Người Việt thiếu sâu sắc
Liên quan đến nhan đề bài viết này, có hai điều tôi xin được nói ngay: một, đó không phải là phát hiện của tôi; hai, bất kể ai là người đầu tiên phát hiện, nhận định ấy cũng đã trở thành một ý kiến khá phổ biến. Phổ biến đến bình thường, thậm chí, tầm thường, có lẽ chẳng còn làm cho người nào ngạc nhiên hay khó chịu nữa cả. Hầu như ai trong chúng ta cũng biết vậy. Và chấp nhận vậy.
Người đề cập đến vấn đề này gần đây nhất là Vương Trí Nhàn. Trong bài “Cái mà chúng ta thiếu nhất là sự sâu sắc” vào đầu năm nay, Vương Trí Nhàn nhận định là hầu hết các cuộc tranh luận tại Việt Nam đều khá nhếch nhác và hời hợt. Nhếch nhác vì thiếu văn hoá tranh luận, vì xuất phát từ động cơ cá nhân, vì nhắm đến việc hạ nhục người khác hơn là cố làm sáng tỏ vấn đề. Nhưng theo Vương Trí Nhàn, điều đáng nói nhất là sự hời hợt: “người viết thường không đặt được vấn đề đúng với tầm vóc nó có thể có, lại càng không tìm được cách lý giải có sức thuyết phục”.
Vương Trí Nhàn cũng thừa nhận cái bệnh hời hợt ấy đã có từ lâu. Ông dẫn lời của Thạch Lam, trong cuốn Theo dòng, từ đầu thập niên 1940: “… ở nước ta, bất cứ phong trào gì đều có một tính chung là nông nổi, chỉ hời hợt bề ngoài. Cái mà chúng ta thiếu nhất là sự sâu sắc. Bởi ta không chịu phân tích và suy xét kỹ nên bất cứ vấn đề gì chúng ta cũng không biết được rõ ràng và chu đáo, biết một cách thấu suốt.”
Rồi Vương Trí Nhàn kết luận: “Ở lĩnh vực nào không biết, chứ riêng đối với những cuộc tranh luận hôm nay thì nhận xét đó giống như một sự tiên tri, không ai cãi lại nổi.”
Thú thực, tôi cũng không cãi lại nổi.
Tuy nhiên, tôi muốn đặt vấn đề: Tại sao người Việt chúng ta lại thiếu sâu sắc trầm trọng và triền miên như vậy?
Trước hết, thế nào là “sâu sắc” trong tranh luận hay nhận định? Theo tôi, một ý kiến sâu sắc phải bao gồm ít nhất hai đặc điểm chính: một, có tính phân tích cao và hai, có độ khái quát hoá lớn.
Một ý kiến có tính phân tích cũng giống như một hiện trường khảo cổ, ở đó, đất đai được đào xới hết lớp này đến lớp khác; mỗi địa tầng tiết lộ một hiểu biết mới. Nhìn cây mà chỉ thấy cây thì không phải là phân tích. Nhìn cây mà thấy cả đám rễ chằng chịt phía dưới mới là phân tích; thấy được cả cấu tạo của thổ nhưỡng đối với rễ cây ấy mới là phân tích sâu; thấy được cả ảnh hưởng của khí hậu đối với thổ nhưỡng, và ảnh hưởng của các yếu tố khác đối với khí hậu, sự phân tích lại càng sâu sắc hơn nữa. Nói cách khác, phân tích là nỗ lực phát hiện các quan hệ. Quan hệ càng xa và càng vượt ra ngoài những kiến thức thông thường và càng vượt ra ngoài những gì mọi người có thể quan sát bằng mắt, tính phân tích càng sâu.
Nhìn cây mà chỉ thấy cây, không phải là khái quát. Nhìn cây mà thấy hoặc gợi cho người khác thấy cả rừng mới là khái quát. Tính khái quát hoá giúp người ta vượt ra ngoài những hiện hữu cụ thể, gắn liền với trực quan.
Khả năng phân tích là điều có thể được đào luyện. Một trong những mục đích chính của nền giáo dục hiện đại là nhằm rèn luyện khả năng phân tích, từ việc phân tích một từ, một câu nói, một tác phẩm đến một hiện tượng xã hội, chính trị hay văn hoá. Việc người Việt Nam thiếu khả năng phân tích, do đó, chủ yếu, gắn liền với giáo dục. Ở đây có hai vấn đề: Thứ nhất, truyền thống giáo dục Việt Nam ngày xưa, kéo dài cả hàng ngàn năm, không hề đề cao sự phân tích. Cứ mở miệng ra nói “Tử viết” (thầy Khổng nói rằng...; thầy Mạnh nói rằng...; Lão tử nói rằng...), v.v.. là vấn đề coi như đã giải quyết xong. Hết chuyện. Sau này, mang tiếng là đã ít nhiều hiện đại hoá, nhưng nền giáo dục Việt Nam vẫn không thoát khỏi ảnh hưởng của quyền lực, của sự mê tín và cuồng tín, không nhằm phát huy năng lực phân tích của học sinh và sinh viên.
Dù vậy, vì gắn liền với giáo dục, việc thiếu khả năng phân tích không phải là một khuyết điểm đáng để tuyệt vọng. Chỉ cần, một lúc nào đó, thay đổi được giáo dục, khả năng phân tích sẽ được đào luyện và phát triển. Vấn đề là thời gian.
Đáng quan tâm hơn là khả năng khái quát hoá. Một phần, năng lực khái quát gần với năng khiếu hơn là giáo dục: nhiều người, ngay từ thời cổ đại, đã chứng tỏ một năng lực khái quát hoá phi thường, nhờ đó, xây dựng được những hệ thống triết học lớn, có sức bao trùm hầu như toàn bộ các vấn đề mà nhân loại phải đối diện, do đó, ảnh hưởng kéo dài cả hàng ngàn năm. Phần khác, tính khái quát hoá dường như còn gắn liền với ngôn ngữ mà chúng ta sử dụng.
Điều này đã được nhà văn Võ Phiến phân tích một cách sâu sắc trong bài “Đố ky cái trừu tượng” viết nhân ngày tưởng niệm Phạm Quỳnh vào năm 1999 (sau, in lại trong cuốn Tuyển Tập do Người Việt xuất bản tại California, 2006, tr. 343-351). Theo Võ Phiến, ngay từ những thập niên đầu tiên của thế kỷ 20, Nguyễn Văn Vĩnh và Phạm Quỳnh đã nhận ra khuyết điểm của tiếng Việt: nó giàu về phần “hình nhi hạ” mà nghèo về phần “hình như thượng”; nó có tính cách cụ thể hơn là trừu tượng; nó hợp với loại văn nghệ thuật hơn loại văn luận thuyết.
Võ Phiến cũng nhấn mạnh: Nguyễn Văn Vĩnh và Phạm Quỳnh, thật ra, không phải là người đầu tiên phát hiện ra những điều ấy. Ông trích một nhận xét của giáo sĩ F.X. Marette trong tập “Biên niên truyền giáo” (Annales de la propagation de la foi) xuất bản tại Paris năm 1833: “Việt ngữ phong phú về tiếng để diễn tả những cái thông thường và có thể cảm nhận được, nhưng nghèo về loại tiếng dùng vào các kỹ thuật cơ khí và các ngành mỹ thuật; Việt ngữ tuyệt đối không có tiếng để diễn tả các ý tưởng trừu tượng.” (tr. 345).
Ý thức được khuyết điểm ấy, Phạm Quỳnh phát động phong trào “đào luyện” và “bồi bổ” quốc văn bằng cách sáng chế và/hoặc du nhập thật nhiều các từ trừu tượng để hy vọng, đến một lúc nào đó, tiếng Việt phong phú và đa dạng đủ để diễn tả không những hết các cung bậc cảm xúc mà còn hết các vấn đề triết lý sâu xa.
Gần một thế kỷ trôi qua, những nỗ lực ấy có đâm hoa kết quả gì chưa? Võ Phiến bi quan: Hình như chưa! Độ trừu tượng của tiếng Việt vẫn chưa cao, khả năng biện luận của người Việt vẫn chưa giỏi; cái gọi là một nền quốc học Việt Nam với những tư tưởng riêng vẫn là một ước mơ thấp thoáng (tr. 348).
Võ Phiến dường như hơi hơi tuyệt vọng. Ông cho những khuyết điểm ấy gần như gắn liền với “bẩm chất” của người Việt. Nói một cách nôm na: “Trời sinh ra dân ta vốn không thoải mái đối với những gì là tư tưởng, là lý luận, những gì trừu tượng” (tr. 347). Tự nhiên nhớ lời than thở quen thuộc lâu nay, nghe nói xuất phát đầu tiên từ Hoàng Ngọc Hiến: “Cái nước mình nó thế!”
Tôi đồng ý với những sự phân tích của Võ Phiến nhưng tôi không tuyệt vọng như ông.
Theo tôi, một thế kỷ chưa phải là nhiều để bù đắp những khuyết điểm vốn đã kéo dài từ hàng ngàn năm trước. Nhất là trong thế kỷ vừa qua, không phải lúc nào chúng ta cũng thanh thản và tập trung theo đuổi con đường “bồi bổ quốc văn” mà Phạm Quỳnh khởi xướng. Gần một phần ba thời gian ấy, chúng ta chạy bổ vào con đường “đại chúng hoá” với những lời ăn tiếng nói nôm na, dân dã và hết sức cụ thể. Tính trừu tượng và cùng với nó, độ khái quát hoá của ngôn ngữ, vốn đã yếu, do đó, lại càng què quặt hơn nữa.
Một công việc như Phạm Quỳnh từng hô hào vào đầu thế kỷ 20 không chừng vẫn là một nhiệm vụ khẩn thiết của chúng ta hôm nay. Để thoát khỏi số phận “thiếu sâu sắc” triền miên của dân tộc.
Có phải vậy không?
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro