Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

Chương 5. THUYẾT DUY NGHIỆM LUẬN, DUY CẢM LUẬN VÀ THỰC CHỨNG LUẬN

Chương 5. THUYẾT DUY NGHIỆM LUẬN, DUY CẢM LUẬN VÀ THỰC CHỨNG LUẬN

NHẬP MÔN LỊCH SỬ TÂM LÝ HỌC

Descartes đã tạo một ảnh hưởng quá lớn khiến cho đa số các triết học phát triển sau ông đều là các phản ứng về một số khía cạnh trong triết học của ông. Các phản ứng chính tập trung ở nhiều vùng châu Âu. Các triết gia Anh và Pháp bác bỏ quan niệm của Descartes rằng các ý tưởng là bẩm sinh, ngược lại họ nói mọi ý tưởng đều bắt nguồn từ kinh nghiệm. Các nhà triết học này cố gắng cắt nghĩa hoạt động của trí khôn giống như Newton đã cắt nghĩa hoạt động của thế giới vật lý. Nghĩa là họ tìm một ít nguyên lý, hay định luật, có thể cắt nghĩa mọi kinh nghiệm tri thức của con người.

Trái lại, thay vì phủ nhận sự tồn tại của một trí khôn, các nhà triết học Đức gán cho trí khôn chủ động một địa vị trung tâm trong khái niệm của họ về bản tính con người. Chung chung, họ giả thiết một trí khôn có thể khám phá và hiểu các nguyên lý trừu tượng tạo thành thực tại cơ bản. Thay vì giả thiết một trí khôn chỉ đơn giản ghi nhận và lưu trữ các kinh nghiệm cảm giác, họ cho trí khôn có khả năng biến đổi các dữ liệu của cảm giác, nhờ đó cung cấp một ý nghĩa cho dữ liệu mà tự nó không có. Với các nhà triết học duy lý Đức này, biết các hoạt động của trí khôn chủ động này là điều thiết yếu để xác định con người đối diện với thế giới và hiểu thế giới như thế nào.

Rải rác khắp châu Âu, các nhà triết học lãng mạn nổi lên chống lại quan điểm của các nhà duy lý luận và duy nghiệm luận. Theo các nhà lãng mạn, cả hai loại triết học này chỉ tập trung vào một khía cạnh của con người mà bỏ quên các khía cạnh khác.

Các nhà triết học lãng mạn kêu gọi tập trung vào con người toàn diện, nghĩa là bao gồm cả hai khía cạnh mà các triết học kia hoặc giảm thiểu hay bỏ mất: tình cảm con người và tính độc đáo của mỗi cá nhân.

Sau Descartes, và phần lớn vì Descartes, các triết học duy nghiệm, duy lý, và lãng mạn đã được trình bày rõ ràng và chi tiết hơn bao giờ hết. Khoa tâm lý học, như chúng ta biết đến hôm nay, đã phát sinh từ các biểu hiện mới mẻ của các nền triết học này. Trong chương này, chúng ta sẽ tập trung bàn về duy nghiệm của Anh và Pháp. Chúng ta sẽ xét lại duy lý luận của Đức ở chương 6 và trường phái lãng mạn ở chương 7.

Created by AM Word2CHM

THUYẾT DUY NGHIỆM ANH

NHẬP MÔN LỊCH SỬ TÂM LÝ HỌC

à

Chương 5. THUYẾT DUY NGHIỆM LUẬN, DUY CẢM LUẬN VÀ THỰC CHỨNG LUẬN

Nhà triết học duy nghiệm là người tin rằng tri thức bắt nguồn từ kinh nghiệm. Tầm quan trọng của kinh nghiệm thường được nhấn mạnh thay vì các ý tưởng bẩm sinh, vốn được cho là phát sinh độc lập với kinh nghiệm. Duy nghiệm luận, vì vậy, là một triết học nhấn mạnh tầm quan trọng của kinh nghiệm trong việc đạt đến tri thức. Thuật ngữ kinh nghiệm, theo định nghĩa của nhà duy nghiệm luận, làm cho vấn đề trở nên phức tạp hơn bởi vì có nhiều loại kinh nghiệm. Có các kinh nghiệm "bên trong" như các giấc mơ, tưởng tượng, và đủ dạng cảm xúc. Cũng vậy, khi người ta suy nghĩ thuận lý, như trong diễn dịch toán học, người ta có những kinh nghiệm sống động trong tâm trí. Tuy nhiên, thông thường người ta đã loại bỏ kinh nghiệm tâm linh ra khỏi định nghĩa của duy nghiệm luận và chỉ kể đến các kinh nghiệm thuộc về giác quan. Nhưng cả sau khi tập trung vào kinh nghiệm thuộc thế giới giác quan trong định nghĩa của duy nghiệm luận đi nữa thì vẫn còn một vấn đề bởi vì nó có nghĩa là bất cứ nhà triết học nào coi kinh nghiệm giác quan là quan trọng trong việc đạt đến tri thức đều có thể được gọi là nhà duy nghiệm luận cả. Nếu đúng như thế, thì ngay cả Descartes cũng có thể được gọi là nhà duy nghiệm luận vì theo ông, nhiều ý tưởng phát xuất từ kinh nghiệm giác quan. Như thế, nhìn nhận tầm quan trọng của kinh nghiệm thuộc về thế giới giác quan không phải là yếu tố duy nhất để một người được gọi là nhà duy nghiệm luận.

Vậy thì nhà duy nghiệm thực sự là gì? Trong sách này, chúng ta sẽ sử dụng định nghĩa sau đây về thuyết duy nghiệm:

Duy nghiệm...là loại nhận thức luận khẳng định rằng chứng cớ của giác quan tạo thành dữ liệu cơ bản của mọi tri thức; tri thức không thể có trừ khi chứng cớ này được thu thập trước đã; và mọi quy trình tiếp theo của trí khôn phải sử dụng chứng cớ này và chỉ chứng cớ này mà thôi trong việc hình thành các phát biểu về thế giới thực. (D. N. Robinson, 1986, tr. 205)

Cần lưu ý một số thuật ngữ trong định nghĩa của Robinson. Thứ nhất, nó khẳng định rằng kinh nghiệm thuộc thế giới giác quan tạo thành dữ liệu cơ bản của tri thức; nó không nói rằng chỉ có kinh nghiệm ấy mới làm thành tri thức. Thứ hai, nó khẳng định rằng tri thức không thể có trước khi chứng cớ giác quan đã được thu thập; như thế đối với nhà duy nghiệm luận, việc đạt đến tri thức bắt đầu với kinh nghiệm thuộc thế giới giác quan. Thứ ba, mọi quy trình tiếp theo của trí khôn phải chỉ tập trung vào kinh nghiệm giác quan mà thôi trong việc hình thành các phát biểu về thế giới. Như thế, không phải sự nhìn nhận các quy trình tinh thần là cái phân biệt người duy nghiệm với duy lý; mà là các quy trình tư tưởng ấy nhấn mạnh vào điều gì. Hơn nữa, đa số phương pháp tri thức luận đều sử dụng kinh nghiệm giác quan như một phần sự giải thích của chúng về nguồn gốc tri thức; nhưng đối với người duy nghiệm, kinh nghiệm giác quan có vai trò quan trọng tuyệt đối.

Thomas Hobbes

Tuy theo truyền thống của William Occam và Francis Bacon, Thomas Hobbes (1588 - 1679) thường được coi là nhà sáng lập duy nghiệm luận Anh. Hobbes theo học ở Oxford và là bạn thân với cả Galileo và Descartes. Ông cũng làm thư ký cho Bacon một thời gian ngắn. Ông sinh tại Malmesbury, Wiltschire, Anh. Ông thường nói đùa rằng ông và sự sợ hãi là hai anh em sinh đôi, vì mẹ ông cho rằng việc ông đẻ sớm là điềm báo Hạm đội Tây Ban Nha sắp tới. Một ông cậu giàu có của Hobbes cung cấp cho ông theo học Oxford, nhưng Hobbes tuyên bố rằng ở trường này ông chẳng học được điều gì đáng giá. Hobbes sống rất thọ, xuất bản nhiều tác phẩm và có nhiều ảnh hưởng. Ông chơi tennis tới năm 70 tuổi, và ông viết tiểu sử của mình ở tuổi 84. Năm 86 tuổi, ông xuất bản một bản dịch tác phẩm Iliad và Odyssey chỉ để có việc mà làm. Trước khi chết, ông giải khuây bằng cách xin các bạn dọn các bài điếu văn cho ông. Hobbes đã rất nổi danh ngay từ thời còn sống.

Con người như là cái máy

Hobbes chỉ bắt đầu quan tâm đến tâm lý học và triết học khi ông 40 tuổi, khi ông bắt gặp một bản in tác phẩm của Euclid: Các Yếu Tố của Euclid. Cuốn sách này đã làm ông tin rằng có thể hiểu con người bằng việc sử dụng các kỹ thuật của hình học. Nghĩa là, bắt đầu với một ít tiền đề không thể phủ nhận được, có thể rút ra được một số kết luận chắc chắn. Vấn đề là bắt đầu với những tiền đề nào, và câu trả lời đến từ Galileo. Sau khi viếng thăm Galileo năm 1635, Hobbes trở nên xác tín rằng vũ trụ chỉ gồm vật chất và chuyển động và cả hai có thể hiểu được bằng các nguyên lý cơ giới. Hobbes hỏi, tại sao không quan niệm con người như những cái máy chỉ gồm vật chất và chuyển động? Galileo có thể cắt nghĩa chuyển động của các sự vật vật lý dựa trên các lực từ bên ngoài tác động trên chúng - nghĩa là không cần nại đến các tình trạng nội tại hay các yếu tính. Con người cũng là thành phần của thiên nhiên, vậy tại sao lại không thể cắt nghĩa hành vi con người như là vật chất chuyển động? Điều này đã trở thành chân lý hiển nhiên mà Hobbes cần áp dụng phương pháp diễn dịch của toán học: Con người như thể cái máy. Con người được quan niệm như những cái máy hoạt động trong một cái máy lớn hơn (vũ trụ).

Nhà nước bảo vệ con người khỏi các bản năng tự hủy diệt

Quan tâm hàng đầu của Hobbes là chính trị. Ông hoàn toàn tin chắc rằng hình thức nhà nước tốt nhất là chế độ quân chủ chuyên chế. Ông tin rằng bản tính con người là hiếu chiến, ích kỷ, và tham lam; vì vậy, chế độ dân chủ chỉ là nguy hiểm bởi vì nó làm người ta quá dễ dãi đối với các khuynh hướng tiêu cực của bản năng. Chỉ khi dân chúng và giáo hội lệ thuộc vào một nhà vua, thì mới có thể có luật pháp và trật tự. Không có sự điều hành đó, thì theo Hobbes, đời sống con người sẽ là "cô đơn, nghèo khổ, khốn nạn, tàn bạo, và ngắn ngủi" (Hobbes, 1651). Hobbes coi nhà vua như người trọng tài cuối cùng trong mọi vấn đề về luật pháp, đạo đức, và tôn giáo, và tự do con người chỉ ở trong các hoạt động không bị luật pháp cấm. Luật là do vua quyết định và bắt buộc tuân theo. Tác phẩm nổi tiếng nhất của ông, Leviathan (Thủy Quái) (1651), chủ yếu là một khảo luận về chính trị, một cố gắng nhằm biện minh cho chế độ quân chủ chuyên chế. Hobbes bắt đầu Leviathan với các quan niệm của ông về tâm lý học vì ông tin rằng để cai trị hiệu quả, nhà cai trị cần hiểu biết bản tính con người.

Duy nghiệm luận của Hobbes

Mặc dù Hobbes bác bỏ phương pháp quy nạp của Bacon và chọn phương pháp diễn dịch, ông đồng ý với Bacon về tầm quan trọng của kinh nghiệm thuộc thế giới giác quan:

Nguồn gốc của mọi tư tưởng là những cái mà chúng ta có thể cảm được, vì không có một khái niệm nào trong trí khôn một người mà trước đó nó đã không được phát sinh hoàn toàn hay từng phần từ các cảm quan. Những phần còn lại phát xuất từ cái gốc này. (Hobbes, 1651)

Như thế, tuy Hobbes chấp nhận phương pháp diễn dịch của Descartes, ông bác bỏ quan niệm các ý tưởng bẩm sinh của Descartes. Theo Hobbes, mọi ý tưởng đều đến từ kinh nghiệm, hay chính xác hơn, từ kinh nghiệm cảm quan.

Giải thích các hiện tượng tâm lý

Ông cắt nghĩa sự chú ý bằng sự kiện là trong khi các giác quan giữ lại chuyển động được tạo ra bởi một số vật bên ngoài, chúng không thể phản ứng với các vật khác. Tưởng tượng được cắt nghĩa bằng sự kiện là các ấn tượng sẽ tiêu tan dần theo thời gian. Hobbes nói: "Vì vậy tưởng tượng chỉ là cảm quan đang tiêu tan dần; và nó có ở con người và nhiều sinh vật khác, lúc thức cũng như lúc ngủ (1651). Khi một ấn tượng cảm nhận được đã tiêu tan trong một thời gian đáng kể, nó được gọi là trí nhớ; "cho nên... tưởng tượng và trí nhớ chỉ là một điều duy nhất nhưng vì các lý do khác nhau chúng có các tên gọi khác nhau. (1651). Trí nhớ có thể đơn giản hay phức tạp.

Giấc mơ cũng có nguồn gốc từ cảm quan: "Các tưởng tượng xảy ra khi ngủ thì được gọi là các giấc mơ. Và cũng như mọi tưởng tượng khác, các giấc mơ đều đã có nguồn gốc trước đó là cảm quan, hoàn toàn hay từng phần." Lý do khiến các giấc mơ rất sinh động là vì trong giấc ngủ chúng ta không có các ấn tượng mới để tranh giành với trí tưởng tượng.

Giải thích về động lực

Hobbes lý luận rằng các vật bên ngoài không chỉ tạo ra các ấn tượng cảm giác mà còn ảnh hưởng tới các chức năng sinh vật của cơ thể. Các ấn tượng có ích cho các chức năng này thì được chúng ta cảm nghiệm như là khoái lạc, và chúng ta cố gắng duy trì hay tìm kiếm chúng. Ngược lại, các ấn tượng đi ngược lại các chức năng sinh vật thì được cảm nghiệm như là đau khổ, và chúng ta tìm cách kết thúc hay xa tránh nó. Vì vậy, hành vi con người được thúc đẩy bởi động lực là sự thèm muốn (tìm kiếm hay duy trì các kinh nghiệm thích thú) và xa tránh (tìm cách tránh hay kết thúc các kinh nghiệm đau đớn). Nói khác đi, Hobbes chủ trương lý thuyết về động lực theo chủ nghĩa khoái lạc. Theo Hobbes, chúng ta dùng từ yêu và ghét để mô tả các sự thèm muốn và sự xa tránh của chúng ta.

Phủ nhận ý chí tự do

Trong quan niệm tất định của Hobbes về bản tính con người, không có chỗ cho ý chí tự do. Người ta có thể cảm thấy mình đang "chọn" bởi vì ở bất cứ lúc nào họ cũng có thể phải đối diện với một số các sự thèm muốn và xa tránh, và vì vậy có thể có các khuynh hướng hành động mâu thuẫn nhau. Hobbes gọi việc nhận ra các khuynh hướng mâu thuẫn ấy là "sự suy tính" và khuynh hướng hành động vượt qua sự suy tính ấy là ý chí. Nói khác đi, ý chí được định nghĩa như là khuynh hướng hành động chiến thắng khi một số khuynh hướng như thế cùng tồn tại đồng thời. Cái mà người ta tưởng là sự chọn lựa chẳng qua cũng chỉ là những từ ngữ chúng ta dùng để mô tả các sự thèm muốn và xa tránh mà chúng ta kinh nghiệm khi tương tác với môi trường.

Các quy trình tư tưởng phức tạp

Bây giờ chúng ta xét xem Hobbes cắt nghĩa các quy trình tư tưởng phức tạp hơn trong triết học duy vật và cơ giới của ông thế nào. Ví dụ, Hobbes tìm cách cắt nghĩa các "chuỗi tư tưởng, là thuật ngữ ông dùng để nói một tư tưởng có khuynh hướng theo sau một ý tưởng khác một cách nhất quán. Vấn đề là hiện tượng như thế xảy ra thế nào, và Hobbes trả lời như sau:

Mọi hình ảnh của tưởng tượng đều là các chuyển động trong chúng ta, là các ấn tượng của cảm giác còn để lại: Và các chuyển động nào đã trực tiếp nối tiếp nhau trong cảm giác, thì cũng tiếp tục như thế sau cảm giác... Nhưng vì trong cảm giác, với cùng một vật được tri giác, khi thì một vật này theo sau nó, khi thì một vật khác theo sau nó và cứ xảy ra như thế trong thời gian, khiến cho khi tưởng tượng một điều gì, chúng ta không chắc chắn được mình sẽ tưởng tượng tiếp điều gì; chỉ có điều này chắc chắn, nó phải là cái gì đã theo sau cùng một cái trước kia, lúc này hay lúc khác. (1651).

Như thế, khi cắt nghĩa sự mạch lạc của các tư tưởng, Hobbes sử dụng lại luật tương cận đã từng được Plato và Aristotle lần đầu tiên đề nghị. Nghĩa là, các sự kiện đi chung với nhau trong kinh nghiệm được nhớ lại chung với nhau và sau đó được suy nghĩ chung với nhau. Tất cả các nhà duy nghiệm theo lý thuyết của Hobbes đều chấp nhận khái niệm liên tưởng để giải thích tại sao các sự kiện tinh thần được kinh nghiệm hay nhớ lại theo một thứ tự nhất định.

Để tóm tắt lập trường của Hobbes, chúng ta có thể nói rằng ông là nhà duy vật vì ông tin rằng mọi sự vật tồn tại đều là vật lý; ông là nhà cơ giới vì ông tin rằng vũ trụ và mọi sự trong vũ trụ (kể cả con người) đều là những cái máy; ông là nhà tất định vì ông tin rằng mọi hoạt động (kể cả hành vi con người) được tạo ra do các lực tác động trên các sự vật vật lý; ông là nhà duy nghiệm vì ông tin rằng mọi tri thức đều bắt nguồn từ kinh nghiệm giác quan; và ông là một người theo thuyết khoái lạc vì ông tin rằng hành vi con người bị thúc đẩy bởi việc tìm kiếm khoái lạc và tránh đau khổ. Mặc dù như ta đã thấy, không phải mọi nhà duy nghiệm theo thuyết của Hobbes đều là những nhà duy vật hay cơ giới như ông, nhưng tất cả đều chung quan điểm với ông là bác bỏ sự tồn tại của các ý tưởng bẩm sinh.

John Locke

John Locke (1632 - 1704) sinh ngày 29 tháng 8 tại Wrington ở Somerset, Anh, sáu năm sau khi Francis Bacon qua đời

.

Cha ông là một tiểu điền chủ và luật sư. Năm Locke 17 tuổi, ông đang là sinh viên ở Westminster School thì ngày 30 tháng 1, 1649, Vua Charles I bị hành hình vì tội phản quốc. Cuộc hành hình diễn ra ở sân Whitehall Palace, gần trường học của Locke, và có thể ông đã chứng kiến. Locke sinh ra 10 năm trước khi nổ ra cuộc nội chiến, và ông đã sống qua thời kỳ rối ren ghê gớm và hết sức quan trọng đối với lịch sử nước Anh này. Do đó, ít ra là một phần do tinh thần của thời đại, Locke cũng như một số bạn học của ông thời sinh viên đã có một quan tâm cả đời về vấn đề chính trị. Thực vậy, Locke sẽ trở thành một trong những nhà triết học chính trị ảnh hưởng nhất thời hậu Phục Hưng ở châu Âu.

Năm 1652 Locke nhận một học bổng của Đại học Oxford và ông đã đậu bằng cử nhân tại đây năm 1656 và bằng thạc sĩ năm 1658. Tác phẩm đầu tiên của ông là một bài thơ ông viết trước khi tốt nghiệp và đề tặng Oliver Cromwell. Locke ở lại Oxford trong 30 năm, giảng dạy tại đây về Hi văn, tu từ, và triết học đạo đức. Ông cũng học y khoa và triết học thực nghiệm, và sau ba kỳ thi, ông đã đậu bằng tiến sĩ y khoa năm 1674. Chính trong thời gian học y khoa và triết học thực nghiệm, ông đã gặp được Robert Boyle (1627 - 1691), người sẽ có ảnh hưởng quan trọng đối với ông. Boyle là một trong các nhà sáng lập Hội Hoàng Gia và là một trong các nhà sáng lập khoa hóa học thời cận đại. Locke trở thành bạn thân, sinh viên, và phụ tá của Boyle. Từ Boyle, Locke học được rằng các vật vật lý được cấu tạo bởi các "vi thể" mà chỉ có một ít thuộc tính nội tại. Các vật thể này có một số lượng rất lớn và rất nhiều cách sắp đặt khác nhau. Một số cách sắp đặt tạo thành kinh nghiệm về các tính chất chính và một số tạo thành các kinh nghiệm về các tính chất phụ. Chúng ta sẽ thấy ngay dưới đây rằng "giả thuyết vi thể" này của Boyle sẽ ảnh hưởng mạnh đến triết học Locke. Locke trở thành một thành viên của Hội Hoàng Gia và trong tư cách thành viên, ông đã thực hiện một số nghiên cứu và chứng minh về hóa học và khí tượng học. Newton mới chỉ 10 tuổi khi Locke đến Oxford, nhưng năm 1689 hai người đã gặp nhau và Locke thường gọi Newton là "ông Newton tuyệt vời." Suốt cuộc đời còn lại, Locke luôn luôn trao đổi thư từ với Newton, chủ yếu về các vấn đề thần học (cả hai đều rất sùng đạo).

Tác phẩm nổi tiếng nhất và quan trọng nhất của ông đối với tâm lý học là An Essay Concerning Human Understanding (Cảo luận về Tri thức Con người) (1690). Locke đã soạn tác phẩm này trong 17 năm, và sau cùng nó được xuất bản khi ông đã gần 60. Mặc dù sách được xuất bản năm 1690, Locke đã nhiều lần hiệu đính nó và nó đã qua tất cả năm lần xuất bản. Lần xuất bản thứ 5 là vào năm 1706, tức là sau khi ông đã mất, và phần lớn những gì trình bày dưới đây đều dựa theo lần xuất bản này. Locke đã xuất bản rất ít trước cuốn Essay ấy, nhưng sau đó ông đã xuất bản nhiều tác phẩm về các đề tài như giáo dục, nhà nước, kinh tế, và Kitô giáo. Voltaire (1697 - 1778) rất ngưỡng mộ Locke và thường sánh ông với Newton. Voltaire đã cố gắng rất nhiều để tạo một ấn tượng tích cực về Locke, đặc biệt ở Pháp.

Mặc dù rõ ràng Hobbes là một nhà duy nghiệm luận, nhưng Locke mới chính là người đã ảnh hướng nhiều nhất đối với các nhà duy nghiệm Anh.

Chống lại các ý tưởng bẩm sinh

Essay của Locke một phần là sự phản kháng lại triết học Descartes. Tuy nhiên, Locke không chống lại thuyết nhị nguyên của Descartes; ông chống lại khái niệm của Descartes về các ý tưởng bẩm sinh. Locke nhận xét rằng nếu trí khôn có chứa các ý tưởng bẩm sinh, thì mọi người đều phải có các ý tưởng ấy, thế mà rõ ràng người ta không có. Loài người, ông nói, không được sinh ra với các ý tưởng bẩm sinh, dù là về luân lý, thần học, luận lý học, hay toán học.

Vậy thì mọi tư tưởng mà con người có đến từ đâu? Câu trả lời nổi tiếng của Locke là như sau:

Giả sử chúng ta coi trí khôn như một tờ giấy trắng, không in một chữ nào, không có một ý tưởng nào. Làm thế nào nó được chứa đầy?... Do đâu nó có tất cả các chất liệu của lý trí và nhận thức? Tôi trả lời bằng một từ mà thôi, kinh nghiệm.

Cảm giác và suy tư

Theo Locke, ý tưởng chỉ là một hình ảnh của trí khôn có thể được dùng khi chúng ta suy nghĩ: "Bất cứ cái gì trí khôn tri giác nơi chính nó, hay là đối tượng trực tiếp của tri giác, tư tưởng, hay tri thức, cái đó tôi gọi là "ý tưởng." Nêu ví dụ về các ý tưởng, Locke đưa ra các từ như "trắng, cứng, ngọt, tư duy, chuyển động, người, con voi, quân đội, và say rượu". Theo Locke, mọi ý tưởng đều đến hoặc từ cảm giác hay từ sự suy tư. Nghĩa là, các ý tưởng hoặc bắt nguồn từ kích thích giác quan trực tiếp hay do sự phản chiếu trên các ấn tượng còn để lại của các kích thích giác quan trước đó. Suy tư nguồn thứ hai của nhận thức, là khả năng của trí khôn tự quay vào chính nó.

Như thế, nguồn của mọi ý tưởng là cảm giác, nhưng các ý tưởng có được do cảm giác có thể được tác động và sắp xếp lại bởi các hoạt động của tinh thần, nhờ đó tạo ra các ý tưởng mới. Các hoạt động này gồm "tri giác, tư duy, hoài nghi, tin tưởng, suy luận, biết, và muốn."

Điều quan trọng là phải nhớ Locke nhấn mạnh rằng mọi tri thức đều cơ bản đến từ kinh nghiệm cảm giác, và sự nhấn mạnh này cho phép chúng ta gọi Locke một cách thích đáng là một nhà duy nghiệm luận.

Các ý tưởng đơn giản và ý tưởng phức tạp

Các ý tưởng đơn giản, dù là do cảm giác hay do suy tư, tạo thành các nguyên tử (vi thể) của kinh nghiệm bởi vì chúng không thể chia nhỏ hơn nữa thành các ý tưởng khác. Các ý tưởng phức tạp là các kết hợp của các ý tưởng đơn giản và vì thế có thể chia nhỏ thành các phần cấu tạo của chúng (các ý tưởng đơn giản). Khi các hoạt động của tinh thần được áp dụng vào các ý tưởng đơn giản qua suy tư, các ý tưởng phức tạp được hình thành. Nghĩa là, qua các hoạt động như so sánh, nhớ lại, phân biệt, phối hợp và mở rộng, trừu tượng hóa và suy luận, các ý tưởng đơn giản được kết hợp thành các ý tưởng phức tạp.

Như thế, tinh thần không thể tạo ra hay tiêu diệt các ý tưởng, nhưng nó có thể sắp xếp lại các ý tưởng đã có thành hầu như vô hạn các cấu hình.

Các cảm xúc

Locke cho rằng các tình cảm khoái lạc hay đau khổ đi kèm theo cả các ý tưởng đơn sơ lẫn phức tạp. Các đam mê (cảm xúc) khác - như yêu, ghét, muốn, vui, buồn, giận, sợ, thất vọng, ghen, xấu hổ, và hi vọng - ông cho rằng tất cả đều bắt nguồn từ hai tình cảm cơ bản là khoái lạc và đau khổ. Những sự vật tạo ra khoái lạc thì tốt, những sự vật tạo ra đau khổ thì xấu.

Theo Locke, "sự thiện lớn nhất" là tự do suy nghĩ các tư tưởng tạo ra khoái lạc. Giống như Hobbes, lý thuyết về động lực con người của ông được coi là theo thuyết khoái lạc vì nó cho rằng con người được thúc đẩy bởi động cơ tìm kiếm khoái lạc và tránh đau khổ. Vì vậy theo Locke, các dữ liệu mà giác quan cung cấp là chất liệu để tinh thần suy tư trên đó và có những phản ứng cảm xúc về nó.

Các tính chất chính và tính chất phụ

Sự phân biệt giữa các tính chất chính và phụ đã từng được đề nghị bởi nhiều nhà triết học Hy Lạp cổ xưa và sau này bởi Galileo, là sự phân biệt giữa cái gì hiện diện thể lý và cái gì được kinh nghiệm về mặt tâm lý. Tuy nhiên, Robert Boyle, người bạn và thầy của Locke, chính là người đã sử dụng tên gọi tính chất chính và tính chất phụ, và Locke đã mượn các thuật ngữ này của ông (Locke, 1706). Không may, các tính chất chính và phụ đã được định nghĩa hai cách hoàn toàn khác nhau trong lịch sử. Một cách định nghĩa coi các tính chất chính như là thuộc tính của thực tại vật lý và tính chất phụ như là thuộc tính của thực tại tâm lý và chủ quan. Nghĩa là, các tính chất chính chỉ về các sự vật hay sự kiện vật lý, nhưng các tính chất phụ chỉ về các kinh nghiệm tâm lý không có thực tại tương ứng trong thế giới vật lý. Chúng ta đã theo cách định nghĩa này khi thảo luận về Galileo ở chương 4. Boyle và Locke theo một cách khác. Theo họ, cả các tính chất chính lẫn tính chất phụ đều là các tính chất của thế giới vật lý; điều khác biệt giữa họ là loại kinh nghiệm tâm lý mà các tính chất ấy tạo ra. Locke theo Boyle và gọi là một tính chất bất kỳ khía cạnh nào của một vật có khả năng tạo ra một ý tưởng. Các tính chất chính có khả năng tạo ra nơi chúng ta các ý tưởng tương ứng với các thuộc tính vật lý thực sự của các sự vật vật lý - ví dụ: các ý tưởng về sự rắn chắc, trương độ, hình thù, chuyển động hay bất động, và số lượng. Các tính chất phụ của các sự vật cũng có khả năng tạo ra các ý tưởng, nhưng các ý tưởng chúng tạo ra không có cái tương ứng với chúng trong thế giới vật lý. Các ý tưởng do tính chất phụ tạo ra gồm các ý tưởng về màu sắc, âm thanh, nhiệt độ, và mùi vị.

Cả các tính chất chính lẫn tính chất phụ đều tạo ra ý tưởng. Với các tính chất chính, kích thích vật lý thì mạnh đủ để tạo ra một ý tưởng hợp với thuộc tính vật lý đã tạo ra kích thích ấy. Với các tính chất phụ, chỉ có các phần nhỏ (các vi hạt) của vật thể kích thích chúng ta mà thôi. Sự kích thích manh mún này toát ra từ vật thể kích thích chúng ta, nhưng cơ quan cảm giác của chúng ta không tinh tế đủ để ghi nhận bản chất vật lý của sự kích thích ấy. Ngược lại, chúng ta kinh nghiệm một cái gì đó về mặt tâm lý mà không hiện diện về mặt vật lý.

Như thế, sự khác biệt giữa các ý tưởng do các tính chất chính và phụ chỉ là khác biệt do sự sắc bén của các giác quan mà thôi.

Theo Locke, điểm quan trọng là ở chỗ một số kinh nghiệm tâm lý của chúng ta phản ánh thế giới vật lý đúng như thực tế của nó (các kinh nghiệm do các tính chất chính tạo ra) và một số không phản ánh đúng như thế (các kinh nghiệm do các tính chất phụ tạo ra). Ông không nói như Galileo rằng thực tại chủ quan thì kém thực tại vật lý. Theo Locke, thực tại chủ quan cũng có thể được nghiên cứu một cách khách quan như thực tại vật lý, và ông đã bắt tay làm việc này.

Liên tưởng

Thuyết liên tưởng là "một lý thuyết tâm lý coi liên tưởng là nguyên tắc cơ bản của đời sống tinh thần, mà ngay cả các quy trình tư tưởng cao hơn cũng phải được cắt nghĩa theo nguyên tắc ấy" (Drever, 1968, tr. 11). Theo định nghĩa này, ta có thể bác bỏ thuyết liên tưởng mà vẫn chấp nhận được sự kiện tri thức đạt được bằng liên tưởng. Đó đúng là trường hợp của Locke. Thực vậy, Locke chỉ thảo luận một cách thoáng qua về liên tưởng, bằng chứng là ở tác phẩm Essay ấn bản lần thứ 4 mới thấy Locke đưa vào một chương ngắn nhan đề "Liên tưởng", và thậm chí ở chương này, ông cũng chỉ dùng liên tưởng để cắt nghĩa các sai lầm trong suy luận mà thôi.

Locke tin rằng các ý tưởng nối tiếp nhau vì các lý do tự nhiên hay hợp lý đều biểu thị tri thức đích thực, nhưng các ý tưởng liên kết một cách ngẫu nhiên, vì sự tương cận, chỉ có thể dẫn đến các niềm tin vô lý. Locke nêu một số ví dụ.

Các ý tưởng về quỷ ma và yêu tinh thực ra chẳng liên quan gì đến bóng tối hay ánh sáng; nhưng nếu một chị vú nuôi ngốc nghếch cứ liên tục nhồi nhét vào đầu óc một đứa bé với các ý tưởng này, có thể suốt đời nó sẽ không bao giờ gột sạch các ý tưởng sai lạc ấy ra khỏi đầu óc nó, và bóng tối sẽ luôn luôn gợi ru cho nó các ý tưởng hãi hùng, và chúng sẽ gắn liền với nhau khiến đứa bé sẽ không thể chịu nổi bóng tối cũng như quỷ ma... Một anh bạn tôi biết một người được chữa lành hẳn bệnh điên bởi một cuộc giải phẫu hãi hùng. Người ấy được khỏi bệnh và suốt đời biết ơn người thầy thuốc đã chữa lành anh ta bằng cuộc giải phẫu ấy; nhưng dù mang nặng lòng biết ơn, anh ta suốt đời không bao giờ chịu nổi khi nhìn thấy người đã giải phẫu cho mình; hình ảnh phẫu thuật viên luôn luôn mang đến cho anh ta ý tưởng về cơn đau dữ dội anh phải chịu đựng từ tay nhà phẫu thuật, ý tưởng ấy quá mạnh và không thể chịu nổi đối với người ấy (1706/1974, tr. 252 - 254).

Nếu dựa vào định nghĩa của Drever (1963) về thuyết liên tưởng như một cố gắng giản lược mọi hoạt động tinh thần vào các nguyên tắc liên tưởng, thì triết học của Locke chắc chắn không phải là triết học về liên tưởng. Lý thuyết về tinh thần của ông chủ yếu đã xong trước khi ông thêm các bình luận về sự liên tưởng. Có vẻ như ông bỏ qua sự kiện rằng nhờ liên tưởng người ta biết được các mối tương quan tự nhiên cũng giống như các mối tương quan không tự nhiên. Như chúng ta đã thấy, điều này không đúng với Hobbes, cũng như với những nhà duy nghiệm theo Locke.

Chính quyền do dân và vì dân

Locke không chỉ công kích khái niệm về các ý tưởng bẩm sinh, ông cũng công kích khái niệm về các nguyên tắc đạo đức bẩm sinh. Ông tin rằng đa số các giáo điều được xây dựng dựa trên giả định về một chân lý đạo đức bẩm sinh này hay chân lý bẩm sinh khác, và người ta phải tự mình tìm ra chân lý cho mình thay vì bị người khác áp đặt. Vì vậy, thuyết duy nghiệm được coi là một phong trào cực đoan tìm cách thay thế tôn giáo dựa trên mặc khai bằng luật tự nhiên. Rất ảnh hưởng về chính trị, Locke thách thức quyền bính của các vua vốn được tin là do Thượng Đế ban cho và ông đề nghị một chính quyền do dân và vì dân. Triết học chính trị của ông được các nhà triết học vị lợi của thế kỷ 19 chấp nhận một cách phấn khỏi; và nó đã ảnh hưởng nhiều trong việc soạn thảo bản Tuyên ngôn Độc lập của Hoa Kỳ.

George Berkeley

George Berkeley (1685 -

1753) sinh ngày 12 tháng 3 tại Kilkenny, Ai Len. Lúc đầu ông theo học trường Kilkenny College; năm 1700, khi 15 tuổi, ông vào đại học Dublin và tại đây ông đậu bằng cử nhân năm 1704, lúc 20 tuổi, và bằng thạc sĩ năm 1707, lúc 22 tuổi ông thụ phong chức phó tế trong giáo hội Anh giáo năm 24 tuổi. Cũng năm 24 tuổi, ông xuất bản Cảo luận về một Lý thuyết mới về Thị giác (1709), và một năm sau ông xuất bản tác phẩm có lẽ là quan trọng nhất của ông, Khảo luận về các Nguyên lý của Nhận thức con người (1710). Tác phẩm quan trọng thứ ba, Ba Đối thoại giữa Hylas và Philonous được xuất bản trong chuyến sang Anh lần đầu tiên của ông năm 1713. Tên tuổi Berkeley đã được biết đến rộng rãi nhờ ba tác phẩm ấy trước khi ông ba mươi tuổi. Ông tiếp tục ở lại Đại học Dublin và giảng dạy về thần học và triết học Hy Lạp cho tới năm 1724, là năm ông lo việc mở một trường trung học mới ở Bermuda dành cho các người bản xứ và các thực dân Mỹ da trắng. Năm 1728 ông đáp tàu sang Newport, Rhode Island, và chờ đợi tại đây để quyên góp cho dự án mở trường của ông. Nhưng không nhận được ngân sách của nhà nước như ông mong đợi, Berkeley trở về Luân Đôn. Mặc dù Berkeley không bao giờ đặt chân tới miền tây New England, nhưng thành phố Berkeley, California, và khuôn viên Đại học ở California mang tên ông. Trong 18 năm cuối đời, Berkeley là giám mục Anh giáo của giáo phận Cloyne ở Quận Cork, Ai Len. Ông chết đột ngột tại Oxford ngày 14 tháng 1, 1753.

Chống lại duy vật luận

Berkeley nhận thấy sự sụp đổ của triết học Kinh viện do những công kích chống lại triết học Aristotle, đã làm lan tràn khắp nơi thuyết hoài nghi tôn giáo, thậm chí thuyết vô thần thực sự. Ông cũng nhận thấy rằng triết học mới của thuyết duy vật lại càng làm suy yếu các nền tảng của niềm tin tôn giáo. Khi còn ở Đại học Dublin, Berkeley từng nghiên cứu tác phẩm của những người như Descartes, Hobbes, Locke, và Newton, và ông cho rằng họ có trách nhiệm là dẫn đến một nền triết học duy vật luận. Berkeley thấy thế giới quan do triết học duy vật tạo ra cho rằng bản chất của tất cả vật chất là nguyên tử hay các vi thể, và mọi sự kiện vật lý có thể được cắt nghĩa bằng các luật cơ giới. Vũ trụ chỉ còn là vật chất chuyển động, và chuyển động của các vật di chuyển thì được cắt nghĩa bằng các luật vật lý, được diễn tả bằng thuật ngữ toán học. Berkeley có lý khi nhận ra rằng triết học duy vật đang đẩy Thượng Đế xa dần vũ trụ, và vì thế nó nguy hiểm cho cả tôn giáo lẫn đạo đức. Bởi đó Berkeley quyết định tấn công vào chính nền tảng của duy vật luận, vào chính giả thiết của nó cho rằng vật chất tồn tại.

Cái gì hiện hữu thì phải được tri giác

Giải pháp của Berkeley cho vấn đề vừa mạnh bạo vừa triệt để: ông tìm cách chứng minh rằng vật chất không tồn tại và vì thế mọi tuyên bố của triết học duy vật phải là sai lầm. Trong việc phủ nhận vật chất, ông vừa đồng ý vừa bất đồng với Locke. Ông đồng ý với Locke đã cho rằng tri thức con người chỉ dựa trên các ý tưởng mà thôi. Cả Berkeley lẫn Locke đều cho rằng các ý tưởng là đối tượng của tri thức con người và một tinh thần tồn tại tác động trên các ý tưởng ấy. Nhưng ông mạnh mẽ bác bỏ quan niệm của Locke rằng thế giới vật lý tạo ra các ý tưởng của chúng ta. Berkeley nói rằng cho dù có một thế giới như thế đi nữa, chúng ta cũng không thể biết được nó trực tiếp. Mọi vật đều hiện hữu khi chúng được tri giác và vì vậy thực tại chỉ bao gồm các tri giác của chúng ta mà thôi, ngoài ra không có gì cả:

Thực sự có một ý kiến thịnh hành một cách kỳ lạ giữa người ta, ý kiến ấy cho rằng nhà, núi, sông, và mọi vật khả giác, có một sự tồn tại tự nhiên hay thực sự, độc lập với việc chúng được nhận thức bởi trí khôn. Nhưng cho dù Nguyên tắc này có thể được thế giới chấp nhận một cách bảo đảm và phổ biến đến đâu đi nữa, thì bất cứ ai trong lòng mình cũng cảm thấy phải đặt vấn đề về nó, sẽ thấy ngay rằng nó bao hàm một sự mâu thuẫn. Bởi vì các vật chúng ta nhắc đến trên kia là gì nếu không phải là những vật mà chúng ta tri giác bằng giác quan? Và chúng ta tri giác cái gì ngoài các ý tưởng hay cảm giác của chúng ta? Và có thể nào bất cứ một vật nào nói trên có thể tồn tại khi không được tri giác không?

Rồi Berkeley giản lược vật chất và tất cả mọi sự vào phạm vi tri giác:

Một số chân lý rất gần và hiển nhiên đối với trí khôn khiến một người chỉ cần mở mắt ra là có thể thấy chúng. Điều này tôi coi là vô cùng quan trọng, đó là toàn thể ca đoàn trên trời và mọi sự vật dưới đất, nói tóm, mọi vật thể tạo thành cái khung mạnh mẽ của thế giới, đều không hiện hữu được nếu không có một trí khôn; hữu thể của chúng phải được tri giác hay nhận biết; do đó, nếu nó không được tri giác thực sự bởi tôi, hay không tồn tại trong trí khôn tôi, thì hoặc chúng hoàn toàn không thể tồn tại, hoặc chúng tồn tại trong trí khôn của một Tinh Thần Vĩnh Cửu nào đó: bởi vì sẽ hoàn toàn không thể hiểu được và hoàn toàn vô lý khi gán cho bất cứ một vật nào như thế một sự tồn tại độc lập với một tinh thần. Để xác tín điều này, độc giả chỉ cần suy nghĩ, và cố gắng tách riêng trong tư tưởng của mình sự tồn tại của một vật khả giác với việc nó được tri giác. (Armstrong 1965. tr. 63).

Chỉ có các tính chất phụ tồn tại

Trong thảo luận của ông về các tính chất chính và phụ, Berke- ley coi các tính chất chính như là những thuộc tính được giả thiết là của các sự vật vật lý và các tính chất phụ như là các ý tưởng hay tri giác. Sau khi đã phân biệt như thế, ông bắt đầu bác bỏ sự tồn tại của các tính chất chính. Theo ông, chỉ có các tính chất phụ (các tri giác) tồn tại. Đương nhiên đây là hệ quả từ quan niệm của ông rằng "tồn tại là được tri giác." Berkeley lý luận rằng có thể bác bỏ thuyết duy vật vì không có thể giới vật lý.

Berkeley không hề phủ nhận sự tồn tại của thực tại bên ngoài

Hiển nhiên quan niệm của Berkeley cho rằng mọi cái tồn tại đều là một tri giác đặt ra một số vấn đề. Ví dụ, nếu thực tại chỉ là vấn đề về tri giác, vậy thực tại có ngưng tồn tại khi người ta không tri giác nó nữa không? Và, căn cứ vào đâu để nói rằng thực tại mà một người tri giác thì cũng là một với thực tại mà một người khác tri giác? Trước hết, phải hiểu rằng Berkeley không phủ nhận sự tồn tại của thực tại bên ngoài. Cái mà ông phủ nhận là thực tại bên ngoài bao gồm vật chất bất động, như các nhà duy vật chủ trương:

Tôi không lý luận chống lại sự tồn tại của bất cứ vật gì mà chúng ta có thể biết, dù bằng giác quan hay suy tư. Các vật mà tôi thấy bằng mắt, tôi sờ được bằng tay, chúng tồn tại thực sự, tôi không hề nghi ngờ. Cái duy nhất mà chúng ta phủ nhận sự tồn tại của nó là cái mà các nhà triết học gọi là Vật chất hay bản thể vật chất.

Cái tạo ra thực tại bên ngoài chính là tri giác của Thượng Đế. Vì thực tại bên ngoài là tri giác của Thượng Đế nên nó vững bền không thay đổi và giống nhau cho mọi người. Cái mà chúng ta gọi là luật thiên nhiên chính là các ý tưởng của Thượng Đế. Họa hiếm Thượng Đế cũng có thể "thay đổi ý định và do đó thay đổi các luật thiên nhiên," đó là các "phép lạ", nhưng chung chung các tri giác của ngài không thay đổi.

Do đó, điều chúng ta kinh nghiệm bằng cảm giác là các ý tưởng trong trí khôn Thượng Đế; với kinh nghiệm, các ý tưởng trong trí khôn chúng ta trở nên giống các ý tưởng trong trí khôn Thượng Đế, và trong trường hợp ấy chúng ta nói mình đang tri giác chính xác thực tại bên ngoài. "Tồn tại là được tri giác," và Thượng Đế tri giác thế giới vật lý, nhờ đó tạo ra thực tại của nó; chúng ta tri giác các tri giác của Thượng Đế, nhờ đó chúng ta cho các tri giác của chúng ta sự sống trong trí khôn chúng ta như là các ý tưởng. Nếu các tính chất phụ được hiểu như là các ý tưởng mà sự tồn tại của chúng tùy thuộc một người tri giác chúng, thì mọi thực tại đều gồm các tính chất phụ.

Luật liên tưởng

Theo Berkeley, mỗi loại giác quan cung cấp một kiểu thông tin (ý tưởng) riêng biệt và khác nhau về một đối tượng. Chỉ trong kinh nghiệm chúng ta mới biết được rằng một số ý tưởng luôn luôn liên kết với một đối tượng đặc biệt:

Bằng thị giác tôi có các ý tưởng về ánh sáng và màu sắc với các mức độ và sắc thái khác nhau. Bằng xúc giác tôi nhận biết vật cứng và mềm, nóng và lạnh, cử động và bất động; và những thứ này ở các mức độ và lượng khác nhau. Khứu giác cung cấp cho tôi mùi; khứu giác cho tôi vị; và thính giác cho tôi âm thanh ở mọi dạng phối hợp và âm lượng khác nhau.

Và khi các điều này được nhận thấy đi chung với nhau, chúng được mô tả bằng một tên gọi chung, và như thế chúng được kể là một vật. (Armstrong, 1965, tr. 61).

Như thế các vật mà chúng ta đặt tên chính là các tập hợp các cảm giác thường đi chung với nhau. Giống như Locke, Berkeley chấp nhận luật tương cận làm nguyên lý liên tưởng của ông. Nhưng khác Locke, ông không cho rằng luật này chỉ cắt nghĩa các sự liên tưởng ngẫu nhiên hay tùy tiện. Theo Berkeley, tất cả các cảm giác mà luôn luôn được thấy đi chung với nhau đều được liên kết với nhau. Thực vậy, theo Berkeley, các sự vật không là gì khác hơn là các tập hợp của các cảm giác.

Lý thuyết của Berkeley về tri giác khoảng cách

Berkeley đồng ý với Locke rằng nếu một người mù bẩm sinh mà sau này có thể nhìn thấy, họ sẽ không biết phân biệt một khối lập phương với một hình tam giác. Muốn có sự phân biệt này đòi phải có sự liên tưởng của các kinh nghiệm thị giác và xúc giác Berkeley còn đi xa hơn bằng cách nói rằng người ấy cũng không thể tri giác được khoảng cách. Muốn tri giác đúng khoảng cách của một vật, cần phải có sự liên kết của nhiều cảm giác.

Với lý thuyết của ông về tri giác khoảng cách, Berkeley bác bỏ lý thuyết của Descartes và những người khác rằng tri giác khoảng cách là dựa trên hình học của quang học. Theo lý thuyết của Descartes, một tam giác được hình thành bởi khoảng cách giữa hai mắt như là đáy tam giác và vật được nhắm tới như là đỉnh tam giác. Một vật ở xa tạo thành một hình tam giác dài, hẹp, và một vật ở gần tạo thành một hình tam giác ngắn và rộng. Cũng vậy góc đỉnh hình tam giác sẽ thay đổi theo tỉ lệ thuận với khoảng cách của vật được nhìn; khoảng cách càng lớn, đỉnh tam giác càng lớn và ngược lại. Chuyển động hội tụ và phân kỳ của mắt là quan trọng đối với lý thuyết này nhưng chỉ vì chính nó tạo ra hình học của tri giác khoảng cách.

Theo Berkeley, vấn đề với thuyết tri giác khoảng cách dựa trên "hình học tự nhiên" là ở chỗ người ta không tri giác khoảng cách theo kiểu ấy. Chuyển động hội tụ và phân kỳ của mắt là vô cùng quan trọng trong phân tích của Berkeley, nhưng không phải vì các góc thị giác mà chuyển động đó của mắt tạo ra. Đúng hơn, chúng quan trọng bởi vì các cảm giác tạo ra do sự hội tụ và phân kỳ của mắt được liên kết với các cảm giác khác và chúng đã trở thành chìa khóa để biết khoảng cách.

Cắt nghĩa duy nghiệm của Berkeley về tri giác và ý nghĩa là một mốc quan trọng trong lịch sử tâm lý học bởi vì nó cho thấy bằng cách nào các tri giác phức tạp có thể được hiểu như là những kết hợp của các cảm giác cơ bản như thị giác, thính giác, và xúc giác.

David Hume

Sinh ngày 26 tháng 4 tại Edinburgh, Tô Cách Lan, David Hume (1711 - 1776) theo học tại Đại học Edinburgh, tại đây ông học luật và thương mại nhưng không có một bằng cấp gì. Nhờ được thừa kế một di sản lớn, Hume đi đến La Flèche ở Pháp, nơi Descartes từng theo học hồi còn trẻ. Chính tại La Flèche mà Hume, khi chưa đầy 28 tuổi, đã viết tác phẩm nổi tiếng nhất là của ông, Khảo Luận Về Bản Tính Con Người, Là Một Cố Gắng Để Giới Thiệu Phương Pháp Suy Luận Thực Nghiệm - Trong Lãnh Vực Đạo Đức Học, quyển thứ nhất xuất bản năn - 1739 và quyển thứ hai năm 1740. Năm 1742 Hume xuất bản Các Cảo Luận Triết Học, rất được hoan nghênh. Hume luôn luôn tin rằng cuốn Khảo Luận của ông không ăn khách mấy là do cách trình bày hơn là do nội dung của nó, vì vậy năm 1748 ông đã xuất bản một bản rút gọn của Khảo Luận với tên sách là Tìm hiểu Nhận Thức Con Người. Đa số những gì trình bày dưới đây là dựa trên ấn bản năm 1777 của quyển Tra Cứu, sau khi ông đã qua đời.

Mục tiêu của Hume

Theo Hume, "Hiển nhiên, mọi khoa học đều có liên quan nhiều hay ít tới bản tính con người; và cho dù các khoa học ấy có thể tỏ ra rời xa nó, chúng vẫn quay trở về với nó bằng con đường này hay con đường khác." Dưới đề mục khoa học, Hume bao gồm các chủ đề như toán học, triết học tự nhiên (khoa học vật lý), tôn giáo, lý luận, đạo đức, phê bình, và chính trị. Tóm lại, mọi vấn đề đều phản ánh bản tính con người, và do đó, hiểu bản tính ấy là tối quan trọng.

Khi triển khai khoa học về con người, Hume theo truyền thống duy nghiệm của Occam, Bacon, Hobbes, Locke, và Berkeley: "Vì khoa học về con người là nền móng vững chắc duy nhất cho mọi khoa học khác, nên nền móng vững chắc duy nhất chúng ta có thể đặt cho chính khoa học này phải là kinh nghiệm và quan sát." Tuy nhiên, Hume rất thán phục các thành tựu của khoa học Newton, và ông muốn làm cho "triết học đạo đức" điều mà Newton đã làm cho "triết học tự nhiên". Vào thời Hume, "triết học đạo đức" tương đương với cái mà ngày nay chúng ta gọi là khoa học xã hội, và "triết học tự nhiên" tương đương với các khoa học vật lý.

Ngoài tính chất một khoa học duy nghiệm, khoa học về con người cũng phải là một khoa học "thực nghiệm". Vì thí nghiệm rất ích lợi trong các khoa vật lý, nên chúng cũng sẽ được dùng trong khoa học về con người. Tuy nhiên, Hume không sử dụng thí nghiệm trong khoa học của ông theo cùng một kiểu như chúng được sử dụng bởi các nhà khoa học vật lý. Đối với các nhà khoa học vật lý, một thí nghiệm bao gồm sự vận dụng các biến số của môi trường nhắm vào một mục đích nhất định và ghi nhận hiệu quả của sự vận dụng đó đối với một biến số khác. Cả hai biến số đều có thể quan sát và đo lường. Như ta sẽ thấy, các yếu tố quan trọng quyết định hành vi trong hệ thống của Hume là các yếu tố nhận thức và không thể quan sát trực tiếp. Theo Hume, thuật ngữ thí nghiệm có nghĩa là kinh nghiệm nhận thức. Vậy thuật ngữ thí nghiệm có thể có nghĩa gì theo Hume? Thí nghiệm theo ông là sự quan sát cẩn thận xem các kinh nghiệm có tương quan với nhau thế nào và kinh nghiệm tương quan với hành vi thế nào. Hume lưu ý rằng khoa học thực nghiệm của ông về bản tính con người sẽ khác với các khoa vật lý, nhưng khác không có nghĩa là thấp kém hơn. Thực ra, ông cho rằng khoa học của ông thậm chí còn có thể cao hơn các khoa học khác.

Vì vậy mục tiêu của Hume là kết hợp triết học duy nghiệm của các tiền bối với các nguyên tắc của khoa học Newton, và trong tiến trình kết hợp này, tạo ra một khoa học về bản tính con người. Một điều nghịch lý là, trong khi hết sức ngưỡng mộ Newton, Hume lại thích sử dụng phương pháp quy nạp của Bacon hơn là phương pháp diễn dịch của Newton. Phương pháp chính của Hume là cẩn thận quan sát và sau đó cẩn thận tổng quát hóa các quan sát ấy. Thỉnh thoảng Hume cũng phát biểu một giả thuyết và trắc nghiệm nó với kinh nghiệm, nhưng rõ ràng ông nhấn mạnh quy nạp nhiều hơn là diễn dịch.

Các ấn tượng và ý tưởng

Giống như các nhà duy nghiệm trước ông, Hume tin rằng nội dung tư tưởng chỉ bắt nguồn từ kinh nghiệm. Ông cũng tin rằng kinh nghiệm (tri giác) có thể được kích thích bởi các sự kiện nội tâm hay ngoại giới. Hume đồng ý với Berkeley rằng chúng ta không bao giờ kinh nghiệm trực tiếp thế giới vật lý, chúng ta chỉ có các tri giác về nó.

Hume phân biệt giữa các ấn tượng, là các tri giác mạnh và sinh động, với các ý tưởng, là các tri giác tương đối yếu.

Mọi tri giác của trí khôn con người đều thuộc hai loại khác nhau mà tôi gọi là các ấn tượng và các ý tưởng. Sự khác biệt giữa chúng hệ tại mức độ mạnh yếu và sinh động mà chúng tác động trên trí khôn, và mở đường đi vào tư tương hay ý thức của chúng ta. Các tri giác nào đi vào trí khôn một cách mạnh mẽ và bắt buộc, chúng ta gọi chúng là các ấn tượng, gồm mọi cảm giác, đam mê và cảm xúc, khi chúng xuất hiện trước tiên trong linh hồn. Còn ý tưởng là các hình ảnh mờ nhạt của các ấn tượng ấy trong tư duy và suy luận. (Flew, 1962, tr. 176)

Các ý tưởng đơn giản và phức tạp và trí tưởng tượng

Hume cũng phân biệt giống như Locke giữa các ý tưởng đơn giản và các ý tưởng phức tạp.

Còn một sự phân biệt khác nữa giữa các tri giác của chúng ta... liên quan đến cả các ấn tượng lẫn ý tưởng. Đó là sự phân biệt giữa các tri giác đơn giản và phức tạp. Các tri giác, hay ấn tượng và ý tưởng đơn giản là các tri giác không chấp nhận sự phân biệt hay chia cắt. Ngược lại, các tri giác phức tạp có thể phân biệt thành các phần khác nhau. Mặc dù một màu, mùi, và vị đặc thù là tất cả các tính chất được thống nhất trong một quả táo này, chúng ta dễ thấy chúng không giống nhau, nhưng ít là có thể phân biệt giữa tính chất này với tính chất khác. (Flew, 1962, tr. 177)

Mặc dù mọi ý tưởng đơn giản từng là các ấn tượng, nhưng không phải mọi ý tưởng phức tạp đều buộc phải tương ứng với các ấn tượng phức tạp. Một khi các ý tưởng tồn tại trong trí khôn, chúng có thể được sắp xếp theo vô số kiểu nhờ trí tưởng tượng.

Không gì tự do bằng trí tưởng tượng của con người và mặc dù nó không thể vượt quá kho ý tưởng nguyên thủy được cung cấp bởi các giác quan nội và ngoại, nó có sức mạnh vô hạn để pha trộn, kết hợp, tách rời, và chia cắt các ý tưởng này thành mọi dạng hư cấu và hình ảnh...

Tóm lại, nội dung của trí khôn chỉ bắt nguồn từ kinh nghiệm, nhưng một khi đã ở trong trí khôn, các ý tưởng có thể được sắp xếp tùy ý. Vì vậy chúng ta có thể suy nghĩ đến các tư tưởng không có tương ứng trong thực tại. Hume đưa ý tưởng về Thượng Đế làm ví dụ: "Ý tưởng về Thượng Đế, như một Hữu thể vô cùng thông minh, khôn ngoan, và tốt lành, là ý tưởng phát sinh từ việc suy tư về các hoạt động của chính trí khôn chúng ta, và đồng thời tăng lên vô giới hạn các tính chất của sự tốt lành và khôn ngoan." (Steinberg, 1977, tr. 11).

Để hiểu Hume, cần nhớ rằng mọi tri thức con người đều dựa trên các ấn tượng. Hume phát biểu sự kiện này trong một mệnh đề tổng quát: "Mọi ý tưởng đơn giản của chúng ta khi chúng xuất hiện lần đầu tiên, đều đến từ các ấn tượng tương ứng với chúng và biểu thị chúng một cách chính xác. (Flew, 1962, tr. 178).

Liên tưởng

Nếu các ý tưởng được kết hợp với nhau chỉ bằng trí tưởng tượng, chúng sẽ "lỏng lẻo và rời rạc," và chỉ có sự ngẫu nhiên nối kết chúng lại với nhau. Cũng vậy, các sự liên kết giữa các ý tưởng sẽ khác nhau đối với mỗi người vì không có lý do gì để chúng giống nhau. Tuy nhiên, Hume nhận thấy không xảy ra như thế. Ngược lại, có rất nhiều sự tương tự giữa các liên tưởng của mọi người, và cần phải cắt nghĩa sự liên tưởng này.

Hume coi giải thích của ông về liên tưởng như một thành tựu to lớn nhất của ông. Có vẻ như Hume không biết rằng luật liên tưởng đã có từ rất xa xưa, ít là từ Plato và Aristotle, và đã được sử dụng bởi Hobbes, Locke, và nhất là Berkeley. Nhưng đúng là Hume lệ thuộc nguyên tắc liên tưởng đến độ triết học của ông có thể được gọi là thuyết liên tưởng. Theo Hume, các luật liên tưởng không gắn kết các ý tưởng lại với nhau thành các kiểu liên kết bất di dịch. Như ta đã thấy, trí tưởng tượng có thể sắp xếp lại các ý tưởng trong trí khôn thành bất kỳ kiểu cấu hình nào. Đúng hơn, Hume coi các luật liên tưởng như một "lực nhẹ nhàng," nó tạo ra một số liên tưởng đối nghịch với một số khác.

Tư tưởng của chúng ta chịu ảnh hưởng bởi ít là ba luật liên tưởng. Luật tương tự phát biểu rằng tư tưởng của chúng ta dễ dàng đi từ một ý tưởng sang một ý tưởng khác tương tự với nó, như tư tưởng về một người bạn kích thích sự hồi tưởng về một người bạn khác. Luật tương cận phát biểu rằng khi ta nghĩ đến một vật, ta có khuynh hướng nhớ lại các vật khác mà ta đã kinh nghiệm ở cùng một nơi và vào cùng một thời gian như vật mà ta đang nghĩ đến, ví dụ nhớ đến một món quà làm ta nghĩ đến người cho quà Luật nhân quả phát biểu rằng khi chúng ta nghĩ đến kết quả (hậu quả), chúng ta thường cũng nghĩ đến các sự kiện vẫn đi trước hậu quả ấy, như khi ta thấy tia chớp và hậu quả là ta nghĩ đến tiếng sét. Vì Hume coi nhân quả là luật liên tưởng quan trọng nhất, chúng ta sẽ xét đến nó chi tiết hơn.

Phân tích về nhân quả

Từ thời Aristotle, sang thời Kinh viện, và đến thời Hume, người ta vẫn tin rằng một số nguyên nhân nhất định tự bản chất tạo ra một số hậu quả nhất định. Nói rằng A tạo ra B là nói một điều gì về bản chất của A và B; nghĩa là ta giả thiết có một tương quan thuận lý giữa hai sự kiện khiến cho khi biết A thì có thể tiên đoán về B. Có thể tiên đoán được điều này nhờ biết bản chất của A và B mà không cần quan sát hai sự kiện A và B chung với nhau. Hume hoàn toàn không đồng ý với quan niệm này về nhân quả Theo ông, chúng ta không bao giờ có thể biết rằng hai sự kiện cùng xảy ra với nhau trừ khi chúng ta đã kinh nghiệm thấy chúng xảy ra chung với nhau. Thực vậy, theo Hume, một tương quan nhân quả là một tương quan luôn luôn được quan sát thấy giống nhau mà thôi, không gì hơn. Không có cách nào để đoán trước kinh nghiệm nào sẽ theo sau kinh nghiệm nào khác. Vì vậy, nhân quả không phải một sự tất yếu thuận lý, mà là một kinh nghiệm tâm lý:

Tôi dám mạnh bạo quả quyết như một nguyên tắc phổ quát không có luật trừ nào, là tri thức về tương quan (nhân quả) này không bao giờ đạt được nhờ suy luận tiên nghiệm, nhưng phát xuất hoàn toàn từ kinh nghiệm, khi chúng ta thấy rằng những vật đặc thù nào đó luôn luôn đi cùng với nhau. Hãy đưa một vật đến cho một người có lý trí tự nhiên và các khả năng vô cùng to lớn; nếu vật ấy hoàn toàn mới đối với người này, họ sẽ không thể nào, nhờ việc xem xét chính xác nhất các tính chất khả giác của nó, mà có thể khám phá ra bất cứ nguyên nhân hay hậu quả nào của nó. ADAM, dù ta cho rằng ông có khả năng suy luận tuyệt hảo, cũng không thể dựa vào tính lỏng, trong suốt của nước, để suy ra rằng nước sẽ làm ông chết ngạt, hay từ ánh sáng và sức nóng của lửa, rằng nó sẽ thiêu đốt ông...

Mệnh đề này, rằng các nguyên nhân và hậu quả có thể được khám phá không phải bằng lý trí mà bằng kinh nghiệm, sẽ dễ dàng được chấp nhận đối với các vật mà chúng ta nhớ trước đây đã hoàn toàn không biết gì về chúng; vì chúng ta phải ý thức rằng chúng ta hoàn toàn không có khả năng đoán trước điều gì sẽ xảy ra từ các vật ấy. Hãy đem hai miếng đá cẩm thạch đến cho một người hoàn toàn mù tịt về triết học tự nhiên; người ấy sẽ không bao giờ khám phá ra rằng chúng sẽ dính chặt vào nhau, đến nỗi phải có một lực lớn mới tách rời chúng ra được theo một đường thẳng, trong khi chúng chỉ có một lực cản rất nhỏ đối với áp lực ở hai bên. (Steinberg, 1977, tr. 17).

Theo Hume, mọi sự kiện thực tế đều là các hình thức tương quan nhân quả, vì vậy chúng chỉ có thể biết được bằng kinh nghiệm.

Hume không hề có ý phủ nhận sự tồn tại của các tương quan nhân quả và do đó làm hại đến khoa học vốn tìm kiếm các tương quan này. Ngược lại, Hume tìm cách xác định tương quan nhân quả nghĩa là gì và các niềm tin vào các tương quan này đã phát triển như thế nào. Hume mô tả các quan sát cần phải thực hiện để kết luận rằng hai sự kiện có tương quan nhân quả với nhau:

1. Nguyên nhân và hậu quả phải tương cận với nhau về không gian và thời gian.

2. Nguyên nhân phải đi trước hậu quả.

3. Phải có sự kết hợp thường xuyên giữa nguyên nhân và hậu quả. Đây là tính chất chính yếu tạo nên sự tương quan.

4. Cùng nguyên nhân phải tạo ra cùng hậu quả, và cùng hậu quả luôn luôn phát sinh từ cùng nguyên nhân.

Như vậy, các kết luận về nguyên nhân được rút ra căn cứ trên những điều luôn luôn xảy ra giống nhau. Các tiên đoán dựa trên các quan sát này giả thiết rằng điều gì đã xảy ra trong quá khứ cũng sẽ tiếp tục xảy ra trong tương lai, nhưng không có gì bảo đảm nó sẽ là như vậy. Chúng ta chỉ có niềm tin rằng các tương quan được quan sát trong quá khứ sẽ tiếp tục xảy ra trong tương lai mà thôi. Và cho dù mọi điều kiện trên đây đều có, người ta vẫn có thể sai khi rút ra các kết luận nhân quả, như khi người ta kết luận rằng mặt trời lặn là nguyên nhân làm cho mặt trời mọc, vì cái này luôn luôn đi trước cái kia và cái này không bao giờ xảy ra mà không xảy ra cái kia trước. Do đó theo Hume, không phải lý trí giúp chúng ta sống đời sống mình hiệu quả, mà là sự tích lũy kinh nghiệm, hay như Hume gọi là tập quán.

Phân tích tinh thần và bản ngã

Như đã đề cập ở chương 1, một vấn đề dai dẳng trong suốt lịch sử tâm lý học là việc cắt nghĩa sự thống nhất của kinh nghiệm. Mặc dù chúng ta đối diện với vô vàn tình huống thay đổi, kinh nghiệm của chúng ta luôn giữ một sự liên tục qua thời gian và các hoàn cảnh. Các thực thể mà người ta giả thiết thường xuyên nhất để cắt nghĩa sự thống nhất của kinh nghiệm là một tinh thần hay một bản ngã. Khi Hume tuyên bố không có tinh thần cũng không có bản ngã, lời tuyên bố này là một sự kiện rất ý nghĩa trong lịch sử tâm lý học.

Theo Hume, mọi niềm tin đều bắt nguồn từ các kinh nghiệm lặp đi lặp lại và được cắt nghĩa bởi các luật liên tưởng. Mọi thực thể siêu hình, như Thượng Đế, linh hồn, và vật chất đều là sản phẩm của trí tưởng tượng, cũng giống như cái được gọi là luật tự nhiên. Hume mở rộng thái độ hoài nghi của mình đối với cả khái niệm về tinh thần vốn là khái niệm quá quan trọng đối với nhiều nhà triết học như Descartes, Locke, và Berkeley. Theo Hume, tinh thần không là gì khác hơn là các tri giác mà chúng ta có vào bất cứ lúc xác định nào: "Chúng ta có thể nhận thấy rằng, cái mà chúng ta gọi là tinh thần, không là gì khác hơn một chồng hay một tập hợp các tri giác khác nhau, được kết hợp với nhau bởi các tương quan nhất định, và được giả thiết, tuy sai lầm, là có sự đơn giản và cá tính hoàn toàn." Và cũng như không có một tinh thần độc lập với các tri giác, thì cũng không có một bản ngã độc lập với các tri giác.

Các đam mê (cảm xúc) như là yếu tố quyết định hành vi

Hume cho thấy trong suốt lịch sử nhân loại, con người đã từng có các đam mê giống nhau và các đam mê này đã thúc đẩy các hành vi cư xử giống nhau. Nhưng ông nhận xét rằng, tuy mọi người có cùng các đam mê giống nhau, họ không có chúng với cùng một mức độ và vì các cá nhân khác nhau có các kiểu đam mê khác nhau, họ sẽ phản ứng khác nhau với hoàn cảnh. Kiểu đam mê của mỗi người quyết định tính cách của người ấy, và tính cách của một người quyết định hành vi của họ.

Như thế, các kinh nghiệm khác nhau tạo các tính cách khác nhau, và các tính cách khác nhau tạo các hành vi khác nhau. Không phải các ý tưởng hay ấn tượng tạo ra hành vi, nhưng là các đam mê liên kết với các ý tưởng hay ấn tượng ấy. Vì vậy Hume nói: Chúng ta nói không chính xác và không triết học khi chúng ta nói đến cuộc chiến giữa đam mê và lý trí. Lý trí là và phải chỉ là nô lệ của các đam mê, và không bao giờ có thể đòi hỏi quyền gì hơn là phục vụ và vâng lời các đam mê. (Mossner, 1969, tr. 462).

Ảnh hưởng của Hume

Hume đã gia tăng đáng kể tầm quan trọng của khoa tâm lý học ngày nay. Trong thực tế, ông đã giản lược triết học, tôn giáo, và khoa học vào tâm lý học. Tất cả những gì con người biết đều bắt nguồn từ kinh nghiệm. Mọi niềm tin đều chỉ là các sự mong đợi rằng các sự kiện từng được liên kết trong quá khứ cũng sẽ tiếp tục liên kết trong tương lai. Các niềm tin như thế không được xác định bằng lý trí, cũng không được bảo vệ bằng lý trí. Chúng phát xuất từ kinh nghiệm, và chúng ta chỉ có thể có niềm tin rằng những gì chúng ta đã biết được trong quá khứ cũng sẽ áp dụng trong tương lai. Theo Hume, con người không thể chắc chắn về điều gì cả. Vì vậy đôi khi Hume được gọi là nhà Hoài nghi tuyệt đối

Hume chỉ chấp nhận hai loại tri thức: tri thức chứng minh và tri thức thường nghiệm. Tri thức chứng minh liên kết ý tưởng với ý tưởng như trong toán học. Tri thức này chỉ đúng nhờ các định nghĩa được chấp nhận và không tất yếu nói điều gì về các sự kiện hay sự vật bên ngoài trí khôn. Tri thức chứng minh hoàn toàn trừu tượng và hoàn toàn là sản phẩm của trí tưởng tượng. Ngược lại tri thức thường nghiệm dựa trên kinh nghiệm, và chỉ có kinh nghiệm mới cung cấp tri thức có thể hướng dẫn hiệu quả hành vi của chúng ta trong thế giới. Theo Hume, để tri thức có ích, nó phải hoặc là tri thức chứng minh hay tri thức thường nghiệm; nếu không, nó không phải tri thức thực sự, và là vô ích.

Việc Hume nhấn mạnh rằng mọi mệnh đề phải đúng nhờ chứng minh hay nhờ kinh nghiệm, rõ rằng xếp ông vào truyền thống triết học thực chứng của Bacon. Chúng ta sẽ nói nhiều hơn về thuyết thực chứng ở phần sau trong chương này.

David Hartley

David Hartley (1705 - 1757), con một mục sư, đã tốt nghiệp chương trình đào tạo mục sư tại đại học Cambridge trước khi ông bắt đầu quan tâm tới sinh vật học để theo đuổi nghề y. Hartley sống đời sống tôn giáo rất sâu trong cả đời ông, với niềm tin rằng sự hiểu biết thế giới tự nhiên giúp gia tăng niềm tin vào Thượng Đế. Ông mất nhiều năm để viết xong tác phẩm dài và khó của ông nhan đề Quan Sát về Con Người, Cấu Trúc, Nhiệm Vụ, và Các Mong Đợi của Con Người (1749). Quyển sách dày cộm này chia thành hai phần: phần đầu (về cấu trúc con người) gồm các cống hiến của ông cho tâm lý học, và phần hai (về nhiệm vụ và các mong đợi của con người) hầu như hoàn toàn là về thần học.

Mục tiêu của Hartley

Mặc dù tác phẩm Quan Sát (1749) của Hartley xuất hiện một ít năm sau cuốn Khảo Luận về Bản Tính Con Người (1939 - 40) của Hume, Hartley đã viết sách của ông từ nhiều năm và có vẻ không chịu ảnh hưởng của Hume. Hai ảnh hưởng chính là Locke và Newton. Hartley chấp nhận quan niệm của Newton rằng các thần kinh đặc (chứ không rỗng như Descartes tưởng) và kinh nghiệm cảm giác tạo ra các rung động trong dây thần kinh. Các rung động này gọi là ấn tượng. Các ấn tượng đi tới não và tạo các rung động với các "hạt tủy vô cùng nhỏ bé," gây ra các cảm giác. Newton cũng từng nhận thấy rằng các rung động này trong não có quán tính; nghĩa là chúng tiếp tục rung sau khi các ấn tượng tạo ra chúng đã kết thúc. Theo Newton, đây là lý do tại sao chúng ta thấy một cục than xoay tít có hình giống như một vòng ánh sáng. Hartley triển khai thêm các nhận xét của Newton:

Khi một người có trước mắt mình một ngọn nến, một cửa sổ hay bất cứ vật nào sáng và rõ rệt một lúc lâu, họ có thể thấy từ đó một ảnh rất rõ và sắc nét còn giữ lại trong sensorium, hay trí tưởng tượng, hay trí óc mình (các tên gọi này tôi coi là chỉ về một điều...) một lúc sau khi họ đã nhắm mắt lại.

Theo Hartley, chính sự rung động kéo dài trong não theo sau cảm giác đã tạo ra các ý tưởng. Vì vậy, ý tưởng là các bản sao mờ nhạt của cảm giác.

Mục tiêu của Hartley là tổng hợp quan niệm của Newton về sự dẫn truyền thần kinh bằng rung động với các quan niệm trước kia của thuyết duy nghiệm, đặc biệt của Locke.

Giải thích của Hartley về liên tưởng

Hartley nói rất đúng rằng ý tưởng về sự liên tưởng không phải là điều mới mẻ đối với ông:

Ảnh hưởng của liên tưởng đối với các ý tưởng, ý kiến, và tình cảm của chúng ta thì rất lớn và hiển nhiên, khiến bất cứ tác gia nào nói về các điều này cũng không thể bỏ qua nó, mặc dù thuật ngữ liên tưởng, theo nghĩa dùng ở đây, đã được sử dụng lần đầu tiên bởi Locke...

Như ta đã thấy, Hartley tin rằng các ấn tượng cảm giác tạo ra các dao động trong các dây thần kinh, các dao động này đi lên não tạo ra các dao động giống như thế trong "chất tủy" của não. Các dao động trong não phát sinh ra cảm giác. Sau khi các ấn tượng cảm giác kết thúc, các giao động trong não yếu dần đi và được Hartley gọi là các tiểu dao động. Các tiểu dao động này tương ứng với các ý tưởng. Vì thế, các ý tưởng là các bản sao yếu của các cảm giác. Các tiểu dao động giống với các dao động của não về mọi phương diện ngoại trừ việc chúng (các tiểu dao động) yếu hơn. Các ấn tượng cảm giác tạo ra các ý tưởng bằng cách ấy. Thế còn các ý tưởng được liên kết với nhau như thế nào?

Mọi Cảm giác A, B, C, (v.v...), vì được liên kết với nhau đủ một số lần nào đó, tạo một sức khá lớn trên các ý tưởng tương ứng a, b, c, (v.v...) khiến cho bất cứ một cảm giác A nào, khi được in vào cũng sẽ có thể kích thích trong Trí khôn, b, c, (v.v...) các ý tưởng còn lại. (Hartley, 1749/1834, tr. 41).

Như thế, các cảm giác xảy ra thường xuyên chung với nhau tạo ra các ý tưởng xảy ra chung với nhau. Hartley nhận thấy rằng các cảm giác có thể xảy ra thường xuyên chung với nhau theo hai cách; chúng có thể xảy ra đồng thời hay nối tiếp nhau: Như thế việc nhìn thấy một phần của một tòa nhà lớn gợi ra ngay lập tức ý tưởng về phần còn lại; và âm thanh của các từ mở đầu một câu quen thuộc làm chúng ta nhớ lại phần còn lại theo thứ tự, như vậy sự liên tưởng về các phần xảy ra đồng thời (cùng lúc) trong trường hợp thứ nhất, nối tiếp nhau trong trường hợp thứ hai.

Mặc dù Hartley phân biệt giữa các liên tưởng đồng thời với các liên tưởng nối tiếp, cả hai đều là các ví dụ về luật tương cận. Các kinh nghiệm nối tiếp nhau theo sau nhau rất gần về thời gian, và các sự kiện đồng thời xảy ra trong cùng thời gian; cả hai đều là một kiểu tương cận. Giống như với đa số các giải thích về liên tưởng, luật tương cận cũng là trọng điểm của giải thích của Hartley về liên tưởng. Giải thích của Hartley về liên tưởng khác một cách cơ bản với các giải thích của các tác giả trước là vì ông liên kết mọi hoạt động tinh thần với hoạt động sinh lý thần kinh.

Các ý tưởng đơn giản và phức tạp

Không như Locke tin rằng các ý tưởng phức tạp được hình thành từ các ý tướng đơn giản thông qua suy tư, Hartley tin rằng mọi ý tưởng phức tạp được hình thành một cách tự động nhờ quy trình liên tưởng. Theo Hartley, không có quy trình tích cực nào của tinh thần dính líu vào. Các ý tưởng đơn giản liên kết với nhau bởi sự tương cận sẽ tạo thành các ý tưởng phức tạp. Tương tự, các ý tưởng phức tạp liên kết với nhau bởi sự tương cận sẽ trở thành các ý tưởng "toàn phức". Vì các ý tưởng đơn giản liên kết thành các ý tường phức tạp và các ý tưởng phức tạp liên kết thành các ý tưởng "toàn phức" rất khó để nhớ lại các cảm giác riêng rẽ đã tạo thành các ý tưởng ấy. Tuy nhiên, theo Hartley, mọi ý tưởng dù phức tạp đến đâu đều được làm thành bởi các cảm giác. Hơn nữa, liên tưởng là quy trình duy nhất để biến đổi các ý tưởng đơn giản thành các ý tưởng phức tạp.

Luật liên tưởng áp dụng vào hành vi

Hartley tìm cách chứng minh rằng cái gọi là hành vi tự ý được phát triển từ hành vi tự động hay phản xạ. Ông dùng luật liên tưởng để cắt nghĩa làm thế nào các hành vi tự động dần dần trở thành tự ý và rồi lại trở thành hầu như tự động. Các hành vi không cố ý xảy ra một cách tự động (phản xạ) để phản ứng lại các ý tưởng hay kích thích của một người mà lúc ban đầu không liên quan tới hành vi, và chính hành vi cố ý tự nó có thể trở thành thói quen quá thường xuyên khiến nó cũng trở thành tự động, không khác gì hành vi không cố ý. Giả thiết cơ bản trong cắt nghĩa của Hartley là mọi hành vi lúc ban đầu đều là không cố ý và dần dần trở thành cố ý do quy trình liên tưởng. Chúng ta có thể thấy cắt nghĩa của Hartley về sự phát triển của hành vi cố ý rất gần với điều mà sau này trong lịch sử tâm lý học được gọi là phản xạ có điều kiện.

Tóm lại, hành vi lúc đầu là không cố ý, sau đó trở thành cố ý dần dần khi mà qua quy trình liên tưởng, càng lúc càng có nhiều kích thích có khả năng ảnh hưởng đến hành vi. Sau cùng, khi việc thực hiện hành vi cố ý trở thành thói quen, nó được gọi là "tự động thứ cấp". Cố gắng của Hartley để cắt nghĩa sự tương quan giữa các ý tưởng và hành vi là điều rất hiếm thấy trong số các nhà triết học thời ông, và hầu như chưa hề nghe thấy trước thời ông. Chúng ta thấy trong cắt nghĩa của Hartley rất nhiều điều sau này sẽ trở thành một phần của lý thuyết về sự học tập ngày nay.

Tầm quan trọng của cảm xúc

Nhìn chung, Hartley tin rằng các rung động quá mạnh tạo ra kinh nghiệm đau đớn hay các rung động nhẹ tạo ra kinh nghiệm khoái lạc. Ở đây cũng vậy, liên tưởng đóng một vai trò quan trọng trong phân tích của Hartley. Qua kinh nghiệm, một số sự vật, sự kiện, và con người làm ta liên tưởng tới đau khổ và một số khác làm ta liên tưởng tới khoái lạc. Chúng ta học yêu mến và ước muốn những gì làm chúng ta sung sướng, hi vọng được chúng khi chúng không có mặt, và cảm nghiệm niềm vui khi chúng có mặt. Tương tự, chúng ta học để ghét và tránh những gì gây đau khổ, sợ chúng xảy ra, và cảm nghiệm đau buồn khi chúng có mặt. Một học trò của Hartley, Joseph Friestley (1733 - 1804), nhà hóa học nổi tiếng và người đồng khám phá chất oxy, đã nhận ra những hệ quả của phân tích của Hartley về cảm xúc đối với việc giáo dục. Priestley cũng viết Lý Thuyết của Hartley về Tinh Thần Con Người, về Nguyên Tắc Liên Tưởng (1773), là cuốn sách có đóng góp lớn cho việc phổ biến các ý tưởng của Hartley.

Ảnh hưởng của Hartley

Hartley lấy những suy tư về sinh lý học thần kinh của thời ông và sử dụng nó trong phân tích của ông về liên tưởng. Cố gắng của ông là cố gắng quan trọng đầu tiên kể từ Descartes nhằm cắt nghĩa sinh lý học thần kinh của tư tưởng và hành vi. Các cơ chế vận hành sinh lý học thần kinh mà Hartley giả định phần lớn là hư cấu, nhưng khi người ta ngày càng hiểu biết nhiều hơn về các cơ chế vận hành của sự dẫn truyền thần kinh và của não, các dữ liệu chính xác hơn đã thay thế các điều hư cấu cũ. Như thế, Hartley đã mở đầu cho việc tìm kiếm các sự kiện sinh vật học tương ứng với các sự kiện tinh thần, và công việc này đã tiếp tục cho tới nay.

Ở đầu chương này chúng ta đã nêu định nghĩa về thuyết liên tưởng như là bất cứ lý thuyết tâm lý học nào lấy liên tưởng làm nguyên tắc cơ bản (Drever, 1968). Nếu áp dụng định nghĩa này thì cả triết học của Hobbes lẫn của Locke đều không đủ tiêu chuẩn để được gọi là triết học liên tưởng, nhưng "Hartley... là người đầu tiên mà thuật ngữ nhà triết học liên tưởng có thể áp dụng một cách tuyệt đối" (Drever, 1968, tr. 14). Thuyết liên tưởng của Hartley đã gây rất nhiều ảnh hưởng và là sự cắt nghĩa có thẩm quyền trong khoảng 80 năm, hay cho đến thời của James Mill.

James Mill

James Mill (1773-1836), người Tô Cách Lan, từng theo học thần học tại Đại học Edinburgh để trở thành mục sư. Nhưng năm 1802 ông sang Luân Đôn để chuyển sang sự nghiệp văn học, trở thành Chủ biên của tờ Tạp Chí Văn Học và viết cho nhiều tạp chí khác. Với tác phẩm có lẽ là thành tựu văn học lớn nhất của ông, Lịch sử Ấn Độ thuộc Anh, mà ông bắt đầu viết năm 1806 và hoàn tất năm 1818, Mill bước vào cuộc đời sự nghiệp rất thành công với Công Ty Đông Ấn Cống hiến lớn nhất của Mill cho ta là Phân Tích các Hiện Tượng của Tinh Thần Con Người, bản nguyên thủy xuất hiện năm 1829 và được hiệu đính năm 1869 dưới sự chủ biên của John Stuart Mill con ông. Chúng ta sẽ sử dụng ấn bản năm 1869 để làm nguồn chính trong bài tóm lược các ý tưởng của Mill này. Tác phẩm Phân Tích này của Mill được coi là tóm tắt đầy đủ nhất về thuyết liên tưởng từng được đề nghị. Như ta sẽ thấy, phân tích của Mill về liên tưởng chịu ảnh hưởng của Hume và đặc biệt của Hartley.

Thuyết vị lợi và thuyết liên tưởng

Năm 1808 James Mill gặp Jeremy Bentham (1748 - 1832), và hai người đã trở thành bạn thân suốt đời. Bentham là người phát ngôn chính cho phong trào chính trị Anh gọi là chủ nghĩa vị lợi. Bentham bác bỏ mọi lý luận siêu hình học và thần học về nhà nước, đạo đức, và các cơ chế xã hội; ngược lại, ông lấy quan điểm cổ xưa của thuyết khoái lạc và biến nó thành cơ sở lý thuyết chính trị và đạo đức của ông:

Thiên nhiên đã đặt con người dưới quyền cai trị của hai ông chủ tối cao, đau khổ và khoái lạc. Chỉ có chúng là người vạch ra cho chúng ta điều gì phải làm, cũng như quyết định chúng ta sẽ làm gì. Một mặt là tiêu chuẩn phải trái, mặt kia là chuỗi nguyên nhân và hậu quả, được gắn chặt vào ngai vàng của chúng. Chúng cai trị chúng ta trong mọi việc chúng ta làm, mọi lời chúng ta nói, mọi điều chúng ta suy nghĩ: mọi cố gắng chúng ta có thể làm để lật đổ quyền thống trị của chúng sẽ chỉ dẫn đến việc chứng minh và xác nhận chúng mà thôi. (Bentham. 1781/1988, tr. 1).

Như vậy, Bentham định nghĩa hạnh phúc con người hoàn toàn tùy theo khả năng đạt được khoái lạc và tránh đau khổ. Tương tự, chính quyền tốt nhất được định nghĩa như là chính quyền mang lại hạnh phúc nhiều nhất cho nhiều người nhất. Mặc dù thuyết vị lợi đã tiềm tàng trong triết học của một số nhà duy nghiệm Anh thời trước, nhưng Bentham chính là người áp dụng thuyết khoái lạc vào xã hội xét như một tập thể. Các cố gắng của Bentham rất ảnh hưởng và dẫn đến một số cải cách về pháp chế và tổ chức xã hội. Trong lãnh vực tâm lý học, "nguyên tắc khoái lạc" của Bentham không chỉ xuất hiện lại sau này trong lý thuyết của Freud, mà còn trong nhiều lý thuyết khác về học tập - ví dụ, trong các lý thuyết về sự củng cố của Thorndike và Skinner.

James Mill là một trong các học trò nhiệt tình nhất của Bentham, và chúng ta sẽ thấy ngay dưới đây thuyết vị lợi đã ảnh hưởng thế nào tới thuyết liên tưởng của Mill. Tuy nhiên, Mill được biết đến nhiều nhất là nhờ quan niệm của ông về tinh thần dựa theo thuyết Newton, thuyết cơ giới và thuyết yếu tố.

Phân tích của James Mill về liên tưởng

Đi theo Hartley, Mill tìm cách chứng minh rằng tinh thần chỉ gồm các cảm giác và các ý tưởng liên kết với nhau bởi sự tương cận:

Tư tưởng tiếp nối tư tưởng, ý tưởng theo sau ý tưởng, không ngừng. Nếu các giác quan của chúng ta thức, chúng ta liên tục nhận các cảm giác, của mắt, tai, da. v.v...; nhưng không chỉ có một mình cảm giác. Sau cảm giác, các ý tưởng luôn luôn được kích thích từ các cảm giác nhận được trước đó; sau ý tưởng này lại có ý tưởng khác: và trong suốt đời sống chúng ta, một chuỗi của hai tình trạng ý thức, gọi là cảm giác và ý tưởng, luôn luôn tiếp diễn. Tôi thấy một con ngựa: đó là một cảm giác. Lập tức tôi nghĩ đến chủ của nó: đó là một ý tưởng. Ý tưởng về chủ của con ngựa làm tôi nghĩ đến chức vụ của ông ta, ông là một bộ trưởng nhà nước: đó lại là một ý tưởng khác nữa. Ý tưởng về một bộ trưởng nhà nước làm tôi nghĩ đến các hoạt động công cộng, và tôi được lôi kéo tới một chuỗi các ý tưởng chính trị; thế rồi tôi được kêu đi ăn tối. Đây là một cảm giác mới, theo sau là ý tưởng về bữa ăn, và về những người mà tôi sẽ cùng ăn tối với. Nhìn thấy những người này và thức ăn trên bàn làm tôi có các cảm giác khác; chúng gợi ra các ý tưởng không ngừng, các cảm giác khác liên tục kéo đến, khêu gợi các ý tưởng khác: và tiến trình cứ tiếp tục mãi (J. S. Mill, 1869/1967, tr. 70 - 71)

Giống như Hartley, Mill nói rằng các ý tưởng phức tạp được kết hợp bởi các ý tưởng đơn giản. Nhưng khi các ý tưởng liên tục được thấy đi chung với nhau, sự liên kết giữa chúng trở thành quá mạnh khiến chúng xuất hiện trong ý thức như là một ý tưởng duy nhất.

Cũng đi theo Hartley, Mill quan niệm rằng sự tương cận có thể xảy ra hai cách: đồng thời và tiếp nối. Ông nêu ví dụ về sự tươngcận đồng thời: "Tôi ngửi hương một bông hồng, ngắm và cầm nó, đồng thời; tên của bông hồng gợi cho tôi cùng một lúc tất cả các ý tưởng ấy; và sự kết hợp các ý tưởng đơn giản này được gọi là ý tưởng của tôi về bông hồng." Về sự tương cận tiếp nối, ông nói:

Về trường hợp liên tưởng quan trọng này, không ví dụ nào thích hợp cho người học hơn là đọc thuộc lòng một đoạn văn hay câu nào đó. Ví dụ Kinh Lạy Cha. Khi học, chúng ta lặp lại nó; nghĩa là chúng ta đọc lên các từ theo thứ tự nối tiếp nhau, từ đầu đến cuối. Thứ tự của các cảm giác cũng tiếp nối nhau. Khi chúng ta bắt đầu lặp lại chuỗi tiếp nối, các ý tưởng của các từ cũng xuất hiện tiếp nối nhau, ý tưởng trước luôn luôn gợi ra ý tướng tiếp theo, liên tục như thế. Lạy gợi ra Cha, Cha gợi ra chúng, chúng gợi ra con, con gợi ra ở, ở gợi ra trên, trên gợi ra trời, v.v..., cho đến hết Kinh Lạy Cha. Ví dụ này thật là tuyệt vời, chỉ cần bạn thử lặp đi lặp lại dù một đoạn rất quen thuộc như Kinh Lạy Cha này... (J. S. Mill, 1869/1967, tr. 80 - 81).

Các yếu tố quyết định sức mạnh của liên tưởng

Mill tin có hai yếu tố tạo nên sự khác biệt về sức mạnh của các liên tưởng: sự sinh động và sự thường xuyên. Nghĩa là, các cảm giác hay ý tưởng sống động hơn thì tạo ra các liên tưởng mạnh hơn các cảm giác và ý tưởng ít sinh động hơn; và các cảm giác và ý tướng đi chung với nhau thường xuyên hơn sẽ tạo ra các liên tưởng mạnh hơn các cảm giác và ý tưởng ít thường xuyên hơn. Mill coi sự thường xuyên hay sự lặp lại là "nguyên nhân nổi bật và quan trọng nhất của sức mạnh các liên tưởng của chúng ta."

Ảnh hưởng của James Mill

Cuốn Phân Tích của Mill được coi là tóm lược đầy đủ nhất về thuyết liên tưởng từng có. Như ta đã thấy, ông cố gắng chứng tỏ rằng tinh thần chỉ gồm các cảm giác và ý tưởng gắn chặt với nhau nhờ sự tương cận. Ông nhấn mạnh rằng mọi kinh nghiệm tinh thần có thể giản lược về các ý tưởng đơn giản tạo thành nó. Như thế ông cho chúng ta một quan niệm về tinh thần dựa trên vật lý học Newton. Theo Newton, vũ trụ có thể được hiểu như gồm các yếu tố vật chất gắn chặt với nhau bởi các lực vật lý và hoạt động theo một cách có thể đoán trước được. Theo Mill, tinh thần gồm các yếu tố tinh thần gắn chặt với nhau bằng các luật liên tưởng; vì vậy kinh nghiệm tinh thần có thể đoán trước được giống như các sự kiện vật lý.

James không thêm gì mới cho thuyết liên tưởng. Mục tiêu chính của ông là cung cấp bằng chứng cho thuyết liên tưởng mà giải thích của Hartley còn thiếu. Và ông đã đạt mục tiêu ấy của ông. Nhưng dù sao, tinh thần như Mill (và Hartley) quan niệm hoàn toàn thụ động; nghĩa là nó không có các khả năng sáng tạo. Liên tưởng chỉ là quy trình tổ chức sắp xếp các ý tưởng, và nó làm điều đó một cách tự động. Quan niệm này về tinh thần, đôi khi được gọi là "vật lý học tinh thần" hay "cơ học tinh thần," chủ yếu chấm dứt với James Mill. Trong thực tế, như ta sẽ thấy dưới đây con trai của James Mill, John Stuart Mill sẽ là một trong những người đầu tiên xét lại quan điểm thuần cơ giới và thuần yếu tố của cha ông.

John Stuart Mill

Quan tâm của James Mill về tâm lý học chỉ là một quan tâm phụ của ông. Ông chủ yếu là một nhà cải cách xã hội, và giống như Hobbes, ông tin rằng sự thay đổi xã hội, chính trị, và giáo dục có thể trở nên dễ dàng nhờ hiểu biết bản tính con người. Ông tin rằng thuyết Bentham, cùng với thuyết liên tưởng, biện minh cho một triết học chính trị tự do triệt để. James Mill và những người theo ông rất thành công trong việc cải tổ xã hội. Ông cũng thử lý thuyết của ông về bản tính con người trên một quy mô nhỏ hơn, cá nhân hơn, bằng cách áp dụng nó làm hướng dẫn trong việc giáo dục con trai ông, John Stuart Mill (1806 - 1873). Cố gắng của James Mill trong việc áp dụng thuyết liên tưởng để giáo dục con ông đã thành công ít là một phần, bởi vì John Stuart đã học tiếng Hy Lạp từ năm 3 tuổi, La Tinh và đại số năm 8 tuổi, và luận lý học năm 12 tuổi.

Tác phẩm nổi tiếng nhất của J. S. Mill là Một Hệ Thống của Luân Lý học, Thuần Lý Và Quy Nạp, Là Một Quan Điểm Về Các Nguyên Tắc của Hiển Nhiên, Và Các Phương Pháp Nghiên Cứu Khoa Học (1843). Cuốn sách thành công ngay lần xuất bản đầu tiên, được tái bản 8 lần khi Mill còn sống, và tiếp tục là một best - seller trong thế kỷ 19. Tác phẩm của Mill được coi là sách không thể thiếu đối với mọi nhà khoa học ở cuối thế kỷ 19. Trong bài tóm tắt này về tác phẩm của J. S. Mill, chúng ta sẽ sử dụng ấn bản lần thứ tám của cuốn Hệ Thống Luận Lý Học của J. S. Mill, xuất bản năm 1893.

Như bao người khác vào thời ông, J. S. Mill đã làm hết sức mình để cổ võ sự phát triển tâm lý học như một khoa học. Ông làm việc này bằng cách mô tả một phương pháp luận mà mọi khoa học phải sử dụng và cho thấy chi tiết bằng cách nào phương pháp luận này có thể được sử dụng được trong khoa học về bản tính con người. Thực vậy, ông cảm thấy giá trị của tư tưởng, tình cảm, và hành động của con người hoàn toàn có ích cho công việc tra cứu khoa học.

Hóa học tinh thần đối lại với vật lý tinh thần

Trong các khía cạnh quan trọng nhất, J. S. Mill chấp nhận kiểu thuyết liên tưởng của cha ông. J. S. Mill tin rằng (1) mọi cảm giác đều để lại trong trí khôn một ý tưởng giống với cảm giác, nhưng có cường độ yếu hơn (J. S. Mill gọi các ý tưởng là các trạng thái tinh thần phụ, trong khi cảm giác là các trạng thái chính); (2) các ý tưởng giống nhau thì kích thích lẫn nhau (James Mill đã giản lược luật tương tự về luật thường xuyên, nhưng J. S. Mill coi nó là một luật riêng biệt); (3) khi các cảm giác hay ý tưởng được kinh nghiệm thường xuyên chung với nhau, dù đồng thời hay tiếp nối nhau, chúng được liên kết với nhau (luật tương cận); (4) các cảm giác hay ý tưởng sinh động hơn thì tạo thành các liên tưởng mạnh hơn; và (5) sức mạnh của liên tưởng thay đổi theo mức độ xảy ra thường xuyên nhiều hay ít. Với một chút thay đổi về luật tương tự; danh sách này tóm tắt khái niệm của James Mill về "vật lý tinh thần" hay "cơ học tinh thần," là quan điểm mà J. S. Mill chấp nhận phần lớn.

Nhưng J. S. Mill phê bình quan niệm của cha ông về một điểm quan trọng. Thay vì đồng ý rằng các ý tưởng phức tạp luôn luôn kết hợp các ý tưởng đơn giản, ông đề nghị một loại hóa học tinh thần. Ông rất bị ấn tượng trước sự kiện cho rằng các hóa chất khi phối hợp với nhau thường sản xuất ra một cái gì hoàn toàn khác với các yếu tố tạo thành chúng, như khi hydro và oxy kết hợp với nhau tạo thành nước. Cũng thế, Newton đã từng cho thấy rằng khi tất cả các màu của phổ quang kết hợp với nhau, chúng tạo ra ánh sáng trắng. J. S. Mill tin rằng điều này đôi khi cũng xảy ra trong tinh thần, nghĩa là có thể các yếu tố sơ đẳng hòa trộn với nhau và tạo ra một ý tưởng hoàn toàn khác với các yếu tố cấu tạo nên nó.

J. S. Mill cho rằng một ý tưởng hoàn toàn mới, không được giản lược về các ý tưởng hay cảm giác đơn giản, có thể phát sinh từ các kinh nghiệm tương cận, đã giải phóng khoa tâm lý học duy liên tưởng khỏi những giới hạn cứng nhắc của khoa cơ học tinh thần. Tuy nhiên, nếu người ta muốn tìm một tinh thần chủ động, độc lập người ta phải đi tìm ở chỗ khác. Khi một ý tưởng mới xuất phát từ sự tổng hợp các ý tưởng hay cảm giác tương cận, nó làm điều này một cách tự động. Cũng như sự phối hợp đúng thành phần của hydro và oxy bắt buộc phải trở thành nước, thì một người khi kinh nghiệm các màu cơ bản xuất hiện nối tiếp nhau bắt buộc phải thấy màu trắng. Chắc chắn sự quan sát rằng thỉnh thoảng xảy ra một hiện tượng giống với hóa học tinh thần, không hề làm giảm sự hăng hái của Mill trong việc phát triển một khoa học về bản tính con người (tâm lý học).

Hướng tới một khoa học về bản tính con người

Đã từng có những người khác trước ông (Locke, Hume và Hartley) nhắm tới mục tiêu tạo ra một khoa học tinh thần ngang hàng với các khoa học tự nhiên. Nhưng xét trên tư cách nhà triết học về khoa học đáng kính trọng nhất của thời ông, J. S. Mill là người đã có những cống hiến lớn nhất cho sự phát triển tâm lý học như là một khoa học.

J. S. Mill khởi đầu phân tích của ông bằng việc đả kích sự tin tưởng phổ biến rằng các tư tưởng, tình cảm, và hành động của con người không phải là đối tượng tra cứu khoa học giống như các sự vật vật lý, ông nhấn mạnh rằng mọi hệ thống có các định luật chi phối đều là đối tượng tra cứu khoa học, cả khi các luật này hiện chưa được hiểu rõ. Mill nêu ví dụ về khoa khí tượng học. Ông nói rằng không ai nghi ngờ việc các hiện tượng thời tiết bị chi phối bởi các luật vật lý, thế nhưng các hiện tượng thời tiết không thể đoán trước một cách chắc chắn, mà chỉ xác suất mà thôi. Vậy, khí tượng học là một khoa học bởi vì các hiện tượng của nó bị chi phối bởi các luật của thiên nhiên, nhưng nó là một khoa học không chính xác bởi vì sự hiểu biết các định luật của nó còn thiếu sót và việc đo lường các biểu hiện đặc thù của các luật ấy là rất khó. Vì vậy các khoa học có thể bao gồm các khoa học mà các luật của chúng được biết và các biểu hiện của các luật ấy có thể đo lường một cách dễ dàng và chính xác, và các khoa học mà các luật của chúng chỉ được hiểu một phần và các biểu hiện của các luật ấy rất khó đo lường một cách chính xác. Mill xếp vào loại thứ hai này các khoa học mà các luật chính của chúng được biết và nếu không có các nguyên nhân khác can thiệp, các hiện tượng của chúng có thể quan sát, đo lường và tiên đoán chính xác. Tuy nhiên, thường có các luật phụ tương tác với các luật chính, làm cho không thể có sự hiểu biết và đo lường chính xác được. Vì các luật chính vẫn hoạt động, các hậu quả chính, toàn thể, vẫn có thể quan sát được, nhưng các luật phụ tạo ra các biến đổi khiến cho việc tiên đoán phải là xác suất chứ không thể chắc chắn.

Như thế, khí tượng học là khoa học, nhưng là khoa học không chính xác. Nhưng một khoa học không chính xác có thể trở thành khoa học chính xác. Ví dụ khoa thiên văn. Thiên văn học trở thành một khoa học chính xác khi các luật chi phối các chuyển động của các thiên thể được người ta hiểu biết đủ để có thể tiên đoán không những về các quỹ đạo chung của các thiên thể ấy nhưng cả về các sai lệch trong các quỹ đạo ấy. Chính sự thiếu khả năng của khoa học trong việc hiểu biết các nguyên nhân phụ làm cho khoa học ấy kém chính xác.

Mill quan niệm khoa học về bản tính con người (tâm lý học) như đại khái ở cùng hoàn cảnh với khoa thiên văn học hay thủy triều học trước khi các nguyên nhân phụ được người ta hiểu biết. Các tư tưởng, tình cảm, và hành động của con người không thể tiên đoán được một cách chính xác bởi vì chúng ta không thể thấy trước các hoàn cảnh mà các cá nhân ấy sẽ gặp. Nói thế không có nghĩa các tư tưởng, tình cảm, và hành động của con người không có nguyên nhân; nhưng nó có nghĩa là các nguyên nhân chính của tư tưởng, tình cảm, và hoạt động của con người tương tác với một số lớn nguyên nhân phụ, khiến cho việc tiên đoán chính xác trở nên vô cùng khó khăn. Các con người, tất nhiên, phức tạp hơn các thiên thể hay thủy triều rất nhiều.

Tuy nhiên, khó khăn là ở việc hiểu và tiên đoán các chi tiết của hành vi và tư tưởng con người, chứ không phải ở việc tiên đoán các tính chất tổng quát hơn của chúng. Hành vi con người bị chi phối bởi một ít quy luật chính, và sự kiện này cho phép người ta hiểu và tiên đoán về hành vi, tình cảm, và tư tưởng của con người một cách tổng quát. Trong nhiều trường hợp, chỉ cần một sự hiểu biết chung chung như thế đã đủ rồi.

Do đó, điều mà khoa học về bản tính con người đang có là một tập hợp các luật chính áp dụng cho mọi người và có thể dùng để tiên đoán các khuynh hướng chung chung trong tư tưởng, tình cảm, và hành động của con người. Điều mà khoa học về hành vi con người không có là một sự hiểu biết các luật chính tương tác thế nào với các luật phụ (cá tính và hoàn cảnh mỗi người) để tạo ra các tư tưởng, tình cảm, và hành động đặc thù của mỗi người. Mill tin rằng vấn đề chỉ còn là thời gian để có thể rút ra các "hệ luận" từ các luật chính (phổ quát) của bản tính con người.

Khoa học về tính cách của J. S. Mill. Ở chương 5, Quyển VI của cuốn Lý luận, Mill lý luật để triển khai một "khoa học về sự hình thành tính cách," và ông gọi khoa học này là ethology (khoa học về tính cách). Cần lưu ý rằng khoa ethology mà Mill đề nghị không liên quan gì với khoa ethology ngày nay, học về hành vi của loài vật trong môi trường sinh thái tự nhiên của chúng. Như Mill quan niệm, khoa tính cách học sẽ phải phát xuất từ một khoa học cơ bản hơn về bản tính con người. Nghĩa là; trước tiên khoa học về bản tính con người (tâm lý học) sẽ khám phá các luật phổ quát theo đó mọi tinh thần con người hoạt động, sau đó khoa tính cách học sẽ cắt nghĩa các tinh thần hay tính cách cá nhân hình thành như thế nào trong các hoàn cảnh đặc thù. Khoa học về bản tính con người sẽ cung cấp các quy luật tinh thần cơ bản, rồi khoa tính cách học sẽ cung cấp các quy luật phụ. Nói khác đi, chúng ta có thể nói rằng khoa học về bản tính con người cung cấp chông tin về những gì mọi người có chung với nhau (bản tính con người), còn khoa tính cách học cắt nghĩa các tính cách của mỗi cá nhân (các khác biệt cá nhân).

Như thế, điều Mill tìm kiếm là các thông tin cần thiết để biến đổi tâm lý học từ một khoa học thiếu chính xác, giống như khoa thủy triều học hay thiên văn học thời kỳ đầu, trở thành một khoa học chính xác. Nói khác đi, ông muốn cắt nghĩa nhiều hơn là chỉ các khuynh hướng chung của mọi người; ông muốn cắt nghĩa các sự khác biệt tinh tế của hành vi các cá nhân trong các hoàn cảnh đặc thù.

Điều đáng chú ý là Mill đã không làm gì hơn là chỉ phác họa ra các ý tưởng cho khoa tính cách học của ông. Chính ông cũng không bao giờ tự mình triển khai một khoa học như thế. Cố gắng của Mill nhằm triển khai một khoa tính cách học đã thất bại bởi vì chính khoa học về bản tính con người mà nó bắt nguồn cũng là một khoa học không đầy đủ. Lý thuyết của Mill về bản tính con người mang tính chất quá tri thức. Nghĩa là nó nhấn mạnh triệt để vào sự liên tưởng. Thật khó tưởng tượng nổi làm thế nào tính cách (nhân cách), phần lớn là cảm xúc, lại có thể diễn dịch từ một triết học nhấn mạnh sự liên tưởng. Khoa học về tính cách của Mill sẽ phải hoặc là chìm hay là bơi được dựa vào sự đầy đủ của lý thuyết của ông về bản tính con người. Trong thực tế nó đã chìm. Tuy nhiên, nó không chìm hoàn toàn. Khoa tính cách học đã nổi lên trở lại ở Pháp như môn học về cá tính. Môn học này của Pháp nhấn mạnh về các yếu tố cảm xúc nhiều hơn Mill, và phần nào thành công hơn.

Alexander Bain

Sinh tại Aberdeen, Tô Cách Lan, Alexander Bain (1818 - 1903) là một đứa trẻ thông minh từ nhỏ. Cha ông làm thợ dệt. Còn rất nhỏ, Bain đã phải làm việc với khung cửi để có tiền đi học. Ông có cái may là được sống tại một đất nước duy nhất (Tô Cách Lan), mà vào thời ấy, bất cứ học sinh nào có triển vọng tri thức đều được cung cấp - nền giáo dục đại học. Ông theo học tại trường Marischal College, sau này trở thành Đại học Aberdeen năm 1858. Sau khi tốt nghiệp, ông sang Luân Đôn và làm một ký giả tự do. Trong khi ở Luân Đôn, ông gia nhập một nhóm trí thức hoạt động, trong đó có John Stuart Mill, và hai người trở thành bạn thân suốt đời. Một năm trước khi J. S. Mill xuất bản tác phẩm Luận lý học nổi tiếng của ông (1843), Bain đã giúp ông duyệt bản thảo. Bain cũng giúp J. S. Mill phần ghi chú cho ấn bản 1869 của cuốn Phân Tích của Mill và viết tiểu sử James Mill.

Trong thời gian ở Luân Đôn, Bain nhiều lần muốn tìm một ghế giảng dạy ở đại học nhưng không thành công. Sau cùng ông tự mình tạo danh tiếng cho mình nhờ xuất bản hai quyển sách giáo khoa về tâm lý học: Cảm Quan và Trí Tuệ (1855) và Cảm Xúc và ý Chí (1859). Cuối cùng, năm 1860, khi 42 tuổi, lúc tiếng tăm ông đã vững, ông nhận được một ghế giáo sư tại Đại học Aberdeen quê hương ông, tại đây ông dạy luận lý học và tu từ học; ông tiếp tục ở đây trong chức vụ giảng dạy này và nhiều danh hiệu khác nhau cho tới cuối đời.

Bain thường được coi là nhà tâm lý học hoàn hảo đầu tiên. Các sách Các Cảm Quan và Cảm Xúc của ông được nhìn nhận là các sách giáo khoa hệ thống đầu tiên về tâm lý học. Ngoài việc viết hai cuốn sách giáo khoa tâm lý học đầu tiên này, Bain cũng là người đầu tiên viết một sách hoàn toàn nói về tương quan giữa tinh thần và thân xác (Tinh Thần và Thân Xác, 1873); và năm 1876 ông sáng lập tạp chí Tinh Thần, thường được coi là tạp chí đầu tiên chuyên về các vấn đề tâm lý học.

Mục tiêu của Bain

Năm 1851, Bain viết thư cho John Stuart Mill kể về sự tiến bộ mà mình đã đạt được khi viết sách giáo khoa tâm lý học. Ông cho thấy mục tiêu của ông là mô tả các yếu tố sinh lý học tương ứng với các hiện tượng tinh thần và hành vi. Để chuẩn bị viết cuốn Cảm Quan, Bain quyết định tổng hợp các thông tin mới nhất về khoa thần kinh, giải phẫu, và sinh lý học. Sau đó ông tìm cách chứng minh các quy trình sinh vật tương quan thế nào với các quy trình tâm lý. Sách giáo khoa của ông hiện đại theo nghĩa nó mở đầu bằng một chương về thần kinh học, là thói quen mà hầu hết các sách nhập môn tâm lý học vẫn thực hành cho tới nay.

Tương quan tinh thần - thân xác

Về vấn đề tinh thần - thân xác, Bain chấp nhận lập trường của thuyết tâm vật lý song hành luận, chủ trương rằng mọi kích thích giác quan đều tạo ra cả phản ứng vật lý (sinh vật) lẫn phản ứng tinh thần, nhưng hai phản ứng này không tương tác:

Chúng ta có mọi lý do để tin rằng, cùng với mọi quy trình tinh thần của chúng ta, có một sự tiếp nối vật chất xảy ra không đứt quãng. Từ sự xâm nhập của cảm giác, đến các phản ứng diễn ra trong hành động, sự tiếp nối tinh thần diễn ra không hề tách rời sự tiếp nối vật lý. Một viễn tượng mới xuất hiện; có một kết quả tinh thần là cảm giác, cảm xúc và tư tưởng - kết thúc với sự biểu hiện bề ngoài bằng ngôn ngữ và cử chỉ. Song song với chuỗi sự kiện tinh thần này là chuỗi sự kiện vật lý, sự kích động tiếp nối của các cơ quan thể lý, gọi là mắt, thần kinh, cơ (v.v...)... (Bain. 1873/1875, tr. 130 - 131).

Các luật liên tưởng

Theo Bain, tinh thần có ba thành phần: tình cảm, ý muốn, và trí tuệ. Trí tuệ được cắt nghĩa bằng các luật liên tưởng. Giống như các nhà duy nghiệm Anh khác, Bain nhấn mạnh luật tương cận như là nguyên tắc liên tưởng cơ bản. Theo Bain, luật tương cận áp dụng cho các cảm giác, ý tưởng, hành động, và tình cảm. Và cũng như các nhà duy nghiệm Anh khác, ông bổ sung luật tương cận bằng luật thường xuyên:

Trên nguyên tắc, sự Lặp lại là cần để làm cho chuỗi hay tập hợp các hình ảnh trong trí trở nên nhất quán, ví dụ như sự tiếp nối các khía cạnh khác nhau của một toàn cảnh, với một lực đủ mạnh để làm cho khía cạnh này gợi ra khía cạnh khác một thời gian sau đó. (Bain, 1855/1894, tr. 34).

Giống như J. S. Mill, Bain cũng chấp nhận luật tương tự là một nguyên tắc của luật liên tưởng. Trong khi luật tương cận kết hợp các sự kiện được kinh nghiệm đồng thời hay nối tiếp, luật tương tự cắt nghĩa tại sao các sự kiện tách biệt nhau về thời gian có thể được kết hợp với nhau. Nghĩa là, kinh nghiệm về một sự kiện gợi nhớ lại các sự kiện tương tự với nó cho dù các sự kiện ấy được kinh nghiệm vào các lúc khác và các hoàn cảnh khác.

Bain đưa thêm vào các luật liên tưởng truyền thống hai luật riêng của ông: luật liên tưởng kép và luật liên tưởng xây dựng. Luật liên tưởng kép phát biểu rằng các sự liên tưởng ít khi nối kết một ý tưởng với một ý tưởng khác. Thường thì một ý tưởng được nối kết với nhiều ý tưởng khác do sự tương cận hay sự tương tự của chúng. Khi điều này xảy ra, chúng ta có sự liên tưởng kép.

Với luật liên tưởng xây dựng của ông, Bain đưa thêm vào thuyết liên tưởng một yếu tố sáng tạo theo cùng một kiểu Hume đã làm. Cả Hume lẫn Bain đều nhấn mạnh rằng trí khôn có nhiều khả năng tưởng tượng. Khi bàn về luật liên tưởng xây dựng, Bain nói, "Nhờ liên tưởng, trí khôn có khả năng hình thành các kiểu phối hợp hay tập hợp mới khác với tất cả những gì đã được trình bày cho nó trong kinh nghiệm." (Bain 1855/1894, tr. 605). Nói khác đi, trí khôn có thể tái sắp xếp các ký ức về các kinh nghiệm khác nhau thành những kiểu phối hợp hầu như vô hạn. Luật liên tưởng xây dựng được Bain coi là cắt nghĩa được tính sáng tạo của các nghệ sĩ, thi sĩ, các nhà phát minh, v. v...

Hành vi tự ý

Trong phân tích của ông về hành vi tự ý, Bain có một phân biệt quan trọng giữa hành vi phản xạ, rất quan trọng đối với khoa sinh lý học thời ông, với hoạt động tự phát. Hành vi phản xạ xảy ra một cách tự động để phản ứng lại các kích thích bên ngoài, do cơ cấu của hệ thần kinh của một sinh vật. Ngược lại, đôi khi các sinh vật chỉ hành động một cách tự phát. Nói theo thuật ngữ của các nhà tâm lý học hiện đại theo thuyết Skinner, Bain muốn nói rằng một số hành vi tự phát ra hơn là được kích thích.

Với hành vi tự ý, chúng ta vẫn có các luật về liên tưởng tác động. Một số hành động tự phát được liên kết với khoái lạc và vì thế được lặp lại; số khác liên kết với đau khổ và vì thế giảm đi mức độ xảy ra thường xuyên.

Các hành động được làm vì hiệu quả của chúng trước kia trong một tình huống nhất định là những hành động tự ý hơn là phản xạ.

Với cố gắng của ông nhằm tổng hợp những gì đã biết về sinh lý học với thuyết liên tưởng và phân tích của ông về hành vi tự ý, Bain đưa tâm lý học tới ngưỡng cửa của một khoa học thực nghiệm. Không lâu sau, những tác giả khác sẽ sử dụng công trình của Bain và của các nhà duy nghiệm Anh để triển khai khoa tâm lý học thực nghiệm.

Created by AM Word2CHM

THUYẾT DUY CẢM CỦA PHÁP

NHẬP MÔN LỊCH SỬ TÂM LÝ HỌC

à

Chương 5. THUYẾT DUY NGHIỆM LUẬN, DUY CẢM LUẬN VÀ THỰC CHỨNG LUẬN

Các nhà triết học Pháp cũng muốn trở thành những nhà triết học Newton về tinh thần, và họ có nhiều điểm chung với các đối tác người Anh. Các nhà triết học Newton về tinh thần của Pháp thường được gọi là các nhà triết học tự nhiên, cơ giới, duy nghiệm, và duy cảm. Mục tiêu của các nhà triết học Pháp cũng như Anh là cắt nghĩa tinh thần như Newton đã cắt nghĩa thế giới vật lý - nghĩa là bằng cách nhấn mạnh bản chất cơ học, giản lược mọi hoạt động tinh thần về các yếu tố cơ bản của chúng, chỉ sử dụng một ít nguyên tắc cơ bản, và giảm thiểu hay loại bỏ mọi lý thuyết siêu hình học. Mọi nhà triết học Anh và Pháp được bàn đến trong chương này đều có chung các mục tiêu trên. Chúng ta gọi các nhà triết học Pháp là các nhà "duy cảm" vì một số họ cố ý nhấn mạnh tầm quan trọng của cảm giác trong việc cắt nghĩa mọi kinh nghiệm ý thức và vì tên gọi này thuận tiện để phân biệt các nhà triết học Anh với Pháp. Tuy nhiên, nhìn chung thì các nhà triết học Anh và Pháp giống nhau nhiều hơn là khác nhau. Ngoài việc cả hai đều chịu ảnh hưởng của Newton (hay của Galileo trong trường hợp của Hobbes), cả hai đều mạnh mẽ chống lại thuyết duy lý của Descartes, đặc biệt niềm tin của ông vào các ý tưởng bẩm sinh và một tinh thần độc lập. Các nhà triết học Anh cũng như Pháp đều cho rằng mọi ý tưởng đều bắt nguồn từ kinh nghiệm, và hầu hết hoạt động tinh thần đều có thể được cắt nghĩa bằng các luật liên tưởng tác động trên các ý tưởng ấy.

Pierre Gassendi

Pierre Gassendi (1592 - 1655), một người đồng thời với cả Descartes lẫn Hobbes, là một linh mục nhiệt thành và một nhà triết học, một nhà toán học rất được kính trọng. Cả Locke lẫn Newton đều nhận mình mang ơn Gassendi vì ông tự đặt mục tiêu cho mình là tố giác sự sai lầm của triết học thuần túy diễn dịch và nhị nguyên của Descartes, và thay thế bằng một khoa học quan sát (quy nạp) dựa trên thuyết nhất nguyên vật lý. Gassendi đưa ra một số phê bình về thuyết nhị nguyên tinh thần - thân xác của Descartes, và phê bình giá trị nhất là nhận xét của ông cho rằng nếu tinh thần không có trương độ (vô chất), thì nó cũng không thể có tri thức về các sự vật có trương độ (vật chất). Gassendi nói, chỉ có các sự vật vật lý có thể ảnh hưởng trên các sự vật vật lý và bị ảnh hưởng bởi các sự vật vật lý. Ông cũng không hiểu tại sao Descartes phải dành quá nhiều thời giờ để chứng minh rằng mình tồn tại, khi mà Gassendi thấy quá hiển nhiên rằng cái gì chuyển động thì tồn tại. Lẽ ra Descartes nên nói, "Tôi cử động, vậy tôi tồn tại." Tiếp tục tấn công Descartes, Gassendi hỏi tại sao các loài vật "hạ đẳng" có thể cử động khá tốt mà không cần một tinh thần, trong khi con người lại cần có một tinh thần? Gassendi hỏi, tại sao các hoạt động vốn được gán cho tinh thần lại không gán cho các chức năng của não (là vật chất)? Nói khác đi, Gassendi không thấy lý do gì để giả thiết một tinh thần không trương độ (vô chất) để cắt nghĩa một hoạt động nào của con người.

Gassendi kết luận rằng loài người chúng ta cũng chỉ là vật chất mà thôi, và vì vậy chúng ta có thể được nghiên cứu và hiểu giống như bất cứ vật gì khác trong vũ trụ. Gassendi đề nghị một thuyết nhất nguyên vật lý không khác với các nhà nguyên tử Hy Lạp thời kỳ đầu, như Democritus và các người theo thuyết Epicurus về sau đề nghị. Trong thực tế, Gassendi đặc biệt rất hiểu Epicurus và triết học Epicurus, và ông là người đã có công khơi dậy lại sự quan tâm đến họ. Vì vậy Gassendi thường được coi là nhà sáng lập của thuyết duy vật mới, tuy rằng danh dự này cũng có thể gán cho người sống đồng thời với Gassendi, là Hobbes.

Gassendi có một số đồ đệ xuất sắc, và chúng ta xét đến ba người dưới đây.

Julien d

e

La Mettrie

Julien d

e

la Mettrie (1709 - 1751) sinh ngày 25 tháng 12. Cha ông muốn ông trở thành linh mục nhưng một bác sĩ bảo rằng một ông thầy thuốc tầm thường cũng làm ra nhiều tiền hơn một ông linh mục tốt. Vừa nhận bằng tốt nghiệp y khoa xong, La Mettrie chẳng mấy chốc đã nổi tiếng trong giới y khoa qua các bài viết về các đề tài như bệnh hoa liễu, chóng mặt, và đậu mùa. Ông bị nhiều người ghét vì sự ganh tị nghề - nghiệp, tính hay châm chọc nghề thuốc, và nóng tính. Năm 1742 ông được cử làm bác sĩ quân y cho trung đội vệ binh Julien de La Mettrie trong chiến tranh giữa Pháp với Áo. Trong chiến dịch này, ông bị một cơn sốt dữ dội; trong thời gian tĩnh dưỡng, ông bắt đầu nghiền ngẫm về sự tương quan giữa tinh thần và thân xác.

Sau khi hồi phục, La Mettrie viết Lịch Sử Tự Nhiên của Linh Hồn (1745), nhấn mạnh rằng tinh thần tương quan với thân xác mật thiết hơn Descartes đã giả thiết rất nhiều. Nếu tinh thần hoàn toàn tách biệt thân xác, và chỉ ảnh hưởng thân xác khi nó muốn như thế, thì cắt nghĩa thế nào các hiệu quả của các thứ như rượu, cà phê, thuốc phiện, hay một bữa ăn ngon đối với tư tưởng một người? Trên thực tế, La Mettrie là một trong số các triết gia đầu tiên gợi ý rằng "bạn là cái mà bạn ăn":

Thịt sống làm cho thú vật hung dữ, và nó cũng có cùng hiệu quả ấy đối với con người. Điều này đúng vô cùng, nên người Anh vốn quen ăn thịt tươi sống và còn máu, chứ không quen ăn chín như chúng ta. Họ có vẻ ít nhiều cũng chia sẻ tính hung dữ do loại thức ăn ấy, và do các lý do khác mà chỉ có giáo dục mới sửa chữa được. Tính hung dữ này tạo ra trong linh hồn lòng kiêu ngao, giận ghét, thù hằn với các quốc gia khác, khó dạy và các tình cảm khác làm tính tình ra xấu xa, giống như ăn thức ăn quá béo làm cho ta nặng nề và đần độn tinh thần của người nào vốn có tính lười biếng và uể oải (La Mettrie. 1748/1912, tr. 94).

Đối với La Mettrie, rõ ràng bất cứ cái gì ảnh hưởng thân xác thì cũng ảnh hưởng tới cái gọi là các quy trình tư tưởng, nhưng La Mettrie còn đi xa hơn. Ông tin rằng không có gì trong vũ trụ ngoài vật chất và chuyển động. Các cảm giác và tư tưởng cũng không là gì khác ngoài các chuyển động của các vi hạt trong não. Như thế, giống như Hobbes, La Mettrie là một người duy vật triệt để; cả hai đều là các nhà nhất nguyên vật lý.

Sách của La Mettrie Lịch sử Tự Nhiên của Linh hồn (1745) bị giáo quyền Pháp chỉ trích kịch liệt. Dư luận chống lại ông quá mạnh khiến ông buộc phải lưu vong sang Hà Lan. Tại Hà Lan ông viết tác phẩm nổi tiếng nhất của ông, Con Người Cái Máy (1748). Cuốn sách này cũng làm giáo quyền Hà Lan tức giận và ông bị trục xuất khỏi Hà Lan. May thay, vua Frederick ở Berlin cho La Mettrie tị nạn và tiền trợ cấp. Tại Berlin, ông tiếp tục viết về các đề tài y học cho tới khi ông qua đời ngày 11 tháng 11, 1751, lúc mới chỉ 41 tuổi.

Con người là cái máy

La Mettrie tin rằng Descartes là một nhà triết học cơ giới, và nếu ông ấy trung thành theo phương pháp của mình, thì ông ấy đã có thể đạt đến kết luận rằng con người là những cái máy giống như các con vật. Và La Mettrie bắt đầu tìm cách sửa chữa các ngộ nhận của Descartes về con người.

La Mettrie kết luận rằng con người là một cái máy với lời phát biểu sau: "Chúng ta hãy mạnh dạn kết luận rằng con người là một cái máy, và trong toàn thể vũ trụ chỉ có một chất duy nhất được biến đổi khác đi mà thôi." Chất duy nhất này hiển nhiên là vật chất, và niềm tin này làm cho La Mettrie trở thành một nhà nhất nguyên vật lý.

Con người và loài vật chỉ khác nhau về mức độ

La Mettrie đồng hóa trí thông minh và một số đặc điểm nhân cách với kích thước và tính chất của não:

Tôi sẽ rút ra kết luận là hệ quả rõ ràng từ... các quan sát không thể chối cãi: 1) con vật càng hung dữ thì óc nó càng nhỏ; 2) cơ quan này có vẻ tăng về kích thước tỉ lệ với tính hiền dịu của con vật, 3) thiên nhiên ở đây có vẻ đặt ra một điều kiện đặc biệt, là vật gì càng nhiều trí thông minh thì càng ít bản năng.

Nếu con người được coi là cao hơn loài vật, đó là nhờ giáo dục và sự phát triển ngôn ngữ. Vì não của loài linh trưởng cũng lớn và phức tạp gần bằng não người, nên nếu có thể dạy ngôn ngữ cho loài linh trưởng, chúng sẽ giống con người về hầu như mọi phương diện... Nếu được huấn luyện thích đáng, con người và loài vượn có thể giống nhau một cách đáng kể.

Chấp nhận duy vật luận sẽ làm cho thế giới khá hơn

Theo La Mettrie, niềm tin vào sự độc đáo của con người (nhị nguyên) và vào Thượng Đế không chỉ là sai lầm mà còn là nguyên nhân gây ra sự khốn khổ trên thế giới. Loài người sẽ khá hơn nếu chấp nhận tính liên tục của họ với thế giới loài vật. Nghĩa là, loài người phải chấp nhận sự kiện cho rằng, giống như loài vật, chúng ta là những cái máy - những cái máy phức tạp, nhưng dù sao vẫn là những cái máy.

La Mettrie dám thảo luận công khai các ý tưởng mà nhiều nhà triết học thời đó chỉ dám giữ riêng cho mình. Làm thế, ông đã xúc phạm đến nhiều cá nhân quyền thế. Mặc dù rõ ràng ông đã ảnh hưởng đến nhiều nhà tư tưởng thời sau, các tác phẩm của ông ít được trích dẫn và tên ông cũng thậm chí không được nhắc đến. Sự kiện ông chết vì bị bội thực sau bữa ăn thịt chim trĩ và nấm đã bị nhiều người coi là đáng đời một nhà triết học vô thần và lầm đường lạc lối.

Etienne Bonnot de Condillac

Etienne Bonnot de Condillac (1715 - 1780) sinh ngày 30 tháng 9 trong một gia đình quý tộc ở Grenobles. Ông sống đồng thời với Hume và Rousseau, hai người cùng trạc tuổi ông, và với Voltaire, lớn hơn ông khoảng 20 tuổi. Ông được giáo dục tại một chủng viện của dòng Tên ở Paris, nhưng một thời gian ngắn sau khi chịu chức linh mục, ông bắt đầu lai vãng các sa - lông văn học và triết học ở Paris và dần dần mất hứng thú trong chức vụ tôn giáo của mình. Trong thực tế, ông đã trở thành một người đả kích công khai các tín điều tôn giáo. Condillac dịch Cảo Luận của Locke sang tiếng Pháp, và tên của cuốn sách đầu tiên của ông là Cảo Luận về Nguồn Gốc Tri Thức Con Người: Một Phụ Chương cho Cảo Luận của Mr. Locke về Tri Thức Con Người (1746), cho thấy ông chịu ảnh hưởng sâu đậm triết học duy nghiệm của Locke. Tám năm sau, trong Khảo Luận về Cảm Giác (1754) của ông, Condillac gợi ý rằng Locke đã gán cho tinh thần quá nhiều năng lực bẩm sinh không cần thiết. Condillac tin rằng tất cả các năng lực mà Locke gán cho tinh thần có thể bắt nguồn chỉ từ các khả năng cảm giác, nhớ lại, và kinh nghiệm khoái lạc và đau khổ.

Pho tượng biết cảm giác

Để diễn tả ý tưởng của mình, Condillac (1754) bảo độc giả hãy tưởng tượng xem một pho tượng có biết cảm giác, nhớ và có tình cảm không, nhưng chỉ có một giác quan là khứu giác. Đời sống tinh thần của pho tượng chỉ gồm các mùi, nó không thể có khái niệm nào về các sự vật bên ngoài nó, cũng không có cảm giác về màu sắc, âm thanh, hay vị. Nhưng pho tượng có khả năng chú ý bởi vì nó sẽ để ý đến bất cứ mùi gì mà nó cảm thấy. Với sự chú ý sẽ có tình cảm bởi vì thấy một mùi thơm sẽ tạo sự thích thú và thấy một mùi khó chịu sẽ tạo một cảm giác khó chịu. Nếu pho tượng chỉ có một kinh nghiệm dễ chịu hay khó chịu liên tục, nó không thể kinh nghiệm ước muốn bởi vì nó không có gì để so sánh với kinh nghiệm. Nhưng nếu một cảm giác thích thú chấm dứt, khi nhớ lại nó, pho tượng có thể ước muốn nó trở lại. Cũng thế, nếu một kinh nghiệm khó chịu chấm dứt, pho tượng có thể ước muốn nó không trở lại. Pho tượng thích các kinh nghiệm dễ chịu và ghét các kinh nghiệm khó chịu. Vì có khả năng nhớ, pho tượng không chỉ có thể kinh nghiệm những mùi đang có mà cũng nhớ những mùi đã kinh nghiệm trước kia...

Rõ ràng Condillac không chủ ý viết về các pho tượng nhưng đang cắt nghĩa làm thế nào các khả năng tinh thần có thể bắt nguồn từ các cảm giác, ký ức, và một ít tình cảm cơ bản. Tất nhiên con người có nhiều chứ không chỉ có một kiểu giác quan, và điều này làm cho con người phức tạp hơn là pho tượng, nhưng nguyên tắc vẫn là một.

Vì vậy Locke và các người khác không cần phải giả thiết các năng lực bẩm sinh của tinh thần. Theo Condillac, các năng lực của tinh thần phát triển như là hậu quả tự nhiên của cảm giác.

Tầm quan trọng tuyệt đối mà Condillac và các người theo ông gán cho cảm giác đã khiến cho các nhà duy nghiệm Pháp thường được gọi là các nhà duy cảm.

Claude Helvetius

Claude Helvetius (1715 - 1771) sinh tại Paris và theo học các cha dòng Tên. Ông trở nên giàu có nhờ nghề thu thuế, cưới một nữ bá tước xinh đẹp và lui về sống ở miền quê, tại đây ông viết sách và bầu bạn với một số con người trí tuệ nhất của châu Âu. Năm 1758 ông viết Cảo Luận về Tinh Thần, bị trường Sorbonne kết án và bị đốt. Tác phẩm xuất bản sau khi ông chết là Khảo Luận về Con Người. các Khả Năng Trí Tuệ và việc Giáo Dục của Con Người (1772) đã khiến Jeremy Bentham thốt ra rằng điều mà Francis Bacon đã làm cho sự hiểu biết của chúng ta về thế giới vật lý, Helvetius đã làm cho sự hiểu biết của chúng ta về thế giới đạo đức. Cũng vậy, James Mill nhận là đã dùng triết học của Helvetius làm hướng dẫn cho việc giáo dục con của ông là John Stuart.

Helvetius không hề chống đối bất cứ chủ đề quan trọng nào của thuyết duy nghiệm Anh hay thuyết duy cảm Pháp, cũng không thêm gì mới. Đúng hơn, ông triển khai về chiều sâu hệ quả của quan điểm rằng mọi nội dung của tinh thần đều chỉ bắt nguồn từ kinh nghiệm. Nói khác đi, hãy kiểm soát các kinh nghiệm, và bạn sẽ kiểm soát được nội dung của tinh thần. Các hệ quả của niềm tin này đối với việc giáo dục và cả cơ cấu xã hội là quá rõ, và trong tay Helvetius, thuyết duy nghiệm trở thành một thuyết môi trường triệt để. Mọi cách thức về năng khiếu xã hội, hành vi đạo đức và thậm chí thiên tài đều có thể được dạy nhờ kiểm soát các kinh nghiệm (giáo dục). Russell nói về Helvetius, "Học thuyết của ông lạc quan, vì chỉ có một nền giáo dục hoàn hảo là cần để làm cho con người hoàn hảo".

Vì Helvetius cũng là một nhà triết học khoái lạc, việc giáo dục nói chung có thể được coi như việc xử lý các kinh nghiệm khoái lạc và đau khổ. Chúng ta có thể nói bằng thuật ngữ ngày nay là tăng cường các tư tưởng và hành vi đáng mong muốn và bỏ qua hay trừng phạt các tư tưởng và hành vi không mong muốn. Theo nghĩa này, lập trường của Helvetius có nhiều điểm chung với các người theo thuyết hành vi ngày nay.

Created by AM Word2CHM

DUY CHỨNG LUẬN

NHẬP MÔN LỊCH SỬ TÂM LÝ HỌC

à

Chương 5. THUYẾT DUY NGHIỆM LUẬN, DUY CẢM LUẬN VÀ THỰC CHỨNG LUẬN

Các nhà duy nghiệm Anh và các nhà duy cảm Pháp tất cả đều có chung niềm tin rằng mọi tri thức bắt nguồn từ kinh nghiệm; nghĩa là, không có các ý tưởng bẩm sinh. Họ cũng có cùng một sự chán ghét đối với suy tư siêu hình học. Mọi tri thức, họ nói, dù là tri thức đạo đức, đều bắt nguồn từ kinh nghiệm. Nếu việc phủ nhận các nguyên tắc đạo đức bẩm sinh không đặt các nhà duy nghiệm và các nhà duy cảm đối chọi trực tiếp với tôn giáo, chắc chắn nó cũng đặt họ đối chọi trực tiếp với các giáo điều của tôn giáo.

Khi những thành công của các khoa học vật lý và tinh thần lan tràn khắp châu Âu, và khi học thuyết tôn giáo ngày càng trở nên bị nghi ngờ, một niềm tin mới xuất hiện - niềm tin rằng khoa học có thể giải quyết mọi vấn đề của con người. Niềm tin ấy gọi là thuyết duy khoa học. Với những người theo thuyết duy khoa học, tri thức khoa học là tri thức duy nhất có giá trị; vì vậy nó là thông tin chắc chắn duy nhất mà chúng ta có thể tin. Với những người này, khoa học mang đặc tính của một tôn giáo. Tiêu biểu trong số những người này là Auguste Comte.

Auguste Comte

Aug

u

ste Comte (1798 - 1857) sinh tại thành phố Montpellier, Pháp, ngày 19 tháng 1. Ông lớn lên trong thời kỳ chính trị vô cùng rối ren tiếp theo sau cuộc Cách Mạng Pháp (1789 - 1799). Ở trường, Comte là một học sinh xuất sắc và một tay quậy phá. Tháng 8, 1817, Comte gặp nhà triết học xã hội Henri Saint - Simon (1760 - 1825), ông này đã biến đổi Comte từ một người hăng say bênh vực quyền tự do và bình đẳng thành một người ủng hộ cho quan điểm về một xã hội của những thành phần ưu tú. Hai người đã cộng tác với nhau trong một số tiểu luận, nhưng sau một cuộc cãi vã chua chát, hai người chia tay năm 1824. Tháng 4, 1826, Comte bắt đầu dạy học tại nhà về triết học duy chứng luận của ông, nghĩa là, cố gắng sử dụng phương pháp của các khoa học vật lý để tạo ra một khoa học về lịch sử và hành vi xã hội của con người. Các lớp học của ông có một số nhân vật nổi tiếng tới nghe, nhưng chỉ sau ba bài, Comte bị suy sụp tâm thần nghiêm trọng. Tuy được chữa trị trong bệnh viện một thời gian, ông rơi vào tình trạng trầm cảm nặng và thậm chí định tự tử. Ông không thể tiếp tục giảng dạy cho tới năm 1829. Các khó khăn tài chánh, không được giới chuyên môn nhìn nhận, và các khó khăn hôn nhân cùng hợp lại đã đẩy Comte trở về tình trạng bị cô lập. Từ 1830 đến 1842, ông dành thời giờ chủ yếu viết tác phẩm 6 quyển của ông, Giáo Trình Triết Học Duy Chứng Luận (1830 - 1842). Nhờ giáo trình này, Comte bắt đầu thu hút được một ít người ngưỡng mộ, trong đó có J. S. Mill. Tuy nhiên, không lâu sau khi xuất bản giáo trình đó, vợ ông bỏ ông. Năm 1844 ông gặp và phải lòng Clothilde de Vaux, và mặc dù nàng chết chỉ một thời gian ngắn sau đó, ông đã thề dành cuộc đời còn lại để nhớ đến nàng. Ít lâu sau ông bắt đầu viết Hệ Thống Chính Trị Duy chứng luận trong đó ông đưa ra tôn giáo nhân loại của ông (sẽ bàn đến sau). Cuốn Hệ thống làm ông mất gần hết các người ngưỡng mộ ông có ảnh hưởng, trong đó có J. S. Mill. Không nao núng, Comte tiếp tục tập trung vào tôn giáo mới của mình, và tự xưng là giáo chủ. Những năm sau ông tìm cách thu nạp các tín đồ cho tôn giáo của mình.

Duy chứng luận

Theo Comte, điều duy nhất chúng ta có thể biết chắc chắn là những gì có thể quan sát công khai, nghĩa là các kinh nghiệm giác quan có thể được những người khác chia sẻ. Dữ liệu của khoa học là các điều có thể quan sát được và vì vậy có thể tin tưởng. Ví dụ, các luật khoa học là các phát biểu cho thấy các sự kiện thường nghiệm thay đổi chung với nhau như thế nào, và một khi xác định được chúng, chúng có thể được kinh nghiệm bởi bất cứ người nào quan tâm đến chúng. Sự nhấn mạnh của Comte về việc đồng hóa tri thức với các quan sát thường nghiệm được gọi là duy chứng luận.

Comte là một nhà cải cách xã hội và ông quan tâm đến khoa học chỉ như là phương tiện để cải thiện xã hội. Tri thức, dù là khoa học hay không, chỉ quan trọng khi nó có giá trị thực tiễn nào đó; Comte viết, "Tôi vô cùng chán ghét thứ khoa học mà tôi không thấy công dụng gì cả." Theo Comte, khoa học phải tìm cách khám phá các tương quan hợp pháp giữa các hiện tượng vật lý. Một khi biết các luật ấy, ta có thể dùng chúng để tiên đoán và kiểm soát các sự kiện và nhờ đó cải thiện đời sống chúng ta. Một khẩu hiệu Comte thường dùng là "biết để tiên đoán". Phương pháp khoa học của Comte rất giống phương pháp của Bacon đề nghị trước kia. Theo cả Comte lẫn Bacon, khoa học phải thực tiễn và không lý thuyết. Comte nói với độc giả rằng có hai loại phát biểu: "Một chỉ về các đối tượng của giác quan, và là phát biểu khoa học. Phát biểu khác thì vô nghĩa!"

Cần nhớ rằng suy tư duy chứng luận đã có dưới dạng này hay dạng khác ít là từ thời các nhà triết học Hy Lạp đầu tiên:

Có thể nói lịch sử của duy chứng luận đã bắt đầu từ thời cổ cho tới bây giờ. Thời Hy Lạp cổ, nó được đại diện bởi các nhà tư tưởng như Epicurus, là người tìm cách giải phóng con người khỏi thần học bằng cách cho họ một giải thích về vũ trụ bằng các luật thiên nhiên, và các nhà Ngụy biện, là những người muốn tri thức thực chứng ảnh hưởng tới đời sống con người. Các thành công nối tiếp nhau của phương pháp khoa học thế kỷ 17 và 18 đã ngày càng cổ võ việc chấp nhận thái độ thực chứng trong thành phần các nhà trí thức. Ở Anh, triết học duy nghiệm, bắt đầu với Francis Bacon và đạt tột đỉnh với Hume và John Stuart Mill, đã trở thành một phần cơ bản của truyền thống thực chứng. (Esper, 1965, tr. 212 - 213).

Trên thực tế, vì mọi nhà duy nghiệm Anh và duy cảm Pháp đều nhấn mạnh kinh nghiệm giác quan và tránh các suy tư triết học và thần học, có thể coi họ tất cả đều có ít là thái độ thực chứng cơ bản.

Luật về ba giai đoạn

Theo Comte, các xã hội trải qua ba giai đoạn được xác định tùy theo cách thức mà các thành viên của chúng giải thích các sự kiện tự nhiên. Giai đoạn thứ nhất và sơ khai nhất, là thần học, và các thần học giải thích các sự kiện tự nhiên dựa trên sự mê tín và huyền bí. Trong giai đoạn thứ hai, giai đoạn siêu hình học, các giải thích dựa trên các thực thể vô hình gọi là các yếu tính, nguyên lý, nguyên nhân, hay quy luật. Trong hai đoạn thứ ba và là giai đoạn cao nhất của sự phát triển xã hội, sự mô tả khoa học được nhấn mạnh hơn sự giải thích, và việc tiên đoán và kiểm soát các hiện tượng tự nhiên trở nên quan trọng tuyệt đối. Nói khác đi trong giai đoạn khoa học, duy chứng luận được chấp nhận. Comte sử dụng từ xã hội học để mô tả môn học về các xã hội khác nhau như thế nào theo ba giai đoạn phát triển.

Comte mô tả các sự kiện đánh dấu bước chuyển tiếp từ một giai đoạn sang một giai đoạn khác theo cùng một kiểu như Kuhn (1973) mô tả các chuyển đổi về khuôn mẫu trong khoa học. Theo Comte, các niềm tin đặc trưng của một giai đoạn trở thành nếp sống cho những người sống trong một xã hội. Chỉ một số ít cá nhân ưu tú của các xã hội bắt đầu hướng đến giai đoạn kế tiếp và dọn đường cho nó. Tiếp theo là một thời kỳ khủng hoảng trong đó một xã hội chuyển mình từ một giai đoạn sang một giai đoạn khác. Các niềm tin đặc trưng của giai đoạn mới trở thành một nếp sống cho tới khi quy trình được lặp lại. Giống như với sự chuyển đổi khuôn mẫu trong khoa học, luôn luôn có các yếu tố còn sót lại của các giai đoạn trước trong các giai đoạn vừa mới được thiết lập.

Để dẫn chứng cho luật về ba giai đoạn của mình, Comte đưa ra nhận xét rằng các cá nhân cũng trải qua các giai đoạn giống như thế:

Sự tiến bộ của tinh thần mỗi cá nhân không chỉ là một minh họa, mà là một bằng chứng gián tiếp về sự tiến bộ của tinh thần chung. Vì điểm xuất phát của cá nhân và của nòi giống là một, nên các giai đoạn của tinh thần mỗi cá nhân tương ứng với các thời kỳ của tinh thần của nòi giống. Vậy mà mỗi người chúng ta, nếu nhìn ngược trở về lịch sử bản thân mình, đều nhận thấy rằng mình là một nhà thần học thời niên thiếu, nhà siêu hình học thời thanh niên, và một nhà triết học tự nhiên thời trưởng thành. Mọi người tùy lứa tuổi của mình có thể tự kiểm chứng điều này. (Martineau, 1853/1893, tr. 3).

Tôn giáo của nhân loại

Cuối thập niên 1840, Comte bàn về duy chứng luận như là một tôn giáo. Theo ông, khoa học là điều duy nhất một người cần tin và điều duy nhất họ phải tin. Ông mô tả một xã hội không tưởng đặt nền trên các nguyên tắc và niềm tin khoa học, và tổ chức của nó rất giống với giáo hội Công giáo La Mã. Tuy nhiên, nhân loại thay cho Thượng Đế, và các nhà khoa học và triết học thay cho các linh mục. Các tín đồ của tôn giáo mới này sẽ được lấy từ giai cấp lao động và đặc biệt giữa các phụ nữ.

Tôn giáo của nhân loại của Comte là một trong các lý do khiến J. S. Mill bị vỡ mộng đối với ông. Chủ nghĩa không tưởng của Comte nhấn mạnh hạnh phúc của tập thể và coi nhẹ hạnh phúc của cá nhân. Với thuyết vị lợi của Mill thì hoàn toàn ngược lại.

Xếp loại khoa học

Comte xếp các khoa học thành một thứ tự từ loại phát triển đầu tiên và cơ bản nhất tới loại phát triển sau cùng và bao quát nhất như sau: toán học, thiên văn, vật lý, hóa học, sinh lý và sinh vật, và xã hội học. Điều đặc biệt đáng chú ý là tâm lý học không được kể vào trong danh sách các khoa học của Comte. Nếu tâm lý học được hiểu là sự phân tích nội quan về tinh thần, thì Comte tin rằng tâm lý học chỉ là điều siêu hình vô nghĩa. Theo Comte, khoa học đề cập đến những gì có thể quan sát công khai, và như thế nó loại bỏ dữ liệu nội quan. Ông có những từ nặng nề để nói về nội quan, và khi nói những từ ấy, ông phân biệt mình với mọi nhà duy nghiệm Anh và duy cảm Pháp, là những người hầu như chủ yếu chỉ dựa vào nội quan trong việc phân tích của họ về tinh thần.

Tuy nhiên theo Comte, có hai phương pháp nghiên cứu khách quan về cá nhân. Một phương pháp là dùng khoa tướng sọ (phre- nology), nghĩa là tìm cách liên kết các sự kiện tinh thần với hình thù và các quy trình của não (sẽ bàn đến ở chương 6). Phân tích bằng khoa tướng sọ chủ yếu giản lược tâm lý học vào sinh lý học. Phương pháp thứ hai là nghiên cứu tinh thần bằng các sản phẩm của nó - nghĩa là bằng cách nghiên cứu hành vi bên ngoài, đặc biệt hành vi xã hội. Việc nghiên cứu hành vi xã hội của con người là một nghĩa thứ hai của thuật ngữ xã hội học của Comte. Như thế phương pháp khách quan thứ nhất để nghiên cứu con người giản lược tâm lý học vào sinh lý học, và phương pháp thứ hai giản lược tâm lý học vào xã hội học. Trong trường hợp thứ hai này, không có nghiên cứu về "tôi," chỉ có về "chúng ta." Bây giờ chúng ta sẽ xét thêm hai lý do nữa khiến J. S. Mill rời bỏ Comte. Thứ nhất là phân tích của Mill về tinh thần lệ thuộc rất nhiều vào nội quan. Thứ hai, Mill bác bỏ khoa tướng sọ (và lịch sử cho thấy Mill đã đúng trong việc này).

Kiểu Duy chứng luận thứ hai

Comte nhấn mạnh rằng chúng ta chỉ chấp nhận những gì có thể biết chắc chắn, và theo ông, đó là các dữ liệu có thể quan sát được. Theo Comte, phương pháp nội quan bị loại bỏ vì nó chỉ xem xét các kinh nghiệm tư riêng. Tuy nhiên, về sau đã xuất hiện một loại thuyết thực chứng khác dưới sự lãnh đạo của Ernst Mach (1838 - 1916). Như Comte, Mach nhấn mạnh rằng khoa học chỉ tập trung vào những gì có thể quan sát được. Cả Comte lẫn Mach đều không chấp nhận suy tư siêu hình học trong quan điểm của họ về khoa học. Tuy nhiên, hai người có khác biệt về những gì họ nghĩ là các nhà khoa học có thể biết chắc chắn. Theo Comte, đó là các sự kiện vật lý có thể kinh nghiệm bởi bất cứ người quan sát có chú ý nào. Theo Mach, đó là kinh nghiệm trực tiếp của chính nhà khoa học, nghĩa là cảm giác. Mach cho rằng mọi phát biểu khoa học có thể và phải được giản lược về các kinh nghiệm tinh thần trực tiếp của nhà khoa học. Vì dữ liệu khoa học cơ bản theo Mach là các hiện tượng tinh thần phương pháp của ông gọi là hiện tượng luận. Cả Comte lẫn Mach đều là các nhà thực chứng, nhưng nội dung thực chứng của họ khác nhau.

Cả hai loại thực chứng của Comte và Mach đều ảnh hưởng đến tâm lý học thời sau. Ảnh hưởng của Comte có thể thấy nơi các nhà tâm lý học theo thuyết hành vi; họ nhấn mạnh rằng nội dung của tâm lý học phải là hành vi bên ngoài, vì không có cách nào để nghiên cứu một cách khách quan các sự kiện tinh thần tư riêng của một người. Ảnh hưởng của Mach có thể thấy nơi các nhà tâm lý học Gestalt (hình thái) và các kiểu hiện tượng luận; các nhà tâm lý học này cho rằng nội dung của tâm lý học phải là các cảm giác trực tiếp của một người tri giác.

Thuyết thực chứng đã được xét lại trong lịch sử và cuối cùng đã biến thành thuyết thực chứng lý luận. Chính nhờ thuyết thực chứng lý luận mà triết học thực chứng đã có ảnh hưởng lớn nhất của nó trong tâm lý học. Chúng ta sẽ bàn đến thuyết thực chứng lý luận và ảnh hưởng của nó đối với tâm lý học trong chương 13.

CÁC CÂU HỎI THẢO LUẬN

1. Định nghĩa duy nghiệm luận. Các nhà duy nghiệm luận chống đối điều gì nhiều nhất nơi các triết học khác?

2. Thảo luận tại sao có thể gọi Hobbes một cách chính xác là nhà duy nghiệm luận, nhà cơ giới luận, và nhà duy vật luận?

3. Hobbes coi chính quyền có những chức năng gì?

4. Giải thích của Hobbes về động lực con người thế nào?

5. Theo Locke, đâu là sự khác biệt giữa các tính chất chính và phụ?

6. Locke sử dụng các luật liên tưởng như thế nào trong triết học của ông?

7. Cắt nghĩa phát biểu "cái gì hiện hữu thì phải được tri giác" của Berkeley. Berkeley có phủ nhận sự tồn tại của thực tại bên ngoài không? Hãy giải thích.

8. Hume đề ra mục tiêu nào cho triết học của ông?

9. Thảo luận về các nguyên tắc liên tưởng bằng tương cận, tương tự, và nhân quả theo Hume đã sử dụng.

10. Tóm tắt phân tích của Hume về nhân quả.

11. Theo Hume, các yếu tố quyết định cơ bản của hành vi là các yếu tố nào? Hãy giải thích.

12. Mục tiêu triết học của Hartley là gì?

13. Tóm tắt giải thích của Hartley về liên tưởng.

14. Cảm xúc đóng vai trò gì trong triết học Hartley?

15. Tóm tắt thuyết liên tưởng của James Mill.

16. So sánh "vật lý tinh thần" của James Mill với "hóa học tinh thần" của John Stuart Mill, con của ông.

17. Tại sao J. S. Mill tin rằng có thể có một khoa học về bản tính con người?

18. Thảo luận về khoa tính cách học (ethology) do J. S. Mill đề nghị. Tại sao các cố gắng phát triển khoa học này đã thất bại?

19. Mục tiêu triết học của Bain là gì?

20. Tóm tắt các cống hiến của Bain cho tâm lý học.

21. Các đặc tính chính của thuyết duy cảm Pháp là gì?

22. Triết học của Gassendi giống triết học của Hobbes ở những điểm nào?

23. Tại sao La Mettrie tin rằng không được phép tách rời tinh thần với thân xác?

24. Tại sao La Mettrie tin rằng chấp nhận triết học duy vật sẽ dẫn đến một thế giới tốt hơn, nhân đạo hơn?

25. Condillac sử dụng biểu tượng về pho tượng có cảm giác thế nào để cắt nghĩa nguồn gốc các quy trình tinh thần của con người?

26. Helvetius áp dụng thuyết duy nghiệm và duy cảm vào giáo dục thế nào?

27. Comte định nghĩa thuyết thực chứng thế nào?

28. Mô tả các giai đoạn mà Comte tin rằng các nền văn hóa và các xã hội đã trải qua trong cách họ cố gắng cắt nghĩa các hiện tượng.

29. Comte có tin tâm lý học có thể là một khoa học không? Tại sao có, tại sao không?

30. Thảo luận kiểu thuyết thực chứng của Mach.

Created by AM Word2CHM

TỪ VỰNG

NHẬP MÔN LỊCH SỬ TÂM LÝ HỌC

à

Chương 5. THUYẾT DUY NGHIỆM LUẬN, DUY CẢM LUẬN VÀ THỰC CHỨNG LUẬN

Associationism - Thuyết liên tưởng:

Thuyết cho rằng các luật về sự liên tưởng cung cấp các nguyên tắc cơ bản để cắt nghĩa các hiện tượng tinh thần.

Complex idea - ý tưởng phức tạp:

Một tập hợp của các ý tưởng đơn giản.

Empincism - Duy nghiệm luận:

Thuyết cho rằng mọi tri thức đều bắt nguồn từ kinh nghiệm, đặc biệt kinh nghiệm cảm giác.

Ethology - Khoa tính cách học:

Môn học do J. S. Mill đề nghị để tìm hiểu xem các cá nhân khác nhau hành động thế nào trong các hoàn cảnh nhất định.

French sensationalism - Duy cảm luận Pháp:

Lập trường triết học phủ nhận sự tồn tại của một tinh thần độc lập; ngược lại, nó nhấn mạnh tầm quan trọng của cảm giác và các luật liên tưởng trong việc cắt nghĩa nhận thức của con người. Thuyết duy cảm Pháp có rất nhiều điểm chung với thuyết duy nghiệm Anh.

Hedonism - Chủ nghĩa khoái lạc:

Thuyết cho rằng động cơ chính của hành vi con người là tìm khoái lạc và tránh đau khổ.

Idea - ý tưởng:

Một sự kiện tinh thần còn được duy trì sau khi các ấn tượng hay cảm giác đã chấm dứt.

Imagination - Tưởng tượng

: Theo Hume, là khả năng tinh thần sắp xếp và tái sắp xếp các ý tưởng thành vô số kiểu phối hợp.

Impression - ấn tượng

: Theo Hume, là kinh nghiệm tinh thần tương đối mạnh được tạo ra do kích thích giác quan.

Innate idea - ý tưởng bẩm sinh

: Một ý tưởng được coi là tồn tại độc lập với kinh nghiệm. Tất cả các nhà duy nghiệm Anh và duy cảm Pháp đều phủ nhận sự tồn tại của các ý tưởng bẩm sinh.

Law of cause and effect

- Luật nhân quả: Theo Hume, nếu trong kinh nghiệm một sự kiện luôn luôn xảy ra trước một sự kiện khác, chúng ta có khuynh hướng tin rằng sự kiện xảy ra trước là nguyên nhân của sự kiện sau.

Law of compound association - Luật liên tưởng kép:

Các sự kiện tương cận hay tương tự hình thành các ý tưởng kép và được nhớ lại chung với nhau.

Law of constructive association - Luật liên tưởng cấu trúc

: Trí khôn có thể tái sắp xếp các ký ức về các kinh nghiệm khác nhau để tạo thành các liên tưởng sáng tạo.

Law of contiguity - Luật tương cận:

Các sự kiện được kinh nghiệm chung với nhau thường có khuynh hướng được nhớ lại chung với nhau.

Law of resemblance - Luật tương tự:

Theo Hume, các tư tưởng của chúng ta có khuynh hướng đi từ một sự kiện tới các sự kiện tương tự với nó.

Mental chemistry - Hóa học tinh thần

: Quy trình qua đó các cảm giác riêng rẽ có thể phối hợp với nhau để tạo thành một cảm giác mới khác với bất cứ cảm giác riêng rẽ nào đã tạo thành nó.

Physical monism - Nhất nguyên luận vật lý:

Thuyết cho rằng mọi sự tồn tại đều là vật chất. Cũng đồng nghĩa với thuyết duy vật.

Positivism - Duy chứng luận:

Thuyết cho rằng khoa học phải chỉ nghiên cứu những gì có thể kinh nghiệm trực tiếp được. Theo Comte, đó là hành vi bên ngoài. Theo Mach, đó là các cảm giác của nhà khoa học.

Primary qualities - Tính chất chính:

Theo nhiều tác giả, là các thuộc tính thực của các sự vật vật lý.

Psychophysical parallelism - Tâm vật lý song hành luận

: Thuyết cho rằng mọi kinh nghiệm đều có cả thành phần vật lý (sinh vật) lẫn thành phần tinh thần, nhưng hai thành phần này không tương tác nhau.

Renection - Suy tư:

Theo Locke, là khả năng sử dụng các năng lực của tinh thần để tái sắp xếp một cách sáng tạo các ý tưởng đến từ kinh nghiệm cảm giác.

Scientism - Thuyết duy khoa học luận

: Gần như một niềm tin tôn giáo cho rằng khoa học có thể trả lời cho mọi câu hỏi và giải quyết mọi vấn đề.

Secondary quaiities - Tính chất phụ

: Theo nhiều tác giả, là các cảm giác không có tương ứng trong thế giới vật lý.

Sensation - Cảm giác:

Kinh nghiệm tinh thần sơ đẳng phát sinh từ sự kích thích một cơ quan thụ cảm.

Simple ideas - ý tưởng đơn giản

: Những gì còn được duy trì trong tinh thần sau khi cảm giác kết thúc.

Sociology - Xã hội học

: Theo Comte, môn học nghiên cứu các kiểu giải thích được các xã hội khác nhau chấp nhận về các hiện tượng tự nhiên. Ông tin rằng các xã hội loài người trải qua ba giai đoạn phát triển: thần học, siêu hình học, và thực chứng.

Spontaneous activity - Hoạt động tự phát:

Theo Bain, là hành vi được phát ra tự nhiên bởi một cơ quan chứ không phải được kích thích bởi một điều gì bên ngoài.

Utilitarianism - Thuyết vị lợi

: Thuyết cho rằng xã hội hay nhà nước tốt nhất là xã hội hay nhà nước thỏa mãn lợi ích tối đa cho nhiều người tối đa. Jeremy Ben tham, James Mill, và John Stuart Mill là các nhà triết học vị lợi.

Vibratiuncles - Tiểu dao động:

Theo Hartley, các rung động còn được duy trì trong não sau khi đã hết các rung động ban đầu do kích thích bên ngoài tạo ra.

Voluntary behavior - Hành vi tự ý:

Theo Bain, trong một số hoàn cảnh, hoạt động tự phát của một cơ quan dẫn tới các khoái lạc. Sau nhiều lần xảy ra như thế, cơ quan sẽ tự ý có hành vi đó mà lúc ban đầu chỉ là tự phát.

Created by AM Word2CHM

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro