Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

Chương 1: Cuộc Đời Khác, Thế Giới Khác

Note: Bối cảnh không có thật, chỉ là tưởng tượng của tác giả. Chúc mọi người đọc vui vẻ.

+++

Nắng nhạt ở đằng Tây buông dần, chim chiều chao liệng trên bầu trời cao vun vút líu ra líu ríu bay về tổ.

Chợ chiều đã vãn từ lâu ấy thế vẫn còn dăm ba bà xúm nhau ngồi lại trên ụ đất sau đống rơm, chẳng biết nói gì mà mải không ngớt.

Bà Khóm áo đen năm nay đã gần sáu mươi nhưng vẫn còn sung sức lắm, miệng bả liến thoắng suốt cả buổi cứ như sợ lỡ dừng một giây là người ta bỏ đi mất:

"Coi bộ cái số cái thằng Út Thương này cũng bạc lắm. Đường đường con nhà địa chủ có tiếng nhất cái xã này rồi đã sao. Cuối cùng cũng như mấy thằng tá điền nghèo rớt mồng tơi không lấy nổi vợ, giờ chỉ còn nước ngồi đó đợi gả cho người ta."

Bà Sáu ngồi ngay bên cạnh bà Khóm, lắc đầu chề môi:

"Không đợi gả cho người thì con nào chịu nó? Ngơ ngơ ngáo ngáo chỉ biết cắm mặt trên ruộng, ai hỏi han cũng lầm lì không nói. Cả gia tài lớn thế kia lại chẳng hưởng được đồng cắt gì, bị má ghẻ đè đầu ăn trọn rồi còn đâu."

Bà Tí cũng chẳng chịu thua hai bà, mau mắn góp giọng:

"Mà tôi nghe đâu có người trên tỉnh về hỏi cưới Út Thương. Xem chừng phú quý lắm."

Bà Sáu liếc bả một cái:

"Thôi thôi bà ơi đừng có nói linh tinh. Ở trên tỉnh toàn mấy ông mấy bà giàu có, mắc cái giống gì cưới thằng đực rựa về nhà."

Bà Tí không thèm để ý:

"Linh tinh con khỉ mốc. Chuyện này một chín một mười rõ rành rành. Người ta còn đưa sính lễ luôn rồi kìa. Mà nói mấy bà chứ, tôi còn hay tin người cưới Út Thương là con trai ông bá hộ Lương."

Bà Sáu nghe xong trợn mắt:

"Ê bà hổng có xạo à. Nhà bá hộ Lương chớ có phải nhà bình thường đâu mà bà muốn nói cái chi cũng được."

Bà Khóm nghe cũng sợ, bá hộ Lương - cái nhà giàu nức tiếng khắp tỉnh Hà Tiên này, đến cả Tuần phủ quản lý nguyên cái tỉnh Hà Tiên mà còn phải e dè nói chi là vợ của một xã trưởng nhỏ nhoi như bà bép xép:

"Đúng rồi, nói sao cũng được nhưng nói nhà bá hộ cưới vợ dận cho con trai là bà bậy rồi nghen. Của ăn của để nhà đó mấy đời không hết, có thiếu tiền cưới vợ đâu."

Bà Tí tức lắm, không có chứng cớ rõ ràng sao bà khăng khăng vầy được:

"Chuyện này chả phải mới đây cũng chả phải mình ênh tôi nói. Chừng ba, bốn ngày nữa thôi rồi mấy bà coi tôi nói có trúng không."

Bà Sáu thấy bả khẳng định thì đã muốn xuôi theo. Nhưng ngờ vực hẵng còn đấy, bà nhướn mày:

"Tôi nói phải chăng thằng út Thương nó là đờn bà rồi bà kêu nhà bá hộ cưới nó cho con trai làm vợ lẽ thì tôi còn tin."

Bà Tí bực mình, chậc lưỡi:

"Mấy bà không tin tôi cũng mặc kệ mấy bà. Có ngon thì lại nhà thằng Út Thương mà hỏi."

Bà Khóm vội vã can:

"Được rồi hai bà ơi, có vầy thôi mà cũng láo nháo lên. Bà Tí, không phải tụi tôi không tin bà nhưng bà nói thử coi cả cái vùng này có ai không mong làm dâu làm rể nhà bá hộ Lương. Hễ ông bá đã muốn thì đám đờn bà con gái đứng chờ kín cổng, mắc chi lại cưới vợ dận cho con trai.”

Bà Tí bèn nói hết những gì mình biết:

"Mấy bà cứ bài hải, để tôi nói cho mà lắng tai nghe. Bá hộ Lương không phải có đứa con bệnh tật quanh năm, uống thuốc thay cơm còn gì? Cậu Tư nhà đó năm nay cũng ngót nghét mười chín, hai mươi rồi nhưng có ai chịu đếm xỉa đến đâu. Bây giờ chả biết sao ông bá hộ nhớ tới, ổng cho cậu Tư lấy vợ. Mà nghe đâu thầy bói nói số cậu Tư này hẩm hiu, chỉ có thể lấy vợ dận.”

Bà Khóm chợt thở dài:

"Ra vậy, nhưng sao bá hộ lại hỏi cưới nhà Út Thương?"

Bà Tí cầm lấy cái nón lá quạt quạt, trông điệu bộ có vẻ nhàn lắm, chầm chậm nói:

"Ông bá hộ kết thông gia sao chọn nhà nghèo được? Mặc dầu con gái bây giờ quý còn hơn vàng nhưng con trai đâu phải không cần. Tất nhiên mấy nhà có tiền ai lại để con trai mình đi làm vợ người? Gặp mấy bà, dù biết trước sẽ mần xui với bá hộ thì mấy bà chịu để con trai đi lấy chồng không?"

Bà Khóm với Bà Sáu đồng loạt lắc đầu. Thời này, dẫu con gái có quý giá cỡ nào thì con trai vẫn luôn là gia tài là mạng của các ông các bà thôi. Để con trai làm vợ người, sao mà đành.

Bà Tí cười rộ lên:

"Đó thấy chưa? Nhà Út Thương là địa chủ có tiếng ở xã lại chịu gả con trai, quá xứng đôi vừa lứa. Kỳ này cả nhà nó chuột sa hũ gạo rồi."

Bà Sáu hừ lạnh, châm chọc nói:

"Là gạo hay cám còn chưa biết. Cậu Tư đó bệnh tật quanh năm thì làm nên trò trống gì, coi chừng chết trước cả bá hộ. Rồi thằng Út đừng có mong lấy được một xu từ nhà đấy."

Bà Khóm tiếp lời:

"Chuyện sau này khó nói lắm, là phước hay họa chưa biết nhưng trước mắt là mần xui với bá hộ là vinh rồi. Có khối người cầu mà cả cửa nhà người ta còn chưa với tới nữa là."

Bà Khóm vừa dứt câu thì ngay cả bà cũng thấy ghen tị không thôi. Dựa vào cái gì mà con gái bà xinh đẹp như vậy cũng chỉ dám mơ tới cái danh vợ lẽ của cậu Hai hay cậu Ba. Còn cái thằng đực rựa kia đùng một cái nhảy lên chức mợ Tư nhà bá hộ.

Nhưng cứ nghĩ tới cậu Tư nọ ốm đau triền miền không biết sẽ 'đi bán muối' lúc nào thì bà cũng chả thèm ganh nữa. Trước mắt cứ nuôi tốt đứa con gái vàng của mình, mai này sợ gì mà không có dịp trèo cao.

Ba bà nói một hồi lại chuyển sang chuyện cô hai đầu ngõ rồi ông ba đầu đình. Tiếng nói tiếng cười ha hả cứ vậy vang xa, văng vẳng khắp cả vùng.

Do mải mê tám chuyện thiên hạ nên chẳng bà nào nhận ra chàng thiếu niên ngơ ngơ ngáo ngáo 'lỡ chân sa vào hũ gạo' mình vừa nhắc đã đứng sau đống rơm từ bao giờ. Chẳng biết hắn đã ở đây bao lâu và đã nghe ngóng được những gì mà mặt từ xanh xao tới hồng nhạt rồi thoắt cái chuyển thành xanh như tàu lá cũng đủ hiểu.

Hắn nghe hết rồi.

Hắn lắc đầu một cái, vòng qua chỗ ụ rơm đi sang con đường khác, men theo nhánh sông bước về phía trước.

Gió chiều lồng lộng mát rượi, gió thổi trên đồng lúa vàng ươm xa xa tạo nên con sóng dập dìu kéo dài đến bất tận. Ánh hoàng hôn rơi trên rặng tre làng, những cái lá xanh rì tưởng chừng được phủ thêm một lớp vàng óng như khảm ngọc ngà, nặng nề trĩu xuống tóc hắn.

Xa xa, cậu bé chân trần bước trên thảm cỏ, dùng bông lau lùa đàn trâu về chuồng. Tiếng đám con nít chơi đánh trận giả ồn ã nãy giờ cũng nhỏ dần, chúng bắt đầu thấm mệt thế là lũ lượt kéo nhau tụm ba tụm năm quay về.

Nhìn cảnh vật sinh động chuyển qua mắt, hắn bỗng giật mình. Giống như người say chợt tỉnh giấc thế nhưng là tỉnh trong cơn say khác.

Hắn vốn không phải người ở đây. Nói đúng hơn, hắn vốn không phải là người của thế giới này.

Tên của hắn là Nguyễn Nam Thương, là người của thế kỷ hai mươi mốt.

Hình ảnh cuối cùng còn đọng lại trong trí nhớ 'kiếp trước' của hắn chính là trần nhà trắng tinh và mùi nước khử trùng thoang thoảng trên đầu mũi.

Hắn chết vì bệnh ung thư phổi. Hắn không hút thuốc, hắn luôn giữ gìn lối sống lành mạnh nhưng sau cùng lại bị ung thư phổi. Từ lúc phát bệnh cho tới khi nhắm mắt xuôi tay chỉ vỏn vẹn có ba năm, hắn không cam tâm. Hắn ra đi ngay cái tuổi đẹp nhất, một thanh niên hai mươi hai trẻ trung, đầy hoài bão lại chịu cảnh mãi mãi chôn thây trong nền đất lạnh.

Những tưởng cuộc đời sẽ được đặt một dấu chấm tròn trĩnh kết thúc thì hắn lại có thể mở mắt ra một lần nữa.

Hai hôm trước, hắn tỉnh dậy trong bộ dáng thiếu niên nông thôn, đứa con trai út của nhà địa chủ Lê ở xã Đông Đèn, một xã nhỏ thuộc tỉnh Hà Tiên.

Hay gọi là Út Thương.

Lúc ấy hắn nằm trên giường tre với cái mền mỏng tang phủ dưới chân, trong bộ bà ba sờn vải, ngơ ngác tiếp nhận những ký ức mơ hồ về chốn này của Út Thương chính gốc.

Ở đây chẳng khác gì đất nước của hắn vào thế kỷ mười chín, hai mươi. Cũng bộ bà ba đặc trưng của miền Nam, cũng tiếng nói đấy, cũng khung cảnh thôn quê hắn từng thấy trên phim truyền hình nhưng hắn có thể khẳng định, đây không phải là thế giới hắn từng tồn tại.

Nơi này được cai trị và điều hành bởi hệ thống chính sách của nhà Nguyễn, là thời phong kiến còn vua và quan lại. Chỉ khác là đất nước không có chiến tranh, chẳng bị phương Tây dòm ngó xâm lăng, thịnh vượng và bình yên đến nay đã kéo dài suốt mấy trăm năm.

Tuy người Pháp vẫn xuất hiện nhưng họ lại mang theo thiện ý mà đến. Họ xem đất nước phương Đông này là một thị trường tiêu thụ và trao đổi hàng hóa, là bạn hàng tiềm năng chứ không phải một món mồi béo bở, một nước thuộc địa nô lệ.

Thêm một điều đặc biệt ở thế giới này chính là phụ nữ thời bấy giờ đã được tôn trọng. Thời này trai đông gái ít, cứ mỗi ba người con trai thì mới có một cô con gái. Nên nhà nào sinh được con gái cũng giống như có cả kho bạc, quý giá vô cùng.

Thế nên nơi này mới có câu:

"Sinh con gái thưởng gương vàng
Sinh con trai nhường ruộng lúa."

Sính lễ để lấy một người con gái thường rất nhiều, có khi là cả một gia tài. Cho nên những nông dân nghèo chỉ có thể chịu cô đơn đến già còn bằng không thì... cưới vợ dận - cưới con trai nhà khác về làm vợ mình.

Dân gian nơi đây quan niệm đói khổ, xui rủi chính là số mệnh, nên cưới ‘vợ dận’ chính là ‘vợ áp vận’, cưới vợ để đè xuống vận nghèo, vận hạn, tăng thêm phúc cho bản thân.

Vì vậy nếu nhà nghèo không đủ tiền cưới con gái người ta hoặc xui xẻo bệnh tật thì lấy... vợ dận.

Có điều dù nhà Út Thương không nghèo nhưng cuối cùng hắn lại phải gả cho người ta.

Hắn chán chường vừa đi vừa đá hòn sỏi dưới chân.

Nắng chiều hạ mình xuống dòng sông màu phù sa, mặt nước bỗng chốc sáng loáng như gương. Lục bình trôi dạt vào hai bên bờ, lúc chìm lúc nổi giữa mênh mông sóng nước, thoáng cái lại bị gợn sóng xô ra giữa lòng sông, lại tiếp tục lênh đênh trôi về phương xa, không có chốn dừng.

Hắn thấy bản thân mình chẳng khác lục bình là mấy. Kiếp trước gia đình hắn không hạnh phúc, ba mẹ ly hôn sau đó mạnh ai lập gia đình mới, hắn chỉ có một mình. Đến kiếp này thì mẹ cùng anh trai ruột trong một lần đi thăm họ hàng, dọc đường bị lật đò, cả hai đều mất. Rồi ba hắn để vợ lẽ lên làm vợ cả, chèn ép đủ mặt, đến con trai con gái của mụ cũng được đà mà đè đầu đứa con út nhỏ bé là hắn đây.

Nam Thương vò mái tóc dài quá vai cho nó rối tung lên sau đó đi đến cạnh sông nhặt lấy một nhánh cỏ xanh cột tóc lại. Hắn nhìn bóng người mơ hồ trong nước, vẫn hai con mắt nho nhỏ, cái mũi cao cao, cái lúm đồng tiền với cái răng trắng ởn. Vẫn y như đúc gương mặt hồi 'kiếp trước' của hắn, có điều trông trẻ hơn tới tận bốn, năm tuổi.

Đúng rồi ở kiếp này hắn mới có mười bảy tuổi, mười bảy tuổi bẻ gãy sừng trâu, mười bảy tuổi đã đi lấy chồng.

Hai mươi hai năm trước đây hắn không có nổi mảnh tình vắt vai, nói đúng hơn là chưa kịp yêu thì ngỏm. Qua kiếp này của hắn thì vượt trội hơn nhiều, trực tiếp bỏ qua đoạn gặp mặt ngại ngùng, những lời hẹn non hứa biển mà nhảy tới hôn nhân luôn.

Thật cạn lời.

Bất thình lình tiếng ồn ào từ xa vọng tới phá vỡ một phút mặc niệm chuyện tình đời hắn. Tiếng cười lanh lảnh, tiếng nước bì bõm theo đó đồng loạt vang lên. Trong cảnh trời chập tối thế này lại càng tăng thêm phần ghê rợn.

"Nè anh Tư, trời nóng quá, xuống dưới tắm cho mát đó hả? Mát quá kẻo lại bệnh thì nguy nghen."

Nam Thương nghe thoang thoảng giọng ai bỡn cợt thì ngước lên ngóng, nhưng bên ngoài trời tối như mực, chẳng thấy rõ ràng. Thế là hắn bèn đứng dậy, tò mò đi nhanh về phía trước chừng chục bước.

Đằng xa xa có hai bóng người một cao một thấp đứng trên bãi bồi rướn người dòm xuống lòng sông vui vẻ cười hí hửng.

Bên kia, ánh trăng nhàn nhạt soi xuống mặt sông tựa như ngọn đuốc cách xa vạn dặm rọi lại, mờ mờ ảo ảo soi sáng một bóng người nhỏ bé đang ngụp lặn, vẫy vùng giữa biển nước.

Dần dà bóng người nọ thôi vùng vẫy, cả người cứng đờ giống như khúc củi chìm vào lòng sông, mặc cho bóng đêm tựa như cái miệng hùm từ từ nuốt chửng.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro