Nmtl 004. Cơn giận của muội khống*
(*) cơn giận của ông anh cuồng em
Trong tiền đường nhang khói lượn lờ, cờ kinh khẽ phất.
Giám viện từ tốn bước lên nghênh đón Lý Dao Anh, chắp tay trước ngực: "Không biết công chúa đại giá quang lâm, bần tăng thất lễ."
Ra hiệu các sư chuẩn bị Pháp sự, mời nàng đi chính viện.
Lý Dao Anh cười lắc đầu: "Pháp sư không cần đa lễ, ta không có chuyện không lên điện Tam Bảo, quấy rầy thanh tịnh của Pháp sư."
Trong thời loạn, dân chúng trôi dạt khắp nơi, ăn bữa hôm lo bữa mai, rối rít tìm an ủi và giải thoát trong Phật giáo.
Danh gia vọng tộc sùng Phật, tên huý của Tạ Cữu phụ và Tạ Quý phi cũng từ tiếng Phạn, một người là Vô Lượng, một người là Mãn Nguyện.
Lý gia không có truyền thống này, Dao Anh không rành Phật pháp, toàn bộ kiến thức về sa môn chỉ có một bộ tiểu thuyết thông tục lưu truyền hậu thế.
Hôm nay nàng không phải tới dâng hương cầu nguyện. Khách khí vài câu, nàng nói thẳng ý đồ đến đây.
Giám viện nhẹ nhàng thở ra, cười nói: "Công chúa chờ một lát, vừa vặn hôm nay Pháp sư Đề Bà Mông Đạt ở trong chùa."
(*)Đề Bà, âm tiếng Phạn: Deva, dịch ý là ông trời (trời trong người trời chứ không phải bầu trời), còn gọi là Thánh trời. Trong Phật giáo Ấn Độ xem người sáng lập là đệ tử của rồng, đại tổ sư Thiền tông Tây Thiên thứ 15, người Sri Lanka ngày nay, dòng giống Bà La Môn, sinh hoạt tầm thế kỷ III.
Dao Anh cười cười, "Vậy, cực khổ nhờ Pháp sư phái tì khưu dẫn ta gặp mặt ạ."
Giám viện sửng sốt, chợt mỉm cười.
Mấy hôm nay ông tiếp đãi không ít quý nhân. Tân triều thành lập không lâu, hoàng thất quý thích kiêu căng ngang ngược, ông lo lắng, còn tưởng Thất công chúa cũng khó nhằn, không ngờ dù công chúa không tin Phật, lại khiêm tốn lễ độ, thật hiếm có.
Giám viện tìm một khách tăng dẫn Lý Dao Anh đi gặp Đề Bà Mông Đạt.
Khách tăng vào viện thông báo trước, đưa bái thiếp Lý Dao Anh đích thân viết.
Không bao lâu, nô bộc của Đề Bà Mông Đạt từ trong đi ra, cung cung kính kính mời Lý Dao Anh vào.
Đề Bà Mông Đạt vừa xong giờ tảo khóa*, ngồi ngay ngắn trên đệm hương bồ, chào hỏi Lý Dao Anh.
(*) tảo khóa: giờ học/tụng kinh của các vị sư, ngày 2 bận sáng sớm, chiều tối.
Ông là người Thiên Trúc, mũi cao mắt sâu, mặt rộng miệng vuông, nhìn bề ngoài chừng trên dưới năm mươi, một đôi mắt màu nâu nhạt tỏa ra tia ôn hòa, người mặc phẩn tảo y*, khí chất không tầm thường, giọng Hán vô cùng trôi chảy.
(*) trang phục tăng lữ dùng vải vụn chắp ghép thành. Phật giáo Ấn Độ quy định, có 5 cấp: đạo lộ khí y, phẩn tảo xử y, hà biên khí y, nghĩ xuyên phá y, phá toái y.
Dao Anh rất hiếm khi giao thiệp với giới nhà sư, đối phương lại là người ngoại quốc, trù trừ một lát.
Đề Bà Mông Đạt hỏi: "Công chúa phiền muộn vì lệnh đường à?"
Ông chu du trong thời loạn, thường lui tới với quan lại quyền quý, cũng không phải là người không rõ tục.
Dao Anh gật đầu, trên thiếp đã ghi rõ nguyên nhân lần này nàng bái phỏng: "Được nghe Pháp sư y thuật tuyệt diệu, xin được mời Pháp sư dời bước xem mạch cho mẫu thân."
Tạ Vô Lượng và các tử đệ Tạ gia khác không thể đã chết mà sống lại, tâm bệnh Tạ Quý phi không có thuốc nào chữa được, nàng mời thầy thuốc là vì một chuyện khác.
Đề Bà Mông Đạt lại cười nói: "Phật lấy lòng từ bi, công chúa đã mời, ta không dám thoái thác."
Tảng đá trong lòng Dao Anh rơi xuống, hẹn Đề Bà Mông Đạt hôm sau phái người đến chùa Đại Từ Ân đón người vào cung, để lại hậu lễ rồi cáo từ rời đi.
Một đệ tử người Hán của Đề Bà Mông Đạt đưa Lý Dao Anh ra chùa, mấy lần muốn nói lại thôi.
Ánh mắt Dao Anh dõi theo vẻ mặt vòng vo của người đệ tử, khẽ cười: "Pháp sư bớt chút thì giờ chẩn trị cho mẹ ta, cảm kích khôn cùng, nếu có thể giải nỗi lo cho Pháp sư, xin cho biết."
Đệ tử như trút được gánh nặng, chắp tay trước ngực nói: "Không gạt công chúa, Pháp sư sắp Tây du, lần này đến Kinh Triệu phủ, ngoài chiêm ngưỡng Xá Lợi, còn vì giấy thông quan."
Dao Anh bừng tỉnh. Chả trách Đề Bà Mông Đạt khách khí thế, thì ra có chỗ nhờ vả.
Nhà Ngụy lập quốc, biên giới nghiêm ngặt, Đề Bà Mông Đạt muốn yên yên ổn ổn lên đường về phía Tây buộc phải có giấy thông quan, nếu không vừa ra Kim Thành sẽ bị tướng sĩ giữ thành bắn giết.
Nàng cười nói: "Chuyện này cũng không khó, mai ta cho người đưa tới giấy tờ Pháp sư cần."
Lấy một phần giấy thông quan đối với nàng mà nói chỉ là cái nhấc tay.
Đệ tử rối rít bái tạ không ngừng.
Dao Anh tò mò hỏi: "Sao Pháp sư lại muốn đi Tây Vực?"
Tây Vực rối loạn mấy mươi năm, Thổ Phiên, Đột Quyết, Tiên Ti, Hồi Hột, Khiết Đan, Thát Đát... các thế lực to nhỏ cài răng lược, chinh chiến suốt, sao phải đến một ngôi chùa loạn.
Con đường tơ lụa phồn hoa xưa kia trải rộng xương khô, dân buôn bán cần tiền không cần mạng cũng không dám đặt chân nơi Tây Vực.
Đề Bà Mông Đạt không sợ vừa bước ra Trung Nguyên đã bỏ mạng dưới đao giặc cỏ sao?
Đệ tử đáp: "Tây Vực có một Phật quốc, giấu vạn cuốn kinh thư, xây hơn trăm tòa Già lam, từ Quốc chủ đến người dân đều là người sùng Phật. Nghe đồn đời Quân chủ này của họ vừa là Quốc Vương vừa là cao tăng, thiếu niên thông minh từ nhỏ, ba tuổi biết chữ, bảy tuổi thông thạo kinh văn, hơn mười tuổi ngồi tòa thuyết pháp danh chấn khắp Tây Vực. Pháp sư từ lâu đã muốn đến đó du ngoạn, nghiên cứu thảo luận Phật pháp với vị cao tăng ấy. Pháp sư nói, ngài một lòng hướng Phật, nhất định Phật sẽ phù hộ ngài bình an không sao."
Phật quốc Tây Vực?
Sơ Lặc, Quy Tư, Cao Xương, Vu Điền, hay Yên Kỳ?
Cao tăng Quân chủ danh chấn Tây Vực...
Xẹt qua trong đầu Dao Anh một cái tên.
Nếu nàng đoán không sai, vị cao tăng Đề Bà Mông Đạt muốn gặp hẳn là người đó.
Một người khiến Lý Huyền Trinh không thể yên gối.
Một tráng niên mất sớm, khi tin chết truyền đi, Ngụy triều Trung Nguyên, Thổ Phiên, Hãn quốc Kim trướng phương Bắc, Khiết Đan, văn võ đại thần mười mấy quốc gia bộ tộc lớn nhỏ đồng thời thở phào.
Trên đường hồi cung, Lý Dao Anh thầm tính.
Lúc này Đề Bà Mông Đạt lên đường xuất phát, hẳn là có thể kịp tìm tới Phật quốc kịp gặp cao tăng trước khi qua đời, cùng nghiên cứu thảo luận Phật pháp.
...
Tiếng người huyên náo bên tai, trong cơn gió thổi đến mặt nàng pha trộn hỗn tạp mùi rượu, son phấn, mùi mì, mùi thơm bánh Hồ nướng. Xe ngựa nghịt đường, chuông đồng kêu vang, càng gần đến hoàng thành, người đi xe ngựa ngày càng nhiều.
Ngựa Ô Tôn hiền lành ngoan ngoãn, giảm dần tốc độ.
Người hai bên đường đua nhau ném tới những ánh mắt kinh ngạc, ở xe bò xe la phía trước phụ nữ vén rèm nhìn lại, ánh mắt rơi lên khuôn mặt Lý Dao Anh, bận rộn bảo nô bộc né qua ven đường.
Lý Dao Anh tỉnh táo lại, lúc này mới phát hiện mình đang suy nghĩ đến nhập thần, từ lúc ra khỏi chùa Từ Ân quên đội mũ rèm.
Tạ Thanh dâng lên chiếc mũ gấm đoàn khoa, nàng nhận lấy, ngẩng đầu liếc qua hai bên tường phường, mới phát hiện đã đi tới Tuyên Dương phường, đang hướng đến phía trước mặt kia là Bình Khang phường tần lâu sở quán* san sát và Sùng Nhân phường nơi ở của nhiều hoạn quan giàu có hiển hách.
(*) nơi ca vũ, kỹ viện.
Bất kể chiến loạn hay thái bình, nơi đây đều là chỗ sầm uất bậc nhất Trường An.
Thảo nào phía trước chen lấn nước chảy không lọt.
Tạ Thanh quét mắt sau lưng một vòng: "Quý chủ, có cần xua họ đi không?"
Ánh mắt Dao Anh liếc chỗ sau lưng cách đó không xa, đội mũ rèm lên, cúi đầu chỉnh lại thắt lưng buông rũ: "Không cần để ý."
Mỗi lần xuất cung, đám con cháu nhà giàu trong kinh ỷ vào gia tộc che chở chơi bời lêu lổng cứ như bầy ong nghe được hương mật hoa, phần phật vây quanh, hứng thú bừng bừng lởn vởn quanh nàng.
Nàng chưa từng để ý đến họ.
Cách sau lưng họ mười mấy trượng, đám thiếu niên lang mặc cẩm y, nga quan bác đái* bắt được ánh mắt Lý Dao Anh trước khi đội mũ rèm, máu nóng toàn thân sôi lên, líu ríu: "Thất công chúa nhìn bọn mình!"
(*) mũ cao thắt lưng rộng, tả y phục đại sĩ phu.
"Thất công chúa cười với ta!"
"Ngươi cao trắng như cái bảng hiệu ấy, sao Thất công chúa cười với ngươi được? Đừng tự mình đa tình!"
Nhóm thiếu niên lang kích động đỏ bừng mặt.
Có điều không ai dám tiến lên.
Không ai muốn trở thành Tiết Ngũ Lang thứ hai.
...
Tiết Thượng Nguyên* năm nay, muôn người thành Trường An đều đổ xô ra đường, hoa đăng sáng như ban ngày.
(*) Tết Nguyên Tiêu, còn gọi là tiết Thượng Nguyên, hoặc Tết hoa đăng, rằm tháng giêng âm lịch, có tục thắp đèn cầu phúc.
Con em thế gia trong kinh thăm dò được Thất công chúa đang ngắm đèn ở Tuyên Dương phường, mà vị Tiểu Bá Vương Nhị hoàng tử thì không có mặt, lập tức đánh ngựa chạy tới.
Thất công chúa đầu búi tóc tròn, đội mũ hoa sen vàng, người mặc áo gấm cổ tròn lật hoa văn thạch lựu nhỏ xinh, tay áo hẹp dệt kim, chân mang ủng da, eo thắt đai da, một bộ y phục thanh niên phú quý thường mặc, không trang điểm tỉ mỉ, nhưng vẫn không che được quốc sắc, dưới ánh đèn rực rỡ tóc mai như mây, gò má như tuyết, nói cười với tỳ nữ lúm đồng tiền nhẹ nhún, tăng thêm mấy phần thướt tha tươi đẹp.
Đám thiếu niên lang lòng như nổi trống, xa xa ở phía sau tô điểm.
Ai ngờ Ngũ lang Tiết gia trước khi ra cửa uống chút Kiếm Nam thiêu xuân, men say lên đầu, xuống ngựa bước tới, gật gù đắc ý đọc mấy câu thơ tình khó nghe cho Thất công chúa!
Đám thiếu niên không kiềm được cơn giận, đang định lên đuổi Tiết Ngũ thì Thất công chúa ngước mắt, nhàn nhạt liếc qua Tiết Ngũ lang.
Một chớp mắt tiếp đó, gia tướng bên cạnh công chúa lập tức ra tay, trường đao ra khỏi vỏ.
Xoẹt xoẹt mấy tiếng, mặt nạ quỷ Tiết Ngũ đang đeo vỡ thành mấy mảnh.
Lưỡi đao sáng như tuyết cách chóp mũi Tiết Ngũ chỉ một lóng tay, gã run cầm cập, lảo đảo ngã xuống đất, tè cả trong quần.
Thất công chúa không ngó Tiết Ngũ một cái, chọn lấy một chiếc mặt nạ dạ xoa mặt xanh nanh vàng che mặt, nhẹ nhàng bước đi, tiếp tục xem rước đèn.
Đám thiếu niên lang trợn mắt há mồm, mồ hôi kinh hoàng chảy lạnh ướt sũng cả người.
Ba ngày sau, Nhị hoàng tử hồi kinh nghe được, giận tím mặt, chiến bào nhuốm máu còn chưa cởi, trực tiếp xách song chùy giết tới Tiết phủ.
Một chùy đánh xuống, Tiết Ngũ ngay tại chỗ không còn nửa mạng, còn phải ráng gượng đứng lên dập đầu xin tội.
Tiết Thái úy và lão phu nhân ra mặt cầu tình cho Tiết Ngũ.
Trịnh Tể tướng sát vách cũng tới nói vào.
Nhị hoàng tử mặc kệ.
Nếu không phải Thất công chúa cho người ngăn đón Nhị hoàng tử, Tiết Ngũ đã thành phế nhân.
...
Từ đó về sau, Thất công chúa xuất cung, nhóm thiếu niên lang vẫn sẽ tranh nhau đánh ngựa đuổi theo, nhưng tuyệt không dám mở lời cười nói.
Nếu Thất công chúa đi cùng Nhị hoàng tử, kẻ nhát gan đến mặt cũng không dám lộ.
...
Trước mặt không biết đã xảy ra chuyện gì, đường chật ních, phu xe không nhịn được quơ roi, chỗ ngã giao người qua lại nhốn nháo.
Xe cộ qua lại bị ngăn giữa đường, tiếng phàn nàn nối tiếp.
Lý Dao Anh chờ giây lát, bảo Tạ Thanh đi lên trước xem vì sao đường bị chặn.
Chỉ sau chốc lát, Tạ Thanh trở về, sắc mặt cổ quái.
Dao Anh hỏi: "Chuyện gì thế?"
Tạ Thanh trợn mắt không nói.
Trong lòng Dao Anh chợt động.
Không đợi nàng hỏi tiếp, đám đông chen lấn phía trước bỗng tản ra, nhường ra một lối đi.
Một tiếng khóc thảm thiết từ xa lại gần, mấy tên lính Hán mặc giáp đen xua ba thiếu nữ, từ hướng chợ phía đông nghênh ngang đi tới, trực tiếp về phía Sùng Nhân phường.
Mấy thiếu nữ đều tuổi mười lăm mười sáu, vừa đi vừa quay đầu nhìn quanh, khóc đến hết hơi.
Lính Hán nghiêm nghị quát lớn, mấy thiếu nữ bị dọa sợ run, thu lại tiếng khóc, ba người co rúm lại một chỗ, nước mắt rơi đầy mặt.
Người đi đường xì xào bàn tán: "Nghiệp chướng! Mấy cô này phạm vào chuyện gì thế?"
Trong đám truyền ra một tiếng cười lạnh: "Mấy cô gái nhỏ, phạm tội gì được?"
"Vậy sao họ bị lính Hán bắt nhỉ?"
Người cười lạnh kia nói: "Mấy cô này không phải bị bắt —— đấy là hộ vệ của Nhị hoàng tử, mấy cô này được Nhị hoàng tử coi trọng! Lính Hán đoạt về làm cơ thiếp cho quý nhân."
Lòng người đầy căm phẫn, mắng chửi: "Ban ngày ban mặt trắng trợn cướp đoạt gái nhà lành, có còn vương pháp không?"
Người kia tiếp tục cười lạnh: "Dưới chân thiên tử, quý nhân là vương pháp. Tần Vương là con ruột của Thánh thượng, ai dám đắc tội Tần Vương chứ?"
Trong phút chốc, tiếng mắng chửi Lý Trọng Kiền không dứt bên tai.
Sắc mặt Dao Anh lập tức trầm xuống.
Nhị ca không ở kinh thành, đám người Vương phủ kia không thể coi trời bằng vung vậy!
Nàng đạp yên ngựa, giục ngựa quay đầu, đuổi theo mấy tên lính Hán.
Tạ Thanh vội vàng thúc ngựa đuổi theo.
Lính Hán dẫn đám thiếu nữ quẹo vào một đầu hẻm, nghe tiếng vó ngựa sau lưng, cho rằng người qua đường rảnh rỗi xen vào việc người khác, há miệng gầm thét.
Ba thiếu nữ run lẩy bẩy.
Tiếng vó ngựa tiến gần.
Lính Hán chau mày, con ngựa dưới người Lý Dao Anh cốt cách rất đẹp, nhìn là biết một thần câu, mấy hộ vệ vây quanh Tạ Thanh ai cũng to con tráng kiện, khí thế uy nghiêm, mặc cẩm bào, vác trường đao, hiển nhiên là kiện bộc nhà giàu nuôi dưỡng, trong lòng bực dọc, nhưng cậy mình là hộ vệ Vương phủ, không thể sợ hãi, ưỡn ngực rút bội đao, chặn trước người mấy thiếu nữ.
"Ai đó? Muốn đụng Tần Vương phủ à?"
Dao Anh phi đến gần, không nói lời nào, rút dây roi, một roi vung tới trước mặt lính Hán, rồi lại một roi.
Lính Hán bị quất đến ngây ra, giận dữ, giơ đao định cản.
Tạ Thanh ngăn trước mặt gã, rút đao chém xuống: "Thất công chúa ở đây, không được càn rỡ."
Giọng bình tĩnh không lay động, đao pháp lại bá đạo mạnh mẽ.
Lính Hán thấy hai tay run lên, đầu váng mắt hoa, không cầm nổi bội đao trong tay.
Đợi gã hồi thần, bội đao đã rơi, bản thân và mấy tên khác bị mấy kiện bộc đè xuống đất.
Lính Hán vùng vẫy mấy lần, nhớ lại câu Tạ Thanh vừa mới nói... gượm đã, Thất công chúa?
Em gái cùng mẹ của Tần Vương ư?
Hèn chi con ngựa Ô Tôn kia nhìn quen quá, mấy năm trước Tần Vương dẫn binh diệt mấy bộ lạc nhỏ gần Kim Thành thu được mấy con thần câu, một con trong số chính là ngựa Ô Tôn này.
Lính Hán ngạc nhiên ngẩng đầu, thấy Lý Dao Anh đầu đội mũ rèm, run run: "Quý chủ thứ tội, quý chủ thứ tội!"
Dao Anh giận không kiềm được: "Ai bảo các ngươi trắng trợn cướp đoạt con gái nhà lành đấy?"
Lính Hán cười gượng: "Quý chủ hiểu lầm rồi, trên có quốc pháp, sao bộc dám công khai bắt cóc gái nhà lành chứ? Là mấy cô ấy tự nguyện bán mình làm tỳ, văn thư khế ước đều đủ, còn có người bảo lãnh đồng ý..."
Ba thiếu nữ ôm đầu khóc rống.
Không đợi lính Hán nói hết, Lý Dao Anh vung một roi.
Lính Hán co rúm lại.
Dao Anh thu roi, gỡ mũ: "Đừng vờ ngớ ngẩn với ta, các ngươi vốn quen tay rồi, biết quan phủ không cho phép trắng trợn đoạt gái nhà lành mới bức cha mẹ họ ký tên đồng ý, bảo rằng họ tự nguyện bán mình làm tỳ, dù người nhà có bẩm báo quan phủ cũng không thể bắt ngươi chứ gì."
Lính Hán nghe nàng nói thẳng thừng, không dám lên tiếng.
Dao Anh từng chữ hỏi: "Ai hạ lệnh?"
Lính Hán mồ hôi tuôn như nước, quỳ xuống đất nói: "Trung lang tướng Từ Bưu ạ."
Trung lang tướng Vương phủ, là thuộc hạ một tay Lý Trọng Kiền đề bạt.
Khuôn mặt xinh đẹp của Dao Anh không chút cảm xúc: "Từ Bưu đâu?"
"Ở... Ở Bình Khang phường... Hồ Tứ..."
Dao Anh quay đầu ngựa.
"Đi Bình Khang phường."
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro