Và Toán Học (1824-25).
Tâm lý học như là một Khoa học
Herbart đồng ý với Kant rằng tâm lý học không bao giờ có thể trở thành một khoa học thực nghiệm, nhưng ông tin rằng các hoạt động tinh thần có thể được diễn tả được bằng toán học và theo nghĩa này, tâm lý học có thể là một khoa học. Lý do Herbart phủ nhận khả năng tâm lý học trở thành khoa học thực nghiệm là vì ông tin rằng việc thí nghiệm đòi phải phân chia đối tượng của nó và vì tinh thần hoạt động như một toàn thể thống nhất, nó không thể bị chia cắt. Vì lý do này, Herbart rất chống đối khoa tâm lý học khả năng, vốn rất thịnh hành thời ấy. Ông cũng chống đối khoa tâm sinh lý học vì cùng lý do này, nghĩa là ông tin rằng nó chia cắt tinh thần. Sau khi thảo luận các ý tưởng chính của ông, chúng ta sẽ có nhiều điều hơn để nói về cố gắng toán học hóa tâm lý học của ông.
Cơ học tâm linh
Herbart vay mượn khái niệm về ý tưởng của các nhà duy nghiệm. Nghĩa là ông coi các ý tưởng như những gì các ấn tượng cảm giác còn để lại. Tuy nhiên ông theo Leibniz và nói rằng các ý tưởng (giống các đơn tử) chứa một lực hay năng lượng tự tại, và vì thế chúng không bị trói chặt bởi các luật liên tưởng. Hệ thống của Herbert được gọi là cơ học tâm linh vì ông tin rằng các ý tưởng có khả năng thu hút hay đẩy xa các ý tưởng khác, tùy theo tính thích hợp của chúng. Các ý tưởng có khả năng thu hút các ý tưởng giống hay thích hợp với chúng, nhờ đó làm thành các ý tưởng phức tạp. Tương tự, các ý tưởng tạo ra năng lượng đẩy xa các ý tưởng khác hay không thích hợp với chúng, nhờ đó tránh các xung đột. Theo Herbart, mọi ý tưởng đều gắng sức để được diễn tả trong ý thức, và vì thế chúng cạnh tranh nhau để làm được điều này. Theo quan niệm Herbart, một ý tưởng không bao giờ bị tiêu diệt hay hoàn toàn bị quên, nó hoặc là được diễn tả cách ý thức, hoặc là không. Như thế cùng một ý tưởng có thể lúc này thì được diễn tả cách ý thức, lúc khác có thể là vô thức.
Mặc dù các ý tưởng không bao giờ có thể bị hủy diệt, chúng có thể thay đổi về cường độ hay sức mạnh. Theo Herbart, các ý tưởng mạnh là các ý tưởng rõ ràng, và mọi ý tưởng đều cố gắng để trở thành rõ ràng tối đa. Vì chỉ những ý tưởng nào mà chúng ta ý thức mới là ý tưởng rõ ràng, nên mọi ý tưởng đều cố gắng để làm thành phần của tinh thần ý thức. Các ý tưởng trong ý thức thì sáng sủa và rõ ràng; các ý tưởng vô thức thì tối tăm và mù mờ. Herbart sử dụng thuật ngữ tự tồn để mô tả việc ý tưởng có khuynh hướng tìm kiếm và duy trì biểu hiện ý thức. Nghĩa là mỗi ý tưởng tìm cách tự duy trì sự tồn tại của mình như một ý tưởng mạnh, rõ ràng, và ý thức. Khuynh hướng tự tồn này tự nhiên đưa mỗi ý tưởng vào cuộc xung đột với các ý tưởng không giống với nó và cũng đang tìm kiếm sự biểu hiện ý thức. Như thế Herbart quan niệm tinh thần như một bãi chiến trường trên đó các ý tưởng chiến đấu lẫn nhau để giành sự biểu hiện ý thức. Khi một ý tưởng bị thua các ý tưởng khác, thay vì bị tiêu diệt, nó tạm thời mất một phần cường độ của nó (sự sáng sủa) và chìm vào cõi vô thức.
Lập trường của Herbart biểu thị một bước ngoặt rời xa các nhà duy nghiệm, bởi vì các nhà duy nghiệm tin rằng các ý tưởng, giống như các hạt vật chất của Newton, bị lôi kéo một cách thụ động bởi các ngoại lực - ví dụ bởi các luật liên tưởng. Herbart đồng ý với các nhà duy nghiệm rằng các ý tưởng bắt nguồn từ kinh nghiệm, nhưng ông cho rằng một khi chúng đã tồn tại, chúng có một đời sống tự lập. Theo Herbart, một ý tưởng giống như một nguyên tử có năng lượng và ý thức riêng của nó - khái niệm này rất giống khái niệm đơn tử của Leibniz. Ngược lại, việc Herbart nhấn mạnh rằng mọi ý tưởng đều đến từ kinh nghiệm là một sự khoan nhượng lớn đối với thuyết duy nghiệm và tạo một gạch nối quan trọng giữa thuyết duy nghiệm và thuyết duy lý.
Khối Tri giác chú tâm
Herbart không chỉ có quan niệm về ý tưởng rất giống với quan niệm của Leibniz về đơn tử, ông còn mượn của Leibniz khái niệm về khối tổng giác. Theo Herbart, bất cứ lúc nào các ý tưởng giống nhau cũng đều tập hợp lại trong ý thức. Tập hợp các ý tưởng giống nhau này được gọi là khối tri giác chú tâm (apperceptive mass). Một cách khác để hiểu về khối tổng giác là quan niệm nó giống như sự chú ý; nghĩa là, khối tổng giác chứa mọi ý tưởng mà chúng ta đang tập trung chú ý vào.
Chính trong khối tổng giác mà các ý tưởng tranh giành lẫn nhau. Một ý tưởng ở bên ngoài khối tổng giác (nghĩa là, một ý tưởng mà chúng ta không ý thức) sẽ chỉ được phép vào trong khối tổng giác nếu nó thích hợp với các ý tưởng khác đang có trong đó vào lúc đó. Nếu ý tưởng này không thích hợp, các ý tưởng khác sẽ vận dụng năng lượng của chúng để ngăn cản ý tưởng ấy xâm nhập. Như thế, dù một ý tưởng mới đến từ kinh nghiệm hay là một ý tưởng đã có sẵn trong vô thức, nó sẽ chỉ được phép diễn tả cách ý thức nếu nó thích hợp với các ý tưởng đang có trong khối tổng giác.
Herbart dùng thuật ngữ repression (kiềm chế) để mô tả lực dùng để kiềm chế các ý tưởng không thích hợp với khối tổng giác trong vô thức. Các ý tưởng bị ức chế vẫn tiếp tục tồn tại không hề hấn gì và chờ cơ hội để trở thành ý thức.
Herbart dùng thuật ngữ limen (ngưỡng) để mô tả ranh giới giữa tinh thần ý thức và vô thức. Mục tiêu của Herbart là diễn tả bằng toán học các tương quan giữa khối tổng giác, ngưỡng, và sự xung đột giữa các ý tưởng. Toán học của Herbart bắt nguồn từ hai nhân vật có lẽ là ảnh hưởng lớn nhất đến ông, Leibniz và Newton. Thực vậy, một mục tiêu chính của Herbart là mô tả tinh thần bằng toán học giống như Newton đã mô tả thế giới vật lý. Việc Herbart sử dụng phép tính để định lượng các hiện tượng tâm linh phức tạp đã khiến ông trở thành người đầu tiên áp dụng một mẫu toán học vào tâm lý học.
Tâm lý Giáo dục học
Ngoài tư cách là nhà tâm lý toán học đầu tiên, Herbart còn được nhiều người coi là nhà tâm lý giáo dục học đầu tiên. Ông áp dụng lý thuyết của ông vào việc giáo dục bằng cách cống hiến những lời khuyên sau đây cho các nhà giáo:
1. Ôn lại nội dung đã học.
2. Chuẩn bị nội dung mới cho học sinh bằng cách nói đại ý nội dung sắp tới. Việc này tạo ra một khối tổng giác tiếp thu.
3. Trình bày nội dung mới.
4. Liên kết nội dung mới với những gì đã học.
5. Cho thấy các ứng dụng của nội dung mới và nói đại ý những gì sẽ học lần sau.
Theo Herbart, khối tổng giác, hay tập hợp tâm linh, đang có của học sinh phải được xét đến khi trình bày nội dung mới. Nội dung nào không thích hợp với khối tổng giác của học sinh sẽ bị sa thải hay không hiểu được. Lý thuyết giáo dục của Herbart rất gần với lý thuyết hiện đại hơn của Jean Piaget. Piaget nói rằng, muốn hiệu quả trong giảng dạy, phải xuất phát với những gì học sinh có thể tiếp thu vào trong cơ cấu nhận thức của họ. Nếu thông tin không thích hợp với cơ cấu nhận thức của học sinh, nó sẽ không thể hiểu được. Nếu ta thay thế thuật ngữ khối tổng giác bằng thuật ngữ cơ cấu nhận thức, chúng ta sẽ thấy có sự tương tự rất lớn giữa các lý thuyết của Herbart và của Piaget. Lý thuyết của Piaget sẽ được bàn đến chi tiết hơn ở chương 18.
Ảnh hưởng của Herbart
Herbart đã ảnh hưởng đến tâm lý học về nhiều phương diện. Thứ nhất, việc ông nhấn mạnh rằng tâm lý học ít ra có thể là một khoa học dựa trên toán học đã khiến cho tâm lý học có một địa vị cao hơn nó đã nhận được từ Kant. Tuy Herbart bác bỏ việc tâm lý học có thể trở thành một khoa học thực nghiệm, các cố gắng của ông nhằm định lượng các hiện tượng tâm linh đã thực sự khuyến khích sự phát triển tâm lý học thực nghiệm. Thứ hai, các khái niệm của ông về vô thức, sự ức chế, và xung đột và sự tin tưởng của ông rằng các ý tưởng tiếp tục tồn tại không hề hấn cả khi chúng ta không ý thức về chúng đã mở đường cho lý thuyết tâm phân học của Freud. Thứ ba, khái niệm của Herbart (và của Leibniz) về limen (ngưỡng) vô cùng quan trọng đối với Gustav Fechner (xem chương 8) mà khoa tâm vật lý của ông này đã ảnh hưởng lớn đến sự phát triển tâm lý học như một khoa học. Thứ bốn, Herbart đã ảnh hưởng về nhiều phương diện đến Wilhelm Wundt, nhà sáng lập tâm lý học như một khoa học biệt lập. Ở chương 9, chúng ta sẽ nói nhiều hơn về ảnh hưởng của Herbart đối với Wundt. Thứ năm, nhiều thập niên sau khi Herbart mất, các ý tưởng của ông về giáo dục đã trở thành rất được ưa chuộng, và các ý tưởng ấy đã làm cho các ý tưởng về giáo dục của khoa tướng sọ học không còn chỗ đứng.
Created by AM Word2CHM
GEORG WILHELM FRIEDRICH HEGEL
NHẬP MÔN LỊCH SỬ TÂM LÝ HỌC à Chương 6. DUY LÝ LUẬN
Georg Wilhelm Friedrich Hegel (1770-1831) sinh tại Stuttgart và học tiếng La Tinh với mẹ ông. Về sau, ở Đại học Tubingen, ông tập trung học các tác phẩm cổ điển Hy Lạp và La Mã. Sau khi đậu bằng tiến sĩ năm 1793, ông nghiên cứu về lịch sử Đức Giêsu và những gì mà các đầu óc lỗi lạc nhất trong lịch sử đã suy tư về ý nghĩa cuộc đời. Hegel bị buộc nghỉ dạy nhiều lần vì các rối ren chính trị tại châu Âu, nhưng năm 1818 ông nhận một trong những học vị danh giá nhất tại châu Âu, ghế giáo sư triết học ở Đại học Berlin. Hegel ở lại Berlin cho tới khi ông mất trong một trận dịch tả, ngày 14 tháng 11, 1831.
Tuyệt Đối Thể
Giống như Spinoza, Hegel quan niệm vũ trụ như một thể thống nhất tương liên, mà ông gọi là Tuyệt Đối Thể. Theo ông, chỉ có một tri thức đích thực duy nhất là tri thức về Tuyệt Đối Thể. Tri thức đích thực không bao giờ có thể đạt được - bằng cách xem xét các trường - hợp riêng lẻ của bất cứ vật gì, trừ khi liên kết các trường hợp ấy với cái "toàn thể."
Quá trình mà Hegel đề nghị để tìm kiếm tri thức là quá trình Plato từng đề nghị. Thứ nhất, người ta phải hiểu rằng các ấn tượng cảm giác là vô dụng nếu người ta không thể xác định được nguyên lý hay ý tưởng tổng quát mà chúng biểu thị. Một khi đã hiểu được các ý tưởng hay nguyên lý tổng quát, thì bước kế tiếp là xác định xem chúng liên hệ với nhau như thế nào. Khi đã thấy được mối liên hệ giữa mọi nguyên lý và ý tưởng, người ta cảm nghiệm được Tuyệt Đối Thể, tương tự với mô thể sự thiện của Plato. Mặc dù Plato không đồng hóa mô thể sự thiện với Thượng Đế, Hegel đã đồng hóa Tuyệt Đối Thể với Thượng Đế: "Trên bình diện cao nhất của nó, triết học chiêm ngưỡng khái niệm của mọi khái niệm, cái tuyệt đối vĩnh cửu - Thượng Đế, đấng được tôn thờ trong tôn giáo. Do đó triết học đạt đến tột đỉnh ở thần học thuần lý (Hegel, 1817/1973, đoạn 17).
Hegel tin rằng cái toàn thể quan trọng hơn các trường hợp đặc thù đã dẫn ông tới kết luận: nhà nước (chính phủ) quan trọng hơn các cá nhân tạo thành nó. Nói cách khác, theo Hegel, nhân dân tồn tại vì nhà nước. Quan điểm này hoàn toàn nghịch với lập trường của Locke cho rằng nhà nước tồn tại vì nhân dân.
Quy trình biện chứng
Hegel tin rằng cả lịch sử loài người nói chung lẫn trí tuệ con người nói riêng đều tiến triển hướng tới Tuyệt Đối Thể xuyên qua quy trình biện chứng. Khi học lịch sử Hy Lạp, Hegel nhận thấy rằng một nhà triết học thường có một lập trường mà một nhà triết học khác sau đó sẽ phủ nhận; rồi một nhà triết học thứ ba sẽ triển khai một quan điểm trung gian giữa hai quan điểm đối nghịch trên. Ví dụ: Heraclitus nói mọi sự biến dịch không ngừng, Parmenides nói không có gì biến dịch bao giờ, và Plato nói một số biến dịch một số không biến dịch. Quy trình biện chứng gồm một đề (một quan điểm), một phản đề (quan điểm nghịch lại), và một hợp đề (quan điểm dung hòa giữa đề và phản đề). Khi một chu kỳ chấm dứt, hợp đề trước trở thành đề cho chu kỳ kế tiếp, và tiến trình tiếp tục lặp lại liên tục. Bằng cách này, cả lịch sử loài người lẫn trí tuệ con người đều tiến triển hướng tới Tuyệt Đối Thể.
Theo một nghĩa nào đó, Hegel đã làm cho Kant điều mà Kant đã làm cho Hume. Như ta đã thấy, Kant đồng ý với Hume rằng không có gì trong kinh nghiệm chứng tỏ có nhân quả nhưng chúng ta vẫn tin chắc có nhân quả. Kant giải thích sự kiện này bằng cách cho rằng có một phạm trù tư tưởng tiên nghiệm, phạm trù này cắt nghĩa khuynh hướng của chúng ta muốn cơ cấu hóa vũ trụ theo nghĩa nguyên nhân và hậu quả. Hegel chấp nhận các phạm trù tư tưởng của Kant và ông thêm một số phạm trù khác nữa. Nhưng ông nêu lên một câu hỏi vô cùng quan trọng mà Kant đã bỏ sót: Tại sao có các phạm trù tư tưởng? Kant bắt đầu triết học của ông bằng cách cố gắng cắt nghĩa khái niệm của chúng ta về nhân quả bởi vì ông đồng ý với Hume rằng khái niệm này không phát xuất từ kinh nghiệm của chúng ta. Tương tự, Hegel bắt đầu triết học của ông bằng cách cố gắng cắt nghĩa sự tồn tại của các phạm trù của Kant. Hume trả lời rằng các phạm trù xuất hiện như là kết quả của quy trình biện chứng và vì vậy chúng đưa con người đến gần Tuyệt Đối Thể hơn. Vì vậy theo Hegel, các phạm trù tồn tại như là một phương tiện cho một mục đích - mục đích này là việc đến gần Tuyệt Đối Thể. Qua quy trình biện chứng, mọi sự tiến tới Tuyệt Đối Thể bao gồm cả tinh thần con người.
Ảnh hưởng của Hegel
Chúng ta thấy các ảnh hưởng của Hegel trong một số lãnh vực trong tâm lý học. Như ta sẽ thấy ở chương 8, Hegel ảnh hưởng mạnh đến Fechner và sự phát triển tâm vật lý học. Một số người coi các ý niệm của Freud ngã (the id, das Es) và siêu ngã như là những biểu hiện của quy trình biện chứng (D. N. Robinson). Một số người khác thấy trong triết học của Hegel các nguồn gốc của lý thuyết về sự tự thể hiện (lý thuyết của Jung, Rogers, và Maslow). Một số người khác nữa thì thấy trong đó khởi đầu của hiện tượng luận, sau cùng được biểu hiện trong tâm lý học hình thức (Gestal), nhân văn, và hiện sinh.
Vì triết học học Hegel có mục tiêu chứng tỏ sự tương liên của mọi sự trong vũ trụ, nó đã có công lớn trong việc kích thích các cố gắng để tổng hợp nghệ thuật; tôn giáo, lịch sử, và khoa học.
Các nhà duy lý luận của thế kỷ 17, 18, và 19 đã bảo tồn truyền thống của Plato, Augustine, Aquynas, và Descartes, một truyền thống vẫn còn rất sinh động trong tâm lý học ngày nay. Mọi lý thuyết giả thiết về hoạt động của tinh thần trong trí thông minh, tri giác, trí nhớ, nhân cách, sự sáng tạo, hay việc xử lý thông tin nói chung đều bắt nguồn từ truyền thống duy lý. Thực vậy, về phương diện tâm lý học hiện đại được xét như một khoa học, nó một phần là công việc của lý trí. Như đã nói ở chương 1, lý thuyết khoa học là sự kết hợp giữa thuyết duy nghiệm và duy lý. Nói khác đi, chung chung ngày nay người ta tin rằng một tập hợp các sự kiện của kinh nghiệm sẽ là vô nghĩa nếu nó không được phân tích căn cứ trên một lý thuyết duy lý nào đó.
CÁC CÂU HỎI THẢO LUẬN
1. Nói chung, đâu là các khác biệt cơ bản giữa duy nghiệm luận, duy cảm luận, và duy lý luận? Trong câu trả lời của bạn, bạn cũng nêu lên sự phân biệt giữa một trí khôn chủ động và một trí khôn thụ động.
2. Quan niệm về thiên nhiên của Spinoza là gì? ông có lập trường nào trong vấn đề tương quan tinh thần-thân xác?
3. Tóm tắt lập trường của Spinoza về vấn đề ý chí tự do đối lại với thuyết tất định.
4. Theo Spinoza, động lực chính của hành vi con người là gì? Giải thích động lực này tự biểu hiện như thế nào?
5. Lập trường của Malebranche về vấn đề tương quan tinh thần-thân xác như thế nào?
6. Leibniz không đồng ý với Locke về quan niệm rằng mọi ý tưởng đều bắt nguồn từ kinh nghiệm. Leibniz cắt nghĩa nguồn gốc của các ý tưởng thế nào?
7. Tóm tắt thuyết đơn tử của Leibniz.
8. Thảo luận đề nghị của Leibniz để giải quyết vấn đề tinh thần-thân xác.
9. Tóm tắt triết học của Reid về công cảm (lương tri). Trong câu trả lời của bạn, hãy nêu một định nghĩa về thuyết hiện thực trực tiếp.
10. Tâm lý học khả năng là gì? Đâu là các ngộ nhận về tâm lý học khả năng đã tồn tại trong lịch sử?
11. Định nghĩa khoa tướng sọ học. Ai đã có công khai mào khoa tướng sọ học và nó đã có những hậu quả nào đối với tâm lý học?
12. Kant hiểu thế nào về phạm trù tư tưởng tiên nghiệm? Theo Kant, các phạm trù ấy ảnh hưởng thế nào đối với những điều chúng ta kinh nghiệm một cách ý thức?
13. Tóm tắt giải thích của Kant về các kinh nghiệm về nhân quả thời gian và không gian.
14. Thảo luận về tầm quan trọng của mệnh lệnh tuyệt đối trong triết học Kant.
15. Kant có tin tâm lý học có thể trở thành một khoa học hay không? Tại sao có hay tại sao không?
16. Khái niệm của Herbart về ý tưởng khác với khái niệm của các nhà duy nghiệm như thế nào?
17. Thảo luận về khái niệm khối tổng giác của Herbart. Ví dụ, khối tổng giác xác định thế nào các ý tưởng nào được kinh nghiệm cách ý thức và ý tưởng nào không? Nêu khái niệm của Herbart về limen (ngưỡng).
18. Herbart ứng dụng lý thuyết của ông vào thực hành giáo dục như thế nào?
19. Thảo luận khái niệm của Hegel về Tuyệt Đối Thể. Mô tả quá trình biện chứng mà theo đó Hegel cảm thấy dẫn đến Tuyệt Đối Thể.
20. Nêu một ví dụ cho thấy triết học duy lý có ảnh hưởng trên tâm lý học hiện đại.
Created by AM Word2CHM
TỪ VỰNG
NHẬP MÔN LỊCH SỬ TÂM LÝ HỌC à Chương 6. DUY LÝ LUẬN
Active mind - Trí khôn chủ động: Trí khôn với các phạm trù hay hoạt động do di truyền. Các phạm trù này được sử dụng để phân tích, tổ chức, hay biến đổi các dữ liệu giác quan và khám phá các khái niệm hay nguyên lý trừu tượng không chứa trong các kinh nghiệm giác quan. Các nhà duy lý giả thiết loại trí khôn này.
Anthropology - Khoa nhân loại học: Do Kant đề nghị để nghiên cứu hành vi con người. Nghiên cứu này có thể cung cấp các thông tin thực tiễn có thể dùng để tiên đoán và kiểm soát hành vi con người.
Apperception - Tri giác chủ tâm: Kinh nghiệm nằm trong ý thức.
Apperceptive mass - Khối tổng giác: Theo Herbart, tập hợp các ý tưởng có liên hệ với nhau mà chúng ta có ý thức vào bất cứ lúc nhất định nào.
Categorical imperative - Mệnh lệnh tuyệt đối: Theo Kant, là mệnh lệnh đạo đức rằng chúng ta phải luôn luôn hành động sao cho các hành động của chúng ta có thể dùng làm cơ sở cho hành động của mọi người khác.
Categories of thought - Phạm trù của tư tưởng: Các thuộc tính bẩm sinh mà Kant giả thiết để cắt nghĩa các kinh nghiệm chủ quan mà không thể cắt nghĩa dựa theo kinh nghiệm giác quan mà thôi - ví dụ, các kinh nghiệm về thời gian, không gian, và nhân quả.
Commonsense philosophy - Triết học của lương tri: Lập trường do Reid đề nghị lần đầu tiên, rằng chúng ta có thể giả thiết sự tồn tại của thế giới vật lý và các khả năng suy luận của con người bởi vì làm thế là hợp với công cảm (lương tri).
Dialectic process - Quy trình biện chứng: Quy trình gồm một ý tưởng nguyên thủy (đề), sự phủ nhận ý tưởng ấy (phản đề), và một tổng hợp giữa ý tưởng mới và sự phủ nhận nó (hợp đề). Sau đó hợp đề này trở thành khởi điểm (đề) của chu kỳ phát triển biện chứng kế tiếp.
Direct realism - Hiện thực luận trực tiếp: Thuyết này cho rằng kinh nghiệm giác quan biểu thị thực tại vật lý đúng như thực chất của nó. Cũng gọi là thuyết hiện thực ngây thơ.
Double aspectism - Thuyết lưỡng diện: Quan niệm của Spinoza rằng bản thể vật chất và ý thức là hai khía cạnh riêng biệt của mọi sự vật trong vũ trụ, kể cả con người. Cũng gọi là thuyết lưỡng diện tâm vật lý và thuyết lưỡng diện nhất nguyên.
Empirical cao - Ngã thường nghiệm: Theo Kant, là tinh thần được kinh nghiệm trong khi phân tích nội quan.
Faculty psychology - Tâm lý học khả năng: Thuyết cho rằng tinh thần bao gồm một số năng lực khả năng.
Formal discipline - Kỷ luật hình thức: Sự tin tưởng rằng các khả năng của tinh thần có thể được kiện cường nhờ luyện tập các chức năng có liên quan đến chúng. Như thế, người ta có thể suy luận giỏi hơn bằng cách học toán học hay lô gích.
Law of continuity - Luật liên tục: Quan niệm của Leibniz rằng không có hố phân cách hay bước nhảy vọt lớn trong thiên nhiên. Ngược lại, mọi khác biệt trong thiên nhiên đều là khác biệt theo các cấp độ nhỏ.
Limen - Ngưỡng: Theo Leibniz và Herbart, là ranh giới giữa tinh thần ý thức và vô thức.
Monads - Đơn tử: Theo Leibniz, là các đơn vị không thể phân chia làm nên mọi vật trong vũ trụ. Mọi đơn tử đều có ý thức nhưng một số có nhiều hơn số khác. Vật chất trơ chỉ có ý thức lờ mờ; tiếp đến có sự tăng dần khả năng tư duy rõ ràng nơi thực vật, rồi đến động vật, cao hơn nữa là con người, và cao nhất là Thượng Đế.
Occasionalism - Ngẫu nhiên luận: Thuyết cho rằng các sự kiện thể lý và tâm linh được phối hợp với nhau bởi sự can thiệp của Thượng Đế.
Pantheism - Phiếm thần luận: Thuyết cho rằng Thượng Đế hiện diện khắp nơi và trong mọi sự vật.
Passive mind - Trí khôn thụ động: Trí khôn có nội dung được xác định bởi kinh nghiệm giác quan. Nó chứa một ít nguyên lý cơ học để tổ chức, lưu trữ, và tổng quát hóa kinh nghiệm giác quan. Các nhà duy nghiệm giả thiết có trí khôn này.
Phrenology - Tướng sọ học: Phương pháp xem các khối lồi và lõm trên hộp sọ để xác định các khả năng tâm linh mạnh hay yếu.
Pre-established harmony - Sự hòa hợp tiền định: Quan niệm của Leibniz rằng Thượng Đế đã tạo ra các đơn tử làm thành vũ trụ sao cho có một sự hòa hợp liên tục giữa chúng. Điều này giúp cắt nghĩa tại sao các sự kiện tinh thần và thể chất phối hợp với nhau.
Psyehie mechanics - Cơ học tâm linh: Thuật ngữ Herbart dùng để mô tả các ý tưởng tranh chấp với nhau như thế nào để được biểu hiện trong ý thức.
Psychophysical parallelism - Thuyết tâm vật song hành: Thuyết cho rằng các sự kiện tinh thần và thể chất hoàn toàn tương ứng nhau nhưng không có sự tương tác với nhau.
Rationalism - Duy lý luận: Lập trường triết học giả thiết một trí khôn chủ động biến đổi các dữ liệu giác quan và có khả năng hiểu các nguyên lý hay khái niệm trừu tượng mà chúng ta không thể đạt được nếu chỉ dựa vào dữ liệu giác quan.
The Absolute - Tuyệt Đối Thể: Theo Hegel, toàn thể vũ trụ.Tri thức về Tuyệt Đối Thể là tri thức đích thực duy nhất, và chúng ta chỉ có thể hiểu các khía cạnh phân biệt của vũ trụ trong tương quan của chúng với Tuyệt Đối Thể. Qua quy trình biện chứng, lịch sự loài người và trí tuệ con người tiến dần tới Tuyệt Đối Thể.
Transcendental ego - Ngã siêu nghiệm: Theo Kant, là tinh thần thuần túy, tồn tại độc lập với bất cứ ý tưởng đặc thù nào.
Created by AM Word2CHM
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro