Thạch Lam
* Đôi nét về tác giả Thạch Lam:
- Thạch Lam có lối viết nhẹ nhàng, sâu lắng. Ra đi khi tuổi còn trẻ vì mắc căn bệnh hiểm nghèo nhưng sự nghiệp của ông có rất nhiều tác phẩm để đời.
- Thường viết về truyện nhưng không có cốt truyện, có khuynh hướng khai thác thế giới nội tâm nhân vật đi gần với cuộc sống của những người dân bình thường nghèo khổ.
- Là một người yêu cái đẹp, một nghệ sĩ có tâm hồn lãng mạn, luôn hướng tới cái đẹp. Nhưng với ông, văn chương không phải lấy cái đẹp làm cứu cánh, mà ông chắt chiu, tìm kiếm cái đẹp bị đánh mất.
I. Nhận định từ nhà văn
1. "Đối với tôi văn chương không phải là cách đem đến cho người đọc sự thoát ly hay sự quên; trái lại văn chương là một thứ khí giới thanh cao và đắc lự mà chúng ta có, để vừa tố cáo và thay đổi một cái thế giới giả dối, tàn ác, vừa làm cho lòng người đọc thêm trong sạch và phong phú hơn."
-> Liên hệ:
+ "Một tác phẩm nghệ thuật là kết quả của tình yêu. Tình yêu con người, ước mơ cháy bỏng vì một xã hội công bằng, bình đẳng bác ái luôn thôi thúc các nhà văn sống và viết, vắt kiện những dòng suy nghĩ, hiến dâng bầu máu nóng của mình cho nhân loại." (Lép Tôn-xtôi)
+ "Một tác phẩm thật giá trị, phải vượt lên trên tất cả bờ cõi và giới hạn, phải là một tác phẩm chung cho cả loài người. Nó phải chứa đựng một cái gì lớn lai, mạnh mẽ, vừa đau đớn lại vừa phấn khởi. Nó cả tụng lòng thương, tình bác ái, sự công bình... Nó làm cho người gần người hơn." (Nam Cao)
+ "Văn học là nhân học." (M. Gorki)
2. "Một nhà văn thiên tài là người muốn cảm nhận mọi vẻ đẹp man mác của vũ trụ."
-> Liên hệ:
+ "Khi cảm xúc chín muồi trong trái tim người nghệ sĩ, đó là lúc ngôn từ thấm nhuần trên trang viết của văn nhân."
+ "Thơ chỉ bật ra trong tim ta khi cuộc sống đã tràn đầy" (Tố Hữu)
3. "Thiên chức của nhà văn cũng như những chức vụ cao quý khác là phải nâng đỡ những cái tốt đẹp để trong đời có nhiều công bằng, thương yêu hơn."
-> Liên hệ:
+ "Nhà văn phải biết khơi lên ở con người lòng trắc ẩn, ý thức phản kháng cái ác; cái khát vọng khôi phục và bảo vệ những cái tốt đẹp." (Ai-ma-tốp)
4. "Công việc của nhà văn là phát hiện ra cái đẹp ở chỗ không ai ngờ tới, tìm ra cái đẹp kín đáo và che lấp của sự vật, để cho người đọc có một bài học trông, nhìn và thưởng thức."
-> Liên hệ:
+ "Nhà văn phải là người đi tìm những hạt ngọc ẩn giấu trong bề sâu tâm hồn con người."
+ Niềm vui của nhà văn chân chính là niềm vui của người dẫn đường đến với xứ sở của cái đẹp."
5. "Cái thực tài của nhà văn nguồn gốc chính là ở tâm hồn. Một nghệ sĩ phải có một tâm hồn phong phú, những tình cảm dồi dào. Nếu không, nghệ sĩ đó chỉ là thợ văn khéo thôi."
-> Liên hệ:
+ "Văn chương không cần đến những người thợ khéo tay làm theo một vài kiểu mẫu đưa cho. Văn chương chỉ dung nạp những người biết đào sâu, tìm tòi, khơi những nguồn chưa ai khơi và sáng tạo những gì chưa có." (Nam Cao)
+ "Một người nghệ sĩ chân chính phải là nhà nhân đạo từ trong cốt tuỷ." (Sê-khốp)
II. Nhận định về nhà văn
1. Vũ Ngọc Phan: "Ngay trong tác phẩm đầu tay (Gió đầu mùa), người ta đã thấy Thạch Lam đứng vào một phái riêng... Ông có một ngòi bút lặng lẽ, điềm tĩnh vô cùng, ngòi bút chuyên tả tỉ mỉ những cái rất nhỏ và rất đẹp... Phải là người giàu tình cảm lắm mới viết được như vậy."
2. Nguyễn Tuân:
+ "Thạch Lam đã làm cho tiếng việt gọn ghẽ đi, co duỗi thêm, mềm mại và tươi tắn hơn. Thạch Lam có đem sinh sắc vào tiếng ta. Và theo tôi nghĩ, đứng bên cái tiêu chuẩn thái độ tư tưởng nó là tiêu chuẩn chung cho các thể, các ngành văn nghệ thì đây là cái chuẩn trong những tiêu chuẩn quan trọng nếu không là duy nhất."
+ "Xúc cảm của Thạch lam thường bắt nguồn và nảy nở lên từ những chân cảm đối với tầng lớp dân nghèo thành thị và thôn quê. Thạch Lam là nhà văn quý mến cuộc sống, trang trọng trước cuộc sống của mọi người chung quanh. Ngày nay đọc lại Thạch Lam, vẫn thấy đầy đủ cái dư vị và cái nhã thú của những tác phẩm có cốt cách và phẩm chất văn học."
3. Thế Lữ: "Sự thật tâm hồn Thạch Lam diễn trong văn chương phức tạp nhiều hình, nhiều vẻ, nhưng bao giờ cũng đằm thắm, thân mật, cũng nhân hậu, cũng nghẹn ngào một chút lệ thầm kín của tình thương."
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro