Chương 11. CHỨC NĂNG LUẬN
Chương 11. CHỨC NĂNG LUẬN
NHẬP MÔN LỊCH SỬ TÂM LÝ HỌC
Ở chương 9, chúng ta đã thấy kiểu tâm lý học của Titchener mà ông gọi là cơ cấu luận chủ yếu là một loại tâm lý học về ý thức thuần túy và ít quan tâm tới các ứng dụng thực hành. Trong chương này chúng ta trước tiên sẽ xét đến loại tâm lý học có trước Titchener và sau đó sẽ xét đến tâm lý học có sau Titchener khi thuyết tiến hóa được kết hợp với tinh thần thời đại của Mỹ để tạo thành kiểu tâm lý học Mỹ - chức năng luận.
TÂM LÝ HỌC MỸ THỜI KỲ ĐẦU
Người ta thường cho rằng Mỹ không có tâm lý học trước thời Titchener và William James. Trong diễn từ đọc trước Đại Hội Tâm Lý Học Quốc Tế Lần Thứ 9 tại Đại học Yale năm 1929, James Mckeen Cattell nói lịch sử tâm lý học Mỹ trước thập niên 1880 "chỉ vắn gọn như cuốn sách viết về các loại rắn ở Ai Len từ thời thánh Patrick. Về các nhà tâm lý học thì lúc đó nước Mỹ giống như đang ở trên mây, chẳng tìm ra một mống nào ở đó" (1929, tr. 12).
Để làm một phát biểu như thế, Cattell giả thiết rằng chỉ có tâm lý học thực nghiệm mới là tâm lý học chính cống, còn mọi thứ khác chỉ là triết học về tinh thần hay đạo đức. Titchener đồng ý với Cattell và lý luận một cách mạnh mẽ rằng tâm lý học thực nghiệm phải được tách rời hoàn toàn khỏi triết học và đặc biệt khỏi thần học. Vấn đề mà lý luận của Cattell và Titchener gặp phải là họ không biết rằng tâm lý học thực nghiệm bắt nguồn từ tâm lý học không thực nghiệm và để hiểu loại thứ nhất thì phải tìm hiểu loại thứ hai này.
Trong cố gắng trình bày một cái nhìn đúng về tâm lý học Mỹ, Fay đã viết Tâm lý học Mỹ trước William James (1939) và Roback viết Lịch sử Tâm lý học (1952), các tác phẩm này đi ngược trở về nền tâm lý học Mỹ từ thời thuộc địa. Mới đây, Brozek cũng đã biên tập một tác phẩm nhan đề Tìm hiểu Lịch sử Tâm lý học Mỹ (1984). Tuy nhiên, vì mục đích của chúng ta, chúng ta sẽ theo mô tả của Sahakian (1975) về bốn giai đoạn của nền tâm lý học Mỹ thời kỳ đầu.
Giai đoạn I: Triết học Đạo đức và Tinh thần (1640-1776)
Trong thời kỳ 136 năm đầu tiên của triết học đạo đức và tinh thần, tâm lý học gồm các chủ đề như đạo đức học, thần học, và triết học. Trong thời kỳ này, tâm lý học quan tâm đến các vấn đề về linh hồn, và không ai thắc mắc gì về nội dung của nó. Như thế, học tâm lý học là học khoa thần học được nhìn nhận vào thời đó. Giống như mọi môn học khác được dạy thời đó, tâm lý học được kết hợp với các nội dung giáo lý. Các đại học đầu tiên của Mỹ, như Harvard (lập năm 1636), dựa theo mô hình các đại học Anh với mục đích chính yếu là duy trì các niềm tin tôn giáo.
Một thời kỳ "ánh sáng Mỹ" mở màn năm 1714 khi tác phẩm Tiểu luận về Tri thức Con người (1690) của Locke đến các thuộc địa và đã có một ảnh hưởng rộng rãi. Samuel Johnson (1696-1772), hiệu trưởng đầu tiên của Đại học Columbia (lập năm 1754), phấn khích chấp nhận Locke và viết một sách mang nhiều ý tưởng của Locke. Sách này cũng chứa một số đề tài rõ ràng có tính chất tâm lý học - ví dụ, tâm lý trẻ em, bản chất ý thức, bản chất tri thức, nội quan, và tri giác. Triết học Locke cung cấp cơ sở cho một khoa lô gích và tâm lý học có thể sử dụng để bênh vực các niềm tin tôn giáo. Roback nói về thời kỳ này: "Tâm lý học tồn tại là vì luận lý học, luận lý học tồn tại là vì Thượng Đế".
Giai đoạn II: Triết học Tri thức
Trong giai đoạn triết học tri thức, tâm lý học trở thành một môn học biệt lập ở Mỹ, chủ yếu dưới ảnh hưởng của triết học lương tri Tô Cách Lan. Như ta đã thấy ở chương 6, triết học Tô Cách Lan là một phản ứng chống lại các triết gia như Hume, người chủ trương rằng không có gì có thể biết chắc chắn và các luật đạo đức và khoa học chỉ là các thói quen của tinh thần. Các nhà triết học Tô Cách Lan như Thomas Reid (1710-1796) không đồng ý và cho rằng có thể sử dụng các dữ kiện của giác quan theo giá trị hiện thực của nó (thuyết hiện thực ngây thơ).
Với sự nhìn nhận giá trị hiện thực của giác quan và tình cảm, các sách giáo khoa do các triết gia Tô Cách Lan viết bắt đầu bao gồm các chủ đề như tri giác, trí nhớ, tưởng tượng, liên tưởng, chú ý ngôn ngữ, và tư duy. Một sách giáo khoa loại này là sách viết bởi Dugald Stewart (1753-1828), nhan đề Triết học về Tinh thần Con người nhập môn (1792), và được sử dụng tại Đại học Yale năm 1824.
Lập tức các sách giáo khoa tâm lý học Mỹ tương tự cũng bắt đầu xuất hiện, như sách của Porter Trí tuệ Con người: Nhập môn về Tâm lý học và Linh hồn (1868). Sách của Porter đánh dấu một thời kỳ chuyển tiếp khi tâm lý học rời bỏ lãnh vực triết học và thần học để trở thành một môn học biệt lập. Sách của Porter định nghĩa tâm lý học như là khoa học về tâm hồn con người và bao gồm các chủ đề: tâm lý học như một ngành vật lý, tâm lý học như một khoa học, ý thức, tri giác, sự phát triển trí tuệ, liên tưởng, trí nhớ, và lý trí.
Giai đoạn III: Thời Phục Hưng Mỹ (1886-1896)
Trong thời Phục hưng Mỹ, tâm lý học hoàn toàn được giải phóng khỏi tôn giáo và triết học, và trở thành một khoa học thường nghiệm. Năm 1886 John Dewey viết Tâm Lý Học mô tả nó như một khoa học thường nghiệm mới. Năm 1887 số đầu tiên của Tạp chí Tâm lý học Mỹ, tạp chí tâm lý học đầu tiên của Mỹ, xuất hiện, và năm 1890 William James xuất bản Các Nguyên tắc Tâm lý học. Tất cả các sự kiện này đánh dấu khởi đầu của một khoa tâm lý học nhấn mạnh các sự khác biệt cá nhân, sự thích nghi với môi trường, và tính thực dụng - nói cách khác, một khoa tâm lý học hoàn toàn phù hợp với thuyết tiến hóa. Điều này giải thích tại sao nước Mỹ là một mảnh đất phì nhiêu cho trường phái tướng sọ học, thôi miên (mesmerism), và thông linh (spiritualism) - là các thực hành giúp ích cho các cá nhân.
Cũng vào thời kỳ này, Titchener bắt đầu chương trình cơ cấu luận rất ảnh hưởng của ông tại Đại học Cornell (1892), và đã thành công trong cuộc cạnh tranh với thuyết chức năng trong một ít năm.
Giai đoạn IV: Chức Năng Luận Mỹ (1896 đến nay)
Trong giai đoạn của chức năng luận Mỹ, khoa học, quan tâm đến thực dụng, nhấn mạnh về cá nhân, và thuyết tiến hóa cùng phối hợp để làm thành chức năng luận; đó là trường phái tâm lý học đầu tiên của Mỹ. Sahakian (1975) đánh dấu khởi đầu của thuyết chức năng luận với việc xuất bản năm 1896 bài báo của John Dewey nhan đề "Cung Phản Xạ trong Tâm lý học." Điểm mốc này có phần nào giả tạo. Có tác giả thì đánh dấu khởi đầu của tâm lý học Mỹ với việc xuất bản tác phẩm Các Nguyên tắc Tâm lý học của James. Dù người ta chấp nhận Dewey hay James là người sáng lập Tâm lý học Mỹ, rõ ràng phong cách của tâm lý học được thiết lập bởi các tác giả này và các tác giả khác mà chúng ta sẽ xét đến trong chương này vẫn còn thấm nhuần tâm lý học Mỹ.
CÁC TÍNH CHẤT CỦA TÂM LÝ HỌC CHỨC NĂNG
HUGO MUNSTERBERG
GRANVILLE STANLEY HALL
TRƯỜNG PHÁI CHỨC NĂNG TẠI ĐẠI HỌC CHICAGO
CHỨC NĂNG LUẬN TẠI ĐẠI HỌC COLUMBIA
SỐ PHẬN CỦA TRƯỜNG PHÁI CHỨC NĂNG
TỪ VỰNG
Created by AM Word2CHM
CÁC TÍNH CHẤT CỦA TÂM LÝ HỌC CHỨC NĂNG
NHẬP MÔN LỊCH SỬ TÂM LÝ HỌC à Chương 11. CHỨC NĂNG LUẬN
Thuyết Chức năng không bao giờ là một trường phái được xác định dứt khoát với một người đứng đầu được nhìn nhận hay một phương pháp luận được mọi người nhất trí. Thậm chí cũng không rõ khi nào thuyết chức năng đã trở thành một trường phái chính thức. Tuy nhiên, giữa sự đa dạng của thuyết chức năng, có các đề tài chung chạy xuyên suốt các tác phẩm của mọi tác giả nhận mình là nhà tâm lý học chức năng. Chúng ta theo Keller (1973) để vạch ra một số đề tài này.
1. Các nhà tâm lý học chức năng chống lại điều mà họ coi là việc tìm kiếm vô bổ các yếu tố ý thức như các nhà cơ cấu luận đang làm.
2. Các nhà tâm lý học chức năng muốn hiểu chức năng của tinh thần hơn là cung cấp một mô tả về nội dung của tinh thần. Họ tin rằng các quá trình tinh thần có một chức năng - giúp sinh vật thích nghi với môi trường. Nghĩa là, họ quan tâm đến cái để làm gì của tinh thần hơn là tinh thần là gì, quan tâm đến chức năng của nó hơn là cơ cấu của nó.
3. Các nhà tâm lý học chức năng muốn tâm lý học là một khoa học thực hành, không phải một khoa học thuần túy, và họ tìm cách áp dụng các khám phá của họ để cải thiện đời sống con người, việc giáo dục, công nghiệp, v. v... Các nhà cơ cấu luận thì cố ý tránh tính chất thực dụng.
4. Các nhà tâm lý học chức năng biểu thị truyền thống sinh vật học hơn là truyền thống sinh lý. Trong khi các nhà cơ cấu luận bị ảnh hưởng bởi công trình sinh lý học cẩn thận của các tác giả như Helmholtz, thì các nhà tâm lý học chức năng chịu ảnh hưởng mạnh hơn bởi khoa sinh vật học Darwin với nhấn mạnh về sự đấu tranh để sinh tồn.
5. Các nhà tâm lý học chức năng cổ vũ việc mở rộng tâm lý học để bao gồm cả việc nghiên cứu về loài vật, trẻ em, và những người bất bình thường. Họ cũng cổ võ việc mở rộng phương pháp luận để bao gồm tất cả những gì ích lợi, như các dạng câu đố, ma trận, và các trắc nghiệm trí tuệ.
6. Quan tâm của các nhà tâm lý học chức năng về cái tại sao của hành vi và của các quá trình tâm lý trực tiếp dẫn họ tới quan tâm về động lực. Bởi vì một sinh vật sẽ hành động khác nhau trong cùng một môi trường khi các nhu cầu của nó thay đổi, nên phải hiểu biết các nhu cầu này trước khi có thể hiểu biết hành vi của sinh vật.
7. Các nhà tâm lý học chức năng coi cả các quá trình tâm lý lẫn hành vi đều là nội dung hợp lý của tâm lý học, và đa số họ coi nội quan là một trong các công cụ nghiên cứu hợp lý.
8. Các nhà tâm lý học chức năng quan tâm đến những gì làm cho một sinh vật khác với một sinh vật khác, nhiều hơn là những gì làm chúng giống nhau.
9. Mọi nhà tâm lý học chức năng đều trực tiếp hay gián tiếp chịu ảnh hưởng của William James, và James thì chịu ảnh hưởng thuyết tiến hóa Darwin.
Cuộc tấn công của các nhà tâm lý học chức năng vào cơ cấu luận không diễn ra trên một mặt trận duy nhất, nhưng nó xuất phát từ nhiều hướng và theo nhiều cách khác nhau.
Dưới đây chúng ta sẽ duyệt qua tư tưởng của một vài thành viên của trường phái chức năng, bắt đầu với William James, nhà tâm lý học chức năng nhiều ảnh hưởng nhất, và kết thúc với Edward L. Thorndike, nhân vật chuyển tiếp và có thể coi là một nhà tâm lý học hành vi đầu tiên (xem chương 12).
WILLIAM JAMES
William James (1842-1910) biểu thị cho bước ngoặt từ tâm lý học châu Âu sang tâm lý học Mỹ. Các tư tưởng của ông tuy chưa phát triển đầy đủ thành một trường phái tư tưởng, nhưng chúng chứa đựng các mầm mống - mà sau này sẽ phát triển thành trường phái chức năng. Như đã nói trước, James đã đưa tâm lý học Mỹ lên một địa vị nổi bật là qua việc xuất bản cuốn Nguyên Tắc hai năm trước khi Titchener đặt chân đến Cornell. James già hơn Titchener 25 tuổi, và ông đã qua đời năm 1910 khi ảnh hưởng của Titchener đang ở tột đỉnh. Tuy nhiên, tâm lý học của James đã tồn tại rất lâu sau khi tâm lý học của Titchener đã suy tàn.
Tiểu sử
William James sinh ngày 11 tháng 1, 1842 tại New York City.Henry, em trai ông, tiểu thuyết gia nổi tiếng, sinh sau ông 15 tháng. Cha ông, Henry James, Sr., rất giàu có, ông muốn các con ông phải nhận được một nền giáo dục tốt nhất. Sau khi ghi danh cho William vào một số trường tư thục tại Hoa Kỳ, ông nghĩ rằng các trường học bên châu Âu vẫn tốt hơn; thế là ông cho William sang học bên Thụy Sĩ, Pháp, Đức, và Anh. Năm 1860, năm 18 tuổi, William quyết định chọn sự nghiệp hội họa, vì ông tỏ ra có biệt tài vẽ. Cha ông rất buồn về chọn lựa của ông nên đã quyết định dời chỗ ở đi nơi khác. Không may cho William, không một chọn lựa nào của ông làm cha ông vừa lòng. Không lạ gì William suốt đời tỏ ra hoang mang và bất ổn về sự nghiệp của mình.
Năm 1861 James ghi danh học ngành hóa tại Đại học Harvard. Không lâu sau ông đổi sang sinh lý học để chuẩn bị làm nghề y, và năm 1864 (năm ông 22 tuổi) ông ghi danh vào trường y khoa của Đại học Harvard. Ông bỏ ngang việc học để nhận lời mời của Louis Agassiz, một nhà sinh vật học của trường Harvard và là một đối thủ của thuyết Darwin, để gia nhập một đoàn thám hiểm đến Brazil. Vừa bị say sóng suốt thời gian trên biển, vừa bị bệnh đậu mùa, James quyết định quay trở về để tiếp tục học y khoa. Sau khi về nhà, sức khỏe ông càng tệ hơn, mắt yếu và ông cảm thấy đau lưng dữ dội. Năm 1867 ông quyết định sang Đức để tắm suối nước nóng với hi vọng chữa khỏi đau lưng. Trong thời gian ở Đức, ông bắt đầu đọc tâm lý học và triết học Đức. Trong nhật ký của ông, ông kể rằng ông đã viết một lá thư cho một người bạn năm 1867 kể lại rằng đó chính là thời gian ông khám phá ra Wundt và đồng ý với Wundt rằng đã đến lúc tâm lý học trở thành một khoa học.
James gặp khủng hoảng
James trở về Hoa Kỳ và sau cùng đã đậu bằng y khoa của Đại học Harvard năm 1869. Nhưng sau khi tốt nghiệp, sức khỏe James trở nên tồi tệ hơn nữa, và ông rơi vào tình trạng trầm cảm. Rõ ràng một lý do gây ra tình trạng trầm cảm của ông là những hệ quả của khoa sinh lý học và tâm lý học duy vật Đức đã tác động quá mạnh đối với ông. James thấy rõ rằng nếu triết học duy vật Đức đúng, thì nó cũng áp dụng cho ông. Có nghĩa là những gì xảy đến cho ông đều đã được tiền định và như vậy vượt ra ngoài tầm kiểm soát của ông. Sự trầm cảm của ông, chẳng hạn, là vấn đề số phận, có cố gắng làm gì cũng vô ích. Việc James chấp nhận thuyết tiến hóa Darwin càng làm cho vấn đề trầm trọng thêm. Trong quan điểm Darwin, có sự biến đổi, sự đào thải tự nhiên, và sự sống sót của vật nào thích hợp nhất; không có tự do, hi vọng, hay chọn lựa gì cả.
Một bước ngoặt quan trọng trong cuộc đời James xảy đến khi ông đọc một cảo luận của Charles Renouvier (1815-1913) về ý chí tự do. Sau khi đọc cảo luận này, James viết trong nhật ký:
Tôi nghĩ hôm qua là một ngày khủng hoảng trong đời tôi. Tôi đã đọc xong phần đầu của "Cảo luận" thứ hai của Charles Renouvier và cho rằng định nghĩa của ông về ý chí tự do - "sự duy trì một tư tưởng bởi vì tôi chọn nó khi tôi có thể có các tư tưởng khác" - hoàn toàn không phải là một ảo tưởng. Bất luận thế nào, tôi sẽ giả thiết cho lúc này - cho tới sang năm - rằng định nghĩa ấy không phải một ảo tưởng. Hành vi ý chí tự do đầu tiên của tôi sẽ là tin vào ý chí tự do... Trước đây, khi tôi cảm thấy mình muốn có một sáng kiến tự do, dám hành động một cách độc đáo, không phải cẩn thận chờ đợi thế giới bên ngoài quyết định mọi cái cho tôi, thì có vẻ như tự tử là hình thức người nhất để tôi đánh liều, bây giờ tôi sẽ tiến một bước xa hơn với ý chí của tôi, không chỉ là hành động với nó, mà còn tin vào nó; tin vào thực tại cá nhân của tôi và tin vào năng lực sáng tạo của tôi.
Sự thay đổi niềm tin này đã chữa lành chứng trầm cảm của James, và ông trở nên hoạt động rất tích cực. Ở đây chúng ta có sự khởi đầu của thực dụng luận của James - ông tin rằng nếu một ý tưởng được việc, thì nó có giá trị. Nghĩa là, tiêu chuẩn cơ bản để đánh giá một ý tưởng phải là tính hữu dụng của ý tưởng ấy.
Năm 1878 nhà xuất bản Henry Holt đề nghị một hợp đồng để James viết một quyển sách giáo khoa về tâm lý học. Cuối cùng sau 12 năm, sách này đã xuất bản năm 1890. Cuốn sách giáo khoa này của James mang tên là Nguyên Tắc của Tâm Lý Học sẽ làm một cuộc cách mạng trong tâm lý học, tuy rằng chính James thì không hài lòng về nó. Sách được in thành hai tập, 28 chương, và tổng cộng 1.393 trang. Hai năm sau, James cho tái bản quyển Nguyên tắc sửa chữa cô đọng lại, lấy tên mới là Tâm lý học: Giáo trình ngắn hơn (1892 - 1961). Giáo trình ngắn hơn này sau này được gọi là "Jimmy"
Cả trong các tác phẩm của James lẫn nơi con người ông, chúng ta đều không tìm thấy một lý thuyết hệ thống nào. Chúng ta chỉ thấy ông đề cập đến các chủ đề rất đa dạng, trong số đó nhiều chủ đề được các nhà nghiên cứu về sau triển khai. Tuy nhiên, như ta sẽ thấy, các chủ đề về thực hành (thuyết thực dụng) và về tính cá nhân xuất hiện khắp nơi trong các tác phẩm của ông.
Chống lại phương pháp Tâm lý học của Wundt
Hầu như tất cả những gì James viết trong Nguyên Tắc đều có thể coi là những phê bình của James về phương pháp tâm lý học của Wundt. James nghĩ phương pháp ấy hệ tại việc tìm kiếm các yếu tố của ý thức. Tất nhiên James phê bình Wundt trong tư cách nhà thực nghiệm. Nếu James đã đi sâu hơn vào thuyết ý chí và Vólkerpsychologie của Wundt, có thể ông đã tìm thấy những điểm rất giống nhau giữa ông và Wundt. Dù sao, chính Wundt nhà thực nghiệm khi đọc Nguyên Tắc của James, đã bình luận: "Văn chương thì hay, nhưng không phải tâm lý học."
Dòng ý thức
Với dòng ý thức, James một lần nữa nhằm đả kích những người mải đi tìm các yếu tố của tư tưởng. Thứ nhất, James nói, ý thức có tính cá nhân. Nó phản ánh kinh nghiệm của một cá nhân, và vì thế đi tìm các yếu tố chung cho mọi trí tuệ là điều điên rồ. Thứ hai, ý thức là dòng chảy liên tục và không thể chia cắt để phân tích được. Thứ ba, ý thức biến đổi không ngừng. Tuy ý thức là liên tục và có thể ví như dòng chảy xuyên suốt từ lúc sinh ra cho tới lúc chết, nó cũng thay đổi không ngừng. James trích câu ví của Heraclitus rằng không ai có thể bước xuống hai lần trong cùng một dòng sông. Thứ tư, ý thức có tính chọn lọc. Một số trong vô vàn các sự kiện đi vào ý thức sẽ được chọn lọc để xem xét thêm và số khác bị ngăn chặn lại. Sau cùng, và có lẽ là quan trọng nhất, ý thức mang tính chức năng. Điểm cuối cùng này thấm nhuần tất cả các tác phẩm của James, và nó là điểm xuất phát từ đó trường phái chức năng đã phát triển. Theo James, điều quan trọng nhất về ý thức, đó là mục đích của nó là giúp cá nhân trong việc thích nghi với môi trường. Ở đây chúng ta thấy ảnh hướng mạnh của Darwin đối với tâm lý học Mỹ thời kỳ đầu.
Tóm lại, ý thức có tính cá nhân, liên tục, không ngừng biến đổi, chọn lọc, và có mục đích.
Thói quen và bản năng
James tin rằng phần lớn hành vi của loài vật và con người bị chi phối bởi bản năng:
Tại sao các con vật khác nhau làm những điều mà chúng ta thấy lạ, trước sự hiện diện của các kích thích kỳ lạ như thế? Ví dụ: tại sao gà mái chịu làm công việc tẻ nhạt là nằm trên một đống vật nhàm chán đáng sợ như một ổ đầy trứng, nếu nó không có một thứ linh cảm nào đó về kết quả của việc này? Chỉ có cách trả lời duy nhất là bằng thực tế. Chúng ta chỉ có thể cắt nghĩa bản năng của loài vật bằng những gì chúng ta biết về bản năng của chính chúng ta. Tại sao con người luôn luôn nằm trên những nệm êm khi họ có thể, thay vì nằm trên sàn nhà cứng? Tại sao người ta ngồi quanh lò sưởi khi trời lạnh?... Tại sao con gái lôi cuốn con trai đến độ mọi cái gì của cô ta đều quan trọng và có ý nghĩa hơn bất cứ điều gì khác trên đời? Không thể nói gì khác ngoài việc nói rằng đó là cách thức của con người và mọi vật đều thích cách riêng của mình, và tất nhiên đi theo cách của mình.
James không tin rằng hành vi bản năng là "mù và bất biến." Ngược lại, ông tin chúng có thể thay đổi nhờ kinh nghiệm. Hơn nữa, ông tin các kiểu hành vi mới giống như bản năng được phát triển trong đời sống của một sinh vật. James gọi các kiểu hành vi tập thành này là các thói quen.
Theo James, các thói quen được hình thành khi các hành vi được lặp đi lặp lại nhiều lần. Sự lặp đi lặp lại hành vi làm cho cùng các đường dẫn thần kinh đến, đi, và trong não trở nên gắn bó với nhau hơn, khiến cho năng lượng dễ đi qua các đường dẫn đó hơn. Như thế, cắt nghĩa của James về sự hình thành thói quen là một lối cắt nghĩa sinh lý thần kinh, và lối cắt nghĩa này rất gần với lối cắt nghĩa của Pavlov. Các thói quen có tính chức năng bởi vì chúng đơn giản hóa các chuyển động để tạo ra một kết quả, tăng sự chính xác của hành vi, giảm mệt mỏi, và giảm nhu cầu luôn luôn phải để ý tới hành vi đang làm. Theo James, thói quen là cái làm cho xã hội có thể tồn tại được. Nhờ việc luyện tập thói quen, chúng ta có thể làm cho hệ thần kinh của chúng ta trở thành đồng minh của chúng ta chứ không phải kẻ thù của chúng ta:
Vì vậy chúng ta phải làm cho trở thành tự động và thành thói quen, càng sớm càng tốt, thật nhiều hành động có ích mà chúng ta có thể làm, và tránh đi theo những con đường có thể dẫn tới bất lợi cho chúng ta, giống như chúng ta phải tránh dịch bệnh vậy.
Bản Ngã
James thảo luận về cái mà ông gọi là ngã thường nghiệm, hay cái "tôi" của nhân cách, gồm tất cả những gì thuộc về một người mà người đó có thể gọi là của riêng mình. Ông chia ngã thường nghiệm thành ba phần: ngã vật chất, ngã xã hội, ngã tinh thần.
Ngã vật chất
Ngã vật chất gồm mọi cái gì là vật chất mà một người có thể gọi là của mình; như thân xác, gia đình, và của cải của người ấy. James mô tả chúng ta cảm thấy các thành viên gia đình là một phần của chúng ta như thế nào:
Cha mẹ chúng ta, vợ con chúng ta, là xương thịt của chúng ta. Khi họ mất đi, một phần của chính chúng ta cũng mất đi. Nếu họ làm điều gì sai trái, chúng ta thấy xấu hổ. Nếu họ bị lăng mạ, chúng ta nổi điên lên ngay như thể chính chúng ta đang bị lăng mạ.
Ngã xã hội
Ngã xã hội là ngã như được người khác biết đến. "Một người có nhiều ngã xã hội tùy theo họ được nhiều cá nhân nhìn nhận và mang hình ảnh của họ trong tâm trí. Theo James, con người có bản năng sống hợp quần; vì vậy, chúng ta càng được nhiều người biết đến càng tốt. Ngược lại, không được người khác để ý đến có thể là điều tai hại.
Ngã tinh thần
Ngã tinh thần gồm các trạng thái ý thức của một người. Đó là tất cá những gì chúng ta nghĩ đến như chúng ta nghĩ về mình như là những con người suy nghĩ. Cũng bao gồm trong ngã tinh thần là mọi cảm xúc gắn liền với các trạng thái ý thức khác nhau. Vì vậy ngã tinh thần liên quan đến kinh nghiệm về thực tại chủ quan của một người.
Cảm xúc
James đảo ngược lại niềm tin của truyền thống rằng các cảm xúc phát sinh từ việc tri giác một sự kiện. Ví dụ, truyền thống tin rằng chúng ta thấy con gấu, chúng ta sợ, rồi bỏ chạy. Theo James, chúng ta thấy con gấu, chúng ta chạy, rồi sau đó chúng ta sợ. Theo James, tri giác tạo ra các phản ứng của cơ thể rồi các phản ứng này được kinh nghiệm như là các cảm xúc. Nói khác đi, các cảm xúc mà chúng ta cảm thấy thì tùy thuộc điều chúng ta làm.
Vì James tin rằng việc chúng ta cảm thấy như thế nào là tùy thuộc hoàn cảnh làm chúng ta hành động thế nào, cho nên theo ông, không thể xác định một con số các cảm xúc như tức, vui, giận, ghét, hay buồn. Cũng không thể xác định được các biến đổi cơ thể liên quan đến mỗi cảm xúc. Theo James, mỗi cá nhân phản ứng với các hoàn cảnh một cách khác nhau, vì vậy có thể có một con số vô hạn các cảm xúc.
Đi đôi với niềm tin của James vào ý chí tự do, thuyết cảm xúc của ông dẫn đến một lời khuyên thực hành: Hãy hành động theo cách mà bạn muốn bạn cảm thấy. Nếu James nói đúng, thì có rất nhiều sự thật trong vần thơ của Oscar Hammerstein, "Mỗi khi tôi thấy sợ, tôi ngâm nga một điệu vui. Và nỗi sợ tan biến."
James đã khám phá ra sức mạnh của lời khuyên này khi ông quyết định tin vào ý chí tự do và niềm tin này đã chữa chứng trầm cảm của ông do trước kia ông tin vào thuyết tất định tuyệt đối.
Ý chí tự do
Mặc dù James không giải quyết vấn đề tranh cãi giữa ý chí tự do và sự tất định, ông cũng đã đi đến một lập trường mà ông cảm thấy thoải mái. Ông nhận ra rằng nếu không có các giả thiết về tất định thì không thể có khoa học. Và nếu tâm lý học muốn là một khoa học, nó cũng phải giả thiết sự tất định. Tuy nhiên, khoa học không phải là tất cả, và đối với một số phương pháp nghiên cứu về con người, giả thiết về ý chí tự do có thể rất hiệu quả.
Phân tích của James về hành vi tự ý
Theo thuyết hành vi ý động của James, một ý tưởng về một hành động nào đó sẽ làm cho hành động đó xảy ra. Ông tin rằng trong đa số trường hợp, các ý tưởng về hành động sẽ lập tức và tự động (do thói quen hay phản xạ) trở thành hành vi. Quy trình tự động này tiếp tục trừ khi cố gắng tinh thần ngưng lại để cố ý lựa chọn và giữ lại một ý tưởng đáng quan tâm trong ý thức. Theo James, hành vi tự ý và cố gắng tâm lý không thể tách rời nhau. Các ý tưởng về các hành vi có thể khác nhau được giữ lại từ kinh nghiệm quá khứ, và sự nhớ lại chúng là một điều kiện tiên quyết để có hành vi tự ý.
Theo James, chúng ta có thể chọn các hành động của mình bằng cách chọn các ý tưởng của mình, và chính các ý tưởng được chúng ta chọn lựa là cái tạo sự khác biệt giữa người này với người khác.
Như thế, kết hợp hai lý thuyết về ý chí và cảm xúc với nhau, cái chúng ta nghĩ sẽ quyết định cái chúng ta làm, và cái chúng ta làm sẽ quyết định việc chúng ta cảm thấy thế nào.
Thực dụng luận
Khắp nơi trong các tác phẩm của James đều thấm nhuần thực dụng luận của ông. Theo thuyết thực dụng, nền tảng của thuyết chức năng, mọi niềm tin, tư tưởng, hay hành vi đều phải được đánh giá căn cứ vào các hậu quả của chúng. Bất cứ niềm tin nào giúp tạo một đời sống hiệu quả và thỏa mãn hơn đều đáng nắm giữ, dù đó là một niềm tin khoa học hay tôn giáo. Tin vào ý chí tự do làm James thỏa mãn về cảm xúc, vì vậy ông tin vào nó. Theo thực dụng luận, chân lý không phải một cái gì "có đó" một cách bất động chờ được chúng ta khám phá như nhiều nhà duy lý luận chủ trương. Ngược lại, chân lý là một cái gì phải được đo lường bằng tính hiệu quả của nó trong các hoàn cảnh thay đổi. Cái gì được việc thì đúng, và vì các hoàn cảnh thay đổi không ngừng, nên chân lý luôn luôn phải năng động.
Triết lý thực dụng của ông được thấy trong mô tả của ông về các phương pháp mà tâm lý học phải sử dụng. Ông cổ vũ sử dụng cả nội quan lẫn thí nghiệm, cũng như việc nghiên cứu loài vật, trẻ em, con người tiền văn minh, và những người bất thường. Tóm lại, ông khích lệ sử dụng bất cứ phương pháp nào có thể dọi sáng trên sự phức tạp của hiện hữu con người. Ông cho rằng không thể bỏ qua điều gì có ích.
Năm 1907 James viết Thực Dụng Luận, trong đó ông phân biệt hai loại tính cách: mềm dẻo và cứng nhắc. Tính cách mềm dẻo là tính cách của người duy lý (dựa vào nguyên tắc), trí thức, lý tưởng, lạc quan, tin đạo, và tin vào ý chí tự do. Ngược lại, tính cách cứng nhắc là tính cách của người duy nghiệm (dựa vào sự kiện), cảm tính, duy vật, bi quan, vô đạo, hoài nghi, và tất định. James cho rằng thuyết thực dụng là sự dung hòa giữa hai tính cách này. Người thực dụng đơn giản lấy trong cả hai danh sách trên bất cứ điều gì có tác dụng trong hoàn cảnh trước mắt.
Tóm lại, tiêu chuẩn giá trị của một ý tưởng, theo người thực dụng, là tính hữu ích của nó. Mọi ý tưởng, phương pháp, triết học, tôn giáo đều phải được chấp nhận hay bị loại bỏ căn cứ trên tính hữu ích của nó.
Cống hiến của James cho Tâm lý học
James là người có công đưa thuyết tiến hóa vào tâm lý học. Bằng cách nhấn mạnh cái gì có ích, ông tiêu biểu cho sự rời bỏ tâm lý học thuần túy của cả trường phái ý chí lẫn cơ cấu luận. Trong thực tế, tinh thần thực dụng của James tự nhiên dẫn đến sự phát triển tâm lý học ứng dụng. Theo James cũng như các nhà tâm lý học chức năng sau ông, tính hữu ích là tiêu chuẩn để phán đoán về chân lý và giá trị. James mở rộng phương pháp nghiên cứu của ông trong tâm lý học bằng cách không chỉ chấp nhận phương pháp nội quan nhưng ông còn khuyến khích bất cứ kỹ thuật nào có triển vọng mang lại thông tin hữu ích về con người. Bằng cách nghiên cứu mọi khía cạnh của hiện hữu con người - gồm hành vi, nhận thức, cảm xúc, ý chí, và cả kinh nghiệm tôn giáo - James cũng mở rộng phạm vi nội dung của tâm lý học. Các ý tưởng của ông đã trực tiếp dẫn đến thuyết chức năng, mà chúng ta sẽ bàn đến ở phần sau trong chương này. Nhiều người tin rằng tâm lý học tại Hoa Kỳ ngày nay là một sự trở về với tâm lý học như James đã mô tả.
Created by AM Word2CHM
HUGO MUNSTERBERG
NHẬP MÔN LỊCH SỬ TÂM LÝ HỌC à Chương 11. CHỨC NĂNG LUẬN
Sinh tại thành phố cảng phía Đông nước Phổ tên là Danzig (nay là Gdansk, Ba Lan), Hugo Munsterberg (1863-1916) có cha mẹ là hai con người ưu tú. Cha ông là một doanh nhân thành đạt, còn mẹ ông là một họa sĩ và nhạc sĩ nổi tiếng. Cả hai ông bà qua đời trước khi Munsterberg 20 tuổi. Suốt cuộc đời, Munsterberg có những sở thích rất đa dạng. Những năm đầu, ông tỏ ra ham thích và có tài về nghệ thuật, văn chương, thi ca, ngoại ngữ, âm nhạc và kịch nghệ. Rồi, trong khi học tại Đại học Leipzig, ông được nghe một bài giảng của Wundt và bắt đầu quan tâm tới tâm lý học. Cuối cùng Munsterberg trở thành phụ tá nghiên cứu của Wundt và đậu bằng tiến sĩ dưới sự hướng dẫn của Wundt năm 1855.
Trong thời gian làm phụ tá nghiên cứu cho Wundt, một trong những công việc của Munsterberg là nghiên cứu các hoạt động tự ý bằng phương pháp nội quan. Tuy nhiên hai người bất đồng với nhau về việc có thể kinh nghiệm ý chí như một yếu tố của tinh thần nhờ nội quan hay không. Wundt tin là có thể, trong khi Munsterberg tin là không. Thực vậy, Munsterberg không tin rằng ý chí có vai trò gì trong hành vi tự ý. Theo ông, khi chúng ta chuẩn bị hành động cách này hay cách khác, chúng ta kinh nghiệm một cách ý thức về sự chuẩn bị thể lý này và tưởng nó là một hành vi của ý chí. Vì vậy theo Munsterberg, cái mà chúng ta kinh nghiệm một cách ý thức như là ý chí thì thực ra là một hiện tượng phụ, một sản phẩm phụ của hoạt động thể lý. Rõ ràng quan niệm này ngược hẳn với quan niệm của Wundt về hành vi tự ý. Theo ông, hành vi ý chí luôn luôn được dẫn trước bởi một ý muốn hành động có ý thức. Rõ ràng, phân tích của Munsterberg về hành vi tự ý thì giống với phân tích của James hơn của Wundt. Năm 1888 Munsterberg triển khai lý thuyết của ông trong Hành Động Tự ý, một cuốn sách được James gọi là một kiệt tác nhưng bị Wundt phê bình gay gắt. James rất bị ấn tượng vì nhiều tác phẩm của Munsterberg đã trích dẫn chúng nhiều lần trong Nguyên Tắc. Ông đã dàn xếp để gặp Munsterberg ở Đại Hội Tâm Lý Học Quốc Tế năm 1889, và quan hệ của họ được củng cố từ đấy.
Khác với người bảo trợ của ông là Wundt, Munsterberg cảm thấy rất mạnh rằng các nhà tâm lý học phải tìm cách khám phá ra các thông tin có thể được sử dụng trong thế giới hiện thực. Với các cố gắng của ông, Munsterberg đã có công lớn trong việc tạo ra khoa tâm lý học ứng dụng ngày nay.
Tâm lý học ứng dụng của Musterberg
Tâm lý học lâm sàng
Trong một cố gắng nhằm tìm hiểu các nguyên nhân của hành vi bất bình thường, Munsterberg tìm gặp nhiều người mắc bệnh tâm thần. Vì mục đích nghiên cứu khoa học, ông luôn luôn khám bệnh miễn phí cho họ. Ông áp dụng "cách trị liệu" của ông, đó là làm cho bệnh nhân hi vọng được cải thiện, với các ca nghiện rượu, nghiện thuốc phiện, bị ám ảnh, nhưng không có các chứng rối loạn tâm thần. Ông cảm thấy rằng rối loạn tâm thần có nguyên nhân là sự suy thoái hệ thần kinh và không thể chữa trị. Cùng với việc tạo ám thị cho bệnh nhân cảm thấy họ có thể được cải thiện nhờ kết quả điều trị của ông, Munsterberg cũng sử dụng phương pháp đối kháng hỗ tương, gồm việc củng cố các ý tưởng đối lập với các ý tưởng gây ra bệnh. Tuy Munsterberg có biết về công trình của Freud, ông quyết định chọn lối điều trị trực tiếp các triệu chứng, chứ không tìm kiếm các nguyên nhân tiềm ẩn đàng sau các triệu chứng ấy. Ông nói về lý thuyết động cơ vô thức của Freud: "Câu chuyện tiềm thức có thể được kể lại trong ba từ này: không hề có."
Tâm là học pháp đình
Munsterberg là người đầu tiên áp dụng các nguyên tắc tâm lý học vào các vấn đề pháp lý, tạo ra khoa tâm lý học pháp đình. Trong số nhiều điều khác, ông cho thấy rằng nhân chứng tận mắt có thể không đáng tin bởi vì các ấn tượng cảm giác có thể là ảo tưởng, sự ám thị và căng thẳng có thể ảnh hưởng đến nhận thức, và trí nhớ không luôn luôn chính xác. Munsterberg thúc đẩy sử dụng các phương pháp tâm lý để thay thế việc hỏi cung tội phạm một cách thô bạo. Ông cảm thấy việc hỏi cung một cách cưỡng bức có thể dẫn đến những lời thú nhận sai vì một số bị cáo thích làm vừa lòng người hỏi cung, số khác muốn nhường nhịn những người có quyền bính, và một số người quá trầm cảm muốn bị trừng phạt. Munsterberg xuất bản các tư tưởng của ông về tâm lý học pháp đình trong cuốn sách bán chạy nhất nhan đề Trước Vành Móng Ngựa (1908). Trong sách này, ông mô tả một cái máy có thể phát hiện nói dối bằng cách quan sát các thay đổi như về nhịp tim hay nhịp thở. Sau này những người khác đã đi theo sáng kiến của Munsterberg và gần đây người ta đã chế ra máy phát hiện nói dối gây nhiều tranh cãi.
Tâm lý học công nghiệp
Hai tác phẩm của Munsterberg Thiên Khiếu và Học Tập (1912) và Tâm Lý Học và Hiệu Năng Công Nghiệp (1913) thường được coi là khởi đầu của khoa tâm lý học công nghiệp ngày nay. Trong các sách này, Munsterberg đề cập đến các chủ đề như phương pháp tuyển nhân viên, phương pháp tăng năng suất lao động, và các kỹ thuật tiếp thị và quảng cáo. Ví dụ, để giúp việc tuyển nhân viên, ông khuyên nên xác định rõ các kỹ năng cần thiết để làm một công việc nào đó. Bằng cách này, người ta có thể biết đương sự có đủ khả năng đáp ứng công việc hay không. Ông cũng thấy rằng không thể xác định một công việc là nhàm chán bằng cách quan sát những người khác làm việc. Thường có những việc bị người ta cho là nhàm chán thì những người đang làm lại thấy thích. Vì vậy cần phải lưu ý tới các khác biệt của mỗi cá nhân khi tuyển dụng lao động và khi phân chia công tác.
Số phận của Munsterberg
Do công trình của ông trong lãnh vực tâm lý học ứng dụng, Munsterberg được biết đến rất nhiều bởi công chúng, giới hàn lâm, và giới khoa học. William James là người đã phổ biến khoa tâm lý học trong giới hàn lâm, nhưng Munsterberg là người đã giúp phổ biến nó giữa quần chúng qua việc ông cho thấy công dụng thực tiễn của nó. Ngoài ra, Munsterberg còn có một số bạn thân là những nhân vật ảnh hưởng nhất trên thế giới, trong đó có các Tổng thống Theodore Roosevelt và William Howard Taft và nhà triết học Bertrand Russell. Ông từng nhận những huân chương của chính phủ Đức. Thế nhưng khi ông qua đời năm 1916, thái độ chung của người ta đối với ông đã thay đổi hẳn, và cái chết của ông hầu như không được ai để ý tới. Lý do sự thất sủng của ông chính là ước muốn của ông muốn thắt chặt mối quan hệ hữu nghị giữa nước Mỹ và nước Đức quê hương của ông. Ông không bao giờ được quốc tịch Mỹ, nên ông giữ một lập trường gắn bó trung thành với nước Đức. Ông cho rằng cả người Đức lẫn người Mỹ đều có những thành kiến không đúng về nhau, và ông đã viết một số sách để cố gắng sửa chữa những thành kiến ấy, ví dụ cuốn Người Mỹ (1904). Trong một cuốn sách khác, Các Vấn Đề của Người Mỹ (1910), Munsterberg nặng lời chê người Mỹ là không có khả năng tập trung chú ý vào một điều duy nhất trong một thời gian dài, và ông giải thích nguyên nhân của sự thiếu khả năng tập trung này là vì ở Mỹ, phụ nữ ánh hưởng rất mạnh đến việc đào tạo tri thức và phát triển văn hóa.
Trong khi lý thuyết của Titchener không còn tồn tại bao nhiêu trong tâm lý học hiện đại, các tư tưởng của Munsterberg vẫn còn hết sức sinh động. Nhấn mạnh của Munsterberg về tính thực dụng hoàn toàn phù hợp với trường phái chức năng đang bắt đầu xuất hiện.
Created by AM Word2CHM
GRANVILLE STANLEY HALL
NHẬP MÔN LỊCH SỬ TÂM LÝ HỌC à Chương 11. CHỨC NĂNG LUẬN
Xét về ảnh hưởng đối với tâm lý học Mỹ, Granville Stanley Hall (1844-1924) chỉ xếp sau William James. Như ta sẽ thấy, Hall là một lý thuyết gia theo truyền thống Darwin, nhưng trên hết ông là một nhà tổ chức. Những gì là nhất nhất được gán cho ông thì không một nhà tâm lý học Mỹ nào sánh bằng.
Hall sinh tại Ashfield, một làng quê nhà ở Massachusetts.Năm 1863 ông vào trường Williams College, tại đây ông học thuyết liên tưởng, triết học lương tri Tô Cách Lan, và thuyết tiến hóa để chuẩn bị làm một mục sư. Sau khi tốt nghiệp năm 1867, ông nhập Chủng viện Union Theological Selmnary ở New York City. Tại đây ông có những biểu hiện cho thấy có lẽ ông không thích hợp để làm một giáo sĩ.
Năm 1868 ông nhận một học bổng sang Đức học thần học và triết học. Ở đây cũng vẫn dành nhiều thời giờ lai vãng các quán bia, công viên và các rạp hát, cũng như có nhiều mối tình lãng mạn.
Năm 1871 ông nhận một ghế giảng dạy tại Antioch College ở Ohio, tại đây ông không chỉ dạy văn học Anh, tiếng Pháp, Đức, và triết học, mà ông còn làm công việc thủ thư, ca trưởng, và giảng đạo. Khi ở Antioch, Hall đã đọc tác phẩm Nguyên Tắc Tâm Sinh Lý Học của Wundt. Năm 1876 ông được mời dạy tiếng Anh tại Harvard. Trong thời gian ở đây, ông gặp và kết thân với William James, chỉ hơn ông hai tuổi. Hall làm công tác nghiên cứu tại trường y khoa của Đại học Harvard, viết ra các kết quả nghiên cứu của ông về "Tri giác Không gian bằng Cơ Bắp" để trở thành luận án tiến sĩ của ông năm 1878. Harvard là trường đầu tiên cấp bằng tiến sĩ tâm lý học, và năm 1878 Hall là người đầu tên nhận bằng tiến sĩ này. Sau đó ông về Đức, bắt đầu học với Wundt rồi với Helmholtz. Hall là sinh viên Mỹ đầu tiên của Wundt. Trong một lá thư gửi cho William James, Hall thú thật rằng ông học được nhiều điều của Helmholtz hơn là của Wundt. Năm 1880, ông 36 tuổi, Hall trở về Hoa Kỳ. Tại đây sau một loạt bài diễn thuyết, ông nhận một chức vụ giảng dạy tại Đại học Johns Hopkins. Năm 1883 Hall mở một phòng thí nghiệm tâm lý học. Thời gian ở Johns Hopkins, ngoài việc sáng lập một phòng thí nghiệm tâm lý học, Hall còn sáng lập tạp chí tâm lý học đầu tiên của Mỹ, tờ Tạp Chí Tâm Lý Học Mỹ, xuất hiện năm 1887. Cũng trong thời gian tại Johns Hopkins, ông đã dạy học cho James
Mckeen Cattell và John Dewey, hai người sau này trở thành hai nhân vật chủ chốt của trường phái chức năng.
Thuyết Thâu tóm
Hall rất say mê thuyết tiến hóa. Ông cho rằng thuyết tiến hóa, chứ không phải vật lý học, phải được lấy làm một mô hình cho khoa học. Ông tin thuyết tiến hóa không chỉ cắt nghĩa sự phát triển loài của loài người mà còn cắt nghĩa sự phát triển của mỗi cá nhân trong loài. Nghĩa là ông tin rằng mỗi cá nhân trong cuộc đời của mình thể hiện lại mọi giai đoạn tiến hóa của loài người. Thuyết này được gọi là thuyết thâu tóm về sự phát triển: "Mọi đứa trẻ, từ lúc thụ thai tới lúc trưởng thành, thâu tóm, lúc đầu rất nhanh rồi chậm dần, mọi giai đoạn phát triển mà nhân loại đã trải qua từ tình trạng thấp nhất lúc ban đầu."
Trong giai đoạn phát triển trước khi sinh, một đơn bào phát triển thành một trẻ sơ sinh có các khả năng tương đương với một số loài vật có vú thấp hơn con người trong bậc thang loài. Trong tuổi thơ ấu, đứa trẻ vẫn còn dấu hiệu của tính bồng bột, độc ác, và phi đạo đức giống như trong giai đoạn phát triển của con người tiền văn minh. Hall quan niệm rằng những xung động sơ khai này nếu không được bộc lộ trong thời thơ ấu, sẽ được đưa sang tuổi trưởng thành. Vì vậy ông khuyên các bậc cha mẹ và nhà giáo tạo môi trường để trẻ em bộc lộ các bản năng sơ khai này.
Năm 1904 Hall xuất bản bộ sách hai tập nhan đề: Tuổi Thanh Niên: Tâm Lý và các Tương Quan với Sinh Lý Học, Nhân Học, Xã Hội Học, Giới Tính, Tội ác, Tôn Giáo và Giáo Dục; và quyển sách này tập trung vào sự khác biệt giới tính như một yếu tố quan trọng của sự phát triển tâm lý. Hall xác định tuổi thanh niên là tuổi từ 14 hoặc 15 đến 25.
Tuy sau này người ta thấy rằng đa số những gì Hall nói về sự phát triển là sai, ông đã có công lớn trong việc kích thích khoa tâm lý giáo dục, và ông cũng có công khởi xướng phong trào phát triển trẻ em tại Hoa Kỳ.
Tâm lý học tại Đại học Clark
31 năm Hall làm hiệu trưởng Đại học Clark là thời kỳ nổi bật của Đại học này. Dưới quyền lãnh đạo của ông, tâm lý học ngự trị Clark, và Clark đứng ở vị trí cạnh tranh mạnh với Harvard về các sinh viên và phân khoa hàng đầu. Năm 1908 ông quyết định mời các nhà tâm lý học nổi tiếng châu Âu tới Đại học Clark để kỷ niệm 20 năm thành lập. Hall đã gửi thư mời đến cả Wundt và Freud; lúc đầu cả hai đều từ chối vì thời biểu không thuận lợi, nhưng với sự dàn xếp lại thời biểu, cuối cùng Freud đã có thể đến dự. Cần lưu ý rằng Hall kính trọng cả Wundt lẫn Freud. Từ lâu Hall đã quan tâm đến các ý tưởng của Freud và là người đầu tiên thúc đẩy việc giáo dục giới tính tại Hoa Kỳ. Freud và Jung đến ngày 5 tháng 9, 1909, và theo Freud, chuyến thăm viếng Hoa Kỳ này đã giúp rất nhiều cho việc làm cho lý thuyết của ông được chấp nhận rộng rãi trên khắp thế giới
Với việc chấp nhận thuyết tiến hóa, với sự nhấn mạnh tính thực dụng và thích nghi, James, Munsterberg, và Hall đã dọn đường cho một loại tâm lý học hoàn toàn khác biệt với cơ cấu luận; họ đã gieo những hạt giống cho một khoa tâm lý học nhấn mạnh chức năng của hành vi và tư tưởng.
Created by AM Word2CHM
TRƯỜNG PHÁI CHỨC NĂNG TẠI ĐẠI HỌC CHICAGO
NHẬP MÔN LỊCH SỬ TÂM LÝ HỌC à Chương 11. CHỨC NĂNG LUẬN
John Dewey
Bất chấp sự kiện thuyết chức năng không bao giờ là một trường phái tư tưởng được xác định rõ rệt như thuyết cơ cấu, chung chung người ta vẫn coi John Dewey (1859-1952) như là người sáng lập trường phái này, mặc dù James, Munsterberg, và Hall chắc chắn đã đặt những nền móng quan trọng cho nó. Dewey sinh ngày 20 tháng 10 tại Burlington, Vermont. Trong khi theo học tại Đại học Vermont, Dewey bắt đầu quan tâm đến triết học. Sau khi tốt nghiệp, ông dạy học ba năm trước khi nhập Đại học Johns Hopkins năm 1882 để theo đuổi các mối quan tâm của ông về triết học. Giáo sư chính của Dewey là Hall nhưng ông cũng chịu ảnh hưởng mạnh của triết gia George S. Morris (1840-1889). Ngoài tâm lý học, Dewey cũng quan tâm đặc biệt đến triết học Hegel và Kant; ông viết luận án tiến sĩ về Kant. Ông được bổ nhiệm giảng dạy tại Đại học Michigan, tại đây ông dạy cả triết học lẫn tâm lý học. Khi ở Michigan, Dewey viết Tâm Lý Học (1886), là một sự pha trộn kỳ lạ giữa triết học Hegel và tâm lý học chức năng. Sách này xuất bản trước tác phẩm Nguyên Tắc của James 4 năm.
Năm 1894 Dewey nhận ghế giáo sư phân khoa triết tại Đại học Chicago vừa mới được thiết lập. Tại Chicago, Dewey viết một bài báo mà nhiều người coi John Dewey là khởi điểm chính thức của trường phái chức năng: Năm 1896 đánh dấu sự ra đời chính thức của trường phái tâm lý học chức năng tạo Hoa Kỳ, nhờ bài phê bình của Dewey về lý thuyết về phản xạ trong tâm lý học. Trong bài "Khái Niệm Cung Phản Xạ trong Tâm Lý Học" (1896), Dewey đã khởi xướng một trào lưu mới trong tâm lý học qua việc ông chống lại thuyết yếu tố vốn ngự trị tâm lý học bấy nay. (Sahakian. 1975, tr. 357-358).
Phê bình của Dewey về phân tích hành vi dựa theo phản xạ
Dewey lý luận rằng chia các yếu tố của một phản xạ thành các quá trình cảm giác, các quá trình não, và các phản ứng vận động để phân tích là giả tạo và mất chính xác. Theo Dewey, chia hành vi thành các yếu tố cũng sai không kém chia ý thức thành các yếu tố. Trong khi chứng minh ảnh hưởng của tác phẩm Nguyên Tắc của James, Dewey cho rằng có một dòng hành vi giống như có một dòng ý thức. Ba yếu tố của một phản xạ phải được coi như một hệ thống phối hợp hướng tới cùng một mục tiêu, và mục tiêu này thường liên quan đến sự sống còn của sinh vật. Dewey nêu ví dụ một đứa trẻ chạm tay vào lửa. Phân tích hành vi này dựa theo phản xạ kết luận rằng đứa trẻ thấy ngọn lửa của một cây đèn cầy (S) và chạm vào ngọn lửa (R). Cảm giác đau phát sinh (S) sau đó làm nó rút tay lại (R). Theo lối phân tích này, không có gì thay đổi, không có gì học được. Nhưng trong thực tế, kinh nghiệm bị cháy thay đổi nhận thức của đứa trẻ về ngọn lửa, và lần tới thấy ngọn lửa nó sẽ tránh. Như thế, cái gọi là kích thích và phản ứng không phải hai sự kiện riêng biệt mà là một chuỗi sự kiện liên kết với nhau và mang một chức năng. Thực vậy, đối với đứa trẻ, ngọn lửa bây giờ không còn là cùng một kích thích như lúc ban đầu nữa; bây giờ nó gợi ý cho đứa bé xa tránh. Vì vậy Dewey nói là mọi hành vi phải được nhìn dưới khía cạnh chức năng của nó - thích nghi cơ thể với môi trường. Tìm hiểu các yếu tố của hành vi thích nghi một cách biệt lập sẽ khiến người ta đánh mất khía cạnh quan trọng nhất của hành vi: tính mục đích của nó.
Là người theo thuyết tiến hóa, Dewey nghĩ sự thay đổi xã hội là tất yếu nhưng ông cũng tin rằng sự thay đổi này có thể có ảnh hưởng tích cực nhờ các kế hoạch hành động đúng đắn. Dewey rất ảnh hưởng trong việc sáng tạo chương trình giáo dục "tiệm tiến" tại Hoa Kỳ. Ông cho rằng giáo dục phải hướng tới học sinh thay vì hướng tới môn học và cách học tốt nhất một điều gì là làm điều ấy - từ đó có câu nói thời danh của ông rằng học sinh learn by doing (học bằng thực hành). Dewey rất kiên quyết chống lại lối học từ chương và chống lại quan điểm cho rằng mục đích của giáo dục là truyền đạt kiến thức truyền thống. Ngược lại ông cho rằng giáo dục phải tạo điều kiện để có trí óc sáng tạo và chuẩn bị cho các em sống một đời sống hiệu quả trong xã hội phức tạp.
Năm 1904, sự mâu thuẫn với Bộ giáo dục đã buộc Dewey từ chức tại Đại học Chicago và nhận một chức giảng dạy tại Trường Sư Phạm của Đại học Columbia, tại đây ông tiếp tục theo đuổi các quan tâm về giáo dục và triết học thực dụng. Ông mất ngày 1 tháng 6, 1952, thọ 92 tuổi.
James Rowland Angell
James Rowland Angell (1869-1949) từng là học trò của Dewey thời gian Dewey còn ở Michigan, và sau khi tốt nghiệp ông ở lại Michigan để được đào tạo thêm một năm nữa. Chính trong năm này ông đã dự một cuộc hội thảo do Dewey dẫn dắt về cuốn Nguyên Tắc của James vừa mới xuất bản. Cuộc hội thảo này đã chuyển hướng quan tâm chính của ông từ triết học sang tâm lý học. Năm sau ông đến Harvard và làm quen với James.
Năm 1894 Angell chấp nhận một chức vụ giảng dạy tại Đại học Chicago, do thầy cũ của ông là Dewey đề nghị. Năm ấy Angell 25 tuổi, và Dewey hơn ông 10 tuổi. Năm 1896 Dewey xuất bản bài báo nổi tiếng của ông về phản xạ và năm 1904 Angell xuất bản tác phẩm rất được ưa thích Tâm Lý Học: Nhập Môn về Cơ Cấu và Chức Năng của Ý Thức Con Người. Cả Dewey lẫn Angell đều từng là Chủ tịch Hội Tâm Lý Học Mỹ (APA), Dewey năm 1899, Angell năm 1906. Trong bài diễn văn nhậm chức, "Lãnh vực của Tâm lý học Chức Năng," Angell phân biệt giữa tâm lý học chức năng và tâm lý học cơ cấu. Ông nêu ba điểm chính:
1. Tâm lý học chức năng quan tâm tới các hoạt động hơn là các yếu tố của ý thức, thậm chí các hoạt động tâm lý biệt lập cũng ít được quan tâm.
2. Các quá trình tâm lý là trung gian giữa sinh vật và môi trường, nghĩa là, các chức năng tinh thần giúp sinh vật sống còn. Các tập quán hành vi cho phép một sinh vật thích nghi với các hoàn cảnh quen thuộc; nhưng khi một sinh vật đối diện với các hoàn cảnh mới lạ, thì các quy trình tinh thần giúp nó thích nghi.
3. Tinh thần và thân xác không thể tách rời; chúng hành động như một đơn vị duy nhất trong cuộc đấu tranh sinh tồn của sinh vật.
Vào thời Angell đọc bài phát biểu này, chức năng luận đã trở thành một trường phái vững chắc và một đối thủ cạnh tranh mạnh với trường phái cơ cấu luận.
Harvey Carr
Harvey Carr (1873-1954) đậu bằng cử nhân và thạc sĩ tại Đại học Colorado rồi sau đó đến Đại học Chicago, tại đây ông đậu tiến sĩ năm 1905 dưới sự hướng dẫn của Angell. Carr ở lại Chicago suốt cuộc đời sự nghiệp của ông, và năm 1927 được bầu làm Chủ tịch Hội Tâm Lý Học Hoa Kỳ (APA).
Năm 1925, Carr viết Tâm lý học: Một Nghiên cứu về Hoạt động Tinh thần. Hoạt động tinh thần "quan tâm đến việc đắc thủ cố định, giữ lại, tổ chức, và đánh giá kinh nghiệm, và việc sử dụng kinh nghiệm để hướng dẫn hành vi." (Carr, 1925, tr. 1). Chúng ta thấy trong định nghĩa của Carr sự quan tâm của nhà tâm lý học chức năng về quá trình học tập. Vì học tập là một công cụ quan trọng được sử dụng để thích nghi với môi trường, nó là mối quan tâm chính của các nhà tâm lý học chức năng. Trọng tâm của tâm lý học Carr là cái ông gọi là hành vi thích nghi, gồm ba thành phần: (1) một động lực dùng như một kích thích cho hành vi (ví dụ: đói hay khát), (2) một khung cảnh môi trường hay hoàn cảnh mà sinh vật ở trong đó, và (3) một phản ứng thỏa mãn động lực kia (ví dụ: ăn hay uống). Ở đây cũng thế, chúng ta thấy ảnh hưởng của thuyết tiến hóa đối với chức năng luận.
Ngoài hành vi thích nghi, Carr (1925) còn có những đoạn nói về hệ thần kinh và các giác quan con người, việc học tập, tri giác, lý luận, tình cảm, ý chí, các khác biệt cá nhân, và việc đo trí thông minh. Carr đặc biệt quan tâm đến tri giác không gian và đã viết nguyên một sách về đề tài này (Carr, 1935). Giống như các nhà chức năng khác, Carr chấp nhận cả nội quan lẫn thực nghiệm như là những phương pháp tâm lý học hợp pháp.
Heidbreder chia phong trào chức năng thành ba giai đoạn: "khởi đầu với Dewey, phát triển dưới sự lãnh đạo của Angell, và duy trì ảnh hưởng lâu dài nhờ Carr." (Heidbreder, 1933, tr. 208-209).
Created by AM Word2CHM
CHỨC NĂNG LUẬN TẠI ĐẠI HỌC COLUMBIA
NHẬP MÔN LỊCH SỬ TÂM LÝ HỌC à Chương 11. CHỨC NĂNG LUẬN
James Mckeen Cattell
Thuyết chức năng mang một bộ mặt hơi khác dưới sự lãnh đạo của James Mekeen Cattell (1860-1944). Như đã nhắc đến ở chương 10, Cattel chịu ảnh hưởng mạnh của Galton. Cattell sinh tại Easton, Pennsylvania, đậu cử nhân năm 1880 tại Lafayette College, nơi cha ông làm hiệu trưởng. Sau khi tốt nghiệp, Cattell sang Đức học với nhà sinh lý học theo trường phái Kant là R. H. Lotze (1817-1881). Rất quý trọng Lotze, nên Cattell bị một cú sốc mạnh khi Lotze qua đời chỉ một năm sau khi Cattell đến đó. Năm sau Cattell trở về nhà và viết một bài về triết học nhờ đó ông được nhận làm nghiên cứu sinh ở Đại học Johns Hopkins. Trong thời gian ở Johns Hopkins (1882-1883) ông nghiên cứu trong phòng thí nghiệm tâm lý học mới mở của Hall và quyết định trở thành một nhà tâm lý học. Năm 1883 ông trở lại Leipzig và trở thành trợ tá phòng thí nghiệm đầu tiên cho Wundt. Tuy nhiên, Wundt phải thất vọng vì Cattell nhấn mạnh việc nghiên cứu các sự khác biệt cá nhân, là điều đi ngược lại khuynh hướng chính của phòng thí nghiệm Leipzig. Cattell cũng hoài nghi về tính hữu dụng của phương pháp nội quan.
Cattell đậu bằng tiến sĩ tại Leipzig năm 1886. Sau đó trở về Hoa Kỳ, ông dạy tại Bryn Mawr College và Đại học Pennsylvania, trước khi sang Luân Đôn làm việc với Galton. Nơi Galton, cuối cùng Cattell tìm được một người để chia sẻ mối quan tâm sâu sắc của ông về các sự khác biệt cá nhân. Galton xác nhận niềm tin của Cattell rằng các khác biệt cá nhân là quan trọng và chúng có thể đo lường khách quan.
Năm 1891 Cattell nhận chức giáo sư tại Đại học Columbia và ở lại đây suốt 26 năm. Trong thời gian ở Columbia, ông đã làm các cuộc nghiên cứu cơ bản về các lãnh vực như thời gian phản ứng, tâm vật lý học, liên tưởng, và tri giác, nhưng chắc chắn ông sẽ được nhớ đến nhiều nhất nhờ công trình của ông về các trắc nghiệm tâm lý (từ do ông đặt ra). Ông tin rằng việc đo lường các quá trình tâm lý có thể làm cho tâm lý học trở thành khách quan giống như các khoa học vật lý.
Như ta đã thấy, Cattell theo Galton trong giả thiết cho rằng các quá trình tâm lý có thể đo lường bằng cách nghiên cứu các khả năng cảm giác và vận động. Thực vậy, ông dùng lại rất nhiều trắc nghiệm mà chính Galton đã dùng - ví dụ, máy đó áp lực cử động, phân biệt sự khác biệt tối thiểu về trọng lượng, và thời gian phản ứng.
Cattell và tâm lý học ứng dụng
Cattell nói "các khoa học không phải các loài bất biến, mà là các sinh vật đang phát triển". Nếu thế, tại sao không thí nghiệm với các ý tưởng và các phương pháp? Biết đâu có thể khám phá ra điều gì đó có giá trị? Cattell cho rằng các ý tưởng và phương pháp luôn luôn phải được đánh giá căn cứ trên tính hữu dụng của nó.
Năm 1895, lúc ấy mới 35 tuổi, Cattell được bầu làm Chủ tịch thứ tư của APA, sau nhiệm kỳ của William James. Năm trước đó, cùng với James Mark Baldwin, Cattell đã sáng lập tạp chí tâm lý học thứ ba của Mỹ, Tạp Chí Tâm Lý Học.
Năm 1917, do có xích mích nặng với hiệu trưởng của Columbia, chủ yếu vì thái độ hiếu hoà của ông, Cattel bị thải hồi khỏi Columbia. Tuy nhiên, dưới ảnh hướng của Cattell, Columbia đã trở thành một căn cứ của trường phái chức năng, thậm chí qua mặt cả Đại học Chicago.
Một thời gian ngắn sau khi Cattel đến Columbia năm 1891, Robert Woodworth và Edward Thorndike cũng đến làm sinh viên của ông. Hai người này cũng sẽ trở thành những đại biểu hàng đầu của trường phái chức năng.
Robert Sessions Woodworth
Robert Sessions Woodworth (1869-1962) tốt nghiệp trường Amherst College ở Massachusetts. Sau khi tốt nghiệp, ông dạy toán và khoa học ở trung học trong hai năm rồi dạy toán ở Washburn College hai năm nữa. Sau khi đọc Nguyên Tắc của James, ông quyết định đến Harvard học với James. Sau khi đậu thạc sĩ năm 1897, ông ở lại làm việc tại phòng thí nghiệm sinh lý học của Harvard. Sau đó Woodworth đến Columbia và đậu tiến sĩ tại đây dưới sự hướng dẫn của Cattell. Sau khi tốt nghiệp, ông dạy sinh lý học ở Bệnh Viện New York và sau đó sang Anh một năm học với nhà sinh lý học nổi tiếng Sir Charles Sherrington. Năm 1903 ông trở về Columbia và làm việc ở đây cho tới cuối đời.
Giống như mọi nhà tâm lý học chức năng, quan tâm của Woodworth là người ta làm gì và tại sao họ làm - đặc biệt là câu hỏi tại sao này. Ông chủ yếu quan tâm đến vấn đề động lực, nên ông gọi tâm lý học của ông là tâm lý học năng động. Giống như Dewey, Woodworth không đồng ý với quan điểm cho rằng các sự thích nghi với môi trường là vấn đề kích thích, các quá trình não, và các phản ứng. Một số nhà tâm lý học thậm chí còn gạt bỏ các quá trình của não và chỉ giữ lại công thức S - R (S: stimuli, kích thích; R: response, phản ứng). Woodworth chọn công thức S-O-R (stimulus-organism-re-sponse) để nói về lý thuyết của ông nhằm nhấn mạnh tầm quan trọng của sinh vật (organism). Ông dùng thuật ngữ cơ chế máy móc rất giống với thuật ngữ hành vi thích nghi của Carr - để nói về cách mà một sinh vật tương tác với môi trường để thỏa mãn một nhu cầu. Các cơ chế này ở trạng thái không hoạt động trừ khi nó được kích hoạt bởi một nhu cầu (bản năng) thuộc một loại nào đó. Như vậy, trong cùng một môi trường vật lý, một sinh vật sẽ hành động khác nhau tùy theo nhu cầu hiện có là gì. Theo Woodworth, điều kiện bên trong của sinh vật kích hoạt hành vi của sinh vật.
Tuy chúng ta đã kể Woodworth vào số những nhà tâm lý học chức năng, ông luôn luôn muốn nghiên cứu về rất nhiều các ý tưởng đa dạng. Ông giảng dạy về các đề tài khác nhau như tâm lý học bất thường, tâm lý học xã hội, trắc nghiệm và thống kê, và ông tổ chức các hội thảo về cử động, thị giác, trí nhớ, tư duy, và động lực. Các sách ông viết gồm có: Các Yếu Tố Tâm Sinh Lý học (cùng với Ladd, 1911); Các Trường Phái Tâm Lý Học Hiện Đại (1931); Tâm Lý Học Thực Nghiệm (1938); và cuốn cuối cùng của ông là Mảng Hành Vi (1958), năm ông đã 89 tuổi.
Edward Lee Thorndike
Edward Lee Thomdike (1874-1949) sinh tại Williamsburg, Massachusetts. Ông vào Đại học Wesleyan ở Connecticut năm 1891 và đậu cử nhân năm 1895. Ở Wesleyan, các lớp tâm lý học của Thorndike không hấp dẫn ông bao nhiêu, và ông chỉ bắt đầu quan tâm tới đề tài này sau khi đọc Các Nguyên Tắc của James. Ông nói mãi đến trước năm cuối đại học ở Wesleyan mới được nghe nói đến tâm lý học. Sau khi rời Wesleyan, Thorndike đến Harvard và năm 1897 ông đậu thạc sĩ. Thời gian ở Harvard, ông học với James, và hai người trở thành bạn thân.
Sau khi đậu thạc sĩ ở Harvard, Thorndike được nhận làm nghiên cứu sinh ở Columbia và tại đây ông nghiên cứu dưới sự hướng dẫn của Cattell. Luận án tiến sĩ của Thorndike nhan đề là "Trí Thông Minh Loài Vật: Một Nghiên Cứu Thực Nghiệm Về Các Quá Trình Liên Tưởng Nơi Loài Vật" được xuất bản năm 1898 và tái bản năm 1911 với tên là Trí Thông Minh Loài Vật.
Sau khi đậu bằng tiến sĩ năm 1898, Thorndike bắt đầu giảng dạy tại Trường Nữ của Đại Học Westem Reserve, nhưng một năm sau ông trở về Columbia và làm việc tại đây cho tới khi nghỉ hưu năm 1940. Sau khi về hưu, ông tiếp tục viết sách cho tới khi qua đời năm 1949, thọ 74 tuổi. Trong cuộc đời sự nghiệp ông viết rất nhiều sách, và tính đến lúc ông mất, thư tịch của ông gồm 507 đầu sách, luận thuyết, và các bài báo. Ông có các công trình tiên phong không chỉ trong lãnh vực lý thuyết học tập (lãnh vực làm ông nổi tiếng nhất), nhưng cả trong các lãnh vực thực hành giáo dục, hành vi bằng lời, tâm lý học so sánh, và việc đo lường các hiện tượng xã hội học. Giống như Galton, Thorndike thích đo đạc mọi sự.
Công trình của Thorndike sẽ có một ảnh hưởng vô cùng to lớn đối với tâm lý học, và có thể nói nó biểu thị cho bước chuyển tiếp từ trường phái chức năng sang trường phái hành vi. Chúng ta sẽ tóm tắt các lý do của tất cả điều này, nhưng trước tiên chúng ta đề cập tới thực chất việc nghiên cứu loài vật trước khi có công trình của Thorndike.
Việc nghiên cứu loài vật trước Thorndike
Hiển nhiên khoa tâm lý học so sánh hiện đại bắt đầu với các công trình của Darwin, đặc biệt với tác phẩm của ông nhan đề Biểu hiện cảm xúc nơi con người và loài vật (1872). Công trình của Darwin được đẩy xa hơn một bước nhờ George John Romanes (1848-1894), với cuốn Trí Thông Minh Loài Vật năm 1882 và Tiến Hóa Tâm Lý Nơi Loài Vật năm 1884. Trong tác phẩm thứ ba, Tiến Hóa Tâm Lý nơi Con Người (1885), Romanes cố gắng tìm về nguồn gốc tiến hóa của tinh thần con người. Tuy nhiên, các bằng chứng Romanes đưa ra phần lớn là các giai thoại, và ông thường bị kết tội nhân loại học hóa, nghĩa là gán các quá trình tư tưởng của con người cho loài vật, như gán các cảm xúc giận, sợ, và ghen cho loài cá; yêu thương, thiện cảm, kiêu hãnh cho loài chim; và thông minh, nghịch ngợm cho loài chó, v.v...
Conwy Lloyd Morgan (1852-1936) tìm cách sửa chữa các sai lầm của Romanes bằng cách áp dụng nguyên tắc sau này trở thành quy luật Morgan. Morgan phát biểu nguyên tắc này như sau: "Chúng ta không bao giờ có thể giải thích một hành động như là kết quả của việc thể hiện một khả năng tâm lý cao hơn, nếu nó có thể giải thích như là kết quả của việc thể hiện một khả năng thấp hơn trong thang tâm lý".
Đôi khi được gọi là luật tiết kiệm, quy luật Morgan có thể được coi như là một ví dụ về dao cạo Occam hiện đại. Morgan tìm cách cạo sạch những giả thiết xa lạ khỏi việc giải thích hành vi loài vật Thay vì gán các khả năng tâm lý cao hơn cho loài vật, Morgan nhấn mạnh đến bản năng, tập quán, và liên tưởng.
Tuy các giải thích của Morgan vẫn còn nặng tính chủ quan, các mô tả của ông về việc học tập của loài vật bằng thử và sai sẽ trở thành vô cùng quan trọng trong nghiên cứu của Thorndike sau này. Thorndike chính là người sẽ áp dụng quy luật của Morgan chặt chẽ hơn và đưa việc nghiên cứu về hành vi học tập của loài vật vào phòng thí nghiệm để có thể nghiên cứu nó một cách hệ thống hơn.
Thorndike đã đi tìm một phương pháp hoàn toàn khách quan để nghiên cứu về hành vi loài vật. Morgan đã đi đúng đường nhưng còn lệ thuộc quá nhiều vào các quan sát được thực hiện trong các điều kiện tự nhiên không có kiểm soát. Với sự quan sát tự nhiên, có quá nhiều biến đổi xảy ra khiến không thể quan sát tất cả cùng một lúc để xác định được một nguyên nhân trực tiếp của hành vi đang được quan sát. Thorndike quyết định giải quyết các vấn đề này bằng việc quan sát hành vi loài vật trong các điều kiện được kiểm soát tại phòng thí nghiệm.
Loại câu đố của Thorndike
Để nghiên cứu một cách hệ thống kiểu học tập mà Morgan mô tả, Thomdike dừng một cái loại câu đố giống như cái thùng vẽ ở Hình 11.1. Chiếc thùng câu đố Thorndike dùng trong các thí nghiệm với mèo (Thorndike, 1898)
Trong các thí nghiệm, Thorndike thường dùng gà con, chuột, cá, khỉ và người làm vật nghiên cứu, nhưng trong thí nghiệm với thùng câu đố, ông dùng mèo. Chiếc thùng được thiết kế thế nào để nếu con vật thực hiện một phản ứng nào đó, thì cửa mở ra, và con vật có thể thoát ra ngoài; ngoài ra, con vật còn được một phần thưởng, như được một con cá chẳng hạn. Thorndike mô tả hành vi của các con vật trong các điều kiện như thế.
Từ các quan sát của các thí nghiệm như thế, Thorndike đi đến các kết luận sau:
1. Việc học tập có tính chất tiệm tiến. Nghĩa là nó xảy ra mỗi lần một ít thay vì ngay một lúc. Sau mỗi lần con vật thoát được, các lần sau được làm nhanh hơn.
2. Học tập xảy ra tự động. Nghĩa là nó không trải qua tiến trình suy nghĩ.
3. Cùng các nguyên tắc giống nhau được áp dụng cho mọi loại có vú. Nghĩa là loài người học tập theo cùng một kiểu như loài vật.
Với các nhận xét này, Thorndike rất gần trở thành một nhà tâm lý học hành vi. Nếu tư duy không phải là yếu tố liên quan đến việc học tập, thì nội quan có giá trị gì trong việc nghiên cứu quy trình học tập? Và nếu loài vật học tập theo cùng một kiểu như loài người, thì tại sao không chỉ đơn giản nghiên cứu về loài vật mà thôi?
Luật luyện tập và luật hiệu quả
Để giải thích các khám phá của ông, Thorndike triển khai lý thuyết quan trọng đầu tiên trong tâm lý học. Ban đầu, lý thuyết của ông chủ yếu gồm luật luyện tập và luật hiệu quả. Luật luyện tập gồm hai phần: luật sử dụng và luật không sử dụng. Theo luật sử dụng, việc liên tưởng càng được thực hành, nó càng trở nên mạnh hơn. Luật này cơ bản lấy lại luật thường xuyên của Aristotle. Theo luật không sử dụng, một việc liên tưởng càng không được sử dụng lâu bao nhiêu, nó càng trở nên yếu đi bấy nhiêu. Tóm lại, luật sử dụng và luật không sử dụng nói rằng chúng ta học nhờ làm và chúng ta quên vì không làm.
Luật hiệu quả của Thorndike ban đầu nói rằng nếu một liên tưởng kéo theo sau một "tình trạng thỏa mãn," nó sẽ trở nên mạnh hơn, và nếu nó kéo theo một "tình trạng khó chịu", nó sẽ trở nên yếu đi.
Thorndike từ bỏ luật luyện tập và hiệu đính luật hiệu quả.
Tháng 9, 1929, Thorndike mở đầu bài diễn từ của ông với Hội Nghị Quốc Tế về Tâm Lý Học với lời phát biểu đầy ấn tượng "Tôi đã sai". Ông nhắc đến lý thuyết ban đầu của ông về học tập. Nghiên cứu đã buộc ông từ bỏ hoàn toàn luật luyện tập, vì ông đã thấy rằng việc thực hành mà thôi không đủ làm cho một liên tưởng mạnh lên và thời gian qua đi mà thôi (không sử dụng) không làm yếu đi một liên tưởng. Ngoài việc gạt bỏ luật luyện tập ông cũng gạt bỏ phân nửa luật hiệu quả, bằng cách kết luận rằng một kết quả tích cực làm cho một liên tưởng mạnh hơn nhưng một kết quả tiêu cực không làm nó yếu đi.
Sự chuyển đổi việc luyện tập
Năm 1901 Thorndike và Woodworth kết hợp các cố gắng để xem xét quan điểm của một số nhà tâm lý học khả năng thời kỳ đầu rằng các khả năng tinh thần có thể được kiện cường bằng việc tập luyện các thuộc tính gắn liền với chúng. Ví dụ, người ta từng tin rằng học một môn khó, như tiếng La Tinh chẳng hạn, có thể giúp tăng cường trí thông minh tổng quát. Sự tin tưởng như thế có khi được gọi là phương pháp giáo dục bằng luyện tập "cơ bắp tinh thần," và có khi được gọi là kỷ luật hình thức. Nghiên cứu của Thorndike và Woodworth với 8.564 học sinh trung học dẫn các ông đến kết luận rằng không có chứng cớ nào ủng hộ cho quan điểm trên. Vậy tại sao có vẻ như các môn học khó đã sản xuất ra các học sinh giỏi hơn?
Thorndike trả lời cho phương pháp giáo dục bằng "cơ bắp tinh thần" với lý thuyết chuyển đổi các yếu tố đồng nhất của ông. Thuyết này phát biểu rằng mức độ các kiến thức học được trong một tình huống được chuyển đổi sang một tình huống khác thì được quyết định bởi tính chất tương tự giữa hai tình huống. Nếu hai tình huống giống hệt nhau, kiến thức đã học được trong một tình huống sẽ được chuyển hoàn toàn sang tình huống kia. Nếu không có sự giống nhau giữa hai tình huống, kiến thức học được trong một tình huống sẽ không có giá trị gì trong tình huống kia. Hệ quả đối với việc giáo dục là hiển nhiên: Nhà trường phải dạy học sinh các kiến thức giống với những gì sẽ có ích khi học sinh rời mái trường. Thay vì tìm cách kiện cường các khả năng tinh thần bằng việc dạy các môn học khó, nhà trường cần nhấn mạnh các kiến thức thực tiễn. Ngay cả ngày nay, một số nhà nghiên cứu cho rằng Thorndike đã quá vội trong việc bác bỏ kỷ luật hình thức (ví dụ Lehman, Lempert & Nisbett, 1988).
Cống hiến của Thorndike
Nhiều người coi Thorndike là lý thuyết gia về học tập lớn nhất của mọi thời, và nhiều ý tưởng của ông có thể tìm thấy trong tâm lý học hiện đại trong tác phẩm của Skinner, mà chúng ta sẽ đề cập đến ở chương sau. Thường người ta coi Thorndike là nhà tâm lý học chức năng, Skinner là nhà tâm lý học hành vi. Vì hai lý do, Thorndike không được coi là nhà tâm lý học hành vi mặc dù ông có khuynh hướng mạnh về phương diện này. Thứ nhất, ông sử dụng một ít thuật ngữ về tinh thần, như "tình trạng tích cực". Thứ hai, ông không muốn từ bỏ hoàn toàn phân tích nội quan. Ông tin phân tích nội quan có thể đóng một vai trò hữu ích trong việc nghiên cứu ý thức con người. Do đó, tốt nhất nên coi Thorndike như một nhân vật chuyển tiếp giữa trường phái chức năng và trường phái hành vi.
Created by AM Word2CHM
SỐ PHẬN CỦA TRƯỜNG PHÁI CHỨC NĂNG
NHẬP MÔN LỊCH SỬ TÂM LÝ HỌC à Chương 11. CHỨC NĂNG LUẬN
Số phận của trường phái chức năng thế nào? Nó không chết như trường phái cơ cấu luận, nhưng nó đã được hấp thu vào xu thế chính của tâm lý học. Theo Chaplin và Krawiec:
Xét như một hệ thống, trường phái chức năng là một thành công toàn diện, nhưng phần lớn cũng vì thành công này, nó không còn là một trường phái tâm lý học riêng biệt. Nó đã được hấp thu vào triền chính của tâm lý học. Không một quan điểm tâm lý học nào khác có thể mong đợi một số phận tốt đẹp như thế.
Và Bruno nói,
Giống như tinh thần của William James, nền tâm lý học Mỹ vẫn còn phần nào là một sự pha trộn nghịch lý giữa các quan điểm chủ quan và khách quan. Nhiều nhà tâm lý học hiện đại muốn dùng các công cụ của khoa học và dựa trên các dữ kiện khách quan. Tuy nhiên, họ cũng không muốn từ bỏ thế giới kinh nghiệm nội tâm như một nguồn thông tin tâm lý phong phú. Trên quan điểm triết lý khoa học, các vấn đề trong một phương pháp kết hợp thì đa dạng và phức tạp. Thế nhưng những con người thực tế thường tìm cách dung hoà và dẹp bỏ các mâu thuẫn rõ ràng để bắt tay vào công việc trước mắt. Lập trường ở-giữa-đường của các nhà tâm lý học chức năng vẫn còn tiếp tục hôm nay.
CÁC CÂU HỎI THẢO LUẬN
1. Mô tả tóm tắt bốn giai đoạn của tâm lý học Mỹ.
2. Các chủ đề chính của chức năng luận là gì?
3. Định nghĩa thực dụng luận.
4. Theo James, các đặc tính chính của ý thức là gì?
5. James đã giải quyết vấn đề tranh luận giữa ý chí tự do và tất định thế nào khiến ông cảm thấy hài lòng?
6. James hiểu hành vi tự ý là gì? Ông cắt nghĩa hành vi tự ý như thế nào?
7. Tại sao quan điểm của Munsterberg về tâm lý học được coi là có tính thực chứng hơn quan điểm của James?
8. Tóm lược công trình của Munsterberg về tâm lý học lâm sàng, pháp đình, và công nghiệp.
9. Số phận Munsterberg thế nào?
10. Mô tả thuyết thâu tóm của Hall.
11. Kể ra những cái "nhất" của Hall trong tâm lý học.
12. Dewey phê bình thế nào về kiểu phân tích hành vi dựa trên phản xạ? Phần ông đề nghị gì? Dewey đóng vai trò gì trong việc phát triển thuyết chức năng?
13. Angell nêu lên những khác biệt quan trọng nào giữa chức năng luận và cơ cấu luận?
14. Carr hiểu hành vi thích nghi là gì? Carr có những cống hiến gì cho sự phát triển của tâm lý học chức năng?
15. Phương pháp tâm lý học của Cattell khác với phương pháp của các nhà tâm lý học chức năng khác như thế nào?
16. Tại sao phương pháp tâm lý học của Woodworth được gọi là tâm lý học năng động? Tại sao ông thích dùng công thức S- O-R hơn công thức S-R để cắt nghĩa hành vi?
17. Trước hết mô tả phương pháp nghiên cứu loài vật của Romanes và Morgan, rồi sau đó cho biết nghiên cứu của Thorndike đã cải tiến các phương pháp kia như thế nào.
18. Thorndike đã đạt đến các kết luận quan trọng nào về bản chất của quá trình học tập?
19. Mô tả các luật luyện tập của Thorndike lúc đầu và sau này.
20. Số phận của trường phái chức năng như thế nào?
Created by AM Word2CHM
TỪ VỰNG
NHẬP MÔN LỊCH SỬ TÂM LÝ HỌC à Chương 11. CHỨC NĂNG LUẬN
Adaptive act - Hành vi thích nghi: Thuật ngữ Carr dùng để chỉ một đơn vị hành vi với ba đặc điểm: một nhu cầu, khung cảnh môi trường, và một phản ứng làm thỏa mãn nhu cầu.
Applied psychology - Tâm lý học ứng dụng: Loại tâm lý học có ích trong việc giải quyết các vấn đề thực tiễn. Các nhà cơ cấu luận chống lại tính thực dụng này, nhưng Munsterberg và sau này các nhà tâm lý học chức năng nhấn mạnh nó.
Dynamie psychology - Tâm lý học năng động: Loại tâm lý học do Woodworth đề nghị, nhấn mạnh những thay đổi bên trong là động cơ thúc đẩy các sinh vật hành động.
Empirical self - Ngã thường nghiệm: Theo James, là ngã bao gồm tất cả những gì mà một cá nhân có thể nói là của mình. Ngã thường nghiệm gồm ngã vật chất, ngã xã hội, và ngã tinh thần.
Forensic psychology - Tâm lý học pháp đình: Ứng dụng các nguyên tắc tâm lý học vào các vấn đề tư pháp. Munsterberg được coi là nhà tâm lý học pháp đình đầu tiên.
Functionaiism - Chức năng luận: Trường phái tâm lý học đầu tiên của Mỹ. Dưới ảnh hưởng của Darwin, các nhà tâm lý học chức năng nhấn mạnh vai trò của ý thức và hành vi trong việc thích ứng với môi trường.
Ideo-motor theory of behavior - Lý thuyết ý tưởng động lực về hành vi: Theo James, các ý tưởng là động cơ tạo ra hành vi, vì thế chúng ta có thể kiểm soát hành vi bằng cách kiểm soát các ý tưởng của chúng ta.
Industrial psychology - Tâm lý học công nghiệp: Ứng dụng các nguyên tắc tâm lý học vào các việc như tuyển nhân sự; tăng năng suất lao động, thiết kế máy móc, tiếp thị quảng cáo, và đóng gói sản phẩm. Munsterberg được coi là nhà tâm lý học công nghiệp đầu tiên.
Pragmatism - Thực dụng luận: Thuyết cho rằng tính hữu ích là tiêu chuẩn tốt nhất để phán đoán về giá trị của một ý tưởng.
Puzzle box - Loại câu đố: Chiếc thùng thí nghiệm Thorndike dùng để nghiên cứu một cách hệ thống về hành vi loài vật.
Recapitulation theory - Lý thuyết thâu tóm: Thuyết của Han cho rằng mọi giai đoạn tiến hóa của loài người được thâu tóm lại trong cuộc đời của một cá nhân.
Reciprocal antagonism - Sự đối kháng hỗ tương: Phương pháp Munsterberg dùng để điều trị các bệnh nhân rối loạn tâm thần, bằng cách làm cho mạnh các tư tưởng đối lập với các tư tưởng gây ra bệnh.
Stream of consciousness - Dòng ý thức: Thuật ngữ James dùng để nói về hoạt động tinh thần. James mô tả tinh thần như gồm một dòng chảy liên tục thay đổi gồm các tư tưởng tương quan với nhau và có mục đích, chứ không phải các yếu tố rời rạc và không thay đổi mà có thể tách biệt nhau như các nhà cơ cấu luận chủ trương.
Created by AM Word2CHM
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro