Chap 2. Cỏ luôn xanh hơn ở nhà bên kia
Buổi tối hôm ấy, tại một quán cà phê nhỏ bên cạnh trường, Đăng và Tuấn ngồi sát bên nhau, cùng chia sẻ một góc bàn để tiện cho việc giảng bài. Trước mặt họ là một phin cà phê đậm đà, một ly trà đào thơm mát, hai chiếc hộp bút nằm gọn gàng, cùng hai cuốn sách giáo khoa, vô số tờ đề và dụng cụ học tập bày biện trên bàn. Không gian yên tĩnh của quán hòa quyện với âm thanh dịu dàng của bút chạy trên giấy, tiếng lật từng trang đề, và tiếng rê cục tẩy khẽ vang lên mỗi khi nét chữ cần sửa. Tất cả tạo nên một khung cảnh vừa bình dị, vừa đầy sự tập trung và thân thuộc.
Đăng liếc nhìn sang bài của Tuấn. Như để phá tan đi bầu không khí tĩnh lặng, Đăng mở lời.
"Trời ơi là trời, tôi đã nói với ông bao nhiêu lần là chỗ đó phải xài phương trình Claperon-Mendeleep. Khi mà nhiệt độ thay đổi trong điều kiện áp suất giữ nguyên thì thể tích cũng phải thay đổi theo tỉ lệ thuận. Ông phải nắm được những thứ căn bản như thế thì mới làm được những bài nâng cao hơn chứ."
Cũng không vừa, Tuấn khẳng khái đáp lại.
"Ông thì cũng hơn gì tôi? Bây giờ đến cả ngôi thứ nhất ngôi thứ ba cũng chẳng phân biệt được. Viết mỗi đoạn văn năm câu mà cũng lộn hết đại từ xưng hô lên. Dấu chấm, dấu phẩy đặt ngẫu hứng, thích đặt đâu thì đặt. Tới đứa em họ lớp 3 của tôi chắc có khi viết còn hay hơn ông."
Cùng trở lại hai tiếng trước, Nhân Tuấn đề nghị áp dụng phương pháp Pomodoro: học 25 phút, nghỉ ngơi 5 phút. Trong 5 phút đó, hai người có thể nhìn qua bài làm của nhau để cùng khắc phục những lỗi sai mà người kia phạm phải.
Sau 25 phút đầu tiên.
"Trời, đây là bài làm của học sinh cấp 3 sao. Sao mà tư duy còn thua cả đứa trẻ 5 tuổi thế này." Thật không ngờ, ngay lúc ấy, cả hai đều chung một suy nghĩ nhưng không đời nào họ có thể cho đối phương biết được cái suy nghĩ ấy.
"Tôi với ông thử lại nào."
"Ừ."
25 phút tiếp theo.
"Vãi cả chưởng, ông này dùng cả phương trình để trình bày suy nghĩ của tác giả."
"Cái ông này đang giải toán hay viết văn vậy trời? Ê rồi phương trình toán đâu cha?"
25 phút kế tiếp.
"Không hiểu cái con người kia viết cái gì hết.", cả hai cùng nghĩ.
Và đến thời điểm hiện tại.
"Ông nói vậy là ý gì? Có chăng là do ông là một thầy giáo quá dở thôi!"
"Ông thì khác gì tôi? Giảng thì giảng có tâm hơn một chút đi!"
"Tôi đã nói qua phần đó bao nhiêu lần rồi mà có chữ nào vô đầu của ông đâu??"
"Thì ông cũng thế thôi, có cái phương trình một ẩn đơn giản thế mà cũng không làm được."
"Thôi, không nói nhiều nữa. Tôi về đây."
"Tôi cũng thế."
Hai nam sinh vội vã thu dọn đồ đạc trên bàn, ánh mắt không giấu được vẻ bực bội khi họ đứng dậy rời khỏi quán. Thế nhưng, ẩn sâu sau lớp vỏ của sự tức giận là một thoáng thất vọng hiện lên trên gương mặt họ. Dường như, trong khoảnh khắc nào đó, họ đã từng hy vọng rằng mình đã tìm được một người có thể thực sự thấu hiểu những góc khuất trong lòng mình.
Đêm hôm đó, tại phòng riêng của mỗi người.
"Tức thật chứ, cái tên Nhân Tuấn đó! Thôi không nghĩ về hắn nữa, làm bài tập về nhà đã."
"Cái tên Khôi Đăng đáng ghét đó. Trù cho nhà ngươi sáng mai chuẩn bị đi học thì xe đạp tuột xích."
Nhìn vô cặp xách của mình, cả hai nhận ra điểm bất thường.
"Ơ, cuốn sách này?"
"Là sách Giải tích của Nhân Tuấn."
"Là sách Ngữ văn của Khôi Đăng."
Trong lúc gấp rút thu dọn đồ đạc ra về, cả hai đã lấy nhầm sách giáo khoa của nhau.
Mở sách ra xem thử. Cả hai đều ngạc nhiên. Trong cả hai cuốn sách đều chi chít những vùng được highlight, gạch chân và khoanh tròn, cùng những ghi chú kế bên.
Sách của Khôi Đăng: Ý của tác giả là gì, không hiểu gì hết?, Cần phải xem lại phần này, Biện pháp tu từ: Nhân hoá (nhân là con người, hoá là trở thành, không phải là hoá học nên nhân hoá có nghĩa là trở thành con người), Về nhà google ẩn dụ và hoán dụ khác nhau như thế nào.
Sách của Nhân Tuấn: Phương trình này là sao, Ký hiệu này tên là Sigma nghĩ là tổng của các chữ cái a, b, c (hay còn gọi là ẩn số vì số đó bị che đi bởi một con chữ), Tìm hiểu kỹ về phương trình Laplace, Huhuhu mày làm được mà Nhân Tuấn, mọi thứ sẽ đâu vào đó thôi.
Ngay khoảnh khắc này, họ chợt nhận ra rằng người kia cũng đã phải vật lộn, phải nỗ lực không ngừng, giống như chính họ. Cảm giác ấy, cái cảm giác khó chịu khi phải vượt qua rào cản của chính mình, khi mỗi bước tiến đều đòi hỏi sự kiên trì gấp đôi, gấp ba lần so với những người khác, giờ đây họ mới thực sự thấu hiểu. Họ đã từng cảm thấy bị bỏ lại phía sau, phải gắng sức để hiểu được những điều tưởng chừng đơn giản, nhưng giờ đây, họ thấy rõ rằng chính sự cố gắng ấy không chỉ là thử thách cho riêng mình mà còn là một hành trình gian nan mà người kia cũng phải trải qua, để có thể hiểu được những gì họ muốn truyền đạt.
"Chắc hôm sau phải gặp lại ổng rồi trả lại sách quá.", cả hai thầm nghĩ.
Sáng hôm sau, tại lớp 11A1.
"Nè, xin lỗi nhưng hôm qua tôi cầm nhầm sách của ông. Trả lại nè.", Khôi Đăng bắt chuyện.
"À, tôi cũng xin lỗi. Sách của ông đây. À tôi cũng xin lỗi luôn là hôm qua tôi có lỡ nhìn bên trong rồi.", Nhân Tuấn đáp lại.
"Tôi cũng vậy. Thế thì huề nhé."
"Ừ."
...
"Ông có muốn tối nay đi học bài tiếp không?"
"Rất sẵn lòng."
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro