Untitled Part 4
III - Thực tiễn thực hiện nguyên tắc hôn nhân một vợ một chồng và một số kiến nghị để thực hiện hiệu quả.
1) Thực tiễn thực hiện nguyên tắc hôn nhân một vợ một chồng.
a) Kết quả đạt được.
Sau hơn 50 năm xây dựng và thực hiện nguyên tắc hôn nhân một vợ một chồng (từ luật 1959 đến nay) đã từ một nguyên tắc hiến định trở thành một nguyên tắc nền tảng của cuộc sống, được mọi người tôn trọng và thực hiện.
Chế độ đa thê dân được xóa bỏ trên cả nước, góp phần khẳng định địa vị và vai trò của người phụ nữ trong xã hội. Thể hiện sự bình đẳng giới của Việt Nam với thế giới.
Trên cơ sở tự nguyện, tiến bộ hôn nhân một vợ một chồng là tiền đề của hạnh phúc lâu dài, góp phần điều hòa trật tự, an toàn xã hội, đẩy lùi các tệ nạn.
b) Những tồn tại, hạn chế, vướng mắc cần giải quyết.
Quy định về cấm kết hôn đối với người đang có vợ, có chồng được dự liệu từ rất sớm. Ngay trong luật hôn nhân và gia đình đầu tiên 1959 việc cấm kết hôn này đã được ghi nhận. Tuy nhiên thực tiễn cho thấy tình trạng vi phạm điều cấm vẫn còn xảy ra ở nhiều địa phương và ngày càng có diễn biến phức tạp hơn.
Thực tế cho thấy, rất nhiều trường hợp ngoại tình lại không "chung sống như vợ chồng" mà lén lút hoặc công khai "quan hệ tình cảm" tại nhà nghỉ, cơ quan, công sở, thậm chí còn đưa cả về nhà riêng của vợ, chồng để ân ái...Trong trường hợp này, do họ không "chung sống như vợ chồng" mà chỉ "tàu nhanh", "chớp nhoáng" với nhau nên ngay cả xử lý hành chính cũng không thực hiện được, chưa nói đến truy cứu trách nhiệm hình sự. Trong khi, hành vi ngoại tình mà không "chung sống như vợ chồng" cũng để lại những hậu quả không thua kém gì với hành vi ngoại tình mà có "chung sống như vợ chồng".
Nguyên nhân
– Trình độ dân trí nói chung, hiểu biết về pháp luật hôn nhân và gia đình nói riêng trong nhân dân còn ở mức độ thấp nên dẫn đến tình trạng vi phạm pháp luật. Thực tế ở nhiều vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, việc thực hiện quan hệ hôn nhân và gai đình chỉ đơn thuần theo phong tục, tập quán, trong đó có những phong tục, tập quán phù hợp, có những phong tục tập quán không phù hợp với nguyên tắc cơ bản của Luật HN&GĐ. Có những nơi nếu hai vợ chồng chung sống lâu năm mà vẫn chưa có con (những cặp vợ chồng hiếm muộn) hoặc người vợ mắc chứng vô sinh thì chính người vợ đó lại tiếp tay cho hành vi vi phạm. Trường hợp "lấy vợ cho chồng tôi" không phải là hiếm.
Nhiều chị em đẻ mãi vẫn chỉ ra "vịt giời", thì một là cưới thêm vợ cho chồng, hai là nhắm mắt làm ngơ cho chồng đi kiếm vợ bé. Hầu hết chị em đều làm ngơ cho vợ đi kiếm vợ hai, vợ ba, nhưng cũng không ít bà công khai vác lễ đi rước vợ về cho chồng. Có bà sống chung với vợ bé của chồng cứ hòa thuận như chị em, có bà không sống chung, nhưng cũng coi con riêng của chồng và vợ bé như con mình, nuôi dưỡng chăm sóc đầy đủ.
Pháp luật quy định không cho phép một người đàn ông được lấy nhiều vợ nhưng thực tế vẫn tồn tại những gia đình mà một người chồng có mười mấy bà vợ. Dĩ nhiên là không có cơ quan nào làm đăng kí kết hôn cho đàn ông lấy nhiều vợ nên chẳng có chứng cứ gì chứng minh cả nhưng hiện tượng thực tế thì vẫn xảy ra. Có những nơi đến cả cán bộ phụ nữ, cộng tác viên dân số, rồi cả giáo viên cũng vác lễ cưới đi hỏi vợ lẽ cho chồng. Hủ tục con nối dõi tông đường còn nặng nề, ép buộc người phụ nữ vào những tình cảnh éo le, gia tăng tình trạng vi phạm pháp luật.
Bên cạnh đó, việc tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật còn mang nặng tính hình thức chưa thực sự đạt hiệu quả cao.
– Do vợ hoặc chồng ngoại tình các vụ việc vi phạm chế độ hôn nhân và gia đình trên thực tế có số lượng không hề nhỏ song số vụ đưa ra xét xử trên thực tế còn rất ít, thông thường được giải quyết theo sự thỏa thuận của các bên (vợ chồng về đóng cửa bảo nhau) hoặc bỏ qua hành vi vi phạm và vẫn tiếp tục chung sống. Việc xử lý những cá nhân vi phạm nguyên tắc một vợ một chồng chưa được kịp thời, nghiêm minh, thậm chí còn bị coi nhẹ nên không phát huy được tác dụng giáo dục, răn đe và phòng ngừa. Trên thực tế, những trường hợp vi phạm nguyên tắc hôn nhân một vợ một chồng còn xảy ra không ít, tuy nhiên, con số phản ánh những vụ việc đã được cơ quan có thẩm quyền giải quyết lại là quá khiêm tốn. Trong thực tế, khác với những loại hành vi phạm tội khác, có những trường hợp vi phạm chế độ hôn nhân và gia đình chưa bị xã hội lên án mạnh mẽ, thậm chí là điều bình thường đối với dư luận xã hội hoặc phù hợp với phong tục, tập quán. Cho nên, các cơ quan bảo vệ pháp luật đã có phương châm coi nhẹ việc xử lý đối với những hành vi vi phạm này.
- Công tác xét xử mềm dẻo, dường như không thấy đủ tính răn đe đối với trường hợp vi phạm. BLHS quy định tù tối đa 3 năm nhưng hầu như chưa thấy trường hợp nào phải ngồi tù.
- Nguyên nhân hôn nhân không vì tình yêu mà vì mục đích khác ( do gia đình, họ hàng ép buộc, vì lợi ích kinh tế từ cuộc hôn nhân, do hai bên thỏa thuận từ trước hoặc bây giờ có hiện tượng rất phổ biến là kết hôn nhằm che đậy giới tính thật).
2) Một số kiến nghị để thực hiện hiệu quả nguyên tắc hôn nhân một vợ một chồng
a) Pháp luật cần có những điều chỉnh, sửa đổi kịp thời.
- Đáp ứng nhu cầu phát triển của xã hội, có những quan hệ mới phát sinh trong quan hệ hôn nhân và gia đình rất cần tới sự điều chỉnh của luật pháp. Ví dụ như các trường hợp vi phạm chế độ một chồng liên quan đến những người những người thuộc LGBT.
Bởi vậy, thiết nghĩ, những người làm luật cần nới rộng phạm vi để xử lý đối với các trường hợp vi phạm Luật HN&GĐ, không nên chỉ bó hẹp trong phạm vi "chung sống như vợ chồng" mới xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
b) Nâng cao nhận thức pháp luật của người dân.
- Tuyên truyền, vận động năng cao giáo dục, nhận thức pháp luật hôn nhân gia đình sâu rộng tới mọi đối tượng, đặc biệt là dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa. Đồng thời phải chú ý tuyên truyền sao cho có hiệu quả chứ không chỉ dừng lại việc tuyên truyền vận động về mặt hình thức, không có tác dụng đẩy lùi trường hợp vi phạm.
- Tăng cường vai trò của các tổ chức trong việc bảo đảm thực hiện nguyên tắc hôn nhân một vợ, một chồng. Các tổ chức như Hội phụ nữ, Mặt trận tổ quốc, Đoàn thanh niên...cần phát huy vai trò bảo vệ quyền lợi của hội viên, tuyên truyền giáo dục ý thức giúp người dân có nhận thức đúng đắn về nguyên tắc hôn nhân một vợ, một chồng.
- Xóa bỏ tư tưởng trọng nam, kinh nữ, giải thích về bình đẳng giới cũng như vấn đề hôn nhân tự nguyện, tiến bộ. Cần đưa vào giáo dục trong trường học giúp giới trẻ có nhận thức sớm hơn về nguyên tắc này, có thái độ sống lành mạnh hơn.
- Việc thực hiện các biện pháp xử lí vi phạm chế độ hôn nhân một vợ một chồng cần được các cơ quan có thẩm quyền thực hiện nghiêm túc, kịp thời, và đúng pháp luật.
KẾT LUẬN
Việc thực hiện nguyên tắc hôn nhân một vợ, một chồng phụ thuộc vào nhiều yếu tố, nhất là điều kiện kinh tế xã hội, văn hóa, tư tưởng và nhận thức của mỗi người. Hôn nhân một vợ một chồng gắn liền với quyền bình đẳng giữa nam và nữ và do đó chỉ khi quyền bình đẳng được xác lập hoàn toàn thì quan hệ hôn nhân một vợ một chồng mới vững chắc.
TỪ VIẾT TẮT
Luật HN&GĐ: Luật hôn nhân và gia đình.
Luật HS: Luật hình sự.
Chuyện làng "đa thê" ở Vân Côn - Hà Nội.
Nhà thơ Nguyễn Đăng Hành ( SN 1950, Khoan Tế, Gia Lâm, Hà Nội) có 16 bà vợ - không một người phụ nữ nào có giấy đăng ký kết hôn với ông dù có làm hôn lễ.
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
Bộ môn Luật hôn nhân và gia đình đại học Luật Hà Nội, TS. Ngô Thị Hường, TS. Nguyễn Thị Lan, TS. Bùi Thị Mừng, Hướng dẫn học tập - tìm hiểu Luật hôn nhân và gia đình Việt Nam, Nxb Lao động, Hà Nội 2015.
Đỗ Thị Bích Ngọc, Nguyên tắc hôn nhân một vợ một chồng và thực tiễn thực hiện Luận văn Thạc sĩ luật học, Hà Nội 2015.
Luật Hôn nhân và gia đình 2014
Các bản Hiến pháp 1946; 1954; 1986; 2013.
Th.s Nguyễn Hồng Hải - Khoa luật dân sự Đại học Luật Hà Nội, Một vài ý kiến về khái niệm và bản chất pháp lí của hôn nhân
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro