Nhạc Phi Diễn Nghĩa 5
Vào cuối đời Đường thiên hạ đại loạn, giặc giã nổi dậy khắp nơi, dân tình khổ cực. Sớm thì dân thuộc về nhà Lương, chiều thì dân lại thuộc về nhà Tần, dân chúng chẳng biết theo ai, lúc nào cũng nơm nớp lo sợ!
Thuở ấy tại núi Tây Nhạc Hoạ có ông Trần Đoàn tức Hi Di tiên sinh ở ẩn trong núi, dày công tu luyện trở nên một vị tiên cao đạo, đức dày.
Hi Di tiên sinh cưỡi lừa đi ngang qua cầu Thiên Hán chợt thấy một đám mây ngũ sắc bay ngang qua. Ông biết ngay điềm lành đem đến cho dân chúng, vội ngước mặt lên trời nhìn sững hồi lâu rồi buông một chuỗi cười khoái trá đến nỗi ngã nhào xuống đất lúc nào không hay mà cứ vẫn cười ngặt nghẽo!
Mọi người thấy thế lấy làm lạ xúm lại xung quanh tiên sinh hỏi nguyên do. Ông bảo:
- „Ha, ha...Ai bảo đời này không có vui hiền? Chỉ có một thai mà sinh hạ những hai rồng cơ đấy".
Mọi người ngơ ngác không hiểu gì cả, nhưng câu nói của tiên ông đầy ý nghĩa, vì ông biết rằng hiện nay tại dinh Giáo mã của quan Tư đồ Triệu Hoàng Ân, có phu nhân là Đỗ Thị vừa sinh được một người con trai tên là Khuông Dẫn. Khuông Dẫn, vốn là Thích Lịch Đại Tiên người của Thiên giới xuống phàm trần đầu thai nên có hào quang chiếu sáng và mây lành che chở.
Sau này Trịnh Khuông Dẫn lớn lên, sở trường sử dụng cây roi, chỉ với hai bàn tay trắng mà thu phục các châu quận, lập nên cơ nghiệp hơn ba trăm năm, xưng quốc hiệu là Đại Tống, đóng đô tại Biện Lương.
Kể từ khi Tống Thái Tổ Triệu Khuông Dẫn mở mang bờ cõi truyền ngôi cho đến đời vua Huy Tông, tổng cộng là tám đời vua (Thái Tổ, Thái Tông, Chân Tông, Nhân Tông, Anh Tông, Yết Tông, Thần Tông và Huy Tông).
Vua Huy Tông vốn là người thượng giới, do Trường Mi Đại Tiên giáng thế nên tính tình ưa thích những việc thần tiên, xưng hiệu Đạo Quân Hoàng Đế. Lúc bấy giờ thiên hạ thái bình, nhà nhà an lạc, gươm giáo cất kỹ vào kho, lại nhờ mưa thuận gió hoà, mùa màng tươi tốt, thiên hạ ấm no.
Thật quả là:
Khải hoàn đất Thuấn trời Nghiêu
Chúng dân no đủ, kinh triều yên vui
Mưa hoà, gió thuận khắp nơi
Chẳng ai còn nhớ tới thời can qua
Chắc ai cũng thừa hiểu bên Tây Trúc là nơi cực lạc. Hôm ấy tại chùa Lôi Âm, Phật Tổ Như Lai ngự tại Cửu phẩm liên đài, hai bên có bốn vị Đại Bồ Tát, tám vị Đại Kim Cương, năm trăm vị La Hán, ba nghìn vị Yết Đế, cùng chư vị Hộ pháp thánh thần chầu chực để nghe Phật Tổ giảng du diệu pháp chân kinh.
Khi giảng đến chỗ tuyệt hay, người ta có cảm tưởng như mùi hoa thơm bay khắp mọi nơi, chẳng khác châu ngọc gieo vãi khắp cõi hồng trần.
Trong lúc ai nấy đang chăm chú lãnh giáo, bỗng dưới liên đài có một vị Tinh quân là sao Nữ Thổ Bức (con dơi cái) chẳng biết vô tình hay hữu ý, phát ra một tiếng trung tiện (rắm) khá to, tuy vậy, Phật Tổ Như Lai là bậc đại từ đại bi nên không thèm để ý đến việc vô lễ ấy. Nhưng trên liên đài có một vị Hộ pháp Thần Kỳ tên là Đại Bàng Kim Sĩ Minh Vương đôi mắt bỗng ngời lên ánh giận dữ, lòng đầy phẫn nộ. Hộ pháp không thể tha thứ cho hành động vô lễ của vị Nữ Thổ Bức này được, bèn quạt cánh bay thẳng xuỗng mổ Nữ Thổ Bức chết tươi, khiến linh hồn nữ Tinh quân rời khỏi chùa Lôi Âm, bay qua Đông Độ đầu thai, làm con gái gã họ Vương.
Về sau người con gái họ Vương này được gả cho Tần Cối, nên mới có dịp hại kẻ trung lương để trả cái mối thù sâu nặng này.
Chuyện này sẽ nói sau, bây giờ quay lại chuyện tại chùa Lôi Âm, Phật Tổ Như Lai thấy sự tình như vậy đưa mắt nhìn Đại Bàng Kim Sinh than thở:
- Ngươi đã thọ giáo cùng ta, sao không giữ việc quy y ngũ giới lại hành động hung ác như vậy? Thế thì ngươi đành phải trải qua một giai đoạn nhân quả, nghĩa là ngươi phải xuống hồng trần để trả cho xong cái oan trái ấy, rồi mãn kiếp lại tiếp tục tu hành cho thành chánh quả.
Đại Bàng Kim Sinh cúi đầu vâng pháp chỉ bay vọt ra khỏi chùa Lôi Âm bay thẳng qua Đông Độ đầu thai.
Nói về việc tu hành của Trần Đoàn tiên sinh. Ông chỉ có ngủ mà rốt cuộc thành tiên, nên người thế gian thường nói:
"Trần Đoàn nhất hốt khốn thiên niên".
Ngày kia tiên sinh đang ngủ tại giường mây, hai tiểu đồng của ông là Thanh Phong và Minh Nguyệt bàn với nhau:
- Thầy ta đã ngủ rồi, biết chừng nào thầy ta dậy? Chi bằng chúng tar a núi dạo chơi một chập cho vui.
Rồi cả hai đằng vân ra đi dạo qua không biết bao nhiêu là cụm núi, hưởng thú nước Nhược non Bồng.
Khi hai người đến Bàn Xà Thạch bỗng thấy một bàn cờ, Thanh Phong như nhớ lại việc gì liền hỏi Minh Nguyệt:
- Sư đệ, còn nhớ ai đánh cờ ở chỗ này không?
Minh Nguyệt đáp:
- Tôi còn nhớ năm ấy có Tống Thái Tổ Triệu Khuông Dẫn đi Quảng Tây, băng ngang qua đường này, sư phụ ta thấy thế vội hô phong nổi lên một trận gió rước người lên núi đánh cờ, thắng cờ, người được hai trăm lượng bạc rồi ép Thái Tổ làm giấy bán đứt núi Hoạ Sơn này. Trong lúc ấy có Tiểu Thanh Long là Sài Vinh và Ngoạ Hồ Tinh là Trịnh Ân cùng đứng ra làm chứng. Về sau Triệu Khuông Dẫn lên ngôi báu, sư phụ ta mang văn khổ ấy xuống kinh đô chúc mừng và yêu cầu cho dãy núi này từ nay về sau không phải đóng thuế cho nên bàn cờ tàn này đến nay vẫn còn.
Thanh Phong gật đầu khen:
- Sư đệ nhớ dai thật, thôi bây giờ đang lúc rảnh rỗi, chúng ta hãy cùng đánh cờ chơi cho khuây khoả.
Hai người ngồi xuống vừa sắp cờ xong, bỗng nghe trên chín tầng không có tiếng ồn ào vang động. Cả hai ngửa mặt lên trời trông thấy phía Tây Bắc có hắc khí kéo đầy trời bay thẳng qua hướng Đông Nam.
Thanh Phong biến sắc mặt bảo:
- Nguy tai! Tôi sợ trời nghiêng đất sụp rồi sư đệ ơi!
Rồi cả hai vội vã chạy thẳng về, vừa vào đến sân đã quỳ xuống kêu lớn:
- Thầy ôi! Hãy thức dậy ngay, vì hình như trời nghiêng đất sụp rồi thầy ạ!
Hi Di tiên sinh đang ngủ ngon lành bỗng nghe hai đồ đệ gọi thất thanh, giật mình thức dậy chạy ra ngoài động, ngửa mặt nhìn lên trời xem mây và bảo:
- Đám mây quả là điềm dữ, kẻ trần gian sẽ không tránh khỏi vận sát kiếp.
Thanh Phong và Minh Nguyệt thấy thầy ra vẻ lo âu vội chắp tay thưa:
- Tại sao có điềm dữ dằn như vậy xin thầy giải thích cho chúng con việc nhân quả ra làm sao, vì chúng con còn mê muội chưa thấu rõ.
Tiên sinh trầm giọng nói:
- Hai người tu hành còn ít ỏi, hiểu sao cho nổi, để ta giải thích cho mà nghe.
Ngừng lại giây lát, lão tổ bắt đầu kể:
- Nguyên trong lúc Tết Nguyên đán, vua Huy Tông làm lễ tế Nam Giao có viết sớ tâu cùng Ngọc Hoàng. Khi viết đến "Ngọc Hoàng Đại Đế", thay vì chấm chữ Ngọc mà chấm lầm ở chữ Đại, cho nên trở thành bốn chữ "Vương Hoàng Khuyển đế". Vì vậy khi đọc sớ, Ngọc Hoàng thấy vậy giận lắm phán bảo:
- "Vương Hoàng khả khứ, khuyển đế nan nhiêu".
Ngài liền sai Xích Tu Long (tức rồng râu đỏ) xuống trần đầu thai nơi Bắc Địa, tại Nữ Chân Quốc, phù Hoàng Long để sau này đánh phá bờ cõi Trung Nguyên, phá tan giang sơn nhà Tống làm cho dân tình khốn khổ.
Hai tiên đồng lại hỏi:
- Thưa thầy, nếu vậy hắc khí xông lên đầy trời ấy là Xích Tu Long đi đầu thai đó sao?
Lão Tổ lắc đầu đáp:
- Không phải thế đâu, đó là Phật Tổ Như Lai vì sợ con Xích Tu Long xuống trần thế không ai trừ nổi nên vội sai Đại Bàng Điểu xuống để giữ gìn giang san nhà Tống cho đủ mười tám đời vua.
Nói đến đây, Hi Di tiên sinh giơ tay chỉ lên trời nói:
- Con Đại Bàng Điểu đã bay gần tới kia kìa, hai đứa bay hãy coi sóc trong động, để ta theo dõi xem hắn đầu thai tại xứ nào cho biết.
Dứt lời tiên sinh vội đạp tường vân bay theo Đại Bàng Điểu thì thấy nó sà xuống sông Hoàng Hà chín khúc.
Hoàng Hà chín khúc là con sông chạy quanh co ước chừng đến chín nghìn dặm. Thuở trước đời Đông Tấn có ông Hứa Chân Quân chém chết con giao long ở đấy, nên sau con giao long này hoá ra một vị tú tài cải tên là Thuận Lang, vào làm rể ông Cổ Thứ Sử ở đất Trường Sa. Về sau bị ông Hứa Chân Quân bắt được cột hắn tại cây đại thọ gần cái giếng phía Nam thuộc về tỉnh Giang Tây. Vợ hắn là nàng Cổ thị sau đi tu tại núi Ô Long, sanh đặng ba đứa con. Ông Hứa Chân Quân chém chết hai đứa, còn đứa thứ ba thoát khỏi, chạy xuống mé sông Hoàng Hà, về sau tu hành đắc đạo tự xưng là Thiết Bối Cù Vương.
Ở đây, con Thiết Bối thường thường hoá ra một bạch y Tú Sĩ tập trung loài tôm cá huấn luyện thành binh tướng lập nên trận đồ gần bên chân núi.
Vì vậy, khi Đại Bàng Điểu vừa bay đến chợt trông thấy đã biết ngay là yêu quái. Đại Bàng Điểu đáp xuống mổ một cái thật mạnh trúng con mắt phía bên phải văng tròng mắt ra, máu chảy đầm đìa. Con Thiết Bối đau quá, hét lên thảm thiết, rồi chạy lùi xuống tận đáy sông Hoàng Hà trốn tránh. Còn lũ binh tôm tướng trạch thấy thế cũng cả kinh chạy trốn không dám ho hoe, chỉ riêng có một tên là Đoàn Ngư Tinh tính khí ương ngạnh, ỷ mình có sức mạnh chẳng biết sợ ai. Hắn vung cặp song ngạc sáng ngời nhìn Đại Bàng Điểu quát to như sấm nổ:
- Yêu quái kia, ngươi ở đâu dám đến đây hành hung như vậy?
Hắn vừa nói dứt câu đã bị Đại Bàng Điểu mổ một cái trúng ngay giữa đỉnh đầu chết không kịp ngáp. Linh hồn nó bay thẳng qua Đông Độ đầu thai, sau hắn là Vạn Sĩ Hoa, mưu hại Nhạc Phi trong ngục ở Phong Ba đình để trả mối hận thù ấy.
Nhưng đây là việc về sau, bây giờ xin nhắc đến chuyện ông Trần Đoàn xem thấy sự tình vội thở dài than:
- Than ôi! Nghiệt súc đã bị đày xuống phàm trần mà còn hung hãn như vậy thì chắc chắn oan oan sẽ tương báo chẳng biết chừng nào cho xong.
Than xong lão tổ nương mình nương theo vầng mây bạc tiến sát Đại Bàng Điểu.
Khi Đại Bàng bay đến tỉnh Hà Nam phủ Tương Châu, liền xà cánh xuống đậu trên nóc nhà kia, rồi chỉ một lát sau không tìm thấy bóng Đại Bàng Điểu đâu nữa. Trần Đoàn bèn hoá ra một nhà sư, tay cầm gậy vào nhà hỏi thăm, mới hay nhà này là một Viên ngoại họ Nhạc tên Hoà, vợ là Diêu An Nhân, tuổi đã bốn mươi vừa sinh được một mụn con trai, bọn tôi tớ trong nhà chạy ra báo hỉ mừng rỡ vô cùng, còn ông Nhạc Hoà nay đã năm mươi tuổi mới được một mụn con trai nên càng vui mừng hơn nữa, ông ta thắp nhang khấn vái tạ ơn trời đất tứ phương.
Khi Trần Đoàn hoá thân thành nhà sư già vào đến trước cửa vừa trông thấy người lão bộc, vội cúi đầu xá một vái rồi nói:
- Tôi là kẻ tu hành, đi lỡ đường bụng đói, đến cầu một bữa cơm chay, xin người làm phúc.
Người lão bộc chắt lưỡi than thở:
- Thật rủi cho hoà thượng quá. Nhà viên ngoại của tôi xưa nay thường hay làm phúc, dù cho đôi mươi người lỡ bước như hoà thượng đến đây cũng sẵn sang giúp đỡ tận tình, ngặt vì hôm nay bà chủ tôi mới sinh con nên bếp núc không được tinh khiết, vậy xin lão sư phụ đến nhà khác.
Trần Đoàn Lão tổ lại nói:
- Tôi là khách từ phương xa tới đây, cũng còn chút việc cần muốn gặp gia chủ, nhờ ông vào nói hộ, không biết có được chăng?
- Thế thì lão sư phụ hãy ngồi đây chờ tôi một lát để tôi vào thưa với Viên ngoại xem sao.
Người lão bộc vội vã chạy vào nhà chắp tay thưa cùng Viên ngoại:
- Có một nhà sư vào nhà mình xin một bữa cơm chay.
Viên ngoại cau mày bảo:
- Ông đã có tuổi mà sao không hiểu biết gì cả vậy? Hôm nay trong nhà ta sinh sản uế tạp, còn người ta là nhà tu hành nếu để cho người ta mất sự tinh khiết có phải tội ấy nhà mình phải mang với trời phật không?
Người lão bộc chạy ra thuật lại lời của Viên ngoại, Trần Đoàn thản nhiên bảo:
- Ông làm ơn thưa lại với Viên ngoại rằng, việc ấy không can chi, nếu có tội lỗi chỉ tôi xin hứng chịu.
Lão bộc lại trở vào phân trần cùng Viên ngoại lần nữa, Viên ngoại bảo:
- Không phải tôi tiếc một bữa cơm chay, nhưng vì tôi thấy việc bất tiện nên mới từ chối.
Người lão bộc khẩn khoản:
- Xin Viên ngoại hãy xem xét lại, vì chỗ này là nơi hoang thôn dã địa không có quán xá gì thì người ta biết tìm nơi nào mà lót dạ? Hơn nữa lời xưa có nói: "xuất tiểu bất toa tội" thì Viên ngoại đã làm phúc chẳng lẽ lại mang tội sao?
Suy nghĩ hồi lâu, Viên ngoại gật đầu bảo:
- Ngươi nói có lý lắm, thôi hãy ra mời người ta vào đây.
Người lão bộc mừng rỡ chạy ra nắm tay nhà sư dắt vào nhà trong. Viên ngoại trông thấy Trần Đoàn Lão Tổ râu tóc bạc phơ, dung mạo cốt cách khác người phàm, liền bước ra tiếp đón một cách lễ phép.
Sau khi an toạ, Viên ngoại lên tiếng:
- Chẳng phải tôi muốn chối từ, xong chỉ vì tôi quá ngại ngùng về việc vợ tôi mới sinh sản chỉ sợ làm phiền các vị tu hành đó thôi.
Trần Đoàn Lão Tổ cười xoà nói:
- Phàm làm việc lành tuy không ai rõ, nhưng trời đất thì biết ngay. Chẳng hay Viên ngoại tên họ là chi?
Nhạc Hoà đáp:
- Tôi họ Nhạc tên Hòa, ông bà tôi tự bao đời nay vẫn ở xứ Tương Châu này, nơi đây là xóm Hiếu Đễ, làng Vĩnh Hoà. Chỉ vì tôi có ít mẫu đất cùng chút đỉnh sản nghiệp nên người ta gọi tôi là Viên ngoại đó thôi, còn tính danh của hoà thượng là gì? Hiện tu ở chùa nào xin cho tôi biết với.
Trần Đoàn Lão Tổ nói:
- Tôi biệt hiệu là Hi Di tiên sinh thường tiêu dao khắp bốn bể, nay tình cờ đến đây gặp trong nhà có việc sinh sản thì cũng là cái duyên hiếm có đấy, chẳng hay Viên ngoại có vui lòng bồng thằng bé mới lọt lòng ấy ra đây cho tôi xem thử, như rủi có yêu ma quấy phá, tôi sẽ có cách ếm giúp giùm cho.
Nhạc Hoà lấy làm vui mừng, nhưng lại tỏ vẻ ngại ngùng:
- Nếu được như vậy thì còn gì quý hoá cho bằng. Song tôi chỉ ngại uế tạp có thể xâm phạm đến đấng tam quan thì cả tôi lẫn hoà thượng đều mang tội đấy chứ chẳng phải chơi đâu.
Lão Tổ lắc đầu:
- Không hề chi đâu, chỉ cần lấy dù che cho nó thì không can gì cả.
- Thế thì hay lắm, vậy hoà thượng hãy ngồi đây để tôi vào nói với vợ tôi đã.
Nhạc Hoà liền gọi gia đinh bảo soạn một mâm cơm chay cho tử tế, đoạn vào nhà trong hỏi bà An Nhân:
- Mẹ con có được mạnh giỏi không?
Bà ta đáp:
- Nhờ ơn Trời Phật phù hộ, mẹ con tôi vẫn mạnh giỏi vô sự, ông xem thằng bé con chúng ta ra thế nào?
Viên ngoại bồng thằng bé vào trong lòng âu yếm rồi bảo vợ:
- Có một nhà sư đến cầu chay, tu hành đã lâu năm biết phép ếm trừ ma quái, ông ta có bảo bồng thằng bé ra cho ông xem nếu có bề gì ông ta sẽ ếm trừ giùm cho.
Bà An Nhân khoả tay:
- Sợ e con mình chưa được sạch sẽ có thể mắc tội với trời phật đấy.
- Tôi cũng đã tỏ ý kiến ấy rồi nhưng ông ta bảo chỉ cần lấy dù che cho nó rồi bồng ra thì không can gì cả.
Bà An Nhân nghe nói mừng rỡ vội gọi gia đinh đem dù vào che cho đứa bé rồi trao cho Viên ngoại bồng ra nhà ngoài.
Lão Tổ trông thấy tướng mạo đứa bé tỏ lời khen ngợi và hỏi:
- Đã đặt tên cho nó chưa?
- Cháu mới sinh còn chưa kịp đặt tên.
- Vậy thì tôi đặt tên nó giùm cho, ông có bằng lòng không?
Nhạc Hoà gật đầu tỏ ý hài lòng:
- Được lão đặt tên cho nó thì còn gì hân hạnh cho bằng.
Lão Tổ nói:
- Tôi xem tướng mạo của nó khá khôi ngô, chắc chắn sau này lớn lên sẽ "viễn cử cao phi vạn lý", nên tôi muốn đặt tên nó là Phi tự là Bàng Cử, chẳng biết Viên ngoại có bằng lòng không?
Nhạc Hoà tạ ơn rối rít ra vẻ vui mừng khôn xiết.
Sau đó Lão Tổ sợ ở đây gió máy nên bảo Viên ngoại bồng đứa bé trả lại cho mẹ nó.
Cơm chay đã dọn lên, Viên ngoại đứng dậy mời Lão Tổ, Lão Tổ lại nói:
- Hiện tôi có người đồng đạo cùng đi, cũng cầu chay như tôi, người ấy có bảo rằng: "Nếu có vị thí chủ nào hảo tâm thì phải tin cho nhau biết để cùng hưởng, để tôi đi tìm kiếm mới được!"
Dứt lời Lão Tổ từ từ bước ra khỏi nhà, Viên ngoại nối gót tiễn chân và dặn:
- Nếu tìm thấy vị đồng đạo đó, xin sư phụ sớm quay lại đây kẻo tôi mong. Sau một thời gian ẩn trốn dưới sông Hoàng Hà tu luyện hơn mấy mươi năm trời, con Giao long tinh mới tự xưng Thiết Bối Cù Vương, ngỡ là tài ba đã lỗi lạc, sức lực hơn người, dè đâu bị Đại Bàng Điểu mổ mù một con mắt, oán hận thấu chín tầng mây không thể nào nguôi được, vì vậy về sau hắn không từ bỏ một thủ đoạn độc ác nào, ấy cũng tại thiên số và một phần do Đại Bàng Điểu gây ra.
Trần Đoàn Lão Tổ biết rõ huyền cơ, sợ Đại Bàng đầu thai xuất hiện chốn phàm trần không người bảo hộ, nếu có bề gì sẽ không ai phò trợ cho giang sơn Nhà Tống, vì vậy Trần Đoàn Lão Tổ phải thân hành đến nơi săn sóc đứa hài nhi cùng đặt tên cho hắn vì hắn chính là hiện thân của Đại Bàng Điểu.
Sau khi Lão Tổ kiếu từ Nhạc Hoà, vừa bước ra khỏi nhà chợt thấy bên giếng nước có hai cái chum lớn, vốn là của Nhạc Hoà mới mua về tính để nuôi cá chơi, song chưa kịp đổ nước. Lão tổ cầm cây gậy chỏ vào hai chiếc chum, giả vờ bảo:
- Hai cái chum này vẽ vời đẹp quá!
Vừa nói Lão tổ vừa âm thầm niệm chú hoạ phù vào hai cái chum ấy rồi kiếu từ ra đi. Nhạc Hoà cũng theo chân Lão tổ tiễn đưa ra khỏi cửa.
Lão tổ quay lại nói:
- Tôi là người đã xuất gia tu hành, không khi nào dám nói dối. Như tôi đi đến chỗ khác gặp vị thí chủ nào hảo tâm thì tôi sẽ ở lại đó thụ hưởng, xin Viên ngoại khỏi phải chờ đợi mất công.
Nhạc Hoà nói:
- Nếu lão sư tìm được đồng đạo thì trở lại đây ở chơi cùng với tôi vài bữa nhé!
- Vâng, xin cảm ơn, nhưng có một điều tôi cần nói cho Viên ngoại rõ, như trong ba hôm nữa mà con ông vô sự thì thôi, bằng có điều chi trắc trở, ông hãy bảo bà bồng đứa bé vào trong cái chum này mới có thể bảo toàn tính mạng được, xin ông hãy nhớ lấy lời tôi.
- Vâng, tôi sẽ vâng lời chỉ giáo!
Lão tổ từ tạ rồi bước ra khỏi ngõ biến mất dạng.
Nhạc Hoà trong lòng vui mừng như hoa nở, đến ngày thứ ba khắp nhà treo đèn kết hoa, bạn hữu khắp nơi đến chúc mừng. Viên ngoại bày tiệc thiết đãi ăn uống vui vẻ.
Một số bạn bè ông nói:
- Viên ngoại hãy bảo bà nhà bồng cháu nhỏ ra đây cho chúng tôi xem thử.
Viên ngoại vào nhà nói cho vợ là An Nhân hay, rồi lấy chiếc dù che cho đứa bé bồng ra cho chúng bạn xem.
Mọi người trông thấy đứa bé trán rộng, miệng vuông, mũi ngay mắt sáng, ai nấy đều tấm tắc ngợi khen. Bỗng trong đám bạn bè có một chàng trai chạy đến nắm tay đứa bé bảo:
- Thằng bé này dễ thương quá nhỉ!
Nói chưa dứt lời, bỗng thấy thằng bé khóc thét lên. Chàng trai vội nói với Nhạc Hoà:
- Có lẽ thằng bé đòi bú đấy.
Nhạc Hoà vội vã bế đứa bé vào nhà trong ngay. Mọi người nhìn chàng trai tỏ lời trách móc:
- Viên ngoại đã nửa đời mới sanh được một mụn con trai coi bằng vàng ngọc, thế mà chú làm cho nó khóc, cả nhà không yên, mất cả sự vui vẻ.
Nói rồi hỏi thăm bọn gia nhân xem đứa bé đã nín chưa, mới hay đứa bé vẫn khóc hoài không chịu bú, bạn bè buồn bã lục tục kéo nhau ra về.
Thấy con khóc hoài không chịu nín, ông Nhạc Hoà buồn rầu than thở. Cuối cùng ông sực nhớ lời của nhà sư căn dặn: trong vòng ba hôm nếu có điều gì bất trắc thì phải bồng đứa bé bảo vào trong cái chum kia thì tự nhiên bình yên vô sự.
Ông ta vội bảo vợ bồng đứa bé để vào trong chum ngay, nhưng bà An Nhân phải thay quần đổi áo cho đứa bé và lót nệm vào trong rồi mới yên dạ bồng con vào.
Thì lạ thay, khi bà ta bồng đứa bé vào trong chum thì bỗng dưng trời long đất lở, nước lụt ào đến mênh mông như biển cả, người vật khắp thôn đều trôi theo dòng nước lũ.
Dòng nước này là do con Thiết Bối Cù Vương mang mối hận thù cùng với Đại Bàng Điểu khi trước. Nay nghe Đại Bàng đầu thai nhà Viên ngoại họ Nhạc nên đem binh tôm tướng cá đến làm gió làm mưa dâng nước giết hại người vật trọn một hôm. Quả là một hành động phạm đến luật thiên đình. Ngọc Hoàng thấy thế vội sai Đồ Long Lực Sĩ đón tại Hoa Long đài chém chết con quái ấy. Nhưng hồn linh của nó vẫn chưa hết giận, bay thẳng vào Đông Độ đầu thai. Đó chính là Tần Cối. Về sau hắn dùng mười hai tấm kim bài, triệu Nhạc Phi về triều rồi hãm hại tại Phong Ba đình để trả mối thù xưa, nhưng việc này sau sẽ nói.
Bây giờ xin nhắc lại việc đứa bé Nhạc Phi theo lời dặn của vị lão sư được bồng vào trong cái chum đã hoạ phù, trấn ếm, nên mới khỏi chết, còn ông Nhạc Hoà cũng nắm vành chum nương theo dòng nước. Bà An Nhân bồng con ngồi trong chum nước mắt chảy ròng ròng than thở:
- Ôi! Tai hoạ gì mà xảy đến bất ngờ như thế này!
Nhạc Hoà cũng cất tiếng than:
- Số trời đã định vậy, bà hãy ráng mà gìn giữ lấy con, tôi xin gửi lại cho bà, cố mà nuôi dưỡng nó để sau này còn một chút nối dõi tông đường thì tôi có chết cũng ngậm cười nơi chín suối.
Vừa dứt lời trăng trối, Nhạc Hoà vuột tay trôi theo dòng nước còn mẹ con bà An Nhân ngồi trong cái chum, dòng nước cuốn tới làng Kỳ Lân, xứ Hà Bắc, cách kinh thành chừng ba mươi dặm.
Nơi đây có một nhà Viên ngoại họ Vương tên Minh, vợ là Hà thị, vợ chồng trạc tuổi ngũ tuần. Ngày kia vào buổi sớm mai, Vương Minh gọi gia đinh vào bảo:
- Chúng bay hãy đến kinh thành đón thầy bói về đây cho ta xem một quẻ. Tên gia đinh Vương An thưa:
- Con xin vâng lời đi đón thầy bói, nhưng nếu may mắn gặp người sáng sủa chẳng nói làm chi, bằng gặp phải người đui tối đi đứng chậm chạp, hơi đâu Viên ngoại chờ, chẳng biết Viên ngoại đón thầy bói về làm gì mà gấp vậy?
Vương Viêng ngoại nói:
- Chỉ vì đêm qua ta nằm chiêm bao nên muốn mời thầy về đoán mộng xem sao.
Vương An vui vẻ đáp:
- Tưởng bói khoa thì con không biết chứ đoán mộng thì con rành lắm, nhưng có ba điểm không thể nào bàn được.
- Ba điểm gì mà người bảo không thể bàn được?
- Thưa viên ngoại, phàm nằm mộng vào lúc canh một, canh hai và canh tư, canh năm thì thấy trước quên sau không thể nào đoán trúng được, nếu chiêm bao vào canh ba thì bàn mới thiệt.
Vương Minh gật đầu đáp:
- Phải rồi, hồi lúc canh ba ta trông thấy lửa cháy đỏ rực lưng trời, rồi giật mình thức dậy không biết là điềm lành hay điềm dữ.
Vương An đáp ngay không nghĩ:
- Thế thì con xin chúc mừng cho Viên ngoại đấy, vì hễ thấy lửa cháy ắt gặp quý nhân.
Vương Minh tỏ vẻ không tin:
- Làm sao mi biết được ta sẽ gặp quý nhân? Ta đoán chắc ngươi vì lười biếng nên khéo kiếm chuyện để lừa ta phải vậy không?
Vương An nghiêm sắc mặt, lễ phép nói:
- Thưa viên ngoại, con đâu dám xảo ngôn lộng ngữ. Chỉ vì khi trước con đi với Viên ngoại xuống huyện nộp thuế, lúc đi ngang qua hàng sách có mua một quyển sách giải mộng. Nếu Viên ngoại không tin thì con đem ra cho Viên ngoại xem.
Dứt lời, hắn chạy vào trong nhà lấy ra một quyển sách giải mộng bìa vàng lật ra từng trang một cho Viên ngoại xem, thì quả nhiên trong ấy nói y như lời hắn không sai.
Tuy vậy, Vương Minh vẫn nửa tin nửa ngờ, bỗng nghe ngoài cửa có tiếng la hét om sòm. Viên ngoại biến sắc mặt, giục Vương An chạy ra xem.
Một lát sau Vương An vào thưa:
- Không biết nước lụt ở đâu mà cuốn trôi đồ đạc đến đây nhiều lắm, tiếng la ồn ào ấy chính là tiếng thiên hạ tranh nhau vớt đồ đấy.
Vương Minh nghe nói vội đi cùng Vương An ra xem thì quả nhiên thấy nước lụt cuốn trôi không biết bao nhiêu mà kể, ông chắt lưỡi than thở cho tai trời ách nước đã làm cho bà con lâm cảnh khốn cùng.
Chợt Vương An trông thấy xa xa có vật gì trôi bồng bềnh mà loài chim Oanh lại bay quấn quýt theo vật ấy hình như để che chở vậy.
Vương An trỏ về phía ấy chỉ cho Viên ngoại xem và bảo:
- Vật kia là gì mà chim Oanh lại bao quanh nhiều đến thế?
Vương Minh cũng lấy làm lạ chăm chú nhìn theo vật ấy, chỉ trong chốc lát vật ấy trôi giạt vào bờ. Thì ra là một cái chum lớn bên trong có người đàn bà bồng đứa trẻ.
Than ôi! Thiên hạ lo vớt đồ đạc, túi tham con người không đầy có ai nghĩ đến việc cứu người!
Vương An chạy đến thì bầy chim Oanh bay mất hết, hắn gọi Viên ngoại nói lớn:
- Đây chẳng phải là quý nhân là gì, thưa Viên ngoại.
Viên ngoại bước đến nhìn thì thấy một phu nhân đang bồng đứa hài nhi trên tay rồi nói với Vương An:
- Người này là ai mà ngươi lại bảo là quý nhân?
Vương An thưa:
- Người này bồng con trôi trong dòng nước lụt mà không chết thì không phải là quý nhân là gì? Cổ nhân có nói "Lãm nạn bất tử tắc hữu hậu lộc", hơn nữa người này lại có bầy chim Oanh bay theo che chở thì chắc chắn thằng bé này về sau phải là một kỳ nhân trong thiên hạ vậy.
Vương Minh gật đầu cho là phải, vội bước đến nhìn người đàn bà, cất tiếng hỏi:
- Hỡi người kia, ngươi ở đâu mà trôi nổi đến nơi đây?
Nhưng hỏi đi hỏi lại đôi ba lượt bà vẫn không đáp, Vương Minh lấy làm lạ nhủ thầm:
- "Hay là mụ này điếc chăng?"
Nhưng ông có biết đâu bà An Nhân mới sinh có ba ngày mà bị sóng gió dập vùi khiến toàn thân mê man không biết gì cả.
Vương An thấy thế liền chõ miệng vào lu hét lên:
- Hỡi bà kia, bà có điếc không mà Viên ngoại tôi hỏi đôi ba lần vẫn không đáp?
Bấy giờ bà An Nhân mới nghe văng vẳng bên tai có tiếng người liền quay mặt ngó lại, đôi mắt bà bỗng tuôn trào nước mắt. Bà khẽ hỏi:
- Đây chẳng phải là chốn âm ty sao?
Vương An thấy bà ta hỏi ngớ ngẩn như vậy cũng cười xoà còn Viên ngoại hiểu ngay bà ta chỉ vì quá hôn mê chứ không phải điếc nên giục Vương An chạy vào nhà bên cạnh xin chén nước trà nóng cho bà ta uống. Trong giây lát hồi tỉnh lại, Viên ngoại mới hỏi:
- Đây không phải là âm ty như bà lo sợ mà là xứ Hà Bắc tại làng Kỳ Lân đây, còn bà nguyên ở xứ nào mà trôi giạt đến đây?
Bà An Nhân vừa khóc vừa đáp:
- Tôi là người ở Tương Châu, huyện Thang Âm, làng Vĩnh Hoà, thôn Hiếu Đễ. Bị nước lụt cuốn trôi, không biết hiện chồng tôi trôi giạt nơi nào, sự nghiệp gia sản của tôi trôi hết theo dòng nước rồi, một mình tôi bồng con trôi nổi đến đây mong người ra tay tế độ, vớt người trầm luân.
Nói dứt lời bà ta khóc oà khiến thầy trò viên ngoại động lòng thương xót.
Tuy thế Vương Minh cũng lo ngại, kề tai nói nhỏ với Vương An.
- Tại sao người này ở xa xôi quá mà có thể trôi đến đây thật là một việc lạ lùng không thể nào tưởng tượng nổi.
Vương An nói:
- Viên ngoại hãy làm phúc cứu mẹ con người này đem về nuôi dưỡng kẻo tội nghiệp.
Viên ngoại gật đầu rồi bước tới bảo bà An Nhân:
- Tôi là Vương Minh, nhà cũng gần đây, nếu bà không chê, tôi xin đem bà về ở đỡ nhà tôi một thời gian, tôi sẽ sai người dò thăm tin tức chồng bà để giúp đỡ cho gia đình bà được đoàn viên sum họp, bà có bằng lòng không?
Bà An Nhân cúi đầu đáp:
- Ân công có lòng nhân đức như vậy, ơn ấy sánh bằng người sinh thành, tôi vô cùng cảm kích.
Vương Minh bảo Vương An đỡ bà An Nhân ra khỏi chum rồi dìu về nhà. Mọi người thấy thế bụm miệng cười thầm, họ bảo "Lão Viên ngoại này là kẻ điên rồ, không thiếu chi đồ đạc đáng giá lại không vớt về làm của mà vớt gì mụ ấy về nhà để ăn hại".
Vương An chạy về trước báo cho vợ Vương Minh là Viện Quân hay, nên khi bà An Nhân vừa đến nhà thì bà Viện Quân ra đón mời trọng vọng.
Sau khi vào nhà, bà An Nhân tỏ hết sự tình hoạn nạn cho mọi người nghe, ai nấy đều tỏ ý thương hại. Bà Viện Quân vội bảo gia đinh dọn một cái phòng riêng rất tươm tất cho bà An Nhân nghỉ.
Bà Viện Quân đối đãi rất thân mật và cung kính, còn Viên ngoại Vương Minh thì lo sai người dò la tin tức gia đình của Viên ngoại họ Nhạc.
Bọn gia đinh trở về báo:
- Hiện nay nước đã rút cả rồi nhưng chúng tôi không tìm thấy ông Viên ngoại họ Nhạc lẫn người nhà ông ta đâu cả.
Bà An Nhân nghe tin ấy khóc sướt mướt, bà Viện Quân phải khuyên giải mãi mới thôi. Từ đấy hai người đối đãi với nhau thân mật như chị em ruột thịt.
Biết Vương viên ngoại không có con, một hôm bà An Nhân khuyên nhủ bà Viện Quân nên cưới cho Viên ngoại một nàng thiếp vì trong ba điều hiếu thì việc có con nối dòng là hệ trọng nhất.
Bà Viện Quân cho là phải nên cưới một nàng thiếp cho chồng ngay. Quả nhiên cách năm sau sinh được một đứa con trai đặt tên là Vương Qưới. Vương Minh cảm tạ bà An Nhân đã đưa ý kiến hay nên hôm nay mới có kẻ nối dõi.
Thế rồi ngày tháng trôi qua như thoi đưa, thấm thoát Nhạc Phi lên bảy tuổi còn Vương Qưới cũng được sáu năm tròn. Vương Viên ngoại bèn đón thầy về dạy cho hai trẻ học.
Trong lúc ấy có hai ông bạn họ Thang và họ Trương cũng đem con là Thang Hoài và Trương Hiển đến xin học. Nhưng trong việc học hành này chỉ có Nhạc Phi là cố công dùi mài kinh sử thôi, còn ba trò kia đến trường chỉ lo chơi bời tụ tập với nhau rượt quyền đánh võ. Ông thầy lại chỉ quở phạt qua loa, nên mấy trò ấy lại càng coi thầy không ra gì, lắm lúc thầy muốn đánh mắng, nhưng ngặt nỗi chúng là con cưng của người ta không thể đánh được, tức mình quá đành bỏ đi mất.
Sau đó Vương Minh tiếp tục đón thầy khác về dạy bảo nhưng thầy nào cũng chịu không nổi, Vương Minh không biết tính sao đành nói với bà An Nhân:
- Nay cháu nó đã lớn tuổi rồi nếu ở luôn đây bất tiện lắm, hiện tôi có mấy căn phố, chi bằng chị đem con ra ở đó thấy tiện hơn, không biết chị nghĩ sao?
Bà An Nhân chắp tay thưa:
- Tôi xin đa tạ anh chị đã có lòng cứu giúp mẹ con tôi, nay lại còn tính việc cho tôi được ở riêng thì tiện lắm.
Vương Viên ngoại bèn sắm sửa vật dụng sẵn sàng chọn ngày lành tháng tốt cho bà An Nhân dời chỗ đến đó may vá kiếm ăn qua ngày.
Một hôm, bà An Nhân nói với Nhạc Phi:
- Nay con đã bảy tuổi rồi, chẳng nên chơi bời hư thân mất nết, phải tập làm ăn cho quen. Mẹ sắm cái rựa và đôi giỏ đây, ngày mai con lên rừng kiếm củi nhớ.
Nhạc Phi cúi đầu vâng lời mẹ, rồi sáng sớm hôm sau, cơm nước xong, Nhạc Phi quảy giỏ lên vai từ biệt mẹ lên đường.
Khi đi, Nhạc Phi không quên dặn mẹ:
- Không có mặt con ở nhà, xin mẹ hãy đóng cửa lại, chớ nên tiếp xúc với ai mà sinh chuyện lôi thôi đấy.
Bà mẹ Nhạc Phi vốn con nhà thế phiệt danh gia, chồng chết một lòng theo con, nên nghe con dặn bảo như vậy liền đóng cửa lại ở trong nhà than thở một mình:
- Phải chi cha nó còn, thì nay ắt đã đón thầy về dạy nó học hành có đâu phải đi đốn củi cực khổ như vậy
Còn Nhạc Phi tuy vâng lời mẹ đi đốn củi nhưng thật ra không biết có nơi nào có củi mà đi, đành liều nhắm mắt đưa chân lần đến chỗ thổ sơn, nhưng nhìn xem bốn bề không có củi.
Cậu leo dần lên trên đỉnh núi. Nơi đây vắng vẻ vô cùng mà củi lại không có bao nhiêu, chỉ thấy đá dựng trập trùng và nhiều cây đại thụ to đến hai ba người ôm không xuể.
Nhạc Phi lần sang trái núi bên kia chợt thấy bảy tám đứa trẻ đang vui vầy chơi với nhau. Trong đó có hai đứa ở gần nhà Vương Viên ngoại tên là Trương Tiểu Ất và Lý Tiểu Nhi nên chúng quen mặt, vừa trông thấy Nhạc Phi chúng đã reo lên:
- Kìa Nhạc Phi, cậu đi đâu đó?
Nhạc Phi đáp:
- Ta vâng lời mẹ đi hái củi đấy.
- Hừ, hái củi làm gì cho nhọc sức, hãy ở đây chơi với anh em ta một lúc có hơn không?
Nhạc Phi lắc đầu đáp:
- Ta đã vâng lời mẹ đi hái củi, hơi đâu mà chơi với các ngươi.
Một tên lớn nhất trong bọn trợn mắt quát:
- Thật ngươi cứng đầu không chịu chơi với chúng ta phải không? Nếu vậy đừng trách chúng ta sao độc ác đấy nhé.
Vừa nói, hắn vừa giơ nắm đấm lên ra vẻ hăm doạ Nhạc Phi, nhưng Nhạc Phi vẫn thản nhiên đáp:
- Chúng bay đừng cậy đông bắt nạt, ai kia chớ Nhạc Phi này đời nào biết sợ ai.
Trương Ất vung tay hùng hổ:
- Ngươi không sợ chúng ta, há chúng ta lại sợ ngươi sao?
Lý Nhi lại xem vào:
- Thôi đừng nói nhiều với hắn nữa vô ích, hãy tặng cho hắn ít thụi cho hắn biết mặt chúng ta.
Dứt lời, tám đứa trẻ áp tới vây quanh Nhạc Phi đấm đá túi bụi, nhưng Nhạc Phi không hề nao núng, hai tay cậu gạt ngang qua một cái, cả bọn ngã nhào ra bốn bên, đứa thì u đầu, đứa trầy da, đứa lở trán. Rồi Nhạc Phi bỏ chạy mất.
Khiếp sợ trước sức mạnh của Nhạc Phi, tám đứa trẻ đứng dậy chửi rủa om sòm nhưng không dám chạy theo chỉ doạ sẽ về mách bà An Nhân.Nhạc Phi gánh hai giỏ đầy ắp củi về nhà nhưng vừa bước vào nhà đã thấy bà An Nhân nghiêm sắc mặt, trách mắng:
- Mẹ bảo con đi đốn củi chứ mẹ có bảo con đi đánh nhau với người ta đâu? Để cho người ta đến nhà mách với mẹ thì xấu hổ cho nhà ta biết bao nhiêu? Con lại đi hái củi khô thế này tất nhiên phải leo trèo, rủi ro trượt chân té ngã chết đi thì biết lấy ai nuôi mẹ trong lúc tuổi già xế bóng này?
Nhạc Phi thấy mẹ giận dữ, vội quì lạy, thưa:
- Con mới lỡ lần đầu tiên, mong mẹ tha thứ cho, con nguyện ngày mai sẽ không hái củi khô nữa.
Bà An Nhân thấy con mình biết hối lỗi rất cảm thương vội bước tới đỡ dậy và an ủi:
- Thôi ngày mai con cũng khỏi phải đi đốn củi nữa, vừa rồi mẹ tìm được vài bộ sách, để ngày mai mẹ bắt đầu dạy con.
Thế rồi qua ngày hôm sau bà An Nhân đem sách ra giảng dạy cho con. Nhạc Phi vốn có tư chất thông minh nên bài nào cũng chỉ đọc qua vài lần là thuộc làu ngay.
Bà An Nhân còn cố dành dụm tiền nong đưa cho Nhạc Phi bảo đi ra chợ mua giấy về tập viết, nhưng Nhạc Phi sợ tốn tiền vội tỏ lời từ chối:
- Thưa mẹ, con đã có giấy mực sẵn sàng để tập viết rồi xin mẹ chớ lo.
Bà mẹ lấy làm lạ không biết con mình tìm đâu ra giấy mực nhưng bà cũng làm thinh để xem sao, thì thấy Nhạc Phi lấy khay đem xuống mé sông xúc cát đem về, đoạn bẻ một nhành dương liễu mang vào thưa với mẹ:
- Thưa mẹ, đây không phải giấy mực để tập viết là gì? Đã khỏi tốn tiền mà lại dùng không bao giờ hết có hơn không?
Bà An Nhân mừng rỡ khen con mình sáng ý, hèn bảo:
- Thế thì hay lắm, mẹ khá khen cho con đấy.
Rồi bà cầm tay con tập viết, chẳng bao lâu Nhạc Phi viết thạo. Từ đó Nhạc Phi cứ ở nhà chăm lo học tập không một giây phút nào xao lãng.
Lại nói đến chuyện con Vương Viên ngoại là Vương Quới mới lên sáu tuổi mà khí lực mạnh mẽ khác thường. Một hôm cậu đi cùng tên gia đinh Vương An ra sau vườn chơi, khi đến chỗ Bá Huê đình chợt thấy trên ghế có một bàn cờ, cậu hỏi Vương An?
- Cái gì đây mà trên mặt mỗi cái đều có mỗi chữ vậy?
Vương An giải thích:
- Đây chính là cờ tướng dùng cho hai người đấu trí với nhau để tiêu khiển, trong cuộc chơi này sẽ có kẻ thắng, người bại, một cuộc chơi cao thượng và vui thú nhất trần đời:
Vương Quới lại hỏi:
- Ăn thua bằng cách nào?
Vương An mỉm cười bảo:
- Việc ăn thua rất đơn giản, nghĩa là hễ bên nào giết được tưởng bên kia là kẻ ấy thắng, ngược lại bên nào bị mất tướng tức là bên ấy thua.
Vương Quới ngẫm nghĩ giây lát rồi bảo:
- Vậy thì có khó chi đâu. Ta với ngươi hãy thử chơi một bàn xem sao.
Vương An gật đầu rồi bắt đầu sắp lại vị trí các.quân cờ, đoạn giao cho Vương Quới cầm quân đỏ còn hắn thì cầm quân đen.
Vương An nói:
- Cậu hãy đi trước đi.
Vương Quới ra vẻ suy nghĩ rồi cười ha hả bảo:
- Nếu ta đi trước thì ngươi phải thua rồi.
Vương An lấy làm lạ:
- Sao tôi lại thua?
Vương Quới bèn cầm ông tướng của mình ăn phắt ông tướng của Vương An đi rồi nói lớn:
- Thế không phải ngươi thua rồi sao?
Vương An cười xoà đáp:
- Đánh cờ gì mà lạ lùng vậy? Thôi để tôi dạy cách đánh cho.
Vương Quới ngắt lời quát:
- Thế ngươi khinh ta không biết đánh cờ sao?
Dứt lời, Vương Quới xách luôn bàn cờ vụt lên đầu Vương An.
Bị cú đánh bất ngờ nên Vương An không kịp đề phòng, cạnh bàn cờ đập vào đầu bể một miếng da, máu tuôn lai láng, Vương An ôm đầu vừa chạy vừa kêu trời, còn Vương Quới vẫn không hết giận, ra sức rượt theo.
Vương An chạy đến hậu đường, Vương Viên ngoại biết chuyện cả giận trỏ vào mặt con, quát mắng:
- Tên súc sinh kia, sao mi còn nhỏ mà tính tình lung hăng đến thế?
Vừa nói, ông ta đánh Vương Quới hai tát tai nẩy lửa, cậu vội vã chạy vào phòng mếu máo nói với mẹ.
- Mẹ ơi, cha đánh con gần chết đây này!
Bà Viện Quân thấy vậy vội bảo gia đinh đem bánh tới cho con ăn rồi dỗ dành lắm Vương Quới mới nín. Kế thấy Vương Viên ngoại hầm hầm sắc giận chạy thẳng vào phòng, bà Viện Quân bênh con vội đứng cản trước cửa phòng, Viên ngoại trợn mắt hét lớn:
- Thằng nghiệt súc ấy chạy đi đâu rồi?
Bà Viên ngoại quá thương xót thằng bé bị đánh nên nắm ngay vạt áo chồng khóc lóc:
- Lâu nay ông than thở không có con trai nối dõi tông đường, may nhờ bà An Nhân khuyên bảo tôi đi tìm vợ bé cho ông mới sinh được một mụn con, thế mà nay ông nỡ lòng nào muốn giết chết con đi sao? Như ông muốn giết nó, xin hãy giết chết tôi trước đã.
Vừa khóc, bà ta vừa liều lĩnh ngã nhào vào mình Vương Viên ngoại. Bọn đày tớ gái phải xúm lại đỡ bà dậy dìu thẳng vàn phòng khuyên giải.
Còn Vương Minh thì không nguôi cơn giận, ông ta hằn học:
- Đúng là con hư tại mẹ, ngày sau nó không ra gì là tại mụ đó thôi.
Dứt lời ông ta hờn dối bỏ ra nhà ngoài trong lòng hậm hực không yên, bỗng thấy tên gia đinh vào báo:
- Dạ có Trương Viên ngoại đến thăm, hiện người còn đứng nhà ngoài.
Vương Minh phất tay ra hiệu bảo:
- Hãy mời tiên sinh vào.
Trương Viên ngoại bước vào thấy nét mặt bạn mình hơi buồn vội hỏi:
- Nếu tôi đoán không lầm thì chắc hiền đệ có việc chi bất bình, nên khí sắc không vui phải không?
Vương Minh gật đầu đáp:
- Trương huynh đoán quả không sai, chỉ vì Vương Quới con của đệ mới tí tuổi đầu mà tính tình hung hăng ngỗ ngược quá, dạy dỗ không được nên mới đem lòng phiền muộn như vậy.
Trương Viên ngoại cũng thở dài nói:
- Ối thôi! chính thằng con tôi là Trương Hiển nó cũng không khác gì. Nhân lúc tôi đang có bệnh phong thấp không thể đi bộ được nên phải sắm con ngựa để tiện việc đi lại. Vậy mà cả ngày nó bắt con ngựa cưỡi chạy khắp nơi, đạp đổ đồ đạc của người ta làm tôi phải bồi thường lại còn bị mất mặt vì thằng con khó bảo. Hôm qua nó lại cho ngựa dẫm phải người, tôi phải chạy tiền cơm tiền thuốc tốn kém mấy lượng bạc mới yên chuyện. Tôi giận quá đánh nó ít roi để răn dạy, chẳng ngờ mẹ nó bệnh con gây chuyện cãi cọ với tôi, thành thử tôi bực mình qua đây chơi cho khuây khỏa.
Câu chuyện vừa đến đây, bỗng bên ngoài có người dáng hấp tấp vừa bước vào vừa thở hôn hển. Thì ra người nảy chính là Thang Văn Trọng, trên mặt hiện lên đầy vẻ giận dữ không biết vì đâu.
Hai nhà Viên ngoại vội chào đón và hỏi:
- Việc chi mà trông sắc mặt hiền đệ có vẻ giận dữ như vậy. Thang Viên ngoại đáp:
- Chẳng giấu chi các tôn huynh, chỉ vì thằng Thang Hoài con tôi nó quá ngỗ nghịch, ngày nào nó cũng đến căn phố của vợ chồng Kim Lão ở trước nhà tôi phá phách. Nhà người ta làm bánh bán nó đã hung hăng lôi hết bánh của người ta ra ăn lại còn hăm dọa đánh đập họ nữa, tôi phải bồi thường và năn nỉ mãi vợ chồng Kim Lão nể mặt mới cho êm chuyện. Ai ngờ đêm hôm qua nó vác đá chất vào cửa. Khi vợ chồng Kim Lão mở cửa ra bị đá đè tý nữa thì toi mạng. Vợ chồng Kim Lão đến khóc lóc với tôi tôi phải đánh nó ít roi để răn dạy và bồi thường cơm thuốc cho người ta. Chàng dè mẹ bênh con giằng co cãi lộn với tôi, hai huynh nghĩ thử có tức không?
Cả hai đều cười xoà đáp:
- Thế thì chúng ta cũng cùng chung một cảnh ngộ cả.
Rồi thuật lại chuyện Vương Quới và Trương Hiển cho Thang Viên ngoại nghe. Ba người thở vắn than dài cảm thấy mình bất lực trong việc dạy dỗ con cái.
Trong lúc đàm đạo bỗng có gia nhân vào báo:
- Có Châu Đồng tiên sinh ở Hiệp Tây đến thăm.
Cả ba mừng rỡ vội chạy ra đón vào rót nước mời uống. Vương Minh hỏi:
- Đã lâu rồi không gặp tiên sinh lòng hằng mong nhớ, nay tiên sinh ở tận Đông Kinh không quản đường xa, cực nhọc đến đây thăm, đệ thật lòng cảm kích vô cùng.
Châu Đồng nói:
- Tôi nay tuổi đã già yếu nên lâu nay vẫn nương náu với Lưu gia tại Phủ thành. Tôi cũng có chút ít ruộng nương tại đây nên đến đây trước là thăm ruộng, sau là thăm các bạn bè rồi phải về gấp.
Vương Minh nói:
- Lâu ngày vắng mặt, nay đại huynh đã đến đây thì hãy ở chơi ít hôm cho thoả tình bằng hữu, vội gì mà về gấp vậy?
Rồi bảo gia đinh làm cơm thết đãi. Ba ông Viên ngoại cùng Châu Đồng chén tạc chén thù, có vẻ rất tương đắc.
Rượu được vài tuần, Vương Minh hỏi Châu Đồng:
- Tiên sinh cách biệt hơn hai mươi năm rồi, chẳng hay gia quyến hiện ở nơi nào?
Châu Đồng đáp:
- Vợ tôi qua đời đã lâu, còn con tôi thì theo người học trò cũ của tôi là Lưu Tuấn Nghĩa đi đánh giặc Phiên cũng chết trận cách đây ít lâu. Về sau, Lưu Tuấn Nghĩa cũng bị bọn gian thần hãm hại nên nay tôi tứ cố vô thân, còn các hiền đệ năm nay con cái thế nào?
Ba ông Viên ngoại nghe hỏi cùng thở dài:
- Ba anh em tôi, mỗi người đều có một đứa con trai nhưng chúng ương ngạnh quá không thể nào dạy dỗ được, thật là một việc đáng buồn.
Rồi ai nấy đều thuật lại việc hư đốn của con mình cho Châu Đồng nghe. Châu Đồng nói:
- Mấy cháu cũng đã lớn tuổi rồi, sao không mời thầy dạy dỗ nó.
- Có chứ, chúng tôi đã đón rất nhiều thầy về dạy chúng nhưng ông nào cũng bỏ đi mất hết, phần vì chúng không chịu học, phần vì chúng xấc xược chẳng coi thầy ra gì.
Châu Đồng bĩu môi:
- Chỉ vì mấy ông thầy ấy chẳng biết cách dạy dỗ nên mới xảy ra tình trạng ấy, tôi không phải khoe tài chứ tôi mà được ở đây dạy chúng nó, xem chúng nó có dám không nghe lời tôi không.
Ba ông Viên ngoại nghe nói mừng rỡ như bắt được
của, nói:
- Nếu vậy xin đại huynh ở lại đây dạy dỗ lũ cháu cho nên người, thì ơn này chúng tôi tạc dạ ghi xương.
Châu Đồng ngẫm nghĩ giây lâu rồi gật đầu, nói:
- Được tôi cũng vì tình anh em, bè bạn nhận lời ở lại đây dạy dỗ chúng nó xem sao.
Cơm nước xong, hai ông Trương, Thang ra về vui mừng vô hạn. Một tên gia đinh chạy đến nói với Vương Quới:
- Hôm nay ông nhà ta có mời một ông thầy đến dạy học đấy, sắp tới chắc các cậu không thể chơi bời hung hăng như trước được đâu.
Vương Quới nghe nói vội chạy đi tìm Thang Hoài và Trương Hiển chúng bàn với nhau, chuẩn bị đoản côn, thước sắt để đánh lão thầy mới.
Hôm sau, ba ông Viên ngoại dắt con đến cho chúng lạy ra mắt thầy. Châu Đồng bảo:
Ba ông hãy về nghỉ đi, để chúng nó cho tôi dạy dỗ.
Ba người từ biệt về rồi, Châu Đồng gọi Vương Quới lên bảo giở sách ra đọc thử.
Vương Quới trợn mắt đáp:
- Khách chưa đọc, lẽ nào chủ nhân lại đọc trước sao?
- Ông ăn nói bất thông như vậy thì làm thầy ai được?
Dứt lời Vương Quới rút cây thước sắt ra nhắm đầu Châu Đồng đánh xuống, nhưng Châu Đồng đã lanh lẹn tránh khỏi, rồi một tay bắt cây thước sắt, một tay nắm lưng Vương Quới vật xuống lấy roi đánh túi bụi.
Vương Quới là con nhà giàu có từ bé chưa từng bị ăn đòn bao giờ, nay bị mấy roi đau quá, đành chịu phép cho Châu Đồng dạy dỗ, còn Thang Hoài và Trương Hiển thấy thế cũng sợ hãi, vội giấu hết binh khí không dám ngỗ nghịch như trước nữa.
Thế là từ đấy ba đứa trẻ vâng phục lời thầy lo học tập không dám xao lãng.
Nhạc Phi nghe Châu Đồng đến dạy học nên thường lẻn đến nấp sau vách tường nghe giảng, lòng cậu hâm mộ vô cùng.
Bữa nọ có tên tá điền Vương Lão đến xin ra mắt Châu Đồng và nói:
- Tôi làm ruộng của tướng công suốt mười năm, nhưng đến nay mới gặp được tướng công. Tuy vậy, năm nào bán lúa, tôi vẫn để dành bạc, nay nghe Tướng công ở đây nên tôi đến xin Tướng công tính giùm cho để tôi hoàn số bạc lại cho Tướng công.
Châu Đồng nói:
- Ngươi quả là một kẻ tâm phúc ít ai bì kịp.
Rồi ông gọi Vương An dọn mâm cỗ thết đãi người tá điền. Châu Đồng lại hỏi Vương Lão:
- Thế mùa màng năm nay ra sao?
Vương Lão thưa:
- Mấy năm trước hoa màu cũng thường, duy có năm nay chẳng biết tại sao lúa trổ hai bông, tôi đoán đó là điểm tốt cho Tướng công đấy.
Châu Đồng gật đầu:
- Người đoán đúng lắm, lúa trổ hai bông thì chắc chắn ta sắp được gặp quí nhân rồi, thôi thế ngày mai ta với ngươi đi xem thử.
Cơm nước xong xuôi Vương Lão nghỉ lại một đêm, sáng ra Châu Đồng gọi ba trò lại, căn dặn:
- Ta đi có việc cần, các trò hãy ở nhà cố gàng làm bài rồi ta về chấm chữa cho.
Ba người học trò vâng dạ, Châu Đồng thay quần áo đi thăm ruộng.
Chờ cho Châu Đồng đi khỏi, Nhạc Phi bước vào trường. Vương Quới trông thấy mừng rỡ nắm tay Phi giới thiệu cùng Trương Hiển và Thang Hoài:
- Đây là anh Nhạc Phi, người mà cha tôi thường ca ngợi cho là thông minh nhất đời đấy. Nay thầy ta đi vắng lại ra đề để lại bảo chúng ta phải cố gắng làm cho xong, chi bằng mượn anh Nhạc Phi làm hộ, hai anh nghĩ sao?
Hai người kia đều gật đầu tán thưởng.
Nhạc Phi tỏ ý khiêm nhường:
- Tôi chỉ sợ làm không trúng ý của thầy.
Ba người cùng bước tới nắm tay Nhạc Phi.
- Chúng tôi đã nghe tiếng anh nhiều rồi, chớ có khiêm nhường, hãy làm hộ cho chúng tôi đi, chúng tôi tin chắc bài anh làm, thầy tôi không thể chê được đâu.
Vương Quới còn sợ Nhạc Phi từ chối bỏ về nên dắt Nhạc Phi vào thư phòng và căn dặn:
- Nếu anh có đói thì đã có món ăn tôi để sẵn trên gác đó.
Nói rồi đóng cửa khoá chặt nhốt Nhạc Phi ở trong rồi cả ba chạy đi chơi mất hút.
Nhạc Phi lục lại xem các văn bài của ba người đã làm lâu nay để xem tâm khí của họ như thế nào, đoạn lục lại xem các thi văn của Châu Đồng.
Xem văn của Châu Đồng, Nhạc Phi thích chí vỗ bàn nói lớn:
- Nhạc Phi này mà được người này chỉ giáo thì lo chi ngày sau chẳng nên danh?
Dứt lời chàng đứng phắt dậy lấy bút đề ngay tám câu thơ trên vách rồi ra về chẳng đợi bọn Vương Quới quay lại.
- Được tiên sinh cho gọi đến thì còn gì hân hạnh cho bằng, chẳng biết tiên sinh có điều gì chỉ giáo?
Châu Đồng thấy Nhạc Phi tướng mạo khôi ngô, tuổi còn nhỏ mà ăn nói lễ phép, cử chỉ đoan trang nên đem lòng thương mến ngay. Ông bảo Vương Quới kéo ghế mời Nhạc Phi ngồi rồi hỏi:
- Bài thơ trên vách kia có phải cậu viết không?
Nhạc Phi sợ hãi đáp:
- Tiểu tử còn thơ dại nên nhất thời cuồng vọng, xin tiên sinh tha tội.
Châu Đồng lại hỏi:
- Cậu đã có biệt hiệu gì chưa?
- Thưa, thuở mới chào đời, có một tiên sinh đến chơi đặt cho danh hiệu là Bàng Cử.
Châu Đồng gật đầu khen:
- Danh hiệu như thế là hay lắm rồi, còn văn học thì được thầy nào dạy cho?
Nhạc Phi thưa:
- Chỉ vì nhà quá nghèo nên mẹ tiểu tử phải mua sách về dạy và lấy cát bỏ vào khay tập viết cho đỡ tốn tiền.
Ngẫm nghĩ hồi lâu, Châu Đồng nói:
- Cậu về thưa với thân mẫu, mời bà đến đây cho ta hầu chuyện nhé.
Nhạc Phi lắc đầu:
- Không thể được, mẹ cháu là góa phụ, đâu có thể đi như thế được?
Châu Đồng nói:
- Cậu nói đúng lắm, chính ta đã lỡ lời rồi?
Rồi cho gọi Vương Quới vào bảo:
- Trò về thưa với thân mẫu là, nay ta muốn mời bà An Nhân đến đây bàn chút việc học hành cho Nhạc Phi, vậy xin mời lịnh đường đến đây cho có bạn với bà.
Vương Quới vội chạy đi mời bà Viện Quân, Châu Đồng lại bảo Nhạc Phi:
- Ta đã cho mời bà Viện Quân đến, vậy cậu có bằng lòng về thưa với lệnh đường đến đây cho ta thưa chuyện không?
Nhạc Phi vâng lời về thưa với mẹ:
- Châu tiên sinh muốn mời mẹ đến thưa chuyện, người cũng có mời bà Viện Quân đến cho mẹ có bạn, chẳng biết mẹ có vui lòng đến đó không?
Bà An Nhân gật đầu đáp:
- Nếu có bà Viện Quân thì mẹ cũng đến đó thử xem Châu tiên sinh dạy việc gì cho biết.
Rồi bà ta lập tức thay quần áo đi cùng Nhạc Phi thẳng đến nơi tiên sinh Châu Đồng dạy học.
Vừa đến nơi, đã thấy bà Viện Quân có mặt, bước ra tiếp đón nồng hậu.
Sau khi mọi người an toạ, Châu Đồng nói với bà An Nhân:
- Hôm nay tôi mời bà đến đây chỉ vì tôi thấy lệnh lang tướng mạo phương phi, tâm trung xán lạn nên đem lòng mến thương muốn đem tài sở học của mình truyền đạt lại cho cháu. Vậy xin bà cho Nhạc Phi làm con nuôi tôi chẳng biết bà có bằng lòng không?
Bà An Nhân nghe nói lắc đầu, sa nước mắt đáp:
- Khi tôi sinh nó ra mới được ba ngày thì bị nạn lụt khủng khiếp, trong lúc lâm nguy, chồng tôi phó thác nó cho tôi nuôi dưỡng, may nhờ có ân công là vợ chồng Vương Viên ngoại ra tay cứu giúp, ơn ấy mẹ con tôi chưa trả được. Hơn nữa tôi chỉ có một chút con nối dòng họ Nhạc nên việc ấy khó vâng lời, xin tiên sinh chở chấp.
Châu Đồng phân trần:
- Lẽ ra tôi không nên hỏi vậy, nhưng trong văn thơ thấy lệnh lang có chí khí lớn, ngày sau ắt nên danh vọng, tiếc thay không có thầy hay dạy dỗ, cung như ngọc kia không được giũa mài cũng thành vô dụng, cũng hoài ngọc đi. Chẳng phải tôi dám khoe tài, song tôi đã từng dạy hai đứa học trò làm nên danh phận, chỉ vì rủi ro bị kẻ gian thần hãm hại. Nay nhận lời của Vương viên ngoại dạy ba đứa này xét ra chí khí thua kém Nhạc Phi xa. Nếu được bà ưng thuận, tôi chỉ gá tiếng là dưỡng phụ mà thôi, chớ không dám cải danh diệt tính. Còn việc xưng hô cha con là để cho tăng phần thân mật, tôi mới có thể đem hết bình sinh sở học truyền đạt lại cho cháu và sau này tôi có cười hạc quy tiên thì có người chôn cất là đủ rồi, xin bà hãy an tâm.
Bà An Nhân còn suy tính chưa biết nên trả lời bằng cách nào cho phải thì Nhạc Phi đã chạy ra, chắp tay thưa với Châu Đồng:
- Nếu kết tình phụ tử mà không phải thay tên, đổi họ thì con xin ưng thuận, vậy xin gia gia hãy ngồi lại cho con tạ lễ.
Dứt lời, Nhạc Phi quỳ lạy tám lạy.
Nhạc Phi hành động như vậy chẳng phải là không tuân lời mẹ song cũng vì chàng ái mộ tài học của Châu tiên sinh đã lâu, muốn cho người giáo huấn thi thơ, thụ truyền võ nghệ. Ngờ đâu trong tám lạy ấy mà sau này Nhạc Phi làm đến chức Võ Xương Khai Quốc Công, Thái Tử Thiếu Bảo, Tổng Đốc bình lương, thống thuộc văn võ Đô Đốc Đại Nguyên Soái. Nhưng đó là chuyện của mấy chục năm sau. Hãy quay lại chuyện Nhạc Phi quỳ lạy nhận dưỡng phụ.
Lạy xong, Nhạc Phi còn làm lễ lạy vợ chồng Vương Viên ngoại và mẹ chàng nữa. Bà An Nhân nửa buồn nửa vui, nhưng vì con bà đã ưng thuận bà cũng đành phải chấp thuận theo.
Vợ chồng Vương Viên ngoại sai bày tiệc đãi đằng, mời cả Trương Đạt, Thang Văn Trọng đến dự rồi ai về nhà nấy.
Hôm sau Nhạc Phi vào trường học, Châu Đồng cho bốn trò kết nghĩa anh em, ai nấy đều tỏ cho cha mẹ mình hay, các ông bà ấy thảy đều mừng rỡ.
Từ đó Châu Đồng đem hết mười tám môn võ nghệ truyền đạt cho Nhạc Phi, chàng sẵn có khiếu thông minh hơn người nên tiếp thu rất chu đáo.
Ngày tháng thoi đưa, bóng thiều quang thấm thoắt, hạ hết thu sang, Nhạc Phi đã lên mười ba tuổi, mấy anh em cũng đều ở lại thư phòng, sớm tối chăm lo học tập, chẳng bao lâu ai nấy đều võ nghệ tinh thông, văn chương uyên bác.
Một hôm vào tiết tháng ba, khí trời mát mẻ, Châu Đồng gọi Nhạc Phi vào, bảo:
- Hôm nay thầy bận đi thăm một người bạn là ông Chí Minh trưởng lão ở tại Lịch Tuyền, con hãy ở nhà cùng với mấy anh em đừng xao lãng học tập nhé?
Nhạc Phi thưa:
- Đường đi từ đây đến Lịch Tuyền xa xôi lại vắng vẻ, gia gia đi một mình e bất tiện, chi bằng cho chúng con đi với và để thăm tiên sinh luôn thể.
Châu Đồng gật đầu vui lòng, rồi năm thầy trò sắm sửa hành trang lên đường thẳng đến Lịch Tuyền.
Đường đi phải băng qua nhiều khu rừng rậm rạp, cây cối um tùm, chim kêu vượn hú trên cành, càng tăng thêm cảnh vắng vẻ của rừng sâu.
Khi đi qua một hòn núi nhỏ, Châu Đồng trông thấy nơi ấy địa thế rất đẹp, bên đứng lại ngắm nghía hồi lâu rồi hỏi:
- Chẳng biết chỗ này là đất của ai?
Vương Quới thưa:
- Nơi đây là đất của phụ thân con, nếu thầy xem phong cảnh này có hợp ý thì sau này thầy có quy tiên, chúng con sẽ đem thầy đến đây làm nơi an giấc.
Nhạc Phi lườm Vương Quới một cái và nói:
- Gia gia tôi đang sống thế này mà sao anh dám loạn ngôn như vậy?
Châu Đồng khoả tay:
- Không hề chi, người đời ai mà khỏi chết? Nếu sau này thầy có mãn phần rồi, các con đem xác thầy đến chỗ này chôn cất thì thầy mãn nguyện vô cùng.
Đi chẳng bao lâu nữa, gia trang của trưởng lão Chí Minh đã hiện ra trước mặt, tuy không đồ sộ nguy nga lắm song cũng rộng rãi mát mẻ, nấp dưới lùm cây cổ thụ hoa quả tốt tươi trông ngoạn mục lắm.
Châu Đồng gõ cửa, một tiểu đồng từ bên trong chạy ra vái chào, Châu Đồng bảo:
- Phiền cháu vào thưa lại với tiên sinh Chí Minh răng có người ở Hiệp Tây tên là Châu Đồng đến thăm.
Tiểu đồng cúi đầu vâng dạ rồi chạy thẳng vào trong, chỉ trong chốc lát đã thấy trưởng lão Chí Minh chống gậy bước ra tiếp đón niềm nở.
Mọi người vào nhà, trưởng lão mời ngồi đãi trà nước, có hai học trò đứng hầu hai bên.
Trong lúc đàm đạo văn chương, trưởng lão Chí Minh liếc thấy Nhạc Phi tướng mạo khôi ngô, cốt cách phi phàm, ông ta tấm tắc khen thầm rồi ông gọi tiểu đồng đem thức ăn lên thết đãi.
Đêm hôm ấy, thầy trò Châu Đồng nghỉ lại ở gia trang, rạng ngày sau mới từ tạ ra về. Trưởng Lão nằng nặc mời ở lại dùng cơm rồi mới cho đi. Khi tiểu đồng bưng trà lên, Châu Đồng vui miệng hỏi:
- Tôi có nghe người ta đồn rằng ở đây có suối Lịch Tuyền dùng nước suối ấy nấu trà uống ngon lắm phải không?
Trưởng lão đáp:
- Đúng đấy, nước trong suối Lịch Tuyền mà dùng nấu nước trà uống thì ngon tuyệt, nước ấy nếu đem rửa mặt thì mắt mờ sẽ sáng ngay. Lâu nay hễ có khách, tôi vẫn dùng nước ấy nấu nước trà đãi, ngờ đâu gần đây có một con quái không biết từ đâu đến, thường ngày nó hay phun một thứ khói độc làm hôn mê, nên không ai dám bén mảng đến đó nữa.
Châu Đồng chắt lưỡi than:
- Thế thì tại tôi vô duyên nên đến đây gặp trở ngại không được dùng nước Lịch Tuyền.
Nhạc Phi nghe nói nghĩ thầm:
"Quả nước Lịch Tuyền quí giá như vậy thì dù con quái vật ấy có lợi hại đến đâu ta cũng quyết đến đó lấy nước cho kỳ được. Hay là tiên sinh Chí Minh tìm cách nói đùa chăng? Nhất định phen này ta phải đến đó lấy nước đem về để gia gia ta rửa mặt mới được.
Nghĩ đoạn, Nhạc Phi hỏi tiểu đồng thăm dò đường đi đến suối Lịch Tuyền, rồi bưng chén trà lớn đi thẳng ra phía sau am.
Đi quanh co hồi lâu, chàng trông thấy tại cửa núi có một vòi nước phun ra nước trong vắt, phía trên có một tảng đá lớn bên trên có khắc một hàng chữ:
- "Lịch Tuyền kỳ phẩm".
Đây chính là bút tích của ông Tô Đông Pha viết, bên trong vòi nước ấy có một động đá, trong động ló ra một chiếc đầu rắn khổng lồ, đôi mắt rắn sáng chói như hai chiếc đèn pha, miệng rắn há hốc ra để lộ mấy hàm răng gớm ghiếc, nước bọt từ trong miệng rắn nhỏ xuống từng giọt một màu trắng đục.
Nhạc Phi lẩm bẩm:
- Con quái xà này từ đâu đến đây phá rối, để ta giết quách cho thiên hạ nhờ.
Nói đoạn, chàng để chén xuống, nhặt một viên đá lớn nhắm ngay đầu rắn ném một cái thật mạnh. Viên đá trúng ngay chính giữa đỉnh đầu rắn, nhưng không thấy con rắn nao núng gì cả, nó liền phun ra một chất khói lam, đồng thời há miệng thè chiếc lưỡi đỏ loét, quăng mình tới mổ Nhạc Phi, nhưng chàng đã lanh lẹ tránh khỏi, với tay nắm lấy đuôi rắn chàng toan vụt một cái, nhưng lạ thay, Nhạc Phi xem kỹ lại thì trong tay cái đuôi rắn biến đâu mất mà chỉ có một cây thương láng bóng, trên cán có chạm một hàng chữ "Lịch Tuyền Thần Mâu".
Nhạc Phi mừng rỡ khôn xiết, chàng xách chén cầm thương chạy thẳng về am. Kể lại mọi chuyện cho Châu Đồng nghe, ai nấy đều mừng rỡ. Trưởng Lão Chí Minh nói:
- Cây thương "Lịch Tuyền thần mâu" này là vật báu của thần linh nay đã về tay lệnh lang ắt sau này sẽ được đăng đài bái tướng đấy chứ chẳng chơi đâu.
Ngừng giây lát, trưởng lão nói:
- Sẵn đây tôi có cuốn sách binh thư bí truyền trong đó có truyền đầy đủ thương pháp và cách bày binh bố trận nữa, nhưng sách này chỉ người nào có binh khí thần linh mới có thể dùng được, nay lệnh lang đã có duyên như vậy tôi xin trao sách ấy cho, hãy xem trong ấy cố mà luyện tập, bây giờ tôi phải trở về ở tại Ngũ Đài sơn, chắc có lẽ khó mà gặp mặt nhau được. Chí Minh trưởng lão nói, hai mươi năm về sau, học trò tôi là Đạo Duyệt sẽ đến tại Kim Sơn để gặp lệnh lang, mong lang hãy nhớ lời tôi dặn và xin cáo biệt ngay đây.
Châu Đồng nói:
Nói vậy thì tôi làm lỗi với tiên sinh rồi.
Trưởng lão nói:
- Không phải, đó là do nơi tiền định có tội gì đến ngài đâu?
Nói đoạn Chí Minh trưởng lão vào phòng lấy cuốn binh thư giao cho Châu Đồng, rồi Châu Đồng giao cho Nhạc Phi cất giữ. Thầy trò từ biệt xuống núi về nhà.
Sáng hôm sau, Châu Đồng hỏi Thang Hoài:
- Ngươi muốn học môn gì?
Thang Hoài đáp:
- Con thấy Nhạc huynh múa thương tốt lắm, nên con cũng muốn học thương.
Thế là Châu Đồng dạy thương pháp cho Thang Hoài. Còn Trương Hiển lại bảo:
- Thương thì tốt lắm, nhưng con lại muốn sử dụng thứ vũ khí gì đã đâm lại móc lại được nữa cơ. Vũ khí ấy chính là câu liêm thương đây, để ta vẽ kiểu cho con đến thợ rèn đặt làm một cái đem về ta dạy cho.
Vương Quới lại bảo:
- Thưa thày, con chỉ muốn sử dụng cây đại đao thôi vì đại đao chém chết được nhiều mạng hơn.
Châu Đồng biết Vương Quới là kẻ dũng phu nên cười thầm và nói:
- Được nếu con thích đại đao thì thầy sẽ dạy cho.
Từ đó về sau hễ hai ngày học văn thì một ngày luyện võ. ông Châu Đồng trước kia là người làm đến chức Đầu mục, cai quản tám mươi ngàn cấm quân tại Đông Kinh nên võ nghệ cao cường, ông đã từng dạy người học trò xuất chúng tên là Lưu Tuấn Nghĩa, nay lại có Nhạc Phi tuổi còn nhỏ mà có sức mạnh phi thường, ông ta vô cùng hoan hỉ, đem hết mười tám môn võ nghệ truyền đạt cho Nhạc Phi, nếu so sánh với hai người học trò trước kia, Nhạc Phi còn hơn gấp bội.
Một hôm Vương Viên ngoại cùng Châu Tiên sinh đi dạo chơi giải buồn, bỗng có lý trưởng sở tại đến ra mắt và thưa:
- Huyện đường ta sắp có cuộc khảo thi võ nghệ, tôi cũng muốn hiển vinh cho làng xóm nên đã đem tên bốn vị tiểu tướng công đến đăng vào xin ứng thí, vậy nay bổn chức xin tin cho chư vị biết để sắm sửa vào ngày rằm tháng này tựu trường.
Vương Minh cau mày nhìn lý trưởng bảo:
- Ông muốn đem con cháu chúng tôi ra ứng thí, ít ra cũng phải cho chúng tôi biết trước đã chớ, phỏng như chúng nó chưa đủ tư cách ra thí võ với người thì sao?
Châu Đồng xen vào nói:
- Chẳng hề chi đâu, tôi xét ra ông lý đây làm như vậy là tốt bụng và thịnh tình, tuy đồ đệ tôi còn nhỏ tuổi, nhưng trò nào cũng đủ tư cách ra tỷ thí với người cả rồi.
Châu Đồng lại căn dặn ba ông Viên ngoại về sắm sửa cho con mình đi thi võ. Hôm sau về trường, lại gọi các trò đến bảo:
- Các con hãy chuẩn bị áo quần tử tế và mang theo vũ khí sở trường đúng ngày rằm tháng này, đến trường thi võ đấy nhé!
Vương Quới, Thang Hoài, Trương Hiển vâng lời vội trở về nhà ngay, Châu Đồng lại bảo Nhạc Phi về thưa với thân mẫu sắm sửa đồ đạc lên đường.
Nhạc Phi thưa:
- Chắc khoa này con không đi được, xin hẹn lại khoa khác.
Châu Đồng ngạc nhiên:
- Tại sao vậy?
- Thưa gia gia, riêng phận con nghèo nàn rách rưới lấy chi sắm được ngựa và áo quần để đi với người ta? Vì vậy con xin chờ khoá sau thì hơn.
Châu Đồng suy nghĩ giây lâu, gọi Nhạc Phi bảo:
- Thôi con hãy vào phòng lấy chiếc áo Tố Bạch của ta đem về thưa cùng lệnh đường sửa chữa lại cho vừa mà mặc. Con nhớ lấy cả dây Hồng Lan nữa nhé. Còn ngựa thì không lo gì, con cứ việc lấy con ngựa của ta mà dùng.
Nhạc Phi bước vào phòng lãnh áo rồi bước ra lạy tạ trở về nhà thưa lại với mẹ. Bà An Nhân vui mừng khôn xiết.
Hôm sau, Châu Đồng đang ngồi xem sách bỗng nghe phía trước có tiếng động, vội nhìn ra thì thấy Thang Hoài đến. Anh ta xúng xính trong bộ quần áo mới cưỡi con ngựa ô, lưng đeo cung tiễn trông oai vệ lắm. Chàng lạy thầy một lạy và thưa:
- Xin thầy xem con ăn mặc thế này đi ứng thí với người ta có được không?
Châu Đồng gật đầu khen ngợi, rồi Vương Quới và Trương Hiển cũng lần lượt đến làm lễ thầy, người nào cũng nai nịt chỉnh tề, lưng đeo cung tiễn trông ra dáng con nhà võ lắm.
Châu Đồng bảo:
- Ba trò hãy về thưa lại với phụ thân, đến ngày ấy cứ việc tự nhiên đến trường thi, đừng đợi ta làm gì, miễn khi đến tỉnh thành, chúng tạ gặp mặt nhau là đủ rồi.
Ba trò vừa bái tạ ra về thì Nhạc Phi đến, ông Châu Đồng vỗ vai chàng bảo:
- Ngày mai ta sẽ sang dùng cơm bên nhà con rồi cùng đi luôn.
Nhạc Phi lấy làm ái ngại:
- Nhà con nghèo nàn biết lấy chi đãi gia gia cho xứng đáng!
- Con chớ nên ngại việc ấy, chúng ta đã kết tình phụ tử thì có gì dùng nấy mới thân mật chứ.
Nhạc Phi về thưa lại với mẹ, rồi sáng hôm sau, khi cơm nước xong xuôi, Châu Đồng cùng Nhạc Phi dắt nhau xuống tỉnh thành. Nơi đây thiên hạ đông đảo, nhan nhản những phòng trà quán rượu có đủ hạng người, náo nhiệt và vui vẻ vô chừng. Cha con Nhạc Phi ghé vào tiệm uống trà nghỉ mát, còn ba ông Viên ngoại là người giàu có, nên vào ngay tửu lầu gọi những thức ăn cao lương mỹ vị thết đãi bạn bè đồng thời cho người đi tìm Châu Đồng và Nhạc Phi.Nhạc Phi vừa ra khỏi thư phòng thì bọn Vương Quới cũng kịp về nhà.
Châu Đồng bước vào phòng không để ý mọi việc xung quanh, chỉ cúi đầu suy nghĩ:
"Lúa trổ hai bông là một chuyện lạ lùng, chẳng lẽ trong cái thôn bé nhỏ, hẻo lánh thế này lại có quí nhân sao?".
Đang suy nghĩ, bỗng thấy ba cuốn vở để trước mặt Châu Đồng bèn giở ra xem, thì lạ thay, văn bài của ba người học trò mình hôm nay từ lý rất thông, nét chữ lại sắc sảo tiên sinh nghĩ thầm:
"Lẽ nào ba đứa này học hành lại mau tấn tới đến thế Hay là thời vận ta may mắn nên chúng mau giỏi chăng?".
Châu Đồng lại đem những bài cũ của học trò ra so sánh thì thấy các bài cũ chẳng thông suốt tý nào cả nên lại nghĩ:
"Hay là trong khi ta đi vắng, ở nhà chúng nó mượn ai làm cũng nên, nhưng kẻ nào làm đây phải là người tài giỏi, chí khí hơn người, để ta hỏi xem cho biết".
Nghĩ đoạn Châu Đồng gọi Vương Quới hỏi:
- Khi ta đi vắng, có ai đến thư phòng không?
Vương Quới thưa:
- Thưa thầy, con không thấy ai đến đây cả.
Đang lúc ngờ vực. Châu Đồng vụt nhìn lên trên vách thấy bài thơ của Nhạc Phi, vội bước đến xem. Bài thơ viết:
Phục thầy, hạ bút đôi câu
Công hầu, khanh tướng biết đâu mà cười
Tâm trong Tiêu Hán sẵn rồi
Còn chờ cảnh ngộ rạng ngời Đẩu Ngưu
Anh hùng chí cả noi theo
Rồng mây gặp hội, thỏa điều ước mong
Công danh hai chữ chưa xong
Tiếu đàm thiên hạ, bận tâm làm gì.
Thơ tuy chẳng hay lắm song thi pháp đáng khen, lại có khí chất anh hùng, cuối cùng lại đề rõ danh tự Nhạc Phi. Châu Đồng mới biết đây là người mà ông Vương Viên ngoại khen là kẻ thông minh hiếm có trên đời.
Châu Đồng trợn mắt nhìn Vương Quới quát mắng:
- Rõ ràng có Nhạc Phi đến thư phòng viết thơ trên vách đây sao các ngươi lại chối quanh? Hèn chi ba bài văn của chúng bay hôm nay khác xa, đúng là Nhạc Phi làm hộ cho chúng bay rồi. Thôi hãy đi mời hắn đến đây cho ta bảo gấp.
Vương Quới cúi đầu vâng dạ rồi chạy thẳng đến nhà Nhạc Phi bảo:
- Lúc nãy anh đến thư phòng chúng tôi chơi, nhưng không biết anh viết những gì trên vách mà thầy cho đi mời anh. Chắc thế nào thầy tôi cũng đánh anh đấy.
Bà An Nhân nghe nói thì kinh hãi, nhưng khi nghe Vương Quốc nói: "Thầy bảo đi mời" thì lòng mới bớt lo. Bà bảo Nhạc Phi.
- Con có qua thì phải hết sức lễ phép với người nhé!
Nhạc Phi chắp tay:
- Con xin vâng lời mẹ, con quyết không khi nào làm phiền lòng mẹ đâu.
Rồi Nhạc Phi theo chân Vương Quới đến thư phòng ra mắt Châu Đồng. Sau khi xá bốn vái, Nhạc Phi đứng tránh một bên chắp tay thưa:- Được tiên sinh cho gọi đến thì còn gì hân hạnh cho bằng, chẳng biết tiên sinh có điều gì chỉ giáo?
Châu Đồng thấy Nhạc Phi tướng mạo khôi ngô, tuổi còn nhỏ mà ăn nói lễ phép, cử chỉ đoan trang nên đem lòng thương mến ngay. ông bảo Vương Quới kéo ghế mời Nhạc Phi ngồi rồi hỏi:
- Bài thơ trên vách kia có phải cậu viết không?
Nhạc Phi sợ hãi đáp:
- Tiểu tử còn thơ dại nên nhất thời cuồng vọng, xin tiên sinh tha tội.
Châu Đồng lại hỏi:
- Cậu đã có biệt hiệu gì chưa?
- Thưa, thuở mới chào đời, có một tiên sinh đến chơi đặt cho danh hiệu là Bàng Cử.
Châu Đồng gật đầu khen:
- Danh hiệu như thế là hay lắm rồi, còn văn học thì được thầy nào dạy cho?
Nhạc Phi thưa:
- Chỉ vì nhà quá nghèo nên mẹ tiểu tử phải mua sách về dạy và lấy cát bỏ vào khay tập viết cho đỡ tốn tiền.
Ngẫm nghĩ hồi lâu, Châu Đồng nói:
- Cậu về thưa với thân mẫu, mời bà đến đây cho ta hầu chuyện nhé.
Nhạc Phi lắc đầu:
- Không thể được, mẹ cháu là góa phụ, đâu có thể đi như thế được?
Châu Đồng nói:
- Cậu nói đúng lắm, chính ta đã lỡ lời rồi?
Rồi cho gọi Vương Quới vào bảo:
- Trò về thưa với thân mẫu là, nay ta muốn mời bà An Nhân đến đây bàn chút việc học hành cho Nhạc Phi, vậy xin mời lịnh đường đến đây cho có bạn với bà.
Vương Quới vội chạy đi mời bà Viện Quân, Châu Đồng lại bảo Nhạc Phi:
- Ta đã cho mời bà Viện Quân đến, vậy cậu có bằng lòng về thưa với lệnh đường đến đây cho ta thưa chuyện không?
Nhạc Phi vâng lời về thưa với mẹ:
- Châu tiên sinh muốn mời mẹ đến thưa chuyện, người cũng có mời bà Viện Quân đến cho mẹ có bạn, chẳng biết mẹ có vui lòng đến đó không? .
Bà An Nhân gật đầu đáp:
- Nếu có bà Viện Quân thì mẹ cũng đến đó thử xem Châu tiên sinh dạy việc gì cho biết.
Rồi bà ta lập tức thay quần áo đi cùng Nhạc Phi thẳng đến nơi tiên sinh Châu Đồng dạy học.
Vừa đến nơi, đã thấy bà Viện Quân có mặt, bước ra tiếp đón nồng hậu.
Sau khi mọi người an toạ, Châu Đồng nói với bà An Nhân:
- Hôm nay tôi mời bà đến đây chỉ vì tôi thấy lệnh lang tướng mạo phương phi, tâm trung xán lạn nên đem lòng mến thương muốn đem tài sở học của mình truyền đạt lại cho cháu. Vậy xin bà cho Nhạc Phi làm con nuôi tôi chẳng biết bà có bằng lòng không?
Bà An Nhân nghe nói lắc đầu, sa nước mắt đáp:
- Khi tôi sinh nó ra mới được ba ngày thì bị nạn lụt khủng khiếp, trong lúc lâm nguy, chồng tôi phó thác nó cho tôi nuôi dưỡng, may nhờ có ân công là vợ chồng Vương Viên ngoại ra tay cứu giúp, ơn ấy mẹ con tôi chưa trả được. Hơn nữa tôi chỉ có một chút con nối dòng họ Nhạc nên việc ấy khó vâng lời, xin tiên sinh chở chấp.
Châu Đồng phân trần:
- Lẽ ra tôi không nên hỏi vậy, nhưng trong văn thơ thấy lệnh lang có chí khí lớn, ngày sau ắt nên danh vọng, tiếc thay không có thầy hay dạy dỗ, cung như ngọc kia không được giũa mài cũng thành vô dụng, cũng hoài ngọc đi. Chẳng phải tôi dám khoe tài, song tôi đã từng dạy hai đứa học trò làm nên danh phận, chỉ vì rủi ro bị kẻ gian thần hãm hại. Nay nhận lời của Vương viên ngoại dạy ba đứa này xét ra chí khí thua kém Nhạc Phi xa. Nếu được bà ưng thuận, tôi chỉ gá tiếng là dưỡng phụ mà thôi, chớ không dám cải danh diệt tính. Còn việc xưng hô cha con là để cho tăng phần thân mật, tôi mới có thể đem hết bình sinh sở học truyền đạt lại cho cháu và sau này tôi có cười hạc quy tiên thì có người chôn cất là đủ rồi, xin bà hãy an tâm.
Bà An Nhân còn suy tính chưa biết nên trả lời bằng cách nào cho phải thì Nhạc Phi đã chạy ra, chắp tay thưa với Châu Đồng:
- Nếu kết tình phụ tử mà không phải thay tên, đổi họ thì con xin ưng thuận, vậy xin gia gia hãy ngồi lại cho con tạ lễ.
Dứt lời, Nhạc Phi quỳ lạy tám lạy.
Nhạc Phi hành động như vậy chẳng phải là không tuân lời mẹ song cũng vì chàng ái mộ tài học của Châu tiên sinh đã lâu, muốn cho người giáo huấn thi thơ, thụ truyền võ nghệ. Ngờ đâu trong tám lạy ấy mà sau này Nhạc Phi làm đến chức Võ Xương Khai Quốc Công, Thái Tử Thiếu Bảo, Tổng Đốc bình lương, thống thuộc văn võ Đô Đốc Đại Nguyên Soái. Nhưng đó là chuyện của mấy chục năm sau. Hãy quay lại chuyện Nhạc Phi quỳ lạy nhận dưỡng phụ.
Lạy xong, Nhạc Phi còn làm lễ lạy vợ chồng Vương Viên ngoại và mẹ chàng nữa. Bà An Nhân nửa buồn nửa vui, nhưng vì con bà đã ưng thuận bà cũng đành phải chấp thuận theo.
Vợ chồng Vương Viên ngoại sai bày tiệc đãi đằng, mời cả Trương Đạt, Thang Văn Trọng đến dự rồi ai về nhà nấy.
Hôm sau Nhạc Phi vào trường học, Châu Đồng cho bốn trò kết nghĩa anh em, ai nấy đều tỏ cho cha mẹ mình hay, các ông bà ấy thảy đều mừng rỡ.
Từ đó Châu Đồng đem hết mười tám môn võ nghệ truyền đạt cho Nhạc Phi, chàng sẵn có khiếu thông minh hơn người nên tiếp thu rất chu đáo.
Ngày tháng thoi đưa, bóng thiều quang thấm thoắt, hạ hết thu sang, Nhạc Phi đã lên mười ba tuổi, mấy anh em cũng đều ở lại thư phòng, sớm tối chăm lo học tập, chẳng bao lâu ai nấy đều võ nghệ tinh thông, văn chương uyên bác.
Một hôm vào tiết tháng ba, khí trời mát mẻ, Châu
Đồng gọi Nhạc Phi vào, bảo:
- Hôm nay thầy bận đi thăm một người bạn là ông Chí Minh trưởng lão ở tại Lịch Tuyền, con hãy ở nhà cùng với mấy anh em đừng xao lãng học tập nhé!
Nhạc Phi thưa:
- Đường đi từ đây đến Lịch Tuyền xa xôi lại vắng vẻ, gia gia đi một mình e bất tiện, chi bằng cho chúng con đi với và để thăm tiên sinh luôn thể.
Châu Đồng gật đầu vui lòng, rồi năm thầy trò sắm sửa hành trang lên đường thẳng đến Lịch Tuyền.
Đường đi phải băng qua nhiều khu rừng rậm rạp, cây cối um tùm, chim kêu vượn hú trên cành, càng tăng thêm cảnh vắng vẻ của rừng sâu.
Khi đi qua một hòn núi nhỏ, Châu Đồng trông thấy nơi ấy địa thế rất đẹp, bên đứng lại ngắm nghía hồi lâu rồi hỏi:
- Chẳng biết chỗ này là đất của ai?
Vương Quới thưa:
Nơi đây là đất của phụ thân con, nếu thầy xem phong cảnh này có hợp ý thì sau này thầy có quy tiên, chúng con sẽ đem thầy đến đây làm nơi an giấc.
Nhạc Phi lườm Vương Quới một cái và nói:
- Gia gia tôi đang sống thế này mà sao anh dám loạn ngôn như vậy?
Châu Đồng khoả tay:
- Không hề chi, người đời ai mà khỏi chết? Nếu sau này thầy có mãn phần rồi, các con đem xác thầy đến chỗ này chôn cất thì thầy mãn nguyện vô cùng.
Đi chẳng bao lâu nữa, gia trang của trưởng lão Chí Minh đã hiện ra trước mặt, tuy không đồ sộ nguy nga lắm song cũng rộng rãi mát mẻ, nấp dưới lùm cây cổ thụ hoa quả tốt tươi trông ngoạn mục lắm.
Châu Đồng gõ cửa, một tiểu đồng từ bên trong chạy ra vái chào, Châu Đồng bảo:
- Phiền cháu vào thưa lại với tiên sinh Chí Minh rằng có người ở Hiệp Tây tên là Châu Đồng đến thăm.
Tiểu đồng cúi đầu vâng dạ rồi chạy thẳng vào trong, chỉ trong chốc lát đã thấy trưởng lão Chí Minh chống gậy bước ra tiếp đón niềm nở.
Mọi người vào nhà, trưởng lão mời ngồi đãi trà nước, có hai học trò đứng hầu hai bên.
Trong lúc đàm đạo văn chương, trưởng lão Chí Minh liếc thấy Nhạc Phi tướng mạo khôi ngô, cốt cách phi phàm, ông ta tấm tắc khen thầm rồi ông gọi tiểu đồng đem thức ăn lên thết đãi.
Đêm hôm ấy, thầy trò Châu Đồng nghỉ lại ở gia trang, rạng ngày sau mới từ tạ ra về. Trưởng Lão nằng nặc mời ở lại dùng cơm rồi mới cho đi. Khi tiểu đồng bưng trà lên, Châu Đồng vui miệng hỏi:
- Tôi có nghe người ta đồn rằng ở đây có suối Lịch Tuyền dùng nước suối ấy nấu trà uống ngon lắm phải không?
Trưởng lão đáp:
- Đúng đấy, nước trong suối Lịch Tuyền mà dùng nấu nước trà uống thì ngon tuyệt, nước ấy nếu đem rửa mặt thì mắt mờ sẽ sáng ngay. Lâu nay hễ có khách, tôi vẫn dùng nước ấy nấu nước trà đãi, ngờ đâu gần đây có một con quái không biết từ đâu đến, thường ngày nó hay phun một thứ khói độc làm hôn mê, nên không ai dám bén mảng đến đó nữa.
Châu Đồng chất lưỡi than:
Thế thì tại tôi vô duyên nên đến đây gặp trở ngại
không được dùng nước Lịch Tuyền.
Nhạc Phi nghe nói nghĩ thầm:
"Quả nước Lịch Tuyền quí giá như vậy thì dù con quái vật ấy có lợi hại đến đâu ta cũng quyết đến đó lấy nước cho kỳ được. Hay là tiên sinh Chí Minh tìm cách nói đùa chăng? Nhất định phen này ta phải đến đó lấy nước đem về để gia gia ta rửa mặt mới được.
Nghĩ đoạn, Nhạc Phi hỏi tiểu đồng thăm dò đường đi đến suối Lịch Tuyền, rồi bưng chén trà lớn đi thẳng ra phía sau am.
Đi quanh co hồi lâu, chàng trông thấy tại cửa núi có một vòi nước phun ra nước trong vắt, phía trên có một tảng đá lớn bên trên có khắc một hàng chữ:
- "Lịch Tuyền kỳ phẩm".
Đây chính là bút tích của ông Tô Đông Pha viết, bên trong vòi nước ấy có một động đá, trong động ló ra một chiếc đầu rắn khổng lồ, đôi mắt rắn sáng chói như hai chiếc đèn pha, miệng rắn há hốc ra để lộ mấy hàm răng gớm ghiếc, nước bọt từ trong miệng rắn nhỏ xuống từng giọt một màu trắng đục.
Nhạc Phi lẩm bẩm:
- Con quái xà này từ đâu đến đây phá rối, để ta giết quách cho thiên hạ nhờ.
Nói đoạn, chàng để chén xuống, nhặt một viên đá lớn nhắm ngay đầu rắn ném một cái thật mạnh. Viên đá trúng ngay chính giữa đỉnh đầu rắn, nhưng không thấy con rắn nao núng gì cả, nó liền phun ra một chất khói lam, đồng thời há miệng thè chiếc lưỡi đỏ loét, quăng mình tới mổ Nhạc Phi, nhưng chàng đã lanh lẹ tránh khỏi, với tay nắm lấy đuôi rắn chàng toan vụt một cái, nhưng lạ thay, Nhạc Phi xem kỹ lại thì trong tay cái đuôi rắn biến đâu mất mà chỉ có một cây thương láng bóng, trên cán có chạm một hàng chữ "Lịch Tuyền Thần Mâu".
Nhạc Phi mừng rỡ khôn xiết, chàng xách chén cầm thương chạy thẳng về am. Kể lại mọi chuyện cho Châu Đồng nghe, ai nấy đều mừng rỡ. Trưởng Lão Chí Minh nói:
- Cây thương "Lịch Tuyền thần mâu" này là vật báu của thần linh nay đã về tay lệnh lang ắt sau này sẽ được đăng đài bái tướng đấy chứ chẳng chơi đâu.
Ngừng giây lát, trưởng lão nói:
- Sẵn đây tôi có cuốn sách binh thư bí truyền trong đó có truyền đầy đủ thương pháp và cách bày binh bố trận nữa, nhưng sách này chỉ người nào có binh khí thần linh mới có thể dùng được, nay lệnh lang đã có duyên như vậy tôi xin trao sách ấy cho, hãy xem trong ấy cố mà luyện tập, bây giờ tôi phải trở về ở tại Ngũ Đài sơn, chắc có lẽ khó mà gặp mặt nhau được. Chí Minh trưởng lão nói, hai mươi năm về sau, học trò tôi là Đạo Duyệt sẽ đến tại Kim Sơn để gặp lệnh lang, mong lang hãy nhớ lời tôi dặn và xin cáo biệt ngay đây.
Châu Đồng nói:
- Nói vậy thì tôi làm lỗi với tiên sinh rồi.
Trưởng lão nói:
- Không phải, đó là do nơi tiền định có tội gì đến ngài đâu?
Nói đoạn Chí Minh trưởng lão vào phòng lấy cuốn binh thư giao cho Châu Đồng, rồi Châu Đồng giao cho Nhạc Phi cất giữ. Thầy trò từ biệt xuống núi về nhà.
Sáng hôm sau, Châu Đồng hỏi Thang Hoài:
- Ngươi muốn học môn gì?
Thang Hoài đáp:
- Con thấy Nhạc huynh múa thương tốt lắm, nên con cũng muốn học thương.
Thế là Châu Đồng dạy thương pháp cho Thang Hoài. Còn Trương Hiển lại bảo:
- Thương thì tốt lắm, nhưng con lại muốn sử dụng thứ vũ khí gì đã đâm lại móc lại được nữa cơ.
- Vũ khí ấy chính là câu liêm thương đây, để ta vẽ kiểu cho con đến thợ rèn đặt làm một cái đem về ta dạy cho.
Vương Quới lại bảo:
- Thưa thày, con chỉ muốn sử dụng cây đại đao thôi vì đại đao chém chết được nhiều mạng hơn.
Châu Đồng biết Vương Quới là kẻ dũng phu nên cười thầm và nói:
- Được nếu con thích đại đao thì thầy sẽ dạy cho.
Từ đó về sau hễ hai ngày học văn thì một ngày luyện võ. ông Châu Đồng trước kia là người làm đến chức Đầu mục, cai quản tám mươi ngàn cấm quân tại Đông Kinh nên võ nghệ cao cường, ông đã từng dạy người học trò xuất chúng tên là Lưu Tuấn Nghĩa, nay lại có Nhạc Phi tuổi còn nhỏ mà có sức mạnh phi thường, ông ta vô cùng hoan hỉ, đem hết mười tám môn võ nghệ truyền đạt cho Nhạc Phi, nếu so sánh với hai người học trò trước kia, Nhạc Phi còn hơn gấp bội.
Một hôm Vương Viên ngoại cùng Châu Tiên sinh đi dạo chơi giải buồn, bỗng có lý trưởng sở tại đến ra mắt và thưa:
- Huyện đường ta sắp có cuộc khảo thi võ nghệ, tôi cũng muốn hiển vinh cho làng xóm nên đã đem tên bốn vị tiểu tướng công đến đăng vào xin ứng thí, vậy nay bổn chức xin tin cho chư vị biết để sắm sửa vào ngày rằm tháng này tựu trường.
Vương Minh cau mày nhìn lý trưởng bảo:
- Ông muốn đem con cháu chúng tôi ra ứng thí, ít ra cũng phải cho chúng tôi biết trước đã chớ, phỏng như chúng nó chưa đủ tư cách ra thí võ với người thì sao?
Châu Đồng xen vào nói:
- Chẳng hề chi đâu, tôi xét ra ông lý đây làm như vậy là tốt bụng và thịnh tình, tuy đồ đệ tôi còn nhỏ tuổi, nhưng trò nào cũng đủ tư cách ra tỷ thí với người cả rồi.
Châu Đồng lại căn dặn ba ông Viên ngoại về sắm sửa cho con mình đi thi võ. Hôm sau về trường, lại gọi các trò đến bảo:
- Các con hãy chuẩn bị áo quần tử tế và mang theo vũ khí sở trường đúng ngày rằm tháng này, đến trường thi võ đấy nhé!
Vương Quới, Thang Hoài, Trương Hiển vâng lời vội trở về nhà ngay, Châu Đồng lại bảo Nhạc Phi về thưa với thân mẫu sắm sửa đồ đạc lên đường.
Nhạc Phi thưa:
- Chắc khoa này con không đi được, xin hẹn lại khoa khác.
Châu Đồng ngạc nhiên:
- Tại sao vậy?
- Thưa gia gia, riêng phận con nghèo nàn rách rưới lấy chi sắm được ngựa và áo quần để đi với người ta? Vì vậy con xin chờ khoá sau thì hơn.
Châu Đồng suy nghĩ giây lâu, gọi Nhạc Phi bảo:
- Thôi con hãy vào phòng lấy chiếc áo Tố Bạch của ta đem về thưa cùng lệnh đường sửa chữa lại cho vừa mà mặc. Con nhớ lấy cả dây Hồng Lan nữa nhé. Còn ngựa thì không lo gì, con cứ việc lấy con ngựa của ta mà dùng.
Nhạc Phi bước vào phòng lãnh áo rồi bước ra lạy tạ trở về nhà thưa lại với mẹ. Bà An Nhân vui mừng khôn xiết.
Hôm sau, Châu Đồng đang ngồi xem sách bỗng nghe phía trước có tiếng động, vội nhìn ra thì thấy Thang Hoài đến. Anh ta xúng xính trong bộ quần áo mới cưỡi con ngựa ô, lưng đeo cung tiễn trông oai vệ lắm. Chàng lạy thầy một lạy và thưa:
- Xin thầy xem con ăn mặc thế này đi ứng thí với người ta có được không?
Châu Đồng gật đầu khen ngợi, rồi Vương Quới và Trương Hiển cũng lần lượt đến làm lễ thầy, người nào cũng nai nịt chỉnh tề, lưng đeo cung tiễn trông ra dáng con nhà võ lắm.
Châu Đồng bảo:
- Ba trò hãy về thưa lại với phụ thân, đến ngày ấy cứ việc tự nhiên đến trường thi, đừng đợi ta làm gì, miễn khi đến tỉnh thành, chúng tạ gặp mặt nhau là đủ rồi.
Ba trò vừa bái tạ ra về thì Nhạc Phi đến, ông Châu Đồng vỗ vai chàng bảo:
- Ngày mai ta sẽ sang dùng cơm bên nhà con rồi cùng đi luôn.
Nhạc Phi lấy làm ái ngại:
- Nhà con nghèo nàn biết lấy chi đãi gia gia cho xứng đáng!
- Con chớ nên ngại việc ấy, chúng ta đã kết tình phụ tử thì có gì dùng nấy mới thân mật chứ.
Nhạc Phi về thưa lại với mẹ, rồi sáng hôm sau, khi cơm nước xong xuôi, Châu Đồng cùng Nhạc Phi dắt nhau xuống tỉnh thành. Nơi đây thiên hạ đông đảo, nhan nhản những phòng trà quán rượu có đủ hạng người, náo nhiệt và vui vẻ vô chừng. Cha con Nhạc Phi ghé vào tiệm uống trà nghỉ mát, còn ba ông Viên ngoại là người giàu có, nên vào ngay tửu lầu gọi những thức ăn cao lương mỹ vị thết đãi bạn bè đồng thời cho người đi tìm Châu Đồng và Nhạc Phi. Ngờ có con ngựa quen buộc ở ngoài quán nước, bọn gia đinh mới tìm được thầy trò ông Châu Đồng khẩn khoản mời ông về chỗ các Viên ngoại, nhưng ông Châu Đồng từ chối và bảo:
- Người về nói với ba trò ta, cơm nước cho xong rồi đến trường thi chờ sẵn, để đến lúc nhập trường cho mặt, khi nghe kêu đến tên Nhạc Phi hãy bảo còn đi sau nhé.
Ba trò hiểu ý riêng của thầy nên cơm nước xong kéo nhau đến trường thi. Từ bốn phương tám hướng, các thí sinh kéo đến rầm rập, ai ai cũng vọng tưởng hai chữ công danh.
Sau ba hồi trống báo hiệu, quân lính đến sắp hàng hai bên giáo đường, gươm giáo cầm trong tay rất nghiêm trang. Phía trước cửa, ông thơ lại tay ôm quyển sổ cao giọng xướng danh. Các võ sinh lần lượt vào trường thi, ai nấy đều cung mã chỉnh tề.
Châu Đồng ngồi uống trà nóng, lắng tai nghe trong trường thi tiếng cung lắp tên, kêu lắc cắc, tiếng tên bay vo vo hồi lâu, bỗng ông buông tiếng cười dài.
Nhạc Phi ngạc nhiên hỏi:
- Tại sao gia gia lại cười?
Châu Đồng đáp:
- Thế con không nghe gì cả sao? Tiếng cung bắn bôm bốp, tiếng tên bay vo vo mà không nghe tiếng trống chiêng chi cả, chẳng phải buồn cười sao?
Quan huyện gọi đến tên Nhạc Phi đôi ba phen vẫn không thấy ứng tên, ông gọi đến Thang Hoài rồi Vương Quới và Trương Hiển, ba trò dõng dạc bước vào trường thi, còn ba ông Viên ngoại đứng ngoài thấp thỏm nhìn xem con mình liệu có chiếm được bảng vàng hay không?
Quan Huyện Lý Xuân thoáng thấy ba trò này tướng mạo và cử chỉ có khác hơn những võ sinh kia nên ông rất ưng ý.
Sau khi làm lễ xong, quan Huyện hỏi:
- Trong bọn các trò còn tên Nhạc Phi sao không đến?
Thang Hoài chắp tay thưa:
- Nhạc huynh chúng tôi hãy còn đi sau.
Ông ta gật đầu:
- Thế thì bây giờ khảo thí ngươi trước.
Thang Hoài đứng bên tấm bia, chàng cảm thấy thi cử gì mà bia dựng gần quá làm sao đo được tài cán của mình nên vội lên tiếng xin dựng bia xa thêm nữa.
Huyện quan cười gằn bảo:
- Bia dựng xa đến sáu mươi bước, hồi mai đến giờ các võ sinh bắn sai hết, chắc gì trò bắn trúng mà bảo dựng xa thêm nữa?
Thang Hoài vẫn khăng khăng:
- Nhưng sức tiểu sinh bắn có thừa, xin cứ việc dời bia ra xa.
Huyện quan truyền dời ra xa tám chục bước. Trương Hiển đứng ngoài lớn tiếng xen vào:
- Đối với chúng tôi như thế vẫn còn gần lắm.
Huyện quan truyền đem bia xa hàng trăm bước.
Vương Quới lại nói:
- Vẫn còn gần lắm, dời xa nữa cơ.
Quan Huyện Lý Xuân mỉm cười sai quân dời bia ra xa đến hai trăm bước. Bấy giờ ba người mới bắt đầu phi ngựa trương cung trổ tài.
Thang Hoài bắn trước, kế đến là Trương Hiển rồi mới đến Vương Quới, tiếng cung bay vun vút hòa lẫn với tiếng chiêng trống vang dậy. Mọi người đứng chung quanh cất tiếng khen nức nở.
Quan Huyện cũng đứng nhìn không chớp mắt và nghĩ thầm:
- "Không biết ba trò này là đồ đệ của ai mà thiện xạ đến nỗi không bắn sai mũi nào cả".
Ông hỏi bọn Vương Quới:
- Ai dạy các trò cung tiễn ấy?
Vương Quới bước đến thưa:
- Tiên sinh chúng tôi dạy đấy!
- Nhưng tiên sinh trò là ai mới được chứ?
- Dạ tiên sinh tôi là sư phụ.
Thấy Vương Quới trả lời quanh quất, quan Huyện cười ha hả:
- Tuy ngươi võ nghệ cao cường song ăn nói còn thật thà lắm. Ta muốn hỏi sư phụ ngươi tên gì cơ.
Thang Hoài bước tới lễ phép thưa:
- Thầy chúng tôi là người ở Hiệp Tây tên là Châu Đồng.
Quan huyện Lý Xuân gật đầu lia lịa:
- Thế thì thầy là người bạn thân thiết của ta đấy. Đã lâu không gặp mặt, chẳng biết bây giờ người có đi cùng các trò đến đây không?
Thang Hoài thưa:
- Thầy tôi đang ngồi uống trà bên quán gần đây.
Quan huyện Lý Xuân bèn sai người mời Châu Đồng đến. Giây phút sau Châu Đồng và Nhạc Phi đến, quan huyện thân hành ra tận cổng đón rước nồng hậu.
Sau khi đã phân chủ khách an tọa, quan Huyện nói:
- Lâu nay tiên sinh mở trường dạy học trong huyện tôi, sao không đến thăm tôi?
Châu Đồng đáp:
- Chẳng phải tôi coi nhẹ tình bằng hữu đâu, song ở đây người ta thường hay thưa kiện thì bạn thân không nên đến cửa quan, e rằng quốc pháp không được nghiêm minh có phương hại đến tư cách một ông quan, chi bằng đừng đến thì hay hơn.
Quan Huyện gật đầu:
- Tiên sinh quả là người nhìn xa, trông rộng.
Châu Đồng hỏi:
- Chúng ta cách biệt đã lâu, không biết lão đệ hiện nay được mấy cháu?
Quan Huyện đáp:
- Vợ đệ đã qua đời để lại một cháu gái, nưy được mười sáu tuổi. Chẳng hay tẩu tẩu năm nay có mạnh giỏi không, xin nói cho tôi mừng.
Châu Đồng thở dài:
- Vợ tôi qua đời lâu rồi.
- Thế con cái ra sao?
Châu Đồng giơ tay ngoắt Nhạc Phi đến bảo:
- Con hãy làm lễ ra mắt thúc phụ con đi.
Nhạc Phi vâng lời bước ra lễ bái quan Huyện Lý Xuân, ông ta thoáng thấy chàng tướng mạo phi phàm, cốt cách đoan trang, liền hỏi:
- Chẳng hay đại huynh sinh lệnh lang hồi nào mà tôi không hay biết?
Châu Đồng cười đáp:
- Lệnh ái thì lão đệ thân sinh, còn trẻ này là minh linh chi tử, tên hắn là Nhạc Phi, vậy xin lão đệ hãy khảo thí xem trình độ cung tiễn của hắn ra thế nào?
Quan huyện nói:
- Mấy trò kia của đại huynh dạy còn hay giỏi dường ấy, huống chi hắn là con của đại huynh thì cần chi phải khảo hạch?
Châu Đồng tỏ vẻ không bằng lòng:
- Đây là quốc gia lựa chọn anh tài, chẳng nên vị tình, nếu làm như vậy thì làm thế nào cho lòng người khâm phục?
Quan huyện vội truyền dựng bia lên, Nhạc Phi xin dời bia ra xa hơn nữa.
Quan huyện hỏi:
- Chẳng hay sức bắn của lệnh lang được mấy chục bước?
Châu Đồng ngỏ lời:
- Trẻ tuy còn nhỏ song thần lực mạnh mẽ, sức bắn gần ba trăm bước.
Quan huyện phục thầm, nhưng lòng chưa tin, bèn cho quân dời bia ra xa hai trăm tám chục bước. Nhạc Phi bước xuống thềm cưỡi ngựa khai cung. Chàng bắn luôn chín mũi đến trúng đích, tiếng trống đang vang dậy một góc trời, mọi người vỗ ta không ngớt.
Người lính kiểm bia đến chắp ta thưa với quan huyện:
- Tiểu tướng công này bắn hay lắm, chín mũi tên ấy lấy ra, chỉ có một lỗ rách mà thôi.
Quan huyện hỏi Châu Đồng:
- Năm nay lệnh lang được bao nhiêu tuổi và đã kết nghĩa châu trần đâu chưa?
Châu Đồng lắc đầu:
- Năm nay cháu nó mới lên mười sáu nên chưa vội định thân.
Quan huyện nghe nói mừng thầm, vội tỏ lời hơn thiệt:
- Đệ thấy cháu nó nên người nên muốn gả con gái của đệ cho cháu, xin đại huynh nghĩ tình bằng hữu, chớ có từ chối. Vậy ý đại huynh thế nào xin cho đệ biết mà mừng với.
Châu Đồng ra vẻ băn khoăn đáp:
- Nếu lão đệ có lòng đoái tưởng đến con tôi, thì còn gì hân hạnh bằng. Nhưng thiết tưởng kẻ nghèo hèn mà kết duyên với bậc cao sang, e không xứng đáng?
Quan huyện trầm giọng bảo:
- Chúng ta là bạn thâm giao từ thuở bé đến giờ, việc tiền nong, địa vị có nghĩa gì với chúng ta? Đại huynh cần gì phải khiêm nhường. Miễn đại huynh không chê thì sáng mai đây tôi xin viết canh thiếp giao cho đại huynh ngay.
Châu Đồng vội gọi Nhạc Phi, bảo chàng lạy mừng nhạc phụ rồi từ tạ trở ra cùng các viên ngoại trở về nhà.
Rạng ngày hôm sau, quan huyện lo xong việc quan vội viết canh thiếp sai một tên nha lại cưỡi ngựa thẳng đến làng Kỳ Lân trao cho Châu Đồng, thưa rằng:
- Tôi vâng lệnh lão gia đến đây dâng canh thiếp của tiểu thư cho ngài thâu nạp.
Châu Đồng vui mừng tiếp lấy hai tay rồi trao lại cho Nhạc Phi và nói:
- Đây là canh thiếp của Lý Tiểu thư, con hãy cất giữ cho cẩn thận.
Nhạc Phi đem canh thiếp về dâng cho mẹ, bà An Nhân mừng rỡ khôn cùng vội để lên bàn thờ thắp nhang đốt đèn làm lễ ông bà rồi mới lấy canh thiếp giở ra xem. Bà thấy Lý Tiểu thư cũng cùng sinh ra một năm, một tháng, một ngày, một giờ như con mình bà lấy làm lạ, nghĩ thầm:
- "Hay là hai trẻ có lương duyên trong kiếp trước, nên trời cho đi đầu thai một lượt chăng".
Nghĩ vậy, bà xếp canh thiếp cất vào nơi kín đáo.
Trong lúc Nhạc Phi trở về nhà, Châu Đồng lo sắm chút lễ vật gói vào một miếng giấy đỏ trao cho viên nha lại và khiêm nhường bảo:
- Tôn huynh chẳng ngại đường sá xa xôi, lặn lội đến đây lại phải trở về gấp, không kịp cơm nước gì. Vậy xin tôn huynh hãy niệm tình thâu nhận chút lễ mọn này để cho lòng tôi được thỏa nguyện.
Lão nha lại giả vờ từ chối lia lịa, nhưng tay thì đón lấy lễ vật bỏ vào túi từ tạ về ngay.
Hôm sau Châu Đồng sắm sửa lễ vật gọi Nhạc Phi vào bảo:
- Con hãy cùng cha qua bên huyện để tạ ơn nhạc phụ con nhé.
Nhạc Phi tuân lệnh theo Châu Đồng thẳng đến dinh, gửi danh thiếp vào huyện đường. Quan huyện vội vã ra tận ngoài cổng đón cha con Nhạc Phi vào trà nước, đãi đằng trọng thể.
Sau khi Nhạc Phi làm lễ tạ ơn nhạc phục xông xuôi, quan huyện bảo gia đinh dọn tiệc đãi đằng vị thông gia, đồng thời dọn thêm một mâm phía ngoài cửa.
Châu Đồng biết ý, vội khỏa tay nói:
- Cha con tôi đi bộ đến đây chẳng mang theo kẻ tùy tùng, xin lão đệ khỏi lo điều ấy.
Quan huyện Lý Xuân vừa hớp xong ngụm rượu, cất tiếng thân mật:
- Nay hiền tế nó sang viếng thăm, tôi muốn cho hắn vật gì để tỏ tình phụ tử, song không biết cho vật gì cho xứng, sẵn nhà có thừa con ngựa tốt, để tôi cho rể đi đỡ chân.
Châu Đồng cười ha hả:
- Thế còn gì quí hóa cho bằng. Nhạc Phi nó đang thao luyện võ nghệ mà thiếu con ngựa, nay lão đệ cho nó thì quả là làm một việc hợp tình, hợp nghĩa vô cùng.
Hai ông thông gia cùng chén tạc chén thù tưởng không có gì tương đắc cho bằng. Bỗng thấy gia đinh dắt con ngựa đến có thắng yên cương, quả là con tuấn mã hiếm có trên đời.
Châu Đồng trỏ con ngựa bảo Nhạc Phi:
- Ngựa này là của nhạc phụ con tặng đấy, con có thích không?
Lý Xuân thấy Nhạc Phi ra vẻ thờ ơ không đáp, vội hỏi:
- Nếu con không thích con ngựa này, thì con ra ngoài chuồng, tùy con lựa một con vừa ý.
Nhạc Phi cúi đầu tạ ơn rồi cùng gia đinh đi chọn ngựa, nhưng chàng xem qua cả chuồng có hằng mười mấy con mập mạp mà chàng chẳng thích con nào cả.
Chàng trở vào thưa lại:
- Những con ngựa ấy to lớn, mập mạp thật, nhưng chỉ để cho những bậc giàu có nhàn nhã tra yên, gắn lạc cho đẹp để cưỡi đi chơi chứ không phải loại ngựa dùng đến để xông pha nơi tên đạn, dẹp loạn phò nguy, an bang tá quốc, dựng nên nghiệp cả, nên con không chọn được con nào ưng ý.
Lý Xuân lắc đầu, lè lưỡi:
- Nếu tìm hạng ngựa ấy thì e nội xứ ngày khó mà tìm được.
Trong khi ấy bỗng nghe phía bên kia vách có tiếng ngựa hí vang rền, tiếng hí khác với ngựa thường, ai nấy đều ngạc nhiên. Nhạc Phi vội nói:
- Con ngựa ấy mới là ngựa vừa ý con, nhưng không biết ngựa ấy của ai?
Châu Đồng chau mày hỏi:
- Con chưa thấy ngựa, chỉ nghe nó hí sao con biết nó tốt?
Nhạc Phi đáp không cần nghĩ ngợi:
- Thưa gia gia, cứ theo tiếng hí của nó cũng có thể biết được nó đủ sức xông pha ngoài trận mạc.
Lý Xuân cất tiếng khen:
- Quả vậy, hiền tế nghe tiếng ngựa giỏi lắm. Ngựa ấy là của tên gia thuộc Châu Thiên Lộc mua tận bên Bắc Địa, trong vòng một năm nay nó cứ vượt chuồng chạy về với chủ đã năm sáu phen rồi. Con ngựa ấy, ở đây không ai trị nổi nó nên mới nhốt riêng một chuồng bên kia.
Nhạc Phi thưa:
- Vậy xin nhạc phụ cho phép con được xem ngựa, và thử cưỡi nó ra sao?
Quan huyện Lý Xuân gật đầu:
- Ta chỉ sợ hiền tế không trị nổi nó mà mang hại vào thân, chứ nếu hiền tế dùng được thì ta sẵn sàng tặng cho ngay.
Nhạc Phi theo tên giữ ngựa ra chưa đến chuồng, tên giữ ngựa đã quay lại căn dặn:
- Xin tiểu tướng công hãy cẩn thận mới được, vì con ngựa này đã làm hại nhiều người rồi.
Nhạc Phi thản nhiên bước đến, chàng thấy con ngựa này cao lớn và hết sức hung dữ. Nhạc Phi phải tránh né lanh lẹ lắm mới thoát khỏi đôi vó độc hiểm của con vật, rồi trở qua một bước giơ tay nắm chặt lấy chiếc bờm ghì xuống đánh cho một hồi. Quả là "mềm nắn, rắn buông", con ngựa tỏ ra hiền lành, cúi đầu chịu thuần phục.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro