Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

Chương 13. HÀNH VI LUẬN MỚI

Chương 13. HÀNH VI LUẬN MỚI

NHẬP MÔN LỊCH SỬ TÂM LÝ HỌC

DUY CHỨNG LUẬN

Như chúng ta thấy ở chương 5, Auguste Comte cho rằng chúng ta chỉ có thể có các thông tin chắc chắn về thế giới bằng cách chấp nhận một thuyết duy nghiệm triệt để. Phải loại bỏ tư duy siêu hình học vì nó sử dụng các thực thể không quan sát được. Trong lãnh vực tâm lý học, tất cả những gì có thể biết chắc chắn về con người là họ hành động thế nào, vì thế, theo Comte, mọi cố gắng tìm hiểu cách thức hoạt động của "tinh thần bằng nội quan đều là ngu ngốc. Mặc dù tinh thần không thể nghiên cứu khách quan, các sản phẩm của nó có thể nghiên cứu khách quan bởi chúng tự biểu hiện qua hành vi. Theo Comte, hành vi cá nhân và tập thể có thể và phải được nghiên cứu một cách khoa học; và ông đặt tên cho việc nghiên cứu này là xã hội học.

Ít năm sau Comte, nhà vật lý học nổi tiếng Đức Ernst Mach lập luận để đưa ra một kiểu duy chứng luận khác. Trong Đóng gồm cho Phân tích về Cảm giác (1886), Mach đồng ý với các nhà duy nghiệm Anh như Berkeley và Hume, và ông lý luận rằng chúng ta chỉ có thể biết chắc chắn về các cảm giác của chúng ta mà thôi. Vì vậy các cảm giác là nội dung cơ bản của mọi khoa học, kể cả vật lý học và tâm lý học. Theo Mach, nội quan là phương pháp cơ bản cho mọi khoa học bởi vì nó là phương pháp duy nhất để phân tích các cảm giác. Tuy nhiên người ta không được tìm cách suy tư vượt quá các cảm giác hay xác định ý nghĩa cơ bản của chúng. Làm thế là đã đi vào lãnh vực cấm của suy tư siêu hình học rồi. Điều mà một phân tích cẩn thận về cảm giác có thể làm là xác định chúng liên quan với nhau thế nào. Biết được các tương quan của các cảm giác với nhau sẽ cho phép chúng ta tiên đoán và nhờ đó thích nghi tốt hơn với môi trường. Vì vậy, theo Mach, có một lý do mạnh và thực dụng để nghiên cứu các cảm giác một cách hệ thống. Đối với cả Comte lẫn Mach, các luật khoa học là các phát biểu tóm lược các kinh nghiệm. Đi theo Francis Bacon, cả Comte lẫn Mach đều cho rằng lý thuyết thường dẫn đến sai lầm trong khoa học. Như vậy, cách tốt nhất để tránh sai lầm là tránh lý thuyết.

John Watson và các nhà sinh lý học Nga đều là các nhà thực chứng. Họ đều nhấn mạnh các dữ liệu khách quan và gạt bỏ hay giảm thiểu suy tư lý thuyết. Các mục tiêu tâm lý học của Watson rất phù hợp với triết học thực chứng. Tuy nhiên, vì là thực chứng, hệ thống của ông thiếu khả năng tiên đoán mà chính ông cảm thấy là quan trọng. Nghiên cứu của ông thường tạo ra các sự kiện có vẻ không có tương quan gì với nhau.

DUY CHỨNG LUẬN LUẬN LÝ HỌC

Đến đầu thế kỷ 20, người ta thấy rõ mục tiêu của Comte và Mach về việc có các khoa học chỉ quan tâm đến các sự kiện có thể quan sát trực tiếp là một mục tiêu không hiện thực. Các nhà vật lý học và hóa học thấy rằng các khái niệm lý thuyết như trọng lực, nguyên tử, lực, điện tử, và khối lượng là các khái niệm không thể thiếu. Vấn đề là tìm ra một cách thức để khoa học sử dụng lý thuyết mà không rơi vào nguy cơ suy tư siêu hình học. Duy chứng luận cung cấp một giải pháp như thế. Thuyết thực chứng lô gích phân chia khoa học thành hai phần chính: thường nghiệm và lý thuyết. Nói cách khác, nó liên kết duy nghiệm luận với duy lý luận. Các thuật ngữ quan sát của khoa học nói về các sự kiện thường nghiệm, còn các thuật ngữ lý thuyết tìm cách cắt nghĩa những gì đã quan sát được. Bằng cách chấp nhận lý thuyết như một phần của khoa học, các nhà thực chứng lô gích hoàn toàn không coi nhẹ tầm quan trọng của sự quan sát thường nghiệm. Trong thực tế, thẩm quyền cao nhất đối với nhà duy chứng luận luận lý là sự quan sát thường nghiệm, và các lý thuyết chỉ có giá trị nếu chúng giúp cắt nghĩa những gì được quan sát.

Duy chứng luận lý là tên đặt cho loại quan điểm khoa học được triển khai bởi một tập thể nhỏ gồm các triết gia tại Vienna ("Nhóm Vienna") vào khoảng năm 1924. Các triết gia này lấy quan điểm thực chứng của Comte và Mach và kết hợp nó với các quy luật khắt khe của luận lý học hình thức. Theo họ, các thuật ngữ lý thuyết trừu tượng chỉ có giá trị nếu chúng có tương quan luận lý với các quan sát thường nghiệm. Như ta sẽ thấy, duy chứng luận lý đã có ảnh hưởng lớn đối với tâm lý học. Nó giúp cho ta thấy được rất nhiều dạng hành vi rất phức tạp bởi vì nó cho phép lý thuyết mà không đánh mất tính khách quan. Kết quả là tâm lý học bước vào thời kỳ được Koch (1959) gọi là "thời đại lý thuyết" (từ khoảng 1930 đến khoảng 1950). Herbert Feigl, một thành viên của Nhóm Vienna, là người đã đặt tên duy chứng luận luận lý và cũng là người có công lớn nhất trong việc thu hút sự chú ý của giới tâm lý học Mỹ về duy chứng luận luận lý. Trong số các nhà tâm lý học Mỹ, S. S. Stevens thuộc số những nhà tâm lý học đầu tiên tin rằng nếu tâm lý học đi theo các nguyên tắc của duy chứng luận luận lý, mà ông gọi là "khoa học của khoa học," nó có thể trở thành một khoa học ngang hàng với vật lý học. Để có thể đạt mục tiêu này, tâm lý học sẽ phải sử dụng các nguyên tắc của thao tác luận, mà chúng ta sẽ đề cập sau đây.


THUYẾT TÍNH TOÁN
EDWARD CHACE TOLMAN
CLASK LEONARD HULL
BURRHUS FREDERIC SKINNER
TỪ VỰNG

Created by AM Word2CHM

THUYẾT TÍNH TOÁN

NHẬP MÔN LỊCH SỬ TÂM LÝ HỌC à Chương 13. HÀNH VI LUẬN MỚI

Năm 1927 nhà vật lý học Percy W. Bridgman (1892-1961) của trường Đại học Harvard xuất bản Luận lý học của Vật lý học Hiện đại, trong đó ông đề nghị rằng mọi ý niệm trừu tượng trong vật lý học cần được định nghĩa bằng các phương thức được sử dụng để đo lường ý niệm ấy. Ông gọi một định nghĩa như thế là định nghĩa tính toán. Như vậy, các khái niệm như lực và năng lượng sẽ được định nghĩa bằng các thao tác hay trình tự được theo trong việc định lượng về lực hay năng lượng. Nói cách khác, các định nghĩa tính toán liên kết các thuật ngữ lý thuyết với các hiện tượng quan sát được. Bằng cách này, sẽ không có sự mơ hồ trong định nghĩa về các thuật ngữ lý thuyết. Việc nhấn mạnh rằng mọi thuật ngữ khoa học trừu tượng phải được định nghĩa bằng các thao tác thì được gọi là tính toán luận. Các ý tưởng của Bridgman rất phù hợp với những điều các nhà thực chứng luận lý học nói vào cùng thời ấy.

Cùng với duy chứng luận luận lý học, tính toán luận đã được chấp nhận ngay lập tức. Các định nghĩa tính toán đã có thể được dùng để chuyển đổi các thuật ngữ lý thuyết như động lực, học tập, lo âu và trí thông minh thành các sự kiện thường nghiệm và nhờ đó loại bỏ được các tính chất siêu hình học của nó. Rõ ràng phương pháp này rất phù hợp với khuynh hướng mới của tâm lý học nhấn mạnh về hành vi. Ví dụ, việc học tập có thể được định nghĩa theo tính toán luận như là làm số x lần đúng liên tục trong một ma trận T, và lo âu và trí thông minh có thể được định nghĩa như là các điểm số đạt được trong các trắc nghiệm thích hợp. Đa số các nhà tâm lý học ngay lập tức đồng ý với các nhà duy chứng luận luận lý học cho rằng nếu một ý niệm không được định nghĩa bằng tính toán, thì nó vô nghĩa về mặt khoa học.

Khác với duy chứng luận, duy chứng luận luận lý không tránh lý thuyết. Trên thực tế, một mục tiêu chính của duy chứng luận luận lý là chứng minh làm thế nào khoa học có thể là lý thuyết mà không phương hại đến tính khách quan. Một khi các ý niệm đã được định nghĩa bằng thao tác, chúng có thể được liên kết với nhau theo các cách phức tạp, như các phát biểu F=MA (lực thì bằng bao nhiêu lần gia tốc của khối lượng) và E=mc2(năng lượng thì bằng bao nhiêu lần một hằng số bình phương khối lượng). Tuy nhiên, dù phức tạp đến đâu, nhiệm vụ của một lý thuyết khoa học là làm các phát biểu về các sự kiện thường nghiệm. Vì một lý thuyết khoa học được đánh giá dựa theo tính chính xác của các tiên đoán của nó, nó được coi là có tính tự sửa sai. Nếu sự suy diễn từ một lý thuyết khoa học được xác nhận bằng thực nghiệm, lý thuyết ấy có giá trị lớn; nếu bị chứng minh là không đúng, lý thuyết sẽ mất đi sức mạnh. Trong trường hợp thứ hai này, lý thuyết phải được xét lại hay loại bỏ. Dù một lý thuyết trở nên phức tạp đến đâu, chức năng cơ bản của nó là làm các tiên đoán chính xác về các sự kiện thường nghiệm.

Vào cuối thập niên 1930, duy chứng luận luận lý đã ngự trị khoa tâm lý học thực nghiệm Mỹ.

THUYẾT VẬT LÝ HỌC

Một hệ quả Của phong trào duy chứng luận luận lý là người ta quan niệm mọi khoa học đều cơ bản như nhau. Vì tất cả chúng đều theo cùng các nguyên tắc giống nhau, có cùng các giả thiết như nhau, và cùng cố gắng giải thích các quan sát thường nghiệm, vậy tại sao chúng không thể dùng cùng thuật ngữ? Người ta đề nghị tạo ra một ngôn ngữ dữ liệu chung trong đó mọi thuật ngữ được định nghĩa theo các sự vật và sự kiện vật lý có thể quan sát công khai. Sự thúc đẩy thống nhất một bộ từ vựng chung giữa các khoa học (kể cả tâm lý học) được gọi là thuyết vật lý học. Đề nghị cho rằng mọi mệnh đề khoa học đều nói về các sự vật vật lý đã có một hệ luận sâu xa đối với tâm lý học.

Lời khẳng định về ngôn ngữ nghe có vẻ vô thưởng vô phạt, nhưng thật ra nó có các hệ luận rất sâu rộng. Thực vậy, các ví dụ được dùng để minh họa cho thuyết vật lý học khiến cho có vẻ như lý thuyết này có ý trực tiếp chống lại tâm lý học... Mọi mệnh đề nhằm đề cập đến các trạng thái tâm linh đều có thể chuyển đổi thành các mệnh đề trong ngôn ngữ vật lý học. Vì vậy không cần có hai ngôn ngữ riêng biệt để mô tả vật lý học và tâm lý học... Nó chính là kiểu nói của nhà duy chứng luận luận lý học rằng tâm lý học phải mang tính chất thao tác và hành vi. (Stevens, 1951, tr. 39-40).

Phong trào "thống nhất khoa học" và thuyết vật lý học đi đôi với nhau. Và vật lý học là khoa học được đề nghị cho "khoa học thống nhất này.

DUY HÀNH VI LUẬN MỚI

Duy hành vi luận mới là kết quả của sự phối hợp giữa duy hành vi luận và duy chứng luận luận lý học. Duy chứng luận luận lý học làm cho có thể có nhiều dạng khác nhau của duy hành vi luận: "Chủ nghĩa khách quan trong việc thu thập dữ liệu là một chuyện; đồng ý về các cách thức khách quan chuyên biệt, và về các hệ luận lý thuyết của các dữ kiện khách quan lại là một chuyện khác." (Toulmin & Leary, 1985, tr. 603). Như thế, như ta sẽ thấy, một số kiểu duy hành vi luận khác nhau đã xuất hiện, tất cả đều hơn kém tuân theo các nguyên tắc của duy chứng luận luận lý học và tất cả đều tuyên bố tính đáng tin cậy về khoa học và triết học.

Tuy có những khác biệt quan trọng giữa các người theo thuyết hành vi mới, tất cả đều tin rằng

1. Nếu lý thuyết được sử dụng thì nó luôn luôn phải được dùng theo kiểu mà duy chứng luận luận lý học đòi hỏi.

2. Mọi thuật ngữ lý thuyết phải được định nghĩa theo tính toán luận.

3. Loài vật phải được dùng làm vật nghiên cứu vì hai lý do: (a) Các biến số liên quan thì dễ kiểm soát hơn là thí nghiệm trên người. (b) Các quá trình tri giác và học tập xảy ra nơi loài vật chỉ khác về mức độ với các quá trình nơi loài người; vì vậy, thông tin nhận được từ loài vật có thể được tổng quát hóa để áp dụng cho con người.

4. Quá trình học tập có tầm quan trọng cơ bản vì nó là cơ chế hoạt động cơ bản để sinh vật thích nghi với môi trường. Không phải mọi nhà tâm lý học đều đi theo phương thức mới này. Trong thời kỳ từ khoảng 1930 đến khoảng 1950, phân tâm học ngày càng trở nên quan trọng hơn trong tâm lý học Mỹ, và tâm lý học Gestalt (xem chương 14) cũng vậy, và các nhà tâm lý học theo các quan điểm này thấy không có nhu cầu phải theo các nguyên tắc của duy chứng luận luận lý học. Tuy nhiên, ngoại trừ các trường hợp này và một ít trường hợp khác, duy hành vi luận mới đã thống trị thời kỳ này.

Edward Tolman là một trong những người đầu tiên mở rộng duy hành vi luận bằng cách dùng các nguyên tắc của duy thực chứng luận luận lý học, và phần tiếp theo đây chúng ta sẽ bàn về kiểu duy hành vi luận mới của ông.

Created by AM Word2CHM

EDWARD CHACE TOLMAN

NHẬP MÔN LỊCH SỬ TÂM LÝ HỌC à Chương 13. HÀNH VI LUẬN MỚI

Tiểu sử ngắn gọn

Edward Chace Tolman (1886-1959) sinh tại Newton, Massa- chusetts, là con của một nhà doanh nghiệp là thành viên của Viện Kỹ Thuật Massachusetts (MIT). Hai con trai ông, Richard và Edward đều tốt nghiệp về hóa học thực nghiệm và lý thuyết từ trường MIT. Edward bắt đầu chuyển hướng sang quan tâm đến triết học và tâm lý học sau khi dự lớp hè với giáo sư triết học của Harvard là Ralph Barton Perry (1876-1957) và nhà tâm lý học của Harvard là Robert Yerkes; tuy nhiên, ảnh hưởng lớn nhất là việc đọc cuốn Nguyên Tắc của James. Thời ấy Titchener và James thống trị tâm lý học, và tâm lý học vẫn còn được định nghĩa như là một môn học về kinh nghiệm ý thức, và điều này làm Tolman thắc mắc:

Định nghĩa tâm lý học như là xem xét và phân tích các nội dung ý thức riêng tư là một định nghĩa gây bối rối về luận lý học. Vì làm thế nào người ta có thể xây dựng được một khoa học dựa trên các yếu tố mà tự định nghĩa là tư riêng và không thể truyền thông được?

Thắc mắc của Tolman được giải tỏa trong khóa học với Yerkes và quyển sách giáo khoa được dùng là cuốn Hành vi: Tâm lý học So sánh Nhập môn (1914).

Sự lo ngại này về phương pháp nội quan có lẽ là một lý do tại sao khóa học nhập môn tôi học với Yerkes về duy hành vi luận của Watson đã là một kích thích và động viên ghê gớm cho tôi. Nếu phương pháp đích thực của tâm lý học là đo lường hành vi chứ không phải là nội quan, thì tôi không còn phải e ngại gì nữa.

Năm 1911 Tolman quyết định theo học chương trình tốt nghiệp triết học và tâm lý học ở Harvard; ngay khi được nhập học, mối quan tâm của ông bắt đầu hướng mạnh về tâm lý học. Hết năm học đầu tiên, Tolman quyết định cải thiện tiếng Đức và ông đã qua mùa hè ở Đức. Khi ở Đức, Tolman học với nhà tâm lý học hình thức (Gestalt) trẻ là Kurt Koflka, mà chúng ta sẽ gặp ở chương sau. Tuy tâm lý học hình thức (Gestalt) lúc ấy không gây ấn tượng cho Tolman bao nhiêu, nó cũng đã ảnh hưởng rất nhiều về lý thuyết của ông sau này. Ngay khi trở về Harvard, Tolman nghiên cứu việc học tập các chất liệu vô nghĩa dưới sự hướng dẫn của Hugo Munsterberg, và luận án tiến sĩ của ông lấy đề tài là sự trì hoãn hồi cố.

Sau khi nhận bằng tiến sĩ từ Harvard năm 1915, Tolman được bổ nhiệm làm giáo sư ở Đại học Northwesteru. Vào khoảng thời gian này Hoa Kỳ bước vào Thế Chiến I, ông viết một cảo luận diễn tả chủ nghĩa hoà bình của ông. Năm 1918 ông bị bãi chức ở Northwestern vì lý do "không thành công trong giảng dạy", nhưng lý do chính rất có thể là vì thái độ chủ hoà của ông. Từ Northwestern ông đến Đại học California ở Berkeley và làm việc ở đây cho tới hết cuộc đời sự nghiệp.

Duy Hành vi luận hữu đích

Đầu thập niên 1920, có hai lối giải thích chủ yếu về việc học tập: giải thích của Watson theo các nguyên tắc tương cận, thường xuyên, và gần thời gian về liên tưởng, và giải thích của Thorndike nhấn mạnh luật hiệu quả. Tolman nói cả hai lối giải thích này đều không thể chấp nhận được.

Tolman gọi tâm lý học của Watson là "thuyết co giật" tâm lý, vì ông thấy nó tập trung vào các phản ứng với các kích thích đặc thù, không có tương quan gì với nhau. Watson cho rằng ngay cả các hành vi phức tạp nhất của con người cũng có thể được cắt nghĩa dưới dạng các phản xạ S-R (kích thích-phản ứng). Tolman gọi các phản xạ như thế (của Watson) là hành vi phân tử (molecular). Ngược lại, ông quyết định nghiên cứu hành vi hữu đích. Mặc dù phương pháp của Tolman khác với của Watson về nhiều phương diện quan trọng, Tolman vẫn là một nhà tâm lý học về hành vi, và hoàn toàn chống lại các giải thích nội quan và siêu hình học.

Tolman gọi hành vi hữu đích là hành vi toàn khối (molar) để đối chọi với loại hành vi phân tử. Vì Tolman chọn việc nghiên cứu hành vi toàn khối, lập trường của ông thường được gọi là thuyết hành vi hữu đích. Tolman nêu một ví dụ về hành vi hữu đích (toàn khối) của ông:

Một con chuột đang chạy trong một mê lộ. Một con mèo đang tìm cách thoát ra khỏi một cái thùng rắc rối; một người đàn ông đang lái xe về nhà ăn tối; một đứa trẻ đang chạy trốn một người lạ; một phụ nữ đang giặt quần áo hay tán gẫu trong điện thoại; một học sinh đang làm một bài trắc nghiệm tâm lý; một nhà tâm lý học đang đọc một bảng liệt kê các âm tiết vô nghĩa; bạn tôi và tôi đang tâm sự với nhau - đó là các hành vi (xét toàn khối). Và cần lưu ý rằng khi nhắc đến các hành vi ấy, chúng ta không nói chính xác là các cơ hay tuyến nào, các dây thần kinh cảm giác hay vận động nào có liên quan trong đó. Bởi vì các phản ứng này phản nào đã có đủ các thuộc tính để phân biệt chúng.

Sử dụng các biến số can thiệp

Tolman tỏ ra không nhất quán khi sử dụng các khái niệm tinh thần như chỉ là các khái niệm dùng để mô tả hành vi. Năm 1925 ông coi các mục đích và nhận thức vừa là các mô tả hành vi vừa là các yếu tố quyết định hành vi. L. D. Simth đã ghi nhận sự thiếu nhất quán của Tolman:

Chỉ trong một đoạn ngắn về Hành vi Hữu đích, Tolman mô tả các mục đích và nhận thức, lúc thì như là "nội tại trong hành vi, "tiềm tàng," "trực tiếp," và "được phát hiện" bởi người quan sát, lúc thì như là các yếu tố "quyết định" và nguyên nhân" của hành vi được "bịa ra" hay "suy diễn" bởi người quan sát.

Nhưng càng ngày ông càng tin rằng các quá trình nhận thức tồn tại thực sự và có ảnh hưởng quyết định đối với hành vi. Năm 1938 ông quyết định sẽ tiến hành thế nào: "Trong công trình nghiên cứu tương lai của mình, tôi sẽ theo hướng tưởng tượng rằng, nếu tôi là một con chuột, tôi sẽ có hành vi nào. Rõ ràng Tolman bây giờ đang theo thuyết tinh thần, thế nhưng ông thấy mình vẫn là một người mạnh mẽ theo thuyết hành vi. Để giải quyết tình trạng khó xử này, Tolman đi đến giải pháp coi các sự kiện nhận thức như là các biến số can thiệp, nghĩa là các biến số can thiệp giữa các sự kiện môi trường và hành vi: áp dụng thuyết thực chứng lô gích, Tolman cố gắng hết sức nối kết mọi biến số can thiệp với nhau vào hành vi được quan sát. Nói cách khác, ông tìm cách định nghĩa mọi thuật ngữ lý thuyết của ông theo hướng thao tác luận. Lập trường cuối cùng của Tolman là coi mục đích và nhận thức như là các cấu trúc lý thuyết dùng để mô tả tiên đoán, và cắt nghĩa hành vi.

Các giả thuyết, mong đợi, niềm tin, và bản đồ nhận thức

Ai cũng biết một con chuột học cách giải quyết một mê cung; vấn đề là Nó làm điều này như thế nào? Giải thích của Tolman đi theo hướng tinh thần. Ví dụ: khi một con vật được đặt trong một cái thùng mê cung hình chữ T, kinh nghiệm này hoàn toàn mới mẻ, vì vậy con vật không thể dùng các thông tin từ kinh nghiệm quá khứ. Khi con vật bắt đầu chạy trong mê cung, nó lúc thì rẽ phải lúc thì rẽ trái. Chúng ta giả thiết rằng người làm thí nghiệm đã sắp đặt tình huống để đường rẽ trái được tăng cường bằng thức ăn. Tới một lúc nào đó, con vật hình thành một giả thuyết tất yếu cho rằng rẽ theo một hướng sẽ dẫn đến thức ăn và theo hướng khác thì không. Trong các giai đoạn bắt đầu hình thành giả thuyết, con vật có thể dừng lại ở điểm chọn hướng đi, như thể để "cân nhắc" các khả năng chọn lựa. Tolman gọi kiểu cân nhắc này là kinh nghiệm thử và sai gián tiếp bởi vì, thay vì hành động rõ ràng theo một kiểu thử và sai, con vật có vẻ đi vào sự thử và sai trong trí khôn. Nếu giả thuyết lúc ban đầu "nếu tôi rẽ trái, tôi sẽ thấy thức ăn" được xác nhận, con vật sẽ phát triển sự mong đợi "khi tôi rẽ trái, tôi sẽ thấy thức ăn." Qua quy trình này, nó phát triển một bản đồ ý thức về tình hình. Một bản đồ ý thức là một sự ý thức về mọi khả thể trong một tình huống. Theo Tolman, các giả thuyết, mong đợi, niềm tin, và sau cùng, bản đồ ý thức can thiệp giữa kinh nghiệm và hành vi.

Học tập đối lại với thể hiện

Theo lý thuyết của Tolman, một sinh vật không ngừng học tập khi nó quan sát môi trường. Nhưng sinh vật ấy có sử dụng những điều nó học được hay không, và sử dụng thế nào, thì được quyết định bởi trạng thái động lực của sinh vật. Ví dụ: một con chuột no bụng sẽ không cố gắng thoát ra khỏi cái thùng rắc rối, hoặc có thể nó chỉ đi vẩn vơ một cách tình cờ trong mê cung, cho dù trước đó nó đã học biết được phải làm gì để kiếm được thức ăn. Như thế, theo Tolman, động lực chứ không phải học tập ảnh hưởng tới việc thể hiện. Tolman định nghĩa sự thể hiện là sự chuyển đổi học tập thành hành vi. Tầm quan trọng của động lực trong lý thuyết của Tolman chịu ảnh hưởng lớn tâm lý học động lực của Woodworth.

Kiến thức ngấm ngầm

Trong một thí nghiệm nổi tiếng của Tolman về kiến thức ngấm ngầm, Tolman chứng minh một cách rất ấn tượng sự phân biệt giữa học tập và thể hiện. Tolman và Honzik (1930) thực hiện một cuộc thí nghiệm sử dụng ba nhóm chuột làm vật thí nghiệm. Nhóm 1 được tăng cường với thức ăn mỗi khi chúng đi đúng đường trong một mê cung. Nhóm 2 đi loanh quanh trong mê cung nhưng không được tăng cường với thức ăn nếu chúng đạt được mục tiêu. Nhóm 3 được đối xử giống như nhóm 2 cho tới lần thử thứ 11 thì chúng bắt đầu được tăng cường khi đạt đến mục tiêu. Cả ba nhóm đều bị nhịn đói trước khi được đưa vào mê cung. Giả thuyết của Tolman là các con chuột trong cả ba nhóm đang học mê cung khi chúng đi loanh quanh trong đó. Nếu giả thuyết của ông đúng, nhóm thứ 3 phải thể hiện tốt như nhóm thứ 1 từ lần thử thứ 12 trở đi. Đó là vì, trước lần thử 11, nhóm 3 đã học được cách đạt đến mục tiêu và việc tìm được thức ăn trong lần 11 đã cho chúng một động cơ thúc đẩy chúng hành động dựa trên kiến thức này. Như Hình 13.1 cho thấy, thí nghiệm này đã củng cố giả thuyết của Tolman. Kiến thức có vẻ ở tình trạng ngấm ngầm cho tới khi con vật có lý do để sử dụng nó.

Hình 13.1 Các kết quả thí nghiệm của Tolman và Honzik (1930) về kiến thức ngấm ngầm

Ảnh hưởng của Tolman

Lý thuyết của Tolman có ảnh hưởng rất lớn. Thật vậy, về nhiều phương diện, Tolman đã có công lớn trong việc phổ biến sự quan tâm về tâm lý học nhận thức ngày nay. Ảnh hưởng của Tolman về lý thuyết học tập ngày nay có thể được nhận thấy trong công trình của Albert Bandura (sinh 1925). Giống như Tolman, Bandura tin rằng các sinh vật (kể cả con người) học tập bằng cách quan sát trong môi trường xem cái gì dẫn tới cái gì. Theo Bandura, chúng ta có thể học bằng cách quan sát các hậu quả hành vi của chúng ta hay của người khác. Như thế, trong giải thích của Bandura về sự học tập bằng quan sát, kinh nghiệm gián tiếp (quan sát kết quả hành vi của người khác) thì cũng quan trọng như quan sát kết quả của kinh nghiệm trực tiếp (của mình).

Rõ ràng Tolman quan niệm các sinh vật như những bộ xử lý thông tin, và quan niệm này rất phù hợp với tâm lý học nhận thức ngày nay, đặc biệt tâm lý học về xử lý thông tin. Chúng ta sẽ nói nhiều hơn về ảnh hưởng của Tolman đối với tâm lý học nhận thức hiện đại ở chương 18.

Created by AM Word2CHM

CLASK LEONARD HULL

NHẬP MÔN LỊCH SỬ TÂM LÝ HỌC à Chương 13. HÀNH VI LUẬN MỚI

Tiểu sử

Clark Leonard Hull (1884-1952) sinh gần Akron, New York.Cha ông không biết chữ, và mẹ ông lấy cha ông khi bà mới 15 tuổi.Chính mẹ ông đã dạy cha ông học chữ. Hull đi học tại một trường làng chỉ có một phòng học, và việc học của ông thường bị gián đoạn vì các công việc đồng áng của gia đình. Sau khi qua một cuộc sát hạch học vấn năm 17 tuổi, Hull đi dạy học ở một trường nhỏ, nhưng sau một năm dạy học, Hull trở lại ghế nhà trường và học giỏi về môn khoa học và toán học. Trong thời gian học này, Hull mắc sốt thương hàn do ăn phải thức ăn nhiễm độc; mặc dù một số bạn học của Hull bị chết do vụ nhiễm độc này, ông còn sống sót nhưng trí nhớ bị thương tổn. Sau khi hồi phục, ông đến Alma College học về ngành khai thác mỏ và sau khi tốt nghiệp, ông được một việc làm trong một công ty mỏ ở Minnesota với công việc là đánh giá hàm lượng mangan trong quặng sắt. Chỉ sau hai tháng làm việc, ở tuổi 24, ông mắc chứng bại liệt bán thân. Lúc đầu ông phải chống nạng, và rồi suốt đời ông phải chống gậy. Lúc ấy ông nghĩ tìm một công việc đỡ vất vả hơn nghề mỏ. Điều ông thực sự mong muốn là làm việc trong một lãnh vực có thể thành công nhanh và có thể cho phép ông tiếp xúc với máy móc:

Tôi muốn làm việc trong một lãnh vực liên kết với triết học theo nghĩa là có lý thuyết: một việc khá mới để có thể cho phép tiến bộ nhanh giúp cho một thanh niên không phải đợi các người tiền nhiệm của mình chết đi thì công trình mình mới được nhìn nhận, và một công việc tạo cơ hội để thiết kế và làm việc với máy móc tự động. Tâm lý học có vẻ thỏa mãn các yêu cầu độc đáo này. (Hull, 1952. tr. 145).

Mặc dù Hull đã nhắm đến tâm lý học như là mục tiêu sự nghiệp của ông, ông không đủ khả năng tài chánh để theo đuổi mục tiêu ấy. Ông đi làm hiệu trưởng tại trường mà ông đã theo học hồi nhỏ (bây giờ nới rộng thành hai phòng học). Thời giờ rảnh, ông đọc quyển Nguyên Tắc của James để chuẩn bị cho sự nghiệp mà ông đã chọn. Sau hai năm, ông đã có đủ tiền để vào Đại học Michigan. Trong số các khóa học Hull theo học ở Michigan, có một khóa tâm lý học thực nghiệm mà ông ưa thích, và một khóa về luận lý học, và ông đã chế ra một cái máy có thể giả bộ lý luận một cách thuận lý. Sau khi tốt nghiệp tại đây, Hull nộp đơn vào Đại học Cornell và Yale, nhưng bị cả hai trường từ chối. Nhưng ông được nhận vào Đại học Wisconsin. Hull mất bốn năm để hoàn tất luận án tiến sĩ về đề tài học tập bằng ý niệm (1920). Tuy Hull tin rằng nghiên cứu của ông là một bước đột phá trong tâm lý học thực nghiệm, trong thực tế công trình của ông đã không được người ta chú ý đến. Ông đậu bằng tiến sĩ tại Đại học Wisconsin năm 1918 và ở lại đây giảng dạy cho tới 1929.

Năm 1929 Hull nhận chức giáo sư tại Đại học Yale (nơi trước kia ông bị từ chối đơn xin theo học). Tại Yale, Hull theo đuổi hai mối quan tâm: sáng chế các máy móc có thể học và suy nghĩ và nghiên cứu về quá trình học tập. Hai lãnh vực mà ông quan tâm này hoàn toàn phù hợp với ông vì Hull quan niệm con người như những cái máy biết suy nghĩ và học tập. Ông đã bắt đầu nghiên cứu về phản xạ có điều kiện hồi còn ở Wisconsin và tiếp tục nghiên cứu khi ông chuyển đến Yale. Tuy nhiên tại Yale, các vật thí nghiệm của ông là con chuột thay vì người.

Cuối cùng rất nhiều cống hiến của Hull đã được nhìn nhận năm 1936 khi ông được bầu làm chủ tịch của APA.

Từ 1929 đến 1950, Hull đã viết 21 bài báo lý thuyết trên Tạp Chí Tâm Lý Học, và năm 1940 ông là đồng tác giả với Hovland, Ross, Han, Perkins, và Fitch về Lý thuyết Diễn dịch - Toán học về việc Học Từ chương. Sách này là một cố gắng chứng minh có thể cắt nghĩa việc học từ chương bằng các nguyên tắc phản xạ có điều kiện. Năm 1943 Hull xuất bản Nguyên tắc về Hành vi, một trong những sách ảnh hưởng nhất trong lịch sử tâm lý học. Năm 1948, trong khi chuẩn bị bản thảo cuốn Một Hệ thống Hành vi, Hull bị một cơn đau tim nặng làm suy sụp cơ thể vốn đã rất mong manh của ông. Ông đã vận dụng tất cả sức lực mình có để hoàn tất bản thảo bốn tháng trước khi ông qua đời năm 1952 do một cơn đau tim thứ hai. Lúc gần chết, Hull tỏ ý tiếc ông không thể viết cuốn thứ ba mà ông đã phác họa. Ông tin rằng cuốn thứ ba sẽ phải là cuốn quan trọng nhất của ông bởi vì nó sẽ mở rộng hệ thống của ông sang lãnh vực hành vi xã hội của con người.

Lý thuyết Giả-thiết-Diễn-dịch của Hull

Mượn kỹ thuật sử dụng các biến số can thiệp của Tolman, Hull sử dụng chúng thậm chí còn sâu rộng hơn cả Tolman. Hull là người đầu tiên (và cuối cùng) tìm cách ứng dụng một lý thuyết khoa học toàn diện vào việc nghiên cứu học tập, bằng cách tạo ra một lý thuyết-giả-thiết-diễn-dịch rất phức tạp mà ông hi vọng có khả năng tự sửa sai. Trước tiên ông xét lại các nghiên cứu đã được thực hiện về việc học tập; sau đó ông tóm lược nghiên cứu này dưới dạng các phát biểu tổng quát, hay các định đề. Từ các định đề này, ông suy ra các định lý dẫn đến các mệnh đề có thể trắc nghiệm được.

Trong khi Watson tin là mọi hành vi có thể được cắt nghĩa dựa trên các liên tưởng giữa kích thích và phản ứng, Hull kết luận rằng cần phải xét đến một số điều kiện can thiệp bên trong. Tolman đã từng đi đến một kết luận giống hệt như thế. Tuy nhiên đối với Tolman, các sự kiện tâm lý can thiệp giữa kinh nghiệm môi trường và hành vi; theo Hull, các sự kiện can thiệp chủ yếu là các sự kiện sinh lý.

Trong phát biểu cuối cùng của Hull về lý thuyết của ông (1952), ông liệt kê 17 định đề và 133 định lý, nhưng chúng ta chỉ trình bày một ít ý niệm quan trọng nhất ở đây mà thôi.

Sự tăng cường

Khác với Watson và Tolman, Hull là một lý thuyết gia về sự tăng cường. Theo Hull, một nhu cầu sinh vật học tạo ra một động lực trong sinh vật, và sự suy giảm động lực này tạo nên một sự tăng cường. Như thế, Hull có một lý thuyết giảm động lực về sự tăng cường. Theo Hull, động lực là một trong các sự kiện quan trọng can thiệp giữa một kích thích và một phản ứng.

Sức mạnh của thói quen

Nếu một phản ứng được làm trong một hoàn cảnh dẫn tới sự suy giảm động lực, thì sức mạnh của thói quen (SHR) gia tăng. Hull định nghĩa theo thao tác luận về sức mạnh của thói quen, một biến số can thiệp, như là số các cặp đôi tăng cường giữa một tình huống môi trường (S) và một phản ứng (R). Theo Hull, một sự tăng sức mạnh của thói quen tạo thành tri thức.

Tiềm năng phản ứng

Động lực không chỉ là một điều kiện cần của sự tăng cường mà còn là một năng lượng quan trọng thúc đẩy hành vi. Hull gọi khả năng của một phản ứng học được là tiềm năng phản ứng (SER) là một hàm của cả số lượng động lực (D) đang có và số lần phản ứng đã được tăng cường trước đó trong tình huống. Hull diễn tả tương quan này như sau:

(SER) : (SHR) x D

Nếu hoặc (SHR) hoặc D bằng zêrô, khả năng của một phản ứng học được cũng sẽ bằng zêrô. Hull còn giả định nhiều biến số can thiệp khác, một số làm tăng SER và một số làm giảm SER

Lý thuyết tổng quát của Hull

Lý thuyết của Hull có thể được coi là một sự triển khai khái niệm S-O-R của Woodworth. Sử dụng định nghĩa thao tác luận, Hull tìm cách chứng minh một số sự kiện bên trong tương tác với nhau như thế nào để tạo ra các hành vi bên ngoài. Lý thuyết của Hull đi theo truyền thống Darwin bởi vì nó liên kết sự tăng cường với các sự kiện nào có lợi cho sự sống còn của một sinh vật. Lý thuyết của ông phản ánh ảnh hưởng của Darwin, Woodworth, Watson, và thuyết thực chứng lô gích.

Ảnh hưởng của Hull

Trong vòng 10 năm sau khi Hull xuất bản cuốn Các Nguyên Tắc về Hành Vi (1943), 40% các nghiên cứu thực nghiệm trong Tạp Chí Tâm lý học Thực nghiệm và Tạp Chí Tâm lý học So sánh và Sinh lý đều nhắc đến lý thuyết của Hull. Con số này tăng lên 70% khi chỉ xét đến lãnh vực nghiên cứu về học tập và động lực (Spencer, 1952).

Sau khi Hull qua đời năm 1952, một sinh viên của ông, Kenneth W. Spence (1907-1967) trở thành phát ngôn viên chính về lý thuyết của Hull (ví dụ xem Spence, 1956, 1960). Các sự mở rộng và sửa đổi mà Spence làm về lý thuyết của Hull là các sửa đổi rất cơ bản khiến cho lý thuyết đã trở thành lý thuyết Hull-Spence. Spence đã tiếp nối lý thuyết của Hull quá thành công đến nỗi một nghiên cứu cho thấy vào các thập niên 1960, Spence đã trở thành nhà tâm lý học được trích dẫn nhiều nhất trong các tạp chí tâm lý học thực nghiệm, trong khi Hull xếp hàng thứ tám.

Đến khi các hệ thống lý thuyết của Tolman và Hull bắt đầu ít được phổ biến, một dạng khác của thuyết hành vi bắt đầu đi lên. Kiểu thuyết hành vi do B. F. Skinner chủ trương thì đối lập với thuyết thực chứng lô gích vì nó phản lý thuyết, nhưng nó hợp với thuyết thực chứng lô gích vì nó nhấn mạnh rằng mọi thuật ngữ cơ bản của nó được định nghĩa theo thao tác luận. Tiếp theo đây, chúng ta sẽ thấy rằng kiểu thuyết hành vi của Skinner phù hợp với thuyết thực chứng hơn là với thuyết thực chứng lô gích. Sau Thế Chiến II, kiểu duy hành vi luận của Skinner về cơ bản đã thay thế tất cả các kiểu thuyết hành vi khác.

Created by AM Word2CHM

BURRHUS FREDERIC SKINNER

NHẬP MÔN LỊCH SỬ TÂM LÝ HỌC à Chương 13. HÀNH VI LUẬN MỚI

Tiểu sử

Burrhus Frederic Skinner (1904-1990) sinh ngày 20 tháng 3 tại Susquehanna, Pennsylvania, trong một gia đình trung lưu ổn định, đầm ấm. Skinner được giáo dục theo các chuẩn mực đạo đức nghiêm khắc nhưng chỉ bị đánh phạt một lần duy nhất.

Giống như Hull, hồi nhỏ Skinner có thiên khiếu chế tạo máy móc. Ở trung học, Skinner giỏi về môn văn học nhưng kém về môn khoa học, và ông kiếm được tiền nhờ chơi trong một ban nhạc jazz và một dàn nhạc hoà tấu. Skinner tốt nghiệp cử nhân Anh văn tại Hamilton College và không hề qua một khóa học nào về tâm lý học. Ông bỏ ghế nhà trường với một niềm say mê trở thành nhà văn. Một phần niềm say mê này được khích lệ bởi sự kiện nhà thơ nổi tiếng Robert Frost đánh giá cao ba truyện ngắn của ông.

Nhưng sau nhiều lần cố gắng, Skinner đều thất bại trong nghề viết văn. Thời gian ở Greenwich Village, Skinner có dịp đọc các tác phẩm của Pavlov và Watson và ông bị ấn tượng rất mạnh. Khi từ châu Âu trở về năm 1928, ông ghi danh học chương trình tốt nghiệp tâm lý học tại Harvard. Cảm thấy cuối cùng đã tìm được tổ ấm của mình, Skinner hoàn toàn dốc sức vào việc học tập:

Tôi thường thức dậy lúc sáu giờ sáng, học cho tới khi ăn sáng, đến lớp, phòng thí nghiệm, thư viện và trong ngày không còn một chút giờ rảnh quá mười lăm phút, học cho tới đúng 9 giờ tối rồi đi ngủ. Tôi không xem phim hay kịch, ít khi đi dự hoà tấu, hiếm có các cuộc hẹn hò, và không đọc gì khác ngoài tâm lý học và sinh lý học.

Kỷ luật cao độ này tiêu biểu cho các thói quen làm việc của Skinner trong suốt đời ông.

Ông đậu bằng thạc sĩ sau hai năm học (1939) và tiến sĩ sau ba năm (1931), rồi ở lại Harvard làm nghiên cứu sinh sau tiến sĩ suốt năm năm. Skinner bắt đầu sự nghiệp nhà giáo tại Đại học Minnesota năm 1936 và ở lại đây cho đến năm 1945. Trong thời gian ở Minnesota, Skinner xuất bản Hành vi của các Sinh vật (1938), và tác phẩm này đã khiến ông được nhìn nhận là nhà tâm lý học thực nghiệm lỗi lạc cấp quốc gia. Năm 1945 ông chuyển sang Đại học Indiana làm trưởng khoa tâm lý học, và ở lại đây đến năm 1948 thì ông trở về lại Harvard. Ông ở lại Harvard cho tới khi qua đời năm 1990.

Duy chứng luận của Skinner

Ở chương 4 chúng ta đã trình bày về nhà tư tưởng lớn thời Phục Hưng Francis Bacon. Bacon rất quan tâm tới việc khắc phục các sai lầm của quá khứ và nhờ đó đạt đến một tri thức loại bỏ được sự mê tín và thiên kiến. Bacon có thể được coi là người khởi xướng truyền thống thực chứng mà sau này được triển khai bởi Comte và Mach. Skinner (1979) nhìn nhận ông mắc nợ Mach. Theo Mach, điều quan trọng là phải loại bỏ khỏi khoa học các khái niệm siêu hình học, nghĩa là bất cứ khái niệm nào chỉ về các sự kiện không thể quan sát. Skinner minh nhiên theo thuyết thực chứng của Mach. Về phương diện lý thuyết, Skinner là một nhà thực chứng, không phải thực chứng lô gích.

Phân tích chức năng về Hành vi

Giống Watson, Skinner phủ nhận sự tồn tại của lãnh vực các sự kiện ý thức biệt lập. Ông tin rằng cái mà chúng ta gọi là các sự kiện tâm lý chỉ là các từ ngữ chỉ về một số quy trình của cơ thể. Nhưng Skinner nói, cho dù có các sự kiện tâm lý đi nữa, thì nghiên cứu chúng cũng không có lợi gì. Nhưng sẽ có lợi rất nhiều nếu chúng ta chỉ đơn giản làm việc phân tích chức năng về các sự kiện môi trường và hành vi. Các sự kiện được gọi là tâm lý, theo Skinner, một ngày nào đó sẽ được giải thích khi chúng ta biết được đâu là các sự kiện sinh lý bên trong mà người ta phản ứng khi họ dùng các thuật ngữ như suy nghĩ, chọn lựa, và muốn để cắt nghĩa các hành vi của chính họ. Vì vậy Skinner là một nhà triết học nhất nguyên luận vì ông tin rằng ý thức hiểu như một thực thể phi vật lý thì không tồn tại. Vì hiện nay chúng ta không biết khi người ta sử dụng các thuật ngữ tâm lý, họ đang phản ứng với các sự kiện nội tâm nào, nên chúng ta phải bằng lòng với việc không xét đến các thuật ngữ ấy. Giống như Watson, Skinner là một nhà hành vi cực đoan theo nghĩa ông từ chối nhìn nhận vai trò nhân quả của các sự kiện tâm lý đối với hành vi con người. Theo Skinner, cái gọi là các sự kiện tâm lý thực ra chỉ là các sự kiện sinh lý được chúng ta dán cho các cái nhãn ý thức.

Hành vi Tác động

Trong khi Watson lấy mô hình tâm lý học của ông dựa theo các nhà sinh lý học Nga, Skinner lấy mô hình tâm lý học của ông theo Thorndike. Watson và Pavlov tìm cách liên kết hành vi với các kích thích của môi trường. Nghĩa là họ quan tâm tới hành vi phản xạ. Skinner gọi hành vi ấy là loại hành vi phản ứng vì nó được khơi dậy bởi một kích thích đã biết. Ngược lại, Thorndike nghiên cứu loại hành vi được kiểm soát bởi các hậu quả của nó. Ví dụ, hành vi có lợi để giúp một con vật thoát ra khỏi cái thùng rắc rối có khuynh hướng được lặp lại khi con vật được đặt vào cái thùng ấy một lần nữa. Bằng cách dùng lối sắp xếp thí nghiệm của Thorndike, một phản ứng có lợi cho việc tạo ra một số hậu quả nào đó, và vì thế loại học tập mà ông nghiên cứu được gọi là phản ứng dụng cụ có điều kiện. Thorndike không biết cũng không quan tâm đến nguồn gốc của hành vi được kiểm soát bởi các hậu quả. Cái mà Thorndike gọi là hành vi dụng cụ, thì Skinner gọi là hành vi tác động bởi vì nó tác động trên môi trường cách nào khiến tạo ra được các hậu quả. Khác với hành vi phản ứng được khơi dậy bởi các kích thích, hành vi tác động chỉ đơn giản được phát ra bởi sinh vật.

Tầm quan trọng của môi trường

Trong khi môi trường quan trọng đối với Watson và các nhà sinh lý học Nga bởi vì nó khơi dậy hành vi, thì đối với Skinner nó quan trọng bởi vì nó chọn lọc hành vi. Sự tăng cường các yếu tố phụ thuộc mà môi trường cung cấp sẽ quyết định hành vi nào trở nên mạnh hơn và hành vi nào không. Thay đổi các yếu tố tăng cường, bạn sẽ thay đổi hành vi.

Như thế, Skinner áp dụng các khái niệm Darwin vào phân tích của ông về hành vi. Trong bất cứ tình huống nhất định nào, một sinh vật ban đầu có những phản ứng rất đa dạng. Trong số các phản ứng này, chỉ một số ít có tính chức năng (nghĩa là tăng cường). Các phản ứng hiệu quả này tồn tại và trở thành một phần trong danh sách các phản ứng của sinh vật, và chúng sẽ được dùng khi tình huống ấy xảy ra lần tiếp theo.

Theo Skinner, sự kiện hành vi được điều khiển bởi các yếu tố tăng cường cung cấp cho chúng ta niềm hi vọng rằng sẽ có một giải pháp cho các vấn đề xã hội. Nếu "tinh thần" hay "bản ngã" là cái chúng ta cần phải hiểu thay vì phải hiểu môi trường chọn lọc hành vi thế nào, hẳn chúng ta sẽ gặp phải rắc rối thực sự.

Thái độ của Skinner đối với Lý thuyết

Vì lập trường của Skinner là phi lý thuyết, nó tương phản với các lập trường hành vi của Tolman và Hull. Skinner chấp nhận thuyết thao tác, nhưng ông bác bỏ các khía cạnh lý thuyết của thuyết thực chứng lô gích. Ông bằng lòng với việc tác động vào các sự kiện môi trường (ví dụ, các yếu tố tăng cường) và ghi nhận các hiệu quả của các sự thao tác này đối với hành vi, đồng thời tin rằng chỉ cần có sự phân tích chức năng là đủ. Phương pháp của Skinner thường được gọi là thuyết hành vi mô tả. Theo Skinner, không có lý do gì để phải tìm kiếm "dưới da" các giải thích về các tương quan giữa môi trường và hành vi. Tìm kiếm các giải thích sinh lý học của hành vi chỉ là phí thời giờ bởi vì hành vi bên ngoài cứ xảy ra bất luận chúng ta có biết các gốc rễ sinh lý thần kinh của chúng hay không.

Để mô tả phương pháp phi lý thuyết của ông, Skinner (1956) nói rằng nếu ông thử một điều gì và thấy nó được việc, thì ông tiếp tục. Nếu việc ông làm dẫn đến một ngõ cụt, ông vứt bỏ nó ngay và thử một cái gì khác.

Một số người tin rằng bài báo của Skinner "Lý thuyết về học tập có cần thiết không?" (1950) đánh dấu sự cáo chung của cái mà Koch (1959) gọi là "thời đại lý thuyết" trong tâm lý học.

Các ứng dụng từ các nguyên tắc của Skinner

Như Watson, Skinner và trường phái của ông tìm cách áp dụng các nguyên tắc của họ vào việc giải quyết các vấn đề thực hành. Trong mọi ứng dụng từ các nguyên tắc của Skinner, nguyên tắc chung luôn luôn là: Hãy thay đổi các yếu tố tăng cường, bạn sẽ thay đổi được hành vi. Nguyên tắc chung này đã được sử dụng để dạy chim câu chơi các trò như quần vợt và bóng rổ, và nhiều loài vật được dạy theo các nguyên tắc của Skinner đã biểu diễn tại các trung tâm du lịch giải trí trên khắp nước Mỹ. Năm 1948, Skinner viết một tiểu thuyết không tưởng nhan đề Walden Two trong đó ông cho thấy các nguyên tắc của ông có thể được ứng dụng thế nào trong việc thiết kế một xã hội kiểu mẫu.

Trong lãnh vực giáo dục, Skinner triển khai một kỹ thuật giảng dạy gọi là lập trình học tập (1954, 1958). Với lập trình học tập, nội dung được giới thiệu cho học sinh từng bước nhỏ một; sau đó học sinh được trắc nghiệm về nội dung đã học, được đánh giá ngay lập tức về sự chính xác trong các câu trả lời của họ, và được phép tiến tới trong nội dung tùy theo tốc độ của mỗi người. Skinner đã phê bình nền giáo dục của nước Mỹ khi ông thăm một lớp học của con gái ông và kết luận rằng giáo viên vi phạm mọi nguyên tắc từng được biết đến về việc học tập. Skinner (1984) cho rằng nhiều vấn đề trong hệ thống giáo dục của chúng ta có thể được giải quyết bằng việc sử dụng nguyên tắc tác động.

Lời tuyên dương Skinner

Ngày 10 tháng 8, 1990, Hội Tâm Lý Học Hoa Kỳ (APA) trao tặng Skinner Huân chương chưa từng có về sự cống hiến cả đời của ông cho tâm lý học, với lời tuyên dương sau:

Các thành viên Hội Tâm Lý Học Hoa Kỳ hân hạnh nhìn nhận sự Công hiến đầy ý nghĩa của cả cuộc đời ông cho tâm lý học và cho thế giới. Ít cá nhân nào đã có ảnh hưởng năng động và sâu rộng như ông trong lãnh vực này.

Là một nhà khoa học đầy sáng tạo và có tầm nhìn rộng, ông đã lãnh đạo một phong trào đột phá trong tâm lý học thách đố các quan điểm của chúng ta về hành vi và gợi hứng cho nhiều tiến bộ trong lãnh vực này.

Là một nhà tiên phong trong tâm lý học, ông thách đố các lề lối suy nghĩ truyền thống. Công trình của ông là một chất xúc tác cho các nhà khoa học và các nhà tâm lý học khác đang được kích thích bởi các ý tưởng của ông và được gợi hứng để suy nghĩ về các vấn đề tâm lý theo những cách thức mới.

Với sự nhạy cảm to lớn về thân phận con người, kết hợp với các tiêu chuẩn nghiêm ngặt và một tầm nhìn rộng, ông đã đặt nền móng cho các ứng dụng mới mẻ về công trình của ông vào lãnh vực tâm lý học lâm sàng, giáo dục, y học hành vi, sự chậm phát triển trí tuệ, tổn thương não, và vô số các lãnh vực khác.

Là một công dân của thế giới, ông cống hiến những trực giác đầy suy tư, thường gây kích thích, và luôn luôn đồng cảm đối với các cố gắng đặc trưng của con người như đạo đức học, tự do, nhân phẩm, việc cai trị, và hoà bình. Ông đã thay đổi một cách triệt để và mãi mãi quan niệm của chúng ta về khả năng học tập của con người.

Với sự nhìn nhận các cống hiến vững bền này của ông, các thành viên của Hội Tâm Lý Học Hoa Kỳ rất vinh dự được dâng tặng ông những lời này. (American Psychologist, 1990, tr. 1205).

Tám ngày sau khi đón nhận những lời tuyên dương này, Skinner qua đời, thọ 86 tuổi.

Duy hành vi Luận ngày nay

Công trình của mọi nhà tâm lý học hành vi mới mà chúng ta bàn đến trong chương này vẫn còn duy trì ảnh hưởng của nó trong tâm lý học ngày nay. Kiểu thuyết hành vi của Tolman với sự nhấn mạnh trên hành vi hữu đích và các cơ cấu ý thức, có thể được coi là một lý do chính cho ảnh hưởng phổ biến của tâm lý học nhận thức hiện nay, và thuyết học tập bằng quan sát của Bandura có thể hiểu như là một sự phát sinh trực tiếp từ lý thuyết của Tolman. Mặc dù Hull đã có công rất lớn trong việc cổ vũ một phương pháp khách quan, ảnh hưởng hiện nay của ông chủ yếu là nhờ một số tính chất mới lạ trong lý thuyết của ông.

Ảnh hưởng của Skinner vẫn còn rất mạnh. Năm 1974 Skinner viết Về Thuyết Hành Vi, trong đó ông cố gắng sửa chữa 20 khái niệm sai lầm trong tâm lý học hành vi. Trong sách này Skinner nêu lên một số các khái niệm sai lầm này trong các tác phẩm của Watson thời kỳ đầu - ví dụ, sự lệ thuộc của Watson vào hành vi phản xạ và việc ông phủ nhận tầm quan trọng của các tính chất di truyền. Lập trường của Skinner đã sửa sai các "sai lầm" ấy. Bất luận các biểu hiện của thuyết hành vi mới hiện nay thế nào, tâm lý học hiện đại đang thách thức một số chủ đề mà thuyết hành vi nhấn mạnh. Có thể tóm tắt các chủ đề ấy như sau:

1. Đa số hành vi là học được; vì vậy, các yếu tố di truyền có tầm quan trọng rất nhỏ.

2. Ngôn ngữ không là một vấn đề đặc biệt mà chỉ đơn giản là một hình thức khác của hành vi bị chi phối bởi các nguyên tắc học tập.

3. Các nguyên tắc chi phối việc học tập nơi loài người cũng giống như nơi loài vật; vì vậy nghiên cứu về loài vật có thể cho chúng ta biết nhiều điều về con người.

4. Có thể không cần xét đến hay giảm thiểu các sự kiện ý thức xét như là nguyên nhân của hành vi. (Trừ thuyết của Tolman về đề tài này).

5. Mọi phản ứng mà con vật có thể làm được đều có thể thay đổi nhờ ứng dụng các nguyên tắc học tập.

6. Cùng một nguyên tắc được áp dụng cho việc học của trẻ em và người lớn.

Những người tự nhận mình là các nhà sinh vật học xã hội đã cung cấp chứng cớ cho thấy đa số hành vi của động vật, kể cả hành vi xã hội của con người, đều được quyết định bởi yếu tố di truyền. Một số nhà nghiên cứu đã thách thức quan niệm cho rằng ngôn ngữ có thể hiểu hoàn toàn như là một hành vi do học tập; ngược lại, họ cho rằng tính di truyền có một ảnh hưởng lớn trong sự phát triển ngôn ngữ. Các chứng cớ ngày càng nhiều cho thấy rằng việc học tập của con người và loài vật quá khác biệt nhau nên không thể tìm hiểu việc học tập của con người bằng cách nghiên cứu việc học tập của loài vật. Sự quan tâm phổ biến ngày nay về tâm lý học nhận thức đi ngược lại với mọi kiểu thuyết hành vi, ngoại trừ kiểu của Tolman.

Một lý do khác nữa khiến thuyết hành vi mới đang mất dần ảnh hưởng, đó là vì nó nhấn mạnh rằng các thuật ngữ lý thuyết phải được định nghĩa dựa trên tác động của chúng. Thậm chí các nhà thực chứng lô gích cũng từ bỏ thao tác luận bởi vì nó quá hạn chế; nó loại bỏ khỏi khoa học mọi khái niệm quá mơ hồ không thể định nghĩa theo thao tác luận nhưng vẫn là các khái niệm có ích để gợi ra các đường hướng và phương pháp nghiên cứu mới. Có lẽ lý do quan trọng nhất khiến thuyết thực chứng lô gích thất bại, đó là vì nó không mô tả một cách chính xác khoa học được thực hành thế nào ngay cả bởi các nhà khoa học hiệu quả nhất. Các tác giả như Thomas Kuhn (xem chương 1) đã cho thấy rằng hành vi của các nhà khoa học cũng được quyết định bởi các niềm tin, thành kiến, và cảm xúc, giống như nó được quyết định bởi các tiên đề, định đề, lý thuyết, hay lô gích.

Tuy nhiên, thuyết hành vi và thuyết hành vi mới vẫn còn để lại một di sản quan trọng trong tâm lý học ngày nay. Các nhà tâm lý học ngày nay thừa nhận rằng nội dung của tâm lý học là hành vi bên ngoài. Ngày nay, tâm lý học ý thức rất phổ biến, nhưng cả những nhà tâm lý học nghiên cứu về các sự kiện ý thức cũng sử dụng hành vi để chỉ về các sự kiện ý thức ấy. Theo nghĩa này, đa số nhà tâm lý học thực nghiệm ngày nay đều là các nhà tâm lý học hành vi.

CÁC CÂU HỎI THẢO LUẬN

1. So sánh duy chứng luận với duy chứng luận luận lý học.

2. Thuyết vật lý là gì?

3. Thuyết hành vi mới là gì?

4. Điều gì đã khiến Tolman tin rằng ông có thể nghiên cứu hành vi hữu đích mà đồng thời vẫn còn là một nhà tâm lý học hành vi khách quan?

5. Lý thuyết của Tolman có ảnh hưởng gì trong tâm lý học ngày nay?

6. Tại sao thuyết của Hull được gọi là thuyết giả thiết-diễn dịch? Tại sao Hull cho rằng thuyết của ông có khả năng tự sửa sai?

7. Đề nghị của Skinner về phân tích chức năng mối tương quan giữa các sự kiện môi trường và hành vi phù hợp với duy chứng luận hay với duy chứng luận luận lý học hơn?

8. Phân biệt giữa hành vi luận cực đoan với duy hành vi luận phương pháp luận.

9. Địa vị của duy hành vi mới trong tâm lý học hiện đại như thế nào?

10. Những khám phá mới nào đang làm cho lập trường của thuyết hành vi bị suy yếu hay bị xét lại?

Created by AM Word2CHM

TỪ VỰNG

NHẬP MÔN LỊCH SỬ TÂM LÝ HỌC à Chương 13. HÀNH VI LUẬN MỚI

Cognitive map - Bản đồ nhận thức: Theo Tolman, là biểu thị của ý thức về môi trường.

Descriptive behaviorism - Duy hành vi luận mô tả: Thuyết hành vi thực tế theo nghĩa nó mô tả các tương quan giữa môi trường và hành vi hơn là tìm cách cắt nghĩa các tương quan ấy. Phương pháp tâm lý học của Skinner đi theo hướng của thuyết hành vi mô tả.

Direct experience - Kinh nghiệm trực tiếp: Theo Bandura, là sự quan sát các hậu quả hành vi của chính mình. (Xem vicarious experience).

Functional analysis - Phân tích chức năng: Phương pháp nghiên cứu của Skinner bao gồm nghiên cứu tương quan hệ thống giữa các sự kiện môi trường và hành vi. Nghiên cứu này tập trung vào sự tương quan giữa các yếu tố tăng cường và tốc độ hay xác suất của phản ứng.

Habit strength - Sức mạnh thói quen (SHR): Theo Hull, sức mạnh của một sự liên tưởng giữa một kích thích và một phản ứng. Sức mạnh này tùy thuộc số lượng các cặp đôi tăng cường giữa kích thích và phản ứng.

Hypothetico-deductive theory - Lý thuyết giả thiết-diễn dịch: Một tập hợp các định đề từ đó suy ra (tiên đoán) các tương quan thường nghiệm. Nếu các tiên đoán thường nghiệm đúng, lý thuyết có sức mạnh; nếu không, lý thuyết mất đi sức mạnh và phải được xét lại hay từ bỏ.

Latent learning - Kiến thức ngấm ngầm: Theo Tolman, là kiến thức đã đạt được nhưng chưa chuyển thành hành vi.

Logical positivism - Duy chứng luận lý học: Triết lý khoa học theo đó các khái niệm lý thuyết có thể được chấp nhận nếu chúng có tương quan với thế giới quan sát được bằng các định nghĩa tác động.

Molar behavior - Hành vi toàn khối: Hành vi hữu đích.

Neobehaviorism - Thuyết hành vi mới: Đồng ý với các loại thuyết hành vi cũ rằng nội dung của tâm lý học phải là hành vi bên ngoài, nhưng không đồng ý rằng phải tránh các suy tư lý thuyết. Có thể chấp nhận suy tư lý thuyết nếu các thuật ngữ lý thuyết được dùng có thể được định nghĩa dựa trên tác động và dẫn tới các tiên đoán có thể chứng nghiệm về hành vi bên ngoài.

S-R psychology - Tâm lý học Kích thích-phản ứng: Loại tâm lý học nhấn mạnh rằng các kích thích của môi trường khơi dậy hầu hết các hành vi. Các nhà sinh lý học Nga và Watson là những nhà tâm lý học S-R.

Theoretical terms - Thuật ngữ lý thuyết: Theo thuyết thực chứng lô gích, là các thuật ngữ có thể được sử dụng để giải thích các quan sát thường nghiệm.

Vicarious experience - Kinh nghiệm gián tiếp: Kinh nghiệm của việc quan sát các hậu quả hành vi của một người khác. (Xem direct experience).

Created by AM Word2CHM

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro