Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

Nhà học giả phải có một cái quê hương

Nếu học giả mà không có quê hương, không biết quê hương mình là đâu, thì vô luận những kẻ không thành nghiệp, đã thành một người du thực không nhà, mà đến kẻ học thành, kiến văn tài xảo, không kém gì người ta, tột phẩm cũng tới địa vị làm mướn là hết. Vì thế nên nhà học giả nhất định phải có một cái quê hương mà sau cái học của mình mới có chỗ qui túc, khỏi bị cái nạn hoa kia không trái, lúa nọ không bông vậy

“Đạo lý vẫn không có quê hương, mà nhà học giả phải có một cái quê hương”. (La science n’a pas de patrie, l’homme de science doit en avoir une). Đó là câu của ông Pasteur. Thật là một câu nói, không những có ý nghĩa sâu xa mà gồm cả lịch duyệt kinh nghiệm. Phàm chân lý ở trong vũ trụ là của chung cả loài người không riêng gì cho ai. Chân lý mà đã phát minh ra, thì không kỳ xưa nay, không hạn đông tây, ai mà chuyên đọc đạo lý, có lòng yêu trọng chân lý, phục tùng chân lý, thì cái chân lý đó, mình có thể nhận làm của mình, mà không có ai giành xé ngăn trở được. Chân lý là vật cần trong cõi tinh thần của loài người mà trời đất cung cấp chung cho cũng như nước như lửa, không ai choán riêng mà không cho người ta dùng đến được, nên nói rằng: “không quê hương”.

Đến như người học giả thì không thế. Tại sao? Một giống dầu tốt mà muốn gieo, trước phải có đất. Kiểu nhà dầu khéo mà muốn dựng, cần phải có nền. Quê hương của nhà học giả đó, tức là vùng đất và khoảng nền để gieo giống và dựng nhà vậy. Nếu học giả mà không có quê hương, không biết quê hương mình là đâu, thì vô luận những kẻ không thành nghiệp, đã thành một người du thực không nhà, mà đến kẻ học thành, kiến văn tài xảo, không kém gì người ta, tột phẩm cũng tới địa vị làm mướn là hết. Vì thế nên nhà học giả nhất định phải có một cái quê hương mà sau cái học của mình mới có chỗ qui túc, khỏi bị cái nạn hoa kia không trái, lúa nọ không bông vậy. Nay ta thử lấy lời của ông Pasteur mà xét về sự thực. Hiến pháp khởi đầu ở nước Anh mà người Nhật Bản học theo làm ra việc Duy tân, dân quyền xướng đầu từ nước Pháp, mà người Trung Hoa học theo, làm được công cuộc Cộng hòa.

Thế là hiến pháp, dân quyền, đạo lý là của chung mà người Nhật, người Tàu có một cái quê hương, vì có cái quê hương, nên cái học đó mới có chỗ mà phát triển được. Còn ngoài ra như Triều Tiên, Phi Luật Tân, nói về các nhà học giả, không phải là tuyệt nhiên không có người, tài cao trí rộng không kém gì người Âu, người Mỹ, mà chỉ vì một cái cớ không có quê hương mà thành ra phải sa vào cái cảnh địa mai một. Gương kia trước mắt, không cần phải đến nói dài.

Học giả nước ta thì thế nào? Nước ta ngày xưa, ông bà ta học theo văn hóa Tàu, tuy trong sự học vẫn có điều hay điều dở, không phải là hoàn thiện. Song nói về người học, thì rõ ràng chắc chắn, ai cũng tự phân và tự biết có một cái quê hương. Nghĩa là học theo Tàu mà mục đích đi học là làm việc mình, làm việc cho nước nhà mình, chớ tuyệt nhiên không có một người nào (dẫu cho đứa trẻ lên mười tuổi mới cầm vở đi học cũng vậy) ôm một cái tư tưởng hèn mạt, hy vọng nhỏ nhen mà nói rằng: “Học để làm thuê cho người Tàu”. Thế là ông bà ta học theo đạo lý Tàu mà tự có một cái quê hương trên ngàn năm nay, thoát ly được cái phạm vi của người Tàu mà dựng thành một nước tự chủ, cái công của nhà học giả, thật là đứng đầu, mà không ai chối cãi được vậy. Dâu biển đổi dời, cuộc đời mỗi ngày một khác, tình thế trong nước đã không như trước, mà sự học cũng đổi ra mới, tức là ngày trước học Tàu, mà bây giờ học Tây (Tây học không phải là không hay, không tốt, cũng gọi là chân lý không quê hương, thì Tây học cũng là một vật quí mà ta có thể nhận làm của ta được.) Song cứ như hiện học giới ở nước ta thì giống như những người học không có quê hương nhất định. Nói về sự học thì bác nọ kỹ sư, không kia bác sĩ, người này thương mãi tốt nghiệp, người nọ có luật học văn bằng, cho đến cao đẳng, trung đẳng v.v. . Công phu không phải không dày, học vấn không phải là không có chỗ sở đắc, mà chỉ vì cái cớ “không quê hương” đó mà đành phải chui đầu vào cái xưởng công thương, để làm công cho người Tây, người Tàu. Còn một hạng mà người mình cho là sang nhất, đã có thần thế lại có nhiều tiền, nhiều bổng đủ khoe khoang cái sự học với bà con, thì hạng viết thuê chép mướn ở các sở công đã là tột bậc.

Thử hỏi quê hương của các nhà học giả nước ta ở đâu? Người có lương tâm ít nhiều, thì làm thinh mà không trả lời, còn kẻ đã bị cái văn minh xác thịt nó ám ảnh thì giương mày trợn mắt, công nhiên chỉ vào cái xưởng buôn, các nhà máy cùng các công sở… [Kiểm duyệt bỏ]…

Ôi Thuyền kia không lái, thả ra giữa biển không biết nơi nào là bờ, người đi không nhà, chạy vào trong rừng mà không rõ ngõ nào ra đường cái!!!

Trạng huống học giả nước ta ngày nay đâu có khác thế. Vậy nhân lời ông Pasteur nói trên mà phụ thêm đôi điều, họa may những nhà đã tự nhận là học giả đêm nằm ngẫm nghĩ mà tự hỏi, “Quê hương mình ở đâu”? thì mới mong rằng sự học của mình có chỗ quí túc vậy.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro

Tags: