Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

Phần ngắn

Mợ Du
Nguyên Hồng

- An! An!
Tiếng gọi vừa dứt, một bàn tay nắm chặt cánh tay tôi lôi tôi đi. Tôi mở to mắt nhìn người đàn bà này. Còn tôi, càng nhìn vẻ mặt hốt hoảng của mợ Du tôi càng hồi hộp và nóng lòng chờ một câu nói của mợ ta. Đến đầu phố mợ mới dừng lại, ghé miệng vào tai tôi:
- Thằng em Dũng đâu hở con? Con đi tìm nó cho mợ. Con bảo nhỏ thằng em Dũng chứ! Nếu nó ở trong nhà thì con chờ nó ra ngoài đường rồi hãy gọi.
Đoạn mợ ta ẩy mạnh tôi:
- Mau lên con! Mợ đứng chờ con và em Dũng ở bên đường ông Hào đấy!
Mợ Du! Mợ Du! Một người đàn bà mà hiện giờ tôi còn nhớ từng nét mặt, tiếng nói. Mợ có một gương mặt trắng mát, gò má hơi cao, mắt có quầng thâm và lúc nào cũng ướt át, lờ đờ. Tiếng nói của mợ nhẹ và ấm. Mợ đã là người bạn buôn bán thân nhất của mẹ tôi. Nhưng từ ngày mợ bỏ cậu Du, tôi ít thấy mẹ tôi chuyện trò với mợ, cho đến ngày nghe đâu mợ vào Vinh cùng với một người thợ may tây rồi đẻ con với người ấy.
Mợ Du bỏ chồng! Mợ Du phải bỏ chồng vì bị mẹ chồng và em chồng bắt được quả tang tình tự với anh thợ may trai trẻ, có duyên, làm cho nhà mợ! Tôi đã không hiểu tại sao mợ Du đã có con lớn lại bậy bạ như thế. Và, như những người lớn, tôi đã ghét và khinh mợ mỗi khi nghe nhắc đến mợ với cái tội không thể tha thứ ấy.
Nhưng sau một đêm kia, đối với mợ Du tôi bỗng đổi ra thành lòng thương và mến. Rồi từ đêm ấy trở đi, tôi căm tức vô cùng trước những kẻ bêu riếu mợ hay ra vẻ ghê tởm thằng Dũng con mợ.
Đêm ấy là một đêm trăng và tôi không nhớ về tháng tám hay tháng chín, chỉ nhớ là một đêm trăng sáng lắm. Mợ Du cũng bỗng nhiên hiện ra trước mặt tôi và nắm chắc cánh tay tôi.
- An! An! Con giúp mợ việc này rồi mợ cho một xu nhé.
Tôi chau mày lại nhìn người đàn bà đã vắng mặt ở phố tôi và không biết đi đâu đã sáu bảy tháng nay:
- Tôi chịu thôi! Mợ nhờ đứa nào thì nhờ.
Mợ Du giọng ngọt ngào van lơn:
- Con chịu khó một chút mà! Chóng ngoan! Đây mợ cho con hai hào đây.
Đồng hào đôi sáng loáng dúi vào tay tôi có ngay một hiệu lực rất mạnh. Tôi không còn thấy khó chịu vì sự nhờ vả của mợ, và tôi như không còn nghĩ đến cái tai tiếng không ra gì của mợ khiến mợ trở nên một người chịu đựng sự khinh bỉ và nguyền rủa của cả các gia đình.
Tôi vẫn làm ra bộ khó khăn, nhìn mợ bằng cặp mắt do dự. Mợ Du liền kéo tôi vào một hàng hiên. Mợ nói nhỏ, giọng càng run run:
- Con vào nhà rủ thằng em Dũng ra đường chơi với mợ. Con đừng cho ai biết! Và con rủ nó sang gốc ổi vườn ông Hào đằng đầu phố ấy.
Tuy nhỏ tuổi, nhưng chỉ nghe mợ Du nói ngần ấy câu, tôi nhận thấy ngay tại sao có sự gặp mặt vụng trộm giữa hai mẹ con này, và tôi cảm thấy rõ ràng sự lo lắng và đau khổ của một người đàn bà bị đuổi ra khỏi cửa một gia đình nay lẩn lút trở về để được thăm nom con giây phút.
- ừ con, - tôi đổi tiếng xưng hô - con đi gọi thằng Dũng cho mợ, nhưng nhỡ nó đương đọc sách cho cậu nó nghe trong khi cậu nó hút thuốc phiện thì sao?
Mợ Du chớp chớp mắt rồi lờ đờ nhìn về một cửa hàng đã đóng cửa. Trong bóng tối giữa hàng hiên, cặp mắt mợ Du bỗng long lanh như hai viên ngọc:
- Thì con chịu khó ngồi bên nó rồi thừa cơ bấm nó rồi bảo nhỏ nó ra ngoài.
Tôi liền gật đầu, chạy vút đi.
May quá, tôi vừa tới cửa nhà cậu Du thì thằng Dũng ở trong nhà đâm bổ ra gọi hàng mía. Nó không để tôi nói thêm với nó một nhời, chạy theo tôi ngay và luôn luôn bắt tôi đưa xem đồng hào đôi mới.
Chúng tôi vừa mới đến cổng vườn nhà ông Hào, mợ Du ở một bụi râm bụt lao sầm ra, ôm chặt lấy thằng Dũng vừa nức nở kêu tên Dũng:
- Dũng! Dũng! Dũng con ơi!
Mợ bế xốc Dũng lên, đẩy cánh cổng chạy vào trong cùng vườn. Tôi theo vào. Mợ Du đặt Dũng xuống đất, mợ quỳ hẳn đầu gối, hai tay choàng lấy người Dũng. Vẫn cái giọng nghẹn ngào ấy:
- Dũng! Dũng! Dũng có nhớ mợ không! Bà có đánh Dũng không? Cậu có bênh Dũng không? Dũng có nhớ mợ không? Có thương mợ không?
Dũng không đáp, ngả đầu vào vai mẹ mếu máo:
- Hự! Hự... mợ về nhà với con cơ...
Mợ Du hôn hít vào má, vào trán, vào cằm Dũng rồi khóc nức nở:
- Giời ơi! Giời ơi! Mợ chết mất! Dũng ơi! Dũng ơi!
Ánh trăng vằng vặc đã gội tràn trề xuống hai gương mặt đầm đìa nước mắt áp lên nhau và hai mái tóc ngắn dài trộn lẫn với nhau. Hương hoa cau và hoa lý sáng và ấm đã xao xuyến lên bởi những tiếng khóc dồn dập vỡ lở ở một góc vườn, rì rì tiếng dế.
Tôi dần thấy nghẹn ở cổ. Tôi phải bưng lấy mặt và quay đi chỗ khác: "Mợ ơi! Mợ ơi!".
Đằng kia Dũng cũng: "Mợ ơi! Mợ ơi!".
Tiếng khóc của Dũng và cả chính tiếng khóc của tôi càng xé lòng tôi ra.
Chợt mợ Du đứng vùng lên, hất mạnh mớ tóc xõa ra đằng sau.
Thoáng cái, mắt mợ quắc lên sáng ngời và gương mặt trắng mát của mợ tái hẳn đi. Mợ cắn chặt môi dưới, lắc mạnh đầu luôn mấy cái. ánh trăng càng chảy cuồn cuộn trong những đợt tóc đen ánh trở nên hung dài chấm gót của mợ Dũng.
Mắt người mẹ khốn nạn, mắt đứa con đầy đọa và mắt tôi đắm vào nhau không biết trong bao nhiêu phút, yên lặng và tê mê...
Một lúc sau, mợ Dũng dắt Dũng ra ngoài vườn. Tôi chực chạy ra hè trước, mợ vội chạy theo, kéo tôi lại. Mợ, một tay nắm tay Dũng, một tay xoa đầu tôi, giọng khàn khàn và vẫn nghẹn ngào:
- An và em Dũng về nhà nhé. Mấy hôm nữa mợ lại về. Mợ đã dặn ông Hào rồi đấy, An và Dũng muốn thức ăn gì thì ăn.
Nói đoạn, mợ cúi xuống lại hôn hít vào trán, vào má vào cổ, vào gáy Dũng.
Toàn thân tôi lại rung chuyển trước sự quyến luyến này.
Nhìn sự chia lìa đau xót của hai mẹ con Dũng, tôi đã có cảm tưởng chính tôi là Dũng, và tôi đã có ý muốn ôm ghì lấy mợ Du, ôm ghì mãi mãi, ôm ghì lấy rồi dù bị chết cũng cam tâm...
Từ đấy trở đi, mỗi lần mợ Du ở Vinh về là tôi đi gọi Dũng. Tôi không còn nhớ rõ là tôi đã gọi Dũng tất cả bao nhiêu lần. Chỉ biết rằng trong một thời gian khá dài - hơn ba năm - lần nào sự gặp gỡ của hai mẹ con Dũng cũng làm tôi sung sướng, và lần nào sự chia lìa của mẹ con Dũng cũng thấm cả nước mắt tôi và làm tôi bùi ngùi trong sự thương tiếc mênh mông như cái bàng bạc của đêm thu đầy trăng.
... Bẵng đi 17, 18 năm tôi không một lần nào gặp Dũng và người mẹ của Dũng đã một thời kỳ từng tai tiếng. Dũng, tôi gần quên hẳn. Vả lại, dẫu chúng tôi có gặp mặt nhau, tôi cũng khó nhận ra Dũng sau bao năm đằng đẵng có thể là một nửa đời người non yếu này.
Nhưng, tôi đã được gặp mợ Du. Thì đó lại là lần cuối cùng, cuối cùng của cả một đời tắt mãi mãi và cuối cùng của những dòng chữ viết về một người.
ấn tượng của cái kỷ niệm này không bát ngát bàng bạc như xưa kia nó hằn với tâm hồn tôi trong cái đêm trăng sáng, hương hoa cau, hoa lý ngát không khí. Trưa hôm ấy nắng. ánh nắng vàng rực, các vật ngoài trời đều chói lòa trong những tiếng rào rào của ánh sáng bị gió thổi cuồn cuộn như sóng.
Sau đấy, nhất là giờ đây, bất cứ một hình sắc gì của mợ Du trong cái cảnh buổi ấy đều ngùn ngụt trước mặt tôi qua một thứ lửa tê tái tỏa ra cả ở trong da thịt tôi.
Lúc đó vào khoảng hai giờ, hầu hết những người đi làm đã đến sở mình.
Ngoài phố, những ngã ba, ngã tư, sự ồn ào trào lên chỉ ở từng khu và cảnh tấp nập không lầm lụi, rối loạn như trưa nay. Nắng trong dần đi. Sắc xanh pha-lê trên cao bao la thêm. Nhưng cảnh xuân ở thành thị vẫn không rõ rệt tươi tốt bằng ở nhà quê với những cánh đồng lúa, những đình chùa, những con đường đất nổi lên nhịp nhàng dưới vùng trời khoáng đãng (1) và, với tiếng cười nói, hỏi gọi của người ta cứ vang vang trong gió. éây vẻ xuân ăn chơi, vui quên chỉ còn sót lại ở mấy phố ta trong những nhà cửa vôi mới quét lại hớn hở lên vì nắng, trong mấy hiệu tạp hóa và trong những đám súc sắc, xóc đĩa (2) đương họp lén lút với những đám trẻ con bẩn thỉu mà tôi, thằng bé An xưa kia, hễ có tiền là sống chết cũng sục vào.
Tôi đương viết tập cho một đứa cháu thì thấy có tiếng súc sắc, và đứa cháu tôi không nhìn trộm ra ngoài nữa mà chạy hẳn ra. Bà ở chung nhà với tôi, đi vào, lắc đầu:
- Thế mà chết rồi!...
Trước nét mặt nhăn nhó chỉ có vẻ buồn cười của bà ta, tôi bật lên hỏi:
- Thưa bà ai thế? Sao thế?
Bà ta càng làm ra bộ ảo não:
- Cái người mới đến ở nhờ bà cụ Ký bên kia, bán quà ở gần rạp hát và đầu ngõ ấy mà.
Tôi vẫn không thể nhớ ra là ai. Thấy tôi băn khoăn, bà ta vừa gắt vừa cười:
- Cái người một hôm cậu bảo tôi gọi lại mua chuối ấy. Tôi gọi ba bốn lượt, nhưng chị ta cứ đi lùi lũi làm cậu tức mình, đến tối chị ta rao bán, cậu không mua mà cho các cháu đi mua hàng khác.
Tôi "à" lên một tiếng, gật gật đầu. Bà nọ cho thế là đã thỏa cái công việc tò mò của mình và làm trọn cái sự cổ động lòng thương xót một kẻ xấu số rồi, lại ngồi xuống vừa chẻ củi chan chát vừa quát tháo chỉ bảo người nhà. Xong hai trang viết tập cho đứa cháu, tôi giở sách ra đọc tiếp. Một dòng, hai dòng... năm dòng, mười dòng... rồi hết một trang, sang trang bên. Những chữ in nhỏ ấy trước còn từ từ đi vào tâm trí tôi, hơi chập chờn, lộn xộn với những nghĩa không đằm thắm mấy. Sau, tôi càng trấn tĩnh bao nhiêu, chú hết cảm tưởng vào những hình ảnh, những tình tứ trong truyện, thì chỉ thấy đầu óc càng bừng bừng. Tất cả những cái tôi đọc để nghiền ngẫm chỉ là một sự rối loạn khô khan.
Tôi đành phải để sách xuống, mắt lim dim, chân tay duỗi mềm mại, mặc bất cứ cái gì đến trong tâm trí. Nhưng câu nói trên của bà cùng nhà với tôi bỗng trở lại bên tai tôi rành mạch từng tiếng. Theo liền những tiếng thì thầm này, một dáng người co ro, những mảng quần áo vá víu và một mẹt quà lèo tèo hiện ra, mờ mờ, lành lạnh. Tôi thấy lòng nao nao và sau thì khó chịu vì sự vơ vẩn này. Tôi cau mày, định cầm sách lên đọc nốt để còn làm mấy việc khác.
Một người ở nhờ ở vả, chết đột nhiên và cô độc không ai thân thích ma chay, một người khốn nạn như thế nhan nhản ra muốn xem lúc nào chả có. Đằng sau nhà tôi, trong những xóm nhà lá của những đám người tha phương cầu thực (3) kia, thường thường lại nổi lên những tiếng khóc lóc, rên rỉ về sự chết chóc, mà người chết tuy không một thân một mình nhưng cũng chỉ được đến cỗ ván mỏng, bát cơm, quả trứng, vài thẻ nhang, và bốn người khiêng đi vùn vụt như chạy trốn, họ chuyên sống với cái nghề này và uống rượu...
Tôi đã nghĩ như thế. Tâm trí tôi dần trở nên sáng sủa, tỉnh táo. Đọc hết cuốn sách, tôi ra đi thong thả ngoài sân, khoan khoái lâng lâng.
Bọn người chuyện trò vang vang, ra vào nhà có người đàn bà chết đã ngớt. Bà cụ chủ nhà mượn được cái mành bèn che chắn ngay lấy chỗ người chết nằm. Trời vẫn nắng to. Sau bức mành lọc nhẹ đi, làn ánh sáng vàng rực, cái chõng và thi hài chăm chú trông lại rõ hơn. Tôi thấy cả những đợt khói lừ lừ tản ra trên đầu người chết và những đốm lửa nhang rung rung khi gió nổi lên thổi tan tác những mảnh nắng ở ngoài trời và loạn xạ những cát bụi trong cái khoảng mầu che cho người chết. Không tiếng kèn tỉ tê, không tiếng khóc kể lể rên rỉ, không nồng mùi bồ kết đốt với mùn cưa, cái tử khí đây kia thăm thẳm, chứa đầy những độc ác, như của một nơi mà các người chung quanh không còn ai sống...
Bất giác (4) tôi sang sân vào nhà bà cụ. Thoạt thấy tôi, bà cụ, và mấy người đàn bà sang hỏi thăm, ra đón:
- Cậu sang chơi. Đấy! Cậu xem có khổ không, nhà chị ta đã sắp thúng định đi chợ mua thêm hàng, nhưng ra khỏi cửa lại về nằm lịm đi một lúc thế mà đã chết rồi. Tôi chẳng là họ hàng gì mà phải làm ma đấy. Các bà ấy cứ trách tôi dễ dãi quá, nhưng thôi, mình cứ ăn ở cho hết cái tình cái nghĩa đối với những kẻ bơ vơ, khốn khổ còn thì mặc giời kiêng cho.
Thấy tôi chăm chú nghe, bà lại kể lể tiếp, giọng rất trơn tru, nào người đàn bà nọ nói không có chồng con gì cả, nào đi buôn bán mãi Vàng Danh, Cẩm Phả về ốm yếu quá định về đây lần hồi, nào bà cụ thương tình cho ở nhờ hẳn một nửa gian, giường chiếu, bát đĩa của bà cụ tha hồ dùng, nào bao người năn nỉ thuê nhà bà cụ không được vì các con cái bà cụ đi làm xa, bà cụ chỉ cần có người sạch sẽ chịu khó và hiền lành bầu bạn với cụ và các cháu bé của cụ cho vui thôi.
Bà cụ sai cháu rải chiếu cạp điều (5) ra trường kỉ và rót nước thân mời tôi. Chè hột có gừng, ủ trong bình, tuy còn nóng sôi nhưng tôi vẫn thấy lờ lợ. Tôi chỉ nhấp qua rồi sau một lúc yên lặng, đứng dậy đến chỗ người chết nằm. Bà cụ lại bỏ khách đi theo tôi. Khi chúng tôi đứng sát cái chõng, bà cụ trỏ vào người chết:
- Chị ta chỉ có mấy cái quần áo mặc theo đi ấy là lành lặn thôi, còn mấy cái kia rách mướp mườn mượp tôi còn để đấy mà cũng chẳng ai muốn lấy cả. Một bà trong ngõ phải mua lại cái chăn của phu xe gán ngoài hàng cơm để liệm với cái chiếu của tôi. Sáng mai một bà cho cỗ ván nữa là xong.
Để chứng thực sự ngay thẳng và lòng ăn ở khác thường của mình, bà cụ kéo ở xó cửa đằng kia ra một cái thúng. Bà cụ lật vỉ buồm lên, chìa ra trước mặt tôi từng cái xống áo cũ rách một. Chợt bà kêu lên, qua gọi đứa cháu gái lớn:
- Khổ quá mày ơi! Những thứ chuối chăn, kẹo bỏng kia mày còn để đây làm gì! Cho người ta không lấy thì vứt đi chứ!
Cả tôi cũng phải cau mày lại trước những quả chuối đã đen nhũn, lấm tấm những lỗ ngó ngoáy và những kẹo vừng, bỏng bắp ướt át, kiến bâu chi chít. Những đồ hàng cuối cùng của người đàn bà! Nếu y bán rẻ đi thế nào chả hết. Nhưng đời nào y chịu lỗ vào cái vốn nghèo ngặt sống còn của mình. Chẳng phải y, bất kỳ người đầu đường cuối chợ buôn thúng bán bưng nào cũng thế hết, trong sự làm ăn bát cơm đổi bằng bát mồ hôi của mình. Và đến phút hấp hối, người đàn bà nọ vẫn không thể tin được mình chết. ở cái buổi sáng tưng bừng hôm ấy, phố xá tấp nập, đâu đâu cũng ồn ào đầy những hình ảnh của sự cố gắng, mải miết để được sống, ai mà không bíu lấy sự tin tưởng tốt đẹp?!
Những người trong xóm đi chợ đã lác đác về. Họ đi từng tốp, chuyện ríu rít, rủ nhau tối nay tắm rửa sạch sẽ để đi lễ đền, lễ chùa. Xuyên qua bọn họ, những người gánh nước làm nhớp nháp thêm cái lối vào xóm chật hẹp, mấp mô tách ra hàng mười ngõ. Bên trong ở những vườn rau diếp, rau cải, sà lách, và những vườn trồng hoa bán trên phố tây, những thùng tưới cứ rào rào đưa trên những luống đất nhỏ tơi, kín sắc xanh mượt và những sắc hồng tím, vàng, nhung, trắng, tươi mọng... Nắng và gió tỏa ra lênh láng. ánh sáng trong suốt reo lên trên những cây cỏ nẩy nở như thổi.
Đứng ở trong này, tôi đã thấy lòng run run. Tôi nghĩ đến cái giây vừa thở hắt ra, vừa quằn quại của một con người cách tôi không đầy chục thước mà tôi và cả mọi kẻ chung quanh đều không hay biết. Tâm trí tôi lắng sâu hơn nữa. Tôi nghĩ đến cả cái kiếp người kia chắc chỉ toàn những sự đày đọa, cái kiếp làm thân đàn bà không chồng con, không thân thích, đâu có kẻ thân mến là quê hương, gia đình mình, và tất cả sự no ấm chỉ trông cậy vào sức mình, sự chịu khó của mình.
Tôi hồi hộp nhắc cái vuông khăn tay dòng dọc đỏ phủ mặt người đàn bà lên. Tôi lặng đi, tê tái nhìn cái bộ xương hốc hác, gồ ghề, xám xịt. Thay cho gối, tóc y cuốn thành một mớ đầy, vẫn còn đen nhánh, giá cắt đi làm một cái đuôi gà thì phải dài, óng ả lắm.
- Cậu này! Cậu xem cái giấy gì và hình gì thế này?
- Vâng! Vâng!
Tôi phải quay lại với bà cụ. Tôi vội vàng đón lấy mấy tờ giấy đã nhầu nát, nhòe nhoẹt và tấm hình nhỏ tí bà cụ đưa cho. Không!... Không!... không phải là những miếng giấy vứt đi, mà là bốn bức thư. Bức, chữ viết ngòng ngoèo, bức đã thẳng dòng, bức đã có những câu chấm gẫy gọn và những dấu chấm than và bức, chữ lại nguệch ngoạc, nhưng rắn rỏi và lời lẽ gay gắt như trong một bài báo tranh biện. Tất cả, dưới đều kí tên Dũng, từ những nét ngây ngô trở nên những nét sắc trơn. Tôi đã suýt kêu lên nhưng cổ họng nghẹn hẳn. Tôi giơ hẳn tấm hình ra ngoài cửa xem.
Tấm ảnh chụp hai mẹ con kia rõ ràng là mợ Du và thằng Dũng. Người mẹ ấy đôi mắt vẫn sáng, và cái sống mũi dọc dừa, cái cằm thon trong gương mặt vẫn đầy tươi trẻ, tinh anh (6). Còn thằng nhỏ thì bế nâng lên trước mặt người mẹ, một tay y bịt lấy rốn nó, mặt hơi cúi xuống với nó nhưng mắt vẫn ngước lên như trỏ cái sự vật đằng trước cặp mắt bỡ ngỡ của nó cho nó cười thêm. Dưới tấm ảnh mà tôi không thể nào lầm lẫn được ấy lại còn có thêm dòng chữ này:
- Kỷ niệm ngày con Dũng của mợ lên hai nhưng mới được tám tháng.
Và ở một góc có hai dòng chữ nhỏ như kim:
- Dũng ơi! Con của mẹ ơi! Biết đến bao giờ mẹ mới được gặp con?!
*
* *
Mợ Du đã chết rồi?! Người mẹ khốn nạn kia bị người chồng sau tình phụ, hay vì y chết, mợ sa sút và cho mình đã phạm một trọng tội, mợ đành sống lén lút, để khỏi dây dính đến Dũng? Hay mợ đã tìm đến Dũng nhưng không được nhìn nhận? Hay Dũng chết rồi? Hay những giấy má, hình ảnh kia chỉ là của người đàn bà chết bắt được?!
Tôi đã nhiều lúc tự hỏi nhưng chỉ thấy thêm rằng chắc chắn mợ Du đã chết và những cảm tưởng về mợ chỉ càng thấm thía, tê tái trong tâm hồn tôi, thằng bé An xưa kia không còn những dòng nước mắt tràn trề để khóc nữa.
(1939 - 1943)
(Đã đăng một phần trên Tiểu thuyết thứ bảy
số 277 ra ngày 23-9-1939 trong truyện
Những đêm trắng)
Chú giải
(1) Khoáng đãng: rộng rãi, bát ngát.
(2) Súc sắc, xóc đĩa: hai hình thức cờ bạc, đỏ đen (súc sắc: gieo những quân súc sắc bằng xương. Xóc đĩa: úp bát xuống đĩa xóc những đồng tiền hai mặt sấp ngửa).
(3) Tha phương cầu thực: kiếm ăn nơi đất khách quê người.
(4) Bất giác: không có chủ ý gì.
(5) Chiếu cạp điều: chiếu cạp vải đỏ chung quanh - chiếu sang, quý.
(6) Tinh anh: phần tinh túy, tốt đẹp; ở đây có nghĩa là sáng sủa, linh lợi.
Hai Nhà Nghề
Nguyên Hồng

Ðã lâu tôi không làm cái nghề nhào lộn ấy nữa để kiếm cơm ăn. Nhưng, một đôi khi, nghe tiếng thanh la inh-ỏi, hay tiếng phèng phèng khua ran, hay những điệu kèn đu-đủ rè rè, tôi lại thấy lòng náo nức. Một cái gì mềm yếu trong thâm tâm tôi bị rung động lúc bấy giờ, và một cái gì chua xót làm tê dại linh hồn tôi. Lập tức, tôi phải đi xa chỗ tụi trẻ làm trò kia, hoặc cho chúng một vài hào để chúng đi nơi khác biểu diễn tài nghệ.
Thưa các bạn, những bạn đã từng nếm qua các vị ngọt bùi, cay đắng của một nghề tự do trong sạch nào, chắc các bạn phải từng có những phút giờ bùi ngùi như tôi, sau khi các bạn bỏ nghề ấy, bỏ hẳn nghề ấy.
Một kỷ niệm cũ dù êm đềm, sáng suốt, hay thảm khốc, tối tăm, bao giờ cũng xúc động lòng ta hơn là những sự lo âu, mừng rỡ của tương lai dẫn đến. Nhất là những kỷ niệm ấy lại thuộc về thời kỳ thơ ấu của ta, cái thời kỳ rất yêu dấu, rất nên thơ, vì chan chứa cảm tình.
Một ngày xuân đã qua, lâu lắm rồi, một ngày xuân sáng và ấm, nghề nhào lộn đã khắc sâu vào tâm khảm tôi những dấu vết không thể mờ nhạt được.
***
Dạo ấy, bọn trẻ con cặn bã đặt cho tôi cái tên kép: Nhân-đen vì tôi, hết năm này sang năm khác, lang thang trong nắng, mưa và gió bụi, có một nước da bóng nhẫy, mùi gỗ lim cũ đóng bàn học trong những nhà trường. Chúng lại còn gọi tôi là Nhân-đu-đủ, vì tôi kiếm tiền của thiên hạ rất dễ dãi bằng những bài kèn "la-mát", "mạc-xây-e", "ma-đơ-lông" vân vân, thổi với ba ống đu-đủ.
Trước kia, đi theo tôi có một thằng bé kém tôi hai tuổi. Nó không biết thổi kèn, không biết ca những bài cải lương mà bây giờ người ta cho là chướng tai vô cùng, nhưng nhào lộn giỏi. Tôi gặp nó ở chợ nhà quê, vùng Hà-Ðông dắt thuê cho một ông già mù. Thấy nó kháu khỉnh, mắt sáng, miệng cười luôn, tóc hung hung xoăn xoăn như tóc tây, lại tinh lanh, chỉ xem tôi nhào lộn vài lần mà đã bắt chước uốn cầu vòng đi bằng tay được, tôi liền dỗ nó bỏ ông cụ ăn mày.
Cùng tôi lang thang nay đây mai đó được hơn một năm, tới khi biết làm nhiều trò, thì nó bỏ tôi, đi kiếm tiền một mình. Tại dạo ấy tôi ốm yếu luôn, không thể nhào lộn nhiều được và ca hát, thổi kèn hay như trước. Mấy ngày đầu, tôi buồn rầu và nhớ nó chẳng khác gì một người anh có đứa em gái nhỏ chết ở dọc đường khi cùng nhau đi tha phương cầu thực.
Nó bỏ ông già, vì sống với ông, khổ sở, bệ rạc quá. Nhưng làm bạn tôi, được tôi quý mến, có cái gì cũng chia sẻ cho, mà nó đánh "rơi" ngay tôi khi tôi cùng quẫn, hỏi sự bội bạc ấy còn gì khốn nạn hơn? ấy là tôi không nghĩ đến công phu luyện tập cho nó thành một nhà nghề khéo, giỏi.
Tuy bị một phen lừa lọc, tôi vẫn cố gắng tìm kiếm một đứa bé kháu khỉnh, khôn ngoan như nó, để truyền cho các cách múa lộn rồi cùng đi kiếm tiền. Nhưng gần hai năm, tôi chẳng chọn được đứa nào hết.
Cuối năm thứ ba, tôi càng ốm yếu hơn... rồi sang xuân năm thứ tư, tôi bắt đầu đi sâu vào một quãng đời thiếu thốn, khổ sở vô cùng.
Tiếng hát của tôi đã khàn khàn! Tiếng kèn không vang to và ngân dài như trước. Ði bàn tay chỉ được bốn, năm thước. Nhiều lúc, trên dây thép, tôi phải bỏ dở trò vì thấy đầu bốc nóng, ù tai, quáng mắt.
Nghề làm xiếc của tôi đến thời kỳ cùng mạt rồi!
*
* *
Tôi bỏ Hải Dương về Hải Phòng chính lúc người đời đương vui mừng đón chào xuân mới. Bởi cái tỉnh nhỏ với vài dãy phố vắng vẻ kia, đến một thành phố không sầm uất lắm nhưng cũng đông dân cư, tôi hy vọng sẽ kiếm được một món tiền kha khá, đủ cho tôi chuộc lại ít quần áo gán nợ cho hàng cơm và cắt vài chén thuốc.
Xe lửa qua khỏi cầu Phú Lương lại bắt đầu chạy rất nhanh, lắm lúc đến quãng đường vòng tưởng như sắp chồm ra ngoài đường sắt. Bấy giờ ánh nắng vàng tươi đã láng khắp bầu trời không gợn một vệt mây đen và khắp vùng quê lặng lẽ trong một thứ hơi gì mong manh ướt lạnh.
Tới khi mặt trời lên cao, phải che tay nghiêng mắt mới nhìn được, và gió lồng lộng tung cát bụi lầm, tôi thấy đâu đâu cũng như có những mầu sắc gì rực rỡ và những tiếng gì trong sáng.
Từ cánh đồng mạ bao la nổi sóng xanh rờn, từ những mắt nước thỉnh thoảng rùng lên như tấm nhung nõn nà căng trùng, từ những chòm cây phấp phới, lấp loáng, đến những đàn chim yên lặng xoãi cánh bay về những lũy tre bơ phờ, hết thảy đều như nó rỡn vì vui mừng, vì sung sướng.
Lòng khấp khởi của tôi phút chốc bừng bột; tâm trí tôi trở nên tươi sáng, những cái gì mới mẻ, ấm áp lan rộng trong linh hồn tôi, tôi không còn nghĩ đến hơn một tuần lễ vừa qua, nằm liệt trong một quán trọ bẩn thỉu, không được ai săn sóc, trái lại, còn bị hắt hủi, xua đuổi.
Ngày đầu xuân bao giờ cũng xóa bỏ hết những sự buồn bã, chán nản đến ám ảnh người ta, làm cho người ta lây sự vui sướng của vạn vật và ham thích sống. Nhìn cảnh vật rực rỡ dưới ánh nắng một giờ một chói lọi, tôi cảm thấy có thể gặp những ngày đầy đủ như năm nào, hay hơn cũng có. Không phải vì nhờ cái nghề làm xiếc và ca hát này, mà vì một sự may mắn gì bỗng đến.
Xuống ga Hải Phòng, tôi đeo túi vải đi lên Ngã Sáu, rẽ qua Ngõ Cấm. Thấy không có mấy đám bạc và trẻ con tụ họp chơi đùa, tôi lên phố Ðầu Cầu. Phố này gần bót, nên rất ít xóc đĩa và súc-sắc. Tôi phải đi lên phố Khách. Ðến đây tôi đứng lại, vì chỗ tôi định diễn trò ấy có ba đám xóc-đĩa, người lớn, trẻ em chen chúc nhau, vòng trong vòng ngoài.
Ðặt cái túi vải xuống thềm gạch tháo miếng vải vàng để lợp mui xe ra, quẳng nốt chiếc mũ dạ tàng rúm ró ra giữa vòng, đoạn rút chiếc kèn bằng ba ống đu đủ, tôi phồng má lên, thổi một hơi kèn.
Cũng như lần trước, trăm nghìn lần trước, điệu kèn nhà binh ca khúc khải hoàn kia đã kéo đến chung quanh tôi một số đông người.
Tôi hởi dạ, ngẩng mặt lên trời cao và sáng, lấy hơi thổi nốt đoạn cuối.
Sao hôm nay tiếng kèn vang to thế? Tại tôi khoan khoái, nức lòng chăng? Hay bởi trong người tôi nhẹ nhõm vì luôn mấy ngày nghỉ ngơi và ăn rất ít? Khi đó, nếu dư tiền tiêu xài, tôi quyết hiến không cho đám người đông nghịt quây tròn lấy tôi tất cả những bài kèn và những trò nhào lộn điêu luyện của tôi, để hưởng cái khoan khoái thấy nhiều kẻ thưởng thức tài nghệ của mình.
Tiếng kèn ngừng, dưới ánh mặt trời nóng ấm, tôi từ từ đưa ngang tay gạt mồ hôi trán. Một giọt rớt xuống mắt tôi, xót quá! Tôi phải dụi hồi lâu bằng chiếc khăn bông giắt ở cạp quần thâm cộc có nẹp trắng. Cơn sốt lai nhai làm cho tôi nhọc mệt và rét run không được, đến giờ là hết!
Tôi trải miếng vải vàng ra giữa thềm gạch, mặc chiếc maillot đỏ dòng dọc xanh, và lấy ở túi vải ra những dây thép, những cọc tre, và hai quả bóng quần. Bắt đầu tự lúc này tôi được người ta chú ý đến một cách sốt sắng.
Vây chung quanh tôi có tới hơn trăm người. Nhiều nhất là trẻ con hí hởn trong những bộ quần áo mới, đến các phu phen ế việc, những thằng nhỏ, con sen, và vài tốp đàn bà nhà quê.
Tôi đã đi ngược bằng tay ba, bốn bận. Muốn cho người xem sướng mắt hơn, tôi đổi sang trò uốn cầu vòng, uốn con tôm, uốn cong người để cắn đồng xu cắm xuống đất và nhặt mùi soa. Càng phấn khởi tôi càng không thấy mệt nhọc. Tôi trổ hết tài nhào lộn trên mặt đất.
Bao nhiêu tiếng vỗ tay, tiếng reo hò cất lên không ngớt. Trong lúc ấy, người lớn và trẻ con tưởng chừng như đã lạc vào được một rạp xiếc nào. Họ không ngờ tôi, một đứa trẻ đi làm trò một mình, lại tài giỏi đến thế, làm họ khoái trá đến thế. Trời! Sự khoái trá vui thích tăng thêm sự tươi tốt của ngày đầu xuân êm đềm trở lại trong đời họ.
Nhưng... tôi bắt đầu thở bằng tai sau trò tung cầu trên dây thép. Sau ba phút biểu diễn trò ấy, nhảy xuống đất, tôi nhao hẳn người đi, và khi ngẩng đầu lên, mắt tôi tia ra những đốm sáng, trong tai tôi như có muỗi nhỏ sa vào.
Tôi phải đứng lặng một hồi lâu, và, chợt tôi nhận ra một cái gì, một sự phung phí vì kiêu ngạo nếu không phải vì dại dột.
ánh nắng đã trở nên gay gắt. Mồ hôi trán tôi càng vã ra. Tôi rút khăn lau qua mặt nóng bừng, đoạn vươn vai thở hắt mạnh ra một cái. Tức thì, bao nhiêu sự nhọc mệt mất hết, xác thịt và tâm trí tôi lại nhẹ nhõm phẳng lặng như thường.
Ðời sống cấm ngặt tôi không được một giây nào chán nản và ủy mị, phải luôn luôn hoạt động, hớn hở hơn là ánh nắng tưng bừng nô rỡn với muôn loài.
Không ngờ rằng tôi sắp sửa xin tiền, bọn phu xe và vài người quần chúng áo dài thúc giục:
- Hay quá! Làm nữa đi.
- Làm nữa đi, kìa người xem càng kéo đến đông kìa!
- Thế nào chả được nhiều tiền.
Có kẻ giọng quả quyết:
- ít nhất là hàng hào.
Tôi mỉm cười, trật chiếc mũ nồi đội lệch trên đầu ra, thong thả đi lại chỗ người nói sau cùng, lễ phép thưa:
- Vâng, tôi xin làm nữa, nhưng xin ngài và các ngài hẵng thưởng cho ít nhiều.
Những nét mặt tươi tỉnh của hắn ta phút chốc đổi thành những nét cau có. Hắn lắc đầu một cái, ngoảnh mặt đi, lùi bước. Giá là kẻ làm trò khác đã kèo nhèo xin, nhưng tôi đây có chút ít học vấn, biết tự trọng và khinh bỉ kẻ không biết tự trọng, tôi chỉ nhìn hắn bằng đuôi con mắt rồi chìa mũ đi xin người khác.
Tiếng vỗ đùi đèn đẹt làm tôi chán ngán. Tôi phải đến xin người thứ ba. Tuy ăn vận bảnh bao nhưng chàng nào cũng túi không. Ðến người thứ tư, thứ năm, thứ sáu... thứ mười rồi thứ mười mấy chả rõ, cũng túi không.
Rồi những phu phen và đám đàn bà nhà quê lảng dần. Còn lại mấy chục đứa bé... suýt soát... tuổi tôi giương những con mắt thao láo nhìn.
Ngay bấy giờ những tiếng nhạc đồng xoang xoảng từ đầu phố vẳng tới. Tôi kiễng chân lên trông: một thằng bé để tóc hớt kiểu móng lừa, quần vải áo xanh thô, chân dận hài sảo, vừa đi vừa tung đôi dao sáng loáng vừa lắc một chuỗi nhạc đồng. Kêu gọi người xem, anh nhà nghề này dùng những hát lố lăng, giọng lè nhè:
- Sế cô pa lý sềnh ế ề ê... Sề cồ pà lỷ sềnh ể ề ề... ể ề ề...
Lũ trẻ con bỏ ngay tôi, chạy lại xúm xít quanh thằng bé. Tốp đàn bà nhà quê và phu phen cũng kéo đến liền. Phút chốc trên thềm hè trơ khấc mỗi mình tôi, mà đằng đầu phố đông nghịt những người.
Thằng bé múa dao hởi dạ, tung thêm một con dao nữa, và ráng sức ném nhanh hơn, vừa lắc mạnh cho nhạc càng vang to. Giọng hát lố lăng của nó như cố dướn cao lên:
- ế ề ê... ế ề ê ... sế cô pa lý sềnh ế ề ê... sể cổ pà lý sềnh ế ề ề ... ể ề ề...
Hơn lúc nãy bội phần, đám người xem, vẫn đám khán giả cũ của tôi, reo hò ầm ĩ.
Thằng bé múa dao bỗng dừng tay. Nó rút cái khăn bông cũng giắt ở cạp quần ra, lau mồ hôi trán, và tháo bình nước đeo ở sau lưng, tu một hơi dài. Mặt nó đỏ bừng đã dìu dịu. Nó cởi chiếc áo cụt tay ném phắt xuống đất, mặc một chiếc xích sắt vào một đôi dao:
- Các ông các pà tứng lôi ra, tứng lôi ra.
Dứt lời, nó cầm chắc hai con dao có chuôi nối dây xích rồi hắt một con dao khác lên. Con dao này vừa rơi xuống, thằng bé không bắt bằng tay, nó lấy một chuôi dao cầm chắc trong tay hắt bắn chuôi dao kia lên.
Ðồng thời, một lưỡi dao sáng loáng vọt lên theo.
Nguy hiểm hơn, không dùng chuôi dao nữa, nó dùng đoạn xích căng thẳng hất cả hai con dao trước khi và sau khi lộn mũi rơi xuống.
Nó tung thật nhanh, mắt nó sáng ngời lấp lánh như những lưỡi dao ấy, vầng trán bóng rô hẳn ra cũng nhịp theo.
Trò nhào lộn và tung cầu của tôi trên dây thép đã nguy hiểm nhưng đem so sánh với trò múa dao của anh nhà nghề người Tàu này còn thua kém xa.
Nếu không cứng tay, nếu không tinh mắt, nếu chỉ nghĩ lảng đi một giây, hai mũi dao sắc, nhọn kia sẽ cắm sâu hoặc trên đầu, hoặc giữa mặt.
Những tia máu sẽ vọt lên! Những tia máu mà tài múa dao đã cho nó!
Tiếng nhạc rung càng ròn rã, tiếng hát lố lăng càng kêu gọi thêm được một số đông người thua bạc đến xem. Hai lưỡi dao tung lên, rơi xuống nhanh quá đỗi, chỉ còn là những làn chớp loáng.
Thằng bé này quả là một nhà nghề đặc sắc, một con cưng của sông hồ. Tôi quên hẳn mình đương cần phải kiếm tiền nuôi miệng bữa chiều nay và những bữa ngày mai, tôi thẫn thờ trông anh bạn trôi dạt ấy trổ hết tài năng.
Chuỗi nhạc đồng rung lên một hồi thật dài rồi ngừng tiếng. Phập, bốn lưỡi dao chập cả lại vào lòng bàn tay phải. Thằng bé múa dao quỳ một gối xuống đất, cúi đầu chào tất cả người xem.
Cánh tay phải nó chuỗi thẳng ra, bốn mũi dao ấy đỡ lấy một giỏ mây xinh xắn. Nó yên lặng chờ những xu hào...
Không thể nói nhanh tới chừng nào, những cảm giác chua cay, đau tủi ran lên khắp tim tôi. Tôi không thể cầm lòng nhìn thằng bé cũng dạn dày vì lang thang kia quỳ lâu thêm một phút nữa, chìa giỏ xin tiền những người xem không tiền và không giàu lòng thương lảng dần dần ra những chỗ khác.
Trời! Hai đứa bé nhà nghề chúng tôi đã phô diễn hết tài năng trong bao giờ để sau cùng đổi lấy những cặp mắt lãnh đạm của mọi người.
Tôi vội chạy lại, đỡ thắng bé múa dao kia dậy; tôi muốn nói với nó một câu gì nhưng cổ họng đã nghẹn ứ mất rồi.
Báo Ngày Nay, 1938Buổi chiều xám
Nguyên Hồng

Xan bỏ hẳn kính ra, cất vào túi áo trong rồi ngước mắt trông, Xan hơi bàng hoàng vì sự hiện diện đột ngột này. Trên đầu Xan, mây chì càng thấp xuống, và chung quanh Xan, cảnh vật càng thẫm lại. Gió thổi mạnh hơn. Bụi đường cùng lá cây cuộn lên thành tưng đám dày, chạy rào rào và quằn quại như những chim chóc chạy trốn trước cơn bão.
Cái lạnh càng thấy rõ nữa trong cảm giác Xan. Xan rít tiếng khe khẽ:
- Không biết còn rét đến bao giờ hở?
Câu hỏi này làm Xan cúi mặt xuống, không dám nhìn ra xa và nhìn kỹ chung quanh nữa. Từ những thân thể trần truồng, co quắp, những cái dáng đi lẩy bẩy mờ mờ, và những cặp mắt ngơ ngác của những đám người nhan nhản ở hai bên đường và các xó hè, đến những cây cối, nhà cửa và thời may đều âm âm hỏi theo Xan:
- Đến bao giờ nữa hở? Đên bao giờ nữa hở?
Cái không khí u uất về chiều này! Cái cảnh tượng nhợt nhạt của chiếntranh này! Cái hoang mang của sự sống qua những đói rét, tàn phá và chết này! Nghĩ tới đấy, thót cái tim Xam như bị kẹp mạnh, bởi bột cái kìm, vào ngực San như bị ai đứng dận lên. Lại như có từng núi gạo đương đốt cháy ngùn ngùn ở trước mặt Xan. Lại như có từng đống xác chết vây bọc lấy Xan trong đó có cả cha mẹ, anh em, vợ con, và bao nhiêu người quen biết của Xam, mấy tháng trước đây còn vạm vỡ, nhanh nhẹn không thể tưởng tượng được. Và không !... không !... có cả Xan nữa. Xan giờ đây ở nhà in và, nay vẫn còn khét mùi dầu mắt vẫn còn những trang giấy dập thử lấp loáng dưới ánh đèn điện và trong đầu vẫn còn âm ỉ những tiếng máy. Xan - một kẻ trong cái hạng người cũng chỉ có hai bàn tay làm việc mà tiền lương chưa cuối tháng đã hết, gạo trữ không , ruộng cày cấy thì thật hoàn toàn không bao giờ biết đến.
ình... ình... ình... sầm... một cái "cam nhông" lao qua mặt Xan và rồi dưng lại trước một máy nước. Không bóp còi và phóng bừa cho tới cả lúc rẽ vào đám đông, cái xe quái gở nọ chi tí nữa là hất tung Xan đi hoặc đè nát Xan. Ngã dúi vào một cột đèn. Xan, khi đứng lên, không phủi quần áo vội mà chỉ trừng mặt nhìn. Sự căm tức lại chẹn lấy cổ Xan. Đó là cái xe của quân đội Nhật lù lù như một coi voi, bụi bậm bám đầy, với mấy chục lính lố nhố, súng dựng ở trước ngực, tay cầm rung rung như sắp vung lên bắn vào người tao.
Sau một câu chửi hổn hể, Xan đã toan đi, nhưng thấy mấy tên lính phốc xuống đất, sấn vào đẩy dúi những người chực nước mà tranh lấy cái vòi, thì Xan nảy ra một ý nghĩ bèn thôi. Xan muốn với tất cả đâu xót trong lòng chúng kiến một lần nữa sự dã man mà đồng bào Xan phải chịu để xem nó còn tới mức nào trên những kiếp người hiền lành nhẫn nhục này.
Ê ê ê... hô hô hô...
Những tiếng doạ nạt, xua đuổi và cười đùa càng làm cho không khí đặc sệt lại. Chỗ này là một cái chợ chuyên họp về chiều cả các thứ hàng ế với các người làm ăn đầu tắt mặt tối. Bị cái xe cam nhông chắn gần hết lối đi, xe cộ, gồng gánh ứ lại, chen chúc nhau ầm ĩ. Trong khi ấy những kẻ chực nước và rửa ráy đun nấu hễ được dịp ghé vào vòi nước là lại xô đẩy nhau, thùng xích loảng xoảng, chửi bới lộn bậy. Bọn lính vừa phần bị vướng, vừa phần tinh nghịch, lại đẩy lại đạp, lại giơ thùng vùng lên để cùng cười rantrước những trẻ con vỗ tay, reo hò... Xan tưởng đầu óc đến nứt mất.
Xan càng rừng rực cả tâm trí.
Chới vào tai Xan, ở những xe đằng đầu đường kia, lại luôn luôn có những toán lính ngồi lên, nhảy xuống, dậm thình thịch và cười hát hô hô. Cuối cùng, chúng thúc cái nắp mui xe lên. Thế là mấy tên lính nữa lại ùa xuống. Nhưng trút được mấy tên lính xuống xe thì sự đùa nghịch đã bớt. Hơn chục tên lính còn ở trên xe lại dựng súng lăm lăm trong tay. Xan bỗng ngạcnhiên vì nhận ra một tên lính hình thù rất lạ trong số lính im lặng ấy. Hắn - không ! một thứ người ở một rừng núi nào bên Triều Tiên, Trung Quốc hay ở một xứ nào khác thì mới phải chứ người Nhật sao lại thế - hắn cũng lùn, nhưng đó là một lùn dày và bè ra của một thân thể to chắc. Cái mũi hắn đội chỉ vừa dính có chỏm đầu, mà đầu thì tóc xoăn tít mọc trùm cả gáy! Mặt hắn chỉ để nhận thấy có hai con mắt, hai con mắt quăm quắm dưới đám lông mày lấm tấm bạc, hai con mắt rất sáng, rất tợn nhưng không làm người ta sợ - còn thì chỉ thấy râu ria xồm xoàm.
Một con khỉ độc!
"Con khỉ độc" nay lại mặc cái quần thùng thình như cái váy, thắt lưng da trễ ra để hở cái rốn và lông bụng. Nó không lồng xuống đám đông để phá phách mà đứng ngây ra nhìn.
Trời tối gần hết. Chỉ còn một khoảng bằng cái hang nhỏ đỏ bầm ở góc phía tây. Dưới cái ánh sáng thoi thóp này, một ngọn múi tím đục cố ngoi lên giữa lớp sương nhờ nhờ như khói. Bao nhiêu ngọn cây và nóc nhà về phía tây cũng đều như có khói quấn quít. Và từ cái biến khói ấy, tiếng chim gọi nhau, tiếng lá xao động, tiếng gió vi vu thoang thoảng đưa lại hoá thành một thứ tiếng xào xạc heo hút vô cùng.
Cặp mắt nhìn quằm quặm của "con khỉ độc" bỗng chớp chớp. Gian hàng tạp hoã ngay chỗ ô tô đã bật đèn. Từ cái cửa sáng trưng đi ra, một người đàn bà gế một đứa nhỏ cuống quít chỉ trỏ:
- Kìa mợ đã về!... Em nín đi... chóng ngoan... Mợ về kìa.
Đứa bé càng giãy đạp. Nó đòi bế hẳn ra hè để được thấy hắn nếu thật mợ nó về. Người đàn bà bế nó phải chiều theo. Y càng ríu rít nựng nịu nó, vỗ về nó. Cảnh nhộn nhịp và những tiếng ồn ào dần dần quyến rũ đứa bé. Nó không những nín hẳn lại còn cười khanh khách và sà xuống nô với con chị nó đưa tay vẫy vẫy đùa cợt. Người đàn bà bế nó mấy lần phải nhào theo đà đứa bé mà y bế có vẻ nặng lắm.
Không phải vì trời rét nó quấn chăn bông và mặc nhiều áo nên nó làm người đàn bà khó bế. Da dẻ hồng hào, mắt sáng và xếch, môi tươi, cổ tay như bột nặn, đầu đội mũ len hồng bịt kín tai, kiểu mũ tàu bay, đứa bé tự nói rằng nó là một thằng cu khoẻ mạnh lắm. Người đàn bà mỗi khi nâng nó lên hay xốc lại nó thì cả người đều chuyển động. Hai bắp tay béo mẫn của y gân lên, ngực y rung rung nổi căng, mặt y đỏ bừng.
Xan chợt giật mình.
"Con khỉ độc" bỗng quẳng súng lên mặt hòm nước, nhảy bịch xuống đất, xổ đến người đàn bà, hai cánh tay lông lá đưa ra như sắp ôm lấy. Người đàn bà rú lên, quay ngoắt đi. Khủng khiếp vì cái hình thù quái đản ấy, đứa bé cũng choé lên một tiếng rồi nhắm mắt lại, gục mặt xuống vai người bế. Chết rồi. Khốn nạn!... Khốn nạn! Xan mím môi lại, quắc mắt lên, chờ một cảnh đùa nghịch dâm đãng sắp xẩy ra giữa người vú em béo trẻ và "con khỉ độc", mà kẻ sợ đến mất trí là một đứa trẻ ngây thơ đương cười nô hồn nhiên. Khốn nạn! Khốn nạn!... Sự khốn nạn đã đến cùng tột rồi! Đi bắn giết người, đi cướp đất nước, đi bóc lột của cải, vơ vét thóc gạo trong khi mùa màng mất và sự đói kém tàn hại hàng triệu sinh linh chưa đủ lại còn hãm hiếp đàn bà một cách công nhiên nữa. A! Đồng bào xem! hơn hai mươi triệu linh hồn máu mủ với Xan còn phải đợi những điều kiện nào mới vùng dậy, đập tan những thống khổ?
Nhưng không! không phải Xan loá mắt. "Con khỉ độc" đã đến sát người vú em rồi mà cánh tay lông lá của hắn giơ ra chực ôm lấy. Đã thế, thấy người vú em luống cuống chực chạy trốn vào nhà thì hắn lùi lại. Hắn khép bớt một cánh tay, và hắn vừa gật đầu vừa cười rất tươi bằng hai con mắt sáng nhấp nháy:
- Ê ê ê... tý ty ty... tý ty ty...
Lần này, vừa nói hắn vừa tiến sát lại người vú. Một tay hắn níu lấy cánh tay bế em của người vú, một tay hắn vẫy vẫy đứa bé mà hắn ghé hẳn mặt nó vào mặt hắn, vừa nháy nháy mắt, vừa gật đầu, khẩn khoản ra hiệu với đứa bé đừng sợ gì nữa, hãy theo hắn bế ẵm.
Trẻ con và người lớn đã dổ xô đến. Tất cả đều bấm nhau chỉ trỏ "con khỉ độc". Không để người vú trao đứa bé cho mình, "con khỉ độc" ôm giằng lấy nó mà ấp vào người. Hắn vỗ về nó, cười khà khà rồi xốc cao nó lên trên mặt mình nhăn nhó gật đầu, nháy mắt. Thế rồi, sau khi bàn chân bé xíu đi bít tất hồng nhảy nhảy trên cái mặt xồm xoàm nọ thì những tiếng cười nức nở rức lên "Con khỉ độc" lại rít miệng vào trán, vào má đứa bé. Cái tã bông cái kim băng bị tuột. Hai bắp đùi mập mạp của đứa bé lồ lộ tất cả lần da thịt mơn mởn, "Con khỉ độc" liền ngoạm lấy, nhay nhay, suốt từ háng xuống gót, lại từ gót lên háng, sau đó thì rúc vào cái dái quả ớt của đứa bé mà hít lấy hít để.
Như có một ánh sáng khác, một bầu trời khác mở ra trước mắt Xan. Một buổi chiều ở đảo Phù Tang xa nước Xan kia. Ngọn núi Phú Sĩ phơi lơ lửng vừng trán trắng xoá giữa những sương lung linh cuồn cuộn nở. Hoa hạnh đào phơi phới nhợp trời. Một người cha đi làm về ở một xưởng máy mịt mù than bụi hay ở, ở một cánh đồng đất nâu xới, mịn tơi như bột. Quần áo hãy còn nhớp nháp, tay vẫn còn đen thui, y đã ôm chầm lấy con bé trong tay vợ đứng đón ở trước cửa cái nhà gỗ nhỏ. Y cũng đã hôn hít, cũng đã trao tất cả tình thường yêu và lòng hy vọng đời mình váo da thịt của con, cái giọt máu của y sẻ ra... Ba năm, năm năm, mười năm rồi! Hay lâu hơn nữa cũng nên, cái buổi chiều ấy mới trở lại. Mà biết đâu, biết đâu nó lại sẽ không mất hẳn với một con người đã bị chiến tranh lôi đi không còn biết tới đâu không còn biết đến bao giờ, mà cả dân tộc của bọn đi xâm chiếm và dân tộc bị xâm chiếm, đều ê chề, tàn hại.
Xan lạnh tê cả người, Xan thôi không nhìn người lính nọ đưa mắt trông lên tốp lính đứng trên xe. Và hung bạo trên những con mắt một mí và những gương mặt lầm lầm kia không còn nữa. Đó là những bộ mặt phờ phạc, ngây độn dưới ánh chiều hấp hối đã gần lẫn hẳn với bóng tối. Quần áo mầu nước dưa đen xỉn lại vá víu, xốc xếch, nó cũng bẩn thỉu tồi tàn chỉ kém một tí những quần áo rách rưới của những người chung quanh. Sự thiếu thốn khổ sở đã kêu lên cả ở những con người này với những tiếng kêu bị bóp một cách chặt chẽ hơn, quyết liệt hơn, mà nếu kẻ kêu để bọn cầm đầu hay bên ngoài nghe thấy thì cái chết đến ngay lập tức.
Trong giây phút, Xan tưởng đến bao cảnh choáng lộng đã diễn ra làm bao kẻ phải nghẹn ngào khao khát. Những dãy ôtô bóng lộn, những cờ bay phấp phới, những vàng ngọc chói ngời, và những toà nhà sực nức hương hoa của những ngày đại hội, của những dạ tiệc. Tiếng hát, tiếng đàn, tiếng kèn... âm nhạc lúc tưng bừng, lúc lả lướt, lúc loạn xạ, mê tơi đã cất lên át những tiếng rên âm u của đói và chết. Cảnh hoan lạc đã được cực điểm tranghoàng để làm quên một cuộc chiến tranh bẩn thỉu, quên rằng ngoài mặt trận kia khói và lửa đang ngút trời, từng lớp, từng lớp những người bỗng thành bia thịt, những máy bán chém người không tiếc tay, giày xéo lên xác chết để làm giầu cho một lũ lái súng, khát vàng và máu.
*
* *
Cách buổi chiều ấy không đầy hai tuần, Xan đương coi máy chạy thì nghe được một chuyện sau đây:
"Một đêm kia ở một ga nhỏ trong một hàng cao lâu đã đóng cửa, có một viên võ quan Nhật còn rất trẻ và người lính già vào gọi cà phê. Cả hai uống xong rồi vẫn ngồi thừ trên bàn, chẳng ai nói với ai một lời. Chợt người lính choàng dậy. Y móc ở trong túi áo ra một bức thư một tấm hình và một con búp bê nhỏ. Y đặt tất cả lên bàn, mếu máo nhìn rồi khóc nức nở. Xem bức thư ngắm tấm hình và mâm mê thứ đồ chơi của trẻ nọ, viên quan cũng nước mắt đầm đìa và cũng gục mặt xuống bàn mà mức nở. Đoàng... đoàng... hai tiếng súng vang lên. Mọi người đều kinh hoàng. Người lính rút súng lục của viên quan ra lúc nào không biết ghé vào thái dương mình bóp cò. Viên quan nhanh mắt giằng được súng. Người lính già liền tuột vội lưỡi lê, chạy vụt ra chỗ khác mà tự rạch nát cổ và xỉa be bét vào ngực mình. Lính đóng ở gần đấy đổ đến, thì sau một phát đạn suốt qua thái dương với khẩu súng của chính mình, viên quan trẻ tự bắn, chết gục xuống bên cái thây súng máu của người lính già tuỳ tùng".
Như có một mũi kim chói vào tâm trí Xan. Máy đương rầm rầm dưới tay Xan mà Xan cũng thần mặt ra nhìn. Cái hình thù đầy bè bè và cái bộ mặt râu ria xồm xoàm, mắt quăm quắm của trên lính mà Xan gặp buổi chiều hôm nọ đã tưởng quên đi, giờ lại hiện ra trước mắt Xan. Xan lại thấy hai cánh tay lông lá thú vật ấy giơ ra đón đứa bé bụ bẫm, và cả cái mũi, cái miệng râu ria che kín của hắn cứ rít vào tay, vào trán, vào má, vào đùi, nhất là vào háng, vào dái đứa bé. Xan lại tưởng đến một buổi chiểu xa xôi gần mờ mịt kia mà "con khỉ độc" ấy, một người cha cũng như Xan, đã ôm ấp hôn hít lần cuối cùng rồi dứt ruột ra đi.
Nước mắt Xan không vỡ ra nhưng một cảm giác đau xé ran lên khắp trí tưởng Xan. Xan thở hổn hển và vội nhăn mặt lại vì một câu hỏi:
- Người lính Nhật già kia có phải là "con khỉ độc" không? Hay cả "con khỉ độc" ấy cũng chết rồi, chết vì buổi nhớ, chán nản và đau khổ rổi?
1945

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro

Tags: