ONESHOT
"Viết trong một ngày mưa dầm, vì có người hỏi tôi một đời là bao lâu."
-----------
"Còn nhớ những ngày tháng thiếu niên ấy
Ai nấy cũng đều chân thành
Nói một lời là một lời."
Liếc trông thấy người ngồi phía sau dần dần khép hờ mắt, tôi vừa vươn tay định tắt đi tiếng nhạc đã nghe thấy giọng nói kia vang lên.
"Đừng tắt, để ông nghe thêm chút nữa."
Tôi gật đầu đáp vâng một tiếng, tiếp tục chuyên tâm lái xe. Xe sắp qua đèo dốc, tôi lên ga rồi lại thả phanh, mỗi động tác đều cẩn trọng hết mực, dù vậy người ngồi hàng ghế sau thỉnh thoảng vẫn nhăn mặt, tôi đoán là đoạn đường dốc này khiến cả người ông đau nhức.
Chúng tôi đến nghĩa trang lúc vừa chiều, chốn ấy nằm trên một quả đồi con, không cao không thấp, vừa đủ để những người nằm yên nghỉ nơi đây có thể đón lấy cái nắng nhàn nhạt một chiều thu như hôm nay, vừa đủ để một người đã ngoài bảy mươi như ông tôi, vẫn có thể leo lên được nơi đỉnh đồi, đặt cho người một bó hoa.
Tôi nhìn ông bước từng bước từng bước chậm rãi, rồi như nâng niu, như âu yếm một thứ của quý, ông nhẹ nhàng mà khẽ khàng đặt bó hoa lavender màu tím biếc xuống nền đá lạnh lẽo, giây phút đó, tôi chợt thấy ông sững người đi.
Mang hoa lavender đến viếng mộ người đã khuất thì thật không phải, nhưng lúc chọn hoa, ông nhỏ nhất mực muốn chọn nó, tôi lại nhớ đến lời mẹ dặn, hãy làm theo điều ông muốn, tôi cũng không phản đối nữa. Tôi gọi ông là ông nhỏ, và gọi người chúng tôi đang đi viếng đây, người mà lúc này như đang mỉm cười vì được đắm chìm trong cái mùi hương tinh tế dịu nhẹ của lavender, là ông lớn.
Gia đình chúng tôi là một gia đình rất kỳ lạ, mẹ từng nói với tôi thế. Ông lớn và ông nhỏ từ nhỏ đã lớn lên bên nhau, từ cái thuở còn cởi truồng tắm mưa, rồi cứ thế mãi đến khi lên cấp ba, lên đại học, rồi sau nhiều năm nữa, hai người vẫn không có ý định rời xa nhau, gia đình hai bên đều hiểu cho cái sự kỳ lạ của lẽ thường đó. Rồi họ nhận nuôi bác tôi, khi đó là một đứa trẻ mồ côi lang bạt nơi đầu đường xó chợ, sau đó là mẹ tôi, cô cháu gái ruột của ông lớn, vì khi đó ông bà ngoại ruột của tôi không may qua đời.
Một gia đình được tạo nên từ những điều không tưởng đó, cứ thế mà ở bên nhau, mãi cho đến khi mẹ tôi từ một cô bé nước mắt lấm lem, xin mọi người đừng vùi lấp bố mẹ mình bằng những nắm đất kia, phải lòng một chàng trai ngoại quốc, rồi theo người ta về xứ người. Tôi vẫn nhớ có lần bác hai đến chơi, lúc bế tôi có một câu:
"Ông nhỏ thương mẹ con lắm, nhưng ông không nói ra, sợ mẹ con lại buồn. Từ ngày mẹ con đi ông cứ ủ rũ không vui, mỗi bữa ăn ít hơn, cứ rảnh rỗi là lại ra ngoài cửa trông ngóng, nhưng đợi mãi chẳng thấy mẹ con chạy về nhào vào lòng ông như xưa."
Nhưng sau đó mẹ tôi cũng biết chuyện, liền vượt nửa bán cầu bay về bên ông, bác bảo lúc đó ông vui lắm, đã lâu lắm rồi chưa thấy ông vui đến vậy. Tất cả chúng tôi đều lo cho sức khỏe của ông nhỏ, nhưng điều không ngờ tới là, người ra đi trước lại là ông lớn.
Đó là một chiều mưa buồn Moskva, mẹ tôi một tay cặp nách em tôi, đứa trẻ cứ hai giờ đêm lại bật khóc, một bên nghe điện thoại, sau đó tay mẹ run run, chạy vào ôm chầm lấy bố, nói ông lớn mất rồi. Mấy ngày sau chúng tôi ngồi máy bay hơn nửa ngày trời về Trung Quốc. Mẹ kể lúc đầu vài ba tháng mẹ lại về thăm ông một lần, nhưng sau này vì có tôi, công việc của bố lại hay phải luân chuyển, không biết tự bao giờ tất cả mọi lời hỏi thăm, mọi cái ôm hôn đều chỉ qua điện thoại, mẹ nói mẹ rất hối hận, mấy năm nay luôn nghe ông lớn nói hai người đều rất khỏe mạnh, không có gì đáng ngại, lại chẳng ngờ ông lớn lại là người ra đi trước, lần này trở về đã là cách biệt âm dương.
Mẹ bảo lúc nhỏ ông nhỏ từng bế tôi, nhưng hiển nhiên là tôi chẳng có chút ấn tượng nào, vậy nên trong đám tang ông lớn năm đó, coi như là lần đầu tiên tôi gặp ông. Ông cao hơn tôi nghĩ, lưng cũng không gù đi, tóc ông đã bạc đi hơn nửa, dù mắt đã mờ đi, đi lại cũng không thuận tiện như trước nhưng dù là lúc người ta bỏ ông lớn vào cái hũ kín mít đó, hay lúc người ta đưa ông lớn đi, ông vẫn luôn có mặt. Khác với mọi người, tôi không thấy ông khóc, ông chỉ cười hiền, cười như cách bố tôi nhìn mẹ tôi mỗi khi bà dỗi hờn, ông cười nhìn người đã nắm tay mình đi cả một đời, hẳn là ông hy vọng người ấy an lòng ra đi.
Sau lần đó mẹ tôi rất đau lòng, nhưng bà chẳng thể ở bên ông nhỏ được lâu, bởi mẹ tôi lại có mang, bà muốn ông nhỏ chuyển đến ở với vợ chồng bà, hay chí ít là để bác hai tôi mang về chăm sóc, nhưng ông nhỏ không chịu, ông không muốn rời khỏi cái chốn này, bởi nơi đây có ông lớn, có cả một đời của ông. Mẹ tôi khi đó đành quay về, định bụng sinh xong sẽ lại về thăm ông, nhưng đứa em xấu số của tôi còn chưa kịp cất tiếng khóc chào đời đã về với Chúa, mẹ tôi cũng từ đó mà liên miên trên giường bệnh, ông nhỏ cũng bệnh, ông bệnh vì tuổi già, vậy là từ đó đến nay cha con hai người chỉ có thể nhìn nhau qua màn hình, mỗi lần nói chuyện với ông nhỏ xong mẹ tôi đều khóc, bà bảo bà sợ ông cũng như ông lớn, không nói lời nào mà đã đi.
Mãi đến năm nay, vào một buổi chiều mấy hôm trước, mẹ bần thần nhìn tôi một hồi lâu rồi chợt thốt lên:
"Con giống ông lớn quá!"
Mẹ bảo tôi nhân dịp còn mấy ngày nghỉ trước khi vào đại học, về thăm ông nhỏ một chuyến, nghe bác hai nói gần đây sức khỏe của ông có chuyển biến tốt, mẹ bảo tôi về ở với ông vài ngày, trò chuyện rồi đưa ông đi viếng mộ ông lớn, nằm viện liên miên mấy tháng, chắc ông nhỏ nhớ ông lớn lắm.
Kỳ lạ là ở cái chốn này mọi thứ đối với tôi đều lạ lẫm, trừ ông nhỏ. Tôi đến từ sớm hôm qua, ông gặp tôi thì cười hạnh phúc lắm, dù vết chân chim đã hằn đè lên đôi mắt ấy, tôi vẫn thấy ông nhìn tôi hiền dịu, chẳng hiểu sao nhìn vào mắt ông khi đó, tôi phảng phất nhìn thấy cả một đời người như cuốn phim chầm chậm lướt qua, lại nhớ tới lời mẹ nói, chắc ông nhỏ vui lắm, vì tôi giống hệt như ông lớn.
Tôi ở lại căn nhà nhỏ đó một đêm, đến hôm nay thì ông nhỏ nhờ tôi đưa ông lên đồi viếng ông lớn. Tôi đứng cách ngôi mộ vài bước, chừa lại một khoảng trống cho hai người, ông nhỏ nói nhiều lắm, nhưng ông nói nhỏ, như thì thầm thủ thỉ, tôi nghe câu được câu mất, ông kể chuyện lúc nhỏ hai người đánh nhau vì giành một cái bánh, ông lớn lúc đó cao hơn ông nhỏ nửa cái đầu dù hai người chỉ hơn kém nhau một tuổi, nhưng lần nào ông nhỏ cũng đánh thắng, mãi sau này ông mới biết là ông lớn luôn nhường ông.
Lại nghe thấy ông nhỏ kể chuyện hồi trẻ, tôi loáng thoáng nghe thấy hai chữ Nguyên Nhi, ông nhỏ tên đầy đủ là Trương Gia Nguyên, Nguyên Nhi chắc là cách mà ông lớn gọi ông nhỏ. Tôi cũng loáng thoáng nghe thấy ông nhỏ gọi tên ông lớn, tên ông lớn đẹp lắm, là Châu Kha Vũ, tiếng Trung của tôi không tốt lắm, không hiểu rõ bên trong ẩn giấu điều gì, nhưng chắc hẳn là rất hay, bởi mỗi lần ông nhỏ nhắc đến, mắt ông đều sáng rực lên, như thể cái tên ấy, hay đúng hơn là con người ấy, đã thắp sáng cuộc đời ông.
Ông nhỏ nói chuyện với ông lớn một hồi, chỉnh lại vị trí bó hoa năm mười lần sau đó mỉm cười hồi lâu rồi chúng tôi mới rời đi. Ông nhỏ bảo tôi chạy xe đến xóm nhỏ ngoại ô, nơi đó là nơi ông lớn lên, tôi thấy sắc trời vẫn còn sớm, lại thêm sức khỏe ông cũng tốt lên nhiều, bèn vâng lời lái xe đi.
Xe chúng tôi dừng ở ngoài đường lớn, hẻm nhỏ nơi mà ông lớn lên đúng thực là nhỏ, xe tôi không lái vào được, tôi còn chưa kịp hỏi ý ông nhỏ đã thấy ông bước xuống xe, từng bước chậm rãi đi vào con hẻm nhỏ đó. Tôi cũng khóa xe lại rồi vội vàng chạy theo ông.
"Ánh bình minh nơi trạm xe lửa
Con phố ngập bóng đêm không người qua
Quán nhỏ bán đậu phụ nghi ngút khói sương."
"Nghe hay không?" Ông nhỏ vừa ngâm nga câu hát, vừa quay đầu mỉm cười hỏi tôi.
Tôi hơi giật mình, vội gật đầu như giã tỏi. Thấy tôi như vậy nụ cười trên môi ông nhỏ càng đậm hơn.
"Cháu đúng là giống ông ấy thật. Ngày xưa lúc ông hỏi câu đó, ông ấy cũng gật đầu lia lịa như cháu vậy."
Tôi tiến lên vài bước đỡ lấy ông nhỏ, nghe ông kể chuyện.
"Chỗ này lúc trước là một cửa tiệm bán bánh quẩy và sữa đậu, sáng nào ông và ông lớn của cháu cũng đến đây ăn sáng rồi đi học, mãi đến sau này chủ nhà mất, con của ông ấy cũng rời đi nơi khác."
Tôi nghe ông chậc lưỡi, giọng đầy hoài niệm.
"Ông lớn của cháu ý à, đào hoa lắm, có lần bị một cô bạn cùng lớp theo đuổi, cô bạn đó sáng nào cũng đến trước cửa nhà gọi, gọi đến ông cũng tỉnh luôn mà ông lớn cháu vẫn chết dí trong nhà, nhất quyết không chịu ra."
Tôi bật cười.
"Ông lớn của cháu tính hiền lành, không giỏi từ chối người khác. Mãi đến một hôm cô bạn kia không hiểu sao lại chặn đường bọn ông, sau đó chỉ vào mặt ông chất vấn ông lớn cháu sao có bạn gái rồi mà không nói với cô ấy."
Tôi nương theo câu kể của ông nhỏ, cười lớn hơn.
"Cháu có biết ông lớn cháu trả lời thế nào không?"
"Thế nào ạ?"
Ông nhỏ nghiêm mặt lại nhìn tôi: "Lúc đó mặt ông lớn cháu nghiêm túc như thế này này, nói đó không phải là bạn gái tôi..."
"Mà là bạn trai."
Nói rồi ông bật cười, cười đến cả người xiêu vẹo, cười chảy nước mắt.
Tôi thấy ông đang vui, bèn nhân cơ hội nói ra thắc mắc trong lòng.
"Hai người... yêu nhau từ lúc đó ạ?"
Ông nhỏ vỗ vỗ tay tôi, cười nhìn về nơi xa xăm trước mặt.
"Ông lớn cháu mà được như vậy thì đã không phải là ông lớn cháu rồi. Lúc đó nghe ông ấy nói xong ông cũng hoang mang lắm, nằm thao thức suy nghĩ suốt một đêm. Kết quả là qua hôm sau ông ấy lại làm như không có chuyện gì, không thèm nhắc lại luôn."
"Đúng là quá đáng thật." Tôi gật gù hùa theo ông nhỏ "Ông nhỏ cháu ưu tú như vậy, không nhanh tay là bị người khác cướp mất đấy."
"Chứ còn gì nữa! Hồi đó ông là người được theo đuổi nhiều thứ hai trong trường đấy!"
"Thế người thứ nhất là ai ạ?"
"... Ông lớn cháu."
Tôi nín nhịn không cười nhưng bả vai cứ run bần bật.
"Rồi sao nữa ạ?"
"Thì mãi đến gần nửa năm sau, lúc đó bố của ông muốn xuống phía Nam lập nghiệp, còn đòi mang cả gia đình theo." "Lúc đó ông đã sắp bước lên tàu thì đột nhiên nghe thấy có người gọi tên mình. Sau này có người kể cho ông biết, ông lớn cháu đang ngồi trong lớp, đột nhiên vùng dậy chạy đi, thầy giáo lẫn bảo vệ lúc đó đều không kịp cản." Ông cười, phảng phất như nhìn thấy khung cảnh đó ngay trước mắt "Lúc đó ông ấy hét lớn tên ông, tất cả mọi người ở đó đều nghe thấy, ngại chết đi được! Cháu giống ông ấy cái khác thì được chứ đừng giống cái tính ngốc nghếch khù khờ kia, nghĩ sao mà chạy tới nơi chỉ biết gọi mỗi tên ông, chỉ biết gọi tên thôi! Ông chờ mãi mà chả thấy ông ấy nói gì nữa hết!"
Tôi bật cười, vuốt nhẹ sóng lưng, giúp ông hạ hỏa.
"Sau đó thì sao ạ?"
"Sau đó ý hả?" Ông nhỏ cười khẩy một tiếng "Thì ra vẫn còn có người điên hơn. Là bố ông, khi đó bố ông thấy ông lớn của cháu lưu luyến ông quá bèn gửi ông lại cho nhà ông lớn cháu nuôi luôn."
"..." Tới giờ tôi mới thấm thía hai chữ "kỳ lạ" mà mẹ tôi dùng để miêu tả gia đình chúng tôi, đúng là "nhà dột từ nóc" mà.
Bỗng một trái bóng tròn từ đâu lăn đến chân chúng tôi, tôi cúi người xuống nhặt nó lên, đặt vào tay bé gái vừa chạy tới. Đứa bé mặc một chiếc váy màu hồng, trông rất đáng yêu, lúc nhận bóng từ tay tôi còn cười một cái, để lộ mấy cái răng sún.
"Còn nhớ lúc ông và ông lớn cháu mang mẹ cháu về nuôi, mẹ cháu cũng lớn tầm ấy." Ông hơi nheo mắt, muốn nhìn cho rõ hình dáng thiên thần nhỏ bé kia.
"Mẹ cháu nhớ ông lắm, mẹ vẫn nói chỉ cần sức khỏe mẹ tốt lên mẹ sẽ về đây ở với ông."
"Thôi, cái thân già này đã gần đất xa trời, đừng vì ông mà cực nhọc nữa." Ông vỗ vỗ tay tôi, nói tiếp "Bà ngoại cháu là một người rất khéo tay, rất giỏi tết tóc, khi mới đón mẹ cháu về, lần nào ông chải tóc cho nó cũng khóc, bảo ông tết tóc xấu quá." Ông nhỏ cười khà khà "May mà có ông lớn cháu khéo tay, không thì chắc mẹ cháu khóc lụt nhà mất."
Tôi nương theo tiếng cười của ông cũng bật cười. Chúng tôi vừa đi vừa nói chuyện, ông chỉ cho tôi xem rất nhiều thứ, nào là ngôi trường nhỏ nơi khi xưa hai người học cấp một, giờ đã được xây dựng khang trang hơn nhiều. Hay như trạm xe lửa khi xưa ông lớn "theo đuổi" ông nhỏ, giờ đã không còn hoạt động, người lui tới đây chỉ để tham quan.
Sắc trời dần tối, nghe thấy tiếng ông ho, tôi bèn mở lời đưa ông về.
"Già rồi già rồi, mới nói chuyện có một buổi đã thấy mệt." Ông xua tay với tôi, tỏ ý không sao "Người ta nói người già thường hay hoài niệm, giờ mới thấy, đúng là như vậy thật."
Buổi tối về nhà, tôi lấy từ đống đồ vừa mua, rồi làm một bữa cơm nhỏ, tất cả đều là món ông nhỏ thích, là mẹ trước khi đi đã dạy tôi. Ông nhỏ vui lắm, ông ăn còn nhiều hơn hôm qua, cả buổi cùng tôi cười nói, trông ông như trẻ lại mười tuổi, ông còn nói muốn cải tạo lại khu vườn sau nhà, trồng một vườn lavender, vậy thì sau này khi đi viếng ông lớn không cần phải mua hoa nữa.
Nhưng ăn tối xong ông lại than buồn ngủ, tôi đoán đi cả buổi chiều chắc ông cụ đã mệt bèn dìu ông về giường. Phần tôi quay ra rửa chén, lại dọn dẹp một chút, tiện thể lên mạng lượn một hồi, mua chút hoa lavender, đương nhiên là hoa đã trồng sẵn trong chậu, mua về chỉ cần tưới chút nước là được.
Mọi việc xong xuôi đã là hơn một tiếng sau, buổi đêm nơi vùng quê yên bình này rất tĩnh lặng, khiến lòng người thư thái, tôi quyết định ngủ sớm một hôm. Lúc đi ngang qua phòng ông nhỏ, chợt có thứ gì đó níu bước chân tôi. Tôi suy nghĩ một chút rồi mở cửa phòng.
Chợt tôi nghe thấy tiếng hơi thở gấp gáp, hỗn loạn của người nằm trên giường. Tôi vươn tay bật công tắc đèn ngay tức khắc, tôi chạy đến bên giường, thấy ông nhỏ nhắm nghiền mắt, hô hấp khó khăn, cả người đổ mồ hôi lạnh.
Hai giờ sáng, vì đường xá xa xôi, lúc này chúng tôi mới đến được bệnh viện tỉnh. Bác hai cũng đến, nhìn thấy tôi ngồi ngoài phòng ICU không ngừng tự trách mình, bác bèn an ủi tôi.
"Đừng lo, ông lớn cháu không để ông nhỏ cháu xuống đó sớm vậy đâu."
Nhưng thực tế không được như chúng tôi nghĩ, bệnh tình của ông nhỏ chuyển biến quá nhanh, chỉ trong một tuần, vào một buổi chiều mưa tầm tã, bác sĩ gọi tôi và bác hai lại, nói hy vọng chúng tôi đưa ông về nhà, để ông được thanh thản mà ra đi.
Cuối cùng tôi vẫn không dám gọi cho mẹ, người thông báo là bác tôi. Tôi nghe tiếng mẹ tôi khóc qua điện thoại, cùng với đó là lời nài nỉ bác tôi.
"Anh nói với bố, nhớ nói với bố, nhất định phải chờ em, chờ em về..."
Tối hôm đó, bác lái xe suốt nửa tiếng đồng hồ đưa ông về, chúng tôi đặt ông trong phòng, chậu lavender tôi đặt mua mấy hôm trước cũng vừa được giao tới, tôi đặt nó bên cạnh cửa sổ, chỉ cần mở mắt dậy là ông nhỏ có thể nhìn thấy.
Ông trời trêu người, ông chẳng mảy may thương xót mẹ tôi, Moskva đột nhiên có bão tuyết, tuyết che kín cả bầu trời, không một hãng bay nào dám đưa người vượt nửa vòng Trái Đất trong lúc này. Ngày nào mẹ cũng gọi, nói ông nhất định phải đợi mẹ.
Lại một chiều mưa, nghe nói ngày mai mẹ tôi đến, ông vui lắm, sức khỏe cũng tốt lên nhiều, buổi tối còn ăn được một bát cháo đầy. Bác tôi cũng vui, vừa ăn vừa cười, cười đến chảy nước mắt.
Mấy hôm nay vì lo sợ bệnh tình của ông đột ngột trở nặng, mỗi đêm tôi đều không dám ngủ say. Hiếm được như hôm nay, tôi yên tâm nằm say giấc. Chẳng biết qua bao lâu, chợt nghe thấy tiếng bác hai gọi tôi dậy, tôi mơ hồ tỉnh dậy, được bác dúi vào tay một bộ quần áo cũ kĩ, lúc này tôi mới hoàn toàn tỉnh ngủ, thấy hai mắt bác đỏ hoe.
"Mặc cái này vào rồi qua nói chuyện với ông nhỏ cháu một lúc... Ông nhỏ cháu, chắc là... cháu giống ông lớn lắm, chắc ông nhỏ nhớ ông lớn lắm, xin cháu... làm ông vui..."
Bộ quần áo bác hai đưa tới là một bộ đồng phục cấp ba, chữ trên bảng tên đã nhòe đi nhiều, chẳng còn nhìn rõ nữa, nhưng tôi nghĩ đó chắc hẳn là ba chữ "Châu Kha Vũ" nhỏ nhắn ngay ngắn, là cái tên ông nhỏ tôi khắc sâu trong tim.
Tôi mở cửa bước vào phòng, bên ngoài trời tí tách mưa, những hạt mưa bay nghiêng qua cửa kính, chậu lavender màu tím nhẹ tỏa hương.
Tôi đến ngồi bên giường, bật chiếc đèn đã cũ kế bên, nương theo ánh đèn, tôi thấy ông nhỏ từ từ mở mắt nhìn tôi.
"Kha Vũ..." Ông khẽ gọi "Kha Vũ... là anh phải không..."
""Anh đi đâu thế... Nguyên nhớ anh lắm..."
Có lẽ vì bản thân tôi đã giống ông lớn, lại cộng thêm bây giờ tôi đang mặc trên người bộ đồng phục cũ của ông, có lẽ do bệnh tình triền miên dày vò khiến ông nhỏ không còn minh mẫn, hoặc có lẽ chỉ vì ông quá nhớ nhung người đó, người mà ông yêu, nên lúc này đây, ông mới nhận nhầm tôi thành ông lớn.
Ông muốn vươn tay ra, nhưng chút sức lực còn lại chẳng đủ để ông làm điều đó. Tôi nắm lấy tay ông, khoảnh khắc đó, một giọt nước mắt khẽ rơi xuống trên gò má hao gầy đó.
"Kha Vũ... may quá, anh ở đây rồi... Đừng đi nữa được không, anh muốn gọi em là Nguyên Nhi bao nhiêu lần cũng được... em không giận anh nữa... Anh đừng đi... Nguyên Nhi của anh... đau lắm..."
Chẳng biết thần trí ông đã lạc về phương nào, tôi ngồi một bên, lẳng lặng nghe.
"Châu Kha Vũ là đồ ngốc... sao anh không nhận ra em đã thích anh từ lâu rồi... còn suốt ngày cười cười nói nói với người khác..."
"Châu Kha Vũ... anh điên rồi hay sao mà đi mua nhà... chúng ta làm gì có nhiều tiền như thế..."
"Châu Kha Vũ... anh mắng con đi... không được chiều nó như vậy..."
"Kha Vũ... hôm nay là sinh nhật em... điều ước của em là... muốn bên anh cả đời..."
"Kha Vũ..." Tôi nghe giọng ông nhỏ dần, đôi mắt từ từ khép lại "Kha Vũ..."
"Được gặp anh... em vui lắm.... Thật đấy...."
"Dù là lúc nào đi chăng nữa.... gặp được anh... em đều rất vui..."
"Cho dù cái giá phải trả là gì đi nữa... Em đều muốn... gặp anh..."
-------------------------------------------------
"Bầu trời ngày trước chầm chậm thay đổi
Ngựa, xe, bưu phẩm cũng thật chậm
Nên một đời chỉ đủ để yêu một người."
"Nguyên Nhi... Nguyên Nhi... Đợi anh với!"
"Đã bảo đừng có gọi tôi là Nguyên Nhi! Nghe giống con gái chết đi được!"
"Vậy... anh không gọi nữa... Em sao thế... giận anh hả?"
"Ai thèm giận anh!"
"Không giận mà sao không chờ anh về chung?"
"Chẳng phải đã có người đợi anh về chung rồi sao?"
"Ai? Có ai đâu?"
"Anh... anh nghĩ tôi mù chắc! Chứ con nhỏ đứng trước cửa lớp anh không phải đợi anh à?"
"À... Phương ấy hả... Nhỏ thích anh thật, nhưng mà anh từ chối rồi."
"Sao... sao anh từ chối người ta nhanh thế... Không... thử thử à..."
"Thử gì chứ, Nguyên cứ đùa."
"Anh có người anh thích rồi, ngoài người đó ra, anh không muốn yêu đương với ai nữa hết."
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro