nhan vat lich su 2
Huế, ngày 10 tháng 3 năm 2012 Trang chủ
THUẬN HÓA - PHÚ XUÂN - THỪA THIÊN HUẾ - VÀI NÉT VỀ DẶM DÀI VÀ LỊCH SỬ
Hiển thị Slide 1 của 3
Thuận Hóa - Phú Xuân - Thừa Thiên Huế, những danh từ - địa danh lịch sử để chỉ sự phát triển của Thừa Thiên Huế, đã cùng với những thăng trầm, buồn vui của lịch sử dân tộc Việt Nam, luôn phải đối đầu với những thử thách khắc nghiệt của thiên nhiên, lại phải đi qua nhiều cuộc chiến tranh ác liệt chống quân xâm lược, duyên cách địa lý có khi rộng, khi hẹp trong dặm dài lịch sử đã tự tạo cho mình một lẽ sống sáng rõ và cao cả, một bản sắc văn hóa đặc trưng có sức mạnh bất diệt.
Ngược dòng lịch sử, từ những đợt nghiên cứu khảo cổ học thời sơ sử, tiền sử và lịch sử trên địa bàn Thừa Thiên Huế từ trước đến nay, đã có nhiều tài liệu hiện vật chứng minh rằng, Thừa Thiên Huế là một vùng đất có lịch sử lâu đời, ít nhất có niên đại trên dưới từ 2500 - 2800 với bằng chứng khách quan là di tích khảo cổ Cồn Dàng ở thôn La Chữ, huyện Hương Trà - thuộc nền văn hóa Sa Huỳnh. Những phát hiện về các sưu tập hiện vật về thời đại đá cũng là những dấu hiệu để chứng minh rằng, niên đại của lịch sử Thừa Thiên Huế có thể còn được lùi xa hơn nữa so với ngày nay.
Chiến thắng Bạch Đằng năm 938 đã mở ra một thời kỳ mới trong lịch sử dân tộc, thời kỳ phát triển của quốc gia phong kiến độc lập và lớn lên nhanh chóng của dân tộc Việt Nam. Bản hùng ca bi tráng về lịch sử dân tộc tiếp diễn đến cuộc tranh chấp lãnh thổ kéo dài suốt 4 thế kỷ giữa Đại Việt và Chăm Pa, cương vực Đại Việt lần lượt mở rộng về phía Nam. Địa danh Thuận Hóa đã ghi lại trong lịch sử dân tộc thiên tình sử cảm động vượt trên cả lòng hiếu thảo với cha, mẹ là đất nước, dân tộc của công chúa Huyền Trân con gái vua Trần Nhân Tông, em gái vua Trần Anh Tông, kết hôn cùng vua Chiêm Thành là Chế Mân để đổi hai châu Ô và Châu Lý, sau đó đổi thành châu Thuận và châu Hóa (1307). Vua Anh Tông đã cho hiểu dụ an dân, cấp ruộng đất và miễn tô thuế trong 3 năm và như vậy từ cuối đời Trần đã có dòng người từ Bắc (Thanh Hóa) di cư vào sinh sống với dân bản địa của vương quốc Chăm Pa. Từ Thuận Hóa (1306) đến Phú Xuân (1687), Thừa Thiên Huế luôn có mặt trong những bước thăng trầm của lịch sử, đã chứng kiến sự suy tàn của vương triều Trần, và cũng đã háo hức đến thất vọng với giấc mộng phục hưng của nhà Hồ, rồi cùng nhau nô nức hưởng ứng theo nghĩa quân Lam Sơn suốt 10 năm kháng chiến chống quân Minh xâm lược (1418 - 1428).
Lịch sử dân tộc tất yếu lại phải trải qua giai đoạn đen tối kéo dài 200 năm dưới sự cai trị thối nát, trì trệ, nhu nhược, bảo thủ và quân phiệt của vua Lê, chúa Trịnh. Đó chính là tiền đề tạo bước ngoặt để Thuận Hóa - Phú Xuân dần dần vươn lên vị trí trung tâm của Đại Việt, khi Nguyễn Hoàng, vào trấn thủ Thuận Hóa (11-1558). Từ khi đặt chân lên dải đất phía nam Hoàng Sơn đến khi mất (1558-1613), chúa tiên Nguyễn Hoàng lần lượt đóng bản doanh ở Ái Tử, Trà Bát rồi Dinh Cát, chăm lo mở mang bờ cõi, mở mang kinh tế, văn hóa. Vừa đánh nhau với tập đoàn Lê - Trịnh ở phía Bắc, các chúa Nguyễn vừa đẩy nhanh tốc độ mở rộng địa bàn xứ đàng Trong về phía Nam. Trong quá trình đó, các chúa Nguyễn chuyển thủ phủ của mình từ Phước Yên về Kim Long (1636) và cuối cùng dừng chân tại Phú Xuân (1687). Tất yếu lịch sử đó đã định vị Phú Xuân trở thành kinh đô của "nước" đàng Trong cho đến năm 1775, khi bị quân Trịnh tạm chiếm.
Phong trào nông dân Tây Sơn do ba anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ chỉ huy đã phát triển mạnh mẽ kể từ ngày phất cờ khởi nghĩa (1771). Đêm
14 - 6 - 1786, nhân dân Thuận Hóa đã tổ chức đón tiếp nghĩa quân Tây Sơn tại nhà thờ họ Ngô (Thanh Thủy, Hương Thủy) trước khi vào trận quyết tâm hạ thành Phú Xuân. Đây cũng là nơi quân Tây Sơn tiến ra Bắc đập tan họ Trịnh, kết thúc 200 năm chia cắt đàng Trong - đàng Ngoài, đưa đất nước thống nhất một mối. Cũng tại Phú Xuân trên đỉnh Bân Sơn, Quang Trung - Nguyễn Huệ đã lên ngôi Hoàng đế kéo quân ra giải phóng Thăng Long, tiêu diệt 28 vạn quân xâm lược Mãn Thanh. Nhưng sự lục đục trong nội bộ lãnh đạo phong trào Tây Sơn đã tạo nên tiền đề cho quá trình suy thoái diễn ra nhanh chóng sau khi Nguyễn Huệ chết đột ngột (16-9-1792). Lợi dụng tình hình đó, Nguyễn Ánh dựa vào sự viện trợ của nước ngoài đưa quân đánh chiếm Gia Định, và làm bàn đạp phản công quân Tây Sơn chiếm Phú Xuân, lên ngôi hoàng đế lấy niên hiệu là Gia Long (5 - 1802). Một lần nữa Phú Xuân được chọn làm kinh đô của nước Việt Nam thống nhất cho đến Cách mạng tháng Tám năm 1945.
Nửa đầu thế kỷ XIX dưới các triều Gia Long (1802 - 1820), Minh Mạng (1820 - 1840), Thiệu Trị (1840 - 1847) là thời kỳ hưng thịnh của phong kiến nhà Nguyễn. Từ khi vua Tự Đức băng hà (7 - 1883), triều đình Huế bắt đầu một giai đoạn suy tàn của vương triều Nguyễn, từ Hòa ước Hác- Măng đến Patơnôt các vua Nguyễn đã đi từ nhượng bộ này đến nhượng bộ khác và cuối cùng thừa nhận quyền thống trị của Pháp. Có thể nói, lịch sử Việt Nam kể từ đây trải qua những tháng ngày đen tối dưới sự thống trị của một chính quyền phong kiến lệ thuộc vào thực dân Pháp. Biến cố thất thủ kinh đô đã để lại cho Thừa Thiên Huế những trang sử đẫm máu, đồng thời cũng mở đầu cho cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc với các phong trào Cần Vương, Văn Thân, từ cuối thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX. Sự phát triển của phong trào yêu nước và cách mạng, tất yếu dẫn đến sự ra đời của tổ chức Đảng Cộng sản và những hoạt động của các tổ chức Đảng đã lãnh đạo nhân dân, tổ chức các phong trào đấu tranh cách mạng mà đỉnh cao là cuộc khởi nghĩa giành chính quyền cách mạng tháng Tám 1945 thắng lợi, mở ra một thời kỳ lịch sử mới cho phong trào cách mạng Thừa Thiên Huế. Trải qua hai cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc, nhân dân Thừa Thiên Huế đã đóng góp nhiều mồ hôi, xương máu cùng nhân dân cả nước đánh thắng hai Đế quốc lớn là thực dân Pháp và đế quốc Mỹ từ năm 1946 đến 1975. Huế - Thừa Thiên Huế là nơi đã diễn ra biết bao sự tích anh hùng tưởng như huyền thoại trong lịch sử chiến tranh giải phóng, nơi châm ngòi của các phong trào đấu tranh chính trị ở các đô thị miền Nam, nổi bật là phong trào đấu tranh Phật giáo 1963, phong trào đấu tranh đô thị của học sinh, sinh viên và trí thức Huế, cuộc tiến công và nổi dậy mùa xuân Mậu Thân 1968, và cuối cùng là cuộc tổng tiến công giải phóng hoàn toàn Thừa Thiên Huế mùa xuân 1975, góp công sức, mồ hôi và xương máu cùng nhân dân hai miền Nam Bắc thực hiện thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vĩ đại, với chiến dịch lịch sử Hồ Chí Minh đại thắng đưa đất nước Việt Nam vào thời kì độc lập thống nhất vĩnh viễn.
Sau ngày giải phóng, Đảng bộ và nhân dân Thừa Thiên Huế đã sát cách cùng nhau thực hiện công việc hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục và phát triển sản xuất, triển khai các chương trình kinh tế - xã hội trọng điểm từ năm 1975 đến năm 1980. Từ những bài học kinh nghiệm thành công và hạn chế của một thời kỳ lịch sử, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Chính quyền, quân và dân Thừa Thiên Huế lại tiếp tục bước vào giai đoạn củng cố và phát triển toàn diện với những thành tựu có chất lượng về kinh tế, chính trị, an ninh quốc phòng, văn hóa xã hội.
Hiện nay, Đảng bộ, quân dân Thừa Thiên Huế tiếp tục rút kinh nghiệm nhằm phát huy những thành quả cách mạng qua nhiều thời kỳ lịch sử bảo vệ và xây dựng phát triển kinh tế, đổi mới và hòa nhập với các nước trong khu vực và thế giới, để quyết tâm xây dựng Thừa Thiên Huế sớm trở thành Thành phố trực thuộc Trung ương theo Kết luận 48-KL/TW của Bộ Chính trị ngày 25/5/2009.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro