NGUYÊN NGỌC VIẾT VỀ "RỪNG XÀ NU"
“Tôi được biết ông cụ Mết (nhân vật sau này của Rừng xà nu) cùng thời gian tôi quen biết anh Núp, nghĩa là từ hồi chiến tranh chống Pháp. Hồi bấy giờ ở Tây Nguyên có hai làng kháng chiến nổi tiếng: làng Xi Tơ (tức là Kông Hoa) của anh Núp ở Gia Lai, và làng Xóp Dùi của ông Mết ở bắc Kon Tum. Tôi nhớ hồi ấy người ta cũng đã có tính đến chuyện tuyên dương cho ông Mết, cũng như ông Núp. Nhưng rồi do một quan niệm giai cấp cứng nhắc ấu trĩ hồi bấy giờ , người ta đã thôi việc phong tặng danh hiệu cho ông Mết vì ông là “già làng”, mà “già làng” hồi ấy được coi là đồng nghĩa với “tầng lớp trên”, tức là một thứ giai cấp bóc lột ở Tây Nguyên…
Tôi ra Bắc, và viết Đất nước đứng lên. Ở Đất nước đứng lên, trong các hình tượng Núp, Bok Pak, Bok Sung… kì thực đã có một phần ông Mết “ của tôi” trong đó… và tôi yên trí như thế là tôi đã “dùng” hết ông Mết của tôi rồi. Tôi không hề ngờ hề nghĩ rằng còn có một ngày nào đó tôi còn trở lại với cái “vốn” ông Mết của tôi nữa. Suốt gần chục năm tôi không hề ngờ ở một nơi nào đó rất sâu trong tôi vẫn còn một ông Mết.
… Sau 7 năm ở miền Bắc, năm 1962 tôi trở về miền Nam, trở về Tây Nguyên. Trở về và chưa hề nghĩ đến chuyện viết lách gì cả. Làm rẫy, đi phát động quần chúng đánh giặc… Đâu khoảng 1963, một chuyến đi công tác gặp giặc càn, bị lạc đường bị bỏ đói, tôi tìm vào làng đồng bào Xê Đăng kiếm ăn. Rất tình cờ, đó chính là làng anh Đề. Anh Đề, lúc bấy giờ là một thanh niên khoảng gần 30 tuổi, là người đứng đầu làng này. Suốt mấy đêm liền, bên bếp lửa nhà sàn đốt suốt đêm để chống rét bằng củi xà nu, anh Đề kể cho tôi nghe chuyện hồi 1959, chính anh đã cùng 10 trai tráng làng này dùng dao rựa, giáo mác giết sạch một tiểu đội lính Diệm, bắt đầu cuộc chiến đấu vũ trang ở đây (…)
Cho đến đầu năm 1965, trên đường từ chiến trường ngoại ô thị xã Quy Nhơn (thuộc tỉnh Bình Định) trở về cơ quan bộ tư lệnh quân khu 5 bấy giờ đóng ở rặng núi Răng Cưa, giáp ranh hai huyện Trà Mi (Quảng Nam) và Trà Bồng (Quảng Ngãi), tình cờ tôi được chứng kiến cuộc đổ quân ồ ạt hung dữ chưa từng thấy của mấy vạn thuỷ quân lục chiến Mĩ vào bãi biển về sau này sẽ được gọi là bãi biển Chu Lai. Tôi còn nhớ rất rõ ngày hôm ấy: ngày 8 tháng 3 năm 1965. Số phận đã cho tôi cái may mắn chứng kiến một sự kiện lịch sử: cuộc đổ quân đầu tiên của Mĩ, ngaỳ bắt đầu cuộc chiến tranh cục bộ của Mĩ ở miền Nam nước ta.
Đó là những ngày sôi sục, nghiêm trang, nghiêm trọng, lo lắng, quyết liệt, hào hùng: dân tộc ta bước vào cuộc chạm trán mất còn trực tiếp với đế quốc Mĩ.
Chúng tôi làm việc ngày đêm. Tôi không nhớ thật rõ anh bạn nào của tôi, anh Nguyễn Chí Trung hay anh Thu Bồn bảo tôi:
- Viết đi ! Viết một bài “Hịch tướng sĩ” của thời đánh Mĩ !
Chúng tôi lao vào viết. Mỗi người một góc lều trong rừng, ngồi trên võng đốt đuốc lên mà viết (không có dầu thắp, ban ngày thì còn bận đi làm rẫy). Thu Bồn và Phan Đình Côn (hi sinh cuối năm 1965) làm thơ. Nguyễn Chí Trung viết truyện ngắn. Còn tôi, theo gợi ý của bạn, tôi viết “hịch” của tôi – tuỳ bút Đường chúng ta đi – chỉ trong một đêm.
Viết xong, tự mình cầm chạy đi mà in (ở rừng, tất nhiên), hì hục quay máy (lúc bấy giờ tôi đã xin được từ miền Bắc một máy in năm Osaka nặng trịch). Chúng tôi viết và in số tạp chí Văn nghệ quân giải phóng miền Trung Trung Bộ như vậy đó.
In xong, tung đi ngay, phát ngay cho bộ đội đang lao lên đánh Mĩ. Đó là những ngày Núi Thành, Vạn Tường, Bình Đông… sôi sục.
Làm xong tạp chí số 1, chúng tôi bắt tay làm tiếp số 2. Anh Nguyễn Chí Trung bảo:
- Số 1 cậu viết tuỳ bút rồi, số này phải viết truyện ngắn.
Ừ thì truyện ngắn.
Tôi vừa đi một chuyến phát động quần chúng và đánh nhau ở Tuy Phước, Quy Nhơn, Bình Định về, còn đầy ấn tượng đồng bằng. (Phải nói để các bạn biết rằng ngày ấy sau mấy năm lẩn quẩn tù túng ở rừng, toàn núi cao, được lao xuống giải phóng đồng bằng, vui như hội). Tôi lại treo võng, đốt đuốc ngồi nhất định viết một truyện ngắn về đồng bằng. Bao nhiêu cảm xúc, ấn tượng còn nóng hổi… Thật không ngờ, chong đuốc ngồi suốt mấy đêm ròng, bí rị, viết không nổi một dòng ! Chữ viết ra cứ nằm bẹp trên trang giấy, nhất định không chiụ đứng dậy. Chỉ có mặt phẳng bẹt không sao tạo được không gian, không gian ba chiều…
Buồn quá, xấu hổ nữa, tôi nói với Nguyễn Chí Trung:
- Không viết nổi truyện ngắn đồng bằng ông ạ… Hay là mình viết một truyện miền núi nhé.
- Miền núi à? Miền núi thì chán chết. Bây giờ đang cần đồng bằng…nhưng mà, thôi, thì tạm một cái miền núi cũng được…
Và tôi viết Rừng xà nu.
Bắt đầu như thế nào?
Không, quả thật bắt đầu tôi chưa hề có câu chuyện, cốt truyện nào cả. Bắt đầu đến dưới ngòi bút, gần như không hề tính trước, là một khu rừng xà nu, những cây xà nu.
Hồi tháng 5 năm 1962, hành quân từ miền Bắc vào, tôi cùng đi với anh Nguyễn Thi, Nguyễn Thi về Nam Bộ (bấy giờ mật danh gọi là “Ông Cụ”), tôi rẽ xuống khu 5 (mật danh gọi “ Bác Ân”). Cùng đi dọc Trường Sơn từ Bắc vào, đến đêm chia tay mỗi người về chiến trường của mình là khu rừng bát ngát phía tây Thừa Thiên giáp Lào. Đó là một khu rừng xà nu tít tắp tận chân trời.
Tôi yêu say mê cây rừng xà nu từ ngày đó. Ấy là một cây hùng vĩ và cao thượng, man dại và trong sạch, mỗi cây cao vút, vạm vỡ, ứ nhựa, tán lá vừa thanh nhã vừa rắn rỏi mênh mông, tưởng như đã sống tự ngàn đời, còn sống đến ngàn đời sau, từng cây, hàng vạn, hàng triệu cây vô tận. Không khí ở đây thơm lừng. Nệm lá dưới mặt đất ngả lưng êm ru… Nguyễn Thi và tôi đã sống với nhau một ngày một đêm chia tay cuối cùng trong khu rừng tuyệt vời ấy. Cùng nhau ôn lại cả cuộc đời mình, và nói với nhau về cuộc chiến đấu đang chờ mình trong kia…
Tại sao cái đêm giữa năm 1965 ấy, ngồi viết, rừng xà nu lại bỗng đột ngột đến với tôi, chảy ngay ra dưới ngòi bút tôi?
Vì nhớ Nguyễn Thi chăng? Từ ngày vào chiến trường chúng tôi bặt tin nhau. Vì bấy giờ, bước vào cuộc đời mình – mà tôi đã cùng Nguyễn Thi ôn lại, điểm lại ngày nọ dưới rừng xà nu tây Thừa Thiên – chợt sống dậy chăng? Hay vì cái không khí “hịch tướng sĩ” đánh Mĩ hừng hực bấy giờ rất tráng ca, rất “xà nu’ chăng?… Tôi không nhớ và biết rõ.
Nhưng vậy đấy, rừng xà nu chợt đến. Và lập tức tôi biết tôi đã tạo được không khí, đã có không gian ba chiều. Và cũng lập tức đã nhập được vào không khí của không gian ấy.
Theo tôi viết, đặc biệt truyện ngắn, tạo và nhập ngay được vào không khí và không gian ba chiều ngay từ đầu là quan trọng nhất. Bởi vì truyện ngắn… ngắn quá, không cho phép dông dài cà kê lòng vòng. Ngay câu đầu không tạo được cái ấy coi như vứt đi. Mọi sự sau đó sẽ cứ rời rạc, nhạt phèo.
Có được câu đầu rồi: Làng ở trong tầm đại bác của đồn giặc… bỗng tất cả như bật dậy, mở ra. Và thật lạ đối với chính tôi, tôi biết rất rõ rằng, chắc chắn rằng “làng” – cái “làng ở trong tầm đại bác của đồn giặc” ấy – chính là cái làng anh Đề ! Tôi biết và thấy rõ.
Và tôi bỗng biết luôn, cũng rõ ràng như vậy, tôi sẽ viết chuyện về cuộc khởi nghĩa của anh Đề, cuộc đời, số phận anh Đề.
Tôi có ngay cảm giác phải tìm một tên khác cho anh Đề. Tên Đề nó Kinh quá, người Kinh quá. Tnú, tôi gọi anh bằng tên ấy. Nó “không khí” hơn nhiều.
Khi đã biết tôi sẽ viết chuyện anh Đề – Tnú – tôi thấy yên tâm và bình tĩnh. Tôi chưa hình dung câu chuyện, cốt truyện sẽ diễn biến cụ thể ra sao, nhưng tôi đã thấy rõ, cái truyện ngắn này sẽ bắt đầu bằng một khu rừng xà nu – (mà tôi sẽ ra sức tả một cách hết sức tạo hình, như chạm nổi lên như vậy, có không gian như tượng tròn và có cả mùi vị có thể ngửi thấy được) – và truyện sẽ kết thúc cũng bằng một cảnh rừng xà nu, như một vĩ thanh cứ xa mờ dần và bất tận, nghĩa là “bố cục” cơ bản đã thấy được rồi…Sau đấy mọi sự bỗng trở nên rõ ràng, dễ dàng đến kì lạ. Chị Dít “đến” – như là tất yếu vậy (tôi muốn giữ nguyên tên thật của chị – nó rất tạo không khí, đối với tôi). Nhưng tôi muốn Dít sẽ là mối tình sau của Tnú, một mối tình sẽ lờ mờ mà chắc chắn hiện lên ở cuối truyện. Vậy thì có phải Mai, chị của Dít. Mai đối với tôi chẳng khó khăn gì. Tôi đã “có” hàng trăm cô gái Tây Nguyên (và không chỉ Tây Nguyên) để hình dung và dựng lên một cô Mai. Và cái gì để dẫn đến cuộc bùng dậy ghê gớm như vậy của Tnú (diệt sạch cả một tiểu đội giặc gần như bằng tay không, những năm tháng chưa hề có tiếng súng cách mạng ấy )? Tức phải có một nỗi đau riêng bức bách dữ dội, bật ra từ nỗi đau chung của làng xóm, dân tộc: đứa con bị đánh chết tàn bạo, Mai gục xuống, ngay trước mắt Tnú. Chi tiết ấy đến một cách tất yếu.
Và ông cụ Mết của tôi cũng tất yếu phải đến. Ông là cội nguồn. Là Tây Nguyên của thời Đất nước đứng lên trường tồn đến hôm nay. Ông như lịch sử bao trùm, nhưng không che lấp sự đi tới nối tiếp và mãnh liệt, ngày càng mãnh liệt hơn, sành sỏi và tự giác hơn của các thế hệ sau.
Có lẽ cũng từ đó mà thằng bé Heng. Nó sẽ còn đi tới đâu, chưa ai lường được…
Tất cả trở nên dễ dàng đến ngạc nhiên đối với tôi. Tôi hình dung ra, thấy hiển hiện ra tất cả. Các chi tiết tự nó đến: các bà cụ già lụm cụm bò từ trên thang nhà sàn xuống, các cô gái lấy nước ở vòi nước đầu làng thân yêu và thẹn thùng vác ống bươm đứng tránh ra một bên cho Tnú rửa mặt, tắm mình trong vòi nước làng quê… cả đến tiếng nước lanh tanh trong đêm khuya, cả đến lùm khói quyện lên từ chiếc ống điếu vồ của cụ Mết, cả cái lối Dít xem xét kiểm tra nghiêm khắc và thương yêu từ giấy phép của Tnú, cả mười ngọn lửa xà nu cháy giần giật trên mười đầu ngón tay đau đớn của Tnú… Tất cả, tôi không phải “bịa” thêm gì cả, tôi thấy rõ hết. Mặc dầu tất cả đây hoàn toàn là một câu chuyện bịa. Mà như thật. Với tôi, nó hoàn toàn có thật.
Cách sắp xếp các lớp thời gian trong truyện, xen kẽ, đan quyện, những mạch nối… cũng đến dễ dàng và tự nhiên, như tất nó phải vậy.
Rừng xà nu là truyện của một đời, và được kể trong một đêm. Đó là cái đêm dài như cả một đời. Nhưng nó cũng ngắn, cũng chỉ là một đêm trong sự sống vất vả, đau khổ và hạnh phúc trường tồn ở đây, bởi “nhà ra xa, đến hút tầm mắt cũng không thấy gì khác ngoài những rừng xà nu nối tiếp chạy đến chân trời…”.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro