Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

Nha nuoc va phap luat

Câu 1: Khái niệm, bản chất và hình thức Nhà nước?

*Khái niệm: Nhà nước là tổ chức đặc biệt chuyên làm nhiệm vụ cưỡng chế và thực thi chức năng quản lý xã hội nhằm thể hiện và bảo vệ trước hết lợi ích của giai cấp thống trị trong xã hội có giai cấp đối kháng, đồng thời bảo đảm quyền lợi của các giai cấp khác trong chừng mực thống nhất với lợi ích của giai cấp thống trị.

*Bản chất: Nhà nước ra đời là do mâu thuẫn giai cấp không thể dung hòa và nhà nước là tổ chức của giai cấp chiếm ưu thế về kinh tế. Vì vậy, nhà nước bao giờ cũng mang bản chất của một giai cấp nhất định, là bộ máy trấn áp của giai cấp này đối với giai cấp khác để duy trì sự thống trị giai cấp.

Bản chất giai cấp của nhà nước:

-Bản chất giai cấp thể hiện ở chỗ nhà nước là công cụ để giai cấp thống trị trong xã hội thực hiện sự thống trị giai cấp. Trong xã hội có giai cấp, sự thống trị của giai cấp này đối với giai cấp khác thể hiện thông qua ba phương diện: kinh tế, chính trị, tư tưởng.

+Thống trị về mặt kinh tế là cơ sở bảo đảm cho sự thống trị giai cấp. Nắm trong tay ưu thế kinh tế giúp cho giai cấp thống trị có khả năng buộc các giai cấp khác lệ thuộc về mặt kinh tế và bóc lột họ về kinh tế.

+Tuy nhiên, bản thân quyền lực kinh tế lại không duy trì được quan hệ bóc lột. Vì vậy giai cấp thống trị cần có một bộ máy cưỡng chế đặc biệt để bảo vệ, củng cố quyền lợi kinh tế, đàn áp sự phản kháng của giai cấp bị trị. Bộ máy cưỡng chế đó chính là quân đội, cảnh sát, tòa án, nhà tù. Nhờ vào bộ máy cưỡng chế có sức mạnh đặc biệt này, giai cấp thống về kinh tế trở thành giai cấp thống trị về chính trị.

+Giai cấp thống trị sử dụng nhà nước để tổ chức, thực hiện quyền lực chính trị của mình. Thông qua nhà nước, ý trí giai cấp của giai cấp thống trị trở thành ý trí nhà nước, buộc các giai cấp khác tuân theo. Cũng bằng nhà nước, giai cấp thống trị xây dựng và củng cố hệ tư tưởng riêng của giai cấp mình thành hệ tư tưởng thống trị.

Như vậy, nhà nước là một bộ máy đặc biệt nhằm duy trì và thực hiện quyền lực về kinh tế, chính trị, tư tưởng của giai cấp thống trị đối với giai cấp khác.

-Trong các xã hội bóc lột (chiếm hữu nô lệ, phong kiến, tư sản) nhà nước có bản chất chung là bộ máy duy trì sự thống trị toàn diện của tầng lớp thiểu số đối với đa số quần chúng nhân dân lao động.

-Khác với các nhà nước đó, nhà nước xã hội chủ nghĩa mang bản chất giai cấp công nhân, bảo vệ lợi ích của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, bảo đảm sự thống trị của đa số đối với thiểu số.

● Vai trò xã hội của nhà nước

-Nhà nước không thể tồn tại nếu nó chỉ phục vụ lợi ích của giai cấp thống trị mà không thực hiện các nhiệm vụ, chức năng xã hội của nó. Ngoài việc củng cố, bảo vệ quyền lợi của giai cấp thống trị thì nhà nước còn phải đảm bảo an ninh, trật tự trong xã hội. Nhà nước cũng phải đảm bảo quyền lợi của các giai cấp khác trong một chừng mực nhất định không đối lập gay gắt với quyền lợi của giai cấp thống trị.

-Vai trò xã hội của nhà nước thể hiện thông qua việc nhà nước giải quyết những công việc mang tính xã hội, phục vụ lợi ích chung của xã hội. Trong xã hội ngày nay, vai trò xã hội của nhà nước ngày càng được nâng cao. Nhà nước xây dựng các công trình phúc lợi xã hội, bảo vệ môi trường, phong chống các dịch bệnh..v.v.

Do vậy, nhà nước không chỉ là công cụ thống trị giai cấp mà còn là phương thức tổ chức và đảm bảo các lợi ích chung của xã hội.

-Các nhà nước có vai trò xã hội khác nhau phụ thuộc vào bản chất giai cấp. Trong các nhà nước bóc lột thì mặt giai cấp và mặt xã hội đối lập gay gắt. Trong nhà nước XHCN, tính giai cấp và tính xã hội hòa quện trong một thể thống nhất, nhà nước quan tâm thực hiện hài hòa chức năng giai cấp và chức năng xã hội.

*Hình thức:

-Khái niệm: Hình thức nhà nước là cách thức tổ chức quyền lực nhà nước và phương thức thực hiện quyền lực nhà nước. Hình thức nhà nước cấu thành từ 3 yêu tố: hình thức chính thể, hình thức cấu trúc và chế độ chính trị

-Hình thức chính thể:

+Chính thể quân chủ: Là chính thể mà trong đó quyền lực tập trung toàn bộ hay một phần trong tay người đứng đầu nhà nước (vua, hoàng đế...) theo nguyên tắc kế thừa. Chính thể quân chủ chia làm hai loại: Quân chủ tuyệt đối trong đó quyền lực thống nhất cao độ trong tay cá nhân đứng đầu nhà nước (tồn tại trong các nhà nước phong kiến) và quân chủ hạn chế trong đó bên cạnh người đứng đầu nhà nước còn có một cơ quan cùng nắm giữ quyền lực nhà nước.(Nước Anh ngày nay là điển hình)

+Chính thể cộng hòa: Là chính thể mà trong đó quyền lực nhà nước được thực hiện bởi các cơ quan đại diện được bầu ra trong một thời hạn nhất định. Chính thể cộng hòa cũng được chia thành hai loại: Cộng hòa quý tộc là nền cộng hòa mà trong đó cơ quan quyền lực nhà nước chỉ là đại diện của một nhóm người thiểu số và cộng hòa dân chủ trong đó cơ quan quyền lực nhà nước là đại diện của đa số.

-Hình thức cấu trúc: Là sự tổ chức nhà nước theo các đơn vị hành chính - lãnh thổ và tính chất quan hệ giữa các cơ quan nhà nước ở trung ương với các cơ quan nhà nước ở địa phương. Có hai hình thức cấu trúc nhà nước chủ yếu:

+Nhà nước đơn nhất: Là nhà nước có lãnh thổ thống nhất, toàn vẹn, các bộ phận hợp thành nhà nước là các đơn vị hành chính lãnh thổ không có chủ quyền quốc gia. Ví dụ như Việt Nam, Trung Quốc.

+Nhà nước liên bang: Là nhà nước do nhiều nhà nước hợp lại trong đó không chỉ có liên bang có dấu hiệu của nhà nước, có pháp luật mà các bang cũng có dấu hiệu nhà nước và chủ quyền ở một mức độ nhất định, có pháp luật riêng. Ví dụ: Mỹ, Ấn Độ, Nga...

-Chế độ chính trị: Là cách thức, phương pháp nhà nước sử dụng để thực hiện quyền lực nhà nước. Các loại chế độ chính trị của nhà nước trong lịch sử rất đa dạng nhưng tựu chung lại chúng gồm hai loại chính

+Chế độ chính trị dân chủ, ví dụ như: chế độ dân chủ quý tộc, dân chủ tư sản, dân chủ xã hội chủ nghĩa.

+Chế độ chính tri phi dân chủ, ví dụ như: chế độ chuyên chế của chủ nô, chế độ độc tài phát xít.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro