C.729
Tôi nghe là biết bà già này đang bực dọc rồi, thế là vội nói: “Nếu anh Lý không muốn hiếu thuận với bà thì sao còn đưa bà về thành phố ở cùng? Lúc anh ấy muốn đón bà về thành phố thì bà không đồng ý! Giờ sao lại trách anh ấy?”
Bà cụ Lý nói với vẻ giận dữ: “Lúc đó là vì ta suy nghĩ cho nó nên mới không muốn vào thành phố làm nó liên lụy. Nhưng không ngờ rằng nó lấy vợ xong là quên luôn mẹ, sau khi kết hôn, nó chẳng đưa cháu trai về thăm ta lần nào! Còn con vợ kia của nó nữa! Ngoài miệng thì nói dễ nghe lắm, nhưng ai biết trong lòng nó nghĩ gì?!”
Tôi nghe mà thấy bà cụ này cũng quá khắc nghiệt rồi! Với cái tính này của bà ta… có được cô con dâu tốt tính như chị Lý đúng mà may mắn! Giờ khác với trước kia, mấy con dâu thường có khoảng cách với bà mẹ chồng, nếu ở chung hòa thuận được với nhau thì đúng là phải thắp hương cầu nguyện ơn trời rồi! Lại còn muốn con dâu coi bà như mẹ ruột mà cung phụng nữa à? Muốn vậy thì bà cũng phải coi con gái người ta như con ruột của mình trước đã chứ!
Bà cụ Lý này thời trẻ thủ tiết để tang chồng, một thân một mình nuôi dưỡng con trai, chắc chắn là khi ở nhà, bà ta coi con trai mình còn cao hơn trời, chẳng ai bằng anh ta cả. Nếu là thời xưa thì kiểu suy nghĩ này chẳng có vấn đề gì cả, nhưng đặt ở xã hội hiện đại bây giờ thì không được.
Lại nhắc đến chị Lý kia, tuy nhìn bề ngoài thì tốt tính thật đấy, nhưng chắc chắn bên trong cũng giả vờ giả vịt không kém, sao chị ta có thể không nhận ra mẹ chồng đối xử lạnh nhạt với mình chứ, thế thì làm sao chị ta có thể đối xử chân thành với bà cụ Lý được?
Chú Lê lại khuyên bà cụ Lý: “Bà chị à, cho dù chị thấy uất ức nhưng cũng không thể hại chính con mình được! Trước kia chị cũng làm nghề này, chẳng lẽ còn không biết nếu cứ tiếp tục thì sẽ gây hậu quả gì à? Hay là bây giờ chị đã bị mất bản tính nên không còn quan tâm đến thằng bé nữa rồi?”
“Đương nhiên là không phải! Nó từng là cả thế giới của tôi, chỉ là bây giờ tôi không phải cả thế giới của nó mà thôi…” Bà cụ Lý nói với vẻ xót xa.
Tôi thấy bà già này cũng là một người đáng thương, chỉ trách bà ta không đến sống cùng con trai mình từ sớm để trở thành một phần trong cuộc sống của anh ta, cứ sống một mình như thế, để đến mức biến mình thành kẻ độc địa, cuối cùng ngay cả con trai ruột cũng không thể sống nổi với mẹ.
Tuy bà ta có chỗ đáng thương, nhưng người đáng thương tất có chỗ đáng giận và những oán hận này không thể trở thành lý do để bà ta níu kéo cuộc sống ở nhân gian được! Người chết rồi thì phải về với lòng đất, với cái kiểu nửa sống nửa chết này của bà ta là làm trái với ý trời.
Tôi nghe chú Lê hạ giọng: “Bà chị, buông bỏ đi, dù cho chị có giãy giụa thế nào thì kết quả cũng giống nhau thôi, chẳng bằng thừa dịp bây giờ chị vẫn chưa tạo nhiều sát nghiệp mà thu tay lại, như thế khi xuống dưới sẽ ít chịu khổ hơn. Còn nữa, chẳng lẽ chị không ngẫm lại vì con mình sao? Nếu còn tiếp tục như vậy thì dù chị không tự tay hại chết nó, thì nó cũng sẽ xui xẻo vì bị âm khí quấn thân! Nhẹ thì sự nghiệp không thuận, nặng thì khó mà giữ được mạng sống!”.
Bà cụ Lý vẫn cúi đầu không nói lời nào, như đang do dự, tôi bèn tiếp tục khuyên: “Nếu bà lo lắng xuống dưới kia phải chịu khổ thì có thể tìm bạn của cháu, chỉ cần bà nói tên cháu ra, có thể họ sẽ nể tình mà giúp bà được dễ chịu hơn…”
Bà cụ Lý từ từ ngẩng đầu lên hỏi: “Bạn của cậu là ai mà có bản lĩnh lớn vậy?”
“Là Hắc Bạch Vô Thường!” Thật ra tôi cũng không chắc sau khi bà cụ Lý báo tên tôi ra, hai lão kia có thể “giảm hình phạt” cho bà ta hay không, nhưng chẳng phải có còn hơn không à?
Bà cụ Lý nghe tôi nói thế thì hơi híp mắt lại, có vẻ không tin tưởng mấy, tôi có hơi tức giận: “Chúng ta đều là đồng nghiệp cùng nghề cả, nếu bà còn sống thì có lẽ cháu sẽ lừa bà đấy, nhưng bà đã thành hồn ma rồi, cháu còn lừa bà làm gì! Nhưng cháu nói trước, nếu bà nhận được ơn của cháu, đến khi cháu xuống địa phủ thì bà phải trả nợ đấy!”
Chú Lê nhìn tôi với ánh mắt bất đắc dĩ, chắc ông ấy cảm thấy vào lúc này mà tôi còn cò kè mặc cả với một hồn ma thì được cái tích sự gì? Thực chất tôi nói như vậy chỉ là để bà ta bớt lo lắng, đừng dây dưa ở lại đây nữa mà thôi.
Cuối cùng bà cụ Lý vẫn bị chúng tôi thuyết phục, đồng ý đi cùng âm sai. Trước kia bà ta sống lại được là vì đặt một lá bùa tự tạo vào người mình, lá bùa đó có tác dụng giống ấn tỏa hồn nhưng không phức tạp bằng, ngoài việc giữ hồn phách lại trong cơ thể, thì nó còn dùng để tránh né âm sai.
Tôi thấy bà cụ Lý lấy tấm bùa trên người mình ra và ném vào một bát nước, chỉ trong nháy mắt, cơ thể bà ta ngã xuống, hồn rời khỏi xác. Vì để âm sai mau đến, chú Lê còn đốt một tấm bùa gọi âm sai.
Tất nhiên, lần này chỉ gọi âm sai bình thường đang ở gần đấy đến, chắc chắn là không cao cấp bằng Hắc Bạch Vô Thường rồi. Trước lúc đi, bà cụ Lý còn không quên niệm chú thả hồn phách con trai mình ra, chẳng mấy chốc anh Lý cũng tỉnh lại.
Khi nhìn thấy thi thể của mẹ nằm trên đất, trong lòng anh ta cũng cảm thấy khó chịu, liên tục nói mình bất hiếu, vẫn chưa báo hiếu được cho mẹ. Thực chất, nguyên do trong chuyện này vẫn là vì bà cụ Lý nghĩ sai lệch mà ra, thử nghĩ mà xem, nếu trong khoảng thời gian này, bà ta được ở chung với con cháu, hưởng niềm vui gia đình lúc cuối đời thì không phải sẽ có được một khoảng hồi ức đẹp đẽ sao?
Vài ngày sau, chúng tôi được mời đến dự tang lễ của bà cụ Lý, anh Lý nói vì khi còn sống, mẹ không thân quen với ai cả, mà chúng tôi cũng tạm được coi như có quen biết với bà ấy. Nhưng khi đến lễ tang, chúng tôi phát hiện anh Lý cũng không có nhiều bạn bè, phần lớn đều là đồng nghiệp làm cùng công ty, họ đến chỉ vì nghĩa vụ, không một ai là bạn thân đặc biệt đến để giúp đỡ.
Xem ra tính cách của ông anh này cũng giống bà cụ Lý, nếu không phải cần tiếp xúc với đồng nghiệp trong công việc thì chưa biết chừng cũng chẳng có mấy người này đến đây ấy chứ? Thực lòng mà nói, đôi khi con người sống trên cõi đời này cũng phải có một vài người bạn thân thiết qua lại, nếu không, đến lúc gặp phải chuyện như thế này thì sẽ cảm thấy rất cô đơn.
Thật ra tôi cũng không có tư cách đi nói người khác, vì từ khi làm cái nghề này, tôi cũng dần dần không giữ được những bạn bè lúc trước nữa, bạn bè thân thiết bây giờ đều là những người quen biết sau này.
Sau đó tôi có hỏi chú Lê: “Chú nói xem, chúng ta làm những chuyện này có được tính là tích đức hành thiện không?”
Chú Lê cười gian: “Cứ coi như thế đi, nhưng nếu so sánh với những người thân mang nghiệp chướng như chúng ta, thì những việc này chỉ như muối bỏ bể thôi nhỉ?”
Tôi nghe chú nói thế mà cảm thấy không phục: “Sao cháu lại là thân mang nghiệp chướng được? Cháu cướp vợ người ta à, hay là ném con người ta xuống giếng?”
Chú Lê lắc đầu, nói với tôi: “Nếu cháu làm như thế thật thì không phải thân mang nghiệp chướng nữa, mà là thân mang nghiệp nợ mất rồi! Nghiệp chướng và nghiệp nợ khác nhau về bản chất, nghiệp chướng là tích tụ lại từ mấy đời, không liên quan đến những gì cháu làm trong kiếp này, nếu không cháu nói thử xem, vì sao ông trời lại chọn chúng ta, bắt chúng ta làm cái nghề này chứ?”
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro