Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

Nhân nghĩa

Nhân nghĩa Việt Nam (05/12/2008)

Dân tộc Việt Nam từ ngàn đời nay đã có truyền thống nhân nghĩa bao dung. Mặc dù phải đối mặt với biết bao gian khó như chiến tranh liên miên như thiên tai lũ lụt nhưng tấm lòng nhân nghĩa bao dung của người Việt Nam vẫn ngời sáng.

Trong bài Cáo Bình Ngô, nhà văn hóa, nhà thao lược quân sự, nhà chính trị Nguyễn Trãi đã viết: “Lấy đại nghĩa thắng hung tàn. Lấy chí nhân thay cường bạo”. Trong suốt chiều dài lịch sử các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm của dân tộc ta, tinh thần ấy vẫn xuyên suốt với đạo lý “đánh kẻ chạy đi chứ không đánh kẻ chạy lại”. Đó là cách ứng xử đối với “thù trong, giặc ngoài”, còn giữa đồng bào với nhau thì người Việt Nam luôn hành xử đúng với câu ca: “Bầu ơi thương lấy bí cùng. Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”, hay “Nhiễu điều phủ lấy giá gương. Người trong một nước phải thương nhau cùng”.

Những người từng trải qua các cuộc kháng chiến chống thực dân và đế quốc, ai mà không nhớ hình ảnh bà con mình đùm đùm bọc bọc đi tản cư, sơ tán. Trong gian nan giặc giã, người với người vẫn chia sẻ cùng nhau từng ngụm nước, miếng cơm, nhường chỗ ở cho nhau, thậm chí nhận nuôi trẻ cơ nhỡ vẫn là chuyện thường tình. Nhà thơ Tố Hữu đã mô tả cuộc sống trong chiến khu: “Thương nhau chia củ sắn lùi. Bát cơm sẻ nữa chăn sui đắp cùng”. Đó là những hình ảnh dung dị mà thật đẹp về tình cảm của những người dân chiến khu đối với cán bộ kháng chiến. Còn tình cảm của bộ đội đối với dân thì “như cá với nước”, “không tơ hào cái kim sợi chỉ của dân” đúng như lời dạy của Bác Hồ.

Các cuộc chiến tranh đi qua, cũng với tinh thần nhân nghĩa, bao dung Việt Nam mà chúng ta đã thực hiện nghiêm túc chính sách đối với tù binh. Rồi đúng như biểu tượng “Rùa vàng trả kiếm” vì nền hòa bình, người Việt Nam lại gác gươm, súng để bắt tay xây dựng đất nước, khắc phục hậu quả chiến tranh.

Song hết giặc giã lại đến thiên tai. Chúng ta còn chưa quên những mất mát đau thương từ các cơn bão lớn đổ xuống miền Nam, miền Trung như Cà Mau (năm 1995), Huế (năm 1999) rồi những trận lũ quét lớn ở Sơn La, Yên Bái và các tỉnh miền núi phía Bắc, vụ sập cầu Cần Thơ năm 2007.

Mới đây, thảm họa do thiên tai ở Myanmar và Trung Quốc đã làm rung động bao con tim. Cứ sau mỗi trận thiên tai giáng xuống bất cứ nơi nào dù là ở trong nước hay ngoài nước thì trong lòng người Việt Nam vẫn nhói lên một tình cảm thương xót đồng loại và biến tình cảm thành hành động hữu ích. Người thì góp gạo, đồ dùng, áo quần, người thì góp tiền hay góp sức để chia sẻ với đồng bào hoạn nạn và khắc phục hậu quả thiên tai. Có những mẹ già tay run run bỏ đồng tiền chắt chiu từ ruộng lúa, nương khoai vào thùng quyên góp, tay quệt nước mắt vì thương bà con rơi vào cảnh khổ. Có những em nhỏ học sinh biết nhịn quà sáng, nhịn phần may áo mới để mua sách vở gửi cho các bạn vùng bão. Những công chức, viên chức từ lãnh đạo đến nhân viên đều góp ít nhất một ngày lương để chia sẻ khó khăn với đồng bào gặp nạn. Trong những phiên chợ, người buôn bán cũng rưng rưng nước mắt khi quyên góp tiền vì thương cảnh đồng bào ta mất người thân, nhà cửa, tài sản chỉ trong cơn lũ lớn. Ở các góc chợ hay trung tâm thương mại, bến xe chúng ta thường thấy những hộp đựng tiền quyên góp ủng hộ đồng bào lũ lụt, người nghèo khó…

Những nghĩa cử tuy nhỏ, nhưng tinh thần lại rất lớn. Tinh thần ấy được mài dũa từ truyền thống ngàn năm của dân tộc càng ngày càng kết tinh, tỏa sáng. Tinh thần làm nên sức mạnh đoàn kết, đại đoàn kết như lời dạy của Hồ Chủ tịch. Người Việt Nam luôn luôn thường trực tinh thần ấy và cũng vì tinh thần ấy mà đã nhiều lần giành đại thắng. Chúng ta tự hào và sẽ mãi mãi duy trì tinh thần nhân nghĩa Việt Nam.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro

Tags: