Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

thượng.


"Có nỗi khổ biệt ly, mới có niềm vui gặp lại, nam nhi giỏi chí ở bốn phương, há lại để tráng chí hào tình tiêu ma trong Mỵ Hương lâu. Huống chi nỗi tan hợp trong kiếp người là ở tại lòng chứ không phải tại cảnh, đấy với đây ví như không thể đôi lòng gắn bó, thì dẫu ngày ngày cùng giường chung gối, cũng như cách lìa nghìn dặm, chỉ cần chàng và thiếp mãi mãi kết đồng tâm, thì dầu cách xa nghìn núi vạn sông, khác gì mộng hồn lui tới!"


Ở một góc đình nhỏ bên trong ngự hoa viên vang lên tiếng hí lanh lảnh, vọt xa tít tắp trên những tán cây, đón lấy gió đông đang thổi đến. Ống áo thủy tụ thướt tha phất lên rồi hạ xuống, trong giọng điệu có chút giận hờn.


Bên dưới mái đỉnh đá nhỏ của Giao Thái điện, một khúc Đào Hoa Phiến được xướng lên. Nàng danh kỹ Lý Hương Quân dưới tiếng ca của đương kim danh linh Phác Lộ Hàm như thể vừa xé kịch bản mà bước ra. Nàng yêu kiều nhỏ nhắn, mềm mại lung linh, đầu mày cuối mắt đều xinh đẹp diễm lệ, miệng nhỏ môi nhạt. Tất thảy đều không phải chỉ được khắc họa qua vẻ bề ngoài của người ca kỹ mà biến hóa lên từ trong giọng điệu, từ từng cử chỉ nhỏ của y.


Đào Hoa Phiến là một trong năm vở côn khúc nổi tiếng. Nội dung kể về nàng danh kỹ trên sông Tần Hoài, Lý Hương Quân. Lý Hương Quân là kỹ nữ trong Mỵ Hương lâu trên sông Tần Hoài, mới 16 tuổi, nàng đã danh nổi như cồn, khách phong lưu ai cũng ao ước được một lần gặp mặt. Dù được các nhà đại phú theo đuổi, nàng lại đem lòng yêu Hầu Phương Vực, một thư sinh. Theo lệ, khách muốn kỹ nữ nào chỉ phục vụ riêng cho mình thì phải đóng một số tiền lớn. Với một kỹ nữ nổi danh như Hương Quân, món tiền này không phải là thứ mà chàng thư sinh kia có thể lo được, vì thế cả hai như thể bắt được vàng khi Hầu lang được một người bạn giúp trang trải khoản đó.

Một thời gian sau, biết người cho tiền mình thực chất là Nguyễn Đại Việt, một tên quan vô lại bị thất sủng đang tìm cách lấy lòng kẻ sĩ, Hầu Phương Vực tìm mọi cách trả lại, Hương Quân đã phải bán hết nữ trang, vay mượn để giúp chàng. Trả lại tiền là gây thù với Nguyễn Đại Việt, vì vậy khi tên này đắc thế và ra tay trả thù, Hầu lang phải ra đi lánh nạn. Kể từ đó, dù hàng trăm công hầu, khanh tướng ngày ngày đem tiền nghìn bạc vạn đến cầu, Hương Quân vẫn một mực đóng cửa chờ tình lang.

Để trả thù, Nguyễn Đại Việt xúi một vị đại quan lấy Hương Quân về làm thiếp. Thấy quân lính đến rước mình, biết không cưỡng lại được, nàng nhảy lầu tự vẫn. Thấy giai nhân nằm trên mặt đất, đầu đầy máu, đám rước dâu tan. Dương Long Hữu sống tại gần đó biết tin đến nơi thì thấy trong viện không bóng người, chỉ còn một chiếc quạt lụa nằm cô quạnh trên đất. Dương Long Hữu nhặt được chiếc quạt, ngồi ngắm hồi lâu, cảm khái sự trinh liệt của Lý Hương Quân, trong đầu bỗng nảy ra ý nghĩ kì diệu. Sau khi vào thăm Lý Hương Quân vẫn hôn mê bất tỉnh, Dương Long Hữu mang chiếc quạt lụa rời khỏi Mỵ Hương lâu, về tới nhà mình lập tức ngồi vào trong thư phòng, lấy bút vẽ lên trên mặt chiếc quạt lụa còn lưu vết máu, huyết tích dần dần trở thành một đoá hoa đào tươi đẹp, rồi lại lấy mực vẽ thêm cành lá, cuối cùng từng nét từng nét vẽ thành một bức tranh hoa đào. Dương Long Hữu ngắm chiếc quạt hồi lâu, lại đề lên mặt quạt ba chữ: Đào Hoa Phiến, đợi Lý Hương Quân tỉnh dậy sẽ trả lại.

Về phía Nguyễn Đại Việt, hắn không từ bỏ mối thù. Chờ Hương Quân lành vết thương, hắn lấy danh nghĩa hoàng đế bắt nàng vào cung hầu hạ. Không lâu sau đó, nhân cơ hội trong triều bất ngờ xảy ra biến cố, nàng danh kỹ chung tình mới chạy thoát được khỏi cung, may mắn gặp lại người thầy dạy nhạc xưa và được ông che chở.

Cảm kích trước sự chung tình của nàng danh kỹ đang chết dần chết mòn từng ngày vì bệnh lao và nỗi tương tư, người thầy dạy nhạc đã cất công đi tìm Hầu Phương Vực về cho cô. Nhưng trớ trêu thay, khi Hầu lang về tới nơi thì người con gái tài sắc vẹn toàn lại một lòng giữ mình chờ chàng đã trút hơi thở cuối, để lại duy nhất món tóc đặt trên chiếc quạt định tình khi xưa.


Đào Hoa Phiến là vở côn khúc đã đưa Phác Lộ Hàm ngay ngày đầu xuất đạo vọt liền lên đỉnh thanh danh mà cả đời người ca kỹ ao ước có được. Từ đó đến nay, y chưa từng diễn lại Đào Hoa Phiến một lần nào, cho đến khi được Chu Hoàng hậu triệu vào cung. Ngay dưới mái đình lạnh lẽo của Giao Thái điện, y diễn liền một màn tình tứ xót xa khi Lý Hương Quân tiễn Hầu Phượng Vực đi lánh nạn. Lấy mái đình nhỏ thay cho tầng cao của Mỵ Hương lâu, lấy bóng nước hồ sen thay cho dòng sông Tần Hoài chảy lặng lẽ. Không trăng, không sao, ánh đuốc mờ ảo là thứ ánh sáng duy nhất soi chiếu bóng đôi tình nhân, vằng vặc đổ xuống mặt sông Tần Hoài, hai bóng người khôn sẻ khôn chia. Hầu Phượng Vực chân trước bước đi, chân sau lùi lại, ôm lấy Lý Hương Quân thê thiết mà than rằng:


"Nhân sinh nan đắc nhất tri kỷ, thiên hạ thương tâm thị biệt ly, vì sao chúng ta lại không thể không chia lìa!"


Lý Hương Quân gượng ngăn dòng lệ trực trào, an ủi tình lang. Nàng nhẹ nhàng, kiên định, luyến tiếc, nhưng cũng rất dứt khoát, một lòng khuyên chàng rời đi. Phác Lộ Hàm nhập tâm không thể thoát vai, tự biến mình thành nàng Hương Quân trong suốt cả vở diễn. Nàng Lý Hương Quân khiết liệt, sau khi tiễn tình lang đi liền gột rửa duyên hoa, đóng cửa không tiếp khách. Nàng Lý Hương Quân kiên quyết thà nhảy lầu tự vẫn còn hơn phải lấy người mình không yêu. Nàng Lý Hương Quân một lòng chờ tình lang về đến nỗi thổ huyết đau đớn. Đến khi đợi được rồi, lại chỉ còn là một cái xác lạnh lẽo vô hồn. Nàng Lý Hương Quân trước khi trút hơi thở cuối cùng vẫn còn nhớ về người xưa mà để lại di ngôn:


"Công tử vì Đại Minh thủ tiết, đánh đuổi dị tộc, thiếp xuống cửu tuyền không quên hậu ái của công tử."


Phác Lộ Hàm nằm dưới nền đá lạnh lẽo, bên cạnh là chiếc quạt hoa đào, diễn trọn một kiếp người, diễn trọn một nàng danh kỹ tài sắc vẹn toàn, khiết liệt thủy chung, diễn trọn một vở diễn làm nên thanh danh của y, làm nên đương kim danh linh Phác Lộ Hàm bây giờ.


Chu Hoàng hậu tay cầm khăn lụa chỉ vàng thêu phượng, khẽ lau đi mấy giọt lệ. Nô tì bên cạnh tiến đến đỡ bà lại gần thành đình. Chỉ thấy bà nhìn lên khoảng trời xa xăm trước mặt, cảm khái rằng:


"Thật ngưỡng mộ tấm chân tình của Lý Hương Quân."


Phác Lộ Hàm một thân được bạn diễn đỡ lên, nghe thấy liền lập tức thoát vai, quay về với thực tại. Y hiểu câu nói của Chu Hoàng hậu là có ý gì. Y không nhận mình rõ tường tận chuyện chốn hậu cung, nhưng y ra vào nơi đây đủ nhiều để hiểu ý của Chu Hoàng hậu. Từ những lần vào diễn hí cho các vương gia, các vị quý phi được sủng hạnh, từ những lời bàn này tán nọ nơi mành ngọc, rèm lụa, vách gấm. Y hiểu sự yêu thích của Chu Hoàng hậu dành cho vở Đào Hoa Phiến, sự ngưỡng mộ dành cho tấm lòng thủy chung của Lý Hương Quân chính là ngưỡng mộ thứ bà không có.


Sống ở chốn hoàng cung, nơi nam nhân mình một lòng một dạ yêu mến ngày ngày có trăm thê ngàn thiếp vây quanh, đối với Chu Hoàng hậu tôn sùng sự chung thủy quả là quá khó khăn rồi. Hơn nữa, hai năm về trước, trong cung vừa nạp thêm một phi tần, ngay ngày đầu tiên nàng ta đã được phong chức Quý phi. Sự ân sủng của Hoàng thượng dành cho nàng ấy khiến Chu Hoàng hậu tâm không yên, lòng không vững. Một bên lo sợ nàng ta sẽ độc chiếm Hoàng thượng, một bên lại lo nàng ta cùng cha của nàng là Điền Hoằng Ngộ sẽ mở rộng thế lực trong triều gây ảnh hưởng đến địa vị của bà.


Nhắc đến Điền Quý Phi, Phác Lộ Hàm không khỏi cảm thán. Nàng ta đúng là một đại mỹ nhân, một Lý Hương Quân tài sắc vẹn toàn đúng nghĩa xé kịch bản mà bước ra. Nàng ta xinh đẹp, yêu kiều, cầm kỳ thi họa không món nghề nào là không biết. Tính cách lại vô cùng sắc xảo, thông minh, biết đối nhân xử thế, biết khi nào nên nhún khi nào nên nhường. Nữ nhân như vậy trong thiên hạ chẳng có nổi bao người, nên khi nàng vào cung liền lập tức được Hoàng thượng vạn phần sủng ái. Chỉ có điều Điền Quý phi này chẳng chịu nhường nhịn trước Chu Hoàng hậu. Bên ngoài vẫn một câu Hoàng hậu, hai câu thần thiếp. Nhưng trong thâm tâm, hay qua những hành động, lời nói bóng gió, nàng ta chẳng dành lấy một chút tôn trọng nào trước nữ nhân hơn nàng ta một bậc này cả. Nàng độc chiếm Hoàng thượng, còn xây lên hẳn một Thừa Càn cung lớn hơn cả Giao Thái điện nơi Chu Hoàng hậu đang ở. Xây riêng một vườn hồng đặt tên nàng ta ngay giữa ngự hoa viên. Và vô số các sự kiện khoa chiêng múa trống để thị uy khác của nàng được truyền tai nhau khiến sau cùng Phác Lộ Hàm chỉ biết cảm thán một câu:


"Người thông minh xinh đẹp như Điền Quý phi, trong thiên hạ chẳng có bao người, người tính tình ngang ngược, mưu mô như thế trong thiện hạ lại càng hiếm có hơn."


Nhưng đó lại chẳng phải chuyện của y, y chỉ là một con hát nhỏ bé, chẳng sống ở nơi này một giây một phút nào. Sao phải quan tâm, để ý đến chuyện nữ nhân ghen tuông, mưu mô tính toán.


Phác Lộ Hàm đón lấy rương vàng từ tay Lý công công, xin phép Chu Hoàng hậu cho mình được cáo lui rồi theo ông rời khỏi Giao Thái điện. Trời đã xế chiều, từ Nam Kinh về Côn Sơn cũng phải mất đến nửa ngày đường. Phác Lộ Hàm sẽ phải cưỡi ngựa di chuyển xuyên đêm để kịp về chuẩn bị cho vở diễn tối mai ở Nguyệt Vân lâu.


Vị công công dẫn Phác Lộ Hàm đi qua một hàng hoa hải đường được trồng dọc hai bên tường lối ra khỏi Giao Thái điện, hàng hoa mà khi vừa mới đến đây y đã không để ý tới. Phác Lộ Hàm không khỏi lắc đầu, vốn tưởng những bông hải đường này sẽ tô điểm thêm cho sự xa hoa quyền quý, nhưng hải đường đỏ rực sặc sỡ lại chẳng hợp với nơi lạnh lẽo, cô quạnh này chút nào. Y ngước nhìn lên bầu trời rộng lớn nay chỉ còn lại một mảng nhỏ chạy dài theo hai bên tường cung cao tít tắp. Chiếc lồng hoa tưởng là đẹp đẽ này đã giam cầm biết bao nhiêu chú chim khuyên yêu tự do rồi. Ngay cả đến Chu Hoàng hậu, mẫu nghi thiên hạ, một đời sống trong nhung trong lụa, được cung phụng, có kẻ hầu người hạ mỗi ngày, trên vạn người dưới một người, tưởng chừng đã có tất cả, nhưng cuối cùng vẫn sống trong đau khổ, ngày ngày ao ước có được một tấm chân tình, có được lòng chung thủy nơi nam nhân mà bà đem trao cả tấm lòng.


"Những người như Lý Hương Quân thật ngốc!"


Đêm xuống trời đổ tuyết trắng nhiều hơn khiến đường về Côn Sơn vốn bằng phẳng nay lại khó đi vì trơn trượt. Cả người và ngựa đều phải vừa đi vừa nghỉ nên Phác Lộ Hàm cùng đoàn hát của mình về đến Côn Sơn muộn mất hơn hai canh giờ. Vừa về đến đầu trấn, y nghe xa xăm có tiếng trống chiêng linh đình, tiếng pháo giấy đỏ nổ thành từng dây, dân chúng xung quanh, lớn thì cầm cờ vẫy, nhỏ thì hai tay hai xiên kẹo hồ lô, miệng ai cũng treo một nụ cười hạnh phúc. Phác Lộ Hàm quay sang hỏi người trong đoàn hát:


"Hôm nay là ngày lễ gì sao?"


Chỉ thấy người đó lắc đầu, chỉ tay về hướng kiệu đỏ nạm rồng đi đằng sau hai tấm bảng gỗ, đó chẳng phải là kiệu của Tân Trạng nguyên về vinh quy bái tổ hay sao. Dạo gần đây Nguyệt Vân lâu xảy ra ít chuyện khiến y quên béng mất Điện thi hàng năm vừa được tổ chức xong. Trấn Côn Sơn, nơi thâm sâu cùng cốc này may mắn sinh ra thật lắm anh tài, cách vài năm lại có kiệu rồng về đây vinh quy bái tổ. Côn Sơn cách kinh thành không quá nửa ngày đường, không xa để không thể vào cung gây dựng hảo cảm với hoàng thân quốc thích, không gần để triều đình ngó xuống, chặt chẽ giám sát trông coi, một nơi thích hợp cho những tên tham quan ô lại mặc sức thao túng quyền lực. Trấn Côn Sơn phồn vinh được như hiện tại là do phúc đức tổ tiên để lại, ban cho dân chúng những vị quan anh minh, liêm chính, chưa từng có ai khai thác được điểm yếu địa hình của Côn Sơn mà chỉ mình Phác Lộ Hàm nhìn ra.


Y một thân cưỡi bạch mã ra hiệu cho đoàn hát dong ngựa chậm lại, nép sang một bên, nhường đường cho kiệu Trạng nguyên. Nhìn lên tấm lụa đỏ được thêu thùa tinh xảo đang đung đưa nhè nhẹ, Phác Lộ Hàm thầm nghĩ, không biết Trạng nguyên này sẽ là phúc hay họa của Côn Sơn đây.


Trời chuyển tối, từng chiếc đèn lồng diêm dúa được Ngô đại nương sai người treo lên, báo hiệu Nguyệt Vân lâu mở cửa, đương kim danh linh Phác Lộ Hàm sắp mở rèm diễn hí. Ba chữ 'Hoán Sa Ký' được dùng mực vàng viết thật lớn lên tấm gỗ đặt trước cổng Nguyệt Vân lâu, chính là tên vở diễn ngày hôm nay.


Hoán Sa Ký lấy bối cảnh vào thời Xuân Thu, dưới sự trị vì của Việt vương Câu Tiễn. Trong trận đánh quyết tử với quân Ngô ở Phu Tiêu, do không nghe lời can gián của Văn Chủng và Phạm Lãi nên Việt vương Câu Tiễn bại trận, lui về Hội Kê sơn. Do bị vây khốn, Câu Tiễn phải xin hòa, ông cùng vợ bị Ngô vương Phù Sai bắt sang Ngô làm con tin. Câu Tiễn quyết chí trả thù, đại phu Văn Chủng trước khi Câu Tiễn sang Ngô đã hiến cho Câu Tiễn 7 kế, trong đó có một kế là Mỹ nhân kế, dâng người đẹp mê hoặc Ngô vương. Trong vòng nửa năm, Phạm Lãi cùng Văn Chủng vì nước Việt mà lập mưu kế, tuyển được nhiều mỹ nữ, trong đó có hai người nhan sắc tuyệt thế là Tây Thi cùng Trịnh Đán.

Nhắc đến Tây Thi, nàng là mỹ nhân có ngũ quan đoan chính, tướng mạo hơn người ngay cả khi không trang điểm. Tây Thi vốn tên Thi Di Quang, là con một người thôn nữ họ Thi, nàng dệt vải ở núi Trữ La, Gia Lãm thuộc nước Việt thời Xuân Thu. Trữ La có hai thôn, gồm thôn Đông và thôn Tây, Tây Thi là người ở thôn Tây, vậy nên được gọi là Tây Thi. Vì gia cảnh khó khăn, quanh năm suốt tháng Tây Thi phải mặc xiêm y bằng vải bố, nhưng vẫn không thể che lấp được vẻ đẹp vốn có của nàng. Nơi thôn Trữ La có con suối, gọi là Hoán Sa khê , bên trong suối có Hoán Sa thạch, mỗi ngày Tây Thi đều cùng người trong thôn giặt lụa tại đây. Vẻ đẹp của nàng không có từ ngữ thơ văn nào diễn tả được trọn vẹn. Có chăng chỉ có thể dùng một câu "Trầm ngư lạc nhạn, bế nguyệt tu hoa.", chính là đẹp đến cá lặn chim sa, nguyệt thẹn hoa nhường. Vậy nên nàng được Phạm Lãi chọn làm mỹ nhân để dâng lên Ngô vương.

Khi Tây Thi vừa bước vào Ngô cung, vua Ngô là Phù Sai lập tức yêu quý. Các đại thần khi trông thấy dung mạo của Tây Thi, biết nàng sẽ là cái họa vong quốc, bèn khuyên can "Thần nghe, Hạ vong bởi Muội Hỉ, Ân vong bởi Đát Kỷ, Chu vong bởi Bạo Tự . Mỹ nhân là vật gây mất nước, nên từ chối". Mặc cho Ngũ Tử Tư can gián, Phù Sai không hề nghe mà vẫn nạp Tây Thi, sủng ái nàng hết mực, đem nàng ở Xuân Tiêu Cung tại Cô Tô Đài, trên núi Linh Nham lại làm Quán Oa Cung để cùng Tây Thi tại đó thưởng lãm cảnh núi non. Phù Sai đã bị mùi hương trên người Tây Thi làm cho mê mẩn, ông thậm chí còn xây cho Tây Thi một hồ tắm riêng, đặt tên là Hương Thủy Khê. Mùi hương trên người Tây Thi thơm đến nỗi mà sau 3 năm từ khi nàng qua đời, chiếc giường nàng từng nằm vẫn còn lưu giữ mùi hương của nàng.

Nhân vì Tây Thi yêu thích ca múa, Phù Sai thiết kế cho cung nhân biểu diễn, bản thân Tây Thi cũng vì để mê hoặc Phù Sai mà khổ luyện vũ đạo, động tác uyển chuyển, khiến Phù Sai không thể rời mắt khỏi nàng, ngày càng bỏ bê triều chính. Chính tác động của Tây Thi đã khiến Câu Tiễn thoát khỏi cảnh làm con tin, được Phù Sai thả về nước Việt. Nhân đó, Câu Tiễn gầy dựng lực lượng, đánh bại nước Ngô.

Kết cục của nàng Tây Thi có rất nhiều thuyết. Có người nói rằng Tây Thi và Phạm Lãi có tình cảm. Sau khi nước Ngô vong, Phạm Lãi được Câu Tiễn ban thưởng. Sau đó, Phạm Lãi đã bỏ đi cùng Tây Thi, cả hai ngao du Thái Hồ, cứ thế mà sống, không vướng bận chuyện nhân thế. Có sách lại viết Tây Thi bị người Ngô thả sông sau khi nước Ngô bị vong, người Ngô trút giận lên Tây Thi, bắt nàng quấn vào vải lụa, sau đó thả trầm xuống sông mà chết. Có thuyết lại cho rằng, vợ của Câu Tiễn ghen, sợ Câu Tiễn mê đắm Tây Thi mà mất nước như Phù Sai nên đã bí mật sai quân lính bắt Tây Thi buộc vào đá ném xuống sông. Cho đến giờ vẫn chưa rõ thuyết nào mới là chính xác.


Vở Hoán Sa Ký đêm nay Phác Lộ Hàm diễn chính là lấy thuyết nàng Tây Thi bỏ đi cùng Phạm Lãi, sống một đời tự do, một kết cục được cho là có hậu nhất trong tất cả những thuyết y từng nghe. Vì Phác Lộ Hàm không thích những cái kết lâm li bi đát, vốn thường được cho là nên có để lấy nước mắt người xem. Bởi sống trong thời này, đã có quá nhiều điều khiến con người ta phải sầu não rồi, bỏ tiền đi xem hí, vẫn nên là bỏ tiền mua sự vui vẻ thì hơn.


Tiếng đàn nguyệt được kéo, chiêng trống cùng nổi lên. Phía dưới đã lấp đầy những người là người. Phác Lộ Hàm bắt đầu xướng hí. Nàng Tây Thi đứng bên bờ suối Hoán Sa, từ biệt Phạm Lãi để sang Ngô, ủy khuất mà than rằng:


"Đôi chim xanh gặp nhau

Tưởng nên vợ nên chồng

Giận kẻ bắt chim mái

Nhốt vào chiếc lồng son

Từ nay xa cách mãi

Tiếng hót nghẹn nửa chừng

Đau xót cảnh biệt li."


Nói đến đoạn y đưa ống áo thủy tụ lên che nửa mặt, diễn cảnh khóc lóc ỉ ôi, đám đông phía dưới dần dần vang lên những tiếng sụt sịt to nhỏ. Cho đến màn cuối cùng, khi nàng Tây Thi hội ngộ cùng tình lang, đám đông phía dưới lại vỡ òa lên vì hạnh phúc, hạnh phúc cho kết cục có hậu của một mối tình đẹp, những tràng pháo tay ngày một lớn dần khiến Phác Lộ Hàm không khỏi tự cảm khái về tài nghệ diễn hí của mình. Y đưa mắt nhìn xuống đám người phía dưới, không kiềm được mà cười một tiếng. Và rồi nụ cười ấy tắt hẳn khi ánh mắt y dừng lại nơi một nam nhân đang ngồi ngay chính diện sân khấu, đúng vào lúc chiếc rèm lụa kết màn khép lại.


Về đến phòng, Phác Lộ Hàm đứng ngồi không yên, hết cầm tách trà nâng lên đặt xuống rồi lại lật giở chiếc quạt giấy trong tay y. Không biết ban nãy do y hoa mắt nhìn nhầm hay là... Chỉ vừa kịp nghĩ đến đây, cửa phòng liền bật mở, Ngô đại nương đon đả bước vào.


"Mọi người về hết rồi sao mà bà lên đây sớm vậy đại nương?"


Phác Lộ Hàm xoa xoa hai thái dương, nhăn nhó hỏi.


Chỉ thấy Ngô đại nương đung bên nọ, đưa bên kia, miệng treo nụ cười đến tận mang tai, sai người đặt bộ y phục mới lên trên bàn.


"Phác thiếu, có người cần gặp cậu. Mau mau thay y phục!"


Phác Lộ Hàm xua xua chiếc quạt trên tay, nhỏ nhẹ:


"Bà biết tôi không gặp người ngoài sau khi diễn hí xong mà!"


Ngoài cửa vọng lại tiếng cười nói của mấy đào kép, thấy nhộn nhịp khác lệ thường, y liền hỏi Ngô đại nương xem có chuyện gì, có chuyện gì mà muộn thế này rồi vẫn còn ồn ào, chưa hạ đèn lồng đỏ xuống. Ngô đại nương chỉ ra ngoài, giọng lanh lảnh cãi lấy lý:


"Đâu có đâu, Phác thiếu, cậu xem. Ngoài kia đã hạ đèn lồng cũ xuống và treo đèn lồng mới lên rồi!"


Chưa kịp để Phác Lộ Hàm lên tiếng hỏi lý do, Ngô đại nương liền lập tức giải trình. Rằng có một vị công tử ăn vận sang trọng đến tìm bà sau khi vở hí vừa kết thúc. Đưa cho bà năm vạn lượng vàng để đổi lấy mười chiếc đèn lồng thỏ mới được treo lên và một cuộc gặp mặt với đương kim danh linh Phác Lộ Hàm.


"Vị công tử đó còn bảo nếu cậu không chịu gặp thì cứ đưa cho cậu vật này!"


"Đèn lồng thỏ...?"


Trong đáy mắt Phác Lộ Hàm lúc này ánh lên một tia hoảng hốt, quay sang nhìn Ngô đại nương, rồi nhìn xuống tay bà. Nửa chiếc trâm gỗ sờn cũ quen thuộc như thân cây chắn giữa dòng thác vừa được ai đó rút ra. Dòng nước chảy cuồn cuộn cuốn theo những mảnh ký ức đã được Phác Lộ Hàm chôn sâu xuống từ lâu, nay dần dần hiện ra, rõ mồn một trong trí nhớ của y.


Phác Lộ Hàm lớn lên trong một gánh hát nhỏ thuộc vùng quê nghèo Côn Sơn. Y không cha, không mẹ, được một sư phụ kiếm sống bằng nghề mãi võ gần đó nhặt về vào một đêm mưa. Chữ trong tờ giấy nhỏ được dắt đại vào chiếc mền quấn trên người đứa bé đã bị nước mưa làm mờ đi gần hết, chỉ để lại thông tin duy nhất rằng đứa bé này họ Phác. Sau đó đứa bé được sư phụ đặt tên là Lộ Hàm lấy họ Phác như trong giấy viết chứ không phải lấy họ Nghiêm của ông. Ở đây, Lộ không phải là đường đi, Lộ này được lấy trong "Phu tử đương lộ ư tề" mang ý nghĩa chỉ địa vị. Hàm là tất cả, ý muốn, mong đứa bé lớn lên sẽ có được địa vị mà người người trong thiên hạ, tất cả đều thán phục.


Trên Phác Lộ Hàm còn có một người sư huynh, cũng do sư phụ nhặt về nhưng lại được mang họ của ông, tên Nghiêm Thịnh Huyền.


Nghiêm Thịnh Huyền từ nhỏ đã không thích ca múa hí kịch nên mọi tâm huyết, đam mê, sư phụ dành hết lên người Phác Lộ Hàm. Phác Lộ Hàm căn bản cũng rất yêu thích bộ môn này. Một đứa nhóc nhỏ xíu, chỉ cao chưa quá nửa cái cột nhà đã sáng sáng chiều chiều nhịn đau đớn tập xoạc hai chân trên ghế gỗ. Đêm đêm ngáp ngắn ngáp dài vẫn châm nến soi đèn học thuộc thoại. Và thật may mắn rằng những tâm huyết mà sư phụ đặt lên người Phác Lộ Hàm đều không hề uổng công, đứa nhỏ này vừa có năng khiếu, vừa rất yêu thích, để hết tâm tư của mình vào hí kịch. Về phần Nghiêm Thịnh Huyền, hắn ngày ngày cùng sư phụ ra ngoài mãi võ, diễn mấy trò dùng đầu đập gạch hay đi chân trần trên mảnh sành mảnh sứ để bán thuốc kiếm tiền, lấy trách nhiệm lớn nuôi ước mơ nhỏ.


Phác Lộ Hàm còn nhớ vào một buổi trưa đầu hạ, Nghiêm Thịnh Huyền tập tễnh chạy về nhà với một bên bàn chân chảy đầy máu vẫn còn găm vài mảnh sứ nhỏ. Phác Lộ Hàm lúc đó còn nhỏ xíu, chỉ biết nhìn sư huynh của mình đau đớn mà ngồi sụp xuống khóc òa lên. Nhớ lúc ấy, Nghiêm Thịnh Huyền đã vội vàng chạy đi tìm thuốc băng bó rồi phải ngay lập tức đến bên vỗ về, dỗ dành Phác Lộ Hàm. Hắn không thấy phiền phức mà nở một nụ cười đầy hạnh phúc, trấn an đứa nhỏ ngồi trong lòng mình:


"Còn nhỏ mà đã biết xót huynh rồi, sau này lớn lên, phải thương hyunh nhiều hơn đấy nhé!"


Phác Lộ Hàm hai má phúng phính nhai bánh trôi nước, mắt tròn xoe ngước lên, nhét vào miệng người kia một cục bánh mềm dẻo, ngọt ngào:


"Ưm ~"



Thấm thoát mấy lần xuân hạ thu đông nữa trôi qua, Phác Lộ Hàm đã lớn hơn một chút. Tết Đoàn viên năm Phác Lộ Hàm tròn 10 tuổi, Nghiêm Thịnh Huyền đã lén trốn sư phụ dắt tiểu đệ ra ngoài phố chơi, trước khi đi còn không quên lấy ra dưới gối sư phụ hai đồng bạc, một đồng mua bánh cho tiểu đệ, đồng còn lại để mua đèn lồng cho tiểu đệ chơi. Phác Lộ Hàm tay cầm đèn lồng thỏ được sư hyunh mua cho, chỉ đơn giản là một chiếc đèn lồng tạo hình thỏ được uốn từ lạt tre rồi dán giấy bóng kính đỏ vào nhưng đối với Phác Lộ Hàm, đó lại là một món đồ trân quý vô cùng. Nó nâng niu, đôi chân nhỏ bé bước từng bước cao trên con phố tấp nập sáng đèn.


Cứ như thế, Phác Lộ Hàm lớn lên trong sự dạy dỗ ân cần của Nghiêm sự phụ, lớn lên trong tình yêu thương vô bờ của sư huynh Nghiêm Thịnh Huyền. Cho đến một hôm, nó đang trang điểm trong phòng thì đột nhiên nghe thấy có tiếng đồ đạc rơi lỉnh kỉnh dưới gian bếp.


"Con không muốn sống mãi như thế này nữa thưa sư phụ!"


Tiếng Nghiêm Thịnh Huyền hét lớn.


Nghiêm sư phụ một thân dựa vào thành bếp đắp bằng đất, một tay vớ lấy mấy cọng rau thừa ném về phía hắn:


"Mày... mày có giỏi thì đi luôn đi... đi cho khuất mắt tao!"


Nghiêm Thịnh Huyền chạy từ trong bếp ra, vừa hay va phải Phác Lộ Hàm đứng đó nghe nghóng đang rơm rớm lệ. Hắn nhìn nó một cái, rồi quay ngoắt người biến mất khỏi cửa gỗ. Nghiêm Thịnh Huyền vốn rất ghét nghề ca kỹ, lại càng chẳng thích nay đây mai đó, mãi võ lề đường, kiếm từng đồng từng hào được bố thí. Hắn thích đọc sách, thích viết chữ, thích làm thơ, hắn muốn sau này được lên kinh dự thi để làm quan to, được mặc áo lụa, ngồi kiệu rồng. Hắn làm thơ rất hay, viết chữ cũng đẹp, thân hình mảnh khảnh, trời phú cho vẻ thư sinh. Đúng là chẳng hợp ở đây, ngày dùng đầu đập gạch, đêm luyện đi chân trần trên mảnh sành. Chỉ có mình Phác Lộ Hàm biết, Nghiêm Thịnh Huyền vẫn luôn giấu sư phụ lén đọc sách, luyện chữ. Chỉ có mình Phác Lộ Hàm biết không sớm thì muộn, rồi sẽ có một ngày hắn rũ bỏ tất cả, biết mất khỏi nơi này không một chút lưu luyến gì.


Phác Lộ Hàm về lại phòng, ngồi trước gương, vuốt lại mái tóc được dính chặt vào đầu bằng hồ của mình, lấy phấn hồng chấm đậm thêm hai bên má. Hôm nay là ngày nó tròn 18 tuổi, ngày nó xuất đạo, diễn vở diễn đầu tiên trong cuộc đời. Cố gắng không để lệ rơi làm trôi đi lớp phấn. Nó không nghĩ ngày vui vẻ nhất cuộc đời nó lại biến thành như thế này.


Bỗng cửa phòng từ từ mở ra, Nghiêm Thịnh Huyền chậm rãi bước vào. Phác Lộ Hàm thấy vậy bèn cố nuốt ngược nước mắt vào trong, điều chỉnh lại cảm xúc để bản thân không bày ra vẻ mặt buồn rầu. Nghiêm Thịnh Huyền tiến đến gần, đưa ra trước mặt Phác Lộ Hàm một cây trâm gỗ cũ bị xước đôi chỗ, nói lí nhí:


"Tặng đệ, quà mừng ngày đệ xuất đạo!"


Phác Lộ Hàm quay lại, nhìn hắn trân trân tỏ vẻ không hiểu. Nghiêm Thịnh Huyền liền lập tức tiếp lời:


"Cây trâm gỗ này là vật duy nhất mẫu thân để lại cho ta, ta chẳng có gì quý giá hơn ngoài nó, nay tặng cho đệ coi như vật lấy may."


Phác Lộ Hàm nhận lấy, dứt khoát bẻ đôi cây trâm gỗ rồi đưa cho Nghiêm Thịnh Huyền hai phần trâm đã bị gãy. Hắn có chút hoảng hốt, toan hỏi Phác Lộ Hàm về lý do thì bị chặn lại:


"Trước khi rời đi, hãy cài nửa đầu của cây trâm lên tóc cho đệ, nửa còn lại thì huynh giữ lấy, nó là tín vật duy nhất mẫu thân huynh để lại, đệ không thể một mình giữ hết được!"


Từ lúc nói câu đó đến khi Nghiêm Thịnh Huyền cài trâm lên tóc cho mình và rời đi, Phác Lộ Hàm không quay đầu lại nhìn hắn lấy một lần. Ngày hôm đó, Phác Lộ Hàm lên sân khấu, diễn vở Đào Hoa Phiến và không rơi một giọt lệ nào. Người đi cũng đã đi rồi, Phác Lộ Hàm không được phép rơi lệ.


Trở về hiện tại, nhìn nửa cây trâm nằm trên bàn, Phác Lộ Hàm thở dài một tiếng, quay vào trong thay y phục.


Bước đến trước gian phòng đang sáng đèn, phản chiếu lên những ô giấy dán cửa là hình bóng quen thuộc khi xưa, hình bóng mà Phác Lộ Hàm chưa giây nào thôi nhung nhớ. Lấy hết can đảm, đẩy cửa vào trong. Vị hyunh trưởng dần dần hiện ra rõ ràng hơn trong ánh mắt y, hắn khôi ngô, tuấn tú, vẫn mang trên mình dáng vẻ thư sinh nho nhã thuở ấy. Chỉ có điều, vận trên người hắn không còn là áo vải sờn cũ được may vá tạm bợ nữa. Giờ đây, một thân gấm lụa thẳng thớm nuột nà, tay cầm quạt ngọc, eo đeo kim bài. Phác Lộ Hàm nhìn hết một lượt chỉ mất chưa đến ba giây, y chầm chậm ngồi xuống, giọng đầy khách sáo hỏi:


"Vị công tử đây đến tìm ta là có việc gì?"


Nghiêm Thịnh Huyền cũng không lấy làm ngạc nhiên, phe phẩy chiếc quạt trên tay, cười một tiếng nhỏ:


"Trở về quê hương, chỉ là muốn tìm lại cố nhân, uống trà, làm thơ, ôn lại kỉ niệm cũ!"


Phác Lộ Hàm trong lòng bỗng ánh lên một tia giận dữ, ngoài mặt vẫn cố kiềm chế nhưng chua chát mà đáp lại rằng:


"Ta chỉ là một con hát nhỏ bé, đầu không văn chương, tay không chữ nghĩa. Sao có phước phần được ngồi thưởng trà làm thơ với tân Trạng nguyên đây!"


"Nếu ngài đến chỉ vì chuyện này thì xin phép cho Phác Lộ Hàm ta được cáo lui, chào ngài!"


Y ngoa ngoắt ném lại cho Nghiêm Thịnh Huyền một tràng dài rồi quay ngoắt người bỏ đi. Hắn thấy vậy bèn nói với theo:


"Vậy sau này, ta có thể lui tới đây thường xuyên hơn không."


Phác Lộ Hàm dừng lại một nhịp, không ngoái đầu nhìn, chỉ bỏ lại một câu:


"Trốn lầu xanh ca kỹ, người có tiền liền sẽ được vào, không ai ngăn cấm ngài cả!"


Rồi phủi tay áo rời khỏi phòng.


Nghiêm Thịnh Huyền cười mỉm, lệnh cho nô tài gửi Ngô đại nương thêm chút vàng thỏi nữa. Đệ ấy đồng ý cho ta đến đây, vậy là ta vẫn còn cơ hội.



Từ đó, bất cứ tối nào Phác Lộ Hàm mở rèm xướng hí, Nghiêm Thịnh Huyền đều sắp xếp lui tới, dúi cho Ngô đại nương ít vàng để được ngồi hàng đầu, ghế ngay chính diện. Lần nào Phác Lộ Hàm lên diễn, đều vô ý vô thức mà đụng phải ánh mắt người kia. Mỗi lần như thế, y đều phải tự trấn an, không để biểu cảm thay đổi khi đang diễn. Dần dà ngày một ngày hai, y và hắn trò chuyện với nhau ngày hôm nay lại nhiều hơn ngày hôm trước một câu. Dần dà, y cũng buông bỏ sự giận hờn đối với hắn nhiều năm về trước trong lòng mình xuống.


Phác Lộ Hàm vốn không giận việc Nghiêm Thịnh Huyền bỏ đi để theo đuổi đèn sách, thi cử, y giận hắn bởi vì từ lúc bỏ đi đến giờ, hắn chưa từng về thăm lại chốn xưa một lần nào. Ngay cả khi người nuôi nấng hắn, bế bồng hắn từ thuở còn đỏ hỏn qua đời, hắn cũng chưa từng về bái biệt sư phụ, thắp cho người một nén nhang hay lạy tạ người một lạy. Phác Lộ Hàm giận hắn trong suốt những năm tháng đằng đẵng đó, chưa từng quay về thăm y, người luôn nhớ nhung hắn từng giây từng phút. Phải chăng trong lòng hắn, y chẳng chiếm lấy được một góc nhỏ nào. Y thắc mắc nhiều điều, nhưng lại chẳng biết mở miệng hỏi hắn ra sao. Phác Lộ Hàm cứ trầm trầm ổn ổn ở bên Nghiêm Thịnh Huyền giống một miếng ngọc bội xinh đẹp được đeo bên eo như vậy.


Y, sáng luyện ca, tập múa, đánh đàn. Tối diễn hí, biến thành đương kim danh linh đệ nhất vai Đán cao cao tại thượng. Đêm về thư phòng, lại cùng Nghiêm Thịnh Huyền thưởng trà đàm đạo, uống rượu hàn huyên.


Hắn mua cho y rất nhiều trâm ngọc vòng vàng, đem rất nhiều vải vóc gấm lụa đến để may y phục mới cho y. Nghiêm Thịnh Huyền cưng nựng Phác Lộ Hàm như thể đem y đặt lên tận mây xanh. Mấy điều này y cũng hiểu, có lẽ Nghiêm Thịnh Huyền là đang muốn bù đắp những tháng ngày cơ cực xưa cho y.


Nhớ có lần, giữa trưa hạ oi bức, mặt trời chói chang lên cao giữa đỉnh đầu, vẫn thấy Nghiêm Thịnh Huyền cặm cụi đào đất, tự tay vun xới nói muốn trồng hai cây quýt bên hiên phòng phủ. Khi được hỏi đến, hắn một thân nam nhi cao quý, ống áo gấm xắn tận khuỷu tay, quần lụa vén tận đùi, cười cười bảo rằng hai cây quýt này, hắn trồng riêng cho tiểu Hàm. Từ nhỏ, cổ họng Phác Lộ Hàm đã luôn không ổn mỗi khi đông về, nay lại còn ca hát, xướng hí mỗi ngày, và vì Phác Lộ Hàm không chịu được vị đắng của thuốc nam nên hắn trồng quýt để khi trời trở lạnh có thể làm quýt nướng trị ho cho y.


Nghiêm Thịnh Huyền còn tặng cho Phác Lộ Hàm một hộp phấn hoa tử đinh hương mà nam nhân khắp kinh thành, mỗi người đều chỉ có thể mua tặng một người duy nhất trong đời. Biết y ghét mùi phấn son nồng nặc, Nghiêm Thịnh Huyền đặc biệt chọn loại phấn hoa có hương thơm nhẹ nhàng này, rắc một ít vào gót giày của y. Để mỗi bước y đi, mỗi đoạn đường y đến đều lưu lại mùi thơm.



Trong thư phòng phủ Trạng nguyên, Nghiêm Thịnh Huyền đang sắp mấy bó sách lên giá cao, đột nhiên Phác Lộ Hàm lọt thỏm vào giữa vòng tay, ôm lấy eo hắn. Y nhõng nhẽo chỉ chỉ vào kim bài dắt bên hông đòi Nghiêm Thịnh Huyền tặng mình. Kể từ ngày Nghiêm Thịnh Huyền sủng y lên tận trời, y nhõng nhẽo, trẻ con vô cùng. Biết Nghiêm Thịnh Huyền sẽ luôn luôn đồng ý với mọi yêu cầu của mình, được nước làm tới, Phác Lộ Hàm liền thử đòi vật mà Nghiêm Thịnh Huyền lúc nào cũng giữ khư khư bên eo. Hắn nhìn y trìu mến, vuốt nhẹ mấy lọn tóc mai, dịu dàng nhẹ nhàng lắc đầu:


"Không được, đây làm kim bài đích thân Thánh Thượng ngự ban cho ta, không thể đem cho đệ làm đồ chơi được!"


Phác Lộ Hàm bĩu môi, giận dỗi, buông eo Nghiêm Thịnh Huyền, rời vòng tay hắn mà hậm hực:


"Miếng kim bài nhỏ đó còn hơn cả ta sao!"


Nghiêm Thịnh Huyền thấy đối phương giọng điệu không được vui, bèn chạy lại ôm eo người kia, xoa xoa chữa cháy, nói lảng sang chuyện khác:


"Thôi được rồi, để ta dẫn đệ đi ăn há cảo Điền Viên chuộc tội nhé!"


Phác Lộ Hàm gật đầu, y huyên náo ầm ĩ như vậy vốn dĩ chỉ muốn đổi lại sự quan tâm và yêu chiều của Nghiêm Thịnh Huyền mà thôi. Sự chiều chuộng hắn dành cho y, là thứ cả đời này y theo đuổi, có những lúc lại phải chôn chặt trong tim mình, nhưng giờ thì không cần nữa rồi. Cắn miếng há cảo ngọt ngào, mềm tan trong miệng, hạnh phúc giản đơn Phác Lộ Hàm luôn tưởng chỉ có trong hư hư ảo ảo nay lại rõ mồn một, vô cùng chân thật trong đáy mắt y.


Nói đến chuyện này, Phác Lộ Hàm lại không phải là kẻ thiếu thốn hạnh phúc đến mức quỵ lụy dưới chân Nghiêm Thịnh Huyền cầu động tâm. Y đường đường là đệ nhất Thanh y hí tử, cao cao tại thượng đứng trên đỉnh Nguyệt Vân lâu, sát ngực liền lưng, nam nhân nữ tử trong trấn Côn Sơn này có thể nói xếp hàng dài quây y thành một ngọn hải đăng treo trên típ tận chín tầng mây, ngân quang lung linh tỏa khắp, thuộc dạng chỉ có thể ngắm nhìn chứ không với tới được. Người muốn với lại không đủ sức với, người với được thì Phác Lộ Hàm lại chẳng thèm để tâm. Đó là mới chỉ nói đến vòng quanh trấn Côn Sơn, còn những vị hoàng thân quốc thích, quan lại có tiếng trong triều tìm đến cửa Nguyệt Vân lâu, đứng sau rèm lụa đỏ cầu gặp mặt cũng chẳng ít. Những người như họ còn có thể phủng Phác Lộ Hàm hơn cả cái cách Nghiêm Thịnh Huyền phủng y, còn có thể đem dâng cho y gấp vạn lần lụa là gấm vóc, vạn lần trâm ngọc vòng vàng trong phủ Trạng nguyên nữa cơ.


Những bức thư tình được viết dài hơn hai mươi trang giấy, những bài thơ, kịch bản được sáng tác riêng gửi đến Nguyệt Vân lâu đều bị đem ném vào một xó, bởi Phác Lộ Hàm rõ hơn ai hết, cái sự phủng mà các đại phú hào môn dành cho y ấy, chỉ là phủng cái danh đệ nhất Thanh y hí tử mà thôi. Họ yêu đương kim danh linh Phác thiếu trên sân khấu, yêu một giác nhi có sắc có tài, một tiếng hát có thể câu hồn người, một ánh mắt khiến kẻ khác đắm say, một cái vung tay dẫn đến muôn ngàn tiếng hô to gọi nhỏ, một cái cười mỉm đủ khiến bao kẻ cam nguyện đánh đổi cả sinh mạng. Họ đâu biết Phác thiếu dưới đài chỉ là một đứa nhỏ chưa lớn, xấu tính xấu nết, ham ăn ham uống, không nói lí lẽ, động tí là giơ tay đánh người, nhõng nhẽo đòi bằng được thứ mình muốn có. Chỉ có mình Nghiêm Thịnh Huyền là chịu đựng được và chiều chuộng thói hư tật xấu đó của y mà thôi. Đương kim danh linh Phác thiếu trên đài thuộc về công chúng, còn Phác Lộ Hàm thuộc về Nghiêm Thịnh Huyền.


Những chiếc đèn lồng đỏ mỗi ngày đều đặn được treo lên trước cửa Nguyệt Vân lâu, tiếng kèn bầu, phách bản, chiêng, trống được đánh vang trên sân khấu. Những bước chân nhỏ yêu kiều, thướt tha lướt trên sàn nhung, những tiếng reo hò cổ vũ của khán giả. Giọng hí lanh lảnh vang vọng tít tắp khắp một vùng Côn Sơn. Tất thảy đều là thực tại, đều là niềm ước ao được sống mãi với nó của Phác Lộ Hàm.



Vào đêm được dự báo là đêm cuối cùng có tuyết rơi, đông chuyển mình sang xuân. Nghiêm Thịnh Huyền và Phác Lộ Hàm ngồi thưởng rượu dưới gốc bằng lăng tím xơ xác trong phủ Trạng nguyên. Được một hai chén, Nghiêm Thịnh Huyền đột nhiên hỏi Phác Lộ Hàm có thể diễn lại cho hắn xem vở Đào Hoa Phiến được không, vì ngày y xuất đạo diễn vở này, hắn đã không thể ở lại xem cho trọn vẹn được.


Phác Lộ Hàm cũng đã ngà ngà say, ngay tắp lự liền gật đầu đồng ý. Y quên mất rằng y đã từng thề sẽ không diễn lại Đào Hoa Phiến một lần nào nữa, y quên mất y đã từng mắng Lý Hương Quân hay những người giống như nàng ta đều ngốc nghếch vô cùng thế nào. Y quên mất rằng, Đào Hoa Phiến chính là vở hí kịch đã mở ra một chương mới đầy bi ai cho cuộc đời y.


Phác Lộ Hàm đứng không vững lắm, nhưng vẫn bắt đầu xướng hí. Rồi bỗng đến màn cần có người đóng vai Sinh, y lại ngơ ngẩn, ngơ ngác không biết ca tiếp thế nào. Trong khoảnh khắc ấy, Nghiêm Thịnh Huyền đứng thẳng vững trãi, tay làm điệu chụm lại đưa về phía trước mà cất giọng:


"Xước ước tiểu thiên tiên

Sinh lại thập lục niên

Ngọc sơn bán phong tuyết

Dao trì nhất chi liên

Vãn viện hương lưu khách

Xuân tiêu nguyệt bạn miên

Lâm hành kiều vô ngữ

A mẫu tại bàng biên."


Vị tiên nhỏ trên trời ẻo lả, sinh ra đã mười sáu năm

Núi ngọc nửa ngọn phủ tuyết, Dao trì một cành sen

Viện buổi chiều mùi thơm lưu giữ khách, đêm xuân trăng kề trong giấc ngủ

Lúc rời đi nàng nũng nịu không dám nói vì có mẹ bên cạnh.


Lời thoại này chính là bài thơ được Hầu Phượng Vực viết tặng Lý Hương Quân thay cho lễ vật ngay ngày đầu gặp mặt. Phác Lộ Hàm không khỏi ngạc nhiên, tròn mắt nhìn Nghiêm Thịnh Huyền, tay vẫn múa, miệng vẫn ca, tiếp tục vở diễn.


Hai bóng người dưới trời tuyết như hòa làm một. Nàng Lý Hương Quân bịn rin chia tay Hầu Phượng Vực trên sông Tần Hoài, da diết, tình tứ vô cùng. Phác Lộ Hàm như cảm thấy rằng y đang mơ, mơ thấy Nghiêm Thịnh Huyền hát hí cùng y. Nửa hư nửa thực, cười cười rồi khóc khóc. Y chưa từng nghĩ sẽ được đứng trên sàn kịch diễn hí cùng người mình yêu, chưa từng nghĩ đó sẽ là Nghiêm Thịnh Huyền.


Cho đến khi cả hai ca hết một màn, trời cũng đã quá canh ba. Phác Lộ Hàm say khướt nằm gục một bên bàn đá. Nghiêm Thịnh Huyền vẫn còn chút tỉnh táo, tiếp tục rót rượu, đưa lên miệng uống cạn. Nhìn ánh trăng treo vằng vặc trên đầu, hắn đem chút ưu tư trưng ra mặt mà âu sầu. Nhìn người bên cạnh rồi lại nhìn ra hồ cá, nhìn từng bông tuyết nhỏ chầm chậm rơi rồi lại nhìn lên vầng trăng trên đỉnh đầu. Có nỗi ưu sầu nào đó mà Nghiêm Thịnh Huyền chẳng thể đem kể cho ai, ngay cả người thân cận, ngày ngày bên cạnh hắn như Phác Lộ Hàm. Chỉ thấy hắn nhấp hết ngụm rượu này rồi đến nốc cạn chén rượu kia, cuối cùng thở dài nói thầm trong miệng mình:


"Hàm Hàm, ta xin lỗi đệ!"


Sáng hôm sau, Phác Lộ Hàm uể oải tỉnh giấc, cảm thấy khắp người đều đau nhức khó chịu. Vươn vai một cái liền phát hiện cơ thể mình không duỗi ra được hết sức, dụi mắt nhìn quanh thì thấy bản thân lại đang ngồi trên một chiếc kiệu hồng. Vội vàng mở rèm cửa sổ nhìn xuống hai bên, phía dưới chân mọc toàn là cỏ tranh. Thứ cỏ này không phải chỉ mọc ở thảo nguyên, biên giới của nhà Thanh thôi sao. Chuyện gì thế này, Phác Lộ Hàm bắt đầu hoảng hốt, y hỏi chuyện những người khiêng kiệu, rồi hỏi đến nữ nô tì được phái đi cùng, nhưng chẳng ai đáp lại, chẳng ai trả lời lấy một câu.


Cho đến khi chiếc kiệu từ từ hạ xuống, Phác Lộ Hàm vội vàng hất tung màn gấm bước ra ngoài. Hiện lên trước mắt y là những bậc thang dài, rộng bao la, phía trên là điện Sùng Chính cùng dòng chữ Đại Thanh Đế Quốc được đặt ngay ngắn, uy nghi trên cao.


"Thánh chỉ tới! Đương kim danh linh Phác Lộ Hàm, nghe chỉ!"


Vị công công đi cùng ban nãy bỗng giở ra một cuộn vải vàng được dệt bằng lụa tơ tằm rồi hô lớn, Phác Lộ Hàm còn đang không hiểu gì nhưng vẫn quỳ xuống, chắp tay chờ lệnh:


"Vạn tuế, vạn tuế, vạn vạn tuế."


"Phụng thiên thừa vận, Hoàng đế chiếu viết: Nay, Đại Minh lâm nạn, thuộc chư hầu Thanh, trẫm rất đau lòng. Trước được Trạng nguyên hiến kế, sau xét thấy họ Phác là người đoan chính liêm minh, thông minh lanh lợi. Ta lệnh cho Phác Lộ Hàm sang Thanh cầu thân, đem bình an về đất nước. Ban thưởng mười vạn lượng vàng, mười mẫu ruộng lớn cùng kim bài miễn tử, ghi danh đời đời vì nước hy sinh. Khâm Thử!"


Đôi tay y run run đón lấy thánh chỉ, những thứ tưởng chừng hư hư thực thực hôm qua nay chỉ còn lại đám vụn tro tàn. Là thánh chỉ, là lệnh của Hoàng đế, y còn có thể làm gì khác sao. Trái lệnh là khi quân phạm thượng, buộc tội tử hình, nhưng chẳng lẽ cả quãng đời về sau này, y sẽ phải nhốt mình trong chiếc lồng xa lạ này sao.


Đám người khiêng kiệu cùng vị công công đã bỏ đi hết, để lại mình Phác Lộ Hàm cùng nữ nô tì nhỏ lạnh lẽo đứng giữa nhà Thanh mênh mông rộng lớn, không một bóng người. Y ra hiệu cho nô tì đỡ tay mình, cắn chặt răng, kiên định bước lên từng bậc thang, tiến vào Sùng Chính điện. Số phận đã an bài, dù có là thần tiên cũng không thể xoay chuyển được, huống hồ gì Phác Lộ Hàm chỉ là một người bình thường, thấp cổ bé họng, không trái được phận trời, sao kháng được lệnh vua.


Đi qua một dãy tường thành dài, Phác Lộ Hàm dừng lại, ngước nhìn lên cao, y từng đứng tại nơi giống như thế này, ngước mặt nhìn trời mà than thay cho số phận những nữ nhân bị nhốt trong lồng chim xinh đẹp, nay y lại chính là một con chim lạc loài bị bắt nhốt vào đây. Phác Lộ Hàm từng nhìn những nữ nhân mưu mô, tính toán tranh sủng với nhau bằng một con mắt thương hại, khi đám người họ quanh năm ngày tháng bâu vào đấu đá nhau chỉ để giành giật lấy chút động lòng của duy nhất một nam nhân, nay y lại phải tự tìm cách sống xót trong tam cung lục viện xa lạ, lạnh lẽo này. Phác Lộ Hàm từng mắng những người như Lý Hương Quân là ngốc nghếch, sao phải gửi gắm chung thủy lên một người để nàng đợi chờ đến héo mòn thân xác, nay y nhận ra, y cũng đã chờ đợi một người suốt cả đời mình, mong cầu lưu tầm từ đối phương đến như điên như dại để rồi đã tự cảm thấy hạnh phúc khi chỉ vừa mới nhận được chút ban phát đường mật giả tạo, cuối cùng nhận lại một cú lừa đau đớn.


Phác Lộ Hàm ở nhà Thanh, được vua Thanh đem để ở Gia Ân Đường, trước sau đều là sân khấu kịch. Phải nói vua Thanh là một người rất thích hí kịch, ông cho xây hai sân khấu lớn ở hai đầu Gia Ân Đường, có lẽ vì sự mến mộ đặc biệt này với hí mà Phác Lộ Hàm mới trở thành người được chọn để cầu thân. Và cũng vì sự mến mộ hí ấy nên vua Thanh không hề bạc đãi y chút nào. Phác Lộ Hàm sống ở phủ rộng tường cao, có kẻ hầu người hạ, chăn ấm nệm êm, sơn hào hải vị mỗi bữa đều không thiếu. Dần dà y phát hiện ra, vua Thanh không xấu như lời người Minh đồn đại. Một vị vua anh minh, hiền từ, luôn sống đúng với châm ngôn "lấy dân làm gốc". Đặc biệt còn là một người rất si tình, chung thủy. Dù theo lệ xưa rằng vua phải nạp trăm thê ngàn thiếp, có tam cung lục viện, nhưng trong chốn hậu cung đầy rẫy mỹ nhân này, Sùng Đức Đế lại chỉ đem lòng yêu một mình Thần phi Hải Lan Châu.


Sống lâu trong này, Phác Lộ Hàm cũng được nghe kể nhiều hơn về những giai thoại nổi tiếng của vị vua si tình. Với Hải Lan Châu, Sùng Đức Đế có thể nói là rêu rao chỉ sợ thiên hạ không biết mình yêu nàng nhiều đến thế nào. Tại cung Thẩm Dương, cung điện của Thần phi Hải Lan Châu được Sùng Đức Đế đặt tên dựa theo những vần thơ tình kinh điển mà không người nào không biết, Quan Thư Cung.


Phác Lộ Hàm không kiềm nổi phấn khích mà ngâm lên:


"Quan quan thư cưu,

Tại hà chi châu.

Yểu điệu thục nữ,

Quân tử hảo cầu."


Quan quan kìa tiếng thư cưu,

Bên cồn hót họa cùng nhau vang dầy.

U nhàn thục nữ thế này,

Xứng cùng quân tử sánh vầy lứa duyên.

Rồi bất chợt cười khúc khích, thật là ngưỡng mộ.



Sống ở đây thêm ba năm, Phác Lộ Hàm dần cảm thấy không còn xa lạ với nơi này nữa. Y trò chuyện vui vẻ, thoải mái được với các vị phi tần, thỉnh thoảng cùng họ ngắm hoa, bày trò chơi mới, diễn hí cho họ xem. Thỉnh thoảng lại tự vào bếp làm những món mới. Có thể nói đơn giản là vui vẻ, yên ổn. Cho đến khi Sùng Đức Đế băng hà. Ngày hôm đó, mưa đổ đầy trời, Phác Lộ Hàm cũng được đi cùng đoàn người đưa tiễn. Ngày hôm đó, y đã khóc rất nhiều, bởi Phác Lộ Hàm có cảm tình với ông, giống như một người phụ thân, ông không coi Phác Lộ Hàm chỉ đơn giản là lễ vật để cầu thân, ông tôn trọng y, thậm chí còn dạy cho y bắn cung, dạy y những bài thơ cổ và khen y diễn hí hay. Lúc mới sang đây, chỉ có ông luôn bảo vệ y trước các trò bắt nạt của những phi tần cậy quyền thế. Giống như phụ thân che trở cho tiểu tổ tông nhà mình, người phụ thân thứ hai trong trang mới của cuộc đời y, đã rời bỏ y mà đi rồi.


Ngay ngày hôm đó, chưa để người mất được nằm ấm chỗ, nhà Thanh đã lập tức bầu ra được người kế vị, khi đó mới chỉ vừa tròn 6 tuổi. Như một vị vua bù nhìn, mọi quyền lực đều được Duệ Thân vương Đa Nhĩ Cổn, lúc bấy giờ được cử làm một trong hai người đồng nhiếp chính nắm hết.


Vào một buổi sáng, trời đổ sương mù dày đặc, Phác Lộ Hàm được triệu vào triều. Trước mặt y là vị vua nhỏ tuổi cùng Duệ Thân vương Đa Nhĩ Cổn bên cạnh. Duệ Thân vương thay lời nhà vua truyền ý đến y.


"Thời khắc đã đến, nể tình nhà người là người được Thanh Thái Tông trọng vọng, ta sẽ cho ngươi lựa chọn giữa việc ở lại đây và quay về Đại Minh, có điều nếu quay về, ngươi sẽ không được mang bất cứ thứ gì ở đây đi cả!"


Phác Lộ Hàm cúi đầu, mỉm cười đầy chua xót, y hiểu, y hiểu ý của Duệ Thân vương.


Chỉ thấy y một thân thẳng thớm, ưỡn lưng cao ngực bước ra khỏi Sùng Chính điện. Đi xuống từng bậc thang dài, đứng tại nơi mà ngày đầu y từng quỳ gối đón thành chỉ. Cười lớn nhìn trời, hí lên mấy câu trong vở Trường Sinh điện, vở diễn đầu tiên khi vừa đặt chân sang Thanh, y được Sùng Trinh đế yêu cầu diễn. Sương dày đặc, Phác Lộ Hàm như một hồn ma lượn qua lượn lại trước sân, mờ mờ ảo ảo, điên điên dại dại. Diễn hết một vở Trường Sinh điện than người đã khuất, rồi phủi áo, không luyến tiếc chốn này thêm một khắc nào.


Năm Giáp Thân 1644, quân Thanh tiến đánh Nam Kinh, nhà Minh vỡ trận, tướng quân xin hàng, xác binh sĩ nằm la liệt, khói lửa tàn dư khắp nơi.


Phác Lộ Hàm trở về, gõ cửa phủ lớn quen thuộc, gõ mãi gõ mãi mà chẳng thấy động gì, rồi chợt nhận ra có thể tự đẩy khẽ cửa để đi vào. Sân vườn trước đây trồng vô số các loại hoa sặc sỡ nay đã nát tan hết cả, những chum những chậu sứ vỡ, nước chảy lênh láng khắp nơi, lá vàng rụng chẳng ai quét, sự náo nhiệt kẻ hầu người hạ đi lại, ra ra vào vào trước đây giờ chỉ còn lại sân đá mọc rêu, cô quạnh, đìu hiu. Đi sâu vào trong, Phác Lộ Hàm trông thấy bóng người quen thuộc đang mài mực viết chữ. Y tiến đến thật nhanh, giành lấy thanh mài mực, người kia trông thấy y, biểu tình cũng chẳng chút bất ngờ, gật gù cầm bút chấm mực viết. Cả hai cứ giữ im lặng như vậy cho đến khi người kia viết xong, cầm bức tranh vừa đề chữ lên ngắm nghía, không nhanh không chậm, Nghiêm Thịnh Huyền cất tiếng hỏi:


"Sao đệ lại về đây?"


"Ta về chỉ để hỏi huynh một câu!"


Hắn không nói gì, để cho y tự tiếp tục.


"Huynh có từng để ta trong lòng huynh, một giây một khắc nào chưa?"


Nghiêm Thịnh Huyền đặt bức tranh xuống, nhìn thẳng vào mắt Phác Lộ Hàm mà gật đầu cái nhẹ. Y mỉm cười, nụ cười nhẹ bẫng như vừa trút được tảng đá nặng trong lòng.


"Vậy là được rồi."


Y xoay người đi, không hề ngoảnh lại.


Bên bờ sông dưới Nguyệt Vân lâu, Phác Lộ Hàm đứng trên cầu nhìn xuống, như điên như dại mặc lên thân y phục diễn hí, xướng vang một khúc Hoán Sa Ký, bắt đầu màn độc diễn của mình. Một khi hí khúc cất lên, cho dù dưới khán đài không một khán giả vẫn phải hát hết, bởi khi hí khúc vang lên, tám phương đều tới nghe, một phương là người, tam phương là quỷ, tứ phương là thần linh, người không nghe không có nghĩa là quỷ thần không nghe. Phác Lộ Hàm vì vậy mà luôn diễn trọn đến những câu từ cuối cùng của vở diễn y đang diễn, lần này cũng không ngoại lệ.


Không phải Đào Hoa Phiến, không phải Lý Hương Quân, mà chính câu chuyện của nàng Tây Thi trong Hoán Sa Ký đã vận vào cuộc đời y. Chỉ có điều, Phác Lộ Hàm nào phải nàng ta, y không có nhan sắc tuyệt trần đến trầm ngư lạc nhạc, bế nguyệt tu hoa, y không tinh thông cầm kỳ thi họa, chỉ biết mỗi hí kịch và hí kịch mà thôi. Vậy nên y nào phải nàng Tây Thi, nào khiến vua nước Thanh si mê được như cách Ngô vương Phù Sai si mê nàng mỹ nhân họ Thi cơ chứ. Cuối cùng, nước mất nhà tan, Phác Lộ Hàm chẳng nhận lại được gì ngoài những vết thương chằng chịt khắp thân thể, những vết thương không dao, không kiếm lại đau đớn vô cùng.


Phác Lộ Hàm từng luôn luôn chọn kết cục tốt đẹp nhất cho vở diễn Hoán Sa Ký của mình, nhưng lần này y có quyền được chọn kết cục có hậu đó lần nữa hay không?


Nước mất nhà tan, Đại Minh diệt vong, y trở về như một tội đồ của đất nước, liệu y có quyền được sống nữa hay không?


Phác Lộ Hàm leo lên thành cầu, nhìn chằm chằm xuống mặt nước lẳng lặng lạnh lẽo. Mặt nước động một nhịp, có lẽ trong vở hí kịch của cuộc đời mình, y đã chọn lấy kết cục tồi tệ nhất rồi.


Về phía Nghiêm Thịnh Huyền, sau khi Phác Lộ Hàm rời đi, hắn cũng không biểu lộ cảm xúc gì. Bình tĩnh đặt bút ngay ngắn về chỗ cũ, treo bức tranh đã khô mực lên tường, chầm chậm pha lấy tách trà ấm, uống liền một ngụm nhỏ rồi tấm tắc khen trà hôm nay rất ngon. Chỉ thấy chén trà đổ nghiêng, lăn qua lăn lại lạch cạch trên bàn. Một lúc lâu sau, phủ Trạng nguyên vang lên tiếng hét thất thanh của vị tổng quản già, người duy nhất chịu ở lại hầu hạ Nghiêm Thịnh Huyền sau khi hay tin quân Thanh đã chiếm đóng Thừa Càn Cung.


"Thiếu gia... Thiếu gia... treo cổ tự vẫn rồi..."


Có lẽ trong tình cảnh nước mất nhà tan, chẳng còn người thân thích nào trên cõi đời như thế này, ai cũng sẽ chọn kết cục bi đát nhất cho vở kịch cuộc đời mình giống như Nghiêm Thịnh Huyền và Phác Lộ Hàm mà thôi.


end.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro