Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

NGƯỜI PHỤ NỮ VIỆT NAM TRONG VĂN HỌC

Một buổi chiều tháng ba, gió và lạnh vẫn rít bên ngoài song cửa. Tôi vội lấy chiếc áo khoác mỏng rảo bước trên con đường quen thuộc. Như một thói quen, tôi bâng khuâng lòng khi thấy:
Hoàng hôn ngả dài
Theo dáng đổ liêu xiêu
Người đàn bà nâng niu chút bóng chiều sót lại
Đếm bước chân quen nhạt dần miền nắng trải
Nhặt nỗi cô đơn hoang hoải ngấm men đời.
Bóng dáng người đàn bà loang lổ trong kí ức rồi sống dậy trong tôi như ngọn đuốc cháy sáng giữa đêm giông. Tôi tha thiết nhớ một cô gái người Mèo xinh đẹp trẻ trung, tràn đầy sức sống miền sơn cước, một người đàn bà lam lũ, nhọc nhằn miền biển sóng gió, người đàn bà gầy xơ trong nạn đói 1945 và cả tiếng yêu cháy bỏng của “em” hòa trong sóng biển Diêm Điền mùa hoa lửa, …
Lênh đãng đưa mình vào thế giới văn học, tìm đến người phụ nữ trong trang viết của Tô Hoài, Nguyễn Minh Châu, Kim Lân và tiếng thơ Xuân Quỳnh - bốn tác giả, bốn giai đoạn khác nhau, bốn phong cách nghệ thuật riêng nhưng họ đã gặp nhau tại một giao điểm khi cùng nhắc đến người phụ nữ muôn thuở. Tôi không sao lí giải được khi cả bốn người phụ nữ ấy, hay nói rộng hơn về người phụ nữ trong thơ ca nói chung, họ đều gánh trên vai số kiếp long đong, dập vùi như đại thi hào Nguyễn Du từng nói:
Đau đớn thay phận đàn bà
Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung
Tôi xót xa cho Mị trong “Vợ chồng A Phủ” khi người con gái ấy phải gánh chịu trên lưng kiếp sống của một con vật, dù mang danh con dâu nhà thống lí (con dâu gạt nợ). Sự xuất hiện của Mị luôn song hành với hình ảnh con trâu con ngựa, con rùa lùi lũi… nhưng Mị còn sống không bằng cả con vật. Cô bị nhà thống lí giam hãm tuổi trẻ, cầm tù sức sống trong căn buồng kín mít chỉ hở một lỗ vuông bằng bàn tay - địa ngục trần gian. Một cuộc sống ngột ngạt tù túng, quyền con người bị tước đoạt - đó là hiện thân của xã hội mà kẻ thống trị tự cho mình có quyền giày xéo bất cứ người dân vô tội nào họ muốn.
Không chịu kiếp sống con vật như Mị, người vợ nhặt trong “Vợ nhặt” của Kim Lân lại phải sống lay lắt, vật vờ trong nạn đói khủng khiếp những năm 1945. Cái đói đã làm mất đi vẻ đẹp nữ tính của một cô gái đương tuổi trăng rằm. Quần áo rách tả tơi như tổ đỉa, gương mặt lưỡi cày xám xịt chỉ còn thấy hai con mắt. Và rồi thị trở nên liều lĩnh, thị theo không một người đàn ông xa lạ về làm vợ để có cái ăn. Hoàn cảnh xô đẩy, bản tính người bị che lấp, còn đâu lòng tự trọng và vẻ đẹp nhân cách nữa?
Tê tái lòng khi ta chạm đến người đàn bà hàng chài. Cái đói, cái nghèo của cuộc sống đời thường đã đẩy gia đình mụ từ ấm êm, hòa thuận đến cảnh bạo hành triền miên. Cứ ba ngày một trận nhẹ, năm ngày một trận nặng, mụ cam chịu tất cả, thậm chí như một sự tự nguyện để giải tỏa áp lực cho chồng.
Mỗi người một số phận, hình tượng “em” trong “Sóng” của Xuân Quỳnh lại mang một nỗi đau về tinh thần. “Em” trong tình yêu luôn trăn trở, suy tư, ngẫm nghĩ và luôn khát khao hạnh phúc. Xuân Quỳnh ngay từ tấm bé thiếu vắng tình cảm gia đình, lớn lên trong sự đổ vỡ của tình yêu, chị luôn phập phồng lo lắng:
Cuộc đời tuy dài thế
Năm tháng vẫn đi qua
Như biển kia dẫu rộng
Mây vẫn bay về xa…
Chung quy lại, ở cả bốn tác phẩm, dù ở thời đại nào, không gian nào, hoàn cảnh nào, người phụ nữ vẫn luôn là phái yếu, luôn chịu nhiều thiệt thòi, bất hạnh… Đau đớn là thế nhưng trong họ luôn ẩn dấu một viên ngọc sáng đáng trân trọng!
Nếu như ta đã thấy Mị sống kiếp con vật khi làm dâu gạt nợ nhà Thống lí Pá Tra; thì ta cũng sẽ thấy một cô Mị hiếu thảo, chăm chỉ, yêu tự do qua câu nói “Con nay đã biết cuốc nương, làm ngô, con phải làm nương ngô giả nợ thay cho bố. Bố đừng bán con cho nhà giàu”. Trốn về nhà sau khi bị bắt làm dâu gạt nợ, định tự tử bằng nắm lá ngón nhưng nhìn người cha già yếu, cô không đành lòng để cha một mình gánh vác nợ nần. Thật hiếm thấy một người con gái hiếu thuận như vậy! Chính vẻ đẹp tâm hồn ấy, chứ không phải là nhan sắc rực rỡ khiến “trai đứng nhẵn chân vách đầu buồng Mị”. Hơn thế, bên trong “con rùa lầm lũi ấy” là cả một tâm hồn ham sống, một sức sống tiềm tàng ấp ủ đang đợi mùa xuân. Và mùa xuân đã đến Hồng Ngài, cái đẹp của “mùa tình” xâm lấn tâm hồn Mị tự lúc nào chẳng hay. Ngoài đầu núi tiếng sáo dập dờn vẫy gọi, trong này lòng đầy hơi men. Tất cả đã nâng bước Mị trở về quá khứ tươi đẹp để rồi nhận ra “Mị vẫn còn trẻ, Mị muốn đi chơi”. Sức sống tiềm tàng như đang nhen nhóm, thôi thúc Mị bước đi. Sự thật tàn nhẫn, A Sử siết chặt thân xác Mị bằng thứ roi của núi rừng - một thúng dây đay nhưng dẫu có như thế cũng không cản bước được tâm hồn Mị, Mị vẫn thổn thức. Thời gian cứ đằng đẵng qua đi, ta tưởng rằng sức sống ấy trong Mị đã lụi tắt, nhưng nó vẫn cháy âm ỷ như để đợi một cơn gió thổi bùng lên trong đêm đông giá lạnh để rồi sức mạnh ấy đã  mang Mị đến với tự do, hạnh phúc.
Không đẹp cũng chẳng tài năng nhưng cô vợ nhặt của nhà văn Kim Lân lại lấy được thiện cảm của người đọc bằng chính hành động của mình. Kim Lân tả thị lúc đầu là một cô nàng chao chát chỏng lỏn, vì miếng ăn mà quên mất lòng tự trọng; nhưng càng về sau, ngòi bút của ông lại tràn đầy cảm thông, thương xót. Thị chua ngoa nhưng cũng là một cô gái biết e thẹn khi mới về làm dâu, biết lễ nghĩa khi ra mắt mẹ chồng. Để rồi khi làm dâu, làm vợ, thị dần bộc lộ hết những vẻ đẹp của một người phụ nữ: chăm chỉ giúp mẹ chồng dọn dẹp nhà cửa, cư xử lễ phép và tế nhị…
Sự chuyển biến ở thị đã khiến người đọc ngạc nhiên, thì hẳn sẽ không khỏi sửng sốt khi khám phá ra vẻ đẹp ở người đàn bà hàng chài của Nguyễn Minh Châu. Chưa ở đâu, chưa một tác phẩm văn học nào mà người phụ nữ lại bộc lộ rõ thiên tính nữ như trong “Chiếc thuyền ngoài xa”. Mụ xấu xí, thô kệch, mặt rỗ, tấm lưng áo bạc phếch… khiến người đọc mới làm quen đã thiếu thiện cảm… Nhưng sau dần, vẻ đẹp tâm hồn của một người đàn bà từng trải đã thuyết phục chúng ta. Mụ sâu sắc và vị tha, giàu đức hi sinh. Mụ thấu hiểu nỗi khổ của chồng nên cam chịu bị đánh mà không một lời oán trách ca than. Mụ chăm chỉ tần tảo kéo lưới suốt đêm khiến gương mặt tái nhợt đi, để đàn con được ăn no. Mụ trải đời nên chỉ ra và phân tích cho Phùng và Đẩu thấy những khuất lấp đời thường sau chiến tranh.
Nếu người đàn bà hàng chài sâu sắc và từng trải trong cuộc sống thì “em” trong thơ Xuân Quỳnh lại sâu sắc và thấu hiểu trong tình yêu. “Em” đẹp như sóng và cũng mạnh mẽ như sóng. “Em” “dữ dội” đấy nhưng cũng rất “dịu êm”, đôi lúc “ồn ào” nhưng có những khi thật “lặng lẽ”. “Em” trong thơ Xuân Quỳnh với cảm xúc nồng nàn, cháy bỏng đã ánh lên những phẩm chất cao đẹp: thủy chung: “Dẫu xuôi về phương Bắc/ Dẫu ngược về phương Nam/ Nơi nào em cũng nghĩ/ Hướng về anh một phương”, tin tưởng vào tình yêu “Ở ngoài kia đại dương/ Trăm ngàn con sóng đó/ Con nào chẳng tới bờ/ Dù muôn vời cách trở”, sẵn sàng hi sinh để bất tử hóa tình yêu “Làm sao được tan ra/ Thành trăm con sóng nhỏ/ Giữa biển lớn tình yêu/ Để ngàn năm còn vỗ”…
Miên man, chảy dài khắp một miền văn chương, tôi xót thương vô cùng khi thấy họ đau khổ, nhọc nhằn. Nhưng kì thực số phận bất hạnh không thể che mờ đi vẻ đẹp vốn có của người phụ nữ, nó chỉ được dùng như đòn bẩy khiến vẻ đẹp ấy thêm rực rỡ. Cơn gió lạnh như mỗi lúc một dữ dội, nó khiến tôi giật mình nhận ra, những người phụ nữ trong văn học kia đâu xa lạ, họ ngay bên tôi, rất gần tôi đấy thôi! Như Xuân Quỳnh từng dung dị tỏ bày:
Chúng tôi là những người đàn bà bình thường trên Trái Đất.
Quen với việc nhỏ nhoi bếp núc hàng ngày
Chúng tôi chẳng có tàu ngầm, tên lửa, máy bay
Càng không có hạt nhân nguyên tử
Chúng tôi chỉ có chậu có nồi có lửa
Có tình yêu và có lời ru
Những con cò con vạc từ xưa
Vẫn lặn lội bờ sông bắt tép
Cuộc sống vẫn ngàn đời nối tiếp
Như trăng lên, như hoa nở mỗi ngày...
“Những người đàn bà bình thường trên Trái Đất” sau bao giông gió cuộc đời thật đáng được trân trọng, được yêu thương và hạnh phúc.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro

Tags: #vanhoc